Jump to content

Nguye_hoang

Thành viên
  • Số bài viết

    319
  • Gia nhập

  • Đăng nhập

  • Nổi bật trong ngày

    4

Mọi thứ được đăng bởi Nguye_hoang

  1. Nguye_hoang

    Thu chết

    NGÀY VỀ Mặt trời lấp ló lưng chừng núi Một chuyến xe chiều về cố hương. Người có ngóng ta nơi đầu phố Để ta thấp thỏm mỗi dặm trường. Chợt nhớ ngày xưa khi quay bước, Ướt đẫm bờ mi em hờn ta. Giá như ngày ấy ta hiểu được, Tình quê em hiến ôi thiết tha. Thấm thoắt mười năm tình cô lẻ, Con tim rỉ máu trong khổ sầu. Em có khi nao nơi đầu phố, Để nhớ về ngày mình xa nhau? Chuyến xe định mệnh vừa dừng lại, Tim rộn khát khao tìm người xưa. Phố nhỏ nơi ấy giờ hoang vắng, Bước chân vội vã bỗng như thừa./.
  2. Nguye_hoang

    Thu chết

    XUỐNG NÚI Lên đây với em đi anh, đi anh ! Đỉnh Chùa Đồng không còn xa nhiều nữa. Lên với em như ngày nào anh hứa, Sẽ mãi dìu em đi suốt cuộc đời… Anh do dự nên chỉ mình em thôi Ngược Yên Tử ngày đầu xuân lễ Phật. Khấn lời cầu an cho những được mất, Của riêng em thôi và mối tình chung. Suối Giải oan em lội bước cuối cùng, Chợt hư không những lời anh thầm trách. Hơi thở, nhịp tim đâu còn liền mạch Em ngả nghiêng khi lên chốn Phù Vân. Lên với em đi, đừng sợ xa gần, Bởi đã yêu thì ngại ngần gì nữa. Lên với em như thay lời bào chữa, Cho một thời mình đã đắm say nhau. Đỉnh Chùa Đồng lời nguyện bay nơi đâu ? Mà sương trắng cứ như đang đùa giỡn. Tia nắng sớm vén áng mây vần gợn, Em thả hồn ra cùng với núi trời. Lên theo em đi thật đấy anh ơi, Số kiếp mình đã đằng nào chả thế. Một nén hương thôi dứt tình dâu bể, Cho nhẹ lòng rồi thả bước quay về… Xuống chân núi em rời khỏi cung mê./.
  3. Nguye_hoang

    Thu chết

    TIỄN BIỆT Thôi nhé lần cuối nhìn mặt nhau Một người ra đi bao người đau. Mắt nhòa yêu dấu dưới khung kính Một bước rơi trong vạn thảm sầu. Yêu thương khi sống nào kể siết Giận hờn xa cách dấu cho qua. Buồn khổ đớn đau ầm thầm gánh Hạnh phúc, niềm vui chia làm quà. Có kiếp khổ nào hơn kiếp sống Về miền cực lạc người bỏ ta. Âu vì nợ đời còn phủ bóng Ta thời dương thế chưa buông tha. Thôi nhé lần cuối ta lỡ hẹn Bên kia hương khói là cuộc đời. Người đi níu bước ta nào thể Đành tiễn biệt người trong lệ rơi./.
  4. Nguye_hoang

    Thu chết

    Sắc đỏ tìm nhau Mùa sẽ đến, hoa gạo xưa lại đỏ Ta cứ mơ kỉ niệm cũ ngày nào. Góc quán nhỏ tiếng xe rung vụn vỡ Lọt tán lá chùm nắng khẽ xôn xao. Đừng xa nhau, em có nghe thì thào Lời của gió níu chân người ngày ấy. Ta âm thầm bắt đầu cuộc trốn chạy, Để biết rằng tim lại rộn nhịp đau. Ta nhận ra sắc đỏ sự khởi đầu Cũng là lúc ta thốt lời hẹn cuối. Niềm mê đắm bên em không thể nói Ta đành về lưu luyến ấy chôn sâu. Mùa đã đến, giờ em ở nơi đâu Gửi cho ta chút thoáng hương ngày ấy? Vỗ về ta trong nhớ thương sóng dậy Chờ một ngày sắc đỏ lại tìm nhau.
  5. Nguye_hoang

    Thu chết

    Cám ơn H.Duc đã ghé thăm trang thơ NH. Chúc bạn luôn vui và hạnh phúc.
  6. Nguye_hoang

    Thu chết

    Cám ơn em… Ta về gấp lại gối chăn Xếp luôn thêm cả tấm khăn thề nguyền. Vì rằng tình đã hết duyên Thế nên đành để cho thuyền trôi ngang. Ta về gói lại ngang tàng Một thời phiêu lãng, mơ màng quán thơ. Gạt quên năm tháng đợi chờ, Đốt thành tro bụi trang thơ ngày nào. Giữ làm chi nỗi khát khao Còn đâu lối cũ xôn xao gót hồng. Còn đây nguyên những đêm đông, Ta ghì siết chặt cho lòng lạnh se. Ôm bình minh lặng lẽ về Ta bình yên xóa cơn mê của mình. Mai ngày ta sẽ hồi sinh, Cám ơn em một cuộc tình đã qua./.
  7. Nguye_hoang

