Jump to content
duonghoanghuu

Cần xem lại bài thơ phản cảm “Tôi đã từng đến biển”

Recommended Posts

Thời gian qua, dư luận khá xôn xao về 11 bài thơ vào vòng chung khảo cuộc thi thơ ĐBSCL lần thứ V-2012 do Ban tổ chức là Hội VHNT Sóc Trăng công bố. Đặc biệt hơn là tin tức tác phẩm “Về đồng mùa nước nổi” (MS: 096A) vừa bị phát hiện là đạo thơ của Trịnh Bửu Hoài. Bên cạnh đó, chúng tôi nhận thấy có một tác phẩm khác cũng “hơi có vấn đề”, đó là bài thơ “Tôi đã từng đến biển” (MS: 019E). Trong bài thơ này có những chỗ tối nghĩa, thậm chí có chỗ phản cảm. Xin được phân tích sơ lược qua bài viết ngắn này.

 

 

Tôi đã từng đến biển(MS: 019E)

 

Biển là trời xanh trôi trên mặt đất

Những con thuyền như chiếc lá trôi trên lòng biển mẹ

Mang những cánh tay nhẹ nhàng vơ vét thiên nhiên

Đánh thức nàng công chúa sau một thời gian ngủ quên

 

Tôi đã từng đến biển

Những ngư phủ như những chú cá thòi lòi

Bám biển như bám đất phù sa

Ngóng gió, ngóng mây, ngóng từng biến động

 

Biển không cho ta thấy giới hạn

Nhưng lại giúp ta nhận ra giới hạn của mình

Và ta lớn lên khi đến biển

Cũng như biển từng nhỏ lại ở trong ta.

 

 

 

Phân tích khổ đầu tiên, ta chú ý (và bị “sốc”) với hai câu này:

Những con thuyền như chiếc lá trôi trên lòng biển mẹ

Mang những cánh tay nhẹ nhàng vơ vét thiên nhiên

Câu trên không có gì, nhưng khi gắn với câu dưới thì rất khập khiễng. Hình ảnh thuyền như lá trôi trên biển gắn với hình ảnh “mang những cánh tay” liệu có khập khiễng chăng. Nếu nhận xét “nặng” thì nó khập khiễng, nếu nhận xét “nhẹ” thì nó không có một tí chất thơ nào !

Đặc biệt nhất, một hình ảnh rất phản cảm là “vơ vét thiên nhiên”. “Vơ vét” có nghĩa là lấy đi cho bằng hết, lấy không chừa lại thứ gì. Hay hiểu theo cách khác thông dụng hơn là sự bóc lột, trấn lột để lấy tài sản. Chúng ta thường gặp ở những câu: “Thực dân Pháp ra sức vơ vét tài nguyên nước ta”, “Chính quyền Bắc thuộc vơ vét sản vật của Giao Chỉ”…

Việt Nam có chủ quyền trên biển, thì khai thác biển là chuyện đương nhiên, tại sao lại “vơ vét”, mà “vơ vét” của ai ? Nếu không thích dùng từ “khai thác” tác giả có thể dùng từ khác, chứ dùng “vơ vét” thì quá phản cảm. Không biết bài thơ này là viết để bảo vệ luận điểm của Việt Nam hay là bảo vệ luận điểm của Trung Quốc. Hay là tác giả bài này không hiểu từ “vơ vét” nghĩa là gì ?

Chỉ với từ “vơ vét” này thôi, thì tác phẩm này dù hay đến mức độ nào cũng không xứng đáng nhận giải, dù là giải khuyến khích cũng không xứng đáng, thậm chí là không xứng đáng lọt vào chung khảo. Từ “vơ vét” thể hiện một con người coi thường biển Tổ quốc.

Đoạn tiếp theo, ta chú ý đến hình ảnh

Những ngư phủ như những chú cá thòi lòi

Bám biển như bám đất phù sa

Tác giả so sánh “ngư phủ” như “cá thòi lòi” là rất phản cảm. Trong khi cả nước đang hướng về những ngư dân, ca ngợi người ngư dân anh dũng, thì tác giả lại ví họ với “cá thòi lòi”. Lại thêm hình ảnh so sánh “bám biển như bám đất” là sao chẳng hiểu? Nếu giải thích rằng câu thơ trên có ý nghĩa là ngư phủ bám biển như cá thòi lòi bám đất, thì câu thơ rất ngô nghê. Bởi vì cá thì làm sao bám đất phù sa được đây? Cá thòi lòi là loài cá sống trong hang hốc dọc các bãi lầy ở cửa sông, như vậy thì sao chúng “bám đất phù sa” ? Một ý tứ hết sức ngô nghê.

Đến câu “Ngóng gió, ngóng mây, ngóng từng biến động” thì tôi xin được hỏi có nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình nào có thể giải thích dùm tôi cụm “từng biến động” nghĩa là gì không ? Đây là một cụm tối nghĩa, chứng tỏ tác giả không hiểu gì cả, chỉ gán ghép chữ thành hình ảnh thôi. Đoạn thứ hai của bài này đọc lên rất buồn cười, thậm chí không bằng cả một đoạn văn xuôi tả cảnh biển của học sinh.

Đoạn cuối, có hai câu đầu “Biển không cho ta thấy giới hạn / Nhưng lại giúp ta nhận ra giới hạn của mình” là khá. Tuy nhiên, hai câu sau “Và ta lớn lên khi đến biển/Cũng như biển từng nhỏ lại ở trong ta” thực sự lại là hai câu tối nghĩa và. Ta có thể “lớn lên khi đến biển” nhưng tại sao lại có thể “Cũng như biển từng nhỏ lại ở trong ta” ? Biển “nhỏ lại ở trong ta” là sao, nhỏ thế nào mà “nhỏ lại ở trong ta” được ? Về chi tiết này, nhà LLPB Lê Xuân (Cần Thơ) nhận xét: “Dĩ nhiên thơ không cần chỉ rõ như văn xuôi mà chỉ gợi, nhưng gợi như thế thì ngô nghê quá”.

Tóm lại, bài thơ “Tôi đã từng đến biển” (MS: 019E) này chí nói chung sơ sài về biển mà không có một tứ nào đắt, ấn tượng. Đọc xong cũng chẳng đọng được gì trong lòng bạn đọc. Chẳng những thế còn phản cảm bởi “vơ vét” và “cá thòi lòi”. Nhà LLPB Bùi Công Thuấn (Đồng Nai) nhận xét: “Bài nói được điều gì, ngoài sự mơ hồ, chung chung. Tôi không biết bài này có nằm trong tiêu chí viết về biển đảo không”.

