Jump to content

nguoibuongio

Thành viên
  • Số bài viết

    2.537
  • Gia nhập

  • Đăng nhập

  • Nổi bật trong ngày

    318

Mọi thứ được đăng bởi nguoibuongio

  1. Rất cảm ơn đã dành cho sự quan tâm. Bạn Nguyên Mai cứ tự nhiên hành xử, chỉ xin giữ lại ba ký tự ĐCĐ dưới bài viết của mình. Chúc đầu tuần đầy năng lực cho công việc và sáng tạo.
  2. HÃY CÁM ƠN MẸ NHÉ EM Xưa Người từng xoa đầu thằng bé ấy Bây giờ chàng trai vuốt mái tóc em Người đã nuôi lớn núm ruột mình bằng câu ru dịu êm Nên hôm ngõ lời môi chàng trai nõn thơm mùi sữa Và em sẽ được thêm một bà mẹ nữa Ngày chúng ta nên vợ nên chồng Hãy cám ơn với tấc dạ đáy lòng Hạnh phúc Người hằng ban tặng Mẹ giao hết cho em tháng năm mình thầm lặng Một nửa trái tim cùng cung bậc vui buồn Đi qua cuộc đời qua nắng dội mưa tuôn Dẫu sướng khổ, em hãy tin mình may mắn ĐCĐ
  3. QUÀ TẶNG MẸ Biết mẹ vất vả cả đời Tôi nguyện bớt đi phần hạnh phúc riêng mình Mong người có lúc nhàn hạ thảnh thơi Hôm mẹ nằm bệnh Tôi ước gì được giảm phân nửa tuổi thọ Để người sống mãi cùng đất trời Và, như bao bà mẹ khác trên thế gian này Người đã khước từ hai món quà tặng ấy của tôi ĐCĐ
  4. CHẲNG PHẢI THƠ ĐÂU (2) Tôi viết câu thơ rất khéo về mẹ Em hát những bài thật hay về mẹ Trong thơ có tóc bạc da mồi Ca từ ròng ròng tần tảo giọt mồ hôi Mỗi Vu lan ta lại làm thơ như vậy Hát xướng như vậy Khóc lóc như vậy Chân dung mẹ dần cũng mòn đi Lời ăn năn trong thi ca chẳng thể hiếu thảo thêm gì Giai điệu dành cho mẫu thân, còn chăng, dăm nốt lặng Thử một lần đừng sắm sanh chi hoa hồng hoa trắng Lòng mẹ vốn bao la như biển thái bình* Mà hãy cùng thức dưới nếp nhà tuổi tác một đêm Chăm chỉ lắng nghe người cà kê về những điều vụn vặt Về giá cả cọng hành, trái ớt Chằm lại mái tôn cho chỗ khuya nằm bớt dột Hoặc, sáng nay đổ giúp mẹ chiếc thùng rác đầy... chẳng hạn ĐCĐ *câu hát trong bài "Lòng Mẹ" của cố nhạc sĩ Y Vân.
  5. LỜI GIÃ TỪ CỦA TIA SÁNG Mẹ cóp nhặt lá cành bao mùa buồn đau Xây trong tim mình chiếc tổ Nơi những tia sáng bị thương tìm về hội tụ Lành lặn mỗi ngày bên vòng tay tình yêu Giá mãi thiên thu được nằm giữa êm ái mỹ miều Mặc vực đời ngoài kia chênh vênh nghiệt ngã Thử thách này ai là người chưa trả giá Bay đến bầu trời tự do chúng con lại phải nói chia ly Biết mẹ sẽ nhớ thương nhưng hãy để chúng con đi … ĐCĐ
  6. MÙA THU CHẾT* Có một cơn mưa vừa mới qua đời Xác thân phế tàn rải về muôn nơi Có cô gái dưới hiên trưa vuốt tóc Cho tôi một mình dự đám ma tôi Thêm một mùa hè như đang phai phôi Tìm đâu ra xưa tím ngát chân trời Em giấu mắt em vào hoa thạch thảo Cho tôi xuôi cánh hải âu rã rời Có một nụ cười chừng đang hấp hối Trên vành trăng nghiêng khát đến môi khô Tôi rước về đây bầy chim nông nổi Cầu khúc độ kinh trước những hoang mồ Thêm một buổi chiều dành phố lang thang Ước nguyện mà chi vàng vẫn lá vàng Em nếu ghé ngang tiếng đàn cũ kỷ Chít lên giùm thu một rẻo khăn tang ĐCĐ *tên một bài hát của Phạm Duy phỏng theo bài thơ L'Adieu của Guillaume Apollinaire
  7. EM THU Anh rót đầy mùa thu Cái nồng hè tháng bảy Em ngồi xa đến vậy Lấy gì bù trời xanh Em mong manh thời gian Hơn trăm vàng bông cúc Đập mê man vòm ngực Trái tim mình trưa nay Khéo chớ thả tóc dài Mà anh thương tóc ngắn Thu đâu đây gần lắm Những lá giòn rơi rơi Anh gửi dấu chân côi Dọc con đường thấp thỏm Có nụ mầm chớm lớn Em hiểu đấy, cỏ thôi Xin đáp tạ một người Biết thương mùa dạo ấy Thôi, trả về tháng bảy Tháng tám rồi em. Thu ĐCĐ
  8. CHẲNG PHẢI THƠ ĐÂU (1) Anh không biết mình đang căm ghét thấu xương kẻ nào đó Hoặc đang nghiến răng hậm hực bởi điều gì Sự bất công ngồi chồm hổm trước mắt mỗi ngày Hoặc giả anh chẳng còn đủ nước bọt nhổ toẹt vào chính mặt mình Vì cứ để mặc cho đám ký sinh sinh sôi nảy nở Lũ giòi bọ đang ung dung mở tiệc trên lưng những mảnh đời tóp teo, thống khổ Vẫn biết nếu anh không đứng lên lúc này Ngăn chặn tức thì một sai trái Anh đương nhiên trở thành tên đồng minh của phường vô lại Buồn thay, sự chọn lựa duy nhất của anh Im lặng Im l Im I … ĐCĐ
  9. LỪNG KHỪNG BỐN KHỔ bầu trời lớn so lòng anh bé nhỏ chưa yêu em mà dạ đã đong đầy hôm trót dại nhốt linh tinh hoa cỏ trái đất buồn mây khép áo quên bay mặt đất rộng trái tim anh hạn hẹp gió thổi qua rớt mấy hạt từ bi anh vun xới thành khu vườn rất đẹp quà tặng em ngày đủ tuổi xuân thì dòng sông thẳm thuở bàn tay quá ngắn ngón cần cù đêm gõ lấy trang thơ thơ ái tình dĩ nhiên tràn mưa, nắng thường để dành đọc lúc thiếu bơ vơ biển mặn vậy khéo đời mình ngọt, nhạt con dã tràng se cát đợi hừng đông anh căng lên tấm buồm hồn rách nát ra khơi này đánh bắt được gì không? ĐCĐ
  10. THƠ CỦA ĐÁ MÀ LỜI CỦA LÁ Anh hốt nắm tro sót lại sau chuỗi tiếng chim Thơ của đá mà lời của lá Thả rơi rắc trên thi hài cơn mưa đã mệt nhoài lòng tin Thơ của đá mà lời của lá Nói đi em, dẫu mai chúng mình không còn nữa Đôi môi thơm cổ tích Đôi mắt cổ tích Ngày thi ca nghẹn ngào, theo khói, bay đi Anh đói lả giữa tiệc tùng ê hề chữ nghĩa Những câu cú lạc loài như đám trẻ Vần điệu loạng choạng bước chân người già Hớn hở với chiếc bong bóng sặc sỡ Hoặc, cõng tuổi tác trên tấm lưng còng về bãi tha ma Thơ của đá mà lời của lá Âm thanh ca dao nghe cũng lạ Diễn tấu trên kỹ thuật hợp kim Trong buổi họp ngái ngủ thông tin Những thi nhân mũ cao áo rộng Thơ được mùa như nấm Chúng mình trúng độc cùng mưa Chợt thèm làm sao trơ trọi giọng gà trưa Thơ của đá mà lời của đá … ĐCĐ
  11. Thank huynh đệ Công Hải đọc bài và có lới động viên tốt lành. Vẫn thường xuyên chờ bài của CH. Chúc một đầu tuần vui vẻ cùng công việc và thi ca.
