Jump to content

Recommended Posts

HẠNH PHÚC NHƯ LOÀI DÂY LEO

 

Đã thức dậy chưa loài dây leo không tên

Những cong dáng thả mây trôi về lụa

Mong manh quá phiêu diêu cùng với gió

Em dịu dàng em thức dậy chưa

 

Hãy cùng nhau bỏ ngày tháng đợi mưa

Ta uống giọt ngàn mặt trời áp ấm

Thật lặng lẽ nắm tay chờ thấm đẩm

Diệp lục xanh ban hạnh phúc dư mùa

 

Đến bên anh em thức dậy chưa

Qua khô hạn bao lần ta đã chết

Loài thực vật linh hồn nào tận tuyệt

Vách núi buồn thiên táng một tình yêu

 

Thức dậy chưa em mềm mại diễm kiều

Anh vươn ngọn cho em còn chen lá

Loài dây leo chọn thăng bằng trên đá

Gieo hạt tình mặt đất bớt nghiêng xiêu

 

ĐCĐ

 

180px-Telosma_cordata_SmSo.png

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

CỔ ĐIỂN VIII

 

Đêm tận khuya đêm chừng mồ côi lắm

Còn chi biển còn chi trăng

Ta ru em ru muộn nghìn năm

Cô đơn ư, bao giờ vơi một nửa

 

Bầu trời đi xa trời chẳng cần nương tựa

Bầy sao xanh mở dạ hội hoàng hoa

Ta dìu em vũ khúc hoan ca

Cô đơn ư, tan mất rồi, chỉ lửa

 

Thế giới bỏ ta bên quán mưa khách trọ

Con mắt chứa buồn người uống cạn chưa

Ta ôm em bóng tối ôm ta

Cô đơn ư, khép giùm mình cánh cửa

 

ĐCĐ

 

images?q=tbn:ANd9GcTqjaMQPEFX7vHqmRFvyGM4T0Kz6JQnljwB1u4tRzOZi4DwEFn0qQ&t=1

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

NỬA HẠ

 

nào ai gọi tôi cứ dài ngóng đợi

vòm xanh đang thiếp ngủ ở cao cao

người bảo giùm tiếng ve nào cũ, mới

nằm ăn mùa trong lớp vỏ cây nâu

 

kề cận đây để thấu lẽ xa nhau

bàn tay níu mấy vội vàng thảng hoặc

tôi khờ khạo tin nỗi buồn luôn thật

mỗi đỏ rơi là minh chứng ban đầu

 

nên đợi hoài mà ai gọi mình đâu

trưa cúi nhặt hạ này còn một nửa …

 

ĐCĐ

 

HoaPhuongRoi.jpg?et=%2B4Hm0M4GaK6WNirtaBDo5Q&nmid=0

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

NGẪU KHÚC TRĂNG

 

Nhắm mắt lại tưởng đã trăng rằm

Mở mắt ra trăng trôi biệt xứ

Một vầng trăng thôi mà lắm ăn năn

Tôi một nửa

Em cất giùm phân nửa

 

Căn bệnh nhớ quê đã không còn thuốc chữa

Mồ côi cha con vạc nó kêu sương

Vắng mẹ nên con dế gáy đêm trường

Lỡ thương người ra sông nhìn nước chảy

Chỉ nỗi niềm dọc ngang chiều phố bụi

 

Lật tay mình đếm non gần hết buổi

Tha thẩn ngõ ba mộng du

Nhấm nước mưa môi mép say ngầu

Nghiêng ngã quá chừng trách gì bóng núi

Hành trình này bao nhiêu trăng ghé lại?

