Jump to content

TuoiDaBuon

Thành viên
  • Số bài viết

    8
  • Gia nhập

  • Đăng nhập

Bài viết được đăng bởi TuoiDaBuon


  1. Hoang đường

    Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư

     

     

    Một ngày tháng Mười buồn tẻ. Gió lao rao lạnh, mưa lay phay, buông xuống giữa trời chiếc rèm mỏng tang, ướt sũng. Thêm những tiếng gà eo óc xa xa... Bữa đó, Chín gặp ma.

     

    Những người đang sống bên mình, đang cười đang nói đang đẹp đang yêu, có thể họ là ma, phát hiện đó không đáng thảng thốt, hết hồn sao. Mắc cười, lúc đầu Chín còn tưởng con nhỏ vừa đến trọ cùng phòng là người. Bởi cô ta giống hệt như những đứa con gái Chín thường hay gặp trên đường. Tóc nhuộm vàng pha nâu, từng lọn uốn loăn quăn như sợi mì ăn liền, gương mặt xinh đẹp được trang điểm tỉ mỉ, chiếc áo mỏng tang, hai dây gá hờ lên đôi vai trần, hở nhiều chỗ thịt da tái xanh vì lạnh.

     

    Mùi nước hoa cũng ướt đẫm thành vệt khi cô gái đi qua chỗ Chín ngồi lặt rau lang. Bà chủ nhà đon đả đi trước vẹt đường cho mớ hành lý kềnh càng. Con nhỏ lướt ánh mắt giễu cợt, phủi lên những vật dụng đơn sơ trong phòng, rồi dừng lại chỗ cái áo sơ mi Sở treo trên móc, cô ta ngó Chín, bĩu môi cười.

     

    Chín thấy tuyệt vọng. Chỗ trú thân của Chín, thế giới riêng của Chín đã bị chia sẻ, kể từ bây giờ. Ngay lúc này, Chín ước gì mình có một món tiền, vừa đủ trả cho bà chủ khu nhà trọ, để đá con nhỏ đó văng ra đường. Tưởng tượng cái cảnh cô ta lếch thếch ngoi ngóp ngoài sân Chín thấy hể hả. Nhưng cảm giác ấy kéo dài không được bao lâu, thực tế là con nhỏ đang đứng đây, và tối nay sẽ nằm ngủ trên giường của Chín.

     

    Phải, cả chiếc giường cũng không của riêng Chín nữa. Đứa con gái xa lạ mà Chín còn chưa biết tên đã chiếm giữ nó từ chạng vạng, cô ta nằm xoãi tay, dạng chân dồn Chín ở rìa giường. Phờ phạc nghe cô ta thở đều, Chín trằn trọc, cứ nhắm mắt lại thấy mình phập phều như sắp rớt xuống đất. Nửa đêm, Chín lấn vô, vừa chạm vào con nhỏ thì bỗng nghe một cảm giác lạnh buốt nhói thấu tận chân tóc. Dường như cô ta rỗng không trong chiếc áo phập phều, đến nỗi Chín có thể nằm chồng lên.

     

    Chín vọt khỏi giường. Chín bỏ chạy. Không, chính xác là Chín lết đi. Một nỗi sợ hãi nghẹn ứ trong cổ họng. Ra đến sàn nước, chỗ tắm giặt chung của khu trọ, Chín ngoái lại thấy căn nhà mình như lung linh trong sương, muốn khóc, buột miệng kêu Sở ơi, Sở!

     

    Không ai đón đỡ nên tiếng gọi giãy đành đạc giữa thinh không, vọng lại lòng. Tình yêu làm Chín bình tĩnh lại. Trời ơi, mình đâu có thể bỏ nhà mà đi được, mình phải trở về để chờ Sở, lạc nhau giữa biển người, giờ chỉ còn chút giềng mối này. Sống chung với ma hả, chơi luôn.

     

    So với nỗi đau phải trốn chạy, từ bỏ gia đình, thì những biến cố còn lại, Chín coi thường. Cứ nhìn cái vẻ ngoài rất - người của con nhỏ thì biết, còn nhiều con ma khác đang long rong giữa đời này, lâu rày, có ai hay gì đâu. Thí dụ mình cũng chẳng biết gì đi.

     

    *

    Viên giả đò ngủ say khi chị ta trở vào nhà. Nghe hơi thở ngập ngừng, lâu lâu lại có một quãng lặng, đờ đẫn, Viên đoán chị ta cũng đang sợ hãi, giống như mình. Khi chị đặt thân mình trong suốt lên người Viên, lưng chị ta chạm chiếu, Viên giật mình thức giấc vì cảm giác như mình nằm trên tảng đá đầy rêu, nhảo nhớt. Rồi chị ta bỏ chạy ngay lúc Viên định thét lên. Buồn cười, chắc là chị ta tưởng Viên là ma.

     

    Viên muốn cười ha ha ha, vui quá, bữa nay đúng là ngày vui, cho cha, cho mình.

     

    *

     

    Những ngày sau đó là những ngày rất dài, phần vì phải dòm chừng con nhỏ ma, phần vì cuộc chờ đợi đã bước sang tháng thứ ba, ngày thứ sáu mươi mốt. Mỗi tối, nhìn áo khăn của Sở treo trên vách, Chín luôn hy vọng, ngày mai là kết thúc. Sở bước qua cửa, và Chín ngấu nghiến ôm lấy anh. Chị Ba ve chai sát bên nhà chì chiết, “Ngu vừa thôi, rõ ràng là thằng Sở bỏ mầy rồi, chờ chi nữa, mắc công”... Chín không tin, hôm cuối cùng bên nhau, Sở còn hứa tháng Mười này, ngay dịp ở nhà có đám giỗ, Sở sẽ theo Chín về chịu tội với má, với họ hàng. Sở đã thề năm bảy bận, là sẽ yêu thương Chín suốt đời. Chị Ba tức quá hỏi lại:

     

    - Con mèo chạy qua, thằng Sở nói con chó, mầy nhắm tin hôn?

     

    Chín cười:

     

    - Tin. Miễn ảnh vui...

     

    Chị kêu trời. Tánh Chín vậy, yêu hết, tin hết, rút ruột ra để yêu, quăng nguyên con vào yêu, chắt cạn cả mình. Biết là lửa, nhưng con thiêu thân vẫn muốn lao vào cháy hết một lần. Yêu mà để dành, dè chừng, phòng hờ thì vui gì, Chín thường hay nói vậy.

     

    Mỗi ngày qua, Chín lại thấy mình xanh xao thêm một chút. Chín mất việc ở công trường, vì nhiều khi, Chín không nâng nổi cây sắt hay cục gạch chút xíu. Hàng xóm thắc mắc, “Có bầu sao mà ốm nhom xanh ẻo vậy, mậy?”. Chín giãy, “Trời, bây giờ mà có em bé anh Sở giận chết, ảnh nói, hai đứa còn nghèo...” Nhưng sâu thẳm trong lòng, Chín thèm khát trẻ con, có nó, chắc Chín không đến nỗi thắt thẻo vì thương nhớ Sở như vầy.

     

    May, có con nhỏ ma, nhịp sống của Chín thay đổi chút ít. Nó đi cả đêm, có bữa về tới nhà đã rựng sáng, say mèm, son phấn chảy xuống mặt, coi xinh đẹp não nề. Suốt ngày sau nó nằm ngủ vùi, mặc kệ điện thoại di động reo như bị ai cắt cổ. Nhiều lúc nghĩ nó đói, Chín kêu dậy ăn cơm. Nó không mở mắt, lắc đầu, nói cảm ơn rồi lại thở đều.

     

    Có vẻ như con nhỏ vẫn tưởng mình là người. Mà Chín không đành, nói “nhỏ ơi, mầy chết ngắc rồi” không phải phủ phàng lắm sao? Sở hay bảo, yêu nhất là tánh Chín thương người. Bây giờ mới biết, ma Chín cũng thương. Dù nhiều khi, con nhỏ làm Chín giận run. Một bữa, ngủ dậy, bỗng dưng con nhỏ ma đùng đùng lôi áo của Sở xuống, dẫm giày lên rồi đá thốc về phía Chín, “tui không thích dấu vết của tụi đàn ông ở trong nhà nầy”. Chín chạy lại ôm cái áo lấm lem vào lòng, chực khóc. Con nhỏ ma dịu giọng:

     

    - Của bồ hả?

