Jump to content
Kieu Anh Huong

ĐÃI CÁT TÌM VÀNG...

Recommended Posts

Chắc hẳn phải có tình cảm với thơ của bạn bè lắm mới dành được một topic nhiều công sức và thời gian như thế. Diễn đàn dường như thiếu hẳn một nơi chia sẻ về thơ, may sao có KAH mở topic. Aily cũng thèm lắm viết được một lời bình cho những bài thơ mình yêu thích trên diễn đàn, nhưng cao lắm cũng chỉ dừng lại ở việc thầm cám ơn tác giả thôi àh. Nghĩ mình cũng tệ, biết đọc, biết viết mà không thể (hay không biết cách) bình được một bài thơ để người khác phải yêu thích giống mình.

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác
Chắc hẳn phải có tình cảm với thơ của bạn bè lắm mới dành được một topic nhiều công sức và thời gian như thế. Diễn đàn dường như thiếu hẳn một nơi chia sẻ về thơ, may sao có KAH mở topic. Aily cũng thèm lắm viết được một lời bình cho những bài thơ mình yêu thích trên diễn đàn, nhưng cao lắm cũng chỉ dừng lại ở việc thầm cám ơn tác giả thôi àh. Nghĩ mình cũng tệ, biết đọc, biết viết mà không thể (hay không biết cách) bình được một bài thơ để người khác phải yêu thích giống mình.

 

Chào Ái Ly !

Cảm ơn bạn đã sẻ chia

Muốn sang sông phải "lụy đò" mà sang

Đã yêu nên phải đa đoan

Thơ không phân biệt "sang hèn" chi đâu

 

Biết đâu KAH sẽ tìm được một bài thơ yêu thích của AL để bình !

 

Chúc sức khỏe nhé !

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

images1.jpg

1190375966img1.jpg

 

Bài thứ mười : Tặng Nguyễn Đăng Thuyết

 

CHỢ NGƯỜI…

 

 

Cách đây chừng hai chục năm hơn.., chợ người đã xuất hiện ở Hà Nội. Ngày ấy cơ chế thị trường mới mon men “thời mở cửa” nên đã có không ít những điều thị phi. Dễ hiểu thôi, bởi người ta đã quen sống trong bao cấp quá lâu rồi; Đạo đức một thời của chủ nghĩa xã hội không thể phủ nhận đã ăn sâu vào trong tim, vào óc mỗi người dân miền Bắc Việt Nam. Ngày ấy, đến bác xích lô cũng thật khó khăn lắm mới tìm được khách đi, bởi người ta đều nghĩ rằng ngồi trên xe để một bác xích lô (đa phần đã có tuổi) chở là mình đã “bóc lột”, thậm chí là không có “nhân tính”…

Nhưng cuộc sống như dòng sông mùa lũ vẫn cứ tuôn chảy; những khái niệm về đạo đức xã hội cũng dần được rộng mở và được hiểu một cách “thoáng” hơn khi mà qui luật “cung – cầu” đã bắt đầu được xã hội chấp nhận và buộc phải chấp nhận, nhất là trong cơ chế thị trường ! Nhìn lại một chặng đường , tuy chưa dài của quá trình đổi mới, phải nói rằng tất cả chúng ta thật sự vui mừng trước những chuyển động tích cực của đất nước…

Nhưng đó là cuộc sống, là đời… Còn bây giờ tôi đang nói, đang viết về thơ cơ mà; Cớ sao lại sa đà đến vây ? Nhưng không, tôi đang nói về thơ đấy. Bài thơ tôi đang nói có liên quan đến chợ người thật. Tôi bất ngờ gặp được tác giả Nguyễn Đăng Thuyết trong một kỳ “ọp-ẹp” mùa ngâu 2010 và thật sự có cảm tình với anh, đặc biệt khi lục tung ngôi nhà thơ của anh trong Thi viện. Quả là “hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”, tôi đã không phải thất vọng khi dễ dàng tìm thấy rất nhiều bài thơ hay của anh trên diễn đàn này. Tôi cũng rất thích bài thơ “Phố làng” của anh nhưng chợt nghĩ; thôi hãy để dành; bây giờ phải đi chợ đã. Chợ người cơ mà, may ra mình có thể kiếm được người giúp việc “sửa bông” và “chuyện bếp núc” cho văn chương sắp được xuất bản. He, kể cũng khoái…

 

Trở lại với bài thơ “chợ người” tôi lại thoáng buồn, dẫu vẫn biết cơ chế thị trường là vậy, nhưng sao mà không xót xa cho những phận người khi mà:

“Chợ gì ?

Chẳng thịt chẳng rau

Đầu đường góc phố

Một mầu áo quê

Tám phương lũ lượt kéo về

Bán thân gán sức nặng nề tới khuya…”

 

Không cần “vòng vo tam quốc”, chợ quê như một bức tranh “tả thực” đến nỗi đọc lên là nó đã dội thẳng ngay vào tim. Đau !

