Jump to content

trandoliem

Văn nghệ Tiền Giang
  • Số bài viết

    24
  • Gia nhập

  • Đăng nhập

Bài viết được đăng bởi trandoliem


  1. Hai lần nước mắt tự trào

     

    Dù biết ông đă ngoài tám bẩy

    Vẫn nghĩ ông đã sớm đi xa

    Ôi một trái tim Sáu lần vì Dân ấy

    Đã làm nước mắt ứa mi ta.

    Trời đất Việt Nam sao ngày này buồn thế

    Nơi mưa sụt sùi ,nơi nắng cháy da!

    Ngừng đập thật chăng trái tim rực lửa

    Nghì thật chăng một trí tuệ thông minh

    Đã toả sáng suốt ba thời kỳ các mạng

    Có thể tin không?

    Với đất nước,nhân dân

    Ông ra đi lúc này

    Một mất mát không gì bù đắp.

     

    Lănh tụ cách mạng ra đi đă nhiều,

    Có hai lần trong tôi tự trào nước mắt

    Là Bác Hồ và ông Sáu Dân.

     

    13/6/2008


  2. Cái nắng hè oi ả mới được tống tiễn mấy hôm nay, trời Hà Nội đã rải vàng sắc nắng, chưa có heo may nhưng những làn gió đông nam đã lần lượt nối đuôi nhau lướt nhẹ trên hàng sấu rì xanh trên đường Chu Văn An, Điện Biên Phủ làm vơi đi cái ngột ngạt ồn ào của xe máy đeo bám nhau, như trôi vào vô tận ngõ ngách thị thành.

    Hôm nay tôi có mặt trong đoàn doanh nhân Việt Nam tiêu biểu. Theo lịch trình trước khi nhận Cúp Phù Đổng, đoàn chúng tôi đi thắp hương tưởng niệm Đức Tổ Hùng Vương và Bác Hồ mong được phù hộ độ trì dẫn dắt làm ăn ngay thẳng, phát tài, tránh được nạn tai, bình an mạnh khỏe. Việc hành hương về Đền Tổ chúng tôi đã làm hôm trước, chiều nay đoàn tập trung ở đầu đường Bắc Sơn bên cạnh Đài Liệt sĩ Quốc gia trước Lăng Bác để cùng nhau đi viếng. Theo thông lệ những ngày này (tháng 10) là thời gian duy tu bảo dưỡng công trình nên Lăng Bác và kỳ đài đóng cửa để công nhân lau rửa, chỉnh trang...

    Chúng tôi lên hai chiếc xe ca ba chục chỗ ngồi đi vào cổng phụ Phủ Chủ tịch trên đường Hùng Vương. Cổng chính cửa Phủ ở số 2 cũng trên đường Hùng Vương chỉ mở cửa khi đón quốc khách mà thôi. Gần đối diện với cổng chính Phủ Chủ tịch là trụ sở Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam, cổng này mang số thứ tự là 1. Một chuyện ngẫu nhiên lý thú nên người ta nói vui Đảng số một Nhà nước số hai...

    Phủ Chủ tịch một ngôi nhà xây theo phong cách kiến trúc thời Phục Hưng của Pháp có kết hợp một ít chi tiết văn hóa Á đông, sơn màu vàng uy nghi bề thế nằm trong khuôn viên rộng với nhiều cây cổ thụ xum xuê xanh mát... gió nhẹ đưa hương thơm ngát hoa sữa đầu mùa, làm cho tâm hồn chúng tôi lâng lâng xúc động...

    Đây là lần thứ hai tôi bước vào căn nhà hiện đang giữ vai trò biểu tượng Quốc gia Phủ Chủ tịch Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cách đây không lâu ngày 26/1/2006 tôi đã là một trong 40 doanh nhân tiêu biểu của cả nước, được Chủ tịch Nước Trần Đức Lương mời vào Phủ gặp gỡ tặng quà, dự tiệc và chụp ảnh kỷ niệm ở bậc thềm Phủ Chủ tịch, chính nơi mà cách đó 60 năm, mùa đông năm 1946 Bác Hồ đã chụp ảnh chung với đại diện các nhà công thương kỹ nghệ thủ đô Hà Nội, ủng hộ chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa kháng chiến cứu quốc.

