Jump to content
trananhpm

Giup Minh Voi

Recommended Posts

mình đang tìm những lời bình của cac nhà phê bình nổi tiếng về tài thơ và thơ cua Hàn Mặc Tử mà phải có cacf thao tác lập luận nữa nhưng mình tìm không thấy .Bạn nào tìm giúp mình với (càng nhiều càng tốt :lol: ).Xin cảm ơn trước.

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

không biết nó có phù hợp với yêu cầu của bạn không nữa.

HÀN MẶC TỬ

 

(1912-1940)

 

Hoài Thanh - Hoài Chân

 

 

 

Chính tên là Nguyễn Trọng Trí. Sinh ngày 22 Septembre 1912 ở Lệ Mỹ (Đông Hới), mất ngày 11 Novembre 1940. Trú ngụ ở Qui Nhơn từ nhỏ. Nhà nghèo, cha mất sớm. Học trường Qui Nhơn đến năm thứ ba. Làm sở Đạc Điền một độ, bị đau rồi mất việc. Vào Nam làm báo ít lâu lại trở về Qui Nhơn. Kế đó mắc bịnh hủi, đưa vào nhà thương Quy Hòa rồi mất ở đó.

 

Làm thơ từ ngày mười sáu tuổi (lấy hiệu là Phong Trần rồi Lệ Thanh). Đến năm 1936, khi chủ trương tờ phụ trương văn chương báo Saigon mới đổi hiệu là Hàn Mạc Tử.

 

Đã đăng thơ: Phụ Nữ Tân Văn, Saigon, Trong Khuê Phòng, Đông Dương Tuần Báo,Ng Người Mới.

 

Đã xuất bản: Gái Quê (1936).

 

* * *

 

Tôi đã nghe người ta mạt sát Hàn Mạc Tử nhiều lắm. Có người bảo: 'Hàn Mạc Tử? thơ với thẩn gì! toàn là nói nhảm.' Có người còn nghiêm khắc hơn nữa: 'Thơ gì mà rắc rối thế! mình tưởng có ý nghĩa khuất khúc, cứ đọc đi đọc lại hoài, thì ra nó lừa mình!' Xuân Diệu có lẽ cũng nghĩ đến Hàn Mạc Tử trong khi việt đoạn này: 'Hãy so sánh thái độ can đảm kia (thái độ những nhà chân thi sĩ) với những cách đột nhiên mà khóc, đột nhiên mà cười, chân vừa nhảy, miệng vừa kêu: tôi điên đây! tôi điên đây! -- Điên cũng không dễ làm như người ta tưởng đâu. Nếu không biết điên, tốt hơn là cứ tỉnh táo như thường mà yên lặng sống.'

 

Nhưng tôi cũng đã nghe những người ca tụng Hàn Mạc Tử. Trong ý họ, thi ca Việt Nam chỉ có Hàn Mạc Tử. Bao nhiêu thơ Hàn Mạc Tử làm ra họ đều chép lại và thuộc hết. Mà thuộc hết thơ Hàn Mạc Tử đâu có phải chuyện dễ. Đã khúc mắt mà lại nhiều: tất cả đến sáu bảy tập. Họ thuộc hết và chọnn những lúc đêm khuya thang vắng, họ sẽ cao giọng, ngâm một mình. Bài thơ đã biến thành bài kinh và người thơ đã trở nên một vì giáo chủ. Chế Lan Viên nói quả quyết: 'Tôi xin hứa hẹn với các người rằng, mai sau, những cái tầm thường, mực thước kia sẽ biến tan đi, và còn lại của cái thời kỳ này, chút gì đáng kể đó là Hàn Mạc Tử.'

 

Ngót một tháng trời tôi đã đọc thơ Hàn Mạc Tử. Tôi đã theo Hàn Mạc Tử từ lối thơ Đường đến vở kịch bằng thơ Quần Tiên Hội. Và tôi đã mệt lả. Chính như lời Hàn Mạc Tử nói trong bài tựa Thơ Điên, vườn thơ của người rộng rinh không bờ bến, càng đi xa càng ớn lạnh. Bây giờ đã ra khỏi cái thế giới kỳ dị ấy và đã trở về với cuộc đời tầm thường mà ý nhị, tôi thử xếp đặt lại những cảm tưởng hỗn độn của tôi.

