DoigiobuiTT
Thành viên-
Số bài viết
19 -
Gia nhập
-
Đăng nhập
Content Type
Trang cá nhân
Diễn đàn
Lịch
Blogs
Downloads
Ảnh
Videos
Articles
Mọi thứ được đăng bởi DoigiobuiTT
-
Phiếm luận về văn hóa giao tiếp Online... Trịnh Tuấn "Nếu bạn có một cái bánh mì, tôi có một cái bánh mì, ta đổi cho nhau, thì mỗi người vẫn chỉ có một cái. Nhưng nếu bạn có một luồng tư tưởng, tôi có một luồng tư tưởng, ta đổi cho nhau, thì mỗi người có đến hai luồng tư tưởng.". Câu nói đó chẳng biết của ai, có người bảo nó của Shakespeare, lại có người bảo là không phải. Tôi không quan tâm đến việc nó được ai phát ngôn ra, nhưng quả thực, ý nghĩa của nó làm tôi ám ảnh, có thể nói, nó ghim chặt vào trí óc tôi mỗi khi định giao tiếp với ai. Nếu như, ngôn ngữ là công cụ để tư duy, thì giao tiếp lại là công cụ cho việc giao thoa các luồng tư tưởng. Lý thuyết là thế, còn thực hành lại là một chuyện khác. Thực hành giao tiếp ngày nay thông qua nhiều phương tiện, nhờ tiến bộ khoa học kỹ thuật, các phương tiện truyền thông đáp ứng đủ các loại máy hỗ trợ cho tiếng nói của con người, bằng những tín hiệu số hóa, các giao tiếp cũng trở nên "sang trọng" hơn về mặt quy cách và hình thức. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở việc chỉ có "hạt sạn trong đống gạo", thì người viết cũng chẳng cần phải ngồi đây để viết ra những dòng này, quấy rầy mất thời gian bạn đọc. Sự thật, chẳng cần phải thống kê, chẳng cần phải mất nhiều thời gian để ý, chúng ta cũng nhìn thấy nhan nhản những giao tiếp trên mạng: Thiếu thốn đến trầm trọng từ phương thức, cách thức, kỹ năng, đến trình độ lẫn nghệ thuật giao tiếp; hơn thế, là những biểu hiện của sự xuống cấp về mặt đạo đức giao tiếp, thông qua việc biểu đạt giao tiếp trực tuyến. Người viết có đọc được một số "câu chuyện buồn" của người xưa liên quan đến bài viết này, nhân tiện, cũng xin trích y nguyên, để ai đó có nhu cầu tìm hiểu khỏi phải mất công tìm kiếm. Trong Phạm Quỳnh, Pháp du hành trình nhật ký, năm 1922, có viết: "Người mình không những nghề diễn thuyết chưa biết, mà đến nói câu chuyện cho có đầu đuôi manh mối cũng ít người nói được. Khi Hội đồng thời chẳng khác gì như họp việc làng, tranh nhau nói, ồn ào lộn xộn mà ít ai nói được câu gì cho có nghĩa lý, chỉ bẻ hành bẻ tỏi nhau những cái vặt vặt chẳng đâu vào đâu. Khi yến tiệc thời đương câu chuyện vui, gặp có tiếng gì buồn cười, nhất là nói tiếng bẩn, ông nào to miệng cả tiếng thở ra một cái cười hà hà, cử toạ đều cười ầm cả lên đến vo đổ nhà, thế là câu chuyện tan. Chỗ công môn thời ông quan nói, muốn ra oai mặt sắt chỉ nói nhát gừng, cách một vài câu lại điểm những tiếng nghe chưa? nghe chưa? thằng dân thưa thốt gãi tai gãi đầu, chỗ nghe những tiếng bẩm bẩm dạ dạ nói không ra lời. Mấy cậu thiểu niên thời toa toa moa moa ngậu xị cả đường phố câu chuyện không những vô vị mà thường bất thành ngôn nữa. Thời buổi nhố nhăng, ngữ ngôn bác tạp, anh bồi chú bếp con bạc làng chơi ả giang hồ cậu công tử, Tây không ra Tây, Tàu không ra Tàu, ta không ra ta, có nhiều cái xã hội không biết họ nói thứ tiếng gì. Thử tìm khắp trong nước được mấy người là biết nói năng lịch sự? Thật ít quá.". Ở cái thời của cụ Phạm Quỳnh, mà cụ còn phải thốt lên là Thử tìm khắp trong nước được mấy người là biết nói năng lịch sự? Thật ít quá, thì hôm nay, giữa "thời đại @" này, lấy ai ra mà