Jump to content
GloryDs

...

Recommended Posts

NHỮNG GIẤC MƠ

 

Có những giấc mơ

chở hồn tôi về nơi xa thẳm

Nơi có những điều cuộc sống chẳng có đâu

Chẳng có những âu sầu,

Cũng không còn những đêm thâu thức trắng

Chẳng có những bước chân

Phân vân trên nền cát nắng

Chẳng có những tâm hồn

Hấp hối trong bụi mận gai

Chẳng có những bi ai

Nghênh ngang tồn tại

Chẳng có những nụ cười

Gượng gạo trên môi

Cũng chẳng còn

Những nếp nhăn đầy lối

Những mảnh đời gian dối khắp nơi nơi

…nhưng ai ơi

Giấc mơ cứ mãi xa vời

Không là thực nên người người mơ tưởng

Không là thực mà chỉ là tưởng tượng

Để con người cứ phải bi thương

Bi thương hòa chung tiếc nuối

Giá mà…được chết đuối

Cùng…giấc mơ ?!

02/07/07

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

MƯA MÙA HẠ

 

Mưa mùa hạ

long lanh

rớt nhẹ trong lòng

mưa mùa hạ

rì rào

nghe tim nào xào xạc?

mưa mùa hạ

một nẻo chung đôi

Mưa quyện mồ hôi

Tôi thôi không còn nhận ra tiếng khóc

Lẫn trong mưa

Lẫn tiếng thương lòng

Mưa mùa hạ

Có chút lạ ngập hồn tôi

Mấp máy đôi môi

Tôi thôi không chờ nỗi nhớ

02/07/07

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

VAI ÁO EM MÀU XANH…

 

Một ngày kia bình minh không thức dậy

Nắng sẽ chẳng còn sưởi ấm được lòng tôi

Thì sống đây cũng bằng chết đi rồi

Linh hồn không bóng nắng

Linh hồn chỉ còn làn sương trắng

Mỏng manh

Vai áo em màu xanh

Dệt từ chất liệu sa tanh mướt mát

Thoảng qua hồn tôi cằn cỗi một gốc cây già

Vai áo em màu xanh

Vai áo em màu xanh

Cho tôi chút an lành không chút nắng

Cho hồn tôi không còn làn sương trắng

Vai áo em màu xanh

Tôi mang hình em vào tâm thức

Đẽo mái chèo chở mãi trên sóng lòng tôi

Không nắng nhưng sống lại rồi

Cái linh hồn tôi cằn cỗi

03/07/07

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

CẢM TÁC “CHIỀU” MỘT ĐÊM KHÔNG NGỦ

 

Sầu ơi sao nỡ giăng lên mí mắt

Một nỗi buồn của kẻ tha phương?

Sầu ơi sao chẳng thắp một nén hương

Để truy điệu linh hồn người xa xứ?

Khi tất cả chỉ còn là quá khứ

thì trong lòng kẻ lữ thứ dập dìu một nỗi cô liêu

Mỗi chiều bước chân ngang hàng quán liêu xiêu

Nghe “Chiều” vang lên từ radio nhỏ

Nghe sóng lòng hoàng hôn mờ tỏ

Nghe nỗi buồn dợn bước chân mây…

Nghe mưa đẫm vai gầy

Nghe cô đơn thây ma quạnh quẽ

Sầu ơi! xin mi đừng cô lẻ

Mà đến cùng những giá lạnh đêm đông

Để cùng ta cạn chén hương nồng

Cùng nhấm nháp nỗi mênh mông trong tâm khảm.