 

Thơ Đường Luật: Theo Ông Quách Tấn, Phan Sào Nam hồi trước xem Thơ Đường Luật Hàn Mạc Tử có viết trên báo đại khái nói: 'Từ về nước đến nay, tôi được xem thơ quốc âm cũng khá nhiều, song chưa gặp được bài nào hay đến thế... Ôi hồng nam nhạn bắc, ước ao có ngày gặp gỡ để bắt tay nhau cười lên một tiếng lớn ấy là thỏa hồn thơ đó.' Thơ Đường Luật Hàn Mạc Tử làm ra nhiều nhưng bị thất lạc gần hết, tôi không được xem mấy bài. Song trong những bài tôi được xem, tôi cũng đã gặp ít câu hay, chẳng hạn như:

 

Nằm gắng đã không thành mộng được,

Ngâm tràn cho đỡ chút buồn thôi.

 

Dầu sao tôi vẫn nghĩ cái khuôn khổ bó buộc của luật Đường có lẽ không tiện cho sử nẩy nở một nguồn thơ rào rạt và lạ lùng như nguồn thơ Hàn Mạc Tử.

 

Gái Quê: Nhiều bài có thể là của ai cũng được. Còn thì tả tình quê trong cảnh quê. Lời thơ dễ dàng, tứ thơ bình dị. Nhưng tình ở đây không có cái vẻ mơ màng thanh sạch như mối tình ta vẫn quen đặt vào trong khung cảnh những vườn tre, những đồi thông. Ấy là một thứ tình nồng nàn, lơi lả, rạo rực, đầy hình ảnh khêu gợi. Ông Phạm Văn Kỳ đề tựa tập thơ ấy là phải lắm: Gái Quê và Une voix sur la voie đều bắt nguồn trong tình dục.

 

Thơ Điên: Thơ Điên gồm có ba tập:

 

1) Hương Thơm

 

2) Mật Đắng

 

3) Máu Cuồng và Hồn Điên

 

Hương Thơm: Ta bắt đầu bước vào một nơi ánh trăng, ánh nắng, tình yêu và cả người yêu đều như muốn biến ra hương khói. Một trời tình ái mới dựng lên đâu đây. Tuy có đôi vần đẹp, cảm giác chung nhạt tẻ thế nào.

 

Mật Đắng: Ta vẫn đi trong mờ mờ. Nhưng thỉnh thoảng một luồn sáng lạ chói cả mắt. Nguồn sáng tỏa ra từ một linh hồn vô cùng khổ não. Ta bắt gặp dấu tích còn hoi hóp của một tình duyên vừa chết yểu. Thất vọng trong tình yêu, chuyện ấy trong thơ ta không thiếu gì, nhưng thường là một thứ buồn dầu có thấm thía vẫn dịu dịu. Chỉ trong thơ Hàn Mạc Tử mới thấy một nỗi đau thương mãnh liệt như thế. Lời thơ như dính máu.

 

Máu Cuồng và Hồn Điên: Đến đây ta đã hoàn toàn ra khỏi cái thế giới thực và cái thế giới mộng của ta. Xa lắm rồi. Ta thấy những gì chung quanh ta? Trăng, toàn trăng, một ánh trăng gắt gao, ghê tởm, linh động như một người hay đúng hơn một yêu tinh. Trăng ở đây cũng ghen, cũng giận, cũng cay nghiệt, cũng trơ tráo và cũng náo nức dục tình. Hàn Mạc Tử đi trong trăng, há miệng cho máu tung ra làm biển cả, cho hồn văng ra, và rú lên những tiếng ghê người... Ta rùng mình, ngơ ngác, ta đã lục lọi khắp trong đáy lòng ta, ta không thấy có tí gì giống cái cảnh trước mắt. Trời đất này thực của riêng Hàn Mạc Tử. Ta không hiểu được và chắc cũng không bao giờ ai hiểu được. Nghĩ thế ta bỗng thương con người cô độc. Đã cô độc ở kiếp này và e còn cô độc đến muôn kiếp. Hàn Mạc Tử chắc cũng biết thế nên lúc sinh thời người đã nguyền với Chúa sẽ không bao giờ cho xuất bản Thơ Điên. Một tác phẩm như thế, ta không có thể nói hay hay dở, nó đã ra ngoài vòng nhân gian, nhân gian không có quyền phê phán. Ta chỉ biết trong văn thơ cổ kim không có gì kinh dị hơn. Ta chỉ biết ta đương đứng trước một người sượng sần vì bệnh hoạn, điên cuồng vì đã quá đau khổ trong tình yêu. Cuộc tình duyên ra đời với tập Hương Thơm, hấp hối với tập Mật Đắng, đến đây thì đã chết thiệt rồi, nhưng khí lạnh còn tỏa lên nghi ngút.

