Jump to content

Phạm Tú Uyên

Thành viên
  • Số bài viết

    21
  • Gia nhập

  • Đăng nhập

Bài viết được đăng bởi Phạm Tú Uyên


  1. THẦN CỐI XAY!

    Giữa đồng có thớt cối xay

    Ai đem bỏ để tháng ngày trơ gan

     

    Gần mương nước đường ngang ngõ dọc

    Trâu bò qua, bọn nhóc ngồi chơi

    Địa danh vì thế ra đời

    “Ngã ba Cối đá” – lâu rồi cũng quen

     

    Một ngày nọ mây đen ngùn ngụt

    Sấm rền vang, sáng rực vòm trời

    Mưa giông xối nước bời bời

    Cỏ nghiêng mặt núp lúa phơi phới cười

     

    Có chuyện lạ - mọi người nói thế

    Mưa như ri cối đá vẫn khô!

    Xung quanh nước nhảy lên bờ

    Còn “ông Cối đá” chẳng hề hấn chi

     

    Dân làng bảo: Cối ni thiêng lắm!

    Chọn ngày lành ta sắm hương đăng

    Thỉnh về thờ tự trong làng

    Tai qua, nạn khỏi, mùa màng tốt tươi!

     

    Rồi từ đó người người đến lễ

    Ngày thâu đêm khệ nệ hương hoa

    Xây “Ngài” một cái miếu thờ

    Quanh năm hương khói để …chờ lộc ban!

     

    Chị “đề đóm” mong con “số cặp”

    Mụ “đỏ đen” xin gặp vận tươi

    Rồi khi trái gió trở trời

    Hắc hơi sổ mũi…cũng vời “Ngài” xem!

     

    Bệnh cũng hết, số đen…hóa đỏ

    Tiếng đồn lan – người đổ xô chen

    Rần rần hoen chốn cửa thiêng

    Nhưng dân bản địa một phen…mát lòng!

     

    Chuyện có thế thì không phải nói

    Ngày hôm tê – ngày “vía” mùng ba

    Có ông khách lạ ghé qua

    Thấy người chen lấn, la cà đến coi

     

    Khi biết chuyện – ông cười chẳng nói

    Mặt đỏ gay, te tái đi nhanh

    Tôi nhìn mà dạ chẳng đành

    Chặn chân khách lạ khúc quanh đầu làng

     

    Người khách nói: Nếu ông muốn hỏi

    Tôi xin thưa nhưng tội tha cho

    Ngày rày năm ngoái – mùng ba

    Buổi chiều hôm ấy đi qua cánh đồng

    Bỗng đâu gặp phải cơn giông

    Trùm dù ngồi lại…trên “Ông Cối” này

    Hết mưa lại vội đi ngay

    Bây chừ hóa chuyện…thế này…xin ông!

    Cối “khô” phải tội tôi không?

     

    Phạm Tú Uyên


  2. ĐỒNG XANH

     

     

    Tắc, hò…rì – tắc hò rì…

    Đồng xanh trưa nắng mày đi như…bò!

    Ruộng cày mới được miếng mo

    Làm ăn như rứa tao cho vào lò

     

    Mua cái máy…ro ro một buổi

    Khỏi nhọc tao mà lợi muôn đường

    Nuôi mày chỉ tổ tốn công

    Ngữ vô tích sự đừng mong…hò…rì!

     

    Ông chủ hỡi, mắng chi tội thế?

    Chẳng nhớ câu: “Phụ khó quên bần”

    Ngày xưa – cái thửa cơ hàn

    Ông nghèo, tôi khỏe, ta làm nên non

    Bây chừ ông khỏe tôi ròm

    Trước sau không có, chẳng tròn thủy chung

     

    Hết cày được thì ông cứ “thịt”

    Kiếp ngựa trâu cái đích thế thôi

    Nhưng xin chớ có nặng lời

    Chung lưng đấu cật một đời gian nan

     

    Nghe bò nói lão ông chạnh nhớ

    Lúc hàn vi chủ tớ có nhau

    Trên đồng cạn dưới đồng sâu

    Mưa dầm, nắng dãi cơ cầu sớm hôm

     

    Ông thở nhẹ đến ôm bò, nói:

    Bò ơi bò, tha lỗi cho ta

    Đồng xanh cỏ tốt mượt mà…

    Cứ ăn no bụng rồi về cùng nhau.

     

    Phạm Tú Uyên


  3. MÀU THỜI GIAN

     

    Ngồi buồn nhặt cánh hoa rơi

    Tước ra hai mảnh ghép đôi cánh vàng

    Thành con bướm nhỏ mơ màng

    Bay vào trang sách – ta bàng hoàng mơ

     

    Thẩn thờ ngoài cổng vắng

    Xót xa phượng rơi vàng

    Tiếng guốc xưa còn vọng

    Đọng vào hồn yêu thương

     

    Hoa rơi

    Trái phượng rủ buồn

    Có con bướm nhỏ sân trường bay ra

     

    Gió ơi nhắn hộ dùm ta

    Người thương năm cũ bây giờ nơi đâu

    Có còn áo trắng qua cầu

    Hay rong rêu đã đổi màu thời gian.

     

    Phạm Tú Uyên


  4. CHIM LƯỜI

     

     

     

    Dậy, muộn rồi bé ơi!

    Xuân đang về trên môi

    Tóc biếng cài - tơ rối

    Miên man theo mây trời

     

    Hôm qua chim học bài

    Trời trong trong, êm êm

    Sao về mơ trên vai

    Hương hoa vương vương thềm

     

    Bé ngủ bên giá sách

    Trăng dọi qua song mơ

    Gió thị thầm khẻ mách

    Anh choàng dậy làm thơ

     

    Dậy, muộn rồi bé ơi!

    Soi gương rẽ đường ngôi

    Còn hót chào buổi sớm

    Hư lắm, con chim lười!

     

    Mơ mơ, sương giăng giăng

    Chim chợt buồn buâng khuâng

    Sương gieo, chao! Sương gieo

    Tóc bé gió thổi vèo

     

    Giận hờn khóc vu vơ

    Thành mưa, mưa, mưa tơ

    Li ti bong bóng nước

    Anh nhặt gửi vào thơ

     

    Dậy, muộn rồi bé ơi!

    Xuân đang về trên môi.

     

    Phạm Tú Uyên


  5. VÌ SAO BÒ THIẾU HÀM RĂNG?

     

    Bò vàng gặm cỏ bờ ao

    Thấy con cóc nhép, mèo quào làm thơ

     

    Cóc lên giọng: - Thửa ta là trạng

    Trang phong lưu, hảo hán thua ai

    Còn tiên tổ - cậu thằng trời

    Oai danh khắp chốn, ngời ngời gia môn.

     

    - Đồ cóc nhép, chỉ hơn…con muỗi!

    Dáng như ta, bờ bụi thèm vào

    Uy phong mạng hổ thân beo

    Xưa – cô thằng cọp. Giờ mèo, tên ta!

     

    Gan cóc tía – thật ra rất nhác

    Mèo vừa quào, cóc lạc giọng ngay:

    - Bọn bay vô học thế này

    Biết đâu thơ, họa mà bày đặt…thơ!

     

    Ta dòng dõi…mộng mơ từ nhỏ

    Biết làm thơ từ thuở lên ba:

    “Cóc đi ra, cóc đi ra

    Đi ra ngồi đó thế là…nhảy đi!”

     

    Chịu không nổi bò “khì” một tiếng

    có vật gì từ miệng vừa văng

    Chao ôi! Bay mất hàm răng!

     

    Phạm Tú Uyên


  6. NỖI NHỚ

     

     

    Một chiếc lá chao nghiêng

    Là lòng còn vương vấn

    Những chiếc lá ưu phiền

    Lìa cành chiều thẳng đứng

     

    Gió heo may gợi buồn

    Nhớ - nỗi nhớ mênh mông

    Vàng thu, rơi chiếc lá

    Bé yêu ơi - không cùng!

     

    Ta về theo dấu lá rơi

    Trời thu thương nhớ, xa rồi ngày xưa?

    Yêu thương biết mấy cho vừa

    Lá rơi từng chiếc đong đưa nỗi buồn

     

    Trên cành, một chiếc lá

    Cố níu lại thời gian.