Thật ra, bài thơ này có đáng lọt vào chung khảo cuộc thi thơ ĐBSCL không? Ban giám khảo có đọc bài này không ?

 

 

HOA TRÀ



Read more:http://www.datdung.com/modules.php?name=News&op=viewst&sid=8171#ixzz2W3n1Jr6Y
 

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác
Thật ra, bài thơ này có đáng lọt vào chung khảo cuộc thi thơ ĐBSCL không? Ban giám khảo có đọc bài này không ?

 

Xin nêu ý nghĩ của tôi: nếu không đưa vào chung khảo và công bố thì ai biết bài thơ này để phát hiện vấn đề đưa ra bàn?

Thực ra, bài thơ rõ ràng có cách nói mới, mới nhất trong 11 bài vào chung khảo. Về nội dung và một vài từ, câu có thể gây thắc mắc, nhưng BGK cũng nhận ra cái được của nó nên chọn vào xét là xác đáng nếu không muốn nói là nhạy bén với cái hay, cái mới của thơ, vậy là rất đáng tin tưởng . Có thể sau đợt mổ xẻ thật lòng vì thơ,vì bạn, chúng ta sẽ có những bài thơ không tì vết với tác giả này. Nhưng cũng không nên tất cả là thơ viết cho vừa lòng người này người nọ. Đọc thơ chỉ đứng trên lập trường nhất định thì thơ chỉ còn cây khô.

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

Nhà văn Bùi Công Thuấn (Đồng Nai ) góp tiếng về 11 bài bài thơ  vào chung khảo cuộc thi thơ ĐBSCL đang gây xôn xao dư luận. Xin trích để các bạn tham khảo. Riêng tôi cũng thấy một số ý trong bài chưa thỏa đáng nhưng nhìn chung bài viết khá bổ ích cho các bạn trẻ mới vào làng thơ.

:icon3: 

VỀ CUỘC THI THƠ

Tổ chức Hội Văn Nghệ của các địa phương là tổ chức chính trị-nghề nghiệp được tỉnh uỷ trực tiếp lãnh đạo. Hoạt động của Hội là thực hiện nhiệm vụ chính trị của Tỉnh uỷ. Hội thực hiện nghị quyết 5 của Trung Ương Đảng (khoá VII) về xây dựng và phát triển nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, và Nghị quyết 23 của Bộ Chính Trị…

Vì thế cuộc thi thơ ĐBSCL là một trong những hoạt động thực hiện nhiệm vụ chính trị, có mục đích rõ ràng, đó là : Viết về ”Vùng đất, con người ĐBSCL trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa - hiện đại hóa; phát triển và hội nhập…, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Về các biển đảo của Việt Nam.” Đây là những nhiệm vụ chính trị quan trọng toàn Đảng, toàn dân đang nỗ lực thực hiện.

Tổ chức cuộc thi là để phát động phong trào quần chúng làm văn nghệ, để khẳng định và ca ngợi những thành tựu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của Đảng, để khẳng định và học tập gương đạo đức của chủ tịch Hồ Chí Minh trong tình hình một bộ phận cán bộ, quần chúng suy thoái về đạo đức mà Nghị Quyết TW 4 đã đề ra…Viết về biển đảo trong tình hình chính trị hiện nay, ai cũng hiểu đó là Trường Sa, Hoàng Sa. Người làm thơ phải nói tiếng cói của dân tộc, khẳng định chủ quyền biển đảo, ca ngợi và cổ vũ các chiến sĩ đang bảo vệ biển đảo tổ quốc, thể hiện lòng yêu nước...

Nội dung chính trị, mục đích chính trị của cuộc thi là tiên quyết. Các tác giả có thơ dự thi không nên mơ hồ điều này. Xin đừng nghĩ rằng làm thơ chính trị sẽ không hay. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, những bài thơ chính trị của Tố Hữu đã trở thành tiếng nói đồng ý, đồng tình, tiếng nói đồng chí. Là những “bài ca” hùng tráng của cả nước, cùng một nhịp “dưới cờ hát lên và bước”… (Bài ca mùa xuân năm 1961, bài ca xuân 1968, Bài ca xuân 1971, Một khúc ca xuân,…) Tiếng nói riêng của nhà thơ trở thành tiếng nói của nhân dân, của dân tộc. Thơ hay là do tài năng, không phải do đề tài.

Có lẽ vì thế mà trong thể lệ cuộc thi, tôi không thấy có tiêu chí nghệ thuật. Thế có nghĩa là cuộc thi chỉ đánh giá thơ dự thi theo tiêu chí nội dung, mà không quan tâm đến nghệ thuật (?). Việc gạt bỏ thể thơ Đường Luật là điều thật khó hiểu. Những bài thơ Tứ Tuyệt Đường luật của chủ tịch Hồ Chí Minh làm trong kháng chiến chống Pháp (1946-1954) là những bài thơ tuyệt hay (Nguyên Tiêu, Báo Tiệp, Không Đề, Lên Núi…) đóng góp những giá trị vượt trội cho thơ ca sau CM tháng Tám. Tại sao cuộc thi lại gạt bỏ thơ Đường luật? Hiện nay câu lạc bộ thơ Đường trong cả nước đang có hàng vạn người tham gia sáng tác. Thể lệ đặt ra “không nhận trường ca và thơ đường luật” thực sự là có ý nghĩa gì ?

Không có tiêu chí nghệ thuật, tôi e rằng sẽ có những bài thơ hay về nghệ thuật bị loại bỏ ngay ở vòng sơ khảo. Tất nhiên tôi tin rằng, BTC, BGK không đến nỗi chỉ chọn bài đạt tiêu chí nội dung (?)

Nhưng đọc 11 bài thơ vào chung kết, tôi thực sự hoài nghi.

Bài  “Về đồng mùa nước nổi” là bài thơ không chuẩn về luật thơ Lục Bát. Gieo vần sai, cách ngắt câu làm hỏng nhạc thơ, gây phản cảm. Nhiều từ lủng củng, lời không diễn được ý. Những câu thơ vụng về khó chấp nhận.(xin trích)

Ta về vác cát oặn lòng
Hòa dân ngăn nước thở cùng mặt đê
 

Trăng tròn trượt xuống tiếp hơi 

Gánh gồng gìn giữ màu trời quê hương.