 

Gốc cố hương còn dính dưới ngón chân

Mùi rơm rạ vắt ngang mùi ấu dại

Chăn con bê vàng chạy rông cuối bãi

Phơi áo sừng trâu liêng liếc mắt lá răm

Đọt gió thơ lật áo mịn lưng trần

Đêm tắm giếng trăng vàng cong con gái

 

Nhan sắc nọ chừ mù xa tăm ngái

Tiếc xưa nhau mười sáu thuở tầm xuân

Quá vô tâm hôm nguyệt rụng xuống ao dầm

Khuya trăng tím nở xòe bông rau muống

 

Đêm quay về lén phù sa vục uống

Vẫn thong thả vầng treo

Ta ngước nhìn hốt hoảng

Như chưa bao giờ ngắm trọn một lần trăng …

 

ĐCĐ

 

qh.jpg

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

EM CÓ NGHE CHĂNG (2)

 

Em có nghe chăng tiếng khóc cô đơn

Ngọn phi lao cong mình phương biển lộng

Với cơn khát vị mặn trùng dương

 

Tiếng con hải âu nằm rỉa đôi cánh gẫy

Ngọn núi cằn thèm một lần đi hoang

Tiếng trẻ mồ côi sót lại sau nghèo đói chiến tranh

 

Em có nghe tiếng kinh cầu trên lửa hừng hực cháy

Giảo hình đài một thế giới người câm

Tiếng roi vụt lên da thịt tội nhân

 

Tiếng cửa mở, và, không ai ra đón

Tiếng trở mình trên chiếc giường lạnh cóng

Tiếng phôn gọi đi chẳng tín hiệu hồi âm

 

Em có nghe cây đàn lầm bụi kiếp rêu rong

Tiếng vầng trăng đêm cạn rượu

Tiếng mơ hồ của đoàn tàu chưa về đến sân ga

 

Tiếng bàn chân thất tình rảo bước giữa phồn hoa

Góc phố im, ngôi nhà vô chủ

Tiếng viên ngói rơi ngái ngủ

 

Em có nghe tiếng bàn tay nhẩm đếm những tờ bạc cũ

Sau một ngày cần lao

Tiếng dưới mưa ai cúi gục đầu

 

Tiếng mũi đinh ăn sâu vào thớ gỗ

Tiếng ngọn nến, tiếng hơi mỏng thở

Tiếng hòn đất khô vỡ trên mặt cỗ áo quan

 

Em có nghe những trầm luân đang cầu nguyện cùng anh?

 

ĐCĐ

 

sad_poetry_sms.jpg&w=250&h=200

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

TRONG QUÁN CÀ PHÊ TRƯỚC NHÀ THỜ VĂN LANG

 

cuối chân trời đã nắng, hay đang mưa

hỏi thời tiết tin lòng mình không thật

đành chọn lấy câu chào lơi ngọt, nhạt

người chưa về sáng chủ nhật liêu xiêu

 

Sài gòn còn tháng tám lắng ve kêu

hàng cây cháy bên giáo đường phượng đỏ

trời hành nhau, hay, tự bắt mình phải nhớ

hoặc giả đò thư thoảng một lần quên

 

cuối chân trời sợi tóc vẫn còn đen

sợ phiền nhau đành hỏi thăm màu tóc

đành vào quán tìm thêm ngày mất mát

áo ai qua ngó miết những đôi tà

 

Sài gòn thầm thì kể nốt cuộc đi xa

hè chưa dứt và gió mùa đã tạnh

tôi ngồi quán chủ nhật đầy bất hạnh

nắng bên này mưa lất phất bên kia

 

ĐCĐ

 

ATV_plU242012_ca_phe.jpg

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

TÀO LAO VỀ LỊCH SỬ

 

Nếu sinh ra ở thời Hùng Vương

Tôi sẵn sàng làm viên gạch Cổ Loa xây thành ngăn giặc

 

Bằng như thời gian nghìn năm quay ngược

Tôi chính là ngọn chông cắm vào sóng dữ Bạch Đằng

 

Hay tôi nguyện ăn hết cơn đói thế kỷ mười lăm trên núi Chí Linh

Ngồi mài mực đêm Ức Trai viết Bình Ngô Đại Cáo

 

Còn nếu được đầu thai mấy trăm năm hơn, thời đại phá quân Thanh

Tôi xung phong làm tên lính quèn dắt ngựa cho Quang Trung hoàng đế

 

