Jump to content
chautruc2010

Lì Xì - Tác Giả: Châu Trúc

Recommended Posts

Lì Xì

 

Tác giả: Châu Trúc

 

 

 

Chiếc xe đò rẽ vào con đường đất đỏ quen thuộc và đi ra đường nhựa cái rẹt. Đường vắng nên xe chạy khỏe re.

 

Nhưng khỏe với ai chứ với thằng nhóc mười tuổi, hay say xe như tôi thì thiệt khó chịu quá chừng. Tôi ngồi cạnh mẹ, nhăn nhó nói:

 

- Mẹ ơi! Con mắc ói.

 

Mắc ói bình thường đã kinh khủng rồi, mắc ói trên xe còn kinh khủng hơn. Mẹ vuốt ngực tôi, động viên:

 

- Ráng lên con, sắp tới rồi!

 

Tôi nghe lời vì xe đã ngừng lại theo yêu cầu của mẹ tôi chỉ năm phút sau đó.

 

Vậy là sau một năm ở Sài Gòn, tôi đã được về quê ngoại: Quê hương Củ Chi đất thép thành đồng.

 

- Từ từ thôi, con!

 

Mặc kệ mẹ tôi gọi í ới sau lưng. Tôi chạy một mạch vào cổng, băng qua sân, lủi tuốt ra sau nhà như bị ma đuổi.

 

Nhà ngoại có nuôi một bầy chó mực. Con nào con nấy to như chó bec-giê. Mấy năm trước, lần nào tôi về tụi nó cũng sủa ầm ầm. May mà lần này tụi nó không sủa, nói chính xác là sủa trong thất vọng. Thất vọng vì tôi chẳng coi tụi nó ra gì.

 

Tới chuồng heo, tôi nôn thốc nôn tháo, thở hổn hển rồi chạy ngay ra sau hè mở nước rửa mặt cho tỉnh hẳn.

 

“Hết hồn! Trễ chút nữa coi như tiêu.”

 

Hít hà khoan khoái, tôi thủng thỉnh bước lên nhà trên, bấy giờ tôi mới nhận ra họ hàng bên ngoại đã về họp mặt đông đủ. Vợ chồng dì út cùng hai con nhỏ Nga, Mi điệu như công chúa, cậu năm Khởi diện bộ đồ láng coóng đang đứng mừng tuổi ngoại, phía sau hai anh em Thành, Lộc đang hồi hộp chờ ba chúc xong là nhào lên xí phần. Thằng Mùi, thằng Hợi, thằng Sửu, nhỏ Kim đùa giỡn ríu rít ngoài sân…đông ơi là đông. Tụi anh em của tôi đứa nào cũng hớn hở ra mặt vì sắp được nhận tiền lì xì. Chả ai để ý đến “chàng trai” vừa lặn lội từ đất Sài Gòn vượt…ba mươi km về thăm quê khiến tôi hụt hẫng quá.

 

- A! Anh Nghĩa lên rồi kìa!

 

Người đầu tiên phát hiện ra sự hiện diện của tôi là thằng Hợi. Người phát hiện thứ hai là bà tôi. Bà vừa nghe xong câu chúc của cậu liền quay sang nhìn tôi, mỉm cười phúc hậu:

 

- Nghĩa đấy hả con, con lại say xe phải không?

 

Mọi người chú ý đến tôi tức thì:

 

- Hì hì! Thằng Nghĩa ói xong rồi đó hả?

 

- Anh Nghĩa dạo này bảnh trai ghê ta!

 

- Anh Nghĩa có mang truyện Đô Rê Mon về cho em hông?

 

- Thằng Nghĩa ra dáng thanh niên dữ bay!