  12. DƯỜNG NHƯ Dường như mỗi chúng ta đều chẳng thật Chỉ lửa kia, và nước nữa, vĩnh hằng Chúa dạy thế - đất rồi về với đất Em cứ buồn và tóc rối đa mang Dường tất cả trăng sao là có thật Hay, có không, mọi lấp lánh trên trời? Ta cười cợt lúc đang ròng nước mắt Chiếc lá mầm khóc biệt ngấn sương rơi Dường dung mạo gương kia là có thật Ta săm soi son phấn nét con người Sắm cho trọn vở bi hài được-mất Khi buông màn sân khấu trả loài dơi Dường như chẳng có gì tồn tại thật Chuyện thế gian toàn giả dụ, em à Ta, chẳng qua, những đáy mồ rỗng hoác Cư tang mình từ lúc mới oa oa ĐCĐ
  13. CỔ ĐIỂN X Em bỏ quên bài thơ trong đám cỏ mùa thu Cỏ héo úa, và, mùa thu chưa trở lại Biển vỗ bờ lời trên môi ngần ngại Tôi quên rồi lần đó nói yêu em Em bỏ quên tôi trong quá khứ rộng thênh Ngày rựng sáng góc trời sao leo lét Nhan sắc đấy cầu xin người mãi đẹp Tôi già nua theo lụn tắt ngọn đèn Sẽ mai này một nhánh hoa không tên Nở trên núi thơm một mình trên núi Bài thơ tình vụng về hồi trẻ dại Em quên rồi như quên cỏ mùa thu ĐCĐ
  14. CỔ ĐIỂN IX Đã như vậy đừng tin làm chi nữa Mây nhuốm thu lá lạ cứa đau vai Em như xưa lấm tấm dấu tiên hài Phố chưa lắng xui ngày chùng tiếng thở Người đón em hạnh phúc chiều tở mở Tay ôm lưng ấm quá khứ, tương lai Con đường cong tôi đơn bóng in dài Vẫn tin lắm mùa sau còn phượng nở Bởi tin lắm bướm vui bay mấy nhớ Môi thơm nhau là môi mọng hôn ngoan Thơ tình yêu là thơ quý thơ sang Êm dịu vậy ai dám ngờ trúc trắc Bởi tin hết cả hiên mưa rơi rắc Có linh hồn đẫm lạnh đứng tay hơ Tin hoàng hôn vẫn thắp lửa tôn thờ Mỗi tiếng gõ một thiên đàng cửa mở Mang thông điệp yêu kiều đầy cánh gió Em trăm lần trang điểm tặng ban mai Thơm son kia tôi thánh giá trong tôi Vết tích đỏ vẫn tươi nguyên máu đỏ Bướm lại bay tặng cuộc tình mới ngỏ Chỉ xin người đừng dẫm lối đau thương Mặc cuối trời khoác áo ủ cô đơn Rót u uẩn xuống ly đời vỡ rạn Đã đành vậy cắm mảnh đò mắc cạn Nằm nghiêng hồn ngó nước lớn đêm trôi Con chim gì kêu vọng mé trăng rơi Dòng sông lặng cùng tôi buồn cổ điển ĐCĐ
  15. HAI NGƯỜI Khi tôi chập chững những bước đầu tiên Có hai người luôn rón rén sau tôi Trông chừng sợ tuổi thơ vấp ngã Lúc tôi qua rồi thời ấu niên dế diều hoa cỏ Hai người ấy đi trước dẫn đường Vạch sẵn lối thẳng, cong, phải, trái … Và khi mắt tôi bắt đầu đắm nhìn chân trời xa ngái Hai người lại sóng vai cùng tôi Chia sẻ tấm tình bạn bè thân thiết Chỉ duy nhất một điều tôi mơ hồ vờ như chẳng biết Một nơi mà hai người ấy sẽ đến đích trước tôi Vào ngày trần gian này thêm kẻ mồ côi … ĐCĐ
  16. NIỆM KHÚC YÊU EM Con ve nhỏ buông mình Trả tấu khúc mùa hạ vào lòng đất Nhường nơi khu vườn thu vàng ươm mật Vì yêu em, anh về nhận diện xác ve rơi Đứa bé chưa kịp chào đời Tiếng oe oe bị tiêu diệt vẫn khi trứng nước Nếu đó là mầm sinh linh cuối cùng nhận lấy đớn đau hòng mọi khuất oan chấm dứt Vì yêu em, anh nguyện lại đầu thai Chiếc bẫy nhẫn tâm nghiến nát vết chân loài hươu thơ ngây Con thú tử thương những cây rừng trăn trối Nếu đó chính là lần đổ máu huy hoàng tố cáo trò chơi bạo tàn vô lối Vì yêu em, anh kêu lên lời tha thứ con người Người lính trẻ ngước nhìn bầu trời Chỉ vài giây thôi – chỉ vài giây trái tim rồi ngưng đập Nếu đó là sự ra đi cần thiết để xóa sạch các mưu đồ tranh chấp Vì yêu em, anh ăn hết cuộc chiến tranh này ĐCĐ
  17. BÀI THƠ ĐẦU TUẦN THAY CHO LỜI NGUYỆN Những trang kinh tôi đọc Trích ra từ vô vàn mẩu chuyện đời Của áp bức, chà đạp Lời nguyện cầu tôi chép bằng sự thật Khi thốt lên từ những đôi môi khô nứt bởi lặng câm Quên tự do chôn dưới âm thầm Ngôi giáo đường duy nhất mà tôi Cùng người bạn bụi đời nương thân tạm bợ Vẫn là mỗi vỉa hè, xó chợ Hình ảnh thượng đế độc tôn tôi hằng ngưỡng mộ Giấu trong nét ái nhân trên mỗi mặt người Trong tiếng cười thương tâm, trong giọt lệ rơi Này, bài thơ tình vĩnh viễn của tôi ơi Phải chăng chính con đường em và tôi chung bước Câu kết vần đớn đau đón chờ phía trước Cuộc hành trình thi ca nhận lại trái tim … ĐCĐ
  18. BẾN NGÀN THƯƠNG Vốn phố thị mà tâm tình anh gửi núi Lại mơ mòng thèm ở lỗ ăn lông Buổi cởi trần guốc hươu nai chạy nhảy Đêm rằm hoang nằm nhơi bóng trăng vồng Anh sống sót chỉ nhờ nhiều hoa bướm Thuở thơ tình mướt rượt khói cùng sương Lỡ man rợ nuốt nỗi buồn hơi hướm Khi bầy đàn lũ lượt bỏ đồi nương Vốn phố thị tâm hồn anh điền dã Giấu trái tim dưới cuốc bẫm cày sâu Sợ mai hậu không còn lau lách nữa E chẳng ai nhớ nỗi lý qua cầu Anh nâu đất giống y chang cha mẹ Khom lưng trưa cắm mầm lúa trên đồng Bờ đê tròn cổ tích như đám trẻ Bông bí non ghé rẫy dặn ăn còng Nên anh nhớ tóc xưa rơm rạ ngủ Tiếng ‘đò ơi’ trôi dọc suốt dòng sông Mạo muội hỏi lục bình bông tím đó Bến ngàn thương về kịp chuyến này không? ĐCĐ
  19. KHÔNG ĐỀ HAI KHỔ Đã quên cách gieo trồng những hạt kê ngọt ngào Kịp đem tặng tiếng sẻ non chiếp chiu trên mái ngói Chẳng còn đủ hào phóng nhẹ đặt tờ bạc lẻ nát nhầu Vào lòng bàn tay người đàn bà ăn mày ôm đứa con hấp hối Tôi viết bài thơ rỗng thuyết minh cho sự linh thiêng của các mùi hương Niềm ăn năn không là mỡ màu thấm đẫm Nuôi sống linh hồn lũ chim chết oan Nỗi buồn thương chẳng vượt nỗi lòng kiêu hãnh Để dìu bà mẹ mù lòa đi trọn lễ đưa tang Tôi ngồi viết bài thơ tự an ủi một mùa hè mà trái tim trống vắng ĐCĐ