Nhưng bây giờ nếu tôi vẫn cả gan làm những điều tương tự thế

Hoặc sẽ nếm mùi cơm tù

Hoặc mang tiếng chơi ngông

 

Ai không tin, ra hỏi thử biển Đông

 

ĐCĐ

 

dfgdfg.jpg

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

Tình yêu không tào lao

 

vì sống trong một đất nước anh hùng

nhỏ lệ trước bá quan thiên hạ là không phải phép

nên thẹn thùng như nàng thôn nữ

cửa đóng then cài xong xuôi tôi mới dám mở miệng rống lên

khóc cho Hoàng Sa Việt Nam một sáng úm ba la hoá ra tam sa thiên triều đại quốc

 

vì sinh ở thời đại rực sáng ngàn năm lịch sử

không được phép làm hổ ngươi nguồn sáng vĩ đại chói loà kia

vì trót mang dòng giống tiên rồng trước gót lũ ngoại bang không bao giờ khuất phục

nên nhịn nhục tôi đành nheo mắt canh me ông thần hoàng

cho hay không cho tôi hô vang như tên lính quèn ngày quân ta đại phá quân Thanh bên Quang Trung đại đế

 

vì chạy đi đâu thì muôn đời tôi vẫn là đứa con nước Việt

trong tim luôn khắc khoải tình yêu tổ quốc non sông

và tinh yêu nhân dân trong hồn là mãi mãi

thề có trời cao chứng giám

 

nắng ơi mưa ơi gió ơi

tình yêu quê hương sao lại là tào lao nhỉ

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

Mình rất khâm phục tấm lòng yêu nước nồng nàn của Núi. Mình cũng yêu đất nước này vô cùng. Thế nhưng, mỗi ngày tai nghe mắt thấy nhiều điều, khó tránh khỏi có những lúc chạnh lòng.

 

 

Sử sách của một đất nước nọ mở đầu bằng những lời như thế này để giáo dục con cháu của họ:

 

“Các con sinh ra trên một đất nước nằm trên quần đảo, nghèo nàn nguồn tài nguyên, thiên tai luôn đe dọa. Lịch sử nước nhà là những cuộc chiến liên miên, mà gần nhất là đã thất bại nhục nhã trong một cuộc chiến đẫm máu nhất của nhân loại, lại còn phải hứng chịu hai quả bom nguyên tử, bồi hoàn chiến phí … Kinh tế đất nước phá sản gần như chỉ còn lại con số không. “

 

Thế mà chỉ vài thập kỉ sau, họ đã trỗi dậy là một trong những cường quốc hàng đầu trên thế giới, song song với các thành tựu về khoa học kỹ thuật, văn hóa, thể thao … được các nước khác nễ trọng, học tập.

 

Lại có sử sách của một nước nọ dạy cho cháu con thế này:

 

“Chúng ta là con rồng cháu tiên, có bốn nghìn năm văn hiến rực rỡ, đất nước giàu đẹp vô cùng, đã lần lượt đánh thắng các thế lực ngoại xâm hùng mạnh phương bắc, thắng cả phong kiến lẫn thực dân Pháp, phát xít Nhật, đế quốc Mỹ… “

 

Và khi tỉnh táo nhìn lại thì …

 

 

Thứ bậc Việt Nam trên bảng xếp hạng trí tuệ toàn cầu: Báo động đỏ Trần Xuân Hoài

 

ImageHandlerLarge.ashx?width=250&height=194&HomeDirectory=%2fPortals%2f0%2fVietTotal.Articles%2fQuanlykhoahoc%2f&fileName=innovation2.jpg&portalid=0&i=5305&q=1

 

Những con số khách quan do Tổ chức sở hữu trí tuệ toàn cầu (World Intellectual Property Organization - WIPO thuộc LHQ) công bố tưởng như vô hồn đã nói lên rằng trí tuệ quốc gia Việt nam đang ngụp lặn ở nửa dưới của thế giới và với xu hướng ngày càng chìm sâu, thụt lùi xa so với láng giềng.

