Jump to content
phuonglinhqv

Thông Báo: Cuộc Thi Viết Về Mẹ

Recommended Posts

Nhân dịp phát hành tác phẩm “Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt” - cuốn sách đầu tiên của Tủ sách Goodmother, Công ty cổ phần sách và truyền thông Quảng Văn phát động cuộc thi Viết về Mẹ.

 

 

 

*Đối tượng tham dự:

 

Mọi độc giả trên mọi miền Tổ quốc, không giới hạn độ tuổi.

 

 

 

*Thể lệ:

 

Viết một câu chuyện kể lại một kỷ niệm sâu sắc nhất của bạn về Mẹ.

 

Độ dài bài viết không quá 1.200 từ, yêu cầu ngôn từ sử dụng cần đảm bảo sự trong sáng của tiếng Việt, không viết tắt hoặc sử dụng những ký tự đặc biệt.

 

Mỗi một người tham dự chỉ được viết một bài.

 

Bài viết chưa từng được công bố trên các phương tiện sách báo, truyền thông, blog cá nhân.

 

Bản quyền các bài viết thuộc về Quảng Văn.

 

 

 

* Cơ cấu giải thưởng:

 

Cuộc thi sẽ kéo dài 04 tháng, từ ngày 01/11/2011 đến ngày 01/03/2012.

 

- Mỗi tháng ban tổ chức sẽ trao giải cho 03 bài xuất sắc nhất, giải thưởng sẽ là: giải nhất 500.000, giải nhì 300.000, giải ba 200.000.

 

- Sau ngày 01/03/2012 sẽ chọn ra 12 bài đoạt giải của bốn tháng (11, 12/2011 và 01, 02/2012) vào vòng chung khảo. Ngày 08/03/2012 Ban tổ chức sẽ chọn ra và trao giải cho ba bài xuất sắc nhất. Cơ cấu giải thưởng gồm: giải nhất: 1.500.000, giải nhì: 1.000.000, và một giải do độc giả bình chọn: 500.000 (VNĐ);

 

- 12 bài lọt vào vòng chung khảo sẽ được tập hợp và in thành sách, tác giả mỗi bài

 

viết sẽ được tăng 03 cuốn sách biếu. Sách sẽ được phát hành vào ngày chủ nhật của tuần thứ hai của tháng 05/2012;

 

Bài dự thi sẽ được đăng tải lần lượt trên website http://quangvanbooks.com, quangvan.wordpress.com, tusachnguoimetot.wordpress.com…

 

 

 

Bài dự thi xin gửi về email: goodmotherqvg@gmail.com. Dưới mỗi bài dự thi, người tham dự ghi rõ thông tin cá nhân.

 

Hạn cuối cùng nhận bài dự thi là ngày 01/03/2012

 

Quảng Văn trân trọng thông báo!

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

CÔNG BỐ KẾT QUẢ CUỘC THI "VIẾT VỀ MẸ" THÁNG 11/2011

 

 

Trong tháng 11/2011, Quảng Văn đã nhận được 8 bài tham dự cuộc thi “Viết về mẹ”. Không dễ để Quảng Văn lựa chọn ra bài viết hay nhất, bởi lẽ, những bài dự thi được gửi đến Quảng Văn đều xuất phát từ chính những cảm xúc chân thành, mộc mạc của các bạn. Nhưng vì đây là một cuộc thi nên tất nhiên Quảng Văn vẫn phải tìm ra những bài dự thi xuất sắc hơn.

 

 

 

Bài dự thi được chấm dựa theo các tiêu chí sau:

 

1. Độ dài (theo quy định của cuộc thi là khoảng 1.200 từ);

2. Đúng yêu cầu: Kể lại kỷ niệm sâu sắc về mẹ.

3. Kết cấu bài viết.

4. Sức ảnh hưởng, tính giáo dục của bài viết.

5. Văn phong bài viết.

 

Vì bài dự thi đoạt giải sẽ được tuyển chọn và in thành sách nên yêu cầu đối với bài viết cũng phải khắt khe hơn. Trong tháng 11 do số bài tham dự còn ít (một số bài các bạn gửi bị thất lạc sẽ chuyển sang đăng vào tháng 12) và chất lượng nhiều bài viết còn chưa đáp ứng được yêu cầu nên Quảng Văn chỉ chọn bài viết số 8: “Nỗi đau còn lại” của bạn Lê Thị Thu Hảo (Địa chỉ: Trường THCS Quảng Thái - Quảng Điền - Thừa Thiên Huế) để trao giải nhì (không có giải nhất).

 

 

 

Mong các bạn tiếp tục gửi bài về tham dự!

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

Đây là bài đoạt giải trong tháng 11 vừa rồi.

 

 

 

Bài dự thi viết về mẹ (bài số 8): Nỗi đau còn lại

 

 

 

Giá như mẹ không phải là mẹ của tôi, những làn roi sau lưng là minh chứng cho sự lạnh lùng đến tàn nhẫn của mẹ. Tôi thầm ao ước giống cái Hoa, nhỏ Lan không cha không mẹ thế mà sướng, được sự quan tâm của xã hội, còn tôi có mẹ, tôi được cái gì?.