  20. MỘ KHÚC CUỐI HẠ cho ta nghe nặng trái sầu rụng rơi … (Huy Cận) chiều sắp vương phố sắp buông ta, hình như đã, bị thương mấy lần từ khi chân vấp bước chân khi người tận đáy mộ phần cỏ nguôi chiều đang rung chuông đang thôi lá lay chưa kịp phủ đồi ngày hoang tím bông trinh nữ xếp hàng ta chim nhớn nhác bên đàng khản kêu chiều đã thề em đã yêu dâng hương bạch lạp diễm kiều với trăng tại đam mê tại ta chăng tóc xanh trả hết một lần thả xuôi chiều sẽ thu tình sẽ thôi van xin đất ấm cũng nơi ta về gửi vào một giấc thường nghê trái tim chín rụng bên lề bữa qua … ĐCĐ
  21. BÀI THƠ CÁI LƯỠI Nghe Ê-dốp nói về cái lưỡi Tôi hoảng hồn ngó lại tìm em Thiên hạ sợ nhau vì cái lưỡi Cuộc bon chen thô tục buồn phiền Thỉnh thoảng tôi cũng cần cụt lưỡi Lưỡi làm thơ đâu lại trái tim Nhưng riêng em chớ bao giờ cắn lưỡi Đừng dọa tôi kiểu chết thiếu êm đềm Nghe Ê-dốp nói về cái lưỡi Sao em còn lè lưỡi bắt tôi xem? Bùi Chí Vinh Vở kịch “Con rồng tre” 04-08-2012 23:39 Đầu những năm 20 của thế kỷ XX là khoảng thời gian Bác Hồ có nhiều hoạt động sôi nổi, phong phú ở các nước châu Âu, trong đó có nước Pháp. Tại đây, với tên gọi là Nguyễn Ái Quốc, Người đã tham gia các tổ chức xã hội có khuynh hướng tiến bộ rồi tổ chức cộng sản với hoạt động chủ yếu là tuyên truyền, vận động để đấu tranh cho một nước Việt Nam độc lập. Trong số các hình thức hoạt động, Người đã sử dụng khá nhiều báo chí, văn học để lên án chế độ hà khắc của thực dân đế quốc; sự lạc hậu, tàn độc của chế độ phong kiến; sự hèn mọn của chính phủ bù nhìn; phản ánh trung thực nỗi thống khổ của người dân thuộc địa bị áp bức, bóc lột… Theo những tư liệu còn lưu giữ, chỉ trong năm 1922, Người đã có tới 26 tác phẩm báo chí đăng trên các báo lớn ở Pháp như L’Humanité, Le Paria, La Vie Ouvrière, Le Journal du Peuple… Đặc biệt, trong khoảng tháng 5-1922, Người đã viết vở kịch “Con rồng tre” nhân dịp “ông vua bù nhìn” Khải Định sang Pháp (tháng 6-1922). Bản thảo của vở kịch hiện chưa tìm thấy, nhưng trong nhiều tài liệu hiện đang lưu giữ thì nội dung như sau: “Có những cây tre thân hình quằn quẹo. Những người chơi đồ cổ lấy về đẽo gọt thành con rồng. Nó là thứ đồ chơi. Là con rồng nhưng thật ra chỉ là một khúc tre. Là khúc tre, nhưng lại hãnh diện có tên và hình dáng con rồng. Tuy vậy, nó chỉ là một quái vật vô dụng”. Vở kịch này đã bị Chính phủ nước Pháp đương thời cấm công bố; nhưng đã được Câu lạc bộ Phô bua (Faubourg) công diễn và đã gây tác động lớn trong dư luận thời đó cũng như sau này. Theo các tài liệu, trong đó có tài liệu của Mật thám Pháp thì Câu lạc bộ Phô bua được thành lập năm 1914, do nhà văn Lê ô Pôn đét (Léo Poldès), một trí thức phái tả có sáng kiến thành lập và trực tiếp làm Chủ nhiệm. Tại Pari, mỗi tuần, Câu lạc bộ họp một lần với số lượng khoảng ba trăm người tham gia để thảo luận các vấn đề về kinh tế, xã hội, chính trị… Thông thường, trong mỗi buổi sinh hoạt, một người trình bày một vấn đề có tính hướng dẫn, sau đó mọi người sẽ tự do phát biểu quan điểm của mình. Những ngày ở Pari, Nguyễn Ái Quốc thường tham dự các buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ và đều có phát biểu ý kiến. Bất kỳ vấn đề gì mà Câu lạc bộ bàn thảo thì trong phát biểu của mình, Nguyễn Ái Quốc đều khéo léo lái về kết luận lên án thực dân. Cụ thể như trong một cuộc thảo luận về thuật “thôi miên”, sau khi nhiều người nói tin, nhiều người nói không tin, Nguyễn Ái Quốc đã phát biểu ý kiến như sau: “Tin cũng được, không tin cũng được. Nhưng tôi xin mạn phép nói thật rằng bác sĩ Cu-ê (người thạo giỏi thuật “thôi miên”) chưa giỏi bằng thực dân Pháp. Mỗi năm, với hàng nghìn tấn thuốc phiện, chúng đang làm cho hàng triệu người Việt Nam ngủ say đến nỗi quên mình là vong quốc nô”. Anh Nguyễn được mọi người hoan nghênh vì thái độ anh khiêm tốn và lời lẽ của anh gọn gàng. Một lần khác hội nghị thảo luận vấn đề Ái-nhĩ-lan và Triều Tiên. Những diễn giả Pháp đều nghiêm khắc công kích chính sách của Anh, của Nhật và bênh vực nhân dân Ái-nhĩ-lan, nhân dân Triều Tiên. Anh Nguyễn cũng phát biểu ý kiến: “Cũng là một dân tộc bị áp bức, tôi hoàn toàn đồng tình với những người bạn Ái-nhĩ-lan, nhân dân Triều Tiên, và đồng tình với hội nghị kết án bọn thực dân Anh, Nhật. Nhưng tôi hỏi các ngài có nên kết án cả những bọn thực dân khác không? Có nên bênh vực nhân dân bị áp bức khác không? Có hay không?”