    Dù khiêm tốn cũng phải thú thực rằng tôi rất tự hào, ấy là trong cuộc đời doanh nhân của mình đã hai lần có mặt trong đoàn không nhiều doanh nhân tiêu biểu được vào Phủ Chủ tịch. Lần trước (2006) vào Phủ Chủ tịch với ý nghĩa vinh dự, đó là sau 60 năm lần đầu tiên Chủ tịch Nước mời doanh nhân ăn tết và tặng qùa. Còn lần này chúng tôi vào Phủ Chủ tịch với ý nghĩa tâm linh, những doanh nhân tiêu biểu của Việt Nam (năm 2007) dâng hương tưởng nhớ Bác, cầu mong Bác phù hộ độ trì cho giới doanh nhân cả nước làn ăn phát tài, góp phần đắc lực cho mục tiêu dân giàu nước mạnh...

    Dinh Chủ tịch thời Bác làm Chủ tịch Nước, Bác chỉ dùng để đón tiếp quốc khách theo nghi lễ và họp Hội đồng chính phủ và một số kỳ họp Quốc hội sau hòa bình... còn hàng ngày Bác làm việc và tiếp khách ở căn nhà sàn bên bờ hồ bán nguyệt, phía bên tay phải Phủ Chủ tịch.

    Chuyện kể rằng khi từ chiến khu Việt Bắc trở về người ta bố trí để Bác ăn nghỉ ngay trong Phủ Chủ tịch, nhưng Bác nhất định không ở, Bác chọn ngôi nhà người thợ điện của Phủ toàn quyền ở trước và bảo mọi người đưa giường, ghế vào để Bác ở đó. Mọi người cứ thắc mắc hỏi sao bác không ở trong dinh, Bác nói đùa “ở đó có mùi thối” người ta lại nói: “báo cáo Bác chúng cháu đã dọn dẹp sạch sẽ lắm rồi” cuối cùng Bác giải thích: ở trong đó có “mùi thối của Phủ toàn quyền”. Thế đấy Bác rất ghét độc quyền, toàn quyền, Bác rất thích dân chủ, chả thế mà khi mới thành lập Nước Bác đã đặt quốc hiệu là “Viêt Nam dân chủ cộng hòa”, định ngữ “dân chủ” Bác đã đặt ngay bên cạnh tên Nước. Ngôi nhà này có tên nhà 54. Vì từ tháng 12 năm 1954 Bác sống và làm việc ở ngôi nhà này. Đến tháng 5/1958 Bác sang ở ngôi nhà sàn mới xây dựng bên kia ao cá, nhưng hàng ngày người vẫn trở về nơi đây ăn cơm và khám sức khỏe định kỳ.

    Ngôi nhà sàn bên bờ hồ bán nguyệt Bác ở trước đây, bây giờ đang là bảo vật Quốc gia chính do Bác chọn địa điểm và chọn mẫu. Chuyện kể lại rằng khi thiết kế ngôi nhà người ta đặt cầu tiêu ở bên trong, xem bản vẽ xong Bác nói: Đồng bào dân tộc làm nhà sàn có đặt cầu tiêu trong nhà đâu? Vì thế ngày nay trong ngôi nhà sàn không có cầu tiêu, lại nữa chuyện chiếc cầu thang, người thiết kế đặt cầu thang ngoài trời và hẹp chỉ vừa một người đi, xem xong bác nói đại ý Đồng bào dân tộc chỉ ở tầng trên, tầng dưới không sử dụng, nhà bác, tầng dưới là phòng làm việc, phòng họp. Làm cầu thang trong nhà, lên xuống thường xuyên không phải đi ra ngoài khi trời mưa nắng, Bác lại bảo cầu thang làm rộng để hai người có thể đi cùng vì có lúc khách đến, mang theo vợ, người đi trước kể đi sau sao tiện... thế là cầu thang nhà Bác được làm với kích thước rộng đủ hai người đi một lúc và đặt phía trong nhà. (Còn chiếc cầu thang sắt ở ngoài trời phía sau nhà sàn hiện nay mà chúng ta thường đi lên thăm quan nhà Bác là do Ban quản lý di tích dựng thêm để cho người đến thăm đi, nếu đi theo cầu thang gỗ phía trong e làm hư hỏng di tích). Thế mới hay Bác không chỉ là nhà ái quốc lo việc quốc sự mà những điều nhỏ, dù nhỏ nhưng liên quan đến con người, phong tục tập quán Bác đều rất chu đáo.