Sầu ơi…Sầu ơi…

Mi đưa tay lả lơi

Mi liếc nhìn khiêu gợi

Để tơi bời những cảm xúc trong ta

Sầu ơi…

Xin để ta nghỉ ngơi

Xin cho ta dăm phút giây không còn nhớ

Khi men rượu say trong suối lòng ta đã vỡ

Sầu ơi…

Xin cho ta thảnh thơi…

…sầu ơi…hồn ta diệu vợi…

11/07/07

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

DANG DỞ ( Phần I )

 

 

Chiều xuống dần trên những nếp nhà tồi tàn và ẩm mốc của khu trọ nghèo…tàn tích của trận mưa nặng hạt trưa nay vẫn còn vương lại trên mặt sân chung sũng nước, nhầy nhụa và loang lổ những mảng tường đã lâu không được chống thấm. ở khu trọ này, cái nghèo là điểm chung nhất. Một dãy 6 phòng nhỏ như tổ mối, ẩm thấp và bẩn thỉu nối sát nhau chật chội, hướng cửa chính ra một lối đi chung hẹp té chưa đầy thước và mặt tiền là sân phơi tạp nhạp những thứ vật dụng linh tinh mà trông xa tưởng như một bãi rác công cộng. Nhưng dù vậy, thì chút nắng chiều còn nuối tiếc hắt lại trước khi chìm vào đêm vẫn rất đẹp, rất nên thơ. ít ra là trong cảm nhận của Hoài.

Hoài là khách trọ lâu năm ở chỗ này, từ khi anh chân ướt chân ráo lên chốn phồn hoa đô thị để nuôi dưỡng cho mình một ước mơ. Là con trai út trong một gia đình nông dân nghèo ở miền quê mà có nhắc tên có lẽ cũng chẳng ai biết, từ nhỏ Hoài đã ít học, hoặc giả có học thì cũng khi được khi không, anh học trễ 3 năm so với chúng bạn cùng trang lứa, mà ấy là chúng nó cũng đã học trễ từng ấy năm. Thành ra, khi Hoài từ giã ngôi trường cấp 3 để khoác lên vai hành trang của một sinh viên năm nhất thì anh đã 25 tuổi, cái tuổi mà ở quê vốn đã yên bề gia thất với một bầy con nheo nhóc và mảnh ruộng khô cằn những vết chân chim. Anh chị Hoài đều vậy, nghèo đói và bỉ cực. 1 gia đình 8 người kể cả bố mẹ chỉ mình Hoài có diễm phúc được đến trường, bởi vậy tương lai của Hoài được thắp sáng hơn một chút.

Ngày tiễn anh ra ga, mẹ anh không cầm được nước mắt, còn bố anh trao cho đứa con trai ánh mắt của sự kì vọng và một niềm tin vô bờ, nhưng thứ mà Hoài luôn giữ bên mình là ngôi sao gấp bằng lá dừa của thằng Đen, con của chị Hai gọi Hoài bằng cậu, nó lấm lét dúi vào tay Hoài với 1 nụ cười ngưỡng mộ: “ cái này con tặng cậu, cậu học giỏi, mai mốt về dạy cho con nghen ”. từ ngày đó đến nay đã 3 năm, Hoài càng già hơn với cái tuổi của mình bởi bộn bề những lo toan và cuộc sống bon chen khắc nghiệt. Để nuôi dưỡng tương lai, anh phải bươn chải bằng đủ thứ nghề, từ bồi bàn, giữ xe,… và mới nhất, cũng là có giá nhất, là làm gia sư cho một gia đình trung lưu ở sài gòn. Kể ra đó cũng là một điều may mắn . Ngày 3 bữa lót dạ bằng bánh mì và mì gói, Hoài dành dụm từng đồng để cuối tháng gửi về cho gia đình một hai trăm ngàn, có khi mẹ ốm, anh dồn hết số tiền dạy thêm kiếm được lo thuốc thang cho mẹ, còn mình bóp bụng với số ít ỏi còn lại từ chân bưng bê cho một xe hủ tiếu đầu đường. Cuộc sống cơ cực, nhưng dù cực cách mấy, Hoài vẫn luôn giữ cho mình 1 niềm tin bất diệt vào cuộc sống, vào số phận đổi thay một ngày nào đó.

