Jump to content

Khe Iem

Thành viên
  • Số bài viết

    8
  • Gia nhập

  • Đăng nhập

Bài viết được đăng bởi Khe Iem


  1. Gyảng Anh Iên

     

    HỎI

     

    Hai người đàn bà vẫn

    còn mãi ngồi đan lưới

    hỏi nhau về cái gọi

    là định mệnh. “Có chăng

     

    cái chết là do trời

    định?” Người đàn bà thứ

    nhất nhìn ra biển, nơi

    con sóng thần đang di

     

    chuyển với vận tốc của

    chiếc máy bay ban nãy

    chẳng biết bay về đâu

    ngang qua bầu trời phía

     

    dưới có hai người đàn

    bà vẫn còn mãi ngồi

    đan lưới hỏi nhau về

    cái gọi là định mệnh.

     

    “Không có đâu, ví dụ

    nếu như hàng ngàn người

    cùng chết do động đất,

    lũ lụt hay hỏa hoạn

     

    thì chẳng lẽ số kiếp

    họ lại giống nhau hay

    sao?” Người đàn bà thứ

    hai cười và nhìn ra

     

    biển nơi con sóng thần

    đang di chuyển âm thầm

    dưới vùng nước sâu yên

    ả với vận tốc nhanh

     

    hơn suy nghĩ của hai

    người đàn bà vẫn đang

    mãi ngồi đan lưới hỏi

    nhau về cái gọi là

     

    định mệnh.


  2. Lưu Hy Lạc

     

    BÀI MÙA XUÂN

     

    gửi nhn.

     

    Có mai sau rồi sao

    chăng nữa cũng chịu chết;

    bận trước tính tự tử

    anh cứ ân hận mãi

     

    bởi anh linh cảm (còn

    cung tay chửi thề *) anh

    mà không hết sức tích

    cực kềm hãm đầu mối

     

    làm ra chuyện lớn – chuyện

    nhỏ chưa chắc gì anh

    sẽ đi bán muối sớm;

    rút kinh nghiệm bận trước,

     

    bận này anh rất cẩn

    trọng, như thế mà rồi

    anh lại làm hệt lần

    đầu, nghĩa là cứ cung

     

    tay chửi thề** do vậy,

    anh phải bó buộc, ôm

    chặt mối ân hận cho

    đến mãi bây giờ – mùa

     

    xuân, ngày mai mà còn

    mở mắt ra nói năng

    nhất định anh sẽ chơi

    trước, sẽ lắng nghe tất

     

    cả từ fahrenheit-

    9/ 11, nhỡ sinh

    mệnh đầy đặc rác, cách

    gì cách, anh cũng liệu

     

    mua súng chứ không để

    rác rưởi ngập đầu đâu.

     

    */ ** Thơ Cao Ðông Khánh


  3. Khế Iêm

     

    TÂN HÌNH THỨC

    VÀ CÂU CHUYỆN KỂ

     

    Khi tôi ngồi uống cà phê ngoài lề

    đường và kể lại câu chuyện đã được

    kể lại, từ nhiều đời mà đời nào

    cũng giống đời nào, mà lời nào cũng

     

    giống lời nào, về người đàn bà và

    đàn con nheo nhóc (nơi góc phố được

    gọi là chỗ chết, nơi góc phố được

    gọi là chỗ sống), kẻ những đường kẻ

     

    bằng than đen; gãy góc, xấu xí như

    cái bóng trong tấm hình cũ, như dĩ

    nhiên hôm nay ngày mai ngày mốt, như

    thế thôi thì thế thôi, biết đâu chừng

     

    nhưng người đàn bà và đàn con nheo

    nhóc, vẫn kể lại câu chuyện đã được

    kể lại, như người khác đã từng kể

    lại, dù chẳng để lại gì ngoài câu

     

    chuyện đã kể, bởi câu chuyện đang tự

    kể lại, và không ai, ngay cả người

    đàn bà và đàn con nheo nhóc, bước

    ra ngoài câu chuyện đã được kể lại.