    Ngôi nhà sàn quay hướng Đông nam nhìn ra hồ bán nguyệt cũng do Bác lựa chọn.

    Ngôi nhà sàn thì nhiều người biết nhưng có chuyện một ngôi nhà khác, phía sau hông phải nhà sàn thì chắc còn nhiều người không biết. Đó là một ngôi nhà trệt nhỏ chiều ngang chừng ba, bốn mét, chiều dài khoảng bảy, tám mét nằm ẩn mình dưới tán lá xanh tươi yên tĩnh, hàng ngày ở đó luôn tỏa ra mùi hương thơm ngan ngát, đó là nơi duy nhất hiện nay đặt bàn thờ Bác ở trong Phủ Chủ tịch... ngôi nhà 67.

    Chuyện kể rằng vào những năm 1966-1967 Mỹ đánh phá ác liệt miền Bắc. Thủ đô Hà Nội cũng bị chúng bắn phá, ném bom ngày đêm. Đã có một lần xe của đồng chí Hoàng Quốc Việt đi gần đến cổng Phủ Chủ tịch đã bị bắn rốc két, may mà không việc gì. Lúc đó Bộ chính trị thấy nếu cứ để Bác ở nhà sàn thì qúa nguy hiểm nên mới họp (Bác không dự cuộc họp này) quyết định làm một căn nhà gần hầm tránh bom tại vườn Phủ Chủ tịch để mời Bác xuống ở và làm việc ở đó cho gần hầm trú ẩn mỗi khi có báo động, (lúc đó Bác đã gần 80 tuổi rồi, việc đi lại từ nhà sàn đến hầm trú bom hơi xa lại phải lên xuống cầu thang).

    Bộ đội công binh được giao nhiệm vụ chuẩn bị khung nhà, lựa ngày Bác đi nghỉ dưỡng, anh em đến dựng và hoàn chỉnh. Khi về Bác thấy ngôi nhà mới, người tỏ ý không vui. Mấy ngày sau lựa ngày Bộ chính trị báo cáo người về sự cần thiết xây dựng ngôi nhà, đồng chí phó Thủ tướng, ủy viên Bộ Chính trị Phạm Hùng (được Bộ chính trị phân công) đứng lên thưa Bác đại ý: Việc xây dựng ngôi nhà là nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, đặc biệt của đồng bào chiến sĩ miền nam để Bác ở làm việc gần hầm trú ấn và làm nơi họp Bộ Chính trị mong Bác chấp nhận đồng ý. Ngẫm nghĩ một lúc Bác nói đại ý tuy không hỏi ý kiến Bác trước khi làm nhưng Bộ Chính trị đã nghị quyết thì Bác chấp hành một nửa, ngôi nhà đó để làm nơi họp Bộ chính trị, nơi làm việc với các đồng chí trung ương và cán bộ đầu ngành... Và Bác vẫn ở tại nhà sàn cho đến ngày 17/8/1969 khi sức khỏe Bác rất yếu, để tiện việc chăm sóc, thăm hỏi Bác, các bác sĩ đề nghị người không lên, xuống nhà sàn nữa. Theo lời đề nghị của bác sĩ ngày 18/8/1969 Bác xuống ở hẳn căn nhà nói trên và như chúng ta đã biết... 9 giờ 47 phút ngày 2/9/1969 Bác Hồ đã vĩnh biệt chúng ta tại căn nhà bên hông phải phía sau nhà sàn trong vườn Phủ Chủ tịch, nó cũng chỉ cách nhà sàn độ chừng 50 mét. Ngôi nhà này được gọi là nhà 67. Vì nó được xây dựng năm 1967.

