Tìm kiếm
Showing results for tags 'oan sai'.
Found 1 result
-
ÔNG TƯ GÕ MÕ Chuyện xảy ra hồi năm 1988: Một ông già 71 tuổi, mặc áo bà ba trông rất sạch sẽ, tay xách, vai mang gậy, giỏ đệm, đặc biệt là một chiếc dùi và một cái mõ tre. Ong vừa đi vừa gõ mõ. Không giống như những người hành khất khác trong Thị xã Vĩnh Long. Thỉnh thoảng người ta thấy ông xuất hiện một lần ở một nơi nào đó. Khi thì ông có mặt ở Uỷ Ban tỉnh, khi thì ở cơ quan Công An tỉnh. Lần khác lại thấy ông có mặt trước toà soạn báo Cửu Long… Trước mỗi cơ quan như vậy, ông đứng nhìn vô, mặt hơi nhẩng lên trời, tay run run gõ mõ liên tục, miệng kêu gào một câu đã thuộc lòng từ lúc nào: - Nó chém tôi sáu dao, làm đui hết một con mắt như chết nữa thân người, chánh quyền không giải quyết… Bớ Bác Hồ, vị cha già của dân tộc về dây giải oan cho tôi. Tình cờ, gặp một số người biết ông, họ bảo: - Ong Tư mõ tre ở Hoà Hiệp, Tam Bình đó. Tội nghiệp, ông già đã lặng lội đi như vậy gần ba năm nay… Gia đình chắc cũng khổ vì ông. Tôi hỏi thăm ai cũng biết rất lờ mờ về nỗi lòng của ông. Người này nói vầy, người kia nói khác. Cũng có người cho rằng ông là kẻ không bình thường. Ong Tư mõ tre! Ong là ai? Con cháu ông đâu để ông đi lang thang như vậy? Tôi tìm hiểu và được biết ông là Nguyễn Văn Triệu, cha của Liệt sĩ Nguyễn Văn Nhường. Gia đình ở ấp Năm, xã Hoà Hiệp, Huyện Tam Bình tỉnh Cửu Long. Trong năm 1988 ông đã đi gõ mõ như vậy hết bảy lần. Ngày mồng một tháng một, ông có mặt ở Viện Kiểm Sát tỉnh. Lúc 8 giờ ngày 09 tháng 09 tiếng mõ của ông lại vang lên trước Sở Tư Pháp. Rồi khoảng 10 giờ 12 phút, tiếng mõ ấy vọng vào hội Văn học Nghệ thuật tỉnh… Anh em trong cơ quan thấy vậy mời ông vào để nghe ông bày tỏ nỗi lòng oan ức. Bằng giọng nói hết sức bình thường và tỉnh táo, ông “Tư mõ tre” kể lại cho chúng tôi nghe chuyện mười năm về trước: - Tôi có một miếng rẫy ở ấp 6. Đêm 02 tháng 09 năm 1978 tôi đi giữ rẫy như thường lệ. Khoảng bảy hay tám giờ gì đó, tôi phát hiện có kẻ trộm đào bờ mì của tôi gần bốn mươi thước. Lúc đó còn trăng non. Tôi nhìn từ hướng trên trăng thấy dáng thằng ăn trộm ốm nhách, dong dõng cao. Đúng là thằng Hai (Tên là Phan Tôn Anh) ở gần nhà tôi. Tôi lấy một cây gậy tầm vông được vót mắt sơ sài đánh nó một roi trúng phía vai phải. Nó té nhào xuống ruộng. Chắc vai nó bị trầy một đường. Ngay lúc đó một thằng khác đang nhổ khoai ngọt của tôi phía đằng kia nhào tới đè chém tôi hết sau dao. Tôi bị thương nặng nhờ cháu tôi chỡ đi bệnh viện. Ong “Tư mõ tre” ngưng kể rồi vạch cho chúng tôi xem những vết sẹo đã may kỹ, chỉ còn những lằn trắng hằn lên lớp da phía chân tóc, trên con mắt bị lòi ra và phía sau gáy. Ai cũng xót xa nhìn ông. Chứng tích của kẻ phạm tội còn đó, suốt quãng đời còn lại của ông sẽ chịu tật nguyền. Nhưng kẻ phạm tội ở đâu? Mười năm qua và hiện nay đang sống yên ổn hay tiếp tục gieo tội ác ở một nơi nào khác? Sau