Jump to content
nguyen thi nguyet

Tản mạn thơ thu

Recommended Posts

Chiếc lá của mùa thu rụng xuống. cái se lạnh luồn vào từng ngóc nghách của tâm hồn. Buồn.

Thu buồn như hàng liễu, thu buồn như lòng người thiếu nữ trong thơ Xuân Diệu. Thu buồn như lòng tôi. Một mùa thu chết. Thu – bao giờ cũng là điểm tựa cho tâm hồn thi sĩ, là cánh đồng bao la ru lại cảm hứng cho muôn ngàn thi sĩ Việt nam. Ta đã thấy một rừng thu trong cái nhìn của Lưu Trọng Lư:

“Ta đã nghe mùa thu

Lá thu rơi xào xạc

Con nai vàng ngơ

Đạp trên lá vàng khô”.

(Tiếng thu)

Mùa thu đến với chúng ta nhẹ nhàng, im lặng, thu đến không báo giờ, không một tiếng động. Ta chỉ thấy đâu đó một thoáng heo may, một vài cái rùng mình, cái chớm lạnh không quá rét, nó không căm căm như cái rét của mùa đông. Nó thoáng qua nhưng đủ để cho lòng người những dư vị êm đềm.

Trong những xộc xệch của cuộc đời, đôi lúc văn chương được chắp nhặt từ những mảnh thủy tinh vỡ vụn mà người ta hay nhầm tưởng đó là kim cương thì mùa Thu đi ngang qua như để ổn định lại tất cả: tâm tư, tình cảm, và những cảm xúc thăng trầm của con người, nó như một dấu hiệu để chúng ta nhận ra rằng mùa đông đã sắp sang. Trong những giây phút ấy ai mà không dành một chút thời gian để suy nghĩ cho khoảng thời gian mình đã đi qua và những gì mình chưa với tới.

Hoa sữa đang thì thầm tỏa hương khắp đường phố, loài hoa tượng trưng cho tình yêu của thi sĩ, tượng trưng cho Hà Nội, tượng trưng cho mùa Thu, cho khoảnh khắc xao lòng. Hoa sữa tượng trưng cho tôi, cho hồn thơ tôi, cho tâm hồn tôi. Giọt thu rơi xuống đất trời, hòa tan những cảm xúc quá nóng và quá lạnh, hòa tan tâm trạng buồn đau và vui vẻ. Nó làm cho con người ta thấy dễ chịu hơn, nhẹ nhàng hơn.

Mùa thu trong thơ giống như một vườn hoa mang nhiều màu sắc, nó như hội tụ tất cả vẻ đẹp của thiên nhiên trong tình cảm của con người, nhưng thu thường buồn, buồn như Xuân Diệu:

 

“Rặng liều đìu hiu đứng chịu tang

Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng

Đây mùa thu tới – mùa thu tới

Với áo mơ phai dệt lá vàng”.

(Đây mùa thu tới)

 

Cảnh vật trong khổ thơ đã gợi lên một nỗi buồn thấm sâu trong lòng người. Hình ảnh liễu vẫn quen thuộc trong thơ Đường để tượng trưng cho vẻ đẹp duyên dáng, mĩ miều của người thiếu nữ. Nhưng cái mới của Xuân Diệu là đem lại một dáng hình cụ thể, một tâm hồn con người và một nỗi sầu muộn rất người. Sau đó là một niềm vui đến rất nhẹ nhàng, có một chút yêu đời, yêu cuộc sống ở câu:

“Đây mùa thu tới – mùa thu tớ”i

Đó là tiếng reo vui, vì vậy, ở khổ này có buồn nhưng không hiu hắt, bi thương. Mùa thu trong thơ Xuân Diệu đến với không gian và khoác theo cả một tấm áo choàng lộng lẫy “áo mơ phai”. Hình ảnh ấy khiến ta ngỡ mùa thu giống như một thiếu nữ đang khoác chiếc áo có màu vàng của mùa thu và mang hương vị đất trời đến với chúng ta vậy.

Trước cách mạng chúng ta đã bắt gặp mùa thu khi thì man mát, bâng khuâng như trong “Thu rừng” của Huy Cận:

 

“Bỗng dưng buồn bã không gian

Mây bay lũng thấp giăng màn âm u

Nai cao gót lẫn trong mù

Xuống rừng nẻo thuộc nghìn thu mới về”.

