Jump to content

chieclathuphai

Thành viên
  • Số bài viết

    82
  • Gia nhập

  • Đăng nhập

Bài viết được đăng bởi chieclathuphai


  1. Khoảnh khắc thu Hà Nội

    Trương Hữu Lợi

     

    Hà Nội không còn xa lạ nữa

    Những phố dài ấm áp bước người qua

    Cây cơm nguội thôi không buồn tủi

    Mỗi hoàng hôn chim sáo ríu ran về

    Những cây cầu vắt qua dòng sông Cái

    Sớm thu nay mây trắng níu bồng bềnh

    Tôi bước đi, bước đi lặng lẽ

    Thấy mình thành giàu có giữa trần gian

    Không vướng bận với bạc tiền áo mũ

    Chấm sao xanh nhấp nháy phía chân trời

    Tôi yêu Người - Hà Nội mến thương ơi!


  2. Vầng trăng bỏ quên

    Nguyễn Đức Ngọc

     

    Em nhẹ nhàng bước tới đời tôi

    Rồi vội vã ra đi như vừa đến

    Hành trang cuộc đời,

    Chẳng có gì trao em kỷ niệm

    Chỉ vần thơ vốn đã rất nghèo

     

    Chẳng có vầng trăng xen giữa tình yêu

    Tay trong tay chưa một lần nắm chặt

    Em để lại tôi lửa từ ánh mắt

    Một đôi lần trao vội chỗ đông người.

     

    Cả vầng trăng tôi vẫn mang theo

    Chờ đợi để trao em một nửa

    Mùa thu hoa Lộc vừng thắp lửa

    Chỉ một người ngồi đếm cánh hoa bay

    Nghe chuông chiều rơi xuống Hồ Tây

    Những hoàng hôn, chân trời tím biếc

    Con đường cũ dẫn vào chùa Trấn Quốc

    Cứ tìm hoài không thấy vết chân quen

     

    Em nhẹ nhàng bước tới đời tôi

    Rồi để lại một tình yêu không hẹn

    Để lại cả những gì chưa mang đến

    Một vầng trăng em nhớ hãy mang về.


  3. Tháng tư gõ cửa

    Nguyễn Thành Phong

     

    Bỗng ngỡ ngàng gặp vòm trời hoa xoan

    Tháng tư đến như em không hẹn trước

    Quyển lịch treo lật một trang nắng biếc

    Lấp lánh mầu đôi mắt đang yêu.

     

    Em mới từ Hà Bắc về buổi chiều

    Đêm nhè nhẹ để cho ta đi dạo

    Cây bằng lăng tơ non cuối đường Thợ Nhuộm

    Em gọi tên: Cây lá đỏ của mình.

     

    Cây lá đỏ trong bài hát Trường Sơn

    Em vừa gọi tên lên đã về trong thành phố

    Để lòng anh rạo rực với tháng tư

    Trái tim rung như là mình đang hát.

     

    Sau đêm nay, thanh âm của đất trời nồng nhiệt

    Cây sẽ xanh hơn vốn có của mình

    Tình yêu đã gõ vào cánh cửa Tháng Tư

    Sau khoảng nắng ban mai là ngập tràn mùa hạ...


  4. Hà Nội nhớ

    Lê Vĩnh Tài

     

    Ta đã qua những đêm hoang vu

    Đến bao giờ ngủ bù cho Hà Nội

    Ngủ bù cho đêm nằm tưởng tượng hoa sữa

    Tưởng tượng vì sấu ngâm

    Tưởng tượng em đến sáng còn thèm

     

    Ta đã chui qua vòm Ô Quan Chưởng

    Vác chõng lều qua ngõ Trường Thi

    Hồ Tây tình nhân mà không em ở đó

    Hà Nội nóng ong ong nhắc nhở điều gì

     

    Vẫn thèm yêu hơn là thèm gió Hà Nội

    Ta đi tìm bức tường vôi lở

    Lề đường gạch vỡ

    Phủ rêu.

     

    Gió ôi, ta không hiểu vì sao

    người không thổi lên mái tóc em

    Sợ pha loãng đêm nay

    Đêm bay đi mất

    Đêm lênh đênh bên ngoài khung cửa

    Run lên như một chú mèo

    Thèm một mình leo lên gác nhỏ

    Nhìn theo...


  5. Với Xuân Hà Nội

    Mường Mán

     

     

    Mùa cốm xa rồi hương còn đây

    Sâm cầm về đâu cánh nghiêng trời

    Biếc xanh tà áo em qua ngõ

    Gói cả sông hồ thương nhớ ai.

     

    Heo may về phố cho khăn áo

    Lũ lượt xuống đường đón gió mai

    Em đi về phía xuân đang chớm

    Ta ngẩn ngơ tìm phía nắng phai.

     

    Trễ chuyến giao thừa không về kịp

    Ta hái đóa quỳnh khuya lẻ loi

    Đi từ năm cũ sang năm mới

    Hoa lỡ thì mà người đâu hay.

     

    Hoa đào qua phố rao xuân chín

    Áo đào qua ngõ gọi thầm nhau

    Hà Nội chừng như thôi trở rét

    Đóa quỳnh chợt thức giữa chiêm bao.


  6. Hà Nội - tôi nhìn em lần nữa

    Lê Toàn

     

    Hà Nội tôi, không thể nào quên được,

    Dù ánh nắng chiều vàng phai trên tóc

    Nhớ thành phố với nụ cười cổ kính,

    Như lời gọi mời từ thuở xa xăm…

     

    Hà nội tôi, vẫn về trong niềm nhớ,

    Với Thăng Long dồn dập những ngựa xe

    Bóng ai còn dập dìu khi chiều xuống,

    Mảnh gương soi lấp lánh nước Tây Hồ.

     

    Sẽ nhớ hoài bao hàng cây xanh lá,

    Như tuổi thơ gọi mãi chuyện thần tiên.

    Khi tình yêu dâng đầy trong đôi mắt,

    Má có hồng trong những lúc hẹn hò.

     

    Hà Nội đây, ghi từng trang lịch sử,

    Sừng sững đôi vai lồng lộng trời caọ

    Hà Nội còn mênh mang trên sóng nước,

    Sông Hồng Hà chảy thắm tận nghìn năm.

     

    Hà nội tôi, thoáng nhìn em lần nữa,

    Bằng con tim bàng bạc những mùa xuân

    Ôi mùa xuân, tình yêu sẽ còn mãi

    Thấy bóng vàng son từ độ gió trăng


  7. Hà Nội vắng em

    Tế Hanh

     

    Thế là Hà Nội vắng em

    Anh theo các phố đi tìm ngày qua

    Phố này bên cạnh vườn hoa

    Nhớ khi đón gió, quen mà chưa thân

    Phố này đêm ấy có trăng

    Cùng đi một quãng nói bằng lặng im

    Phố này anh đến tìm em

    Người qua lại tưởng anh tìm bóng cây

    Anh theo các phố đó đây

    Thêm yêu Hà Nội vắng đầy cả em.


  8. Hà Nội

    Trần Đăng Khoa

    (1969)

     

     

    Hà Nội có chong chóng

    Cứ tự quay trong nhà

    Không cần trời nổi gió

    Không cần bạn chạy xa

     

    Hà Nội có nhiều hoa

    Bó từng chùm cẩn thận

    Các chú vào mua hoa

    Tươi cười ra mặt trận

     

    Hà Nội có Hồ Gươm

    Nước xanh như pha mực

    Bên Hồ ngọn ThápBút

    Viết thơ lên trời cao

     

    Hà Nội có nhiều hào

    Bụng súng đầy những đạ

    Và có nhiều búp bê

    Bóng tròn cho các bạn

     

    Hà Nội có tàu điện

    Đi về cứ leng keng

    Người xuống và người lên

    Người nào trông cũng đẹp

     

    Mấy năm giặc bắn phá

    Hà Nội vẫn xanh cây

    Trăng vàng chùa Một Cột

    Phủ Tây Hồ hoa bay...


  9. Hoa Sữa

    Nguyễn Phan Hách

     

    Tuổi 15 em lớn từng ngày

    Một buổi sáng bỗng biến thành thiếu nữ

    Hôm ấy mùa thu anh vẫn nhớ

    Hoa sữa thơm ngây ngất bên hồ

     

    Tình yêu đầu mang hương sắc mùa thu

    Mùi hoa sữa tan trong áo em và mái tóc

    Tình yêu đầu tưởng không gì chia cắt

    Vậy mà tan trong sương gió mong manh

     

    Tại mùa thu, tại em hay tại anh

    Tại sang đông không còn hoa sữa

    Tại siêu hình tại gì không biết nữa

    Tại con bướm vàng có cánh nó bay

     

    Ðau khổ nhiều nhưng éo le thay

    Không phải thời Romeo và Juliette

    Nên chẳng có đứa nào dám chết

    Ðành lòng thôi mỗi đứa một phương

     

    Chỉ mùa thu còn trọn vẹn yêu thương

    Hương hoa sữa cứ trở về mỗi độ

    Hương của tình yêu đầu nhắc nhở

    Có hai người xưa đã yêu nhau…


  10. Đêm Hà Nội, Nhớ gửi sài Gòn

    Bùi Sim Sim

     

    Xa bốn tháng có lâu quá không anh

    Sao em thấy ngày cứ dài đến thế

    Đêm Hà Nội thơm nghẹn lòng hoa sữa

    Ngôi sao em ngân ngấn khóc chân trời

     

    Ngày xa anh em bỗng hóa đơn côi

    Gió cũng chẳng vô tình ngang cửa nữa

    Một chiếc lá rơi cũng làm em nhớ

    Úp mặt lên trăng mới biết trăng gầy

     

    Hà Nội bồng bềnh trôi theo heo may

    Ánh trăng nhắc về một thời mê đắm

    Thơ em xuống dòng

    Buồn nghiêng dấu lặng

    Nỗi nhớ về anh lấp mãi không đầy…

     

    Thu 95


  11. Nhớ mùa thu Hà Nội

    Lê Hải Anh

     

     

    Chủ nhật buồn ngồi lặng ngắm mưa rơi

    Màn mưa bụi bay giăng ngoài khung cửa

    Tiếng ve sầu vẫn đang nức nở

    Khóc cho mùa hè sắp sửa đi qua

     

    Trong cơn mưa càng thấm nỗi nhớ nhà

    Nhớ Hà Nội nhớ mưa trên mái phố

    Nhớ dáng Mẹ nghiêng nghiêng bên bếp lửa

    Nhớ bóng hình ai đang tha thiết chờ ai

     

    Hà Nội giờ, mùa thu đã sang chưa?

