Jump to content
Kieu Anh Huong

Nỗi đau Ba Đình

Recommended Posts

HoitruongBaDinh.jpg

 

Hội trường Ba đình- Công trình kiến trúc thuần Việt thời kỳ cách mạng duy nhất còn lại ở Thủ đô đã bị phá bỏ. Nguyễn Cao Luyện là đồng tác giả của hội trường Ba Đình.

Trong khi đó Hội trường Thống Nhất- Công trình kiến trúc thuần Việt cùng thời kỳ, nhưng của chế độ đối kháng (Mỹ Ngụy) thì vẫn còn tồn tại và được xếp vào di tích lịch sử cấp Quốc Gia; Nỗi đau này vì đâu ??

Nguyên Thủ Tướng Võ Văn Kiệt khi còn sống đã kịch liệt phản đối kế hoạch này... Nhưng...

Thương tiếc Người, KAH xin kính tặng bài thơ này cho hương hồn cố thủ tướng VVK....

 

 

Bài 270. NỖI ĐAU BA ĐÌNH…

 

 

 

Một ngày bình yên… đi qua Lăng Bác

Tim tôi bất chợt nhói đau…giật mình

Cắc gì đâu mà người ta đập bỏ

Hội trường lịch sử Ba Đình !

 

Hóa ra để xây Nhà Quốc Hội

Nên,

Dẫu là di tích của Đảng cũng phải hy sinh !

(Quốc Hội đã bỏ phiếu thông qua rồi đấy chứ…)

Quốc Hội là đại diện cho ý chí nhân dân chúng mình ??…

 

Hà Nội bây giờ đang mở rộng

Để “uy danh” thế đứng Thủ Đô

Đất có thiếu gì đâu mà các ngài “dân biểu”

Cứ phải cố… quẩn quanh…bên cạnh lăng Bác Hồ !

 

Ôi lịch sử nghìn năm Thăng Long-Hà Nội

Hãy điểm lại coi- còn sót được những gì ?

Ta đã từng bao lần hờn căm quân xâm lược

Dã tâm san phẳng đất Thăng Long-Đông Đô !

 

Vậy mà bây giờ, lại chính chúng ta

Tự tay san bằng thêm một phần chính danh lịch sử !

Không để Bác Hồ được yên lành thêm giấc ngủ

Khóc nhìn… Hội trường xưa - Ba Đình

Tan hoang !

 

Và thế là từ nay, mỗi lần đi qua đây

Triệu triệu những người con Bách Việt

Sẽ chỉ biết nhìn nhau và tự hỏi,

- Đâu rồi những “cái bọc trăm trứng”

Đã sinh ra một lịch sử hoang đường..?!

 

Đó chính là nỗi đau Ba Đình !

 

Hà Nội, ngày 12.06.2008

Kiều Anh Hương

 

Xem thêm bài viết sau để hiểu rõ vì sao?

 

 

Ngày 10.09.2008,Nguyên Thủ Tướng Võ Văn Kiệt đã có viết một bài đăng trên báo “Thanh Niên” bày tỏ quan điểm của mình về việc xây “Nhà Quốc hội” tại không gian Hội trường Ba Đình hiện nay. Ông cho rằng Hội trường Ba Đình nên bảo tồn và Nhà QH nên có một không gian tương xứng…

 

Bây giờ thì mọi sự dường như không có gì thay đổi được vì nó đã được QH thông qua (?) Bức thư này của ông Võ Văn Kiệt được coi là “thư riêng” còn vì một lẽ là kể từ khi nó được gửi đi đến nay chưa hề nhận được hồi âm., dù chỉ là một lời báo đã nhận được...

Xin trích một phần bức thư để mọi người cùng tham khảo.

 

Hà Nội, 2.4.2007

 

Đây là bức thư riêng nhưng chủ yếu nói về việc chung. Tôi biết bức thư này tới tay Anh thì mọi việc đã xong xuôi, như dân gian nói “ván đã đóng thuyền”, hàm ý nói đến việc thông qua nghị quyết của QH về phương án xây dựng Nhà Quốc Hội.