 

Trong hàng tá lời hỏi han, lời của bà khiến tôi cảm động nhất. Thằng Hợi tuy là người đầu tiên phát hiện ra tôi nhưng nó chỉ có công phát hiện thôi chứ chả quan tâm gì tôi sất. Cậu ba Bé là người quan tâm tôi trước nhất bằng câu “ói xong rồi đó hả” khiến tôi vui. Nhưng bà dùng câu “con lại say xe phải không” khiến tôi vui hơn nữa. Điều đó chứng tỏ lâu nay tôi vẫn là người cháu mà bà yêu thương, yêu thương đến nỗi dù tuổi đã cao và một năm tôi về quê vỏn vẹn một lần nhưng bà vẫn nhớ như in thằng cháu ngoại với chứng say xe muôn đời của nó. Nếu tôi còn học lớp một, chắc tôi sẽ chạy tới ôm chầm lấy bà và sung sướng gọi “bà ơi” thật to để bà xoa đầu và nói “cháu bà mau lớn quá”. Nhưng năm nay tôi đã mười một tuổi, sắp lên cấp hai và sắp thành…“người lớn” rồi, đâu còn con nít như tụi thằng Lộc, nhỏ Nga nữa mà ôm với chả ấp. Tôi phải cư xử thật giống người lớn. Người lớn như cậu ba Bé chẳng hạn.

 

Tôi xỏ tay vô túi quần, ngoác miệng cười hề hề:

 

- Con chào bà ngoại!

 

Bà ngạc nhiên:

 

- Ơ cái thằng này! Lại đây cho bà ôm cái nào!

 

Mẹ tôi gắt:

 

- Nghĩa! Bỏ tay ra, sao con láo lếu thế hử?

 

Bà và mẹ đâu biết tôi bắt chước cậu ba. Cái điệu bộ hai tay đút túi quần, miệng lúc nào cũng cười toe hớn hở là của cậu chứ ai. Nhưng chẳng hiểu sao một thái độ yêu đời như thế khi đứng trước mặt bà lại bị cho là “láo lếu”, tôi ỉu xìu thanh minh:

 

- Con chào bà thôi mà mẹ!

 

Bà bênh tôi ngay:

 

- Thôi mày kệ nó. Chắc nó bắt chước thằng ba Bé đó mà!

 

Lời nói thẳng của bà và ánh mắt hăm he của mẹ làm tôi “quê” quá (mặc dù chả có gì oan). Cách giấu quê hiệu quả nhất lúc này là chạy tới bà vờ lấp liếm:

 

- Con chúc Tết bà nghen!

 

Bà mỉm cười, mắng yêu:

 

- Tổ cha mày! Về tới chưa chào hỏi ai mà đòi lì xì rồi! Vậy con thử chúc tết bà nghe xem nào.

 

Tụi anh em thằng Thành tự dưng bị xen ngang, giãy nảy:

 

- Bà ơi! Tụi con chúc tết trước chứ bà!

 

Tụi nhỏ Nga không chịu thua:

 

- Tới tụi con chúc nữa, bà!

 

Không đợi ba mẹ tụi tôi lên tiếng, bà nhanh chóng dàn xếp:

 

- Từ từ! Đứa nào rồi cũng có phần. Bà thương tụi cháu như nhau cả. Không cần phải tranh như thế.

 

Lời bà chứa chan tình cảm nhưng bọn nhóc chỉ nghĩ: Bà “thương tụi cháu như nhau” tức là bà lì xì như nhau, vậy tranh trước tranh sau làm chi cho mệt.

 

Nghĩ tới nghĩ lui không có gì thua thiệt, cả đám xuôi theo liền.

 

Tôi không xuôi theo như bọn nhóc bởi tôi sắp được lì xì.

 

Nhưng trước khi được lì xì tôi phải chúc Tết.

 

Lúc bằng tuổi thằng Sửu, con Kim (tức cái tuổi chưa biết mặc quần, suốt ngày chỉ thích ở truồng chạy long nhong ngoài sân), mẹ thường bắt tôi đứng trước mặt người lớn, tay mẹ giữ tay tôi khoanh lại và mớm từng lời chúc như mẹ mớm cơm cho tôi lúc nhỏ. Tôi có biết gì đâu. Mẹ nói sao tôi nói vậy, mẹ tôi chúc sao tôi chúc lại y chang. Thế mà ông bà cậu mợ vẫn lì xì. Ngộ ghê!

 

Bây giờ khỏi cần mẹ bắt tôi cũng thừa sức chúc. Người lớn muốn kiếm tiền thì phải đi làm, còn “người nhỏ” muốn kiếm tiền thì phải chúc Tết. Suy ra chúc Tết cũng là một nghề, một nghề đáng quý bởi đầu năm “đi làm” rồi nghỉ cả năm. Sướng quá!