     

    Chín ngoay ngoắt bỏ ra sàn giặt. Nó hỏi vói theo:

     

    - Thằng đó đâu rồi?

     

    Ôi! Ước gì Chín biết Sở đang ở đâu. Một bữa, hai đứa đi coi hội chợ về, lúc qua đường, Chín bị xe máy tông vào. Chín ngất đi, lúc tỉnh, lồm cồm bò dậy chiếc xe gây tai nạn mất tiêu. Cũng không thấy Sở. Tưởng anh chạy đâu đó để mua bông băng cho mình, Chín ngồi bên vệ đường chờ đến khuya xa xắc. Tưởng Sở về nhà, nhưng ở nhà trống hoác. Tưởng Sở đi đâu một chút thôi, ai dè biền biệt đến giờ. Sở nghĩ Chín chết nên không quay lại nơi đau thương này? Hay Sở không thể chịu được khi nhìn thấy Chín đau? Hoặc Sở tự dằn vặt, không mặt mũi nào mà gặp lại người yêu, vì anh mà tai nạn đến với Chín (lẽ ra anh nên đi trước, lẽ ra anh nên nắm tay để kéo Chín lại với mình)? Chín loay hoay, mê mải với những giả thuyết rối nùi, không manh mối.

     

    *

     

    Nhưng có một giả thuyết mà chị ta chưa nghĩ tới, là chị thật sự chết rồi. Viên cố tình không chạm vào cơ thể chị, bởi biết cái chết, bản thân nó là một nỗi đau.

     

    Thế mình sống thì sao, thì không đau, thì sung sướng? Viên tự hỏi, và cười rủ rượi trên giường.

    *

     

    Con nhỏ ma dựng quanh nó đầy những bức tường nghi hoặc. Những câu hỏi bỏ lửng... Nó mở ti vi, nhăn nhở chỉ một ông sang trọng nói “ba tui kìa” rồi im lặng khi Chín nhổm lên hỏi thiệt hôn. Bữa khác nó thản nhiên bảo cái nhà ba bốn tầng (cũng trong ti vi) là nhà mình, trong khi nó đang ở trọ. Nhiều tiền mà ở trọ. Ở trọ mà chạy Dylan, chiếc xe trăm ngoài triệu chớ giỡn sao. Cứ vậy, ở con nhỏ ma, không có gì là hợp lý. Coi bộ nó ghét đàn ông, lại có vẻ như đang yêu, đang hẹn hò dù không biết với người nào, vì mới ngọt ngào cùng một người tên Dũng nào đó, cú điện thoại sau lại ngoay ngoắt bảo nhớ Hùng quá, anh ơi.

     

    Khó hiểu, nhưng không ghê rợn như những gì người già hay kể. Nào là ma biết bay, ma lưỡi dài, xoã tóc, ma xanh lét hay ma rút ruột. Rốt cuộc, người ta dựng chuyện khơi khơi vậy thôi, có ai tới được chỗ đó đâu, có đến cũng không trở lại, để kể.

    *

     

    Những buổi chiều nhìn người con gái gội đầu bên hồ nước đầy rêu, những tia nắng cuối cùng nhảy nhót trên cổ trên áo chị, Viên thường thảng thốt. Không thể phân biệt được chị ta với người, bằng mắt thường, đến nỗi lúc ra đường, Viên nhìn ai cũng gợn lên ý nghĩ, không biết người hay ma đây.

     

    Không có ranh giới nào, vì chất-người trong người con gái ấy vẫn lung linh, những lần chị thức giấc kéo mền lại cho Viên, những khuya chị mở cửa cho Viên, không quên cằn nhằn, “đi đâu mà gà gáy mới về”, những khi chờ Viên dậy để cùng ăn cơm. Rau luộc chấm chao thôi, Viên cầm đũa, mà cảm giác mắt mình ướt như vừa khóc.

     

    Mười ba năm, Viên chưa từng có cảm giác này.

    *

     

    Một bữa nắng nhiều, con nhỏ ma nhờ Chín khui mấy thùng đồ ra phơi cho đỡ mốc. Thùng Một, có vài con búp bê đắt tiền, vài lọ nước hoa còn mới nguyên, mấy cái áo len. Và những khung hình đã cũ. Chín tần ngần trải chúng ra dưới nắng, thấy long lanh những nụ cười.

     

    - Mẹ tôi nè, đẹp hen - Con nhỏ ma chìa tấm ảnh một người phụ nữ trước mặt Chín, rồi lạnh lùng cụp lại - Lấy chồng rồi, đẻ một bầy con bên Mỹ.

     

    Chín ngộp thở, chưng hửng... Con nhỏ cười, cái cười kêu lóc cóc, khô như những hòn đá lăn vào nhau, “Thấy ngộ lắm hả? Nhằm gì, cha tôi cũng vừa mới đám cưới tưng bừng...”.

     

    Chín cảm giác con nhỏ đang chết thêm lần nữa khi nhắc lại một hai đám cưới đã dự trong đời. Thế giới của ma, cũng đầy đau xót, thiệt ngộ, tưởng chết là khoẻ trân chớ (về điều này, mấy bà già lại lừa mị, ai nói chết là hết đâu).

     

    Thùng Hai, đầy nhóc sách vở, có cả thẻ sinh viên. Trời, vậy là con ma này lê la tận trường học. Chín hỏi “Ủa, sinh viên sao không thấy đi học gì hết vậy?” Con nhỏ cố gắng nắn miệng mình thành nụ cười trên khuôn mặt bất cần, rắn câng, “Không học cũng đậu, cũng có chỗ làm ngon lành, học chi cho mệt...”

     

    Thùng Ba, lổn ngổn những gói quà nhỏ chưa từng được mở ra. Phía trên cùng là quyển sổ dày, bìa có “Ghi tình” cùng hình mấy con bướm chết tả tơi vẽ bằng bút bi trên nền xanh lam, đã quăn mép. Thấy Chín tần ngần, con nhỏ ma biểu cứ lật coi đi. Mỗi trang là tên một người tình, với vài chi tiết như nơi gặp lần đầu, đặc điểm (thí dụ như “ngày mai cưới vợ” hay “buồn chán cuộc sống hôn nhân”...). Còn có mục “nơi ngủ cùng nhau” (chữ ngủ này bao gồm nhiều hành động khác chứ không đơn thuần chỉ nhắm mắt và ngáy khò khò), cuối cùng là thời gian kết thúc, có khi gọn lỏn trong một ngày đêm.

     

    - Sổ của tụi bạn tôi còn dày hơn nhiều.

     

    Chín ngó sững vào khuôn mặt đẹp như được đúc bằng men sứ, lại ngộp thở. Con nhỏ chưa từng biết yêu, thứ tình-yêu-của-người. Nếu có quyển sổ cho mình, Chín sẽ ghi dày đặc tên Sở, và dằng dặc những chữ “em yêu anh”.

     

    *

     

    Những tờ lịch cuối cùng của tháng Mười nặng nề rụng xuống, người đàn ông tên Sở vẫn chưa về. Viên nổi quạu thấy người con gái ra cửa ngó mong, và buông đũa nghe ngóng mỗi khi bước chân ai đó loẹt xoẹt qua nhà.

     

    Một bữa, chị thở dài, Viên càu nhàu, sao không ngủ. Chị bảo, sớm mai là gói bánh đám giỗ nội. Phải ở nhà, giác này chị đang ngồi lau lá, xắt khoai môn thật mịn để làm gân bánh ít mình ngọt, rồi nạo mấy chục trái dừa. Giọng chị nghe đượm nồng mùi khói bếp ung.

     

    Viên trợn trạo nuốt cục nghẹn, tình yêu không đáng đánh đổi với cái mùi khói đó.

     

    *

     

    Một bữa dọn dẹp nhà, Chín thấy cuốn “ghi tình” hôm trước rơi hớ hênh dưới bàn. Gió vô tình lật những trang gần cuối. Tên Sở ở đó. Chín hơi sững sờ, thấy cuốn sổ lọt tuốt qua tay mình. Như những trang khác, con nhỏ ma không quên mục “đặc điểm”: “Người yêu vừa qua đời hai ngày. Anh ta vẫn mạnh mẽ, không có gì khác lạ...”

