Jump to content
Nguye_hoang

Đôi điều Về Thơ Việt

Recommended Posts

Thơ VN, vùng trũng hay cường quốc?

 

Tác giả: Inrasara

 

 

Sau Liên hoan Thơ châu Á - Thái Bình Dương lần thứ nhất tổ chức tại Hạ Long, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, trong cuộc trả lời phỏng vấn, đưa ra nhận định: Việt Nam là một cường quốc về thơ.

 

Đó là một tuyên bố mới mẻ, và bất ngờ. Quá mới, thêm: nó bị cắt khúc nên dễ tạo dị ứng và gây mỉa mai. Đã có vài phản ứng như thế(1).

 

Chủ đề liên quanVăn hóa, Xã hội Việt Nam Người ta không cần biết đến mệnh đề tiếp sau đó: "VN là một cường quốc về thơ, ít nhất là trong khuôn khổ châu Á". Sau đó, anh còn lí giải thêm:

 

"Nếu chúng ta lấy một nhà thơ VN so sánh với một nhà thơ đương đại của Trung Quốc hay Nhật Bản thì khó. Nhưng một nền thơ ca có rất nhiều yếu tố và nhìn ở ý thức sáng tạo, chất lượng chung của đội ngũ nhà thơ, hay việc dịch thơ nước ngoài thì VN xứng đáng ở tốp đầu"(2)

 

Thử soi vào các "yếu tố" này.

 

Chưa đề cập đến chuyên "dịch thơ nước ngoài", bởi chưa có một thống kê khoa học với những đối sánh cụ thể, nên kết luận nào bất kì đều không đáng tin cậy. Ở đây, ta chỉ xét về "ý thức sáng tạo" và "chất lượng chung của đội ngũ". Về đội ngũ và phong trào, nhận định Việt Nam là cường quốc về thơ không khó nhận được sự đồng thuận. Việt Nam có ngàn hội viên Hội Nhà văn "cấp trung ương" trong đó nhà thơ chiếm đến hai phần ba, chưa nói các nhà khác ít nhiều cũng có làm thơ; thêm mấy vạn hội viên địa phương khác. Quả là hùng hậu! Việt Nam có 54 dân tộc thiểu số anh em, mà đa phần trong số ấy đều có các nhà thơ của mình. Chúng ta đã có Ngày Thơ được xem là quốc lễ với lá cờ thơ qua một thập niên đã phấp phới bay trên bầu trời khắp mọi miền đất nước. Và mới nhất, Hội Nhà văn Việt Nam cũng đã tổ chức được Liên hoan Thơ châu Á - Thái Bình Dương đầu tiên. Còn gì nữa?... Cho nên, nếu nói vống lên "cường quốc về thơ" thì khó có ai cãi đặng.

 

Nhưng "ý thức sáng tạo" và "chất lượng chung của đội ngũ" thế nào?

 

Ngoảnh lại sau lưng ở một thời chưa xa: Thơ Mới, dù học từ các trường thơ Pháp muộn non 80 năm, thơ Việt cũng đã tạo nên cuộc cách mạng lớn, nếu không muốn nói là lớn nhất thế kỉ XX. Thơ hậu Thơ Mới, bên cạnh thơ Cách mạng khá thành công, thơ hiện đại bị gẫy cánh khắp nơi, từ Nhân văn - Giai phẩm ở miền Bắc cho đến nhóm Sáng tạo ở Sài Gòn. Còn thơ hậu chiến mười năm sau khi đất nước thống nhất, nổi trội vẫn là các trường ca mang tính sử thi về cuộc chiến vừa qua. Riêng hiện tại: thơ đương đại, từ đổi mới đến nay, ta thấy gì?