 

Ở Hà Nội, bây giờ người ta hay dùng chữ “nhà quê” lắm. Chắc chắn không phải là tất cả, nhưng nhiều. Tỷ như: bọn nhà quê, thằng nhà quê, mấy chị nhà quê… Tôi biết những từ đó dẫu chỉ là những khẩu ngữ “bình dân” thôi, chứ người ta cũng chẳng có ý “miệt thị” gì to tát lắm đâu. Nhưng nhiều khi nghĩ mà buồn, bởi chính những người hay dùng từ “nhà quê” đó có khi cũng vừa chân ướt chân ráo ở nhà quê ra tỉnh thôi ! Thật là kệch cỡm ! Có một lần tôi lái xe ôtô vào một phố nhỏ ở Hà Nội; đường tắc, tôi tính mở cửa xe ra để ngó xem có cách nào quay đầu xe và “chuột rút” được không ? Nhưng vừa mới hé cửa đã nghe một tiếng quát: “Thằng nhà quê kia ! Coi chừng !”. Tôi chưa kịp định thần thì thấy một xe máy “ba bét nhè” không phanh cứ lùi lũi vút qua, sát sạt; Người lái là một cậu bé “mũi vắt chưa hết sửa” nhem nhuốc dầu mỡ. Thì ra cậu ta thấy biển số xe của tôi là biển ngoại tỉnh (16 LD….) nên cậu ấy nghĩ tôi là người Hải Phòng, là “thằng nhà quê ra tỉnh” nên to tiếng để “át vía”… Nhưng không, tôi biết, cậu ta cũng chẳng có ý gì đâu, chỉ tại xe máy cà khổ của cậu ta “không chuông, không phanh, không gác bà ga..” nên phải thét lên thật to kẻo lại… Cũng may tôi kịp đóng cửa xe lại. Nghĩ vừa tức, vừa buồn cười…

Tôi cũng vốn là “dân nhà quê” ra tỉnh ! Những ngày đầu mới ra nghe hai từ đó cũng “tức ngực” lắm, nhưng nghe mãi rỗi cũng thành quen và nhiều khi chính mình cũng bị “lây” dùng như họ. Còn nhớ, ngày ông cụ nhà tôi còn sống, trong một lần nói chuyện, tôi trót dùng chữ “nhà quê” đã bị cụ cho một “chưởng” tơi bời về đạo đức văn hóa này nọ… Cụ còn nói: “nhà quê” là từ dùng để miệt thị những người nghèo hèn ở chốn quê; Con phải dùng chữ “nông dân” hoặc “nông thôn”, “người nông dân” hay “người nông thôn” thế mới đúng, thế mới là có văn hóa… Nhờ vậy, tôi đã bỏ được cụm từ không đẹp này. Thì ra văn hóa cũng phải học, cũng phải tu rèn, chỉnh chu lắm mới có được !

Vì vậy, khi đọc bài thơ “Chợ làng” của tác giả Nguyễn Đăng Thuyết tôi thực sự xúc động và sẻ chia với bao cảnh đời đang khốn khó ở chợ người.

“Tha hương vật vã khắp nơi

Cổ cầy vai cuốc nổi trôi phố phường

Vỉa hè !

Vất vưởng đêm trường

Bóng loà lay lắt lề đường sớm hôm...”

 

Đã đành, “nghèo thì hèn”, nhưng tôi tin những người dám mang sức vóc của mình ra chợ để bán vì mưu sinh thì chắc chắn là không hèn bởi vì tôi biết trong số đó có rất nhiều những “sức người” còn rất trẻ và không ít người trong số họ đã bán sức để kiếm tiền ăn, học và đã thành tài, thành danh đấy thôi. Ngày xưa khi ra Hà Nội đi học, tôi cũng đã từng “đi kéo xe bò, cuốc đất làm thuê/Đêm vất vưởng ngủ vỉa hè…mơ mộng !…” (KAH), chỉ khác là ngày ấy chưa có chợ người; Nếu có chắc tôi cũng sẽ đem cái sức hèn của mình đi bán; Có cách nào tốt hơn đâu khi mà “túi lủng quanh năm một kiếp đời” (KAH). Vậy thì:

“Mồ hôi !

Từng vốc đầm đìa

Đắng cay nhỏ giọt

Nghiêng thìa cháo cơm…”

 

Âu cũng là không còn con đường nào khác.

Nhưng nói gì thì nói, chợ người ở ngoài đời có thể là bình thường rồi, nhưng chợ người vào trong thơ thì không còn bình thường nữa; Đọc vẫn thấy cay cay đầu mũi vậy ! Đau lắm !

Cảm ơn Nguyễn Đăng Thuyết, anh đã dâng tặng cho thi đàn những vần thơ thật xúc động.