    Hương hoa sữa đã vấn vương trên phố

    Và những giọt nắng thu nhỏ mật

    Trải khắp phố phường cùng với lá thu bay

     

    Rồi hương cốm thu cứ nhè nhẹ bay

    Từ đôi tay của cô nàng bán cốm

    Hương cốm ấy đến giờ càng gợi nhớ

    Cứ gợi thầm, nỗi nhớ Hà Nội thương

     

    Mong một ngày trở về bên Mẹ yêu

    Về bên ai một chiều thu nhạt nắng

    Và đến khi hoàng hôn buông xuống

    Hương cốm chiều, hương hoa sữa nhẹ bay

     

    Nhưng hôm nay chỉ mình tôi ngồi đây

    Nhớ Hà Nội, sao mà nhớ lạ!

    Trong nỗi nhớ, tôi nhớ bàn tay Mẹ

    Nhớ tình ai vẫn đang gọi tôi về.


  12. Hà Nội Mùa Này Sấu Chín Chưa Em?

    Lê Giang

     

     

    Hà Nội mùa này sấu chín chưa em?

    Hàng me Sài Gòn đang vào mùa thay lá

    Thoang thoảng vị chua khiến lòng anh nhớ quá

    Nhớ mùa sấu rụng phố Tràng Thi

     

    Nhớ dáng em ngồi, nhớ bước em đi

    Nhớ tiếng em cười, hờn ghen bóng gió

    Yêu em, yêu em vì em là ngọn lửa

    Hơ ấm lòng anh khi tất cả đã xa vời

     

    Tuổi đang yêu chua chát cũng ngọt bùi

    Trái sấu chia đôi tay - và - tay - chấm - muối

    Chỉ có vậy mà lòng anh bối rối

    Ðể bây giờ thèm sấu nhớ tay ai?

     

    Anh muốn tức thì hoá cánh chim bay

    Ra nhặt sấu giữa phố đông Hà Nội

    Cho hai đứa lại xoè tay chấm muối

    Có sao đâu, dù sấu đã trái mùa!...

     

    Hà Nội mùa thu vắng những cơn mưa

    Em hát với Sài Gòn, mưa lâm thâm mái phố

    Thấm vào anh từng hạt thương, hạt nhớ

    Hạt sấu nào chín rụng giữa bàn tay !


  13. Hà Nội Ba mươi sáu phố phường

     

     

    Hà nội ba mươi sáu phố phường,

    Lòng chàng có để một tơ vương.

    Chàng qua chiều ấy qua chiều khác,

    Góp lại đường đi: vạn dặm đường.

     

    Nhà ấy hình như có mặt trời,

    Có rừng có suối có hoa tươi,

    Bao nhiêu chim lạ, bao nhiêu bướm,

    Không, có gì đâu! Có một người.

     

    Chân bước khoan khoan, lòng hỏi lòng:

    - Có nên qua đấy nữa hay không?

    Không nên qua đấy, nên qua đấy?

    Không, nhớ làm sao! qua, mất công.

     

    Chân bước khoan khoan, lòng hỏi lòng:

    -Có nên qua đấy nữa hay không?

    Không nên qua đấy, nên qua đấy?

    Không, nhớ làm sao! qua, mất công.

     

    Có một chiều kia anh chàng si

    Đến đầu phố ấy bỗng ngừng đi,

    - Hai bên hàng phố hình như họ...

    Đi mãi đi hoài có nghĩa chi!

     

    Đem bao hi vọng lúa ra đi,

    Chuốc lấy buồn thương lúc trở về.

    Lòng mỗi lần đi lần bão táp,

    Mỗi lần là một cuộc phân li.

     

    Chàng đau đớn lắm, môi cắn môi,

    Răng cắn vào răng, lời nghẹn lời:

    - Hờ hững làm sao! Mê đắm quá!

    Trời ơi! Cứu vớt lấy tôi, trời!

     

    Chao ơi! Yêu có ông trời cản!

    yêu có ông trời khoá được chân!

    Chàng lại đi về qua phố ấy,

    Mấy mười lần nữa và vân vân.

     

    Chàng đi đi mãi, đi đi mãi,

    Đến một chiều kia, đến một chiều

    Phố ấy đỏ bừng lên: xác pháo.

    yêu là như thế! Thế là yêu!

     

    Hà Nội ba mươi sáu phố phường,

    Lòng chàng đã dứt một tơ vương,

    Chàng qua chiều ấy qua chiều khác,

    - Có một người đi giữa đám tang

     

    Nguyễn Bính


  14. Mùa Thu Hà Nội

     

    Hà Nội bây giờ còn trong nỗi nhớ,

    Những chiều se lạnh bên phố chờ ai,

    Cơn mưa phùn rơi không ngại ướt áo,

    Từng cội me già nhẹ tiếng lao sao.

     

    Mái đình rêu phong muôn đời cổ kính,

    Con đường gạch đỏ ngai bước chân ai.

    Mặt nước hồ Gươm miệt mài soi bóng,

    Những cuộc tình làm gợn sóng lung linh,

     

     

    Từ dạo Thu về phố bỗng hoang vu,

    Héo hắt hồ Gươm khi gió Thu về,

    Hàng me chết lặng khi Thu chợt đến,

    Tàn tạ hao gầy vào độ Thu sang.

     

    Phố xá đìu hiu bầy chim vỡ tổ,

    Soải cánh tìm về một chốn nương thân,

    Kiếp sống tha phương thân phận lưu đầy,

    Giọt lệ âu sầu nghẹn nấc từng đêm.

     

    Hà Nội vẫn chờ cơn gió mùa Xuân,

    Chờ nắng vàng hanh những chiều vào Hạ,

    Chờ cơn se lạnh của những mùa Đông,

    Chờ những con người Hà Nội năm xưa.

     

    Hoàng Thy


  15. Một góc chiều Hà Nội

    Thơ Nguyễn Duy

     

    Hồ gươm xanh màu xanh cổ tích

    Con rùa vàng gửi bóng ở trên mây

    Cây si mọc chúc cành xuống nước

    Thê húc cong cong một nét lông mày

     

    Tóc em dài cho ta nhìn thấy gió

    Áo em bay cho mờ tỏ thân hình

    Em sâu sắc như kinh thành cổ kính

    Gốc si già da mốc ngói rêu xanh

     

    Em nhẹ nhõm đi về trong phố cũ

    Tường nhà lở vôi cửa gỗ bức bàn

    Ta lặn lội như một thằng ăn trộm

    Nơm nớp lo mình bị bắt quả tang

     

    Lần lửa mãi thế là ta lỡ dại

    để dành thành mất cắp cả tình yêu

    Thế là ta mồ côi em mãi mãi

    Cái vu cơ chết đuối dưới sương chiều

     

    Cửa gỗ cài then....bóng em mất hút

    Xe cúp đã thay cho ngựa tía võng điều

    Ta trở lại gốc si già...và làm lại

    Làm thơ tình tặng những lứa đang yêu....


  16. Hà Nội Phố

     

    Chương I

     

    1. Em ơi! Hà Nội phố!

    Ta còn em mùi hoàng lan

    Còn em mùi hoa sữa

    Tiếng giày gọi đường khuya

    Thang gác cọt kẹt thời gian

    Thân gỗ ...

    Ta còn em màu xanh thật đêm

    Ngôi sao lẻ

    Xào xạc chùm cây gió

    Chiếc lá lạc vào căn xép nhỏ

    Lá thư quên địa chỉ

    Quay về

     

     

    2. Ta còn em một gốc cây

    Một cột đèn

    Ai đó chờ ai!

    Tóc cắt ngang

    Xõa bờ vai ...

    Ta còn em ngã ba nao?

    Chiếc khăn quàng tím đỏ

    Khuôn mặt chưa quen

    Bông xôn xao nỗi khổ!

    Góc phố đấy mở đầu

    Trang tình sử!...

     

    3. Ta còn em con đường vắng

    Rì rào cơn lốc nhỏ

    Gót chân ai qua mùa lá đổ?

    Nhà thờ Cửa Bắc,

    Chiều tan lễ,

    Chuông nguyện còn mãi ngân nga

     

    Chương II

     

    6. Ta con em khúc tự tình ca

    Trong bụi cỏ

    Đôi guốc bỏ quên bên ghế đá

    Tiếng ve ra rả mùa hè,

    Còn em đường Cổ Ngư

    La đà,

    Cành phượng vĩ

    Hoàng hôn đến tự bao giờ,

    Nắng chiều phai trên sóng Tây Hồ

    Những bước chân tìm nhau

    Rất vội

    Tiếng thì thầm sớm hôm buổi tối

    Cuộc tình hờ

    Bỗng chốc

    Nghiêm trang...

     

    Chương III

     

    9. Ta còn em đường lượn mái cong

    Ngôi chùa cũ,

    Tháng năm buồn lệch xô ngói âm dương

    Ai đó ngồi bên gốc đa

    Chợt quên ai kia

    Đứng đợi bên đường

     

    Chương IV

     

    Em ơi! Hà Nội phố!

    Ta còn em đám mây in bóng rồng bay

    Cổng đền Quan Thánh

    Cờ đuôi nheo ngũ sắc

    Còn em dẫy bia đá

    Nhân hình hội tụ

    Rêu phong gìn giữ nét tài hoa

    Còn em mãi mãi dáng kiêu sa

    Lặng lẽ theo em về phố ...

     

    11. Ta còn em những ánh sao sa

    Tia hồi quang

    Chớp chớp trên đường

    Toa xe điện cuối ngày

    A'o bành tô cũ nát

    Lanh canh! Lanh canh!

    Tiếng hàng ngày hay hồi âm

    Thưở chiềng khuya!

    Ta còn em ngọt đèn khuya

    Vừng sáng tỏ

    Bà quán mi mê câu chuyện

    Nàng Kiều

    Rượu Làng Vân lúng lính men ngọt

    Mắt cô nàng lúng liếc đong đưa

    Những chàng trai say suốt bốn mùa

     

     

    Chương V

     

    13. Ta còn em cánh cửa sắt

    Lây ngày không mở

    Nhà ai?

    Qua đó.

    Bâng khuân nhớ tuổi học trò

    Còn em giàn thiên lý chết khô

    Cỏ mọc hoang trong vườn vắng

    Còn em tiếng gui ta

    Bập bùng

    Tự sự

    Châm lửa điều thuốc cuối cùng

    Xập xoà

    Kỷ niệm

    Đêm Kinh Kỳ thửơ ấy,

    Xanh lơ ...

     

    17. Ta còn em chiếc là bàng đầu tiên

    Nhuộm đỏ

    Cô gái gặp nắng hanh

    Chợt hồng đôi má

    Cơn mưa nào đi nhanh qua phố

    Một chút xanh hơn

    Trời Hà Nội hôm qua

    Ta còn em cô hàng hoa

    Gánh mùa thu

    Qua cổng chợ

    Những chùm hoa tím

    Ngát

    Mùa thu ...

