Jump to content

luaxanh07

Thành viên
  • Số bài viết

    6
  • Gia nhập

  • Đăng nhập

Bài viết được đăng bởi luaxanh07


  1. Cù lao nằm hun hút ở phía bên kia rừng tràm. Phải mất hơn một giờ đồng hồ đi đò dọc, người phố mới thấy được doi đất hiện ra trong giăng giăng màu khói lam chiều. Chuyến đò chỉ có người phố và hai cư dân cù lao, một già một trẻ.

     

    Già cù lao quấn khăn rằn, mặc chiếc áo bà ba đã bạc cùng đôi quang gánh đã trống rỗng xếp chồng lên nhau. Trẻ cù lao mặc chiếc áo thun xanh có in hình siêu nhân, tay chân đen thui ngồi tựa mạn đò ngóng trời ngóng nước.

     

    Già cù lao có vẻ ngạc nhiên khi nghe người phố giới thiệu là người quen của chị bán quán ở bến đò phía cù lao. Già nói, con nhỏ đó ra cù lao sống sáu năm, có thấy bà con họ hàng gì ở trên thành phố về thăm đâu, chỉ luẩn quẩn mấy người quen ở cồn đất bên kia thi thoảng sang thăm. Sáu năm trước, chị cũng là công dân của cồn, cho đến ngày chị không còn được gia đình chồng thừa nhận. Một mình, chị ra đi giữa ngày mưa triền miên. Người bên cồn nói chị bỏ xứ đi, nhưng cù lao cách “xứ” của chị cũng chỉ hai lần đò dọc. Chị đâu còn nơi nào xa xôi hơn để đi…

     

    Chuyện này thì người phố đã nghe chị kể trong dịp về cù lao - cách đây gần một năm trước. Lần ấy, trời không trong xanh và lặng gió bình yên như thế này. Con đò chạy trong mưa gió bão bùng, chuyến đò chỉ hai người khách. Lúc đó, người phố đi thực tế tìm tư liệu trên đất cù lao cho bài nghiên cứu của mình, đi cùng với người yêu. Lần đó, người phố không điệu đà váy hoa, chiếc quần jean xanh và áo thun trắng giản dị bị cơn mưa tầm tã nhuộm lên màu quê cỏ. Cù lao đón người phố bằng những tiếng sấm rền vang và cơn mưa chiều không dứt. Chị chủ quán ngay bến đò rộng lượng mở cửa đón hai người khách lạ trú mưa, pha cho ly trà nóng và trở thành người quen đầu tiên trên đất cù lao.

     

    Cù lao nhỏ xíu, chỉ hai ngày lưu lại, người phố đã có dịp biết hết câu chuyện lập nghiệp của những già cù lao tứ xứ dạt về thuở khai hoang, gặp gỡ nhiều người nơi đây, ghi chép đầy đủ tư liệu cho cuộc khảo sát của mình. Người phố chợt thấy yêu mảnh đất cằn cỗi nhỏ bé nằm hun hút giữa biển trời, đất nghèo nhưng người bao dung. Người phố xa lạ được họ đón nhận như đứa con xa đi lâu lắm mới về.

     

    Cuộc sống, có những nơi chốn người ta chỉ đi qua một lần, có những con người ta chỉ gặp một lần trong đời. Cù lao vẫn vậy, vẫn nằm khuất sau rừng tràm bạt ngàn. Người lái đò dọc mái tóc muối tiêu, chiếc áo bạc và nụ cười sương gió. Bến cù lao vẫn là góc quán lá, con đường đất uốn lượn quanh cù lao chưa được đổ xi măng. Chỉ khác là chuyến này, người phố về một mình.

     

    Về phía cù lao

    Minh họa: Suối Hoa

     

    Chị chủ quán nhìn người phố thoáng chút ngỡ ngàng, đã một năm rồi. Người phố gầy hơn và tóc cũng ngắn đi. Chỉ có nụ cười rất sáng - theo lời chị - là không thay đổi. Nụ cười quen để chị nhận ra người phố. Thêm một chút ngỡ ngàng, chị nhìn ra phía sau lưng người phố như tìm ai.