  4. Ðức Phổ

     

    HOẠT CẢNH...

     

    Tôi đã gặp những chiếc hũ

    chìm lăn trên đường phố sài

    gòn, những chiếc hũ chìm lăn

    cùng với những chiếc xe dream

    nhật bổn trung quốc hàn quốc

    xe đạp xích lô đạp xích

    lô máy... có chiếc tự lăn...

     

    Những chiếc hũ chìm lăn cùng

    với bụi với rác với mánh

    mung chôm chỉa với nhân tình

    với bè bạn với niềm vui

    với nỗi buồn với sự thoải

    mái cởi bỏ lột xác sau

    một ngày lao động trí não

    lao động tay chân sau một

    ngày tầm phào bằng an vô

    sự không có việc chi làm...

     

    Dường như mỗi chiếc hũ chìm

    đều mang theo mình một tâm

    sự đôi khi giống nhau đôi

    khi khác nhau có những tâm

    sự vui cũng có những tâm

    sự buồn có những tâm sự

    vui buồn lẫn lộn lại có

    những tâm sự không vui không

    buồn chi... nên chi mỗi chiếc

    hũ chìm đều lăn mỗi kiểu

    đôi khi giống nhau đôi khi

    khác nhau có chiếc lăn bên

    này lạng bên kia có chiếc

    lăn chậm rùa bò có chiếc

    lăn bạt mạng bất kể sống

    chết què tay gãy chân thôi

    thì sống chết mặc bây mặc

    ta... nhằm nhò chi ba chuyện

    lẻ tẻ cứ lai rai ba

    sợi xả láng sáng lại lăn...


  5. Dã Thảo

     

    NHẬT KÝ NGÀY MƯA

     

     

    Khi mặt trời khuất sau mây

    và mưa bỗng đổ lênh láng

    tôi nhớ về những ngày cũ

    xưa lẻ loi bước trong mưa

     

    anh xưa có lần bảo yêu

    thiết tha lang thang trong mưa

    cười diễu nhìn tôi ôm

    chiếc dù đen to tổ chảng

     

    những hạt mưa bong bóng nhỏ

    xíu nào đủ ướt đôi tay

    ô mưa rơi ô mưa rơi

    trên những con đường tuổi thơ

     

    ô mưa ơi ô mưa rơi

    trên lối vắng người lại qua

    mưa rơi trên lối mòn rất

    quen buổi chiều sắt se đến

     

    cafeteria trống vắng

    không chiếc dù đen tổ chảng

    và nụ cười anh vắng bóng.


  6. TÂN HÌNH THỨC

    BƯỚC RA

    TỪ NỀN VĂN HỌC SUY TÀN

     

     

    Với hai yếu tố đơn giản, vắt dòng và kỹ thuật lập lại, thơ Tân hình thức Việt chuyển mọi thể thơ có vần như 5, 7, 8 chữ, lục bát thành những thể thơ không vần. Chỉ như thế thôi cũng đã là cuộc cách mạng then chốt của một nền thơ. Cũng nên nhắc lại, thơ không vần là thể thơ của thơ tiếng Anh, được tiếp nhận bởi những nền thơ khác, cùng ngôn ngữ trọng âm, như Ðức và Nga... Vì thế đây là thể thơ mang tầm quốc tế và là thể thơ mạnh nhất qua nhiều thế kỷ, với tên tuổi thiên tài của nhiều đất nước. Nhưng tại sao phải chuyển qua không vần, trong khi thơ có vần đã là những thể thơ truyền thống của thơ Việt, với những nhà thơ tài danh?