Chữ “mặt đê”, không vần với chữ “tiếp hơi”. Làm thơ lục bát sai vần là điều cấm kỵ. Tài hoa lục bát là ở dùng từ, gieo vần và nhạc thơ, để diễn tả những tình ý tinh tế, sâu xa. Nhưng câu thơ” Hòa dân ngăn nước thở cùng mặt đê lại cực kỳ tối nghĩa, làm hỏng cấu trúc trong sang của tiếng Việt. Câu đầu là vác cát ngăn nước, câu cuối là “gánh gồng”, không hiểu “nhà thơ” sao có thể cùng một lúc vừa “vác” vừa “gánh gồng”? và “gánh gồng” cái gì, để “giữ màu trời quê hương”, …Nội dung bài thơ là những than thở “sầu”: “nát tan”, “Trăm ngàn nỗi đau”, đất trở sầu”, “lúa khóc”,” trôi giạt về đâu”. Tôi không thấy đâu là công nghiệp hoá, đâu là hội nhập toàn cầu hoá, như tiêu chí cuộc thi. Bài thơ có nhiều chữ dùng rất thô như: “Trăng…thình lình trượt xuốngbất cần đò đưa,.. Tôi chưa bao giờ thấy ở bến đò miền ĐBSCL có hình ảnh này :” Áo hồng bay ngát bến xưa. Nói thế để thấy tác giả rất lúng túng trong bút pháp. Miêu tả hiện thực hay thể hiện tâm trạng lãng mạn? suy tư triết lý hay bày tỏ tâm trạng trữ tình. Tất cả nháo nhào trong một bài thơ, khiến cho, ngôn từ không sao diễn được tình ý. Có lẽ không nên mất thì giờ của bạn đọc về một “bài thơ” chưa thành hình hài như thế. Có thể là tác giả muốn nói về hiện thực ĐBSCL chống lũ, nhưng lực bất tòng tâm. Đành vậy ! Bạn đọc nên trân trọng nỗ lực của tác giả khi tham gia cuộc thi! (thơ của phong trào quần chúng mà- Đáng tiếc là bài này đang có nghi vấn đạo thơ của Trịnh Bửu Hoài *)

Tôi cũng hoài nghi cả về nội dung một số bài vào chung kết. Không bài nào nói đến công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở ĐBSCL, hay học tập gương đạo đức của Bác Hồ. Cũng không tác giả nào thể hiện một chút tình nào với biển đảo tổ quốc với các chiến sĩ đang bảo vệ biển đảo.

Bài Đồng con gái là nỗi buồn “bao đời” của người nông dân, xưa cũng như nay:” ruộng lom khom nón lá đội trên đầusống từ đấtchết trở về cùng đấthạt lúa trời bơi qua nỗi bể dâu…”.

Bài Nhật ký cho ngày rỗng là tâm trạng buồn, nỗi buồn tha hương: bạn bè bỏ xứ đi tha phương, bóng mẹ nhoè, dáng cha buồn thân phận, giấc mơ không hình thù/ bọt bóng (hình ảnh chỉ sự ảo tưởng, tuyệt vọng)

con rô, con lóc đi đâu cho ta bỏ câu ngày nhàu soi tăm cá…
thằng bạn cùng quê bỏ xứ theo cha tha phương đổi vận
cô bạn chơi trò cô dâu chú rể lên thành phố từ đó không thấy về

ở đó có bóng mẹ ngồi chiều nhòe mong nhớ mỗi khi trời trở gió, mùa đuổi mùa…
có cái ghế dựa, cha ngồi uống ngụm trà thả 
buồn vui thân phận

Bài “Xóm mình nghèo cất giấu điện vào đêm”, là tâm trạng buồn của đứa con phương xa, nhớ những khôn khó ở quê đêm không có điện, nhớ xóm quê, nhớ tuổi học trò và nhớ mẹ, nhưng mẹ không còn

“…Bên dòng kênh quen im lìm phèn mặn
Bằng bộ mặt nhiều màu nổi váng những tâm tư…

 

Giờ đi lập nghiệp phương xa
Ước mơ lăn theo sóng vỗ
Câu vọng cổ lại phải cất vô tờ giấy cũ

Về quê
Mẹ không còn
..

Tản mạn trưa là tâm trạng buồn của tác giả trong giấ mơ trưa. Tác giả nhìn con kiến, con sâu, con bướm, con mèo, lũ tò vò… mà thương ông thương bà. Bà một đời vất vả, ông chết trong chiến tranh, một cuộc chiến tranh “màu lá rụng”, không biết thân xác ông chôn vùi ở đâu.

thương bà khóc cả đời
chiến tranh màu lá rụng
không biết ông nằm đâu…

Bài Tôi đã từng đến biển không nói được điều gì, ngoài sự mơ hồ, chung chung. Sao lại diễn tả người dân đánh cá Việt Nam là “vơ vét thiên nhiên”? Hình ảnh thực sự gây phản cảm. Làm sao sánh được với bài Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận viết cách nay đã mấy chục năm!

Biển là trời xanh trôi trên mặt đất
Những con thuyền như chiếc lá trôi trên lòng biển mẹ
Mang những cánh tay nhẹ nhàng vơ vét thiên nhiên

Bài Phía mùa cam bạc lá cũng là tâm trạng buồn của đời nghèo rỗng không. Chỉ có tiếng mẹ thở dài, tiếng cha dằn cơn ho trong đêm, người chị lỡ làng tuổi xuân vì nghèo. Chỉ có bàn tay chai sạn… và tâm tư day dứt

gió cuốc những đường thở nhọc nhằn trên nền đất đen nâu

sau lưng cha màu xanh đã ngã
là đồng nghĩa với màu trắng tay người gom về ngập rỗng
nỗi buồn đeo đĩa
 

Có lẽ không cần viết thêm về nội dung những bài thơ không đạt tiêu chí thể lệ cuộc thi. Điều đáng ngạc nhiên là những bài tôi đã dẫn lại lọt được vào chung khảo, vượt qua tiêu chí chính trị.

 

THƠ HAY Ở NỘI DUNG HAY Ở HÌNH THỨC NGHỆ THUẬT?