 

 

 

Mẹ tôi mắt tròn lòng mắt trắng dã, răng hở, môi vẩu lên, dái tai nhỏ xíu, tiếng nói như phèn la bể, cái mông lép dẹp, được tướng lông mày rậm, thân hình khẳng khiu.

 

 

Hồi nhỏ đến lớn, không ngày nào là tôi không hứng chịu những đòn roi của mẹ, ngày nào không đánh là mẹ tôi quay sang chửi, nhất là vào những lúc tôi đau ốm nằm bẹp dí một chỗ là những ngày mẹ tôi càng chửi nhiều hơn, mặt mẹ hoảng loạn một cách khó hiểu, tôi khóc chạy sang nhà dì Hạnh bên cạnh, dì Hạnh ôm tôi vào lòng, vuốt nước mắt an ủi tôi nói: “Con hãy thông cảm cho mẹ, mẹ con có nỗi khổ riêng”.

 

Ngày lễ tết, sinh nhật tôi vẫn chỉ mỗi bộ áo cũ, thiếu gì tôi chỉ xin dì Hạnh mua cho cái này, cái kia chứ không dám xin mẹ. Học xong tôi không dám về nhà sớm, tôi sợ những làn roi vô tình giăng bẫy khắp người tôi.

 

Gắng gượng lắm tôi học xong Trung cấp sư phạm, ra trường tôi làm đơn xin dạy ở vùng ven, trường cách nhà khoảng ba mươi cây số, thế mà một năm tôi mới về nhà một lần, khoảng cách giữa tôi và mẹ ngày càng xa, lên lớp nhiều lần tôi lảng tránh dạy học sinh về đạo đức hiếu thuận, những bài văn bài thơ ca ngợi người mẹ trên các tạp bút luôn bị tôi gạch chéo dấu đỏ kèm phần phụ chú là “giả dối , đạo đức giả, không có thật” nói một cách tiêu cực là tôi hận mẹ, tôi căm thù bà, tôi hờ hững gác ống nghe khi dì Hạnh điện lên báo cho tôi biết mẹ ốm nặng, dì dặn tôi nhớ sắp xếp xin phép về nhà gấp, tôi ậm ừ, thủng thẳng chẳng nhói lòng dù chỉ một giây.

 

Tuần sau ngày dì Hạnh gọi, tôi mới về đến nhà, mới bước vào giường, nhìn thấy tôi hai hàng nước mắt mẹ chảy ra, mẹ nở nụ cười rồi từ từ trút hơi thở cuối cùng, khuôn mặt mẹ thanh thản, tôi ngẩn ngơ, lần đầu tiên chứng kiến nụ cười của mẹ và cũng lần đầu tiên khuôn mặt mẹ nhìn tôi hiền đến lạ lùng.

 

Chôn cất mẹ xong dì Hạnh đưa tôi cái bọc, dì kể với tôi trong nước mắt cùng những tiếng nấc nghẹn ngào .

 

Mẹ con là người đàn bà bất hạnh, lấy chồng nhưng ba năm sau mới mang thai, đứa đầu mới sinh ra chưa thấy mặt con thì con đã mất, sinh đứa thứ hai mới được hai tuổi một hôm lên cơn động kinh rồi cũng ra đi, mẹ con khóc lóc vật vã đau đớn, mang thai đứa thứ ba, mẹ con rất ý tứ giữ gìn, nuôi lên năm tuổi không biết bệnh gì khi nằm ngủ nó ngủ thẳng luôn. Chán nản đau khổ bố con liền bỏ mẹ con đi biệt tích, còn mẹ con người như hóa dại, không chịu ăn uống và chẳng thiết sống nữa , nhưng khi biết trong mình mang thai con, mẹ con như có liều thuốc hồi sinh, sinh con ra mẹ con không dám rời con một bước, cứ vài tháng mẹ con đem con đến bệnh viện khám và kiểm tra sức khỏe, khi con tròn hai tuổi, một hôm có một bà lão bán hương dạo đi qua nhìn mẹ con rồi nói: “Tướng của chị làm khổ chồng, hại con, nếu muốn nuôi được đứa bé này thì chị phải đối xử với nó thật độc ác, thật lạnh lùng và cũng thật tàn nhẫn, còn không thì...” bà ta nói đến đó rồi bỏ đi, mấy ngày sau con lên cơn sốt, mẹ con như người điên, tâm trí hoảng loạn, mẹ con khóc quỳ lạy dì phải thương yêu con, còn mẹ con, bắt đầu từ đó đóng vai người mẹ tàn nhẫn và độc ác, mỗi lần mẹ đánh con xong khi con đi học là mẹ con ngồi khóc, mẹ con đưa tiền cho dì nhờ dì may sắm áo quần cho con, những lúc con ốm đau mẹ con càng ra sức chửi mắng cốt để cho con mau lành bệnh như lời bà lão bán hương nói, có lần mẹ con khóc nói với dì là mẹ không chịu nổi cảnh hằng ngày phải hành hạ con, mỗi lần đánh con là hàng ngàn mũi kim đâm vào tim mẹ, giở bọc dì Hạnh trao, nhìn những tấm hình mẹ trẻ trung ôm sát tôi vào lòng cùng bọc tiền cả cuộc đời chắt chiu dành dụm để lại cho tôi, sức tàn lực kiệt nhưng mẹ cố chờ đến lúc tôi về gặp được mặt rồi mới chịu ra đi... Không... không phải thế, đây không phải là sự thật phải không dì, tôi hét lên túm lấy áo dì Hạnh, người tôi khụy xuống, tôi ôm di ảnh Mẹ vào lòng, đầu tôi đau như búa bổ, tôi khóc nấc, mẹ ơi sao mẹ lại đi mê tín dị đoan nghe những lời xúi bậy để làm khổ mình thế hả mẹ, sao mẹ lại hy sinh một cách đau đớn thế hả mẹ, mẹ ơi mẹ mất rồi, mẹ ra đi một cách thanh thản, nhưng còn con ở lại biết bao giờ mới gột bỏ được hết cái tội bất hiếu của mình đây, con không đáng để cho mẹ phải hy sinh lớn lao như thế, mẹ ơi có nỗi đau nào hơn nỗi đau mẹ đã chịu không ?..