     

    Phạm Tú Uyên


  7. TƯƠNG TƯ

     

    Truyện ngắn

     

     

     

    Ngồi một mình trên gác xép, bóng đèn compac không đủ sáng cả căn phòng. Ngoài trời cứ mưa tê tê. Mấy cơn bão liên tiếp đổ vào miền trung. Tôi xót xa nghĩ đến mẹ và em. Ngôi nhà dựng lại với sự nhặt nhạnh vương vãi sau bão, buồn đến rơi nước mắt. Tôi rút một điếu thuốc châm lửa, sợi khói như tơ vương, mịn màng bay lên lan nhẹ trên trần nhà thấp lè tè. Từ góc khuất, chú thằn lằn quen thuộc bò ra, nằm yên lặng, trầm tư như một triết gia. Chú nằm nhìn tôi đọc sách, viết lách. Đôi khi đọc lén cả những bức thư u uất mà người ta gửi cho tôi. Chú chứng kiến tất cả vui buồn, giận ghét trong căn phòng này. Một lần, căn phòng có hai người cãi nhau, thằn lằn nhất định không ra, núp đâu đó nghe lén. Tôi mong nó làm sao, mong như mong một trợ thủ. Giờ đây, lòng đang nhớ mẹ, nhớ nhà, nhớ những lo toan khắc khoải ngoài quê – chú thằn lằn nhìn tôi chia sẻ. Rồi tôi lại nhớ cô bé học trò chiều nay - một chút hương vị thật nhẹ len êm vào người. Tôi mỉm cười vu vơ nhìn lên trần, con thằn lằn khẻ động đậy. Tôi nhắm mắt:

     

    - Sao anh lại dạy toán nhỉ?

    - Ơ… Thì tôi chuyên…toán mà!

    - Lẽ ra anh nên…dạy văn.

     

    Tôi khựng lại, không biết có sự cố gì trong chuyên môn chăng. Tôi thòng một câu thăm dò:

     

    - Lâu nay tôi vẫn dạy toán…

    - Nhưng tụi bạn em lại gọi “thầy” là nhà thơ!

     

    Tôi thở phào nhẹ nhỏm. Cô bé lục trong cặp lôi ra mấy tờ giấy báo được cắt vuông vức. Tôi liếc nhanh: “Mấy bài thơ đăng báo của tôi”…

     

    Gió thổi mạnh, những hạt mưa bay qua cửa sổ làm đứt quãng đoạn “phim” ban chiều. Sực nhớ, tôi lôi từ trong túi ra một tờ giấy học trò gấp tư, hai câu thơ được viết nắn nót:

     

    “Anh ạ, toán khó quá

    Bé thích ngồi làm thơ!”

     

    Tôi vuốt phẳng để lên trên cuốn sách giữa bàn, lấy viết ghi thêm hai câu bên dưới:

     

    “Ơi chao! Cô bé lạ

    Bé tí mà mộng mơ!”

     

    Tôi ngã ra sau ghế, chú thằn lằn dường như đang ngủ. Mong mày có một giấc ngủ bình yên đầy mộng đẹp.

     

    Tình bạn giữa tôi và thằn lằn gắn kết thật ngẫu nhiên. Hai bên không hẹn mà cùng nhau tìm kiếm, kiếm tìm sự sẻ chia, đồng cảm. Tôi tin rằng nếu một mai phải xa nhau chắc là tôi rất nhớ nó. Nó hiểu tôi cũng như tôi từng hiểu nó. Đêm nay trời mưa, thằn lằn đã ngủ, tôi lại miệt mài trên những trang viết.

     

    Sáng ghé tòa soạn lấy ít tiền nhuận bút cộng với lương tháng rồi định ghé ngân hàng gửi về cho mẹ. Trời Sài Gòn sáng trong. Hàng me bên đường đã bắt đầu thay lá. Tôi hít thật đầy buồng phổi cái không khí trong lành sớm mai. Với khoản tiền ít ỏi này nhưng mẹ sẽ làm được nhiều việc trong cơn túng bấn, mẹ nhỉ? Tôi hát khe khẻ, đi loanh quanh trước khi đến ngân hàng. Tôi không triết lý nhưng bao giờ cũng vậy – đang vui, thế nào cũng có nỗi buồn động đậy bên lưng. Tôi bị tai nạn thật vô duyên. Vô duyên như thằng cha say rượu đi xe máy tông vào tôi. Tôi đã thấy nó từ xa, đi lảo đảo như chiếc lá mất phương hướng, tôi cố nép sát vào lề, nhưng ác nỗi nó lại nhè vào người đứng yên mà đâm. Chân tôi bị toát một miếng, máu chảy lênh láng. Những người đi đường bảo rằng chân bị gãy. Tôi đau lắm! Trời ạ, thế này sao gửi được tiền cho mẹ, làm sao đi dạy chiều nay? Hình như sau đó tôi ngất và không biết gì.

    Một tuần trong bệnh viện, thời gian quả là dài đối với tôi. Một thân một mình với đôi chân “xác ướp”. Tất nhiên là không dám báo với mẹ. Hai thằng bạn “chí cốt” luôn ghé thăm, còn “cô ấy” dẫu biết nhưng vẫn bặt tăm! Âu đó cũng là sự “gạn lọc”. Tôi mỉm cười bâng quơ nhìn cánh quạt quay tít mù. Trần phòng bệnh viện sạch bong và láng tưng. Trong thâm tâm, tôi nhớ con thằn lằn cùng căn phòng trọ thân yêu quá. Tôi tin nó buồn, nhớ và mong tôi hằng đêm.

     

    Xuất viện là tôi về ngay. Căn phòng bảy ngày vắng chủ bụi bám, giăng đầy mạng nhện. Tôi đi xa trở về mới có bảy ngày mà ngỡ như “Từ Thức trở lại hang xưa, người thương đâu tá…?”Việc đầu tiên là tôi bật bóng đèn, ngồi xuống ghế ngã dài ra sau. Nhìn lại những thân yêu sau mấy ngày xa vắng. Tôi châm điếu thuốc. Khói tỏa như một màn sương mù gợi nhớ xa xăm. Tôi đăm đăm nhìn trần nhà, tịnh không một động tĩnh. Bóng dáng con thằn lằn biền biệt. Chẳng lẽ thời gian dễ dàng phân ly, thời gian dễ nhạt nhòa kỷ niệm thế sao? Khoảng cách nào giữ được thủy chung… Tôi chờ gặp nó, cố nhắm mắt cho lòng thôi u uất, định lê đôi chân “xác ướp” ra ngoài. Tôi chống tay đứng lên. Trên bàn bài thơ dang dở của cô bé học trò nheo mắt nhìn tôi, tôi toan nhặt lên thì trời ơi – con thằn lằn! Con thằn lằn nằm trên trang viết bên cạnh. Nó chết khô trên trang viết của tôi.

     

    Có lẽ thằn lằn đã kiệt sức, đã vô vọng trong đợi chờ. Nó buông mình rơi. Rơi không như chiếc lá, nó rơi như mũi tên, cắm phập trong mỏi mòn, hờn trách. Tôi gục xuống bàn, hai giọt nước mắt chưa kịp lăn qua mi đã đọng xốn xang, tê buốt.

     

    Phạm Tú Uyên


  8. XE LẬT

     

    Mỗi lần mưa bụi bay bay

    Anh tài nỗi hứng lao ngay xuống triền

    Không nằm ngữa cũng lật nghiêng

    Xãy ra liên tục, ưu phiền lắm thay

     

    Đường trơn trợt giảm ngay độ phóng

    Lái vèo vèo lật gọng như chơi

    Lỗi tại mình bất cẩn thôi

    Lại đem đổ tội: Do trời, do ma!

     

    - Xe tớ đương chạy như là...

    Chợt đâu bóng trắng...băng qua giữa đường

    Tớ đạp thắng, vô lăng ôm cứng

    Nghe...cái "rầm" xe dựng đít lên

    Lỗi tại ma, tại oan hồn

    Tay nghề tớ khá - thâm niên đã nhiều

     

    - Thôi, ông ơi! Đừng nói điêu

    Tại ông lái ẩu chớ yêu ma gì!

