Jump to content

xuong_rong_do

Thành viên
  • Số bài viết

    16
  • Gia nhập

  • Đăng nhập

Điểm

0 Neutral

Về xuong_rong_do

  • Xếp hạng
    Cấp bậc:

Contact Methods

  • Website URL
    http://thotre.com
  • ICQ
    0
  1. xuong_rong_do

    Song Sinh

    Trong một chuyến đi, ngẫu nhiên cô gặp Thuận. Hai căn phòng ở cùng tầng, cùng có cửa sổ trông xuống đồi, tình cờ trở nên chất xúc tác cho hai kẻ không quen hình thành tình cảm khó gọi tên. Cô phát hiện ra Thuận rất giống mình, cứ như cô và Thuận không phải ra đời cách nhau ba năm cộng với vài tháng, mà là sinh ra trong cùng một ngày, một giờ, thậm chí một phút và từ một người mẹ. Thuận thích ở nơi cao nhất của toà nhà, lang thang trên khắp các con phố hằng đêm, thích ngồi một mình trong quán cà phê và nhấp nháp mùi vị của những giọt cà phê đen đầy quyến rũ… Cô cũng vậy. Thuận có nhiều sở thích rất giống cô, nhiều đến nỗi đôi lúc cô tự nhủ: có lẽ Thuận chính là cô- là con người thứ hai của cô- con người ấy chỉ khác cô ở mái tóc ngắn, vóc dáng cao và gương mặt già dặn, phong trần. Thời gian gặp gỡ không là bao nhưng tình cảm cô và Thuận gắn bó đến không ngờ. Sự gắn bó bắt đầu từ những buổi trò chuyện, đi dạo bên nhau và dần phát triển qua những câu chuyện. Cô bắt gặp ở Thuận sự tương đồng. Rồi cô sợ, sợ những ngày này rồi sẽ kết thúc. Thuận sẽ xa cô. Cô sẽ không còn ai- hay nói đúng hơn là sẽ không có ai đồng cảm với cô như Thuận, hợp với cô hơn Thuận. Cô bỗng thành ra ích kỷ khi thầm ước ao Thuận mãi, và mãi là của mình. Đêm cao nguyên. Lạnh. Cà phê nóng không làm ấm lòng người bằng một ánh mắt. Ôi, ánh mắt của Thuận. Có lẽ không bao giờ cô quên được cảm giác khi lần đầu tiên nhìn vào đôi mắt đó và ánh mắt Thuận đã nhìn cô. Cô khao khát mình được ở mãi trong ánh mắt ấm áp ấy, nơi đó có một ngọn lửa, thắp lên niềm mãn nguyện và hạnh phúc. ánh mắt đủ sức kết chặt tâm hồn hai người lại, chắc chắn hơn bất cứ loại keo nào trên thế giới. Niềm yêu thương càng cao khi cô phát hiện ra mình hiểu Thuận đến lạ và Thuận cũng thế. Anh luôn biết cô nghĩ gì mà không cần cô phải nói ra. Cô cũng vậy. Đêm càng lạnh lòng cô càng ấm vì có kẻ song hành. Ngày qua. Vẫn đi chung trên một con đường, vẫn cùng tâm tư, suy nghĩ. Nhưng cô nhận ra rằng: lửa trong mắt nhau đã không còn đượm như những ngày đầu. Thuận vẫn giống như xưa, vẫn ánh mắt, vẫn nụ cười, vẫn tâm tư, tình cảm ấy nhưng sao cô cứ cảm thấy có một cái gì đó đang dần thay đổi trong lòng mình. Lần đầu tiên cô nghĩ : “mình và Thuận sẽ không hợp nhau”, và vu vơ sợ. Những tháng ngày thơ mộng rồi cũng qua. Thật nhanh. Cả hai trở về với cuộc đời thực của mình, về với bạn bè, với bài vở, với lo toan thường nhật. Cô vẫn nhớ mình và Thuận đã ngoéo tay nhau, hứa