     

    Mắc cười, con nhỏ định dùng cách này để Chín không chờ Sở nữa. Vô lý ở chỗ, nó ám chỉ Chín chết rồi. Nhiều khi con nhỏ cũng vô duyên hết sức nói...

     

    *

     

    Viên nhận ra không dễ gì dập tắt lửa trong chị. Giả như nhìn thấy người đàn ông chị yêu cắp tay một cô gái khác, ngay trước mặt, chị cũng nghĩ hắn ta có nỗi khổ gì đó, không thể nói ra. Và nếu Sở ngã lòng, chắc Viên đã dùng những trò ma mị để quyến rủ. Viên điên cuồng tìm cách chứng minh với chị ta không có thứ gọi là tình yêu. Chị ta thì chẳng làm gì, cứ chờ đợi một mối tình thăm thẳm.

     

    Cho đến một bữa, Viên thật sự tin chị ta đang sống, vì vẫn hừng hực tin, yêu.

     

    Còn mình thì chết rồi. Chết mỗi ngày. Liệu có còn sống lại được không?


  2. Cỏ Xanh

    Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư

     

    Chỗ đất đó người ta tính xây một nhà bảo tàng truyền thống. Trước khi xây, cỏ chỉ với cỏ ống kéo lại mọc cho xanh chơi.

     

    Đám thanh niên thành thị đang thèm một khoảng đất, khoảng trời để chạy cho sướng cái chân mừng rỡ vẹt một khoảng để đá banh. Cỏ ở đó vàng và lùn lụn dưới mấy chục đôi chân chiều nào cũng quần nhau hùng hục. Mà chếch về một phía, cỏ vẫn xanh um tùm.

     

    Thành ra cánh công an phường nghĩ ra một chuyện để làm. Ai bị phạt lao động công ích trong tuần cứ chiều thứ bảy kéo ra đây hết để mần cỏ. Trong đám đó, ăn cắp vặt có, đánh lộn có, say rượu có, cờ bạc có... Con Miên gánh một tội: Say rượu đánh người gây thương tích - bà chủ nhà Miên thuê. Lẽ ra thì không đến nỗi nào, nhưng lúc nó say rồi sao tự nhiên nó muốn đánh bà ta quá, muốn quá. Mà hễ người ta say thì kinh lắm, muốn là làm.

     

    Miên là đối tượng quen mặt của cánh công an phường. Quen quá rồi, nói con Miên hẻm Tư Cụt ai cũng biết tiếng. Nó đi làm cỏ lần này nữa là lần thứ tư, có giáo dục gì thì cũng như nước đổ lá khoai, nó nói: “Tui hư rồi, mấy ông nói cũng như không”. Không vui không buồn, nó là một con bé lạ lùng, lì lì như cục đá. Làm cỏ lần nào tay dao cũng phơn phớt trên đầu ngọn cỏ, đám kia ngó qua kêu: “Mấy trự công an ơi! Con Miên mần cà chớn quá, sao mấy ông không giỏi phạt nó đi”. Miên có lý lẽ của nó: “Mần chi cho kỹ, mơi mốt tui ra làm nữa”.

     

    Mấy ông công an nhân đạo hết mình, làm cỏ lựa lúc chiều. Trời thanh thao dịu mát. Nên có cảnh ngộ, ngồi bên này ngó qua, cách chừng chục mét, đám thanh niên con trai đá bóng đang hào hển nói cười. Này sức trai, này niềm vui được tung hoành cùng trái bóng, này cát tung mù mịt, này ngọn cỏ bị sút bay bổng lên chơi vơi... Tựa như họ có thể bay lên để cuốn mây trời. Bên này, đám làm cỏ thì gục mặt, nặng như chì, vừa làm vừa ngó chừng gầm ghè nhau. Thi thoảng cũng có người dừng xe lại ngó coi, rồi đi, chắc không thấy có gì vui cũng buồn tình. Đám đá banh cũng táo tợn lắm, vừa đá vừa chọc ghẹo văng vẳng: “Em ơi có cần anh làm tiếp không? Trời ơi, con gái mà bắt làm cỏ, tội nghiệp quá”. Miên không ngó qua, lầm bầm, “chị hai mày không cần”.

     

    Lần này không khác lần trước bao nhiêu. Miên nhớ được vài khuôn mặt mình đã gặp trong những chiều chủ nhật trước. Một gã chuyên chui xuống gầm cầu đá gà, một bà thích ăn chua kêu con đi bẻ trộm me của nhà người ta... Nó không để tâm chú ý lắm. ở cái hoàn cảnh như nó đâu thể cười cợt người ta. Chợt trong tầm mắt, nó thấy một đôi chân đen giấu trong hai chiếc giày đầy cát. Một đôi chân con trai lông lá u sù, dài lẵng ngoẵng.

     

    - Bé Hai!

     

    Miên giật mình ngước lên:

    - Gì?

     

    - Bé Hai phải không? Anh Kiên nè - Tên chân dài tỏ vẻ mừng rỡ.

    Con Miên gục mặt xuống. Nó lia một dao thiếu điều xén lông chân anh chàng kia.

    - Khùng!

     

    Ông công an Một lên tiếng (ông này chuyên theo giữ chằm chằm con Miên):

    - Chuyện gì vậy chú nhỏ?

     

    - Dạ, người quen.

     

    - Quen sao?

     

    - Thân lắm, hồi nhỏ tụi em ở sát bên nhà. Nó sao bị bắt phạt vậy anh?

    - Đánh lộn.

     

    - Trời, hồi nhỏ nó hiền lắm. Em bắt thằn lằn nhát, nó còn khóc, kiến hôi đái vô mắt, xót gần chết nó còn không giết, sao giờ kỳ vậy?

    - Hỏi nó. Nó là bà chằn của phường này đó. Mà thôi, qua bển đá banh đi.

     

    Ông Một nện giày. Anh chàng nọ vờ như ngẩn ngơ ra. Có thật là anh chàng nhìn con Miên mà ra bé Hai nào đó không? Sao mà cái mặt anh ta thẫn thờ một cách chí tình chí nghĩa như vậy? Miên này quả tình có giống Bé Hai không? Nó không sợ thằn lằn. Căn nhà nó mướn, thằn lằn chạy ì ầm suốt đêm, ỉa bậy trên nóc mùng, nó đâu có sợ. Lâu rồi, nó không biết sợ cái gì hết, chỉ có gỗ đá mới không biết sợ như thế. Đôi lúc, nó tưởng mình không phải là người.

    - Tui không phải bé Hai.

     

    Miên lên tiếng, nó nghe có tiếng cười từ phía đá banh. Có vẻ như một trò đùa nào đó. anh chàng kia nhíu mày, chàng ta nhìn nó chằm chằm như cố trông chờ Miên ngẩng lên.

     

    - Tôi xin lỗi. Không hiểu sao thấy em tôi nhớ Bé Hai quá trời, Bé Hai đó, giống em thì thôi đi chớ. Nó khác là nó giang nắng đen thui hà. Nội của Bé Hai hiền lắm, tôi kêu bằng nội. Hai đứa tôi chơi thân với nhau lắm.

     

    Một người ngồi kế bên hỏi:

     

    - Bây giờ nó đâu?

    - Không biết. Hồi đó nhà em dọn ra đây cho ba em tiện đi làm. Lâu quá không gặp. Hồi mới chuyển đi, em nhớ Bé Hai quá trời.

     

    - Nhớ sao không về thăm?

    - Mới mười hai tuổi, không dám đi một mình. Ra chợ, má em lo gầy dựng buôn bán, thời gian đâu mà dẫn tôi đi. Rồi sao đó em có bạn mới, em... quên.

    Đám mần cỏ cười khì khì: “Vậy là chú mày phụ bạc con nhỏ đó rồi”. Ông công an Hai tốt giọng nhất la: “Thôi làm đi, chuyện của người ta. Cỏ còn muôn trùng kìa”. Cỏ vẫn còn muôn trùng. Lần sau làm Miên lại thấy cỏ mọc xanh hơn lần trước, mơn mởn và tươi non. Sao lạ vậy không biết? Miên cầm cây dao cùn phạt tới. Anh chàng vẫn chưa đi. Đám đá banh í ới: “Sứa lửa đó nghen mậy, coi chừng chết nghen!”. Anh chàng chân dài cười hơn hớn, vẫy tay: “Em tao. Mà bên tao thua mấy trái rồi?”, “Bốn trái”." ừ chút tao về phục thù”. Anh chàng bắt đầu ngồi bẹp xuống cỏ duỗi phẳng chân, cách Miên chừng năm mét.

