Jump to content

Recommended Posts

À THÌ RA LÀ VẬY!

Một hôm, con Bím nghe trên tivi nói đĩ rất nhiều tiền, nó hỏi mẹ nó:
– Đĩ là gì hả mẹ?
– Mày chưa đến tuổi hỏi những thứ vớ vẩn như thế nghe chưa!
Con Bím không vui bỏ đi.
Bẵng đi một thời gian, một hôm con Bím nghe bố nó nói chuyện với các chú bạn bố trong một lần nhậu tại nhà khi mẹ nó đi vắng:
– Uống nhanh không con mẹ đĩ nhà tao nó sắp về rồi đấy.
Nó hỏi bố nó:
– Bố ơi, ai là con mẹ đĩ ạ?
– Mẹ mày chứ ai!
À thì ra là vậy, mẹ nó là “con mẹ đĩ”.
Nó đi khoe với đám bạn nó rằng mẹ nó là “con mẹ đĩ”.
Đám bạn nó cười ồ và nói với nó rằng như vậy nó là con đĩ.
Nó về khoe với mẹ:
– Con là con đĩ!
Mẹ nó mắng:
– Tao cấm mày ăn nói kiểu đó nghe chưa. Mà ai nói với mày như vậy?
Nó thút thít:
– Tại bố bảo mẹ là con mẹ đĩ nên bạn con bảo con là con đĩ.
Mẹ nó rất tức giận mắng bố nó:
– Ông đĩ mồm vừa thôi, suốt ngày nhậu nhẹt rồi nói bừa nói ẩu. Trước mặt trẻ con tôi cấm ông nhắc chuyện đĩ đái.
À thì ra là vậy, cái mồm của bố nó hay nhậu nhẹt, hay nói càn nói bừa mới là đĩ. Nó đinh ninh như vậy!

img_6644.jpg?w=614
Sáng hôm nay khi đang cho trâu ăn cỏ ở cánh đồng làng, con Bím thấy một đoàn xe con rất đẹp chạy về phía ruộng lúa gần đó. Nó vội buộc trâu rồi cùng mấy đứa trẻ khác nháo nhào chạy đến xem.
Một lũ người trông rất sang trọng bước xuống, có cả bác chủ tịch xã đi đầu. Ai cũng đi giày sạch bóng không như đôi dép lê của bố nó. Nó chỉ dám đứng xa mà nhìn. Nó thấy họ chỉ chỉ, trỏ trỏ và nói rất nhiều. Còn hỏi chuyện cả bác Tam đang làm cỏ gần đó nữa. Được một lúc thì bác chủ tịch xã nói với một ông có cái bụng to:
– Thôi cũng gần trưa rồi, kính mời anh cùng đoàn ra nhà hàng Tư Mía làm tí rùa vàng gọi là cây nhà lá vườn.
Thế rồi cả lũ lục tục kéo nhau lên xe vụt đi, để lại một đám bụi đỏ đặc uốn éo. Nó nhìn đám bụi tan dần và nghe bác Tam chửi đổng:
– Tiên sư cái lũ ăn hại dân, thằng nào cũng nhà lầu xe hơi giàu có mà chỉ được mả nói càn nói bậy, suốt ngày nhậu nhẹt chẳng giúp gì cho dân!
À thì ra là vậy!
Nó về nhà khoe với mẹ:
– Hôm nay con được gặp đĩ rồi, cả lũ cơ mẹ ạ!
Mẹ nó tìm hỏi bác Tam thì được biết đoàn kiểm tra của tỉnh do đồng chí chủ tịch dẫn đầu vừa về làm việc với xã để kiểm tra quá trình triển khai thực hiện “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020″!
À THÌ RA LÀ VẬY!
Damen, ngày 29 tháng 06 năm 2013
Phạm phú Quảng

http://phamphuquang.wordpress.com/2013/07/11/truyen-rat-ngan-01-a-thi-ra-la-vay/

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

MÙI QUAN

“…Đập cổ-kính ra tìm lấy bóng;
Xếp tàn-y lại, để dành hơi…”

Hai câu thơ trong bài “Khóc Bằng Phi” của Tự Đức cũng đủ làm cho ta thấy sự quan trọng của “hương”, của “mùi”. Chỉ có điều, hiểu, sử dụng như thế nào cho đúng? Hay chí ít cũng cho đủ?

…dẫn…

Trước đây, khi công nghệ xử lý mùi còn chưa phát triển, mỹ phẩm chưa tràn lan  và phổ dụng như bây giờ. Khi cán bộ nhà nước vẫn gội đầu và tắm bằng xà phòng 72. Trên một toa tàu, một chuyến xe buýt, một lớp học, một phòng chờ bệnh viện nóng nực…, sẽ là tận xui khi có một người toả ra cái mùi “hách từ trong nôi”, mùi viêm cánh cấp. Cái thứ “hữu xạ tự nhiên hương” này một khi đã phát tán vào không khí thì vô phương cứu chữa. Tôi rất ấn tượng cái hình ảnh một bàn tay giơ cao, bám lấy cái thòng lọng trên xe buýt, men theo nó xuống dưới chừng 45 cm là một cái nách áo ướt sũng, ngào ngạt hương…