    Thu chết

    HOÀNG HÔN Mình em hoàng hôn vắng Nghiêng mênh mông biển trời Chợt nghe lòng muốn nói: “Mãi yêu anh mà thôi”…
  8. Nguye_hoang

    Thu chết

    Rạn vỡ... “...Còn thương nhớ nhau Về thắp sao trời...” Câu hát cũ người ơi người còn nhớ Bao đắm say thuở mới yêu ban đầu. Giờ còn lại chỉ con tim nhỏ máu Biết bao giờ sẽ quên hết niềm đau. Kí ức ngọt ngào rạn vỡ trong nhau Đường phố cũ dẫn ta vào quên lãng. Hương dạ lan vẫn đâu đây thoang thoảng Đẩy ta chìm trong buồn nhớ mênh mang. Em rời xa ta, khiến ta ngỡ ngàng Nụ hôn cuối cũng trở thành tội lỗi. Không đức tin nên ta không xưng tội Tình yêu nào là có lỗi em ơi? Thương nhớ nhau ta về thắp sao trời Đem ánh sáng soi tâm hồn u tối. Đợi bình minh đón ta vào ngày mới Bao ưu phiền rồi cũng sớm qua thôi. Em soi sáng ta suốt cả cuộc đời./.
  9. Nguye_hoang

    Thu chết

    Gọi mùa xuân em về. Ôi mùa xuân em khiến ta run rẩy Xanh mượt mà trong mỗi vần thơ. Ta lặng lẽ dang tay hứng lấy Chợt thấy hồn như bừng sáng giấc mơ. Ta đã qua bao đêm mùa tê tái Bao cằn khô nắng lửa ngày hè Phơi lòng mình giữa tháng năm hoang hoải Bỗng một ngày xuân em đến/ đam mê… Cứ băn khoăn sợ vần thơ lạc lối Nên ta đành giữ lại riêng mình. Một lời yêu ngày nào nói vội, Ta giận mình vào mỗi buổi bình minh. Xuân hãy đến với ta tình nồng ấm Để tim ta sống lại nhịp nồng nàn. Hương nhụy em tỏa tràn, tưới đẫm Đồng hoang ta ngày mai hết khô khan./.
  10. Nguye_hoang

    Thu chết

    TÌNH HỠI... Này người tình của ta bé nhỏ Em đã quên những lời hẹn hò? Chiều qua buồn mây rơi xuống phố Ướt nhoẹt bước chân thầm ước nắng to. Góc quán ấm ngày nào vẫn thế Nến nhỏ nghiêng từng giọt khóc thầm. Thì đã qua những cuối chiều chờ đợi, Lạ gì đâu khung cửa kính lặng câm. Hoa li trắng tiếng rao tha thiết quá Hương ngọt ùa kín cả không gian. Cà phê nguội đắng hơn ngày trước Ta lặng nghe ca khúc cũ nồng nàn. Chợt nhớ về lời hẹn hò thuở ấy Vẫn nóng ran đến tận bây giờ. Mà người tình không còn như sóng dậy. Ôm ấp ta miền cát trắng trong mơ. Sóng đã quên nơi ấy bến bờ./.
  11. Nguye_hoang

