Jump to content
Nguyễn Bảo Sinh

Nhà Thơ

Recommended Posts

Người Việt Nam coi thơ như tôn giáo. Người mê thơ kỳ lạ như cụ Nguyễn Hữu Mão xưa nay hiếm.

Cụ Mão có khuôn mặt hệt như tể tướng Lưu Gù, cụ sinh năm 1911 mất năm 2006. Cụ say thơ từ năm lên 8 đến phút chót cuộc đời. Cụ sinh tại làng Tương Mai - trú quán tại số 7 Ô Quan Chưởng - Hà Nội.

Năm 17 tuổi, cụ sống cùng ông chú làm tuần phủ Lạng Sơn. Mối tình đầu của cụ với cô sơn nữ thật say đắm và thê thảm. Cô sơn nữ bị một thanh niên cùng bản ghen và đẩy xuống vực thẳm, mấy ngày sau mới tìm thấy xác.

Cụ làm thơ khóc mối tình đầu đầy xúc cảm:

Những mong dốc cả lòng mơ

Dành thời xuân để đợi chờ người yêu

Nhưng than ôi! Sắc diễm kiều

Miệng cười khiến cả một chiều thu say

Mắt nhìn cho lá ngàn bay

Thướt tha dáng liễu hương ngây ngất trời

Đã không còn ở cõi đời

Để cùng nhau cạn những lời thề xưa

Thôi đành ôm giấc tàn mơ

Ôm thiên trường hận để chờ kiếp sau

Mới hay mang nỗi thương đau

Là khi trao mối tình đầu mới hay

Nàng đi đi mãi rồi đây

Biết đâu đời lẻ dấu dầy tình chung

Ngẩn ngơ trong đám bụi hồng

Giữa nơi phú quý cõi lòng buồn tênh

Hàng ngày cụ ngâm nga bài thơ từ sáng đến tối, ngâm tới mức độ tất cả người ghét thơ trong nhà đều phải thuộc lòng.

Cụ treo bức ảnh truyền thần cô sơn nữ ngay cửa ra vào - nơi trân trọng nhất. Dưới bức ảnh là hàng chữ: “Nàng sơn nữ” bằng màu xanh lam của núi rừng, cả bức tranh cũng phủ màn sương khói chỉ có cặp môi hồng là đỏ thắm như màu hoa chuối rừng. Bức chân dung cô sơn nữ, mặc áo dân tộc, tay vin vào giậu trúc. Tranh truyền thần hàng trăm năm nay mà vẫn còn như mới.

Ngắm tranh nàng sơn nữ, nhiều người cảm động và trân trọng mối tình thiêng liêng của cụ và tiếc thương cho cô sơn nữ đã thành người thiên cổ, kẻ thì khích bác cụ bà:

- Cụ lành quá mới để cụ ông treo ảnh người yêu mà không treo ảnh vợ.

Cụ bà lặng im. Cụ thông cảm với cụ ông, cụ ông là người suốt đời tận tụy với vợ con, bức ảnh cô sơn nữ với cụ ông là tối linh thiêng, cụ bà tuy ghen nhưng là người hiểu được đạo vợ chồng:

“ Đàn ông như thể cánh diều

Đàn bà cầm sợi tơ điều trong tay

Đừng già néo kẻo đứt dây

Thả chùng xuống để diều bay đúng tầm”

Nhiều lúc thấy chồng đọc thơ cùng bạn, cụ bà dị ứng, cụ khéo léo bảo con ra kiềm chế thi hứng của cụ ông, còn cụ ông thì phớt lờ cứ đọc thao thao bất tuyệt. Cụ bà đành chép miệng bảo:

- Ông ấy già rồi còn đọc thơ kiểu Xuân Hương làm ngượng chín cả người.

Cụ Mão còn viết một pho truyện dày hàng nghìn trang về nàng sơn nữ. Tên sách : “Nàng Sơn nữ”, “Truyện thực rừng xanh” cuối sách đề: “Tác giả Nguyễn Hữu Mão không xuất bản và giữ bản quyền”.

Sau đó cụ đi suốt núi rừng Lạng sơn viết vào các vách đá như động Tam thanh, Nhị thanh… những bài thơ cụ tặng cô sơn nữ. Cụ viết thơ vào vách đá bằng vôi. Vôi viết trên vách đá ở trong hang động rất bền. Cụ viết từ năm 17 tuổi đến năm cụ 85 tuổi, cụ tìm vào trong hang núi xưa, khi soi đuốc thấy bài thơ vẫn còn chỗ tỏ chỗ mờ.