 

1. Nhìn từ góc độ ba loại thơ: "dòng thơ câu lạc bộ", "dòng thơ tiếp hiện" và "dòng thơ sáng tạo"(3), dễ nhận ra rằng dòng thơ câu lạc bộ phát triển rộng khắp. Câu lạc bộ Thơ Việt Nam với chủ tịch Bành Thông nở rộ khắp mọi miền đất nước cùng bao biến thái và biến tướng của nó. Rồi mỗi năm, cả ngàn tập thơ thuộc dòng tiếp hiện ra đời; đây cũng là loại thơ được in tràn khắp mặt báo chính thống, và bao giờ cũng ở thế áp đảo. Riêng loại thơ thuộc dòng sáng tạo (thơ hậu hiện đại và tân hình thức chẳng hạn) luôn bị phân biệt đối xử và bị đẩy ra ngoài lề.

 

Cần lưu ý là, tôi không đề cập đến chất lượng, bởi chất lượng còn tùy thuộc vào tài năng và chịu thử thách qua sự sàng lọc của thời gian, mà nhấn vào "ý thức sáng tạo" cùng sự chấp nhận ý thức phiêu lưu khám phá cái mới của nền thơ đó.

 

Ở đây, ý thức mới và cách làm mới luôn bị đẩy ra ngoài lề.

 

"Ý thức sáng tạo, hỏi ở Việt Nam hiện nay, có nhà thơ nào biết/ đã tuyên ngôn ra tấm ra món chưa? Ngoài Nhóm Mở Miệng với mấy tuyên ngôn lẻ, hỏi có nhóm thơ nào đã lập nên tuyên ngôn và theo đuổi đến tận cùng tinh thần tuyên ngôn đó không?"

2. Ý thức sáng tạo, hỏi ở Việt Nam hiện nay, có nhà thơ nào biết/ đã tuyên ngôn ra tấm ra món chưa? Ngoài Nhóm Mở Miệng với mấy tuyên ngôn lẻ, hỏi có nhóm thơ nào đã lập nên tuyên ngôn và theo đuổi đến tận cùng tinh thần tuyên ngôn đó không? Không có nhóm thơ, không vấn đề gì cả. Nhưng hỏi, ở Việt Nam hiện nay, có nhà thơ nào có khả năng lập ngôn mang khả tính mở ra một trường phái thơ chưa? Hay ở cấp độ thấp hơn nữa: có nhà thơ Việt Nam nào kiêm luôn nhà phê bình tầm cỡ?

 

Trong khi với một nền thơ lớn, một nhà thơ chuyên nghiệp đồng thời là một nhà phê bình hoặc có khả tính phê bình, thậm chí có tác giả còn là một nhà tư tưởng hay nhà mĩ học. P. Valéry, A. Breton hay Y. Bonnefoy,… chẳng hạn. Còn ở ta? Tất cả đều cảm tính, cảm tính đến tùy tiện.

 

Nền phê bình thơ ở Việt Nam thì sao? Cùng thời điểm, nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp nhận xét: "những người đam mê phê bình thơ ít đi, nhiều khi nhà thơ như độc diễn". Và chính nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng than phiền: "Cách nhìn nhận thiển cận và thiếu thiện chí [của nhà phê bình] làm cho thơ bị cản trở rất nhiều".(4)

 

Khía cạnh này thôi, cường quốc thơ kia cũng đã bị hạ không ít điểm chuẩn!

 

3. Nhìn từ góc độ tiếp nhận, các độc giả được xem là tinh hoa ở thì tương lai, hôm nay ta đã chuẩn gì cho họ? Thử xem chế độ thực dân Pháp "chuẩn bị" hành trang cho thế hệ độc giả Tiền chiến đón nhận Thơ Mới, rồi nhìn vào Đại học [khoa văn] của ta ngày nay.

 

Học, cơ chế Đại học ta muôn năm đóng cửa với cái mới. Sinh viên Việt Nam mơ hồ về các trào lưu văn học tiên tiến trên thế giới hiện tại. Cả với sinh viên khoa văn chương. "Ở nước ta hiện nay thì những suy kém về giáo dục - nhất là ở cấp đại học - quá đỗi trầm trọng, thể chế lại quá cứng nhắc, ù lỳ, và chưa có dấu hiệu nào cho thấy sự ù lỳ này sẽ giảm đi trong thời gian trước mắt"(5). Cho nên, không ngạc nhiên nếu thế hệ này không đọc thủng các tác phẩm hậu hiện đại hay các sáng tác thuộc hệ mĩ học mới nhất trên thế giới. Đọc không thủng, họ xem như không có chúng, vì chúng không phải là… thơ.

