Jump to content
duonghoanghuu

Thơ độn và những chuyện khác

Recommended Posts

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thơ độn và những chuyện khác

 

 

THU HUYỀN thực hiện

 

( Bài đăng trên VNT số 49 - 2006 )

 

Trong báo Văn nghệ số 44 có một bạn đọc viết Tản mạn về thơ độn Tiếng Anh. Nhân ý kiến này chúng tôi có cuộc trò chuyện với nhà thơ

Phóng viên Văn nghệ Trẻ (PV): - Thưa nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, đã từ lâu, phảng phất đây đó cũng đã có những ý kiến rằng: Lớp trẻ bây giờ giỏi thật, biết làm thơ, viết văn độn cả tiếng Anh vào. Không hiểu có phải vì tiếng Việt của các cụ ta xưa nay nghèo quá chăng? Quan điểm của anh về hiện tượng này là thế nào?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: - Báo chí thường có in ý kiến bạn đọc, chuyện ấy là hết sức bình thường. Nhưng cũng cần lưu ý rằng ý kiến nào nên in, ý kiến nào không nên in. Ví dụ, các cơ quan chức năng mỗi ngày nhận rất nhiều đơn từ khiếu nại, tố cáo. Nếu tất cả các đơn thư ấy đều mang ra giải quyết ở... Quốc hội chẳng hạn,  thì có đến nghìn năm cũng không hết. Vấn đề là người tiếp nhận phải biết lựa chọn, xử lý.

Tôi cho rằng thơ Việt Nam hiện nay, nếu có thêm một vài tiếng nước ngoài vào thì cũng là bình thường. ý kiến phàn nàn loại này không cần thiết phải in lên báo. Hiện tượng trong một bài thơ ta có mấy câu tiếng nước ngoài không phải là một xu thế, không phải là mối đe doạ đến ngôn ngữ Việt, nó cũng không phải là sự suy đồi của thơ ca nghệ thuật và điều đó đang diễn ra hết sức bình thường. Như tôi biết có nhà thơ Mỹ đã viết những bài thơ về Việt Nam và họ cũng có nhiều câu thơ tiếng Việt chêm vào, điều đó đôi khi tạo một hiệu ứng rất hay. Tôi nghĩ việc "độn" một số từ nước ngoài vào không có nguy hại gì, nó không mang lại thông tin cho người ta nỗi lo sợ dù là rất mơ hồ xa xôi về sự phá sản hay ảnh hưởng đến ngôn ngữ Việt hay thi ca Việt gì cả.Tôi cho rằng với những góp ý như vậy, chúng ta cần cám ơn bạn đọc. Nhưng cũng không nhất thiết phải in lên báo, và điều đó tức là chúng ta đã có thái độ rồi. Tiếng Việt, trên rất nhiều loại văn bản, kể cả văn bản pháp luật của Nhà nước, đã phát triển. Nếu đánh giá sự trong sáng của ngôn ngữ theo cái cách thiển cận rằng có pha hay không pha tiếng nước ngoài thì rất nhiều loại văn bản đang tồn tại trong xã hội ta phải loại bỏ vì có sử dụng tiếng Anh và các tiếng quốc tế khác. Đó là tôi nói về mặt ngôn ngữ hành chính, chứ chưa kể đến ngôn ngữ văn chương. Và tôi nghĩ về chuyện này không có gì để phải lên tiếng cả.

