Jump to content
duonghoanghuu

Về The things they carried : Nguyên tác không 'tục' như bản dịch

Recommended Posts

 Thay vì một vài câu trả lời về đoạn dịch gây tranh cãi, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã chia sẻ với độc giả VietNamNet một sự hiểu biết và trải nghiệm suốt 20 năm của anh về Tim O’Brien và "Những thứ họ mang".

 

Một nhà báo của VietNamNet hỏi tôi một số câu hỏi về chuyện này. Vì thế, tôi viết ra một vài suy nghĩ nhỏ của mình để cùng trao đổi với dịch giả và bạn đọc. Cá nhân tôi là người lâu nay đánh giá cao năng lực dịch văn học của Trần Tiễn Cao Đăng. Anh còn là một người sáng tác truyện ngắn từ những năm 90 của thế kỷ trước. Cuốn sách này tôi đã đọc từ rất lâu do Tim O’Brien ký tặng. Nhưng quả thực, tôi không nghĩ đến một câu tiếng Việt như Trần Tiễn Cao Đăng dịch.

20130422083834-anh-1.jpg

Bìa gốc của cuốn "Những thứ họ mang".

Việc không ít bạn đọc phản đối câu dịch này là chuyện dễ hiểu. Cho dù câu tiếng Việt của Trần Tiễn Cao Đăng chính xác 100% và không thể có một cách dịch thứ hai nào nữa thì đông đảo bạn đọc cũng sẽ vẫn phản đối. Lý do duy nhất là văn hóa của người Việt Nam không thể coi những câu văn như vậy là văn chương cho dù văn chương viết về cái xấu. Câu chuyện văn hóa ở khía cạnh này là một câu chuyện không hề đơn giản. Có thể một ngày nào đó, bạn đọc Việt Nam sẽ chấp nhận được những câu văn như thế? Nhưng bây giờ thì chưa phải. 

Một số ý kiến cho rằng dịch phải trung thực với nguyên bản. Điều này đúng nhưng thế nào là đúng với nguyên bản là một câu chuyện mà chúng ta sẽ bàn vào một dịp khác. Có bạn đọc bắt bẻ rằng trong câu tiếng Anh của Tim không có từ đ** mà Trần Tiễn Cao Đăng lại dịch ra chữ đ**. Bắt bẻ này không có lý cho dù tôi cũng chẳng thích cho từ đó vào và nếu có từ đó trong câu tiếng Anh thì cũng không cần phải đưa vào ở trong trường hợp này. Ai cũng biết, dịch là một sáng tạo mới xuất phát từ một sáng tạo trước đó. Thực ra sự sáng tạo tiếng Việt trong bản dịch là để đảm bảo truyền đạt được chính xác nhất và truyền cảm nhất văn bản của nhà văn ở một ngôn ngữ khác và một nền văn hóa khác.

20130422083834-anh-2.jpg

  Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

Nhưng cá nhân tôi không chọn câu tiếng Việt của Trần Tiễn Cao Đăng bởi hai lý do:

 

 
Lý do thứ nhất: "cooze" hoàn toàn là một từ có nghĩa chỉ bộ phận sinh dục nữ. Nhưng liệu có phải nó chỉ có một nghĩa duy nhất như vậy không? Câu trả lời là  không. Cooze là từ tiếng Anh xuất phát từ một từ trong tiếng Arabic (cuiz). Nếu tôi không nhầm thì từ này du nhập vào nước Mỹ sau Đại chiến thế giới II. Nó là tiếng lóng và có hai nghĩa cơ bản: một là bộ phận sinh dục nữ, hai là chỉ một người đàn bà được nhìn nhận như là một mục tiêu của những thèm muốn nhục dục. Trong một từ điển, nghĩa đầu tiên của từ cooze được giải thích như sau: là một cô gái quê mùa, nông cạn, ít phẩm hạnh... chỉ để đáp ứng nhục dục mà thôi. 

Hơn nữa, từ ghép dumb cooze không có nghĩa cụ thể như dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng đã dịch. Vì vậy, người dịch có thể dịch một thành một câu nào đó mà không bị bắt bẻ là dịch sai. Quả thực, tôi cũng không hiểu hết từ ghép này.