 

Với hơn năm năm lăn lộn với “nghề”, tôi biết thừa bà là người dễ tính. Nhưng dễ thì dễ chứ tôi vẫn phải làm đúng thủ tục. Đầu tiên, lúc nào cũng là câu:

 

- Năm cũ sang năm mới, cháu chúc bà sống lâu trăm tuổi…

 

Sau đó là:

 

-…dồi dào sức khỏe…

 

Sau đó nữa:

 

-…vạn sự như ý…

 

Sau đó tiếp:

 

-…phát tài phát lộc…

 

Sau đó tiếp nữa:

 

-…tiền vô như nước…

 

Nếu “hăng” hơn, tôi còn phịa nhiều, phịa thêm, có khi cho bà sống ngang tuổi với cụ rùa ở hồ Hoàn Kiếm không chừng. Nhưng nhiều lúc tôi chưa kịp chúc đến câu thứ ba thì bà đã lì xì cho tôi rồi. Bà tôi dễ tính là ở chỗ đó.

 

Lần này cũng vậy và tôi “lãnh lương” cái rụp, dĩ nhiên không quên:

 

- Con cảm ơn bà!

 

Ngoài bà thì tôi còn chúc nhiều người nữa, chúc hết người thân trong nhà. Tụi Nga, Mi, Thành, Lộc cũng vậy.

 

Chúc Tết xong tôi hí hửng chạy ra ngoài thềm ngồi bệt xuống, định bụng móc bao ra coi ngoại lì xì bao nhiêu.

 

Nhưng tôi chỉ định bụng chứ chưa làm. Một đứa trẻ sắp thành người lớn như tôi đâu làm vậy được. Người lớn làm việc gì cũng đường đường chính chính, ai lại lén lén lút lút như thằng trộm gà! Với lại người lớn mà thấy tiền như mèo thấy mỡ, đếm từng đồng từng cắc thì giống con nít quá! Chỉ có con nít mới ham tiền lì xì.

 

Tôi hùng hổ kết luận trong năm giây, đến giây thứ sáu tôi liền nghĩ lại. Tiền thì ai chả khoái, nếu không người ta chẳng đi làm suốt ngày chi cho nhọc thân. Đến ba tôi là giám đốc còn khoái đi làm đến nỗi không đưa được mẹ con tôi về quê mỗi dịp Tết kia mà. Tóm lại ai cũng ham tiền hết, khác chăng là người ham ít, kẻ ham nhiều. Đó là điểm khác nhau giữa người lớn và con nít.

 

Thế là từ giây thứ sáu lịch sử đó, tôi hào hứng đưa ra một kết luận thứ hai. Kết luận thứ hai xem ra có lý hơn kết luận thứ nhất. Vậy là tôi móc tiền trong bao lì xì ra một cách bình thản, làm như ta đây không ham tiền, ta chỉ…coi bao nhiêu tiền rồi ta cất, còn nhiều hay ít ta chả quan tâm!

 

Coi xong, tôi thở phào: “Năm mươi nghìn, không ít hơn tụi con Mi, may quá!”

 

Bấy giờ nhỏ Mi cũng ra ngồi chung. Tôi hỏi nó:

 

- “Làm ăn” được không mày?

 

Nhỏ Mi là con của dì Út, xét tuổi tác tôi bằng nó, song xét vai vế nó phải kêu tôi bằng anh. Nhưng nó là đứa ngang ngạnh, cứng rắn. Trước mặt tôi nó chỉ xưng tên:

 

- Cũng như Nghĩa thôi, năm mươi nghìn.

 

- Nhiều quá hen mày! Bằng cả tháng nhịn ăn của tao.

 

- Nhưng nội Mi lì xì còn nhiều hơn ngoại!

 

- Bao nhiêu? - Tôi thèm thuồng.

 

- Hai trăm nghìn.

 

- Cha mẹ ơi, nhiều quá! - Tôi xuýt xoa - Mày cho tao bớt đi!

 

- Xí! Nghĩa cũng được ngoại lì xì chứ bộ!