     

    - Trời ơi coi kỹ lại sao mà em giống Bé Hai vậy không biết? Cái gì cũng giống. Cặp mắt nè, cái miệng cá sặc nè...

    Miên im lặng. Nó không tỏ vẻ chú tâm nghe.

     

    - Anh còn nhớ, Bé Hai giống mẹ ghê lắm. Mẹ Bé Hai vừa cao vừa đẹp, cha em cũng đẹp nhưng lùn lùn. Lần nào đi biển về ba cũng cõng em đi vòng xóm, chân em thòng tới đầu gối ba nó vầy nè. Mà em thích ăn bánh chuối chiên không? Không hả? Hồi đó Bé Hai khoái bánh chuối chiên, mẹ nó chiên hoài, lúc anh đi, mẹ nó có bầu em bé, chắc em nó cũng y hệt nó, thấy cưng như nó vậy.

     

    Anh chàng bắt đầu lộ vẻ suy tư, nhớ nhung ghê lắm. Ông công an Bốn bật cười:

    - Rồi bây giờ cậu ngồi thù lù ở đây nói chuyện đó làm gì?

    - Dạ - Hắn băn khoăn - Em nghi quá hà. Có khi nào cô này chính là Bé Hai của em hồi xưa không? Có khi nào cổ thấy mặc cảm với em rồi cổ không nhận không?

    Mấy ông công an cười, cái thằng quỷ này nói chuyện giống tiểu thuyết quá đi. Có khi nào, có khi nào không? Miên đứng hẳn dậy, buông dao:

     

    - Tui không phải là Bé Hai.

    Giọng của nó không hẳn tức tưởi nhưng nghe cái âm sắc rất đỗi uất ức, nghẹn ngào. Như thể anh chàng kia đã đánh nó, đánh đau lắm, làm thức dậy một cái gì đó ngủ yên và chìm lặng.

    - Không phải thì thôi, làm gì mà dữ vậy?

    Ông công an Bốn nạt. Anh chàng nọ vẫn mỉm cười một cách độ lượng và hồn nhiên. Và tự tin, lì lợm tiếp tục câu chuyện lãng xẹt của mình.

     

    - Nghe nói em đánh lộn hả, gan vậy?

    Một bà chen ngang, giọng chua, xoen xoét:

    - Đánh trúng chớ đánh lộn gì. Bà chủ nhà nó mướn mà còn dám đánh, nó không sợ ra dạ cầu ở.

    - Con gái đừng đánh lộn xấu lắm, lớn rồi. Có chồng được rồi...

     

    Miên ngẩng lên, đôi mắt nó đẹp nhưng đầy nước và lửa (làm sao hai thứ ấy lại ở chung nhau một đôi mắt được ta?).

    - Khùng! Biết gì mà dạy chị Hai?

     

    Không ai biết gì. Lúc người trong hẻm chạy túa ra coi đánh nhau thì nó đang xâu đầu người đàn bà đó, đánh lấy đánh để, đánh như hả hê, hai con mắt tối sập, mùi rượu trong người phả ra hôi hổi.

     

    Thì đâu có ai biết gì. Nó đến sống trong con hẻm này đã ba năm. Hỏi cha mẹ, nó lắc đầu, tui từ đất nẻ chui lên. Hỏi sống bằng gì, nó tỏ ra không muốn trả lời. Cuối cùng trong xóm biết được nó bán bia trong quán “Mây Sầu”, một bà nói: “Hèn chi nó đi đêm ngủ ngày, miệng toàn mùi bia”. Một bà chêm vô: “Nó son phấn rẻ tiền phát ớn”, bà khác giật mình: “Không biết hồi hôm ông chồng mình đi nhậu có ôm nó, mằn nó không ha?”. Tất nhiên là đám đàn bà không thích nó lắm. Đám đàn ông đi qua cửa hay vân vê cọng râu cằm. Nó sống như ông trời bắt sống. Người ta hơi đâu quan tâm những điều khác nữa. Thì đâu có ai biết gì. Anh chàng đó có tài cán gì mà đòi dạy người ta?

     

    - Em đừng giận. Thiệt tình anh thương em như Bé Hai của anh vậy. Nhớ hồi đó anh với Bé Hai rủ nhau đi kéo tép, bị ong nghệ đánh quá trời, ong bu vàng đầu Bé Hai, anh nắm đầu em dìm xuống nước. Chạy được rồi anh bẻ cọng môn ngứa châm vô đầu em lấy nọc, tổng cộng là hai mươi tám vít. Sao hồi đó em ngộ vậy, không khóc gì hết, còn phải dỗ anh, vì thương em mà anh khóc nghe hụ hụ - Anh chàng lại nói - Tiếng chặt cỏ lịch bịch đều đặn. Miên có vẻ nặng nhọc tay dao. Trên thái dương nó mồ hôi rịn ra giọt giọt.

     

    - Thôi anh đi đá banh nghen. Cha, thua quá trời, không biết gỡ kịp chiều nay không nữa? Nếu em chịu là Bé Hai, cứ lại kiếm anh, anh làm việc ở công ty XYZ , hỏi thằng Kiên “tía lia” ai cũng biết, nghen.

     

    Anh ta đứng lên, phủi phủi cái quần, bay ra một dụm cát.

    - Bé Hai à, thôi đừng ra đây làm cỏ nữa nghen, em coi, cỏ nó bị chặt rồi mà bữa nay tốt thấy đẹp luôn, cỏ còn muốn sống đẹp hơn, tốt hơn nữa, huống chi mình... Ráng nghe cưng...

    Anh ta tỏ ra là người biết nói chuyện văn chương, ví von thanh cao. Tuy nhiên, đến lúc đó, anh ta phải đi rồi. Đi qua bên kia đá banh. Miên không nói gì, cúi đầu rất thấp. Cái bà có giọng chua ngoét kế bên bỗng thốt lên: “Ui chao!”. Bà ta là người đầu tiên thấy con nhỏ Miên rơi nước mắt. Thì ra nước mắt của nó cũng trong vắt y hệt như nước mắt người khác nhưng quả thật chưa ai thấy một đứa con gái lì lợm, hư hỏng như nó khóc bao giờ. Mà, sao nó khóc vậy? Ai làm gì mà khóc? Cánh công an, cánh làm cỏ bối rối nhìn nhau chia sẻ một cái nhìn thương xót. Ngộ vậy đó, đàng hoàng hay không đàng hoàng người ta cũng biết thương nhau. Một ông thẫn thờ buột miệng: “Trời trời!”.

     

    Tới bây giờ người ta cũng không hiểu ra làm sao hết. Có người đoán con Miên chính là Bé Hai thiệt, có người nói nó không phải là Bé Hai nhưng những gì thằng kia nói ra làm cho nó tủi thân. Bởi vì tất cả những điều đó nó không có. Nhưng cuối cùng thì cái thằng đó đúng là nhìn ra người quen không hay là chỉ chọc ghẹo cho vui. Bà chua giọng định một ngày nào đó hỏi cho kỹ, nhưng một sáng ra, người ta ơ hơ biết con Miên dọn đi rồi.

     

    Thì thôi.


  3. Hiên trước nhà một bà già tốt bụng

    Tạp bút của Nguyễn Ngọc Tư

     

     

    Tôi định hôm nào về xóm Chẹt, ghé lại nhà quen, uống một bụng nước mưa đã đời xong rồi nằm chò co chỗ bộ vạc đằng trước nhà ngủ một giấc thật sâu. Rồi nghĩ, chắc là không ngủ được, vì nhớ...

     

    Tôi chắc dù đất xóm Chẹt có thay đổi cỡ nào, tôi có già cóc thùng thiếc đi, mình vẫn nhận ra ngôi nhà ấy, ngôi nhà của một bà già hiền như bà nội, bà ngoại mình. Tôi không nhớ rõ khuôn mặt của bà, có thể mặt bà đầy những nếp nhăn, có thể lưng bà còng, có thể bà cũng nhai trầu bỏm bẻm như bao nhiêu bà má quê khác. Cái tôi mường tượng rõ nhất là đằng trước nhà bà, chỗ sát hàng ba, lúc nào cũng có cái lu nước mưa với bộ vạc cau và hai cái đôn sứ hình con voi đã gãy mất vòi.