     

    Vào thời đại Internet, nhu cầu tiếp thu và am hiểu lẫn nhau càng lúc càng cao, thơ phải thoát ra khỏi cái ao tù ngôn ngữ để hoàn tất chức năng rộng lớn hơn, tạo sự cảm thông giữa các nền văn hóa. Với cơ chế thơ vần, người làm thơ bận tâm tìm chữ, tìm vần để đạt tới cái hay của ngôn ngữ nên không có mục đích chuyển tải tư tưởng và đời sống. Ngay cả thơ tự do cũng khó hiểu vì ý tưởng rời rạc, rơi vào trò chơi tìm chữ hiếm, chữ lạ. Vì thế khi chuyển dịch, người đọc không phải ngôn ngữ Việt không hiểu bài thơ muốn nói gì, hoặc không thấy có gì trong đó. Cuối cùng thơ hoặc những dạng văn học nặng về tu từ chỉ để thưởng thức riêng cho một bộ tộc, cùng ngôn ngữ và văn hóa. Vả lại, ở một thời đại mà mọi sự thay đổi nhanh đến chóng mặt, làm sao một nền tảng mỹ học hàng thế kỷ còn thích hợp được với thời gian? Ngay sự khác biệt giữa các thế hệ cũng được tính theo chu kỳ ngắn nhất. Chỉ cần 5 năm sau từ nước ngoài về thăm quê hương, người Việt đã không còn nhận ra bề mặt xã hội trước đó. Văn học cả trong lẫn ngoài đã không còn bắt kịp với đời sống xã hội, hoặc bất động, hoặc suy tàn.

     

    Nền văn học hải ngoại được hình thành vững chắc và sôi động có lẽ vào khoảng đầu thập niên 1980, sau những năm ổn định đời sống và quần tụ được với nhau thành những cộng đồng hải ngoại ở khắp nơi trên thế giới. Nền văn học đó bao gồm những khuôn mặt tên tuổi của miền Nam trước 1975, những khuôn mặt mới trưởng thành sau 1975, với thành phần vượt biên và định cư theo diện tỵ nạn hoặc di dân, và thành phần trẻ hơn một chút, ra khỏi nước vừa đến tuổi trưởng thành, còn tiếng Việt đủ để hình thành một lớp nhà văn trẻ mới. Có lẽ vì vậy mà nền văn học hải ngoại còn được gọi là nền văn học miền Nam kéo dài. Bởi tên tuổi chính cho nền văn học này là những nhà văn nhà thơ đã nổi danh ở miền Nam trước đây. Cách biểu hiện vẫn như cũ chỉ khác nội dung, nói lên tâm trạng hoài niệm về một đất nước gặp cơn ly tán. Nhưng đến cuối thập niên thì nền văn học đó rơi vào bế tắc. Ðến đầu thập niên 1990, hai nguồn tiếp sức cho văn học hải ngoại từ trong nước là phong trào văn học Ðổi Mới, tập trung nơi tờ Hợp Lưu, và dòng thơ ngoài luồng chính, còn được gọi là Thơ Trẻ, tập trung nơi Tạp chí Thơ. Văn học hải ngoại trở thành cái nôi, lôi cuốn sự chú ý ở cả trong lẫn ngoài nước. Nếu tính như thế thì nền văn học đó đã có một chiều dài trên 20 năm, và là một nền văn học khá đặc biệt và sung sức. Nhưng chu kỳ của một nền văn học thường kéo dài khoảng 10 năm, rồi bắt đầu chuyển qua một thời kỳ khác, hoặc sẽ được tiếp nối bởi một thế hệ sau. Những khuôn mặt chủ yếu của nền văn học tiếng Việt ở hải ngoại, bây giờ đã mệt mỏi sau hai thập niên, không còn khả năng tiếp nhận thêm điều gì mới. Ngay thế hệ những nhà văn Ðổi Mới và những nhà thơ trong phong trào Thơ Trẻ (đến nay đã không còn trẻ nữa) trong nước cũng không còn sáng tác, và nếu có thì cũng đã lạc điệu. Không ai có thể kéo dài quá khứ, không ai có thể kéo dài thời gian. Một nền văn học đã hết sinh khí của nó và đang đi vào thời suy tàn.