     

    Chương VI

     

    18. Em ơi! Hà Nội phố!

    Ta còn em một mày xanh thời gian

    Chợt nhoè

    Chợt hiện

    Chợt lung linh ngọn nến

    Chợt mong manh một dáng

    Một hình

     

    20. Ta còn em một phút mê cuồng

    Người nghệ sĩ lang thang hè phố

    Bơ vơ

    Không nhớ nổi con đường

    Ngay trước cổng nhà mẹ cha

    Còn em một chiều sa

    Những câu thơ, những bức tranh

    Đời đời

    Lỡ dở

     

    Chương VII

     

    21. Em ơi! Hà Nội phố!

    Ta còn em những giọt sương

    Nhạt nhoà bóng điệu

    Mặt nước Hồ Gươm

    Một đêm trở lạnh

    Cánh nhan trao nghiêng

    Chiều cuối

    Giã từ ...

     

     

    23. Em ơi! Hà Nội phố!

    Ta còn em cánh tay trần

    Mở cửa

    Mùa xuân trong khung

    Giò phong lan Điệp vàng rực rỡ

    Từng cây khô óng sợi tơ hồng

    Đường phố dài

    Chi chít hồi sinh

    Màu ước vọng in hình

    Màu non lá

    Ta còn em,

    Hà Nội phố, em ơi

    Ta còn em, em ơi Hà Nội phố

     

    Tháng Chạp 1972

    Phan Vũ


  17. Kỳ cuối: Khóc cười cùng cá cảnh

     

    Từ chơi cá cảnh, nhiều người bước vào kinh doanh lớn với nhiều công ty, trang trại chuyên nuôi, mua bán cá cảnh. Nhiều người nhờ cá cảnh trở thành tỉ phú, cất được nhà lầu, mua xe hơi riêng đi "giao dịch" cá.

     

    Một con cá bột king kamfa nhỏ xíu giá vài trăm ngàn đồng, nuôi vài tháng lên đầu thì xem như "trúng số độc đắc" vì có ngay người mua giá vài chục triệu đồng. Cá càng đẹp, quí hiếm thì người nuôi ra giá nào cũng có người đến tận nhà săn lùng, mua cho kỳ được.

     

    Doanh nhân cá cảnh

     

    Anh Nguyễn Phước Hoàng - giám đốc Công ty kinh doanh cá cảnh các loại Phượng Hoàng ở đường Nguyễn Tri Phương,Q.10, TP.HCM - đang sở hữu những "hoa hậu" cá king kamfa và hoàng long quá bối trị giá vài trăm triệu đồng, là người từ tay trắng trở thành tỉ phú.

     

    Trước đây làm đủ nghề mưu sinh, anh Hoàng vẫn đam mê chơi cá cảnh, săn lùng những con cá la hán vài chục ngàn đồng rồi vài trăm ngàn đồng, sau một thời gian nuôi có người trả giá cao gấp vài chục lần. Trúng nhiều "quả” cá từ vài ngàn đến vài chục ngàn USD, dần dần phát triển cơ ngơi thêm, anh Hoàng phất lên từ đó và chuyển sang vừa chơi vừa kinh doanh cá cảnh với tổng vốn đầu tư qui mô cho các cửa hàng, đầu mối, chi nhánh tại các tỉnh, thành lên đến vài tỉ đồng.

     

    Trở thành doanh nhân cá cảnh, anh Hoàng tậu hẳn vài chiếc xe hơi để đi khắp nơi săn cá. Mới đây, doanh nhân cá cảnh này lại gây "sốc" giới chơi cá cảnh khi bỏ vài trăm triệu đồng sang lại cả một hệ thống cửa hàng Thập Bát La Hán chuyên bán cá cảnh và phụ kiện trên đường Minh Phụng (Q.6) của một "đại gia" khác. "Con cá la hán sẽ còn thu hút khách dài dài vì tôi biết thị trường có rất đông người mê loại cá này. Vậy thì mình phải đầu tư trước để đón gió”, anh Hoàng nói.

     

    Dân trong nghề cá cảnh đều biết tiếng "tỉ phú” cá cảnh Bùi Văn Phép, ngụ phường Long Bình (Q.9) với lợi nhuận thu được vài trăm triệu đồng mỗi năm từ nghề nuôi cá cảnh. Nhờ cá cảnh, ông cất nhà lầu cùng với cơ ngơi bạc tỉ. Trước đây gia đình ông Phép nghèo khó, chật vật kiếm sống với mảnh ruộng thường xuyên mất mùa. Bắt đầu từ niềm đam mê cá cảnh, học hỏi kỹ thuật nuôi của dân chơi và kinh doanh cá cảnh, ông Phép đã làm giàu từ chính niềm đam mê của mình.

     

    "Gắn bó với cá cảnh, tôi phát hiện rất đông dân nghiện cá cảnh sẵn sàng chi không tiếc tiền cho một con cá đẹp, cá độc. Nuôi cá cảnh có lượng khách hàng rất lớn trong và ngoài nước. Vậy tại sao mình không biết làm giàu từ cá cảnh?", ông Phép kể. Vậy là sau những năm quyết tâm đầu tư cho cá cảnh, với hơn 16.000m2 mặt nước, ông nuôi hàng triệu con cá giống các loại như la hán, tứ vân, bảy màu, hồng kim, lia thia...

     

    Không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước, ông còn có khách hàng thường xuyên tại Mỹ, Pháp, Đài Loan, Nhật Bản... Ông Phép nhìn nhận nuôi cá cảnh có thể đem lại siêu lợi nhuận, lợi nhuận thu được có thể gấp mười mấy lần vốn bỏ ra ban đầu.

     

    Vỡ nợ vì cá

     

    Nhưng "hội chứng" cá cảnh cũng đang gây ra không ít kết cục buồn cho nhiều người và cả môi trường sống. Những con cá lau kính rồi cá hoàng đế, chim trắng... vốn là những con cá kiểng nay xuất hiện khắp nơi trên sông Sài Gòn, Đồng Nai và miền Tây Nam bộ cũng là câu chuyện bi hài xuất phát từ cá cảnh. Nhiều người chơi cá cảnh một thời gian không còn hứng thú đã thả những con cá này xuống sông, rạch và hậu quả là những con cá lau kính hay còn gọi là cá mặt quỉ đã tấn công các loài cá khác, đe dọa môi trường sinh thái và "tấn công" xé lưới của ngư dân.

     

    Ông Nguyễn Văn Bảy, một người nuôi cá cảnh có kinh nghiệm ở Thạnh Lộc (Q.12), cho biết giống cá có nguồn gốc từ Trung và Nam Mỹ này là một loài cá cảnh được nhập về VN nuôi chung với các loại cá cảnh khác để chúng làm vệ sinh bể nuôi. Trước đây những con cá thuộc dòng "cao cấp" được nhập từ Đài Loan, Singapore, Malaysia... với giá 50-100 USD/con. Sau một thời gian nuôi làm cảnh, nhiều người đã để thất thoát hoặc thả ra sông khi "giải nghệ" thú chơi cá cảnh. Hậu quả là gây ra hiểm họa cá lau kính đang đe dọa môi trường như hiện nay.

     

    Lợi nhuận quá cao cũng khiến nhiều người nhảy vào nuôi cá cảnh với mục đích kinh doanh rồi phá sản, nợ nần tứ giăng, thả các loại cá cảnh xuống sông như muốn giũ mọi nợ nần. Ông Trần Văn Th., nhà ở đường Hà Huy Giáp (Q.12), đang mắc nợ gần 500 triệu đồng chỉ vì cá cảnh. Số tiền trên được ông vay mượn của bạn bè để đầu tư mua các loại cá cảnh đắt tiền cùng với trang thiết bị, xây hồ. Không ngờ cá nuôi chỉ được ba tháng thì chết sạch, vốn liếng bỏ ra xem như mất trắng, ông Th. đi đến cửa hàng bán cá cho mình khiếu nại thì nơi đây phủi tay không nhận trách nhiệm, đổ thừa do ông không biết kỹ thuật nuôi nên cá chết.

     

    "Mình dại mình chịu chứ thưa kiện lằng nhằng không tới đâu, vì quả thật mình cũng không nắm nhiều về kỹ thuật nuôi cá. Đây cũng là bài học kinh nghiệm cho những người nuôi cá cảnh", ông Th. than thở. Để có tiền trả nợ, ông sắp phải bán lại miếng đất sau nhà cho một doanh nhân khác vừa nhảy vào kinh doanh cá cảnh.

     

    Nghệ nhân Tư Chẩy, người có thâm niên mấy chục năm gắn bó với ngành cá cảnh, nhận định nghề nuôi cá cảnh có triển vọng rất lớn. Khi cuộc sống ngày càng phát triển, nhu cầu hưởng thụ, giải trí càng cao, cá cảnh sẽ còn tiếp tục gây sốt trong thời gian tới. "Nhưng dù chơi cá vì đam mê hay nuôi cá với mục đích kinh doanh thì phải tìm hiểu thật kỹ kỹ thuật nuôi. Phải biết chơi rồi mới nuôi chứ nếu chỉ nuôi vội vã, ào ào theo phong trào sẽ thất bại", ông Tư Chẩy nói.

     

    VŨ BÌNH

    Theo: Tuổi Trẻ


  18. Kỳ 6: "Ăn theo" cá cảnh

     

    Ngoài những loại thức ăn viên, đóng hộp, thức ăn khoái khẩu của nhiều loại cá cảnh vẫn là lăng quăng, trùn chỉ, bo bo, rết... Dù nguồn đồ tươi này không nhiều và thuận tiện như thức ăn khô có bán sẵn tại các tiệm, nhưng người chơi cá cảnh vẫn muốn bồi dưỡng cho đàn cá cưng của mình theo đúng khẩu vị nên sẵn sàng bỏ tiền đặt hàng những người chuyên bắt các loại côn trùng này.

     

    Khấm khá nhờ lăng quăng, rết…

     

    Ông Nguyễn Văn Hải - ngụ ở đường Hoài Thanh, P.14, Q.8, TP.HCM - cho biết từ khi phong trào nuôi cá cảnh rộ lên, ông và hai người con trai chỉ chuyên đi bắt lăng quăng cung cấp cho các cửa hàng cá cảnh và người chơi cá. Cứ một bịch lăng quăng cỡ nhỏ được bán với giá 40.000-50.000 đồng, một bịch cỡ lớn đóng gói đàng hoàng bán cho các cửa hàng cá cảnh với giá khoảng 100.000 đồng. "Khách đặt hàng nhiều quá, đi vớt không xuể. Nhiều trại cá sẵn sàng hợp đồng trả tiền trước để mình cung cấp cho trại của họ. Còn dân chơi cá cũng điện thoại hỏi mua liên tục. Bắt được bao nhiêu cũng có nơi tiêu thụ, chỉ sợ không đủ sức và không đủ nguồn lăng quăng để bắt" - ông Hải nói.