thốt? Và biết thốt thế nào? Cách đây vài năm, người viết bài này có tham gia sáng lập và quản trị box Nghệ Thuật Thư Pháp trên mạng Trái Tim Việt Nam (TTVNOL), nhưng cuối cùng, cũng xin "nghỉ hưu" không làm tiếp được. Không phải là không còn quý mến con chữ, mà chẳng chịu được những "reply" theo kiểu chợ búa, thô tục và đầy hách dịch của không ít thành viên. Cho đến khi tham gia vào các diễn đàn khác, thì mới "ngộ" ra rằng, rốt cuộc, "tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa!". Phải công nhận rằng, "thời mở cửa cái gì cũng mở" (câu của Võ Trung Hiếu), mở đến mức khi khép lại soi mặt xuống ao, cá tôm cũng sợ, có người chẳng nhận ra mình là ai nữa. Từ kiểu dáng đến hình hài, từ ngôn ngữ đến tư duy, từ v.v..., nói chung đều..."ba rọi"! Có những cậu học trò lớp 8, lớp 9 đi học về nói chuyện với ông bà toàn bằng ngôn ngữ mạng, các ông bà chả hiểu mô tê được gì, đành cười trừ với cháu cho qua chuyện. Mà cũng lạ, cái văn hóa cười trừ của Việt Nam cứ như ngấm vào xương tủy bao người từ thuở nào đến bây giờ vậy. Trong Nguyễn Văn Vĩnh, Đông Dương Tạp chí, năm 1914 có ghi: "An Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng hì, mà dở cũng hì, phải cũng hì mà quấy cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng mọi việc hết nghiêm trang...". Bây giờ cũng vậy thôi, thử lướt qua các trang blog của một số "Nhà lớn"(bao gồm chữ Nhà thừa số cho thơ, văn, báo, nhạc,...), các vị cũng thường...cười trừ cả. Có lẽ có nhiều lý do, một trong những lý do thường thấy là các vị ngại cúi xuống nói chuyện với "phường lòi tói" như cái phường mà bà Hồ Xuân Hương ngày xưa đã chửi, vì sợ mình chửi họ cũng chả khác gì mình như họ. Nhưng người viết bài này trộm nghĩ, đã dự mình vào cái bữa tiệc chia tên (tên miền miễn phí cho các địa chỉ blog) này, thì sang hay hèn cũng đều "chung mâm" cả. Các vị có ngồi trên cái sập gụ kê ở giữa gian chính trong tòa biệt thự, sạch như li như lau đi chăng nữa, mà bên ngoài trẻ con nó "đi bậy" ra khắp sân hè, thì chắc cũng chẳng thơm tho gì. Nên chăng...tất cả cùng tham gia "lễ hội môi trường mạng", trước khi quay về cái "sập gụ" của mình(?). Có lần, tôi bị trách là không để lại comments khi vào thăm blog của một người bạn trong My Friends trên blog.360.yahoo rằng: "Ông cứ vào đọc chùa, không comments gì hết là sao?". Nhưng quả thật, tôi không biết nói gì, viết gì. Viết hoặc nói ra cái điều mình không muốn, thì tốt nhất là đừng nói, đừng viết. Viết hay nói ra không khéo thì tổn thương bạn, tránh cho bạn khỏi bị tổn thương thì lại bị tổn thương mình. Tôi quả là không dám dự với "nồi lẩu ngôn ngữ" của bạn, đành nghe bạn trách mà đọc một câu thơ của Bùi Giáng làm vui: "Rằng xin các hạ hãy vô ngôn!". Có lẽ, trong số quý vị, những người đọc bài viết này, nhiều ít cũng đã phải có những lúc "vô ngôn". Nhưng, thưa quý vị, dù là mất cả đêm để ngồi viết những dòng, mà tôi biết, có không ít các blogger cho rằng, đó là nhảm nhí, là lẩm cẩm, là hâm hấp, là lạc hậu...tôi vẫn có một niềm tin là: Sớm muộn gì cũng sẽ có một sự sàng lọc tất yếu hoặc ngẫu nhiên cho hiện trạng văn hóa giao tiếp online này. Tôi cũng tin chính quý vị là những người sẽ lên tiếng để bênh vực chữ nghĩa, quan trọng hơn là bênh vực cho sự vô tội của tiếng Việt đang bị cưỡng bức bởi số ít những người dùng công nghệ làm sức mạnh xâm lược nó.