. Mọi người đều trả lời là có. Thế là được dịp anh Nguyễn trình bày vấn đề Việt Nam v.v... Năm 1933, có thông tin Nguyễn Ái Quốc đã bị chết trong nhà giam, Tạp chí Việt-Pháp đã đăng bài viết “Nói về Nguyễn Ái Quốc vị lãnh tụ Đảng Cộng sản” có nội dung liên quan đến hoạt động chính trị của Người tại Pháp và Câu lạc bộ Phô bua. Bài này đã được tờ Phô bua ra ngày 1-7-1933 đăng lại, có đoạn như sau: “Ông không vắng mặt một buổi họp nào ở Câu lạc bộ Faubourg, ở đây ông ta đã từng đứng lên diễn thuyết trước mọi người. Ông ta đã viết báo. Người ta thường gặp ông hồi 6 giờ chiều ở những phòng trị sự các nhà báo. Ông mang lên đây những câu chuyện ngắn hay một tập truyện vì ông từng khảo cứu về văn nghệ, sau này ông hoàn toàn thiên về chính trị và ông đã thiết tha cống hiến cả một đời để phụng sự khuynh hướng ấy”. Kể về vở kịch “Con rồng tre” của Nguyễn Ái Quốc, năm 1946, nhân sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Pari với tư cách là thượng khách của Chính phủ Pháp, ông Lê ô Pôn đét đã có bài viết đăng trên tuần báo Paris, số 53, ngày 11, 12-6-1946. Nội dung như sau: “Một chiều kia, cách đây chừng 25 năm, hôm ấy có phiên họp các hội viên Câu lạc bộ Faubourg tại rạp hát Printanis, ở góc đại lộ Clichy và phố Richaud, bác Nguyễn Ái Quốc đã tới đây ngập ngừng hỏi tôi xem liệu bác dù là một kẻ lao động xoàng xĩnh, có thể được hân hạnh vào góp lời trong những cuộc thảo luận của những tay tài ba lỗi lạc, đã làm rạng rỡ văn đàn Câu lạc bộ Faubourg của chúng tôi được không. Tôi bèn trả lời: “Ông chớ ngại điều đó. Với quan niệm chúng tôi, thì sự tự do phát biểu ý kiến, là của tất cả mọi người. Ý kiến xác đáng, hay ho của một người, dù người ấy chỉ là một người thợ, cũng được đặc biệt chú ý như những ý kiến của một vị Quốc trưởng. Bác nhún vai, mỉm cười, nói: “Podès quý ngài à, tôi chỉ là nhà cách mạng, ngài ví tôi với những vị quốc trưởng, tôi xin đưa ngài xem đây tập bản thảo của tôi. Tuy chỉ là một người thợ ảnh nghèo nàn, nhưng tôi cũng có viết được một kịch bản, nhan đề bản kịch đó là “Con rồng tre” (Le dragon de bambous) viết ra cốt là để công kích những vị Quốc trưởng”. Về nội dung vở kịch, Lê ô Pôn đét đã nhận xét: “Tôi đã đọc tập bản thảo, thật là hay, thật là đẹp, lời vừa trải chuốt gọn gàng, với những cái châm biếm dí dỏm của Aistophan 3 bản kịch này có đủ ưu điểm để mang lên sân khấu. “Con rồng tre” đầu đề kịch bản chỉ một vị Quốc trưởng Á-Đông, đớn hèn bất lực và ngu dốt, mà tác giả không hà tiện lời chế diễu một cách cay nghiệt, hóm hỉnh suốt trong ba hồi; khi ấy bản thân ông Nguyễn Ái Quốc không ngờ rằng bản kịch của mình đã bao lần chủ kịch bản từ chối không dám diễn mà lại được nhóm Faubourg chúng tôi nhiệt liệt hoan nghênh…”. Trước đó, cũng trong bài “Nói về Nguyễn Ái Quốc vị lãnh tụ Đảng Cộng sản” đăng trên Tạp chí Pháp Việt và được tờ Phô bua ngày 1-7-1933 đăng lại đã viết về Nguyễn Ái Quốc và vở kịch “Con rồng tre” như sau: “Người ta lại nhớ đến những cuộc họp ở Câu lạc bộ Faubourg, đến những lời nói thông minh hóm hỉnh trong buổi họp, đến bản kịch bất hủ của ông: “Con rồng tre”. Trở lại nội dung bài viết đăng trên tuần báo Paris số 53, Lê ô Pôn đét đã rất hóm hỉnh viết rằng: “Ngày nay người thợ ảnh mày râu nhẵn nhụi kia đã sống lại giữa khuôn mặt đáng kính có thêm một nhúm râu dài của Cụ Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”và “Chúng tôi thiết tha mong đức ngài nhớ lại cái hồi đầu tiên của đức ngài trong Câu lạc bộ Faubourg”. Bác Hồ vĩ đại và kính yêu của chúng ta là người sống có nghĩa, có tình, có trước, có sau… Vì thế, dù phải bôn ba trên những nẻo đường cách mạng, dù ở cương vị nào… nhưng Người cũng không quên những ngày hoạt động và những người cùng chí hướng ở Pari. Trong thời gian ở thăm nước Pháp năm 1946, ngoài chương trình làm việc chính thức, gặp gỡ với Chính phủ Cộng hòa Pháp, Người dành nhiều thời gian tiếp xúc, gặp gỡ kiều bào, các nhà văn, nhà báo, bạn bè cũ trong đó có nhà văn Lê ô Pôn đét. Sau này, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Câu lạc bộ Phô bua, ngày 1-5-1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng ông Lê ô Pôn đét Huy chương Hữu nghị của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 90 năm đã trôi qua, nhưng sự ngưỡng mộ của những chính trị gia Pháp đối với hoạt động chính trị của Nguyễn Ái Quốc tại Pari mà ấn tượng sâu sắc là những gì liên quan tới vở kịch “Con rồng tre” đã khẳng định tư tưởng, tấm gương, đạo đức, phong cách của Người thật văn hóa và lớn lao để chúng ta tiếp tục tìm hiểu, học tập, làm theo. Theo (baodaknong.org.vn) Thịnh Giang Nhà Nguyễn Nguyễn Thông (9.8.2012) Tôi vừa có chuyến ra miền Trung, cụ thể là đến Huế - kinh thành kinh đô của nhà Nguyễn. Mắt thấy tai nghe, vỡ vạc nhiều điều. Có những cái không như mình tưởng, mình nghĩ xưa nay. Điều quan trọng là thấy được những gì ghi dấu sự tồn tại của một triều đình phong kiến trong một giai đoạn lịch sử, nghe về công tích những vị vua có không ít đóng góp cho đất nước, dân tộc, nhất là sự mở mang bờ cõi. Thế hệ chúng tôi ở miền Bắc nay nhiều người đã U60, U70, được dạy dỗ trong nhà trường, đọc báo nghe đài, chỉ biết rằng nhà Nguyễn là triều đại phong kiến cực kỳ phản động, hại dân hại nước. Các vua nhà Nguyễn, kể từ Gia Long đến Bảo Đại về sau này đều là những kẻ thù của nhân dân. Nhà Nguyễn không có lý do chính đáng để tồn tại khách quan trong lịch sử Mác-xít. Về nhà Nguyễn, theo tôi, cần phải có nhiều công trình nghiên cứu, không chỉ trên phương diện sử học, một cách công phu hơn, định công luận tội rõ ràng, khách quan. Và điều cốt yếu phải xem như một nhà nước chính thống, chính danh