 

Tôi rất tiếc không biết vì lý do gì, tôi không được phát phiếu thăm dò ý kiến về vấn đề này tại QH (có thể chỉ là lỗi về kỹ thuật ?). Vả lại, nếu có phiếu thăm dò thì cũng chỉ làm nhích lên con số 32+1 những người không tán thành xây Nhà QH tại địa điểm hiện nay đã quyết định. Cách tổ chức thảo luận để lấy ý kiến (ở tổ), việc hạn chế báo chí tham gia phản ảnh ý kiến và dư luận tất yếu sẽ dẫn đến kết quả “bấm nút” tại QH để làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quyết tâm xây nhà QH tại khu vực này. Cái còn lại sẽ là sự phán xét của nhân dân và lịch sử. Tất cả sẽ đuợc ghi nhớ và ghi lại (…)

 

Tôi không bàn thêm ý kiến về việc xây Nhà QH ở đây có thể ảnh hưởng đến sự “toàn vẹn” của di tích Hoàng thành, cho dù dự án cũng đã nhấn mạnh đến mục tiêu bảo tồn và sự kết hợp hài hoà giữa nhà QH và khu di tích 18 Hoàng Diệu. Tôi lo lắng vì khi đã động thổ rồi thì ai ngăn được và kiểm soát nổi các nhà xây dựng? Bằng cứ là trong khi báo cáo của Chính phủ tỏ ra tuân thủ kết luận của Bộ Chính trị là “xây nhà QH trong khuôn viên hội trường Ba Đình hiện nay” thì chính báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Khoa học của QH lại thêm vào câu “có mở rộng sang khu C và D" (theo bản đồ khai quật khảo cổ học hiện nay) (!?)…. Về vấn đề bảo tồn di tích Hoàng thành Thăng Long và khả năng công nhận Di sản thế giới tôi không nhắc lại vì đã có ý kiến của GS Phan Huy Lê với tư cách người thay mặt cao nhất của Hội Sử học VN và cả ý kiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng là Hội trưởng Danh dự của chúng tôi.

 

Tôi đặc biệt lưu ý đến Hội trường Ba Đình. Giai đoạn đầu chính ý kiến của Bộ Chính trị đặt vấn đề là phải bảo tồn công trình kiến trúc này, nay lại vì lý do công trình đã bị xuống cấp về kỹ thuật mà đưa ra ý kiến phải phá bỏ cùng giải pháp lưu niệm bằng mô hình, hiện vật…Tôi thấy cả lý do và giải pháp đều không xác đáng.

 

 

Quảng trường Ba Đình trước Cách mạng tháng Tám 1945.

 

Xin hãy chỉ cho tôi, trên địa bàn Thủ đô, trái tim của đất nước đâu là di sản vật thể (công trình xây dựng và giá trị lịch sử) tiêu biểu nhất của một thời kỳ lịch sử với những nội dung vô cùng quan trọng của dân tộc (Xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thống nhất đất nước…). Biết bao sự kiện lịch sử đã diễn ra tại đây. Chỉ riêng với lịch sử Đảng đã có 7 Đại hội Đảng và cũng từng ấy nhiệm kỳ QH. Biết bao sự kiện lịch sử quyết định những vấn đề trọng đại (Hội nghị Chính trị đặc biệt, Hội nghị Chính trị Hiệp thương thống nhất đất nước, Quyết định đổi Quốc hiệu, nơi viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh…)…

 

Thật đáng tiếc là trong khi TP HCM (ngay từ năm 1976) đã đăng ký Dinh Độc lập của chế độ cũ làm di tích lịch sử để có cơ sở pháp lý bảo tồn, kể cả bảo tồn những dấu tích của chế độ cũ (như phòng làm việc của Tổng thống…), thì tại Thủ đô Hà Nội, một di tích có giá trị như vậy không được quan tâm về mặt pháp lý để nay phá bỏ kiến trúc Hội trường Ba Đình. Mọi giải pháp bảo tồn khác chỉ làm tăng thêm câu hỏi cho đời sau về lý do phá bỏ kiến trúc của Hội trường Ba Đình hiện nay mà thôi.

 