 

Hệ thống Đổi mới/Sáng tạo quốc gia - Nguồn gốc tạo nên trí tuệ của đất nước

 

Khi người cha già yếu vẫn vắt sức làm cửu vạn, còn bà mẹ bệnh tật chạy bới từng thùng rác kiếm từng đồng lẻ, cắn răng để nuôi con ăn học, chỉ với một ước nguyện duy nhất là mong con có được trí tuệ để đổi đời, không còn phải bán thân, bán sức như đời bố mẹ chúng, thì ông bà già tội nghiệp đó hiểu hơn ai hết sức mạnh và sự cần thiết của trí tuệ đối với một con người. Một quốc gia muốn “đổi đời” cũng cần có trí tuệ. Nhưng trí tuệ của một quốc gia không phải đơn thuần là phép cộng của trí tuệ từng con người, nó là do cả một hệ thống tạo lập nên. Đó chính là Hệ thống đổi mới / sáng tạo của quốc gia (national innovation system -NIS), trong đó trí tuệ của từng con người là một thành tố. NIS được định nghĩa là hệ thống các chủ thể và các mối tương tác với nhau của các chủ thể đó, bao gồm tổ chức nhà nước, các cơ sở nghiên cứu, các doanh nghiệp công và tư (lớn hoặc nhỏ), các trường đại học và các cơ quan chính phủ, nhằm mục đích sản sinh các sản phẩm sáng tạo, các sản phẩm khoa học và công nghệ (S&T) trong khuôn khổ lãnh thổ một quốc gia. Các mối tương tác giữa các chủ thể này bao gồm các vấn đề thuộc về chính sách, kỹ thuật, thương mại, pháp lý, xã hội và tài chính của các hoạt động đổi mới /sáng tạo dưới các dạng thức như sự phát triển, bảo hộ, tài trợ hoặc quy phạm…

 

Từ năm 2007, WIPO đã cùng một số đại công ty, tổ chức phi chính phủ cho ra đời hệ thống Chỉ số Đổi mới/Sáng tạo toàn cầu - Global Innovation Index (GII) và lập ra bảng xếp hạng hằng năm của các quốc gia trên thế giới.

 

Định nghĩa của sự đổi mới/sáng tạo nay đã mở rộng, nó không còn giới hạn với các phòng thí nghiệm R&D hoặc với việc xuất bản các bài báo khoa học, mà còn bao gồm cả những đổi mới/sáng tạo về tổ chức quản lý xã hội cũng như đổi mới/sáng tạo mô hình kinh doanh. Đổi mới /sáng tạo được thể hiện ở đầu vào và đầu ra của cả một quốc gia. Đó là một chỉ số đánh giá về trí tuệ, về hoạt động và thành quả của hoạt động trí tuệ con người, không phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên, về tài sản thừa kế, vay mượn, cướp bóc hay những may mắn bất ngờ nào cả [1].

 

Đổi mới/sáng tạo là động lực quan trọng cho sự tiến bộ kinh tế và sức cạnh tranh đối với các nước đã phát triển cũng như đang phát triển. Nhiều Chính phủ đang đặt sự đổi mới/sáng tạo thành trung tâm của chiến lược phát triển.

 

Thứ bậc Việt Nam trên bảng xếp hạng trí tuệ toàn cầu

 

Năm 2011 chúng ta vui mừng trên bảng chỉ số Đổi mới/sáng tạo toàn cầu Việt Nam ngoi lên được trên trung bình đứng thứ 51 trong 125 nước. Niềm vui ngắn chẳng tầy gang, 2012 ta lại tụt sâu xuống nửa dưới của thế giới, thứ 76 trên 141 nước! Nhìn lại quá trình từ 2007 khi bắt đầu có sự đánh giá thì tình hình còn bi đát hơn, chẳng những kém cỏi mà xu hướng là suy giảm liên tục. Sự ngoi lên năm 2011 có thể là ngẫu nhiên, không phải là thực chất như sẽ phân tích về điểm số ở phần dưới. Thứ bậc đơn lẻ chưa nói lên điều gì nhiều, cần phải có sự so sánh với bạn bè xung quanh thì mới biết ta đang ở đâu. Bảng 1, liệt kê thứ bậc và điểm số đánh giá của Việt Nam và các nước lân bang [2,3].