     

    - Lại có chuyến khảo sát cù lao hả em? - chị ân cần rót nước cho người phố.

     

    - Dạ không, em về thăm chị. Chiều em sẽ trở ra ngoài xã, rồi mai trở lại thành phố. Em có mang sách về tặng chị.

     

    Lần trước về, người phố thấy chị không có gì để giải trí ngoài chiếc tivi màu 14 inch lắm khi mất sóng. Chị nói thích đọc sách, nhưng ở cù lao không có sách. Chị ít khi vào huyện, mà cũng không có ý định dành riêng một phần tiền cho sách, tiền mưu sinh mỗi ngày còn thiếu trước hụt sau. Lần đó, người yêu của người phố có hứa nếu có dịp về lần sau, sẽ mang sách ra cù lao cho chị. Nhưng người ấy đi biền biệt, bỏ người phố còn được, huống gì là bỏ đất cù lao vốn lạ xa? Người phố thực hiện thay lời hứa năm nào - cũng có thể là sự hoàn thiện trong nỗi đau. Chính người phố cũng không hiểu vì sao mình lại chọn đất cù lao để về. Hình như nơi đó còn vương vấn những thân quen của ngày tháng cũ. Trên mảnh đất xa xôi này, người yêu đã nói rằng, cả cuộc đời này sẽ dành thời gian để đi với người phố đến cùng trời cuối đất. Hình như trong ánh trăng bàng bạc của đêm yên tĩnh, vẫn còn văng vẳng đâu đó trong gió những lời hẹn ước.

     

    Người phố đi nhặt kỷ niệm, tìm lại những dư âm ngày cũ, như thể ngược dòng trở về ngày hôm qua, dẫu biết rằng thời gian đã cuốn tất cả những thương yêu lãng quên trả về cho quá vãng. Người phố không nói gì với chị chủ quán về hành trình của mình, chỉ muốn tiếp tục lắng nghe câu chuyện của chị.

     

    Ở nơi hun hút buồn tênh này, chị lấy gì làm điểm tựa để đi qua nỗi đau? Người ta cần thời gian bao nhiêu lâu để có thể chấp nhận được những vỡ tan, sóng gió, mất mát nào đó trong đời?

     

    Hơn sáu năm rồi, chị vẫn cứ sống hiền lành, nương tựa trên đất cù lao, vẫn âm ỉ một hy vọng mong manh rằng ngày nào đó chồng chị sẽ dong xuồng từ cồn sang đón chị về. Mỗi mùa nước lớn, chị lại khắc lên thân cột một vết khắc, vậy mà thân cột đã chi chít những dấu dao rồi, bóng dáng người chị mong mỏi vẫn còn miên miết ở bên kia sông. Người ta nói, chồng chị đã lấy vợ khác, nhưng chị không tin. Chị không muốn tin. Chị vẫn cứ chờ. Chị nói, hai người khó khăn lắm mới đến với nhau, làm sao mà chồng chị có thể bỏ chị dễ dàng như vậy.

     

    Làm sao có thể bỏ nhau dễ dàng đến vậy?

     

    Chị đã giữ câu hỏi này qua cả thời xuân sắc, cũng không có ai đến trả lời cho chị được. Mẹ chồng chị nói đàn bà tướng như chị lẳng lơ, sớm muộn gì cũng làm khổ chồng. Chị đã từng khóc hết nước mắt vì những lời cay nghiệt. Trên xóm cồn nghèo khó, chị cũng tảo tần, hết lòng hết dạ phục vụ nhà chồng, lo lắng đủ chuyện. Nhưng chị lại cứ mỗi ngày một đẹp mặn mà, tóc dài môi đỏ, người mây mẩy thanh xuân, thanh niên trong xóm cứ chết mê chết mệt. Chị bán hàng ngoài chợ, không ít kẻ trêu hoa ghẹo nguyệt. Mấy bà bạn hàng ghen tỵ, đặt điều đến tai mẹ chồng. Rồi có lần một ông say rượu cứ nắm tay rồi bất ngờ ôm chặt lấy chị, nhất định không buông khi chị giặt quần áo ở bến sông, mẹ chồng chị tình cờ bắt gặp, không tiếc lời xỉa xói, mắng nhiếc con dâu làm xấu mặt gia đình. Mấy bà bán ở chợ được dịp ngồi lê đôi mách, phun những lời đàm tiếu, xem chị là một kẻ xấu xa, lẳng lơ của xóm cồn. Chuyện đến tai chồng, những lời nói cay nghiệt của mẹ chồng và dị nghị của hàng xóm láng giềng đã phủ bạt hết niềm tin trong anh, anh đuổi chị ra khỏi nhà như thể chị đã phạm phải tội tày trời, ngàn đời nhơ nhuốc.