 

khi thì huyền diệu kì ảo như trong “Tiếng trúc tuyệt vời của” Thế Lữ, khi thì ngỡ ngàng, ngơ ngác như trong “Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư.

Nhắc tới Mùa thu, chúng ta không thể không nhắc tới màu vàng – màu đặc trưng của mùa thu. Nhưng cảm nhận mùa thu và sắc màu của nó thì các thi sĩ lại có những cái nhìn khác nhau, Bích Khê thì nhìn mùa thu:

 

“Ô hay buồn vương cây ngô đồng

Buồn rơi, buồn rơi, thu mênh mông”.

 

Còn Nguyễn Du thì viết:

 

“Long lanh đáy nước in trời

Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng”

 

Trong thơ Chế Lan Viên, ông vẽ nên những cảnh điêu tàn, niềm luyến tiếc đến một thuở vàng son, oanh liệt ngày xưa. Ông có trí tưởng tượng phong phú, tuy nhiên, những chữ ông diễn tả giản dị, đơn sơ nhưng không đánh mất nét thơ mộng bất ngờ. Chúng ta hãy lắng nghe những lời than thở của tâm trạng não nề đón thu sang:

 

 

“Chao ôi! Thu đã tới rồi sao?

Thu trước vừa qua mới độ nào!

Mới độ nào đây, hoa rạn vỡ

Nắng hồng choàng ấp dãy bàng cao

 

Cũng mới độ nào trong gió lộng

Nến lau bừng sáng núi lau xanh

Bướm vàng, nhè nhẹ bay ngang bóng

Những khóm tre cao rũ trước mành

 

Thu đến đây! Chừ, mới nói răng?

Chừ đây, buồn giận biết bao ngăn?

Tìm cho những cánh hoa đang rụng

Tôi kiếm trong hoa chút sắc tàn!…”.

(Thu – Chế Lan Viên)

Chủ đề về mùa thu muôn đời là mạch sữa ngầm chảy trong tâm hồn thi sĩ. Mùa thu nào cũng nhẹ nhàng và duyên dáng. Nguyễn Khuyến là nhà thơ của làng cảnh Việt nam, là nhà nho gia mang nạng tư tưởng phong kiến nên cảnh thu của ông mang nét tĩnh lặng, cổ điển. Nếu như mùa thu trong thơ Nguyễn Khuyến có một chút gì đó rất bâng khuâng, xao xuyến:

“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

Một chiếc thuyền câu bé tỏe teo

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí

Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo”

(Thu điếu)

 

Thì Xuân Diệu lại khác, ông và Nguyễn Khuyến là hai nhà thơ sống ở hai thời đại khác nhau. Xuân Diệu là nhà thơ mới, là một trí thức Tây học, chính vì thế mà tư tưởng của mỗi nhà thơ khi nhìn nhận tạo vật là khác nhau. Cảnh thu trong thơ xuân Diệu thì lộng lẫy, kiêu xa, mang nét hiện đại rất Tây:

 

“Chiều mộng hòa thơ trên nhánh duyên

Cây me ríu rít cặp chim chuyền

Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá

Thu đến nơi nơi động tiếng huyền”

(Thơ duyên)

Thơ của Xuân Diệu đôi lúc còn e ấp, rụt rè bởi cảnh vật mùa thu sao động lòng người đến thế:

 

“Em bước điềm nhiên không vướng chân

Anh đi lững đững chẳng theo gần

Vô duyên như giữa bài thơ dịu

Anh với em như một cặp vần”.

(Thơ duyên)

 

Một buổi chiều thu đẹp như trong tranh, những bước đi của “em” và cả của “anh”, không quá gần nhau mà cũng không quá xa, nó đủ khoảng cách để làm lên một nỗi niềm yêu tha thiết, một sợi tơ lòng đang ràng buộc giữa hai người. Và khi tiết trời hơi lạnh, lá vàng khẽ rơi trên lối về thì ta lại thấy được mùa thu như đang quyến luyến, nó giống như chứng tích một thủa:

 

“Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo

Ngõ cũ lâu đài bóng tịch dương”

(Bà huyện thanh quan)

Mùa thu trong thi ca Việt Nam quả thật là muôn hình vạn trạng, nó ảm đạm như trong cảnh tiễn đưa buồn vời vợi giữa Kiều và Thúc:

“Người lên ngựa, kẻ chia bào

Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san

Dặm hồng bụi cuốn chinh an

Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh”.