-
NHAI CỎ TRONG MÙA 8X Trịnh Tuấn Như một con bò lạc đàn trong sa mạc, tôi ngúc ngoắc cụm sừng non vừa nhú về phía mặt trời mọc, rống lên một tiếng gọi bầy đàn. Ở đâu đó phía bên quả mặt trời vọng hắt lại tiếng rống của tôi và phà vào mặt tôi một mùi cỏ úa có kèm theo mùi con gái. Tôi gục mặt xuống cái bóng đổ dài trên cát, như gục xuống một hoàng hôn lầy nắng, cố tìm một giấc ngủ vùi và mơ về bờ thảo nguyên dậy thì cỏ mọng. Hai khuôn mặt ngu đần: Mặt tôi và mặt cái bóng tru vào nhau ở điểm giao kết: Cái mõm. Cát xộc vào lá phổi ghì bám như nicotines bặm xoắn trên môi ả ca ve. Giấc mơ hì hục tranh giành giọt nước ngày sắp cạn. Như một con bò bị lùa vào đàn đồng loại, ăn theo mõ, ngủ theo bầy, giao phối khi đến mùa động đực, tôi rống lên tiếng gọi bạn tình. Ở đâu đó trong bầy đàn tôi, những con bò cái gườm nhau, vừa muốn độc chiếm cụm cỏ non bên triền đê mơn mởn mọc sau đêm chị Hằng đi đái, vừa muốn xộc vào tôi thỏa mãn bản năng giao phối của loài. Tôi khẽ rùng mình trộm nghĩ đến khái niệm Loài và Hạng Cả hai khái niệm ứa chảy ra bọt mép khi con bò cái lao vào tôi hòng chiếm đoạt giây phút tân tơ... Giây phút ấy giãn ra và phóng đi như xung lực tinh vân tách khỏi đám tinh tú lập lòe trên bầu trời đêm ngân hà rực lửa... Đang mải ví mình là một con bò, rồi sẽ ví là một con gì đó Chợt em nhảy xổ vào tư tưởng tôi với dáng điệu oặt ẹo theo điệu múa cột trong vũ trường lúc cạn đêm về sáng, hình ảnh ấy bỗng choán đầy vùng chứa ngôn ngữ trong tôi, những kí hiệu rơi lả tả lên cánh đồng, em gọi với theo bảo đó là cánh đồng của mùa 8X. Tôi vơ bừa những cọng cỏ nhai ngấu nghiến, và ọe ra đám cú pháp được mặc định như trên tivi phát tối nay rằng: Đó là thơ!
