Jump to content
Nguyễn Bảo Sinh

Bát Phố Tập 1-Bát Phố đờ mi thiền (p1)

Recommended Posts

LỜI TỰA

Nếu gương lưu bóng hình qua

Thì đâu còn chỗ để mà soi gương

Năm cửa ô Hà Nội xòe ra như năm cánh hoa “tự nhiên chờ cái đến, thanh thản tiễn cái đi”. Mặt nước Hồ Gươm như tấm gương kim cổ soi bóng vạn cảnh giai không:

“Đến không đón

Đi không tiễn

Soi đủ điều

Không bình luận”

Đời là vô thường, gương không lưu bóng hình qua, nhưng tâm người lại “dẫu lìa ngó ý, còn vương tơ lòng”. Như người con gái xưa không quên được tình cũ:

Đức Khổng Tử ra chơi ngoài đồng, thấy người đàn bà đứng khóc nỉ non ở chỗ bờ đầm. Đức Khổng Tử lấy làm lạ, bảo học trò hỏi vì cớ gì mà khóc.

Người đàn bà nói: “Độ trước tôi cắt cỏ thi, đánh mất chiếc trâm cài đầu bằng cỏ thi, cho nên tôi khóc”.

Đức Khổng Tử hỏi: “Đi cắt cỏ thi, mất cái trâm bằng cỏ thi, thì việc gì phải khóc?”

Người đàn bà nói: “Không phải vì tôi đánh mất cái trâm cỏ thi mà tôi khóc. Tôi sở dĩ khóc, là tôi thương tiếc một vật cũ, dùng đã lâu, mà ngày nay không sao thấy được nữa”.

Người đời dù ngộ thế sự là tấm gương không lưu hình bóng cũ nhưng vẫn ngậm ngùi nuối tiếc cảnh xưa, bâng khuâng chuyện cũ khi ngắm di tích rêu phong, cổ mộ.

Chúng ta đào bới hoàng thành, tìm cổ vật để hoài niệm dĩ vãng như người con gái khóc chiếc trâm bằng cỏ thi đã mất:

Sóng lớp phế hưng coi vẫn rộn

Chuông hồi kim cổ lắng càng mau

 

BÁT PHỐ

 

“Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo

Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”

Bát phố là một thú chơi mà chỉ người Hà Nội mới thưởng thức được hương vị kiêu sa này. Xưa kia bát phố là phần hồn của người Hà Nội, về sau chữ “bát phố” phai mờ, rồi mất hút vào xa thẳm rồi lại tái sinh và hòa nhập với cuộc sống hiện đại. Nhiều người Hà Nội ngày nay không hiểu từ “bát phố” là gì? Từ điển cũng không ghi. Vậy bát phố là gì?

Chiết tự kiểu Tây có lẽ “bát” là pásser – qua. Còn phố là phố. Hoặc hiểu theo tiếng Hán là ta ra phố bát ngát cho lòng thảnh thơi. Nôm na ta hiểu khi đi chơi phố mà vô sở cầu thì gọi là bát phố. Vậy những người đi làm, đi chơi với người yêu, đi chữa bệnh, thường không được gọi là bát phố.

Định nghĩa cho vui thôi chứ thật ra bát phố là bát phố, thế thôi! Hơn nữa “bát phố” ở đây lại vừa là danh từ, vừa là tính từ, vừa là động từ.

BÁT PHỐ ĐỜ MI – MỘT NỬA – THIỀN

Thiền nhân là người tỉnh thức sống trong vô thức nhưng được ý thức kiểm soát. Thiền nhân đi trong mộng mà biết mình là mộng. Bát Phố không hoàn toàn sống trong mơ mà là nửa thực nửa mơ, nhập nhòa giữa ý thức và vô thức cho nên gọi là đờ mi thiền. Mọi người vào chùa cầu tài, cầu lộc.

“Vào chùa lễ Phật thấy sư

Người người cúi lạy chiếc lư hương đồng

Miệng cầu sắc sắc không không

Đầy trời sắc, thế còn không đâu rồi?”

Sư, ni mong tu hành đắc đạo. Bát Phố chỉ chiêm ngưỡng, vái vọng chùa chiền từ xa một cách vô sở cầu. Bát Phố cảm nhận hương vị thiền.

Ta như mây trắng giữa trời

Ngắm nhìn thiên hạ đang ngồi máy bay

Gió thổi mây bay sang hướng nào thì hướng ấy là đích. Hợp thành mây, tan thành mưa, đóng thành băng đều từ cái một.

Khi đi bát phố là vô sở cầu, thoát khỏi thị phi nhập vào cuộc chơi của tạo hóa.

Tạo hóa tạo ta chơi

Ta chơi trò tạo hóa

Hợp tan mây thành đá

Nhật nguyệt hóa như như

Cuộc phiêu lưu tùy duyên vô nguyện của Bát Phố luôn an trú trong hiện tại:

Không mong đến, chẳng cầu đi

Không phân khôn dại còn chi để buồn

Tâm như nước chảy trên nguồn

Soi hình tạo hóa mà không lưu hình

Kẻ bát phố thường ở Hà Nội từ 5 đời trở lên. Hà Nội kiểu Pháp tính theo đường tàu điện: nơi nào đường tàu điện chìm là Hà Nội, nơi nào đường tàu điện nổi như đường tàu hỏa là nhà quê. Hà Nội kiểu Pháp lấy bến tầu điện bờ Hồ, nay là bến gửi ô tô trước nhà hàng Hàm Cá Mập, cạnh bến xe bus, làm trung tâm thì đường tàu điện chìm chạy đến hết phố Huế, Hàng Than, bến xe Kim Mã, trường Chu Văn An, Công viên Thống Nhất... Còn sau đó là nhà quê. Tính theo cách này thì người Hà Nội ít lắm, thủ đô bé lắm chứ không vào loại to nhất thế giới như bây giờ. Hiện nay người Hà Nội trên 70 lại càng hiếm, có lẽ phải ghi vào sách đỏ để bảo vệ kẻo nay mai không biết còn hay mất.

SỰ KHÁC BIỆT GIỮA BÁT PHỐ, LÃNG TỬ, BẠT TỬ VÀ VAGABOND

Tiểu giang hồ, đại giang hồ

Chung chăn mà chẳng ai ngờ chiếu riêng

Lãng tử thường mặt mũi phờ phạc không lơ ngơ như Bát Phố. Tóc tai lãng tử bù xù, mặt mũi bơ phờ, người gầy gò hơn bát phố. Tóm lại trông lãng tử phong trần hơn, bệ rạc hơn và trải đời hơn Bát Phố. Lãng tử có thể bỏ nhà đi vài ngày còn Bát Phố chỉ đi chơi loanh quanh phố xá, tối nào cũng vẫn về nhà ăn cơm 2 bữa với vợ. Lãng tử thường có nhiều vợ. Bát Phố chỉ có một vợ, nhưng rất nhiều mối tình vặt để mơ màng. Khi va chạm, lãng tử có thể ẩu đả còn Bát Phố thì dĩ hòa vi quý. Một lần anh bạn Bát Phố gây gổ đánh nhau ngoài đường. Bát Phố bảo bạn cứ ra quán ngồi chơi xơi nước. Bát Phố ghé vào tai đối thủ của bạn nói khẽ vài câu, tên này bỏ đi liền. Bạn hỏi Bát Phố có tài gì mà tên kia bỏ chạy nhanh thế. Bát Phố bảo tôi chỉ nói:

- Đánh nó làm đéo gì, nó bị siđa giai đoạn cuối đấy.

Khi tranh luận gay gắt, Bát Phố chuyển ngay sang bàn về thời tiết.

Hãy cãi nhau như bàn về thời tiết

Tình cảm ngược chiều mà vẫn thấy như không

Cao cấp hơn lãng tử là bạt tử. Loại này có thể bỏ nhà đi giang hồ một vài tháng.

Vagabond là loại vô gia cư, lấy đầu đường xó chợ làm nhà, thường sinh sống bằng nghề trộm cắp, cướp giật, du côn và là mục tiêu của cảnh sát.

Vagabond ma cà cúi lúi húi bụi tre

Ông đội xếp bắt được hỏi nhà mày đâu?

Nhà tôi ở phố đầu cầu

Số nhà 37 đứng đầu du côn

CHÂN DUNG BÁT PHỐ

Tuổi Bát Phố khoảng từ 15 tới 70. Dưới 15 tuổi chưa ý thức được ý nghĩa bát phố. Trên 70 không đủ sức và tâm trí để đi bát phố mà chỉ ngồi một chỗ để hướng về bát phố. Thời xưa 50 lên bô, 70 thượng thọ là người xưa nay hiếm. 70 là lụ khụ lắm rồi, chứ không sung mãn đi hát Karaoke ầm ĩ như các cụ ngày nay đi hát karaoke được tiếp viên khen: “Anh hơn ông nội em 10 tuổi, song anh khỏe hơn cụ nhiều”. Đôi mắt Bát Phố khi mơ màng như thi sỹ, lúc lại vụt sáng như trẻ thơ, khi trầm tĩnh như hiền triết, lúc ngơ ngác như con nai vàng... Tóm lại không tả nổi thần của đôi mắt Bát Phố.

Tự nhiên chờ cái đến

Thanh thản tiễn cái đi

Yêu những điều không muốn

Tâm nhàn hơn mây trôi

Bát Phố nổi tiếng đi thong thả, dép lê lệt bệt như con ngan. Người Việt Nam nổi tiếng đi chậm nhất thế giới. Hà Nội đi chậm nhất Việt Nam, Bát Phố lại là kẻ đi chậm của Hà Nội. Khi ra phố có việc, thường mọi người đi cắm cúi, mắt nhìn thẳng. Sư sãi đi phố theo kiểu hành thiền. Các cô người mẫu đi kiểu khiêu dâm. Cảnh sát đi nghiêm chỉnh, mắt nhìn đầy uy lực. Nhà giáo đi phố trông nho nhã.

Đối với Bát Phố, ra đường tức là về nhà, về nhà tức là ra đường. Dáng đi của Bát Phố:

“Ung dung khắc đến khắc đi

Còi to cho vượt, tranh gì trước sau

Bước chân dù chậm hay mau

Đường ta đi giữa hai đầu tử sinh”

Dáng người Bát Phố thanh tao, da hơi xanh, hai bàn tay khi đi hơi ngửa lên trời, dép lê sát đất nên Bát Phố dùng rất tốn dép. Đi bát phố thường đi dép, không mấy ai đi giày. Đi tốn dép nhưng Bát Phố ưa hoạt động chứ không phải loại dài lưng, tốn vải ăn no lại nằm. Bát Phố ăn no là đi:

Mình không chỗ đứng trên đời

Lại không cả biết nằm ngồi ở đâu

Thì đi về chỗ bắt đầu

Cứ đi không đến về đâu thì về

LÝ LỊCH TRÍCH NGANG CỦA BÁT PHỐ

Bát Phố thường sống trong gia đình trung lưu, gần gần như tiểu tư sản. Thời bao cấp, thành phần này đi thi thường chỉ được nhận vào trường Đại học Sư phạm hoặc Đại học Nông lâm... Nhưng sinh viên Đại học Sư phạm xinh lắm. Còn sinh viên các trường đại học khác thì lại xấu như câu nói vui “Quỷ Bách Khoa, ma Tổng hợp”. Giai cấp tiểu tư sản là giai cấp mà cách mạng không tin dùng, cũng không khắc chế. Sinh viên có lý lịch tốt được tuyển vào “Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách Khoa”. yếu tố xét vào các trường đại học đầu tiên là lý lịch và có là đoàn viên hay không, tất nhiên ai là đảng viên thì ưu tiên số một.

Gia đình trung lưu mới có đủ sự thanh thản để đi bát phố. Còn gia đình giàu có thì bận rộn về phấn đấu, gia đình nghèo suốt ngày chỉ nghĩ về miếng cơm, manh áo, ra đường lúc nào cũng tất bật lấy đâu ra tâm thế mà đi bát phố.

NHÀ Ở CỦA BÁT PHỐ

Bát Phố thường sống trong phố cổ, nhà cửa chật chội, nên mới thích đi chơi phố. Với Bát Phố thì về nhà tức là ra đường. Còn những người nhà cao cửa rộng ít thích ra phố, và hay sợ đủ thứ.

Phần chính của nhà Bát Phố thường giành cho gia đình, kể cả Bát Phố là chủ nhà. Chỗ ở của Bát Phố thường là tầng tum hoặc gác xép nơi lắm gián, nhiều muỗi. Nơi này là không gian yên tĩnh nhất để Bát Phố đỡ bị mọi người quấy rầy. Ngày xưa muốn ở ẩn thì vào rừng hoang núi vắng, còn ngày nay thì tốt nhất là ẩn vào tầng tum gác xép. Thường thì gác xép của Bát Phố chiều cao độ 1m, chỉ có thể ngồi hoặc nằm, còn tầng tum có thể đứng được nhưng khi nằm duỗi chân phải thò cẳng ra cửa sổ.

Những ngày giỗ tết, sinh hoạt đông như sinh nhật con cái, Bát Phố thường giữ chân trông xe. Trong nhà con cái hát hò, phởn phơ, còn Bát Phố thì ngồi co ro nơi vỉa hè:

“Con sang thì bố lại hèn

Con sinh nhật, bố cầm đèn trông xe

Quần áo con vứt ra hè

Bố tiếc rẻ lại mang về mặc luôn”

Nếu gia đình cố mời Bát Phố vào dự cuộc vui náo nhiệt, Bát Phố lại thấy mệt vì xã giao vì ồn ĩ. Ở vỉa hè yên tĩnh hơn. Mọi người tranh chữ danh, Bát Phố giữ chữ nhàn. Đánh giết bất cứ loài gì, Bát Phố cũng ngại, nhưng đi chơi để giết thì giờ, để tu đạo nhàn thì Bát Phố ôkê.

“Giết người thì sợ bị tù

Giết thì giờ gọi là tu đạo nhàn”

Ngày tết mọi người rất bận rộn, riêng Bát Phố lại được ung dung tự tại:

Mình không quỵ lụy người ta

Mà mình cũng chẳng có ma nào cần

Cho nên Tết được yên thân

Không ai biếu xén, chẳng cần biếu ai

Nhưng nhiều khi ngồi nhàn quá Bát Phố nghĩ quẩn, lo vớ vẩn; lo quạt trần tuột ốc rơi vào đầu thì nguy.

“Lã Bất Vi buôn cả vua

Hồ Xuân Hương chửi cả chùa lẫn sư

Bọn họ gan lớn mật to

Còn ta gan bé nằm lo sập trời”

Sống nhường nhịn, chịu khổ hơn người nên ẩn sỹ Bát Phố rất thảnh thơi.

“Ta là hòa thượng tại gia

Vợ con ăn thịt, dưa cà ta ăn

Gác xép là chỗ ẩn thân

Tọa thiền đếm muỗi ngoài sân bay vào”

THIỀN QUÁN CỦA BÁT PHỐ

Chỗ ngồi của Bát Phố thường là quán nước vỉa hè có mái hiên hơi thấp. Kẻ đi người lại vừa phải. Có tiếng người qua lại, xe cộ ầm ĩ, tất cả hình ảnh và âm thanh vừa độ. Quán nước ven hồ, phía xa là ngôi chùa đôi lúc lại ngân nga hồi chuông một cách lạc lõng giữa phố xá. Nếu chỗ ngồi ấy lại dưới hàng cây tán thấp như bằng lăng chẳng hạn thì thật tuyệt. Tóm lại thiền quán Bát Phố vừa phải quê, phải tỉnh, vừa náo nhiệt vừa yên tĩnh. Nhất là cô bán nước hay chuyện, đĩ người không đĩ tính thì thật tuyệt vời. Trong quán thường có vài ông cao bồi già bàn chuyện trên trời dưới biển, gi gỉ gì gi cái gì cũng biết nhưng vô tích sự, rất thích phét lác với bạn hữu, nhưng nếu ai nhờ vả cái gì phiền lụy là lỉnh ngay. Bàn thì đủ mọi chuyện, song đề tài chính cũng chẳng khác gì mấy bà nạ dòng:

“Ba bà đi buôn dưa lê

Chuyện ba ông lão dắt dê về nhà

Ba bà đi bán mề gà

Gặp ba ông lão dở cà ra xem”

Cứ bàn đến chuyện gái là các loại Bát Phố đều tỉnh ngủ, mặt rạng rỡ, mắt hấp háy... Đoạn buôn dưa lê này thì đến mấy ông xích lô, xe ôm bên kia đường cũng ngoảnh đầu sang hóng chuyện, thỉnh thoảng lại văng tục một cách khoái trá, rồi cầm điếu thuốc lào hút sòng sọc mà đôi mắt vẫn như hấp háy cười. Còn cô hàng nước mặt đỏ bừng cúi xuống giả vờ rót nước tràn ra khỏi chén.

ẨM THỰC CỦA BÁT PHỐ

Bát Phố không cầu kỳ lắm về các món ăn nhưng thường rất quan tâm đến người cùng ăn, và chỗ ăn đủ tĩnh lặng để Bát Phố thưởng thức tâm hồn mình khi ẩm thực. Quán ăn uống của Bát Phố thường đồ nhắm không ngon lắm mà là  nơi Bát Phố cho là ngon, Bát Phố ăn để thưởng thức không khí xung quanh như nụ cười của cô bán hàng, tà áo lụa của cô nữ sinh đi qua ... cho nên đừng ai hỏi Bát Phố về quán ăn ngon của Hà Nội mà lầm đấy. Những kẻ say ẩm thực có thể ngồi bất cứ đâu, chen lấn, xô đẩy không cần biết, miễn là chỗ ấy có món ăn ngon và rẻ. Cách ẩm thực kiểu Trư Bát Giới giờ khá phổ biến ở Hà Nội, kiểu ẩm thực này được coi là sành điệu. Đối với Bát Phố, món ăn ngon không quan trọng bằng cách ăn ngon, cũng như cụ Nguyễn Tuân không phải là người sành điệu về phở ngon mà sành điệu về cách ăn. Sở dĩ cụ ca tụng món ăn phở chín Hà Nội, vì cụ yếu dạ không ăn được phở tái. Bát Phố, ăn uống là để ngẫm nghĩ về cảm xúc của ăn uống. Cũng như Tô Đông Pha khi ngồi ăn ông ta ăn một cách say mê bất cứ món ăn gì để gần ông.

