Jump to content
duonghoanghuu

Thơ khó: thành công hay thất bại trong sáng tạo?

Recommended Posts

 

Nhiều nhà thơ khẳng định làm Thơ khó, giấu nghĩa để thiên hạ đi tìm, để độc giả được tự do sáng tạo ra các lớp nghĩa cho thơ… là một thành công. Nhưng lại có người viết khẳng định dễ hiểu, cảm động mới là đích đến của thơ. Phải chăng thơ dễ hiểu thì ý tứ nông cạn, thường thường bậc trung, ai cũng biết, và người sáng tác quá dễ dãi; còn thơ khó hiểu là thơ có ý tứ sâu sắc, kín đáo, người sáng tác phải dày công, thậm chí đó mới là thơ đích thực? Các nhà thơ 7x, 8x… hiện nay chủ ý làm cho thơ khó về ý tưởng và hình thức không? Có hay không rào cản giữa thơ trẻ và độc giả? Đâu là giới hạn của người đọc và người sáng tác? Phải chăng hiện nay chỉ có các nhà thơ đọc nhau, phê bình về nhau, chứ độc giả nói chung thì thờ ơ với thơ, họ thường không hiểu các nhà thơ nói gì, viết gì, họ không nhận ra được ý tứ sâu kín nhà thơ gửi gắm trong văn bản..  thực tiễn sáng tác và tiếp nhận vẫn đang đặt ra nhiều vấn đề cần có sự phản hồi từ nhiều phía. Tiếp tục mạch chuyện Bàn về “thơ khó” đương đại Việt NamPhebinhvanhoc.com.vn xin giới thiệu ý kiến bàn thảo của một số nhà thơ về sự lựa chọn đường hướng sáng tạo của họ

 

Lê Vĩnh Tài: Thơ hôm nay nên “khó” đọc hay “khó” đăng?

1.Tôi chưa bao giờ quyết định rằng mình sẽ làm một bài thơ. Những câu chuyện vẩn vơ đâu đâu hay những giấc mơ thường bất ngờ bám lấy tôi và “bắt” tôi phải viết. Có lẽ vậy mà tôi thường viết rất nhanh. Tôi luôn luôn thấy những lỏng lẻo khi mình phải “cấu trúc” một bài thơ. Khi tôi phải nhớ lại mình đã làm một bài thơ như thế nào thì chỉ còn một cảm giác mơ hồ, chứ không phải là một kinh nghiệm. Nó chỉ là một phản ứng ngôn ngữ của tôi ngay lúc ấy, với câu chuyện ấy, và bây giờ thì không còn ám ảnh mình nữa, vậy thôi. Đó là lý do tại sao tôi rất thích sự phi lý trong quá trình sáng tạo. Nhưng tôi cũng tin rằng, sự phi lý này phải được chuyển tải đến người đọc. Thật mệt mỏi khi anh đánh đố mọi người mà cuối cùng câu trả lời của anh lại chẳng có vấn đề gì trầm trọng. Mà thơ thì không thể giấu. Đó không chỉ là trí tuệ mà còn là thế giới quan của thi sĩ. Anh không nói hết những ý nghĩ của chính mình thì còn ai có thể nói thay anh? Rồi khi tuổi đời đã mòn, cảm xúc đã cạn lại đành hồi ức tiếc nuối đâu đâu…

Hòa tan cảm xúc của mình vào sự bí ẩn, nhưng nhà thơ cần phải gửi gắm vào đó những yêu thương và căm ghét. Tôi thích những nhà thơ quyến rũ bạn đọc bằng tư tưởng của mình, không phải những phiêu lưu tối mò và kỹ thuật vô ích.