     

    Phạm Tú Uyên


  9. MỐI TÌNH CỦA BIỂN

     

    Tùy bút

     

    Kè chắn sóng Tam Giang – Mỹ Hải vào giai đoạn hoàn thành. Con đường dài gần 1,5km. Khởi đầu từ đoạn cuối hạ lưu sông Tam Giang, ôm trọn thôn Dân Phước, che chắn hơn nghìn hộ dân khỏi nguy cơ bị sóng biển mang đi. Con đường không dừng lại ở đó, men theo chân núi, trải dài đến Mỹ Thành, hòa vào QL1 dưới chân dốc Găng – một con dốc “dữ tợn” của thị xã Sông Cầu (Phú Yên). Con đường đi ngang trước đảo Nhất Tự Sơn, thế là dự án Khu du lịch được mở ra. Tôi về Nhất Tự Sơn vào những ngày tháng tám.

    Mùa mưa ở miền biển thật buồn, nhất là những nơi xóm làng còn nghèo, còn hoang vắng! Buồn hơn nữa khi một bên là biển, một bên là làng chài dưới chân núi. Trong màn mưa trắng xóa, núi đá thâm u, cây rừng trầm mặc, những hàng dừa rũ rượi, ngã nghiêng theo từng cơn gió. Năm tháng mùa mưa như thế này mà biến một vùng hoang sơ, cây cối, gai góc um tùm thành một khu du lịch: có nhà nghỉ, bến bãi, cầu tàu, nhà hàng, vườn thú thì quả thật…như mơ! Trời vừa tạnh, tôi lang thang qua khỏi bãi Lổ Sâu, con đường ngoằn ngoèo một bên biển một bên núi. Đi chừng hơn hai trăm mét là đến đầu thôn Mỹ Thành, nơi dẫn qua đảo Nhất Tự Sơn. Thủy triều đang rút nên con đường ẩn hiện dưới những đợt sóng “chọi rồng”. Từng cột nước được sóng tạo trồi lên, kéo vồng “chạy” uốn khúc qua bên đảo. Tôi định xắn quần lội qua:

     

    - Anh qua giờ này ướt hết, sóng thế kia…

     

    Tôi quay lại, một cô gái mặt áo mưa phủ kín để lộ khuôn mặt bầu bầu:

     

    - Sóng đẹp ghê!

    - Chưa đẹp đâu, khi nào có gió mạnh kìa!

    - Nhà…bé ở đâu?

     

    Cô bé chỉ tay về phía đỉnh dốc nghịch ngợm:

     

    - Ở đây nhà nào…cao nhất là nhà em.

     

    Thấy tôi có ý định muốn qua đảo, cô bé liếng thoắn:

     

    - Sóng không chỉ làm ướt đồ đâu, nó xô ngã đấy! Tốt nhất anh đi bằng thúng chai…

     

    Tôi bối rối nhìn quanh:

     

    - Anh…đứng đây đợi!

    - Đợi nước rút ư? Hai giờ nữa mới đi được, em sẽ chở anh qua đảo.

    - Cô bé ?

    - Dạ, dân biển mà!

     

    Tôi phụ cô gái khiêng chiếc thúng đang úp gần đó xuống mép sóng:

     

    - Anh leo lên đi.

     

    Một đợt sóng ập vào, hai người nhảy vội vào thúng, chiếc thúng chòng chành rồi nhẹ nhàng lướt sóng thẳng hướng ra đảo:

     

    - Anh tên Nguyên, cô bé tên gì?

    - Dạ, là Huyền.

    - Huyền đang đi học chứ?

    - Dạ…thi rớt!

    - Sang năm thi lại?

    - Dạ…

     

    Thúng sắp cập vào gành phía bắc của đảo, Huyền ngoáy mái dầm, thuyền thúng đứng yên:

     

    - Chỗ này sâu lắm à anh.

     

    Tôi đưa tay khoáy khoáy vào những con sóng dập dềnh bên mạn thúng, màu nước biển xanh thẩm:

     

    - Rất tốt!

    - Tốt gì cơ?

    - À! Ý anh muốn nói ở đây nước sâu rất tốt.

    - …

    - Ở đây tàu nhỏ có thể vào được Huyền nhỉ?

    - Dạ được ạ!

     

    Tôi trèo lên bờ tạm biệt cô bé Huyền, chiếc thuyền thúng lại nhẹ nhàng trở về làng. Mưa lất phất gió thổi mạnh, ngôi nhà của anh em công nhân được lắp ghép bằng gỗ nằm nép mình bên gốc Bằng lăng cổ thụ. Trên đảo chỉ có những lối mòn nhỏ, men quanh co theo chân bờ sóng cây cối, dây leo mọc chằng chịt. Trong trại vọng tiếng đàn của Thế Hà, nhạc sĩ đang công tác tại nhà Văn hóa trung tâm: “Nghe dân gian kể lại, bao linh thiêng đồn rằng chuyện huyền thoại giống thật, sóng chọi rồng giống rồng… Nhất Nhất Nhất Tự Sơn, yêu cái tên luôn thèm gọi…”.(*) Tiếng đàn, giọng hát trong chốn rừng núi thâm u, ướt sủng nước mưa, nó trầm trầm đậm đặt như từ cây cối, đất đá, hơi núi phát ra: “…thăm bà Vãi lên đỉnh cao tháng năm nắng mưa dãi dầu. Đá xếp tầng đùa biển, biển xanh sóng bạc đầu…”.(*) Tôi không muốn đứt đoạn nguồn cảm hứng của Thế Hà nên theo lối đường mòn vào sâu trong đảo.

     

    Một chuyến tàu ra bãi Ôm gồm năm người: Giám đốc Công ty, tôi, nhạc sĩ Thế Hà, lái tàu và một người dân địa phương. Trên đường về ghé lại bãi Than. Cái tên bãi Than đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng – đá toàn một màu đen xám của than đá. Từ những tảng đá to bằng ngôi nhà đến hòn nhỏ cỡ nắm tay, được sóng biển khoét, bào mòn thành những “tác phẩm” kỳ diệu. Tàu được thả neo cẩn thận, ngoài biển Đông đang có áp thấp nhiệt đới. Tôi và Thế Hà vô bờ sau cùng. Mọi người quần áo ướt sủng nước, một con sóng đưa thuyền thúng và cả bọn chúng tôi lên bờ cát, líu víu những rau muống biển, sóng đập vào gành bãi Than tung bọt trắng xóa. Anh Cự dân địa phương, người đen nhẻm, rắn chắc trạc bốn mươi tuổi lo lắng nhìn chúng tôi:

     

    - Nếu các anh ở đây lâu sợ khó ra lại thuyền, sóng lớn dữ quá!

     

    Anh Việt Giám đốc Công ty du lịch nữa đùa nữa thật:

     

    - Nếu không chèo được, mọi người…sẽ bơi!

     

    Nỗi e ngại sóng to bão lớn không còn làm chúng tôi bận tâm, phong cảnh nơi đây đã thật sự cuốn hút nhóm người mới lần đầu đặt chân lên bãi Than. Nhạc sĩ Thế Hà hát nghêu ngao: “Ra vũng Sứ không thấy sứ ngồi vũng Me không thấy me – A! Đây rồi chân đứng trước vũng Chào, vũng La sao đẹp thế, thấy vũng nào xinh cũng xinh – Bãi Ôm đang đợi tình ta…”(*). Chợt anh Sự đưa tay lên miệng làm loa gọi: “Mọi người nên về thôi, biển có bão nguy hiểm lắm!” Giọng anh mất hút trong từng đợt gió rít, tiếng ầm ào của sóng. Ngoài khơi thấp thoáng hai chiếc tàu cá đang thẳng hướng bãi Than, tôi quay sang anh Cự:

     

    - Hình như tàu đang vào chỗ mình?