Hoài dắt chiếc xe đạp cọc cạch vào trong sân, kéo sợi dây xích khóa lại rồi bước vào nhà. Hôm nay, bỗng dưng anh bỏ quên cái nắng vàng hiu hắt lại sau lưng…

Thả phịch người xuống nền gạch ẩm ướt, Hoài dựa lưng vào tường, mắt nhắm hờ rồi trút ra tiếng thở dài nặng nhọc. nhà bên cạnh, bà Tư lại oang oang nhiếc móc ông chồng vô tích sự tối ngày chỉ biết làm bạn với ma men, còn ông Tư thì say quắc chẳng biết gì, cứ lải nhải mấy câu vọng cổ bằng cái giọng nhè nhè của người say rượu. tí nữa thế nào cũng có xô xát, Hoài cười nhạt, ngày nào mà chẳng vậy. Mỗi người một cảnh…Được một lúc, khi cuộc chiến nhà bên cạnh đến hồi quyết liệt thì Tâm, con gái của ông bà Tư lại chạy qua gõ cửa phòng Hoài, khóc rấm rứt.

Gần như ngày nào Hoài cũng phải đứng ra hòa giải cho cặp vợ chồng đó, trừ những ngày anh phải dạy thêm giấc chiều, những ngày đó tàn tích của cuộc chiến thường để lại trên thân thể ông Tư những vết bầm tím, những vết rách tứa máu từ cây chổi chà trong tay vợ. Lần nặng nhất, ông Tư phải nhập viện vì rách cơ vai, phải khâu cả chục mũi, thương chồng nhưng được cái làm bà Tư hài lòng là bác sĩ bắt ông phải ngưng rượu cho tới khi lành hẳn. Và Hoài lại thành đối thủ của ông Tư trong những cuộc cờ đêm, khi tiếng nòng nọc kêu xé lòng vang lên từng chập từ cái ao đối diện khu nhà trọ. Hôm nay vẫn vậy, Tâm lại chạy qua nhờ Hoài can ngăn bố mẹ mình, Hoài cũng ko thể không nhấc cái thân rã rời mệt mỏi qua nhà hàng xóm. Cái số khổ, mà ngặt nỗi bà Tư chỉ nghe Hoài. Vậy là yên chuyện, ông Tư được yên thân mà ngủ với Lưu Linh vỗ giấc, còn bà Tư lại có dịp bày tỏ nỗi lòng với thằng rể mà bà ao ước. Bà Tư kết Hoài thấy rõ, trong khu nhà trọ không ai là không biết.

Tâm là một cô gái tốt, xinh xắn, nết na, là công nhân của xưởng may gần đó. Cô mới 22, cái tuổi đương thì mơn mởn mà khối anh gần nhà phải ối a muốn được cặp kè. Vậy mà trái tim mềm yếu của cô dường như phớt lờ mọi sự xung quanh, chỉ đỏ mặt thẹn thùng mỗi khi bị chàng trai nào đó buông lời tán tỉnh. Bởi lẽ, trái tim cô đã in hình bóng anh sinh viên nghèo cùng khu trọ tự khi nào… Cô thường len lén nhìn anh, chăm chú nghe anh gảy đàn mỗi đêm, khi ánh trăng vàng treo lơ lửng trên thinh không mênh mông không một ánh sao. Những khi đó, lòng cô thổn thức, nghẹn ngào theo từng lời ca sâu lắng : “Sống trên đời cần có 1 tấm lòng…để làm gì, em biết không?..”. Hoài hát không hay, nhưng chất giọng trầm ấm cùng khả năng biểu đạt cảm xúc của người nghệ sĩ khiến anh luôn hút hồn những người xung quanh. Ít khi Hoài hát, thường chỉ những khi nhớ nhà, hay những lúc vu vơ với cảm xúc dạt dào, anh mới lấy đàn ra tình tự. Hoài học sân khấu, nên ngoài hát ca, anh còn viết…viết rất nhiều, làm thơ, truyện ngắn, viết báo,…đó ngoài là thú đam mê, còn là một nguồn thu nhập đáng kể. Hoài viết rất khỏe, gần như đêm nào anh cũng chong đèn với những áng văn, những khi đó, Tâm thường mượn cớ mang qua nhà anh khi thì tô mì, lúc lại bát canh nóng để có dịp gần anh. Hoài biết tình cảm của Tâm, nhưng anh luôn giữ giữa 2 người một khoảng cách…

