Những dòng chảy vô thường (Hồi âm từ bè bạn)
HỒI ÂM TỪ PHÍA BÈ BẠN:
ĐÔI ĐIỀU CẢM NHẬN KHI ĐỌC ”NHỮNG DÒNG CHẢY VÔ THƯỜNG”
Kỹ sư.Nguyễn Huy Hoàng
Phó GĐ Tổng kho xăng dầu Đức Giang Hà Nội
Tôi rất vui khi được anh tặng thơ, dù chỉ là bản thảo với mươi bài trong số hơn 50 bài trong tập thơ ”Những dòng chảy vô thường” mà anh định cho ra mắt vào năm 2004...
Thơ anh chân tình, giản dị - nó cũng như chính con người anh trong phần tự bạch. Với một chủ đề viết về những người lao động đang làm việc tại Tổng công ty xăng dầu Việt Nam. Bằng niềm đam mê với thi ca, bằng tình yêu đích thực với bạn bè, anh em, đồng chí, đồng đội – anh vừa lao động sáng tạo hoàn thành nhiệm vụ được giao, lại vừa cống hiến bằng trí tuệ, bằng tâm hồn và bằng cả trái tim cho những người lao động của Petrolimex - một món ăn tinh thần quý báu.
Với những nỗ lực của mình, anh trở thành một con người lăn lộn và từng trải, đặt mình trong mọi hoàn cảnh : dù là lúc trực đêm trên đất Sài Gòn vừa giải phóng, đón những chuyến hàng từ nước Nga Xô Viết, hay những lúc ngồi nhâm nhi tách cà phê đặc sánh Ban Mê, thưởng thức cái đẹp nguyên sơ của vùng đất Tây Nguyên chòng chành trong mắt người thiếu nữ. Đó là những lúc nảy ra những ý thơ mới và đó cũng chính là lúc anh thấy mình là một giọt xăng, giọt dầu thực thụ.
Những ngày nơi chiến trường, với 5 năm 6 tháng cùng Trường Sơn, anh đã có tập thơ ”Gặp lại tuổi hai mươi”. Những gì viết trong tập thơ này, anh vẫn chỉ cho là “tiếng tơ lòng của riêng mình thôi”. Anh nói vậy làm tôi chợt nghĩ về những năm tháng ở chiến trường. Với tôi, cũng chỉ vừa tròn 5 năm :
Đã cũng 5 năm tuổi lính tròn.
Đã từng leo dốc vượt Trường sơn.
Đã xông khói lửa ngày chinh chiến.
Đã cũng hiên ngang giữa Sài Gòn!
(Nguyễn Huy Hoàng)
Sau những hồi ức về “Tuổi 20”, anh tiếp tục quân hành 25 năm trên đường lớn, để được làm một giọt xăng, một giọt dầu lấm lem năm tháng và xưa như trời đất :
“Tôi là giọt xăng
Tôi là giọt dầu
Lấm lem năm tháng
Xưa như đất trời...
Người thương, kẻ nhớ,
Người cần, kẻ chê
Bao năm vẫn thế
Cũ như ngày xưa...”
(Tự khúc-Kièu Anh Hương)
Như vậy, với 25 năm rong ruổi, anh đã có đủ được các mùi vị cuộc đời, vững vàng trước thử thánh, vẫn giữ được bản chất của mình; Từng bước, từng bước đi, anh đang tự hoàn thiện mình!
Lần thứ hai, trở lại giảng đường đại học, được trở lại thời sinh viên, anh cũng vẫn không khỏi lặp lại cái tâm trạng của những người lần đầu tiên bước vào cổng trường đại học :
“ Ta trở về một thời sinh viên
Đếm lá rụng đầu nhà cê một (C1).
Đếm bước chân thầy, mỗi lần lên lớp
Đếm từng ngày thi... đang xích lại gần!..”
(Trở lại giảng đường-KAH)
Có thể việc đếm lá rụng, đếm bước thầy đi, đếm từng khoảng thời gian đến ngày thi là dấu hiệu của một sự mong mỏi, của sự cố gắng vươn lên tới đích - để làm một giọt xăng, giọt dầu “biếc xanh như thể sắc trời giữa thu”. Đó cũng là một sự khẳng định mới. Có lẽ trong sự khẳng định ấy anh còn có một sự khẳng định khác, đó là sự “tôn sư trọng đạo”, một truyền thống tố đẹp “uống nước nhớ nguồn” của người Việt Nam: “những bụi phấn li ti” được chắt lọc ra từ lồng ngực thầy cô, tiếp sức cho anh nhận tấm bằng Thạc Sĩ hoá dầu, đứng vào đội ngũ những người có trình độ, học vị cao của Tổng công ty!