 

 

Vì tổng số nước được đánh giá hàng năm là khác nhau,cho nên không thể lấy thứ hạng tuyệt đối hàng năm để so sánh sự lên xuống của một nước, mà phải có một thước đo thống nhất. Chúng ta sẽ chia thế giới làm hai nửa bằng nhau, lấy đường phân chia làm gốc số không,thứ hạng được tính là bao nhiêu bậc trên (+) hoặc dưới (-) trung bình (số không). Thế vẫn chưa ổn, vì mỗi nửa hàng năm có tổng số bậc khác nhau, nên ta phải quy ra thành mỗi nửa đều có 100 bậc, và thứ bậc của mỗi nước hàng năm được quy thành số phần trăm trên (+) hoặc dưới (-) trung bình. Nói một cách hình ảnh, nếu thường xuyên ngụp lặn ở dưới mức trung bình thì nguy cơ được xem là một quốc gia thiểu năng trí tuệ chắc khó tránh khỏi.

 

 

nis%20hinh%201.jpg

 

Trên hình 1 ta có thể thấy trực tiếp sự kém cỏi của ta so với Malaysia cũng như Thailand, còn Singapore thì ở mức quá cao, so sánh thứ bậc chẳng có ích gì nữa.

 

Thứ hạng chỉ số đổi mới/sáng tạo của các nước có lúc tăng lúc giảm, nhưng khuynh hướng là tăng và luôn luôn trên trung bình, còn Việt Nam ta chủ yếu là ở nửa dưới, nhấp nhổm ngoi lên trên trung bình đôi chút, mà khuynh hướng nói chung là càng ngày càng giảm. Sự tăng đột biến năm 2011 có lẽ là nhờ năm đó chỉ có 125 nước tham gia xếp hạng, thấp nhất trong các năm.

 

Thứ hạng cho ta sự so sánh với cộng đồng, và căn cứ để xếp hạng là điểm số. Chính điểm số đánh giá chất lượng của thứ hạng. Tuy nhiên, việc chấm điểm hàng năm có thể khác nhau, thang điểm cũng có thể khác nhau, cho nên không có cách nào định điểm trung bình làm gốc. Chúng ta chỉ có thể lấy một nước nào đó để làm mốc so sánh chúng ta với nước đó hàng năm. Singapore là nước luôn nằm trong tốp 10 thế giới và số 1 châu Á. Vì vậy, hãy so sánh điểm số của Việt Nam với Singapore, ít nhất cũng cho ta cảm nhận Việt Nam được bao nhiêu phần của Singapore và khoảng cách đó giảm hay tăng. Nhìn vào hình 2, thấy rõ trí tuệ sáng tạo của ta chỉ bằng trên dưới một nửa của Singapore, và càng ngày càng lùi xa. Ngay cả năm 2011 mà chúng ta vui mừng, thì qua cách đánh giá bằng điểm số, chất lượng của thứ hạng vượt lên trung bình năm đó cũng không thực chất, vì khoảng cách với Singapore về điểm số lại giãn ra chứ không thu hẹp như vị trí thứ hạng.

nis%202.jpg

 

Thật là đáng buồn khi những con số khách quan, tưởng như vô hồn đó lại đã nói lên rằng trí tuệ quốc gia Việt Nam đang ngụp lặn ở nửa dưới của thế giới và với xu hướng ngày càng chìm sâu, thụt lùi xa so với láng giềng, nếu cứ đà này tiếp diễn thì nguy cơ dẫn đến mức Việt Nam trở thành quốc gia trí tuệ kém phát triển là nhãn tiền!

 

Phải chăng trí tuệ của con người và dân tộc Việt Nam thấp?