     

    Anh Cự không trả lời, vừa chạy vừa hú gọi mọi người trở về tàu. Hai chiếc tàu mới đến thả neo ngoài xa, những người đứng trên tàu vẫy gọi rối rít. Tôi chưa hiểu chuyện gì, anh Cự và mọi người quay trở lại. Như một người chỉ huy, anh hét:

     

    - Tất cả về thuyền, áp thấp đã mạnh lên thành bão, ở đây rất nguy hiểm.Trong làng cử hai chiếc tàu đi tìm chúng ta…

     

    Qủa thật chúng tôi chưa thấy sự nguy hiểm đang ở hướng nào, khoảng cách một trăm mét bơi ra thuyền cũng dễ! Sóng gió dù đang gào thét, những bãi đá lởm chởm nhe ra như răng cá sấu cũng chưa đủ làm chúng tôi sợ, chỉ cần ra tàu, một loáng là về tới bờ, mọi người nghĩ vậy nên chẳng ai lo lắng. Thúng chai được kéo xuống nước, một con sóng ập tới “ào” mọi người ngã nhào, thúng chai to là thế mà sóng “quăng” lên gần cuối bãi cát. Cứ quăng lên dội xuống vài lần, không thể đi bằng thúng ra tàu, chúng tôi quyết định cùng bơi ra. Một trăm mét thì chẳng có gì, nhưng anh Cự lại không yên:

     

    - Gió đang thổi rất mạnh, chếch Tây Nam , các anh đừng để bị đừa vô gành đá, có mấy vụ kiểu này rồi, dập tan hết…!

     

    Giám đốc Việt là người bơi ra đầu tiên, tự tin lắm, mà anh bơi cũng cừ, theo sau hai người nữa – rồi tất cả cùng lao xuống biển. Hơn năm phút ngụp lặn, sóng biển nhồi lên dìm xống bọn tôi đã mệt phờ mà tàu thì vẫn còn xa, chợt anh Cự hét thất thanh:

     

    - Vô lại bờ – tất cả vô lại bờ!

     

    Mọi người chưa hiểu điều gì thì đã thấy anh cố sức quay lui. Đang loay hoay chưa biết có nên bơi tiếp hay theo lời anh thì một con sóng dữ dội lôi vút tôi lên ném “ào”. Những tiếng la thét, tiếng gió gào, tiếng sóng – mớ âm thanh hổn độn không phân biệt được cứ bủa vây, cứ làm tê liệt sức lực gần như cạn kiệt của những người chúng tôi. Nhưng bản năng sinh tồn khiến tôi cảm nhận được cái chết đang cận kề – phải sống, phải vượt qua. Tôi dùng hết sức, những gì còn lại cố tránh những con sóng. Vách đá lởm chởm lờn vờn bên cạnh, chỉ một tích tắc, chỉ một cái lơi tay – chỉ một rủi ro dù nhỏ nhất cũng đủ làm tôi tan xác! Thấp thoáng trong những đợt sóng còn có hai người nữa đang cố vượt qua vùng nguy hiểm. Tôi nhoài người cố tránh bức tường nước đang ập tới và định hướng thật chính xác khu vực bãi cát, lặn một hơi dài – trận đánh cuối cùng, “được ăn cả, ngã…tùy trời! Vừa ngút hơi ngoi lên khỏi mặt nước người tôi bỗng nhẹ tênh, sự bất lực – vâng! Tôi hoàn toàn bất lực. Con sóng khủng khiếp nâng vút tôi lên cao. Chẳng lẽ chết đơn giản đến thế này thôi ư? Tôi sẽ bị đập tung vào gành đá lô nhô ở bãi Than – tan tành! Trong ầm ào của trời biển dường như có cả tiếng người. “Ào” cuối cùng con sóng cũng đến đích của nó – tôi nằm gọn trong đám rau muống biển xác xơ. Giám đốc Việt đang lồm cồm ngồi dậy bên cạnh, Thế Hà xa hơn, cuối bờ cát giáp gành đá. Nếu anh chàng cao hơn hai mét thì cái đầu đã bị đá…lấy mất rồi! Hú vía ba đời cho cái anh chàng nhạc sĩ!

     

    Mọi người lại ở điểm xuất phát. Phương án được đưa ra: anh Cự một mình bơi ra lấy dây thừng, chúng tôi níu theo dây, bơi và tất cả nhanh chóng về tàu. Hai chiếc tàu đánh cá của dân vẫn đang thả neo, mọi người bớt lo lắng khi thấy chúng tôi ra an toàn. Thế là thoát nạn! Cả bọn thở phào nhẹ nhỏm. Anh Hòa cho tàu chạy áp sát chúng tôi:

     

    - Bình yên cả chứ?

    - Mỏ neo bị dính đá không kéo lên được, chắc phải cắt bỏ.

     

    Anh Việt hét trả lời và cho Long lái tàu nổ máy. Máy vừa nổ anh lại mũi mở dây neo, bên kia Hòa hét lên: “Khoan mở!”. Nói xong anh quăng một đầu sợi dây thừng sang bảo cột chặt. Sợi dây được anh Việt quấn sơ sài vào mũi tàu, còn dây neo thả rơi như sợi chỉ mong manh, mất tăm vào biển cả mênh mông dậy sóng. Chiếc tàu rùng mình hướng mũi ra khơi, bên anh Hòa vẫn cho tàu chạy song song cùng chúng tôi, bỗng như có điều gì đó không bình thường trên tàu. Chiếc tàu khựng lại, chòng chành chao nghiêng hất mọi người ngã nhào trên boong. Tàu anh Hòa vượt lên. Tiếng kêu thất thanh từ dưới hầm tàu: “Chết máy!”. Tôi đang lòm còm ngồi dậy phía đằng mũi, sợi dây thừng được anh Việt quấn lỏng lẻo tuột ra, khúc dây còn lại trườn nhanh dưới chân. Tôi lao tới chụp sợi dây định cột vòng nhanh vào cột mái ở mạn tàu nhưng không được. Không thể được! Không có một sức mạnh nào có thể giữ nổi sợi dây. Nó lôi tôi đi như tên bắn. Những người trên hai chiếc tàu thét lên khủng khiếp. Số kiếp bọn tôi đã được định đoạt ở bãi Than này rồi!. Tôi vẫn bám chặt sợi dây thừng và rơi xuống biển đang dậy sóng. Trong một phút – không! Trong một khoảnh khắc nào đó tôi có nghe ai gọi tên tôi từ trong sóng biển: “Anh Nguyên!” Thảng thốt và vô vọng. Tôi khựng lại một khoảnh khắc. Chính khoảnh khắc ấy cứu được những anh em trên tàu. Tôi ngã chúi qua một bên và sợi dây thừng cong bám vào khe mũi tàu, tạo nên lực ma sát lớn bám vào trụ mũi tàu. Sợi dây run lên bần bật Tôi chới với giữa trời nước mênh mông. Mọi người trên hai tàu kinh hoàng, tất cả nhoài người ra thành boong. Tay tôi vẫn bám chặt sợi dây thừng. Chưa ai có phương án gì khả dĩ giải quyết tình huống trong lúc này. Bên tàu anh Hòa – hay trong biển cả mênh mông, âm vang giọng nói quen thuộc: “Giữ sợi dây! Giữ chặt lấy sợi dây đừng buông anh Nguyên ơi! Chiếc tàu được giữ lại bằng sinh mạng của chính tôi.

     

    Tôi thức dậy vừa chập choạng tối. Trong đầu vẫn còn nghe “ung ung”, choáng váng. Đi một mình ra bãi Lổ Sâu. Bầu trời đêm đầy sao, xa xa, đèn trên những lồng tôm hùm chập chờn theo con sóng. Suốt hai ngày nằm li bì trong trại, tay chân như không còn là của tôi – rã rời, tê dại. Những cú va đập liên tiếp vào mạn tàu mà còn đi được như thế này quả là được…trời nuôi! Đâu đó văng vẳng: “Anh Nguyên!” Tôi bỗng rùng mình nhìn ra khơi xa đen mù thăm thẳm có cả tiếng sóng ầm ào vỗ vào gành đá – “Anh Nguyên!” Tiếng gọi như từ biển cả, tôi vẫn bước tiếp xuống mép nước – từng con sóng ánh bạc, lấp lánh trườn đến sát chân rồi chìm tan vào cát trắng:

     

    - Anh Nguyên!

     

    Tôi sững sờ, giật mình quay lui. Một bóng người từ sau tiến lại:

     

    - Mấy ngày qua anh nằm mê man, em sợ ghê…

    - Ôi, cô bé! Anh khỏe lại nhiều rồi. Em ra đây một mình… Không sợ lạnh ư?