 

LÊ THỊ THU HẢO

 

TRƯỜNG THCS QUẢNG THÁI - HUYỆN QUẢNG ĐIỀN

 

TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

Công bố kết quả cuộc thi "Viết về Mẹ" tháng 12/2011

 

Nhân dịp phát hành cuốn sách "Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt" - cuốn sách đầu tiên trong Tủ sách Người mẹ tốt, Quảng Văn books đã phát động cuộc thi "Viết về Mẹ". Trong tháng 12/2011, Quảng Văn đã nhận được 16 bài viết gửi về tham dự cuộc thi. Không dễ để Quảng Văn lựa chọn ra những bài viết hay nhất, bởi lẽ, các bài dự thi được gửi đến Quảng Văn đều xuất phát từ chính những cảm xúc chân thành, mộc mạc của các bạn. Nhưng vì đây là một cuộc thi nên tất nhiên Quảng Văn vẫn phải tìm ra những bài dự thi xuất sắc hơn.

 

 

 

Bài dự thi được chấm dựa theo các tiêu chí sau:

 

1. Độ dài: Theo quy định của cuộc thi là khoảng 1.200 từ

2. Đúng yêu cầu: Kể lại kỷ niệm sâu sắc về mẹ.

3. Kết cấu bài viết.

4. Sức ảnh hưởng, tính giáo dục của bài viết.

5. Văn phong bài viết.

 

Vì bài dự thi đoạt giải sẽ được tuyển chọn và in thành sách nên yêu cầu đối với bài viết cũng phải khắt khe hơn. Trong tháng 12, số lượng bài viết gửi về tham dự đã nhiều hơn tháng 11 nhưng chất lượng nhiều bài viết vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nên Quảng Văn chỉ chọn được ba bài để trao giải nhì và ba (không có giải nhất). Kết quả như sau:

 

- Giải nhì: Mai Linh (email: nancywatson72@gmail.com) - Bài viết "Mẹ trong ký ức tuổi thơ"

 

- Đồng giải ba:

 

+ Nguyễn Thị Thúy (Ban tuyên giáo Huyện ủy Thiệu Hóa, Thanh Hóa) - Bài viết "Mẹ và ký ức tuổi thơ"

 

+ Nguyễn Thị Nga (Tổ 8, Hà Bình, Bình Minh, Thăng Bình, Quảng Nam) - Bài viết "Mẹ là trang sách đầu tiên"

 

 

 

Những bài viết đoạt giải sẽ được tập hợp lại và in thành sách, tác giả mỗi bài viết sẽ được tặng 3 cuốn sách biếu. Sách sẽ được phát hành vào Ngày của Mẹ - chủ nhật tuần thứ hai của tháng 5/2012.

 

 

 

Xin được chúc mừng các tác giả có bài viết đoạt giải. Mong các bạn độc giả tiếp tục gửi bài về tham dự!

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

Bài viết đoạt giải ba tháng 12/2011

 

Mẹ và kí ức tuổi thơ

 

 

Gió lạnh và những cơn mưa chuyển mùa từ phương bắc tràn xuống báo hiệu mùa đông đã về, tôi lại nhớ mẹ với nỗi niềm nhói buốt. Trong căn phòng làm việc ấm cúng, quần áo lịch sự, chân đi giày tất mà tôi vần thấy lạnh, còn mẹ lúc này có lẽ đang cặm cụi ngoài đồng với bàn chân, bàn tay nẻ tứa máu.