 

Tôi đã gọi điện cho những người mà tôi tin sẽ hiểu đúng nhất từ này và câu văn của Tim. Một trong những người đó là Bruce Weigl, một cựu binh, một nhà thơ Mỹ, một giáo sư ngôn ngữ, ông vừa nhận giải thưởng Finalist, giải thưởng chung kết dành cho những cuốn sách lọt vào vòng cuối cùng cho Giải Pulitzer về văn chương năm 2013. Năm nay, chỉ thiếu 1 phiếu là Bruce Weigl trở thành chủ nhân của Giải Pulitzer trao cho sách văn học của Mỹ.

 

Bruce là bạn của Tim đã nhiều năm. Cả hai cùng tham gia chiến tranh. Bruce giải thích cụm từ dumb cooze như sau: “the dumb cooze là một từ ghép giống như the dumb ass. Đó là một cách nói vui để trêu chọc hay chòng ghẹo ai đó. Một trong những nghĩa của từ “cooze” là chỉ một ai đó chậm hiểu một chút, nghễnh ngãng một chút. Và ở đây là một cách nói yêu và mang tính bạn bè. Ví dụ, nếu anh, Đức, Chu Lượng và tôi đang ngồi trên xe đi vãn cảnh chùa và vô tình tôi đánh đổ cà phê ra đầy xe, anh có thể nói với tôi “What a dumb cooze you are””.

 

Tôi muốn nói thêm để bạn đọc rõ: Bruce là bạn thân của chúng tôi hơn 20 năm nay. Và như vậy, chắc chắn tôi không thể mắng Bruce là ông có “cái mặt dumb cooze” hay Bruce mắng ai đó là bạn thân của mình có “cái mặt dumb cooze”. Và cho dù cô gái mà Rat (Chuột) coi là một kẻ thối tha thì tôi nghĩ Trần Tiễn Cao Đăng cũng có thể chọn một câu khác lột tả được sự tức giận và khinh bỉ của Rat mà không cần phải dịch câu đó như anh đã dịch.

 

Lý do thứ hai: Quả thực các dịch giả phải sáng tạo thì mới hy vọng bản dịch mang lại giá trị cho tác phẩm. Nhưng có một nguyên tắc vô cùng quan trọng đối với dịch giả là phải tìm cách chọn một ngôn ngữ phù hợp với văn hóa của đất nước người đọc mà vẫn lột tả được tinh thần của nguyên tác. Điều tôi nói đây là  khi ta gặp một số câu như câu văn của Tim. 

Trong cả cuốn Những thứ họ mang theo, Trần Tiễn Cao Đăng làm rất tốt công việc của mình vì anh vốn là một dịch giả có uy tín. Nhưng cái câu mà bạn đọc đang phản đối thì Trần Tiễn Cao Đăng có cần thiết phải dịch như thế  hoặc nó có phải là câu quan trọng đến mức bỏ nó đi (hay dịch một câu tiếng Việt tương tự) thì toàn bộ tác phẩm đó sẽ sụp đổ hay không? Bạn đọc không cấm dịch giả dịch như vậy nhưng họ đòi hỏi một bản dịch chính xác, hay, và không “phạm quy” văn hóa. 

Vì thế, dịch giả sẽ phải cân nhắc vô cùng kỹ lưỡng khi quyết định dịch câu văn đó. Và với rất nhiều lý do hợp lý, câu văn đó hoàn toàn không nên dịch như vậy.

Hơn nữa, đoạn cuối cùng trong truyện Làm thế nào kể một câu chuyện chân thực về chiến tranh, Tim O’Brien viết: Và dĩ nhiên, cuối cùng, một câu chuyện chân thực về chiến tranh lại chẳng bao giờ kể về chiến tranh. Nó kể về một lối đi đặc biệt mà ban mai đến và đang trải dài trên sông khi mà bạn biết rõ rằng bạn sẽ phải vượt qua dòng sông ấy đi về phía dãy núi và làm những gì mà bạn thấy sợ hãi khi phải làm. Nó kể về tình yêu và ký ức. Nó kể về nỗi buồn. Nó kể về những chị em gái, những người chẳng bao giờ viết một dòng thư trả lời và chẳng bao giờ lắng nghe câu chuyện của chúng ta. (tôi tạm dịch vì không có bản dịch của Trần Tiễn Cao Đăng để trích dẫn)