     

    Mỗi ngày, từ sáng sớm ba cha con ông "hành quân" đi khắp các khu ao, hồ, kênh rạch có nước tù đọng ở khắp các miệt vùng ven như Q.8, Q.7, Nhà Bè... rồi đổ ra miệt Bình Thạnh, Thủ Đức, Bình Tân, Bình Chánh. Ông Hải cho hay bình quân mỗi tháng ông kiếm được 3-4 triệu đồng; có tháng mưa lăng quăng nhiều, cha con ông kiếm được mỗi người hơn 5 triệu đồng. Nhờ nghề "ăn theo" cá cảnh này mà cha con ông dành dụm cất lại nhà thay cho căn mái tôn xập xệ. Cả khu vực ông ở cũng có mấy chục người chuyên làm nghề như ông Hải.

     

    Bên khu Tân Tạo, Bình Chánh, Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức; P.28, Q.Bình Thạnh... cũng có những xóm có vài chục hộ chuyên đi vớt lăng quăng cung cấp cho dân chơi cá. Nhiều người thấy công việc này làm ăn khấm khá, mở hẳn cả cửa hàng chuyên cung cấp "đặc sản" lăng quăng đóng bịch cho dân nuôi cá cảnh ở khu Âu Cơ, Tân Phú; An Sương, Bà Điểm...

     

    Không chỉ bắt lăng quăng, nhiều người còn đi bắt trùn chỉ, săn rết... bán cho dân nuôi cá. Anh Nguyễn Tiến Hưng - nhà ở đường Quang Trung, Q.Gò Vấp - cho biết nhóm của anh gồm sáu người chuyên đi bắt rết bán cho dân nuôi cá rồng. Nhóm anh thường đi về miệt Củ Chi (TP.HCM), Tây Ninh, Bình Dương... tìm bắt những con rết sống dưới những khúc gỗ mục, khe đá, nhà bỏ hoang...

     

    Một con rết nhỏ là "đặc sản" cho cá rồng ăn tẩm bổ được bán với giá thấp nhất cũng 20.000-30.000 đồng. Hưng kể có một "đại gia" nuôi cá huyết long ở Q.Bình Thạnh đặt mua trọn gói "hàng", có nghĩa là bắt được bao nhiêu mua bấy nhiêu, mỗi tháng chỉ riêng tiền rết mà tay chơi cá này chi ra ngót nghét 3 triệu đồng.

     

    "Tân trang" cá cảnh

     

    Do nhu cầu của dân chơi cá cảnh thường đòi hỏi màu sắc của nhiều loại cá cảnh phải đẹp, lạ với nhiều tông màu độc đáo nên có cầu thì có cung ngay: "tân trang" màu sắc của cá. Khách muốn con cá đĩa, cá tai tượng, cá vàng, cá hỏa tiễn... mang bất kể màu gì thì cần đặt hàng trước một ngày là sẽ có ngay cá màu đó.

     

    Anh Trần Văn Ngọc - từng làm nhân viên kỹ thuật chuyên "tân trang", sửa sắc đẹp, "mông má” cho cá ở một "thẩm mỹ viện" cá cảnh trên đường Trần Hưng Đạo, Q.5 - tiết lộ hiện nay một số cửa hàng cá cảnh và các cửa hàng chuyên bán các phụ kiện, thức ăn cho cá có kiêm luôn dịch vụ "làm đẹp" cho cá.

     

    Tại những "thẩm mỹ viện" cho cá này, người ta sẽ đổi màu cho cá theo đơn đặt hàng bằng nhiều phương pháp. Những con cá cảnh sẽ được vào "phòng thí nghiệm" để các kỹ thuật viên và các "bác sĩ thẩm mỹ” dùng bút lông nhỏ, mực Tàu chuyên dụng với đủ màu sắc pha lẫn nhau. Sau khi tạo nên những gam màu thật lạ, họ sẽ vẽ hoa văn trên vảy của cá đúng với màu sắc và hoa văn theo yêu cầu của khách. Đây là phương pháp thủ công, mất nhiều thời gian và đòi hỏi sự khéo tay của các "bác sĩ thẩm mỹ” cá nên giá cả "tân trang" khá cao, có khi lên đến vài triệu đồng cho mỗi con cá.

     

    Nhiều người chơi cá cảnh chuyên nghiệp vẫn thích "tân trang" cá theo phương pháp thủ công vì màu sắc được tô bằng mực in đậm luôn trên người con cá, chỉ khi nào con cá bong vảy trước khi chết thì mới hiện nguyên hình. Còn phương pháp đổi màu cá bằng những loại thức ăn chuyên dụng để cá tự biến đổi gen rồi đổi màu nhập từ Trung Quốc, Malaysia, Indonesia... không được ưa chuộng bằng, mặc dù cá cảnh sau khi biến đổi gen và thay đổi màu sắc nhìn rất đẹp.

     

    Giá các loại thức ăn đặc biệt này khá cao, lại thuộc loại hàng hiếm, và quan trọng là cá được "tân trang" theo phương pháp này không thể có những hoa văn, màu sắc "độc" như vẽ bằng tay được. Anh Ngọc cho biết: "Quan trọng là những thức ăn này không tốt cho sức khỏe của cá và phải duy trì cho cá ăn thường xuyên. Trong quá trình cho ăn, chăm sóc, chỉ một sơ suất nhỏ là cá có thể bị bong vảy rồi chết".

     

    VŨ BÌNH

    Theo: Tuổi Trẻ


  19. Kỳ 5: "Ôsin" cho cá

     

    Anh Nguyễn Thành Đô - kiến trúc sư, nhà ở đường Hà Huy Giáp, phường Thạnh Lộc, quận 12, TP.HCM - cho hay gần ba năm đam mê chơi cá cảnh, thời gian anh dành để chăm sóc cá tính ra nhiều hơn tất cả các công việc khác.

     

    "Nuôi cá, tôi đã trở thành ôsin cho các chú cá cưng của mình. Ngày nào tôi cũng phải dành 4-5 giờ để lo lắng cho chúng. Ngày ngày phải mua thịt bò, sáng ra phải dậy sớm để băm thịt bò cho cá ăn, lo cho cá xong mới đi làm. Nhiều khi trên đường đi làm về mà cứ nơm nớp lo nghĩ bầy cá ở nhà không biết ra sao, còn sốt ruột hơn cả gặp vợ mình!" - anh Đô kể.

     

    Thao thức vì cá

     

    Nuôi cá, tôi đã trở thành ôsin cho các chú cá cưng của mình. Ngày nào tôi cũng phải dành 4-5 giờ để lo lắng cho chúng

     

    Anh Đô nói cá cảnh rất dễ "nhức đầu, sổ mũi", thường hay bị "sự cố" mỗi khi trái gió trở trời hoặc trở bệnh chỉ vì một sơ suất nhỏ của người chăm sóc. Lắm khi chỉ một đêm ngủ dậy, những con cá đã chết nổi lềnh bềnh trên mặt nước, chỉ còn biết ngồi thừ ra, não nuột.

     

    Anh Đô bảo trước khi nuôi cá cảnh, anh đã theo một lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi và đặc tính từng loại cá với sự hướng dẫn của những nghệ nhân chuyên cá cảnh. Vậy mà khi vào cuộc, dù đã chăm sóc cá như trứng mỏng, sự cố vẫn xảy ra liên tục. Lắm khi con cá đang khỏe lại giở chứng bỏ ăn, hay đang bơi tung tăng lại lờ đờ đứng yên một chỗ làm anh cũng bỏ ăn theo.

     

    Anh Đô kể: "Nửa đêm đang ngủ, giật mình sực nhớ chưa thay nguồn nước, lại bật dậy ra hồ cá thay nước, bật hệ thống sưởi ấm cho cá. Vợ tôi lắm lúc bực mình bảo tôi không được bình thường, tự dưng hành hạ mình đi làm "người ở" cho mấy con cá”. Cậu con trai của anh cũng giống cha "nghiện" nuôi cá cảnh, tuần nào cũng xin mấy chục ngàn đồng mua cá bảy màu và thức ăn cho chúng. Mới rồi, phát hiện cậu con trai bỏ học thêm để đi "săn" cá lạ, anh mắng thì nó mếu máo: "Chứ ba cũng toàn lo cá cảnh có ngó ngàng gì đến con đâu".

     

    Ông Lê Văn Hữu, "tín đồ” của cá rồng, nhà ở đường Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh, TP.HCM, cũng từng xin nghỉ hai ngày phép chỉ để thao thức ngày đêm chăm sóc bốn chú huyết long bị bệnh. Kết quả là sau khi mấy chú cá thân yêu khỏi bệnh, ông cũng sụt mất gần 4kg, chưa kể số tiền gần 10 triệu đồng ông vay mượn của bạn bè để trị bệnh cho cá. Chủ nhật hằng tuần, ông Hữu vẫn chạy xe về tận miệt Tây Ninh để mua rết làm thức ăn cho mấy con cá của mình. Ông Hữu nói đâu phải riêng gì ông, trước cổng cơ quan ông, cánh xe ôm cũng mê chơi cá đĩa không kém. Có người bỏ cả cữ chạy xe đêm, nhiều ông bỏ thói quen làm vài xị thư giãn mỗi chiều chỉ để về lo cho cá cảnh.

     

    Tốn nhiều công sức, lắm khi cực khổ thật nhưng ông Hữu bảo thú vị nhất vẫn là ngồi hàng giờ nhìn đàn cá bơi lội để chiêm nghiệm những triết lý trong cuộc đời. Mỗi bể cá giống như một xã hội thu nhỏ vậy. Nhìn đàn cá bơi ngược xuôi mà tìm một hướng đi giữa xuôi ngược của mình.

     

    Thuê người giúp việc cho cá

     

    Khổ tâm với cá nhất lại chính là giới "đại gia". "Săn" được những "hoa hậu" cá đã khó, để nuôi dưỡng, chăm sóc những con cá bạc triệu này lại càng khó hơn vì chỉ sơ sẩy, cá chết là xem như số tiền cả chục ngàn USD trôi theo cá. Nhưng đối với giới "đại gia", cá chết, mất tiền chưa phải là vấn đề quan trọng mà điều làm họ suy sụp nhất chính là cái hậu của nó.

     

    Ông Nguyễn Đức Nguyên, một "đại gia" kinh doanh ôtô ở quận 5, TP.HCM, từng khóc ròng vì bốn con cá hoàng đế la hán trị giá gần 200 triệu đồng bị chết chỉ trong một đêm vì nguồn nước nhiễm bẩn.