 

 

 

Tôi nhớ như in mùa đông năm ấy tôi tám tuổi nghịch lửa để ngôi nhà bốc cháy. Tôi sợ hãi chui tọt vào chiếc chum trong bếp ngồi co ro, thỉnh thoảng tôi nhấp nhổm nhìn lên, mẹ tôi hốt hoảng, hô hoán làng xóm đến dập lửa. Ngọn lửa hừng hực bập bùng như muốn liếm vào người mẹ. Đôi chân mẹ tứa máu giẫm lên những vũng nước vung vãi trên nền sân đất. Khi đám cháy cuối cùng được dập tắt cũng là lúc mẹ chợt nghĩ đến tôi, mẹ hớt hải đi tìm và sợ tôi lẫn lộn trong đám cháy đổ nát. Bố phát hiện tôi trốn trong chiếc chum, ông giận dữ lôi tôi ra và vớ vội chiếc đòn gánh còn sót lại nằm chỏng chơ ngoài sân giếng hằm hằm vung lên.

 

- Mày đúng là thảm hoạ cho cái nhà này! Tiếng của bố giận dữ rít qua kẽ răng.

 

Sợ hãi nối tiếp sợ hãi, tôi nhắm mắt chờ chiếc đòn gánh của bố phạt lên người, nhưng mẹ đã xuất hiện hứng trọn chiếc đòn gánh ngang lưng. Khi tôi mở mắt ra thì mẹ đã ngã quỵ xuống đất.

 

- Trời ơi! Anh định giết con à?

 

Tiếng của mẹ yếu dần rồi ngất đi.

 

 

 

Tôi run rẩy ôm mẹ, các em tôi gào khóc, bố đứng trân trân nhìn mẹ rồi chuyển sang tôi gườm gườm, cái nhìn của bố làm tôi lạnh sống lưng. Vài phút sau, mẹ tôi tỉnh lại. Bố bỏ đi sang hàng xóm suốt chiều hôm ấy.

 

Tôi dìu mẹ vào trong bếp và vạch lưng áo mẹ lên, dấu đòn gánh in hằn trên lưng. Nhìn mẹ nằm trong đống rơm co ro, rên rỉ, tôi thấy ân hận với trò nghịch dại của mình. Vết bầm tím trên lưng mẹ tôi phải hàng tháng sau mới khỏi hẳn.

 

 

 

Đêm hôm đó, mẹ và bố gần như thức trắng để thu dọn những gì còn sót lại trong đống tro tàn. Chị em tôi nằm ổ rơm trong bếp ngủ. Ngày hôm sau tôi thấy bố mẹ và vài người hàng xóm đi chặt tre, gánh bùn, đánh tranh chuẩn bị làm căn nhà mới. Căn nhà hai gian mái lợp tranh, vách trát đất đã được dựng lên.

 

 

 

Từ khi nhà cháy, gia đình tôi đã nghèo lại càng nghèo hơn, bố mẹ tôi thường xuyên to tiếng với nhau, tất cả do thiếu thốn cái ăn cái mặc, mỗi lần như thế, ở trong một góc khuất nào đó tôi lại âm thầm khóc và tự trách mình.

 

Những ngày tháng đói khát vẫn hằn sâu trong ký ức tôi. Bữa ăn nào cũng vậy: Chỉ độc một món cháo rau má. Biết bao lần tôi chán ngấy cái mùi nồng nồng, hăng hắc … nhưng vẫn phải nhắm mắt húp hết bát cháo mẹ chia cho. Để có được bát cháo rau má cho các con, mẹ tôi phải làm việc quần quật cả ngày. Trong làng có ai thuê việc nặng, việc nhẹ mẹ đều nhận với mong muốn có thêm gạo cho chúng tôi. Tôi nhớ vào mùa rét tháng chạp năm ấy, mẹ đi cấy thuê quên cả bữa trưa, tôi mang cháo ra đồng cho mẹ, nhìn cánh đồng vắng hoe chỉ còn mỗi mẹ lom khom cấy thoăn thoắt, tôi giật thót mình khi phát hiện trên đôi tay mẹ lăn tăn vết máu lẫn vào bùn non.

 

- Mẹ ơi! Tay mẹ chảy máu kìa!

 

- Mặc kệ nó, bị nẻ đấy. Về mùa đông tay chân mẹ bị nứt máu như thế là bình thường.

 

Mẹ phớt lờ đôi bàn tay đang rỉ máu và thoăn thoắt bẻ, cắm từng khóm mạ xuống bùn như quên cả bữa trưa tôi mang cho mẹ.

 

Lần đầu tiên trong cuộc đời tôi nhận ra mình ghét mùa đông.

 

 

 

Nhà tuy nghèo, nhưng mẹ không bắt chúng tôi lao động nhiều như những đứa trẻ khác trong làng. Mẹ muốn đời chúng tôi sáng sủa hơn chứ không phải suốt ngày mò mẫm ở đầm, vũng để đào bới lươn chạch, mò cua, bắt cá, lam lũ với đồng ruộng, bùn đất như cha mẹ mà vẫn không đủ ăn, chính vì vậy, việc học của chúng tôi mẹ rất khuyến khích, đôi khi tôi còn bị mẹ đánh vì tội ham chơi quên học hành. Mẹ cho rằng những đồng tiền của bố và mẹ là máu và mồ hôi, chúng tôi phải biết quý trọng và đáp trả cho xứng đáng với những đồng tiền ấy. Mẹ luôn lấy thước đo kết quả học tập của chị em tôi để đánh giá công sức lao động của mình. Trong bốn chị em, mẹ đặt niềm tin, kỳ vọng vào tôi nhiều nhất (bởi thời đó, học lực của tôi vào loại nổi của trường). Niềm tin, sự kỳ vọng của mẹ sụp đổ khi tôi không đậu đại học năm thứ nhất. Tôi tưởng mình sẽ bị trách mắng thậm chí bị ăn đòn, nhưng không, tôi thấy mẹ đăm chiêu và thở dài nhiều hơn. Thương mẹ tần tảo sớm hôm, tôi quyết chí ôn thi năm nữa. Một năm ròng rã đèn sách, lo lắng và áp lực, tôi gầy rộc xanh xao; mẹ cũng hao gầy mòn mỏi bởi những lam lũ cực nhọc.

