Jump to content

Bùi Thụy Đào nguyên

Thành viên
  • Số bài viết

    5
  • Gia nhập

  • Đăng nhập

Bài viết được đăng bởi Bùi Thụy Đào nguyên


  1. BÔNG SÚNG TRẮNG

     

     

    Thật đáng buồn vì một số người sớm ngã qụy trước những cám dỗ . Ở đấy, tôi thật sự cảm phục trước bao tấm lòng sống đẹp như một loài hoa…

     

    ***

     

    Chiếc xe đò cũ kỹ , chật kín người , thở hồng hộc đưa chúng tôi đến chợ Tri Tôn , trời đã xế chiều . Cuộc chiến vừa lụi tàn nên đó đây hãy còn nguyên dấu tích đạn bom . Từ phía trái cạnh chiếc cầu sắt gỉ , chúng tôi phải sang xe ngồi thêm mươi cây số nữa , mới đến được nơi cần đến…

    Thuở ấy lối về Hòn Me , Hòn Đất (Kiên Giang ) là một con lộ trải dất đỏ lem lấm, nhỏ hẹp . Nó gập ghềnh men theo những triền đá lởm chởm, có đoạn nó uốn lượn bên một dòng kênh nhuốm phèn đỏ quạch mà ven bờ là những bụi dừa nước , ô rô, bình bát…chen chúc de ra như muốn chắn đường .

    Bấy giờ nhà việc ban ấp Hòn chỉ là một túp lều bằng tre lá , nép bên ngôi chùa Khơme cổ . Ở đấy có những hàng cây thốt nốt nâu xù xì mang chòm lá vươn cao, trông giống như tóc người ốm lâu xõa xượi . Ra đón chúng tôi là một người đàn ông tròn trèm 50 tuổi , dáng dong dỏng cao, mặc bộ bà đen sờn bạc.Trên gương mặt xạm khô vì nắng gió của ông hằn vài vết sẹo đã chai và cánh tay trái bị cụt gần đến khủyu . Chính dáng dấp ấy khiến lòng tôi phấp phỏng , bởi e ngại tánh ý giống như hình dạng bên ngoài .

    Đợi chiếc xe lam tuôn hết mớ đồ đạt lỉnh kỉnh , ông mới chậm rãi cho bọn tôi biết ông tên Sáu , trưởng tổ Đảng tạm kiêm nhiệm Trưởng ban ấp Hòn . Đang lúc mệt mỏi , tôi ngồi bệt xuống ghế tre rồi đảo mắt nhìn hết Hòn Đất lại Hòn Me . Vài chòm nhà dựng bằng cây tràm , lợp lá dừa nước… trống huơ, rệu rã ; dăm ba thửa ruộng đầy lau cỏ khô cằn . Đêm đó một mình tôi trên vạt tràm vênh nghe tiếng ếch nhái kêu, lá khua mà lo lắng, thao thức . Phần vì lần đầu xa nhà nên tôi nhớ mẹ , nhớ em ; phần khác bởi cha tôi làm việc cho chế độ cũ , còn đang ở nơi học tập . Có lẽ chú Sáu đọc được ý nghĩ của tôi qua ánh mắt và bản khai lý lịch , nên chú thường đến trường , trò chuyện động viên : “Bà con , trẻ nhỏ ấp Hòn đói chữ lắm , trông thấy các thầy cô đến ai nấy đều mừng vui. Chú nói thật lòng , những người trẻ lại có học như cháu rất cần cho xã hội , cho cách mạng …Chú tin một khi đã mến người , mến cảnh , cháu sẽ không còn muốn rời bỏ chốn này đâu …”

    Vâng , tôi đã không rời bỏ chốn ấy ngót mười năm .Và tất cả những gì tôi có được từ chốn ấy, dù trải qua hơn hai mươi năm , mỗi lần nhớ lại vẫn không nguôi xúc cảm.

