Nghị luận chủ đề: "thế hệ gấu bông"
Vô cảm thật sự đã trở thành một căn bệnh, một căn bệnh đáng sợ ! Mà hiện nay không chỉ có những người lớn, những người bận rộn, mà đến cả giới trẻ cũng trở nên lãnh cảm trước cuộc sống. Đây là một tình trạng báo động cần phải có những hành động để thay đổi nó.
Ngày nay, giới trẻ có một cái tên nghe rất kêu "Thế hệ gấu bông". Quả là một cái tên thật đáng yêu, nhưng đằng sau cái tên đó cũng là một sự bất lực của người lớn. Ai cũng biết, gấu bông là những đồ vật rất mềm mại, xinh đẹp và dễ thương, luôn được chiều chuộng, thương yêu, nhưng bên cạnh đó, gấu bông là vật chết, nó không có biểu cảm, cũng như tình cảm. Giới trẻ được ví như gấu bông, những đứa trẻ xinh xắn luôn được gia đình nuông chiều, yêu thương hết mực, cũng đồng nghĩa những đứa trẻ có thái độ vô cảm, lạnh lùng với các sự việc trong cuộc sống. Ví như thế, không chỉ là đang phê phán sự quá mức cưng chiều sinh hư, mà còn là sự báo động về sự suy thoái đạo đức ở giới trẻ ngày nay.
Đúng là như vậy, giới trẻ ngày nay với cách ứng xử, suy nghĩ thật khiến nhiều người phải thốt lên: "Ôi, đúng là thời nay khác xa thời xưa mà !" Họ cảm thán như vậy không phải là một điều vô lí, chỉ cần thử tra trên các trang mạng xã hội, chúng ta có thể thấy đầy rấy những câu chuyện thương tâm, ví như một cô gái 15 tuổi, khi thấy mẹ mình bị xe tông còn thản nhiên đứng nhìn, thậm chí còn đợi mẹ đứng dậy, cô mới leo lên xe và nói: "Tí nữa mẹ mua cho con cốc chè" Cô bé ơi, lúc nào rồi cô còn nghĩ đến cốc chè? Nếu như xe chẳng may cướp đi người mẹ đã có công sinh thành với cô đi, không lẽ cô chỉ thản nhiên gọi bố cô đón về? Hay như một tình trạng khá phổ biến hiện nay, khi giới trẻ có thần tượng để hâm mộ. Ai cũng có người để mình ngưỡng mộ, noi theo. Nhưng cách một cậu bé khi được hỏi có thể trả lời vanh vách những sở thích quần áo người mình hâm mộ mặc, nhưng khi được hỏi về mẹ, cậu lại im lặng không biết. Thật xấu hổ cho những đứa con, những người mang ơn cha mẹ, lại có thể phụ bạc, bất hiếu, vô ơn đến mức này. Còn có những thanh thiếu niên, quá hâm mộ một người, mà tôn họ làm thần làm thánh, hạ thấp người khác, không nghe lời cha mẹ, có biết bao nhiêu vụ chỉ vì một tấm vé mà hại chết người nhà cho vài tiếng được nhìn thấy thần tượng. Lại càng không thể chấp nhận có những con người vì quá đam mê một thứ mà sẵn sàng chửi rủa người khác, kể cả với vị lãnh tụ vĩ đại nhất của dân tộc - Bác Hồ. Nguy hiểm hơn, khi sự vô ơn, lãnh cảm ấy được nhân rộng ra xã hội, những chú "gấu bông xinh đẹp" ấy làm gì khi nhìn thấy tai nạn giao thông, thấy người già định qua đường, thấy những người ăn xin, hay đơn giản nhất, khi bố mẹ bị ốm, các em làm gì? Bỏ mặc? Không quan tâm? Đổ trách nhiệm? Cho dù là như thế nào đây cũng là một tình trạng báo động cần phải cảnh giác.
Tại sao thế? Những đứa trẻ mới 9, 10 tuổi thì còn ngây thơ, nhưng đã 14, 15 tuổi, sao còn vô cảm như vậy? Phải chăng các em chưa được rèn luyện đạo đức thường xuyên, gia đình quá mức nuông chiều mà không để các em tiếp xúc với đạo lí luân thường? Hay chính cái sự phát triển mạnh của mạng xã hội kia khiến các em học đòi theo những thói xấu? Nhưng quan trọng nhất, giới trẻ luôn có một sự học hỏi rất lớn, cho dù ta không nhận ra nhưng các em là tấm gương phản ánh thực trạng của xã hội. Giờ giới trẻ cũng được làm cha mẹ rất sớm, còn non yếu trong cách nuôi dạy con, cha mẹ còn chơi điện tử, con cũng học từ sớm; cha mẹ nói tục, con cũng bắt chước học theo. HIện nay, phim ảnh phát triển, những bộ phim kinh dị từ hoạt hình đến người thật, chúng ta đang cố rèn luyện cái gì ở các em khi cho chúng xem những bộ phim vốn đã không có tình người ngay khi còn nhỏ? Rồi đến khi những tật xấu đã ăn sâu vào tiềm thức con trẻ, lúc đó cha mẹ mới bất lực, không thể vãn hồi. Mà trên hết, giới trẻ không chỉ bao gồm những thiếu nhi, nhi đồng, mà cả những thanh thiếu niên mười tám đôi mươi vẫn là giới trẻ. Nếu ngay từ đầu chúng ta không có một tư tưởng, mục đích sống đúng đắn, thì ta sẽ mãi chìm sâu trong bùn lầy tội lỗi, rồi lại đổ tội cho hoàn cảnh xung quanh. Những điều đó, có thể gây ra những hậu quả vô cùng to lớn
Không phải là "có thể" nữa, mà là chắc chắn! Vô cảm không phải là xấu mà nó chính là kẻ giết người ! Chỉ cần một lần ta vô cảm với cha mẹ, ta có nghĩ ta như thế nào được sinh ra, như thế nào được nuôi dưỡng thành người, như thế nào được sinh ra lành lặn đến như thế này? Chỉ cần một lần ta lướt qua một tai nạn mà không chú ý, liệu ta có nghĩ nếu một ngày nào đó ta là người nằm kia, ta sẽ cần một đôi tay kéo ta dậy như thế nào? Một lần ta mở miệng hạ nhục người khác, ta đã nghĩ qua nếu không có họ cống hiến cho cuộc đời, liệu bây giờ ta có được sống trong một xã hội phát triển như bây giờ? Trước khi vô cảm với mọi người xung quanh, là ta đã vô cảm với cuộc sống của chính mình rồi. Chúng ta đã quá mải mê theo đổi những thứ hư vô như phim ảnh, giọng hát, cái đẹp thể xác, mà quên đi biết bao điều thực tế còn đẹp đẽ hơn nhiều bên cạnh chúng ta. Để rồi chúng ta cứ đắm mình vào cái "áo" của cuộc sống, mãi bị lùi xa thực tại trở thành gánh nặng của gia đình, của xã hội. Có thể ta đẹp đấy, phong cách đấy, nhưng đó là trong mắt những kẻ "giống ta" còn với những người sống đúng kia, chúng ta trở thành những con người tầm thường, đáng chê trách, phải tránh xa.