     

    “Thứ con nhà trôi sông dạt chợ, được làm dâu nhà này là phúc đức lắm rồi mà còn không biết thân biết phận. Nhà này không chứa cái thứ dơ dáy như cô”. Mẹ chồng, vốn dĩ từ đầu đã cự tuyệt chị vì không môn đăng hộ đối, không tiếc lời khinh rẻ chị. Người chồng ngày trước một mực bảo vệ, đòi cưới chị, cũng trở thành kẻ bạc nhược, chỉ biết trút lên đầu chị những cơn giận dữ.

     

    Chị khóc hết nước mắt, kiệt cùng sức lực, quỵ lụy xin chồng hiểu cho chị, xin mẹ chồng rộng lòng suy xét, nhưng bát nước hạnh phúc đã bị đổ xuống dòng sông ngầu đỏ. Chị thất thểu ôm gói đi khỏi bể ô nhục. Chị đi đò dọc, theo người lái đò về đất cù lao. Chị muốn dùng cả cuộc đời mình để chứng minh cho chồng chị thấy rằng, tình yêu của chị dành cho anh là duy nhất. Chị mong mẹ chồng sẽ có lúc hiểu cho chị, rằng đứa con gái dù không cha không mẹ, lớn lên trong cảnh cơ hàn thì cũng không phải là thứ con gái bỏ đi, không biết gì câu tiết hạnh.

     

    Chị chờ. Chờ suốt mấy ngàn ngày, mà vẫn chỉ có đất cù lao hiền lành cưu mang chị, chỉ có người cù lao hiểu cho chị và cũng chỉ có một mình chị từng đêm xót xa dỗ dành cho chính mình.

     

    Chị vừa mỉm cười vừa lau những hạt nước lăn qua môi khi kể về những ngày tháng cũ. Có lẽ cũng đã lâu lắm rồi, chị cứ giữ cho riêng mình những niềm riêng thăm thẳm.

     

    Sẽ không ai biết nỗi đau nào là lớn nhất, cho đến khi gặp nỗi đau lớn hơn. Người phố tự hỏi, nỗi đau của mình là gì, nếu đặt trên cung đàn rạn vỡ của chị? Mất mát của người phố nằm ở đâu trên đỉnh cao của sự cô độc, chờ đợi đến bạc cả niềm tin mà chị đã mang theo ròng rã hơn sáu năm trời? Người phố còn có một hành trình thênh thang giữa cuộc đời để đi, để quên, để sống và để cười, để tìm cho mình một hạnh phúc khác. Còn chị, suốt cuộc đời dồn nén khổ đau để chứng minh cho giá trị, đức hạnh của chính mình. Mà có ai cần chị phải chứng minh đâu? Có ai còn cần đến chị nữa đâu? Cù lao cưu mang chị, nhưng sóng cù lao không đủ sức dỗ yên lòng chị.

     

    Người phố rời đất cù lao khi mặt trời đã mất hút ở phía bên kia sông. Tạm biệt chị, tạm biệt mỏm đất xa hun hút nằm lẻ loi giữa biển trời, người phố ngược dòng về phía phố. Người phố đi tìm kỷ niệm, nhưng không nhặt lại gì, thả lại tất cả trên đất cù lao, cho mọi thứ ngủ yên cùng những con sóng.

     

    Chiếc đò dọc lặng lẽ xuôi dòng. Quay nhìn lại cù lao, người phố thấy dáng chị mong manh trong chiều.