     

    Ông nói: "Vài trăm triệu đồng kiếm lại không khó, nhưng điều làm tôi lo lắng nhất là dân chơi cá đều tin rằng những con cá đem lại may mắn, thuận lợi theo phong thủy như cá rồng, cá la hán... mà chết là điềm rất xui, báo trước chủ nhân nó sẽ gặp những điều không hay trong những ngày sắp tới"! Nhiều người chơi cá kể rằng cách nay gần hai năm, một "đại gia" ngành ngân hàng và bất động sản nuôi bốn con cá rồng đều bị chết một lượt.

     

    Sau đó "đại gia" này bị phá sản, vỡ nợ và đang có nguy cơ vướng vào vòng lao lý. Chuyện mấy con cá rồng bị chết có thể chẳng liên quan gì đến việc rủi may của chủ nhân nó sau này, nhưng với nhiều dân chơi cá thì lại khá tin và đồn thổi thêm về sự linh thiêng của loài cá này, từ đó phải dồn sức lực và tiền bạc để chăm sóc cá.

     

    Hầu hết các cửa hàng bán cá cảnh lớn hiện nay ở TP.HCM như Phượng Hoàng, Hồng Anh, Tân Đại Dương, Tư Chẩy... đều có một đội ngũ nhân viên chuyên làm nhiệm vụ vệ sinh, thay nước dọn dẹp hồ, chữa trị các chứng bệnh cho cá khi khách hàng yêu cầu. Nhiều trang web cũng được thiết lập để tư vấn, cung cấp các dịch vụ này như: www.phuonghoang-lahan.com.vn, www.kingarowana.com.vn...

     

    Các "đại gia" thường chi một số tiền để nhân viên các cửa hàng này tư vấn, chăm sóc định kỳ cho những con cá yêu của mình. Chơi nổi hơn, để chăm sóc cá cưng, ông T.H.M., chủ hệ thống năm khách sạn tại TP.HCM, đã thuê hẳn một "ôsin" về nhà với mức lương 3 triệu đồng/tháng, bao ăn ở chỉ để chuyên chăm sóc, "ăn, ngủ” cùng ba "hoa hậu" cá la hán và cá rồng trị giá gần 300 triệu đồng của ông. Ngoài ra, định kỳ mỗi tuần, ông này còn thuê hẳn một bác sĩ chuyên về cá người Malaysia đến khám bệnh, tư vấn kỹ thuật nuôi cho đàn cá của ông với chi phí không dưới 50 USD mỗi lần.

     

    VŨ BÌNH

    Theo: Tuổi Trẻ


  20. Kỳ 4: Đi máy bay săn cá lạ!

     

    Nhiều người chơi cá cảnh đều thừa nhận cá cảnh nước mặn rẻ hơn rất nhiều so với cá nước ngọt, chỉ cần bỏ ra vài triệu đồng là có thể sở hữu những mỹ ngư tuyệt đẹp như cá hoàng đế, cá nàng đào, cá mặt khỉ môi son... đến từ vùng biển Nha Trang (Khánh Hòa) hoặc Phú Quý (Bình Thuận) Phú Quốc (Kiên Giang) hoặc cao cấp hơn là nhập từ Singapore và Indonesia.

     

    Tuy nhiên, kỹ thuật, công sức và cả tiền bạc để đầu tư một bể cá, một thủy cung mini và duy trì việc nuôi cá biển lâu dài có khi tính ra còn cao hơn cả nuôi những "hoa hậu" cá nước ngọt trị giá vài chục ngàn USD. Do vậy trước đây cá cảnh nước mặn rất kén người chơi, nhưng gần đây giới "đại gia" chơi cá chuyển sang chơi cá biển khá nhiều vì sự độc đáo và không đụng hàng của thú chơi này.

     

    Thủy cung trăm ngàn đô!

     

    Ông Đặng Ngọc Long, chủ hệ thống cửa hàng cung cấp cá cảnh biển và thiết kế, thi công các loại hồ cá cảnh nước mặn Tân Đại Dương ở TP.HCM, cho biết thời gian gần đây số lượng người chơi cá biển và đặt ông làm các thủy cung, bể cá qui mô ngày một nhiều.

     

    Ông Long là một đầu mối cung cấp cá biển từ Khánh Hòa, Bình Thuận… và nhập cá từ các nước Đông Nam Á. Ông hiện đang sở hữu những mỹ ngư nổi tiếng nhất như các dòng hoàng đế, cá hoàng hậu, cá mỹ nhân, cá nàng đào... với giá mỗi con "tuyển" cao nhất khoảng vài triệu đồng. "So với cá nước ngọt, tiền mua cá nước mặn không cao. Nhưng cá nước mặn rất dễ chết, có khi chỉ một, hai tuần là cá chết sạch, lại phải bỏ tiền ra mua cá mới. Đặc biệt chi phí làm hồ nuôi rất quan trọng và tốn kém. Một bể cá đẹp có thể đắt gấp 3-4 lần hồ cá nước ngọt, thời gian và cách thức chăm sóc vô cùng công phu" - ông Long nói.

     

    Đầu tư cho một bể cá nước mặn rất tốn kém. Người chơi cá biển thuộc loại tầm tầm trước tiên cũng phải bỏ ra 15-20 triệu đồng cho một cái hồ cỡ 1,5m. Ông Trần Nguyên Thái, dân chơi cá biển gần một năm nay ở đường Trần Huy Liệu (Q.Phú Nhuận), nói chi phí đầu tư ban đầu gần 30 triệu đồng, nhưng tháng nào cũng phải chi vài triệu đồng bổ sung cho bể cá, chủ yếu là tiền mua cá mới thay cho cá chết, mua các con vật kiểng bỏ vào hồ cho đẹp như tôm, cua... và tiền thức ăn, duy trì máy lạnh, máy bơm, điện. Tính ra có khi phải mất gần cả năm trời, nắm được nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật thì cá mới ít chết.

     

    Sở hữu những hồ cá càng đắt tiền, càng lớn, càng lạ, nhiều màu sắc và đúng theo phong thủy đang là mốt của nhiều "đại gia" chơi cá nước mặn. Ông Long nói nhiều người đặt ông làm những bể cá trị giá vài chục đến cả trăm triệu đồng là chuyện bình thường. Trước đây, dân chơi cá biển từng kháo nhau về một cái hồ dài 5m, cao 2m và rộng 3m của một "đại gia" kinh doanh vật liệu xây dựng ở quận 5 trị giá gần 200 triệu đồng. Nhưng xem ra bể cá độc quyền này cũng chưa thấm vào đâu so với những thủy cung mini của nhiều dân chơi cá ở khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng trị giá gần bốn, năm trăm triệu đồng.

     

    Những thủy cung này được thả cả trăm loại cá mà chỉ riêng chi phí duy trì hệ thống máy lạnh, máy sưởi, điện, nước, nhân công chăm sóc hằng tháng cũng lên đến gần 10 triệu đồng. Mới đây, ông T.H.N., một "đại gia" kinh doanh bất động sản ở Hà Nội, đã gây "sốc" cho giới chơi cá cảnh nước biển khi mua hẳn một miếng đất cả ngàn mét vuông cạnh biệt thự của mình để xây khu thủy cung đồ sộ thả các loại cá cảnh biển.

     

    Ông này thuê các chuyên gia thiết kế bể cá nước mặn của Indonesia bay sang VN thi công thủy cung. Nghe đâu tổng chi phí làm thủy cung, thuê chuyên gia và bảo dưỡng thủy cung của "đại gia" này lên đến cả trăm ngàn USD.

     

    Thú chơi cao cấp

    Cứ định kỳ một vài tháng, nguồn nước biển trong hồ phải được thay mới. Hiện nay tại các cửa hàng bán cá cảnh biển có cung cấp loại nước biển nhân tạo được sản xuất từ Trung Quốc để làm nguồn nước nuôi cá cho dân chơi cá biển, nhưng nước biển thiên nhiên vẫn được xem là nguồn nước tốt nhất để nuôi cá. Nguồn nước này được các xe bồn chở về từ các vùng biển Khánh Hòa, Vũng Tàu, Bình Thuận..., vào Sài Gòn được chia nhỏ thành từng khối để cung cấp cho các thủy cung, bể cá theo đơn đặt hàng.

     

    Ông Nguyễn Văn Hoa, chủ hệ thống cửa hàng mua bán ôtô ở quận 5 và quận 11 (TP.HCM), một "tín đồ” của thú chơi cá cảnh biển, cho biết ngoài nguồn cá được đưa về tại các cửa hàng cá cảnh, hầu như ba tháng một lần ông phải sắp xếp thời gian đi máy bay ra Khánh Hòa để "săn" những con cá biển lạ, độc đáo vừa được dân lặn biển bắt lên. "Cá được dân lặn biển bắt rồi bán lại nuôi lâu chết hơn là cá bị đánh thuốc, do đó lặn lội ra Nha Trang mua yên tâm hơn" - ông Hoa bảo vậy.

     

    Chỉ cần nghe dân lặn bắt cá cảnh ở Nha Trang gọi điện báo có những con cá mới là ngay lập tức tay chơi cá này bay ra tận nơi để mua cho kỳ được. Lắm khi một chuyến đi mua vài con cá cảnh nước mặn lạ với giá chưa đến 1 triệu đồng nhưng chi phí đi lại bằng máy bay của ông tốn gấp 3-4 lần. Ông Hoa kể tháng trước nghe thông tin ở vùng biển Hạ Long có những con cá biển "độc", ông mua vé máy bay ra Hà Nội rồi thuê taxi về Quảng Ninh chỉ để mua ba con cá lạ trị giá 800.000 đồng. Nhưng khi về đến TP.HCM thì hai con bị chết.

     

    "Chơi cá biển là một thú chơi cao cấp, tỉ lệ may rủi rất cao. Có khi chỉ vài ngày là cá chết sạch, xem như mất hết tiền. Nhưng đã chơi rồi là nghiện, vài tuần mà không ra các cửa hàng cá tìm giống cá mới là lại thấy nhớ", ông Hoa bảo vậy.

     

    Ông Đặng Ngọc Long nói chơi cá biển khác cá nước ngọt ở chỗ hầu như tất cả khách hàng cứ vài ngày là lại quay lại cửa hàng của ông để hỏi thăm về giống cá mới trong nước và ngoài nước. "Tốn kém bao nhiêu tiền cũng được, nuôi thời gian ngắn cũng không sao, quan trọng là phải có giống cá lạ và mới. Dân chơi cá biển là vậy", ông Long nhận định.

     

    VŨ BÌNH

    Theo: Tuổi Trẻ


  21. Kỳ 3: Bí mật "hoa hậu" cá

     

    Một "đại gia" kinh doanh nhà hàng ở quận 1, TP.HCM không muốn nêu tên đang rất tự hào vì sở hữu bốn con cá huyết long và hơn chục con king kamfa, thuộc dòng cá la hán, tổng trị giá bộ sưu tập "hoa hậu" cá lên đến gần cả trăm ngàn USD.