Thơ anh đã đề cập đến nhiều địa danh, có khoảng không gian và thời gian vừa đủ – có hiện tại, có quá khứ và có cả tương lai; Có những suy luận logic và có cả một chút tâm linh; Có những vật thể, từ cái bé nhất là bụi phấn li ti đến cái lớn nhất là lâu đài trắng – biểu tượng bền vững của Petrolimex – nơi “đất linh kiệt sẽ nảy chồi nhân kiệt”.
25 năm qua, cuộc đời anh, thơ anh đã gắn liền với sự tồn tại và phát triển của Petrolimex. Với tình yêu đích thực, anh đã reo lên ngợi ca những người lao động trong ngành, tôn vinh những giá trị to lớn của dòng chảy xăng dầu mà anh chỉ là một giọt trong số đó. 25 năm xông pha, lăn lộn nhưng vẫn giản dị, yêu đời và cởi mở, hoà đồng với mọi người cùng những dòng đời thơm thảo :
“ Tôi – bạn, bạn – tôi
Không gì ngăn cách
Hãy chảy vào nhau
Lòng đời thơm thảo...”
(Tình bạn-KAH)
Với cái nhìn biện chứng ”Có ai tắm được hai lần khi dòng sông đang chảy”. Biện chứng trong sự phát triển, anh đã tiên đoán toà lâu đài trắng rồi có lúc sẽ “Nhỏ nhoi ẩn giữa đời thường”. Nhưng từ cái nhỏ nhoi ẩn giữa đời thường ấy, với một chút tâm linh và khả năng phán đoán nên từ hơn 10 năm trước anh đã thấy “Những chồi nhân kiệt” để chứng kiến hôm nay Tổng công ty hùng mạnh thêm xiết bao! Hôm xưa hồi hộp thức đêm trên bến Nhà Bè chờ tầu Nga thì hôm nay ta đã có những hải đoàn mang tên Petrolimex đủ sức vượt đại dương mang những giọt xăng, giọt dầu “xưa như trái đất” về “thắp sáng những niềm tin ... thành nỗi khát khao hơn người”!
Lịch sử là sự nối tiếp những chuyển động, những cuộc đổi mới. Mỗi khi thấy đơn vị mình có một sự đổi thay, đặc biệt là những bước ngoặt đánh dấu sự trưởng thành, lớn mạnh, anh như thấy mình được lớn lên theo (mà không lớn lên theo sao được khi cuộc đời mình đã gắn liền với ngành như một định mệnh – cái nghiệp “trời cho”) và không thể không vui sướng, không thể không tự hào:
“ Ngập ngừng đếm bước chân dưới phố
Ngỡ ngàng nheo mắt nhìn lên...
Có thể nhà ta còn dột nát
Nhưng lẽ nào không vui, khi phố mình đẹp hơn! ..”
(Hạnh phúc hôm nay-KAH)
Ừ phố mình đẹp hơn khi nhà ta còn dột nát đã là một niềm vui thì khi Tổng công ty có nhà mới, con trai mẹ cũng mặc áo mới, làm sao sáng nay mẹ không ngắm, không cười “rung gác xép”! Còn gì hạnh phúc hơn khi mỗi niềm vui, ngoài phần bè bạn anh còn được sẻ chia từ tình mẫu tử!
Đổi mới cũng đồng nghĩa với sự tiến lên không ngừng, mỗi khi có dịp là anh tự ngắm mình, tự đo lại chính mình để vượt lên thôi vì mùa xuân là ở trong tim! Với tư tưởng đổi mới và luôn đổi mới, khi cái “áo cũ sờn rồi, quyết giũ bỏ đi” để “muôn dặm giang sơn, ngựa ô tung bước”.
Điều anh muốn tâm sự nhiều hơn, muốn nói nhiều hơn đó chính là thông qua những vần điệu ”Sắc sắc, không không” để có thể nhìn nhận một cách đầy đủ nhất dòng chảy của đời thường mà lại là vô thường! Anh đắm mình vào dĩ vãng để tìm lại khởi nguồn xa xưa của những giọt xăng dầu:
“Tìm lại khởi nguồn xa xưa,
Đâu những giọt xăng,
Đâu những giọt dầu,
Tháng năm đang lặng thầm tuôn chảy...”