 

 

 

Tôi rời nhà ra Thủ Đô học đại học, mang theo ước mơ thầm kín: Sau này sẽ kiếm thật nhiều tiền để xây một ngôi nhà tử tế cho bố mẹ đỡ vất vả mỗi khi mùa mưa về. Nhưng tôi không còn cơ hội để thực hiện ước mơ ấy, bởi ngôi nhà ba gian được xây bằng gạch từ những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi của bố và mẹ đã được xây lên trước khi tôi ra trường. Ngày hồi công thợ mẹ đã gọi điện cho tôi và bảo: “Bố mẹ cố làm nhà để bớt cho con một gánh nặng trong lòng”. Tôi đã òa khóc nức nở khi mẹ dứt lời, từ giây phút ấy tôi biết: Trên thế giới này mẹ là người thấu hiểu tôi nhất.

 

Một mùa đông nữa lại về, tôi lo lắng thương mẹ chút áo mong manh, chân trần đi giậm mạ. Mạ xanh tươi cũng run rẩy trước cái lạnh của mùa đông. Cơn gió nào vô tình len qua người mẹ cũng khiến tôi tê dại.

 

 

 

Thanh Hoá ngày 1 tháng 12 năm 2011

 

Nguyễn Thị Thúy

 

Địa chỉ: Ban Tuyên giáo Huyện uỷ huyện Thiệu Hoá tỉnh Thanh Hóa

 

Email: giotnangtg@gmail.com

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

Bài viết đoạt giải ba tháng 12/2011

 

Mẹ là trang sách đầu tiên

 

 

Mẹ tôi - một người phụ nữ bạc mệnh. Đến sớm và ra đi cũng sớm. Suốt quãng tuổi thơ mình, tôi chạy đuổi theo mẹ nhưng chẳng thể nào chạm được vào chiếc bóng mẹ. Mẹ xa khuất bên kia con dốc cuộc đời. Chạy mỏi chân, nhìn mỏi mắt, tôi vẫn chẳng thể thấy.

 

 

 

Tôi nhớ về người mẹ ấy bằng một vài ký ức rời rạc, ít ỏi bởi ngày tôi chưa tròn bảy tuổi, mẹ đã bỏ tôi đi. Những ngày ăn cơm cháy và uống nước lạnh sau đó, tôi thấy tủi hổ và nhớ mẹ đến vô cùng. Tôi hay nghĩ về mẹ như nghĩ về những trang sách đầu đời mà tôi chưa kịp lần dở hết. Những bài học mà tôi đọc được trong trang sách ấy còn mãi theo tôi trên từng quãng đường đời mà tôi sẽ qua.

 

 

 

Sáu tuổi, tôi đi học mẫu giáo. Cô dạy chúng tôi chào hỏi, lễ phép với người lớn, biết cảm ơn và biết nói lời xin lỗi. Mỗi lần tan lớp, nếu chúng tôi chưa kịp đứng lên chào cô thì cô sẽ quát rất to rằng: Các em không chào cô để về à. Bạn nào không chào, cô sẽ phạt.

 

 

 

Còn mẹ thì khác, có hôm tôi đeo cặp đi hoc và quên chào mọi người, nghe tiếng mẹ chào bà nội để đưa tôi đi lớp, tôi chợt nhớ ra và chạy vào tíu tít chào mọi người. Bà xoa đầu khen tôi ngoan.

 

 

 

Tôi nhớ có lần tôi rất thích cây bút chì màu trắng, trên đó in rất nhiều hình con thú ngộ nghĩnh của bạn Hằng. Trong khi tôi chỉ có cây bút chì màu kẻ sọc (500 đồng một cây). Tôi nghĩ mẹ bạn ấy nhiều tiền, nếu mất thì mẹ sẽ mua cho bạn ấy một cây bút khác có khi còn đẹp hơn, nên tôi đã lấy trộm cây bút ấy và giấu vào trong cạp quần để không ai nhìn thấy. Mặc dù bạn ấy không biết là mình mất bút chì nhưng tôi thì rất run, hai chân như muốn quỵ xuống. Chẳng biết làm sao mà mẹ tôi lại biết chuyện ấy. Tôi sợ mẹ bắt quỳ trên xơ mít và đánh bằng nẹp tre. Nhưng cuối cùng những điều tôi lo sợ đã không đến. Mẹ tôi không đánh cũng không bắt quỳ xơ mít. Mẹ bảo tôi đi lấy cho mẹ cái áo đẹp nhất của tôi. Rồi mẹ vẩy lên đó mấy giọt phẩm mực của chú Út. Thấy áo đẹp bị mẹ làm bẩn, tôi đã giật cái áo chạy nhanh ra ngâm ngay vào chậu nước và khóc nức nở. Cả buổi chiều ấy tôi hì hục vò chỗ áo dính bẩn nhưng vẫn không thể nào tẩy được dấu mực.