-
Thơ tình viết trong lúc học TOÁN RỜI RẠC. Em... Sự rời rạc hoá những gì liên tục Anh... Kết nối bất lực những kí hiệu vô hình. Tình yêu... Là kết quả của chuỗi suy luận mịt mù! Muôn mặt éo le xoắn kép những ước mơ Phương trình vô số nghiệm. Ta đặt nhau vào những toạ độ lệch lạc Để mơ hoang về một giao thoa không thể! Ở đâu đó phía tận cùng chuỗi số Ở đâu đó phía tận cùng kí hiệu Ở đâu đó phía tận cùng bế tắc... Có lẽ ta đang của nhau trong cặp: Nếu...thì.... TRỊNH TUẤN
-
[ĐÊM MẤT NGỦ] Có hai vầng trăng cùng soi trong một cái cốc Có hai khuôn mặt trong một nụ hôn Đó là những thứ độc quyền phát hành sự mệt mỏi trên toàn cơ thể tôi như đỉa đói Tôi cầm bút và viết, nói chính xác là cầm bút lên tiến hành cuộc làm nhục chữ! Tôi bày lên mặt giấy những trình tự cú pháp chưa một lần được đặt kề cạnh nhau trong chỉnh thể một từ, một câu hay một đoạn văn bản thống nhất. Chúng hiển nhiên nằm im phăng phắc như một cái xác chữ hóa thạch: Không nghĩa lí, không vần điệu Chúng mất ngủ cùng tôi trong nhiều đêm, những câu cú phờ phạc như xong cuộc truy hoan trong bức tranh các họa sĩ thời phục hưng diễn tả. Bên ngoài cỗ quan tài chứa dữ liệu những mối tình, tôi biến những chữ nghĩa ấy làm thành quách bao quanh Và cứ thế, tôi nghĩ mình đang làm nhục chúng, cũng có thể chúng cũng đang nghĩ chúng làm nhục tôi. TRỊNH TUẤN
-
Ừ THÔI, TỪ TẠ TÊN EM. ( Cho NT ) Ta trở về với đêm thẳm sâu, ngút trùng tia lạnh găm trầy khuôn mặt, mặc cả về những giấc ngủ vùi. Thơ òa khóc, vỡ tung toé ngữ ngôn, rơi lả tả xuống lòng bàn tay những âm điệu xạc xào ngày tháng. Đêm bừng nóng những tia lửa thoát thai từ trái tim giấu hình hài kim tự tháp, vẩy lên trời sắc lạnh hồng hoang. Ghì víu kí tự tên em, gập ngã chúi đầu về phía vòm khói thuốc, rệu rã cười gằn trong li khai ngữ âm hỗn loạn. Tên bạo chúa bản năng xòa bàn tay gai, ra lệnh trái tim từ khước tước hiệu cuộc tình, phủ dụ những đam mê quy hàng miền tưởng tượng. Hơi thở lòa câm sờ soạng lần theo làn sương kí gửi, lịch sử chùng dây ở đoạn nàng Eva biết e lệ thẹn thùng. Bầy kiến bò vào giấc mơ hấp hối, lần tha từng kí hiệu cuộc tình. Dị vết yêu thương chỉ còn lại sần sùi trên vành mi đặc cóng. Tên em kẻ chỉ bàn tay, khúc xạ trên đường định mệnh, buông thỏng hư hao về một ám hiệu rã rời. Tôi quỳ lên vết thương lọt thỏm, gục mặt xuống chỗ có tên em hóa thạch, vời cơn đau minh chứng lỗi lầm. TRỊNH TUẤN
-
ĐẾN VỚI "Một đêm xuân Hà Nội" CỦA NGUYỄN THANH MỪNG
một chủ đề đăng DoigiobuiTT trong Nghiên cứu - Lý luận - Phê bình