(Những dòng chảy vô thường –KAH)
Thấy cội nguồn của dòng sông La quê anh bắt đầu từ Ngàn Sâu, Ngàn Phố về tắm mát đời anh tuổi ấu thơ để rồi anh có những dòng thơ lai láng suốt trên 30 năm nay. Anh cũng thích khảo sát dòng sông Hồng - cái dòng sông đỏ, có những lúc gầm réo như tiếng thét của Thuỷ tinh, nhưng lại cũng đã lặng thầm bồi đắp những hạt phù sa nên những bãi đất trù phú ven sông, trong đó có làng quê - nơi sinh ra người vợ yêu dấu của anh. Và từ nơi rất xa, tận gần đầu nguồn ấy có Sơn La, Tạ Bú những cái tên sẽ làm rực sáng bao con tim, soi sáng cả một vùng rộng lớn Tây Bắc đang tiếp theo ngọn lửa từ giọt xăng giọt dầu hôm nay...
Đọc thơ anh tôi thấy mình như vui hơn, phấn chấn hơn và tự hào hơn bởi mình cũng là một trong những giọt xăng, giọt dầu trong dòng chảy Petrolimex. Tôi cũng yêu từng giọt xăng, giọt dầu, tôi yêu tất cả những thứ đã làm nên giọt xăng, giọt dầu đó và trở thành một dòng chảy không ngừng nghỉ. Tôi yêu những con tầu, những bến cảng, những kho tàng, những chiếc xe và những cửa hàng v.v....yêu những người lao động Petrolimex. Tất cả họ và những thứ tôi yêu khi kết hợp lại đã trở thành một hãng xăng dầu Petrolimex Việt Nam. Chỉ tiếc rằng những điều đó đang thôi thúc trong lòng, đang giục giã con tim tôi mà chửa cất được thành lời, ví như sự vụng về đứng trước những người con gái đẹp:
Anh không biết viết dòng thơ tình.
Chỉ ước được nhìn nụ cười xinh.
Cô gái Đức Giang xăng dầu ấy.
Thu hình em vô trái tim anh.
(Thơ Nguyễn Huy Hoàng)
Có lẽ vì chưa được đọc hết 50 bài của tập thơ và quan trọng hơn là chưa từng làm cái công việc nhận xét, phê bình một tập thơ nào nên tôi cũng chưa thể cảm nhận một cách đầy đủ và toàn diện bức tranh mà tác giả đã khắc hoạ, cũng chưa đọc hết được ý định của tác giả, đồng thời cũng chưa thấy hết được cái cái đẹp, cái hay - những âm thanh, những vần điệu có nhạc trong thơ anh. Văn học là nhân học và thơ cũng là nhân học! Những câu thơ, bài thơ anh viết về con người đang hàng ngày sát cánh với anh để dần dần hình thành nên những lớp người mới Petrolimex “Trách nhiệm, Tri thức, Văn minh”. Đọc thơ anh, tôi ngỡ anh không chỉ là một người có trọng trách làm công tác quản lý trực tiếp về kỹ thuật xăng dầu mà còn có một con người nữa trong anh, đó là một người chính trị viên của một một đơn vị trong một đoàn quân.
Giá như có thêm những vần thơ về những người đang trực tiếp vận hành hệ thống quản lý, hệ thống thông tin, công nghệ.... trên tất cả các lĩnh vực để hàng ngày tiếp tục đưa những dòng xăng dầu đang “âm thầm tuôn chảy vào từng huyết quản của nền kinh tế nước nhà”, góp phần làm nên thắng lợi ngày càng to lớn trong cuộc đổi mới, làm nên “lẻ nghìn cổ tích” về ngành xăng dầu Việt Nam, về Petrolimex. Giá như có thêm những vần thơ về truyền thống của Petrolimex Việt Nam, đặc biệt là sự đóng góp xứng đáng của những đơn vị anh hùng trong thời kỳ kháng chiến cũng như trong thời kì đổi mới, tô điểm thêm vẻ đẹp, sự hào hùng của đại gia dình Petrolimex chúng ta...
Hôm nay trên đường tiến lên công nghiệp hoá, hiện đại hoá (mà xuất phát điểm từ những chiếc áo nay đã “sờn cũ”) mỗi ngày mỗi đổi mới. Trong mỗi chiếc áo “sờn cũ” ấy có thể vẫn còn những giá trị tốt đẹp mà chúng ta đang kế thừa. Nếu nó cũng rung lên thành vần, thành điệu thì hẳn sẽ nâng giá trị của tập thơ đúng như sự trông đợi của những người đang chờ quà tặng “ Những dòng chảy vô thường” – Thơ anh: Kiều Anh Hương - Kiều Đình Kiểm!.
Đêm Sài đồng ngày 15-19 tháng 10 năm 2003.
N.H.H
1 Bình luận
Recommended Comments