Ở Việt Nam, nội dung chính trị của tác phẩm nghệ thuật đã là mặc định. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định :”… không thể nói nghệ thuật vị nghệ thuật mà cần nói rõ văn hoá phục vụ công, nông, binh” (Bàn về văn hoá và nghệ thuật, Nxb Văn Hoá-Nghệ thuật Hànội. 1963, tr 104-105)

Nghị quyết 23 của Bộ Chính Trị cũng xác lập mục tiêu của văn học nghệ thuật :” Tập trung mọi nguồn lực xây dựng nền văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc,… phục vụ có hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, vì mục tiêu ''dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.”

Như vậy, về nội dung ta không  phải bận tâm, vậy tiêu chí nào để phân biệt giá trị bài thơ?

Hãy xem, Bộ đội cụ Hồ ai cũng gian khổ hy sinh, sáng ngời lý tưởng, giàu tình quê hương, lẫm liệt chí anh hùng. Bài thơ nào viết về họ, các nhà thơ cũng nói nội dung ấy. Vậy những bài như Đèo Cả của Hữu Loan, Đồng Chí của Chính Hữu, Lên Tây Bắc của Tố Hữu, Tây Tiến của Quang Dũng, bài nào là nổi trội và trở thành bất hủ? Câu trả lời mọi người có thể đồng ý là Tây Tiến, bài thơ nổi trội nhất. Do đâu? Bài Đồng Chí được viết bằng bút pháp hiện thực chất phác. Bài Đèo Cả cũng một bút pháp ấy, có chất hùng ca hơn một chút. Trái lại, Tây Tiến được viết bằng bút pháp hiện thực, kết hợp với cảm hứng lãng mạn, chất cổ điển và tinh thần bi tráng. Quang Dũng có sự sáng tạo đặc sắc trong dùng từ, trong khám phá những tứ thơ mới, và đặc biệt là tấm lòng của nhà thơ với đồng đội.

Những bài thơ dự thi đã được mặc định về nội dung, vậy sự phân biệt giá trị nằm ở tiêu chí nghệ thuật. Cuộc thi thơ ĐBSCL lần V 2012 không có tiêu chí nghệ thuật thì biết căn cứ vào điều gì làm chuẩn mực? chắc chắn là phải dựa vào trực giác cảm tính. Xưa nay thưởng thức nghệ thuật là thưởng thức cảm tính chủ quan, còn đánh giá giá trị nghệ thuật phải đựa trên thang giá trị trí tuệ, trên phân tích khoa học. Ai cũng nói, cái hay ở mỗi người là khác nhau, anh thich Cải Lương, tôi thích nhạc giao hưởng. anh thích một bài hợp xướng hang trăm người, tôi thích một bài vọng cổ chỉ cần một cây đàn và cái song lan. Điều ấy đúng, nhưng không thể căn cứ vào cảm tính mà đánh đồng bài thơ Tây Tiến với bài thơ Con Cóc trong dân gian được (mặc dù có người là tiến sĩ, viết một bài dài, khen bài Con Cóc là độc đáo)

Thơ hay, trước hết phải là thơ có những khám phá mới về hiện thực, tìm tòi những tứ thơ, làm mới ngôn ngữ. Tác giả phải đem đấn cho thi ca kiểu tư duy nghệ thuật mới, về góc nhìn và cách cảm, cách thể hiện mới. Thơ hay còn đòi buộc một hồn thơ tính tế, tài hoa, giàu cảm xúc, một cá tính sáng tạo độc đáo, một thế giới nghệ thuật riêng (xin đọc Nguyễn Bính, Hoàng Cầm, Bùi Giáng, Phạm Thiên Thư, Tố Hữu …)

11 bài thơ vào chung khảo, những bài nào đạt tiêu chí này? Tôi cho rằng không có bài nào, bởi những bài dự thi này đều rất cũ cả về tình, ý nội dung, và cũ cả về thi pháp. Những bài như Nhật Ký Rỗng, Tản Mạn Trưa, Xóm Mình Nghèo cất Giấu điện Vào đêm, Phía Mùa Cam Bạc Lá, tuy có mới hơn so với những bài khác, nhưng cũng đã cũ so với phong trào thơ trẻ những năm 2005-2010, và ngay tại ĐBSCL, cũ so với thơ Huỳnh Thuý Kiều (tác giả ở Cà Mau) trong hai tập Kiều Mây (2008) vàGiấu anh Vào Cỏ Xanh (2010). Tuy vậy, những bài thơ này, nếu xét theo những tiêu chí khác (không phải tiêu chí của cuộc thi ĐBSCL lần V), thì có thể có những giá trị khác…

Xin đọc một bài của Huỳnh Thuý Kiều, để thấm sâu chất châu thổ ĐBSCL trong thơ, hơn hẳn những bài thơ dự thi (bài này không phải là bài hay nhất của HTK)

Mắc nợ đồng bằng

 

 

Cá trê nấu với dây tơ hồng
Ăn để về khóc đầm lưng áo mẹ
Gót chân son nợ một đời dâu bể
Giữa đồng bằng chợt thèm…
Trái giác nấu canh chua…

Sinh ra con đã nợ rồi
Cả tiếng dạ thưa
Cả nhịp xuồng chèo khuya xa người đi trễ tép
Mai sau tràm mật ngọt chỉ còn là kỷ vật
Bướm bay chiều tà. Ơi nguồn cội khẳng khiu!

Sợi chỉ vàng dệt kín mái lá bên hiên
Nồi canh rau tập tàng
Vị cua nêm hương ngọt
Lùa chén cơm mồ hôi rơi nước mắt
Rơm vụ đầu dậy những nấm nhỏ xinh.

Mùa nước lên
Đêm. Lúa thao thức cựa mình
Ánh trăng rớt dưới tàn cây cuối làng cổ thụ nhất
Trò chơi dân gian bặt tăm bóng dáng
Chú dế than buồn ngoẹo cổ gãi râu.

