Jump to content
duonghoanghuu

Ấn tượng văn chương 2012: Rộn ràng có đi với mùa màng?

Recommended Posts

                                                            Để lựa chọn một sự kiện văn học năm 2012 quả là khó, bởi sẽ phải đứng trước quá nhiều sự lựa chọn. Có thể nói năm 2012 là năm rộn ràng của văn học, tuy nhiên, sự rộn ràng ấy có làm nên mùa màng văn chương hay không lại là chuyện khác.

 

 

 

images625197_LHT2__2_.jpg

 

Mở màn cho năm Bính Thìn, Liên hoan thơ Châu Á – Thái Bình Dương diễn ra suốt một tuần gắn với sự kiện văn chương đã trở thành nét đẹp văn hóa: ngày thơ Việt Nam. Hàng trăm đại biểu năm châu bốn biển đổ về bên bờ con Vịnh thơ mộng có tên trong di sản văn hóa thế giới, thả những câu thơ, đọc những vần thơ mang khát vọng hòa bình. Sự kiện mở màn này rất xứng tầm cho những rộn ràng trong suốt cả năm văn chương 2012.

 

2012 cũng là năm rộn ràng của các hoạt động trao đổi, giao lưu văn học với nước ngoài và ở trong nước. Ngoài các sự kiện ở tầm quốc gia như Liên hoan thơ Châu Á – Thái Bình Dương; Hội nghị văn học 3 nước Đông Dương; 20 năm hành trình văn học Việt – Mỹ… còn có Ngày hội đọc sách thế giới, Hội chợ sách quốc tế Hà Nội, Hội sách online… ngoài ra còn có những hoạt động nhỏ lẻ của các đơn vị, tổ chức cá nhân. Bằng những kênh khác nhau, những người trẻ cũng tự tìm đường cho mình và đồng nghiệp tìm đến các sự kiện sách lớn trong khu vực và thế giới, tìm kênh phổ biến tác phẩm ra nước ngoài… Điển hình là Chibook, Di Li, Nguyễn Phan Quế Mai… Trước dịp Hội chợ sách Quốc tế Hà Nội, một loạt các sự kiện ra mắt giới thiệu tác phẩm, ký tặng đã diễn ra, ngoài điểm nhấn về truyền thông cho tiểu thuyết đầu tay Nguyễn Ngọc Tư còn có cây bút lão làng Ma Văn Kháng, tác giả trẻ Huyền chip, tổng kết cuộc thi viết “Nhật ký mùa hạ” của nhà sách Phương Đông…

 

Dường như sự sôi nổi của văn chương Việt 2012 đã khiến các Đại sứ quán sốt ruột. Các Đại sứ quán Pháp, Ý, Nhật, Hội đồng Anh… đều có những chương trình, sự kiện văn học diễn ra. Tại Đại sứ quán Nhật là ra mắt sách của Di Li; Đại sứ quán Ý giới thiệu nhà văn Gianrico Carofiglio, tác giả “Quá khứ là miền đất lạ”, cá nhân ngài Đại sứ còn tuyên bố sẽ viết một cuốn sách về Hà Nội; Đại sứ quán Pháp tiếp tục các sự kiện uy tín tại Trung tâm Văn hóa Pháp; Đại sứ quán Đức diễn ra trình diễn đa thoại tiểu thuyết của Đặng Thân… Nhiều Đại sứ quán đã lên chương trình thúc đẩy giao lưu văn hóa và văn học. Logo của Đại sứ quán Ý còn vẽ một tấm phéc - mơ - tuya kéo bản đồ hai nước Ý – Việt ăn vào nhau bằng những bánh răng. Các giải thưởng và kết nạp hội viên của các hội cũng dày đặc hơn các năm trước. Hội Nhà văn Hà Nội do năm trước làm chậm nên thời gian trao giải đẩy mãi sang đầu 2012, năm sau làm đúng tháng 10 nên 2 lễ trao giải – kết nạp hội viên cách nhau vài tháng của đầu năm – cuối năm. Hội Nhà văn Việt Nam giải năm nay chưa có nhưng đầu năm 2012 cũng trao giải muộn trong Ngày thơ Việt nam. Cuối năm có Lễ trao giải sách hay của Hội Xuất bản. Một điểm mới là sự năng động của các đơn vị làm sách tư nhân, lần đầu tiên một nhà sách tư nhân đã dám bỏ tiền tổ chức một cuộc thi và trao giải đàng hoàng, trang trọng tại Hội chợ sách quốc tế trong khi các đơn vị xuất bản Nhà nước co cụm và e dè.