tồn tại trong lịch sử dân tộc. Đừng như hồi nảo hồi nào, một mặt ca ngợi bốc tận mây xanh Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ (thực chất cũng chỉ là một thủ lĩnh nông dân, nổi dậy và hình thành một tập đoàn phong kiến, xây dựng nhà nước phong kiến, triều đại phong kiến), còn Gia Long Nguyễn Ánh thì phải gánh vác danh hiệu "cõng rắn cắn gà nhà" khiến hậu sinh hết đời này đến đời khác phỉ nhổ. Như thế không công bằng, không khách quan, không phải lịch sử chân thực. Nay chúng ta đang đấu tranh với Trung Quốc từng giây từng phút về chủ quyền biển đảo, lãnh thổ. Điều muốn nói là hầu hết tư liệu, chứng cứ lịch sử có liên quan đến chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa lại có xuất xứ thời nhà Nguyễn. Nhà nước và các nhà nghiên cứu đã khai thác, sử dụng triệt để, coi đó như thứ vũ khí cực kỳ lợi hại. Nhưng người chủ của nó thì chưa được nhìn nhận, đánh giá lại nghiêm túc, đàng hoàng. Đây chính là lúc cần chiêu tuyết cho các vị vua Nguyễn, khôi phục vị trí, xem xét công tích với đất nước của họ. Đừng làm theo kiểu ù xọe, cho qua, để thời gian vùi lấp dần là xong như các vụ Cải cách ruộng đất, Nhân văn giai phẩm, Xét lại chống đối... trước kia. Trước hết cần viết lại sách giáo khoa lịch sử cho khách quan, chân thực, bỏ thói quy chụp, chụp mũ, bôi nhọ, yêu khen ghét chê đi. Không dám sửa sai chân thành, nếu đạt được chút lợi lộc nào thì cũng chỉ cỏn con mà thôi, làm sao bền vững được. Lăng vua Khải Định, người một thời bị đánh giá là con rồng tre
  22. Trong số 100 bài thơ Việt Nam được bình chọn là hay nhất của thế kỷ 20, tôi nhớ nhất, và đã rươm rướm nước mắt khi đọc bài này: BÀI THƠ CỦA MỘT NGƯỜI YÊU NƯỚC MÌNH Buổi sáng tôi mặc áo đi giày ra đứng ngoài đường, Gió thổi những bông nứa trắng bên sông Mùi tóc khô còn thơm lúa mùa qua Bầy chim sẻ đậu trước sân nhà Những đứa trẻ đứng nhìn ngấp nghé Tôi yêu đất nước này như thế Buổi sớm mai Bầy chim sẻ ngoài sân Gió mát và trong Đường đi đầy cỏ may và muộng chuộng Tôi vẫn sống vẫn ăn vẫn thở như mọi người Đôi khi chợt nhớ một tiếng cười lạ Một câu ca dao buồn có hoa bưởi hoa ngâu Một vết bùn khô trên mặt đá Không có ai chia tay Cũng nhớ một tiếng còi tàu Mẹ tôi thức khuya dậy sớm Năm nay ngoài năm mươi tuổi Chồng chết đã mười mấy năm Thuở tôi mới đọc được i tờ Mẹ thương tôi mẹ vẫn tảo tần Nước sông gạo chợ Ngày hai buổi nhà không khi nào vắng người đòi nợ, Sống qua ngày nên phải nghiến răng Cũng không vui nên mẹ ít khi cười Những buổi trưa buổi tối Ngồi một mình hay khóc Vẫn thở dài mà không nói ra Thương con không cha Hẩm hiu côi cút Tôi yêu đất nước này xót xa Mẹ tôi mười mấy năm không lấy chồng Thương tôi nên ở góa nuôi tôi Những đứa bà con nhà giàu hàng ngày chửi bới Chúng cho mẹ con tôi áo quần tiền bạc như cho một đứa hủi Ngày kỵ cha họ hàng thân thích không ai tới Thắp ba cây hương Với mấy cái bông hải đường Mẹ tôi khóc thút thít Cầu cha tôi phù hộ tôi nên người Con nó còn nhỏ dại Trí chưa khôn chân chưa vững bước đi Tôi một mình có kể chi mưa nắng Tôi yêu đất nước này cay đắng Những năm dài thắp đuốc đi đêm Quen thân rồi không ai còn nhớ tên Dĩ vãng đè trên lưng thấm nặng Áo mồ hôi những buổi chợ về Đời cúi thấp Dành từng lon gạo mốc Từng cọng rau hột muối Vui sao khi còn bữa đói bữa no Mẹ thương con nên cách trở sông đò Hàng gánh nặng phải qua cầu xuống dốc Đêm nào mẹ cũng khóc Đêm nào mẹ cũng khấn thầm Mong con khôn lớn cất mặt với đời Tôi yêu đất nước này không nguôi Tôi yêu mẹ tôi áo rách Chẳng khi nào biết tuổi mình bao nhiêu Tôi bước đi Mưa mỗi lúc mỗi to Sao hôm nay lòng thấy chật Như buổi sáng mùa đông chưa thấy mặt trời mọc Con sông dài nằm nhớ những chặng rừng đi qua Những vách đá hàng cây cheo leo bốn mùa Nỗi mệt mỏi rưng rưng từng con nước Chim đậu trên cành chim không hót Khoảng vắng mùa thu ngủ trên cỏ may Tôi yêu đất nước này những buổi mai Không ai cười không tiếng hát trẻ con Đất đá cỏ cây ơi Mười ba năm có héo mòn Đất đá cỏ cây ơi Lòng vẫn thương mẹ nhớ cha Ăn quán nằm cầu Hai hàng nước mắt chảy ra Mỗi đêm cầu trời khấn Phật, tai qua nạn khỏi Ngày mai mua may bán đắt Tôi yêu đất nước này áo rách Căn nhà dột phên không ngăn nổi gió Vẫn yêu nhau trong từng hơi thở Lòng vẫn thương cây nhớ cội hoài Thắp đèn đêm ngồi đợi mặt trời mai Tôi yêu đất nước này như thế Như yêu cây cỏ ở trong vườn Như yêu mẹ tôi chịu khó chịu thương Nuôi tôi thành người hôm nay Yêu một giọng hát hay Có bài mái đẩy thơm hoa dại Có sáu câu vọng cổ chứa chan Có ba ông táo thờ trong bếp Và tuổi thơ buồn như giọt nước trong lá sen Tôi yêu đất nước này và tôi yêu em Thuở tóc kẹp tuổi ngoan học trò Áo trắng và chùm hoa phượng đỏ Trong bước chân chim sẻ Ngồi học bài và gọi nhỏ tên tôi Hay nói chuyện huyên thuyên Chuyện trên trời dưới đất rất lạ Chuyện bông hoa mọc một mình trên đá Cứ hay cười mà không biết có người buồn Sáng hôm nay gió lạnh vẫn còn Khi xa nhà cứ muốn ngoái lại Ngó cây cam cây cải Thương mẹ già như chuối ba hương Em chưa buồn Vì chưa rách áo Tôi yêu đất nước này rau cháo Bốn ngàn năm còn cuốc bẫm cày sâu Áo đứt nút qua cầu gió bay