    Thu chết

    Yêu là đắng cay Khi buồn đầy trong mắt Hạnh phúc vơi trong tim. Nụ cười em se sắt Ta đớn đau đắm chìm. Có thể nào lấy lại Năm tháng cũ được không? Hương tóc em hoang dại Ta đã vội chờ mong. Có lấp được khoảng trống Khi gót sen rời xa? Một mình ta ở lại Thân xác bỗng nhạt nhòa. Hòa tan không tiếc nuối Trong hổ phách men say? Chợt nghe hồn vọng nói Yêu là nhận đắng cay./.
  12. BỐN YẾU TỐ TỪ MỘT DÒNG THƠ ĐƯƠNG ĐẠI - NGUYỄN HỮU HỒNG MINH Hội thảo "Thơ Việt Nam Đương Đại" tại trường Đại Học Khoa học Xã hội & Nhân Văn TP.HCM. Trong ảnh, từ trái qua: Thạc sĩ Võ Văn Nhơn, nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh, nhà văn Lý Lan (Mỹ), nhà phê bình Đặng Tiến (Pháp), giáo sư Hoàng Như Mai, nhà thơ Phan Hoàng, tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Xuân, nhà thơ Nguyệt Phạm... 1.Thật khó mà có một định nghĩa cuối cùng như thế nào là thơ? Bởi theo cá nhân tôi, mỗi lúc, mỗi tuổi, mỗi giai đoạn đều hình thành một quan niệm riêng về thơ. Các quan niệm đó có như phương trình nhiều cách giải lúc mờ tối, khi rõ ràng, nhưng đã có liền lạc, móc xích là liên đới tới nhau. Như lúc này, tôi nghĩ thơ là chính mình, là quan chiếu, nhìn vào bên trong bản chất nội thể. Nội thể là gì vậy? Là bí mật, là ý nghĩa của sự sống này. Là có hay không sự tồn tại của chúng ta, những cá thể hiện đại? Bởi lẽ, nghệ thuật là một cách nói lên, là khẳng định sự có mặt của mỗi Nghệ sĩ. Sự có mặt đó không là số hiệu, là mã, là tên đơn giản rõ ràng mà đơn điệu trên chứng minh thư mà phải là sự độc sáng, khác biệt của mỗi người. Là vùng bay riêng, mỗi chớp cánh là một dải sáng, là những chiếc que mang ký hiệu trong đêm tối. Có nghĩa sẽ có nhiều vùng tối tăm nhưng liên tục va đập để phát sáng. Trước khi lụi tàn chứng minh sự có mặt của mình. Đó là tư duy lân tinh vỗ sóng tỉnh thức trên bề mặt của đêm biếc… 2. Các nhà thơ lớn không theo một hệ thống lý thuyết mà họ sẽ làm ra, lập nên một trường phái và bổ sung các định nghĩa của lý thuyết. Nói cách khác, các thi sĩ đích thực luôn phá vỡ các hệ thống có sẵn, áp đặt, áp khuôn máy móc vào các sáng tạo của họ. Họ luôn làm khó chịu các nhà phê bình vì sự thừa thãi, hay thiếu thốn của mình. Bởi một sự thật, các trào lưu hình thành, phát triển theo bối cảnh, nhu cầu đòi hỏi của cuộc sống và tác phẩm mà ra đời, còn các hệ thống lý thuyết, phê bình vận động, bổ sung theo nó mà hoàn thành. Gần đây thuật ngữ Hậu-hiện đại mơn trớn các nhà thơ và làm êm tai các nhà phê bình. Nhưng với tôi, đây là một thuật ngữ không chuẩn nếu áp đặt nó, giải mã nó vào tình thế thơ VN. Theo cái nhìn của cá nhân tôi, thơ VN chưa có những tiêu chuẩn để gán ghép là Hậu-hiện đại hay cần phải hô hào, đuổi theo Hậu-hiện đại. Bởi thơ Việt và bối cảnh sống Việt vẫn chảy ở dưới gầm lý thuyết Hậu-hiện đại. Thi ca VN chỉ có thể vừa với thuật ngữ đương đại (như tên đích xác của Hội thảo Khoa học này), chưa thể nói là Hiện đại. Còn Hậu-hiện đại là không. Bởi lẽ, khi