     

    Chị cứ đứng lặng yên trên bến vắng, nhìn theo con đò đưa người phố đi. Người phố nhắm mắt, một hạt nước rơi xuống, lẫn vào những cánh sóng. Hình ảnh người yêu cũng nhạt nhòa tan trong con nước, chỉ còn bóng chị liêu xiêu với nắng chiều.

     

    Đời còn bao nhiêu ngàn ngày đợi…

    Nguồn: Cần Thơ diendan.mientay.net


  2. Sau mồng Năm tháng Năm nước lên dần. Tháng sáu, tháng bảy nước ngập lé đé bờ ruộng là đến mùa cá thia thia. Cầm cái rổ nhỏ, nhẹ chân đi cặp theo mương vườn, bờ ruộng... thấy chỗ nào có một quầng bọt trắng bằng cái trứng gà... là chắc ăn có một con cá thia thia trống nằm dưới đó. Chỉ cần đặt cái rổ phía ngoài, hớt nhẹ vào là bắt được con cá. Bắt được con cá, hái lá môn, cho nước vào bọc lại. Đem cá về bỏ vào keo thủy tinh, cho nước vào... độ bảy, tám phân. Thả cá vào xong, mỗi con một keo, lấy giấy ngăn lại giữa các keo... không cho chúng “đá bóng” với nhau. Lúc rút tờ giấy ra là chúng phùng mang, vờn đá nhau qua hai lớp thủy tinh. Lúc cá thia thia phùng mang vờn nhau, chúng ửng lên xanh đỏ đủ màu rất đẹp.

     

    Ngồi buồn nhớ cá thia thia

     

    Bọn trẻ chúng tôi lúc nào bắt được cá đẹp, oai phong là “khiêu chiến” với nhau: Cá tao “ngon” lắm,... cá mày đâu? Đá không? Vậy là “cáp độ” đá cá. Vớt nhẹ cá ra, thả chung vào cái keo cho chúng đá. Dù ăn hay thua chúng tôi cũng reo hò vui vẻ... chứ không ăn thua tiền bạc gì cả.

     

    Người lớn chơi cá thia thia có “trường đá” hẳn hoi. Long Xuyên ngày xưa có một “trường đá” cá thia thia tại cua Lò Thiêu (dốc cầu Nguyễn Trung Trực bây giờ, phía đường lên Châu Đốc). Người đi đá cá xách theo một cái nải, mỗi con cá đựng trong một cái thố nhỏ có cái lá dong bỏ vào để cá không bị chói mắt. Lúc cáp độ, mỗi bên yêu cầu chủ cá “đối thủ” cầm que khều cho xem cá, rồi khều cá mình cho họ xem. Tuyệt đối không được tự tiện thọc que vào thố cá bên kia. Ai phạm quy là bị bắt đền ngay. Đó là quy ước để tránh người ăn gian, thuốc cá lẫn nhau trước khi đá. Nếu ai mắt “nhà nghề” kém, cáp độ dở, cá yếu hơn, cá thua là chắc.

     

    Bên cạnh “trường đá” cá cua Lò Thiêu có ông Ba Sốc. Ông là bậc thầy “cáp độ” được dân sành chơi cá gọi là bác Ba. Người ta hay nhờ bác đánh giá cá giúp. Bác Ba sẽ hỏi: cá này bắt ở đồng nào, có phải cá miệt thứ không, hay là cá ở Bảy Núi? Lúc bắt được có gió gì, cho nó ăn ra làm sao? Sau thăm dò cá đối phương... Bác Ba nói nhỏ vừa đủ nghe: chơi được! hoặc: không nên! Miễn bác Ba nói “chơi được”... là người ta “vét bồ lúa” đá chắc thắng! Dân “ăn có”, đánh cược bên ngoài hay lùng sục, săn tin xem... bác Ba cáp cho bên nào... đặng “đá theo” bên đó. Cáp độ giúp xong là bác Ba vào nhà uống nước thảnh thơi, bởi bác không tham gia chơi. Đá cá thia thia ăn thua không lớn bằng đá gà, nhưng thời đó cũng có độ cá ăn thua mấy chục giạ lúa.