Nhiều khi vì tập trung vào tâm hồn mình khi ăn uống nên Bát Phố hay gắp nhầm, hoặc uống nhầm vào cốc nước của người bên cạnh. Khi trả tiền, Bát Phố thường trả thừa hoặc thiếu, có khi đi thẳng quên không trả tiền, nhưng chủ hàng thấy khuôn mặt thật thà của Bát Phố họ không bao giờ cho Bát Phố là đồ ăn quỵt. Ăn xong, nhiều lần Bát Phố dắt nhầm xe của khách nhưng chưa lần nào bị khách nện cho một trận vì họ nhìn mặt Bát Phố là hiểu ngay.

ĐẶC TÍNH CỦA BÁT PHỐ

Mặc dù 5 đời sống ở Hà Nội, nhưng Bát Phố không hề nhớ tên phố. Đến đúng phố mình tìm Bát Phố vẫn phải hỏi tên phố là gì?. Nhưng nếu bịt mắt lại, chỉ nghe âm thanh, hơi thở của phố, Bát Phố cũng có thể tìm về đúng nhà mình.

Kẻ Bát Phố đi mà không định về đâu. Nhiều khi đạp xe, bỗng tránh đường ông xích lô, thế là anh ta cứ theo đường tránh mà đi. Bát Phố như mây trắng lơ lửng phiêu bồng trên đường phố:

Ta đến trong từng mỗi bước đi

Chẳng mơ chỗ đến để làm chi

Dòng thời gian chảy đâu đâu bến

Vũ trụ này chỗ đến là đi

Bát Phố có thể đến chơi nhà ông bạn nhiều lần, song cũng không biết và không nhớ mặt vợ bạn. Nhiều khi, hai ông Bát Phố chơi với nhau vài năm mà vẫn không nhớ rõ tên tuổi bạn, nhưng về mặt tâm linh thì họ hiểu nhau như một.

Còn người Sài Gòn không có thú chơi Bát Phố. Gặp nhau là phải có việc, thấp nhất cũng là việc ẩm thực, kéo nhau vào quán xá lu bù. Đến chơi nhà người Sài Gòn mà ta đến 3 buổi, nói không có mục đích gì là người ta cho mình hâm. Ngay đến anh xe ôm người Hà Nội khác hẳn cánh xe ôm Sài Gòn. Sau cuốc xe, anh xe ôm Sài Gòn lau chùi lại đồ nghề, lấy bạt phủ lên xe máy, rồi vào quán nhậu lu bù. Còn xe ôm Hà Nội, sau chuyến hàng là túm nhau lại bàn chuyện chính trị, toàn chuyện đầu Ngô mình Sở. Là xe ôm nhưng lại bàn toàn chuyện triều đình nên rất dễ gây gổ với nhau:

“Rượu chè cờ bạc gái trai

Là thuốc trường thọ ông trời cho ta

Chính trị là thứ tránh xa

Bàn nhiều đoản thọ hoặc là đánh nhau”

BÁT PHỐ CÕI ÂM

Ngày xưa chỉ đi bằng xe đạp nên đến nghĩa trang Văn Điển hoặc lăng Hoàng Cao Khải cũng coi như một cuộc picnic xa vời vợi.

Lăng Hoàng Cao Khải khác hẳn các lăng tẩm trầm mặc uy nghiêm của Huế làm người ta cảm thấy đời như hạt cát trong hư vô. Còn các nghĩa trang liệt sỹ, mộ liền mộ, hàng thẳng tắp, rồi đài tưởng niệm vút lên trời làm người ta thấy sợ. Đặc biệt nghĩa trang Trường Sơn hàng nghìn ngôi mộ nơi thâm sơn cùng cốc, âm khí mịt mù, mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm:

Ma không đầu cõng ma chân cụt

Đường Trường Sơn mờ mịt khí âm

Ngày xưa hò hét ầm ầm

Nay sao im lặng như mầm cây khô

Một tướng công thành vạn cốt khô

Những đoàn quân đội mồ đứng dậy

Hô xung phong chẳng thấy đường đi

Mồ tứ sỹ vùi nghiêng, chôn sấp

May ra thì vải nát bọc thây

Hành nhân ai có qua đây

Phải chăng chỉ thấy rừng cây mịt mù

Ma chiến thắng và ma chiến bại

Cả hai cùng giết hại như nhau

Đều cùng chung một nỗi đau

A Di Đà Phật chung câu nguyện cầu

Người dân thấy nghĩa trang Mai Dịch xa vời vợi như lăng của các vị thần tiên trên trời. Lăng Hoàng Cao Khải vừa gần gũi vừa thâm nghiêm vừa ấm cúng.

Mặt tiền lăng tẩm kéo dài khoảng hơn 1km từ gò Đống Đa tới ngã Tư Sở. Lăng cách đường tàu điện Hà Đông 2m có dẫy tường bao, chân tường cỏ mọc xanh mướt đường hào có hoa trang, hoa súng, nước trong veo. Cá rô ron rỉa chân bèo, cá cờ nhảy khỏi mặt nước để bắt châu chấu. Nước hào trong veo nhìn thấy đáy. Trên cọng cỏ đôi chuồn chuồn làm tình, đuôi con đực cong vút lên, đàn bướm mầu xập xòe đôi cánh trên bông hoa súng tím sẫm.

Bên trong lăng tẩm có hàng cây cổ thụ uy nghiêm cao vút, chim kêu ríu rít. Đặc biệt ở đây cũng như ở các lăng tẩm Huế, có loài chim tiếng kêu lảnh lót: “Bắt cô trói cột”. Con chim này kể sự tích về anh nông dân chăn trâu cho địa chủ trong rừng, anh ta làm sáu cái cột để buộc trâu nhưng chỉ có năm con, anh làm thừa một cái đề phòng trâu đẻ. Khi ông địa chủ chết, cô con gái quản lý đàn trâu thấy có năm trâu mà sáu cột nên nghi anh chăn trâu ăn trộm một con. Anh chăn trâu uất quá tự tử chết, biến thành con chim kêu não nùng, oán thán: Bắt cô trói cột – cho đủ sáu cột.

Bên cạnh hàng cây là cánh đồng lúa xanh rờn, cò bay rợp cánh khiến ta có cảm giác như về quê chứ không âm u như lăng tẩm triều đình Huế. Lăng làm bằng đá mầu thẫm, bên trong là quan tài cũng bằng đá, nhưng kích cỡ khiêm tốn. Bên cạnh đó là hồ bán nguyệt thơ mộng nên ta không cảm thấy sợ, cái sợ mơ hồ như các lăng tẩm bên tầu. Đường nét lăng đơn giản khiêm tốn giữa một không gian thiên nhiên như thoang thoảng bên tai câu thơ trữ tình của làng quê thanh bình:

“Xây dọc rồi lại xây ngang

Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân”

Sau giải phóng thủ đô 1954, lăng Hoàng Cao Khải bị bỏ hoang phế. Khác hẳn Trung Quốc, Khơ me, ý ... Ở Việt Nam, thường các triều đại sau san bằng mọi kiến trúc của triều trước, nên những công trình kiến trúc cổ của Việt Nam hầu như không còn gì, may lắm chỉ có một số chùa chiền đứng ngoài thế sự nên còn tồn tại.

Ngày xưa, mỗi chiều hoàng hôn, Bát Phố lại nằm dài trên thảm cỏ trong lăng, nghe thông reo vi vu, ngắm trời xanh ngẫm sự thế, cảm khái ngâm bài thơ:

“Đừmg mong ôm trọn chữ tình

Lặng im mình ngắm bóng mình đáy sông

Đừng bàn chữ nghiệp chưa xong

Lặng im nghe tiếng hàng thông bên mồ”

Rồi bỗng sực tỉnh khi nghe tiếng tàu điện leng keng, tiếng rập rình của bánh xe trên đường ray.

“Sóng lớp phế hưng” trên lăng thật phũ phàng. Các hộ dân xô vào chiếm đất chiếm lăng. Ngay cả nhà quàn cũng biến thành nhà ở. Quan tài đá của Hoàng Cao Khải biến thành ghế kiêm giường ngủ của vợ chồng đêm tân hôn...

Đêm về, khi Hà Nội chìm vào giấc ngủ, Bát Phố thấy chập chờn bóng giai nhân trong Liêu Trai Chí Dị. Bát Phố nhìn qua cửa sổ, ngắm cảnh trăng mờ ảo ngàn sao lung linh, mưa rơi lất phất, mơ màng như khói phủ, Bát Phố khao khát mong chờ một mỹ nhân hồ ly nằm bên mát lạnh khiến Bát Phố vừa say đắm, vừa sợ hãi giật mình khỏi cơn ma mị, thân thể bịn rịn mồ hôi.

“Tắm trăng cây sậy khẽ đong đưa

Đom đóm lập lòe trước dậu thưa

Đời nay thiên hạ cười nhân thế

Mình lau giọt lệ bóng ma xưa”

“Một làn hơi trắng tỏa trong sương

Hài xanh lướt cỏ cánh hoa vương

Bồng lên thiếp nhẹ hơn làn khói

Tình nồng quên cả cõi âm dương”

BÁT PHỐ VÙNG RAU CANH MA

Khi màn đêm buông xuống, chập chờn đom đóm ma trơi, những người đi qua nơi nghĩa địa, nhất là nghĩa địa có nhiều cây cỏ mọc hoang dại sẽ ngửi thấy mùi canh thoang thoảng mằn mặn, người ta bảo đó là mùi canh ma trong bữa cơm hoàng hôn của các cô hồn chưa đầu thai kiếp khác. Gần nghĩa trang thường có loại cây rau ngót dại cành dài lướt thướt như cành liễu. Hoàng hôn dần buông xuống, khí âm nghĩa trang bốc lên ngùn ngụt quện với mùi canh rau ngót dại nghĩa trang thành mùi canh ma. Mọi người bảo rằng đó là bữa cơm chiều của các hồn ma nơi nghĩa địa. Ai thấy mùi canh ma mà chẳng rợn lòng như cảnh trong Liêu Trai Chí Dị:

Bãi tha ma mưa phùn lất phất

Những cô hồn húp bát canh ma

Một làn gió nhẹ lướt qua

Hồn siêu phách tán biết là về đâu

Sương mờ mịt trên mồ kỹ nữ

Dế nỉ non nức nở canh thâu

Khách phong tình ở nơi đâu

Ai thương kỹ nữ nằm sâu dưới mồ

Lửa ma trơi không làm ấm mộ

Ma lìa cành hú gió đêm thâu

Cô hồn lạnh lẽo đất sâu

Chỉ mong ấm xuống một câu nhân tình

Tình kỹ nữ dạt dào như biển

Tỳ bà hành ca bến Tầm Dương

Chờ tri âm đến yêu đương

Là hồn tan hận lên đường siêu sinh

Tình yêu cũng là kinh là pháp

Cũng độ hồn siêu thoát kiếp ma

Nam mô đức Phật Di Đà

Nam mô muôn loại cùng là yêu thương

Sau thời mở cửa, thành phố mở rộng ra ngoại thành, Bát Phố lại được thưởng thức mùi canh ma ngay trong lòng phố. Đó là khi Bát Phố đi chơi khu đô thị Bắc Linh Đàm. Khu Bắc Linh Đàm xưa là đồng ruộng, sau ta san lấp rồi xây dựng thành khu đô thị mới. Vì là khu đô thị mới đầu tiên nên quỹ đất lớn, khoảng trống còn rộng nên khu này rất đẹp, nhất là với chàng Bát Phố. Đường sá rộng, người đi lại còn vắng vẻ, tệ nạn xã hội chưa lan tràn tới.

Chủ nhân của bao ngôi biệt thự đẹp đẽ, sang trọng ở Linh Đàm, họ “đào” ở đâu ra lắm tiền thế mà xây, mà mua. Chỉ những quan chức tham nhũng mới có tiền để xây, chứ người dân lương thiện thì chịu. Đặc biệt, khu này rất đẹp, phố xá rộng rãi, vườn hoa rực rỡ, vắng vẻ khiến Bát Phố tưởng mình được đi dạo những năm 1970 chứ không bụi mù mịt, xe cộ nhốn nháo, vòng quay chóng mặt như những phố khác:

“Vòng đời quay nhanh chóng mặt

Đâu còn giây phút tĩnh tâm

Người người tầu xe tấp nập

Đâu còn giây phút bâng khuâng”

Nhà đẹp, phố đẹp, giá rẻ vẫn ít người mua vì mọi người cho rằng mạch nước ngầm ở đây thông với nghĩa trang Văn Điển nên khí âm vùng này nặng lắm. Đặc biệt khu Linh Đàm có con đường chạy thẳng ra cầu Bươu, con đường dài khoảng hơn 1km. Đầu đường có một số quán nhậu đèn sáng trưng, còn suốt con đường hoang vu cỏ rậm rạp, giữa chừng đường có một ngôi miếu vắng là miếu Gàn, Miếu Gàn ở giữa nơi đồng không mông quạnh, cây cối âm u, có những cây muỗm rỗng ruột, có thể chui từ gốc lên ngọn, khiến ta có cảm giác như hang động của Hồ Ly Tinh. Cạnh miếu Gàn là nghĩa trang vẻ hoang sơ, tự nhiên với những lùm cây bịt bùng khiến khách qua đường đêm tối có cảm giác chập chờn quanh mình là những bóng ma ẩn hiện, rờn rợn, mặc dầu trên đường vẫn có ánh đèn và động cơ xe máy, ô tô lướt qua sau đó lại là đêm tối mịt mùng, im lặng, thoảng một cơn gió lướt rì rào qua vùng cỏ dại. Mùi rau canh ma bỗng sực vào mũi khách qua đường. Cả tuổi thơ tôi đã được ngửi mùi canh ma vừa mằn mặn vừa thơm thơm như rau ngót ở nghĩa trang làng. Nhưng cái mùi canh ma ở khu đô thị Linh Đàm thì đậm đà hơn nhiều. Có lẽ mạch nước ngầm nghĩa trang Văn Điển thấm đẫm nơi đây cho nên mùi canh ma ấy thật đậm đà, thấm thía tới hư không. Những đêm thanh vắng, người dân quanh vùng vẫn nghe văng vẳng từ trong đáy mồ những tiếng tụng kinh, tiếng mõ hòa cùng tiếng dế nỉ non:

Đêm thanh vắng mơ hồ tiếng mõ

Từ đáy mồ nghe gió thoảng qua

Lặng nghe lòng thấy thiết tha

Ma đang tụng niệm kinh A Di Đà

Mình phải tự cứu mình trước đã

Ma và người nhân quả như nhau

Đều cùng chung một nỗi đau

A Di Đà Phật chung câu nguyện cầu

Những tay Bát Phố có hạng ở Hà Nội xin đừng quên, khi hoàng hôn buông xuống hãy mau mau đi xuống khu đô thị Bắc Linh Đàm với con đường rộng, vắng, còn nhiều vẻ hoang vu đâm thẳng ra phía Cầu Bươu, để thưởng thức vị canh ma cực kỳ huyền bí, để ngẫm về cõi huyền vi của con người. Chắc chắn không lâu nữa hai bên con đường này sẽ mọc lên những ngôi nhà cao tầng, nghĩa trang Văn Điển gần đó sẽ bị di chuyển, mùi thơm huyền bí của canh ma sẽ không bao giờ còn nữa, thế là ta không được thưởng thức hương vị bữa cơm tâm linh của cô hồn nơi tha ma hoang vắng để nghe bên tai văng vẳng bài văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du hòa cùng tiếng giun dế di dỉ vẳng lên từ gốc cỏ bên mộ:

“Kìa những kẻ tiểu nhi tấm bé

Lỗi giờ sinh lìa mẹ lìa cha

Lấy ai bồng bế xót xa?

U ơ tiếng khóc thiết tha trong lòng

Nghe gà gáy tìm đường tránh ẩn

Tắt mặt trời lẩn thẩn bò ra

Lôi thôi bồng trẻ dắt già

Có khôn thiêng hỡi lại mà nghe kinh”

BÁT PHỐ THỜI BAO CẤP

Giai đoạn duy ý chí: giải phóng miền Nam và xây dựng CNXH. Mọi người sống căng thẳng trong sợ hãi và hy vọng. Tư tưởng bát phố hầu như bị xóa sổ. Từ “bát phố” bị xóa bỏ trong mọi phương tiện thông tin. Cho đến ngày nay, lớp trẻ không còn biết đến từ “bát phố”, may ra chỉ những người già còn hoài niệm về bát phố. Mọi người ra phố rầm rập như bước quân hành, quần áo ăn mặc một màu như lính. Nhà tám mái cạnh đền Bà Kiệu nhìn sang đền Ngọc Sơn bị phá bỏ, thay vào đó là tượng cô gái cầm gươm, anh bộ đội cầm bom ba càng chĩa sang đền Ngọc Sơn. Còn hình tượng được khắc sâu vào tâm trí người Hà Nội là Paven-cooc-sa-ghin gầy nhom, mắt sáng quắc đang xông lên diệt Bạch Vệ và lao động hơn khổ sai trên công trường đường sắt phủ đầy băng giá.

Tiểu lãng tử mình đầy son phấn

Đại sát nhân không máu trên người

Tâm hồn Bát Phố bất định. Bát Phố thường đến những ngôi chùa gần như hoang phế với những tháp cổ mộ rêu phong. Những ngôi chùa dột nát, chính điện căng ni lông để Phật khỏi bị dột. Sân chùa biến thành bãi trồng rau cải, khoai lang. Những sư ni hốt hoảng ra vào thờ thẫn, sợ hãi. Nhiều ngôi chùa bị phá bỏ thành lớp học. Phá chùa mạnh nhất là bọn học trò – nhất quỷ nhì ma – phá chùa một cách vô tư coi như không biết, không có tội.

Thời đó phố xá chăng đầy biểu ngữ. Từng đoàn dân đi biểu tình rầm rộ hô khẩu hiệu “Xây dựng CNXH và giải phóng miền Nam” vang trời đất.

Bát Phố thường đi chơi trên những bờ đê, nằm dài trên đám cỏ xanh mát rượi, thả hồn theo những cánh cò trắng bay từ nương dâu lên bầu trời xanh thẳm. Những cô gái hái dâu đẹp như bức tranh thủy mạc.

Bỗng tiếng hô ầm ầm như trời rung đất lở của nhân dân tuần hành trên bờ đê:

- Đế quốc Mỹ cút khỏi Việt Nam!

- Nguyễn Văn Trỗi sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta.

Bát Phố choáng váng, vội vàng nhảy xe đạp trốn khỏi đám biểu tình.