Muốn quên đồng bằng. Dễ đâu quên được?
Màu ký ức cứ xòe ra như bàn tay năm ngón
Đây bếp lửa thơm mùi tro bánh tét
Mắm sặc kho bông súng chấm trưa nồng
Nợ khói ụn dừa buổi sớm lạnh đông
Nợ dọc đời người đau đáu chốn cưu mang…

 

NGHĨ

Làm thơ hay rất khó. Cả đời tôi không làm được câu thơ nào, dù rất yêu thơ. Những nhà thơ tài năng luôn được nhân dân yêu quý. Và tôi nghĩ, cuộc thi thơ không chỉ là hoạt động phong trào của Hội Văn Nghệ, mà là nơi tìm kiếm những tài năng thơ, những nhà thơ đích thực, mà nhờ họ, đời sống tinh thần của ta thêm phong phú, nhờ họ, tiếng Việt trở nên đẹp và giàu có, nhờ họ ta khám ra cái đẹp ngay trong đời thường, ngay cả trong gian khổ hy sinh, và cũng nhờ họ mà đất nước này là đất nước của thi ca…

Tháng 6 năm 2013

BCT

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

DANH SÁCH CÁC TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI TRONG CUỘC THI THƠ ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG LẦN THỨ 5

 

Theo thông báo từ Ban tổ chức cuộc thi thơ Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 5, danh sách các tác phẩm đoạt giải được công bố chính thức như sau:


Giải nhất:


+ Tiếng đờn ca tài tử ở phà Vàm Cống - Cao Thoại Châu - Long An


Giải nhì:


+ Phía mùa cam bạc lá – Nguyễn Thanh Hải – Tiền Giang

Giải ba:  
1- Xóm mình nghèo giấu điện vào đêm - Nguyễn Ngọc Tân - Cà Mau
2- Nhật ký cho ngày rỗng - Trần Huy Minh Phương - Sóc Trăng
Giải khuyến khích: 1- Tản mạn trưa - Nguyễn Thanh Hải -Tiền Giang
2- Gió heo may - Nguyễn Giang San - Đồng Tháp
3- Đồng con gái - Võ Thị Nguyệt - Cần Thơ
4- Khúc biển 3 - Nguyễn Đình Chiến - An Giang
5- Đi tìm ngày mai - Trương Chí Hùng - An Giang Có tổng cộng 531 tác phẩm của 162 tác giả gởi đến dự thi. Các tỉnh, thành có số lượng tác phẩm tham gia nhiều nhất là: Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Tiền Giang và địa phương đăng cai Sóc Trăng. Lễ tổng kết - phát thưởng sẽ tổ chức vào ngày 29.7.2013 tại thành phố Sóc Trăng.

(Copy lại từ Web ĐBSCL)

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

PHÁT BIỂU CỦA NHÀ THƠ THU NGUYỆT - TRƯỞNG BAN GIÁM KHẢO CUỘC THI THƠ ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG LẦN THỨ 5 (2012) VỀ CHẤT LƯỢNG THƠ DỰ THI

 

Nhiều ý kiến chưa hài lòng về chất lượng thơ dự thi ĐBSCL lần 5. Đọc hơn nửa ngàn bài thơ dự thi, chúng tôi thấy chất lượng thơ dự thi lần này hay và dở cỡ như phần lớn thơ có mặt trên báo chí và các phương tiện truyền thông của cả nước hiện nay.

Thơ bây giờ ế độc giả đến mức một số tờ báo dẹp bỏ in thơ! May mà việc xuất bản các tập thơ cá nhân hiện nay khá dễ dàng, và có các trang web, blog, facebook… cứu rỗi nên thơ vẫn được duy trì thi mệnh!

Thơ bây giờ không được sự hào hứng đón nhận của công chúng độc giả bởi nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là do thơ chưa tìm ra được một hình thức thể hiện phù hợp với nhu cầu và tâm thế của con người hiện nay.

Một số tác giả trẻ bây giờ có những suy nghĩ và cảm xúc vô cùng tinh tế, sâu sắc, thậm chí còn vượt xa hơn cả nhưng bậc thi hữu tiền bối nổi tiếng trước đây, bởi những vấn đề của con người và xã hội ngày nay đa dạng, phức tạp hơn xưa rất nhiều. Thế nhưng, có lẽ vì họ chưa sáng tạo ra được cách diễn đạt phù hợp, đủ sức làm tỏa sáng. Hình thức không tải nổi nội dung, nên thơ cứ ngoằn ngoèo lông chông xiêu vẹo trên các lối đi của những câu văn xuôi cô đọng, những câu triết lý, châm ngôn..v.v... chứ chưa đành rành thành câu thơ thăng hoa của ý tưởng, ngôn ngữ và xảm xúc. Do đó có thể nói thơ bây giờ ý tưởng, chi tiết, cảm xúc hay thì có, nhưng câu thơ, bài thơ hay thì chưa.

Trình độ, nhu cầu thưởng thức thơ của công chúng ngày nay cũng khác xa với thời trước. Độc giả có khoảng cách rất xa nhau trên phương diện thưởng thức thơ. Người thì theo xu hướng cũ, kẻ thì theo xu hướng mới, và đặc biệt là phần lớn không chấp nhận cái cũ nhưng chưa nghĩ ra được thế nào thì mới, hoang mang sợ mình bị gọi là lạc hậu nên te tái xếp hàng vào phía mới cho hiện đại với thiên hạ mà thôi. Nói một cách "bài bản" hơn thì đó là dạng "thức thời" thiếu hạ tầng cơ sở. Sống trong thời tiết khí hậu như thế, nhà thơ vần vũ, loay hoay, bầu trời thơ hiện nay chưa hứa hẹn ngày quang đãng...

Đọc thơ dự thi ĐBSCL lần này, chúng tôi không vui, bởi chất lượng thơ dự thi khiêm tốn quá! Thế nhưng, khi cầm lên tay những tờ báo có đăng thơ trên khắp cả nước, tôi cũng không thấy gì để phấn khởi hơn. Thơ đồng bằng hiện nay chưa hay, cũng như phần lớn thơ của cả nước mình hiện nay chưa xứng tầm với một đất nước thơ ca như nào giờ chú thiếm ta vẫn tự hào súng sính. Công nhận sự thật như vậy để đừng trách cứ nhau, hãy động viên và siết chặt tay nhau mà tiến tới chân trời hứa hẹn! Tôi tin vào cái chân trời ấy, bởi đây đó trong những tập thơ của nhiều tác giả trẻ xuất bản dạo này, có những tập thơ đã khiến tôi phải thích thú đọc đi đọc lại nhiều lần, ngưỡng mộ và xuýt xoa tấm tắc. Tiếc là, những tác giả đó, những bài thơ đó vẫn chưa đủ sức gây được sự chú ý của công chúng, bởi đường truyền của thơ trong bình diện băng thông nghệ thuật ngày nay chưa được mở rộng đúng mức. Thơ vẫn khép nép nhấp nháy chập chờn, vẫn chưa là "món" mà thiên hạ cần dùng, chưa đứng vào danh sách mặt hàng tối thiết cho bữa ăn tinh thần của công chúng.