Mà nói cho cùng, thơ là gạch nối giữa những tấm lòng. Nói vậy thì bài thơ “chợ người” của Nguyễn Đăng Thuyết có thể coi là một thành công ! Mà thành công thì cũng có nghĩa là hay! Nguyễn đăng Thuyết có rất nhiều những bài thơ hay và rất bình dị như vậy. Chẳng phải tìm kiếm đâu xa, các bạn hãy vào trang thơ trên “Thivien.net” là có thể tìm thấy. Còn bây giờ, mời các bạn đọc lại bài thơ “Chợ người” của anh và cùng suy ngẫm !

 

Xin cảm ơn tác giả và cảm ơn các bạn đọc đã quan tâm đến bài viết này của tôi. Hãy chia sẻ với bao cảnh đời khốn khó và chia sẻ với tác giả !

 

Hải Phòng, ngày 31.8.2010

Kiều Anh Hương

 

 

 

CHỢ NGƯỜI

Tác giả; Nguyễn Đăng Thuyết

 

Chợ gì ?

Chẳng thịt chẳng rau

Đầu đường góc phố

Một mầu áo quê

Tám phương lũ lượt kéo về

Bán thân gán sức nặng nề tới khuya

Mồ hôi !

Từng vốc đầm đìa

Đắng cay nhỏ giọt

Nghiêng thìa cháo cơm

Lũ lam khó nhọc từng cơn

Thấm người bé họng tủi hờn trong tim

Mưa giông bão giật trời tìm

Sóng yên biển lặng ăn xin kiếp đời

Tha hương vật vã khắp nơi

Cổ cầy vai cuốc nổi trôi phố phường

Vỉa hè !

Vất vưởng đêm trường

Bóng loà lay lắt lề đường sớm hôm...

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

Bài thứ 11; Tặng Ái Ly

 

CÚI LẠY TÌNH NHÂN !

 

 

Tôi biết Ái Ly cũng đã khá lâu, cách đây chừng 4, 5 năm gì đó và cũng đã được diện kiến “nàng” một lần. Đó là một cô gái nhỏ nhắn, có khuôn mặt rất thông minh và ánh mắt “ưa nhìn”; đặc biệt có cùng nghề nghiệp với tôi – một kỹ sư hóa học…

Tôi biết Ái Ly cũng giản đơn, vì chúng tôi cùng là những người “chơi” trên mạng và cùng yêu thơ, viết thơ trên “thotre.com”. Nhưng điều khiến tôi gặp được Ái Ly lại hoàn toàn khác và khá bất ngờ, không nằm trong nằm trong dự kiến. Trong một lần vô công tác Sài Gòn, liên lạc qua điện thoại, tôi được biết nhà của Ái Ly ở rất gần nghĩa trang liệt sĩ Mười Tám Thôn Vườn Trầu, Hóc Môn – Củ Chi; Thật hữu tình, đó là địa điểm tôi thường ghé thăm mỗi lần vô Sài Gòn để thắp nén nhang cho phần mộ của thằng em tôi đang nằm đó. Nó đã anh dũng hy sinh vào hồi 9 giờ sáng ngày 30.4.1975 khi cùng đơn vị tiến vào giải phóng Thành Phố mang tên Bác. Nó đã hy sinh khi mà chỉ cách với thắng lợi hoàn toàn của đân tộc ta có… 3 giờ đồng hồ. Ôi, thật đau buồn và thương tiếc.

Tháng 5, năm 1975 khi vô đến đến Sài Gòn và biết tin em đã hy sinh, tôi đã viết trong nước mắt một bài thơ và mang ngay đến tòa soạn báo giải phóng nằm trên đường Đồng Khởi với hy vọng sẽ góp phần làm vợi đi nỗi buồn đau cho em, cho chính tôi và gia đình… Nhưng bài thơ đã không được đăng; tôi cũng không hiểu vì sao ? Sau này tôi cố nhớ để viết lại, nhưng chắc chắn không còn vẹn nguyên cái cảm xúc ngày nào, nhưng nó đã cắt nghĩa được vì sao không được đăng. Bài sau này có tựa đề “Bài thơ viết tặng em ngày 30.4..”, trong đó có đoạn:

“Nhưng chiến thắng men say còn đó

Nên bài thơ ai đã vô tình

Ném vào sọt rác…

Để anh và em

Cùng khắc khoải đợi chờ

Từng ngày, từng phút

Bài thơ in viết đề tặng Em..”