Nắng chiều đã tắt tự lâu lắm, còn cái đồng hồ cũ kĩ treo trên tường cũng báo cho Hoài biết đã nửa đêm…anh trở mình rồi chong đèn học. cuối năm, bài vở bận rộn nhưng anh cũng chỉ có thể học vào nửa đêm, khi cơ thể đã được thư giãn phần nào bằng giấc ngủ vội sau một ngày mệt nhọc. sáng lên trường, chiều dạy thêm, ban đêm lại tranh thủ ra phụ xe hủ tiếu của ông Hán ở đầu đường, Hoài được nghỉ ngơi cũng ít, hai tiếng đồng hồ bắt đầu từ 10h đêm.

Ngao ngán, Hoài ngồi vào góc phòng, nơi để cái bàn xếp nhỏ xíu bằng gỗ đã theo Hoài từ quê nhà xa xôi, với bao kỉ niệm. bình thường, nó được xếp lại để chồng lên cái thùng sắt có lẽ cũng bằng tuổi với nó, cất ở góc phòng, treo phía trên là cây đàn ghita và đặt cạnh là manh chiếu cói sậm mồ hôi. Đó là cái chốn nương thân của Hoài, giản dị hệt như chủ của nó. Sáng mai nộp bài luận văn, mà tới giờ vẫn chỉ là trang giấy trắng, 2 tuần từ khi chọn đề tài, Hoài vẫn cạn. nhưng dù thế nào, đêm nay phải làm cho xong. Hoài đặt bút, và viết như quán tính, rất nhanh, nhanh như nhịp tích tắc của kim đồng hồ quay dần về sáng.

Con gà trống nhà ông Hai nuôi ngoài sân giành làm phần việc báo thức, khiến Hoài mở mắt, gà gật chưa tỉnh hẳn, anh ngủ quên tự khi nào, nhưng bài luận dài 6 trang A4 xem như hoàn tất, có lẽ không đủ đạt điểm A, nhưng cũng không lo là quá tệ. Hoài duỗi mình 1 cách lười biếng, đầu va đánh bốp vào cái kệ sách phía sau, nhăn nhó, anh xoa xoa đầu rồi đứng dậy mệt nhọc. một ngày mới đã bắt đầu!

 

Hoài đến lớp muộn, nhưng kịp giờ điểm danh, thằng Hưng huých cùi chỏ : “ tối qua lại viết nữa à? Sao mặt mũi lờ đờ thế?” Hoài khẽ gật, đưa cho nó coi bài luận văn của mình : “ cái này nè, suýt nữa thì ngủ quên.” Thằng Hưng gật gù ra chiều khoái trá lắm, nó học kém nhất lớp, nhưng chơi được, cũng con nhà nghèo nhưng ko quá túng thiếu, có điều mắc cái tật nghiện thuốc lá nên chết luôn với cái danh Hưng nghiện. nó cũng chẳng phiền. Hưng chơi thân với Hoài, cũng là đồng hương, nhưng một đứa giỏi nhất nhì lớp kè kè với 1 thằng thuộc loại đầu đất ko ai hơn kể ra cũng kệch cỡm, chưa kể tới tuổi tác so le, Hoài đứng tuổi, nghiêm trang còn Hưng nhí nhố, hoạt náo ở cái tuổi 23. Nhưng dù sao thì cả hai cũng hợp nhau ở một số điểm, thành ra thân từ khi nào không biết. lớp Hoài ban đầu 30 sinh viên, nhưng rơi rụng kha khá từ năm 2, nên bây giờ cũng không đông mấy, gần 20 mạng. học sân khấu tưởng nhàn, nhưng đâu phải vậy, có khi cũng mướt mồ hôi, nhưng một học sinh xếp loại top như Hoài đâu thể nào trượt, thành ra thằng Hưng hưởng lợi.