hẹn. Hai người vẫn đi bên nhau. Cà phê những chiều thứ bảy vẫn nóng, ánh mắt người vẫn ấm. Trong không khí đồng bằng điều ấy bỗng trở nên đáng sợ. Cô bắt đầu cảm thấy ngột ngạt, bức bối và bỗng thèm một chút lạnh tạt vào lòng. Để thay đổi không khí. Cô cảm thấy mình cần một cái gì đó để cuộc sống mới mẻ hơn, thi vị hơn. Và cô tìm đến Thuận. Tìm đến để rồi thất vọng. Thuận vẫn có những suy nghĩ giống cô, giống một cách kì lạ. Cô chợt nhận ra rằng ngồi bên Thuận, cô vẫn cô độc hơn cả ngồi với chính mình. Đối diện với Thuận cô như nhìn vào một chiếc gương soi, ở đó, có tất tật tính cách, sở thích, niềm vui, nỗi buồn của cô, tất cả dược bày ra, trần trụi dưới mắt một con bé- mười- chín- tuổi. Nhìn Thuận, cô chợt cảm thấy sờ sợ- như thể cô đang nhìn vào chính bản thân mình, thấy được cái tốt lẫn cái xấu, cả những cái mà con người chưa bao giờ đủ dũng khí để đối mặt, đó là mặt trái của chính mình. Trong người cô luôn tồn tại hai suy nghĩ. Cũng như bao người khác, cô vừa muốn hiểu, vừa không muốn hiểu tất cả, muốn biết tất cả, và cũng khao khát mình chẳng biết gì. Nhất là về bản thân và người đối diện. Và cô hết sức đau lòng khi nhận ra rằng: hai kẻ song sinh … khó thể gần nhau. Cô bước vào đại học mang theo ước mơ cháy bỏng. Thuận và cô gần nhau hơn trong những ngày tháng cùng trường, cùng ngành. Anh quan tâm, chăm sóc cô nhiều hơn. Càng gần Thuận, cô càng cảm thấy mình phải thay đổi, phải tự thay đổi. Cô bắt đầu tìm cách tránh mặt Thuận. Cô mở rộng mình ra, cố gắng tìm cho mình một điều gì đó khang khác. Người ta không ai thích tìm hiểu chính bản thân. Cô nhớ mình đã từng đọc ở đâu đó : một người yêu hoa cúc vàng vì cảm thấy nó đẹp thì chắc chắn sẽ cần một người yêu hoa cúc tím hơn là kẻ giống mình. Thực tế là vậy. Thế giới vốn muôn màu và sở thích thì vô hạn. Cô biết rằng cô cần một người hiểu mình và nhìn vào người đó cô phải nhận ra một thế giới hoàn toàn khác. Cô cần một người đi khác con đường của mình, song song, nhưng không trùng lắp. Cô muốn khi cô yêu cái đẹp, người bên cạnh cô phải yêu một cái khác đẹp hơn, thậm chí xấu hơn cũng được, khi cô yêu loài hoa này, người kia nên yêu một loài hoa khác. Cuộc sống có thế mới thú vị, rộng mở hơn. Cô muốn khám phá chứ không cần cùng một người mổ xẻ cho vụn nát những gì mình đã biết, cô muốn và khao khát thoát khỏi việc phải yêu một cái gì đó gấp hai lần trong khi thế giới còn biết bao điều đáng yêu… Suy nghĩ rất lâu, rồi cô nói với Thuận điều đó. Thuận hiểu. Chia tay. Cô biết rằng mình vẫn còn yêu Thuận. Quả tim còn nóng cô vẫn còn yêu Thuận. Nhưng cô quyết định chia tay. Bởi vì cô biết, người ta sẽ luôn khao khát những điều mới mẻ, dù vẫn luôn đồng hành và trung thực với bản thân mình.
  2. xuong_rong_do