PV: -  Vâng, việc này là nhỏ, rất nhỏ. Nhưng từ những việc nhỏ như thế này, chúng ta có thể nghĩ rộng hơn đến những chuyện lớn hơn: phải chăng cách đọc văn chương của một số lượng nhất định bạn đọc chúng ta còn chưa... đổi mới? Phải chăng,  ở ta, vẫn đang tồn tại một lối đọc văn chương có phần cũ kỹ và "độc đoán", không chịu chấp nhận những cách đọc khác. Anh có thể nói một chút về điều này?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: - Tôi nghĩ rằng những xu hướng của văn chương nghệ thuật thế giới vào nước ta cũng như sự sáng tạo của bản thân các nhà văn ta đã mở ra rất nhiều hình thức biểu hiện. Và ngôn ngữ văn chương có những biến động . Thế nhưng... phải nói thẳng một điều rằng bạn đọc chúng ta còn rất nhiều người đọc văn với một cách thức cũ. Một câu chuyện với kết thúc có hậu, một câu văn phải đúng ngữ pháp, vân vân và vân vân. Người đọc nhiều khi đặt ra những câu hỏi tại sao lại thế này, thế kia? Không phải ai cũng biết đặt mình vào vị trí của một "người khác" để thưởng thức văn chương theo những "cách không giống mình". Nhiều người trong chúng ta không dân chủ, và không đa chiều trong việc  đọc. Việc đọc của chúng ta còn hạn hẹp. Cho nên, ngay trong số những người đứng tuổi (chứ không phải chỉ những người trẻ) cũng có người cố tình không chấp nhận thể thơ truyền thống. Có những người không làm thơ lục bát cho rằng thơ lục bát không phải là thơ. Lại có những người làm thơ lục bát thì cương quyết tất cả những gì phi lục bát, không thể là thơ. Đây là sự ấu trĩ, sự hạn hẹp của chúng ta. Tôi không tưởng tượng được tại sao có những người nước ngoài đọc tác phẩm Việt Nam, họ biết ngay được toàn bộ tư tưởng còn người Việt chúng ta lại không đọc được điều đó. Hoặc ngược lại có nhiều tác phẩm nước ngoài, tác phẩm văn xuôi chẳng hạn ở đó là phong tục khác, ẩm thực, thiên nhiên, sự kiện, lịch sử, chính trị, thời đại khác nhưng chúng ta vẫn có thể đọc và nhận được ở đó sự chia sẻ, sự đồng cảm lớn, và chúng ta có thể đón nhận ở đó một cái gì cho bản thân mình. Trong khi đọc rất nhiều cuốn sách của Việt Nam bằng ngôn ngữ Việt, thói quen Việt, ẩm thực Việt, rồi cây cối Việt, nhà cửa Việt, sự kiện chính trị Việt... mà chúng ta vẫn không thể chia sẻ nổi. ở đây hoàn toàn là do cách đọc.

PV : - Hiện tượng này, có lẽ liên quan đến câu chuyện người ta gọi là "định kiến" trong khi đọc. Nếu chịu khó lắng nghe, có thể thấy việc phê phán tác phẩm văn chương, ví như phê phán "Cánh đồng bất tận", không phải chỉ xuất phát từ "thói quen đọc" của các "cơ quan chức năng" ở nơi này nơi kia. Một bộ phận độc giả cũng cùng cách đọc với "cơ quan chức năng". Trong nhiều trường hợp, "dư luận" đã làm nên sức ép với chính các "cơ quan chức năng". Tất nhiên trách độc giả là chuyện không nên, mà nên trách mình chưa làm cho độc giả hiểu.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: - Đúng thế. Ngay cuốn sách gần đây là cuốn tự truyện của Lê Vân, có những người trẻ họ phản đối, và phản đối một cách hoàn toàn bản năng, rằng họ nghĩ cái đạo đức, cái phận làm con nó phải thế này thế kia. Tôi không ủng hộ hay bảo vệ nhưng tôi cho rằng việc viết tự truyện như Lê Vân là một cái ví dụ trong cách chúng ta tập nói  thật. Chỉ khi chúng ta nói thật thì chúng ta mới dũng cảm được. Trong nói thật có thể đẩy chúng ta đến sai lầm này hay sai lầm kia nhưng nếu không có sự hiện diện của việc nói thật thì chúng ta sẽ không biết được như thế nào.

PV: - Vâng. Thuốc đắng dã tật… Sự thật, cần quá đi thôi. Nhưng mà sự thật là thế này chăng: có sự thật trong mắt anh, sự thật trong mắt tôi và sự thật trong mắt ai. Có lời nói thật chín chắn và có lời nói thật bồng bột…

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: - Phải đọc trong một tinh thần khác. Nếu không chúng ta không mở rộng được và tất cả mọi thứ chúng ta đọc sẽ rơi vào những điều rất khó xử, chúng ta sẽ phản ứng rất ghê gớm, thậm chí không ủng hộ cái đúng. Vấn đề vẫn là cách đọc, thái độ văn hoá, dân chủ công bằng. Nên trong chuyện những bài thơ có độn chữ tiếng Anh và nhiều chuyện khác và chúng ta phải chấp nhận. Vì đó là sự thật và phải tiến đến điều đó. Bây giờ đã khác, và sau WTO, APEC chúng ta nhìn lại thì thấy rằng ở đó là một tinh thần mới, cách thức nhìn nhận mới.