     

    Hồi đó, lần nào đi học ngang tôi cũng ghé lại. Uống một gáo nước mát dạ lúc khát khô, ngồi nghỉ cho chân đỡ mỏi vì đường xa, đụt mưa, trốn nắng. Đã bao nhiêu năm, bao nhiêu lượt người ghé lại, đám học trò nhỏ ngày xưa đã sắp bạc tóc dài râu, qua nhà lại nhớ bà, già mà thiệt thính tai, nghe chúng tôi khoả gáo đã biết nước dựt tới đâu, mau mau hối con cháu châm đầy cho tụi nhỏ dễ múc. Cái nắp lu bằng sành bà sợ nặng, ngồi tỉ mẩn chầm lá để đậy, nên nước trong lu mát lạnh tới tận óc, ngọt ngào, lại thơm thoang thoảng mùi cà bắp của đám dừa nước ven sông. Cái gáo đen mịt cúi đầu chổng mông lên cây trúc cặm kế bên cũng thơm ngây ngấy mùi gỗ đã ngâm nước lâu ngày.

     

    Bộ vạc đằng trước đã thay đổi nhiều xác cau. Có bữa ghé đụt mưa đám học trò chúng tôi buồn tình ngồi vẽ trâu, vẽ sáo, ghi chi chít “con Út Cò Hương + thằng Bầu = hai vợ chồng”... Vạc cũ dỡ ra bà biểu con gái đem đi chụm củi hết rồi, từ bấy đến nay không biết con Út Cò Hương có lấy thằng Bầu không nữa?

     

    Nhà bà đã một lần bị bom, một lần bị bão, mấy đận cất mới, mấy lượt sửa sang, nhưng có thay đổi mấy bà vẫn nhắc con giữ nguyên cái lu với bộ vạc. Và một ngọn đèn, ừ, thêm một ngọn đèn chong...

     

    Đèn chỉ tắt những đêm tối trời, trăng sáng rồi thì cháy đỏ một tháng hai mươi mấy ngày. Hồi đó, đồn Chẹt đóng kế bên nhà, hễ chạng vạng là đám lính thấy bà đem cái đèn (loại dùng để đặt đó) ra treo ngoài hàng ba. Bọn giặc sợ, theo tra hỏi hoài, “Làm ám hiệu gì cho Việt Cộng vậy bà già, hay là soi đèn cho tụi nó bắn tỉa tôi?”. Bà cười ung dung: “Ám hiệu ám hiếc gì đâu, tui treo đèn là để mấy đứa nhỏ đi đêm khỏi sợ”. Đèn nhỏ, ngọn lửa chỉ le lói đỏ nhưng lạ lùng, đêm càng tối đèn càng sáng lung linh. Cái vầng sáng đó hắt ra tới tận bờ lá, nhuộm hồng cả một khúc đường. Tối nào má tôi sai đi mua dầu hôi, nước mắm ở quán chú Sồi, tôi cắm đầu chạy đến đây thì dừng lại thở, nhìn cái đèn với một lòng biết ơn mênh mông. Tôi thắc mắc sao ai cũng cần ánh sáng mà lính đồn Chẹt thì không?

     

    Hàng ba nhà bà, không chỉ một mình tôi nhớ. Nhiều lắm những người khách bộ hành xuôi ngược. Người buôn bán ve chai lông vịt, người đi bán tranh thờ, bán chiếu... những thợ gặt xuôi về xứ khi lúa hết mùa... những người đàn bà tan buổi chợ trưa... người ta nhớ hoài, thương hoài cái hàng ba thơm thảo đó.

     

    Phải đợi lớn lên, tôi mới nhận ra, bà dành cho những người qua đường chúng tôi không chỉ lu nước mưa, cái vạc cau và cây đèn chong. Cái không gian nhỏ nhoi dưới mái hiên đó giống như tổ ấm của mỗi người với đầy đủ nhu cầu tối thiểu, có thuốc uống, có chỗ nghỉ chân, có ánh sáng... Phải đi về sống nơi phố thị, tôi mới nhận ra, cứ bước chân ra khỏi nhà - công sự của mình (dù có khi chỉ để đi... nhậu) là lòng lại thấy chẫng hẫng, chơ vơ, không hiểu vì nỗi gì! Nhìn những hàng rào cao ngất, kín bưng bọc lấy ngôi nhà hai bên đường, bỗng thèm được đi qua xóm cũ, ghé tạt vào hàng ba quen thuộc, uống một ngụm nước mưa giữa mùa, ý trời, nó mát thì thôi đi chớ...

     

    Có khi bỏ nón ở đâu không nhớ, bỏ tiền túi nào cũng không nhớ mà lại nhớ mấy cái chuyện cũ bên trời này, ngặt thiệt.


  4. Một mái nhà

    Tạp bút của Nguyễn Ngọc Tư

     

    Một bữa trên đường gánh trái cây đi bán dạo, con Bèo gặp tôi, mừng quá, lâu lắc quá chừng rồi, Bèo rối rít mời tới nhà chơi, mà, cái giọng của con bạn, trời ơi, nó tươi rói, giòn tan, sung sướng, tự hào. Bèo dặn vói theo cho tới khuất người khuất bóng mới thôi, "Nhớ nghen, Tư, rảnh vô nhà tao quậy cho đã một bữa, muốn chiên bánh xèo cũng được, không thì tụi mình nấu chè khoai môn ăn". Rồi nó cười hực hở, rạng rỡ, như thể nhà nó là một thiên đường.

     

    Ai mà dè nhà nó nằm tuốt trong con hẻm Cỏ sau lưng siêu thị. Đó là một con hẻm dài, hẹp te, tối tăm, sình bùn ọp ẹp, ngoa ngoắt ngoặt trái ngoặt phải, mỗi lần ngoặt thì nhà cửa hai bên lại nhỏ đi một chút, làm người ta tuyệt vọng đi một chút, điệu này, tới cuối hẻm, chắc nhà chỉ còn bằng cái miễu ông Tà. May, nhà của con Bèo cũng không tệ đến mức vậy.

     

    Tổ ấm đó đủ để một bàn thờ kê trước chiếc giường đôi, còn thừa một chỗ trống để giăng chiếc võng sát góc nhà. Phía sau có kê tấm dal làm bếp, gần đó đặt cái bàn ăn cơm nhỏ xíu với hai chiếc ghế ba chân để đâu cũng lún vì nền đất ướt chèm nhẹp. Vách nhà được dừng bằng những tấm kẻm đã phơi bản ở nhà in (chồng nó làm việc ở đó), chi chít thơ. Hỏi con Bèo thơ viết gì, nó cười, "Mầy biết mà, tao học tới lớp sáu là nghỉ ngang, chữ xuôi đọc còn trậm trầy trậm trật nói chi để chữ ngược ngạo vầy…"(tội nghiệp, sống giữa thế giới thơ mà không tận hưởng được). Mái lợp bằng lá cũ mèm, ngửa cổ đã thấy lấp lánh trời sao. Nước bưng ra để cái cộp, khách chưa kịp uống lá mục đã rớt vào, nên nước nghe thơm mùi lá lắm. Con Bèo cười, "Chồng tao ảnh nói để lãnh lương tháng nầy mua lá lợp lại, chớ đâu có để vầy hoài".

     

    Tôi tới chơi một lần, tự dưng nghe buồn, nghe thất vọng quá trời đất, nghe trong lòng có một chút ghen hờn. Con Bèo học hành lỡ dỡ, nghề nghiệp cũng chẳng cao sang, sao nó lại ngộ chữ "tri túc", còn mình thì không ?

     

    Tôi cũng có nhà, lớn hơn một chút, đầy đủ tiện nghi hơn nhưng chẳng bao giờ tôi biết hãnh diện về nó. Nhiều lúc bạn bè nói dèm, bảo để tới nhà nhỏ Tư chơi, tôi bàn ra, “Nhà em khó kiếm dữ lắm mấy anh ơi”. Bạn gạt phăng đi (vì thương tôi quá mà), “không sao, khó mấy có lòng cũng tìm ra”, tôi rối beng trong bụng, giả đò nín thinh như người điếc, nghĩ thầm, nhà mình thấy ghê...