    - Em vẫn hay ra đây chơi mà. Hôm trên tàu em thấy dễ sợ quá!

    - …?

    - Nếu không có anh thì tàu du lịch bị sóng đập tan tành vào gành đá.

    - Sao Huyền biết?

    - Dạ, em cũng có ở trên tàu. Hôm đó biển động mà anh đi biển. Em sợ nên kêu ba đi tìm các anh…

     

    Cô bé bỗng dưng im bặt, dí dí bàn chân xuống cát. Tôi đến bên:

     

    - Cám ơn Huyền.

     

    Cô bé hỏi đột ngột:

     

    - Quê anh có biển không? Anh có…yêu biển không?

    - Anh ở đồng bằng, nhưng rất yêu biển. Giờ lại biết thêm một điều rằng: Những người dân làng chài ven biển đáng yêu biết bao – Huyền đáng yêu biết bao!

     

    Cô bé lại im lặng nhìn ra khơi xa:

     

    “…Nhất Nhất nhất Tự Sơn yêu cái tên luôn thèm gọi, ai có đến Tự Sơn xem bức tranh đẹp như tiên…”(*)

     

    Tôi xúc động:

     

    - Huyền hát hay quá! Ai bày em hát thế?

    - Dạ! Chú Thế Hà. Mấy hôm nay em tới đây hoài à. Ba cũng tới. Ba đu dây xuống đem anh lên đấy!

    - Anh Hòa?

    - Dạ!

     

    Trong tôi lúc này thật khó diễn tả. Một luồng gì đó thật nhẹ êm len vào người rồi dồn cả lên ngực, ngạt thở. Tôi lảo đảo định ngồi xuống gành đá bên mép sóng. Cô bé hốt hoảng đỡ lấy tôi:

     

    - Anh Nguyên!

     

    Tiếng kêu như từ muôn trùng biển khơi đưa tới. Tôi mộng mị, chơi vơi. Một bàn tay nào đó thật mềm mại nằm gọn trong tay tôi. Tiếng sóng ầm ào xa xăm:

     

    “…Mũi hòn cỏ thương nhớ ai, bãi Lổ Sâu bấy lâu mong chờ… Đá xếp tầng đùa sóng, biển xanh sóng bạc đầu…”(*)

     

    Phạm Tú Uyên

     

    (*) Bài hát Nhất Tự Sơn - Nhạc sĩ Thế Anh


  10. Trích:

    Ốí giời giời hỡi giời ơi!

    Có người đem Tú giỡn chơi coi nè!

    Vào đây Tú nói người nghe

    Máy bay tàu lặn nhà xe có rồi

    Ăn no hết đứng lại ngồi

    Nàng hầu mấy ả, đây thôi chẳng màng

    Chỉ còn mong được làm quan

    Thầy coi giúp QUẺ đàng hoàng xem sao!

     

    Từ Cát Tú

     

    Cốc Tử lên non

    Chừ còn thầy Lý

    Chủm chọe miệng mồm

    Y chang lão Qủy

     

    Quan quáng quàng…quan!

    Xin thầy xem bói

    Chớ có nói dối

    Bao giờ lộng vàng?

     

    Quẻ rằng: Thân phận rỡ ràng

    Đến chín mươi tuổi xênh xang…quan ngài!

    (LT)

     

    Tự nhiên nhớ anh ghê Bùi Văn Hải ạ!


  11. CHUYỆN Ở ĐẦM NƯỚC

     

    (Tặng Hữu Nam)

     

    Hổm rày trời đổ nắng chang

    Ao hồ, đìa đập khô rang trơ bùn

     

    Cua lòi mắt chân run kéo lếch

    Chị chàng Tôm tanh tách quơ râu

    Tép nằm thẳng đuột, trắng phau

    Cóc răng rụng hết lầu bầu: Trời quên!

     

    Cơn giông tới mưa tuôn như trút

    Chốc mà đầy - trắng nước mênh mông

    Bao nhiêu Cò Vac, Sếu Mòng

    Le Le, Cốc, Vịt, Bồ Nông bay về

     

    Đứng cải vả "mô tê" ỏm tỏi

    Tội chị Cò lặn lội tê chân

    Còn ông Cóc cụ gia phong

    Đói meo mà cứ trong mồm xỉa tăm!

     

    Trên cành liễu lăm lăm Bói Cá

    Lia mắt nhanh khắp cả đầm, hồ

    Rồi xoạc chân...ngắm vu vơ

    Tưởng như đang thả hồn thơ nơi này

     

    Hay! Bói Cá, giỏi thay anh Bói!

    Mắt không nhìn mà rọi khắp phương

    Vô phần cho chị Cá Mương

    Bói "xẹt" một cái có đường thành ma!

     

    Phạm Tú Uyên


  12. NGƯỜI TIỀN SỬ THỜI NAY

     

     

    Hổm chừ tớ sống ở non

    Bên dưới lũ quét, chon von sườn đồi

    Cửa nhà, làng xóm mô rồi

    Mênh mông nước – mênh mông trời tang thương!

     

    Thế là hết… Hòm rương, của nã

    Đời chắc chiu – cha mạ…thằng trời!

    Bỗng không một chốc bay vèo

    Tiêu ma cơ nghiệp, kiếp nghèo lại mang

     

    Ngồi trước cửa – cửa hang tiền sử

    Xưa ngàn đời cụ tổ nhà ta

    Ngày ấy cụ sống thế a!

    Trơn lu bạch tuộc…như là tụi con?

     

    Mấy ngày đói, lên non bắt dế

    Nhai lá cây, moi rễ mà ăn

    Đêm nằm không chiếu không chăn

    Không đèn đóm chắc cũng bằng cụ xưa

     

    Cụ tổ ạ! Hôm qua đấy ạ!

    Trên trời cao bầy quạ kêu rền

    Té ra một lão trâu kềnh

    Trèo hang chẳng nổi thế nên lìa trần

     

    Lão no nước bụng chang bang nhá

    Bọn chúng con ha hả lôi vào

    Thế là tay rựa tay dao

    Phanh thây xẻ thịt nhưng …nào có xon

     

    Đành phải lấy hơ ngang qua lửa

    Giống…bê thui, mùi tựa…sầu riêng!

    Không ăn vào bụng thì phiền

    Còn ăn? E lại giống…tiền sử ha!

     

    Cụ tổ hỡi, cả ba ngàn cháu

    Cách xa người hơn sáu vạn năm

    Văn minh, tri thức, khôn ngoan

    Mà sao chừ lại ra nông nổi này

     

    Chợt văng vẳng trong mây trong gió

    Giọng ai như cụ tổ ngồi cười

    Thời tao gió bão mưa rơi

    Cũng gần thế cả, cây đời sinh sôi

     

    Bay khôn quá nên trời mới diệt

    Hại môi trường cây chặt lung tung

    Mai này một lũ cháu con

    Không quần chẳng áo lên non mà ngồi!

     

    Phạm Tú Uyên


  13. ĐÔI DÉP LỐP

     

    Truyện ngắn

     

     

    Toàn nhai nốt mẩu bánh mì cuối cùng, lũ kiến đen chạy quáng quàng dưới chân mà chẳng tìm được một mẩu rơi. Hơn chín giờ trời đã như đổ lửa. Cái nắng ở công trường chẳng thể lẫn tránh vào đâu được, chỉ mong có một ngọn gió nào đó, dù chỉ phất phơ thôi cũng đã may lắm rồi. Toàn kéo tay áo “may ô” lên vai, uể oải đứng lên cầm cuốc chim nhảy xuống hố móng.

     

    Hôm nay Chúa nhật lẽ ra được nghỉ, nhưng vì cho kịp tiến độ nên nhóm bọn Toàn “xào” luôn ngày của Chúa. Chiều qua, tiền ứng công và bồi dưỡng làm thêm phát ngay tại hố móng. Cả nhóm ba người kéo nhau ra luôn quán mỳ đầu xóm, làm đúp một đứa hai tô. Toàn không biết uống rượu nhưng cũng đành phải ngồi đưa hơi cho chú Hào và thằng Ly, tên “sâu rượu” làm “rẹt đùng” đến nhá nhem bay vèo hai chai “năm mươi”. Cả ba người lảo đảo ôm nhau về trại. Thằng Ly khóc rấm rức – nó bao giờ cũng vậy, uống say không quậy phá, nó chỉ khóc và…hôn hết thảy những ai cùng ngồi uống rượu với nó!

