Jump to content
Kieu Anh Huong

"ĐÁNH MẤT CHIẾN TRƯỜNG"-Nhật ký thơ

Recommended Posts

ĐÁNH MẤT CHIẾN TRƯỜNG

 

 

Tôi vào chiến trường năm 1971, khi vừa tròn 18 tuổi; Cũng giống như bao chàng trai tuổi học trò cùng thế hệ, những cuốn sổ tay lưu bút bạn bè tặng ngày lên đường nhập ngũ đã được chúng tôi dùng để ghi tiếp những dòng nhật ký chiến trường hoặc làm thơ…

Cuốn sổ tay lưu bút của tôi chủ yếu là thơ, đúng hơn là nhật ký thơ. Với hơn 5 năm đằng đẵng ở chiến trường ác liệt, những ghi chép thơ của tôi quả thật là không hề ít và nó đã trở thành “kỷ vật” của riêng tôi và tôi hay gọi nôm na đó là tập thơ “chiến trường.”

Vậy mà “kỷ vật” ấy, “chiến trường” ấy của tôi bỗng dưng một ngày đã biến mất. Thật tình mà nói thì tôi cũng không hề biết rằng là nó đã “mất”, nếu như vào năm 1999, khi tôi gặp lại nhà thơ Phạm Tiến Duật – một người anh, một nhà thơ lớn của Trường Sơn và được anh đề nghị cho xem lại những bài thơ tôi đã viết về lính, về Trường Sơn năm nào…

Anh Phạm Tiến Duật biết tôi làm thơ từ hồi còn ở Trường Sơn (vì đã đôi lần được đăng báo) nên khi gặp lại, câu đầu tiên anh hỏi là :

- Cậu còn làm thơ không ?

- Dạ có !

- Vậy là rất tốt, em có thể gửi cho anh đọc được không ? Đặc biệt là những bài thơ viết về Trường Sơn, về chiến trường…

 

Tất nhiên là tôi rất vui và nhận lời ngay. Nhưng khi về tới nhà mới “tá hỏa tam tinh” lục lọi, tìm kiếm mà vẫn không thấy tập thơ “chiến trường”. Tôi cố nhớ lại, mình đã cất dấu nó ở đâu, để quên nó ở đâu hay đã cho bạn bè nào mượn đọc… Nhưng tuyệt nhiên tôi không thể nhớ nổi. Tôi rất buồn, vậy là chính tôi đã đánh mất nó. Ôi, chiến trường của tôi, kỷ niệm của tôi lại đã bị chính tôi đánh mất ! Thế là vĩnh viễn…vì chẳng bao giờ tôi có thể gửi được đầy đủ tập thơ chiến trường mà anh Duật muốn đọc bởi vì sau đó, vào ngày 4.12.2007 anh đã ra đi vĩnh viễn ra tại Hà Nội !

Tuy vậy, cũng còn may, tôi vẫn còn nhớ được một số bài trong tập thơ cũ như bài “Ở rừng”, “Tà Lương”, “Cái hầm trên đèo”, “Ngày hẹn cưới”, “Cái niêu đất”, hay “Suy tư Trường Sơn”… và năm 2000 tôi đành chép lại cùng với với ba bốn chục bài thơ mới viết khi còn sinh hoạt trong nhóm thơ “Vòm cửa xanh” của sinh viên trường đại học Bách khoa Hà Nội để kịp gửi anh như lời hẹn. Đâu ngờ đó là kỷ niệm cuối cùng tôi có với anh về thơ.

 

Ba tháng sau khi đọc tập bản thảo tôi gửi, anh Phạm Tiến Duật đã gọi điện mời tôi đến tòa soạn tạp chí “Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam” tại 51 Trần Hưng Đạo Hà Nội. Anh mở chai rượu tây ra để hai anh em cùng uống và hàn huyên đủ chuyện, khá lâu. Sau cùng anh lấy trên kệ sách và đưa trả lại tôi tập bản thảo rồi nói:

- Em mang về và gửi in đi, đừng để mãi trong ngăn kéo, phí lắm, anh đã viết lời giới thiệu cho em rồi đấy !