 

Như đã biết, Chỉ số đổi mới toàn cầu (GII- Global Innovation Index) được tính theo hai nhóm chỉ số con, là nhóm các chỉ số đổi mới/sáng tạo đầu vào và nhóm các chỉ số đầu ra. Có tổng cộng 7 tiêu chí (gốc) cơ bản.

 

Năm tiêu chí gốc tạo nên nhóm đầu vào (Innovation Input) đều gắn chặt với các yếu tố quản lý điều hành nhà nước và môi trường hoạt đông kinh tế quốc dân, tạo tiền đề cho các hoạt động đổi mới/sáng tạo. Đó là: (1) Các tổ chức nhà nước, (2) Nguồn lực con người, (3) Cơ sở hạ tầng, (4) Độ chín của thị trường, và (5) Mức hoàn thiện của kinh doanh.

 

Hai tiêu chí gốc hợp lại thành nhóm Đầu ra của đổi mới/sáng tạo (Innovation Output) [1] gồm: (6) Kết quả khoa học (Scientific outputs), (7) Thành quả sáng tạo (Creative outputs) .

Để tìm hiểu xem, nguyên nhân nào làm cho trình độ Đổi mới /Sáng tạo của Việt Nam kém cỏi như vậy, ta hãy xem xét vài tiêu chí cơ bản có ảnh hưởng nhiều nhất.

 

Nhóm đầu ra gồm kết quả khoa học và các thành quả của sáng tạo. Đó là những tiêu chí phản ảnh trí tuệ cũng như cách vận dụng trí tuệ để tạo ra kết quả sáng tạo. Nếu những tiêu chí này thấp tức trình độ trí tuệ con người ở đó thấp. Trong các tiêu chí đầu vào, thì hai tiêu chí về Các tổ chức Nhà nước (Institutions) và Nguồn vốn con người (Human Capital/Capacity) là rất quan trọng. Chẳng hạn về tổ chức, người ta phải đánh giá 3 tiêu chí nhánh: Môi trường chính trị, Môi trường điều hành, Môi trường kinh doanh. Đây đều thuộc về trách nhiệm của tổ chức nhà nước. Về Nguồn vốn con người thì phải đánh giá đến Giáo dục phổ thông, Đào tạo Đại học và dạy nghề, Nghiên cứu và triển khai. Việc đầu tư và chăm lo cho những nhiệm vụ này cũng là trách nhiệm chính của các cơ quan quản lý nhà nước. Những tiêu chí này tạo tiền đề cho Đổi mới /sáng tạo. Nếu những tiêu chí này thấp, thì Chỉ số Đổi mới sáng tạo không những không cao mà còn bị kéo thấp xuống. Có nghĩa làm trí tuệ của đất nước thụt lùi. Bảng 2 là số liệu của thế giới đánh giá Việt Nam về mặt Tổ chức, Vốn con người và Đầu ra đổi mới/sáng tạo [2,3].

 

Chúng ta cũng sử dụng phương pháp chuẩn hóa số liệu như trình bày ở phần trên, và kết quả có một hình ảnh trực quan về ba yếu tố này như trình bày ở hình 3. Không khó khăn để nhận ra rằng chỉ số về Tổ chức và Nguốn vốn con người của Việt Nam chẳng những dưới trung bình mà có lúc còn nằm gần sát đáy nửa dưới. Trong lúc chỉ số đầu ra, đánh giá năng lực con người Việt Nam thì luôn nằm khá cao ở nửa trên của thế giới. Rõ ràng là trí tuệ của con người và dân tộc Việt Nam không hề thấp.

nis3.jpg

Nguyên nhân khiến chỉ số về trí tuệ của Việt Nam đang ngày càng thụt lùi không phải do con người Việt Nam kém cỏi mà là do sự bất cập của Tổ chức quản lý nhà nước và sự yếu kém trong chăm lo đầu tư cho Vốn con người.