     

    Dấu hiệu suy tàn của nền văn học hải ngoại đã thấy rõ. Những tác giả nổi tiếng ở thập niên 1980 và1990 đa số đã không còn sáng tác, hoặc cầm chừng, hoặc lập lại những gì đã viết. Những tạp chí văn học số người đọc ít dần. Nhưng có lẽ, qua sinh hoạt, nếu tinh ý chúng ta sẽ nhận ra, một số nhà văn nhà thơ đang tìm cách mang tác phẩm của mình về nước in ấn, để tìm kiếm người đọc mới. Vì nền văn học trong nước vẫn còn dưới sự kiểm soát của quyền lực nhà nước nên muốn in lại tác phẩm và có tiếng vang, phải được sự công nhận của nhà nước. Ðiều nghịch lý, thời thế và xã hội đã đổi thay. Một thế hệ mới trưởng thành ở trong nước sau thời mở cửa, có những tâm tư khác hẳn thế hệ trong thời chiến tranh. Ngay chính những tác phẩm của thời Ðổi Mới họ cũng không còn đọc nổi. Mỗi thế hệ có một nền văn học để nói lên tâm tư tình cảm của họ. Không một thế hệ nào muốn một thế hệ khác làm giùm cho mình một nền văn học. Vì thế những tác phẩm ở hải ngoại mang về trong nước in ấn, không những thế hệ sau mà ngay thế hệ đồng thời với họ, cũng không mấy ai chia sẻ, vì khác biệt về chính kiến, về hoàn cảnh trong thời chiến tranh chia cắt.

     

    Nhưng không phải ai cũng được nhà nước chọn cho trở về. Nền văn học hải ngoại chạy theo sinh hoạt, trở thành cái bung xung của chính trị. Một số cá nhân khai thác những sơ sót nhỏ nhặt của người khác để gây sự chú ý, biến sinh hoạt văn học mang tính khách quan, vô tư thành một đấu trường. Trong lúc đa số, khi không còn sáng tác nữa, họ quay về với đời sống bình thường, coi nền văn học đó như một giấc mộng thoáng qua. Ðó là một trong những nét đẹp của nền văn học hải ngoại. Thật ra để hóa giải trò hỏa mù này cũng không khó, nếu chúng ta nhận ra rằng sơ sót là một phần đời sống, như trong âm có dương, trong cái hay có cái dở, trong hỗn mang ẩn chứa những yếu tố trật tự. Sơ sót đến với ta hàng ngày hàng giờ, theo ta đến hết cuộc đời, và làm chúng ta thực sự hiện hữu 1. Nếu chấp nhận, nó sẽ làm chúng ta lớn lên, nếu sợ hãi, nó sẽ làm chúng ta nhỏ lại. Như vậy thì cũng chẳng cần phải hóa giải, vì nó đã là một phần trong cuộc sống. Chúng ta chỉ trở thành lớn lao nếu dám ôm lấy mọi cái xấu, cái ác cũng như cái thiện của đời. Nhà văn Trung hoa Lâm Ngữ Ðường so sánh: “Một viên chủ bút Mỹ lo đến bạc đầu vì không muốn thấy một lỗi in nào trong tạp chí của ông. Viên chủ bút Trung hoa khôn hơn, để cho độc giả có cái thú tìm ra ít nhiều lỗi trên báo.” 2

     