     

    Cáp độ và ưng thuận cá cược “đá bao nhiêu” xong, mỗi bên dùng cái vợt nhỏ vớt cá mình thả vào “keo đá của trường”. Mọi người ngồi im phía sau ánh sáng để xem, không ai được đi lao xao phía trước, tránh cho cá giật mình. Vừa lọt vào trong “võ đài”, hai con cá thia thia trống phùng mang, vờn qua vờn lại... lựa thế cắn nhau, màu sắc chúng càng lúc càng ửng lên... Có một loại cá thia thia màu da ửng vàng sáp, còn gọi là “cá da sáp”, rất lỳ. Cá mình cắn trước - cá bên kia cắn lại một miếng là có ăn thua. Con nào chịu hết nổi bỏ chạy, thì phân thắng bại. Tuy nhiên, nếu như một con cắn mà con kia cứ chạy... thì không ăn thua được, phải vớt ra, cáp độ khác thả vào. Có con mới cắn qua cắn lại vài ba miếng là xuống sắc, chạy vòng tròn, mình trắng nhợt nổi hai cái sọc như trên vỏ dưa... thì mọi người la lên: “Sọc dưa rồi, chạy xịch rồi!”. Có nhiều độ cá kéo dài cả tiếng đồng hồ, kỳ, phướng các “đấu sĩ” rách tả tơi, nổi lên mặt nước vẫn đâu mỏ lại, nằm thở lấy sức đá nữa... Cá đá như vậy dù có thua độ chủ cũng hài lòng!

     

    Tuổi thơ bây giờ không có một khung trời quê, thiếu hẳn thú vui say mê như tắm sông, đá dế, đá cá thia thia như ngày xưa. Cá thia thia bây giờ thì gần tuyệt bóng. Có thể một ngày không xa nữa về đêm ta sẽ không còn được nghe tiếng dế gáy nỉ non tâm sự, không có những mùa hè đi bắt cá thia thia, reo hò xem đá cá - vì chúng đã bị tận diệt rồi.

     

    TRẦN PHƯƠNG

    Nguồn: Cần Thơ-diendan.mientay.net


  3. Sóng dâng tràn phù sa mênh mông

    Mùa xuân sông Hậu đắm say lòng

    Xôn xao sông biếc trời xanh gió

    Nắng chảy mật ong xuống cánh đồng

     

    Đò xuôi sông Hậu ghé Cần Thơ

    Phố đẹp, nhà cao, rợp bóng cờ

    Em xuồng ba lá qua Cồn Ấu

    Gửi gắm dòng xanh bao ước mơ

     

    Những đường phố mới, công viên mới

    Nhịp cầu nối bến bờ vui

    Nón trắng nghiêng che ai đứng đợi

    Duyên dáng đồng bằng áo bà ba

     

    Ghé Tây Đô xanh - thành phố trẻ

    Trên phù sa trẻ đất phương Nam

    Mùa xuân sông Hậu xanh đến thế

    Sức sống mùa vui cứ dâng tràn.

     

    Nguồn: Cần Thơ - http://diendan.mientay.net


  4. Khi anh quen cô, cô đã có ý trung nhân. Và vì yêu nên anh không muốn khuấy động cuộc sống riêng tư của cô. Anh chỉ âm thầm ở bên, lặng lẽ quan tâm, giống như một không gian vô hình vậy, luôn tồn tại xung quanh nhưng không gây cho ai bất cứ áp lực gì.

    Thoáng chốc ba năm trôi qua, tình yêu của cô dường như tiến triển rất thuận lợi. Cho đến khi anh cảm thấy không còn một chút hi vọng nữa thì bất ngờ cô và bạn trai chia tay. Khi đó, anh vừa xót xa cho cô, vừa khẽ thầm chúc mừng cho chính mình.

     

    Trong những ngày tháng đó, cô luôn rơi vào trạng thái hụt hẫng, khủng hoảng trầm trọng. Anh chỉ lặng lẽ ở bên cô, quan tâm an ủi cô, và cũng rất thận trọng không sớm vội vàng thổ lộ tình yêu của mình. Anh vẫn kiên nhẫn đợi, anh tin rằng trên đời có những thứ tình cảm không cần nói bằng lời cũng có thể khiến người khác cảm nhận được.