     

    Nhà tôi nằm ngang chợ phường, quay lưng với sông, ngửa mặt đón bụi đường, trong nhà không lúc nào ngớt tiếng xe, tàu chạy (tôi ngồi viết văn ở đó, giữa tiếng động chói gắt khủng khiếp của tàu xe, tiếng nhạc nhùng nhằng từ xe kẹo kéo, tiếng những người đàn bà bên chợ cá cự cãi nhau). Đứng ở đằng trước thấy thông thống đằng sau, tuềnh toàng một cái bếp thấp tè, chiếc máy giặt cổ mỗi lần giặt rung cà cồng cà cưỡng (có người còn đề nghị cho mượn để … cầu số). Chen giữa lối cầu thang lên gác xép với nơi để máy vi tính là cái bàn ăn, (nên ngồi một chỗ, tôi có thể vừa truy cập Internet, vừa... ăn cơm, hoặc quay lưng lại xem ti vi). Trên vách lỏng chỏng nồi niêu xoong chảo, lọ nghẹ ám đen, dài theo đó đóng ba bảy hàng đinh, treo lủ khủ những thứ mà ở dưới đất, không có chỗ cất. Đồ đạc bằng cây thì cũ kỹ, gảy bản lề, bằng kim loại thì sét nghẹt, thấy rầu. Đụng tay vô đâu cũng gặp bụi, lau hôm trước, hôm sau bụi lại đầy, mùa gió nam hay gió chướng, trước nhà cũng tả tơi giấy vàng bạc, vỏ tràm. Buổi trưa đi làm về lại lýnh quýnh chạy đi, hỏi làm gì gấp, bảo chạy về thăm ngoại (nói vậy cho nó … tử tế, chớ không lẽ nói “dzọt” vô trong ấy để ngủ, ở đây nóng quá, chịu gì thấu).

     

    Tôi chỉ nhớ nhà những lúc đi xa, đi lâu (cái chính là nhớ người ở lại). Ở một vùng đất heo hút nào đó, nửa đêm thức dậy, nghe tiếng gà gáy, tiếng con chim kêu thảng thốt, gió ngào ngạt hương hoa bưởi, hoa cau, tôi nhớ tổ ấm của mình, giờ này ở đó chẳng có gió máy gì đâu, thằng nhóc ở cạnh nhà chắc là đang chạy rầm rầm trên gác (e là nó đã bị hỏng đồng hồ sinh học), những người phục vụ quán nhậu bên kia đường đang dọn dẹp, tiếng chai rỗng vọng xuống đáy thùng côm cốp, rồi tất cả đều im lắng lại, nhường cho tiếng chổi đêm xao xác. Tôi chân thành cảm ơn những cuộc đi xa, nó làm cho tôi biết nhớ nhà, ờ, miễn là nhà - của - mình, thôi thì, sao cũng được.

     

    Một bữa trèo lên tầng thượng cao ốc ngân hàng, tôi nhìn về phía nhà, nghe gió thổi qua mặt, gió tràn vào lòng, nhận ra nhà của mình nhỏ nhoi, chật chội quá trời đất, gì mà mái nhà hẹp te như chiếc chiếu bông (Rõ ràng là người ngồi trên cao sẽ nhìn đời bằng đôi mắt khác). Úi cha cha, không biết chừng nào mình mới có được một căn nhà đủ rộng, có cửa sổ đón gió và nắng trời, có cái sân trồng giàn bông giấy, có phòng riêng cho con (thì cũng phải sinh con chứ, chừng vài ba đứa), có chỗ cho tụi nhỏ đạp xe ba bánh chở nhau, trên vách treo tấm hình đám cưới, treo cái gương dài để mặc đồ mới đứng ngắm nghía chơi. Ở đằng trước đủ rộng đặt bộ ghế sa lông cho khách ngồi, khoe cái kệ chật những sách, báo; ngoài sau đủ sáng để bày biện nấu nướng cúng giỗ cha mẹ chồng, sau nữa là mảnh đất nhỏ trồng cải, ớt, hành, vài thứ cây ăn trái như ổi, cóc, xoài… hệt mảnh vườn của má, rồi chim về chim hót, rồi gió về gió thơm mùi cỏ mùi cây… Tôi sẽ mang đá sỏi, rơm rạ vào nhà, nuôi cá lia thia, thả bèo vô chậu, ở chỗ cái hồ dưới giếng trời tôi trồng bụi năn, bụi lác, bụi bông súng quê nghèo. Đất có hơi hẹp khổ, nhưng không sao, tôi sẽ xây nó lên cao, cho ai đi qua tới đây cũng phải xửng vửng, ngạc nhiên kêu lên :"Nhà của ai mà bảnh quá ta ?" (Lúc đó tôi sẽ ưỡn ngực ra mà rằng : "Có ai trồng khoai đất này, nhà Tư tui chớ ai"). Nhưng chừng nào thì mình mới có được một cái nhà như vậy kìa, biết chừng nào, chừng nào, chừng nào?

     

    Câu hỏi đó cháy bỏng trong lòng. Chạy xe ngang qua nghĩa địa Triều Châu, tôi tần ngần ngó những ngôi mộ nằm chen chúc trong nắng chiều, nghĩ người chết rồi, nằm thẳng cẳng không biết trời trăng gì rồi mà xây cất chi cho long trọng vậy không biết, phải chi… Nhận tiền nhuận bút được một trăm hai chục ngàn mua sách hết một trăm, tôi buồn thiu thỉu, vậy là xong hai bao ximăng, mất trăm rưỡi gạch, bay vèo một mét khối cát, thấy mình tuyệt vọng một chút. Có lần đi công tác, đứng trong nhà vệ sinh khách sạn, chực nghẹn ngào, trời ơi, chỉ chỗ này thôi còn sang trọng hơn, đẹp hơn nhà mình nữa. Rồi tới chiêm bao tôi cũng thấy căn nhà mơ ước, nhưng vía vừa tới cửa, bỗng còi rúc liên hồi, giật mình tỉnh giấc, nghe xà lan ngược nước ràn rạt đi qua, nhớ giấc mơ dang dở, tôi tiếc quá chừng…

     

    Con Bèo nghe chuyện, nó cười quá trời đất, nó nói tôi "điên nhà", nó cười mà lòng nó đau như thắt, nghĩ tội nghiệp cho con bạn nông cạn, dại khờ. Mấy cô bạn ở sát nhà nó cũng qua chơi, cũng rười rượi, bảo " Không phải có nhà cao cửa rộng là hạnh phúc đâu, mấy thằng đàn ông hay rủ tụi tui tới nhà tù ti tú tí, thằng nào cũng giàu (không giàu sao có tiền bao gái ?). Con Bèo giải thích với tôi, "tụi nó bán bia ôm". Rồi một mai khi son phấn rã rời, khi ngày cùng đêm tận, có mái nhà nào đón họ về không (dù bé bỏng, chật chội như tổ ấm của con Bèo) ?

     

    Vậy thì cảm ơn Bèo lắm lắm, con bạn nghèo ơi ! Nhờ gặp ở đây, giữa xóm lao động này, nhờ ánh mắt nụ cười của bạn, tôi ngộ ra rằng, hạnh phúc không ở những ngôi nhà sang trọng, tự mình thấy đủ, dù chòi tranh vách lá, dù ở dưới dạ cầu, cũng vui. Có những ngôi nhà cao rộng mà lạnh lẻo, vô hồn, có những mái lá đơn sơ mà nồng nàn, đượm khói. Ô la la ! Gặp mưa giữa đường, có chỗ ta về, có người đưa tấm khăn để lau tóc ướt, là “đã” lắm rồi, đừng có lãng mạn mong ước xa vời.

     

    Tôi về đứng trước cửa nhà mình, ngơ ngác yêu thương như con chim lâu lắm mới tìm lại tổ. Nỗi vui cồn cào tới mức muốn mời ai đó tới nhà chơi ngay bây giờ, ngay lúc này. Tôi sẽ vén mớ đồ đạc bề bộn ra ( như khoả mặt ao bèo), mời bạn ngồi (và biết khi bạn đứng lên ra về, nó sẽ bừa bộn như cũ, giống hệt bèo). Nhà hơi tối, hơi ngộp, đừng lo, tôi sẽ mở cửa sau, nhìn ra sông nước rập rờn, nắng bừng qua cửa, gió phơ phất từng cơn, mát rượi. Chúng ta sẽ ngồi ở đó, cắn hạt dưa, cười tở mở, nói những câu nói thật lòng, đùa những lời ý nhị. Chúng mình ngồi ở đó, ngó về sông, kia những chiếc ghe khẳm lừ chở mấy con chó nghinh mặt sủa vang trong buổi chiều đỏ thẩm, hỡi người cầm lái, nhà anh là chiếc ghe nhỏ đó hay nhà anh vẫn còn xa, xa ngái ?