đi theo một lý thuyết chúng ta phải vận hành đúng theo những nhu cầu gợi ra, đặt ra (ít nhất là tối thiểu) của hệ thống lý thuyết đó. 3. Ưu thế nổi trội nhất của thơ Việt Nam hôm nay là hai nhánh: (A). Sự khẳng định chính mình mạnh mẽ của các cây bút trẻ trên dưới 40, và, (.Hình thành hẳn một dòng thơ Nữ, đặc biệt là thế hệ 8X. Ở (A) đó là sự phát triển tất yếu của thời gian và lịch sử khi các nhà thơ lớp trước đã đứng hẳn lại vì tầm mức và tầm cỡ. Đó còn là sự chậm chạp vì tuổi tác không còn bắt kịp những cái mới. Ngoài tính cấp tiến của một ít nhà thơ đàn anh theo kịp chuyển biến thời đại thì phần lớn còn lại bảo thủ, cố cựu và giáo điều. Các nhà thơ trẻ vì thế, đã có những vận động bứt phá, vượt lên chính mình với ưu thế của thời gian và xã hội để khẳng định được tiếng nói của mình nhiều hơn, mạnh mẽ hơn. Chỉ có một lưu ý ở đây: Họ đã vấp phải sự e dè, định kiến, cản trở, thậm chí chống đối của các nhà thơ đi trước nên việc hình thành dung mạo của thế hệ thơ giai đoạn này khá là khó khăn. Gần hết các trường hợp tự khẳng định mình trên báo Mạng, báo Điện tử trước khi Báo giấy. Ở (, dòng thơ nữ ra đời với nhiều gương mặt trẻ mang phong cách mới. Ở Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, nhiều miền đất khác và TP.HCM đều có những giọng điệu tiêu biểu. Các hiệu tượng Ngựa Trời, các nhà thơ với các tập thơ tài trợ trong quỹ Lá Trầu, Quỹ Anh Thơ như Trương Quế Chi, Nguyệt Phạm, Lê Mỹ Lý, Đinh Thị Như Thúy, Nguyễn Thị Từ Huy…đem đến cho người đọc và các nhà phê bình một kỳ vọng mới vào thi ca Việt. 4. Vấn đề giảng dạy và nghiên cứu thơ ca Việt Nam đương đại ở các trường đại học đang gặp phải bế tắc khi các giáo trình không được bổ sung và cập nhật sự phát triển mạnh mẽ của thơ Việt hôm nay. Dường như các giáo trình đã “thúc thủ” trước chuyển biến tràn vỡ của thơ và các giảng viên cũng quá dè dặt khi giới thiệu vì tính chất mô phạm, phức tạp, mong muốn một sự “an toàn”, sợ chịu trách nhiệm vì những thay đổi khó lường, khá phức tạp của thi ca. Những dòng thơ được mệnh danh là Thơ Rác, Thơ Bẩn, Thơ Dục Tính…đều khó được chấp nhận khi các giáo trình “đóng khuôn” nghệ thuật Thi ca là ngợi ca cái đẹp và tôn vinh cuộc sống. Điều đó làm thơ ca suy giảm tính chất vĩ đại, tương tác, đa chiều và đa thanh của Thi Ca hiện đại. Nghệ thuật mang tính phản tỉnh chứ không thuần chất ca ngợi. Vỉ thế tôi đánh giá rất cao hội thảo Khoa học Thơ Việt Nam đương đại lần này của Khoa Văn học và Ngôn Ngữ của Trường ĐH Khoa học & Nhân Văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) tổ chức nhân ngày thơ VN tết Nguyên tiêu 2008. Nó cho thấy sự trăn trở cần thiết giữa công việc giảng dạy Thi ca với các Nhà thơ. Sàigòn, 30.1.2008 NGUYỄN HỮU HỒNG MINH (*) Tham luận Hội thảo Khoa học “Thơ Việt Nam đương đại” của Khoa Văn học & Ngôn ngữ trường Đại Học Khoa học Xã hội & Nhân Văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) tổ chức lần thứ I, ngày 19.2.2008)
  13. Nguye_hoang