    Cõi vô hình

    Chưa bao giờ Phan tin rằng trên đời này có một thế giới thứ hai ngoài thế giới cô đang sống. Cõi vô hình mà bà, mẹ, và mọi người hay nhắc tới, với Phan chỉ là chuyện viễn tưởng. Là sinh viên khoa Triết, với Phan chỉ tồn tại chủ nghĩa duy vật. Còn những gì thuộc về thế giới duy tâm, Phan không bao giờ nhắc đến, và nếu có đi chăng nữa, thì chỉ để trêu một vài người bạn nhát gan và có khuynh hướng nghiêng về thế giới tâm linh… Nhưng rồi chuyện ấy đã xảy ra… Chuyện mà đến bây giờ Phan vẫn còn cảm thấy như một giấc mơ, và mỗi khi nghĩ lại, lạ lùng sao Phan vẫn còn luyến tiếc nhưng giờ phút đã trải qua. Chuyến xe đi về quê Phan đột ngột hư giữa đồng. Nỗi nhớ nhà và bản lĩnh của cô gái đai đen nhu đạo đã khiến Phan thừa can đảm để băng đồng về nhà một mình. Con đường đồng hẹp lởm chởm ổ gà. Trăng non mới mọc. Ếch nhái kêu râm ran vang dọc hai bờ. Phan đi qua mấy ngôi mộ đất khum khum quen thuộc bên đường. Gió lạnh thốc vào mặt. Phan mím môi kéo cao khóa áo khoác, xốc lại ba lô rồi mạnh dạn băng đồng. Kim đồng hồ trên tay chỉ hơn chín giờ - quãng đường còn lại khá dài. Phan ước có thêm người bạn đồng hành - không phải vì sợ mà để quãng đường ngắn lại. Mấy ngôi nhà nhỏ bên đường lần lượt tắt đèn. Gió mỗi lúc một lạnh. Phan vừa đi vừa đếm mấy đống rạ cao quá đầu ở ven đường để giết thời gian. Đôi lúc cô còn bạo gan nghĩ về mấy bóng ma ngoại thường hay kể: con ma thắt cổ trên ngọn đa, ma mẹ trên ngọn me ngay lối rẽ vào nhà, cả mấy con ma trâu hay đi trên đường ban đêm... Phan ngó quanh quất như thể tìm kiếm chúng rồi mỉm cười bước tiếp. Tới cây me ngay lối rẽ vào nhà, Phan chợt khựng lại vì gặp phải một người. Phan chưa kịp nói gì, người con trai đối diện đã lên tiếng xin về chung với lý do... sợ ma. Phan bật cười trước vẻ mặt của anh ta và gật đầu đồng ý. Như thế, Phan vừa giúp được người hoạn nạn vừa có bạn đồng hành. Khi tới ngôi nhà nhỏ cách nhà Phan độ trăm mét người con trai đột ngột tặng Phan bảy bông cúc vàng tết bằng giấy rất khéo, gọi là để tạ ơn và mời Phan lúc nào đó ghé nhà mình chơi. Phan nhìn kĩ người con trai trước mặt qua ánh trăng mờ ảo. Thú thật, đối với Phan, anh không để lại chút ấn tượng gì ngoài đôi mắt to, sâu và đen láy - đôi mắt đẹp như mắt con gái. Phan cũng cho rằng mình chưa bao giờ gặp anh ta, dù nhà anh cách nhà Phan chỉ non trăm mét, có lẽ do mình thường xa nhà - Phan nghĩ vậy. Đến bây giờ Phan cũng không quên được cảm giác khi chạm vào tay anh ta, bàn tay lạnh cóng không chút hơi ấm. Lúc đó, Phan chỉ nghĩ là do trời lạnh quá và trong tâm trí Phan, không hề có hình ảnh mấy con ma không có chút hơi người. Vì thế, Phan vô tư rời nhà sau lời nói chia tay. Phan không gặp lại chàng trai lần nào nữa dù cô đã ở nhà hơn tuần lễ. Người ta nói trái đất hình tròn, dù xa mấy cũng có ngày gặp lại. Huống chi, Phan và anh ở cùng một xã, một ấp, nhà lại cách nhau không xa. Tò mò hơn là nhung nhớ, Phan tìm đến nhà chàng trai theo hướng anh đã chỉ. Men theo mấy bờ đất hẹp, Phan đến được nơi ngôi nhà trụ dưới rặng tre. Bàng hoàng khi nhìn thấy đó là một căn nhà mồ được xây rất đẹp. Phan đi vòng ngôi nhà mồ và thảng thốt nhận ra bảy bông cúc vàng - y hệt bảy bông cúc của Phan - đang được cắm trên bình hoa xây chết trên mộ, cạnh đó, là chân dung chàng trai - người có đôi mắt to sâu và đen láy - đẹp như mắt con gái… Lần đầu tiên trong đời Phan sợ đến như vậy. Mặc kệ duy vật hay duy tâm, Phan cắm đầu chạy. Bóng nắng chếch trên bờ ruộng, bóng Phan liêu xiêu ngả dài trên mặt đất, chân Phan va vào mấy hòn đá to lăn lóc bên đường... Phan chạy miết, đến khi về tới nhà, Phan mới thở phào nhẹ nhõm. Phan ngắm mấy bông cúc thất kĩ và bình tâm lại. Rõ ràng bảy bông cúc được tết rất khéo, rất đẹp và không