Trong lớp, chơi với Hoài chỉ có Hưng, vì cái tính thâm trầm ít nói, lại già dặn của Hoài khiến anh tự tách mình khỏi thời sinh viên sôi nổi. nhưng điều đó đưa Hoài đến với cuộc sống một cách thực tế hơn. Ngoài giờ học, anh dạy thêm, rồi phụ bán, bao nhiêu đó cũng đủ để anh tất bật, còn thời gian đâu để vui chơi? Hoàn cảnh của Hoài trong lớp không ai không biết, thành thử cũng được cảm thông. Hoài không thể không biết ơn cô bạn lớp trưởng đáng yêu đã giúp anh một chân cộng tác viên với một tờ báo. Rồi đến thằng bạn thân giúp anh có chỗ dạy kèm : “ ông bà chủ tốt nhưng khó tính, không thích tật hút thuốc của tao, mày thì hạp, thử coi, tao giới thiệu rồi, chiều nay tao dẫn mày tới”. vậy là Hoài trở thành thầy giáo. Anh dạy kèm cho một cậu nhóc học lớp 11, gia đình khá giả nhưng bất cần dù sức học không hề kém. Sau 1 năm, anh giúp học trò xa dần những thói hư tật xấu để trở thành một học sinh ngoan, học lực khá, nên không chỉ được lòng học trò, cả bậc phụ huynh cũng hài lòng lắm, thi thoảng lại bồi dưỡng thêm cho anh món nọ món kia. Hoài không muốn nhận nhưng cũng không thể chối từ. những thứ đó thường Hoài đưa hết cho Hưng, vì cậu chàng thích đỏm dáng lúc thì gel, lúc lại nhuộm tóc màu xanh màu đỏ, không thì “tẩu” để kiếm vài bao thuốc, âu cũng là hợp lẽ.

Ra khỏi lớp, Hưng níu lại:

-café mày!

Hoài lắc đầu:

-mày biết tao phải đi dạy, café của mày bữa khác tao uống được không?

Hưng xoa hai tay, cười khà khà trong khi chân vẫn ngoặt qua bánh trước chiếc xe đạp của Hoài:

-yên tâm đi, hồi nãy thằng nhóc học trò mày gặp tao ngoài cổng, nó với ông bà già đi ăn cưới chiều nay, nên mày free, không lẽ lại chê chầu café ăn mừng của tao à?

Hoài hấp háy:

-mày có sô gì hay sao mà khoái trá dữ vậy?

-khà khà, báo cáo anh là em vừa nhận được một chỗ dạy mới, thằng nhóc cũng ngoan, nhưng được nhứt là ông bà già nó không có ý kiến gì với điếu thuốc lá của em hết.

-vậy thì coi bộ tao muốn chê café của mày dở cũng không được rồi. muốn đi thì đi, rảnh mà!

 

Hai thằng ngồi phệt ở vỉa hè, trước mặt là 2 ly café khét lẹt nhưng đặc thì hết chê. Cái thứ này tỉnh lắm, uống chẳng ngon lành gì, nhưng đã đổ nó vô người mà còn ngủ được thì y học cũng phải bó tay! Nhấp một ngụm, Hưng khà 1 tiếng khoái trá:

-thèm!

-…

-đừng có để tâm, mày biết tao mà, nghiện mà ko có thì khi có nó mới vậy. chuyện mày sao rồi?

-sao trăng gì?

-thì chuyện mày với con nhỏ xinh xắn chung khu trọ đó, tao thấy nó kết mày lắm.

-ừ thì kết, nhưng khó mày ạ. Tao không muốn làm khổ người ta, mà cũng ko muốn người ta phải buồn…

-thành ra mày lấp lửng vầy hoài hả?

-ờ…Hoài gật đầu cam chịu, tay mân mê ly café đã rịn mồ hôi.

Hưng không hỏi nữa, mắt anh nhìn xa xăm…ít khi nó như vậy, từ khi chơi chung, Hoài chưa thấy nó mông lung như vậy bao giờ.

-có chuyện gì với mày hả?