BÁT PHỐ TEM PHIẾU

Cái gì cũng phân

Phân lại phân như cứt

Khi đi trên đường, mặc dù vừa ăn cơm no xong, nếu thấy cửa hàng mậu dịch mở là Bát Phố xông ngay đến tìm cách ăn bằng được bát phở. Thời bao cấp được ăn bát phở như uống linh đan của Thái thượng lão quân, bách bệnh đều tiêu tan. Nhiều người ốm khặc khừ ăn bát phở là hồi sức rồi khỏi hẳn. Được ăn quả táo ngoại như đào trường thọ của Tây vương mẫu. Anh Bát Phố hối hả bảo chị mậu dịch:

- Bán cho bát phở không người lái (phở không có thịt).

Phở không người lái chỉ được nói đùa, nay Bát Phố lại công khai phát ngôn bừa bãi giữa thanh thiên bạch nhật, có lần bị công an giải lên đồn vì cho lời nói đó là luận điệu tuyên truyền của địch. Bát Phố phải kiểm điểm viết một nghìn lần hàng chữ: Đây là phở không có thịt, chứ không phải là phở không người lái. Thời đó nếu được hút điếu thuốc lá Thăng Long, uống chè Thái, ăn kẹo lạc là một trò đại xa sỉ. Có thời cho rằng quán trà là nơi công nhân viên chức hay la cà trong giờ làm việc nên ảnh hưởng đến sản xuất, công việc của cơ quan xí nghiệp nên cửa hàng nước chỉ được bán chè xanh. Cửa hàng phở chỉ có nhà nước được độc quyền bán. Từ chợ Mơ tới gần Thường Tín chỉ có độc một hàng phở mậu dịch ở chợ Mơ. Đặc biệt có một ông P ở Trương Định là người từng dám mở cửa hàng phở tư mặc dù bị tịch thu hàng nhiều lần, và cảnh cáo đủ cách, vì cho phở là gạo, thứ nhà nước độc quyền, cấm tư nhân kinh doanh. Cửa hàng phở phải đề là bán miến dong. Ai thân quen mới dám mời lên gác để ăn phở chui, hoặc uống chén trà Thái, nhâm nhi cùng kẹo lạc và phì phèo điếu thuốc lá Thăng Long, một cách ẩm thực lén lút như buôn hêrôin.

Vì là hàng phở duy nhất từ chợ Mơ đến Thường Tín nên người xếp hàng mua phở dài hàng mấy chục mét. Người ăn phở tranh nhau, cãi nhau như mổ bò. Tên tuổi hàng phở P lừng lẫy khu Hai Bà Trưng.

Bát Phố đi đường, túi đầy đủ các loại sổ sách mua hàng, tem phiếu. Cứ thấy thoáng có chỗ nào xếp hàng là Bát Phố ba chân, bốn cẳng nhập đoàn ngay mà chưa cần biết là mậu dịch bán gì, mà bán gì cứ mua được là thắng lớn.

Có lần Bát Phố xếp hàng cả ngày đến lượt mới vỡ mộng là cửa hàng chỉ bán nửa đùi gà cho gia đình bị bom đạn Mỹ và phải có giấy giới thiệu của chính quyền địa phương.

Nhiều lần xếp hàng dài quá, Bát Phố phải giả vờ đánh rơi tờ báo, Bát Phố cúi xuống nhặt rồi luồn qua háng người xếp hàng để độn thổ xông lên hàng đầu. Mặc cho mọi người xỉ vả, vẫn hớn hở vì mua được dăm bìa đậu, mớ rau muống. Rồi đem về khoe vợ như lập được chiến công hiển hách. Sau này biết vở của anh, có người chê trách, anh chữa thẹn bảo: “Hàn Tín chui qua háng thịt lợn mà thành vương, quân tử không chấp việc vặt”.

Hà Nội có rất nhiều nơi buôn bán tem phiếu, buôn bán tem phiếu gọi là con phe, cứ thấy bóng công an là chạy như vịt. Chợ Giời cuối phố Huế, cuối ngõ Gia Ngư là nơi buôn bán tem phiếu đông nhất. Các con phe đứng đầy đường, kẻ mua người bán lấm lét như kẻ gian, hễ thấy bóng công an là chạy thục mạng. Nhiều người mua chưa kịp lấy tem phiếu, kẻ bán chưa kịp cầm tiền đã chạy biến mất, sau đó không biết tìm nhau ở đâu mà thanh toán, coi như tai nạn nghề nghiệp. Đầu ngõ Gia Ngư, đầu chợ Giời đều có bảng bêu ảnh các con phe. Phía dưới bảng mọi người tập trung xô đẩy xem ảnh. Các con phe đứng ngay đấy, cười khẩy bảo:

- Mấy con phe đấy mà, xem làm đéo gì. Muốn xem tối đến chị bật đèn cho xem cả chân tơ kẽ tóc. Thôi hãy biến đi để chị mày làm ăn.

Gặp ai đi qua phố bọn phe cũng giữ lại hỏi:

- Có gì bán, có gì mua không?

Cả người mua lẫn người bán đều có thái độ bẽn lẽn pha chút lấm lét kiểu như các lễ tân nhà nghỉ hỏi xem khách có nhu cầu gì về mát xa riêng tại phòng không? Nhà Bát Phố ở Hàng Bè, ngày nào cũng qua Gia Ngư lên Hàng Đào nên nhẵn mặt các loại con phe, nhưng ngày nào Bát Phố cũng phải nghe điệp khúc:

- Có gì mua, gì bán không?

Và Bát Phố đôi lúc xúc động khi thấy các ả phe vạch áo ra nhét tiền vào sutien. Thuở ấy xã hội nghiêm lắm, chỉ thấy con phe thò tay vào nịt vú rút tem phiếu ra Bát Phố đã cảm xúc ngất đi, có khi đâm đầu vào cột điện, biêu đầu sứt trán là thường.

Nhiều lần Bát Phố tức vì bị phe quấy rầy cứ hỏi mãi nên cáu: Có mua thẻ đàn ông không? Ả phe bỗng thèn thẹn như cô gái chân quê nhìn Bát Phố, thoáng nét tri âm làm rạng rỡ khuôn mặt đanh đá, trơ trẽn.

BÁT PHỐ NGÀY ĐỔI TIỀN

Bát phố trước đêm đổi tiền thập niên 80 quả là khoảnh khắc kì ảo của Hà Nội.

Thời đó đồng tiền mất giá kinh khủng. Chuyện kể có người kiện kẻ lừa đảo mình khoản tiền lớn đến hàng trăm cây vàng. Vụ kiện kéo dài hàng chục năm, đến khi người đó thắng kiện, kẻ thua cuộc phải trả lại toàn bộ số tiền vay kể cả lãi. Song vì đồng tiền mất giá nên số tiền kẻ thắng thu về chỉ đủ để ăn một bát phở.

Trước ngày đổi tiền có tin đồn gần như chính thức, mỗi người chỉ được đổi một khoản tiền tương đương một chỉ vàng. Vì vậy tất cả những người nào có quá khoảng tiền cho phép thì mang tiền đi mua bất cứ một thứ gì dù là cần hay không cần cho hết số tiền thừa. Thế là trước hôm đổi tiền, cả Hà Nội náo loạn. Những nhà nghèo mang tất cả loại chổi cùn, rế rách bày trước cửa để bán. Người có tiền thì mua bất cứ thứ gì cho hết tiền. Hà Nội thành một cái chợ vĩ đại nhất thế giới. Đêm hôm đó Hà Nội nhốn nháo, mọi người đổ ra phố đông hơn đêm Noel, đêm Giao thừa. Nhiều nhà bày cả chó, mèo, gà, vịt, lợn… bán ở vỉa hè. Tất cả các loại hàng đều bán chạy. Hôm đó Hà Nội thức trắng đêm. Bát phố cũng hòa nhập vào cái lãng mạn, cái hoang mang, cái ngỡ ngàng, niềm hy vọng vu vơ, nỗi hoảng loạn choáng mặt. Bát phố cùng dòng người Hà Nội đi suốt đêm đến đầu quáng mắt hoa, mà chẳng biết để làm gì. Trong tâm Bát Phố hoang mang trống trải chỉ còn cách nhập vào cái hoảng loạn của đường phố, tâm mới có thể bình tĩnh lại được. Tâm Bát Phố động loạn, đường phố cũng động loạn, hình như cách lấy độc trị độc này cũng làm cho tâm ta tĩnh lại. Có lúc bát phố mỏi mệt rã rời về nhà định đi ngủ, nhưng thấy vợ con đều bỏ nhà đi bát phố, nên Bát Phố lại thấy bồn chồn, phải chồm dậy dắt xe đạp ra đi. Nằm trong nhà mà phố xá người đi lại rậm rịch thì có trời cũng không yên được. Đi mãi, đi mãi rồi cũng đến lúc phải kết thúc, khoảng 5 giờ sáng Hà Nội chìm vào giấc ngủ chập chờn, để rồi sáng hôm sau mang tiền đi đổi. Có người mang cả đống tiền đi đổi, có kẻ vận may bắt được bọc tiền thừa của ai đó vứt ra đường, vì hôm trước tất cả các cửa hàng mậu dịch cũng như tư nhân đều đóng cửa không bán hàng. Các quầy đổi tiền đông nghịt, người nào vét nhẵn túi của gia đình đổi được tờ 50.000đ coi như là tỷ phú, mang tờ 50.000đ đi mua hàng khắp Hà Nội cũng không ai có đủ tiền trả lại, những người vì không có tiền đã nhận đổi tiền cho một số gia đình giàu có, đến chục năm sau vẫn nhắc lại đầy vẻ hàm ơn.

BÁT PHỐ BỊ LỠM

Thời bao cấp, kinh tế quá khó khăn, một mẩu giấy, vỏ bao thuốc lá, viên gạch, chiếc ốc vít... đều được mọi người nhặt về cất đi, rồi sẽ có lúc dùng đến. Thời ấy Bát Phố có cả một kho những đồ nhặt được trên đường. Bát Phố thích làm thơ, nhưng thường không có giấy. Bát Phố phải nhặt vỏ bao thuốc lá, lột mặt trong ra chép thơ vào, thế mà tập thơ cũng dầy đến mấy trăm trang. Có lẽ chuyện nhớ đời của Bát Phố là khi đi đường đã nhặt nhầm một mẩu giấy trắng gập tư, về nhà dở ra mới biết là giấy chùi phân. Nếu Bát Phố đi đường thấy vật phế thải hơi to thì đá vào một góc vỉa hè rồi về nhà sai con ra lấy cho đỡ ngượng. Có lần nhặt được vỏ bao thuốc, người quen trông thấy, Bát Phố phải vờ lấy vỏ bao thuốc lau dép, rồi vừa đi vừa hát bài hát ngô nghê của nhạc sỹ Hoàng Giác: “Từ ngày tôi lên cai, cuộc đời tôi sáng ngời ...”.

Dù đã lõi đời trên đường phố, nhưng không khỏi có lần bị lừa nhục nhã vì tụi chíp hôi đùa ác một cách vô tư. Chả là tụi nhóc buộc tiền vào một sợi cước nhỏ trong suốt vứt ra đường, thỉnh thoảng lại giật tung lên như ta nhử hoa mướp để câu ếch. Bát Phố thấy tiền rơi cúi xuống nhặt. Tụi trẻ giật giây, Bát Phố vồ hụt mấy lần, Bát Phố ngã lăn quay, tụi trẻ thấy cười phá lên, Bát Phố nổi giận xông tới đánh tụi trẻ chạy toán loạn.

Tối đó về nhà nhìn mọi người Bát Phố thấy thẹn và phải khai là ngã xe đạp, nên trán sưng như quả ổi. Đêm nằm người đau ê ẩm.

BÁT PHỐ DIỆN KIẾN ĐẠI TÁ HÀ VĂN LÂU

Đại tá Hà Văn Lâu – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Pháp – Vị đại tá lâu đời nhất mà không lên được cấp tướng. Thấy Bát Phố yêu văn chương, đại tá Hà tâm sự, thuở thanh niên mình rất mê và mơ ước trở thành nhà thơ. Một lần được các thần tượng: Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Vũ Hoàng Chương cho mời đến. Sau khi qua căn nhà dưới ẩm thấp ở phố Hàng Mắm, trèo lên chiếc thang gỗ ọp ẹp, không tay vịn thì thấy các thần tượng hiện ra làm Hà Văn Lâu vỡ mộng. Các thần tượng đang say, nằm ngả ngốn, líu lưỡi đọc thơ. Mùi rượu, mùi cá mè, mùi nôn mửa sặc sụa. Một chú mèo đen tha được chiếc đầu cá nhẩy vọt qua Nguyễn Bính đang nằm ngủ, đầu gối lên tay. Người mê tín coi mèo đen nhảy qua người ngủ mê, người đó có thể biến thành ma cà rồng.

Thế là giấc mơ thành thi sỹ của chàng thanh niên Hà Văn Lâu tan thành mây khói, và chuyển hướng sang binh nghiệp.

BÁT PHỐ TRONG BỘ ĐỘI

Bát Phố vào bộ đội thường bị coi, là lính cậu, cần phải theo dõi giáo dục. Bộ đội rất mặc cảm với lính cậu. Song nếu lính cậu sống 5 năm tại ngũ thì lại rất được đồng ngũ quý mến. Những chức vụ quan trọng thì lính cậu ít được giữ, song về mặt văn hóa văn nghệ thì lính cậu là chủ chốt.

Giai đoạn lính cậu đóng quân ở Phùng thì Bát Phố lại lên cơn nghiện. Đêm nào lính cậu cũng tìm cách trốn đi bát phố Hà Nội. Thường cứ 9 giờ tối là giờ ngủ, lính cậu buông màn đầy đủ, rồi trả vờ chui vào màn ngủ. Trước lúc ngủ, bao giờ cũng có 15 phút văn nghệ quần chúng nghĩa là lính tráng kể đủ mọi chuyện tiếu lâm về gái. Sau đó mọi người bắt đầu ngủ. Lúc đó Bát Phố bò ra khỏi màn, rón rén dắt xe đạp rồi phóng về Hà Nội. Đường từ Phùng về Hà Nội dài hơn 20km, đêm tối không có đèn, dọc đường xe kéo tên lửa nấp dưới những bóng cây tối thẫm, nên Bát Phố thường rất căng thẳng dò đường, cũng không tránh khỏi có lần đâm vào đuôi xe mang thương tích rồi thành lộ bem vừa phải nằm quân y vừa phải làm bản kiểm điểm vì tội đào ngũ. Nhưng cũng có lần Bát Phố được hưởng những giây phút mê ly. Đó là khi có còi báo động máy bay. Đài luôn báo “Đề nghị mọi người xuống hầm trú ẩn”. Bát Phố dựa xe vào gốc cây, nhảy xuống hầm cá nhân. Hầm cá nhân thời đó làm bằng xi măng đường kính 80cm, cao độ 1m5. Bát Phố đang ngồi dưới hầm nghe pháo nổ ầm ầm trên trời, bom uỳnh uỳnh dưới đất, bỗng có một cô gái hốt hoảng tụt xuống hầm và ngồi vào lòng Bát Phố. Cứ mỗi loạt bom cô gái lại ôm chặt lấy Bát Phố. Bát Phố sướng đến tận củ tỷ. Sau những loạt bom và pháo, Đài tiếng nói Việt Nam thông báo: “máy bay địch đã đi xa, mọi sinh hoạt trở lại bình thường”. Cô gái leo lên hầm không một lời từ biệt rồi mất hút vào đêm tối.

Yêu như ngọn gió thổi chơi

Bỗng dưng thổi dạt hai người vào nhau

Thời đó, con trai và con gái rất hiếm được gần nhau. Ta chỉ cần chạm tay một cô gái là đã sướng gấp vạn lần ngày nay ta sờ mỏi tay, hôn nhợt môi cô gái trong quán Karaoke. Việc cô gái ngồi vào lòng Bát Phố là một sự kiện lịch sử mà Bát Phố cứ nghĩ đến là mê ly đến mấy năm. 10 giờ tối Bát Phố trốn khỏi doanh trại, đạp xe cật lực cũng phải 12 rưỡi đêm mới về đến Hà Nội. Về Hà Nội thì đầu tiên là đạp xe quanh Hồ Gươm, sau đó thăm gia đình, ăn qua quýt bát cơm, quả cà rồi lại hộc tốc trở về đơn vị cũng đã 4 giờ sáng, ngủ được 1 giờ lại phải dậy thể dục và sẵn sàng chiến đấu. Sau một thời gian Bát Phố gầy giộc đi. Cái kim trong bọc mãi cũng thòi ra. Bát Phố phải làm kiểm điểm, bị kỷ luật nhiều lần, mà chỉ giảm chứ không chừa hẳn được.

BÁT PHỐ DU LỊCH THƠ:

Thăm đất nước Trung Hoa

Đi thăm đất nước Trung Hoa

So ra gái đẹp thua xa quê mình

Còn như miếu mạo cung đình

Không xem cũng biết rằng mình kém xa

Cung đình xưa xưa có nguy nga

So cái toilet thua xa bây giờ

Thăm Indonesia và Malaysia

Chỗ thờ lợn, chỗ thờ bò

Chỗ thì thờ cái lin ga của người

Đao phật, thiên chúa, đạo Hồi

Đều là đạo cả chỉ lời khác thôi

Ước gì mình theo đạo Hồi

Được lấy 4 vợ để ngồi ngắm chơi

Hà Đông sư tử hết thời

Có giỏi kiện thánh đạo Hồi: Ala

Thăm Thái Lan

Thái Lan lắm thuẫn nhiều mâu

Chùa chiến càng lắm thanh lâu càng nhiều

Đạo Phật huyền bí bao nhiêu

Sexy lộ liễu cũng nhiều như nhau

* Mâu để đâm, thuẫn để đỡ. Mâu và thuẫn

Là hai mặt đối lập của cùng một bản thể. Đâu có nhiều gái điếm tất có nhiều chùa.

Diệt dục có hai cách

1. Cấm triệt để

2. Triệt để giải phóng

Bên Thái sexy được coi là quốc sách về du lịch. Cứ cho mọi người thấy tận cùng của dục tất sẽ sinh ra cách chống dục. Bát Phố sang Thái xem những sô sexy từng chân tơ kẽ tóc lập tức sẽ sinh phản cảm, và dục trong người tắt ngấm. Chỉ khi về Việt Nam thấy các cửa hàng gội đầu thư giãn, massager khiêu dâm nửa vời là tự nhiêu lửa dục phừng phừng.

