Những dòng chảy vô thường (tiếp bài 51 đến 59)
51. MẸ
Một đời nghèo đói, tha hương
Mồ hôi chan bát cơm thường, nhạt tênh...
Gánh rau lửng sáng, từ đêm
Gầy hao, dáng Mẹ tảo tần bán mua
Oằn cong, gánh nợ bốn mùa
Một đời Mẹ trả hết chưa. Cơ hàn ?
Chợ đêm, nơi đó vẫn còn
Khoảng không tĩnh lặng, xoáy tròn dấu xưa…
Bây giờ, hơn cả ước mơ
Nhà lầu, cơm áo... đủ vừa, mười mươi
Bây giờ, con cháu nên người
Mong sao chín suối, ngậm cười, Mẹ vui !
Hà Nội tháng 7.2004
52. ĐẤT NƯỚC...
1.
Đã đành,
Mẹ phải dứt áo ra đi
Khi Đất Nước chìm trong nô lệ
Tất cả bỗng trở thành hành khất
Sau một đêm thức giấc
Xác người chết đói, tấp đầy hiên...
Đã đành,
Mẹ phải dứt bỏ ruộng vườn, tổ tiên ?
(Cha vẫn biệt tin kháng chiến..)
Tay xách, nách mang... đứa ba, đứa bảy
Chị tôi ngơ ngác biết gì ...
2.
Nào có sướng chi nơi đất khách quê người
Lần hồi cháo rau, nuôi nhau khôn lớn
Đến ngày sinh của con
Mẹ cũng không còn nhớ được
Huống chi là Đất Nước
Đất Nước- nào con có để chôn rau ?
Con bỗng thành kẻ hành khất bơ vơ
Một doi đất nhỏ thôi
Cũng không có để tháng ngày cày xới
Miếng cơm ăn, cũng lắm khi lầm lũi
Nhưng,
Mẹ vẫn là Mẹ kính yêu ơi !
....
3.
Máu đã đổ và xương đã rơi
Dẫu không có mặt trong trận cuối cùng -
Trận Điện Biên lừng lẫy
Nhưng cha tôi không hổ thẹn, một đời trai phiêu bạt;
Chỉ tiếc cho tấm huân chương sau ngày độc lập
Cha không kịp đeo dẫu chỉ một ngày...
Con lặng lẽ ấp lên trước ngực
Nơi chiếc ảnh thờ nghi ngút khói hương
Thành kính !..
4.
Đất nước bây giờ
Ta đã có để chôn rau
Cho các con tôi lớn lên, bền gốc
Dù ở bất cứ nơi nào trên khắp năm châu...
Thì Đất Nước luôn vẫn ở trong tim, bền chặt !
Con ơi !
Đất nước không sợ đói nghèo
Chỉ sợ vàng son không thật...
Vậy nên các con phải gắng sức,
Bền tâm học hành...
Để xứng danh con Hồng cháu Lạc
Dựng xây đất nước- quê hương !
5.
Đất nước !
Xin đừng thêm một lần xẻ chia,
Xin đừng thêm một lần cúi đầu nô lệ
Xin đừng thêm một lần xương rơi và máu đổ
Xin đừng thêm một lần...
Để các con tôi phải dứt áo ra đi
Lầm lũi tìm từng doi đất,
Chôn rau !
Hà Nội, 1990-2004
53. THĂM CHÙA ...
Ngôi chùa nhỏ, cạnh nhà em
Tuổi thơ, gánh cả ao sen lên chùa...
Chòng chành, sớm nắng, chiều mưa
Khói hương ai thắp, hư vô cõi trần ?
Chùa chiều, héo hắt ngoài sân
Có người lãng đãng, tần ngần, muốn thăm...
Nén hương dâng chút thành tâm
Buồn thương nhớ bạn tri ân một thời...
Sư thầy nhặt cánh hoa rơi
Nam mô... kính khách thăm nơi cửa thiền
Bỗng giật mình, bạn “thuyền quyên..”
“Lá diêu bông...” đã rơi nghiêng, mất rồi !
Cánh sen, chờ tím một một đời
Thôi đành dâng trọn, người ơi, cõi chùa...