 

Tôi vô cùng sung sướng khi đọc bài giới thiệu rất hay của anh cho tập thơ với tựa đề bài viết “Thêm một nhà thơ chiến sĩ”. Hóa ra, dưới con mắt của anh, tôi đã là “một nhà thơ chiến sĩ” rồi đấy. Tôi như đang bay lơ lửng trên ngàn mây…

(Xem bài viết của anh Duật tại đây: http://blog.yahoo.com/KAHKDK/articles/6759...2N+H%E1%BB%8CC).

 

Rồi thực hiện sự chỉ bảo của anh, lần đầu tiên trong đời tôi mạnh dạn gửi tập bản thảo thơ đến nhà xuất bản Hội Nhà Văn để in. Khi đó nhà xuất bản cũng đọc kỹ lắm, có biên tập lại và loại bỏ đi một số bài, nhưng về cơ bản tập thơ mà anh Duật đã đọc vẫn giữ được 50 bài. Đó là tập thơ in đầu tay của tôi với tên gọi “Nhớ lại tuổi hai mươi” ấn hành năm 2000.

 

Nhưng hình như trời thương tôi hay tại linh hồn anh Duật thương tôi hay sao ấy mà vào đúng ngày làm tang lễ cho anh xong tôi đã tìm lại được tập thơ cũ của tôi. Hôm đó, sau khi tiễn anh về nơi yên nghỉ vĩnh hằng, về nhà tôi buồn lắm và đang thẫn thờ nhớ lại những kỷ niệm về anh thì tôi bỗng nhiên nhận được một cú điện thoại của người thân. Hóa ra tập thơ “chiến trường” của tôi không hề bị mất mà chỉ bị thất lạc, nhưng một sự thất lạc dài kinh khủng tới tận 10 năm !

Năm ấy, chị ruột tôi ở khu tập thể bờ sông (Quận Hoàn Kiếm) thuộc diện được giải tỏa, đền bù nên đã chuyển lên khu nhà mới ở chung cư tận Xuân La, Xuân Đỉnh (Quận Tây Hồ) và thật bất ngờ, trong khi xắp xếp lại đồ đạc chị đã phát hiện ra tập thơ cũ của tôi. Khỏi phải nói tôi đã sung sướng như thế nào. Ôi, giá chi anh Duật vẫn còn sống và dứt khoát tôi sẽ gửi lại ngay cho anh để anh được đọc đầy đủ tập bản thảo này như ý nguyện… và chắc chắn những tình cảm anh giành cho tập thơ “chiến trường” của tôi sẽ còn sâu sắc hơn, thú vị hơn…

Anh Duật ơi ! Có phải anh thực sự rất linh thiêng không mà đã chọn đúng ngày, đúng giờ ấy cho em tìm lại được tập thơ, cho em tìm lại được tuổi hai mươi của chính mình ? Thực sự thương nhớ anh quá anh Duật ơi !

 

Ở một khía cạnh khác, “đánh mất chiến trường” cũng có thể hiểu đúng theo nghĩa đen của nó bởi vì trước đó, vào năm 2005, nhân dịp kỷ niệm 30 giải phóng miền Nam, trong một dịp đi công tác về Trị Thiên Huế, tôi và một số đồng đội cũ đã có dịp tìm về chiến trường xưa.

Ngược đường 72 rồi nhập vào đại lộ Hồ Chí Minh ở A lưới, A Sầu, chúng tôi đã thực sự được sống lại với bao kỷ niệm xưa. Nhưng cũng từ đợt về nguồn ấy, chúng tôi càng thêm buồn vì khi chúng tôi đi tìm lại mộ của Tân (xem bài thơ "Tân ơi"), người bạn, người đồng đội cũ của chúng tôi và giật mình chợt nhận ra rằng, chiến trường xưa nơi đây, Trường Sơn xưa nơi đây hình như cũng đã bị “đánh mất” thực sự rồi. Còn đâu nữa những cánh rừng đại ngàn, còn đâu nữa những dấu tích chiến trường… Rừng đã bị tàn phá ! Ở tận nơi biên ải, nơi giáp với nước bạn Lào, trước đây chúng tôi từng trú quân với những cánh rừng thông bạt ngàn, trong đó có rất nhiều những gốc thông già ba bốn người ôm không xuể; Vậy mà giờ đây nó cũng đã bị tàn phá không thương tiếc. Đến cả gốc thông cũng bị đánh lên, tận diệt… Vậy thì làm sao chúng tôi có thể tìm thấy dấu tích xưa, làm sao còn lại những dấu mốc để tìm về với mộ bạn tôi khi xưa ?