 

Thay lời kết

 

Cộng đồng quốc tế phải thu thập phân tích hàng vạn số liệu, và chúng ta phải nghiền ngẫm hàng ngàn trang giấy, xây dựng mô hình tính toán xử lý hàng ngàn con số vô hồn chỉ để đưa ra một kết luận giản đơn ai cũng biết cả, về nguyên nhân yếu kém của hệ thống Đổi mới / sáng tạo quốc gia của Việt Nam. Nhìn lại thấy việc làm này thật là “ngớ ngẩn”, vì chỉ cần liếc mắt đã có thể dễ dàng thấy hiện tượng này khắp nơi. Chẳng hạn như ở vùng sâu, tận cuối đồng bằng sông Cửu Long, thầy Hải cùng 3 học trò trường THPT An Lạc Thôn (Kế Sách, Sóc Trăng) mày mò tự bỏ tiền của công sức sáng tạo nghiên cứu thành công công trình “Thu giữ dầu loang bằng thảm vỏ tràm”, rất hữu ích và đạt được giải thưởng. Không có tiền làm lộ phí đi nhận thưởng, thầy trò đăng báo xin tài trợ. Số tiền chắc không bằng một bữa nhậu của quan chức địa phương .Nhưng thầy trò chẳng những không nhận được sự hỗ trợ kinh phí nghiên cứu cũng như đi lại của chính quyền, thay vào đó là bị huyện yêu cầu kiểm điểm vì dám công khai xin tài trợ (làm xấu mặt quan chức) [4].

 

Đó chỉ là chuyện ở một nơi xa xôi hẻo lánh, dân trí và trình độ cán bộ còn thấp, bàn đến chuyện Đổi mới/Sáng tạo làm gì. Thế nhưng chuyện một vị giáo sư, Hiệu trưởng một trường Đại học hàng đầu ở Hà nội đã thở dài mà than “… Hà Nội vừa mới mua mấy trăm cái iPad thời thượng (hết hơn 3 tỷ!) để phát cho Đại biểu HĐND [5] mỗi người một cái (để làm gì...?). Trong khi đó cả năm nay, trường Đại học chúng tôi không được kho bạc Hà Nội giải ngân cho một xu để mua máy tính cho Sinh viên,Thầy giáo sử dụng cho học tập và nghiên cứu. Lý do họ bảo là phải tiết kiệm đầu tư công!”, thật đáng để suy ngẫm!

 

Khi một đất nước được xem là kém cỏi trong Đổi mới/Sáng tạo, thì đồng nghĩa với việc đất nước ấy không thể tự phát triển được. Nó chỉ tồn tại được bằng cách bán cho đến cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, vắt cho đến cùng cực sức cơ bắp để làm thuê cho người khác. Khi những thứ đó không còn nữa thì sao?

 

---

 

Tài liệu tham khảo:

 

[1] Thứ bậc của Trí tuệ Việt Nam trong bảng xếp hạng toàn cầu http://tiasang.com.v...ult.aspx?tabid= 111&CategoryID=2&News=4227

 

[2] 2012 Rankings http://www.globalinnovationindex.org/gii/main/2012rankings.html

 

[3] Previous Editions http://www.globalinn.../main/previous/

 

[4] Nỗi buồn thầy giáo bị kiểm điểm vì ‘làm bẽ mặt’ địa phương http://www.tienphong.vn/xa-hoi/583547/ Noi-buon-thay-giao-bi-kiem-diem-vi-lam-be-mat-dia-phuong-tpp.html

 

[5] Đại biểu HĐND Hà Nội dùng iPad nghìn USD để làm gì? http://vtc.vn/2-3406...d-de-lam-gi.htm

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

Join the conversation

You can post now and register later. If you have an account, sign in now to post with your account.

Khách
Trả lời chủ đề này...

×   Bạn vừa dán nội dung có định dạng.   Paste as plain text instead

  Only 75 emoji are allowed.

×   Your link has been automatically embedded.   Display as a link instead

×   Your previous content has been restored.   Clear editor

×   You cannot paste images directly. Upload or insert images from URL.

Đang xử lí...

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This is an example of a list.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

×
×
  • Create New...