Nếu cho rằng kiến trúc này không “đẹp” thì xin hỏi trên lãnh thổ Hà Nội hiện nay có kiến trúc VN nào đẹp hơn? Có cái gì đẹp hơn thì đều là kiến trúc ngoại (hoặc của thời thuộc địa, hoặc kiến trúc hoàn toàn xô viết như Lăng Bác, Cung Hữu nghị Việt Xô…). Nhưng điều quan trọng nhất, Hội trường Ba Đình vẫn là kiến trúc của Việt Nam một thời. Xin hỏi rằng, nay mai Nhà QH mới được xây theo kiến trúc hiện đại nhất (rồi chắc chắn lại của người nước ngoài thiết kế như Hội trường Quốc gia) thì trong cái không gian mà chúng ta coi là linh thiêng này, đâu là dấu ấn của kiến trúc Việt Nam? (Ở Hàn Quốc, khi đất nước của họ đã giàu mạnh, tại thủ đô Seoul họ đã phá bỏ khu dinh thự của Toàn quyền thời thuộc địa của Nhật Bản và xây Dinh Tổng thống của họ theo kiến trúc kết hợp cổ truyền với hiện đại, biểu dương một cách hoành tráng niềm tự hào dân tộc). Nếu chỉ xây mới một công trình hiện đại thì việc mời người nước ngoài là lẽ thường. Nhưng phá một công trình kiến trúc của mình lại chứa chất bao nhiêu giá trị lịch sử để mời người nước ngoài thiết kế mới thì đó là điều đáng suy nghĩ, không chỉ “hậu kim bạc cổ” mà con “hậu ngoại bạc nội”(…)

 

Hơn thế nữa, phá bỏ Hội trường Ba Đình, cái tên đã ăn sâu vào tiềm thức lịch sử để rồi đặt tên cho công trình kiến trúc mới là “Toà nhà QH” thì đó cũng là một điều phi lý và phi lich sử. Vì có một sự thực là trong mấy thập kỷ qua Quốc hội họp tại Hội trường Ba Đình chứ chưa bao giờ Hội trường Ba Đình là Nhà Quốc hội cả (cũng như Nhà Hát lớn HN đã từng là nơi QH họp chứ nó vẫn là Nhà Hát của thành phố). Hội trường Ba Đình là một chứng tích lịch sử của một thời đại lịch sử chứ không phải là nhà Quốc hội cũ nay được xây lại! Bằng quyết định này chính QH đã vi phạm tinh thần của Luật Di sản, cho dù Hội trường Ba Đình chưa được “xếp hạng di tích”, nhưng nó đã đuợc xếp hạng trong tâm thức nhiều thế hệ là di tích hàng đầu của lịch sử hiện đại, lịch sử của chế độ, lịch sử kiến trúc VN …

 

Phá Hội trường Ba Đình là phá một phần ký ức của dân tộc, của chế độ cũng là một phần của lịch sử cách mạng, lại là một thời kỳ đáng đựơc ghi nhớ nhất. Cho dù đưa ra lý do gì thì cũng không thể che lấp đươc cái sự thực ấy. Tôi tin rằng quyết định này sẽ được đa số đại biểu QH nhiệm kỳ XI thông qua nhưng nó không phải là ý nguyện của nhân dân và thế hệ sau sẽ phán xét. Quốc hội chúng ta phải chịu trách nhiệm. Tôi cũng vậy.

 

Lại nói thêm về lịch sử, đã ai quan tâm đến lý do vì sao thực dân Pháp khi đặt nền đô hộ của chúng đã chọn vị trí cửa phía Tây của thành Hà Nội (cũng là của kinh thành Thăng Long xưa) để đặt Dinh Toàn quyền và sau đó là các thiết chế chính trị khác hay không? Và một công việc hàng đầu để làm mặt bằng quy hoạch là san phẳng mấy quản núi đất vốn được coi là thế đất theo quan điểm phong thuỷ xưa với hy vọng trấn trị dân tộc Việt Nam và sau này còn tạo một chảo đua xe đạp ngay giữa khu vực quảng trường Ba Đình hiện nay (mà khi đó đặt tên cho khu vực này là Ronde (vòng) Puginier, tên của một vị cố đạo hàng đầu…). Và cho tới thập kỷ 20 của thế kỷ trước, thì phía trước của Phủ Toàn quyền cong được xây một quả núi bê tông trên có tượng “bà Cộng hoà” (la Républicaine) để trấn trị… Tất cả cho thấy cần xem xét lại tính linh thiêng của không gian này nên được hiểu như thế nào? (…)

 

Là thế hệ thiếu niên của Thủ đô hồi những năm 60 của thế kỷ trước. Hẳn nhiều người còn nhớ có một mùa Hè Bác Hồ “mời” các cháu thiếu nhi vào chơi Phủ Chủ tịch và cho các cháu cắm trại vui chơi nhiều ngày ở đó. Tôi còn nhớ đinh ninh, và sử liệu chắc đều ghi lại việc Bác “bộc bạch” với các cháu thiếu nhi ý nguyện sau này khi đất nước giàu có hơn không gian của Phủ Toàn quyền xưa sẽ giành cho các cháu làm nơi vui chơi còn Chính phủ sẽ đi ra nơi khác nhường cho các cháu tất cả. Ý tuởng ấy không chỉ cao đẹp bởi lòng yêu thương thế hệ trẻ mà hẳn còn có một thâm ý sâu xa gì nữa chăng ?...