 

- Nhưng ngoại của tao không “sộp” bằng nội của mày - Tôi cười toe toe.

 

Thấy tôi bắt đầu cà rỡn, nó “xí” một tiếng nữa rồi vô nhà, bỏ tôi ngồi lại một mình cho bõ tức.

 

Đã thành lệ, sau khi mọi người họp mặt ở nhà ngoại xong, tới mười một giờ tất cả sẽ kéo hết lên nhà bà Út chúc tết. Bà Út là em của ngoại, sống có một mình nên năm nào bà con cũng lên thăm cho có không khí gia đình, vui nhà vui cửa.

 

Còn ba tiếng nữa mới tới giờ khởi hành. Vả lại tụi tôi còn phải chúc Tết ông nữa. Chắc ông đang ngủ trong buồng, chưa thức. Thôi thì ngồi đây nghỉ xả hơi rồi lát nữa “đi làm” tiếp vậy.

 

Hai tay bưng cằm phóng tầm mắt ra phía trước, tôi thấy khung cảnh nhà ngoại chẳng thay đổi gì nhiều so với năm ngoái. Cây xoài và cây mít vẫn chưa có trái mặc dù tán lá rộng um tùm, che nắng cho cả mảnh đất phía sau. Năm nay ngoài hai chậu hoa mai to tổ chảng được đặt trong sân, cậu Năm Khởi còn mua về nhiều loại cây kiểng như: Cây dành dành, phước lộc thọ, đỗ quyên, cây trạng nguyên và nhiều loại cây khác. Trong số đó, cậu tôi tâm đắc nhất là cây dành dành, bởi ngoài giá trị thẩm mỹ và mang thần vận đến cho cả nhà như người ta thường đồn đãi, nó còn giúp chữa bỏng, mụn nhọt, đau nhức… Những loại bệnh mà người ta thường mắc phải khi ở tuổi cậu.

 

Nếu muốn nhắc lại tuổi thơ của tôi ở đây mà không nhắc đến hồ nước hình chữ nhật đã xanh rêu nằm giữa cây xoài và cây mít là một thiếu sót lớn. Tôi nhớ hồi nhỏ, ngày nào cậu tôi cũng bơm nước vào hồ rồi mua cá con thả vô để chúng tôi câu thỏa thích. Gọi là câu cho oai chứ con nít tụi tôi toàn dùng tay bắt và vọc cho nước văng đầy quần đầy áo rồi nhìn nhau cười ha hả. Dĩ nhiên, sau niềm vui luôn là nỗi buồn. Tụi tôi bị ba mẹ cho ăn đòn quắn đít vì tội chơi dơ.

 

Ăn đòn đau là đúng. Nhưng bảo vì đau mà tụi tôi hết dám ra hồ là sai. Sai vì tụi tôi là con nít, con nít thì ham vui hơn người lớn nhiều! Ai muốn hưởng hạnh phúc mà chẳng đớn đau vài lần?

 

Bây giờ cậu không mua cá nữa. Bọn tôi cũng không bắt cá nữa. Bọn tôi không còn nhỏ như xưa. Nhỏ như tụi thằng Sửu, con Kim còn không khoái bắt cá nữa là. Tụi nó khoái chơi điện tử hơn. Vọc nước chẳng được tích sự gì lại còn bị đòn nên tụi nó không thích. Công nhận “lớp trẻ” bây giờ suy nghĩ chín chắn thật!

 

Hôm nay Thành thay nước hồ thế ba. Em thằng Thành là thằng Lộc ở gần đó nhưng nó không phụ anh. Anh nó chín tuổi, nó mới sáu tuổi, sáu tuổi thì thích chơi chứ không thích phụ.

 

Thành bảo:

 

- Mày ra đây phụ tao giữ vòi nước coi Lộc!

 

Lộc trả lời:

 

- Em đang bận.

 

- Bận gì?

 

- Bận giải cứu thế giới.

 

Thành lắc đầu chịu thua.

 

Lộc không nói suông. Nó đang bận giải cứu thế giới cùng với đám bạn là năm siêu nhân Gao.

 

Năm siêu nhân Gao là năm con chó mực. Bốn con chó đực và một con chó cái.

 

Hồi năm ngoái tôi tình cờ nghe nó đặt tên cho từng con.