một phút yên lặng, ông kể tiếp: - Tôi nghe nói sáng hôm sau có ba người xuống khám xét thanh niên trong xóm xem có dấu tích gì không. Tôi nhớ lại một đoạn trong thư trả lời của Viện Kiểm sát tỉnh đề ngày 26 tháng 02 năm 1988 trong xấp “hồ sơ” của ông Nguyễn Văn Triệu: “… Số cán bộ tham gia làm án đã nhạy bén nắm bắt chi tiết này, mời những người đàn ông từ 17 đến 40 tuổi trong ấp 5 đến khám dấu vết. Khám buổi sáng không có Phan Tôn Anh ở nhà, chiều y về khám sau. Theo lời khai của nhiều nhân chứng thì trên lưng của Phan Tôn Anh có vết bầm. Khi cỡi áo ra y tái mặt và nói: “bẻ tàu dừa rụng phải đi chích thuốc ở Tam Bình” Theo nhận định của Viện Kiểm sát thì đây là chi tiết rất quan trọng, nhưng rất tiếc đã bị bỏ qua. Có một điều đáng suy nghĩ là tại sao trong hồ sơ vụ án không có một văn bản nào thể hiện cuộc khám xét này mà chỉ có một bản tường trình của Phan Tôn Anh với nội dung chung chung khoảng hơn 100 chữ. Chuyện đã xãy ra cách nay mười năm nhưng nó để lại lòng người nhiều suy nghĩ. Chúng ta không thể ngây thơ chờ đợi kẻ xấu tự giác nhìn nhận một sự thật, lại là một sự thật bất lợi cho họ. Nhưng đánh thức lương tâm để họ chịu nhìn nhận cái sự thật ấy không phải là chuyện dễ. Tôi phải tạm gác những suy nghĩ của mình để lắng nghe ông “Tư mõ tre” kể tiếp: -Mấy ảnh bắt thằng Anh đem về tỉnh cùng tang vật để lại rẫy là một bao khoai mì khoảng sáu ký cùng với cây tầm vông của tôi, một củ khoai ngọt, một cái cán chĩa và một cái đèn lồng. Mười hai ngày sau, Công an thả nó ra không cho tôi biết tại sao. Đến khi xuất viện về, tôi định làm đơn khiếu nại thì con gái tôi bàn: “Thôi, bỏ qua đi ba à, đừng làm đơn khiếu nại. Sợ đêm hôm tăm tối ba không thấy rõ rồi nghi oan cho người ta”. Tôi nghe lời con tôi mà bỏ qua. Đúng hai năm chín tháng sau có một số anh em gặp tôi hỏi thăm vụ ăn trộm chém tôi. Tôi kể lại cho số anh em đó nghe. Trong đó có cháu của thằng Anh. Nó chạy về nói lại với thằng Anh. Thằng Anh làm đơn kiện tôi với chính quyền ấp Năm. Ngày 13 tháng năm âm lịch, ông ba Hội đại diện chính quyền, ông Đồng Ba là Công an, và ông Bảy Quý là Hội đồng Nhân dân họp xử tôi. Chính quyền hỏi tôi có nói là Phan Tôn Anh có ăn trộm không? Tôi thừa nhận có nói… Ông kể tới đó, tôi thấy nỗi oan ức của ông bị khơi dậy một cách thiếu tế nhị. Tôi không cắt lời để nghe ông kể tiếp: - ...Tôi chỉ ngay mặt nó và nói: “Nó là thằng ăn trộm, ăn cắp của tôi” Vậy mà trước mặt chính quyền nó hăm he đòi đánh đập tôi và nhiếc mắng tôi tơi bời. Còn phía chính quyền thì ông tổ trưởng chỉ vào mặt tôi nói: “Ông đừng nói nữa, ông nói nhiều vô ích”. Như vậy rồi dập tắt không xử gì hết. Cũng từ sự kiện như vậy, ông Triệu bắt đầu có ý nghĩ đâm đơn thưa kiện. Ngày 16 tháng 05 năm 1981, ông đã đâm đơn lên Huyện rồi chờ đợi gần bốn năm không thấy kết quả. Vào cuối năm 1985 ông bắt đầu gõ mỏ kêu oan từ bến đò Tam Bình đến Uỷ Ban Huyện. Ông