Ở đâu diệt dục tràn lan

Ở đấy phát dục lại càng tăng nhanh

Hôm xưa lên tỉnh về làng

Áo cái khuy bấm em làm khổ tôi

Bây giờ quần trễ rốn lồi

Khổ tôi khổ cả bố tôi đang thiền

CẢM XÚC CỦA BÁT PHỐ

Sờ đuôi, sờ đít, sờ đầu

Xem voi thầy bói cãi nhau suốt đời

Vì cho chân lý là lời

Cho nên thế giới loài người đánh nhau

Vì cho chân lý bộ phận là chân lý toàn thể nên loài người sinh cực đoan, cực đoan sinh khủng bố.

“Diệt mãi không hết trùm khủng bố

Vì loài người đều có chỗ cực đoan”

 

BÁT PHỐ RÚT RA KẾT LUẬN

Phải đi đến tận biển xa

Mới thấy cái đẹp ao nhà của ta

Phải đi lễ đủ chùa xa

Mới thấy được bụt chùa nhà rất thiêng

MÙI HOA SỮA

Khi đi qua con đường Nguyễn Du, Bà Triệu... vào buổi hoàng hôn, Bát Phố ngây ngất bởi mùi hương thơm hắc khó chịu đó là mùi hoa sữa. Một số nhạc sỹ, nhà thơ, nhà văn coi đây là mùi đặc trưng của Hà Nội. Chỉ có Bát Phố mới hiểu rõ nguồn gốc của mùi thơm này.

Ngày đầu hình thành Hà Nội vấn đề nan giải là phân người thải đi đâu? Ông Nam Diệm sáng lập hãng đổ thùng đầu tiên ở Việt Nam. Cứ chiều tối đường phố Hà Nội xuất hiện hàng đoàn xe đẩy mầu đen, mỗi xe chứa được đúng 5 thùng phân tươi lấy ở hố xí gia đình chuyển lên ô tô chở đi phơi khô ở Đê La Thành, sau đó đóng bánh đem bán cho các chủ đồn điền cao su Nam bộ. Với sáng kiến vĩ đại này, ông Nam Diệm trở thành đại phú và được toàn quyền Pháp thưởng huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh.

Nhưng chuyện những chiếc xe chở phân nghênh ngang đi trên đường phố, ruồi nhặng bay theo từng đoàn, mùi sú uế bốc lên nồng nặc làm ô nhiễm môi trường thành phố, gây phản cảm cho khách qua lại, vì vậy chính phủ Bảo Đại cho trồng cây hoa sữa ở những phố Tây để át đi mùi sú uế. Đơn giản thế thôi! Chắc biết điều này các nhà thơ, nhạc sỹ cũng giảm đi một phần hứng thú khi qua đường thơm hoa sữa. Còn thành phố Đà Nẵng cùng bắt chước Hà Nội trồng rất nhiều cây hoa sữa, sau thấy quá rức mũi đã phải chặt bớt đi. Hoa sữa trồng ít, ở một vài phố mùi hương đậm đặc pha loãng đi cũng tạo cảm giác ngây ngất, day dứt về một điều gì đó cho người khách vãng lai trong ánh hoàng hôn nơi phố thị láo nháo, lấp loáng ánh đèn dưới những lùm cây sẫm dần.

Đặc biệt là nhà Hà Nội xây hố xí trong cùng chứ không bầy ra trước cửa như nhà ở nông thôn. Nhà nông thôn làm chuồng trâu, hố xí ở trước cửa có thuận tiện là khi chở phân ra đồng không phải đi qua nhà. Vì nhà Hà Nội hố xí làm ở trong cùng nên khi lấy phân phải đi qua nhà gây rất bức xúc. Có khi cả nhà đang ăn cơm thì công nhân vệ sinh khênh thùng phân ra, làm mọi người đang ăn thấy lợm. Chính vì vậy mà những nhà thông qua hai phố thì mặt trước là cửa hàng, còn mặt sau thường là trong ngõ, nơi phu vệ sinh lấy phân khỏi phải đi qua nhà. Cụ thể như nhà mặt tiền là phố Hàng Trống thì mặt hậu là ngõ Bảo Khánh, ngõ Hàng Hành, hai ngõ này xưa là nơi tập kết thùng phân nên bẩn lắm, ai qua phố này đều bịt mũi, nhịn thở đi thật nhanh. Bây giờ ngõ Hàng Hành, Bảo Khánh là nơi khách thủ đô ngồi nhâm nhi tách cà phê trông đẹp như phố cà phê Pari. Người qua đây rất ít ai bồi hồi như Bát Phố tưởng niệm lại cảnh Hà Nội xưa mà lòng bâng khuâng tiếc nhớ ...

Chuyện đổ thùng ở Hà Nội xẩy ra nhiều chuyện bi hài. Một lần phu đổ thùng đập cửa nhà ở phố Hàng Giấy. Đập mãi không thấy ai ra mở cửa, phu đổ thùng đập quá tay, cánh cửa đổ đánh ầm. Trong nhà chứa bạc ở trên gác, con bạc tưởng công an phá cửa vào để bắt, vội nhẩy qua cửa sổ chạy trốn. Có con bạc nhẩy từ gác xuống gẫy chân, có con bạc nhảy sang nhà hàng xóm làm chủ nhà tưởng kẻ cướp kêu cứu ầm ỹ, cả phố nhốn nháo không biết việc gì. Ngay cả tốp phu đổ thùng cũng hốt hoảng tháo chạy ra đường kêu cứu

Khoảng năm 1970, Hà Nội có cuộc thay đổi vĩ đại về đổ thùng là xây hố xí hai ngăn. Trước kia ngày nào cũng phải đổ thùng,, thì nhờ có hố xí hai ngăn vài tháng mới phải đổ một lần. Lúc đó sáng kiến xây hố xí hai ngăn đã làm người dân Hà Nội được sống như thần tiên. Vì vậy, đã có câu ca dao

“Chẳng tham nhà ngói 5 gian

Chỉ tham nhà chàng: hố xí hai ngăn”

Sau thời kỳ đổi mới, Hà Nội mới có WC như ngày nay. thuở ấy nhà nào có WC hiện đại coi như một sự tích thần kỳ, cả phố và bạn bè thân thiết nườm nượp đến chiêm ngưỡng toilet. Mọi người sờ mó vào toilet một cách thành kính và cũng không biết cách sử dụng ra sao. Có người dùng nước trong hố xí bệt để rửa mặt…

Văn minh toilet làm đổi thay hẳn cuộc sống Hà thành. Nếu ta sang Trung Quốc thăm Tử cấm thành nguy nga đồ sộ sẽ thấy nhà vệ sinh của Từ hy thái hậu thua xa cái toilet ngày nay.

“Đi thăm đất nước Trung Hoa

So ra gái đẹp thua xa quê mình

Còn như miếu mạo cung đình

Không xem cũng biết rằng mình kém xa

Cung đình xưa xưa có nguy nga

So cái toilet thua xa bây giờ”

BÁT PHỐ TAO NGỘ CAVE

Bát Phố không có dáng điệu của người đi làm, mà thơ thẩn như đi tìm một cái gì ở nơi xa vời. Chính dáng điệu này làm các ả cave tưởng lầm là đi tìm gái. Các ả lướt qua mặt Bát Phố lấm lét buông lời mời chào, Bát Phố nghiêm mặt đi thẳng, ả ta thấy khó xơi nên cũng sầm mặt rồi thôi. Nhưng cũng có ả cave đánh đúng yếu điểm của Bát Phố là thương người, cả nể nên nhiều lần làm Bát Phố khốn khổ. Ả cave đi theo Bát Phố kể lể hoàn cảnh đầy đau khổ và éo le. Bát Phố thấy thương. Ả ta muốn mời Bát Phố tách cà phê để tâm sự, thế thôi. Bát Phố cả nể theo ả lên tầng 3 của quán cà phê vắng như chùa Bà Đanh. Ả ta ngồi xích lại Bát Phố, kéo tay Bát Phố đặt vào đùi, ả và nũng nịu đòi làm tình. Bát Phố đứng phắt dậy đi về. Ả ta níu chặt lại và thay đổi thái đội đòi tiền “bo”. Ả dằn giọng:

- Mày sờ bà chán rồi định ăn quỵt à ?

May lần ấy Bát Phố giằng tay ả chạy thoát ra khỏi quán cà phê và bị đứt mấy khuy áo.

Bát Phố về đến nhà vẫn còn run. Đúng là “Đừng nghe cave kể truyện – Đừng nghe thằng nghiện trình bày”

Hôm sau khi qua đường cũ ả cave gặp Bát Phố, bài cũ diễn lại. Bát Phố bảo:

- Thế cô quên tôi ở quán cà phê hồ Hale rồi à?

Ả chợt nhận ra quay đầu, ngoáy đít đi thẳng.

 

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

TÌNH BÁT PHỐ

Kẻ đang mê gái không thể có tâm hồn thư thái đi bát phố được. Nhưng đi bát phố lại rất cần được ngắm những tà áo lụa phất phơ, cặp môi hồng quyến rũ, đôi mắt huyền lúng liếng, nụ cười khúc khích của cô nữ sinh. Đi bát phố để yêu nhưng không yêu cụ thể một cô gái nào. Bát Phố cảm thụ một nụ cười ở góc phố này, một cái liếc mắt đưa tình trên ban công nọ, một đường cong của cô gái đạp xe trước mặt, tà áo mầu bay theo gió... thứ tình yêu man mác như thực như ảo, không có sự chiếm hữu: tất cả mọi vẻ đẹp của cô gái là của Bát Phố, và Bát Phố cũng là vẻ đẹp của mọi cô gái. Tình Bát Phố vì vậy không bao giờ đau khổ, lòng Bát Phố lúc nào cũng lâng lâng:

Yêu sao giây phút hình như

Cho nhau những cái còn chưa của mình

Buồn sao hình chạm vào hình

Đôi bong bóng đụng hồn mình chợt tan

Người trong tâm trạng cuồng si tình ái không thế Bát Phố được. Hãy ngắm chàng si, lòng như lửa đốt đi đi lại lại trên hè phố Tràng Tiền chờ người yêu, thỉnh thoảng lại đâm sầm vào người đi trước mặt, rút báo ra xem để giết thời gian, chưa đọc hết một giòng, đã vội đút ngay vào túi. Mắt kẻ si tình hốt hoảng nhìn trước, ngó sau vì người tình đến trễ mươi phút. Vài phút chờ gái dài bằng hàng tháng, rõ ràng hẹn nhau ở Bách hóa tổng hợp Tràng Tiền mà lại nghĩ nhỡ nhầm với Đại học Tổng hợp chăng?

Thơ tình định gửi cho em

Dán vào lại bóc ra xem mấy lần

Hẹn nhau dưới bụi tầm xuân

Mà sao lòng vẫn phân vân e nhầm

Cả hai chỗ đều chữ “tổng hợp”. Thế là chàng mê gái vội chạy đến Đại học Tổng hợp, chạy đi chạy lại vã mồ hôi suýt đâm đầu vào ô tô. Chàng si quyết sẽ mắng cho người yêu một trận. hàng tiếng sau cô người yêu mới lững thững tới, chàng si mừng quá quên cả giận.

Vì vậy tâm thế của kẻ cuồng si không thể gọi là đi bát phố được

Kẻ bát phố lúc nào cũng như chờ đợi người tính nửa thực nửa ảo, lúc nào cũng như chưa gặp và gặp rồi Bát Phố nhập hồn vào tà áo lụa bay trên đường Cổ Ngư, một dải khăn hồng sóng sánh trên mặt nước hồ gươm hòa cùng màu đỏ son của cầu Thê Húc, trên nền xanh của trời cùng mầu xanh của đất. Bát Phố hưởng thụ cách đưa tình của cô gái chít khăn mỏ quạ cùng những tà áo trắng tinh khiết của nữ sinh bay trên đường như cánh bớm.

Phải chăng tình yêu Bát Phố như ánh đẹp lung linh của đom đóm lập lòe trên nền tối sẫm của bụi tre làng, vẻ đẹp huyền bí mê ly. Nhưng nếu ta bắt đom đóm để vào lòng bàn tay thì chỉ là con bọ hôi. Hoặc nếu ta ngắm đom đóm ban ngày cũng rất vô duyên:

Nhởn nhơ bướm lượn bờ ao

Đừng ai bắt bướm ép vào sổ tay

Trong đêm đóm lập lòe bay

Đừng đem đom đóm ra ngày để xem

Đôi lúc tình Bát Phố lại rung lên theo tiếng đàn qua ô cửa sổ, Bát Phố ngước lên ngắm cô gái đánh đàn qua khung cửa như một bức tranh lụa. Các cô gái thướt tha trên đường phố như trong vũ khúc nghê thường.

Sự hy vọng sự thưởng thức của tình bát phổ như mộng huyễn, sự chờ đợi mà không cần gặp người yêu là cái đẹp vĩnh hằng của mọi tình ái.

“Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé

Để lòng buồn ta dạo gót quanh sân

Ngắm trong tay thuốc lá cháy lui dần

Ta sẽ nói gớm sao mà nhớ thế

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé

Nếu chót đi thì hãy gắng quay về

Tình chỉ đẹp những khi còn dang dở

Đời mất vui khi đã vẹn câu thề”

Tình bát phổ không phải là thứ tình si trần thế như anh chàng chờ người yêu ở Bách hóa Tổng hợp Tràng Tiền, mà tình của cảnh giới sắc sắc, không không, cảnh giới vĩnh hằng.

“Tìm đường để đến nhà em

Đến nơi mới biết nhà em là đường

Thuyền tình cập bến yêu đương

Biết đâu bến cũng là đường mà thôi”

TÌNH MƯA BÁT PHỐ

Khi đã mắc bệnh nghiện Bát Phố cứ đúng giờ là phải ra đi. Ngay cả những ngày mưa tầm tã Bát Phố trang bị đủ áo mưa, giầy ủng... như ra trận.

Bát Phố vào mùa nào, lúc nào cũng có vẻ đẹp riêng. Ngày xưa ít ô nhiễm. Sau cơn mưa to, nước lụt phố, trẻ con ra tắm như ở bể bơi. Đặc biệt sau khi tắm về chẳng ai bị ngứa ngáy gì cả. Ngắm cảnh tắm mưa trong phố lụt cũng hay.

Dạo đầu thấy Bát Phố mưa to gió lớn vẫn đúng giờ ra đi, vợ nghi là có bồ, bí mật theo dõi nhiều lần, thấy Bát Phố đi lòng vòng rồi vào trú dưới mái hiên ngắm mưa rơi đường phố. Bát Phố xòe bàn tay ra hứng mưa thích thú như trẻ con nghịch nước hoặc nói chuyện thời tiết với khách trú mưa một cách vu vơ.

Có những cuộc tình mưa rất Bát Phố. Hôm đó trời cũng đổ cơn mưa to, Bát Phố tạt vào mái hiên trú, mái hiên ngắn nên mưa quất cả vào người. Dưới mái tây hiên có cô gái cũng cùng cảnh ngộ, mưa to và dai, Bát Phố bắt chuyện làm quen với cô gái, cô gái lấy vải mưa che hắt cho cả hai. Ôi sao giây phút ấy mê ly thế, Bát Phố xưa nay rất trầm tĩnh nói năng rõ ràng mà lúc ấy giọng lại hổn hể khi mái tóc và người cô gái ép sát vào Bát Phố. Hòa với tiếng mưa rơi, vọng ra từ cửa sổ bài hát thiên thai: Thiên thai, chúng em xin dâng hai chàng trái đào thơm ... Bát Phố ngây ngất ngắm đôi gò bồng đào của cô gái trú mưa mà ngỡ mình đang lạc vào bồng lai tiên cảnh. Mưa suốt 3 tiếng mà Bát Phố cứ tưởng là một thoáng. Mưa tạnh, Bát Phố đành lưu luyến chia tay cùng mối tình mưa mà không hết biết tên cô gái, cũng không một lời hẹn gặp lại.

Mấy hôm sau, qua mái hiên mưa cũ, Bát Phố thấy buồn man mác, lưu luyến như đánh mất một cái gì không tên:

“Vô cớ mua giây buộc mình

Thì đành nhờ cái vô tình gỡ ra

Tự nhiên buồn đến với ta

Tự nhiên buồn sẽ đi ra khỏi mình”

BÁT PHỐ GIÀ

Lúc Bát Phố còn trẻ, Bát Phố thấy mấy ông già tuổi thất thập trông rất đáng kính lại toàn bàn chuyện đi chơi gái. Bát Phố trẻ nghe thấy là dị ứng, đứng bỏ dậy đi luôn.

Bố của Bát Phố cũng vậy, khi trẻ cụ làm rất nhiều thơ thanh tao, đến già lại toàn làm thơ tục kiểu Hồ Xuân Hương. Mẹ của Bát Phố vẫn thường day dứt chồng:

- Ông già rồi, toàn làm thơ tục để con cháu nó khinh cho.

Bát Phố dị ứng nhất là khi mấy ông bát phố già khoe một đêm dư sức ngủ với bốn, năm cô gái là thường. Đặc biệt Bát Phố ghét nhất cảnh mấy ông già tuổi 80 mang ảnh bồ ra khen, hoặc cấu véo cô hàng nước rồi mắt hấp háy cười như con dê kêu be be.

Khi Bát Phố về già mới ngộ được tình già. Người già hay nói chuyện về chơi gái không phải là dâm tặc. Các cụ khoe nhau là ngủ với 5 cô gái một đêm là nói phét. Cụ chỉ hướng đến dục để chứng tỏ mình còn yêu cuộc sống, còn khỏe lắm, vì các cụ biết:

“Khỏi bệnh nhồi máu cơ chim

Coi như nhồi máu cơ tim suốt đời”

Khi thấy các cụ khoe đi chơi gái, ta không nên coi thường các cụ mà nên thương cảm. Vì biết rằng các cụ già rồi biết mình sắp sang thế giới bên kia:

“Cuối cùng tất cả chúng ta

Đều lên nóc tủ ngắm gà khỏa thân”

Cụ khoe chơi gái để muốn níu kéo lấy cuộc sống đang trôi tuột khỏi tay các cụ, thế thôi ! Còn lớp trẻ thì chơi gái cật lực có mấy khi khoe đã ngủ với mấy cô một đêm, vì điều ấy là đương nhiên. Người bị tù thích bàn về tự do. Người thiếu đạo đức thích bàn về đạo đức. .. người già hết nhựa sống thì suốt ngày bàn về chơi gái. Thật đáng thương!