 

(Sau này khi tôi đưa bản thảo tập thơ “Gặp lại tuổi 20” cho nhà xuất bản Hội Nhà Văn, nhà thơ Ngô Văn Phú biên tập lại đã sửa thành: “Nên bài thơ ai đã vô tình/Ném vào quên lãn..” để nghe có vẻ mềm hơn và “thơ” hơn… Nhưng thực tình mà nói, tôi vẫn muốn để nguyên như bản thảo ban đầu, bởi nó là tâm trạng thật của tôi…)

 

Trở lại với câu chuyện thơ hôm nay, tôi tìm và gặp được Ái Ly cũng nhờ cái “duyên” như vậy. Và còn nhớ sau này nữa, đã có đôi lần tôi phải nhờ Ái Ly vào nghĩa trang đó chụp hộ tôi mấy bức hình về phần mộ của các anh hùng liệt sĩ và gửi email ra cho tôi để tôi đưa lên… blog, minh họa cho một bài thơ nhân ngày 27.7 – ngày thương binh liệt sĩ… Dĩ nhiên rồi, bây giờ chúng tôi là những bạn thơ thân thiết.

Có lẽ vì bận học và có lẽ cũng vì nhiều nguyên nhân khác nữa mà Ái Ly viết cũng không quá nhiều thơ như các “nhà thơ blog” khác và thơ Ái Ly cũng chưa đề cập nhiều đến các “mảng, miếng” của cuộc sống hiện tại, chủ yếu là thơ viết về tình yêu, về những tình bạn chân thành và đượm chất lãng mạn của tuổi học trò vốn đã rất mộng mơ. Nhưng bất chợt, trong topic mới “Cúi lạy tình nhân” của Ái Ly trên “thơtre.com” tôi đã bắt gặp bài thơ cùng tên viết cách đây chừng hai năm có dư rồi. Thoạt đầu thì tôi cũng không để ý lắm, vì thơ tình trên mạng nói như ai đó “nhiều hơn cả nấm sau mưa”. Nhưng hôm nay đọc lại bài thơ này thì tôi mới thấy “ngấm”, đặc biệt khi đọc hết các bài thơ cùng chủ đề của Aí Ly nói về cuộc tình trắc trở mà cô đang vô cùng đau khổ dằn vặt thì mới hiểu hết tâm trạng của người viết.

“Lạy anh, một lạy đầu tiên

Yêu thương chi đề ưu phiền trong nhau

 

Hai lạy, mình cố quên mau

Dặn lòng không khóc đớn đau qua rồi

 

Đừng vì tôn giáo chia phôi

Lạy anh ba lạy… đành thôi khóc thầm”..

 

Ở cuối bài thơ Ái Ly còn không quên ghi chú rằng “tôn giáo không ngăn cản tình yêu”. dường như đó chỉ là một câu nói suông, nó ko có thật. Đã bao nhiêu người phải rời xa nhau vì hai chữ “tôn giáo” ấy. Và phải chăng, tôi là một trong số đó.

 

Thực ra thì tác giả không cần phải chú thích gì thêm thì người đọc cũng sẽ hiểu ngay thôi. Chuyện đời Lương – Giáo không hiểu vì sao mà từ rất lâu rồi đã ngáng trở bao cuộc tình là có thật. Ái Ly ơi, không phải Chúa hay Phật đâu. Tình yêu vốn đâu có tôn giáo, chỉ có con người, hay chính xác hơn, nếu có cũng chỉ là do một “thế lực” nào đó đã cố tình ngăn cách nhằm tạo ra sự mất đoàn kết trong cộng đồng người Việt Nam nói riêng và nhân loại nói chung mà thôi.

Bài thơ nghe thật buồn, thật tâm trạng phải không các bạn. Tôi dám chắc rằng, nếu không ở trong nỗi niềm đó, ở trong tâm trạng đó thì khó mà viết được những câu thơ như cứa vào lòng người, đau hay đến vậy !

 

Hồi tôi mới từ quân ngũ phục viên về quê cha mẹ tôi cũng giục giã tôi dữ lắm về chuyện lấy vợ để ông bà sớm có cháu “đích tôn” mà bế, mà bồng. Thực ra hồi đó tôi cũng đâu có ham lấy vợ, mới 24 tuổi đầu lại vừa “từ đại ngàn bước ra..”, trong mình còn chất chứa biết bao thương tích của chiến tranh mà, kể cả chất độc màu da cam nữa, chắc vẫn còn trong máu chứ bộ (tất nhiên rồi, hồi đó sao mà ý thức được việc này). Đành phải tuân lời các cụ và bắt đầu “chiến dịch” cưa cẩm, kén vợ. Các bạn gái cùng thời với tôi thì nhiều lắm, toàn con nhà có học lại “tài sắc vẹn toàn”, nhưng than ôi, giờ thì đa phần đã yên bề gia thất, hơn nữa họ bây giờ đều đã là kỹ sư, bác sĩ… còn mình thì… Tủi lắm, buồn lắm. Đành phải nhờ tới cô em gái út mai mối.