Trịnh Tuấn Số tôi thật là may mắn, vì được quen biết với nhiều người, vợ tôi bảo thế và tôi cũng tin như thế! Nhiều lúc, nghĩ về những sự may mắn của mình, tôi cứ hay chép miệng, giống như con Thạch Sùng chép miệng mỗi khi đói lòng vậy. Chẳng nhớ nổi đã từng có những cảm xúc gì khi nghĩ về những điều may mắn ấy, nhưng có một lần xúc cảm của tôi bị lay động mạnh, dẫn vào một trạng thái thăng hoa đỉnh điểm khi nghe được một tiếng cười, một tiếng cười dị biệt, tiếng cười không thể lẫn lộn được với bất kì một giọng cười nào: Tiếng cười của Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng. Khi anh cười, tôi cảm giác bị rơi vào trong tiếng cười ấy và lọt thỏm vào vùng sơ nguyên nhất của hào khí chàng trai Việt khi đứng trước biên thuỳ, hắt rượu lên đám mây trắng, cả cười nhìn cảnh vua Xứ Trà Bàn đem đất để đổi lấy gái*. Sáng nay, tôi có đọc được một chùm thơ của anh trên báo Văn Nghệ, số 23 (9/6/2007), thật ấn tượng với bài "Một đêm xuân Hà Nội": Thưa tôi gié lúa Rồng Tiên bước chân Giao Chỉ dạt bên Chiêm Thành sông Hồng ướt áo tàn canh ngàn năm thấm tháp ngọn ngành chửa khô. Tôi về gõ cửa muôn xưa một vong bản phía tiễn đưa nghìn trùng một rồ dại giữa anh hùng một vô danh giữa chập chùng tuổi tên. Đêm nay người nhớ hay quên tôi như linh mục tháo phên giáo đường trời xanh vồi vội giá sương tóc xanh bỗng cứ cuống cuồng trắng phau. (Nguyễn Thanh Mừng, Hà nội, 21.03.2007) Tôi có cảm giác như mình gặp lại chàng trai Việt của hôm nào cắn răng nhường bậc đế vương/ gươm cùn quẳng xuống vệ đường nhân duyên*. Vẫn cái chất ấy của vùng quê xứ Võ, ngạo mạn mà hiên ngang, nhịn nhường mà cao vút. Tự ví mình như một gié lúa Rồng Tiên để tự hào về nguồn gốc, nhưng vẫn ẩn chứa bên trong một cái gì đó nghèn nghẹn giống như một rồ dại giữa anh hùng vậy. Về lại đất Hà Thành trong một đêm xuân để gõ cửa muôn xa, chao ôi, anh làm tôi nhớ Bùi Giáng đến là tê dại. Anh làm tôi thèm khát cái Ngạo-Mạn-Nguyễn-Thanh-Mừng và thèm khát cái Dại-Điên-Bùi-Giáng quá. Anh nói mình vô danh giữa chập chùng tuổi tên cũng đúng thôi, vì người như anh tôi cũng tin là không có tên trong cái đám chập chùng ấy, anh là anh, một Nguyễn Thanh Mừng không thể lẫn lộn với ai! Nhiều lúc đọc thơ anh, tôi thấy sờ sợ một vẻ phóng khoáng khác, nó không phải là hào khí mà là một dạng của bức phá, ví như câu tôi như linh mục tháo phên giáo đường, chưa cần nói đến ý nghĩa của câu này, chỉ nhìn vào cái chữ phên dân dã quê kệch kia được gắn vào nơi nhà Chúa, đã thấy có một sự liên tưởng rất Nguyễn Thanh Mừng. Tôi nói câu này, vì tôi dám cá rằng, khắp cõi Việt này không có nhà thờ nào phải che bằng phên(nứa) cả! Có lẽ, cả bài thơ đọng lại một hình ảnh tôi nghĩ là đắt nhất, và mang nhiều cái chất của anh nhất chính là câu cuối: Tóc xanh bỗng cứ cuống cuồng trắng phau. Chả biết tóc kia cuống cuồng trắng để giục tuổi chóng về với cội nguồn ngút trùng vong bản, hay là còn một ý nghĩa nào khác. Chắc cũng chỉ có anh mới trả lời thỏa đáng. Tôi chỉ muốn dừng lại ở đấy, để học lấy từ anh Một-Tiếng-Cười, dẫu bây giờ tiếng cười của tôi vẫn còn đang méo xẹo... ________________________________________ (*): Ý trong bài thơ "Đám cưới Huyền Trân" của Nguyễn Thanh Mừng. Nguồn: Baobinhdinh.com.vn -
Điên từ rực rỡ làn môi Điên qua vô mãn khứ hồi làn da. Điên u minh chợt sáng loà Điên là điên dại hoá ra điên khờ _______ TT.