Hưng không trả lời, chỉ khẽ lắc đầu rồi thả ra một nụ cười méo xệch. Chỉ cần như vậy, Hoài cũng lờ mờ đoán ra, nhưng anh không hỏi, thôi thì cứ để cho mọi chuyện diễn ra tự nhiên, điều gì đến sẽ phải đến, nếu số phận buộc anh với Tâm phải đến với nhau thì trốn cũng không được, còn nếu Hưng thực sự có tình cảm ấy chắc chắn nó sẽ tự tìm hạnh phúc cho riêng mình…

…2 ly café đã tan đá tự bao giờ, loang lổ nước trên nền xi măng nhớp nháp…đằng xa, mặt trời xuống dần sau lưng những tòa nhà cao tầng của thành phố, lan tỏa cái quầng đỏ cam chói lòa ra mênh mông tưởng chừng vô tận. chiều tàn…thu hết cái vất vả của một ngày vào sâu trong mắt, để trải cái tịch mịch trong tâm trạng những kẻ suy tư vào ánh đèn đường vàng vọt bật sáng lên tự khi nào. trời tối dần…nhưng chưa quyện vào đêm.

 

Bữa café chiều khiến Hoài thao thức, dù mệt rã rời nhưng dường như giấc ngủ cứ xa lánh anh như một chứng dịch bệnh. gối tay dưới đầu, Hoài nằm trằn trọc, đầu óc lởn vở những suy nghĩ vẩn vơ, về mình, về Hưng, về Tâm, và về cả quãng đời dài trước mặt. 1 tương lai xa vời quá! thời gian trôi thật nhanh, nhưng cũng bởi vì nó nhanh, nên đôi khi ta như con tàu mất lái, phó mặc cho dòng chảy xiết của cuộc đời đẩy đưa mà có biết đâu nơi nào là bờ bến?! con người sinh ra vốn dĩ là một tờ giấy trắng, tinh tươm và đẹp đẽ, nhưng không phải tờ giấy nào cũng rơi vào tay một tác gia tài ba để viết lên đó những nét chữ vuông vức. cũng như một vở kịch, một vở kịch phản ánh hiện thực của xã hội này, khi mỗi nhân vật được tạc nên bởi chính những gì trần trụi nhất mà đôi khi khiến người xem cảm thấy tàn bạo, nhẫn tâm để rồi thốt lên: “sao giống ta thế nhỉ?!”. Vậy đấy, kịch không là giả tạo, càng không phải là từ ngòi bút của một tác gia nào, mà nó là hiện thực được tổng hợp, đúc kết và cô đọng lại từ xã hội rộng lớn để đưa lên khoảng không nhỏ bé của sân khấu với cánh gà. một diễn viên trong vở kịch đó, phải gạt bỏ đi cái tôi của riêng mình để hóa thân vào nhân vật, làm cho nhân vật sống với những cảm nhận khác nhau của khán giả. Họ thật tài tình, họ đeo vừa khít cái mặt nạ trắng sáp tưởng như vô cảm để mang đến 1 vai diễn xuất thần. thiên hạ thích kịch, vì nội dung kịch bản có chiều sâu, vì diễn viên tài năng gạo cội, và vì họ tìm thấy chính cuộc đời mình được phản ánh trên 60m2 sân khấu. họ ái mộ những diễn viên xuất sắc có thể diễn đa vai, nhưng họ có biết được rằng chính mình cũng là một diễn viên có hạng ngoài xã hội? họ ái mộ những kịch tác gia nổi tiếng viết rất thực, rất hồn nhưng họ có biết rằng họ cũng không hề kém cạnh ở sàn đời kia? Nhưng không như một vở kịch, chúng ta không thể tự chọn cho mình một vai, và càng không thể làm lại mỗi lần chưa đạt, ở đời, người ta chỉ có thể chọn cho mình một bộ mặt, để rồi bộ mặt đó dán chặt vào cái chân dung chân thực của ta, biến nó thành méo mó và thô ráp, vô cảm với xung quanh. Bạn chọn cho mình một chiếc mặt nạ như thế nào? Một người tốt, một công dân gương mẫu hay một kẻ trục lợi bị đào thải khỏi xã hội vốn dĩ đã nhuốc nhơ này? Dù chọn lựa thế nào, cuộc đời vẫn xoay vần với bao nhiêu đó sự kiện: sinh ra, lớn lên, đi học, lấy vợ, sinh con đẻ cái, vật lộn mưu sinh rồi chết đi trong quan tài lạnh lẽo với cái xác khô kiệt lực và dúm dó những nếp nhăn. Hoài đang ở giữa giai đoạn đến trường và lấy vợ. người ta có thể lựa chọn không cái này hoặc không cái kia để đi tắt đến cái bước cuối cùng, nhưng Hoài không như vậy. anh cũng có những mơ ước tầm thường về một gia đình hạnh phúc có vợ hiền con ngoan, ấm cúng dưới một mái nhà có thể không xa hoa nhưng đầy đủ. Những buổi sáng thức dậy với bàn ăn gia đình, những buổi tối giá lạnh cùng nhau quây quần xem ti vi, những lúc dạy con học, những lúc vợ chồng khơi lại giây phút mặn nồng,…tất cả như một bộ phim viết sẵn chỉ đợi công chiếu, nhưng việc mà ông “đạo diễn” băn khoăn lúc này là phân vai thế nào cho phải.