     

    - Mẹ kiếp! “Pập” cuốc chim vào miếng su, may mà…

     

    Ly lầu bầu rồi đào tiếp. Toàn hắt lên miệng hố mấy xẻng đất rồi với tay lấy chai nước. Mồ hôi tứa ra khô đi nhanh chóng tạo thành chất nhơn nhớt như keo làm bám vào mặt tất cả những bụi đất va vào. Toàn thảy chai nước sang hố Ly:

     

    - Mày làm vài ngụm cho đỡ khát. Mấy người say rượu hay thèm nước lắm!

     

    Hai đứa trạc bằng tuổi nhau. Hồi Ly mới học lớp sáu thì mẹ bị tai nạn qua đời. Cha nó buồn tình đâm ra rượu chè say khước cả ngày, thế là ba anh em lần lượt phải nghỉ học. Ngày đó Ly chán cha của nó vô cùng. Giờ thì cha cũng không còn, bị lao phổi hay gì gì đó và thế là từ ấy nó nghiễm nhiên trở thành chủ hộ khi mới mười ba tuổi. Toàn hạnh phúc hơn Ly nhiều, nó còn ba mẹ nhưng nhà luôn túng thiếu vì đông con. Nghỉ hè, toàn và đứa em trai học lớp mười phải lên thành phố tìm việc làm thêm.

     

    Tiếng Ly từ hố bên làm đứt quãng dòng nghĩ của nó:

     

    - Là một miếng vỏ xe hơi… Rõ khỉ!

    - Gặp đá tảng cũng ê, gặp đồ quỉ cao su, nhựa cứ nhầm nhầy cũng mệt. Bên tao có một tảng đá to tổ chảng, chán quá!

     

    Đôi bàn tay đã quen lao động từ nhỏ thế mà cứ rộp lên phồng xuống, giờ thì cũng đã ổn sau hai tháng đi theo những công trình. Ngày hôm nay là dứt điểm phần hố móng, thế là tranh thủ chiều về nhà. Nghĩ tới đó, tay cuốc như có thêm sức, Toàn cầm búa tạ lên nhằm vào mép tảng đá nhô ra quai mạnh – tay tê buốt, khối đá nằm trơ trơ như chưa hề có chuyện gì xãy ra. To quá! Thêm một cú nữa, vẫn không hề hấn, xi-nhê gì, chỉ vài cục đất bé tẹo bám quanh tảng đá rơi xuống.

     

    - Gặp đá cụ à?

     

    Tiếng Ly vọng sang. Toàn nhá thêm cú nữa đáp lời nó:

     

    - Mày nói thằng “múc” tới cạp lên, đưa nó vài chục…

     

    Nó có nghĩ điều này, nhưng chỉ tới mức “nghĩ” mà thôi. Công đào, sửa hố hai trăm ngàn, đưa thằng múc “vài chục” thì còn đâu là tiền, mà hôm nay Chúa nhật làm gì có thằng múc. Nó lẩm bẩm: Thôi, lấy công làm lời! - “Chát! Chát!” Tiếng Ly lại vọng sang:

     

    - Tao đào được cái ni lạ lắm Toàn ơi! Chưa hề thấy nó bao giờ…

     

    Toàn chống búa định nhảy lên nhưng lại thôi, hỏi sang:

     

    - Vàng hay đồ cổ? Gặp thứ nào bọn mình cũng đổi đời cả!

    - Chẳng là cái gì sất, nó là một miếng lốp xe hơi nhưng lạ lắm…

     

    Toàn tò mò nhảy lên miệng hố. Cái nắng buổi trưa như đậm đặt phủ trùm xuống người nó một màng nóng đục. Những chiếc cạp quơ càng lêu đêu từ xa cái nóng cũng làm mờ nhòa, gờn gợn từng đường sóng loăng quăng bao quanh. Mặt thằng Ly như ngây ra, trên tay đang cầm miếng vỏ lốp xe hay gần như thế, bám đầy bụi đất. Nhìn nó y hệt mấy nhà khảo cổ cầm miếng mẻ sành hay một mẩu xương… Và chẳng có gì để suy nghĩ nếu miếng lốp xe chỉ là …miếng lốp. Đằng này nó có thêm mấy cọng dây su ruột xe đâm xuyên qua. Toàn có hơi tò mò một chút vì “miếng vỏ xe không bình thường”. Thằng Ly lật qua lật lại trên tay đôi ba lần miếng su rồi quăng lên miệng hố:

     

    - Mệt óc! Nó là gì thì thây kệ nó!

     

    Toàn đưa mắt nhìn theo vật Ly vừa quăng lên, dường như đã gặp cái tương tự như thế ở đâu đó rồi nhưng nó vẫn chưa nghĩ ra. Chú Hào ở hố gần đó nghe bọn Toàn nói chuyện chú cũng trèo lên, đưa tay quệch những giọt mồ hôi đang chảy thành hàng trên khuôn mặt dính đầy đất. Chú nheo nheo mắt nhìn bọn nó cười:

     

    - Tao chiều nay nhảy xe về thăm vợ cái đã. Thằng Toàn có về không con?

    - Dạ về chú!

     

    Quê chú ở Bắc Ninh, vào Nam cùng gia đình, sau cưới thiếm – người làng Toàn và tạo lập cơ nghiệp luôn ở đây. Những lúc nông nhàn chú hay ra thành phố xin phụ hồ, làm lặt vặt gì đó kiếm thêm tiền về phụ lo cái ăn, cái học cho lũ trẻ ở nhà cùng với thiếm. Chú uống mấy ngụm nước xong ngồi bệch xuống thành miệng hố, rút điếu thuốc cong queo châm lửa rít một hơi dài rồi đưa sang Ly:

     

    - Chú với mày hút chung một điếu đi, nắng như thế này “chơi” cả điếu cũng ớn.

     

    Sực nhớ, Toàn cúi xuống cầm miếng vỏ xe đưa tới trước mặt chú Hào, đùa:

     

    - Hồi nãy tưởng thằng Ly đào trúng hũ vàng ai dè là cái ni.

     

    Chú Hào cầm miếng cao su rồi quay sang bọn Toàn:

     

    - Đây là dép lốp. Hồi chú còn nhỏ “món này” thịnh lắm! Chừ tìm đỏ mắt cũng không ra, chắc là còn trong…viện bảo tàng!

     

    Nghe chú nói Toàn chợt nhớ ra, “à” một tiếng rồi góp lời:

     

    - Chắc hồi đó nước mình còn nghèo chú hỉ?

     

    Ly đế thêm:

    - Mang ba đời cũng không hư

     

    Chú Hào cười:

     

    - Hồi đó chú cũng hay mang dép này, bền và tiện lợi vô cùng, còn ở trong miền Nam có từ hồi Giải phóng bảy lăm…

     

    Chú Hào đang nói thì lão cai người ba Tàu tới, cả bọn lại nhảy xuống hố tiếp tục công việc.

     

    Toàn loay hoay với tảng đá nhô ra, chưa biết phải làm sao. Quai búa sợ chẳng ăn thua gì, chắc là to lắm! Nó dùng mũi nhọn của cuốc chim xoi quanh xem có thể lấy ra được không – to quá! Mà phiến đá chỉ vướng trong phần hố chừng hơn tấc, đành moi khoét bên dưới rồi lấy búa tạ mà ghè. Mũi nhọn cuốc chim xoi được một mảng đất bên dưới thì mắc vào vật gì nhầm nhầy, nó thọc tay lôi mạnh ra – lại một chiếc “dép lốp”! Bực mình định quăng lên miệng hố thì bỗng nhiên cả sống lưng lạnh toát, nổi gai ốc khắp người. Nó rùng mình. Theo đôi dép lốp rơi ra dường như có cả mấy…đốt xương giống như xương gà. Toàn cố trấn tỉnh, định kêu thằng Ly nhưng nghĩ sao lại thôi. Nó quơ gần đó một miếng đá dẹp khươi gom những “đốt xương”. Không còn nguyên vẹn nhưng chắc chắn đây là xương – xương gì chưa biết nhưng nằm trong đôi dép thì chắc là xương người. Nghĩ đến xương cốt người chết dưới này Toàn lại rùng mình. Nó nhảy tót lên miệng hố, lom lom nhìn quanh xem lão cai ba Tàu đi chưa – chẳng có ai, Toàn gọi khẻ thằng Ly, chú Hào:

     

    - Qua đây! Qua đây!