    Trong số đó, tôi nhớ thật nhiều cái không khí náo nức của ấ p Hòn vào những ngày đầu độc lập . Với cánh tay còn lại , chú Sáu cùng bà con , đồng đội tất bật bất kể ngày đêm . Nào là cất trường học , lập trạm xá, đón dân hồi cư,tìm thóc giống , tháo gỡ bom min vv…mà xét kĩ việc nào cũng gấp, cũng cần có chú. Có lần chúng tôi nhắc chú giữ gìn sức khoẻ, chú hề hà nói :” Nước nhà được giải phóng , vui lắm ! Mà lòng vui thì thân không thể bệnh . Ví có bệnh , nếu chưa theo ông bà ngay thì cũng cố làm một chút gì , kẻo phụ tình dân đã trông đợi nơi mình …”. Nghe chú Sáu nói vui mà sâu , chúng tôi chỉ còn biết ngó nhau cười theo , mà lòng cộm lên nỗi xốn xang.Bỗng dưng từng gốc cây , mỏm đá , con suối… xứ Hòn sao mà thân thương qúa đổi, chừng như bóng dáng các anh hùng, liệt sĩ vẫn còn lẩn khuất đó đây . Lặng ngắm những triền đồi trơ trụi bởi bom B52 cày xới , những cánh đồng quạnh quẽ chi chít hố bom; ngẫm lời chú nói càng thấm thía. Tôi tin đó không còn là lời nói mà chính là ngọn lửa ấm áp từ trái tim người Cộng sản đích thực, khi đứng trước những mất mát qúa lớn của quê hương , của đồng chí, đồng bào…

    Sau này , dù được chú xem như con cháu, nhưng quãng đời xa của chú không ai biết được tỏ tường . Chắp nối lại lời kể của người này , người khác , chúng tôi đoán chừng cha mẹ chú ngày xưa nghèo lắm . Mới mười hai tuổi , chú phải rời nhà đi chăn bò, chăn vịt cho hội đồng Thu . Vừa lớn khôn chú đến với Cách mạng ,rồi được trên phân công đi chăn ngỗng , làm vệ sinh …trên Tòa Bố tỉnh . Việc lớn lộ , chú bị khảo tra đến chết đi, sống lại ; nhận lãnh án tù nơi Côn Đảo ngót 8 năm . Mãn hạn , chú lại tiếp tục cầm súng cùng bà con chống càn giữ đất . Trong một lần bị giặc vây bủa , để giải nguy cho đồng đội , chú bị miễng bom cắt mất một cánh tay …

    …Sau ngày giải phóng , chú cùng vợ con lam lũ, giản dị như bao người dân ở ấp Hòn . Một mái lá đơn sơ nằm chon von bên ghềnh đá , vài công ruộng trũng tỉa cấy lúa , cà…Nhớ cơn lụt lớn năm 78 , như nhiều nơi khác , khắp xứ Hòn cũng trắng nước. Ruộng vườn , ao cá, vuông tôm…mất sạch ! Ai nấy đều đói lay lắt . Trong cảnh thừa nước, thừa mưa gió ấy , chú Sáu xăn quần chống xuồng băng đồng hơn mười cây số đến huyện vay lúa cứu dân . Biết vợ tôi có mang , ngoài phần bo bo chú còn chia thêm hơn nửa thúng giê gạo trắng ( sau tôi mới biết đó là phần ưu tiên của chú ) . Nghĩ đến nghĩa tình này , lần nào mắt tôi cũng cay !…

    Mùa hè năm ngoái tôi có về thăm lại ấp Hòn . Xóm nhỏ khô cằn buổi nào giờ là một xã trù phú của huyện . Dọc theo con lộ trải nhựa phẳng phiu là những đồng lúa vàng mơ, những vườn xoài xanh trĩu trái . Tôi đã dành nhiều thời giờ đi thăm bà con xưa , học trò cũ; đến thắp hương trước bia mộ của các liệt sĩ. Và tôi đã đứng rất lâu bên mộ phần của chú Sáu – chú mất vì vết thương cũ tái phát- thầm hứa sẽ thận trọng nghĩ suy để không phải nuối tiếc những khi phải đối mặt với chông gai, với cám dỗ của cuộc đời. Bất giác tôi nhớ lại ngày chú dẫn chúng tôi căn cứ địa hang Hòn . Bên dưới hàng chữ đỏ còn in dấu trên vách đá ‘‘Vì lí tưởng Cộng sản, vì hạnh phúc của nhân dân …Tất cả hãy quên mình !’’, tôi ngờ rằng trong mắt chú có ánh trăng , khi chú say sưa nói về một miền xanh mênh mông rợp màu bông súng trắng …