 

Một nhà chuyên môn nghiên cứu những trạng thái kỳ dị của tâm linh người ta xem tập Máu Cuồng và Hồn Điên có lẽ sẽ lượm được nhiều tài liệu hơn một nhà phê bình văn nghệ. Tuy thế, đây đó ta gặp những câu rất hay.

 

Như tả cảnh đồi núi một đêm trăng có câu:

 

“Ngả nghiêng đồi cao bọc trăng ngủ

Đầy mình lốm đốm những hào quang”

 

Lên chơi trăng có câu:

 

“Ta bay lên! Ta bay lên!

Gió tiễn đưa ta tới nguyệt thiềm.

Ta ở côi cao nhìn trở xuống:

Lâng lâng mây khói quyện trăng đêm”.

 

Đọc những câu ấy có cái thú vị ở xứ lạ gặp người quen, vì đó là những cảm giác ta có thể có. Lại có khi những cảm giác ở ta rất thường mà trong trí Hàn Mạc Tử rất dễ sợ. Một đám mây in hình dưới dòng nước thành ra:

 

“Mây chết đuối ở dòng sông vắng lặng

Trôi thây về xa tận cõi vô biên”.

 

Cái ý muốn mượn lời thơ để tả tâm sự mình cũng trở nên điên cuồng và đau đớn dị thường:

 

“Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút;

Mỗi lời thơ đều dính não cân ta

Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt,

Như mê man chết điếng cả làn da.

 

Cứ để ta ngất ngư trong vũng huyết,

Trải niềm đau trên mảnh giấy monh manh;

Đừng nắm lại nguồn thơ ta đương siết,

Cả lòng ta trong nhớ chữ rung rinh”.

 

Tôi chỉ trích ra vào đoạn có thể thích được. Còn bao nhiêu đoạn nữa tuy ta không thích vì nó không có gì hợp với lòng ta, nhưng ta cũng biết rằng với Hàn Mạc Tử hẳn là những câu tuyệt diệu. Nó đã tả đúng tâm trạng của tác giả. Lời thơ có vẻ thành thực, thiết tha lắm.

 

Xuân Như Ý: Mùa xuân Hàn Mạc Tử nói đây có khi ở đâu hồi trời đất mới dựng lên, có khi ra đời một lần với Chúa Jésus, có khi hình như chỉ là mùa xuân đầu năm. Nhưng dầu sao cũng không phải là một mùa xuân ta vẫn quen biết. Đây là một mùa xuân trong tưởng tượng, một mùa xuân theo ý muốn của thi nhân, đầy dẫy những lời kinh cầu nguyện, những hương đức hạnh, hoa phẩm tiết, nhạc thiêng liêng, cùng ánh trăng, ánh thơ. Nhất là ánh thơ. Với Hàn Mạc Tử thơ có một sự quan hệ phi thường. Thơ chẳng những để ca tụng Thượng Đế mà cũng để ban ơn phước cho cả và thiên hạ. Cho nên mỗi lần thi sĩ há miệng -- sao lại há miệng? -- cho thơ trào ra, làm chín từng mây náo động, muôn vì tinh tú xôn xao. Người sẽ thấy:

 

“Đường thơ bay sáng láng như sao sa

Trên lụa trắng mười hai hàng chữ ngọc

Thêu như thêu rồng phượng kết tinh hoa”.

