Jump to content

Phạm Hồng Hà

Thành viên
  • Số bài viết

    12
  • Gia nhập

  • Đăng nhập

Bài viết được đăng bởi Phạm Hồng Hà


  1. Thi sỹ

     

    Anh xanh gầy. Nghĩ con đường khắc nghiệt

    Trong hồn anh những ảo ảnh ngập đầy

    Cuộc đời giáng những đòn đau giữa ngực

    Những hoài nghi anh uống mãi đến say

     

    Thi sỹ có mái đầu chải lệch

    Vầng trán cao hằn sâu những nếp nhăn

    Những ảo mộng huy hoàng đầy quyến rũ

    Rực cháy lên trong bức họa lặng trầm

     

    Căn gác xép mốc meo chật chội

    Thi sỹ ngồi. mẩu nến nhói mắt anh

    Cây bút chì trên tay trong đêm tối

    Là chứng nhân bao tâm sự âm thầm

     

    Thi sỹ viết bài ca buồn sâu lắng

    Những bóng hình dĩ vãng dậy trong tim

    Những âm thanh trong tâm hồn vang vọng

    Sớm mai anh mang đổi hết thành tiền

     

    1910-1912


  2. Tiểu sử

     

    Justinas Marcinkevičius (1930-) là nhà thơ, nhà viết kịch, dịch giả người Lít-va. Tốt nghiệp Đại học Vilnius năm 1954. Trong các năm 1960-1965, ông giữ chức Phó chủ tịch nước. Có chân trong Viện hàn lâm khoa học Lít-va. Ông đã dịch thơ của các tác giả Liên Xô, Ba Lan, Phần Lan ra tiếng Lít-va như Puskin, Lermontov, Esenin, Mickiewicz và sử thi Phần Lan Kalevala. Thơ ông đã được dịch sang các tiếng Anh, Nga, Rumani, Đức, Bungari, Hungari, Na Uy, Séc bi, Slovakia, Ucraina và một số ngôn ngữ khác.

     

    Tác phẩm

     

    - Huyết và tro/ Anh hùng ca/ NXB Văn học, Vilnius - 1960

    - Cầu gỗ/ Thơ/ NXB Văn học, Vilnius - 1966

    - Mažvydas/ Tụng ca/ Vilnius, Vaga - 1977

    - Bức tường/ Thơ/ NXB Văn học, Vilnius - 1965

     

     

    http://pirmojiknyga.mch.mii.lt/Asmenys/marcink.en.htm

     

     

    Hai người đàn bà

     

    Hai người đàn bà chưa từng bao giờ nói dối

    đã coi tôi là người yêu nhất

    người duy nhất

     

    Hai người đàn bà dịu dàng quở trách tôi

    lặng lẽ mắng mỏ tôi

     

    Hai người đàn bà đã th thứ cho tôi

    về mọi điều tội lỗi

     

    Hai người đàn bà điên cuồng kiêu hãnh

    về tôi

     

    Người đầu là mẹ tôi

    Người thứ hai, mẹ các con tôi

     

    Vũ Tú Nam dịch từ tiếng Pháp

     

    Văn học nước ngoài, số 1-2004/ Hội Nhà Văn Việt Nam


  3. Vladimir Galaktionovich Korolenko

    (1853-1921)

     

    Những đốm lửa

     

    Cách đây đã lâu, tôi có dịp đi thuyền trên sông Sibiri ảm đạm vào một đêm thu tối trời. Đến khúc sông ngoặt, đột nhiên ở phí trước, dưới những dãy núi tối om, vụt lóe lên một đám lửa nhỏ.

     

    Đốm lửa lóe sáng, chói lọi, rõ thật gần...

     

    - Chà, lạy Chúa! - Tôi sung sướng thốt lên - sắp được nghỉ đêm rồi!

     

    Người lái đò ngoái lại nhìn đốm lửa và lại thản nhiên ra sức đẩy tay chèo

     

    - Còn xa khướt!

     

    Tôi không tin: thì đốm lửa vẫn đây kia, nhoi hẳn ra khỏi bóng đêm mung lung. Nhưng người lái đò hóa ra lại đúng: quả là còn xa thật

     

     

    Những đốm lửa đêm vốn dĩ như vậy đó. Cứ lấn át bóng đêm mà tiến lại gần, cứ lóe sáng lên, cứ hẹn, cứ làm như ở ngay đó gần gặn mà mồi chài. Có cảm giác rằng, chỉ hai ba chèo nước nữa - thế là đường dài tới đích...Vậy mà - còn là xa!...