Thời  loạn 1946, mặc cho thiên hạ hốt hoảng dắt díu nhau chạy tản cư trong tiếng bom rơi đạn nổ, cụ ung dung  gánh một gánh thơ cùng gia đình đang gồng gánh trẻ con và lủng củng đồ đạc, mặt mũi thất thần.

Khoảng năm 1948, gia đình cụ làm nghề đổi tiền cũ lấy tiền mới vì cụ bà có người làm ở nhà băng – ngân hàng. Cụ Mão khắc thơ  bằng bộ triện đồng rồi đóng vào những đồng tiền cũ đổi cho nhà băng để tiêu hủy. Mật thám Pháp nghi là tín hiệu của cộng sản Việt Minh nên đã bắt giam cụ. Sau khi điều tra mới biết là cụ chỉ mắc bệnh mê thơ nên thả ngay.

Khi được mật thám Pháp thả ra khỏi nhà tù, cụ đi bộ chục cây số, đến cách nhà 100m cụ vét túi mua một điếu thuốc lá và vẫy xe tay- xe do người kéo- rồi ngồi vắt vẻo trên xe mồm phì phèo điếu thuốc lá ngậm lệch trông oai như ông phán để chữa thẹn với vợ con và hàng xóm là mình bị bỏ tù vì làm thơ.

Ngoài 90 tuổi cụ thường ra Bờ Hồ tập trung những bà thích thơ rồi đọc cho họ nghe bài cụ vừa viết, sau đó cụ thưởng cho người nghe thơ ít tiền nhuận tai. Có lần vì mải làm thơ cụ đứng đái ngay trước cửa tòa thị chính thành phố. Công an thấy cụ quá già cũng quay mặt đi làm ngơ, còn cụ khi quay mặt lại  thấy chiếc xe đạp của mình đã bị mất cắp. Ngay khi cụ ngoài 90 lúc cụ ốm nặng cụ cũng trốn ra Bờ Hồ đọc thơ về  bị viêm phế quản nặng, ho sù sụ suốt đêm. Vợ con cụ rầy la cụ cũng bỏ ngoài tai. Hơi khỏe là cụ lại lỉnh ra Bờ Hồ sinh hoạt hội thơ cóc. Có một  dạo cụ ốm nặng, một số bà nhớ thơ cụ  muốn đến nghe thơ và lĩnh tiền nhuận tai đã đến tận giường bệnh nguyện cầu cụ. Lúc này gia đình mới té ngửa ra vì trước nay cụ cần rất nhiều tiền mà không biết cụ dùng làm gì!

Thần tượng thơ của cụ là Hồ Xuân Hương nên cụ lấy bút danh là Xuân Phong. Cả nhà: Vợ và 19 con cả dâu lẫn rể đều rất ghét thơ. Thằng chắt đích tôn cụ Mão có lần được khen là nó sẽ làm thơ hay, nó đập đầu vào tường đôm đốp, nói:

- Nếu mà phải làm thơ thì thà chết đi còn hơn!

Duy chỉ có cậu con trai thứ ba là kế thừa tính yêu thơ của cụ và trở thành nhà thơ dân gian nổi tiếng nhất đầu thế kỷ 21. Hàng tuần cụ sáng tác thơ rồi gửi bưu điện đến cho anh con trai, cụ bảo thơ gửi qua bưu điện mới thiêng. Một lần anh con trai thứ hai của cụ xuống nhà chú ba chơi thấy trên bàn để mấy bài thơ, anh đọc liếc qua và cười nhếch mép:

- Xuân Phong là thằng chó nào mà làm thơ thối như cứt thế !

Chú ba vội đỡ lời:

- Đấy là thơ của bố già

Chú hai nghệt mặt ra.

Nhiều lần cụ Mão đau khổ vì cụ Sáu làm ở tòa án quận Hoàn Kiếm gửi cho cụ toàn là thơ con cóc. Anh hai bảo: Cụ hãy trả thù  bằng cách lấy độc trị độc là gửi thơ cụ Mão cho cụ Sáu đọc.

Tuần nào cụ cũng đến nhà chú ba cách chỗ cụ ở đi về hơn 10km để chia sẻ cảm hứng thi ca. Cụ tha thiết yêu cầu được nằm tâm sự hàng ngày với chú ba. Cụ bảo đời này họ hay tâng bốc nhau, chỉ có cụ là thẩm lậu được thơ con và dám nói hết cái hay, cái dở.