     

    Cuối cùng sau gần một năm cố gắng, cô đã nhận lời đi ăn tối cùng anh. Đó là một buổi chiều trời mưa tầm tã, anh và cô cùng đi dưới một cái ô. Trên đường đi, anh đột nhiên rút ra một chiếc nhẫn và quỳ xuống đường cầu hôn với cô. Cô lặng đi trong bất ngờ rồi bật khóc.

     

    Thực ra trái tim cô cũng đã sớm rung động trước sự dịu dàng và ánh mắt ấm áp anh luôn dành cho cô mỗi khi cô tuyệt vọng hay khổ đau. Cô cũng sớm biết tình cảm anh dành cho mình nhưng không thể vội vàng đến với anh, cô cần có thời gian để trái tim được hàn gắn trở lại.

     

    Giờ đây, đứng trước một trái tim chân thành như thế, cô không còn lí do gì để từ chối nữa, cô mỉm cười hạnh phúc gật đầu. Anh vui mừng khôn xiết trân trọng đeo nhẫn cho cô. Chiếc nhẫn có vẻ hơi rộng so với ngón tay, cô hạnh phúc nép mình vào ngực anh...

     

    Đến nhà hàng, người phục vụ yêu cầu cô phải để ô ở trên giá bên ngoài cửa ra vào. Cô cẩn thận gấp ô đặt vào đúng chỗ quy định. Đến khi hai người ra về, mặt cô chợt tái đi, cô phát hiện thấy chiếc nhẫn trên tay đã rơi tự lúc nào không biết, cô đoán có lẽ trong lúc cô gập ô lại.

     

    Cô hốt hoảng chạy ra nơi để ô tìm, nhưng chiếc ô cũng không cánh mà bay. Cô cuống quít tìm kiếm xung quanh, thậm chí quỳ hẳn xuống chỗ bọn họ đã từng ăn cơm để tìm chiếc ô, nhưng không có một chút dấu vết gì. Anh thì không hiểu chuyện gì xảy ra nên chỉ biết chạy theo sau cô.

     

    Ra ngoài cửa anh phát hiện thấy chiếc ô của cô đã biến mất. Nhìn vẻ mặt thất thần của cô, trong phút chốc anh hiểu ra tất cả. Chiếc ô này là món quà mà người bạn trai trước đã tặng cho cô, hóa ra... cô vẫn không thể quên được người đó.

     

    Trái tim anh chợt trở nên lạnh giá. Tại sao cô có thể đùa giỡn với tình cảm của anh như thế? Tại sao lại nhận lời cầu hôn của anh trong khi vẫn nhớ đến người con trai khác? Anh nhìn cô một cách đầy giận dữ rồi bỏ đi không nói một lời. Ngày hôm sau anh lên cơ quan xin thôi việc và lặng lẽ đi đến một thành phố rất xa...

     

    Vài năm sau khi đã lập gia đình anh quyết định trở về nơi làm việc cũ. Thật trùng hợp, về đến nơi cũng vừa lúc anh nghe bạn bè nói ngày hôm sau là đám cưới của cô. Anh lập tức quyết định sẽ đưa vợ cùng đi đến dự đám cưới của cô, anh muốn cho cô biết dù không có cô anh vẫn có thể có một cuộc sống hạnh phúc như thế nào...

     

    Sau bữa tiệc, một người bạn đồng nghiệp thân của cô nhận ra anh liền lập tức kéo anh ra một chỗ trách móc: “Anh có biết chỉ vì một cái ô mà anh đã làm mất đi một người yêu anh không?”.

     

    Anh sững lại trong giây lát không hiểu có chuyện gì xảy ra thì đồng nghiệp cô lại nói tiếp: “Ngày hôm đó, cô ấy hốt hoảng muốn tìm cái ô là vì cô ấy đã nghĩ rằng chiếc nhẫn anh tặng có thể do cô ấy không cẩn thận đánh rơi vào trong đó. Cô ấy sợ sẽ làm anh buồn nên mới thục mạng đi tìm chiếc ô là vì thế. Anh thật quá hồ đồ...”.