Theo quan điểm của tôi, không cần xem lại những bài thơ có vài chữ nước ngoài mà chính là cần phải xem lại quan điểm của những người có ý kiến đó. Dù không thích, bản thân tôi cũng không bao giờ phản đối những cách làm thơ như nhóm Mở miệng, Năm con ngựa trời, thơ Dương Tường hay Lê Đạt... có thể tôi không thích họ nhưng tôi không phủ nhận đó không phải là thi ca. Cũng như Lê Đạt, Dương Tường... có thể không thích tôi hoặc những người khác nhưng không có quyền phủ nhận tôi. Khi anh phủ nhận một nhà thơ khác có nghĩa anh ta không phải là thi sĩ, anh ta không hiểu gì về nghệ thuật thì mới phủ nhận người khác, mà anh ta chỉ công nhận chính bản thân. Thi ca không chọn lựa hình thức nào để được sinh ra cả. Khi nó cần phải lục bát thì nó sinh ra trong hình thức lục bát, khi nó cần tự do thì sinh ra tự do, khi nó cần phải văn xuôi thì nó sinh ra văn xuôi, khi nó cần đệm thì nó sẽ có ngay những từ đó. Bởi vì ngay trong Kinh Phật  có những chữ, những câu ta đọcầm không hiểu nghĩa, nhưng tại sao tất cả đều coi là linh thiêng, đều cảm nhận  một cách khác... Tôi đã từng làm một lễ giải hạn cho con gái tôi và nghe ông thầy cúng nói u a u ơ. Tôi không biết ông ấy nói cái gì cả, nhưng tôi biết rằng lòng tôi đang hướng đến một điều gì đó và tự nhiên tất cả những cái không có nghĩa trong ngôn ngữ lại có nghĩa trong tinh thần. Việc đọc văn chương cũng thế, có thể anh không quen cách nói đấy, hình ảnh đấy nhưng nếu người đọc không hướng tới tác giả thì anh ta sẽ không bao giờ chia sẻ được, cảm nhận được tinh thần của tác giả. Có những bài thơ ngân lên véo von thuận tai, bùi ngọt nhưng bài thơ đấy không tác động được tới chúng ta một cái gì. Gọi đúng thì đấy mới là một bài thơ vô nghĩa. Còn bài thơ chúng ta đọc có thể là một loại văn bản khác, phức tạp hơn, đa dạng hơn, biến ảo hơn với những cách thức mới hơn và... có nghĩa. Có thể chúng ta không hoà nhập được và chúng ta muốn chối từ nó. Tôi nghĩ cách đọc là quan trọng. Cách đọc của chúng ta hiện nay là khiếm khuyết. Cần phải nói rằng công chúng có quyền phán xét. Nhưng chúng ta cũng cần những trí thức tiên phong, cần những nhà hiền triết, bác học, giáo sư để khai mở dân trí. Sự bình đẳng và chủ nghĩa nhân quyền không có nghĩa là chân lý luôn thuộc về số đông.

PV: - Không chỉ có thơ đâu, khi cuốn "Cơ hội của Chúa" ra mắt bạn đọc, nhiều  người cũng nói: Nguyễn Việt Hà sử dụng nhiều từ nước ngoài quá. Rồi dần dần, cũng quen…

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: - Có lẽ do sự tác động của lịch sử bị đô hộ quá lâu, chúng ta bằng mọi cách để chống lại sự đồng hoá của một nền văn hoá khác, một thể chế khác. Ngày xưa, chúng ta không chịu nổi những biển hiệu trên đường phố, chúng ta không chịu nổi quần loe, chúng ta bảo mặc thế là sexy nhưng xin thưa rằng cái sexy nhất lại chính là cái áo dài. Nhưng vì nó quen rồi, nó thành truyền thống rồi và người ta cho rằng truyền thống là sự đúng còn sự không truyền thống là sự sai.

PV: - Và có một lượng độc giả không nhỏ vẫn quen coi văn chương, cụ thể là bài thơ, cái truyện ngắn, cuốn tiểu thuyết là sản phẩm cho mọi người và nó phải mang tính chất phục vụ...