Lại cũng là chuyện lương-giáo ! Ngân, một cô gái cùng thị xã học trên đứa em gái út tôi một lớp, đã tốt nghiệp cấp 3 mà không thi đỗ đại học, ở nhà và cũng đang bị gia đình o ép bắt phải lấy chồng…Hợp lúc quá còn gì ! Ngân đẹp lắm, con gái thiên chúa, ở thị xã, da trắng, tóc dài lại có đôi mắt như Đức Mẹ, thì thôi rồi, ai gặp mà chả mê huống hồ gì tôi. Vừa ôn thi đại học, vừa qua lai cưa cẩm vài ba bận, hình như Ngân cũng đã phải lòng tôi. Mà không phải lòng sao được, con gái quê tôi thời ấy trọng cái đầu hơn là hình thức, mà với tôi, khoe nhỏ với các bạn một tý nha, dân chuyên toán tỉnh, có giải miền Bắc thời đó thì cũng lừng danh lắm. Học sinh đàn em lớp lớp sau này đều được thầy cô nhắc đến mê lị (he, xấu hổ quá…!). Vậy nên Ngân không chịu tôi thì còn chịu ai. Cứ tưởng “bở”, thôi thì ngỏ lời và cưới đại đi cho ông bà mừng rồi mình đi học thì cũng chả chết ai, tôi bèn liều lĩnh ngỏ lời... Nhưng ôi thôi, nàng rất buồn và cũng thản nhiên nói thẳng rằng ba mẹ nàng không đồng ý vì chàng là bên lương còn nàng là bên giáo…? Tôi cự lại, anh lấy em chứ đâu phải ba mẹ em mà lo, mà sao em biết ba mẹ không đồng ý ? Hóa ra, từ khi tôi xuất hiện trong nhà nàng, các camera đã theo sát và hiểu hết sự tình… Nhưng nguyên nhân sâu xa cũng không hẳn là vậy. Mãi sau này tôi mới biết, ba mẹ nàng đã ướm cho nàng một anh “đi tây” về có cái xe favorit bóng lộn, hoành tráng và giàu có lắm… Thôi thì con gái ham giàu thì cũng dễ thông cảm thôi (?!)

Lúc đầu thì tôi cũng rất buồn, nhưng về sau thì lại vui. Đấy nhá, con đã cố gắng rồi, đám được được, ưng thì người ta không chịu, lương giáo mà… Cha mẹ tôi cũng tiếc và thấy cũng không còn lý do gì nữa nên tạm “tha” và tôi may mắn vượt qua…

Kể lại chuyện này là để chia sẻ với Ái Ly mà thôi. Ngày ấy, nếu tôi mà giỏi làm thơ, nhất là viết được bài thơ “cúi lạy tình nhân” như của Ái Ly, biết đâu đến trước ba mẹ nàng đọc, ba mẹ nàng sẽ rơi lệ mà phê duyệt chăng ? Nhưng không đâu, ý thức hệ tư tưởng khi đã găm sâu vào trong đầu người ta thì khó mà thay đổi được lắm. Vì vậy, sau này đọc sách, hay nghe kể chuyện mà thấy đôi nào vượt qua được sóng gió của tôn giáo như thế này tôi phục lắm.

Ái Ly à, mà thôi cũng đừng buồn, đất còn rộng mà trời vẫn còn cao xanh lắm, cháu cứ tha hồ mà đi, mà bay nhảy, không nhẽ dưới vòm trời nước nam này lại hết con trai đủ tiêu chuẩn cho cháu kén sao ? Chú không tin ! Vì vậy, chú cứ muốn đọc chệch bài thơ của cháu như sau:

Lạy anh, một lạy đầu tiên

Yêu thương là để ta nghiền vì nhau

Hai lạy, mình đừng quên mau

Dặn lòng tất cả nỗi đau qua rồi

Đừng vì hờn giỗi chia phôi

Lạy anh ba lạy… mình thôi khóc nhè…

 

He, he, hãy vững vàng lên người bạn trẻ mến thương của tôi ! Mà chú cũng nói thật, nếu cả cái thành phố hoa lệ Sài Gòn mà “chết hết” đàn ông rồi thì cháu mau ra Hà Nội, chú sẽ cử ngay một đứa cháu bên ngoại, con bà chị cả, cháu cụ tổ ba đời họ Kiều nhà chú ra làm ứng cử viên ngay ! Ô hay, không tin sao, chú đã kể cho nó nghe về cháu hết rồi, nó khoái lắm. Nó bảo, tội chưa, bận học hành, phấn đấu tiến, lùi… các loại sĩ gì đó, bây giờ cũng giống như chú hồi mới đi bộ đội về ấy mà, “mót” lấy vợ lắm, ha, ha… Hôm nào ra Hà nội, nhớ alô cho chú nha !

Chúc cháu vui và cảm ơn về một bài thơ hay của cháu !

 

Còn đây là bài thơ chú viết tặng thằng em trai đã hy sinh, cháu hãy đọc để tạm quên đi chuyện tình “lương – giáo” đau buồn kia. Chắc cháu cũng còn lưu mấy tấm hình chụp hộ chú phải không ? Cảm ơn cháu thật nhiều !