-
Người từ miên viễn ngược xuôi Ngó nghiêng dọc cõi chợ đời tìm thơ. Tôi từ vô mãn âm u Chiếu chăn nhàu vệt rũ lòa ái ân. Người từ thăm thẳm đường trần Mang theo dĩ vãng dò lần cổ kim Tôi từ phút ngạo chối tình Trăm năm thanh lệ một mình mua vui Người từ bòn đếm mân côi Rút xiên xéo nếp áo đôi bạc màu Tôi từ bia dựng ủi nhàu Phẳng phiêu tứ tượng hai đầu lưỡng nghi. Người từ một cuộc ra đi... Tôi từ một cõi đi về tìm nhau. Trăm năm sũng vệt cơ cầu Thông thênh ngực gió hứng dâu bể đời... _________ TT.
-
[1] Quên kẻ hèn mọn? , làm gì có kẻ hẹn mọn nào mà chọn cho mình cái nick đẹp và an toàn đến như "Lữ khách cuối cùng@"? Hiii, Nói vậy thôi, Tuấn muốn không viết nữa cũng không được. Buồn lắm, chẳng biết làm gì. Thôi thì cứ viết, những bài thơ hoang như những đứa con hoang, ốm đói và rách nát, hệt như Tuấn vậy. Ây cũng phản ánh đúng cái gọi là "người sao văn vậy"! Thân ái!
-
Cảm ơn bạn, DoigiobuiTT cũng rất vui được làm quen với với bạn. Hi vọng nơi diễn đàn này sẽ là nơi đất lành chim chim đậu cho hết thảy những tâm hồn thơ trẻ.
-
[đói] Hệt như bầy thơ đói gạo điêu linh Nốc ừng ực từng đàn ngôn ngữ. Anh vẽ lên môi em bức tranh đào nguyên ngược dòng nước xổ Bằng chất liệu nông phẩm thiển thô duy nhất chưa bị hoá màu. Cũng muốn chìa miệng ra rao bán mớ đa tình Nhưng vốn liếng còn đâu khi em vay tất cả! Không lẽ lấy tim mình ra chợ ngồi luồn dây chắp vá Rồi rêu rao mà bán đổi quấy quàng! Những bài thơ hoang như những đứa con hoang Anh chỉ rải dọc mũi bàn chân bặm đất Để lo xa cho một ngày kia anh chết Có mấy vần hoang đĩ chữ bên mình. Những vần thơ đói gạo điâu linh... _______ TT.
-
Cho V. Tình yêu thật hơn và cũng xót xa hơn*.Sau những trận say nỗi đau của chính mình hơn say rượu. Hạnh phúc ngả nghiêng chống chèo bằng câu thơ định mệnh. Bờ vui hắt gió bên ghềnh... Thằng bé mục đồng nằm ngửa hát ầu ơ ru con trâu ngúc ngoắc cánh chuồn chuồn*, ước mơ mọc cánh dưới gầm trời toang hoác thủng. Rồi cũng rạ rơm vác lên thị thành đổi chác yêu thương, đổi chác hình hài xông xênh gót ủng. Rồi cũng yêu và cũng biết đau buồn... Thâm quầng lời ru thức trắng canh chầy*, quá khứ cực cay em gói hộ cất vào mùa đông cũ. Chuyến xe tình không cho mua chiếc vé khứ hồi để quay trở lại sân ga xuất bến, cứ lao về phía mẹ cha đã từng đặt tên cho một con đường... Liệu số phận có nở hoa hồng*, chẳng thể nào đoán được. Nhưng đã biết là tình yêu dẫu xót xa nhưng là sự thật. Ừ, anh tin màu thời gian sẽ giống như những gì em đã pha trong bảng màu vẽ bức tranh cho ngày sau treo cạnh bên giường... _______ TT.