 

Người ta đã thống kê được rằng, với ba mươi năm chiến tranh chống Mỹ, kẻ thù đã hạ sát không thương tiếc những cánh rừng đại ngàn Trường Sơn, kể cả dùng bom B52, bom napan hay chất độc màu da cam để xát phạt, để biến Trường Sơn thành những cánh rừng chết, trơ trọi như những cánh rừng chông. Diện tích do bam đạn Mỹ hủy diệt được ước tính không nhỏ hơn 2 triệu hecta rừng tự nhiên (chiếm gần 1/3 diện tích rừng tự nhiên của Trường Sơn);

Nhưng điều đáng nói ở đây là, với ba mươi năm sau giải phóng, số rừng nguyên sinh bị chính chúng ta tàn phá cũng không hề thua kém ! Nhìn Trường Sơn khô khốc tàn tạ, nhất là những điểm ngày xưa quân ta đã đồn trú, lòng tôi như thắt lại.

Nhưng đã có một ngày

Chúng tôi về lại chiến trường

Đắc Nông, Đắc Tô, A Sầu, A Lưới…

Bỗng nhói đau khi những cánh rừng trơ trụi,

Gốc thông già xưa cũng không còn ?

Mộ bạn giờ này, biết tìm nơi đâu ?

(Đánh mất chiến trường)

 

Trường Sơn, Trường Sơn !… Nếu không còn rừng đại ngàn thì liệu hình hài của Trường Sơn có còn không ? Bởi một lẽ:

Cao hơn đất là núi

Cao hơn núi là cây rừng

Cao hơn cây rừng là mây trắng

Mây trăng bồng bềnh…

Kết liền dải Trường Sơn !

 

Vì vậy, “đánh mất chiến trường” có thể hiểu đúng theo nghĩa đen thì cũng quả là không sai. Vậy ai đã đánh mất rừng đại ngàn của tôi ? Ai đã đánh mất Trường Sơn của tôi ? Xin thưa, chính chúng ta !

 

Trường Sơn mất, dấu tích về chiến trường xưa sẽ mất và kỷ niệm một thời sẽ mãi mãi không thể nào tìm lại được ! Bạn ơi, giờ này nắm xương tàn của bạn đang lưu lạc tận đâu hay những cơn lũ đại ngàn đã cuốn trôi về tận bãi bồi nơi cuối sông, đầu biển ?

Mùa lũ qua rồi, ở cuối con sông

Phía bãi bồi có vong hồn người lính

Nắng rát đầu non đã tìm về với biển

Để hát lại bài ca

Chiến trường !

 

Vậy xin được trân trọng giới thiệu cùng bè bạn yêu thơ !

 

Hà Nội, tháng 3 năm 2012

Kiều Anh Hương

 

P/S: Do thời gian có hạn nên KAH không thể một lúc post lên nhiều diễn đàn. Vì vậy nếu bạn nào quan tâm đên chủ đề này và các bài thơ trong tập hãy truy cập vào blog.yahoo của KAH để đọc nhé. Đường link đây:

 

http://blog.yahoo.com/KAHKDK/articles

 

Xin cảm ơn !

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

Join the conversation

You can post now and register later. If you have an account, sign in now to post with your account.

Khách
Trả lời chủ đề này...

×   Bạn vừa dán nội dung có định dạng.   Paste as plain text instead

  Only 75 emoji are allowed.

×   Your link has been automatically embedded.   Display as a link instead

×   Your previous content has been restored.   Clear editor

×   You cannot paste images directly. Upload or insert images from URL.

Đang xử lí...

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This is an example of a list.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

×
×
  • Create New...