     

    Ông cho biết: "Một con cá cảnh đẹp, hàng "độc" hiện nay có thể được bán với giá vài chục ngàn, thậm chí cả trăm ngàn USD là chuyện bình thường".

     

    Những con cá triệu đô

     

    Trước đây, dân chơi cá rỉ tai nhau về chuyện một "đại gia" ở Hà Nội từng sở hữu con cá hạc đỉnh hồng được bán với giá 1 triệu USD. Sau đó, "đại gia" này đã sang nhượng "hoa hậu" cá này cho một doanh nhân Hong Kong là đối tác làm ăn với giá 1,2 triệu USD. Sự thật không biết ra sao bởi vì các "đại gia" chơi cá cảnh thường rất ít khi tiết lộ về những con cá "độc" của mình với tất cả mọi người, ngoại trừ dân trong giới "đại gia" với nhau. Còn những đầu mối nhập, cung cấp cá cho các "đại gia" cũng có cam kết ngầm là không bao giờ nói rõ trị giá của con cá nếu không được họ đồng ý. Đối với họ, một con cá cảnh thuộc hàng "độc" hiện nay có thể tương đương với gia tài của cả một đời người là chuyện không có gì lạ.

     

    Ba loại cá cảnh chủ yếu đang được dân chơi cá "có máu mặt" yêu chuộng hiện nay là cá la hán, cá rồng và cá dĩa. Khoảng hơn ba năm trước, cá la hán, cá thần tài xuất hiện ở thị trường trong nước và lập tức gây ra một cơn "sốt" lôi cuốn người ta ùn ùn thi nhau nuôi với hi vọng rước tài, rước lộc vào nhà. Người ta đổ xô nuôi cá la hán nhiều đến độ theo ước tính của các dân trong nghề, tại TP.HCM có vài chục ngàn người nuôi và số cửa hàng kinh doanh cá la hán lên đến hơn 1.000 gian hàng.

     

    Một người làm nghề xuất bản sách vội chớp lấy thời cơ "nhảy vào" làm tập sách hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá la hán, xuất bản mỗi tháng hai kỳ. Số lượng phát hành hơn 20.000 bản mỗi số, rải khắp các điểm bán cá cảnh, không ngờ "cháy" sách. Ở phường 14, quận 8 có tình trạng nhiều người nuôi cá la hán đến mức khu vực nuôi cá tại đây được gọi là "cù lao cá la hán" với gần 3.000 hộ nuôi cá cảnh. Nghệ nhân Tư Chẩy, người đầu tiên gây giống thành công con cá la hán tại VN với tên gọi kim cương phúc lộc thọ, trở nên nổi tiếng khắp cả nước. Một con kim cương phúc lộc thọ loại xuất sắc của ông được bán với giá thấp nhất cũng 4.000-5.000 USD.

     

    Anh Nguyễn Phước Hoàng, dân chơi cá cảnh và cũng là giám đốc Công ty TNHH cá cảnh Phượng Hoàng, là một trong những đầu mối cung cấp các loại cá cảnh qui mô ở TP.HCM. Anh đã từng gây xôn xao khi bỏ ra gần 200 triệu đồng để mua lại một "hoa hậu" cá king kamfa, một dòng cá la hán, vừa đoạt giải đặc biệt tại cuộc thi cá cảnh do một tay chơi cá ở Cần Thơ sở hữu.

     

    Để săn lùng, thuyết phục được người chủ của "hoa hậu" cá này đồng ý sang nhượng lại cho mình con cá được mệnh danh là cá hoàng đế trong dòng cá la hán, anh Hoàng phải bỏ công đi lại hơn tháng trời và cuối cùng đã âm thầm "thỉnh" con cá từ Cần Thơ về

     

    TP. HCM trong đêm tối. Ngay sau đó, anh Hoàng lại tiếp tục săn lùng, mua lại "á hậu" cá la hán của một nghệ nhân tại TP.HCM với số tiền 120 triệu đồng. "Động lực chính vẫn là xuất phát từ niềm đam mê cá cảnh thôi. Việc kinh doanh lợi nhuận ra sao chưa tính tới, nhưng cứ nghĩ đến việc sở hữu được một "hoa hậu" cá đã là niềm hạnh phúc và hãnh diện rồi. Chưa biết lời lỗ thế nào nhưng cứ phải mua cho được cái đã” - anh Hoàng nói.

     

    Sang Singapore rước "hoa hậu"

     

    Anh Hoàng cho biết con cá king kamfa được giới "đại gia" ưa chuộng vì tin tưởng vào tính phong thủy với cái đầu cá to như các vị la hán có châu sáng, chữ rõ, vây kỳ đẹp, bản ngắn sẽ đem lại hạnh phúc trong gia đình và thành đạt trong kinh doanh, quyền chức. Đặc biệt là trên thân hình của con cá có dấu đôla ($$) thì giá đắt cỡ nào các "đại gia" cũng săn cho kỳ được.

     

    Ngay như "hoa hậu" cá của anh cũng đã từng được một "đại gia" khác nài nỉ mua lại với giá 300 triệu đồng hoặc đổi ngang một chiếc xe hơi bốn chỗ đời mới nhưng anh không đồng ý. "Nhiều người chi tiền mua con cá chỉ 3.000 - 4.000 USD nhưng nuôi vài tháng bỗng dưng thân hình con cá hiện lên những hoa văn rõ nét dòng chữ phúc - lộc - thọ thì ngay lập tức có người đến mua lại với giá cả chục ngàn USD là chuyện thường", anh Hoàng kể.

     

    Sau một thời gian gây sóng gió với thị trường cá cảnh, cơn "sốt" chơi cá la hán có phần lắng xuống vì vụ "lùm xùm" giữa dân bán cá và dân chơi cá do đầu cá không lên gù. Gù cá được cho là tượng trưng cho uy thế, vẻ đẹp, tài lộc và may mắn, một khi đã không lên gù thì xem như không còn giá trị. Một số dân chơi cá chuyển sang chơi cá rồng, cá dĩa.

     

    Một con cá dĩa bạch tạng mới lớn giá trên 1 triệu đồng. Anh Hoàng Mạnh Long - chủ hệ thống cửa hàng cá cảnh Hồng Anh tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Biên Hòa - cho hay con cá rồng đắt tiền nhất mà anh từng "săn" giùm cho một "đại gia" ở Cần Thơ là con kim long quá bối đầu vàng trị giá 18.000 USD. "Đại gia" này đã sẵn sàng bao mọi chi phí cho anh đi Singapore để mua giùm ông ta "hoa hậu" cá đó rước về VN. Đây có thể được xem là một trong những "hoa hậu" cá rồng đắt tiền nhất được nhập về VN.

     

    Anh Long kể có nhiều "đại gia" đến cửa hàng không chút đắn đo, sẵn sàng móc túi chi ra 7.000-8.000 USD để sở hữu những con huyết long đẹp. Có những dân chơi cá sẵn sàng lo chi phí vé máy bay, tiền ăn ở, đi lại cho anh qua Singapore để "săn" cho được những con cá đẹp, lạ cho họ. Bao nhiêu tiền cũng chấp nhận nhưng không được "đụng hàng".

     

    VŨ BÌNH

    Theo: Tuổi Trẻ


  22. Kỳ 2: Săn lùng cá rồng

     

    Mới ngoài 30 nhưng Hiệp đã "bén duyên" với cá rồng hơn 10 năm. Hiện Hiệp đang sở hữu hai con hồng long và quá bối thuộc hàng quí hiếm đất Hà thành, có giá đến chục ngàn USD.

     

    Nhiều người nói rằng do quá mê cá rồng mà Hiệp đã chiết âm từ tên khoa học của loài cá vua này là arowana để đặt cho hiệu cà phê của mình ở số 101 Đặng Văn Ngữ, Đống Đa, Hà Nội: cà phê Awa. Đây cũng là tụ điểm sinh hoạt của Hội Cá rồng Hà Nội từ khi thành lập đến nay, đã gần tròn hai năm. Hội có 50 thành viên, mỗi người đều sở hữu ít nhất một con cá rồng, giá chót cũng đến vài nghìn USD. Điều đặc biệt là tất cả thành viên đều có tuổi đời rất trẻ.

     

    Hội "cá vua"

     

    Nguyễn Hữu Phát, 25 tuổi, một trong những thành viên của Hội Cá rồng Hà Nội, kể: "Năm 17 tuổi tôi đã mê mẩn cá rồng đến nỗi phải nhịn ăn sáng, nhịn tiêu xài để dành được hơn 5 triệu đồng mua một con arowana bằng ngón tay. Hồi ấy số tiền đó lớn lắm - dư mua một lượng vàng - vì tôi cứ nghĩ nó là con kim long hồng vĩ. Thật ra đó chỉ là con thanh long vây đỏ, thấp hơn con kim long hồng vĩ đến ba bậc. Buồn quá tôi đành sang lại con cá ấy cho người khác, lỗ đứt 4 triệu đồng". Từ kinh nghiệm "xương máu" đó, Phát đã lên mạng, mua sách tìm hiểu cặn kẽ về loài "cá vua". Cách nay hai năm, vừa tốt nghiệp đại học, Phát thuê nhà để mở cửa hiệu kinh doanh cá rồng ở 498 Hoàng Hoa Thám, Q.Tây Hồ. Ban ngày Phát luôn bận rộn với việc chăm sóc cá, tư vấn cho khách hàng. Ban đêm Phát lại luẩn quẩn quanh mấy cái bể, ngắm cá đến khuya. "Nhiều lúc tôi dành thời gian cho cá nhiều hơn cho vợ khiến cô ấy phải hờn: Thôi, anh làm phòng riêng ngủ với cá rồng luôn đi" - Phát tâm sự.

     

    Cũng vì mê cá rồng mà anh Đỗ Minh, phó chủ tịch Hội Cá rồng Hà Nội, đã chi ra bạc tỉ để có thể chiêm ngưỡng "cá vua" mọi nơi, mọi lúc. Trong căn nhà ba tầng khá hoành tráng ở đường Phương Mai, Q.Đống Đa, ở mỗi tầng Minh đều bố trí 1-2 bể để thả cá rồng. Mặc dù đã sở hữu tám chú cá rồng thuộc dòng quí nhất, nhưng mới đây anh Minh còn tự mày mò, thiết kế một bể cá dài hơn 4m, ngang 1,8m, cao 1,2m, với đầy đủ hệ thống lọc, chiếu sáng, sưởi ấm. Anh cho biết chỉ riêng cái bể này anh đã tiêu tốn hơn nửa tỉ đồng. Làm bể xong, anh sẽ sang những trại cá danh tiếng nhất ở Singapore để rước về một con hồng long cho đủ bộ sưu tập cá rồng!