có vẻ gì là ma cả. Phan sè sẹ sờ vào mấy cánh hoa bằng giấy để chứng tỏ là nó không vô hình. Phan không thấy có gì lạ, nhưng nỗi sợ vẫn ngấm vào cô. Lần đầu tiên trong đời, Phan “hỏi thăm” bà về “mấy con ma” trong làng và ngồi chăm chú lắng nghe. Phan trở lại trường, mang theo bảy bông cúc. Phan không có lí do gì để bỏ nó lại, vì nó rất đẹp và bản thân Phan lại yêu hoa cúc. Phan lại băng đồng ra thị xã đón xe. Con đường đồng hẹp lởm chởm ổ gà, mấy ngôi mộ nhỏ khum khum bên đường. Phan vẫn đi nhưng không bình thản như dạo trước. Cô vừa đi vừa nhìn chừng mấy ngôi mộ như thể sợ người trong mộ sẽ ngồi dậy mà chạy theo cô. Nắng nóng trên đầu, nhưng Phan vẫn kéo cao khoá áo khoác vì cảm thấy lạnh. Phan không sao ngăn được cảm giác ơn ớn chạy dọc sống lưng dù luôn đem Mác, Ăng-ghen ra để trấn an mình. Mọi chuyện rồi cũng qua. Phan trở lại giảng đường. Mẫu chuyện ám ảnh cô phai dần. Phan lại đầy bản lĩnh, dù có... kém hơn xưa một chút. Bảy bông cúc vẫn vàng và đẹp. Phan chưng nó trên bàn học, vẫn ngắm nó say sưa như thể ngày đầu Phan được tặng. Những lúc ấy, Phan nghĩ về người đã tặng cô bảy bông hoa, không bằng nỗi sợ hãi, mà bằng niềm tiếc thương là lạ. Phan gặp lại người con trai ấy - trên giảng đường - lúc cô đang lúi húi trang trí tờ báo tường cho lớp. Đang say sưa tô, kẻ... Phan chợt cảm giác có ánh mắt đang nhìn mình. Vừa thấy anh ta Phan hoảng hốt thực sự. Cô phải cố lắm mới ngăn mình khỏi hét lên. Người con trai như biết điều đó, anh từ tốn: - Cô đừng sợ - Anh nhìn Phan và tiếp lời - Tôi không phải ma đâu. Và để chứng tỏ điều ấy, anh chạm nhẹ vào tay cô - bàn tay ấm nóng hơi người. Phan tin, nhưng vẫn thấy sợ. Anh từ tốn tiếp: - Xin lỗi, vì đã làm cô sợ. Người cô thấy ở mộ là anh song sinh của tôi. Còn tôi, là người đã gặp cô ở trên đường và đã tặng cô bảy bông cúc vàng - Rồi anh kể, một câu chuyện như là cổ tích... Người anh song sinh của anh qua đời vì bệnh tim tái phát cách đây một năm khi hai anh em cùng đậu vào trường kiến trúc. Anh lên giảng đường với mơ ước của mình và của cả anh trai. Anh cũng học bằng sức lực của hai người, và muốn thực hiện, mọi tâm nguyện, những mơ ước của anh trai lúc còn sống... - Thế còn, bảy bông cúc vàng - Phan hỏi. - Đó cũng là mơ ước của anh tôi. Mười bốn bông cúc. Anh tôi làm để tặng bạn gái. Anh tôi bảo, con số bảy là số may mắn của anh, nếu anh giữ bảy bông, tặng cô gái nào đó bảy bông thì chắc chắn cô gái ấy sẽ đồng ý làm bạn anh. Có điều... chưa kịp tặng ai thì anh tôi đã mất. Tội nghiệp anh tôi! Vì thế, tôi muốn nhờ cô để thực hiện điều mong ước của anh... Tôi cố tình dụ cô đến căn nhà mồ để gặp anh tôi, thấy bảy bông cúc vàng. Tôi cứ nghĩ - cô không sợ - ai ngờ... Chàng trai cười buồn - giá như cô bước tới chút nữa thì đã gặp tôi rồi. Phan lặng nhìn người con trai, bỗng nhớ đến chuyện hai anh em song sinh trong cổ tích “Trầu cau”. Vì sự hiểu lầm của chị dâu, không muốn ảnh hưởng đến hạnh phúc của anh trai, người em đã ra đi rồi chết hóa thành tảng đá... Tưởng chỉ chuyện xưa mới có tình anh em cao cả, cảm động vậy. Ngờ đâu... - Thế... tại sao lúc đó, tay anh... - Tôi cố tình làm cho tay mình lạnh bằng túi nước đá trong áo, để cô tin rằng, chính anh tôi đã tặng quà cho cô. - Tại sao anh không nói thẳng với tôi. - Tại tôi chưa quen cô, và cũng không tin rằng cô sẽ giúp... Phan nhìn người con trai. Cô đọc thấy trong mắt anh sự chân thật, và cô tin những gì anh nói. Phan hứa sẽ về viếng mộ người anh song sinh của anh với bảy bông cúc vàng... Cô tự nhủ, từ nay mình sẽ có thêm hai người bạn, một người đang hiện hữu và một người đã mất nhưng vẫn còn tồn tại, dù rằng chỉ tồn tại trong nỗi tiếc thương và trong tâm linh của những người thật sự quý yêu anh...
  3. xuong_rong_do