     

     

    · Lời chú của người ghi chuyện : Bài viết về một địa danh có thật , con người cùng sự việc có thật . Bỡi ngay sau ngày giải phóng tôi đã đến đấy dạy học . Trong ngót mười năm ở đó, tôi đã nhận được không ít tình cảm lẫn vật chất của bao tấm lòng , ngay cả khi bà con còn phải chạy ăn từng bữa … Tôi chỉ tiếc rằng nơi quê hương của những anh hùng , do khả năng viết hạn chế nên tôi chỉ miêu tả được một phần rất nhỏ những gì tốt đẹp nhất của TÌNH NGƯỜI

     

     

    Bùi Thụy Đào Nguyên


  2. À ơi, mù u…

     

    Không biết những hàng cây mù u soi bóng bên dòng sông quê tôi có tự bao giờ, có lẽ từ thuở người xưa đi mở đất đã gieo trồng rồi cây bám đất sinh sôi.

    Ông nội tôi kể thời ông mới đến cù lao này, ngọn mù u đã cao xấp xỉ mái đình . Thân cây tròn thẳng , có thể cao trên chục mét ; lá mọc đối ,thon dài, phía gần cuống hơi thắt lại .Hằng năm cứ vào đầu tháng hai ,lẩn trong vòm lá xanh rộng là những chùm hoa trắng tinh nở rộ. Hoa mù u lớn , thơm dịu và có nhiều cánh như hoa mai. Lúc ấy , lúa cũng vừa vàng đồng, thế là hương hoa, hương lúa cùng hòa quyện theo làn gío xuân lan toả khắp nơi nơi….Rồi khỏang giữa tháng mười,quả mù u bắt đầu ửng chín. Quả căng tròn cỡ quả nhãn. Lúc này vỏ của chúng không xanh mà dần ngã sang màu vàng nhạt , và mỗi khi gió giật , qủa lặng lẽ xa cành …

     

    Gặp những năm cơ khổ, ông nội tôi cùng những người dân trôi nổi , tìm nhặt qủa mù u đem về giã nhuyễn, đắp dính vào mảnh tre khô , thắp sáng thay đèn. Lợi ích khác là gỗ mù u còn dùng để đóng ghe, làm cột nhà…; chất dầu trong quả nếu nấu cô đặc lại sẽ là thứ dùng thay xà phòng hay làm thuốc trị ghẻ lở, thấp khớp …ở những nơi xa thầy, xa chợ…

    Nghe ông kể vậy nhưng mãi về sau, khi lần đầu về thăm quê nội, tôi mới có dịp ngắm kĩ càng cây mù u và còn nhặt trái nhờ nội làm đèn. Đêm ấy bên ánh đuốc chập chờn, bốc khói cay xè…Tôi không hiểu ông bà và cha tôi nghĩ gì, nhớ gì hay là do chất cay nồng ấy mà khóe mắt ai nấy đều đọng lệ…

    Nhẩm tính mới đấy đã hơn mươi năm sống xa quê. Ngày cha tôi dìu dắt vợ con lên thành phố tìm việc , tôi hãy còn khóc nhè trên tay mẹ. Kỉ niệm tuổi thơ của tôi gắn chặt với phố phường . Lẫn trong những mơ ước, buồn vui là lắm thứ ồn ào , là mùi hôi hám của cống rãnh , rác rưởi…Hình ảnh nơi chôn nhau có dòng nước mát lành, ruộng vườn xanh ngát với những con người thật thà, cần mẫn lắm lúc chỉ là nỗi nhớ mong lung …

     

    Mấy hôm rày không hiểu sao chị tôi theo chồng chẳng được bao lâu, lại bế con rời bỏ chốn sang giàu ấy , trở về cùng buồn vui dưới mái gia đình . Những lúc vỗ về cho con ngủ, chị hát : “ Con nước lên sông sâu à ơi… mù u chưa chín. Con nước lên sông sâu à ơi …mù u đã rơi !…” mà tôi nghe ngỡ chừng như là tiếng thở than của một bước lỡ lầm …

     