 

 

BÀI THƠ VIẾT TẶNG EM NGÀY 30-4-2000

Tặng Thọ

 

 

 

Không thể cứ lặng im

Sau tháng năm trôi

Vết bỏng thời gian còn đầy dấu sẹo

Em ngã xuống đúng ngày độc lập.

Khi triệu triệu người hát khải hoàn ca ..

 

Chen giữa Sài Gòn đỏ rực cờ hoa

Anh tìm đến một toà soạn báo

Với bài thơ chia biệt xót xa

Mong được sẻ chia cùng em và đồng đội

 

Nhưng chiến thắng men say còn đó

Nên bài thơ ai đã vô tình

Ném vào quên lãng

Để anh và Em

Cùng khắc khoải đợi chờ

Từng ngày, từng phút

Bài thơ in viết đề tặng Em

 

Bài thơ xưa

Sẽ không bao giờ còn được lên khuôn

Như Em đã ra đi

Mãi không bao giờ trở lại

Nhưng anh vẫn rất tin , rất tin

Triệu triệu người sẽ thấy

Bóng Em vươn lên phía mặt trời

Khi Sài Gòn vừa thức dậy

Trong tiếng súng rền ba mươi tháng tư !

 

Em ơi,

Giây lát ấy ..

Bóng Em còn hơn cả một đài thơ !

 

Kiều Anh Hương

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

Bài thứ 12; Tặng Bùi Thị Sơn

 

LÝ LẼ CỦA TRÁI TIM

 

 

Đã hơn tuần nay rồi tôi không vào mạng; Nếu có vào thì cũng chỉ tranh thủ post vài bài thơ đã viết sẵn cho bạn bè đọc chơi chứ không có thì giờ để “la cà” vào mấy cái “lều” thi ca này nọ để tìm kiếm những “ý ngọc, lời vàng…” mà nhâm nhi…

Các Cụ ngày xưa thường bảo “yêu gì là khổ nấy”, suy cho cùng thật đúng. Trót yêu thơ và làm thơ nên một ngày không tìm đọc được một vài bài thơ hay là cảm thấy thiêu thiếu một cái gì đó. Hôm nay trở về ngôi nhà “thi viện” thấy có một vài cái tên lạ ghé thăm trang thơ của mình; Tôi cungxcamr thấy rất vui và tò mò muốn xem họ là ai ? Khẩu khí ra sao ? Và thế là mình lại bắt đầu một cuộc “đào, đãi vàng” mới. Truy tìm gốc gác bắt đầu từ cái nick “buithison” và được biết bạn ấy tên là Bùi Thị Sơn, ở Lai Châu. Nếu những gì tác giả đã khai trong thi viện là đúng thì mình có thể gọi Sơn bằng em. Sơn còn kém mình những 7 tuổi cơ đấy, thế mà lời lẽ sao mà “già vậy”. Nhưng nếu đọc kỹ thơ của Sơn thì hình như lại hoàn toàn khác, nó trong trẻo như giọt suối đầu nguồn và đắm thắm như một bông hoa núi thực sự.

Đọc topic “Lý lẽ của trái tim” của Bùi Thị Sơn với 24 trang đầy đặn, mình thấy rất vui vì chủ nhà đã rất có duyên khi để lại nhiều bài thơ khơi gợi cho bạn thơ hứng thú họa theo, thành thử, mặc dù đã rất kiên nhẫn đọc hết cả 24 trang, nhưng mình cũng chỉ nhặt ra được không nhiều những bài thơ viết độc lập (không đối qua, đối lại) của chủ nhà; Trong đó mình rất thích 2 bài thơ “Trăng và lục bát” và “Giận chồng ra võng nằm chơi”. Mỗi bài có một vẻ hay riêng, nhưng thích hơn cả vẫn là bài “Trăng và lục bát”; Vậy nên hôm nay mình xin phép chủ nhà “nhấc về bên này” và bình chơi nhé.

 

Trăng, một chủ đề vốn đã là rất “cũ” trong thơ, nhưng tôi dám cam đoan rằng, ai đã trót “đa đoan” với thơ thì ít nhất trong đời cũng đã phải một lần đối mặt với trăng và làm thơ về trăng ! Tôi thì có nhiều bài thơ về trăng lắm, tỷ như:

Trăng và em… cứ ngỡ quá cũ rồi

Bao năm tháng thi nhân mòn nghiên bút

Nhưng đêm nay, bỗng lạc vào mê trận

Khi anh lại được gặp.. Trăng và Em…

 

(Trong bài “Trăng và em” đã in trong tập thơ “Hà Nội đêm bình yên”-NXB HNV, 2008)

 

Hay:

Trăng xưa hay là trăng nay

Cũng là trăng của tháng ngày mộng mơ

Em ngày xưa, hay bây giờ

Cũng là em của ý thơ… rối lòng !