(Nguyễn Du)

Còn Lí Bạch cũng đã từng viết:

“Trăng thu soi sáng Động Đình

Tiêu, Tương một giải, chim hồng sớm hay

Dầy thuyền khách hát như say

Bẵng quên áo thấm sương đầy móc thu”.

(Chi điền)

Mùa thu luôn mang cho con người ta cảm giác buồn, những nỗi niềm sâu kín:

“Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời

Ái ân lạnh lẽo của chồng tôi

Mà từng thu chết, từng thu chết

Vẫn giấu trong tim bóng một người”.

(Hai sắc hoa tigôn của TTKH)

Cũng có một mùa thu cô đơn như trong thơ của Chế Lan Viên:

“Đường về thu trước xa xăm lắm

Mà lối đi về chỉ một tôi”.

Rồi mùa thu chết, mùa thu cũng là chứng tích của hàng ngàn mối tình, thu đẹp nhưng buồn. Thu dịu dàng nhưng yếu đuối, thu không đủ mạnh để đóng làm băng hay làm tan chảy một tâm hồn con người, thu cứ thế đến và cũng cứ đi như mùa thu này, nhẹ nhàng mà lặng lẽ, cái lặng lẽ đến ghê người. Lạnh như cảm giác mà ta nhận được trong bài “Gửi người dưới mộ” của Đinh Hùng:

“...Trời cuối thu rồi - Em ở đâu?

Nằm bên đất lạnh chắc em sầu

Thu ơi! Đánh thức hồn ma dậy

Ta muốn vào thăm nấm mộ sâu!”

Trong thơ cách mạng ta bắt gặp mùa thu đẹp tràn đầy sức sống, lúc này mùa thu không lặng lẽ như trong chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến, nó càng không ảm đạm, buồn thương hay e ấp như trong thơ của Xuân Diệu nữa. Mà mùa thu bây giờ mang hồn thiêng sông núi, biểu tượng của Tổ quốc mình:

“Thơ ta ơi! Hãy cất cao tiếng hót

Ca ngợi trăm lần Tổ quốc chúng ta!

Mùa thu đó, đá bắt đầu trái ngọt

Và bất đầu nở rộ những vườn hoa...”

(Mùa thu mới – Tố Hữu)

Hay trong “Đất Nước” của Nguyễn Đình Thi:

 

“Sáng mát trong như sáng năm xưa

Gió thổi mùa thu hương cốm mới

Tôi nhớ những ngày thu đã xa

Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội”.

 

Nếu như Xuân Diệu miêu tả thu đến là : “Những luồng run rẩy rung rinh lá”, thì mùa thu trong thơ Nguyền Đình Thi lại được cảm nhận bằng cái chớm lạnh trong lòng Hà Nội, cái chớm lạnh ấy nó len lỏi vào từng ngóc nghách của các phố phường Hà Nội làm cho con người cảm thấy cảm nhận mùa thu đến thật nhẹ nhàng. Thu đến bao giờ cũng thế - nó đem đến hơi lạnh làm cho con người ta ít xuống đường phố, mùa thu không lời… Tâm trạng con người, tâm hồn nhà thơ nhạy cảm với mọi biến động của trời đất, họ say mê vẻ đẹp và tinh tế trong bước chuyển mình của vạn vật.

Với Hoàng Cầm thì mùa thu được diễn tả như sau:

“Ai về bên kia sông Đuống

Có nhớ từng khuôn mặt búp sen

Những cô hàng xén răng đen

Cười như mùa thu toả nắng…”.

Hình ảnh “mùa thu tỏa nắng” như có sức ấm kì diệu, nó làm câu thơ như nóng lên, đẹp lên rất nhiều.

Mùa thu đẹp không chỉ trong thơ Việt nam mà với thơ nước Nga - Thu cũng trở nên đẹp quyến rũ đến lạ kì:

“Nghe chút heo may chợt ngỡ ngàng

Khoả vào nỗi nhớ giấc thu sang

Mơ về Khác-cốp hoàng hôn tím

Thông ngút ngàn xanh mặc phong vàng”.

(Nghe mùa thu xa)

 

 

Hay ta cũng thấy trong bài “Hoài niệm về cánh đồng Nga”

 

“Nghe chút heo may chợt ngỡ ngàng

Khoả vào nỗi nhớ giấc thu sang

Mơ về Khác-cốp hoàng hôn tím

Thông ngút ngàn xanh mặc phong vàng”.