Với âm hưởng tình cảm trong đoạn văn cuối ấy, tôi cảm thấy một nỗi buồn nhân văn ngập tràn trong toàn bộ con người Tim. Âm hưởng ấy cho tôi cảm thấy rằng Rat hay chính Tim không chửi rủa một cách cạn tình hay quá tục tĩu với cô gái đã không viết thư trả lời anh hay là đã không chịu lắng nghe câu chuyện đau thương mà anh đã kể. Mà dù thế nào thì cô gái ấy mới là người phải chịu đựng sự mất mát lớn nhất bởi chiến tranh. Cô đã mất đi vĩnh viễn một người ruột thịt của mình. Rat (Chuột) hay Tim đều hiểu rõ điều đó hơn ai hết. Đôi khi, để hiểu được một câu nói cụ thể như câu của Tim, chúng ta phải cảm nhận được cả những điều ở bên ngoài câu nói ấy. Ngay cả khi đọc những tác phẩm viết bằng tiếng Việt thì việc đọc đối với chính bạn đọc Việt Nam không phải lúc nào cũng là hoàn toàn dễ dàng.

Lời giải thích của giáo sư, nhà thơ Bruce cũng chưa thật làm tôi thỏa mãn. Tôi đang tìm cách liên lạc với Tim để hỏi ông. Bởi ông chính là người viết ra câu văn đó. 

Tôi gặp Tim O’Brien cách đây hơn 20 năm ở Hà Nội. Khi ấy Tim đến Việt Nam để tham dự cuộc gặp gỡ đầu tiên sau chiến tranh giữa các nhà văn cựu binh Việt Nam và cựu binh Mỹ thông qua Trung tâm William Joiner. Dăm năm sau đó, Tim quay lại Việt Nam cùng với người bạn gái của ông tên là Kate. Lúc đó Kate có viết một cuốn tiểu thuyết nhưng chưa có nhà xuất bản nào ở Mỹ nhận in. Tim nói với Kate về văn hóa Việt Nam và đặc biệt về Văn Miếu.

 

Tim cho rằng đó là ngôi đền văn chương duy nhất trên thế giới. Qua lời kể của Tim, Kate nghĩ rằng chị sẽ đến đó cầu xin các vị Thần phù hộ cho cuốn sách của chị được ra mắt. Tôi đã đưa Tim và Kate đến Văn Miếu. Họ đã thắp hương và cầu khấn. Từ đó đến nay, tôi không gặp lại hai người. Tôi không biết cuốn tiểu thuyết của Kate đã ra mắt bạn đọc Mỹ hay chưa. Nhưng có một điều tôi biết đó là những gì thật đẹp đẽ, thật nhân văn và thiêng liêng khi Tim nghĩ về văn hóa của một dân tộc khác cho dù dân tộc đó một thời đã là kẻ thù của nước Mỹ.

Có thể tôi sẽ liên lạc được với Tim và có câu trả lời của ông về câu văn đó. Và câu trả lời của ông dù đúng hay không đúng với câu dịch của Trần Tiễn Cao Đăng thì tất cả chúng ta, những người quan tâm đến câu chuyện này, đều hiểu thêm một điều gì đó trong cuộc sống hoặc ít nhất chúng ta cũng hiểu được đúng một câu văn. Và qua câu văn ấy, chúng ta hiểu được một cách tư duy hay là một cách ứng xử của con người ở một nền văn hóa khác. 

 

Nhưng nếu câu của Tim viết với ý hoàn toàn đúng như Trần Tiễn Cao Đăng dịch thì tôi cũng sẽ nói với ông rằng: chúng tôi rất kính trọng ông, nhưng hãy cho chúng tôi dịch theo cách tốt nhất câu văn của ông cho bạn đọc Việt Nam lúc này. Và tôi chắc chắn rằng ông sẽ cười và đồng ý. 

Vì đơn giản một điều rằng: ông biết điều gì làm lên quyền lực của văn chương hay cụ thể là quyền lực những trang viết của ông chứ không phải là một câu cụ thể như vậy.

 

Nguyễn Quang Thiều

 

Vietnamnet

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

Join the conversation

You can post now and register later. If you have an account, sign in now to post with your account.

Khách
Trả lời chủ đề này...

×   Bạn vừa dán nội dung có định dạng.   Paste as plain text instead

  Only 75 emoji are allowed.

×   Your link has been automatically embedded.   Display as a link instead

×   Your previous content has been restored.   Clear editor

×   You cannot paste images directly. Upload or insert images from URL.

Đang xử lí...

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This is an example of a list.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

×
×
  • Create New...