 

Con thứ nhất tên:

 

- Hi Hi.

 

Con thứ hai tên:

 

- Ha Ha.

 

Con thứ ba:

 

- He He.

 

Con thứ tư:

 

- Hô Hô.

 

Tới con thứ năm thì nó bí.

 

Nhưng nó chỉ bí một giây, sang giây thứ hai nó nghĩ tới con Kim và sở trường của nhỏ này nên đặt luôn:

 

- Hu Hu.

 

Muốn trở thành siêu nhân thì phải mặc áo siêu nhân. Siêu nhân Gao mà con nào con nấy đen thùi lùi thì đâu có giống. Vậy là cu cậu lấy bút lông màu quẹt lên năm con chó. Nói “quẹt lên” là nói phóng đại, chứ thật ra thằng nhóc chỉ dám chấm một chấm nhỏ trên trán lũ chó thôi. Quẹt tùm lum là ba nó đánh chết. Lộc vừa giữ từng con vừa chấm, cũng may bọn “siêu nhân Gao” mà nó tuyển lên từ đám “siêu nhân giữ nhà” vừa khôn vừa hiền nên chấm một cách dễ dàng.

 

Thằng oắt chấm một hồi rốt cuộc cũng xong: Hi Hi là Gao đỏ, Ha Ha là Gao xanh, He He là Gao vàng, Hu Hu là Gao trắng. Còn con Hô Hô thì Lộc không cần chấm vì nó sinh ra để làm Gao đen.

 

Chuẩn bị cho đám Gao xong xuôi, Lộc lấy tấm chăn làm áo choàng, lấy thau nước làm nón và lấy cây tre làm vũ khí. Nó chuẩn bị cho mình thật kỹ vì nó là tổng chỉ huy của siêu nhân, mà tổng chỉ huy của siêu nhân thì làm sao ở trần, mặc quần tà lõn đi đánh quỷ được.

 

À quên, có một thứ không thể không nhắc tới. Đó là điện thoại Gao. Ban đầu Lộc định bỏ qua quách vì có ai xài đâu (toàn người hùng bốn chân cả mà). Nhưng suy đi tính lại, nó nhận thấy mình cần có một cái điện thoại. Tụi “siêu nhân” không xài được thì có mình xài thay, đây là vấn đề hệ trọng mang tính…hình thức mà lại!

 

Nó chạy tọt vào trong lấy chiếc điện thoại nắp gập “giá 2000” mua ở cửa hàng tạp hóa gần nhà nhét vô lưng quần. Thế là đội hình siêu nhân đã được trang bị đến tận răng, quần áo chỉnh tề.

 

Nhiệm vụ của các chiến binh Gao trong phim là gì? Đó là tiêu diệt quái vật Oruku, đem lại hòa bình cho trái đất. Vậy trước khi nhào ra tử chiến, họ làm gì?

 

Rất đơn giản, họ tự giới thiệu mình với đám Oruku.

 

Lộc thuộc làu những điều đó. Nó hiên ngang đứng trước lũ chó, chỉ vô anh mình, hùng hổ:

 

- Tên “Oruku vòi nước” kia! Ai cho ngươi xịt nước lung tung thế hả?

 

- Oruku cái đầu mày! - Thành nãy giờ đứng chôn chân tại chỗ để thay nước hồ nên mỏi chân muốn chết. Bị em mình gọi là “oruku vòi nước”, nó nghiến răng trả đũa. - Thích đánh lộn thì nhào vô, ông chấp tất!

 

“Tổng chỉ huy” kết tội:

 

- À à, thì ra Oruku nhà ngươi không những độc ác, xấu xa mà còn vô cùng…bất lịch sự nữa. Được rồi, chúng ta sẽ cho ngươi biết thế nào là sức mạnh của công lý. Hãy xem sức mạnh của…

 

- Cho chết nè!

 

“Oruku vòi nước” không đợi “tổng chỉ huy” kịp móc điện thoại Gao ra, liền xịt nước xối xả vào đối phương và đồng bọn.

 

- Ê! Xí xí! Nhà ngươi nham hiểm quá, bọn ta chưa biến hình, chưa giới thiệu gì hết trơn mà.