Biết đâu, còn kẻ mong chờ
Nhân duyên không định, cõi bờ cách ngăn...
Nam mô di đà phật... chào anh
Chùa chiều sao bỗng chạnh lòng quá thôi !
Người về, lay lắt mưa rơi
Giọt thương, giọt nhớ kiếp đời chúng sinh !
Chùa quê, Hà Tây, 2004
54. KHÔNG GIAN ẢO
Ta bỗng dại khờ như thuở đôi mươi
Say đắm đi tìm người yêu trên mạng
Một không gian vừa thật vừa ảo
Vừng ơi ! sao em không hiện ra ?
Mỗi chiều về hay mỗi sớm mai lên
Trong dòng người ngược xuôi trên phố
Anh thầm gọi, có phải em không đó
Mà sao như lạ, như quen ?
Thì ra, cuộc đời vẫn cứ đẹp xinh
Khi tâm hồn ta cất cánh...
Hãy để anh đón em trong một chiều đầy nắng
Em ơi, mùa thu Hà Nội đang về !
Hà nội, tháng 8.2004
55. TRỐN TÌM
Thân tằng HT
Thuở còn thơ, ta từng đuổi bắt nhau
Trong những trò chơi trốn tìm, con trẻ
Bắt được rồi, nhưng em lại khóc
Bởi cho rằng, vì anh “ăn gian” !
Thôi thì, tại vì anh ăn gian ?
Ta lại bắt đầu trốn tìm lần nữa
Anh giả bộ lơ ngơ để em “chộp” được
Sướng quá đi thôi, khi thấy mắt em cười...
“Năm tháng rồi, năm tháng cứ dần trôi...” *
Anh phải xa em, vào tận trời Nam đánh giặc
Những đêm luồn rừng,
Những ngày dầm mình trong nước lạnh...
Phút chờ lệnh công đồn,
Càng thương nhớ em hơn !
Còn bây giờ em đang ở đâu ?
Hết nửa đời rồi, anh lại đi tìm một nửa
Rất muốn lơ ngơ như thuở nào, để em “chộp” được
Mà sao, khó lắm người ơi !
Chẳng biết Em có dám cùng tôi
Chơi tiếp cái trò chơi **, con trẻ !
Hà Nội, ngày12/08/2004
*. Trích trong bài thơ : Tặng em gái Ngọc Hà, KAH
** Trò chơi :”Tìm bạn trăm năm” trên mạng
56. KHẮC HỌA QUẢNG BÌNH
Quảng Bình ơi, Đồng Hới của ta ơi !
Ta lại về đây, sau bao tháng ngày thương nhớ
Đâu rồi Quán Hàu xác xơ đạn lửa,
Đâu rồi đôi bờ Sông Gianh, nham nhở
Bóng em tôi chìm trong khói bom thù...
Chẳng hy vọng gì sau ba chục năm ròng
Ta sẽ tìm lại được, bóng hình em xưa, cũ
(O dân quân và Anh pháo thủ...)
Nhưng chúng ta sẽ mãi bên nhau như lịch sử lâu bền...
Kho xăng dầu Petrolimex Quảng Bình
Sau ba mươi năm, anh lại về đây góp mặt
Bên dòng Sông Gianh tím biếc
Chợt nhớ quá chừng bóng dáng em tôi.
Ta khắc dấu Quảng Bình vào trong trái tim
Bởi bóng hình Em những tháng năm bất tử !
Đồng Hới 26/7/2004
57. CHÂN DUNG
Kính tặng anh T.
Bởi yêu người, nên Anh vẽ chân dung
Hồn thi sĩ ẩn trong từng phác thảo
Khuôn mặt nào khiến lòng Anh thao thức
Phối sắc màu, tạo dáng mai sau...
Bắt chước Anh,
Tôi họa bức chân dung này
Chợt nhận ra một điều vô cùng xưa cũ
Khuôn mặt thật của con người
Luôn nằm sâu trong đáy mắt
Không lời đường mật nào
có thể làm mờ hoen
Không thứ bạc vàng nào
có thể khiến ta chói loà khuất, lấp ...