 

"Còn độc giả phổ thông thế nào? Đại đa số họ bị phó mặc cho nền phê bình báo chí cánh hẩu đầy tùy tiện, một nền phê bình "chuyên nghiệp" "vừa thiếu vừa yếu" vừa "thiển cận và thiếu thiện chí" các loại đang thịnh hành thao túng."

Còn độc giả phổ thông thế nào? Đại đa số họ bị phó mặc cho nền phê bình báo chí cánh hẩu đầy tùy tiện, một nền phê bình "chuyên nghiệp" "vừa thiếu vừa yếu" vừa "thiển cận và thiếu thiện chí" các loại đang thịnh hành thao túng. Ở đó không biết bao nhiêu người viết không chuyên thiếu thẩm quyền chiếm diễn đàn ba hoa về điều mà mình chưa thấu đáo.

 

4. Cuối cùng, một nền thơ lớn cần đặt nền tảng trong một xã hội tự do và dân chủ căn bản. Qua đó, nhà thơ mới có thể tự do triển khai tư tưởng mới, phát kiến thi pháp mới, mở ra trào lưu văn chương mới. Thơ Việt Nam có nhận được đặc ân đó chưa? Hỏi, có nghĩa là đã trả lời rồi. Viết tự do luôn song hành với in ấn và phát hành tự do, sau đó là thảo luận tự do. Thời gian qua, sự cấm đoán, đẩy ra ngoài lề hay thu hồi tác phẩm đã xuất bản không phải là hiện tượng hiếm hoi. Sinh hoạt văn học dòng chính, Việt Nam vẫn chưa có diễn đàn mang tính phản biện đúng nghĩa. Trao đổi hay cãi cọ thời gian qua chỉ dừng lại ở vành ngoài, và chưa bao giờ đi đến đầu đến đũa. Còn tệ hơn thuở "nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh" thời xa lơ xa lắc!

 

Sáng tác, dòng thơ sáng tạo bị kì thị với nguy cơ đẩy ra ngoài lề; phê bình thơ vừa thiếu, yếu vừa thiển cận; môi trường sinh hoạt văn học tù túng và còn khá lạc hậu; độc giả bị các bài điểm sách hời hợt và vô trách nhiệm thao túng… hỏi nền thơ kia đã lớn đến đâu?

 

Chú thích

 

(1) Nguyễn Vĩnh Nguyên, "Thời của 'event' thơ", báo Sài Gòn Tiếp thị, 17-2-2012; Tai Vô Lề, "Nghĩ về câu: Việt Nam là một cường quốc về thơ", Tienve.org, 4-2-2012.

 

(2) "Nguyễn Quang Thiều: VN là một cường quốc về thơ", Cúc Đường thực hiện, báo Thế thao & Văn hóa, 1-2-2012.

 

(3) Inrasara, "Hóa giải và hòa giải ba loại nhà thơ hôm nay", tạp chí Sông Hương, tháng 6-2010.

 

(4) "Bóng dáng nàng thơ trong cuộc sống hiện đại", Vienamnet, 9-2-2012.

 

(5) Trần Hữu Dũng, Bấm "Trí thức Việt Nam ở nước ngoài và Đại học Việt Nam", Tuanvietnam.net, 13-2-2011

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

BỐN YẾU TỐ TỪ MỘT DÒNG THƠ ĐƯƠNG ĐẠI - NGUYỄN HỮU HỒNG MINH

 

 

Hội thảo "Thơ Việt Nam Đương Đại" tại trường Đại Học Khoa học Xã hội & Nhân Văn TP.HCM. Trong ảnh, từ trái qua: Thạc sĩ Võ Văn Nhơn, nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh, nhà văn Lý Lan (Mỹ), nhà phê bình Đặng Tiến (Pháp), giáo sư Hoàng Như Mai, nhà thơ Phan Hoàng, tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Xuân, nhà thơ Nguyệt Phạm...