 

 

 

Buổi tối, tôi dỗi mẹ nên lên ngủ với bà, mẹ lại gần nói với tôi lời xin lỗi và bảo rằng: con người cũng như chiếc áo đẹp, nếu để dính bẩn một lần thì sẽ không thể nào đẹp như trước nữa. Ăn cắp cũng là một tính xấu. Tuy là không ai nhìn thấy nhưng làm sao lại không có người biết. Mai con hãy mang bút chì đến trả vào ngăn bàn của bạn vào giờ ra chơi con nhé. Tôi nằm giả vờ như ngủ rồi và không nghe những gì mẹ nói bên tai. Tuy nhiên, hôm sau đến lớp, tôi đã làm như những gì mẹ đã dặn.

 

 

 

Rồi tôi vào lớp một, có một lần tôi đạt giải nhất cuộc thi viết vở sạch chữ đẹp cấp trường, tôi vui mừng hớn hở bước lên bục nhận giấy khen. Khi quay về chỗ ngồi, tự dưng tôi nghe ở bên dưới có tiếng khóc. Tôi nhận ra bạn ấy thi cùng phòng với tôi trong kì thi vừa rồi nhưng không được giải gì. Tôi cũng không quan tâm đến điều ấy lắm. Rồi tôi quay ra chúng bạn ngồi bên cạnh, chìa cái giấy khen và hỏi: Các bạn thấy mình có giỏi không?

 

 

 

Vào bữa cơm trưa tôi đã kể lại cho mẹ nghe chuyện ấy. Tối hôm đó, tôi thấy mẹ gập tấm chăn ở giường của tôi và mẹ mang lên đổi lấy tấm chăn của bà nội. Tôi bảo mẹ chăn của bà bé hơn, làm sao đủ cho hai người mẹ với con đắp. Mẹ xoa đầu tôi mỉm cười: Con gái ngoan nói đúng đấy. Hạnh phúc cũng giống như một tấm chăn nhỏ hẹp, không đủ ấm cho hai người. Giờ thì con hiểu vì sao sáng nay khi con được nhận giấy khen thì bạn con bật khóc rồi chứ? Con gái mẹ đã lớn thật rồi đấy. Và mẹ lại mang chăn đi đổi cho bà.

 

 

 

Tôi nghĩ rằng đó là những bài học đầu đời mà mỗi người ai cũng sẽ lần lượt được học và phải học. Dường như mẹ tôi biết được sự ra đi vội vã của mình nên đã sớm dạy cho tôi những bài học ấy. Những trang sách phía sau chưa kịp lần mở thì đã vội vàng khép lại. Mẹ ra đi không để gì cho tôi ngoài tình mẫu tử dang dở nhưng những bài học đầu tiên ấy như chiếc chìa khóa vạn năng giúp tôi tự mở ra cánh cửa, tìm đúng con đường để đi về phía trước.

 

 

 

Mọi thứ trên đời này đều có nhiều hơn một, nhưng chỉ có duy nhất một người mẹ cho tôi, cho các bạn. Và những bài học đầu tiên như thế sẽ chẳng thể học ở đâu ngoài người mẹ của mình. Ngày tôi trưởng thành thì đã không còn mẹ để yêu thương và đền đáp. Tôi thèm được như các bạn, thèm một mùa vu lan đến chùa được người ta cài lên ngực áo một bông hồng đỏ thắm.

 

Tôi thấy đau lòng mỗi khi nhìn ai đó làm cho mẹ mình buồn và lo lắng, phiền muộn. Đừng để đánh mất rồi mới biết là mình đã có điều đó.

 

 

 

 

 

Nguyễn Thị Nga

 

Tổ 8- Hà Bình- Bình Minh- Thăng Bình- Quảng Nam

 

Email: thocondethuong@yahoo.com

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

Bài viết đoạt giải nhì tháng 12/2011

 

Mẹ trong kí ức tuổi thơ

 

 

Có những khi, cuộc sống bận rộn, tấp nập khiến con người ta không còn thời gian để tự có những khoảng lặng cho riêng mình, lại vô tình mà quên đi những điều đẹp đẽ trong cuộc sống. Nhưng những điều đẹp đẽ ấy dù có vô tình bị ta lãng quên, lại vẫn như một người thợ kiên trì bám sâu vào tâm trí, lặng lẽ trú ẩn ở một góc sâu của tâm hồn, để rồi chỉ cần một tác động, một mồi lửa nhỏ đã có thể bùng cháy, mạnh mẽ và mãnh liệt đến vậy.