    Thu chết

    LỜI CẠN Đừng ưu tư, đừng chạy về phía anh Con đường cũ bụi mờ chờ quy hoạch. Quay lại đi ghé qua hiệu sách Đinh Liệt phố kia thơ mới thiếu gì. Anh mệt mỏi như cánh thiên di Bay mênh mang giữa trời đông rét cắt. Nghẹn đắng cả những lời chân thật Và trái tim chỉ còn biết thầm thì. Bí ẩn gì đâu những khúc tình si Cửa hồn thơ đã mở rồi trống hoác. Em có thấy những nhịp tim biếng nhác Trễ nải, cô đơn, lạc điệu lúc hẹn hò. Đọc đi em, còn hơn, những cuốn thơ Ai đó viết, mà em chưa từng biết. Để không phí thời gian phải phân biệt Giữa tình thơ và ai viết thơ tình. Anh đã tan như đêm trước bình minh Yêu thương ngày nào giờ như hóa đá. Đừng bước về phía anh kẻo thành vội vã Khi nhận ra một gã viết thơ tình. Không dịu dàng và cũng chẳng lung linh./.
  14. Thơ VN, vùng trũng hay cường quốc? Tác giả: Inrasara Sau Liên hoan Thơ châu Á - Thái Bình Dương lần thứ nhất tổ chức tại Hạ Long, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, trong cuộc trả lời phỏng vấn, đưa ra nhận định: Việt Nam là một cường quốc về thơ. Đó là một tuyên bố mới mẻ, và bất ngờ. Quá mới, thêm: nó bị cắt khúc nên dễ tạo dị ứng và gây mỉa mai. Đã có vài phản ứng như thế(1). Chủ đề liên quanVăn hóa, Xã hội Việt Nam Người ta không cần biết đến mệnh đề tiếp sau đó: "VN là một cường quốc về thơ, ít nhất là trong khuôn khổ châu Á". Sau đó, anh còn lí giải thêm: "Nếu chúng ta lấy một nhà thơ VN so sánh với một nhà thơ đương đại của Trung Quốc hay Nhật Bản thì khó. Nhưng một nền thơ ca có rất nhiều yếu tố và nhìn ở ý thức sáng tạo, chất lượng chung của đội ngũ nhà thơ, hay việc dịch thơ nước ngoài thì VN xứng đáng ở tốp đầu"(2) Thử soi vào các "yếu tố" này. Chưa đề cập đến chuyên "dịch thơ nước ngoài", bởi chưa có một thống kê khoa học với những đối sánh cụ thể, nên kết luận nào bất kì đều không đáng tin cậy. Ở đây, ta chỉ xét về "ý thức sáng tạo" và "chất lượng chung của đội ngũ". Về đội ngũ và phong trào, nhận định Việt Nam là cường quốc về thơ không khó nhận được sự đồng thuận. Việt Nam có ngàn hội viên Hội Nhà văn "cấp trung ương" trong đó nhà thơ chiếm đến hai phần ba, chưa nói các nhà khác ít nhiều cũng có làm thơ; thêm mấy vạn hội viên địa phương khác. Quả là hùng hậu! Việt Nam có 54 dân tộc thiểu số anh em, mà đa phần trong số ấy đều có các nhà thơ của mình. Chúng ta đã có Ngày Thơ được xem là quốc lễ với lá cờ thơ qua một thập niên đã phấp phới bay trên bầu trời khắp mọi miền đất nước. Và mới nhất, Hội Nhà văn Việt Nam cũng đã tổ chức được Liên hoan Thơ châu Á - Thái Bình Dương đầu tiên. Còn gì nữa?... Cho nên, nếu nói vống lên "cường quốc về thơ" thì khó có ai cãi đặng. Nhưng "ý thức sáng tạo" và "chất lượng chung của đội ngũ" thế nào? Ngoảnh lại sau lưng ở một thời chưa xa: Thơ Mới, dù học từ các trường thơ Pháp muộn non 80 năm, thơ Việt cũng đã tạo nên cuộc cách mạng lớn, nếu không muốn nói là lớn nhất thế kỉ XX. Thơ hậu Thơ Mới, bên cạnh thơ Cách mạng khá thành công, thơ hiện đại bị gẫy cánh khắp nơi, từ Nhân văn - Giai phẩm ở miền Bắc cho đến nhóm Sáng tạo ở Sài Gòn. Còn thơ hậu chiến mười năm sau khi đất nước thống nhất, nổi trội vẫn là các trường ca mang tính sử thi về cuộc chiến vừa qua. Riêng hiện tại: thơ đương đại, từ đổi mới đến nay, ta thấy gì? 1. Nhìn từ góc độ ba loại thơ: "dòng thơ câu lạc bộ", "dòng thơ tiếp hiện" và "dòng thơ sáng tạo"(3), dễ nhận ra rằng dòng thơ câu lạc bộ phát triển rộng khắp. Câu lạc bộ Thơ Việt Nam với chủ tịch Bành Thông nở rộ khắp mọi miền đất nước cùng bao biến thái và biến tướng của nó. Rồi mỗi năm, cả ngàn tập thơ thuộc dòng tiếp hiện ra đời; đây cũng là loại thơ được in tràn khắp mặt báo chính thống, và bao giờ cũng ở thế áp đảo. Riêng loại thơ thuộc dòng sáng tạo (thơ hậu hiện đại và tân hình thức chẳng hạn) luôn bị phân biệt đối xử và bị đẩy ra ngoài lề. Cần lưu ý là, tôi không đề cập đến chất lượng, bởi chất lượng còn tùy thuộc vào tài năng và chịu thử thách qua sự sàng lọc của thời gian, mà nhấn vào "ý thức sáng tạo" cùng sự chấp nhận ý thức phiêu lưu khám phá cái mới của nền thơ đó. Ở đây, ý thức mới và cách làm mới luôn bị đẩy ra ngoài lề. "Ý thức sáng tạo, hỏi ở Việt Nam hiện nay, có nhà thơ nào biết/ đã tuyên ngôn ra tấm ra món chưa? Ngoài Nhóm Mở Miệng với mấy tuyên ngôn lẻ, hỏi có nhóm thơ nào đã lập nên tuyên ngôn và theo đuổi đến tận cùng tinh thần tuyên ngôn đó không?" 