     

    Chính những người trẻ mê cá rồng này đã đứng ra tổ chức cuộc thi cá rồng quốc tế qua ảnh và clip đầu tiên ở Việt Nam. Anh Phạm Tiến Dũng - chủ tịch Hội Cá rồng Hà Nội, trưởng ban tổ chức cuộc thi - cho biết: "Với mục tiêu học tập, giao lưu và thưởng lãm, cuộc thi mở rộng thành phần tham dự cả ngoài nước và đã mời được những thành viên ban giám khảo là người chuyên nghiên cứu về cá rồng có uy tín quốc tế. Ngày 15-6 tới hội sẽ tổng kết và trao giải thưởng".

     

    Chuyện ly kỳ về "linh vật"

     

    Ông Thái Thịnh, chủ một cửa hàng kinh doanh cá kiểng thuộc loại lớn và lâu năm ở Hà Nội, cho biết: "Cá rồng có cặp râu dài, vảy màu sáng rực, lại bơi lượn với dáng vẻ mềm mại nhưng uy nghi nên được nhiều người chơi cá kiểng xem là hiện thân của rồng, của sự may mắn, tài - lộc. Và người ta đã dám bỏ ra hàng chục, thậm chí đến hàng trăm triệu đồng để sở hữu những con cá rồng cũng bởi niềm tin đó”. Ông Thịnh cũng nói mấy năm trước, số người chơi cá rồng ở Hà Nội chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng bây giờ không ít người thuộc giới trẻ thành đạt và giới thương gia xem cá rồng như là "thần hộ mệnh", là "linh vật" mang lại may mắn trong kinh doanh.

     

    Vốn là một kỹ sư chuyên ngành thông tin-điện tử, ông Thịnh đã bỏ "nghề tay mặt" nhảy ra kinh doanh cá kiểng gần 30 năm qua. Ông nói mình không mê tín, nhưng suốt 23 năm qua, con kim long hồng vĩ luôn mang lại cho ông sự may mắn. Mỗi khi gia đình ông có chuyện gì buồn bực hay không may, cá đều "báo hiệu" trước bằng cách bỏ ăn hoặc bơi nghiêng. Ngay cả việc ông đem cá ra triển lãm tại Hội chợ Giảng Võ hồi năm ngoái cũng khiến nó biếng ăn hơn nửa tháng!

     

    Từ hai tay trắng, bây giờ ông đã tậu được ôtô và mở thêm một cửa hàng ở phố Đông Quan, Cầu Giấy cũng nhờ có con cá may mắn ấy. Con cá này được ông Thịnh nhập từ Singapore về từ khi chỉ bằng điếu thuốc lá, nhưng bây giờ nó đã dài hơn 0,7m, nặng cỡ 7-8kg. Dân chơi cá rồng Hà thành bảo nhau rằng đây là "cụ” cá có tuổi thọ cao nhất ở Hà Nội hiện thời. Có người đã ra giá 280 triệu đồng để sở hữu nó nhưng ông Thịnh dứt khoát: "Giá nào tôi cũng không bán".

     

    Và cũng chính ông Thịnh đã đặt ra một thông lệ đặc biệt mà ai cũng vui vẻ thực hiện: mỗi khi bán cá rồng cho ai, ông đều chọn ngày tốt mới giao và mách khách hàng làm một cái lễ rước cá, xem như kết nạp một thành viên mới cho gia đình!

     

    Chưa rõ thực hư thế nào, nhưng mọi người cứ rỉ tai nhau những chuyện khá ly kỳ về con cá "hộ mệnh" này. Bác sĩ Tạ Kim Qui ở phố Kim Mã kể rằng trước đây gia đình bà nuôi một cặp ngân long, khi chồng bà bị bệnh nằm liệt giường suốt hai tháng, cả cặp cá cũng tự dưng bỏ ăn suốt hai tháng. Rất quí cặp cá nhưng trước sự trùng hợp ngẫu nhiên trên, bà đã phải bấm bụng mang cặp cá ra sông Hồng phóng sinh. Thả cá đi rồi, bà lại thấy trong người bất an nên lại bỏ ra 30 triệu đồng để "rước" một con hồng long bé như cái bật lửa gas về "trấn" trong nhà. Từ khi có cá, bệnh hay đau đầu của bà cũng khỏi hẳn! Còn anh Thanh, anh Tài- những chủ doanh nghiệp trẻ ở Hà Nội - tin rằng nhờ nuôi "linh vật" mà họ đã "làm ăn ra trò”, chỉ sau mấy tháng rước cá về đã sắm được chiếc Lexus láng coóng!

     

    TẤN ĐỨC

    Nguồn: Tuổi Trẻ


  23. Khóc cười cùng cá cảnh

     

    Kỳ 1: "Trăm hoa đua nở"

     

     

    Người ta có thể bỏ ra vài chục ngàn đồng cho đến vài chục ngàn USD hoặc cả một gia tài của đời người chỉ để săn lùng, sở hữu cho kỳ được một con cá cảnh vừa ý. Họ cũng sẵn sàng bỏ thời gian, tiền bạc để đầu tư lo lắng chú cá cảnh của mình như chăm sóc... con mọn.

     

    Chơi cá cảnh đang trở thành một phong trào thời thượng, niềm đam mê đối với nhiều người, từ giới "đại gia" cho đến giới bình dân với lắm chuyện bi, hài và những bí mật bất ngờ phía sau thú chơi tao nhã này.

     

    Từ sáng sớm đến chiều tối, con đường Lưu Xuân Tín (quận 5) và Lý Chính Thắng - Nguyễn Thông (quận 3, TP.HCM) - những "phố cá cảnh" nổi tiếng ở Sài Gòn - lúc nào cũng đông đảo, nhộn nhịp cảnh săn lùng mua bán cá và những phụ kiện đi kèm. Dân chơi cá cảnh từng nói vui rằng có đi ra các đường phố mua bán cá cảnh ở Sài Gòn mới thấy ở những nơi này "nóng" không kém gì "phố chứng khoán" thời đang phát đạt.

     

    "Sốt" cá cảnh

     

    "Mỗi ngày, dù bận công việc thế nào tôi cũng phải dành ít nhất 3-4 giờ để chăm sóc hồ cá và ngắm nhìn đàn cá tung tăng bơi lội. Nhìn cá bơi, tự dưng mình thấy giảm hẳn stress, những âu lo, bực dọc trong cuộc sống hằng ngày. Nhiều khi lo chăm sóc cá mà quên cả… cô vợ mới cưới" - Nguyễn Minh Hùng, kỹ sư tin học, nhà ở đường Nguyễn Oanh, quận Gò Vấp, nói vậy.

     

    Anh Nguyễn Phước Hoàng, chủ hệ thống cửa hàng cá cảnh Phượng Hoàng tại TP.HCM, kể từng có những trường hợp các "đại gia" giàu sụ nài nỉ xin thọ giáo một anh chạy xe ôm chỉ để học những bí quyết chăm sóc cá. Cũng có trường hợp một cậu bé 10 tuổi lại sở hữu con cá la hán "độc" trị giá đến hơn 50 triệu đồng mà dân chơi cá lớn tuổi phải tâm phục khẩu phục đến học tập kinh nghiệm. Tại "làng cá cảnh" la hán ở P.14, Q.8, từng có một người chạy xe ôm mua con cá la hán chỉ vài trăm ngàn đồng, sau vài tháng nuôi đã bán lại cho một "đại gia" với giá gần 50 triệu đồng. Thông tin này càng khiến dân chơi cá cảnh được động viên và háo hức.

     

    Nếu như cách nay vài năm, các cửa hàng mua, bán cá cảnh lớn ở TP.HCM có thể đếm trên đầu ngón tay thì hiện nay đang trăm hoa đua nở. "Chưa bao giờ người ta đổ xô chơi cá cảnh nhiều như lúc này. Cơn "sốt" nuôi cá cảnh bắt đầu cách nay hơn ba năm khi phong trào nuôi cá la hán nở rộ", anh Hoàng nhận định. Vào thời cực thịnh của cá la hán trên thị trường, tại cơ sở cá kiểng của nghệ nhân Tư Chẩy, ở P.14, Q.8, TP.HCM (là người cho lai tạo, sinh sản thành công con cá kim cương phúc lộc thọ, loại cá la hán trong nước đầu tiên), hằng ngày có đến mấy trăm người xếp hàng chờ đến lượt mình mua cá.

     

    Phục vụ nhu cầu chơi cá đa dạng của nhiều giới, cá cảnh hiện nay có đến cả trăm loại, từ cao cấp đến bình dân. Dân trung lưu trở lên thì chơi cá la hán, cá đĩa, cá rồng…, mỗi con có thể trị giá vài ngàn USD là chuyện bình thường. Bình dân hơn thì có cá ba đuôi đầu lân, ông tiên, hạc đĩnh hồng, sặc gấm, bạc phụng, kim sơn… chỉ có vài chục ngàn đồng. Nhiều "đại gia" ở Phú Mỹ Hưng chơi cá cảnh nước mặn, tuy có con cá chỉ vài trăm ngàn đồng nhưng tiền chi làm các thủy cung mini tại nhà lên đến vài trăm triệu đồng. Chỉ riêng tiền duy trì, bảo dưỡng, mua nước biển nuôi con cá cưng cũng tốn gần chục triệu đồng mỗi tháng.

     

    Giá thật, giá ảo

    Người ta kháo nhau rằng có người đang làm ăn thất bát mua một con cá la hán về thì chuyện làm ăn phất lên trông thấy. Cũng có người nuôi cá la hán lưng gù vài tháng thì bỗng dưng được lên chức. Lại có ông mua con cá rồng được mấy ngày thì trúng một xấp vé số độc đắc vài tỉ đồng… Thực hư chưa có ai kiểm chứng, nhưng tin đồn thổi về việc nuôi cá cảnh gặp nhiều may mắn, xua đuổi những điều xúi quẩy trong gia đình đã khiến ngày càng có nhiều người ùn ùn rủ nhau nuôi cá cảnh.

     

    Cá cảnh không chỉ là vật nuôi thưởng ngoạn trong nhà mà thời gian gần đây còn trở thành món quà biếu đầy giá trị của một số nhân viên muốn lấy lòng "sếp". Một chủ cửa hàng cá cảnh khá có tiếng ở khu An Sương, quận 12, cho biết dịp Tết Nguyên đán vừa qua, khá nhiều khách đến đặt hàng những con cá rồng trị giá 3.000-4.000 USD để biếu cấp trên. Có trường hợp một nhóm nhân viên sáu người cùng phòng góp lại mỗi người 500 USD để mua trọn gói vừa cá lẫn chậu kiếng, phụ kiện kèm để biếu một trưởng phòng vốn cũng mê cá cảnh.