Về phần tôi, tôi tin rằng sự tinh tế của nhà thơ làm nên sự “khó” của thơ hôm nay (những giai đoạn khác thì tôi không biết), nếu có thể, thì chỉ nên khó đăng chứ không nên khó hiểu. Đã đành không ai dám xếp thơ vào một nhu cầu không quan trọng, nhưng trong cuộc sống còn khó khăn mệt mỏi, đọc thơ là một nhu cầu có thể “miễn trừ” đối với nhu cầu kiếm đủ áo cơm. Vì thế, người đọc cần đọc ngay vào những cái mà họ thấy yêu thương hay cay đắng (dĩ nhiên bằng một ngôn ngữ có thể đầy “vật lộn” chỉ có ở nhà thơ). Sự vòng vèo vô ích của nhà thơ tối tăm đôi khi làm người đọc chán không phải vì “khó” mà vì cuối cùng anh cũng không mang lại cho người đọc được những gì mà họ mong mỏi. Những kịch tính ấy xưa nay là đặc quyền của các nhà văn xuôi, nhưng có lẽ đã đến lúc nhà thơ cần chia xẻ trách nhiệm này. Không phải không có lý khi người ta không chỉ chán ngán mà còn đang oán trách các nhà thơ thời nay viết quá nhiều những bài thơ tùy tiện du dương và vô nghĩa. Sự “khó” của thơ nên mang lại cho người đọc một ngụ ngôn về cuộc đời dù với những biên tập kiểm duyệt mà con người ta vẫn có thể lang thang trên những bài thơ đầy khai mở, chứ sự “khó” không bao giờ làm thơ thành một thứ hàng hóa xa xỉ. Nhà thơ sáng chế ra sự “khó” làm thành những hư cấu về cuộc sống, dù dịu dàng hay tàn ác thế nào đi nữa, vẫn đáng sống và vẫn gần gũi trong tầm tay mọi người. Bạn đọc muốn nhà thơ hãy nhường phần hy vọng xa xôi tận đâu cho tôn giáo với những công bằng của thiên đàng địa ngục ở kiếp sau.

2.Tôi không thấy một rào cản nào của “thơ trẻ” hiện nay với bạn đọc cả. Cũng không có rào cản của thơ nói chung. Có thể có vài ba rào cản nào đó, nhưng đó không phải rào cản anh đang ám chỉ mà là những chuyện ngoài thơ. Chẳng còn ai muốn nghe nữa. Sự phát triển của xã hội làm người đọc thơ hôm nay không còn tấm màng che hai bên mắt ngựa và các nhà thơ cũng không còn trói buộc vào một chủ nghĩa hay phương pháp sáng tác nào. Điều vui sướng của người đọc bây giờ là đọc xong một bài thơ mà vẫn lưu giữ những ý nghĩa lẩn quất trong đầu, dù niềm vui ấy có bị đe dọa về sự không sáng rõ do những bí ẩn của bài thơ mà nhà thơ vô tình mang lại.

Tôi vẫn nghĩ thơ luôn luôn là tên gọi của một nỗi buồn. Đó là lý do các nhà thơ tiếp tục mộng mơ, tiếp tục viết, tiếp tục lý giải về những phận người đã và đang bị ruỗng mòn bởi sự tàn ác, thời gian… và cuối cùng là cái chết. Sự múa may và vô nghĩa trong thơ nhằm làm cho mọi người lim dim ngủ như ngấm thuốc phiện là một tội mà chắc bạn đọc sau này khó tha thứ. Một nhà thơ bẩm sinh luôn luôn có khả năng mang bạn đọc đi theo tới cùng nhằm nhận được sự sáng rõ của mình sau những rối loạn đáng yêu của tất cả các giác quan. Hình như đó mới là quyền lực của thơ và những nhà thơ thực sự.

Nguyễn Phan Quế Mai: Thơ khó không phải đích đến của tôi

 

1. Tôi luôn trân trọng các nỗ lực cách tân thơ cũng như sự phong phú của các thể loại thơ. Nhưng, tôi sẽ lạc lõng chăng khi nói rằng thơ khó không phải là đích đến của tôi?

Là một người viết, tôi tìm đọc rất nhiều các thể loại thơ, trong đó có nhiều bài thơ khó, rất khó. Đôi khi tôi hoang mang, tự hỏi có phải là kiến thức thơ của tôi quá kém hay trình độ trên đại học của tôi vẫn chưa đủ để hiểu những bài thơ ấy. Một lần, vì quá băn khoăn, tôi tiếp cận với tác giả một bài thơ khó, nhưng chính người ấy cũng không thể giải thích với tôi những điều muốn chuyển tải qua bài thơ của mình.

Có người đã nói rằng, thiên tài là một người có thể diễn tả những vấn đề phức tạp nhất một cách giản dị, dễ hiểu và ngắn gọn nhất. Theo tôi, thơ hay, thơ mới hoặc thơ cách tân không nhất thiết phải là thơ khó, mà ngược lại, những bài thơ hay là những bài thơ dễ hiểu, dễ cảm, dễ đi vào lòng người. Các nhà thơ, dù cách tân đến đâu, dù rối rắm đến đâu, làm sao có thể vượt qua vẻ đẹp giản dị của thơ Xuân Quỳnh: “Chỉ có thuyền mới hiểu/Biển mênh mông dường nào/Chỉ có biển mới biết/Thuyền đi đâu về đâu/Những ngày không gặp nhau/Biển bạc đầu thương nhớ/Những ngày không gặp nhau/Lòng thuyền đau – rạn vỡ” (Thuyền và biển)?