1.Thật khó mà có một định nghĩa cuối cùng như thế nào là thơ? Bởi theo cá nhân tôi, mỗi lúc, mỗi tuổi, mỗi giai đoạn đều hình thành một quan niệm riêng về thơ. Các quan niệm đó có như phương trình nhiều cách giải lúc mờ tối, khi rõ ràng, nhưng đã có liền lạc, móc xích là liên đới tới nhau. Như lúc này, tôi nghĩ thơ là chính mình, là quan chiếu, nhìn vào bên trong bản chất nội thể. Nội thể là gì vậy? Là bí mật, là ý nghĩa của sự sống này. Là có hay không sự tồn tại của chúng ta, những cá thể hiện đại? Bởi lẽ, nghệ thuật là một cách nói lên, là khẳng định sự có mặt của mỗi Nghệ sĩ. Sự có mặt đó không là số hiệu, là mã, là tên đơn giản rõ ràng mà đơn điệu trên chứng minh thư mà phải là sự độc sáng, khác biệt của mỗi người. Là vùng bay riêng, mỗi chớp cánh là một dải sáng, là những chiếc que mang ký hiệu trong đêm tối. Có nghĩa sẽ có nhiều vùng tối tăm nhưng liên tục va đập để phát sáng. Trước khi lụi tàn chứng minh sự có mặt của mình. Đó là tư duy lân tinh vỗ sóng tỉnh thức trên bề mặt của đêm biếc…

2. Các nhà thơ lớn không theo một hệ thống lý thuyết mà họ sẽ làm ra, lập nên một trường phái và bổ sung các định nghĩa của lý thuyết. Nói cách khác, các thi sĩ đích thực luôn phá vỡ các hệ thống có sẵn, áp đặt, áp khuôn máy móc vào các sáng tạo của họ. Họ luôn làm khó chịu các nhà phê bình vì sự thừa thãi, hay thiếu thốn của mình. Bởi một sự thật, các trào lưu hình thành, phát triển theo bối cảnh, nhu cầu đòi hỏi của cuộc sống và tác phẩm mà ra đời, còn các hệ thống lý thuyết, phê bình vận động, bổ sung theo nó mà hoàn thành.

Gần đây thuật ngữ Hậu-hiện đại mơn trớn các nhà thơ và làm êm tai các nhà phê bình. Nhưng với tôi, đây là một thuật ngữ không chuẩn nếu áp đặt nó, giải mã nó vào tình thế thơ VN. Theo cái nhìn của cá nhân tôi, thơ VN chưa có những tiêu chuẩn để gán ghép là Hậu-hiện đại hay cần phải hô hào, đuổi theo Hậu-hiện đại. Bởi thơ Việt và bối cảnh sống Việt vẫn chảy ở dưới gầm lý thuyết Hậu-hiện đại. Thi ca VN chỉ có thể vừa với thuật ngữ đương đại (như tên đích xác của Hội thảo Khoa học này), chưa thể nói là Hiện đại. Còn Hậu-hiện đại là không. Bởi lẽ, khi đi theo một lý thuyết chúng ta phải vận hành đúng theo những nhu cầu gợi ra, đặt ra (ít nhất là tối thiểu) của hệ thống lý thuyết đó.

3. Ưu thế nổi trội nhất của thơ Việt Nam hôm nay là hai nhánh: (A). Sự khẳng định chính mình mạnh mẽ của các cây bút trẻ trên dưới 40, và, (:mellow:.Hình thành hẳn một dòng thơ Nữ, đặc biệt là thế hệ 8X.