    Vả chăng ngôn ngữ, là một phương tiện tương đối, luôn luôn biến đổi, thì những ý tưởng mà nó chuyên chở cũng không bao giờ đúng thực. Và khi chấp vào văn tự, chấp vào ngôn ngữ, chấp vào đúng sai thì chính chúng ta mới thật sự rơi vào sai lầm. Làm sao chúng ta hiểu được thơ, hiểu được văn học? Nhìn suốt thế kỷ 20 ở phương Tây, những phong trào tiền phong, cuối cùng thơ văn chỉ là một trò chơi ngôn ngữ và ý tưởng, và hội họa là trò chơi màu sắc và đường nét. Khi đã nói là một trò chơi thì có gì là ghê gớm. Những gì được gọi là cao siêu thì nay cũng chỉ còn là một cách nói. Quan niệm “làm mới” (make it new) như kim chỉ nam suốt thế kỷ, chẳng qua là tìm mọi cách, qua chữ, chuyên chở những ý tưởng kỳ dị làm kinh ngạc người đọc. Nhưng bây giờ thì văn chương đã mất phép màu của nó, chẳng còn khả năng làm kinh ngạc ai, mà chỉ phơi bày sự kênh kiệu và nhàm chán. Không có cách nào khác, người nghệ sĩ phải trở về chứng thực tài năng, làm sao cho người đọc phải đọc tác phẩm của họ.

     

    Cũng như Nhân văn Giai phẩm ở miền Bắc và Sáng Tạo ở miền Nam thập niên 1960, Văn học Hải ngoại là hồ sơ đang khép lại để chờ những nghiên cứu của những nhà nghiên cứu văn học. Những cái hay, cái dở, những khuyết điểm và ưu điểm sẽ được lọc ra một cách công bình. Nhưng lý do chính của sự suy tàn là nền văn học này không có thế hệ kế thừa. Quay nhìn lại sau 30 năm, một thế hệ rất trẻ nay đã trưởng thành. Ðây chính là thời kỳ sung mãn trong sáng tạo, khi họ vừa bước khỏi ngưỡng cửa học đường với những trang bị về kiến thức và kinh nghiệm đầy đủ nhất. Nếu trong một xã hội bình thường thì chính họ đang bắt đầu một giai đoạn mới của văn học. Nhưng họ lại đang sáng tác bằng ngôn ngữ nơi đất nước họ sinh ra và lớn lên, như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Ðức... vì đó là ngôn ngữ của họ. Họ là một thế hệ bị bứt rễ và không còn thuộc vào nền văn học Việt. Nhưng để sáng tác, họ phải đi tìm bản sắc và nguồn cội văn hóa của chính họ để làm chất liệu. Ðó là sợi chỉ mờ nhạt liên hệ giữa họ và văn học hải ngoại, giúp chúng ta giải quyết sự khủng khoảng suy tàn hiện nay.

     

    Ðể kéo họ trở lại, chúng ta cần có phương tiện để tạo sự cảm thông và làm gạch nối giữa những thế hệ có cùng một nền văn hóa, nhưng lại viết bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, cả ở trong lẫn ngoài nước. Phương tiện đó là thể thơ không vần của Tân hình thức. Chúng ta lại cần tới một thế hệ bản lề, sinh ra hay lớn lên ở hải ngoại từ lúc rất nhỏ, còn tiếng Việt và có khả năng tiếng Anh tự nhiên, làm công việc chuyển dịch. (Bởi vì khi chuyển dịch, được ý thì mất lời. Cái hay của lời bị mất nhưng còn cái ý, nên cần có ngôn ngữ tự nhiên của người dịch để cứu vớt cái hay của lời.) Nếu với hai yếu tố đơn giản, vắt dòng và kỹ thuật lập lại, chúng ta chuyển các thể thơ có vần thành không vần; thì với hai yếu tố, thơ không vần và nhân sự chuyển dịch, lại một lần nữa, chúng ta bắt được một tầm nhìn mới, đưa thơ Việt ra khỏi cái tù túng của ngôn ngữ. Như vậy, trong khi đi tìm kiếm cái hay mới (dĩ nhiên phải hy sinh cái hay cũ), chúng ta nắm được chiếc chìa khóa, mở cánh cửa và bước ra khỏi nền văn học đang suy tàn. Khi bị thúc đẩy tạo sự cảm thông giữa nhiều thế hệ với nhau, chúng ta nhận được những lực hổ tương mới. Một đằng được kích thích bởi những nhà văn Việt thành công ở nước ngoài, như Linda Lê (trở thành nhà văn nổi tiếng của Pháp). Những nhà văn trẻ trong nước chắc chắn mong muốn được đọc Linda Lê, đồng thời họ cũng muốn Linda Lê đọc họ. Chính lực hổ tương đó là động lực mạnh mẽ để thể thơ Tân hình thức chắp thêm cánh, đưa thơ Việt tới một chân trời khác.