Nói vui vậy, chẳng phải hờn mát công chúng ngày nay không ưu ái với thơ. Đã qua rồi thời người ta mượn thơ để "thay lời muốn nói" những tâm trạng thăng hoa, những xúc cảm lãng mạn. Ngày nay, ai cũng dễ dàng làm được điều đó qua bàn phím tin nhắn điện thoại, qua blog hay facebook... Thơ bây giờ mà cứ bám vào những cảm nhận thì độc giả sẽ lắm kẻ quay lưng. "Phát hiện" và "bác học" trên nền của cảm xúc thăng hoa tinh tế, đó mới là cái mà đọc giả cần ở thơ giữa thời hiện đại.

Công bằng mà nói, những bài thơ đoạt giải cuộc thi lần này không xuất sắc. Những bài thơ ấy phản ánh đúng sự chưa định hình hiện nay của mặt bằng thơ chung. Đọc tham khảo những bài thơ được giải gần đây trong các cuộc thi khác, chúng ta cũng sẽ thấy điều đó.

ĐBSCL ngày nay chưa phải là một "đặc khu thơ" dẫu "tiềm năng thi sĩ" nơi này trữ lượng không thua xứ khác. Bằng chứng là trong tình hình thơ phú như hiện nay mà ĐBSCL vẫn kiên trì đều đặn tổ chức thi thơ rất là hào sảng. Người đồng bằng thẳng thắng cả trong cách thể hiện cảm xúc, không uốn éo giả vờ, nên tôi tin, với cái gien của những người mở cõi, dám rấn tới cái mới, những cây bút xứ này sẽ ngoạn mục sang trang khi "vận thơ", "thời thơ" bước đến.

VÀI Ý KIẾN CHO NHỮNG CUỘC THI LẦN TỚI:

1.Về ban tổ chức: Cuộc thi mang danh ĐBSCL, chúng ta nên thành lập một BTC không chỉ là nhân sự của một tỉnh, phó thác cho một tỉnh. Tỉnh đăng cai có thể chịu trách nhiệm về công việc hành chánh, còn toàn bộ công tác tổ chức lãnh đạo, phương thức thực hiện phải được sự đóng góp, quyết định của một BTC dày dặn kinh nghiệm và uy tín trong hoạt động văn chương. Có như thế mới tạo được niềm tin và đạt hiệu quả cao.

2.Về ban giám khảo: BGK được BTC mời và ủy thác về chuyên môn, nghiệp vụ... phải có vai trò chính thức, chịu trách nhiệm trước công chúng và luật pháp về những quyết định của mình. BTC không choàng tay gánh thay trách nhiệm của BGK. Có như thế mới tạo được niềm tin nơi tác giả và công chúng.

3.Về truyền thông: Những tác phẩm qua sơ khảo nên công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, vừa là để tuyên truyền thường xuyên về cuộc thi, vừa là để mời gọi nhiều người gởi bài dự thi, vừa khích lệ tác giả và thu thập ý kiến độc giả, làm cứ liệu tham khảo cho BGK chấm thi.

4.Về giải thưởng: Giá trị giải thưởng phải cao, xứng tầm, thể hiện được tính cách hào sảng của vùng ĐBSCL phù sa dào dạt. Hãy sử dụng kinh phí từ nguồn tài trợ của các đơn vị kinh doanh, không chỉ trong vùng ĐBSCL mà mở rộng phạm vi cả nước.

5. Về thể lệ:

Mỗi kỳ thi nên xác định rõ ràng mục đích của cuộc thi. Ví dụ:

+ Thi để tìm kiếm, khích lệ những tác giả là người ĐBSCL thì chủ đề tự do, miễn tác giả có lý lịch (nguyên quán) là dân đồng bằng.

+ Thi để tìm những bài thơ hay về ĐBSCL thì tác giả khắp nơi có thể dự thi, chủ đề phải viết về vùng đất ĐBSCL.

VỀ NHỮNG Ý KIẾN, DƯ LUẬN XUNG QUANH CUỘC THI:

Cuộc thi nào cũng có nhiều thị phi; thi văn chương nghệ thuật thì thị phi càng nhiều, dư luận trái chiều càng lắm kiểu, bởi các qui chuẩn hầu hết chỉ dựa trên cảm nhận cá nhân.

Theo dõi dư luận xung quanh cuộc thi lần này chúng tôi thấy hầu hết là cực đoan thiếu thiện chí. Chúng tôi cũng rất thông cảm vì biết các bác nóng lòng, nhưng các bác hiểu cho, cả cái nền bóng đá hoành tráng của chúng ta được toàn thể nhân dân nâng niu, dốc cho đủ thứ là thế, các cơ bắp lực lưỡng là thế mà đã đâu "thoắt cái trở thành" như "ước mơ chính đáng" của mình được; huống là nhà thơ nhà văn chúng ta; giai đoạn quá độ tư duy để dẫn đến tác phẩm hoàn mỹ đâu đơn giản như con ong hút miếng đường ra miếng mật. Giải thơ tầm cỡ cả nước bòn mót vật vã vẫn thiếu thơ hay. Chúng tôi đọc thơ dự thi ĐBSCL lần này cũng có đọng lại được mấy câu thao thiết:

"Và trong đám đờn ca tài tử
Có kẻ ngồi im lặng dóng tai nghe
Quê nhà mút tận phương trời khác
Sầu cũng nguôi theo giọng xuống câu xề… 
(Cao Thoại Châu)

Đâu cần phải đủ cả một bài thơ hay, có những nhà thơ đi vào lòng người đọc chỉ với vài câu thậm chí là chỉ một. (Đọc 1 câu: "Em có nghe mùa thu" của Lưu Trọng Lư hoặc: "Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà" của Phạm Hữu Quang thì cái gì đã khiến ta xúc động? Nào có phải vì mấy từ ngữ bình thường ấy đâu!)