“Đông vui già chớ chen vào

Gái tơ huých nhẹ chỗ nào cũng đau

Ngắm hoa lại nhớ tới câu

Hoa kia chẳng nở cho người già nua”

Nhiều cụ già dùng Viagra để chim thò được ra khỏi quần, khi đái không ướt sũng giày, chứ không phải để cường dương, giao hợp.

“Uống hẳn hai viên gờ ra (viagra)

Đi đái mới vọt được ra khỏi quần”

Đặc biệt ngày quốc khánh Pháp 14 – 7, (người Hà Nội gọi đùa là ngày “cắt tóc phi dê” phiên âm chế tiếng Pháp). Ngày đó có cuộc đua xe đạp quanh hồ Gươm. Cụ cua rơ tên là Bát, râu tóc bạc phơ, lần nào cụ cũng về thứ bét, mà không bao giờ bỏ cuộc. Dần dần mọi người chỉ chú ý đến cụ Bát mà không ai để ý đến nhà vô địch cả. Cụ Cua rơ Bát Phố già trở thành người nổi tiếng nhất Hà Nội.

BÁT PHỐ THỜI MỞ CỬA

– BÁT PHỐ GIẢ – BÁT PHỐ THẬT –

Bát Phố giả

Không gian bát phố không còn nữa, Hà Nội sôi sục như một nồi lẩu, giao thông tắc nghẽn, vỉa hè bị chiếm dụng. Môi trường ô nhiễm nặng. Xã hội chạy theo xa hoa, dục lạc:

Hôm xưa lên tỉnh về làng

Áo cài khuy bấm em làm khổ tôi

Bây giờ quần trễ rốn lồi

Khổ tôi khổ cả bố tôi đang thiền

Không gian bát phố không còn, cũng như không gian văn hóa cồng chiêng không còn thì làm gì có bát phố, có văn hóa cồng chiêng. Giữa Hà Nội làm gì có cảnh thổi khèn nhảy lò cò tán gái nếu thiếu không gian núi rừng hùng vĩ, thâm u.

Bát Phố chỉ còn xót lại một ít cũng đã cổ lai hi, chất bát phố bị pha loãng bởi những người ngoại tỉnh tràn vào và trải qua bao thăng trầm động loạn. Vậy không gian bát phố đã không còn, con người bát phố đã đổi thay nên thời mở cửa chỉ còn lại những bát phố già nửa thật nửa già, còn lớp trẻ thì danh từ “bát phố” họ không biết và trong từ điển Tiếng Việt cũng không có.

Sống như tây, nghĩ như ta

Cội nguồn đau khổ chính là từ đây

Đi đái thì đứng giữa đường

Hôn nhau lại nấp sau tường để che

Đậm đà bản sắc chân quê

Thanh lâu xóa sạch, ca ve đầy đường

Bát Phố thật

Không gian bát phố thật chỉ có ở những ngày Tết, khi người ngoại tỉnh về quê trả lại đường phố cho Hà Nội. Mùng 1 Tết, người Hà Nội ngắm phố thấy đẹp một cách kì lạ, cái đẹp tuyệt vời của phố cổ trước 1954. Những Bát Phố già ngắm Hà Nội như chìm vào một giấc mơ. Người bát phố thật ta chỉ thấy ở những người Hà Nội sang lập nghiệp ở nước ngoài trước năm 1954.

Có lần bát phố giả gặp cụ Việt kiều sang Pháp từ trước năm 1954. Bát phố giả nói chuyện với cụ Việt kiều bát phố thật này mới được thưởng thức những hương vị của bát phố xưa, lòng thấy bâng khuâng:

Năm nay đào lại nở

Không thấy ông đồ xưa

Giấy đỏ buồn không thắm

Mực đậm trong nghiên sầu

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?

 

 

NGƯỜI HÀ NỘI – BÁT PHỐ

 

Câu hỏi thế nào là người Hà Nội thường được tranh cãi rất nhiều. Thời xưa có câu:

“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài

Dẫu rằng chẳng lịch cũng người Tràng An”

Điều này thì ai cũng rõ. Tôi có một cậu bạn quê Đình Công, học đại học Bách Khoa, sau đó vào Bến Tre, làm giám đốc Sở Giao thông. Sau 30 năm công tác, cậu ta đã trở thành dáng đứng Bến Tre, lúc nào cũng mơ màng, liêu xiêu trong cơn say. Gia đình ở Hà Nội gọi về chia gia tài và muốn anh trở về hoàn lương  đất kinh kỳ. Anh kéo mấy ông bạn Bến Tre ra Hà Nội mấy ngày mà cả nhà đều không ai chịu được anh ta, và anh ta cũng không chịu được gia đình. Cuối cùng anh ta nói:

- Con sống ở Bến Tre lâu rồi, cuộc sống tự nhiên và tự do như gió, không thể chịu được kiểu giả của người Hà Nội.

“Sống mà phải xã giao nhiều

Mệt hơn phò phạch phải chiều lắm anh”

Trong thời gian tôi đi bộ đội, lại may mắn làm pháo thủ bảo vệ Thủ đô. Tôi có thú vị cảm nhận được người Hà Nội trong mắt người lính. Thường thì trong năm năm đầu, các đồng chí đều rất có thành kiến với người Hà Nội. Họ đều nhìn tôi bằng con mắt thiếu thiện cảm. Có một đêm, trời mưa to, đồng chí chính uỷ người Nam Định hốt hoảng đánh thức tôi dậy bảo:

- Đồng chí Sinh dậy cất xe đạp, trời mưa to.

 Tôi đang ngủ say đáp theo bản năng:

- Báo cáo đồng chí, kệ xe, ngủ là chính.

 Đồng chí chính uỷ ngạc nhiên, nhìn tôi như người hành tinh khác đến. Vì thời đó cái xe đạp là cả một gia tài, suốt ngày các cán bộ cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần đều mang xe ra ngắm nghía, lau chùi bàn tán suốt ngày đêm không chán. Nay tôi lại dám bỏ mặc cái xe Phavorit giữa đêm mưa thì ngang với tội đảo ngũ chứ chẳng chơi. Ngồi nhong nhong trên cái xe Phavorit ngang với ngồi trên ngai vàng, trên kiệu nghênh ngang trên đường.

Thời đó, tôi là người Hà Nội, đóng giữa Hà Nội thì thành tích lớn nhất của tôi là đi mua hộ các đồng chí phụ tùng xe đạp theo sổ cung cấp.

Thời đó xe đạp như sinh mệnh con người. Người tỉnh nào chỉ được quyền sở hữu mua bán xe trên tỉnh ấy. Chỉ có bộ đội như tôi là được độc quyền mang xe đạp đi bán trên địa bàn các tỉnh. Thời đó, tôi thường mang xe đạp xuống Hải Phòng bán ở chợ giời, chợ giời xe đạp Hải Phòng họp ở sân vận động Lạch Tray. Chợ giời xe đạp Hà Nội bán ở cuối phố Huế, trong phố Thịnh Yên. Kể nghĩ lại cái thời năm 1960, cũng lạ, sáng sớm đạp xe hơn 100km, bán xong xe hoặc không bán được cũng lại lóc cóc đạp xe về Hà Nội. Có sống giai đoạn ấy khi lên thăm nhà văn Nguyên Hồng ở Nhã Nam, Bắc Giang mới hiểu tại sao cụ vẫn thường đạp cái xe đạp trẻ con Liên Xô mà thời đó gọi là Pô-zô con vịt để về Hà Nội họp cách hơn 60km.

Cái xe đạp quý hoá kinh khủng là vậy, mà thời đó tôi dám trả lời chính uỷ con người quý hơn xe đạp quả là tội nặng. Cho nên trong buổi họp chi đoàn, tôi đã phải làm kiểm điểm về tính tiểu tư sản này.

Nhưng nếu anh lính Hà Nội mà sống lâu trong bộ đội khoảng sau năm năm thì lúc đó tình cảm của các đồng chí lại rất đằm thắm, vừa rất thân thương mà lại kính nể, thật đúng là:

“Có bao nhiêu kẻ yêu ta

Kẻ ghét đếm đủ cũng là bấy nhiêu

Khi biết ghét cũng là yêu

Ân oán sẽ hết mọi điều sáng trong”

Đúng vậy, cứ sau một ngày đi công tác quanh trận địa Hà Nội về, thường anh em cán bộ kể lại mặt xấu của người Hà Nội. Nào là đi đâu cũng gặp toàn gái điếm, nào là kẻ cắp hoạt động như rươi. Có đồng chí sau nhiều lần bị mất cắp trên tầu điện, đã cho tờ báo vào cái ví để ở túi, quyết bắt được kẻ gian. Thế nào mà khi về đến đơn vị cũng mất luôn cả cái ví bẫy kẻ cắp. Nào là bộ đội Hà Nội hay đào ngũ. Có lần vì tức quá tôi đã nói: “Các tỉnh vì sống khổ nên thích đi bộ đội”. Riêng câu nói này mà tôi đã phải chịu khổ nhiều năm. Sau này tôi mới hiểu là các đồng chí yêu quá hoá ghét mà thôi. Này nhé, tôi thống kê các chú bộ đội các tỉnh về đóng ở Hà Nội đều tìm cách lấy bằng được một cô vợ Hà Nội. Cũng may nhờ có bộ đội mà một số cô gái quá lứa, lỡ thì kiếm được một tấm chồng. Họ ghét là giả mà yêu Hà Nội là thật. Cán bộ quân đội các tỉnh đóng quân ở Hà Nội, khi chuyển ngành, họ đều sống chết với Thủ đô, họ rời cả gia đình lên Hà Nội lập nghiệp.

Khi đi các tỉnh đeo mác người Hà Nội thường được các cô gái tỉnh lẻ mơ ước, nên rất dễ kiếm người yêu.

Trong con mắt người Hải Phòng, họ nghĩ về Hà Nội ra sao? Hải Phòng là thành phố lớn thứ hai ở miền Bắc, sau Hà Nội, nên Hải Phòng và Hà Nội thường là đối trọng của nhau. Nếu cùng đi trên đường phố, trên tầu xe thì ta không thể phân biệt được giữa người Hải Phòng và người Hà Nội, nhưng đứng về mặt tâm linh thì chỉ cần một vài chi tiết đã thể hiện rõ tính chất khác hẳn nhau.

Ta suy ngẫm một vài chi tiết về thể thao sẽ biết về sự cách biệt giữa Hải Phòng và Hà Nội.

Trong mọi cuộc thi đấu gà chọi giữa Hà Nội và Hải Phòng, ta thấy ngay tính chất ngang tàng của người dân sống giữa trời cao, biển rộng.

Còn trong lĩnh vực bóng đá thì sự cuồng nhiệt, tính địa phương của Hải Phòng thể hiện rất rõ nét. Thi đấu quyền anh lại càng lợi thế.

Thí dụ điển hình của người Hải Phòng, Hà Nội thể hiện rõ trong cuộc đấu. Ai đã chứng kiến trận thi đấu quyền anh giành vô địch năm 1993 hẳn rất tự hào vì được cảm nhận một cuộc thi đấu hi hữu.

Trận đấu diễn ra ở sân vận động Lạch Tray, huấn luyện viên chủ chốt của Hải Phòng là võ sỹ Đinh Môn, dòng dõi võ sỹ Đinh Bảng nổi tiếng về tài năng và tính cách Hải Phòng của mình. Thập niên 50, khi võ sỹ Phạm Xuân Nhàn ở Hà Nội chiếm vô địch liên tỉnh, thời đó chưa có vô địch toàn quốc vì đất nước ta chưa thống nhất, thì Đinh Bảng chưa thi đấu. Sau đó võ sỹ Đinh Bảng vô địch liên tỉnh thì Phạm Xuân Nhàn không dự. Đinh Bảng đã gửi lời thách đấu lên Phạm Xuân Nhàn, Phạm Xuân Nhàn định nhận lời, song bố đẻ võ sỹ Nhàn là Phạm Xuân Thông khuyên Nhàn không nhận lời thách đấu và treo miễn chiến bài. Lập tức đoàn võ sỹ Hải Phòng đã đem tặng Phạm Xuân Nhàn một bộ soutien và hộp son phấn, chửi Nhàn là nhát như đàn bà. Tính thượng võ của Hải Phòng mạnh hơn Hà Nội nhiều. Trong thể thao cũng như trong võ thuật, võ sỹ Hà Nội khéo léo, kỹ thuật cao song sức khoẻ thường kém các tỉnh khác. Đấy là đặc tính người Hà Nội. Cầu thủ bóng đá Nguyễn Hồng Sơn chỉ đủ sức đá một hiệp.

Đoàn võ sỹ Hà Nội do huấn luyện viên Cảnh Dương và chủ tịch đoàn Hoàng Kiềm dẫn đầu. Cuộc tranh tài vào chung kết giữa Hải Phòng và Hà Nội diễn ra bao giờ cũng gay cấn.

Sân vận động Lạch Tray chật ních khán giả, đông hơn mọi trận đấu ở Hà Nội. Trên khán đài danh dự đủ cả các vị lãnh đạo cao cấp của tỉnh. Khác với Hà Nội, mọi cuộc đấu võ ở Hải Phòng thì cổ động viên nữ đông hơn và hăng hơn nam nhiều. Cho nên sau này ta thấy nữ sát thủ của Năm Cam là Dung Hà cũng tuyển ở Hải Phòng.

Đã nhiều kinh nghiệm, nên đoàn võ sĩ Hà Nội được quản lý chặt vì nếu lơ là mất cảnh giác bị trúng mỹ nhân kế của địch thì có mà ăn cháo bốc. Ngay cả đến võ sỹ huyền thoại Mô-ha-met Ali cũng vì đêm trước rơi vào mỹ nhân kế mà trận đấu với Pho-mơn thua một cách rất đơn giản. Trước đêm đấu coi chừng mấy em mắt xanh mỏ đỏ lượn lờ gần phòng ngủ võ sỹ là phải xua đi thật xa.

Trận đấu diễn ra tại sân vận động Lạch Tray thật kinh hoàng. Cái đinh của trận đấu để quyết định Hà Nội hày Hải Phòng thắng là ở trận đấu loại 70 kg của hai võ sỹ cùng tên là Tuấn: Tuấn ngan và Tuấn cụ. Hai kẻ địch truyền kiếp của nhau. Nhưng trận đó Tuấn Hải Phòng lại đang bị tù, nghĩa là bị tước quyền công dân. Mo tăng phú tất, Hải Phòng thả Tuấn ra thi đấu, mà Tuấn phải thi đấu sát thát mới mong được thoát án, thoát tội. Trận đấu diễn ra thật phi lý, ngoài thể thao. Khán giả Hải Phòng cổ vũ như điên trên sân nhà. Trận đấu nghiêng phần thắng về Hà Nội, lập tức chai lọ, bàn ghế bị tung lên võ đài. Bốn trọng tài biên quá sợ hãi chui tụt vào gầm võ đài. Còn trọng tài chính luống cuống không biết trốn đi đâu. May mà lúc đó trưởng đoàn Hoàng Kiềm vội nhẩy lên võ đài tung khăn trắng xin thua vô điều kiện mới thoát nạn. Nghe đâu hôm đó đoàn võ sỹ mà không nhờ được cảnh sát cơ động hộ tống lên xe bọc thép cũng sơi đủ bữa gạch củ đậu đến no đòn.

Người Hà Nội là tập hợp của tứ phương, nên khi xem thi đấu thể thao thường công tâm hơn. Cho nên những ai chưa qua được lò Hà Nội đào tạo, cũng chỉ là vĩ nhân tỉnh lẻ. Còn người Hà Nội tuy hiểu biết rộng, song tính phấn đấu thấp nên cũng hạn chế thành công.

Tinh thần thể thao của Hà Nội có nét rất thú vị. Thời Pháp thuộc, hàng năm Hà Nội thường tổ chức thi xe đạp quanh Hồ Gươm. Có một Cua-rơ rất già tên là Bát, mọi người gọi là Cua-rơ Bát già. Cua-rơ Bát già bao giờ cũng bét. Bét mà Cua-rơ này không bao giờ bỏ cuộc. Vì tinh thần thể thao cao thượng này mà người Hà Nội tôn vinh. Họ chỉ ca tụng một Cua-rơ Bát mà quên đi tất cả mọi vận động viên vô địch. Tinh thần thể thao vô tư của người Hà Nội khác hẳn tính hiếu thắng địa phương của một số tỉnh lẻ.

Còn người Sài Gòn nghĩ về người Hà Nội ra sao? Có vào đến Sài Gòn, mình mới hiểu rõ mình là người Hà Nội ưu tú, có học hành và hiểu biết.

Người Sài Gòn nhìn người Hà Nội có cái nhìn cách biệt của thể chế chính trị. Họ mặc cảm. Kẻ sỹ Bắc Hà làm báo tồi, viết văn hay. Hề Sài Gòn chỉ là hề mặt mũi, giọng điệu; hề Hà Nội sâu sắc hơn.

Hề giả thì đi diễn hề

Hề thật thì lại trở về làm quan

Có lần tôi trao đổi chuyện này với các bạn miền Nam, có lẽ để xã giao các bạn bảo Bắc – Nam là một đâu có phân biệt. Tôi đùa để chứng minh: “Mấy lần đi hát Karaoke, tôi đều bị bà chủ phân cho một em vừa xấu vừa không biết chiều khách”. Các bạn đành cười.

Về mặt nào đó thì người Hà Nội do cuộc sống kinh thành chật chội, ồn ỹ cho nên đặc tính của Hà Nội là mơ ước về nơi sơn thuỷ hữu tình, hương đồng cỏ nội. Thiếu gì sẽ mơ ước cái ấy. Người nông thôn lại mơ ước được hưởng ánh sáng kinh thành. Thực ra thì Hà Nội chỉ tuyệt đẹp trong lý trí người nông thôn. Với các cô gái thì Hà Nội chỉ là màn ảnh để họ phóng chiếu ước mơ lên thôi, khi ra đến Hà Nội thì mộng sẽ tan ra như khói. Cũng như người Hà Nội lấy nền trời mây nước, cảnh sơn thuỷ hữu tình để phóng chiếu ước mơ lên mà thôi. Cho nên biết bao nhiêu người đã rời bỏ Hà Nội lập trại ấp trên đồi hoang núi vắng, giấc mơ này đã tan ngay khi va chạm với thực tế phũ phàng. Người Hà Nội sợ cảnh chật chội, ồn ỹ. Song họ biết đâu sự im lặng hoang vu nơi rừng hoang núi vắng còn đáng sợ hơn nhiều. Cũng như người ngoại tỉnh cứ nghĩ là Hà Nội đầy phồn hoa, biết đâu trong đó bao cạm bẫy:

Thịt rừng cùng gái chân quê

Ở đâu rồi cũng kéo về Thủ đô

Còn dân chính hiệu Bờ Hồ

Khát khao lên tận Đồng Mô đi cày

Lên tỉnh ai cũng bảo quê

Về làng cả xóm lại chê thị thành

Xót xa thân phận, thôi đành

Nửa quê nửa tỉnh chòng chành thân em

Ai đưa em đến Hà Thành

Để nay em đã hóa thành ca ve

Cách nghĩ của người Hà Nội từng vùng miền cũng khác biệt. Người ở phố cổ Hàng Ngang, Hàng Đào… có thể ở cùng chung một số nhà nhưng không thường vào nhà nhau chơi, khi gặp nhau thường không ai chào ai cả. Người ở khu chợ Hôm, nếu ở cùng số nhà khi ra vào vẫn thường chào hỏi nhau, hoặc mời bữa cơm thân mật.