 

Còn rất nhiều điều muốn nói nhưng thư đã dài, chỉ xin lưu ý thêm một vài điểm: rồi đây ta sẽ có “luật biểu tình” để nhân dân có cơ hội bày tỏ ý nguyện của mình một cách hợp pháp. Mà nơi bày tỏ tốt nhất là Quốc hội. Đó gần như là một thông lệ thế giới. Vậy thì nếu Nhà Quốc hội đặt tại nơi đây thì việc biểu tình liệu có cấm đoán hay không và nếu không thì không gian đâu để khỏi ảnh hưởng đến những thiết chế khác trong đó có Lăng Bác?... Tại sao chúng ta không đưa ra phương án xây dựng Nhà Quốc hội ở nơi có không gian thích hợp và cứ mỗi buổi khai mạc kỳ họp hay những phiên trọng thể chúng ta “hành hương” đến Hội trường Ba Đình thực hiện nghi thức rồi trở về Nhà QH đúng nghĩa là một không gian kiến trúc của một thiết chế hoàn chỉnh làm việc quanh năm?...

 

Nguồn edu.net.vn

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

Thap-Duong-Long.jpg

 

Bài 271. XUỐNG CẤP...

 

 

 

 

Cùng với thời gian

Tất cả đều xuống cấp

Cơ thể ta, đồ rằng:

“70 vẫn chạy tốt”

Nhưng xem ra khó vượt

Con số một trăm …

 

Cùng với tháng năm

Tất cả đều xuống cấp

Tháp Chàm đang hoang phế

Hoàng Thành Huế rêu phong

Hội Trường Ba Đình sập…

 

Xuống cấp !

Cùng với thời gian...

Tất cả sẽ phải xuống cấp !

Nhưng,

Tất cả đều trùng tu được

Chỉ riêng mỗi CON NGƯỜI

Một khi đã xuống cấp…

Là phải bỏ đi thôi !

 

 

Hà Nội, ngày 12.06.2008

Kiều Anh Hương

Dien_Thai_Hoa.jpg

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

langBc.jpg

 

BA ĐÌNH MÙA HÈ 2008...

 

 

Mùa hè này chúng con về thăm Bác

Cỏ vẫn xanh và nắng vẫn hồng

Chỉ nuối tiếc Một Ba đình ngày ấy

Tồn quây dầy mấy lớp...mà rỗng không !

 

Lòng rỗng không và tình cũng rỗng không

Lạ kỳ thay lòng đời cũng rỗng tếch

Nói và làm lời Bác thường răn dạy

Mà sao không thấm nổi vào lòng ?

 

Chưa xây được nhà mới vì tiết kiệm

Thì giá như đừng vội phá Hội Trường

Chúng con vẫn còn nơi thăm viếng

Một chút thôi... cũng đỡ nắng xối đau...

 

Mà thôi, hãy nhẫn nhịn người ơi

Chuyện trời đất để đất trời tự vấn !

 

Ngày 01.07.2008

KAH

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

Đập bỏ đi những di tích xa xưa

Để mà xây một thời đại đổi mới

Để xứng danh một Việt Nam vươn tới

Đập bỏ đi những thứ đã xa xưa

Hiện giờ đây không còn là gì cả?

Thế chân đó là Hội trường lồng lộng

Để thế giới ngướng nhìn trầm trò khen

Để vững tin đón chào đoàn khách quý

Bệ vệ uy nghi, đứng giữa đất trời.

 

Rôì những oán trách của những đời sau

Trách cha ông đã phá đi tất cả

Biết rồi sau đâu còn di tích ấy

Con noi gương cháu vững bước tự hào

Còn đâu đây những trang vàng lịch sử

Phá đi rồi, một phút ánh hào quang

Mất đi rồi trang sử vẻ vang

Để người đời chê trách.

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

Join the conversation

You can post now and register later. If you have an account, sign in now to post with your account.

Khách
Trả lời chủ đề này...

×   Bạn vừa dán nội dung có định dạng.   Paste as plain text instead

  Only 75 emoji are allowed.

×   Your link has been automatically embedded.   Display as a link instead

×   Your previous content has been restored.   Clear editor

×   You cannot paste images directly. Upload or insert images from URL.

Đang xử lí...

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This is an example of a list.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

×
×
  • Create New...