 

 

 

Tôi lặng người trước bức ảnh trong tập album cũ kĩ màu tro xám trong lòng.

 

Chính ngay lúc này đây, hàng loạt hình ảnh trong kí ức ào ạt ùa về, sống động đến thế, chân thực đến thế. Tất cả chỉ bởi nụ cười kia, nụ cười của một người phụ nữ đang ôm một đứa trẻ trong lòng, nụ cười hiền hoà, nhân hậu trong tấm hình đen trắng đã có nét nhoè nát.

 

 

 

Cảm xúc của tôi lúc này giống như con sóng của một ngày biển động, ào ạt, dữ dội. Tôi đưa tay nhẹ nhàng vuốt ve khuôn mặt trong tấm hình, xa xưa, mà gần gũi đến vậy. Kí ức giống như cơn gió đầu mùa, nhẹ nhàng mà truyền cảm, dẫn dắt tâm hồn tôi về với ngày xưa, ngày của những niềm hạnh phúc lớn lao vô tận.

 

 

 

Cũng giống như nhiều người phụ nữ khác cùng thời lúc bấy giờ, mẹ tôi không biết chữ. Vì vậy, mỗi lần tới ngân hàng kí nhận tiền của bố gửi về, mẹ đều đưa tôi đi cùng. Ngày hôm ấy, cũng không phải ngoại lệ.

 

 

 

Nhiều người nghĩ rằng, đối với một người phụ nữ như mẹ tôi, không cần phải lo toan nhiều, tiền nuôi sống gia đình đã có bố tôi, người đang làm bộ đội ở tiền tuyến gửi về đều đặn hằng tháng, ắt sẽ là một người nhàn rỗi, không có gì vất vả. Nhưng tôi luôn biết, luôn hiểu, thực ra không phải thế. Hằng tháng bố đều gửi tiền đều đặn về cho chúng tôi, nhưng đồng lương bộ đội, chẳng thể tính là nhiều nhặn gì. Phải là người biết tính toán, biết dè xẻn, mới có thể gắng cự được để nuôi sống cả nhà bốn người.

 

 

 

Mẹ đứng trước quầy, cầm bút chuẩn bị kí tên vào tờ giấy nhận tiền. Tôi đã trở nên quá quen thuộc và thành thạo, đứng lên chiếc ghế bên cạnh để vươn đầu cao bằng mẹ. Cũng giống như mọi lần, mẹ đặt bút xuống, cẩn thận viết lên chữ cái đầu tiên trong tên mẹ, sau đó chỉ uốn tay kéo dài thành nhiều nét lên xuống, cho tới khi tôi đứng cạnh quan sát, hô lên một tiếng:

 

- Thôi.

 

Lúc ấy, mẹ mới dừng tay, gạch thêm một nét nữa dưới dòng kí.

 

Tôi cũng không nhớ rõ, mình đã làm cái công việc “phụ tá kí tên” này từ bao giờ nữa.

 

 

 

Cái ao trên đường mẹ con tôi thường về qua, đã lâu chẳng còn ai bơi lội hay tắm rửa. Bởi đó là cái ao cạnh chợ, chứa đủ loại nước hôi thối, tanh tưởi.

 

Dù sao, chính tôi lại đã được tự mình thử nghiệm. Khác với tưởng tượng của tất cả mọi người khi ấy, nước ao thực ra cũng chẳng sâu lắm. Trẻ con như tôi đứng, cũng chỉ cao tới cổ là cùng.

 

 

 

Cảm giác lúc nô nghịch bị rơi xuống ao đó, tới giờ tôi vẫn còn nhớ rõ. Giật mình, hỗn loạn, hoảng sợ,… ước chừng chẳng thiếu một thứ gì. Vốn dĩ chẳng biết bơi, lại đang lúc sợ hãi, tôi chỉ còn biết quẫy đạp. Đúng vào lúc ấy, người mà tôi mong chờ nhất, người mà tôi tin tưởng nhất, cũng là người mà tôi yêu thương nhất đã ngay lập tức xuất hiện. Mẹ vươn cánh tay quen thuộc ra kéo lấy tôi, lại càng không biết được, sức lực mạnh mẽ như vậy, một người phụ nữ yếu ớt như mẹ lấy được từ đâu. Mẹ mau mau chóng chóng mà kéo tôi vào bờ.

 

 

 

Tiếng nói êm ái đã nghe qua không biết bao nhiêu lần, lúc đó lọt vào tâm thức đang hoảng loạn của tôi, càng khiến lòng như chùng xuống, uỷ khuất chực trào thổ lộ hết ra ngoài.

 

- Có sao không con?

 

Bốn chữ đơn giản nhưng chứa đựng cả một tấm lòng. Tôi chỉ biết nhào vào lòng mẹ, nức nức nở nở mà ca thán:

 

- Mẹ, con sợ quá.

 

Không biết được, mẹ đã phải vỗ về tôi bao lâu. Nhưng tôi còn nhớ rõ, sau này hỏi lại mới biết. Khi ấy, kì thực mẹ cũng không biết được nước ao nông hay sâu. Mẹ, lại càng không biết bơi...