Người ở dưới khu chợ Mơ có thể sang nhà nhau chơi hoặc mời ăn uống tùy tâm. Còn người ở làng xóm quận Hoàng Mai thì cửa mở suốt ngày, sang nhà nhau chơi tùy thích.

 

 

 

BÁT PHỐ TRUNG HOA TRONG LÒNG HÀ NỘI

 

Qua cổng Ô Quan Chưởng đến phố Hàng Chiếu, Hàng Buồm là khu trung tâm của người Tầu. Gần phố Hàng Buồm có hội quán của người Hoa. Hội quán này sau bị báo Người Hà Nội giữ làm trụ sở.

Người Hoa có nét khác hẳn người Việt ở chỗ: khi đến nước nào thì họ xây dựng coi như quê hương của mình. Ở Hà Nội, người Hoa có khu chùa riêng. Nghĩa địa của người Tầu Quảng Đông đặt ở Quảng Bá, nay đã biến thành biệt thự, nhà hàng ốc, massage cả rồi. Nhiều lần tôi tìm lên nghĩa địa xưa mà nay không biết vết tích ở đâu.

Nghĩa địa của người Hoa Sừu Châu đặt phía dưới chùa Sét, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ngày xưa đến tiết thanh minh là người Sừu Châu tổ chức long trọng đi tảo mộ. Qua chùa Sét khoảng độ 100m, phía tay trái là khu nghĩa trang Tầu. Người Sừu Châu thuê nhiều ô tô đón khách cuối phố Hàng Buồm. Đại bản doanh hành lễ ở ngôi mộ to nhất, có lẽ là mộ tổ. Sau mọi nghi thức lễ bái long trọng, người Tầu phong bì cho một số bà con nông dân chung quanh có công trông nom, săn sóc mộ chí. Sau đó, ô tô đưa khách về Hàng Buồm. Thời đó, được ngồi ô tô đưa đón vinh dự như được làm tổng thống. Xuống xe, mỗi người được phát hai phiếu, mỗi phiếu có thể mua được một cân thịt gà hoặc thịt quay của bất cứ một cửa hàng thịt quay của người Tầu nào ở Hà Nội.

Sau cải cách ruộng đất, chuyện tảo mộ coi như mê tín dị đoan, các thầy bói, thầy cúng, bà đồng bị nhốt vào đình phố Hàng Bạc để tẩy não cùng với các cô gái điếm. Cán bộ quản giáo cứ xểnh ra, là gái điếm và thầy bói mù lại làm tình với nhau, để rồi lại bị nhốt riêng vào khu kín, hoặc ngồi viết bản kiểm điểm, cả trại lên án đấy là do tội ác của đế quốc phong kiến để lại. Vì vậy, không ai còn dám đứng ra tổ chức ngày hội thanh minh nữa. Khu nghĩa trang Sừu Châu dưới chùa Sét bị bà con nông dân đóng cọc làm chuồng lợn, nhà tiêu. Cuối cùng, trường cấp III Trương Định tiếp quản khu nghĩa trang, bạt một số mộ đi để làm trường học.

Cái am chùa Sét gần nghĩa trang, người đến lễ bái quá đông. Chính quyền sợ tệ nạn mê tín dị đoan, đã dùng nửa phần tiền đường làm đồn công an. Muốn vào phòng trong lễ bái, phải qua cửa đồn công an ở phía ngoài. Nghe đâu từ đó đền chùa Sét hết thiêng. Sau chùa Sét là cổ mộ của các công chúa ở thời nào không ai biết cũng bị chìm vào lãng quên. Đêm đến, từng đàn đom đóm bay trên cổ mộ âm u phảng phất hương vị liêu trai.

Trường học của người Tầu đặt ở đường Yên Phụ, gần nhà máy nước. Thời ấy, ngôi trường Tầu khá đồ sộ. Học sinh Tầu, học trường Tầu. Thang điểm của người Việt tính từ 1-10, còn thang điểm của người Tầu tính từ 1-100.

Người Hoa Kiều ở đâu họ cũng tạo điều kiện như quê hương: có chùa riêng, trường riêng, bệnh viện riêng, nghĩa trang riêng, nên người Tầu ở Hà Nội rất yên tâm sống nơi đất khách quê người. Họ coi như đã có một nước Tầu trong Thủ đô Hà Nội, vì vậy họ ít nghĩ tới về thăm quê hương. Người Tầu ở Hà Nội rất ít bàn tán đến chính trị. Họ ít chú ý đến bên Trung Quốc, Tưởng Giới Thạch hay Mao Trạch Đông ai đúng, ai sai, ai tốt, ai xấu. Họ tập trung tất cả về làm ăn kinh tế. Làm ăn kinh tế thì người Tầu họ giỏi lắm. Đặc biệt người Tầu giỏi về mặt hàng ăn uống. Cái nhà văn hoá hiện nay ở phố Hàng Buồm, xưa là hiệu bánh trung thu to nhất Hà Nội. Cửa hàng ăn Đông Kinh, Mỹ Kinh ở phố Hàng Buồm cũng đứng đầu Thủ đô. Ngay cả đến những ông Tầu cắp cái hòm bán lạc rang, phá sa thì cũng nhất luôn, không một người Việt nào bán phá sa ngon bằng Tầu. Người Tầu họ rất năng động. Hôm nay người Tầu là tỷ phú, ngày mai phá sản họ sẵn sàng bán phá sa ngay ở Bờ Hồ. Ngày ấy, những ngày rét nhất  đi qua nhà bưu điện Bờ Hồ, ta thường thấy những ông Tầu bán phá sa co ro ngồi trong chân tháp, hoặc dưới gốc cây sấu rao hàng giọng lơ lớ Việt “Phá sa húng lìu đây”.

Sự tương trợ của người Tầu cũng rất thắm thiết. Họ không gọi nhau là khách hàng mà gọi nhau là bạn hàng, nếu bạn hàng nào thất bại, họ sẵn sàng giúp đỡ đến đủ ba lần. Nếu không làm ăn được nữa thì họ mặc kệ, họ không phá lệ quá tam ba bận. Ở phố Ô Quan Chưởng có bà chồng chết, một mình nuôi năm con nhỏ, có một ông Tầu sẵn sàng đến ở chung cùng san sẻ gánh nặng gia đình. Tính dân tộc của người Tầu cao nên con trai Tầu lấy gái Việt thì họ đi dự rất đông, nếu gái Tầu lấy trai Việt thì họ thường không đến dự đám cưới, xuất giá tòng phu mà.

Thời đó, người Hà Nội có may mắn được chiêm ngưỡng các cô gái quý tộc bó chân, các cô gái này có đôi chân bé tí tẹo, muốn đi đâu phải có hai hầu gái dìu.

Cũng có một ông Tầu bán thịt quay quá béo muốn đứng dậy phải có hai người nâng lên mới đi được. Một số trẻ con Việt Nam kéo ông Tầu béo phì ngồi xuống, rồi bắt ông ta phải cho tiền mới nâng lên. Ngõ Hàng Giầy, thường có ông Tầu khoèo chân, đi lại bằng hai tay chống lên hai chiếc ghế, mặt ông béo trắng bệ vệ lắm. Đến ngày nay ai đi qua phố Hàng Buồm cũng không quên trong các cửa hàng ông Tầu béo chặt thịt quay rất diệu nghệ. Tiếng dao chặt xuống thớt theo giai điệu như một nhạc cụ gõ phách trong điệu hát quan họ. Dao chặt nhanh, miếng thịt rời dao không hề rung động.

Phố Hàng Đường, Hàng Ngang, Hàng Đào lẫn lộn có cả người Hoa, người Việt và người Ấn Độ. Người Ấn Độ chuyên bán hàng tơ lụa Bom Bay nổi tiếng mà người Tầu và Việt khó cạnh tranh nổi. Trẻ con Tầu và Việt cùng ghét người Ấn Độ. Trẻ con thường nắm chéo vạt áo trông giống cái tai lợn, người Ấn Độ thờ lợn, họ bị xúc phạm vào tín ngưỡng nên đuổi đánh tụi trẻ đến cùng. Rồi tối đó, người Ấn Độ đến ngôi chùa Tây đen duy nhất ở đầu phố Hàng Lược lễ tạ tội. Hiện nay ngôi chùa Tây đen này vẫn còn, nhưng đóng cửa im ỉm nửa thế kỷ nay hình như không có hành lễ gì cả. Còn dãy phố lẻ bên phố Hàng Đào thường nhà nào cũng bị nứt ngang vì ngày xưa phía phố Cầu Gỗ, Gia Ngư là sông, đất này là đất mượn, nên cả nền đất phía phố lẻ bên Hàng Đào trượt và trôi ra phía phố Cầu Gỗ xé rách các ngôi nhà ra ở phía giữa.

Hà Nội có dạo giới hâm mộ thường xôn xao về võ sỹ Vương Băng Phu bên Tầu sang biểu diễn ở Nhà Hát Lớn nửa tháng, người xem đông như kiến. Sau đó giới võ sỹ Việt Nam, giới lục lâm giang hồ gửi thư thách đấu theo kiểu Tâm Ba Tai  thi cắt một tai rồi đem nướng, nhắm rượu. Vương Băng Phu không nhận lời, mà chỉ yêu cầu thi biểu diễn vật bò, chất gỗ lên bụng người đứng trên đó đến hàng mấy tấn. Trẻ con Tầu và trẻ con Việt sống với nhau tương đối hoà thuận. Tuy có đôi lúc cũng chia làm hai phe, phe ta và Tầu đánh nhau xong vài trận là thôi.

Hàng Đào trước có tầu điện chạy qua. Khoảng 1970 tầu điện tã lắm. Có lúc chạy rơi cả bánh, cả cần câu điện, thỉnh thoảng tầu lại chết, khách phải chờ đến hàng tiếng. Có lần tầu điện chồm ra khỏi đường sắt đâm lên hè nhà truyền thần số 51 Hàng Đào.

Hàng Đào đông nhất là ngày Quốc khánh, tắc kín người ở chỗ Hàng Đào đâm ra Bờ Hồ. Lần tắc đông hơn là hôm có đàn voi đi qua để lên vườn Bách Thú. Tất cả hàng phố, người ra đường đông nghịt để ngắm voi đi qua. Chuyện lạ nhất đời. Mọi người hò hét vỡ trời khi có chú voi đang đi ngừng lại cong đuôi ỉa. Mọi người hô to: “Tất cả ra xem voi ỉa đi!”. Đống phân voi to như đứa trẻ, hơi bốc lên ngùn ngụt.

Dù đã hơn 30 năm trôi qua, những người Tầu Hà Nội bị bức đi di tản sau chuyện đụng độ biên giới giữa ta và Trung Quốc thì không ai quên. Những người Trung Quốc ở Hà Nội được mời đi họp và báo cho biết phải rời bỏ Việt Nam. Nghe tin sét đánh ngang tai này, những người Tầu không có cách nào đành mang tất cả chổi cùn, rế rách đem bầy bán ở khắp vỉa hè phố xá nơi có người Tầu ở, dĩ nhiên đông nhất là ở phố Hàng Buồm. Cái cảnh chợ giời này cũng hốt hoảng, nhếch nhác như cảnh chợ giời họp ở hồ Ha-le của đồng bào Hà Nội đi di tản vào Nam theo Ngô Đình Diệm năm 1954. Thời đó, những người Tầu đang sống yên phận, bỗng dưng bị tai bay vạ gió, trông người nào cũng phờ phạc, ngơ ngác, hốt hoảng, người gầy tọp đi. Rồi cái gì đến sẽ đến, từng đoàn người Tầu, sau khi thu vén được ít tiền, cầm xuống Hải Phòng đóng thuyền gỗ để vượt biên.

Năm 1954, đồng bào ta bị dụ dỗ di cư vào Nam còn được ngồi trên tầu sắt há mồm đồ sộ. Nay người Tầu phải đi trên chiếc tầu gỗ đóng vội, khóc lóc trông thật não nùng. Chiếc thuyền ra xa, biển mênh mông, thuyền chỉ như chiếc lá tre vật vờ trên sóng nước:

“Mùi tục lệ lưỡi lê tân khổ

Đường thế đồ gót rỗ kỳ khu

Sóng dồn cửa bể nhấp nhô

Chiếc thuyền bào ảnh lô xô mặt ghềnh”

Những chuyến phiêu lưu biển cả bất đắc dĩ của các thuyền nhân rồi cũng đều cặp bến. Đúng là trong hoạ có phúc. Những người vượt biên được định cư ở Mỹ và Châu Âu gửi tin về đều rất tốt đẹp, trừ một vài trường hợp rủi ro.

Thế là một làn sóng người Việt ồ ạt vượt biên. Nơi nào cũng chỉ bàn về vượt biên. Họ nhìn những kẻ vượt biên sống sót như được sống ở Thiên đường, Niết bàn.

“Chung quy chỉ tại vua Hùng

Đẻ ra một lũ vừa khùng vừa điên

Thằng khôn thì đã vượt biên

Còn lại một lũ vừa điên vừa khùng”

Những người Việt vượt biên thật đầy thảm hại: chết đuối, chết khát, đắm thuyền, hải tặc, hãm hiếp, giết người, lừa đảo… thật kinh khủng.

Sang đến nước ngoài, lại bị tập trung giam lại. Một số ít người định cư ở nước thứ ba, còn đa số bị xua đuổi về nước:

 

“Cố tình trồng hoa, hoa không nở

Vô tình cắm liễu, liễu lên xanh”

Cho đến nay, đất nước Việt Nam sau thời mở cửa, hoà nhập với toàn cầu hoá, cuộc sống có nhiều thay đổi. Ngày nay, nhiều Việt kiều lại mơ ước trở về sống ở quê cha đất tổ. Thật ra những cuộc vượt biên thời 1980 chỉ vì kinh tế. Các thế lực chính quyền chỉ lợi dụng người di tản để phục vụ cho mục đích chính trị của mình. Nước lấy dân làm gốc, dân lấy ăn làm đầu.

Những người Việt Nam trong nước làm ăn giầu có ngày nay lại có trách nhiệm ngược lại là viện trợ cho kiều bào ta ở nước ngoài gặp khó khăn. Người có tuổi ở Việt Nam nay chỉ ra nước ngoài để du lịch. Còn lớp trẻ chỉ mơ đi nước ngoài để du học. Còn đa số không thích đi định cư làm ăn ở nước ngoài.

Những Việt Kiều về nước, thấy đất nước đã thay đổi, khi chia tay về Mỹ họ đều bâng khuâng một cảm giác là về Mỹ hay sang Mỹ đây?

“Cùng chung một chuyến đò ngang

Kẻ thì sang bến, người đang trở về

Lái đò lái mãi thành mê

Sang về chẳng biết mình về hay sang”

Ngày xưa, Việt Kiều coi như được ở Niết bàn, Thiên đường. Việt Kiều về nước ngày nay coi như bình thường, chứ không là niềm ước ao của mọi cô gái Việt thời 1980 nữa.

Đời quả là huyền vi. Những người Tầu ở Hà Nội, nơi họ thường yên tâm và hoàn toàn không có óc giang hồ, thế mà đùng một cái, cơ trời thế nào mà lại tung hoành giang hồ khắp năm châu bốn biển. Mấy ông Tầu ở phố Ô Quan Chưởng có một niềm vui duy nhất là tối đến mặc quần đùi, ngồi phưỡn bụng bàn chuyện tầm phào. Nhiều khi, họ thấy ông Tầu gánh hàng quà rao “chí mà phù”, ông buột mồm đế theo “bố mày mù”. Thế rồi cãi nhau vô tư, cãi nhau như một niềm vui. Họ cứ ngồi hóng mát vỉa hè cho tới lúc tối mịt, muỗi bay vo ve họ cầm quạt phe phẩy đi vào căn nhà chật chội ngủ qua đêm một cách yên bình. Thế rồi chả hiểu sao họ lại trở thành thuyền nhân phiêu lưu trên biển cả mênh mông. Đời quả là vô thường.

 

BÁT PHỐ QUANH HỒ GƯƠM

 

“Thịt rừng cùng gái chân quê

Ở đâu rồi cũng kéo về Thủ đô

Còn dân chính hiệu Bờ Hồ

Khát khao lên tận Đồng Mô đi cầy”

Một khía cạnh thể hiện tính cách của dân Hà Nội là: người Hà Nội sống chen chúc chật chội, nên họ rất khao khát khoảng cách. Họ mơ ước cảnh núi non hùng vĩ, giữa người với người là khoảng cách sơn thuỷ hữu tình. Người Hà Nội sợ ồn ào, song im lặng còn đáng sợ hơn. Khi mua đất lên trang trại, lên núi ở, họ thấy thấm thía nỗi cô đơn. Có đôi vợ chồng nghệ sỹ sống ở Bờ Hồ, họ lên Xuân Mai mở một nhà hàng ăn bên triền núi. Sau một thời gian họ buồn đến phát ốm. Họ lại bàn nhau mua chiếc xe ô tô chở bạn bè Hà Nội lên chơi. Bạn bè tấm tắc khen chỗ ở của họ đẹp hơn cả phủ thủ tướng, và có lẽ sống giữa thiên nhiên trong sạch thế này, họ sẽ thọ đến hơn 100 tuổi. Đôi vợ chồng được lời khen cũng thấy an tâm và tự hào đôi chút. Song, khi chiều đưa ô tô tiễn bạn hữu về Hà Nội, họ lại càng thấy buồn hơn. Thế rồi, họ cũng tìm ra cách giải quyết là tổ chức chơi cờ bạc thâu đêm suốt sáng. Biết bao gia đình Hà Nội lên vùng rừng núi xây dựng khu sơn thuỷ hữu tình, không lẽ vợ chồng chỉ ngắm cảnh một mình khác gì áo gấm đi đêm, cho nên vợ chồng đành đánh xe về đón bạn bè lên chơi nhậu nhẹt từ chiều thứ sáu đến sáng thứ hai lại đưa nhau về Hà Nội tốn kém đến dăm triệu.