     

    Qua những nhận xét trên, không phải chúng ta cho rằng thơ vần điệu và tự do Việt đã lỗi thời. Mỗi thời đại gồm có nhiều thế hệ sống chung với nhau, nhưng mỗi thế hệ lại có cung cách biểu hiện khác nhau. Trong đó, thơ Tân hình thức đáp ứng cho một thế hệ mới nhất. Và dĩ nhiên nó phải đáp ứng được những điều kiện phù hợp với thời đại của nó. Vì thơ Tân hình thức chỉ là một thể thơ, một hình thức diễn đạt, nên vượt qua được sự hạn chế nội dung của từng nền văn học, từng thế hệ và thời đại. Hình thức là phương tiện nối kết giữa các thế hệ với nhau. Ðó là điều kiện cần nhưng chưa đủ, nó còn phải có khả năng đưa thơ Việt thoát ra khỏi những giới hạn của ngôn ngữ, để có được tiếng nói ngoài thế giới. Thơ tân hình thức kết hợp của nhiều kinh nghiệm, giữa thơ vần và thơ tự do, giữa ngôn ngữ và thơ tiếng Anh và tiếng Việt. Cũng như lục bát, thơ Tân hình thức dễ làm mà khó hay, có khả năng biến hóa và đẩy tới tùy theo tài năng của người làm thơ.

     

    Ðặc điểm của thơ Tân hình thức là dễ hiểu nhờ tính truyện, cùng với sự mạnh mẽ và liền lạc của ý tưởng. Ngôn ngữ trong thơ là ngôn ngữ đời thường, giản dị, trong sáng và chính xác, chuyên chở được tâm tư tình cảm có thực từ đời sống, nên dễ chuyển dịch sang một ngôn ngữ khác, và lôi cuốn người đọc nước ngoài. Ðó là ưu điểm không thể loại thơ nào có được. Không chỉ vậy, người đọc không thể tách riêng một cá nhân nhà thơ hay một bài thơ ra để chê hay khen, vì tất cả là tập hợp của rất nhiều giọng điệu, nhiều tâm tư, nhiều cách diễn đạt khác nhau của một tập thể duy nhất là thơ Tân hình thức. Tên tác giả hay dịch giả cũng mờ nhạt trước sự chuyển động rầm rầm của những bước chân của đoàn lữ hành mới. Có lẽ vì thế mà nhiều người quen cách đọc thơ cũ không nhìn thấy cái hay của nó, phản ứng lại vì bị choáng ngợp bởi cái hùng tâm của phong trào.

     

    Trong khi cái hay của thơ vần và thơ tự do Việt nằm nơi tài năng người làm thơ, tùy theo cách chọn chữ chọn lời, dàn dựng âm thanh của ngôn ngữ, sao cho khi đọc lên nghe cho du dương hoặc khác lạ. Chữ gợi nơi người đọc hình ảnh và cảm xúc, và người đọc cảm nhận được cái hay của từng lời từng chữ, nương theo cảm khoái để buông rơi vào trạng thái mơ hồ. Ý nghĩa của bài thơ nằm trong tính chất mông lung, không rõ nghĩa, và người đọc có toàn quyền suy diễn theo cách của mình, nhưng phải hiểu rằng không có ý nghĩa nào là đúng thật. Cái hay của thơ không nằm nơi ý nghĩa mà nằm nơi hình ảnh và tính gợi cảm của ngôn từ. Cách làm thơ hoàn toàn dựa theo quan niệm thẩm mỹ, ý ở ngoài lời. Mỗi dòng thơ vì vậy có cái hay riêng. Không thể dùng cách đọc của dòng thơ này áp dụng vào dòng thơ khác. Ðọc như thế thì chỉ thấy cái dở chứ không bao giờ thấy được cái hay của thơ.