Bài thơ trên của Xuân Quỳnh, đại diện cho một bài thơ hay, mặc dù dễ hiểu, nhưng không hề nông cạn, mặc dù đi vào lòng người, nhưng không hề đơn giản. Bài thơ ấy ẩn chứa nhiều tầng ngữ nghĩa, và những vẻ đẹp chưa phát lộ, mà bạn đọc có thể tự khám phá bằng cách soi mình vào bài thơ ấy.Dù đã thuộc lòng “Thuyền và biển” từ thời còn đi học, bây giờ đọc lại, tôi vẫn thấy bài thơ ấy không hề cũ chút nào.

Là một người viết, điều tôi sợ hãi là mình lạm dụng cách tân để tạo ra những vỏ bọc rối rắm của ngôn từ. Tôi sợ mình say sưa với cuộc đua khoe khoang chữ nghĩa mà quên đi giá trị đích thực của thơ ca. Cách tân đối với tôi không phải là cuộc chơi trốn tìm chữ nghĩa, mà là dâng hiến cho người đọc những vẻ đẹp tươi mới trong nội dung, hình ảnh, cách diễn đạt, trong sự thăng hoa của cảm xúc. Tôi biết con đường mình đi đang rất dài nhưng tôi đang tìm đến sự giản dị trong thơ. Giản dị không có nghĩa là đơn giản, không có nghĩa là không có chiều sâu. Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, trong một bài viết gần đây có nói: “Thực ra khó hiểu hay dễ hiểu không phải là tiêu chí của thơ, mà thơ hay chính là sự lay động người đọc ở cảm xúc mạnh, ở tính đa nghĩa của hình tượng, ở sự hợp lý đắc địa của ngôn từ. Giá trị của thơ nằm ở việc phát hiện vấn đề, tìm và dựng tứ độc đáo, ở tính sáng tạo trong thiết lập cấu trúc bài, chọn lựa hình tượng khác lạ, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ nhuần nhuyễn đổi mới”.

Tôi không phủ nhận và chối bỏ bất cứ hình thức sáng tạo nào. Trái lại, tôi nghĩ rằng các nỗ lực sáng tạo của các nhà thơ đang tạo ra những hình thức đầy màu sắc của thơ ca, nhiều “món ăn tinh thần” phong phú cho người đọc. Tuy nhiên, ở ngã rẽ sáng tạo, tôi sẽ không chọn cho mình con đường đi đến thơ khó, vì tôi nghĩ đấy không phải là lựa chọn duy nhất của sự đổi mới và cách tân trong thơ.

Đỗ Doãn PhươngNgười làm thơ thường thất vọng vì sự thờ ơ của công chúng

1. Chắc chắn không người viết nào nói rằng thơ mình cầu kỳ rắc rối khó hiểu. Người viết luôn nghĩ rằng vì tư tưởng mình to lớn, diễn dịch ra phải cần nhiều ý, nhiều tứ, nhiều thủ pháp tu từ và nhiều chữ. Thậm chí, những con chữ trong tự điển thôi chưa đủ, cần phải sáng tạo thêm những chữ mới. Và họ như con lạc đà chất lên mình gánh nặng do chính họ tạo ra. Trong khi cả nàng thơ của họ và công chúng không cần cái gánh nặng ấy, mà chỉ cần những trải nghiệm rút ra từ đó (….)

Khi viết thơ, đương nhiên ai cũng nghĩ mình rất… dễ hiểu, rất mạch lạc, rất thành thực và cho rằng những ai không hiểu thơ mình hình như là do họ kém năng lực thẩm mỹ. Cũng tương tự như khi viết thư tình. Mình thành thực giãi bày lòng mình kín 4 tờ phê đúp, toàn những lời gan ruột cả, hy vọng cô ấy sẽ nuốt lấy từng lời, và sau đó ấp ôm bức thư vào ngực. Nhưng sự thực có phải bao giờ cũng thế đâu. Có khi nàng đọc bức thư mà chỉ cười khẩy vì người viết đã giãi bày những thứ tối tăm, rạo rực mà nàng chẳng muốn nghe. Như thế có nghĩa là mình đã viết về những thứ quá riêng tư, chỉ có ý nghĩa đối với chính bản thân mình trong hoàn cảnh ấy, tâm trạng ấy. Nó hoàn toàn vô nghĩa khi đem ra ánh sáng. Những bức thư như thế, cứ để một thời gian, khi đã hết cơn “đắm say” với nàng, giở ra đọc lại mới thấy mình viết thật là tức cười.