     

    Và đêm ấy chúng tôi còn phải bơi thuyền mãi trên dòng sông tối om như mực. Những đốm lửa nhỏ vẫn như gần mà vẫn cứ xa...lập lòe mời nhử.

     

    Giờ đây tôi thường hay nhớ lại dòng sông tối om giữa đôi bờ núi đã che trùm với đốm lửa nhỏ sống động đêm ấy. Cả trước đây cũng như sau này có biết bao nhiêu đốm lửa khác cũng đem cái vẻ gần gặn của mình ra mà mồi nhử huyễn hoặc không phải chỉ riêng một mình tôi. Nhưng cuộc sống vẫn trôi đi giữa đôi bờ ảm đạm ấy, còn những đốm lửa vẫn cứ mãi xa xăm và đành lại phải ráng sức dấn thêm tay chèo...

     

    Nhưng dù sao...dù sao đi nữa ở phía trước - vẫn là những đốm lửa!

     

     

    (Ngựa tía từ núi thần/ NXB Văn học, 1998)


  4. Tiểu sử

     

    René Char (1907-1988), nhà thơ Pháp từng tham gia phong trào sáng tác thơ siêu thực. Tham gia kháng chiến, làm chỉ huy du kích. Tác phẩm: Chiếc búa vô chủ, Những kẻ dậy sớm...

     

    Nguồn: Cái chết, tình yêu, sự sống (thơ hiện đại Pháp)/ NXB Tác phẩm mới, 1989.

     

    Lời ru hàng ngày cho đến ngày cuối

     

    Đã bao lần, biết bao lần

    Con người ngủ thiếp tấm thân gọi người

    Một lần, chỉ một lần thôi

    Con người ngủ thiếp, thân người mất luôn

     

    (Ngô Quân Miện dịch)


  5. Tiểu sử

     

    René Depestre (1926) sinh tại Jacmel , nước Haïti. Là nhà thơ kiêm đảng viên Đảng Cộng Sản. Giữ chức giám đốc NXB Cu Ba. Tác phẩm: Rừng cây ánh sáng

     

     

    Thơ ngợi Đi-tô

     

    Những ngày mai của anh hiện trên mặt em

    Như gân lá trên lá cây-ăn-bánh

    Miệng em khi cười như chạm trong lửa thắm

    Vẻ dịu dàng ánh lên trong đôi mắt em

    Như giọt nước long lanh trên tấm cừu sinh động mượt êm

     

    Sóng gợn reo say - trên làn thân thể

    Và lòng anh yêu da thịt của em

    Như tiếng chuông ngân đổ hồi giòn giã

    Đổ liên hồi trong máu - khiến say thêm

     

    Anh như những sông bỏ dòng chảy cũ

    Để chảy vào lòng cát sắc em xinh

    Anh như những đàn én bay về tổ

    Mỗi năm về tìm - trời của em xanh

    Mùa lại mùa anh vững bền vẫn ở

    Trong mùa xuân bất tận những mơn trớn ân tình

     

    Anh ở trên đất này đặng mà vĩnh viễn

    Được lở và bồi trong sóng mạnh của em

    Em ái ân hồi anh lại mỗi đêm

    Như một trái tim lại hồi nhịp đập

    Đời em, hỡi nàng tiên rượu bồ đào trong vắt

    Đời em, hỡi niềm say mía ngọt mê ly

    Đời em tạo đời anh như một ngọn lửa gỗ cháy diệu kỳ

    Ngọn lửa in lên chân trời vô biên của nhân loại

     

    Xuân Diệu dịch

     

    (Những nhà thơ da đen/ NXB Văn Học, 1962)


  6. Tiểu sử

     

    Philippe Langlet là giáo sư sử học, tiến sĩ chuyên ngành phương đông, đã dịch thơ thiền của Việt Nam ra tiếng Pháp. Ông giảng dạy ở Đại học Paris VII. Ngoài các công trình khoa học, Philippe Langlet còn sáng tác thơ.