     

    Chúng ta phải thừa nhận một thực tế, với khoảng hơn 1 triệu người Việt rải rác khắp các tiểu bang, so sánh với 300 triệu dân số Mỹ, chắc chắn không ai có thể tìm thấy sắc dân Việt trên bản đồ Mỹ. Nhưng sắc dân đó lại quá nổi tiếng nhờ chiến tranh Việt nam và cuộc vượt biển thương đau do hoàn cảnh lịch sử tạo nên. Nền văn học hải ngoại, thoát thai từ đó, là một trường hợp khác thường, luôn luôn bị ám ảnh bởi bóng ma chiến tranh, pha trộn giữa chính trị và văn học. Chúng ta cũng cần ghi nhận, với lớp di dân thứ nhất, viết bằng tiếng việt, thì các ngôn ngữ khác như tiếng Anh, Pháp, Ðức... chỉ là ngôn ngữ thứ hai, vừa đủ để tiếp nhận thông tin và sinh hoạt. Vì không phải là tiếng mẹ đẻ nên không thể vượt qua những lỗ hổng văn hóa, khó có thể hội nhập, rung cảm và am hiểu thật sự văn học và học thuật phương Tây.

     

    Hơn nữa, là một cộng đồng di dân và tỵ nạn, có khuynh hướng bảo tồn văn hóa nên không có những thách thức nồng cháy, cọ sát với nền văn hóa khác và phát huy văn học. Ðể thể hiện đầy ắp những tình tự mang theo từ quê hương cũ, những người viết của nền văn học này, trong suốt hơn 20 năm, cũng chỉ cần tới những thể thơ và phương pháp cũ. Bởi cách diễn đạt mới luôn luôn kéo theo những nội dung mới. Và ngược lại, khi nào cần diễn đạt những nội dung mới, chúng ta mới có nhu cầu tìm kiếm những hình thức mới. Tân hình thức có lẽ là trường hợp duy nhất rút tỉa được từ những phân tích, suy nghiệm về ngôn ngữ và thơ tiếng Anh có bài bản, và áp dụng vào thơ Việt. Tân hình thức còn nối kết được với thế hệ thứ hai ở hải ngoại, đưa thơ và văn học ra khỏi tính chất làng thôn, nhập vào cuộc chơi với những nền văn học khác. Ðó chính là con đường sáng của thơ Việt, và Tân hình thức chẳng phải đang tự tạo cho nó và nền văn học Việt một phong cách lớn đó sao?

     

    Khế Iêm

     

    Tháng 8 - 2005

     

     

     

    1. Bức tranh Guernica của nhà danh họa bậc thầy Picasso từng bị chê là: “một mớ lộn xộn những bộ phận cơ thể mà bất cứ một đứa trẻ 4 tuổi nào cũng có thể vẽ.” Nhưng có lẽ chính những nét vẽ vụng về đó lại tạo nên cảm xúc thật cho người xem, và bức tranh đã trở thành một tác phẩm lớn của thế kỷ. Toàn bích, điêu luyện, trau chuốt quá có khi lại giả tạo, phải có một chút vô tình vụng về, sai sót mới thật được.

    2. Lâm Ngữ Ðường (Lin Yutang), Một quan niệm sống đẹp, (The Importance of Living) do Nguyễn Hiến Lê lược dịch.


  7. Bùi Chát

     

    GHI CHÉP

     

    trước trung tâm trưng bày của hãng

    Daewoo ở ngã tư Ðinh Tiên

    Hoàng; là những cây rất to tỏa

    nhiều bóng mát, và những cây rất

    nhỏ dưới bóng mát đó. Rồi từ

    đâu đến một bà lão lặng lẽ

    ngồi dưới gốc cây, bà cứ lùa

    đôi mắt và chiếc nón về phía

    mọi người mà im lặng. Không ai

    hiểu gì hết, chắc chắn là không

    ai hiểu gì hết. Nếu nghi ngờ

    thì cứ xem; từ chiều đến giờ

    chiếc nón có gì, ngoài dăm chiếc

    lá rơi từ những cây kia. Tôi

    nghĩ, chỉ cây cối là hiểu. (Vì

    chính tôi cũng chẳng có đồng nào).