Chúng tôi không biết các bác cập nhật cái mới đến cỡ nào, đọc thơ với thái độ ra sao, chớ nếu chịu mở lòng, thì những câu thơ thế này chắc cũng đem đến được cho các bác chút xúc cảm cùng tác giả:

"Tiếng gà gáy gõ cho lòng chợt sáng

… …

Bên dòng kinh quen im lìm phèn mặn
Bằng bộ mặt nhiều màu nổi váng những tâm tư… 
(Nguyễn Ngọc Tân)

Hay:

"Rãnh đất cọ lòng bàn chân tạ lỗi
Xòe tay chai sạm giấc mơ"
(Nguyễn Thanh Hải)

Và rải rác trong các bài thơ đoạt giải, ta vẫn có đôi lúc dừng lại với những câu "đọc được"…

Ngoài những ý kiến về chuyên môn, những vấn đề khác chỉ là những thị phi không đúng sự thật (chúng tôi không có "gà vịt" gì ở đây, cũng không dám đạp hay chà ai hết. Thiệt!)

Chúng tôi chân thành cám ơn sự quan tâm của tất cả mọi người. Mong rằng những cuộc thi sau này sẽ mang đến những kết quả cao hơn, không phụ lòng mong mỏi của những người yêu thơ và có thể góp phần làm cho văn chương ĐBSCL xứng tầm với con người, vùng đất ĐBSCL hào sảng và trù phú.

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

Trao đổi với tác giả đoạt giải cuộc thi thơ ĐBSCL lần V

Ngày 29/7 tại Thành phố Sóc Trăng sẽ diễn ra lễ tổng kết và trao giải cuộc thi thơ Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ V. Trước ngày trao giải Báo Điện tử Tổ Quốc đã dành một cuộc phỏng vấn với hai tác giả đoạt giải là Nguyễn Thanh Hải và Trần Huy Minh Phương.

 

rez_454_phuong_hai.jpg

Tác giả Trần Huy Minh Phương và Nguyễn Thanh Hải

PV: Vài năm trở lại đây, những cuộc thi văn chương khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đều có một số “lùm xùm”. Vậy trước khi quyết định gửi tác phẩm tham dự cuộc thi thơ lần này, anh có đắn đo, cân nhắc đến điều gì không?

Nguyễn Thanh Hải: Xác định từ đầu đây là cuộc chơi, cho nên đến với cuộc thi thơ ĐBSCL lần này, ngoài việc cân nhắc, cố gắng đầu tư làm sao cho tác phẩm của mình có chất lượng và mong sẽ đoạt giải, tôi không đắn đo quan tâm gì về chuyện “lùm xùm” từ những cuộc thi văn chương trong khu vực trước đây.

Trần Huy Minh Phương: Trước khi gửi thơ dự thi tôi rất đắn đo, nhiều lần không muốn thi, nhưng mấy cô chú anh chị bên Hội Văn học nghệ thuật Sóc Trăng khích lệ tôi là hội viên và là người con của đất Sóc Trăng thì nên tham gia và một vài bạn văn chương rủ thi, nên tôi thi. Đây cũng là một cuộc chơi tao nhã thôi mà!

PV: Tâm trạng của anh khi biết tin mình đoạt giải thưởng lần này?

Nguyễn Thanh Hải: Tôi rất vui khi biết tin mình đoạt giải thưởng và hạnh phúc khi biết mình đạt đúp 2 giải. Tuy nhiên trước đó tôi rất buồn vì có thông tin cho rằng tôi vi phạm thể lệ cuộc thi. Tôi cũng không muốn phân minh thêm, vì có lẽ bạn đọc theo dõi những tình huống đã đăng tải trên các trang báo mạng sẽ sáng suốt nhận rõ vấn đề.

Trần Huy Minh Phương: Tôi không buồn, không vui. Sự háo hức đã nguội từ lâu.

PV: Nhìn vào những tác phẩm và tác giả đoạt giải, anh có cảm nhận gì về đội ngũ cầm bút ở khu vực ĐBSCL?

Nguyễn Thanh Hải: Tôi thấy một số tác phẩm đoạt giải lần này khá hay, xứng đáng trao giải, nhưng thật sự chưa xuất sắc lắm. Có 7/9 tác giả đoạt giải thuộc thế hệ 7X, 8X. Điều đó cho thấy khu vực ĐBSCL vẫn còn tiềm năng đội ngũ sáng tác trẻ. Tôi thật vui mừng khi thấy một lớp nhà thơ mới đã xuất hiện và đang góp phần làm thay đổi diện mạo thơ Đồng bằng sông Cửu Long.

Trần Huy Minh Phương: Không thể nhìn vào những tác phẩm và tác giả đoạt giải mà suy rộng ra đội ngũ sáng tác ở khu vực ĐBSCL được. Bởi mỗi cuộc thi có Ban tổ chức, Ban giám khảo riêng. Mỗi giám khảo lại có quan điểm thẩm mĩ và sở thích về nghệ thuật khác nhau. Không cuộc thi nào giống cuộc thi nào cả. Đội ngũ sáng tác ở khu vực ĐBSCL vẫn lớn mạnh và phát triển cùng với đội ngũ sáng tác ở từng vùng miền trên cả nước.

PV: Theo quan sát của anh thì con người ở miền Tây có nhu cầu về thơ ca ở mức độ nào?

Nguyễn Thanh Hải: Cũng như những miền vùng khác, nhu cầu về thơ ca là không thể thiếu trong đời sống, và có lẽ người miền Tây còn hơn thế nữa, họ vốn mê thơ ca, hò vè từ xa xưa.

Trần Huy Minh Phương: Thơ ca hò vè luôn sống trong tâm thức người Việt. Nó làm đẹp thêm tâm hồn mỗi chúng ta, nó dung dưỡng thêm nhân cách sống lành. Người miền Tây hào phóng, bộc trực, vị tha. Nhu cầu về thơ ca vẫn đi về trong phút lắng sâu của bản thân khi không thể và không còn gì chia sẻ. Tôi đã thấy những người bạn thơ chia sẻ thơ với nhau qua điện thoại đến khi máy hết tiền thì thôi. Họ nhiệt huyết với câu chữ và chân thành trong tình bạn. Họ vẫn đọc nhau và khích lệ nhau luôn đó chứ! Nhịp sống hối hả quá, thơ dần trở thành “món hàng xa xỉ”!

PV: Anh có thể nói thêm về tác phẩm đoạt giải của mình cho độc giả?