Tuổi thơ em hãy giữ cho ngoan Tôi yêu đất nước này lầm than Mẹ đốt củi trên rừng cha làm cá ngoài biển Ăn rau rìu rau éo rau trai Nuôi lớn người từ ngày mở đất Bốn ngàn năm nằm gai nếm mật Một tấc lòng cũng trứng Âu Cơ Một tiếng nói cũng đầy hồn Thánh Gióng Tôi đi hết một ngày Gặp toàn người lạ Chưa ai biết chưa ai quen Không biết tuổi không biết tên Cùng sống chung trên trái đất Cùng nỗi đau chia cắt Bắc Nam Cùng có chung tên gọi Việt Nam Mang vết thương chảy máu ngoài tim Cùng nhức nhối với người chết oan ức Đấm ngực giận hờn tức tối Cùng anh em cất cao tiếng nói Bản tuyên ngôn mười bốn triệu người đòi Độc Lập, Tự Do Bữa ăn nào cũng phải được no Mùa lạnh phải có áo ấm Được ca hát, nói cười yêu đương không ai cấm Được thờ cúng những người mình tôn kính Hai mươi năm cuộc đời khi nào định Tôi trở về căn nhà nhỏ Đèn thắp ngọn lù mù Gió thổi trong lá cây xào xạc Vườn đêm thêm mát Bát canh rau dền có ớt chìa vôi Bên hàng xóm có tiếng trẻ con khóc Mẹ thương con ngồi cầu Ái tử Đất nước hôm nay đã thấm hồn người Ve sắp kêu mùa hạ Nên không còn mấy thu Đất nước này còn chua xót Nên trông ngày thống nhất Cho bên kia không gọi bên này là người miền Nam Cho bên này không gọi bên kia là người miền Bắc Lòng vui hôm nay không thấy chật Tôi yêu đất nước này chân thật Như yêu căn nhà nhỏ có mẹ của tôi Như yêu em nụ hôn ngọt trên môi Và yêu tôi đã biết làm người Cứ trông đất nước mình thống nhất TRẦN VÀNG SAO (19/12/1967) và đây là chân dung tác giả
  23. VÔ ĐỀ VỀ SỰ TỒN TẠI Vì cần tiếng nói phải đời đời lặng câm Họ tống giam cái lưỡi vào ngục tối Ngoài sân nắng bầy chim non vẫn tự tình bổi hổi Song sắt nhà tù đâu cấm cố được tự do Bởi muốn mảnh tâm hồn vĩnh viễn chỉ bụi tro Họ đưa tấm xác thân lên giàn hỏa Những hoa dại cứ sắc hương bên huyệt mộ Mùi thơm này của bác ái, công bằng … ĐCĐ
  24. Mình rất khâm phục tấm lòng yêu nước nồng nàn của Núi. Mình cũng yêu đất nước này vô cùng. Thế nhưng, mỗi ngày tai nghe mắt thấy nhiều điều, khó tránh khỏi có những lúc chạnh lòng. Sử sách của một đất nước nọ mở đầu bằng những lời như thế này để giáo dục con cháu của họ: “Các con sinh ra trên một đất nước nằm trên quần đảo, nghèo nàn nguồn tài nguyên, thiên tai luôn đe dọa. Lịch sử nước nhà là những cuộc chiến liên miên, mà gần nhất là đã thất bại nhục nhã trong một cuộc chiến đẫm máu nhất của nhân loại, lại còn phải hứng chịu hai quả bom nguyên tử, bồi hoàn chiến phí … Kinh tế đất nước phá sản gần như chỉ còn lại con số không. “ Thế mà chỉ vài thập kỉ sau, họ đã trỗi dậy là một trong những cường quốc hàng đầu trên thế giới, song song với các thành tựu về khoa học kỹ thuật, văn hóa, thể thao … được các nước khác nễ trọng, học tập. Lại có sử sách của một nước nọ dạy cho cháu con thế này: “Chúng ta là con rồng cháu tiên, có bốn nghìn năm văn hiến rực rỡ, đất nước giàu đẹp vô cùng, đã lần lượt đánh thắng các thế lực ngoại xâm hùng mạnh phương bắc, thắng cả phong kiến lẫn thực dân Pháp, phát xít Nhật, đế quốc Mỹ… “ Và khi tỉnh táo nhìn lại thì … Thứ bậc Việt Nam trên bảng xếp hạng trí tuệ toàn cầu: Báo động đỏ Trần Xuân Hoài Những con số khách quan do Tổ chức sở hữu trí tuệ toàn cầu (World Intellectual Property Organization - WIPO thuộc LHQ) công bố tưởng như vô hồn đã nói lên rằng trí tuệ quốc gia Việt nam đang ngụp lặn ở nửa dưới của thế giới và với xu hướng ngày càng chìm sâu, thụt lùi xa so với láng giềng. Hệ thống Đổi mới/Sáng tạo quốc gia - Nguồn gốc tạo nên trí tuệ của đất nước Khi người cha già yếu vẫn vắt sức làm cửu vạn, còn bà mẹ bệnh tật chạy bới từng thùng rác kiếm từng đồng lẻ, cắn răng để nuôi con ăn học, chỉ với một ước nguyện duy nhất là mong con có được trí tuệ để đổi đời, không còn phải bán thân, bán sức như đời bố mẹ chúng, thì ông bà già tội nghiệp đó hiểu hơn ai hết sức mạnh và sự cần thiết của trí tuệ đối với một con người. Một quốc gia muốn “đổi đời” cũng cần có trí tuệ. Nhưng trí tuệ của một quốc gia không phải đơn thuần là phép cộng của trí tuệ từng con người, nó là do cả một hệ thống tạo lập nên. Đó chính là Hệ thống đổi mới / sáng tạo của quốc gia (national innovation system -NIS), trong đó trí tuệ của từng con người là một thành tố. NIS được định nghĩa là hệ thống các chủ thể và các mối tương tác với nhau của các chủ thể đó, bao gồm tổ chức nhà nước, các cơ sở nghiên cứu, các doanh nghiệp công và tư (lớn hoặc nhỏ), các trường đại học và các cơ quan chính phủ, nhằm mục đích sản sinh các sản phẩm sáng tạo, các sản phẩm khoa học và công nghệ (S&T) trong khuôn khổ lãnh thổ một quốc gia. Các mối tương tác giữa các chủ thể này bao gồm các vấn đề thuộc về chính sách, kỹ thuật, thương mại, pháp lý, xã hội và tài chính của các hoạt động đổi mới /sáng tạo dưới các dạng thức như sự phát triển, bảo hộ, tài trợ hoặc quy phạm… Từ năm 2007, WIPO đã cùng một số đại công ty, tổ chức phi chính phủ cho ra đời hệ thống Chỉ số Đổi mới/Sáng tạo toàn cầu - Global Innovation Index (GII) và lập ra bảng xếp hạng hằng năm của các quốc gia trên thế giới. Định nghĩa của sự đổi mới/sáng tạo nay đã mở rộng, nó không còn giới hạn với