    Sau khi Bác mất các đồng chí bảo vệ trong Phủ đã lập một bàn thờ nhỏ trong ngôi nhà này để thờ Bác... Chuyện kể sau này có người muốn làm lại bàn thờ cho to ra nhưng các vị lãnh đạo đã bảo cứ để bàn thờ như thế, nó không chỉ có ý nghĩa di tích, mà nó còn phù hợp với con người vốn thanh cao, giản dị của Bác.

    Chiều đầu thu năm nay đoàn doanh nhân chúng tôi may mắn được ông Giám đốc Bảo tàng hướng dẫn thăm quan và kể chuyện về bác trong khuôn vườn Phủ Chủ tịch, đặc biệt trong ngôi nhà thiêng liêng số một Đất nước hiện nay (tôi cho là như vậy). Tôi được cùng đoàn doanh nhân dâng hương trước bàn thờ Bác, trước khi rời căn nhà tôi còn tranh thủ thắp thêm ba nén nhang trước bàn thờ Bác với một sự cảm động trào dâng từ trong tim, trong óc của mình, nước mắt tôi cứ tự nó trào ra và tôi cũng mặc cho nó tự chẩy... Có lẽ đây là lần thứ hai tôi khóc Bác, lần thứ nhất là ngày 3/9/1969 lúc còn ở chiến trường khi chúng tôi nghe được tin Bác đã qua đời.

    Một vòng những căn nhà Bác sống và làm việc trong vườn Phủ, tôi nghe tiếng chim hót lứu lo, ngắm đàn cá đủ màu bơi lội, những hàng bụt mọc quanh bờ ao... Đồng chí giám đốc bảo tàng kể tiếp: Sinh thời Bác thường ngồi ngoài vườn hàng giờ để nghe chim hót. Nghĩ Bác thích nghe tiếng chim hót mấy người bảo vệ liền đi mua một cặp chim Họa Mi hót rất hay cho vào lồng đẹp mang treo ở cửa nhà Bác, thấy vậy Bác bảo: chim của các chú hót không hay bằng chim của Bác được sống tự do ở ngoài trời... và chiếc lồng chim được tháo bỏ.

    Thế đấy Bác thấu hiểu rất sâu sắc quyền dân chủ tự do nó không chỉ của con người mà nó còn của vạn vật, Bác là Chủ tịch Nước, chủ tịch Đảng nhưng Bác không thích “toàn quyền” Bác thích dân chủ, với Bác con chim tự do hót hay hơn chim bị nhốt, còn con người được tự do mới phát huy được hết năng lực của mình. Bác chấp hành nguyên tắc tập thể nhưng vẫn tôn trọng vai trò lãnh đạo cá nhân. Bác vĩ đại từ những suy nghĩ, việc làm tưởng chừng nhỏ bé nhất, bình thường nhất cho mọi người, cho dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam.

     

    Việt Hà

    Tháng 11/2007


  3. VIẾNG NGHĨA TRANG TRƯỜNG SƠN

     

    Em ở lại giữa Đại Ngàn

    Giữa hương hoa cỏ, bên tràn suối reo

    Giữa ngàn đồng đội thân yêu

    Giữa mây giăng núi, giữa chiều Trường Sơn

    Gặp tôi cảnh bướm giận hờn

    Chao nghiêng bên bụi mẫu đơn thắm hồng,

    Bởi từ bữa ấy... vượt sông

    Đạn bom xé rách má hồng em tôi!

     

    Lửa chiến tranh tắt lâu rồi

    Lang thang phiêu bạt khắp nơi không tìm,

    Ta về lãnh đạm hoàng hôn

    Trời buông một dải mây buồn xa xôi...