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Mỗi một người đọc đều mang thói ích kỷ của họ, rằng cuốn sách đó phải viết cái gì cho tôi, tôi phải hiểu được nó, và nó phải có cái gì giống như tôi, giống tôi nghĩ. Hồng Lâu Mộng không phải đáp ứng cho mọi người nông dân Trung Quốc đọc, nhưng nó có thể chia sẻ, quyến rũ tất cả mọi người. Nguyễn Du viết Truyện Kiều với tất cả những ngôn ngữ đấy, tư tưởng đấy, hình thức đấy, văn phong sang trọng, kỳ ảo, và tinh tế đó thì không phải cho nông dân đọc.Nhưng ở Truyện Kiều có những điều vĩ đại đến mức được giản đơn hoá, nhiều tầng và ai cũng đọc được. Cho nên người ta có thể bói Kiều được là vì điều đó. Chắc chắn Nguyễn Du không định soạn cuốn sách bói Kiều để người ta giở ra là thấy thân phận mình, nhưng ở đó ông đã tổng kết tất cả các số phận con người và ai cũng có thể đặt mình trong đó. Tôi muốn nói lại rằng khi một nhà văn viết họ không viết cho một đám đông và chỉ có vậy thì tính sáng tạo mới cao và yếu tố cá nhân mới được thể hiện. Tôi cam đoan nếu chọn những tác phẩm xuất sắc của chúng ta từ cổ đại cho đến hiện đại - những tác phẩm sống cùng chúng ta cho đến ngày hôm nay, sẽ thấy đó là những tác phẩm được nhà văn viết ra cho chính mình. Nói điều này chắc nhiều người không đồng ý, và còn mơ hồ. Nhưng tôi cam đoan khi nhà văn ngồi vào bàn viết, họ không bao giờ mang sổ hộ khẩu toàn bộ dân tộc Việt Nam ra để xem có bao nhiêu người để mà viết cho bấy nhiêu người. Không bao giờ có chuyện đó. Bài thơ ra đời nó mang một đời sống độc lập hoàn toàn, nó trôi qua, nó  phải bị phán xử và số phận của nó hiện ra theo cách đọc của từng người. Có lần tôi đã viết về tính đa văn bản của một văn bản gốc. Khi tôi sáng tác bài thơ và in ra thì... một kẻ đau khổ đọc khác, qua một kẻ thù hận đọc khác, một  người uyên bác đọc khác, qua một kẻ đang hạnh phúc bất tận đọc khác, qua một kẻ sắp chết đọc khác... nghĩa là nó mang tâm thế của người đọc, văn hoá của người đọc, ngôn ngữ của người đọc, thói quen ứng xử của người đọc, tư duy của người đọc, quan niệm nhân sinh, quan niệm nghệ thuật của người đọc. Có thể là văn bản chữ nghĩa đó nhưng nó mang lại một thế giới cực kỳ lạ lùng mà chính kẻ sinh ra nó không nhận ra, hoặc có thể nó trở nên bỉ ổi vô cùng mà chính tác giả đó không bỉ ổi đến như thế.

Chúng ta không trách móc những bạn đọc thông thường. Bởi vì có những nhà văn nhà thơ hẳn hoi, nhưng khi viết anh ta cũng áp đặt khủng khiếp quan điểm cá nhân của anh ta. Vì vậy việc trao đổi là rất cần thiết và để chúng ta nhận thức đúng hơn và bớt đi những ấu trĩ.

PV: - Vâng, thưa nhà thơ. Cũng chính vì vậy, từ một ý kiến dù nhỏ, một bài báo tưởng rất bình thường mà chúng ta có cuộc trò chuyện hôm nay. Xin cảm ơn anh!

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

Join the conversation

You can post now and register later. If you have an account, sign in now to post with your account.

Khách
Trả lời chủ đề này...

×   Bạn vừa dán nội dung có định dạng.   Paste as plain text instead

  Only 75 emoji are allowed.

×   Your link has been automatically embedded.   Display as a link instead

×   Your previous content has been restored.   Clear editor

×   You cannot paste images directly. Upload or insert images from URL.

Đang xử lí...

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This is an example of a list.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

×
×
  • Create New...