     

    Giờ đó, sâu trong hẻm Cỏ, chắc con Bèo đang nhen lửa, chồng nó vo cơm…


  5. Dòng sông mẹ

    Truyện ngắn của VÕ TẤN CƯỜNG

     

     

    Dòng sông chia hai nhánh, một nhánh chảy qua thành phố và một nhánh chảy về phía biển. Bao lần tôi ngồi ngắm dòng sông suốt từ buổi bình minh đến hoàng hôn nhưng vẫn không khám phá được sự bí ẩn của lòng sông.

     

    Tôi lớn lên bên cạnh dòng sông. Ba tôi làm nghề lái đò ngang. Tôi biết mình chỉ là con nuôi của một gia đình không con. Dù vậy, ba má rất thương tôi và tôi cũng thương ba má bằng tình cảm sâu nặng.

     

    Thuở nhỏ, tôi nhớ mỗi lần tôi hỏi mẹ tôi đâu thì ba tôi thường chỉ tay về phía dòng sông và im lặng. Có lần ba tôi bảo: “Dòng sông là mẹ của con đó...”. Tâm hồn non nớt, tôi không hiểu nổi những lời ba tôi nói ngụ ý điều gì. Sau này, tôi nghe chị Huyền hàng xóm làm nghề chèo đò ngang bảo: “Cách đây mười bảy năm, giữa đêm trăng sáng ba em gặp một hài nhi bị bỏ rơi trong chiếc giỏ đặt giữa chiếc đò cạnh bờ sông. Ba em đem về nhà chờ mãi không có ai nhận. Lúc đó má em hiếm muộn đang khát khao một đứa trẻ. Hai người giữ đứa bé lại nuôi đến ngày khôn lớn. Đứa bé chính là em đó...”.

     

    Chị Huyền lớn hơn tôi năm tuổi. Chị Huyền mồ côi cha, sống với người mẹ bị mù lòa. Thuở nhỏ, chị Huyền dạy tôi bắt chuồn chuồn cho cắn rốn để biết bơi. Chị Huyền bảo: “Cương nè! Sao em không đi thành phố học? Em cần phải có cuộc sống khác để sau này đổi đời”. Tôi nói: “Em không muốn đi đâu cả. Bên dòng sông này là cả cuộc đời của em rồi...”. Chị Huyền cất giọng xa vắng: “Chị nhiều ước mơ lắm. Chị muốn đi xa khỏi dòng sông này và làm nhiều điều mà mình mơ ước. Tiếc là không có ai lo cho má chị cả....”. Tôi nói: “Chị cứ đi đi... Em sẽ chăm sóc bác thay cho chị...”. Chị Huyền bảo: “Không được đâu em. Chị không nỡ bỏ má đi để tìm hạnh phúc riêng mình....”.

     

    Tôi nhớ, một đêm trăng, tôi ra ngồi cạnh bờ sông thì gặp chị Huyền vừa chèo đò cập bờ. Gương mặt chị trông xanh xao giữa bóng trăng mờ ảo. Chị Huyền đến ngồi cạnh bên tôi. Chị thì thầm: “Chán thiệt. Có khi chị thấy thân xác mình thật dơ bẩn. Nhiều khi chèo đò về, chị xuống sông tắm và chị cứ bơi giữa dòng sông để nước mát gột rửa...”. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Chị nói gì em không hiểu. Chị không nên khắc nghiệt với bản thân mình như vậy...”. Chị Huyền cất giọng nghèn nghẹn: “Lớn lên một chút nữa em sẽ hiểu. Em biết không. Chị chỉ còn em để tâm sự... Lúc này, má chị bị bệnh tim nặng. Không đủ tiền để lo thuốc thang. Chị không biết phải làm sao... Cương nè! Phải chi em lớn thêm vài tuổi nữa... chị sẽ... yêu em”. Chị Huyền ngả đầu vào bờ vai tôi. Dòng nước mắt nóng hổi của chị thấm ướt áo tôi. Tôi cảm nhận được lồng ngực xuân thì của chị run rẩy theo từng tiếng nấc.

     

    Tôi nhớ trong một lần sinh con, má tôi bị băng huyết và lìa đời. Đứa bé cũng không sống nổi một ngày. Chiếc đò chở má tôi về giữa buổi trưa nắng gắt. Tôi ra bờ sông đón má. Khi ba tôi và ông hàng xóm khiêng má vào nhà, tôi chợt sững người khi trông thấy màu máu đỏ loang khắp khoang đò. Tôi không hiểu nổi máu ở đâu mà chảy nhiều như vậy. Hay là má bị thương? Cái màu đỏ cứ ám ảnh trong giấc ngủ của tôi suốt thời niên thiếu. Trong giấc mơ, tôi thấy màu đỏ loang khắp mặt sông và chảy theo thủy triều đỏ rực cả góc trời. Ký ức của tôi về má chỉ có vậy. Còn với mẹ - người sinh ra tôi và bỏ rơi tôi - thì tôi hoàn toàn không biết gì cả. Tôi nhớ có lần chị Huyền bảo: “Dòng sông bao la như lòng mẹ. Có khi nào em nghĩ rằng em sẽ bơi ra biển, bơi về phía chân trời để gặp mẹ không?”. Tôi đáp: “Nếu sông như lòng mẹ thì em chẳng cần phải đi đâu để tìm mẹ cả. Mẹ đang ở bên em và đang ôm em vào lòng...”.

     

    Đêm trăng nọ, ngồi chơi đàn kìm và nhâm nhi rượu đế, ba tôi cất giọng trầm lắng:

     

    - Con có biết tại sao ba lại làm nghề lái đò và sống bên dòng sông này không?

     

    - Sao vậy ba?

     

    - Hồi xưa cù lao này còn hoang vu lắm. Nơi đây là chỗ ở của những người bị bệnh cùi. Họ bị cách ly khỏi xã hội. Ông nội con từ miền Trung vô Nam đã chọn cù lao này để lập nghiệp. Bà nội đã sinh ba trên chiếc đò giữa dòng sông... Sau này lớn lên, sống cạnh dòng sông ba nhận ra dòng sông thật bao dung và rộng lớn như lòng mẹ. Thuở trai trẻ, ba đã lặn lội đi nhiều nơi kiếm sống nhưng cuối cùng lại trở về sống gắn bó với dòng sông.

     

    - Ba ơi! Khi chiếc cầu bắc qua sông, những người làm nghề lái đò ngang chắc sẽ không còn việc làm...

     

    - Con đừng lo... Vẫn còn nhiều người thích đi đò trên sông nước. Cảm giác được ngồi trên sông thật thú vị...

     

    Buổi sáng hôm sau, cả cù lao nháo nhác bởi tin dữ lan truyền. Tôi điếng hồn khi nghe tin chị Huyền đã bị giết chết. Bên bờ sông, đám người lao xao chỉ trỏ và bình phẩm đủ điều. Tôi nhận ra xác chị Huyền với nửa thân người lõa lồ bị kẹt vào những rễ bần cạnh bờ sông. Có người ác miệng bảo: “Nhỏ Huyền chèo đò chỉ là cái cớ thôi. Nhỏ làm gái... Chắc là bị mấy tay lái sà lan hiếp và giết chết...”. Người khác lại bảo: “Con nhỏ này thích tắm đêm và hay bơi về phía cửa sông. Chắc là bị chuột rút”...

     

    Sau đám tang của chị Huyền, mỗi lần ngồi cạnh bờ sông tôi cứ bị ám ảnh bởi hình ảnh của chị. Trong tâm hồn tôi chợt lóe lên ý định rời bỏ dòng sông để ra đi. Tôi tự hỏi: “Mình sẽ đi đâu? Tôi phải làm gì để linh hồn chị Huyền thanh thản chốn vĩnh hằng?”. Tôi thầm nói: “Sông mẹ ơi! Tôi sẽ đi và sẽ gặp dòng sông ở phía chân trời”.