 

Cuối năm, tập thơ “Bầu trời không mái che” của Mai Văn Phấn đã được một nhà xuất bản uy tín nước ngoài phát hành song ngữ. Trước đó, tập truyện ngắn của nhà văn Di Li cũng được phát hành bản tiếng Anh, một số tác phẩm khác cũng được dịch và ngấp nghé dịch sang tiếng Nga trong dự án của Quỹ hỗ trợ văn học Việt – Nga…. Đáng kể nữa là, lần đầu tiên, một nhà thơ Việt Nam được bầu giữ một chức vị văn chương cao ở tầm khu vực, tại Đại hội tái thành lập Hội Nhà văn Á – Phi, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam đã được bầu làm Phó Tổng Thư ký thứ nhất phụ trách Châu Á.

 

Về tiểu thuyết, nếu như nửa đầu năm theo lời nhà văn Nguyễn Đình Tú là “im ắng đến khó hiểu” thì về cuối năm lại xôm tụ nhưng không mấy khó hiểu. Ồn ào về truyền thông nhất có lẽ là sự ra mắt “Sông” của Nguyễn Ngọc Tư. Nữ tác giả được tiếng là thu nhập cao từ văn chương tiếp tục bước lên những nấc thang danh vọng và tiền bạc được xây dựng khá chắc chắn bằng những tác phẩm trước đó của chị. 10 nghìn bản in ngay khi tác phẩm chào đời ở thời điểm những tác phẩm khác chỉ ọt ẹt một hai nghìn là con số mơ ước cho những người cầm bút ở thể loại xương sống của văn học. Trong một bật mí nội bộ, số tiền gần 2 tỉ thu nhập từ sách và phim ảnh của “Cánh đồng bất tận” khiến nhiều đồng nghiệp thèm muốn. Nếu như có một cuộc bầu chọn danh sách những nhà văn thu nhập cao nhất, có lẽ cùng với Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư chắc cũng ở top đầu. Nguyễn Quỳnh Trang tiếp tục công bố cuốn tiểu thuyết thứ tư có tên “Mất ký ức” trong khi Nguyễn Đình Tú bán bản quyền tiểu thuyết “Phiên bản” với giá 50 triệu đồng.

 

Năm 2012 có vẻ nghiêng về thế “âm thịnh dương suy”. Bên cạnh những cây bút nữ sung sức liên tục ra sách như Nguyễn Ngọc Tư, Phong Điệp, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Quỳnh Trang… Những tên tuổi đã có đai có đẳng cũng tiếp tục tung chiêu hoặc tái xuất như Y Ban, Võ Thị Xuân Hà, Nguyễn Thị Thu Huệ… Có lẽ vì thế nên cuối năm đã có tọa đàm về văn xuôi nữ đương đại tại Viện Văn học. Địa chỉ này cũng là nơi đã từng diễn ra tọa đàm thơ Nguyễn Quang Thiều diễn ra trọn một ngày khá quy mô trước đó và tọa đàm về tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh cho thấy một sự tương tác và cởi mở hơn của địa chỉ 20, Lý Thái Tổ vốn được coi là chốn kinh – viện.