    Sao sa vàng đỏ triền đồi

    Tình riêng trần trụi, tình người đa đoan.

    Em nằm ở lại nghĩa trang

    Trung tình mãi trẻ với ngàn lời ca

    Tôi tìm những kỷ niệm xưa

    Vùi trong đất đá, gió mưa mặn mòi.

    Hoa mua vẫn nở tím đồi miền Trung

    Nén nhang trước mộ Anh Hùng

    Hoàng hôn rực cháy sáng rừng Trường Sơn.


  4. BIÊN CƯƠNG ĐÓ

     

    Ngã ba sông đỏ ngầu con lũ sớm

    Cầu Hà Kiều nối ngang sông Nậm Thi

    Cột mốc hồng sân đền Thánh Mẫu

    Chiều hạ san xanh ngắt gió thầm thì

     

    Xao xuyến giữa đoàn người qua cửa khẩu

    Một thoáng bâng khuâng nắng gió biên thùy

    Chuyện mẹ kể mấy trăm năm trước

    Giữ giang sơn ông Vĩnh Phúc đắp thành trì...

     

    Ta đứng dưới tán đa ba trăm tuổi

    Nén nhang thơm tưởng niệm thánh thần

    Hương ngan ngát la đà sân Đền Thượng

    Vọng gác tâm linh biên giới giữa trần.

     

    Biên cương đó ngàn năm thiên định

    Máu ông cha đỏ thắm nước Hồng Hà

    Xương chiến sĩ chất cao núi Tản

    Cho áo, khăn thổ cẩm nở ngàn hoa.

     

    Say sưa giữa đất trời biên giới

    Ngã ba sông, đền cổ, nửa cây cầu

    Nắng hạ giát đỉnh Hoàng Sơn vàng ruộm

    Thành phố Lao Cai rực rỡ sắc màu.

     

    Hoàng hôn trên đất địa đầu

    Sáng ngời hào khí dãi dầu quan san.


  5. TÂY NGUYÊN THÁNG 3 NÀY

     

    Rả rích ve sầu chang chang nắng

    Suối cạn nguồn thác nước ngừng reo

    Rừng còn đủ làm khu sinh thái

    Nhà dọc đường ,không một bản cheo leo,

     

    Hoa nở trắng đường quan bướm lượn

    Đại ngàn bỏ đi trang trại lấn về

    Cồng chiêng treo vách Nhà Rông chờ lễ hội

    Thổ cẩm ,khăn viền chỉ thấy trong mơ

     

    Gío mải miết đuổi nhau vô định

    Đường nhựa dọc ngang thâm sịt đồi xanh

    Chim thú tuyệt chủng rồi ai đặt bẫy

    Không hoa rừng không ong mật lượn quanh !

     

    Loang lổ đồi,non mảng xanh mảng đỏ

    Eđê,Bana,M'nông… muốn phân biệt rõ

    Mời vào xem trong các bảo tàng .

    Mai một hết rồi những bản sắc riêng !

     

    Mênh mang quá Tây Nguyên nắng gió

    Lau lách lụi tàn ,cà phê mọng đỏ

    Hồ tiêu xanh giấu nhà sàn trong đó

    Hoa dã quỳ thấp thoáng góc đồi xa

     

    Tây nguyên hiện đại và Tây nguyên già

    Tranh chấp,trở trăn rùng mình chuyển dạ

    Xe máy điện đèn …xoá nhoà tất cả

    Khác xưa rồi,Tây Nguyên tháng ba.


  6. TA NGHE TRONG TIẾNG CHUÔNG CHÙA

     

    Trở về từ chiến trường xa

    Rảo chân tìm lại mái nhà thân quen...