Bảy Xiếu, Chủ Tịch Huyện mời ông vào hỏi sự tình. Sau đó Hội đồng nội chính thống nhất tiếp tục điều tra mong làm rõ vụ án. Công An Huyện Tam Bình cử cán bộ đến phòng CSHS mượn hồ sơ vụ án giao cho Uỷ Ban Huyện xác minh. Ông Nguyễn Văn Tám, Phó Chủ nhiệm Uỷ Ban Thanh tra kết luận: - Lúc bị thương, trên đường đi, tại bệnh viện và hiện nay, ông Triệu vẫn khai giống nhau. Khi Công an tỉnh đến khám thấy Phan Tôn Anh có vết bầm. Nếu tàu dừa rụng trúng vai thì khôn đến nỗi Phan Tôn Anh phải đi bệnh viện. Phan Tôn Anh bị ông Triệu đánh té xuống mương nên không thể đến chém ông Triệu được mà tên thứ hai đến chém ông. Từ kết luận đó, khối nội chính huyện được sự đồng ý của Ban Chỉ huy Cảnh sát và Viện Kiểm sát tạm giữ Phan Tôn Anh để điều tra nhưng không có quyết định khởi tố. Mãi đến ngày 5 tháng 1 năm 1987, có lệnh tạm tha Phan Tôn Anh sau mười tháng điều tra. Mười tháng: thời gian khá dài để ban chuyên án điều tra tìm ra sự thật và buộc tội kẻ phạm pháp. Nhưng quá trình xét hỏi chỉ ghi được một khoảng chung là không có cơ sở buộc tội phải tạm tha cho đương sự. Thế là ông Triệu tiếp tục gõ mõ kêu oan đến cấp tỉnh. Chúng tôi hỏi ông Triệu: - Theo ý bác thì việc này phải giải quyết như thế nào? Ông Triệu trả lời: - Nó chém tôi đui một con mắt, tôi bị thương tật như vậy mà chính quyền bỏ qua thì ức cho tôi quá. Tôi phải kêu oan cho tới Bác Hồ. Chừng nào thấu tai Bác Hồ, Bác Hồ phái ra một người trung thực, thẳng thắn đứng ra giải quyết cho sáng tỏ thì tôi không nói nữa. Thằng ăn trộm chém người ta phải đem về ấp tôi, mời công chúng lại công bố rồi chính quyền thay mặt luật pháp công bố tha thứ nó, tôi cũng không đòi hỏi gì. Riêng tôi, nó làm tôi thương tật, nó phải bồi thường. Nếu luật pháp qui định nó chỉ bồi thường tôi một đồng bạc, tôi cũng chịu nữa. Miễn mọi chuyện sáng tỏ là tôi hài lòng rồi… Theo dư luận quần chúng ở xã Hoà Hiệp cho rằng Phan Tôn Anh có sự bao che nên vụ án bị bỏ qua. Nhưng các ngành nội chính như Viện Kiểm sát, toà án, UB Thanh Tra và cả Ông Nguyễn Thái Bình, Trưởng Công an huyện Tam Bình cũng tỏ ra không hài lòng với kết quả điều tra. Tôi lục trong xấp giấy tờ của ông “Tư mõ tre” thấy có lá thư của Bộ Nội vụ đề ngày 16 tháng 06 năm 1988 trả lời đơn khiếu nại của ông. Đoạn cuối thư có viết: “…Vụ án xảy ra đã lâu, chứng cứ, tang vật không thu được gì nên không có điầu kiện làm lại được nữa và không có chứng cứ buộc tội Phan Tôn Anh. Cục Cảnh sát hình sự đã xem lại vụ án và xét thấy vụ án đã xảy ra ở vùng nông thôn mới giải phóng, trình độ nghiệp vụ của Công an cơ sở còn hạn chế, kinh nghiệm chưa nhiều. Chúng tôi mong ông hết sức thông cảm…” Thế nhưng ông “Tư mõ tre” chưa thật sự thông cảm. Ong nói: - Cán bộ hồi trước còn thấp kém, tìm không ra manh mối. Còn cán bộ bậy giờ thông minh sáng suốt rồi thì phải tìm ra manh mối chớ. Tôi thầm nghĩ: “Trình độ nghiệp vụ” còn hạn chế mà