Hoài biết tình cảm của Tâm dành cho mình, nhưng anh lại không biết được tình cảm thực của mình ra sao. Từ lâu, anh đã vùi nén một cách thô bạo thứ tình cảm mà anh cho là ủy mị vào nơi sâu thẳm nhất trái tim mình, với anh, sống không hoàn toàn là yêu, mặc dù anh vẫn yêu. Một nhà văn, một nghệ sĩ phải biết giữ cho mình một tình yêu cháy mãi trong tim. Có như vậy mới viết được, mới sống được. con người sống không có tình yêu thì cũng bằng cây cỏ, cũng bằng những vật vô tri không có tâm hồn. nhưng tình yêu rộng lắm, nó bao hàm tất cả, và tình yêu nam nữ chỉ là một hạt cát nhỏ nhoi giữa sa mạc mênh mông. Cũng bởi vì tình yêu ấy nhỏ nhoi, nên Hoài đã để lạc nó tự lúc nào...với Tâm, Hoài chỉ xem như một người bạn, một tri kỉ luôn biết lắng nghe và chia sẻ, một thính giả ái mộ giọng hát của anh, một độc giả trung thành với những sáng tác của anh, tất cả chỉ có vậy. và Hoài cũng không hề muốn thay đổi điều đó…

Những suy nghĩ vẩn vơ như đưa anh lạc ra ngoài thời gian, để nhịp gõ tích tắc từ cái đồng hồ treo tường trở thành một âm thanh cô độc làm tăng thêm cái tịch mịch của đêm. Thở hắt ra ngao ngán, Hoài với tay lấy cây đàn ghita, so dây rồi gảy lên từng tiếng đầu tiên, như tuốt ra nỗi lòng chất chứa: “ Ôm lòng đêm, nhìn vầng trăng mới về…nhớ chân giang hồ. Ôi phù du, từng tuổi xuân đã già, một ngày kia đến bờ…đời người…như gió qua…”. Tiếng hát khe khẽ trôi vào không gian, thả hoang vu nỗi niềm bất tận đi lang thang như mong chờ một tâm hồn đồng điệu. ngoài cửa sổ, chợt vang lên tiếng hòa ca của một cô gái tóc xõa ngang vai, Tâm đã ở đó…tự bao giờ…

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

Join the conversation

You can post now and register later. If you have an account, sign in now to post with your account.

Khách
Trả lời chủ đề này...

×   Bạn vừa dán nội dung có định dạng.   Paste as plain text instead

  Only 75 emoji are allowed.

×   Your link has been automatically embedded.   Display as a link instead

×   Your previous content has been restored.   Clear editor

×   You cannot paste images directly. Upload or insert images from URL.

Đang xử lí...

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This is an example of a list.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

×
×
  • Create New...