     

    Nào ngờ lỡ lứa hết duyên

    Không thành gia thất, cửa thiền nương thân

    Áo xanh, máu lửa bụi trần

    Cất cùng kỷ niệm tuổi xuân má đào

    Cà sa từ bữa Phật trao

    Tấm thân trinh trắng buộc vào chúng sinh

    Quét chùa tắm Phật tụng kinh

    Hóa duyên độ phước an bình người ta

    Khác gì xưa chiến trường xa

    Miễn mong sao được nhà nhà yên vui...

     

    Bạn bè mỗi đứa mỗi nơi

    Đứa thành bất tử, đứa người tha phương

    Đứa chồng con ở quê hương

    Đứa vang danh, đứa chính trường thành nhân

    Đứa nghèo khó, đứa gian truân,

    Đứa con dị dạng, độc thân không chồng

    Trọn đời chưa biết đàn ông

    Thời gian vùn vụt má hồng còn đâu!

     

    Em đi trọn cuộc bể dâu

    Vùi sâu kỷ niệm chôn sầu vào tim

    Chùa chiều rền rĩ tiếng chuông

    Ta nghe trong đó nỗi buồn mênh mang.


  7. VIẾT BÊN HỒ LĂK

     

    Hoa sứ trắng hương xưa vương lại

    Biệt Điện xanh quạnh quẽ trưa hè

    Lúa vào mùa, rả rích tiếng sầu ve,

    Còn nguyên dấu Nam triều cương thổ.

     

    Lẩn khuất tàn cao u hoài nỗi nhớ…

    Hoàng đế lưu vong giữa đất nước mình.

    Kơnia triền đồi ngả bóng rung rinh

    Sóng hồ Lak một thời mang mang bạc.

     

    Qúa khứ rồi, trang sử xưa nhàu nát

    Lãng đãng mây chiều lẩn giữa ngàn xanh

    Nắng phơi vàng dẫy núi vòng quanh

    Con đèo dốc ngoằn ngoèo đường thiên lý.

     

    Cuốn hút theo cuộc bão giông thế kỷ

    Những bi hùng khắc khoải đam mê

    Bỗng trưa nay giữa cõi đi về

    Ta đối mặt khoẳnh khắc xưa đất Việt.


  8. Ngày mai

     

    Sẽ không còn lầm lũi chuyến phà sang

    Sóng đầu bạc dập vùi xô quá khứ

    Phù sa bồi gốc bần già ủ rũ

    Mảnh trăng non mờ ảo đứng đầu cồn

     

    Bến sông quê ký ức cuộc đời con

    Đi xa mãi về mọi miền cổ tích

    Con cá hô cựa trụ cầu tĩnh mịch

    Dưới tầng sâu mát lạnh nước sông Tiền

     

    Mẹ không còn thấp thỏm tiếng phà quen

    Trong khuya vắng con về khung cửa hé

    Em bỏ lại kiếp nghèo lặng lẽ

    Hoa hoàng hôn rơi lốm đốm nóc mùng

     

    Con đường nhựa mềm đen mịn như nhung

    Nườm nượp xe vượt cầu dây chóp nón

    Gió mát rượi phập phồng làn tóc uốn

    Bóng ai soi trên sóng nước nhạt nhòa,

     

    Xanh thắm dưới cầu cây trái bao la

    Mái ngói đỏ tường sơn hồng dãy phố

    Không còn nữa trên phà em cười như nắc nẻ

    Đêm giao lưu mát rượi gió, xanh trời!

     

    Đi về đâu nữa người ơi

    Hoàng hôn tím cánh hoa trôi lục bình.

     

    Phà Rạch Miễu - Xuân Ất Dậu


  9. Mái nhà mẹ

     

    Mẹ cười mắt hạc đọng sương

    Mây trôi qua tóc, nắng vương trước thềm

    Dòng sông đã chảy êm đềm

    Hoàng hôn đầy ắp mọi miền làng quê

    Bao năm đi dọc lời thề

    Mùa gieo, mẹ đã gặt về vàng sân.

    Thời gian vương bám bụi trần

    Lên da, tóc mẹ mấy lần gió sương

    Con đi khắp nẻo quê hương

    Vẫn không ra khỏi lòng thương mẹ hiền.