Nhưng mà, "thế hệ gấu bông" không bao gồm tất cả. Vẫn có những tấm gương sáng mà cả người lớn cũng phải ngưỡng mộ và cảm động. Những câu chuyện về việc quyên góp, ủng hộ quần áo ấm tặng bạn, trồng cây gây rừng, lên tiếng bảo vệ động vật, đâu có ít? Nhưng đó là những điều to lớn. Còn có những những việc làm nhỏ nhưng cũng khiến nhiều người xúc động, ngợi ca, chỉ là việc giúp cụ già qua đường, một lời sẻ chia an ủi những lúc cha mẹ buồn, hoặc chỉ một nụ cười với người xung quanh, đó là ta đã mở rộng tấm lòng để cho đi và nhận lại những niềm vui. Ngược lại với vô cảm, quan tâm đâu có khó gì? Chỉ cần mở cửa trái tim, giúp đỡ người khác là ta đã quan tâm, đem niềm vui cho mọi người cũng như tự cho mình một ngày vui rồi.
"Có khó chi đâu một nụ cười
Ngày ngày trao bạn ta cùng vui"
Có lẽ chính chúng ta cũng tự thấy mình quả có vô cảm. Nhưng nhận ra là chưa đủ, chúng ta phải lên tiếng nói cho người khác cùng biết, cần phải thay đổi một cách toàn diện. Dễ lắm mà, hãy hỏi tự hỏi mình: "Mình sinh ra là nhờ ai? Mình sinh ra để làm gì? Mình vì ai mà sống?" Chúng ta sinh ra từ nỗi đau, sự vất vả của cha mẹ, không có cha mẹ ta không có ngày hôm nay. Đừng vì chán nản cuộc sống mà buông lỏng chính mình, chỉ có yêu bản thân, yêu cuộc sống ta mới có tình yêu để chia sẻ cùng mọi người. Tức là, hãy tìm cho mình một mục đích sống, để rồi, sống có ích, có sự cống hiến. Từ đó ta mới có niềm tin để vươn lên, học hỏi những cái hay, cái tốt đẹp, hiểu được công lao dưỡng dục của cha mẹ, hiểu được ân nghĩa với những người cho ta cuộc sống hòa bình như ngày hôm nay, rồi biết được, ai đáng để ta ngưỡng mộ, đáng để ta học hỏi. Nhìn những người xung quanh, như cha mẹ, sự tần tảo sớm hôm nhọc nhằn kiếm từng đồng tiền nuôi ta, như những người nông dân công dân đêm ngày miệt mài xây dựng quê hương Việt Nam thêm giàu đẹp. Hay những nghệ sĩ, nghệ nhân, tác gia không kể trắc trở gian lao, biết bao lời đời để tạo nên một thế giới tinh thần giàu đẹp, xứng tầm quốc tế như bây giờ, họ cũng rất đáng để ta ngưỡng mộ mà. Dù ta ngưỡng mộ, yêu quý ai đi chăng nữa, chúng ta - tương lai của đất nước luôn phải nhớ: Hãy là một người công tốt, một người con hiếu thảo, một người trò ngoan, một con người đáng quý trước rồi mới đến một tuổi trẻ đầy mộng mơ với những tình yêu riêng.
Cho dù nói bao nhiêu, cũng không thể sánh bằng hành động thực tế, tôi không phải một con người hoàn hảo như người đời yêu cầu. Nhưng tôi, với tuổi trẻ đầy khát vọng, tôi tin rằng mình đã đủ tư cách để trở thành một con người với những trải nghiệm của tuổi trẻ. Bởi tôi tin, vô cảm chỉ là cách chúng ta xa lánh thực tế, đừng chờ người ta giơ tay ra chờ mình giúp đỡ, hãy là người đưa bàn tay ra trước, như thế chúng ta không chỉ là "thế hệ gấu bông" mà còn là "thế hệ của những thay đổi" bởi chúng ta tạo nên những điều kì diệu, chúng ta sẽ là người tiếp nối xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam yêu dấu của chúng ta không chỉ trở thành một đất nước giàu đẹp về vật chất, mà còn rạng rỡ những truyền thống dân tộc. Đây không phải là khát vọng của thế hệ trẻ chúng ta hay sao?
0 Bình luận
Recommended Comments
There are no comments to display.