Hãy nhìn sâu vào trong từng đôi mắt
Bằng chính trái tim con người
Lời mách bảo nhiệm màu sẽ hiển hiện
Chẳng cần tô điểm nhiều đâu !
Bởi thế, trong bức chân dung này đây,
Tôi vẽ,
Chỉ có đôi mắt Anh thôi
Thẳm sâu – Trí tuệ !
Hà Nội 04/04/2004
58. CÂY ĐẠI THỤ VÀ LÂU ĐÀI TRẮNG
Cây đại thụ đã bao nhiêu tuổi ?
Chỉ riêng mình cây biết rõ mà thôi
Thân cứng cáp, tay xòe tán rộng
Như muốn chở che, ban phát lộc cho đời
Vẫn biết “cây cao, bóng cả” một thời
Sừng sững trước cửa tiền : Khâm Thiên, số Một
Như thể là một phần của cuộc sống
Tất yếu, không thể đổi thay !
Nào ngờ, lá rụng – một ngày
Cây đại thụ kính yêu không còn nữa !
Hỏi vì sao, không ai nói được
Chỉ riêng mình cây biết rõ mà thôi !
Lâu đài trắng, bỗng dưng cao hơn
Lặng lẽ đặt dưới chân mình
Một đài bia tưởng niệm(*)
Để ghi nhớ chiến công bao người đã ngã xuống
Từ nơi đây !
Thì ra, cây cũng như người,
Biết rõ lẽ đời, sống chết !
Biết đâu là điểm dừng,
Bởi mọi ánh hào quang đều có ngày lịm tắt
Đến như Thần Gióng chân quê
Cũng biết lúc phải bay về Trời
Để lại nỗi nhớ muôn đời
Một dáng hình Thánh Nhân nơi trần thế...
Không có gì là bất biến
Thế gian này, vốn đã quá mênh mông !
Tôi rất buồn và lặng ngước nhìn lên
Trước một lâu đài sừng sững !
Lâu đài Trắng ở Số Một – Khâm Thiên !
Và suy tưởng :
Về một đài bia...
Về một đời cây...
Về một đời người... !
Hà Nội 24/08/2004
(*) Có một sự trùng hợp đến kỳ lạ : trước ngày lễ gắn biển (ngày 15/07/2004) "Di tích lịch sử cách mạng kháng chiến Nhà Dầu Shell - Số 1 Khâm Thiên" ngay dưới gốc cây đại thụ nói trên thì cây đại thụ bỗng dưng bị chết.
59. HÃY ĐỂ NƯỚC MẮT ĐƯỢC TUÔN RƠI
Lạ kỳ thay những khi nước mắt rơi
Ta bỗng thấy lòng mình thanh thản quá
Ký ức chiến tranh luôn hiện về mọi lúc
Trong những giấc mơ...
Trong mỗi trang đời...
Sáng nay, bỗng nhận được một “tin vui” (*)
300.000 chiến sĩ vô danh, sẽ nhận lại tên mình
Như ngày đầu tiên xếp hàng, điểm danh trong quân ngũ
Càng thương hơn bao anh hùng liệt sĩ
Đã vĩnh viễn ra đi không để lại chút di hài... ?!
Cảm ơn các nhà khoa học, nghìn lần...
Đã âm thầm gọi tên, đánh thức bao cuộc đời trai trẻ
Từ cõi tâm linh, âm dương cách biệt
Tôi biết các anh cũng đang vui cười !
Riêng tôi, vẫn mơ ước sẽ có một ngày
Nước mắt bao người thân lại đầm rơi sau vai áo
Khi nhận hết tên những ANH Hùng đang ẩn tích
Lang thang sau cuộc chiến, một thời...
Hãy để cho nước mắt được tuôn rơi
Xối xả trôi về một thời bão táp !
Hà Nội, ngày 27/07/2005
(*) : Nhân đọc bài :”ứng dụng công nghệ gen để trả lại tên cho liệt sĩ” trên trang web VietNamNet, ngày 27/07/2005
0 Bình luận
Recommended Comments
There are no comments to display.