     

    Anh ngẩn người ú ớ nói: “Vậy tại sao lúc đó cô ấy không giải thích ngay với tôi?”. Người đồng sự cười một cách buồn bã: “Anh yêu cô ấy bao nhiêu năm mà tại sao vẫn không hiểu cô ấy? Cô ấy làm sao có thể là loại người vẫn yêu người này mà lại nhận lời cầu hôn của người khác? Chỉ trách anh đã không tin cô ấy, cũng chính là chẳng có niềm tin với chính mình. Với một người như vậy cô ấy có còn muốn tin tưởng anh nữa không?”.

     

    Những lời người đồng sự nói như một nhát dao cứa vào lòng anh. Giờ đây mọi chuyện có hối hận thì cũng đã quá muộn. Cuối cùng anh xót xa nhận ra rằng: Năm đó anh không chỉ mất đi một chiếc ô bình thường, mà đã mất đi hạnh phúc cả một đời của chính mình.

    Nguồn: Cần Thơ - http://diendan.mientay.net


  5. Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, Cà Mau nói riêng, chưa ai thống kê hết được có bao nhiêu con kênh, cũng như tên gọi. Những con kênh đào đầu tiên: kênh Bảo Định, kênh Thoại Hà, kênh Vĩnh Tế... và rất nhiều con kênh do thiên nhiên hình thành có tầm vóc, cũng như giá trị kinh tế của nó.

     

    diendan.mientay.net-347--kenh-mien-tay%20(1).jpg

     

    Kênh Sáng Láng Trâm - Thới Bình

    diendan.mientay.net-347--kenh-mien-tay%20(2).jpg

     

    Kênh Lương Thế Trân đem đến vẻ tươi mát cho cả một cánh đồng rộng lớn

     

    diendan.mientay.net-347--kenh-mien-tay%20(3).jpg

     

    Kênh Đường Đào - xã Hồ Thị Kỷ, Thới Bình

     

    Ở Cà Mau, không ít con kênh mà tên gọi của nó gắn liền với những sự kiện lịch sử, như kênh Dớn Hàng Gòn, kênh Chống Pháp, kênh Mỹ, kênh Ông Đơn, kênh Đường Đào, kênh xáng Chắc Băng, kênh xáng Nụ Cường, kênh xáng Lương Thế Trân... Mỗi con kênh có đặc thù riêng: có kênh dòng nước đục phù sa, có kênh dòng nước đỏ, có kênh nước xanh trong soi bóng những hàng tre. Có nhiều con kênh đã đi vào thơ ca và huyền thoại, là những dòng thủy giang êm ả, tưới mát những đầm tôm, đồng lúa xanh, ôm ấp những làng quê thôn xóm, bồng bềnh những con đò xuôi ngược, khua mái chèo nhịp nhàng những sớm tinh sương, sinh động và lung linh như những vần thơ trữ tình.

     

    Con kênh xinh xinh là những gì thanh tú nhất, đẹp nhất của vùng đất cực Nam Tổ quốc - Cà Mau.

     

    diendan.mientay.net-347--kenh-mien-tay%20(4).jpg

     

    Kênh Ô Rô - nơi gắn liền với những chiến công oanh liệt

    của Tiểu đoàn 307 tại Cà Mau

    diendan.mientay.net-347--kenh-mien-tay%20(5).jpg

     

    Rừng đước ở kênh Ông Đơn (Năm Căn) - một thời là căn cứ cách mạng

    trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ

     

    diendan.mientay.net-347--kenh-mien-tay%20(6).jpg

     

    Kênh So Le ở xã Trần Hợi - nơi cung cấp nông sản rất lớn

    cho làng nghề ép chuối khô

     

    diendan.mientay.net-347--kenh-mien-tay%20(7).jpg

     

    Kênh Dớn Hàng Giòn

    Nguồn: Cần Thơ

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This is an example of a list.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

×
×
  • Create New...