 

“Tổng chỉ huy” vừa tránh nước vừa la oai oái, còn “năm anh em Gao” chạy tán loạn. Thấy hoạt cảnh trước mắt chộn rộn quá nên tôi không tài nào nhịn cười được.

 

Lộc nhìn thấy tôi cười hô hố thì cơn tự ái bất giác nổi lên. Ai đời làm tổng chỉ huy mà bị kẻ địch đánh không còn manh giáp. Thiệt ê mặt quá xá!

 

Tự nhiên nó nhớ lại những lúc bị anh hai dành chơi vi tính, để nó lủi thủi một mình. Nhà tụi trẻ trong xóm thì xa, hai chị em Nga, Mi lại ít ghé nữa. Những lúc như thế nó buồn đời không để đâu cho hết. May là còn tụi Hô Hô bầu bạn, Lộc cảm thấy lòng đỡ tủi phần nào. Lửa giận nổi lên hừng hực, nó nghĩ “Oruku vòi nước” đã “giết” đồng đội của nó. Nó là tổng chỉ huy nên phải có trách nhiệm báo thù, không thể hèn nhát. Lộc mà “nằm xuống” thì lấy ai bảo vệ hòa bình cho nhân loại nữa?

 

Thành sau khi đánh phủ đầu đối phương, nó tắt nước, chống nạnh cười ha hả:

 

- Sợ ta chưa!

 

- Không sợ!

 

Mặt Lộc hầm hầm khiến Thành đâm chột dạ. Nó định chọc em cho vui ai dè Lộc sừng sộ lên làm nó hết hứng.

 

- Nè! Có gì từ từ nói! - Thành xuống nước.

 

- Hây a!

 

Lộc cầm cây điên tiết xông lên mặc cho anh hai nó làm hòa. Bình thường Thành sẽ không để yên, nhưng hôm nay là Tết nên nó không muốn cãi cọ vì chuyện không đâu. Mặt khác nó chưa thấy em nó giận như thế bao giờ.

 

Lộc giận là giận thiệt, giận ghê lắm! Nó huơ cây đánh thật lực. Thành vừa dùng vòi nước đỡ gạt, vừa nghe tiếng thằng Lộc như khóc thét:

 

- Ngươi giết siêu nhân của ta nè! Dành chơi máy tính với ta nè! Để ta chơi một mình nè!...

 

Mỗi tiếng “nè” vang lên là Lộc vung gậy một cái, bao nhiêu ấm ức bấy lâu bị dồn nén cứ thế tuôn ra.

 

Cứ theo cái đà này thì hai anh em sẽ đánh nhau to. Tôi thấy sắp lớn chuyện nên định nhảy ra can thiệp. Nhưng Thành thấy điều đó sớm hơn tôi, nó lấy giọng ngọt:

 

- Thôi! Thôi! Không đánh nữa! Tao xin thua!

 

Lộc hình như chưa hả tức, nó nạt:

 

- Thua cái gì mà thua! Ta chưa giết được nhà ngươi mà!

 

Thành cười ngọt:

 

- Thôi! Tao xin thua đó, mày thắng rồi, đừng khóc nhé!

 

Lộc không ngờ anh hai mình tinh tế quá. Nhưng nó vẫn chối phăng:

 

- Em khóc hồi nào đâu!

 

- Ờ thì không khóc - Thành nhũn nhặn - Nhưng mày thắng rồi, không cần đánh nữa!

 

Lộc đang còn phân vân suy nghĩ coi có nên tha thứ cho “kẻ thù” hay không thì Thành nói tiếp, giọng chân thành:

 

- Lộc nè! Bữa nay tao nhường vi tính cho mày đó, muốn chơi thì chơi đi. Tao không giành nữa đâu.

 

- Anh nói thiệt hở?

 

- Ờ, nói thiệt.

 

Lộc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Nó không tin người đang đứng trước mặt nó là anh hai của nó nữa.

 

- Có gì đâu mà ngạc nhiên. Tao là anh, không lẽ không nhường máy cho mày chơi một ngày được sao?