 

Mùa thu đến không chỉ mang sắc đẹp của bản thân nó mà nó mang cả tâm trang của con người mà tác giả ở đây chính là chủ thế chính. Có thể một buổi chiều thu ta thấy:

“Em đã về. Mùa thu không nỡ đi

Cứ dùng dằng cho nắng vàng ở lại

Tóc thôi bay trên phố dài khắc khoải

Mũ cứng trên đầu giấu thương nhớ thật sâu”.

(Em đã về - Thụy Anh)

 

Một thoáng dùng dằng, một thoáng nhớ thương giống như:

“Không phải là hè, chưa hẳn đã là thu

Sao trời đất cũng dùng dằng lạ thế

Chỉ có một chút mà lòng như sóng bể

Giữa không gian xao xác lá sang mùa”.

(Thơ những ngày xa – Nguyễn Hà Cừ)

Mùa thu vốn là đề tài quen thuộc trong thơ ca không những với thơ văn cổ điển trung đại mà theo thời gian đến bây giờ mùa thu vẫn xuất hiện trong thơ hiện đại như một tất yếu. Với nữ sĩ Xuân Quỳnh, một người phụ nữ có một số phận không may mắn, dường như luôn luôn phải “đánh đu” với cuộc sống, với hạnh phúc,… nhưng con người ấy lại mang trong mình nhiều khao khát. Chính vì thế mà thơ của Xuân Quỳnh luôn có một sức sống kì lạ trong lòng người đọc , bởi nó gần gũi, dễ hiểu với đông đảo quần chúng, vừa sáng rõ, nhã nhặn lại giản dị. Và mùa thu trong thơ Xuân Quỳnh như là kỉ niệm về một thời:

“Cuối trời mây trắng bay

Lá vàng thưa thớt quá

Phải chăng lá về rừng

Mùa thu đi cùng lá

 

Mùa thu ra biển cả

Theo dòng nước mênh mang

Mùa thu và hoa cúc

Chỉ còn anh và em

 

Chỉ còn anh và em

Là của mùa thu cũ

Chợt làn gió heo may

Thổi về xao động cả:

…”

(Thơ tình cuối mùa thu – Xuân Quỳnh)

Mùa thu trong bài thơ này buồn, mùa thu như tiễn biệt những chiếc lá cuối cùng, lá rụng rồi mùa thu qua đi, dòng nước mênhh mang cũng theo biển cả ra ngoài Đại dương xa xăm, hoa lá sẽ cùng mùa thu đi, tất cả sẽ đi và tàn lụi theo đúng nghĩa tự nhiên của nó. Nhưng không phải vì thế mà tình cảm của “anh” và “em” cũng ra đi như thế. Thiên nhiên và vạn vật cứ đi, và “chỉ còn anh và em”, nghĩa là tình ảm của con người sẽ còn mãi với thời gian, còn mãi với những mùa thu.

Trong bài “Khúc mùa thu” của Hồng Quang Thanh ta cũng thấy được nỗi cô đơn

 

“Sẽ chỉ còn quầng thu thuở ấy

Nỗi cô đơn vằng vặc giữa trời

Người đàn bà giấu đêm vào trong tóc

Em tìm gì khi thất vọng về tôi ?”

 

Bầu trời thu bỗng nhiên trở lên lạnh toát, tác giả dùng từ “quầng thu”, mùa thu ở đây giống như một hình cầu được vo tròn lại trong kí ức, giọng thơ trầm lắng làm cho cả khổ thơ im lặng, thủ thỉ với màn đêm.

Mùa thu như ta đã biết, nó gắn liền với hoa sữa, với Hà Nội, như trong bài thơ “Giã từ Hà Nội” của Nguyễn Thị Việt Nga:

“Xa rồi đấy Hồ Gươm xanh cổ tích

Ghế đá chiều nao ngồi ngậm tóc làm thơ

Hoa sữa rụng như sao đường Hoàng Diệu

Dãy điệp vàng ngơ ngẩn cả mùa thu”

 

Mùa thu đến kéo theo nhiều dư vị của nó, có lẽ chỉ có mùa thu mới đẹp đến thế, mùa thu gợi nhó gợi thương, gợi bâng khuâng da diết, gợi lên những nỗi buồn êm ả. Mùa thu là mùa mà thi sĩ gửi nhiều nỗi niềm nhất và có thể đây cũng là thời điểm mà vườn thơ có thêm nhiều “loài hoa” mới lạ.