Nguyễn Thanh Hải: 2 tác phẩm đoạt giải của tôi viết về 2 vùng quê đều thuộc khu vực ĐBSCL. “Tản mạn trưa” là tác phẩm tôi viết về mảnh đất Gò Công, nơi chôn nhau cắt rốn của tôi. Nơi tôi có đầy ắp kỷ niệm. Ở đó, tôi có một người bà luôn dạy cháu con nghĩa nhân bằng những câu chuyện cổ. Ở đó, ông tôi vì chiến tranh đã ra đi mãi mãi không về… Còn “Phía mùa cam bạc lá” tôi viết về miệt Cái Bè, quê hương thứ hai của tôi. Bài thơ xuất phát từ thực trạng bệnh vàng lá của cây cam mấy năm gần đây…

Trần Huy Minh Phương: Không riêng về tác phẩm đoạt giải mà gần như có khoảng 30 bài thơ tôi đã làm trong lúc chat mail với bạn văn chương, nhiều nhất và chân tình chia sẻ sâu sắc nhất là với anh Nguyễn Trọng Tấn - phóng viên Báo Ấp Bắc (Tiền Giang). Chính anh đã khích lệ tôi thi thơ ĐBSCL và “Nhật kí cho ngày rỗng” ra đời trong lúc chat mail với anh ấy. Những đứa con xa quê, những phận người thành bại… dẫu làm gì, đi đâu về đâu vẫn luôn nhắc lòng mình nhớ về quê hương. Quê hương đã nuôi lớn tâm hồn ta. Ở đó “có tiếng chuông chùa Mahatup nhắc ta đường xa tâm hùng trí dũng”.

PV: Cũng giống như văn xuôi, những tác phẩm viết về miền đất sông Cửu Long luôn đem đến cho người đọc sự hấp dẫn, thú vị và cả tò mò vì những nét đặc trưng của vùng đất. Xin hỏi tác giả Nguyễn Thanh Hải, là trong bài thơ đoạt giải nhì “Phía mùa cam bạc lá” có một câu mà bản thân tôi nghĩ những người không sống ở miền Tây sẽ khó hiểu như “nỗi buồn đeo đĩa” thế nào. Anh có thể chia sẻ thêm về câu thơ này không?

Nguyễn Thanh Hải: (Cười) Mọi người chắc là biết con đĩa- tức con đỉa (theo cách gọi ở nhiều nơi, trong đó có miền Bắc) chứ? Ở ĐBSCL trước đây đỉa rất nhiều. Hầu hết mọi người ai cũng sợ đỉa. Đỉa đeo hút máu người thì khó mà gỡ ra lắm. Tục ngữ có câu “Dai như đỉa”, ý nói đỉa sống rất dai, khó mà tiêu diệt được chúng, đồng thời cũng muốn ám chỉ sự việc gì đó kéo dài dai dẳng, không dứt ra được. “Nỗi buồn đeo đĩa” cũng phát xuất từ ý nghĩa đó.

PV: Vẫn biết những đặc sản của miền đất sông Cửu Long là mùa nước nổi, là bụi u du… mà các nơi khác không có. Nhưng tôi có cảm tưởng, những “đặc sản” này là con dao hai lưỡi, nếu không “tiết chế” thì ngoại cảnh sẽ lấn át nội tâm. Ý kiến của anh thế nào?

Nguyễn Thanh Hải: Không sai. Nhưng nếu thiếu đi những “đặc sản” như bụi u du, mùa nước nổi… thì thơ ĐBSCL đâu còn màu sắc đặc trưng vùng miền nữa? Có điều, người viết phải biết tự “tiết chế” để nội tâm không bị ngoại cảnh lấn át là một việc làm cũng không phải dễ.

Trần Huy Minh Phương: Nếu sáng tác mà chỉ là miêu tả hoặc kể lể thì không gì để bàn. Nó phải có tư tưởng, nghệ thuật và nhiều điều nữa thì tác phẩm mới trọn vẹn. Cần “tiết chế” chứ!

PV: Khi đọc những tác phẩm thơ của các cây bút ở các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… có tác động gì đến suy nghĩ của anh không? Anh có thấy ngòi bút của mình cần thay đổi không?

Nguyễn Thanh Hải: Mỗi một vùng miền đều có đặc trưng riêng, mỗi tác giả cũng có phong cách thơ riêng. Thơ của các cây bút ở các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều cái hay riêng, nhiều cái để học tập. Sáng tạo là nhu cầu không thể thiếu trong sáng tác, cho nên tôi luôn luôn tìm tòi, học hỏi, sáng tạo làm mới thêm cho ngòi bút của mình.

Trần Huy Minh Phương: Mỗi tác phẩm thơ của mỗi tác giả có cái hay khác nhau và cũng đôi khi có cái hạn chế. Đọc, cảm nhận nhưng không nghĩa là làm theo mà làm sao cho không trùng lắp, không lặp lại chính mình. Sáng tạo là mỗi phút giây ta tự làm mới mình nhưng không có nghĩa là làm dáng. Câu chữ có thần thái của nó riêng, không dối lừa được đâu! Tôi chỉ mới bắt đầu thôi, chưa có gì và chưa là gì… cần trau dồi thêm nhiều, nhiều lắm vậy!

* Cảm ơn các anh đã chia sẻ!

 

Hiền Nguyễn (thực hiện)

 

Một số dư luận cho rằng, hai tác phẩm đoạt giải của Nguyễn Thanh Hải phạm quy vì đã in sách. Nhưng Hội Văn học nghệ thuật Tiền Giang, cụ thể là ông Văn Ngọc Nhuần- Chủ tịch Hội đã xác nhận: Hai bài này đã có in trong một tập thơ vào tháng 2/2013 nhưng chưa phát hành… Giải thưởng vì thế được giữ nguyên.

Trước đây, trong cuộc thi Thơ về Hà Nội, tác giả Nguyễn Phan Quế Mai cũng đã in bài được giải vào một tập thơ và được ban tổ chức cho phép.

 

Nguồn: Toquoc

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

Join the conversation

You can post now and register later. If you have an account, sign in now to post with your account.

Khách
Trả lời chủ đề này...

×   Bạn vừa dán nội dung có định dạng.   Paste as plain text instead

  Only 75 emoji are allowed.

×   Your link has been automatically embedded.   Display as a link instead

×   Your previous content has been restored.   Clear editor

×   You cannot paste images directly. Upload or insert images from URL.

Đang xử lí...

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This is an example of a list.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

×
×
  • Create New...