2. Ý thức sáng tạo, hỏi ở Việt Nam hiện nay, có nhà thơ nào biết/ đã tuyên ngôn ra tấm ra món chưa? Ngoài Nhóm Mở Miệng với mấy tuyên ngôn lẻ, hỏi có nhóm thơ nào đã lập nên tuyên ngôn và theo đuổi đến tận cùng tinh thần tuyên ngôn đó không? Không có nhóm thơ, không vấn đề gì cả. Nhưng hỏi, ở Việt Nam hiện nay, có nhà thơ nào có khả năng lập ngôn mang khả tính mở ra một trường phái thơ chưa? Hay ở cấp độ thấp hơn nữa: có nhà thơ Việt Nam nào kiêm luôn nhà phê bình tầm cỡ? Trong khi với một nền thơ lớn, một nhà thơ chuyên nghiệp đồng thời là một nhà phê bình hoặc có khả tính phê bình, thậm chí có tác giả còn là một nhà tư tưởng hay nhà mĩ học. P. Valéry, A. Breton hay Y. Bonnefoy,… chẳng hạn. Còn ở ta? Tất cả đều cảm tính, cảm tính đến tùy tiện. Nền phê bình thơ ở Việt Nam thì sao? Cùng thời điểm, nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp nhận xét: "những người đam mê phê bình thơ ít đi, nhiều khi nhà thơ như độc diễn". Và chính nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng than phiền: "Cách nhìn nhận thiển cận và thiếu thiện chí [của nhà phê bình] làm cho thơ bị cản trở rất nhiều".(4) Khía cạnh này thôi, cường quốc thơ kia cũng đã bị hạ không ít điểm chuẩn! 3. Nhìn từ góc độ tiếp nhận, các độc giả được xem là tinh hoa ở thì tương lai, hôm nay ta đã chuẩn gì cho họ? Thử xem chế độ thực dân Pháp "chuẩn bị" hành trang cho thế hệ độc giả Tiền chiến đón nhận Thơ Mới, rồi nhìn vào Đại học [khoa văn] của ta ngày nay. Học, cơ chế Đại học ta muôn năm đóng cửa với cái mới. Sinh viên Việt Nam mơ hồ về các trào lưu văn học tiên tiến trên thế giới hiện tại. Cả với sinh viên khoa văn chương. "Ở nước ta hiện nay thì những suy kém về giáo dục - nhất là ở cấp đại học - quá đỗi trầm trọng, thể chế lại quá cứng nhắc, ù lỳ, và chưa có dấu hiệu nào cho thấy sự ù lỳ này sẽ giảm đi trong thời gian trước mắt"(5). Cho nên, không ngạc nhiên nếu thế hệ này không đọc thủng các tác phẩm hậu hiện đại hay các sáng tác thuộc hệ mĩ học mới nhất trên thế giới. Đọc không thủng, họ xem như không có chúng, vì chúng không phải là… thơ. "Còn độc giả phổ thông thế nào? Đại đa số họ bị phó mặc cho nền phê bình báo chí cánh hẩu đầy tùy tiện, một nền phê bình "chuyên nghiệp" "vừa thiếu vừa yếu" vừa "thiển cận và thiếu thiện chí" các loại đang thịnh hành thao túng." Còn độc giả phổ thông thế nào? Đại đa số họ bị phó mặc cho nền phê bình báo chí cánh hẩu đầy tùy tiện, một nền phê bình "chuyên nghiệp" "vừa thiếu vừa yếu" vừa "thiển cận và thiếu thiện chí" các loại đang thịnh hành thao túng. Ở đó không biết bao nhiêu người viết không chuyên thiếu thẩm quyền chiếm diễn đàn ba hoa về điều mà mình chưa thấu đáo. 4. Cuối cùng, một nền thơ lớn cần đặt nền tảng trong một xã hội tự do và dân chủ căn bản. Qua đó, nhà thơ mới có thể tự do triển khai tư tưởng mới, phát kiến thi pháp mới, mở ra trào lưu văn chương mới. Thơ Việt Nam có nhận được đặc ân đó chưa? Hỏi, có nghĩa là đã trả lời rồi. Viết tự do luôn song hành với in ấn và phát hành tự do, sau đó là thảo luận tự do. Thời gian qua, sự cấm đoán, đẩy ra ngoài lề hay thu hồi tác phẩm đã xuất bản không phải là hiện tượng hiếm hoi. Sinh hoạt văn học dòng chính, Việt Nam vẫn chưa có diễn đàn mang tính phản biện đúng nghĩa. Trao đổi hay cãi cọ thời gian qua chỉ dừng lại ở vành ngoài, và chưa bao giờ đi đến đầu đến đũa. Còn tệ hơn thuở "nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh" thời xa lơ xa lắc! Sáng tác, dòng thơ sáng tạo bị kì thị với nguy cơ đẩy ra ngoài lề; phê bình thơ vừa thiếu, yếu vừa thiển cận; môi trường sinh hoạt văn học tù túng và còn khá lạc hậu; độc giả bị các bài điểm sách hời hợt và vô trách nhiệm thao túng… hỏi nền thơ kia đã lớn đến đâu? Chú thích (1) Nguyễn Vĩnh Nguyên, "Thời của 'event' thơ", báo Sài Gòn Tiếp thị, 17-2-2012; Tai Vô Lề, "Nghĩ về câu: Việt Nam là một cường quốc về thơ", Tienve.org, 4-2-2012. (2) "Nguyễn Quang Thiều: VN là một cường quốc về thơ", Cúc Đường thực hiện, báo Thế thao & Văn hóa, 1-2-2012. (3) Inrasara, "Hóa giải và hòa giải ba loại nhà thơ hôm nay", tạp chí Sông Hương, tháng 6-2010. (4) "Bóng dáng nàng thơ trong cuộc sống hiện đại", Vienamnet, 9-2-2012. (5) Trần Hữu Dũng, Bấm "Trí thức Việt Nam ở nước ngoài và Đại học Việt Nam", Tuanvietnam.net, 13-2-2011
  15. Nguye_hoang