 

Hình như trong các thi phẩm xưa nay có tính cách tôn giáo khôngcó có gì giống như vậy. Hàn Mạc Tử đã dựng riêng một ngôi đền để thờ Chúa. Thiếu lòng tin, tôi chỉ là một du khách bỡ ngỡ không thể cùng quỳ lạy với thi nhân. Nhưng lòng tôi có dửng dưng, trí tôi làm sao không ngợp vì cái vẻ huy hoàng, trang trọng, linh lung, huyền ảo của lâu đài kia? Có những câu thơ đẹp một cách lạ lùng, đọc lên như rưới vào hồn một nguồn sáng láng. Xuân Như Ý rõ ràng là tập thơ hay nhất của Hàn Mạc Tử.

 

Với Hàn Mạc Tử Chúa gần lắm. Người đã tìm lại những rung cảm mạnh mẽ của các tín đồ đời Thượng cổ. Ta thấy phảng phất cái không khí Athalie. Cho nên mặc dầu thỉnh thoảng còn sót lại một hai dấu tích Phật Giáo, chắc những người đồng đạo chẳng vì thế mà làm khó dễ chi với di thảo của thi nhân.

 

Huống chi thơ Hàn Mạc Tử ra đời, điều ấy chứng rằng đạo Thiên Chúa ở xứ này đã tạo ra một cái không khí có thể kết tinh lại thành thơ. Tôi tin rằng chỉ những tình cảm có thể diễn ra thơ mới thiệt là những tình cảm đã thấm tận đáy hồn đoàn thể.

 

Thượng Thanh Khí: Một vài bài đặc sắc ghi lại những cảnh đã thấy trong chiêm bao, ở đâu giữa khoảng các vì tinh tú trên kia Đại khái không khác cảnh Xuân Như Ý mấy, chỉ thiếu tính cách tôn giáo, huyền bí nhưng không thiêng liêng.

 

Cẩm Châu Duyên: Một hai năm trước khi mất, sự tình cờ đưa đến trong đời Hàn Mạc Tử hình ảnh một giai nhân có cái tên khải ái: nàng Thương Thương. Nàng Thương Thương có lẽ chỉ yêu thơ Hàn Mạc Tử và Hàn Mạc Tử hình như cũng không biết gì hơn ngoài hai chữ Thương Thương. Nhưng như thế cũng đủ để thi nhân đưa nàng vào tháp thơ. Nàng sẽ luôn luôn đi về trong những giấc mơ của người. Có khi người mơ thấy mình là Tư Mã Tương Như đương nghe lời Trác Văn Quân năn nỉ:

 

“Đã mê rồí! Tư Mã chàng ôi!

Người thiếp lao đao sượng cả người.

Ôi! ôi! hãm bớt cung cầm lại,

Lòng say đôi má cũng say thôi”.

 

Song những phút mơ khoái lạc ấy có được là bao. Tỉnh dậy, người thấy:

 

“Sao trìu mến thân yêu đâu vắng cả?

Trơ vơ buồn và không biết kêu ai!

Bức thư kia sao chẳng viết cho dài,

Cho khăng khít nồng nàn thêm chút nữa”.

 

Ta tưởng nghe lời than của Huy Cận.

 

Nhưng cuộc đời đau thương kia đã đến lúc tàn, và nguồn thơ kia cũng đã đến lúc cạn. Hàn Mạc Tử chốc chốc lại ra ngoài biên giới thơ, lạc vào thế giới đồng bóng.

 

Duyên Kỳ Ngộ và Quần Tiên Hội: Mối tình đối với nàng Thương Thương còn khiến Hàn Mạc Tử viết ra hai vở kịch bằng thơ này nữa. Quần Tiên Hội viết chưa xong và không có gì. Duyên Kỳ Ngộ hay hơn nhiều. Đây là một giấc mơ tình ái, ngắn ngủi nhưng xinh tươi, đặt vào một khung cảnh tuyệt diệu. Thi nhân dẫn ta đến một chốn nước non thanh sạch chưa từng in dấu chân người. Ở đó tiếng chim hót, tiếng suối reo, tiếng tiêu ngân đều biến thành những lời thơ tình tứ. Ở đó Hàn Mạc Tử sẽ gặp nàng Thương Thương mà người không mong được gặp ở kiếp này. Nàng sẽ nói với người những lời nồng nàn âu yếm khiến chim nước đều say sưa. Nhưng rồi người sẽ cùng tiếng tiêu cùng đi như vụt nhớ đến cái nghiệp nặng nề đương chờ người nơi trần thế. Và giữa lúc nàng gục đầu khóc, cảnh tiên lại rộn rã tiếng suối ca.