các phòng thí nghiệm R&D hoặc với việc xuất bản các bài báo khoa học, mà còn bao gồm cả những đổi mới/sáng tạo về tổ chức quản lý xã hội cũng như đổi mới/sáng tạo mô hình kinh doanh. Đổi mới /sáng tạo được thể hiện ở đầu vào và đầu ra của cả một quốc gia. Đó là một chỉ số đánh giá về trí tuệ, về hoạt động và thành quả của hoạt động trí tuệ con người, không phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên, về tài sản thừa kế, vay mượn, cướp bóc hay những may mắn bất ngờ nào cả [1]. Đổi mới/sáng tạo là động lực quan trọng cho sự tiến bộ kinh tế và sức cạnh tranh đối với các nước đã phát triển cũng như đang phát triển. Nhiều Chính phủ đang đặt sự đổi mới/sáng tạo thành trung tâm của chiến lược phát triển. Thứ bậc Việt Nam trên bảng xếp hạng trí tuệ toàn cầu Năm 2011 chúng ta vui mừng trên bảng chỉ số Đổi mới/sáng tạo toàn cầu Việt Nam ngoi lên được trên trung bình đứng thứ 51 trong 125 nước. Niềm vui ngắn chẳng tầy gang, 2012 ta lại tụt sâu xuống nửa dưới của thế giới, thứ 76 trên 141 nước! Nhìn lại quá trình từ 2007 khi bắt đầu có sự đánh giá thì tình hình còn bi đát hơn, chẳng những kém cỏi mà xu hướng là suy giảm liên tục. Sự ngoi lên năm 2011 có thể là ngẫu nhiên, không phải là thực chất như sẽ phân tích về điểm số ở phần dưới. Thứ bậc đơn lẻ chưa nói lên điều gì nhiều, cần phải có sự so sánh với bạn bè xung quanh thì mới biết ta đang ở đâu. Bảng 1, liệt kê thứ bậc và điểm số đánh giá của Việt Nam và các nước lân bang [2,3]. Vì tổng số nước được đánh giá hàng năm là khác nhau,cho nên không thể lấy thứ hạng tuyệt đối hàng năm để so sánh sự lên xuống của một nước, mà phải có một thước đo thống nhất. Chúng ta sẽ chia thế giới làm hai nửa bằng nhau, lấy đường phân chia làm gốc số không,thứ hạng được tính là bao nhiêu bậc trên (+) hoặc dưới (-) trung bình (số không). Thế vẫn chưa ổn, vì mỗi nửa hàng năm có tổng số bậc khác nhau, nên ta phải quy ra thành mỗi nửa đều có 100 bậc, và thứ bậc của mỗi nước hàng năm được quy thành số phần trăm trên (+) hoặc dưới (-) trung bình. Nói một cách hình ảnh, nếu thường xuyên ngụp lặn ở dưới mức trung bình thì nguy cơ được xem là một quốc gia thiểu năng trí tuệ chắc khó tránh khỏi. Trên hình 1 ta có thể thấy trực tiếp sự kém cỏi của ta so với Malaysia cũng như Thailand, còn Singapore thì ở mức quá cao, so sánh thứ bậc chẳng có ích gì nữa. Thứ hạng chỉ số đổi mới/sáng tạo của các nước có lúc tăng lúc giảm, nhưng khuynh hướng là tăng và luôn luôn trên trung bình, còn Việt Nam ta chủ yếu là ở nửa dưới, nhấp nhổm ngoi lên trên trung bình đôi chút, mà khuynh hướng nói chung là càng ngày càng giảm. Sự tăng đột biến năm 2011 có lẽ là nhờ năm đó chỉ có 125 nước tham gia xếp hạng, thấp nhất trong các năm. Thứ hạng cho ta sự so sánh với cộng đồng, và căn cứ để xếp hạng là điểm số. Chính điểm số đánh giá chất lượng của thứ hạng. Tuy nhiên, việc chấm điểm hàng năm có thể khác nhau, thang điểm cũng có thể khác nhau, cho nên không có cách nào định điểm trung bình làm gốc. Chúng ta chỉ có thể lấy một nước nào đó để làm mốc so sánh chúng ta với nước đó hàng năm. Singapore là nước luôn nằm trong tốp 10 thế giới và số 1 châu Á. Vì vậy, hãy so sánh điểm số của Việt Nam với Singapore, ít nhất cũng cho ta cảm nhận Việt Nam được bao nhiêu phần của Singapore và khoảng cách đó giảm hay tăng. Nhìn vào hình 2, thấy rõ trí tuệ sáng tạo của ta chỉ bằng trên dưới một nửa của Singapore, và càng ngày càng lùi xa. Ngay cả năm 2011 mà chúng ta vui mừng, thì qua cách đánh giá bằng điểm số, chất lượng của thứ hạng vượt lên trung bình năm đó cũng không thực chất, vì khoảng cách với Singapore về điểm số lại giãn ra chứ không thu hẹp như vị trí thứ hạng. Thật là đáng buồn khi những con số khách quan, tưởng như vô hồn đó lại đã nói lên rằng trí tuệ quốc gia Việt Nam đang ngụp lặn ở nửa dưới của thế giới và với xu hướng ngày càng chìm sâu, thụt lùi xa so với láng giềng, nếu cứ đà này tiếp diễn thì nguy cơ dẫn đến mức Việt Nam trở thành quốc gia trí tuệ kém phát triển là nhãn tiền! Phải chăng trí tuệ của con người và dân tộc Việt Nam thấp? Như đã biết, Chỉ số đổi mới toàn cầu (GII- Global Innovation Index) được tính theo hai nhóm chỉ số con, là nhóm các chỉ số đổi mới/sáng tạo đầu vào và nhóm các chỉ số đầu ra. Có tổng cộng 7 tiêu chí (gốc) cơ bản. Năm tiêu chí gốc tạo nên nhóm đầu vào (Innovation Input) đều gắn chặt với các yếu tố quản lý điều hành nhà nước và môi trường hoạt đông kinh tế quốc dân, tạo tiền đề cho các hoạt động đổi mới/sáng tạo. Đó là: (1) Các tổ chức nhà nước, (2) Nguồn lực con người, (3) Cơ sở hạ tầng, (4) Độ chín của thị trường, và (5) Mức hoàn thiện của kinh doanh. Hai tiêu chí gốc hợp lại thành nhóm Đầu ra của đổi mới/sáng tạo (Innovation Output) [1] gồm: (6) Kết quả khoa học (Scientific outputs), (7) Thành quả sáng tạo (Creative outputs) . Để tìm hiểu xem, nguyên nhân nào làm cho trình độ Đổi mới /Sáng tạo của Việt Nam kém cỏi như vậy, ta hãy xem xét vài tiêu chí cơ bản có ảnh hưởng nhiều nhất. Nhóm đầu ra gồm kết quả khoa học và các thành quả của sáng tạo. Đó là những tiêu chí phản