    Tóc ngắn

    Nó đi cắt tóc. Không phải vì buồn chuyện gia đình, chuyện học hành hay hờn giận bạn bè. Lại càng không phải vì hờn giận người yêu. Mà là vì… nó không muốn buộc chân một đứa con trai nào cả. Mọi chuyện có lẽ đều do thầy nó mà ra. Cách đây hai hôm, đột nhiên thầy dành hẳn một tiết để trò chuyện, chuyện tình cảm tuổi mới lớn mới thích chứ. Cứ như là thầy đi guốc trong bụng bọn nó vậy, mọi thắc mắc được giải đáp tất tần tật. Thầy còn kể cho bọn nó nghe - chuyện – của – thầy nữa kìa. Và cuối giờ, ông xách cặp một mạch đi khỏi lớp sau khi “phán” một câu xanh dờn: “Sợi tóc tuy nó mỏng manh nhưng khi buộc chân ai là buộc cả một đời”. Thế là nó đi cắt tóc. Mái tóc óng ả ngang lưng được tém lên sát ót. Không phải nó cố tình chơi ngông mà là vì “ghét” câu nói của thầy và thái độ bọn con trai lúc đo. Thầy thìa bảo: nhất là bọn con gái tóc dài, tóc càng dài càng “chết người”, khôn hồn thì các cậu đừng léo hánh đến gần, nếu không thì… như tôi nè… Bọn con trai thì cười ngặt nghẽo ra chiều thích thú nhưng con gái chúng nó thì tức ấm ách. Nó bấm tay bọn con gái bảo cắt tóc cả đi, ai cũng gật đầu như rốt cuộc chỉ có mình nó dám thực hiện. Tiếc thật đấy nhưng cũng tốt… sẽ chẳng có đứa con trai nào bị buộc chân hay vô tình… vấp té. Lìa bỏ mái tóc dài - vật minh chứng hùng hồn mình là con gái - nó càng “ngổ ngáo” tợn. Với cái tên đầy nam tính, giờ lại thêm mái tóc ngắn củn cỡn, nó đủ lý lẽ chứng minh mình là đứa con gái thứ …8 trong hàng ngũ bảy cô nữ sinh của lớp. Chưa bao giờ nó từ chối một trò nghịch nào của bọn con trai bày ra. Những trò luôn mang đến cho nó sự chiến thắng. Chơi với nó bọn con trai ít nhiều phải nhường nhịn là lẽ dĩ nhiên. Rốt cuộc nó lại một lần nữa chứng minh mình là… đứa con trai thứ 13 trong 12 đấng nam nhi của lớp… Nói thì nói vậy, chớ thật ra nó là một học sinh gương mẫu với thứ hạng đầu lớp (bao giờ cũng thế) và những hoạt động tích cực, lúc nào nó cũng đưa lớp lên vị trí đầu bảng thi đua. Tuy nghịch ngợm nhưng những trò của nó không hại ai. Nói tóm lại, tuy không ai thích nhưng cũng chẳng ai ghét nó. Trái lại, nó lại là một-cực -không -thể -thiếu của lớp. Lớp rộn lên phong trào viết thư kết bạn bốn phương. Không hôm nào lớp trưởng không lên văn phòng và ôm về một xấp thư. Trăm sự cũng tại gã mà ra. Khi không lại tương lên báo tên tuổi 20 thành viên của lớp đòi… kết bạn với những lời giới thiệu chung dài ngoằn đầy hoa mỹ mà chỉ những người trong cuộc mới nhận ra nó cách thực tế khoảng… hai mươi cây số. Đại loại như : vui vẻ, hoà đồng, học giỏi (những điều này tạm chấp nhận được), con gái dịu dàng thuỳ mị, con trai ga lăng lịch sự (chuyện này thì phải coi lại), yêu âm nhạc (ai chả biết bọn nó chỉ biết vài bài hát tập thể do bị bắt buộc học), yêu thể thao (có đứa nào học thể dục cho ra hồn đâu)… Thế mà chỉ khoảng vài ngày sau đó, lớp nó thư đi thư về không ngớt …Rõ là … Nó cũng nhận được thư. Bức