     

     

    Vĩnh biệt người yêu dấu

     

    Một sớm giữa mùa hè

    khi mặt trời xanh xao xuyên qua mây xám

    khi tiếng rì rầm thành phố lại tái sinh

    bàn tay em đang ấm áp đã hóa thành bất động

    Với em không quá khứ, không tương lai, không hiện tại

    một hồi quang của vĩnh cửu chỉ thế thôi

    như lớp bọt gợn trên làn sóng

     

    Trong giây phút tôi chỉ thấy nước phẳng lì vô tận

    Xin em cho tôi nhỏ một giọt lệ, nỗi tiếc thương

    vì những vuốt ve nay không còn nữa

    vì vòng tay ôm chỉ là trống rỗng

    trước lúc khiến sao cho hóa đá trái tim này

    để cảm nhận em như hạt châu toàn bích

    bông hoa mong manh mà từ nay bất diệt

    Mống cầu vồng bảy sắc khải thiên

    Xin em mà đôi câu đôi nét

    một cầu nối thế giới này với chốn bên kia

     

    Sớm tinh mơ mùa đông đứng chờ xe buýt

    tôi thấy vô số ngôi sao chấm sáng long lanh

    trong vực thẳm bầu trời hay trên đường nhựa ướt

    Một ngôi sao đang gọi tôi kia

    Tôi chưa biết em mà đã tìm thấy được

    Thế mà em đã đáp lời tôi

     

    Tôi nhìn thấy một khu vườn đẹp

    Trước lúc mặt trời lên

    Trên cây một con chim xinh đậu lại

    Không còn khu vườn chỉ còn thấy cánh chim

    Tia sáng đầu tiên vuốt ve lớp lông chim trắng

    Không còn cánh chim chỉ còn lại vuốt ve

    Ở chốn này đây không còn gì nữa

    duy chỉ còn tình của chúng ta

     

    Đầm nước nơi rừng cây xa cuối

    Nắng hạ vài tia hắt lại giữa trưa

    Vùng quanh quất lục xanh thẫm màu lam biếc

    Nào ai biết nụ cười đầm nước

    chỉ mình em may mắn nở bên nơi

    từng được thấy em trong khoảnh khắc

    ngày nắng lên

    trong mặt nước gương soi

     

    Bông huệ trắng kia óng vàng điểm nhụy

    lãng đãng đu đưa theo ngọn gió sớm mai

    Rỡ ràng dưới trời xanh giữa hai cơn mưa trút

    trong nắng mới

    khu vườn của thân phụ mình đây

    Nếu ta hái tặng em bông hoa đỏ

    nó sẽ chỉ còn là con chim chết mà thôi

    Mang dáng hình nào, sao ta lại bận tâm chuyện đó

    Một khi chúng ta đã vĩnh viễn chiếm hữu rồi

    giữa trái tim ta, sẽ là bất biến?

     

    Một mảnh trời phớt xanh bên mây màu thắm

    Thoáng bất chợt chỉ trong khoảnh khắc

    giữa cây mùa đông qua cửa sổ con tàu

    Rồi chốc lát bình minh lay rừng cây thức tỉnh

    Tấm áo em tuyệt mỹ

    chỉ thấp thoáng mà mãi là hiển thị

    Mây đẹp biết bao

    Hoa ngào ngạt biết bao

    bởi không có đâu là chừng mực

     

    Một tia nắng bừng lên

    trên một giọt sương nơi cỏ dại

    trên mảnh thủy tinh hay một hạt cát thôi

    trên đường phố nơi đây bụi bặm

    vật thuần khiết diệu kỳ tức thời mà hoàn chỉnh

    Nụ cười em nét bí ẩn thường khi

    vẫn còn hơn cả vật diệu kỳ

    rút cục cho ta được đọng ngưng mình trong đó

     

    Bến tàu điện ngầm

    Bờ mép trắng xỉn màu, đường ray lấp lánh

    đá sỏi xạm đen hẳn có chuột kèm theo

    sành sứ hắt lên trắng mờ loáng bóng

    ánh sáng tỏa từ mọi lúc mọi nơi

     

    Phải chăng ta đã nhìn thấy mọi điều này

    hay đó là tấm gương tình yêu bất chợt

    đốt cháy bừng nơi trái tim ta

    mang cho nơi đây nét diệu huyền trong phong thái

    bởi lẽ ta đang chờ đợi em về

     

    Chiếc ghế dài cũ thay lớp sơn, chẳng còn tinh tươm nữa

    trên lề đường xám vài chiếc lá vàng rơi

    một nhánh cỏ vẫn mọc từ khe nứt

    người đi qua

    Vạn vật xoáy quanh tôi

    Tôi nhìn thấy nụ cười em bất chợt

    tôi gọi em, em tan biến mất rồi

     

    Khi thức giấc đột nhiên tôi thấy

    những cành táo trên cây trong động thái khẽ khàng lay

    nơi cửa sổ ánh đèn đường hắt bóng

    em có nói chăng đó là điều không có thực

    rằng chỉ là hình ảnh mộng mơ?