 

(Trong bài “Trăng xưa và trăng nay” đã in trong tập thơ “Người đàn bà của tôi”-NXB HNV, 2010)

 

Còn “lục bát” ư ? Cũng là một cái gì đó, nếu ta không gọi nó là “thơ truyền thống” thì cũng có thể nói là rất “cổ”. Lục bát có trong thi ca Việt Nam từ hàng nghìn năm rồi ai mà chẳng biết, nó được truyền khẩu qua bao đời từ những bài đồng dao của con trẻ đến những hò vè, đối đáp của nam thanh nữ tú trong các đêm “trăng thanh tát nước bên đình” hay trong những lời ru chan chứa tình mẹ bên nôi… (Chỉ tiếc rằng bây giờ nhiều bà mẹ trẻ không biết à ơi, ru con… Thật là thiệt thòi cho bao đứa cháu chắt sau này…). Nói là cổ, nhưng không bao giờ là cũ, đó là đặc điểm của thơ lục bát. Bởi vì ngày nào, báo nào, diễn đàn nào cũng thường xuyên có thơ lục bát được in, được giới thiệu... Vấn đề là có hay không, có được làm “mới” không lại phụ thuộc vào tài nghệ của các nhà thơ, của các tác giả…

Trở lại với bài thơ “Trăng và lục bát” của Sơn, ta dễ thấy tác giả đã biết khai thác một chủ đề rất cũ những đã biết làm mới, đã biết se duyên cho hai cá thể rất cũ để “nên vợ, nên chồng” thật xứng đôi và tạo ra một sinh khí hoàn toàn mới. Có một cái rất hay và cũng gần như là phát hiện của nhà thơ là hình như những bài thơ viết về trăng theo thể lục bát bao giờ cũng dễ thành công và hay hơn thể thơ khác. Và chính tác giả đã biết vận dụng thể thơ lục bát để nói về sự “cặp đôi” rất đẹp này:

“Trăng và lục bát mê nhau

Có gì đâu, có gì đâu...thế mà...

Người đời chê gã trăng già

Chê cô lục bát-đàn bà lẳng lơ... “

 

Ừ thì “ai chê thì mặc, cứ chê/Đã yêu, ta phải tìm về với nhau…”. Tôi thực sự thích thú về sự lý giải trong sáng và tự nhiên của Sơn “Có gì dâu, có gì đâu... thế mà…”

Cũng dễ hiểu thôi, Bùi Thị Sơn đã và đang sống gần như nơi chót cùng của miền Tây Bắc. Nhưng nếu không đọc “trích ngang” lý lịch của chị thì cũng dễ lầm với một người viết thơ vùng kinh bắc lắm bởi vì ngoài sự trong trẻo, nó còn cực kỳ sâu lắng:

“Trăng già ăm ắp tứ thơ

Lục bát say đắm ngẩn ngơ tối ngày “

 

Bởi vì người làm thơ mà không tìm được “tứ thơ” để triển khai thì tốt nhất là đừng viết, kẻo không lại biến thành một sự ghép vần vô bổ, lan man, dàn trải mà ta vẫn thường và rất dễ gặp ở những cây bút không chuyên, đặc biệt trên các trang “thơ blog”. Còn nhớ ngày xưa, khi tôi còn học lớp 5, chị tôi học lớp 10/10; Chị tôi học rất giỏi toán nhưng văn thì thôi rồi, được điểm 2+ đã là “đỉnh” lắm rồi (thang điểm 5). Tôi thì được thầy khen là học toàn diện, toán văn gì đều như nhau, bởi vậy có một lần chị tôi nhờ tôi làm một bài thơ, chủ đề là gì, lâu quá tôi cũng không còn nhớ nữa, chỉ biết rằng tôi đã “sản xuất” ngay cho chị một bài thơ tắp lự cỡ độ mười câu lục bát với sự ghép vần gần như “hoàn hảo” kiểu như: “Hôm qua em gặp Bác Hồ/Rất vui nhưng thấy Bác tồ làm sao/Bác Hồ thì ở trên cao/Còn em như chú cào cào bé con…”. Bài văn của chị do tôi làm được 0 điểm. Về nhà chị mắng tôi một trận tơi bời. Có lẽ cũng vì thế, sau cú huýnh đó mà tôi mới bắt đầu tìm hiểu về thơ và “học đòi” làm thơ. Cũng may ông ngoại tôi là thầy giáo dạy chữ nho, rất am tường về thơ phú nên ông đã lần lượt giảng giải cho tôi về thơ, về các thể thơ như lục bát, tam thất lục bát, thơ đường… Nhưng thú thật, sau này vào chiến trường làm thơ và học các anh chị đi trước, tôi thích thể loại thơ mới hơn vì nó khoáng đạt hơn, phù hợp với cuộc sống thực tế ở chiến trường hơn…