Một lần ốm nặng đến gần đất xa trời, cụ gọi chú ba tới bên giường nói lời trối trăng:

- Có người bảo thơ tôi hay hơn thơ anh, có người bảo thơ anh hay hơn thơ tôi, anh thấy thế nào?

Anh con trai cầm tay bố bảo:

- Thơ bố hay hơn là cái chắc

Cụ bật dậy cầm tay con:

- Thế là anh đã báo hiếu cho tôi rồi, từ nay tất cả mọi sai lầm của anh tôi cho qua hết!

Sau đó cụ khỏi hẳn bệnh.

Khi ốm sắp mất, cụ thường tra tấn mọi người bằng cách bắt ngồi hầu thơ cụ hàng giờ, mỏi rã rời, khi hết hơi cụ xua tay thì người nghe mới thoát tù.

Giang hồ tặc tử con không sợ

Chỉ sợ về nhà bố đọc thơ

Tai cụ nghễnh ngãng, rồi điếc hẳn. Trên bàn cụ để tập giấy, ai nói gì viết vào giấy cụ cũng trả lời bằng giấy. Nhưng đặc biệt nhiều khi đọc thơ là cụ lại nghe  rất rõ, thật kỳ lạ. Đêm nào cụ cũng dậy làm thơ. Con cái cấm cụ làm thơ, sợ cụ ốm. Ngược lại không được làm thơ là cụ xỉu hẳn. Mọi người đành để cụ làm thơ tùy thích, phút giây cuối đời năng lượng thơ là sự sống duy nhất níu kéo hơi tàn của cụ còn thoi thóp với đời.Câu thơ cuối cùng cụ làm trước phút lâm chung gửi cho vợ thật cảm động:

“Bẩy nhăm năm có là gì

Coi như giấc mộng xuân thì mà thôi”

Lúc viết câu thơ này cụ không cầm được bút, chỉ nằm vẫy con lại, mọi người khóc òa lên tưởng cụ bắt chuồn chuồn thở hắt ra, cụ xua tay, mọi người ngơ ngác im lặng, cụ ra hiệu cho con đến, và bảo cầm giấy bút, mọi người đinh ninh nghĩ là cụ dạy điều gì. Không, cụ đọc thều thào câu thơ bảo anh con trai viết lại để cụ xem. Câu thơ nào chưa đúng, cụ bắt sửa đi sửa lại đến nửa tiếng. Đọc xong hai câu thơ hoàn chỉnh cụ nhắm mắt ra đi như người ngủ trong tiếng gào thét khóc thương của cả gia đình.

Bài thơ phảng phất mùi thiền là bài thơ cụ viết tặng anh ba khi xuất bản tập  Huyền Thi:

“Huyền Thi thơ đọc quả Huyền vi

Mộng thấy thật ra chẳng thấy gì

Bến tới tưởng rằng chưa tới bến

Vội vàng rời bến lại ra đi”

Đặc biệt sau khi cụ mất, vợ con tìm thấy sổ ghi chép tiền trả nhuận tai cho các bà nghe thơ của cụ lên tới vài trăm triệu.

Còn anh ba - người tri kỷ tri âm bình thơ cụ:

“Cụ là người sống đức độ nơi cửa Khổng  sân Trình nhưng cụ lại thích làm thơ  giang hồ kiểu lãng tử, kiểu Xuân Hương nên không thành công”. Đấy cũng là bài học sâu sắc để cho anh ba quyết không mắc phải:

 

“Làm thơ phải có vân thơ

Như vân tay ở trên tờ chứng minh

Làm tình cũng có vân tình

Vân tình in ở chỗ mình đắm say”

Và anh ba cũng quyết theo con đường thơ dân gian của cụ Mão  là không cầu danh, cầu lợi mà làm thơ chỉ để chia sẻ.

Anh ba thường nói đùa là anh được kế thừa độc quyền toàn bộ thế giới thi ca của cụ Mão - đến mấy tạ thơ - tài sản tâm linh này không cần có di chúc và chẳng thấy ai tranh chấp như tài sản vật chất của cụ cả.

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

Join the conversation

You can post now and register later. If you have an account, sign in now to post with your account.

Khách
Trả lời chủ đề này...

×   Bạn vừa dán nội dung có định dạng.   Paste as plain text instead

  Only 75 emoji are allowed.

×   Your link has been automatically embedded.   Display as a link instead

×   Your previous content has been restored.   Clear editor

×   You cannot paste images directly. Upload or insert images from URL.

Đang xử lí...

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This is an example of a list.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

×
×
  • Create New...