    Nếu nghĩ tới em, người đã đi xa

    mà hạnh phúc dâng lên

    trong tim tôi tràn ngập

    thiên hạ có nói rằng ảo giác mà thôi?

     

    Sao ta phải bận tâm đoái hoài sau cánh cửa

    cảnh tượng khu vườn nở rộ long lanh

    những bông hoa cuối cùng mùa hạ

    những chiếc lá đầu của tiết thu sang?

    Tôi nấn ná bên vết lưu cát bụi

    bên giọt sương kia

    bí quyết mở cánh cửa bất tường vào khu vườn đích thực

    nơi tôi chiêm ngưỡng em bừng sáng rỡ ràng

    vào lúc mở đầu một ngày mới mẻ

     

    Xiêm áo đẹp phẳng lì, mãi hoài bất động

    nơi tủ đối diện ta, dựng đứng nỗi cô đơn

    sợi tóc đen bất ngờ tìm ra trong cuốn sách

    sợi tóc của em, đó chính là em

    Có hề hấn gì, ngắn hay dài, cõi trần này hay chốn đó

    màu tóc và làn uốn lượn đã đủ rồi

    Trong giây phút ta đà phát hiện

    thực sự em đang hiện diện nơi đây

    để cùng ta thổ lộ mối tình này

     

    Đặng Anh Đào dịch

     

     

    (Văn Học Nước Ngoài, số 5 - 2008/ Hội Nhà Văn Việt Nam)


  7. Tiểu sử:

     

    Lea Golberg (לאה גולדברג‎, 1911 - 1970) là nữ thi sĩ Israel, sinh tại Kovno (Lithuania). Học triết và tiếng Semitic. Trở thành giảng viên năm 1954 tại Đại học Hebrew. Là một trong những thi sĩ nổi tiếng nửa thập kỷ đầu của thế kỷ XX. Năm 1970, giành giải thưởng văn học Israel. Tác phẩm chính: Tuyển tập thơ (1973-1979), Ánh sáng ven bờ mây (1972).

     

    Thơ Ix-ra-en đương đại/ NXB Văn học, 1994

     

     

    Cuộc đi không tên

     

    Trong nhiều tuần không ai gọi tôi

    Lý do dễ hiểu

    Con vẹt trong bếp

    Không biết tên tôi

    Mọi người trong thành phố

    Không biết tên tôi

    Tên tôi không có tiếng nói không có tiếng động không có âm thanh

    Trong bao ngày tôi ra đi không tên

    Trên những đường phố mà tên chúng, tôi đều biết rõ

    Đôi khi tôi nhớ đến người

    Mà tôi không biết rõ tên

     

    Nguyễn Xuân Sanh dịch


  8. Vương Quý Bộ (nhà thơ hiện đại Trung Quốc, chưa rõ tiểu sử)

     

    Đi qua vườn táo

     

    Dòng suối trong trong nước chảy hoài

    Quanh co đường nhỏ thông lên núi

    Đồng chí liên lạc chí nguyện quân

    Một ngựa một súng đang rong ruổi

    Ngựa phi vun vút như gió bay

    Nương theo đường núi rẽ đi tới

     

    Lên núi cao, đường núi khó đi

    Bên đường bỗng hiện vườn táo nhỏ

    Lá cây xanh biếc, quả ngọt ngào

    Tiếng hát trong trẻo ngân theo gió

    Chiến sĩ buộc ngựa, nhìn bốn bên

    Miệng khát, muốn tìm dòng suối nhỏ

     

    Cô gái trẻ tuổi hát bài ca

    Trong vườn, chân nhón, tay với hái

    Chợt nghe vó ngựa vang từ xa

    Vội bỏ lẵng xuống, ngừng việc lại

    Thuận tay, rẽ lá, mắt nhìn ra

    Đồng chí chí nguyện lên sườn núi

     

    Người đã mệt nhoài, ngựa cũng chồn

    Chiến sĩ vung roi giục chiến mã

    "Đồng chí, đồng chí, chờ tí thôi

    Giải khát, hãy dừng, ăn ít quả"

    Chiến sĩ vung tay khẽ mỉm cười

    Miệng nói "Cám ơn! Cám ơn quá!"

     

    Quả táo như lửa đỏ làm sao!