     

    VÕ TẤN CƯỜNG


  6. Tám nghìn đêm

    Truyện ngắn của ĐOÀN MINH PHƯỢNG

     

     

    Một đôi lần, mẹ tôi có kể về căn nhà của ông ngoại tôi ở Huế. Căn nhà cổ có mười tám cột gỗ lim, mái lợp ngói âm dương. Trước sân, ông tôi xây một cái bể cạn hình chữ nhật dài mười hai mét để trồng sen.

     

    Những hôm trời mưa, mẹ tôi đứng trong gian trước nhìn xuyên qua những hàng nước rơi song song từ mái ngói, thấy mưa rơi nhạt nhòa trên lá sen và bông sen. Năm hai mươi hai tuổi mẹ tôi chửa hoang, ông bà ngoại tôi cấm mẹ tôi ra vào nhà bằng cổng chính, cấm bước lên nhà trên. Mẹ không còn thời con gái, không còn mơ màng vịn cột gỗ lim, nhìn mưa rơi trên lá sen và bông sen sân trước.

     

    Sen là kỷ niệm duy nhất mẹ tôi mang theo khi ra đi. Không, đó là kỷ niệm duy nhất được nói ra. Những kỷ niệm khác nằm trong niềm im lặng của mẹ tôi, im lặng dài hai mươi hai năm, dài bằng đời tôi và nửa đời của mẹ. Tôi không biết gì về bên ngoại. Tôi không biết gì về tuổi thơ của mẹ tôi.

     

    Tôi không biết gì về cha tôi. Tôi không biết gì về khoảng thời gian giữa ngày mẹ tôi là cô học trò Đồng Khánh đứng trong một gian nhà xưa ở Huế nhìn ra mưa, và ngày mẹ tôi là thiếu phụ một con không hộ khẩu, đẩy chiếc xe đạp bán rau quanh một cái chợ ở quận Ba Đình, Hà Nội.

     

    Mỗi năm một lần, tôi hỏi:

    “Sao cha không cưới mẹ?”.

    “Bao giờ con đủ lớn, mẹ sẽ kể”.

    Nhưng tôi không bao giờ đủ lớn. Hoặc là sự yên lặng đã trở thành cuộc đời của mẹ và nếu nó mất đi, mẹ không biết sống tiếp tục cuộc đời mình như thế nào.

     

    Mùa xuân trời ấm lại, nhưng mẹ tôi rất yếu và hay ốm. Người mẹ gầy và tóc thưa, đôi bàn tay cằn cỗi, già đi trước gương mặt. Nhiều năm không ngủ vào ban đêm - vì mẹ tôi cất rau sau nửa đêm ở chợ đầu mối - đã làm cho mẹ kiệt sức. Cũng có thể nỗi nhớ nhà làm tàn dần sinh lực. Chúng tôi biết nếu mẹ bỏ chợ, tôi sẽ phải bỏ học. Chúng tôi không muốn nói tới ngày ấy, nhưng nó đã rất gần. Tôi muốn đi học. Tôi không muốn đi bán rau như mẹ tôi cho đến một ngày cuộc đời chưa đi hết nhưng sức đã không còn.

     

    Tôi dậy cùng với mẹ lúc hai giờ rưỡi khuya để ra chợ đêm. Mẹ tôi nói:

     

    “Con đi ngủ, để sáng còn đi học”.

    “Sáng con không đi học”.

    “Thế không có tiết gì à?”.

    “Con không bao giờ đi học nữa”.

    “Con nói gì thế?”.

    “Con đã bỏ học rồi. Bỏ luôn. Con muốn đi chợ. Con muốn bán rau”.

     

    “Con không được nói như vậy. Mẹ vẫn còn khỏe để lo việc mua bán một mình, không cần có con đi theo. Con sẽ tiếp tục đi học đến ngày ra trường. Không có bất cứ thứ gì trên đời có thể làm con bỏ học được. Hiểu chưa?”.

     

    “Con không muốn đi học nữa. Con muốn đi bán. Mẹ chỉ bảo cho con việc buôn bán xong thì mẹ ở nhà. Bây giờ mẹ còn khỏe để cùng đi chợ với con, chỉ bảo công việc cho con. Để năm sau hay năm sau nữa mẹ không đi được, mà con thì không biết đường biết nước thì sao?”.

     

    “Con nói gì vậy? Mẹ chưa 50 tuổi. Mới được nửa đời người. Ai nói chuyện nghỉ làm vào tuổi này?”.

    “Mẹ yếu. Mẹ ốm hoài. Mẹ cần nghỉ ngơi, làm một việc nhẹ hơn.”

    “Đói thì ăn. Ốm thì uống thuốc. Rồi đâu lại vào đấy thôi”.

     

    “Mẹ và con đều biết là chuyện không phải vậy. Mẹ không đủ sức khỏe để làm cái nghề mẹ đang làm. Con sẽ thay mẹ. Mẹ đừng nhắc đến chuyện đi học nữa”.

     

    Hình như mẹ tôi hơi chao dao như mất thăng bằng. Tôi lấy ghế cho mẹ ngồi, rót cho mẹ ly nước lọc rồi im lặng thay quần áo. Chúng tôi không nói gì trong vài phút sau đó. Rồi mẹ tôi bảo tôi ngồi xuống giường nghe mẹ nói. Mẹ tôi nói nhanh, vì trong đời chỉ có một lần này. Nói thật nhanh, rồi vội vàng trở về với sự im lặng.

     

    “Tất cả mọi chuyện trong đời mẹ đều sai. Mẹ sinh lầm nhà, mang lầm họ. Những người mẹ gặp, những việc mẹ làm, nơi mẹ ở, đường mẹ đi, ngay cả những điều mẹ nghĩ vào ban ngày và những thứ mẹ chiêm bao vào ban đêm, tất cả đều sai. Chỉ có con là đúng. Con đúng thì tất cả cuối cùng cũng đúng. Nếu bây giờ con bỏ học thì chính con cũng là một thứ sai của đời mẹ, và không còn gì đúng. Con phải hứa với mẹ là dù bất cứ chuyện gì con cũng không bỏ học. Nếu con không hứa thì để mẹ chết ngày mai, sau đó con muốn làm gì thì làm”.

     

    Tôi không hứa. Tôi ngồi bệt xuống đất để thở. Tôi chưa hiểu hết những câu đó có nghĩa gì. Tôi cố hiểu, nhưng ý nghĩ của tôi chùng xuống dưới một sức nặng lạ lùng làm rã rời mọi câu chữ. Tôi ngồi nhìn xuống đất, không biết phải nói gì. Một lúc sau tôi ngước lên, nói những điều chính tôi cũng không hiểu hết:

     

    “Nếu cuộc đời sai thì tự nó phải đúng trở lại chứ tại sao chờ con làm cho nó đúng? Mẹ không còn đủ sức khỏe để đi chợ nữa, con sẽ bỏ học để thay mẹ kiếm ăn. Chỉ có điều đó là đúng, mọi thứ khác đều vô nghĩa. Cuộc đời xảy ra trước, rồi đúng sai mới đến sau”.

     

    “Nếu như vậy thì con người lấy gì để định hướng mà đi?”.

     

    Tôi tiếp tục nhìn mãi xuống đất. Lúc tôi ngước nhìn mẹ, mẹ đã tắt cây đèn nhỏ tự lúc nào, đã đứng dậy và trong bóng tối đang lặng lẽ thay đồ sửa soạn đi chợ. Mẹ muốn tôi đi ngủ, không muốn nghe tôi nói nữa.

     

    Tôi leo lên tấm ván, nằm nghiêng co đầu gối lên bụng, kéo chăn trùm đầu cố ngủ lại. Một lúc sau tôi nghe tiếng mẹ tôi mở cửa đi ra, rồi tiếng cửa đóng lại, tiếng động âm thầm, thân yêu và tội nghiệp hằng đêm trong tám nghìn đêm tôi lớn lên trong căn nhà của mẹ. Bảy giờ tôi dậy mặc áo. Tôi mở tủ hương lấy tiền quà sáng từ xấp tiền của mẹ tôi để dưới quần áo và ôm tập vở đến trường học.

     

    ĐOÀN MINH PHƯỢNG

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This is an example of a list.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

×
×
  • Create New...