 

Khi nói ra câu đó, Thành bỗng đâm ngượng nên quay mặt đi chỗ khác. Nói chính xác là nó thấy xấu hổ nhiều hơn. Nó nhớ lại chuyện nó giành chơi với em nó ra sao và em nó đã mếu máo năn nỉ nó như thế nào. Để rồi cuối cùng, em nó phải buồn thỉu buồn thiu mà đi chơi với đám chó mực, còn nó sung sướng ra mặt khi thằng em bỏ đi mà không thèm ngoái đầu nhìn lại. Ôi! Mình làm anh sao mà xấu quá!

 

Lộc không biết những suy nghĩ phức tạp đó trong lòng anh. Cho nên, nó vẫn hỏi lại, mắt nhìm đăm đăm vào người đối diện:

 

- Anh không lừa em chứ?

 

- Ờ, không lừa là không lừa.

 

Thành quả quyết nói thêm:

 

- Tao nhường cho mày chơi cả ngày hôm nay luôn, thậm chí là một tuần, một tháng luôn cũng được.

 

- Một tháng luôn hở? - Lộc trố mắt.

 

Lời nói vừa trồi ra cửa miệng bỗng Thành hối hận vì cái tật ba hoa của mình chết đi được. Nhường em chơi một ngày, một tuần thì nó còn ráng nhịn, chứ một tháng thì vô phương. Nó cũng cần được chơi mà.

 

Thành chữa lại:

 

- Ờ…không, không hẳn là một tháng nhưng mỗi ngày tao sẽ nhường cho mày chơi một chút, tao một chút. Như vậy tao với mày ai cũng được chơi hết á!

 

Bây giờ Lộc tự dưng thấy thương anh hai mình ghê, cơn giận chất chứa bấy lâu trôi tuột đi đâu hết. Nhưng mặt nó bỗng bí xị:

 

- Ý không được!

 

- Sao không?

 

- Quần áo em bị nước làm ướt hết rồi nè, sao chơi?

 

- Tưởng gì! Mày vô kêu mẹ thay đồ, cứ nói là tao làm ướt áo mày là được.

 

- Rủi anh hai bị mẹ la sao? - Lộc hơi ngài ngại.

 

- Không sao! Hôm nay là Tết, mẹ không la tao đâu mà sợ.

 

Nói xong, hai anh em dắt tay nhau đi vào trong nhà. Vậy là cuộc chiến giữa Oruku và đám siêu nhân đã kết thúc trong hòa bình.

 

Đi ngang qua tôi, Thành hỏi:

 

- Vào chơi vi tính với tụi em không anh?

 

- Thôi, tụi bây chơi đi. Tao ngồi đây ngắm cảnh chút - Tôi cười cười.

 

Tôi lại chìm đắm trong suy tư. Bài Xuân này con không về bên nhà hàng xóm vọng sang nghe sao buồn quá, chẳng hợp với đứa trẻ mười tuổi như tôi tí nào. Tôi thích bài Happy New Year của nhóm ABBA hơn. Dù chưa đủ lớn để hiểu lời bài hát, nhưng khi giai điệu của nó cất lên tôi thấy lòng mình xốn xang, nao nức lắm. Vừa hình dung ca từ trong đầu, tôi vừa tưởng tượng đủ mọi thứ: Ba tôi sẽ nghỉ làm để cả gia đình cùng về quê, ông tôi sẽ thức sớm hơn mọi khi để nghe bọn nhóc tụi tôi chúc Tết, cả nhà tôi sẽ ra đứng trước sân cùng chụp một pô ảnh kỷ niệm… Những hình ảnh sum vầy của cả nhà lần lượt xuất hiện và hòa vào điệp khúc Happy new year, happy new year. May we all have a vision now and then… Happy new year, happy new year… rộn ràng, ngây ngất.

 

- Ông ngoại dậy rồi kìa Nghĩa, vào chúc Tết ông đi con!

 

Đang thả hồn ở cõi mộng mơ, tôi giật mình khi nghe tiếng mẹ gọi. Tôi hấp tấp “dạ” lia lịa rồi lật đật đi lên buồng trên.

 

Nhưng vừa đứng trước cửa, tôi dượm đổi ý. Tụi anh em bu đầy nhóc trước mặt ông chúc Tết ra rả khiến tôi chùn bước thấy rõ. Chả hiểu sao tôi chẳng muốn tranh với tụi nó. Thôi kệ! Đợi tụi nó chúc xong rồi mình chúc cũng chẳng mất mát gì.