ảnh trí tuệ cũng như cách vận dụng trí tuệ để tạo ra kết quả sáng tạo. Nếu những tiêu chí này thấp tức trình độ trí tuệ con người ở đó thấp. Trong các tiêu chí đầu vào, thì hai tiêu chí về Các tổ chức Nhà nước (Institutions) và Nguồn vốn con người (Human Capital/Capacity) là rất quan trọng. Chẳng hạn về tổ chức, người ta phải đánh giá 3 tiêu chí nhánh: Môi trường chính trị, Môi trường điều hành, Môi trường kinh doanh. Đây đều thuộc về trách nhiệm của tổ chức nhà nước. Về Nguồn vốn con người thì phải đánh giá đến Giáo dục phổ thông, Đào tạo Đại học và dạy nghề, Nghiên cứu và triển khai. Việc đầu tư và chăm lo cho những nhiệm vụ này cũng là trách nhiệm chính của các cơ quan quản lý nhà nước. Những tiêu chí này tạo tiền đề cho Đổi mới /sáng tạo. Nếu những tiêu chí này thấp, thì Chỉ số Đổi mới sáng tạo không những không cao mà còn bị kéo thấp xuống. Có nghĩa làm trí tuệ của đất nước thụt lùi. Bảng 2 là số liệu của thế giới đánh giá Việt Nam về mặt Tổ chức, Vốn con người và Đầu ra đổi mới/sáng tạo [2,3]. Chúng ta cũng sử dụng phương pháp chuẩn hóa số liệu như trình bày ở phần trên, và kết quả có một hình ảnh trực quan về ba yếu tố này như trình bày ở hình 3. Không khó khăn để nhận ra rằng chỉ số về Tổ chức và Nguốn vốn con người của Việt Nam chẳng những dưới trung bình mà có lúc còn nằm gần sát đáy nửa dưới. Trong lúc chỉ số đầu ra, đánh giá năng lực con người Việt Nam thì luôn nằm khá cao ở nửa trên của thế giới. Rõ ràng là trí tuệ của con người và dân tộc Việt Nam không hề thấp. Nguyên nhân khiến chỉ số về trí tuệ của Việt Nam đang ngày càng thụt lùi không phải do con người Việt Nam kém cỏi mà là do sự bất cập của Tổ chức quản lý nhà nước và sự yếu kém trong chăm lo đầu tư cho Vốn con người. Thay lời kết Cộng đồng quốc tế phải thu thập phân tích hàng vạn số liệu, và chúng ta phải nghiền ngẫm hàng ngàn trang giấy, xây dựng mô hình tính toán xử lý hàng ngàn con số vô hồn chỉ để đưa ra một kết luận giản đơn ai cũng biết cả, về nguyên nhân yếu kém của hệ thống Đổi mới / sáng tạo quốc gia của Việt Nam. Nhìn lại thấy việc làm này thật là “ngớ ngẩn”, vì chỉ cần liếc mắt đã có thể dễ dàng thấy hiện tượng này khắp nơi. Chẳng hạn như ở vùng sâu, tận cuối đồng bằng sông Cửu Long, thầy Hải cùng 3 học trò trường THPT An Lạc Thôn (Kế Sách, Sóc Trăng) mày mò tự bỏ tiền của công sức sáng tạo nghiên cứu thành công công trình “Thu giữ dầu loang bằng thảm vỏ tràm”, rất hữu ích và đạt được giải thưởng. Không có tiền làm lộ phí đi nhận thưởng, thầy trò đăng báo xin tài trợ. Số tiền chắc không bằng một bữa nhậu của quan chức địa phương .Nhưng thầy trò chẳng những không nhận được sự hỗ trợ kinh phí nghiên cứu cũng như đi lại của chính quyền, thay vào đó là bị huyện yêu cầu kiểm điểm vì dám công khai xin tài trợ (làm xấu mặt quan chức) [4]. Đó chỉ là chuyện ở một nơi xa xôi hẻo lánh, dân trí và trình độ cán bộ còn thấp, bàn đến chuyện Đổi mới/Sáng tạo làm gì. Thế nhưng chuyện một vị giáo sư, Hiệu trưởng một trường Đại học hàng đầu ở Hà nội đã thở dài mà than “… Hà Nội vừa mới mua mấy trăm cái iPad thời thượng (hết hơn 3 tỷ!) để phát cho Đại biểu HĐND [5] mỗi người một cái (để làm gì...?). Trong khi đó cả năm nay, trường Đại học chúng tôi không được kho bạc Hà Nội giải ngân cho một xu để mua máy tính cho Sinh viên,Thầy giáo sử dụng cho học tập và nghiên cứu. Lý do họ bảo là phải tiết kiệm đầu tư công!”, thật đáng để suy ngẫm! Khi một đất nước được xem là kém cỏi trong Đổi mới/Sáng tạo, thì đồng nghĩa với việc đất nước ấy không thể tự phát triển được. Nó chỉ tồn tại được bằng cách bán cho đến cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, vắt cho đến cùng cực sức cơ bắp để làm thuê cho người khác. Khi những thứ đó không còn nữa thì sao? --- Tài liệu tham khảo: [1] Thứ bậc của Trí tuệ Việt Nam trong bảng xếp hạng toàn cầu http://tiasang.com.v...ult.aspx?tabid= 111&CategoryID=2&News=4227 [2] 2012 Rankings http://www.globalinnovationindex.org/gii/main/2012rankings.html [3] Previous Editions http://www.globalinn.../main/previous/ [4] Nỗi buồn thầy giáo bị kiểm điểm vì ‘làm bẽ mặt’ địa phương http://www.tienphong.vn/xa-hoi/583547/ Noi-buon-thay-giao-bi-kiem-diem-vi-lam-be-mat-dia-phuong-tpp.html [5] Đại biểu HĐND Hà Nội dùng iPad nghìn USD để làm gì? http://vtc.vn/2-3406...d-de-lam-gi.htm
  25. TÀO LAO VỀ LỊCH SỬ Nếu sinh ra ở thời Hùng Vương Tôi sẵn sàng làm viên gạch Cổ Loa xây thành ngăn giặc Bằng như thời gian nghìn năm quay ngược Tôi chính là ngọn chông cắm vào sóng dữ Bạch Đằng Hay tôi nguyện ăn hết cơn đói thế kỷ mười lăm trên núi Chí Linh Ngồi mài mực đêm Ức Trai viết Bình Ngô Đại Cáo Còn nếu được đầu thai mấy trăm năm hơn, thời đại phá quân Thanh Tôi xung phong làm tên lính quèn dắt ngựa cho Quang Trung hoàng đế Nhưng bây giờ nếu tôi vẫn cả gan làm những điều tương tự thế Hoặc sẽ nếm mùi cơm tù Hoặc mang tiếng chơi ngông Ai không tin, ra hỏi thử biển Đông ĐCĐ

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This is an example of a list.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

×
×
  • Create New...