 

Trong thi phẩm Hàn Mạc Tử có lẽ tập thơ này là trong trẻo hơn cả. Còn từ Thơ Đường Luật với những câu:

 

“Bóng nguyệt leo song sờ sẫm gối;

Gió thu lọt cửa cọ mài chăn”.

 

cho đến Gái Quê, Thơ Điên, Xuân Như Ý và các tập khác, lời thơ thường vẩn đục.

 

* * *

 

Tôi đã nói hết cảm tưởng của tôi trong lúc đọc thơ Hàn Mạc Tử. Không có bao giờ tôi thấy cái việc phê bình thơ tàn ác như lúc này. Tôi nghĩ đến người đã sống trong một túp lều tranh phải lấy bì thư và giấy nhựt trình che mái nhà cho đỡ dột. Mỗi bữa cơm đưa đến người không sao nuốt được vì ăn khổ quá. Cảnh cơ hàn ấy và chứng bệnh kinh khủng đã bắt người chịu bao nhiêu phũ phàng, bao nhiêu ruồng rẫy. Sau cùng người bị vứt hẳn ra ngoài cuộc đời, bị giữ riêng một nơi, xa hết thảy mọi người thân thích. Tôi nghĩ đến bao nhiêu năm người bó tay nhìn cả thể phách lẫn linh hồn cùng tan rã...

 

Một người đau khổ nhường ấy, lúc sống ta hững hờ bỏ quên, bây giờ mất rồi ta xúm lại kẻ chê người khen. Chê hay khen tôi đều thấy có gì bất nhẫn.

 

 

Hoài Thanh - Hoài Chân

 

* Trích Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh - Hoài Chân.

 

Tài Liệu

 

+ Thơ Hàn Mặc Tử hay Những Bài Tình Ca Bi Thiết của Huy Phong và Yến Anh.

 

+ Thi Nhân Việt Nam Hiện Đại - Quyển I của Trần Tuấn Kiệt.

 

+ Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh - Hoài Chân.

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

Hạ cuối

Hè đến

mùa thi dang gõ cửa

Lá bàng đưa

theo nhưng bước chân đi

Thời gian ấy

ba năm trời đèn sách

Có nhớ nhau?

khi phượng tắm, mưa hè.....

Còn đâu nữa

tháng ngày mơ ước cũ

Chút hư vô

nghe giá lạnh trong lòng

Đừng mong nữa

nhũng ngày xưa trở lại

Còn chi đâu

để ai, mãi kiếm tìm...

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác
mình đang tìm những lời bình của cac nhà phê bình nổi tiếng về tài thơ và thơ cua Hàn Mặc Tử mà phải có cacf thao tác lập luận nữa nhưng mình tìm không thấy .Bạn nào tìm giúp mình với (càng nhiều càng tốt :lol: ).Xin cảm ơn trước.

Phê” thơ thì có gì mà tài ? Và có gì để đáng nói không ? Người xưa nói người khen ta đúng là bạn ta, còn kẻ chê ta đúng là thầy ta. Tôi cứ nghĩ nếu chỉ thấy tài tho hay tài phê bình thơ của Xuân Diệu cũng đã nói được cái cốt cách, thần thái của ông rồi. Nhưng không thấy được tài “phê” thơ của ông thì hình như ta đã bỏ qua một phía khác tài năng của ông.

 

Xuân Diệu bình thơ rất hay, rất tinh tế. Có những câu thơ, bài thơ qua lời bình của ông như có lửa, có điện. Đoạn Tú Bà mắng Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, Xuân Diệu hạ mấy lời bình thật thấm thía : “Tú Bà nói chưa đầy nửa phút mà bọt mép văng mãi ngàn năm. Gớm cái con hổ cái. Nó nói như muốn xé xác người ta, như muốn xé rách trang giấy Truyện Kiều”. Những lời bình như thế không hiếm trong các bài bình thơ của Xuân Diệu.