 

Về thế “âm thịnh dương suy” còn phải kể đến sự “đánh phá điên cuồng” của Vi Thùy Linh. Ngoài lời tuyên bố hàng năm về việc sẽ thành thân như một lời hứa lỡ làng quen thuộc từ năm này qua năm khác, với thơ, Linh đã cháy đến giọt cuối cùng, không còn gì vẫn… cháy. Sau chuyến chinh phạt trời Âu, Linh trở về thực hiện lời tuyên bố tấn công sang văn xuôi với tập “ViLi tùy bút”. Với đêm nghệ thuật “Bay cùng ViLi”, nữ tác giả si mê màu tím và luôn muốn khẳng định ngôi vị “thứ nhất, lần đầu tiên” đã âm mưu “nhốt toàn thú dữ vào một chuồng” và chị đã làm được khi quy tụ một giàn sao tiếng tăm để đưa ViLi ngồi xích đu bay lên. Đã “cháy” thì phải có khói. Khói bồng bềnh tại sân khấu Nhà hát lớn trong đêm diễn của Linh. Dù luôn muốn là người thứ nhất, nhưng công bằng mà nói, chị là người thứ hai, sau Trung tướng, nhà văn Hữu Ước bước chân vào Nhà hát lớn thực hiện những dự án nghệ thuật của cá nhân. Nếu nói điều này với Linh, câu trả lời sẽ là “tôi không vai không vế, tôi không chức không quyền mà tôi làm được mới tài”. Nghe nói, nguyên tiền khói để Linh “cháy” đã tốn 30 triệu, trong khi tiền bán sách đủ cho 2/3 số khói đã phun ra sân khấu suốt vài tiếng đồng hồ của đêm diễn. Cho đến khi những bài báo Tết đã chuẩn bị lên khuôn thì nhà văn Lê Minh Khuê phát nổ một tác phẩm được nhiều nhà văn, nhà phê bình phải dùng từ “dữ dằn – khủng khiếp” núp dưới một cái tên dịu ngọt: “Nhiệt đới gió mùa”. “Chưa thấy một tác phẩm nào viết về chiến tranh lại khốc liệt đến vậy” là cảm nhận của nhà văn Tạ Duy Anh; “Đọc xong ba bốn ngày mới trở lại bình thường” là trạng thái của PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái; còn nhà phê bình Bùi Việt Thắng thì “đọc xong thấy rã rời khủng khiếp”. Điều đáng quý là tác giả đã dám viết mới về một đề tài mà tất cả các nhà văn ViệtNam đều mắc nợ: chiến tranh. Theo cảm nhận ban đầu của các nhà văn, nhà phê bình và căn cứ vào tính cách nhà văn, có thể tiên đoán vài câu. Nếu như trước đây, với “Bi kịch nhỏ”, Lê Minh Khuê dường như đã chạm đến một “bi kịch lớn” thì ở lần này, tuy chỉ là “Nhiệt đới gió mùa” nhưng có lẽ nên hiểu đó là một… cơn bão theo như thói quen “nói giảm, nói tránh” khi đặt tên sách của bà.

 

Một hiện tượng đáng quan tâm khác đó là sự lên ngôi của các cây bút nhí, có tác giả in sách và phát hành bình thường, có tác giả được phong thần đồng, trong đó nổi bật hơn cả là cây bút 11 tuổi Nguyễn Bình với dự tán tiểu thuyết 8 tập “Cuộc chiến với hành tinh Fantom”. Hiện nay tác giả đã phát hành tập thứ 3 và đã hoàn thành tập thứ 5. Nhìn cái cách “nói là làm, làm là có sản phẩm” với mấy tập sách đã phát hành xếp chồng ngay ngắn không khỏi ngẫm ngợi. Một số các tác giả nhí khác tiếp bước Đặng Chân Nhân, sáng tác và in sách từ rất sớm như Ngô Gia Thiên An, Hương Nam, Mai Clara… đã khiến cho văn học thiếu nhi viết cho thiếu nhi và thiếu nhi viết cho… người lớn nở rộ ở năm 2012.