     

    Hai người chưa biết điều gì nhưng thấy khuôn mặt nó căng thẳng và khẩn thiết nên vội vàng cùng qua:

     

    - Chú xuống nhìn thử xem, hình như có xương…người!

     

    Chú Hào theo lời nhảy xuống hố cùng Toàn, Ly nhảy theo. Chú cầm những đốt xương màu vàng xỉn, phủi đất bám quanh, khẳng định:

     

    - Xương! Đúng là xương – Xương người!

     

    Toàn ngồi chồm hổm chỉ tay vào trong hốc bên dưới tảng đá:

     

    - Ở trong đó chú ạ!

     

    Thằng Ly đẩy nó qua một bên, chen vô:

     

    - Mày để tao moi cho!

     

    Dáng người nó nhỏ lại khỏe nên thao tác rất nhanh, chẳng bao lâu Ly lôi ra một đoạn xương ống dài chừng gang tay, Toàn hốt hoảng thụt lui ra thành hố, thằng Ly ngồi bệt xuống thọc tay moi tiếp. Không còn những khúc xương lớn, chỉ toàn mảnh xương vụn lẫn với đất đá.

     

    - Hết rồi hay sao ấy – trống trơn.

    - Con cố tìm thêm đi, đã làm phúc làm cho trót. Nếu không còn gì thì lấy thêm ít đất gần đó cho đủ tay chân con ạ! Tội người ta…

     

    Thằng Ly đứng lên, quẹt quẹt tay vào đít quần. Chú Hào gom tất cả xương dồn lại một chỗ, giọng chú trở nên trang nghiêm như từ đâu phát ra:

     

    - Chính xác dưới này có hài cốt người chết, nhưng…

     

    Toàn chợt nhớ ra điều gì, kéo Ly nhảy lên miệng hố:

     

    - Khi nãy mày lấy “chiếc dép lốp” từ chỗ nào? Chắc chắn còn xương ở đó.

     

    Ly vớ chiếc cuốc chim nhảy xuống nói vọng lên:

     

    - Người chết chắc được chôn từ hồi giải phóng đến chừ, chân mang dép lốp kia kìa.

     

    Toàn đưa mắt sang chú Hào:

     

    - Đây là hài cốt không được chôn cất tử tế, có thể bị…thủ tiêu!

     

    Mọi người cho là có lý và tất cả cùng đi báo cho lão cai. Đúng lão ta là “ma xó”, vừa nhắc đã thấy lão xuất hiện. Lão là người Tàu nhưng có lẽ ở Việt Nam khá lâu nên lão nói tiếng Việt rất sõi. Biết chuyện, lão khen bọn Toàn sống có tình người. Việc này lão sẽ báo lại với ông chủ và nhờ cả nhóm cố gắng tìm thật kỹ, nhưng chẳng còn gì ngoài những mảnh xương vụn và có thêm một mảng sọ như miếng gáo dừa bằng bốn ngón tay. Bọn Toàn gom tất cả đống hài cốt lại cùng với đôi dép, bỏ chung vào một túi ni lông, lão còn cho hốt mấy bụm đất màu đen xám gần đó rồi lấy thêm giấy báo bọc cẩn thận, rất thành kính và trang trọng. Lão nói:

     

    - Chúng tôi sẽ đem bộ hài cốt này về và báo lên ông chủ để khâm liệm, chôn cất tử tế, các bạn yên tâm, vấn đề tâm linh không được xem thường.

     

    Nói xong lão rút ra tờ năm trăm ngàn đồng đưa cho chú Hào bảo: “Đây là tiền thưởng cho cả ba vì hành động nghĩa hiệp” và cũng khuyên cả nhóm nên cố gắng dứt điểm hố móng vào ngày hôm nay, đầu tuần sẽ thả khung thép đổ bê tông móng trụ. Cách xử sự đó đã khiến cả ba người trở nên có thiện cảm với lão.

     

    Bao giờ cũng vậy, làm được điều tốt khiến lòng người trở nên vui hơn. Bọn Toàn đang trong tâm trạng ấy, nhất là Ly, nó cười nói huyên thuyên. Lâu nay, trong mắt nhìn nhiều người Ly là một đứa hay quậy phá, thích đánh lộn, rượu chè, sống tự do như một con mèo hoang. Mười bốn tuổi đã vào trại giáo dưỡng, nhưng không hiểu sao nó rất quí Toàn và Toàn cũng thích nó. Chú Hào sai thằng Ly chạy ra quán mua ít hương đèn, một chai rượu, còn Toàn đi mua ba tô mỳ. Tất cả được bày lên mâm đặt giữa trại. Chú thắp hương lâm râm khấn vái và bảo hai đứa chắp tay đứng hai bên. Chợt nhớ ra điều gì chú quay sang Toàn:

     

    - Thằng Toàn chạy ra hố khi nãy hốt một bụm đất đem về đây cho tao, hài cốt được người ta đem khâm liệm, chôn cất thì mình cũng nên làm phép, chào từ biệt vong hồn để họ được siêu thoát.

     

    Chú Hào chưa dứt câu nó đã phóng vèo ra cửa. Chạy được nữa đoạn đường tự dưng Toàn thấy tiếc là sao khi nãy lại không rủ thằng Ly đi cùng. Trời nắng chang chang mờ cả mắt thế này chắc hẳn đã đứng bóng, nó đi chậm lại nhìn quanh chẳng thấy bóng dáng một ai, nghĩ cũng rờn rợn. Cứ suy nghĩ lan man Toàn đã cách hố móng không đầy hai trăm mét, nếu đi thẳng tới lại phải băng qua lán trại của bọn xe múc. Hôm nay nghỉ nên bọn chúng tập trung nhậu, hát ca ỏm tỏi, đành đi vòng sang bên trái, băng qua đống rác xà bần – xa hơn, nhưng tránh được những ly rượu “mời”!

     

    Toàn hốt mấy vốc đất từ hai hố xong men theo đường cũ về. Băng qua đống xà bần to tổ bố đang chờ mấy ông “ben” mang đi. Mắt đã nỗ đom đóm, bụng đói meo, cố mang túm đất về cho chú Hào “làm phép”. Nó ra sức đi nhanh. Leo qua mấy tảng bê tông nham nhở, có một thanh sắt tròn cỡ ngón chân cái, Toàn cúi lượm định chiều đem về cho ba làm xà ben, bên cạnh khúc sắt, trong góc khuất có một cái gói giấy nhỏ, tiện tay cầm thanh sắt chọc vào: “Chắc bao rác!” Làm thế nhưng quả thật nó chẳng nghĩ ngợi gì nhiều. Ở đây, người ta đổ đủ thứ “ùm bà lằng” một đống. Toàn toan đi nhưng ráng cố “chọt” thêm vài cái: “Biết đâu nhỉ, rác chắc chẳng ai lại gói vuông vức thế! Thanh sắt móc toạc một góc của gói giấy, nó giật nẫy người khi lòi ra chiếc…dép lốp!

     

     

     

     

     

     

    Công trường được lệnh tạm dừng thi công để bộ phận chuyên môn đến khai quật, tìm kiếm hài cốt người chết. Sau ba ngày, bằng những phương tiện có sẵn của công trình và nhóm khai quật đã tìm được năm thi hài Liệt sĩ, những Bộ đội hy sinh bị địch chôn vùi cho mất xác. Chúng dùng đá lăn đè lên thân xác các anh, không còn gì nguyên vẹn. Hài cốt có bị dập nát bởi những tảng đá rơi đè lên người mà kẻ thù tàn ác và thâm độc gây ra.