 

Nhưng Xuân Diệu phê thơ cũng hay không kém. Cái tinh tế để cảm nhận được những câu thơ hay, những bài thơ hay những là cái tinh tế để ông phát hiện ra những câu thơ dở, những bài thơ dở. Có những câu thơ, những bài thơ, người đọc bình thường cảm thấy cũng “đọc được”, thì con mắt tinh đời của Xuân Diệu có thể chỉ ra chỗ chưa đạt một cách chắc chắn.

 

Có nhà thơ nọ viết :

 

... Nón che chung trời mưa lổ đổ

 

Đôi môi hương sấu chín dịu chua.

 

Và đây là lời “phê” của Xuân Diệu : “Trời lổ đổ mưa, che chung một nón, giúp cho hai cái đầu gần nhau, cho nên “đôi môi hương sấu chín...” thế là nên thơ quá rồi ! Chữ hương hợp với sấu chín và cũng hợp cho đôi môi, nhưng thêm dịu chua vào thì hỏng toi ! Sấu chín vừa ngọt dịu vừa chua, như thế nó vẫn cứ ngọt và càng ngon. Nhưng hai tiếng dịu chua chỉ dùng được cho sấu chín mà thôi, không thể dùng được cho đôi môi, đôi môi mà chua, thì là người đang ốm mệt hoặc là... chưa súc miệng !... Trừ phi là văn trào phúng, chứ trong văn trữ tình, nên tránh đừng để chữ môi gần bên chữ chua, vì chua còn có nghĩa là chua ngoa, môi em ăn nói chua ngoa quá...”.

 

Xuân Diệu rất sành trong việc cảm nhận thơ hay, mà cũng rất sành trong việc phát hiện ra thơ dở. Một câu thơ lạc điệu, một ý thơ khập khiểng, một tứ thơ lỏng lẻo hay một từ dùng không đúng chỗ đều được ông chỉ ra và bình luận khá thấu đáo.

 

Một lần nọ, trong một bài thơ dự thi đăng trên báo Văn nghệ, miêu tả việc đưa điện về nông thôn, có câu :

 

Tôi bước dưới những hàng ống sứ

 

Rất trắng tròn như cổ tay em...

 

Xuân Diệu bình luận : “Những cái ống sứ trắng tròn như cổ tay em thì có xinh không ? So sánh như vậy có làm vinh dự cho thiếu nữ, có tôn cái đẹp của thiếu nữ lên không ? Người con gái nào mà lại thích cổ tay của mình đẹp như ống sứ mắc dây điện ? Ống sứ trắng và tròn nhưng cứng nhắc và trơ trẽn lắm !”

 

Trong một tập thơ được Giải thưởng của Hội nhà văn, có bài kể chuyện hai người yêu nhau đi xem Viện bảo tàng, có đoạn :

 

Em thấy chăng ? Nghĩa Cương

 

Núi xanh màu cổ kính

 

Gặp thạp đồng Đào Trịnh

Vui hình người giao hoan.

 

Xuân Diệu nhận xét đấy là một đoạn thơ thiếu mất sự thanh nhã. Ông viết : “Tạo hình người giao hoan được, thì nói chuyện ấy cũng được, không nên phong kiến theo Khổng Tử. Tuy nhiên “em” ở đây là ở mức “già nhân ngãi, non vợ chồng”, có thể suồng sã một tý cũng được. Nhưng nếu “em” ở đây là cô gái trắng trong mới đi với mình vài lần đầu, mà lại nói với cô ấy “hình người giao hoan”, nhất là nói trong thơ thì có còn trang nhã không ?”

 

Xuân Diệu không chỉ tinh tế trong việc chỉ ra cái dỡ, cái chưa được của thơ. Mà ông cũng rất tinh tế, rất độc đáo trong cách chê. Giọng chê của ông có một chút hóm hỉnh, có một chút đùa vui. Chính cái giọng hóm hỉnh đùa vui này đã làm cho việc phê thơ của ông không nặng nề như ở nhiều bài phê bình khác. Người đọc thú vị mà tác giả bị chê cũng chấp nhận được.