thư không dài, không ngắn. viết bằng nét chữ in hoa không đẹp lắm. Có kèm hình. Lời lẽ trong thư thì khỏi phải nói … “ngọt đến ngán” luôn, còn bức hình… Ôi chao… một cô bé xinh tuyệt với mái tóc dài ngang lưng. À! Chắc định cột chân ta chắc. Hì! Cảm ơn cái tên đầy nam tính. Ta sẽ chứng minh cho mi thấy tóc dài không hẳn cột được chân ta đâu nhé. Hãy chờ xem… Thấm thoát mà kỳ thi học kỳ đã kết thúc. Lớp nó rạo rực chuẩn bị cho kỳ nghỉ hè sắp tới. Như thế cũng có nghĩa là cô bé đã… cột chân nó được 6 tháng. Rõ ràng là thế vì đã đôi lúc nó định không viết thư nữa, định nói thật cho cô biết nó là ai, là người như thế nào, nhưng lại sợ cô không biên thư cho nó nữa… rồi thôi. Không biết tự bao giờ, nó có thói quen trông chờ những lá thư kia với tâm trạng hồi hộp không thể tả. Nó thèm được nghe những lời an ủi dịu dàng, nửa khuyên lơn, nửa che chở của cô. Nó bồi hồi nghĩ về cô bé và ao ước được làm bạn với cô thật lâu. Có cô, nó có vẻ như chững chạc hơn, nữ tính hơn một chút. Ta bị cột chân thật rồi, nhỏ ơi! – Ước gì ta là… con trai nhỉ ? Nhận được tấm thiệp sinh nhật. Nó nửa mừng, nửa lo. Gặp được cô bé mừng lắm chư, ít ra là sẽ được nói chuyện nhiều hơn là ba bốn trang thư ít ỏi. Nhưng nếu lỡ trông thấy con người thật của nó, liệu cô bé có giận không nhỉ?… Nó không thể giấu cô mãi được. Dù gì thì bạn bè thật lòng với nhau vẫn là trên hết. Hy vọng là cô sẽ không giận. Hơn nữa, nó sợ cảm giác khi nghĩ tới một ngày nào đó cô sẽ xuất hiện trước mặt nó, nhìn nó không chớp mắt… Sau một tuần suy nghĩ - Nó quyết định - Đi Mở cửa là… lớp trưởng. Nó giương mắt ngạc nhiên trong khi hắn xuề xòa… “Đăng, vào đi, vào đi”. - Sao “ông” lại ở đây - Nó giậm chân thắc mắc. - Sao không ? - Lớp trưởng giương mắt nhìn lại nó. Dường như đang cố nín cười. Nhà tui, tui ở, ai cấm được nào. - Nhưng mà… Không để nó nói hết câu, lớp trưởng đã lôi tuột nó vào nhà. - Giới thiệu với Đăng, đây là…em gái mình. - Ơ… Nó mở to mắt nhìn cô gái trước mặt. Đúng là cô bé nó đã thấy trong hình. Vẫn mái tóc dài óng ả, vẫn gương mặt thanh tú dễ thương mà đến tận bây giờ nó mớn nhận ra là… hao hao giống lớp trưởng.Ơ… đúng rồi… hèn chi… bức thư nào cũng được viết với nét chữ in hoa (chắc lớp trưởng sợ nó nhận ra chữ chứ gì) , lúc nào cô cũng tỏ vẻ rất hiểu biết về nó, về mọi việc xung quanh nó và lạ một điều là… chẳng bao giờ cô… xin hình hay đòi gặp mặt nó…rõ là… là… - Cho mình xin lỗi - Lớp trưởng thì thầm. Bấy lâu mình đã lừa bạn. Thật ra, mình…mình rất quý bạn, nhưng khoảng cách trong lớp giữa chúng ta khó gần quá. Lúc nào bạn cũng có vẻ xa lạ với con trai bọn mình quá. Mà mình lại rất muốn trò chuyện thân mật với bạn. Vì thế… nên mình mới bày ra chuyện này… Mong Đăng … Không còn nghe rõ lớp trưởng nói gì. Nó vội vã chạy ra ngoài để giấu gương mặt đỏ bừng. Bây giờ thì nó nghiệm ra dù là tóc dài hay ngắn nếu có thể vẫn cứ buộc được chân người.
  4. xuong_rong_do