 

Những người viết luôn cần được luyện bút. Văn chương dù lộc lá đến đâu chưa biết, nhưng vẫn có sức hút chết người. Dù việc trở thành hội viên Hội Trung ương có vẻ như sẽ khó khăn hơn, cơ hội cho các tác giả tác phẩm có phần mỏng mảnh sẽ ít hơn, bù lại tác giả có tác phẩm hay sẽ ăn điểm. Vì thế nên cần có nhiều các lớp bồi dưỡng nâng cao tay nghề. Trong khi Khoa Viết văn – Báo chí ngừng tuyển viết văn và đổi tên cho “chính chủ” với ngành nghề đào tạo hơn thì bù lại, các lò luyện văn ngắn hạn được dịp bùng nổ. Một lớp của Hội Nhà văn với “học phí tượng trưng” 500 nghìn đồng, ăn ở như sinh viên… Cao đẳng nghệ thuật. Một lớp sáng tác và thẩm bình truyện ngắn của chính Đại học Văn hóa. Tiếp tục qua ngày tận thế theo lịch Maya (21/12) sẽ khai giảng một lớp nữa. Đáng quý hơn, học viên nhiều người lớn tuổi, thậm chí lớn hơn nhiều so với những người đứng lớp.

 

Một vài thị phi không thể không nhắc đến. “Tai nạn hội thảo” của nhà thơ Hoàng Quang Thuận, tân hội viên Hội Nhà văn là điểm nhấn trong những ồn ào không vui. Vấn đề có lẽ nằm ở chỗ nó đã được nâng tầm và mở rộng ra các vấn đề khác. Giải thưởng ASEAN nhiều năm qua vẫn xuôi chiều mát mái, người nhận đều là những tác giả có bề dày thành tích và tuổi tác đã ở hàng ăn tiên chỉ. Nhưng năm nay có một trục troặc nho nhỏ khi tác giả nhận giải có tuổi thì cũng đã rất im lặng trước báo chí thì một nữ nhà văn vốn quảng giao và hướng ngoại, tỏ ra thông thạo “bản chất của các sự kiện văn chương” trong khu vực và luôn có góc nhìn độc đáo lại chẳng ngần ngại nói đại ý rằng đây là một “giải chính sách”. Quan hệ đồng nghiệp lớp trước lớp sau có phần sứt mẻ, người già thấy bị giễu cợt, trong khi người trẻ chọn “nói theo cách của bạn”. Nếu nói theo cách này thì mở rộng ra, cả giải Sông Mekong cũng tương tự, và nhiều giải thưởng đề cử khác cũng đương nhiên như vậy, và mọi người trong giới văn chương đều biết. Có điều, giữa biết với nói ra, giữa nói ra nơi bàn trà quán rượu với viết bài đăng báo là những khoảng cách và ứng xử của mỗi người.

 

Tranh chấp về bản quyền, quan hệ không ngọt ngào giữa nhà văn – biên kịch – đạo diễn – nhà sản xuất liên quan đến các tác phẩm gốc được chuyển thể hay quyền lợi trong nhóm tác giả kịch bản cũng là điều đáng lưu tâm. Kẻ phàn nàn trên blog, người trả lời phỏng vấn báo chí, kẻ viết tâm thư gửi cho web Hội. Từ nhà văn Bùi Anh Tấn, đạo diễn sân khấu Nguyễn Thu Phương, cha con nhà văn Anh Động – Nguyễn Thị Diệp Mai. Không có một phân minh rõ ràng theo luật pháp, và cũng không thấy thông tin tích cức nào về kết cục của các vụ việc được xử lý, cảm giác sự thiệt thòi luôn tìm cổ nhà văn mà quàng.

 

Bấy nhiêu ấn tượng, có lẽ cũng đủ cho một năm của những khẳng định và một hi vọng nào đó… Về một mùa màng văn chương.

 

 

Văn nghệ Trẻ

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

Join the conversation

You can post now and register later. If you have an account, sign in now to post with your account.

Khách
Trả lời chủ đề này...

×   Bạn vừa dán nội dung có định dạng.   Paste as plain text instead

  Only 75 emoji are allowed.

×   Your link has been automatically embedded.   Display as a link instead

×   Your previous content has been restored.   Clear editor

×   You cannot paste images directly. Upload or insert images from URL.

Đang xử lí...

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This is an example of a list.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

×
×
  • Create New...