Ở (A) đó là sự phát triển tất yếu của thời gian và lịch sử khi các nhà thơ lớp trước đã đứng hẳn lại vì tầm mức và tầm cỡ. Đó còn là sự chậm chạp vì tuổi tác không còn bắt kịp những cái mới. Ngoài tính cấp tiến của một ít nhà thơ đàn anh theo kịp chuyển biến thời đại thì phần lớn còn lại bảo thủ, cố cựu và giáo điều. Các nhà thơ trẻ vì thế, đã có những vận động bứt phá, vượt lên chính mình với ưu thế của thời gian và xã hội để khẳng định được tiếng nói của mình nhiều hơn, mạnh mẽ hơn. Chỉ có một lưu ý ở đây: Họ đã vấp phải sự e dè, định kiến, cản trở, thậm chí chống đối của các nhà thơ đi trước nên việc hình thành dung mạo của thế hệ thơ giai đoạn này khá là khó khăn. Gần hết các trường hợp tự khẳng định mình trên báo Mạng, báo Điện tử trước khi Báo giấy.

Ở (B), dòng thơ nữ ra đời với nhiều gương mặt trẻ mang phong cách mới. Ở Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, nhiều miền đất khác và TP.HCM đều có những giọng điệu tiêu biểu. Các hiệu tượng Ngựa Trời, các nhà thơ với các tập thơ tài trợ trong quỹ Lá Trầu, Quỹ Anh Thơ như Trương Quế Chi, Nguyệt Phạm, Lê Mỹ Lý, Đinh Thị Như Thúy, Nguyễn Thị Từ Huy…đem đến cho người đọc và các nhà phê bình một kỳ vọng mới vào thi ca Việt.

4. Vấn đề giảng dạy và nghiên cứu thơ ca Việt Nam đương đại ở các trường đại học đang gặp phải bế tắc khi các giáo trình không được bổ sung và cập nhật sự phát triển mạnh mẽ của thơ Việt hôm nay. Dường như các giáo trình đã “thúc thủ” trước chuyển biến tràn vỡ của thơ và các giảng viên cũng quá dè dặt khi giới thiệu vì tính chất mô phạm, phức tạp, mong muốn một sự “an toàn”, sợ chịu trách nhiệm vì những thay đổi khó lường, khá phức tạp của thi ca. Những dòng thơ được mệnh danh là Thơ Rác, Thơ Bẩn, Thơ Dục Tính…đều khó được chấp nhận khi các giáo trình “đóng khuôn” nghệ thuật Thi ca là ngợi ca cái đẹp và tôn vinh cuộc sống. Điều đó làm thơ ca suy giảm tính chất vĩ đại, tương tác, đa chiều và đa thanh của Thi Ca hiện đại. Nghệ thuật mang tính phản tỉnh chứ không thuần chất ca ngợi. Vỉ thế tôi đánh giá rất cao hội thảo Khoa học Thơ Việt Nam đương đại lần này của Khoa Văn học và Ngôn Ngữ của Trường ĐH Khoa học & Nhân Văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) tổ chức nhân ngày thơ VN tết Nguyên tiêu 2008. Nó cho thấy sự trăn trở cần thiết giữa công việc giảng dạy Thi ca với các Nhà thơ.

 

Sàigòn, 30.1.2008

NGUYỄN HỮU HỒNG MINH

(*) Tham luận Hội thảo Khoa học “Thơ Việt Nam đương đại” của Khoa Văn học & Ngôn ngữ trường Đại Học Khoa học Xã hội & Nhân Văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) tổ chức lần thứ I, ngày 19.2.2008)

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

Join the conversation

You can post now and register later. If you have an account, sign in now to post with your account.

Khách
Trả lời chủ đề này...

×   Bạn vừa dán nội dung có định dạng.   Paste as plain text instead

  Only 75 emoji are allowed.

×   Your link has been automatically embedded.   Display as a link instead

×   Your previous content has been restored.   Clear editor

×   You cannot paste images directly. Upload or insert images from URL.

Đang xử lí...

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This is an example of a list.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

×
×
  • Create New...