tham gia vào việc giải quyết những vấn đề xã hội đã không đem lại một hiệu quả nào mà còn để lại một hậu quả hết sức đau lòng cho xã hội. Chuyện ông “Tư mõ tre” là một trong những hậu quả của mười năm sau những người có trách nhiệm lại gánh lấy và chịu đựng như một thử thách gay go. Và ai là người lao vào những thử thách gay go đang còn phía trước? Tôi định lựa lời giải thích và an ủi ông, nhưng chưa kịp nói thì ông nói chận lại ý tôi: - Tôi thấy chính quyền cứ ru tôi ngủ. Tôi ngủ giấc nào hay giấc nấy. Chờ tôi ngủ thiếp đi chứ không hề mang ra giải quyết được… Tôi sốt ruột nhìn ông. Phải chi hồi đó vụ án này được giải quyết tới nơi tới chốn… Phải chi những người phá án đừng bỏ qua chi tiết nào dù rất nhỏ…Phải chi… Phải chi… Chuyện ông “Tư mõ tre” không chỉ dừng lại ở cái hậu quả vừa nói mà nó còn phát sinh thêm một hậu quả nữa, khá phức tạp. Ông kể cho chúng tôi nghe tiếp: - Trong vòng ba bốn năm nay, tôi bỏ xứ đi xuống Vũng Liêm, vì ở nhà, thằng con của thằng Anh hâm doạ đòi đánh, đòi giết tôi. Nó nói tôi tố gian cha nó nên cha nó bị giam mười tháng, chánh quyền không xử tôi vì có bao che tôi, vì tôi là gia đình liệt sĩ. Lời hăm he đó nó nói tại xã. Đó, một nạn nhân của kẻ phạm tội đang bị hăm doạ tiếp. Một đời sống bình thường của một công dân đang bị cướp mất. Và bây giờ ai dám khẳng định ông “Tư mõ tre” tố gian? Rồi ai dám khẳng định Phan Tôn Anh là kẻ nhúng tay phạm pháp? Trách nhiệm này về ai? Điều chắc chắn là khó xử cho ông “Tư mõ tre” thoả mãn nếu không tìm ra được kẻ chém ông trọng thương. Trước khi chia tay chúng tôi, ông nói thêm một điều làm lòng tôi ray rứt: - Con tôi không muốn tôi đi lang thang như vậy. Nhưng vì ức quá, tôi phải đi, nó có cản cũng không được. Hồi trước, nghe lơi nó, tôi không đi đâu hết, nhưng nghĩ lại, thấy tội nghiệp cho cái xã hội. Nếu chỉ một mình mình bị nạn thì cũng không đến nỗi. Tôi sợ sau này cái xã hội thối nát… Ong “Tư mõ tre” đi rồi! Chúng tôi thuyết phục ông để lại cho chúng tôi cái mõ và cây dùi. Bóng ông đã khuất trong đám đông Thị xã. Rất hy vọng đây là lần sau cùng ông từ bỏ cái mõ tre để chôn nỗi buồn vào quá khứ. Nhưng không. Rõ ràng đã có một buổi sáng, ông “Tư mõ tre” đứng trước cơ quan gõ mõ kêu oan. Hình ảnh đó còn ám ảnh mãi trong trí mỗi người hiểu biết chuyện đời ông. NGỌC HIỆP Tên thật Bùi Ngọc Hiệp. Sinh năm 1953 Bút danh khác: Kha Trường An. Tham gia sáng tác từ năm 1980 bài đăng trên các báo: Văn Nghệ - Tuổi Trẻ - Bông Sen... . Giải A Kịch bản sân khấu tỉnh Cửu Long năm 1985 . Giải B Văn học tỉnh Cửu Long năm 2003 . Giải B Trại sáng tác tỉnh Trà Vinh 3003 Hội viên Hội VHNT Vĩnh Long chuyên ngành : Thơ - Văn - Nhiếp Ảnh.
Footer title
This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.
Footer title
This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.
Footer title
This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.