Chưa kể những người, khi đất sốt, vay công mắc nợ lên vùng núi mua đất, khi đất hạ thì sống dở chết dở, chỉ thiếu nước nhẩy lầu hoặc uống thuốc chuột.

Đặc biệt, người Hà Nội nào yên tâm ở miềm núi thì họ lại nẩy sinh những tư tưởng kỳ lạ. Có người khoét núi làm thành một cái hang để đặt mộ vợ chồng họ khi chết. Nắp hang là một hòn núi nhỏ. Họ khoét trên miệng hang, chỉ  cần đục chân đá, là khối núi con sẽ lấp cửa hang. Hầm mộ của họ sẽ kín đáo bí mật như mả Tào Tháo. Cũng có người còn đặt mộ trong hang rồi đào nghách như lăng mộ Tần Thuỷ Hoàng. Họ thuê thợ điêu khắc đá tạc tượng các chiến binh  cũng như lăng mộ Tần Thuỷ Hoàng.

Còn ngược lại, người rừng núi lại lũ lượt kéo nhau về Hà Nội. Về Hà Nội, người tỉnh lẻ thường có một niềm mơ ước lớn lao để dù có chết cũng mãn nguyện, đó là vào thăm lăng Bác Hồ.

“Ta như quả lắc quả cân

Chuyển động là để tự tâm quân bình”

Chuyện xung quanh Bờ Hồ cũng có nhiều điều lý thú. Có lần mấy cô gái thách đố nhau: nếu ai dám cởi truồng đi quanh một vòng hồ Hoàn Kiếm sẽ được thưởng lạng vàng. Có một cô gái nhận lời, cởi truồng đi một đoạn thì bị công an bắt giữ.

Thời mới giải phóng, khi đi qua nhà bưu điện Bờ Hồ sáng và chiều ai cũng tò mò nhìn đoàn lính quốc tế bảo vệ hiệp định Geneve đổi gác. Bát Phố nhìn đám lính vừa xa lạ vừa oai nghiêm vừa ngộ nghĩnh. Cũng có mấy ông người Hà Nội tin tưởng mù quáng vào mấy ông quốc tế dởm này nên đã đường hoàng tiến vào dinh của mấy bố lính quốc  tế yêu cầu chính phủ ta thi hành đúng hiệp định Geneve. Họ biết đâu lính quốc tế này chỉ là bù nhìn. Cái ông xông vào ủy ban quốc tế sau này lĩnh đủ hậu quả. Thời đó Bát Phố cũng như người dân Việt Nam quá non nớt về chính trị. Thời bao cấp có luật bất thành văn là người Việt không được giao lưu với khách nước ngoài. Nếu ai vô tình nói chuyện với người nước ngoài sẽ có người vỗ vai nhắc nhở. Nếu gia đình nào có khách Tây vào nhà coi như náo động cả khu phố. Ngay lập tức đồng chí Công an hộ khẩu phải có trách nhiệm đến nắm tình hình cụ thể.

Bờ Hồ ngày xưa hàng năm có tổ chức đua xe đạp. Có một cua-rơ tên là Bát, tuổi ngoài 70, râu tóc bạc phơ, năm nào cũng thi đấu và bao giờ cũng bét nhưng không bỏ cuộc. Rút cục, cua-rơ Bát già đi vào lịch sử. Mọi người đi xem đua xe đạp chỉ nhớ đến cụ cua-rơ Bát già chứ không nhớ đến nhà vô địch.

Cụ Lạng to gan lớn mật nhất ở phố Đinh Tiên Hoàng dám tự nhận mình là đấng cứu thế, biển hiệu đề: “Hiệu thuốc Cứu Thế”. Cụ Cứu Thế qua tuổi thất thập cổ lai hy, râu tóc bạc phơ, trông vẻ đạo mạo của thầy thuốc, dáng như khô mộc tiên sinh. Đùng một cái cụ lấy vợ, mà cô vợ chỉ 20 tuổi, bây giờ là chuyện bình thường, thời bao cấp thì rung chuyển cả thành phố Hà Nội. Sáng, trưa, chiều, tối nhân dân Hà Nội bàn tán về cụ như một sự kiện lịch sử. Người sỗ sàng thì sộc vào nhà xem mặt cô dâu cụ rể. Người ý tứ thì đứng bên hồ Hoàn Kiếm chỉ chỏ nhìn vào, Xem mãi, bàn mãi, chửi mãi rồi cũng dần quên đi. Cụ Cứu Thế đổi tên thành cụ Cứ Thế.

Cũng có lần dân Bờ Hồ lại lũ lượt đi xuống bệnh viện Bạch Mai xem một bà cao hơn 2,3m. Giường của bà phải kê thêm hàng ghế cho dài ra. Năm 22 tuổi bà chỉ cao 1,5m, sau một lần ngã đập gáy xuống phản, hạch não đột khởi bị tổn thương, bà bỗng cao vọt lên, đến năm 30 tuổi thì bà cao 2,3m. Nhiều người mang quà vào biếu bà để tò mò được ngắm bà tận nơi. Nhiều người thập thò ở cửa phòng, cô y tá đỡ bà đứng dậy, mọi người sợ quá vì thấy con người khổng lồ ngoài sức tưởng tượng, họ hốt hoảng bỏ chạy, dẫm đè lên nhau.

Cũng có lúc người Bờ Hồ tẽn tò khi lũ lượt rủ nhau đi xem người bị trăn cuốn phải đưa vào bệnh viện Bạch Mai. Một đồn trăm, trăm đồn nghìn, thêu dệt thành câu chuyện ly kỳ rùng rợn. Mọi người dân quanh Bờ Hồ đến nơi mới ngã ngửa người ra, vì có người bị ốm, gia đình bảo phải cuộn chăn kín người đem vào cấp cứu sợ bị cảm. Mấy bà hàng nước nghe cuốn chăn vào ngưòi thành “trăn cuốn vào người” phải mang ngay đi cấp cứu.

Ai đi vòng Bờ Hồ cũng đều thấy cửa hàng Phú Gia đồ sộ trông ra tháp Rùa, vị trí này là nơi ngắm tháp Rùa gần nhất. Sau này cửa hàng Phú Gia được một nhà sưu tầm tranh nổi tiếng nhất Việt Nam xây dựng lại thành một khách sạn đồ sộ nguy nga, nhưng ai qua đây cũng đều có cảm giác nuối tiếc về nhà hàng Phú Gia xưa. Thời Pháp tổ chức chợ phiên cũng dùng nơi này để bắc cầu ra tháp Rùa. Hàng Trống có cụ B.G là Phú Gia địch quốc. Mật thám Pháp không ngờ gia đình giàu có như cụ lại là nơi họp bí mật của Việt Minh hoạt động nội thành. Để che mắt Phòng Nhì Pháp, cụ lập hẳn bàn thờ Phật trong nhà, tổ chức Phật tử hàng ngày đến lễ bái, thực ra để Việt Minh hội họp. Ngày Quốc khánh mùng 2/9 cụ bí mật thả chim bồ câu đeo cờ đỏ sao vàng bay khắp Hà Nội. Có lần vì mua chim bồ câu lại nhốt mấy ngày, nên khi thả chim bồ câu đeo cờ đỏ sao vàng chỉ đậu trên nóc nhà, gia đình cụ B.G sợ toát mồ hôi, xua mãi chim mới bay đi, may mà bóp cảnh sát đóng ở ngay phố Hàng Trống không phát hiện ra vì tụi này tin nhà tỷ phú B.G không bao giờ theo cộng sản. Cụ B.G khuyên con cháu không được sát sinh, chính tay cụ cho cá vào chậu khệ nệ bê ra Bờ Hồ thả phóng sinh cho toàn dân trông thấy. Sau ngày giải phóng, cụ B.G được bầu làm chủ tịch hội thương gia Hà Nội, ba lần trúng đại biểu Quốc hội, người Hà Nội duy nhất được hai lần Bác Hồ đến chúc tết.

Ngày xưa, cả Hà Nội chỉ có hai đồn cảnh sát: Hàng Trống và Hàng Đậu. Bóp cảnh sát Hàng Đậu đối diện với nhà tròn, xưa là nơi tạm giam giữ người phạm luật.

Cả Hà Nội thời tạm chiếm chỉ vẻn vẹn có 60 cảnh sát giữ trật tự cho cả thành phố. Trong truyện Vũ Trọng Phụng viết về hai cảnh sát “Min-oong” và “Min-đơ” đi suốt thành phố mà chẳng phạt được ai, may ra vớ vẩn bắt mấy con chó thả rông. Dân ngày xưa nghiêm lắm, không ai dám trèo lên cột điện, hoặc dẫm lên vườn hoa công cộng.

Còn ngày nay, một đồn cảnh sát tăng cường cũng có đến 60 chiến sỹ, toàn thành phố có lẽ đến nghìn đồn cảnh sát mà trật tự cũng còn chưa an tuy vẫn ổn.

Gần đầu Hàng Trống xưa, có họa sỹ Mạnh Quỳnh, họa sỹ minh hoạ nổi tiếng nhất của Hà Nội với chữ ký như chiếc xe tăng và nhân vật hài hước tiêu biểu thể hiện nét vẽ tài hoa của họa sỹ là: Vá và Vếu. Hai nhân vật biếm hoạ Vá và Vếu một thời rất lâu là món ăn tinh thần không thể thiếu của Hà Nội. Sau giải phóng thì vai trò minh hoạ của Mạnh Quỳnh cùng một số họa sỹ bị thất sủng vì không phải là lớp họa sỹ từ kháng chiến trở về. Họa sỹ Mạnh Quỳnh kiếm ăn độ nhật bằng nghề dậy vẽ. Họa sỹ Mạnh Quỳnh dáng to cao, mặt chữ điền, người mở lớp vẽ đầu tiên ở Hà Nội thời hoà bình lập lại. Lớp vẽ của thầy Quỳnh nhỏ hẹp nằm ở tầng hai, học sinh chỉ độ 20 người. Người mẫu chỉ toàn là nam, chứ thời ấy dùng mẫu nữ nude thì có mà tù mọt gông. Thầy Quỳnh dậy học sinh rất tận tuỵ, bài bản. Song học sinh của thầy còn thiếu sáng tạo, nét vẽ của thầy Quỳnh rất chắc, thể thiện sâu sắc sự học chu đáo của thầy. Song vì nét vẽ của thầy Quỳnh quá nghiêm chỉnh, bài bản nên hơi khô, còn họa sỹ Bùi Xuân Phái thì thích phá cách sáng tạo độc đáo hơn.

Giữa phố Hàng Trống có đền Hàng Trống. Đền Hàng Trống xưa kia đi lễ đông hơn bây giờ nhiều. Người đứng lễ phải xếp hàng từ ngoài đường. Ngày xưa, phố xá vắng vẻ, ngôi đền Hàng Trống sương khói mịt mờ, phố xá trông có vẻ thiêng hơn bây giờ nhiều. Hai nhà bên cạnh đồn Hàng Trống là nhà săm, có chứa gái mại dâm. Bây giờ tiếng chuông, tiếng cầu kinh ở phố đang thị trường hoá, tây hoá có vẻ như lạc lõng:

“Tiếng chuông vào phố lạc đường

Sư già khất thực luôn mồm thanh kiu”

Cách đền dăm nhà, có thời là lớp dậy vẽ của họa sỹ Đinh Minh và Phạm Viết Song. Lớp này có sự chỉ đạo tổ chức của sở văn hoá thông tin nên lớn mạnh hơn. Lớp vẽ đặt trên tầng hai, học sinh có đến gần trăm. Học sinh thì đủ các lứa tuổi. Thầy Phạm Viết Song có nhiều dấu ấn nhất với các họa sỹ trẻ. Đa số các họa sỹ này  đều qua thầy Song giảng dậy sơ cấp. Thầy Song là một nhà giáo mẫu mực, nhưng không phải là họa sỹ xuất chúng.

Khi về già, thầy Song rất thích nuôi chó fox, tiền thì thầy không đủ để mua chó đẹp, thầy gạ đem tranh đổi lấy chó. Nhưng phi vụ đổi chác này ít thành công, vì những người nuôi chó ít có ai thích thú chơi tranh.

Cuối phố Hàng Trống, cạnh nhà hàng Phú Gia xưa là rạp chiếu bóng Lửa Hồng, trụ sở trung tâm của tổ chức Hướng Đạo Viên và Sói Con. Tổ chức Hướng Đạo Viên và Sói Con cũng gần như đoàn thanh niên và thiếu niên cộng sản, nhưng không nghiêng về chính trị mà chủ yếu là vui chơi, cắm trại. Thiếu niên Hà Nội thời tạm chiến đều rất nhớ âm hưởng của bài hát của Hướng Đạo Viên: “Ngày xưa…vào trong núi rừng và cùng anh sói…”. Bài hát này tác động như bài: “Cùng nhau ta đi lên theo bước đoàn thanh niên…”

Một số nhân vật sinh sống quanh Hồ Gươm, một thời rất quen thuộc với người Hà Nội, nay đã không còn. Người xưa mất mà như còn, phải kể đến Nguyễn Siêu, người xây Tháp Bút:

“Văn như Siêu Quát vô tiền Hán

Thi đáo tùng thư thất thịnh Đường”

Thần Siêu, Thánh Quát tuy mất mà còn. Cháu đích tôn của Nguyễn Siêu là Nguyễn Tự Huy đã sống một cuộc đời khá cơ cực trong cái danh thơm của tiên tổ. Đến đời con ông Huy, chắt cụ Nguyễn Siêu cũng không ngoài quy luật thịnh mãi phải suy.

Rồi hình ảnh những ông Tầu bán phá sa ngồi co ro trong tháp trước cửa nhà bưu điện, hoặc bên gốc sấu già, không biết giờ đi đâu, về đâu. Thời 79 ta xua đuổi người Hoa, ông di tản ở nơi nào? Còn hay mất hả ông bán phá sa ơi!

Bây giờ có việc xưa thường gặp thì gần như không thấy, như thời Hà Nội tạm chiến, thỉnh thoảng lại có một đám đông tụ tập bên hồ, mặt ngơ ngác, u hoài chỉ ra phía giữa Hồ, nơi xác người con gái tự tử rập rờn trên nước biếc. Đời là bể khổ, nỗi buồn này không của riêng ai. Chẳng biết cô gái chết vì ai, nhưng sự thêu dệt của miệng lưỡi thế gian chỉ quanh chuyện tình ái mà thôi. Chuyện ấy cũng hay gặp trong tiểu thuyết của các nhà văn trong Tự lực văn đoàn.

Nhiều cô gái đã nhẩy cầu Thê Húc tự vẫn được cứu thoát. Sau khi tự tử hụt ấy, chẳng biết rồi cô gái sẽ ra sao? Ngày nay, các cô gái có thất tình, nạo thai, họ cũng không tự tử đâu.

Không biết có ai khi dừng chân nơi Tháp Bút nhớ đến hình ảnh một số họa sỹ lang thang ngồi vẽ chân dung bên Tháp Bút, thỉnh thoảng lại bị công an xua đuổi hoặc bị tạm giữ trên đồn. Trong các họa sỹ lang thang ấy có họa sỹ hình như tên là Mạnh Hải. Hải người nhỏ thó, mặt hom hem, nhưng cũng gây được đình đám thời 1970. Mạnh Hải là họa sỹ đầu tiên vẽ ảnh Bác Hồ bằng sơn dầu to nhất Việt Nam, nghe đâu phải dùng máy bay trực thăng mới cẩu lên treo được ở nóc nhà Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Cuối đời Mạnh Hải về sống ở khu lao động Tân Mai, nghe nói cũng tiêu điều lắm. Mọi sự rồi cũng rơi vào lãng quên. Mạnh Hải thành cụ già lẩm cẩm hay ngồi ở chợ Trương Định.

Ngày xưa, quanh Hồ Gươm còn có một số thanh niên lành nghề khắc bút, dùng dao nhọn khắc tên chủ vào bút máy. Độ ấy thú chơi nghèo nàn lắm, khắc tên vào bút cũng là kiểu chơi thú vị. Công an dẹp đám khắc bút hơi bị khó, vì họ chỉ cầm một con dao khắc ngồi ở ghế đá mời chào khách, vả lại cái chuyện khắc bút cũng không ảnh hưởng gì đến hoà bình thế giới, nên nghề khắc bút gắn bó khá lâu với Hồ Gươm.

Người khắc bút nổi tiếng nhất bên Hồ Gươm là Việt. Việt người Hà Nội, gốc Hàng Đường, gia đình danh giá. Vì thế sự thăng trầm nên phải mưu sinh bằng nghề khắc bút, và trôi dạt ra Bờ Hồ, lấy bờ hồ làm nơi kiếm cơm, độ nhật qua ngày.

Sau này, gặp thời mở cửa với quãng đời từng trải quanh Bờ Hồ, Việt đã thành ông chủ mở một “quán nhậu bên sông” tại chân cầu Chương Dương.

Hồ Gươm còn có một nhân vật đáng lưu ý là Hoàng Giác với cửa hàng đàn gần phía nhà ga xe điện Bờ Hồ. Hoàng Giác bán đàn kiêm cả dạy đàn ghi ta. Hoàng Giác có khuôn mặt trái xoan, dáng nho nhã, là tác giả nhiều bài hát về đồng quê, bài nhạc có lời tựa bởi hai câu thơ:

“Bao năm luân lạc quê người

Men say dở khóc dở cười nhớ quê”

Lời khúc đầu bài hát là: “Từ bao năm quê người sống điêu linh, mơ đồng lúa xanh tươi, êm đềm dìu theo cánh gió, vang tiếng tiêu u buồn lúc chiều tà”

Em Hoàng Giác là Hoàng Kim, cùng dậy đàn với Hoàng Giác. Hoàng Kim dáng phục phịch, mặt vô tư, cười hể hả. Thời chiến tranh phá hoại, Hoàng Kim có đi đánh đàn và hát phục vụ cho các đơn vị pháo bảo vệ quanh Hà Nội. Lớp dạy đàn của Hoàng Giác nửa trong nhà, nửa vỉa hè vì nhà rộng độ hơn 1m.