  8. Thân gửi quí anh chị,

     

    Trân trọng mời quí bạn thăm website: www.thotanhinhthuc.org đồng thời xin giới thiệu tới quí bạn mua giúp cuốn sách mới xuất bản: Tuyển tập thơ Tân hình thức.

     

    Ðây là vài thông tin về Tuyển tập thơ THT:

    ThoTHT.gif

     

    Thơ Không Vần, Tuyển Tập Tân Hình Thức

    Blank Verse, An Anthology Of Vietnamese New Formalism Poetry

     

    Biên tập: Khế Iêm

    Dịch thuật: Ðỗ Vinh

    Giới thiệu: Ðặng Tiến

    Tan Hinh Thuc Publishing club xuất bản

     

    490 trang, phần tiếng Anh 170 trang, phần tiếng Việt 320 trang.

    Giá 20.00 Mỹ kim

     

    Số người tham dự:

     

    Bùi Chát, Carol Compton, Dã Thảo, Donna Hall, Ðặng Thân, Ðinh Cường, Ðỗ Kh., Ðoàn Minh Hải, Ðức Phổ, Gyảng Anh Iên, Hà Nguyên Du, Hải Vân, Hồ Quỳnh Như, Hoàng Xuân Sơn, Huỳnh Hữu Ủy, Huỳnh Lê Nhật Tấn, Inrasara, Khánh Hà, Khế Iêm, Khúc Duy, Khúc Minh, La Toàn Vinh, Lê Giang Trần, Lê Thánh Thư, Linh Vũ, Lưu Hy Lạc, Lý Ðợi, Mai Ninh, Mai phương, Nam Du, Nguyễn Cảnh Nguyên, Nguyễn Ðăng Thường, Nguyễn Ðăng Tuấn, Nguyễn Ðạt, Nguyễn Hoài Phương, Nguyễn Lương Ba, Nguyễn Trọng Khôi, Nguyễn Phan Thịnh, Nguyễn Phúc Bảo Tiên, Nguyễn Thị Khánh Minh, Nguyễn Thị Ngọc Lan, Nguyễn Thị Thanh Bình, Phan Thị Trọng Tuyến, Nguyễn Tiến Ðức, Nguyễn Tư Phương, Nguyễn Tuyết Trinh, Nguyễn Hữu Viện, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, NP, Phạm An Nhiên, Phạm Chung, Phạm Việt Cường, Phan Ðình Ngọc Cẩm, Phan Tấn Hải, Phan Thị Trọng Tuyến, Quốc Sinh, Quỳnh Thi, Thiện Hiếu, Trà Ðóa, Trầm Phục Khắc, Trần Kiêu Bạc, Trần Lệ Thủy, Trần Thị Minh Nguyệt, Trần Tiến Dũng, Tunisia, Việt Hà, Vũ Huy Quang, Xích Long, Ý Liên.

     

    Vì phí tổn quá cao và giá bán lại thấp, khi mua xin tính thêm tiền cước phí:

    Trong nước Mỹ thêm 5Mỹ kim. Các nước khác (bằng đường thủy: 5 Mỹ kim, đường hàng không: 10 Mỹ kim).

     

    Xin quí anh chị gửi về gấp chi phiếu và địa chỉ về:

     

    Tan Hinh Thuc

    P. O. Box 1745

    Garden Grove, CA 92842

     

    Trân trọng,

     

    Khế Iêm

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This is an example of a list.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

×
×
  • Create New...