Hơn nữa bài thơ của ta đâu phải chỉ là giãi bày riêng cho một người, nó là giãi bày với cuộc đời. Mà cuộc đời thì gồm toàn những người không những rất khác mình, mà họ còn không có thời giờ để quan tâm đến mình nữa. Vì thế vượt lên khỏi cái riêng tư, cái cảm giác tự kỷ ám thị để viết về những cảm xúc có thể là “mẫu số chung” cho mọi người là điều cần thiết.

Người làm thơ thường thất vọng vì sự thờ ơ của công chúng, bởi làm được một bài tử tế đã khó, kiếm tìm sự đồng cảm của độc giả lại còn khó hơn. Cứ lấy chính mình ra làm ví dụ. Biết bao nhiêu lần mình thắp đèn cầm sách của nhiều đại thi hào tầm cỡ thế giới lên, ngồi cau mày, nhăn trán đọc mãi, đọc mãi mà vẫn thấy thơ của các vị cứ trượt ra khỏi mình. Nhưng tất nhiên, mình không dám nghi ngờ năng lực của các vị, mà đành phải quay sang nghi ngờ chất lượng của bản dịch, hay nghi ngờ năng lực cảm thụ của chính mình. Điều đó cũng là bình thường thôi, bởi để hiểu được một bài thơ có khi phải cả đời, nhất là bài thơ mà phải suốt đời ngẫm nghĩ người ta mới viết ra được. Như thế bài thơ có một mẫu số lớn.

Ở nhà, tôi thường đùa với mẹ rằng, bài nào của con mà mẹ khen hay tức là bài… dở nhất, bởi thơ của con cao siêu, chứ không phải để đành cho các “bà già nhà quê” như mẹ! Đó chỉ là câu đùa thôi. Nó là một nửa của sự thật, bởi nếu một bài thơ mà các cụ thích thì thường là các bài vè.  Tuy nhiên, nếu cái cao siêu biết tự từ chối sự cao siêu của mình mà giản dị được như bài vè thì mới thực là đắc đạo. Tôi không tin rằng mẹ tôi hiểu hết được những gì tôi gửi gắm vào các bài thơ, nhưng hy vọng có những bài gần gũi đến mức mẹ cảm thấy có một phần đời sống của mình ở bên trong.

2. Rào cản giữa thơ trẻ hiện nay và người đọc do cả hai phía. Người đọc có quá nhiều sự lựa chọn để giải trí, cho nên thờ ơ với văn thơ, và lâu dần mất thói quen thưởng thức giống như “mất dạ” với một món ăn vậy (vừa nghĩ tới đã thấy ngấy tận cổ rồi). Ở phía ngược lại cũng do chính những người sáng tác lâu nay, khi nghệ thuật của mình không kiếm tìm được những hình thức “ngon lành”, “hấp dẫn” để lôi cuốn người đọc thì dần dà những cái mình viết ra hầu như chỉ để cho mình. Ngay cả các độc giả chuyên nghiệp (tức là các bạn văn) cũng mất hứng thú khi đọc tác phẩm của nhau.

Phá vỡ được rào cản này, gây ra được một con sốt, một sinh thú mới cho người  đọc thơ, ấy là điều mà nhà thơ nào cũng ao ước. 8 năm trước, nhà thơ trẻ Lãng Thanh qua đời. Cú sốc trước cái chết của anh, cộng với sự sửng sốt trước những vần thơ vừa lãng mạn kỳ ảo, vừa đẹp đẽ một cách đau đớn, trong suốt… công chúng đã tìm đến thơ  Lãng Thanh và tiếp nhận anh. Những đột phá khẩu như thế luôn là niềm hy vọng để công chúng trở lại với thơ

T. K thực hiện

Chuyên đề Thơ khó đương đại Việt Nam do phebinhvanhoc.com.vn tổ chức. Bài đã đăng trên Văn nghệ Trẻ số 13 – 2012

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

Join the conversation

You can post now and register later. If you have an account, sign in now to post with your account.

Khách
Trả lời chủ đề này...

×   Bạn vừa dán nội dung có định dạng.   Paste as plain text instead

  Only 75 emoji are allowed.

×   Your link has been automatically embedded.   Display as a link instead

×   Your previous content has been restored.   Clear editor

×   You cannot paste images directly. Upload or insert images from URL.

Đang xử lí...

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This is an example of a list.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

×
×
  • Create New...