     

    Đêm nay, mấy anh em trải chiếu ngồi giữa sân của lán trại, Toàn với tay cầm chai rượu thứ hai đã vơi một nửa định rót, Ly giành lấy:

     

    - Để tao.

     

    Tôi nhìn Ly cười:

     

    - Em giành rót nhưng lại ít uống nhất.

    - Nó là “con sâu rượu” đó anh

    - Đêm nay em không muốn say!

     

    Trời về khuya, gió từ biển thổi vào se lạnh. Toàn vẫn say sưa kể:

     

    - Lúc đầu ngạc nhiên lắm, nhưng sau đó hiểu ra – lão cai là một tên lưu manh đáng nguyền rủa. Toàn ôm cái gói hài cốt về trại đưa cho chú Hào. Sợ lão cai biết sẽ gây rắc rối nên cả ba im lặng đi báo Công an. Chiều hôm đó chính quyền đến đề nghị đào rộng thêm hố móng và phát hiện thêm một số xương vỡ vụn dưới sự chứng kiến của chính quyền và cả lão cai ba Tàu. Biên bản được lập và công trình tạm thời dừng thi công. Sau hai ngày dùng xe múc “cạp” phần đất bên trên, những người chuyên môn tìm hài cốt đã đào, bới và phát hiện không chỉ một bộ hài cốt, mà đến năm thi thể bị chôn vùi trong một hầm. Tất cả được xác định là Bộ đội hy sinh - là Liệt sĩ! Chính quyền đã làm lễ an táng, đưa các Liệt sĩ vào yên nghỉ ở nghĩa trang Thị xã….

     

    - Tiếc là đêm nay không có chú Hào nhỉ?

    - Khi đào và phát hiện tấm ảnh cùng những câu thơ đề phía sau, chú đã tức tốc đi về Bắc…

    - Có cả ảnh? Nhưng sao chú ấy lại về Bắc?

    - Vì sau tấm hình đã hư gần hết còn có mấy câu thơ. Những câu thơ đó ngày xưa – trước năm bảy lăm, ở ngoài quê chú được một anh Bộ đội đi nghĩa vụ trong làng ghi tặng vào sổ cho các em thiếu nhi – trong đó có chú. Đem đối chiếu, hai bài thơ giống nhau, giống cả chữ ký nữa, mặc dù chữ trong tấm hình nét còn nét mất…

     

    Đêm có lẽ khuya lắm chắc đã sang ngày mới rồi, bầu trời không một gợn mây, những vì sao chi chít, lung linh trong thinh không thăm thẳm. Tôi ngồi nhìn những người bạn mới quen – mỗi người một số phận, một cuộc đời, nhưng trong họ, tâm hồn vẫn sáng trong, lung linh như những vì sao, rồi tôi lại bâng khuâng: - Nơi này đây, chính nơi chúng tôi đang ngồi đây thật yên bình, lồng lộng gió khơi – mai này mọc lên những tòa cao ốc, khách sạn sang trọng, nguy nga có biết đâu bốn mươi năm về trước, mảnh đất yên bình này được giành lấy – được đổi bằng máu xương của đồng bào, của các Anh hùng Liệt sĩ. Thịt xương các anh rồi cùng trở về đất mẹ, hóa thân thành hoa trái xanh tươi. Câu thơ thời trai trẻ đã đi theo các anh suốt dọc chiều dài đất nước nay thế hệ cháu con mang về dâng lại quê hương.

     

    Phạm Tú Uyên


  14. TOM & JERRY

     

     

    Chĩnh rượu hớ hênh không kịp đậy

    Chuột Jerry trông thấy lao vào

    Ngỡ rằng...hũ gạo ngạt ngào

    Ngàn năm có một lẽ nào bỏ qua

     

    Jerry hỡi: "Chuột sa...hũ rượu!"

    - Cứu! Cứu em! Cứu cứu dùm em!

     

    Mèo Tom hếch mép đứng nhìn:

    - Cứu thì ta cứu, ơn đền chi đây?

    - Xin thưa! Cứ xác thân này

    Cứu xong em hứa: "Chiên, phay cũng đành!"

     

    - Ừ! Quân tử giữ danh dự tốt

    Đừng như ai: chui tọt ống tre!

    - Tin em! Hãy tin em đi

    Đưa râu em nắm - say phê quá này!

     

    Tom giật mạnh - chuột bay trên tủ

    Tay Jerry còn giữ sợi ria

    - Cám ơn! Hoạn nạn đã qua

    Kiếp sau báo đáp - mèo ta nổi khùng

     

    - Đồ bất tín! Hứa xong không giữ

    Chuột Jerry trên tủ mỉm cười:

    - Trách chi tội lắm Tom ơi!

    Khi say mà hứa có trời mới tin!

     

    Phạm Tú Uyên


  15. CÂU CHUYỆN NÀNG TU HÚ

     

     

    Sáng nay tòa án Cây Trâm

    Mở phiên xét xử: Gian dâm, ngoại tình

     

    Bên bị cáo mần thinh chẳng nói

    Mụ Két già xỉa xói thị uy

    Tội rành rành bảo oan chi

    Đẻ con như thế làm gì…chả gian!

     

    Mặt cha mẹ đàng hoàng một nét

    Mắt xếch ngang, mỏ dẹt, lông trơn

    Còn con – đứa méo đứa tròn

    Giống thằng hàng xóm nhiều hơn giống mình

     

    Chị Cà Cưởng oan tình khó giải

    Chỉ biết ngồi khóc mãi dưới sân

    Anh chồng dạ cứ bần thần

    Gia đình êm ấm sao nông nỗi này!

     

    Cò dự thính đưa tay xin nói

    Lý thì gian nhưng tội…khoan tuyên

    Xin tòa bắt đứa con riêng

    Không giống Cà Cưởng…đem chiên cho giòn

    Tiện đây đông đủ bà con

    Mua thêm xị rượu, mồi ngon chia đều

     

    Két cho phải lôi hai thằng nhỏ

    Lông chưa ra còn đỏ hòn hon

    Lão Mèo đồ tể ton ton

    Cầm dao, xách thớt… Rượu ngon mua rồi!

     

    Bỗng một ả đang ngồi dự thẩm

    Bay xuống sân: “Khoan hẵng ra tay”

    Con tôi – mẹ chúng là đây!

    Xin tòa chớ thịt, ơn này không quên

     

    Ra là thế - mụ tên Tu Hú

    Ham ăn chơi, con chú con anh

    Mang thai chẳng đẻ nhà mình

    Gửi sang hàng xóm ấp dùm Hú con!

     

    Phạm Tú Uyên


  16. MÈO ĐẺ TRỨNG

     

    Mụ gà cục tác mái tranh

    Đồ…đồ mất dạy – ai rinh trứng bà?

    Lão mèo hàng xóm trông qua

    Lim dim đôi mắt, khề khà rung râu

     

    Chị nàng hỡi, chuyện đâu còn đó

    Quát làm gì cho nó…lòi rom!

    Trứng gà nó méo hay tròn

    Nó to hay nhỏ, nó ngon thế nào?

     

    Mụ gà mề ruột lộn nhào

    Xung thiên nộ khí – ta đào…mả bay

     

    Nghe chưởi thế nhột tai, nóng mũi

    Nhưng lão mèo…lùi lũi – im re!

    Ác mồm chi lắm chị tê

    Xóm giềng tắt lửa bên hè…có nhau

     

    - Mụ phải bới ra khoai ra bắp

    “Chính lão mèo ăn cắp không sai”

    Ai đời qua mượn cái chai

    Đi mua rượu cứ lạng hoài trước sân

     

    Chợt mụ thấy dưới chân sau hắn

    Có vật gì trăng trắng nhô ra

    - Thằng mèo! Qủa trứng của bà

    Đúng là ăn trộm còn kêu ca gì!

     

    Lão mèo bảo: Tội mi vu khống

    Ta rộng lòng, độ lượng cho qua

    Cứ gì đẻ trứng…là gà

    Đây ta ốm nghén sinh ra…trứng này!

     

    Chừ đang ấp, bọn bay mù hử?

    Chín tháng sau chờ thử…giống ai

    Mèo nay…đẻ trứng mới tài!

     

    Phạm Tú Uyên

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This is an example of a list.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

×
×
  • Create New...