Nếu không nhầm thì nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm nổi danh từ thời chống Mỹ là con nhạc sỹ Hà thành: Hoàng Giác.

Ngày nay, từng đoàn nam thanh nữ tú quần áo muôn mầu sắc, tung tăng như đàn bướm bay lượn, có biết đâu rằng thế hệ trước đó bị cắt tóc, rạch quần vì dám ăn mặc theo ý mình. Những kiểu đầu theo mốt: cạo trọc, nhuộm tóc... ngày xưa mà vậy thì vào tù sớm.

Hồ Gươm ngày nay đẹp hơn xưa cả về nội dung lẫn hình thức. Thuở xưa, Hồ Gươm bẩn hơn và tình hình trật tự kém. Đi chơi Hồ Gươm ta thấy không yên tâm, hơi rờn rợn. Còn ngày nay, đến bất kỳ giờ nào đi chơi quanh Hồ Gươm ta cũng thanh thản như ở nhà mình.

Quanh Hồ Gươm thời Pháp, hàng năm có tổ chức chợ phiên. Chợ phiên cửa trước là mặt đường Nhà Thuỷ Tạ, cửa sau là phố Tràng Thi. Hình ảnh nhớ nhất về mọi cuộc chợ phiên là các sòng cờ bạc tôm, cua, rùa, cá… hoạt động mạnh mẽ. Thỉnh thoảng cũng có tốp Tây, Đầm vào xem qua. Trong khu đặt tượng Lê Thái Tổ có tổ chức một mê cung, đường đi như trận đồ bát quái, ai đến được đích thâm cung sẽ được hoa hậu tặng một nụ hôn. Hỏi ra mới biết là bị lừa, vì chẳng ai được hôn hoa hậu cả, cái đích cuối cùng lại vòng ra chỗ bắt đầu vào.

Ngày chợ phiên, Pháp bắc chiếc cầu ra Tháp Rùa. Người thiết kế chiếc cầu là ông Trần Văn Hoè, cũng là đồng tác giả tượng cảm tử quân trước cửa đền Ngọc Sơn. Con ông Trần Văn Hoè là Trần Thế Mỹ, giảng viên đại học Mỹ thuật Công nghiệp.

Trước cửa nhà Thuỷ Tạ xưa có cửa hàng bánh tôm nổi tiếng, nổi tiếng nhất là bà bán bánh tôm béo như thùng ton-nô. Mọi người gọi là quán bánh tôm mụ béo. Sau đó sợ chữ mụ béo là sấc sược, nên đổi thành quán Tộ Béo. Cạnh quán bánh tôm Tộ Béo là mấy ông Tầu bán nộm bò khô vỉa hè, tiếng kéo lách tách thay cho lời rao. Khách ăn toàn đứng.

Trẻ con có cái thú đi bắt ve sầu, cà cộ quanh Hồ Gươm. Cứ mỗi độ hè, ve sầu kêu ran quanh Hồ Gươm, lòng trẻ lại dậy lên ham muốn đến rạo rực đi bắt ve sầu và cà cộ. Ve sầu có hai loại, loại ve sầu kim nhỏ nhưng có tiếng kêu hay hơn loại ve sầu thường. Còn cà cộ to và đen đậu trên cây gạo cao chót vót, trẻ con trông thấy chỉ có thèm rỏ rãi chứ không bắt nổi. Muốn bắt ve sầu đậu trên cây thì chúng lấy một cây sào càng dài càng tốt, đầu sào phết nhựa mít hoặc nhựa vá săm xe đạp, tìm dấu vết ve sầu theo tiếng kêu, sau đó lấy đầu sào có nhựa dính vào cánh ve là bắt sống, nhưng cũng khó, vì ve thấy động bay vù đi mất. Khó nữa là cảnh sát, họ thấy trẻ con mang sào là đuổi. Cậu bé Viết Thuỳ táo tợn hơn, tìm chỗ vắng trèo lên cây để bắt ve. Cậu ta trèo trên cành phượng vĩ, phượng vĩ gỗ dòn, chỉ nghe tiếng cắc là Viết Thuỳ đã nằm dưới đất gẫy chân. Sau này Viết Thuỳ trở thành võ sỹ hạng gà có cú đấm rất mạnh, song đôi chân di động kém vì thuở bé chân bị bó vì gẫy. Về già Viết Thuỳ thành nhà thơ, hội viên hội liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội.

Còn cách bắt ve lột xác thì dễ hơn. Ve đẻ dưới đất, khi trưởng thành sẽ lột xác từ con sâu nằm trong lòng đất bò lên cây. Đêm mùa hè, sâu ve bò lên cây nằm bất động lột thành ve. Lúc đó ve ở gốc cây, ve lột chỉ bò, không bay được vì cánh còn ướt, trẻ con chỉ cần soi đèn pin quanh các hốc cây bên Hồ Gươm sẽ bắt được. Đêm mùa hè trẻ con đi bắt ve từng đàn, đèn pin soi loạng choạng. Bắt ve kiểu này gặp công an cũng không sợ bị bắt.

Có một điều ít người nghĩ mà nhiều người làm là thời chiến tranh phá hoại ác liệt, dân Hà Nội không biết nghe nguồn tin ở đâu mà mỗi khi biết tin địch sắp oanh kích ác liệt Hà Nội là rủ nhau sơ tán lên Bờ Hồ.

Dạo ấy có hai cách sơ tán, một là đi thật xa khỏi Hà Nội, hai là tạm về sơ tán giữa lòng Hà Nội: Hồ Gươm. Hàng ngày, dân Hà Nội lũ lựơt kéo nhau đến sống bên Hồ Gươm, cơm nắm muối vừng ăn trệu trạo cho qua bữa, đêm thì ngả lưng bất cứ chỗ nào cũng được, miễn là sống cho qua thời mũi tên hòn đạn. Nhiều người bán tín bán nghi cho là đế quốc Mỹ tàn ác thì bạ đâu ném bom chỗ ấy, tha gì dân, tha gì di tích lịch sử, chỉ có cách sơ tán lên rừng thôi.

Cũng có người cả tin đài BBC. Họ tin vào lời nói của BBC cho là dân nên đi sơ tán khỏi các mục tiêu đánh phá, Mỹ chỉ đánh phá nơi trọng điểm.

Chẳng biết đúng hay sai thế nào, nhưng rõ ràng khu dân cư Khâm Thiên bị ném bom huỷ diệt. Cũng rõ như ban ngày là khu quanh Bờ Hồ Hoàn Kiếm thì không một trầy sớt trong mọi trận ném bom Hà Nội. Chỉ mỗi lần pháo ta bắn lên trời thì mảnh đạn lại rơi lõm bõm xuống Hồ Gươm. Thôi thì tin vào đài BBC cũng lúc đúng, lúc sai. Nhưng thời ấy người Hà Nội tin vào đài BBC lắm.

Đi quanh Hồ Gươm ta được hưởng một cảnh quan kỳ thú, nhưng những ai đa tình, đa cảm không khỏi những suy nghĩ băn khoăn.

Đứng trước cửa Uỷ ban Nhân dân Thành phố, mọi người hơi giận cái nhà kiến trúc sư nào mà lại thiết kế quá dở, có người giận quá mất khôn thì bảo nó như cái máy chém. Rồi không ai bảo ai đều luyến tiếc cái toà  thị chính cũ, toà thị chính theo kiểu của thời Ma-đơ-len Jăng-van-giăng trong “Người cùng khổ”, sao nó có hồn thế. Người Tây họ kiến trúc giỏi thật. Mỗi ngôi nhà là tác phẩm nghệ thuật sống động. Còn kiến trúc của ta có lẽ phải suy nghĩ lại cách đào tạo hoặc hành nghề hoạt động thế nào. Đường từ Hà Nội đi Hà Đông, thì công trình kiến trúc xấu nhất lại là trường Đại học Kiến Trúc.

Trời, cái nhà bưu điện của ta xây cũng quá dở. Cái công trình này có lẽ là xây phải đến hơn chục năm mới xong. Mà dở nhất là cái đồng hồ to tướng trên nóc, nó vuông trằn trẵn lù lù trên nóc để ai cũng phải thấy. Người ta thì đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại, mình thì chơi ngược.

Cái xấu thứ hai cũng làm ta khó chịu là siêu thị Plaza vừa xây mới. Ngày xưa chỗ ấy là Bách hóa Tổng hợp duyên dáng bao nhiêu thì ngày nay nó thô thiển, trơ trẽn bấy nhiêu. Những cái cột to tổ bố trước cửa ra vào khiến ta nhìn thấy tức anh ách. Rồi cái hàng hiên bách hoá tổng hợp xưa nó nhẹ nhàng với hàng cột tròn mảnh tưởng như cái mái hiên ấy, nó nhẹ nhàng như cánh diều. Bây giờ đứng dưới cái mái hiên nặng chình chịch trên đầu, lại hay nghĩ dại nhỡ nó sập xuống thì đi tong.

Nhà Thuỷ Tạ cạnh hồ xưa đẹp lắm. Nay thì đã bị làm lại xấu đi nhiều. Người kiến trúc sư làm nhà Thuỷ Tạ, Bờ Hồ cũng là kiến trúc sư làm nhà sàn Bác Hồ. Chắc vị kiến trúc sư này cũng đau lòng khi thấy tác phẩm của mình bị thay đổi tuỳ tiện, bôi bác theo ý thích. Tầng sân thượng mái là trời xanh, ngồi đây như thấy được lên tiên. Nay họ xây thành nhà để tiện việc kinh doanh, nghĩ mà đau.

Còn cái nhà tròn xưa cũng đẹp lắm, trước là nơi trụ sở của nhân viên tầu điện. Có thời làm đồn cảnh sát. Nhà tròn này một tầng rất hoà hợp với không gian chung quanh. Nay thì ta đã bán cho ai, dân chẳng biết, chỉ biết là họ xây thành cao tầng nhưng xấu khủng khiếp. Nhân dân gọi đấy là toà nhà Hàm Cá Mập, dư luận chê bai, rồi sửa đi sửa lại cũng chẳng hơn được bao nhiêu.

Cũng có cái hơi xấu, nhưng nhờ cây cối che đi, người tinh ý mới thấy, đó là đình Trấn Ba bên đền Ngọc Sơn. Đình này so với đền và cầu Thê Húc hơi bị to quá.

Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, Hồ Gươm đã đẻ ra 3 quái thai.

1. Chiếc đồng hồ Thụy Sỹ đồng nát mặt phèn phẹt đặt ở sau quán bán hoa xưa đối diện với Tràng Tiền Plaza và nhà triển lãm thành phố.

2. Quả địa cầu đắp bằng xi măng lù lù như cái mả thằng ăn mày đối diện với sở bưu điện Bờ Hồ.

3. Quyển sách bằng xi măng cốt sắt to tổ bố, rất vô văn hóa đối diện với đền Bà Kiệu và nhà hát múa rối nước.

Ba quái thai này chắc là con hoang của ngành Mỹ thuật Việt Nam.

Khu đất trước cửa nhà Thuỷ Tạ xưa gọi là võ sỹ đoàn, nơi này chủ yếu là tập thể hình: xà đơn, xà kép, tạ… Những người  đắm say về cơ bắp thường đến đây vừa tập, vừa biểu diễn, vừa khoe với khách qua đường, nhất là có mấy cô gái đi qua thì các vận động viên càng lấy dáng, lấy mẽ.

Bây giờ khu đất cũng đã cho công ty bảo hiểm xây dựng một khu cao tầng. Khu nhà này bị người yêu phố cổ, Hồ Gươm phản đối kịch liệt, phải dừng lại nhiều lần, nhiều năm thay đổi thiết kế. Song cái gì đến sẽ đế, khu nhà này vẫn mọc lên mà ai trông thấy cũng tức anh ách.

“Chạy ngược trên chiếc thuyền xuôi

Thì ta vẫn cứ phải trôi theo thuyền”

Còn về tượng đài quanh Hồ Gươm thì có lẽ chưa có một điểm nào xứng đáng với cảnh mỹ miều linh thiêng của Hồ Gươm.

Đầu tiên, ta ngẫm lại quần thể tượng “Cảm tử quân” bên đền Bà Kiệu. Trong cảnh thiêng liêng cổ kính của đền Bà Kiệu dưới bóng cây đa cổ thụ xưa là cái nhà tám mái cùng hoà nhập với nhau thành một khối như thiên nhiên vốn thế. Nay ai đó lại nghĩ ra cách phá đi cái nhà tám mái tuyệt vời để thay vào đó một quần thể tượng súng gươm không hoà nhập gì vào với không gian cổ kính cả về nội dung lẫn hình thức.

Còn xung quanh Tháp Bút thì lổn nhổn những cục, chẳng hiểu cục gì, tưởng như công trường làm đá. Họ quăng ra bừa bãi những cục lổn nhổn to như con lợn, con ngỗng. Nhìn kỹ mới biết là loại tượng hiện đại. Đền Ngọc Sơn cổ kính là vậy lại vứt ra đấy thứ đá mô-đéc thì khác gì ta phải nghe Tây hát chèo:

 

“Sống như tây nghĩ như ta

Cội nguồn đau khổ chính là từ đây

Sống như ta nghĩ như tây

Khác gì ta phải nghe tây hát chèo”

Còn tuợng vua Lý Thái Tổ trong vườn hoa Gandhi thì giống bất cứ một ông vua nào trong ước lệ. Ta có thể gọi tên tượng này là bất cứ một ông vua nào cũng được: gọi là Tần Thuỷ Hoàng, Lê Thánh Tông, Gia Long… muốn gọi tên gì tuỳ ý. Tượng này không có vướng víu chút gì trong tâm linh người Việt về hình tượng Lý Thái Tổ, người đọc chiếu dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long. Vì tượng này làm theo công thức ước lệ, nên cũng chẳng có gì để khen, có gì để chê. Ta có cảm tưởng về tượng này như người từ hành tinh khác đến.

Bờ Hồ trước có cửa hàng bán hoa tươi trông sang Bách hoá Tổng hợp đẹp nhất Việt Nam, chẳng hiểu vì lý do gì bị phá bỏ đi.

Ngày nay khách hoài cổ đứng chỗ  Bách hoá Tổng hợp cũ nhìn sang Bờ Hồ lại nhớ quán bán hoa, cô bán hoa. Đứng trên nền quán hoa xưa lại hoài niệm Bách hoá Tổng hợp đầy ắp kỷ niệm của một thời Hà Nội.

 

 

Câu cá mưa nắng suốt ngày

Được con cá tép mà say hết lòng

Hạnh phúc không thể đếm đong

To không hơn nhỏ, ít không kém nhiều

Ngày xưa Hồ Gươm có thú câu cá rất chân quê chứ không thủ lợi, sát sinh, đa dâm – câu cá ôm như sau này. Trẻ em thường câu tôm, cá mương, cá bống. Câu tôm thì dùng dây chỉ, lưỡi làm bằng sợi dây phanh xe đạp. Một cần câu có thể buộc tới 6 cái lưỡi mắc mồi giun. Một lần giật có thể được từ 1 đến 6 con tôm. Tôm cắn câu khác hẳn cá. Tôm từ từ kéo phao chìm đến một độ sâu nhất định rồi để im. Người câu cũng phải nhấc lên từ từ chứ không được giật mạnh sẽ bị tuột. Khi tôm mắc câu phải đưa nhanh vào bờ vì tôm chỉ nuốt mồi hờ ngoài miệng, nếu nhấc chậm, tôm dễ bị rơi trở lại hồ.

Còn câu cá mương thì ngược lại: phao cứ chớp nhoáy lia lịa, thoắt chìm thoắt nổi. Người câu phải nhanh tay nhanh mắt giật đúng thời cơ.

Câu cá bống thì không cần dùng lưỡi, chỉ cần buộc cả con giun vào sợi chỉ rồi nhử dưới nước. Cá bống tham ăn, mồm cá bống lại to hơn thân nên nuốt chửng cả con giun. Vì dây câu không có lưỡi, nên người câu phải giật thật nhanh, mạnh làm cá bống tung lên trời rồi đưa chiếc mũ lá rộng vành ra hứng cá như người làm xiếc. Có lần Bát Phố ngồi câu tôm ở dưới gầm cầu Thê Húc vô tình sờ vào sợi dây điện đã bị giật tí chết. Gần 70 năm sau, nhìn dây điện dưới chân cầu Thê Húc, Bát Phố còn nhớ đời về cú điện giật ấy.

Trẻ con câu cá thuở ấy vừa có nét đẹp chân quê của trẻ chăn trâu vừa như tiên đồng ngọc nữ, vừa thanh tịnh như Thiện Tài, Long Nữ bên cạnh Bồ Tát. Còn bây giờ những kẻ câu cá ôm, câu cá trộm bên hồ Hoàn Kiếm mặt vừa lấm lét nhìn công an, vừa đầy sát khí. Từng đoàn vệ sĩ, công an đi lại vẫn không hề cấm được cảnh câu cá trộm vì kẻ câu cá dùng dây câu đặt dưới chân chứ không dùng cần câu nên rất khó bị lộ. Đường quanh hồ gạch lát long lở từng đám. Hồ Gươm như một quý phi bị thất sủng.

Quanh Hồ Gươm xưa còn có lớp trẻ con đi xe đạp người lớn như xiếc. Bọn nhóc không ngồi được lên yên xe người lớn (vì thuở ấy hầu như không có xe đạp trẻ con) nên bọn nhóc chỉ còn thò chân dưới khung xe, vẹo người sang một bên đạp nhoay nhoáy như con choi choi mà không hề bị tai nạn vì đường phố vắng lặng. Đặc biệt có những đôi trai gái tập xe đạp với nhau. Thỉnh thoảng cô gái tập xe lại ngã vào lòng anh con trai. Cảm giác mê ly kì thú ấy làm anh con trai thấy lâng lâng cả đời vì thuở ấy nghiêm lắm, làm gì trai gái  được hôn hít sờ mó tĩ tã trên ghế đá bờ hồ như ngày nay

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

Join the conversation

You can post now and register later. If you have an account, sign in now to post with your account.

Khách
Trả lời chủ đề này...

×   Bạn vừa dán nội dung có định dạng.   Paste as plain text instead

  Only 75 emoji are allowed.

×   Your link has been automatically embedded.   Display as a link instead

×   Your previous content has been restored.   Clear editor

×   You cannot paste images directly. Upload or insert images from URL.

Đang xử lí...

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This is an example of a list.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

×
×
  • Create New...