    Thu chết

    VALENTINE Ngày tình yêu đến Em có đến không Dù không hò hẹn Vẫn chờ vẫn mong. Giống chocola Môi em mọng mềm Cho tôi thử nếm Rồi lại muốn thêm. Một ngày êm đềm Cả năm nhớ mãi. Một lần ân ái Suốt đời không phai. Ôi Valentine Sẽ mong đến hoài.
  16. Nguye_hoang

    Thu chết

    Phút giao thừa Những bông pháo hoa. Như niềm vui chợt bỗng vỡ oà. Khoảnh khắc thiêng liêng Trời đất giao hoà. Lòng muôn người như đang hát khúc ca Chào xuân về, năm mới. Giúp Mẹ thắp nén hương cả năm chờ đợi Gửi lời khấn thầm về xa thẳm tổ tiên. Mong mùa xuân đất nước bình yên, Một thế giới không tiếng súng chiến tranh. Lòng thù hận sẽ mãi là xa lạ. Mong người già sẽ vững như núi đá, Mong thanh niên sẽ chẳng ngại bôn ba. Mong phụ nữ sẽ chẳng bao giờ già Trẻ con sẽ luôn hồng đôi má. Và đàn ông sẽ đầy yêu thương, tài ba. Năm cũ đã qua. Phút giây này ta bước vào năm mới. Ngẩng đầu lên thấy lộc xanh đang đợi. Xuân đã về, tiếng chân ai bước vội Tiếng chuông chùa vọng lại ngân nga. Tiếng chuông gọi một mùa xuân ngát hoa./. Mưa xuân Mưa xuân giăng mắc đầy trời Mưa khiến tôi nhớ đến người trong mơ. Rượu nồng say những vần thơ, Say cả nỗi nhớ khi mơ về người. Xuân thì ngoài cửa đó thôi, Mà sao tôi thấy đông thời chưa qua. Đào phai vẫn nở góc nhà Hỏi tình còn thắm như là mới trao? Người ơi đang ở nơi nào Hãy là chim én bay vào mùa xuân. Để tôi góp nhặt mấy vần Thơ tình gieo xuống cho xuân ngọt ngào. Mưa xuân làm dịu khát khao Tình thầm của đất thuở nào mới quen. Đất hiền không nỡ bắt đền Vì mưa xuân đã đến bên đất rồi. Dù rằng chỉ lất phất thôi Cũng đủ khắc họa cho đời sắc xuân. Cho tôi giây khắc bần thần Đứng bên cửa sổ nhìn xuân đã về. Một mùa xuân của đam mê Ngọt ngào, cay đắng, tái tê, ấm nồng. Xuân mang đến cả nhớ mong Tôi như chợt thấy trong lòng nở hoa. Tết Ta dấu tuổi vào thơ Chờ mùa xuân em tới Tết qua xuân chẳng vội Ai mừng tuổi thơ đây? Năm mới xòe bàn tay Khẳng khiu năm tháng cũ Vội nắm lại cố giữ Sắc xuân thoáng qua đây. Góc phố bóng đào phai Mảnh mai như vẫy gọi Xuân ở đâu mau tới Cho niềm vui dâng đầy. Rót cho mình đầy chén Uống cạn hết muộn phiền Tiếng Nàng thơ gõ cửa Đưa ta vào cõi tiên. Ngày tân niên ta bay Ngang Trời Đất, Đông Tây Khắp nơi ta đều thấy Người Việt Nam sum vầy./. Gửi xuân cho em Gửi cho em nỗi nhớ Thắm đỏ như sắc đào Gửi lời cầu khấn nhỏ Cho phúc về xôn xao. Chọn lời chúc mừng nào Để em đừng bối rối. Giờ này em nơi nao Có thấy xuân đang tới. Thương nhau anh gửi vội Chút nắng ấm vai gày. Em ơi em cố đợi Nắng xuân hồng ngón tay. Dẫu nhạt nhòa mưa bay Dù mùa còn lạnh giá Thì mùa xuân nắng đầy Anh đang gửi em đấy. Tình xuân Dốc cạn từng giọt nhớ Để tình yêu dâng đầy Vắt kiệt từng vần thơ Cho tình nồng biết mấy. Từng chồi non che đậy Sắc xuân vẫn thẹn thùng. Nàng thơ vừa thức dậy Chợt thấy lòng rưng rưng. Một lời em chúc mừng Tuổi như còn quá trẻ. Đưa tay ta lặng hứng Giữ lại thời đam mê. Ngày mai chắc xuân về Đất trời sẽ ấm lại. Sắc xuân như sức trẻ Khiến tim ta yêu hoài./. Happy new year Chúc mừng năm mới ?" Happy new year! Ta dang tay đón mùa xuân về Hương nhụy non tràn trề sức sống Mở trái tim đang rộn rã đam mê. Gửi cho em lời chúc xuân tươi trẻ Nét đẹp mặn mà mãi vẹn nguyên như thể Trường tồn cùng trời đất này đây Để khát vọng đời bay vút trời mây. Gửi cho em lời nhớ thương dâng đầy Cho niềm vui trở nên bất tận Rượu hồng tình xuân giục lòng phấn chấn Nào nâng li hồn ca khúc tân xuân. Bao lời yêu ta sẽ để phần Dành cho em khi thì thầm khe khẽ Mình yêu nhau theo tháng năm em nhé Cho bốn mùa sẽ luôn đẹp như xuân. Mùa xuân em sắc hương tuyệt trần.
  17. Nguye_hoang

    Thu chết

    Chiều đông. Ôi cái lạnh một chiều đông lặng lẽ Thổi từng cơn giá buốt bất ngờ. Cuốn theo cả những đam mê tuổi trẻ Bỏ lại đây hồn lữ khách bơ vơ. Găng len dấu những ngón gầy vô cảm Áo khoác xù cố giam hãm nhiệt tim? Dấu yêu ơi ở nơi nao xa thẳm Để mắt kia cứ nâu thẫm kiếm tìm? Sương bảng lảng Tây Hồ đông cứng lại. Chiếc thuyền câu cũng rúm ró rập rình. Môi ai đỏ ban nụ cười thư thái Ta ngỡ như vừa mới đón bình minh. Năm sắp hết Tết cận kề cuối phố Lăng tẩm kia vĩ nhân ngủ bình yên. Người chắc mơ những cánh đào rực rỡ Cho nhân gian vui xuân ấm mọi miền./.
  18. Nguye_hoang

    Thu chết

    Vần thơ cho em Vẫn dành cho em những vần thơ Dù cho năm tháng trôi hững hờ. Người ơi có hiểu thương yêu ấy Thấm đậm từng đêm trong giấc mơ. Đừng hờn với gió ghen với nắng Tội tình chi đâu chút vấn vương. Dấu yêu còn đó trong thầm lặng Đồng hành cùng ta mọi nẻo đường. Bước đời mỏi mệt trong đông lạnh Ngón nồng ngày ấy em dìu ta Tưởng chừng có lúc ta gãy cánh Vực thân ta dậy em thiết tha. Ngẩng mặt ta đón xuân sắp tới Đón cả nụ cười em tỏa hương. Cho tim sống lại nhịp tươi mới Bình minh rực rỡ xua mù sương./.
  19. Nguye_hoang