 

 

 

Lúc hai mẹ con đã ra về, quần áo khắp người đã ướt sũng, mẹ mới giật mình lo lắng lôi từ trong túi áo ra bọc giấy được gói cẩn thận từ ngân hàng lúc trước. Trên khuôn mặt người phụ nữ đã ánh lên vẻ vất vả, cực nhọc của người lo toan trong gia đình không giấu nổi vẻ xót xa. Phải, bởi số tiền chi tiêu cho cả gia đình trong một tháng đã ướt mèm. Lúc ấy nhìn tôi rơi xuống ao, mẹ còn đâu tâm trí mà nghĩ tới việc khác kia chứ? Tính mạng là quan trọng, mẹ đã đặt tôi lên hàng đầu. Nhưng... số tiền này lại là nguồn sống cho cả gia đình. Mẹ chỉ biết nhìn trong đau đớn.

 

 

 

Tôi đứng cạnh, hắt xì lên một tiếng. Mẹ nghe thấy vậy, mọi chú ý lại rời tới thân hình ướt sũng của tôi khi ấy, nét lo lắng càng đậm. Gói tiền trong tay ngay lập tức được cẩn thận đút lại trong túi áo, mẹ vội vội vàng vàng đưa tôi về nhà. Tôi ngồi sau yên xe đạp, lơ đễnh cất tiếng hỏi mẹ:

 

- Mẹ ơi, hôm nay con có phải gội đầu không?

 

Trước nay vẫn vậy, tôi là một đứa trẻ lười biếng lại nghịch ngợm. Mỗi lần đun xong nước nóng, mẹ lại phải chạy đuổi theo tôi dọc xóm để lôi về gội đầu. Cái việc đuổi bắt buồn cười ấy, hàng xóm sớm đã quen thuộc mất rồi.

 

Mẹ vẫn đều đặn đạp xe, không cần quay người lại mà trả lời tôi:

 

- Không, chỉ cần tắm là được.

 

Tôi vui vẻ reo lên một tiếng, không biết được rằng sau đó, khi đã được uống một bát nước gừng nóng, mẹ vẫn buộc được tôi phải tắm gội sạch sẽ..

 

 

 

Chuyện cũ nghĩ lại, giống như vừa mới xảy ra ngay đây. Nỗi nhớ mẹ lại không kìm được trào dâng trong lòng. Tôi vội vã rời nhà, leo lên chuyến xe khách trở về quê thăm mẹ, không quên mua theo hoa cúc, loại hoa mà mẹ tôi vẫn thích nhất.

 

Một ngày chủ nhật mùa đông đầy nắng, thật thích hợp với những con người tìm về nguồn cội, thích hợp với những con người trở về với tình yêu thương vô hạn.

 

 

 

Đặt bó hoa cúc trắng lên lớp cỏ non xanh, tôi lặng lẽ ngắm nhìn những dòng chữ khắc trên bia mộ. Hoa cúc, là loài hoa của lòng hiếu thảo.

 

Tôi đứng lặng hồi lâu, hốc mắt đã nóng ran, nhưng miệng vẫn không kìm được nở một nụ cười, rất nhẹ, rất nhẹ. Người xưa nói rất đúng, khi có con mới hiểu được tấm lòng cha mẹ. Còn gì hạnh phúc hơn được thấy người con mình yêu thương chăm sóc được vui vẻ cười lên? Mấy chữ đơn giản khẽ cất lên, giống như tâm tình, giống như thủ thỉ:

 

- Mẹ, con đã về.

 

 

 

Xa xa, nơi con đường đất ngoằn ngoèo nhỏ hẹp, dưới những tán cây xanh tốt mượt mà, vẫn thấp thoáng một bóng chiếc xe đạp cũ kĩ. Đứa trẻ ngồi sau vui vẻ bám vào áo mẹ, miệng không ngừng cười vui. Giọng nói trong trẻo ngân vang, xa mãi, xa mãi, phảng phất như lấp đầy cả bầu trời:

 

- Mẹ, lần này trở về, nhất định con sẽ học bơi...

 

 

 

nancywatson72@gmail.com

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

Mình cũng đọc báo có tin viết về mẹ,mẹ cho con từ lúc con nhỏ mẹ mang đầy niền yêu thương đến cho con ,mẹ cho con tất cả.dù mẹ gian lan vất vả cho con mà mẹ đâu có kêu ,ông cha ta có câu,công như núi thái sơn. nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.người có thân hình nhỏ nhắn trải qua bao thời gian ,nắng mưa vất vả chỉ dành hết cho con.

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

Join the conversation

You can post now and register later. If you have an account, sign in now to post with your account.

Khách
Trả lời chủ đề này...

×   Bạn vừa dán nội dung có định dạng.   Paste as plain text instead

  Only 75 emoji are allowed.

×   Your link has been automatically embedded.   Display as a link instead

×   Your previous content has been restored.   Clear editor

×   You cannot paste images directly. Upload or insert images from URL.

Đang xử lí...

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This is an example of a list.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

×
×
  • Create New...