    Bạn đồng hành

    Nhạn chuẩn bị cho năm ba một túi xách to đùng chứa đầy sách vở. Khi Nhạn lê nó đến được chỗ ngồi duy nhất còn trống phía cuối xe thì cái phương tiện cũ kĩ dùng để đi lại duy nhất của thị xã cũng bắt đầu chuyển bánh. Nhạn ưu ái đặt túi xách lên chỗ trống còn sót lại ấy và đứng nhìn bâng quơ ra cửa sổ. Nắng và bụi quyện cửa xe. Vàng lườm, không phải màu vàng của lúa, của hoa. Đó là một màu rất đặc biệt chỉ ở quê Nhạn mới có. Xe qua con đường đất lắm ổ gà, chông chênh, Nhạn không kịp níu thanh vịn, ngã dúi dùi. Cô vội cảm ơn người con trai trước mặt khi trụ vững. - Sao lại cảm ơn mà không là xin lỗi. Nhạn không trả lời. Chỉ bật mỉm cười lịch sự. Chuyến về trường ngắn lại qua những lời tâm sự. Nhạn biết thêm nhiều về người bạn mới quen. Ngôi trường đang học dang tay đón Nhạn vào năm học mới. Nhạn gào to: “chẳng có gì khác trước”, nhìn mọi người, rồi vào lớp, hì hụi lau dọn, trang trí hoa hòe. Lớp học không phải là sân khấu nhưng cũng không khác gì mấy. Đơn giản chỉ vì nó là “Văn khoa”. Nhạn lại chọn chỗ ngồi kế cửa sổ. Chỗ ngồi vốn đã quen lắm, khó lòng mà rời xa được. - Ở đó nắng thí mồ. - Kệ. Nhạn vơ vẩn nhìn nắng. Không giống ở quê nhưng cũng đặc biệt. Nhạn yêu những khóm nắng lung linh xung quanh như những người thân của mình vậy. Nhạn nhớ những ngày còn nhỏ, Nhạn rất thích đùa trong nắng. “Em út” hay nhìn gương mặt mướt mồ hôi của Nhạn rồi bật cười, không cho Nhạn biết lý do dù Nhạn cố gắng doạ nạt, thậm chí mếu máo doạ sẽ… khóc. “Em út” là con của út, là em bà con, là bạn tốt… nói tóm lại “em út” rất gần gũi và quan trọng với Nhạn. Nhưng bây giờ… Nhạn cũng không biết nó thế nào. Nhạn chỉ có thể nghĩ rằng bây giờ “em út” lớn lắm rồi, và học giỏi nữa, vậy thôi. Lớp có thầy chủ nhiệm mới. Trẻ, đẹp và... quen. Nhạn nhìn sững, chớp mắt liên tục để khẳng định là mình không lầm. Chuyến xe ban nãy hiện về, gập ghềnh giữa gió và nắng. Nụ cười của người bạn mới lung linh trong mắt, hòa lẫn với nụ cười... thầy chủ nhiệm. Lớp xì xào, con gái và con trai đi theo hai luồng suy nghĩ. Nhạn cũng nghĩ nhưng chắc không giống ai. “Thầy gi mà trẻ vậy, còn dám bảo với mình là mới từ xa chuyển về, sinh viên năm cuối”. Nhạn lơ ngơ ngó ra cửa sổ tránh nụ cười “chết người”. Nắng cũng bắt đầu trêu Nhạn bằng những tia chói mắt. Nhạn bấm viết, vẽ lung tung những hình ngoằn ngoèo, vô nghĩa. Lời chào của thầy mới bay vèo ra cửa sổ. * * * Nhạn vừa về nhà đã nghe cô Út trò chuyện trong nhà. Ba và Út sinh ra cùng lúc nhưng chẳng giống nhau chút nào. Út của Nhạn linh lợi, vui vẻ bao nhiêu thì ba Nhạn trầm tĩnh bấy nhiêu. Út thương Nhạn nhất nhà, hơn cả con trai của Út. Út làm ăn xa, thỉnh thoảng biên thư về thăm hỏi. Nhạn nhớ Út lắm nhưng không lên tiếng. Nhạn chạy ào vào nhà gặp Út cho đỡ nhớ, còn gặp “em út” của Nhạn nữa. “Em út” lớn hơn Nhạn năm tuổi, nhưng em vẫn là em, và bây giờ Nhạn nhớ nó lắm. Nhạn thích thú hét toáng lên: - Út về, Út về. Em con có về hông, Út? Tối nay Út ngủ với con nhé, con có nhiều chuyện kể Út nghe lắm... những chuyện út hỏi con