 

Lại nói về tây bắc, mà cụ thể là tỉnh Lai Châu mới của Bùi Thị Sơn, như đã nói, nó nằm ở tận cùng, cực tây bắc của Tổ Quốc, giáp với Trung Quốc. Năm 1979, đã từng bị Trung Quốc xâm lược và phá hủy gần hết trước khi rút về bên kia. Trong đời tôi, nhưng chuyến đi về từ Tây Bác và Hà Nội trong những năm 1982 đến 1985 là gần như thường xuyên. Nếu bạn đọc bài thơ “Tiếng khóc đêm” của tôi (đã gửi trên thi viện) thì hẳn cũng đã rõ. Vì vậy, nói thật, Tây Bắc nói chung và Lai Châu nói riêng đối với tôi thật sự là thân thiết. Tôi lại rất giỏi tiếng Lào, tiếng Thái nữa, nên mỗi bận về Lai Châu hay Điện Biên, gặp được đồng bào Thái là có thể mở “volum” hết cỡ ! Tán gái bằng thổ ngữ thì chỉ có mà “ăn đứt” chứ chẳng đùa. Thật tiếc thời đó chưa có net, chưa có blog này nọ nên ai biết người đó, chứ mà như bây giờ thì có khi tôi đã biết Sơn từ thuở em chưa có chồng cũng nên… Hi, hi, mà biết đâu đó, Sơn nhỉ ?

Tán vui vậy thôi, trong đời làm gì cũng phải có duyên mới gặp được nhau, huống hồ đang là chuyện trên trời, trên mạnh vậy ! Rõ là cứ “giàu trí tưởng bở” ?!

 

Nhưng gì thì gì, đọc xong bài thơ “Trăng và lục bát” của Sơn, mình lại muốn được làm chú Cuội để lên tận cung trăng và mang theo nàng lục bát của Sơn treo lên cho thiên hạ cùng chiêm ngưỡng. Trót yêu thơ và làm thơ nên một ngày không tìm đọc được vài bài thơ hay là cảm thấy thiêu thiếu một cái gì đó. Hôm nay, ít nhiều, sự thiếu đó cũng đã được lấp đầy. Cảm ơn Bùi Thị Sơn, cảm ơn mảnh đất địa đầu Lai Châu đã nuôi, giữ một tâm hồn thơ thật đẹp.

 

Hải Phòng, ngay 7.9.2010

Kiều Anh Hương

 

 

 

Mời các bạn đọc 2 bài thơ “Trăng và lục bát”, “Giận chồng ra võng nằm chơi” của tác giả Bùi Thị Sơn ở Lai Châu:

 

TRĂNG VÀ LỤC BÁT

 

 

 

Trăng và lục bát mê nhau

Có gì đâu, có gì đâu...thế mà...

Người đời chê gã trăng già

Chê cô lục bát-đàn bà lẳng lơ...

Trăng già ăm ắp tứ thơ

Lục bát say đắm ngẩn ngơ tối ngày

Lục bát duyên dáng xưa nay

Muôn người mê mẩn có tày lão trăng ???

 

 

GIẬN CHỒNG RA VÕNG NẰM CHƠI...

 

Giận chồng ra võng nằm chơi

Trăng thanh, gió mát ngời ngời thịt da

Em còn trời- đất bao la

Cớ sao phải rúc trong nhà với anh ?

 

Võng đưa bay bổng trời xanh

Em lạc vào cõi mộng lành ước mơ:

Nhẹ nhàng dạo gót chàng thơ

Cùng em đàm đạo hàng giờ văn chương

Thế gian còn ối kẻ thương

Cớ sao cứ chỉ chung giường với anh ?

Em lạc trong cõi lênh đênh

Chàng thơ bỗng hoá người tình đắm say

Mắt trong mắt, tay trong tay

Em như mọc cánh vút bay lưng trời...

 

Tỉnh dậy nóng toát mồ hôi

Người như đeo đá...chồng ngồi cạnh bên:

"Đêm em ra võng ngủ quên

Cơn mưa ập đến, anh ôm em vào

Em gặp ác mộng hay sao ?

Chân tay run rẩy, lệ trào ướt mi..."

 

Chồng ơi ! Đừng hỏi câu gì ?

Giường êm , nệm ấm thầm thì : "Em sai !"

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

Join the conversation

You can post now and register later. If you have an account, sign in now to post with your account.

Khách
Trả lời chủ đề này...

×   Bạn vừa dán nội dung có định dạng.   Paste as plain text instead

  Only 75 emoji are allowed.

×   Your link has been automatically embedded.   Display as a link instead

×   Your previous content has been restored.   Clear editor

×   You cannot paste images directly. Upload or insert images from URL.

Đang xử lí...

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This is an example of a list.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

×
×
  • Create New...