    Bùi Thụy Đào Nguyên

    08 Hà Hòang Hổ . Tp Long Xuyên . AG


  3. Nhớ chùa Khải Tường

    BÙI THỤY ĐÀO NGUYÊN

    Chùa Khải Tường được xây dựng vào thế kỷ XVIII, nằm trên gò đất cao thuộc trung tâm Bến Nghé xưa. Chùa thuộc ấp Tân Lộc, huyện Bình Dương, thành Gia Định (khu chợ Đũi, quận 3 ngày nay). Năm 1791, Hoàng tử Đảm (vua Minh Mạng) ra đời nơi hậu liêu chùa khi chúa Nguyễn Ánh về đây tị nạn binh Tây Sơn. Năm 1804, Cao Hoàng (Nguyễn Ánh) nhớ chuyện cũ. Để tạ ơn đức Phật đã che chở cho ông những tháng năm bôn tẩu, nên từ Huế, vua gửi vào dâng cúng chùa một tượng Phật Thích Ca lớn, cao 2,5m bằng gỗ mít, sơn son thếp vàng. Năm 1832, Minh Mạng cho trùng tu chùa, kỷ niệm nơi sinh ra ông, vàng son tráng lệ một thời. Năm 1858, thực dân Pháp đánh phá cửa Hàn (Đà Nẵng). Năm sau lại vào tấn công Gia Định, giặc chia quân đóng rải rác tại Trường Thi, đền Hiển Trung và các chùa: Khải Tường, Kiểng Phước, Cây Mai v.v..

    Tên quan ba Pháp tên Barbé dẫn quân vào chùa Khải Tường. Hắn cho đem tượng Phật ra sân và cưỡng bức các sư phải rời chùa. Khi ấy, quan Kinh lược Nguyễn Tri Phương được triều đình cử vào Nam lập chiến tuyến Kỳ Hòa chống Pháp, và đêm 6-12-1860, binh ta phục kích giết chết được tên quan ba này. Năm 1867, chùa bị giặc Pháp tháo gỡ, tượng Phật phải dời đi nhiều nơi, sau cùng được đem trưng bày tại Viện Bảo tàng Sài gòn. Riêng tấm biển “Quốc ân Khải Tường tự” được gìn giữ tại chùa Từ Ân (số 23 đường Tân Hóa, Q.6, TP. Hồ Chí Minh). Theo ông Vương Hồng Sển, tác giả quyển “Sài Gòn năm xưa”, nền chùa ở vào vùng đất Đại học Y-Dược (khu Nguyễn Đình Chiểu, Trần Quí Cáp, Lê Quí Đôn). Nơi Barbé chết phỏng đoán khúc đường Võ Văn Tần quẹo trái đi vào đường Cách Mạng tháng Tám. Trước thiệt hại này, giặc Pháp rất căm tức, chúng ra tay cướp tấm bia đá do vua Tự Đức cho chở từ Huế về Gò Công để dựng ở một ông ngoại mình là Phạm Đăng Hưng, làm bia kỷ niệm tại mộ Barbé ở nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi (cũ).

    Tên tuổi của chùa Khải Tường và tên quan ba Pháp còn được loan truyền qua câu chuyện sau đây: Sau những năm ấy, ở Gia Định có một người con gái xinh đẹp, không rõ họ tên, chỉ nghe người làng thường gọi cô Hai. Nhà cô làm nghề nông cũng vào hạng đủ ăn. Trong đám trai làng cô đặt nhiều tình cảm vào Trí. Trí, tên một chàng trai nhà nghèo, học hành dang dở. Cám cảnh, lòng anh chỉ dám ước mơ...