trong thư đó, con… Nhạn như con chim non lạc bầy gặp mẹ. Ba phì cười: - Gớm. Rửa mặt đi. Từ từ rồi nói, Út về chơi cả tháng lận mà. Nhạn cười rạng rỡ. “Út đẹp hẳn ra”. Nhạn ra giếng rửa mặt. Nhà trên ba hét bắt gà nấu cháo. Tiếng Út giòn tan như pháo, Nhạn nhớ mãi. Nhạn trông “ em út” mà không dám hỏi. Không biết nó ra sao. “Thằng nhóc” hay bày trò bắn bi, câu cá, trèo cây và giỏi rượt đuổi, đánh nhau. Tuổi thơ Nhạn quay về như một thước phim. Mười mấy năm, Út đi rồi về, nhưng thằng nhóc vẫn biệt tăm. Nhạn thấy nhớ vì dù sao thì nó vẫn là đứa duy nhất Nhạn được phép lớn hơn trong nhà này và nó lại rất mực chìu chuộng Nhạn. Nhạn thích thế. * * * Nhạn ngồi trên bến khoát nước rửa chân. Nắng nhảy nhót xung quanh. Nhạn lại nhớ cái cửa sổ: cửa sổ xe và cửa sổ... lớp. Nhạn gom suy nghĩ của mình lại, kiểm duyệt và loại trừ hình bóng của thầy chủ nhiệm và kẻ đã gặp trên xe. Một người Nhạn gọi bằng anh, còn một phải gọi bằng thầy. Nhạn không muốn lựa chọn một trong hai. Nhạn đưa tay hứng nắng, thầm ước anh ta không phải là thầy của Nhạn. * * * “Em út” về. Nhạn tưng bừng chạy ra đón và sững lại. “Em út” trẻ, đẹp và lại...quen. Nhạn chớp mắt, sững sờ, đưa tay véo má để khẳng định mình không mơ. Người ta bảo quả đất tròn. Riêng Nhạn thì thấy quả đất không chỉ tròn mà còn quá nhỏ nữa. Út cười: - Nó đó, con hỏi nó hoài mà. Không nhớ sao? Con nhỏ này… Út tặc lưỡi theo thói quen, rồi chép miệng- mà xa lâu quá rồi, không nhớ cũng phải. Út hỏi rồi tự trả lời. Nhưng Nhạn không cười nổi. “Em út” chìa tay: - Chào... chị Nhạn. Nhạn không biết cách nào “em út” lại có mặt trên chuyến xe ấy. Nhưng Nhạn biết chắc là “em út” đã nhận ra Nhạn. Chỉ có Nhạn là ngốc. Nhưng làm sao đây?. “Em út” lại là thầy Nhạn. Út biết chuyện, cười nắc nẻ. Ba cũng vậy. Chỉ có Nhạn là nhăn nhó đến thảm hại. Nhạn không thể gọi thầy là “em út”. Còn gọi “em út” bằng thầy thì.... Rồi làm sao ăn nói với cái cửa sổ: cửa sổ lớp học và cửa sổ xe. Nhất là cửa sổ xe, nó đã chứng kiến Nhạn gọi “em út” bằng... anh. Nhạn bỗng nhớ nụ cười khó hiểu của người con trai bên cửa sổ xe. Thật xấu hổ. Nhạn vơ vẩn nhìn trời: - Thôi, không gọi gì cả. Gọi là “bạn đồng hành” vậy. Vì chuyến xe duy nhất của thị xã, chuyến xe luôn trống chỗ duy nhất phía cuối xe, lúc nào cũng chở chị em Nhạn đi, về trường một cách trung thành. À, mà Út chuyển về nhà Nhạn ở luôn rồi. Ba chia cho Út miếng đất sát nhà. Út đang xây nhà mới.
  5. xuong_rong_do

    Viết cho mùa

    Đã xa rồi, có phải thế, mùa ơi. Thời thơ bé đã theo người qua ngõ. Tháng tám hội đèn sẽ chẳng còn tôi nữa. Vầng trăng kia xin trả lại cho mùa. Tôi bây giờ ngồi ghép lá thành thơ. Cùng đôi giọt sương thu làm thanh điệu. Những vần thơ chở một thời êm dịu. Trôi ngược dòng ký ức xa mờ. Tôi bây giờ ngồi ghép lá thành thơ. Không để nhớ mà mùa ơi, để tiếc. Một vầng trăng đã trôi về xa lắc. Một thời mơ đã biền biệt theo mùa.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This is an example of a list.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

×
×
  • Create New...