    Đầu đông gió lạnh ngoài hiên

    Lăn tăn mặt sóng sông quen, bến nhà

    Đời con lặn lội phương xa

    Chở che vẫn một mái nhà mẹ thôi!


  10. Xa rồi

     

    Hè này mỗi đứa mỗi nơi

    Hết thời áo trắng, hết thời học sinh

    Xa rồi cái miệng tươi xinh

    Cái tà áo gió rung rinh nắng trời

    Xa rồi những buổi sóng đôi

    Làm xao xuyến cả hồn tôi bao chiều

    Xa rồi cái dáng thương yêu

    Cái đuôi sam tóc mỗi chiều người ơi…

    Sân trường cánh phượng chơi vơi

    Tiếng ve xao xác giữa trời mênh mông.

     

    1999 - 2000


  11. Giọt mưa trái mùa

     

    Nắng hanh vàng cả mùa đông

    Bỗng dưng một trận mưa dông trái mùa.

    Cội mai già nẩy mầm tơ…

    Sáng nghiêng sương sớm đêm chờ trăng côi.

    Đã đành mưa lướt qua thôi

    Mầm xanh vẫn nẩy… chơi vơi đón chờ…

    Lại non như thủa ngày xưa

    Lại tươi như thể hoa vừa gặp xuân

    Tinh khôi giọt nước trong ngần

    Lão mai tỉnh lại bần thần cuối đông.

     

    Tháng 01/1998


  12. Để mà... tương tư?

     

    Nhà em kín cổng cao tường

    Mỗi lần qua, lòng lại vương vấn lòng

    Hoa vàng cánh mỏng nhớ mong

    Lao xao cành lá cõi lòng rối tung.

    Về nhà lại ngóng, lại trông

    Nào ai có hẹn mà mong mà chờ

    Lạ thay những sợi tóc thề

    Cứ chao cứ hiện trong mê thế này!

    Chiều nay… rồi lại chiều nay

    Đường quen, lối cũ hàng ngày vẫn qua

    Nhưng mà sao lại nhưng mà…

    Vẫn không bước được chân qua cổng này.

    Lại tà áo trắng nhẹ bay

    Tóc thề buông xõa, cổng này vừa qua.

    Còn tôi sao đứng mãi xa

    Nhìn theo tà áo để mà… tương tư?

     

    Tháng 11/1997


  13. Bão tan

     

    Bão tan nhà cửa nát tan

    Sóng thôi cuộn, nước ngập tràn đồng quê

    Ghe tàu chìm ngập thảm thê

    Cửa sông bến cá bốn bề khăn tang

    “Vọng phu”, “vọng tử” khắp làng

    Nước mưa nước mắt, thở than thấu trời

    Lỡ sinh ra biển ra người

    Sao sinh bão tố cho đời đớn đau

    Tượng in núi đá khắc sầu

    Nhìn đời đau đáu tím màu nhân gian.

     

    1997 - 2007


  14. Nỗi nhớ

     

    Những sợi dây cầu Mỹ Thuận

    Như hình chiếc nón em mang

    Ai đã quét màu vàng chiều hôm

    Vào tà áo dài em mặc

    Ai phủ màu xanh bát ngát miệt vườn

    Lên chiếc khăn em quàng ngang cổ

    Ai nhuộm phù sa châu thổ

    Vào tấm lòng son sắt thủy chung?

     

    Xuân tung tăng trên những cánh hồng

    Hoa ngọc lan thầm thì bên cửa sổ

    Ta yêu em - đỏ hồng bếp lửa

    Làm sao san sẻ cùng em

    Nỗi nhớ

    Nắng chiều trước cửa

    Cứ rung rinh.

     

    Tháng 2-2000


  15. Ta che rèm

     

    Trăng già bởi có trăng non

    Mai già hoa thắm nụ tròn mầm tơ

    Bên em vẫn dại vẫn khờ

    Quên thời gian bạc tóc tơ trên đầu

    Đường đời chìm nổi gặp nhau

    Ai đo đếm đủ nông, sâu chữ tình?