 

Chẳng hạn trong bài thơ Đường cày mới thẳng của một tác giả nọ có đoạn :

 

Lúc nghỉ anh đứng nhìn

 

Đường cày trông đã đẹp

 

Em chỉ đôi chim chích

 

Trên cành thông ven sông

Chim đang đứng rỉa lông

 

Trông sao vui mắt lạ

 

Xuân Diệu hóm hỉnh chỉ ra cái vô lý của ý thơ : “Theo tôi đọc, thì tác giả bài thơ này tưởng tượng ra đấy thôi, chứ tác giả chưa dạy cho cô gái nào cày sất cả. Vì trong đời thực, một người con gái có giáo dục, có ý tứ, có sự tế nhị, hơn nữa một cô gái quê, muốn tỏ tình với người con trai, lại đi chỉ trỏ cho người con trai thấy đôi chim kia đang “chim” nhau hay sao ? Ai lại trơ trẽn, lộ liễu thế.” Suy bụng ta ra bụng người”, hoặc giả anh con trai có lộ liễu thế chăng ? Lộ liễu như vậy là “liễu ngõ hoa tường”, phai mất đi cái thiêng liêng e ấp của tình yêu ban đầu”.

 

Cũng có khi cái hóm hỉnh của ông là dẫn ra những bài thơ dở, buồn cười, không bình luận gì nhiều. Chẳng hạn : “Tôi xin lỗi bạn đọc kể vào đây một sự thiếu ý tứ đến nỗi như là một sự cố ý; bài “ca dao” dự thi :

 

Đêm nay phục kích trên đồi

 

Lòng anh nhớ tới người anh thương

 

Giặc còn chếch cháng bên đường

 

Thương em để bụng, anh giương súng chờ !

Xin miễn bình luận !”

 

Có người trách ông trong khi viết, trong khi nói hay “cù” người đọc, người nghe cười. Ông chỉ tủm tỉm đáp lại : “Ấy cũng phải khích động như thế cho người nghe, người đọc sôi nổi lên, đỡ chán”. Điều này đã làm cho những bài viết có tính chất phê phán của ông bao giờ cũng dí dỏm, đọc rất thú vị.

 

Xuân Diệu hóm hỉnh, đùa vui cho việc phê thơ không nặng nề kinh viện, chứ không phải là ông dễ dãi với việc phê thơ. Phải nói rằng trong lĩnh vực này ông là người quyết liệt và sòng phẳng. Nếu là thơ dở, thì dù là của ai, dù được tặng giải thưởng gì đi nữa, ông cũng phê. Ông là người đã giới thiệu thơ của nhà thơ thần đồng Trần Đăng Khoa với nước ngoài, với trong nước. Nhưng ông cũng là người phê tập “Khúc hát của người anh hùng” của Trần Đăng Khoa một cách không nhân nhượng. Với ông, khen ngợi hay phê phán là phải nói được bản chất đích thực của nó, chứ không phải đúng một cách cầu an. Có lần ông tâm sự : “Trong sự khen chê tôi không chủ trương một cách chung chung là “phải có chừng mực”; đó là một sự chiết trung rất cầu an; tôi nghĩ rằng phải cố gắng nhận xét, cân nhắc xem tác phẩm nó có thế nào, nó đến đâu, tất cả vấn đề của sự đánh giá là phải xác đáng. Chê phủ phàng, chê vùi dập là không nên đối với nền văn học mới còn trẻ tuổi; mặt khác nói khuyết điểm mà đúng huyệt và chí tình, còn làm cho một tác giả có bản lĩnh khoái và cảm động hơn là một lời khen quá thặng lên như một cái áo rộng, thậm chí một cái áo thụng, “tiếng khen như gió thoảng ngoài” (Bàn về chất lượng của thơ, 1977).

 

Có khi Xuân Diệu phê rất nặng. Ông chê người này viết như thế “trơ trẽn lắm”, ông phê người kia “viết thế e vô lễ”, thậm chí có khi ông chê là không biết làm thơ... Nhưng không mấy ai nỡ giận ông, bởi vì đằng sau những lời phê đó là một tấm lòng nhân hậu, một tấm lòng chí tình, hết mình với thơ, với đời. Xuân Diệu sống hồn nhiên, mãnh liệt, mà khen chê cũng hồn nhiên, mãnh liệt, có sao nói vậy, không đưa đẩy, làm xiếc bằng ngôn từ. Có lẽ điều đó đã làm cho ông đến được với mọi người, dù có khi ông có phê phán họ.