 

Không phí công tôi chờ đợi, một lúc sau thì cả đám tản ra hết. Chỉ còn mình ông ngồi đó với gương mặt khô gầy, mái tóc đã rụng hết qua năm tháng. Ông nhíu mày nhìn tôi cho rõ hơn và nở nụ cười móm quen thuộc:

 

- Nghĩa đó hả con?

 

Tôi gật đầu, đoạn chạy một mạch tới bên cạnh ông và nhanh nhẩu nói:

 

- Con chúc Tết ông nhé!

 

- Để ông hỏi thăm con đã chứ - Ông cười - Sao? Con ông năm nay học lớp mấy rồi?

 

- Sang năm con vô lớp sáu ông ạ - Tôi trả lời nhưng bụng sốt ruột lắm, mắt dán chặt vào chiếc túi đang nhô lên bao lì xì đỏ chói.

 

Bỏ mặc sự thèm muốn của tôi, ông gật gù:

 

- Vậy con học có giỏi không?

 

- Dạ! Con được học sinh xuất sắc luôn đó!

 

Tôi khoe học xuất sắc nhưng mặt nhăn như bị khiến ông bật cười.

 

Dường như đã thấu hiểu vẻ khổ sở của đứa cháu tội nghiệp, ông vui vẻ xoa đầu tôi và bảo:

 

- Bây giờ con chúc Tết ông đi nào!

 

Được gãi trúng chỗ ngứa, tôi hăng hái chúc liền một mạch. Tôi tự tin với kinh nghiệm chúc Tết của mình, gần năm năm làm “nghề” này mà.

 

Quả nhiên khi tôi vừa chúc xong, ông liền chìa bao lì xì về phía tôi. Tôi hăm hở đón lấy và cảm ơn ông thật to rồi đi thẳng ra khỏi buồng, lòng tôi vô cùng khoan khoái. Tôi ngồi trên bậc thềm, hí hửng với chiếc bao lì xì trong tay. Và do “khoan khoái” quá nên tôi cóc cần quan tâm mình là người lớn hay trẻ con, cứ thế móc bao ra xem. Nhưng tôi thò tay móc hoài vẫn không thấy tiền đâu. Té ra là bao rỗng.

 

Trong một thoáng, tôi định chạy đi “bắt đền” ông, hỏi ông tại sao lại lừa tôi. Lúc đó, lòng tôi ấm ức lắm.

 

Một làn gió không biết từ đâu thổi tới làm lòng tôi dịu bớt. Nhưng dịu thì dịu chứ ức vẫn ức. Tôi nán lại gặm nhấm nỗi buồn man mát. Ông quả thật đã làm tổn hại lòng tin của tôi ghê gớm. Tại sao ông lừa tôi? Hay ông chỉ vô tình đưa lộn bao rỗng cho tôi? Tôi ngẫm nghĩ thêm chút nữa. Càng nghĩ lâu, nước mắt tôi càng muốn trào ra. Dù sao tôi cũng là cháu của ông kia mà?

 

Tôi rưng rứt khóc. Tôi khóc một nửa vì tức, còn nửa kia tôi khóc vì cuối cùng tôi đã tìm được câu trả lời cho điều mình đang thắc mắc: “Nếu không nhìn thấy bao lì xì, liệu tôi có chúc Tết ông không?”

 

Tôi vụt đứng dậy và chạy lên buồng ông lần nữa. Tự trong thâm tâm, tôi thấy mình đã lớn…

 

(Ngày 3 tháng 2 năm 2011)

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

Join the conversation

You can post now and register later. If you have an account, sign in now to post with your account.

Khách
Trả lời chủ đề này...

×   Bạn vừa dán nội dung có định dạng.   Paste as plain text instead

  Only 75 emoji are allowed.

×   Your link has been automatically embedded.   Display as a link instead

×   Your previous content has been restored.   Clear editor

×   You cannot paste images directly. Upload or insert images from URL.

Đang xử lí...

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This is an example of a list.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

×
×
  • Create New...