    Năm thực dân Pháp vào đánh Gia Định, quân nhà Nguyễn từ Biên Hòa kéo vào kháng giặc. Trong đó có một viên Lãnh binh lớn tuổi tên Sắc. Nhìn thấy sắc đẹp cô gái, hắn dạm cưới với một số tiền khá to và cha mẹ cô đã bằng lòng. Cô gái, cũng như bao người dân yêu nước khác, mang lòng căm thù giặc, nên vừa làm vợ vừa hết lòng giúp đỡ quân kháng chiến, cô lo thu gom lương thực cho đại đồn Phú Thọ. Phần Trí, quên nỗi đau riêng, anh cũng hăng hái gia nhập vào lực lượng nghĩa quân. Do công việc, thỉnh thoảng cô và Trí vẫn gặp nhau. Viên Lãnh binh Sắc tính tình hà khắc, không biết thương lính, yêu dân. Một lần thua trận, hắn bị quan trên khiển trách. Mang tâm trạng buồn bực, nên khi nghe quân bẩm báo việc Trí thân mật với vợ mình, hắn lồng lộn ghen tức. Hắn âm mưu cho người giả danh cô gái mời Trí tới nhà bàn công việc. Trí tới, nhà nhỏ vắng vẻ, nàng Hai đang tắm. Tên chồng từ nơi ẩn nấp bước ra tri hô, buộc tội hai người là kẻ lăng loàn và cho lính đóng bè thả trôi sông...

    Quan ba Barbé, đóng chùa Khải Tường, một sáng nọ đi săn. Bất ngờ hắn gặp một bè chuối trôi, trên đó có một người đàn ông và một người đàn bà. Tất cả đều trần truồng, bị buộc nằm sát vào nhau. Theo dòng, hai con sấu lớn hung hãn, quẫy đuôi bám riết theo bè. Hắn nổ súng, sấu sợ hãi lặn mất. Bè được vớt lên, người con trai bị sấu cắn cụt mất một chân, đã chết. Người con gái còn thoi thóp thở.

    Người chết là Trí và cô gái được cứu sống là nàng Hai. Sau khi được chăm sóc thuốc thang, ăn uống đầy đủ, nhan sắc cô gái ngày càng hấp dẫn trong đôi mắt tên sĩ quan này. Cô giả vờ như yêu hắn, dùng lời ngon ngọt để xin về nhà và hứa sẽ cùng cha mẹ vào ở gần đồn. Nàng Hai về, tên Lãnh binh cảm thấy nhục nhã, xốn mắt. Nhưng hắn không dám ra tay đánh đập vì sau lần xử tội đó, cô đã không còn là vợ hắn. Tuy nhiên lòng hiểm ác vẫn còn, hắn nghĩ ra lý do bắt cô gái về tội mãi dâm với giặc. Sắc cho lột truồng cô gái, giam dưới hố sâu đầy bóng tối, cho ăn xương cá và cơm hẩm. đêm, Trương Định đi tuần ngang, thấy bọn lính soi đuốc nhìn xuống hố, cười ầm ĩ. Quản Định cho đem cô gái lên và nghe hiểu mọi chuyện. Nàng Hai xin được ở lại tiếp tục đóng góp công sức với nghĩa quân. Nơi chùa Khải Tường, Barbé thẫn thờ uống rượu chờ đợi cô gái. Hôm đó, trời vừa sụp tối, bọn lính canh chạy vào báo tin có một bà lão và cô gái khi nọ xin vào gặp quan lớn. Hắn mừng rỡ phóng ngựa một mình ra đón. Còn cách cô gái chừng mười thước, nghĩa quân mai phục hai bên đường ào ra. Ngựa bị đâm ngã quỵ hất Barbé té xuống và một ánh gươm loáng lên, đầu hắn lìa khỏi cổ...

    Hơn hai tháng sau, viện binh của Pháp từ Thượng Hải kéo đến Sài Gòn. Sau một trận ác chiến, chiến lũy Kỳ Hòa bị hạ. Sau những ngày loạn lạc, không ai tìm thấy cô gái nơi đâu, sống hay đã chết... Nhưng trong dân gian còn truyền tụng mãi hình ảnh thiếu phụ bị thả bè chuối trôi sông và đã góp công giết giặc...

    Chú Tư Ấn, làm nghề giăng câu ở Ba Bần, nói: chuyện “Nàng Hai Bến Nghé” người ta đã soạn thành tuồng cải lương rồi, nhưng chú cũng xin góp thơ:

    “Chuyện trăm năm cũ

    Phật cũng thăng trầm (*)

    Riêng lòng son đó

    Ra ngoài sắc, không.

    - Tài liệu tham khảo: “Gia Định xưa” của Sơn Nam.

    (*) Ý nói tượng Phật.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This is an example of a list.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

×
×
  • Create New...