    Tâm tình cô gái nồng như lửa!

    Mắt nhìn quả táo, lòng ngọt ngào

    Không uống nước mà không khát nữa

    Vung roi giục ngựa lên núi cao

    Chiến sĩ thẳng tới chỉ huy sở

     

    Hoàng Trung Thông dịch

     

    (Về Diên An/ thơ Trung Quốc, NXB Văn học - 1961)

     

     

    三洲歌

     

    陈子龙

     

    相送巴陵口,

    含泪上舟行。

    不知三江水,

    何事亦分流?

     

    Bài ca Tam Châu

     

    Cửa Ba Lăng đưa tiễn

    Lệ dàn lên thuyền đi

    Nào hay Tam Giang thủy

    Sao cũng tách chia dòng?

     

    hongha83 dịch


  9. Tiểu sử:

     

    Ludvig Holstein (1864 - 1943) nhà thơ Đan Mạch

     

    (Văn học nước ngoài, số 2 - 2001/ Hội Nhà Văn Việt Nam)

     

    Huệ trắng

     

    Đến đây, các em tìm chi

    Mặc áo tươi trẻ nhu mì khoan thai

    Mặc áo thanh khiết thon dài

    Tưởng như chạm trổ mảnh mai xà cừ

    Trời hoàng hôn những chiều thu

    Mầm tơ quý tộc, ấy từ dáng em

     

    Ôi mùi hương thắm êm đềm

    Hiểu lời thông điệp dịu im ngọt ngào

    Của lòng vạn vật thấp cao

    Một mùi hương thắm đi vào thiên thu

    Mùi hương thơm tự bao giờ

    Thầm nghiêng phủ khắp hồn thơ anh rồi

     

    (Nguyễn Xuân Sanh dịch)


  10. Tiểu sử:

     

    Dora Gabe (Дора Габе, 1886 - 1983) là nữ thi sĩ Bungari, sinh gần Varna. Học trung học trong nước. Đã học ở Pháp và Thụy Sĩ. Bạn của Nezval (Séc) và Yavorov (Bun). Từng giữ chức Chủ tịch Hội Văn bút Bungari. Bà chủ yếu sáng tác các tác phẩm giành cho thiếu nhi. Tác phẩm thơ có Mặt trời ơi hãy đợi (1967)

     

    (Các nhà thơ Bungari/ NXB Sviat, 1985)

     

     

    Sức nặng

     

    Cả người tôi đã hóa thành thương mến

    Thành xót thương cho nỗi khổ thế gian

    Thành cảm thương cho những người chết sớm

    Thành vui vầy cho những trẻ sơ sinh

    Niềm thương ấy nặng trĩu tôi đến nỗi

    Khiến tôi như đứng lặng rụng rời

    Đến nỗi làm tôi bị một vết thương

    Cho đến chết

    Trái tim tôi đã hóa thành tảng đá hoa cương nóng nung

    Lại bị mặt trời làm cho cảm sốt

    Khối nặng của tôi dùng được việc gì?

    Đem chất lên vai ai cho được?

    Chẳng hơn sao

    Nếu đem xích tôi ngay tại chỗ

    Đem ấn tôi xuống đất

    Như một tảng đá

    Dính chặt với đất đai?

    Lúc ấy may ra tôi cảm thấy nhẹ người...

     

    (Xuân Diệu dịch)

     

     

    Giác quan

     

    Bằng mỗi một tế bào tôi, tôi nhận thấy

    Cái động rung của những vật hữu hình

    Và cái xôn xao ẩn trong không khí

    Đầy căng sức điện từ trường

     

    Bằng tất cả da thịt tôi sinh sống

    Tôi cảm nghe mạch đập đi trước thời gian

    Của những mầm chồi sắp sửa nổ tung

    Và tôi thấy một trái non sớm kết

    Ở những con chim tự tình ríu rít

    Khi tiếng gọi của chim sơn ca đánh thức

    Những mộng mơ của tuổi thanh xuân

     

    Bằng hàng triệu ăng-ten rất mảnh

    Đôi mắt tôi tiếp đụng với cuộc đời này

    Và tham lam thu hút nó mê say

    Trong khi đó tư tưởng tôi đau đáu

    Thấu xuyên len vào những tâm hồn người

    Đem đến cho họ cái cuộc đời mới nở

    Chính cuộc đời làm tất cả nảy sinh

     

    (Xuân Diệu dịch)


  11. Tiểu sử:

     