    Xin người giữ mãi nguyên trinh

    Kiếp sau nếu có ta, mình sánh đôi!

    Em về chia lại cho tôi

    Bài ca nửa nhịp, chân trời ngàn sao

    Thơ bay mát dải lụa đào

    Mênh mang gió gọi lao xao bến lòng

    Hoàng hôn mấy áng mây hồng

    Ta che rèm, sợ đầu đông gió lùa.


  16. Hồn quê

     

    Se sẻ reo giữa lòng thành phố

    Bất chợt hiện về nỗi nhớ quê.

    *

    Nghiêng trời xanh cỏ bờ đê

    Đào phai, mưa bụi bốn bề hoa xoan

    Đầm sen lặn lội vịt đàn

    Bông hoa súng trắng nhụy vàng ngậm sương

    Gió mưa lầy nội con đường

    Chiều buông bưng bát cơm thơm hương trời

    *

    Lang thang gần trọn một đời

    Hồn quê khắc khoải trong tôi tháng ngày.

     

    Tháng 4/2005


  17. HAI TA

     

    Bỗng một ngày tôi chợt nhận ra

    Đôi cánh sen tím hồng hé nở

    Chiếc răng khểnh tê mê môi hai đứa

    Chiều đong đưa rên rỉ liễu Tây hồ

     

    Sóng sánh vàng xếp lớp lô nhô

    Soi gót đỏ bầy sâm cầm nghiêng ngó

    Cứ mặc kệ lá cành giăng giăng gió

    Xiết chặt thêm hai nửa của chúng mình

     

    Nắng chìm dần xuống đến lặng thinh

    Rồi ngà ngọc cùng tôi vành trăng nhỏ

    "Về thôi anh ''nhưng làm sao lỡ

    Còn gì đâu khi hai nửa tách rời

     

    Đêm chết thèm ngay dưới chân tôi

    Hương ngọt lịm bờ môi tê tái tím

    Mặc gió trăng cỏ cây bịn rịn

    Mặc sương sa giăng rải mặt Dâm đàm.

     

    Hà nội 7/2007


  18. GỪI MIỀN TRUNG

     

    Lũ tràn về con chữ chìm theo nước

    Bùn ngập sâu bàn ghế bập bềnh trôi

    Tháng chín heo may mưa rào cắt cứa

    Nát mái trường nát cả trái tim tôi.

     

    Sách dúm dó mực tím nhoè trang vở

    Đường vào đời xa tit mù khơi

    Nhặt những ước mơ còn vướng lại

    Chân trời xa cơn bão nữa tới rồi.

     

    Mẹ thuỷ chung giữ nhà giữ đất

    Cằn cỗi ruộng vườn cằn cỗi lo toan

    Nắng rát bỏng hoa xương rồng toé mắu

    Bão táp phong ba trắng ruộng trắng làng.

     

    Có một thời ta kiếm tìm con chữ

    Nắng trộn mưa nghèo đói triền miên

    Vời vợi tuổi thơ cất nơi miền gió bão

    Trong chiêm bao còn đó những nỗi niềm.

     

    Tháng 11/2007

    Trần Đỗ Liêm


  19. EM VÀ TA

     

    Kẻ chiếm đoạt bắt đầu từ hai đứa

    Bởi nhu cầu hoà nhịp nơi nhau

    Duyên có thể từ bao kiếp trước

    Hẹn rồi trao không chút cơ cầu .

     

    Ta lang thang trên đời em hoang dã

    Bẫy vô hình níu kéo bước chân qua

    Không đành để vừa quen đã lạ

    Mỗi nụ hôn gần thấp thoáng cuộc chia xa

     

    Đường thiên lý cuối xuân rạo rực

    Cháy bỏng môi cháy bỏng ngã ba tình,

    Ta lầm lũi bước chân buồn lối cỏ

    Em ngẩn ngơ trước ngõ, bóng riêng mình.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This is an example of a list.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

×
×
  • Create New...