     

    Giới chơi cá thường kháo nhau rất nhanh về những con cá trị giá vài ngàn đến vài chục ngàn USD mà "đại gia" này, tay VIP kia đang sở hữu. Nhưng theo ông Tư Chẩy, thật ra rất khó định giá chính xác một con cá cảnh đang được ai đó sở hữu nếu chưa được chuyển nhượng, vì "người nào cũng muốn nâng giá trị con cá của mình nên tung ra giá ảo, dù không bán hoặc có bán cũng chưa chắc đã có người mua".

     

    Ngay đến trường hợp có con cá la hán từng được bán với giá 80 triệu đồng cho một "đại gia" nhưng khi bán lại trị giá chỉ chưa đến phân nửa. "Con cá đẹp, quí ngoài những tiêu chuẩn cơ bản còn phụ thuộc rất nhiều vào thị hiếu, "gu" của người chơi và mua nên có thể với người này sẵn sàng bỏ vài chục triệu ra mua nhưng người khác lại lắc đầu", ông Tư Chẩy nói.

     

    Đối với nhiều "đại gia" chơi cá cảnh hiện nay, cá càng "độc", càng lạ, càng hiếm thì sẵn sàng bỏ tiền mua để sở hữu cho kỳ được. Do vậy, giới kinh doanh cá cảnh hằng ngày tung lực lượng đi lùng sục khắp các "lò” cá, tìm cá "độc" để sang nhượng lại. Giá cả được đồn thổi theo, thực ảo khó lường.

     

    VŨ BÌNH

    Nguồn: Tuổi Trẻ


  24. 1. DƯA CẢI CHUA

    caichua.jpg

     

    - 1 kg cải

    - vài tép hành lá (tác dụng làm thơm và vàng dưa)

    - 1 bụm tay đường (tác dụng lên men chua)

    - 1 bụm tay muối

     

    Cách làm:

    Dưa mua về, tách từng lá, rửa sạch nhiều nước, xắt nhỏ.

    Hành lá xắt ngắn 5 cm.

    Cho muối và đường vào thau nước âm ấm, khuấy đều, rồi ém cải và hành lá vào. Lấy cái dĩa úp trên mặt dưa, nhận dưa chìm xuống nước.

    Đậy kín. Sau hai ngày là ăn được.

    Chừng nào ăn hết, làm đợt mới thì chừa một tô nước dưa cũ trộn chung vào (vẫn cho thêm muối, đường, hành lá). Sau một ngày là ăn được, rất chua nhưng không thơm bằng lần đầu. Đợt dưa kế tiếp thì làm hoàn toàn mới. Không dùng nước dưa cũ, vì dưa sẽ khú, ăn không ngon.

     

     

    2. CÀ PHÁO

     

    duacaphao.jpg

     

    - 1 kg cà cái sắn (khi mua thử bằng cách cho quả cà vào miệng cắn thấy dòn và không đắng là được).

    - 1 củ tỏi giã nát

    - 1 bụm tay muối

     

    Cách làm:

    Cà mua về gọt bỏ cuống và chỗ bị sâu, rửa sạch.

    Bỏ chung tỏi, muối, và cà vào một cái thau, xóc đều.

    Để đó chừng một tiếng đồng hồ sau thì đổ nước âm ấm vào. Lấy cái dĩa úp trên mặt cà, nhận cà chìm xuống nước. Đậy kín. Sau hai ngày là ăn được.

    Đợt cà kế tiếp có thể dùng lại một chút nước cà cũ cho cà mau chua, nhưng sẽ có váng (lên meo). Sau 1 ngày là ăn được. Đợt cà kế tiếp thì làm hoàn toàn mới, không dùng nước cà cũ.

     

     

     

    3. DƯA CẦN BẮP CẢI

    - hai bó rau cần

    - 1 kg bắp cải

    - một nắm rau răm

    - vài tép tỏi giã nát

    - 1 bụm tay muối

    - 1 bụm tay đường

     

    Cách làm:

    Rau cần rửa sạch nhiều nước, xắt khúc bằng ngón tay.

    Bắp cải xắt nhuyễn, rửa thật sạch.

    Rau răm rửa sạch, ngắt lấy lá.

    Trộn chung ba thứ ấy với nhau.

    Lấy thau, cho vào nước, tỏi giã, muối, đường. Khuấy tan, rồi cho hỗn hợp rau cần, bắp cải, rau răm vào. Lấy cái dĩa úp trên mặt dưa, nhận dưa chìm xuống nước. Đậy kín. Sau hai ngày là ăn được.

    Đợt dưa kế tiếp có thể dùng lại một chút nước dưa cũ. Sau 1 ngày là ăn được. Đợt dưa kế tiếp thì làm hoàn toàn mới, không dùng nước dưa cũ.

     

     

    4. DƯA CỦ HÀNH

    - 2 kg hành củ

    - nửa chén giấm

    - nửa chén đường

    - 1/4 chén muối

     

    Cách làm

    Cho 1 chén muối vào thau nước, bỏ vào một cục phèn chua, khuấy đều. Cho hành nguyên cả vỏ vào thau, ngâm. Sau một tiếng đồng hồ vớt cục phèn chua ra. Đậy kín thau và ngâm hành trong 2 ngày.

    Sau hai ngày thì làm sạch hành: gọt bỏ vỏ, rửa sạch, để ráo nước.

    Trong khi đó thì làm nước trộn.

    Cho giấm, đường, muối, nước vào một cái nồi (chừng nửa nồi nước). Đặt nó trên bếp lửa và khuấy tan. Chừng nào hỗn hợp sôi thì nhắc xuống, để nguội.

    Cho củ hành vào keo. Rồi đổ hỗn hợp (nước đường muối) đó vào ngập củ hành. Lấy miếng ni-lông sạch (hay cái chén nhỏ) ấn trên mặt củ hành cho nó chìm xuống nước. Đậy kín keo hành.

    Sau 10 ngày là ăn được.

     

     

     

    5. DƯA CỦ CẢI TRẮNG

     

    navet.jpg

     

    - 3kg củ cải trắng

    - 2 muỗng canh nước tương

    - 1 giá đường (khoảng nửa chén)

    - 1muỗng bột ngột

    Cách làm:

    Củ cải cắt bỏ đầu cuống và các râu. Không gọt vỏ. Rửa sạch. Xắt thành khúc 5 phân. Mỗi khúc chẻ làm 4.

    Ướp củ cải với muối. Sau hai tiếng đồng hồ thì vắt thật ráo nước và rải thưa trên mâm rồi phơi nắng (phơi hai đợt nắng cho khô nước).

    Cho củ cải đã phơi khô vào keo.

    Cho muối, đường, bột ngọt, nước tương vào nửa nồi nước. Đặt trên bếp khuấy đều cho sôi, thì nhắc xuống, để nguội. Sau đó đổ nước vào keo.

    Sau 2 ngày là ăn được.

     

     

    6. DƯA CHUA ĂN LIỀN

     

    duachua.jpg

     

    - 1 quả dưa leo (gọt sơ vỏ, bỏ ruột, xắt lát xiên)

    - 1 củ cải trắng (gọt bỏ vỏ, xắt lát mỏng hoặc xắt sợi)

    - 1 củ cà rốt (gọt bỏ vỏ, xắt sợi)

    - 1 củ hành tây (xắt lát mỏng)

    - 1 giá giấm (nếu không có giấm thì dùng 2 quả chanh)

    - 1 muỗng canh đường

    - 2 quả ớt (hoặc ít hơn nếu không ăn cay được)

    - 2 muỗng cà phê muối

    - 2 muỗng cà phê bột ngọt

    - vài tép tỏi

     

    Cách làm:

    Dưa leo, hành tây, cà rốt, củ cải trộn đều cho vào tô hay keo hũ.

    Giã tỏi, đường, ớt, muối, rồi cho vào tô nước có giấm, khuấy tan. Sau đó đổ hỗn hợp vào keo (có dưa leo, hành tây, cà rốt, củ cải). Bỏ thêm vài trái ớt nguyên cho đẹp mắt. Ngâm độ 1 tiếng đồng hồ là đủ chua, ăn được. Tất nhiên ăn với cơm dĩa, cơm tấm, cơm sườn, v.v...

     

     

    7. DƯA KIỆU

    - 1 kg kiệu Huế làm sạch (có loại làm sẵn bán ở chợ)

    - nửa kg đường

    - cục phèn chua (bằng 1 lóng tay)

    - 1 muỗng cà phê muối

    - một củ tỏi lột vỏ

     

    Cách làm:

    Kiệu rửa sạch rồi ngâm vào nước với cục phèn và 1 bụm tay muối. Chừng một tiếng, vớt cục phèn ra. Đem thau kiệu có nước này phơi nắng 1 ngày.

    Sau đó sả sạch, rải kiệu trên mâm và phơi nắng 1 ngày.

    Đem kiệu ướp đường và 1 muỗng cà phê muối với tỏi lột.

    Ướp 2 tiếng rồi cho vào keo và đổ giấm vào.

    Sau 10 ngày ăn được. Có thể ăn dần suốt năm mà không hư.

     

     

    8. DƯA GIÁ

    - 1 kg giá cọng mập ngắn.

    - vài cọng hẹ (tuỳ ý) cắt khúc bằng cọng giá

    - 1 củ cà rốt, xắt sợi ngắn bằng cọng giá

    - chừng một đốt ngón tay củ gừng, xắt sợi (không giã nát vì nó sẽ làm đục nước).

    - chút xíu phèn chua (chừng 1 đốt ngón tay út)

    - 1 muỗng cà phê muối

    - 3 muỗng cà phê đường

    - một chén nước dưa kiệu và một ít củ kiệu chẻ nhỏ. (Nếu không có thì thay thế bằng nửa chén giấm).

     

    Cách làm:

    Giá rửa sạch, nhặt bỏ các vỏ đậu xanh còn bám vào giá. Cho cục phèn vào thau nước và khuấy tan, rồi ngâm giá và cà rốt xắt sợi vào. Chừng 15 phút, vớt ra rổ cho ráo nước. Đổ nước sạch (không cần nấu chín) vào trong thau, cho muối vào đường vào, khuấy tan. Rồi cho giá, cà rốt, gừng, hẹ, nước dưa kiệu và một ít củ kiệu chẻ nhỏ vào trong thau, sâm sấp mặt nước. Nếu thiếu nước thì đổ thêm nước sạch vào. Lấy cái dĩa bàn đè trên mặt giá cho nó chìm xuống nước. Đậy kín thau, hôm sau là ăn được.

    (Có thể dùng cái keo lớn để chứa, thay vì thau. Nhưng trên mặt giá thì lấy cái dĩa nhỏ hơn miệng keo dằn xuống giá xuống. Cũng có thể lấy miếng nhựa sạch dằn nó xuống.)

     

    Nguồn: Chân trời tím

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This is an example of a list.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

×
×
  • Create New...