    Claudine Lecoq (1956) là nữ thi sĩ Pháp. Tác phẩm: Những quyển vở xanh (1984), Phương Nam (1991)

     

    (Tiếng nói trong khoảng cách/ NXB Hội Nhà Văn, 1994)

     

     

    Khúc du ca

     

    Lết một chân tôi chạy đến lả người

    Sẽ dừng lại dưới chân lèn đá

    Cái bóng xù xì đón nhận tôi và chở che tôi

    Tôi đang xa những ngả suối, trái cây

    Chỉ còn lại cái bánh trong túi thủng

    Con mèo hoang này trong đêm liếm láp tôi

     

    Lòng bàn tay làm bát, nơi cuộc sống tự cuốn tròn

    Trên đường người ta đi chẳng còn gì khác

    Hỡi tình yêu bao bọc vĩnh hằng ta

    Một ngưỡng cửa, một bậc thang, một ngai báu

    Ta hay đâu ngươi là khúc du ca

    Ở đằng kia, dưới lều đen của người nuôi lợn

     

    Nối lại mắt xích đời vô định

    Hỡi bóng đêm, luồng sáng này ta thắp cho ngươi

    Ngọn lửa hừng trên ngọn nến im hơi

     

    (Hoàng Minh Châu dịch)

     

     

    Không đề

     

    Huyết lực tôi ngủ đầu ngón tay tôi

    Nằm giữa cánh đồng này cùng những bông dã cúc

    Tôi một mình, không đủ cả cho tôi

    Kẻ giản dị nhất, lôi thôi nhất trong những cô bé nhất

     

    Chân trần đi trong nội cỏ nụ vàng

    Nơi chỉ có mặt trời ban trưa cho một nụ hôn

    Giữa đám cỏ cao bên bờ cái chết

    Tôi chính là đứa trẻ con cuộc sống đón về

     

    Ngọn gió lùa tắt cái nồng mùa hạ

    Dẫu tôi làm gì vẫn còn luôn nhịp bước

    Xa những bông hoa đung đưa và làn gió

    Sợ trái đất đi lên và lại bắt đầu

     

    (Hoàng Minh Châu dịch)


  12. Tiểu sử:

     

    Carlos Baral (1928) là nhà thơ Tây Ban Nha, sinh ở Barcelona và sống ở đó. Làm giám đốc một nhà xuất bản văn học. Làm thơ theo phương hướng của B.Brecht gắn liền với những vấn đề xã hội và quan điểm giai cấp.

     

    Tác phẩm:

     

    - Những dòng nước được phục hồi

    - Mười chín nhân vật trong lịch sử

     

    (Thơ Tây Ban Nha chiến đấu/ NXB Văn học, 1973)

     

    Người ra giữa biển

     

    Nhân tôi biết tên các loài cá

    Cả những loài rất lạ

    Tên những bãi ngồi câu

    Những tảng đá ngầm rất vắng rất sâu

    Họ để cho tôi lục vào rổ nghề của họ

    Sờ nhấc lên từng chiếc rổ

    Họ kể cho tôi không giấu giếm tí nào

    Những chuyện trong nghề không dễ hiểu đâu

    Bởi vì tôi hiểu về buồm về lưới

    Cách sử dụng cọc chèo bánh lái

    Họ mang tôi đi trong những chuyến ra khơi

    Tặng cho tôi phần việc một con người

    Tôi cảm thấy đôi tay hồng lên kiêu hãnh

    Họ nắm những dây chài

    Khi một mùi cá tôm nồng mạnh

    Thấm vào tôi

    Tôi biết rõ về cuộc đời chài giản dị

    Cảnh sống sơ khai, bất ngờ như cơm bữa

    Nhưng cái biết kia chỉ là vô ích mà thôi

    Họ làm sao nói hết được cho tôi

    Hay tôi làm sao mà hiểu được

    Cái sống cuả họ giữa những ngày cơ cực nhất

    Những buổi kiên tâm cay đắng hàng tuần

    Khi gió bấc trở về gặm nhấm ruột gan

    Mắt lục lọi các chân trời đến mệt

    Biển mờ dần đường nét

    Biển như chiếc mẻ chai quá nửa cắm vào bùn

    Như một điều đáng căm, như chiếc bẫy

    Cho ai kia đang vừa đi vừa chạy

    Mắt như mù dưới từng trận mưa tuôn

     

    (Chế Lan Viên dịch)

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This is an example of a list.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

×
×
  • Create New...