 

Ở Xuân Diệu dù làm thơ, viết văn hay viết phê bình văn học bao giờ cũng là nỗi “khát khao giao cảm với đời” (Chữ dùng của Nguyễn Đăng Mạnh). Và kỳ lạ thay những lời thơ, những lời bình của ông sống với bạn đọc đã đành, mà những lời phê bình của ông những sống được với bạn đọc, thậm chí có khi còn được thêu dệt thành những giai thoại văn chương đầy thú vị.

 

Xuân Diệu đã ra đi. Nhưng những gì ông để lại vẫn sống, vẫn tiếp tực giao cảm với đời như nỗi khát khao của ông hằng mong lúc còn sống.

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác
mình đang tìm những lời bình của cac nhà phê bình nổi tiếng về tài thơ và thơ cua Hàn Mặc Tử mà phải có cacf thao tác lập luận nữa nhưng mình tìm không thấy .Bạn nào tìm giúp mình với (càng nhiều càng tốt :lol: ).Xin cảm ơn trước.

"Trước không có ai, sau không có ai, Hàn Mặc Tử như một ngôi sao chổi xoẹt qua bầu trời Việt Nam với cái đuôi chói lòa rực rỡ của mình"

"Tôi xin hứa hẹn với các người rằng, mai sau, những cái tầm thường, mực thước kia sẽ biến tan đi, và còn lại của cái thời kỳ này, chút gì đáng kể đó là Hàn Mạc Tử."

(Nhà thơ Chế Lan Viên)

"Sẽ không thể giải thích được đầy đủ hiện tượng Hàn Mặc Tử nếu chỉ vận dụng thi pháp của chủ nghĩa lãng mạn và ảnh hưởng của Kinh thánh. Chúng ta cần nghiên cứu thêm lý luận của chủ nghĩa tượng trưng và chủ nghĩa siêu thực. Trong những bài thơ siêu thực của Hàn Mặc Tử, người ta không phân biệt được hư và thực, sắc và không, thế gian và xuất thế gian, cái hữu hình và cái vô hình, nội tâm và ngoại giới, chủ thể và khách thể, thế giới cảm xúc và phi cảm xúc. Mọi giác quan bị trộn lẫn, mọi lôgic bình thường trong tư duy và ngôn ngữ, trong ngữ pháp và thi pháp bị đảo lộn bất ngờ. Nhà thơ đã có những so sánh ví von, những đối chiếu kết hợp lạ kỳ, tạo nên sự độc đáo đầy kinh ngạc và kinh dị đối với người đọc."

(Nhà phê bình văn học Phan Cự Đệ)

"Hàn Mặc Tử có khoảng bảy bài hay, trong đó có bốn bài đạt đến độ toàn bích. Còn lại là những câu thơ thiên tài. Những câu thơ này, phi Hàn Mặc Tử, không ai có thể viết nổi. Tiếc là những câu thơ ấy lại nằm trong những bài thơ còn rất nhiều xộc xệch..."

(Nhà thơ Trần Đăng Khoa)

"...Theo tôi thơ đời Hàn Mặc Tử sẽ còn lại nhiều. Ông là người rất có tài, đóng góp xứng đáng vào Thơ mới."

(Nhà thơ Huy Cận)

"...Một nguồn thơ rào rạt và lạ lùng..." và "Vườn thơ Hàn rộng không bờ không bến càng đi xa càng ớn lạnh..."

(Nhà phê bình văn học Hoài Thanh)

Khen chê lúc khuất:

“ Một người đau khổ đến nhường ấy, lúc sống ta hờ hững bỏ quên, bây giờ mất rồi ta xúm lại kẻ chê người khen. Chê hay khen tôi đều

cai nay chi co chut y thui

ban tham khao tam nhe

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

Join the conversation

You can post now and register later. If you have an account, sign in now to post with your account.

Khách
Trả lời chủ đề này...

×   Bạn vừa dán nội dung có định dạng.   Paste as plain text instead

  Only 75 emoji are allowed.

×   Your link has been automatically embedded.   Display as a link instead

×   Your previous content has been restored.   Clear editor

×   You cannot paste images directly. Upload or insert images from URL.

Đang xử lí...

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This is an example of a list.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

×
×
  • Create New...