    Thu chết

    YÊU THƯƠNG MONG MANH Buổi sáng Noel trong nắng ấm dịu dàng, Lòng chợt nhớ em thật nhiều, mênh mang. Những lời ca yêu thương âm vang trong nắng. Cuốn anh đi với nỗi nhớ em thầm lặng. Anh biết tình yêu thật mong manh, Vẫn nhớ thiết tha bàn tay em và những nụ hôn ngọt lành. Ôi khát khao được yêu em mãi thế, Cho dẫu ngày mai nhìn em lần cuối không thể. Sẽ mang theo khuôn mặt em rạng rỡ nụ cười. Để trái tim ấm nồng ngày giá rét Dù dấu yêu ơi em nào đâu biết Tình vẫn đẹp dẫu quá mong manh. Người yêu hỡi tóc nào còn xanh Nào có thể bên nhau mãi mãi Trái tim này sẽ hoài khắc khoải Hát cho em bài Giáng sinh an lành.
  20. Nguye_hoang

    Thu chết

    TAN VỠ... Em đứng tựa quá khứ Chông chênh miền nhớ anh Nhìn chiếc lá xa cành Trái tim dồn đau thắt. Rồi ngày mai lạc mất Anh giữa đời bao la. Ảo ảnh anh sẽ thật Biết khi nao nhạt nhòa?... Quay vào căn phòng cũ Hương nồng chưa kịp phai. Ngọn đèn vàng vẫn thức Như đang đợi chờ ai. Tình yêu in hình hài Trên gối chăn còn ấm. Vỡ tan bình hoa ly Hạnh phúc em vừa cắm./.
  21. Nguye_hoang

    Thu chết

    Tại ông trời ? Ôi trời em cứ hỏi Tại sao và Vì sao ...? Tình mình như cúc áo Vừa đứt rơi chỗ nào. Cố kiếm tìm sục sạo Xem tình khuất nơi đâu Thở dài lòng thầm bảo Giá cởi ngay từ đầu! Mưa đầu nguồn thành sông Nắng cuối nguồn cháy lá. Thoáng xanh xao gò má Em thành Nàng thơ buồn. Thật khó trả lời luôn Bâng quơ điều em hỏi. Ai là người có lỗi Có lẽ tại ông trời./.
  22. Nguye_hoang

    Thu chết

    ĐỪNG SỢ… Sợ gì yêu muộn hỡi em Khi mà ánh mắt sao đêm thật gần. Ngày còn khao khát dấn thân Tháng còn lưu luyến mơ gần mộng xa. Biết là thu đã rời xa Nhưng thời đông lạnh vẫn là xa xôi. Gót trần gần đất xa trời Mái đầu kiêu hãnh giữa đời vẫn duyên. Sông suối ngập, đã có thuyền Khóc cười số kiếp đã tiên định rồi. Ba chìm, bảy nổi cuộc chơi Âu thì cũng một kiếp người hư không. Liếc gương dù thoáng chạnh lòng Tiếc cho nhan sắc đã không mặn mà. Mong ngây thơ, ước trẻ ra Dại khờ váy ngắn, nhỡ mà được yêu. Ai tin trăng muộn cô liêu? Chứ Em đừng sợ thử liều mà xem!
  23. Nguye_hoang

    Thu chết

    Lửa Em cứ thế ai mà chịu nổi, Tim ta này nhịp đã rối tung. Chúa ở đâu đến ngay cứu rỗi, Kẻo lửa em cháy tan ta không chừng ...
  24. Nguye_hoang

    Thu chết

    Ngày lễ Vu lan Ta hóa thân bằng lửa hiếu sinh, Sụt sùi hương khói ngày dâng lễ. Vàng mã thực lương lòng con trẻ Gửi đến nơi xa ơn thành sinh. Lơ lửng tàn tro dầy kiếp khổ, Nghiệp khó sức tận đành khoanh tay. Thản nhiên lặng sống đời khốn khó, Ngày Rằm ngửa mặt khấn ơn đầy. Rượu nhạt đưa linh về cõi lạc, Nước trong tưới mát hồn âm u. Gạo trắng khỏa vơi lửa đói khát, Muối mặn ơn sâu vợi thiên thu... Quanh năm đợi một ngày hiếu lễ Phú quý mọn hèn nghĩa chi đâu. Thấp cao quỳ lạy ai cũng thế, Trời đất lắng nghe ta cúi đầu./.
  25. Nguye_hoang

    Thu chết

    Bước qua mùa... Thu còn đâu lá mà bay nữa Chỉ vài cành khô khẽ đung đưa. Khi chiều buông muộn mưa lất phất Góc phố chân ai bước qua mùa. Khăn tím bờ vai lùa dưới tóc Áo choàng gót chân tà bay cao. Có bâng khuâng gì môi mọng ấy Cho thu nán lại nghe xạc xào. Ta thoáng qua thôi không ngoảnh lại Hương cốm thướt tha chợt níu chân. Hình như sắc sen vương trên má, Ánh mắt nghiêng nghiêng như quá gần. Khuất bên góc phố đàn ai thử Từng nốt gõ vào thu chiều nay. Men yêu cuộc sống chưa ngấu hết Mà hồn ta chừng ngật ngưỡng say./.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This is an example of a list.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

×
×
  • Create New...