Thu đẹp không chỉ trong thơ mà thu đẹp trong cả nhạc. Có những bài thơ viết về ùa thu được phổ nhạc như: “Mùa thu cho em” của Thụy Anh do Ngô Thụy Miên phổ nhạc:

“ Em có nghe mùa thu mưa giăng lá đổ?

Em có nghe nai vàng hát khúc thương yêu?

Em có nghe mùa thu nói

Hai chúng ta cùng chung lối

Mình yêu nhau nhé!

 

Em có hay mùa thu sương bay gió nhẹ?

Em có hay thu về xóa dấu cô liêu?

Em có hay mùa thu tới

Bao trái tim vương màu xanh mới

Tình ta ngất ngây!”

 

Bài thơ “Đâu phải bởi mùa thu” do nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc:

“…

Em ru gì, lời ru cho anh, một đời đam mê, một đời giông tố,

Em ru gì cho ta, khi bao ngày phôi pha,

Câu hát ngân lên bỗng tắt nửa chừng,

Thôi đừng hát ru, thôi đừng ray rứt,

Lá trút rơi nhiều đâu phải bởi mùa thu”.

 

Hay bài “Thơ tình cuối mùa thu” do nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc ,… và rất nhiều thơ mùa thu được phổ nhạc như bài “Hai sắc hoa tigon” của TTKH, bài “Hoa sữa” của Nguyễn Phan Hách, bài “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa”của Bùi Anh Tuấn, bài “Hà Nội phố” của Phan Vũ,… Những nốt nhạc mới chính là những giọt mùa thu nhỏ xuống tắm đẫm tâm hồn ta, nó làm giàu khả năng cảm thụ của chúng ta và mang đến cho chúng ta những khoảnh khắc yên bình nhất, và tất nhiên nó có tác dụng thanh lọc tâm hồn ta.

Còn với tôi thì Thu buồn lắm, thu lắng đọng tâm hồn, thu chia lìa ngơ ngác:

“Thu khóc hạ qua từng cơn nắng nhạt

Đón heo may tháng bảy gieo mùa

Thu chết lặng tiễn đưa mình trút lá

Bước sang đông ủ rũ se mình”

Dù cho cảnh vật mùa thu có đẹp đến nhường nào nhưng khi nó đã đi vào thơ ca thì cũng vẫn bị chi phối bởi cái nhìn chủ quan của người sản sinh ra nó. Thu luôn đi kèm theo màu vàng, màu chia ly, tàn lụi nên ta thấy hầu như bài thơ nào cũng phảng phất những nỗi buồn, có những nỗi buồn sâu kín, im lặng, có những day trở quằn quại,… Ta chỉ nên đứng ở chỗ độc giả để cảm nhận mùa thu qua hồn thơ của các thi sĩ, nhạc sĩ, qua những tình khúc dịu nhẹ và xao xuyến gợn lòng.

Nói về mùa thu thì đây vốn là một chủ đề không có điểm dừng, thơ đi qua các mùa và dừng lại lâu nhất ở mùa thu. Có thể nói trên cánh đồng thu, người nghệ sĩ đã gặt hái được nhiều thành công nhất. Đó chính là mùa mà thơ ca và âm nhạc được chắp cánh. Tham gia cuộc bình thơ này, tôi không đi sâu phân tích hay bình giảng về một tác phẩm cụ thể viết về mùa thu, mà chỉ đưa cái nhìn của mình bao quát những tác phẩm đã viết về mùa thu từ cổ điển đến hiện đại. Cuối thu rồi, trời đất cũng rùng mình, heo may lại ùa đến, những chiếc lá bàng cuối cùng rơi xuống, chỉ còn thân và những cành cây trơ trụi, gân guốc in trên nền trời đen gầy sắp phải chống chọi với một mùa đông giá rét.

 

 

:P:( :(

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

Join the conversation

You can post now and register later. If you have an account, sign in now to post with your account.

Khách
Trả lời chủ đề này...

×   Bạn vừa dán nội dung có định dạng.   Paste as plain text instead

  Only 75 emoji are allowed.

×   Your link has been automatically embedded.   Display as a link instead

×   Your previous content has been restored.   Clear editor

×   You cannot paste images directly. Upload or insert images from URL.

Đang xử lí...

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This is an example of a list.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

×
×
  • Create New...