-
Một cây cọ nhểu màu Một câu thơ viết dở Một vành trăng tròn lẻ Và một tuổi hai mươi chưa biết màu mắt sẻ nâu là đẹp hay buồn Em trao tặng cho ta Như người mẹ trao cho con trai mình tấm bánh. Đứa trẻ trong ta Tạo Hoá chỉ vừa phác hoạ Tập tạnh run run khi nhận nụ hôn đầu. Chẳng đợi mùa cây bắp trổ nương cao Mùa cây lúa trĩu đòng ruộng cạn Ta bì bõm be bờ tình Giữa năm dài tháng rộng Te đàn trăng về phía hạ nguồn. Trời mưa con chuồn chuồn Trời mưa con săn sắt Trời mưa vạt cỏ triền đê Sũng hát: Ai cho ta một lâu đài cát... Ai cho ta một cọng rơm vàng... _____________ TT. SG, 2005.
-
[Lạnh] Mỗi nụ hôn là một kí hiệu Mỗi lời yêu là một mệnh đề (Tam đoạn luận bất lực nếu có ý định tìm ra kết quả.) Chỉ có những đẳng thức rơi ra từ vỏ chăn mỗi sớm mai thức dậy, sắc như lông mày âm bản kẻ ra đi, để lại chỗ nằm hoắm sâu như miệng rắn. Từng sợi vải bặm xoắn vào tiếng rít ghì cơn lạnh tràn qua từ chỗ nằm trống người trong mộng. Mùa đông cắm rễ vào nơi âm thanh xuất phát, hút kiệt ngữ ngôn, cô đặc thành hình thù que mút, bán sỉ cho những đại lí kinh doanh âm nhạc. Cuốn sổ nợ lè lưỡi liếm vào đôi mắt ngậm ken đóng bánh gạch vồ, dựng từng sợi tóc gáy ngả mầu chuyển giao từ đen sang trắng. Chiếc bóp (ví) hanh cong hình hạt muối, rộp từng vỉa da, khát bàn tay mồ hôi dầu ve vuốt. Buổi sáng ợ chua vị axít Amin. Kẻ ra đi mang mộng bình thường trong đôi dép nhựa sờn quai, người ở lại run nhợt yêu thương nơi viền cổ, bòn rút từng vệt cong queo trên tấm áo trườn ghì. Những kí hiệu Những mệnh đề Kết quả tam đoạn luận cuối cùng: Lạnh! ________ TT.
-
Ừ thôi, từ tạ tên em (Cho NT ) Ta trở về với đêm thẳm sâu, ngút trùng tia lạnh găm trầy khuôn mặt, mặc cả về những giấc ngủ vùi. Thơ òa khóc, vỡ tung toé ngữ ngôn, rơi lả tả xuống lòng bàn tay những âm điệu xạc xào ngày tháng. Đêm bừng nóng những tia lửa thoát thai từ trái tim giấu hình hài kim tự tháp, vẩy lên trời sắc lạnh hồng hoang. Ghì víu kí tự tên em, gập ngã chúi đầu về phía vòm khói thuốc, rệu rã cười gằn trong li khai ngữ âm hỗn loạn. Tên bạo chúa bản năng xòa bàn tay gai, ra lệnh trái tim từ khước tước hiệu cuộc tình, phủ dụ những đam mê quy hàng miền tưởng tượng. Hơi thở lòa câm sờ soạng lần theo làn sương kí gửi, lịch sử chùng dây ở đoạn nàng Eva biết e lệ thẹn thùng. Bầy kiến bò vào giấc mơ hấp hối, lần tha từng kí hiệu cuộc tình. Dị vết yêu thương chỉ còn lại sần sùi trên vành mi đặc cóng. Tên em kẻ chỉ bàn tay, khúc xạ trên đường định mệnh, buông thỏng hư hao về một ám hiệu rã rời. Tôi quỳ lên vết thương lọt thỏm, gục mặt xuống chỗ có tên em hóa thạch, vời cơn đau minh chứng lỗi lầm.
Footer title
This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.
Footer title
This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.
Footer title
This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.