Ngày nay, khi nhà vệ sinh công cộng bình thuờng cũng có một chai nước rửa tay diệt khuẩn hiệu Lifeboy, thì cái sinh vật quý hiếm đó cũng ít xuất hiện. Thay vào là hình ảnh nam thanh nữ tú, quý ông quý bà lịch lãm sang trọng với mùi nước hoa nhè nhẹ phảng phất…, rất đi vào lòng người…

Tuy nhiên bên cạnh đó lại xuất hiện những sinh vật mới, những biến thể hết sức thảm hoạ cho cộng đồng. Đó là các bà, các cô, thậm chí cả các anh nữa. Họ có thể là người nhiều học, ít học, là tiểu thư con nhà giàu, doanh nhân thành đạt, đệ nhất, đệ nhị phu nhân, hay hoa hậu, hoa khôi, đĩ đực, gái bao… Nhưng đặc điểm nhận dạng là bề ngoài chải chuốt, khoác lên mình những bộ cánh đắt tiền, và sử dụng rất nhiều nước hoa cũng rất đắt tiền.

Những sinh vật này, ngày dùng hàng chục loại dưỡng thể. Sau khi tắm táp xong tẩm lên người  hàng lít nước đủ các mùi, trước khi ra đường lại dội thêm vài gáo nước hoa đắt tiền mỗi loại. Có như vậy họ mới tự tin đi vào chỗ đông người, tự tin đi vào nhà vệ sinh công cộng mà không sợ thối…

Họ đúng là thảm hoạ cho cộng đồng, thảm hoạ cho những nơi đông đúc, phương tiện công cộng… Họ cũng chính là kẻ thù số một của những người bị bệnh hen suyễn và nhồi máu cơ tim.

…chuyện…

Kể rằng… Ở Hà Nội có một doanh nhân thành đạt, rất giàu có. Ông có sở thích sưu tầm cổ vật.

Năm xưa nào không rõ, trong một chuyến công du đến nơi xa xôi hẻo lánh, một xứ nào của Tây Tạng. Ông ghé thăm một ngôi chùa nhỏ cổ kính nằm sâu trong dãy Hy Mã Lạp Sơn. Sau khi đảnh lễ thấy tâm hồn thanh thoát lạ thường. Ông tìm gặp trụ trì là một vị Lạt Ma già nua, xin được cúng giường một khoản tiền lớn giúp trùng tu và bảo tồn ngôi chùa mà không lưu danh. Vị sư già vô cùng cảm kích đã tặng ông một đôi lục bình được bọc rất kỹ bằng nhiều lượt ni lon và vải lụa đỏ làm kỷ niệm. Về tới nhà, khi mở gói quà, một mùi hương ngan ngát, nhẹ nhàng toả khắp khuôn viên căn biệt thự rộng đến hơn ngàn m2 của ông. Ông vô cùng mừng rỡ khi nhận ra đôi lục bình này chính là “Khứu Thần Cư” lẫy lừng, nhờ vào đặc tính thay đổi hương thơm diệu kỳ của nó. Là đôi lộc bình mà giới sưu tầm đồ cổ có máu mặt như ông cũng chỉ mong một lần được chiêm ngưỡng chứ chưa nói gì đến chuyện sở hữu…

Lộc bình bằng thủy tùng xanh

Nhân gian lưu truyền rằng, có một vị Lạt Ma đức độ thời nhà Đường bỏ tâm huyết cả đời để tạc nên một đôi lộc bình từ hai gốc thuỷ tùng Phu Thê Bái nghìn năm tuổi của hồ Điền Trì, Vân Nam. Loài gỗ thuỷ tùng này có sắc xanh, vân đẹp và luôn tỏa hương thơm phảng phất, linh thiêng. Lạt Ma này sau khi tạc xong đôi lục bình, hương thơm của gỗ cộng thêm tâm huyết của vị nghệ nhân đã làm động lòng Khứu Thần, vị thần rất đỗi tài năng, chủ sự các mùi hương trên thế gian. Khứu Thần bèn chọn đôi lục bình này làm nơi cư ngụ. Từ đó vị thần này quản luôn cả việc toả hương của đôi lộc bình độc nhất vô nhị. Hương thơm toả ra ở đôi lộc bình này vô cùng kỳ lạ. Cùng một lúc, một nơi nhưng mỗi người có thể cảm nhận được một mùi hương khác nhau. Bởi Khứu Thần luôn nắm bắt được sở thích và tâm trạng của mỗi người để điều tiết mùi hương khi chuyển tới khứu giác của người thưởng thức. Cũng từ đó đôi lộc bình được gọi là Khứu Thần Cư…

***

Quá đỗi vui mừng, vị doanh nhân bèn lập một đài cao tráng lệ nằm trong khuôn viên trang trại ở ngoại thành phía Đông dành thờ đôi lộc bình. Ngày dâng đàn, cúng lễ cắt băng khánh thành có rất nhiều khách mời đến tham dự.

Giới cổ đồ khắp từ Nam chí Bắc, từ ta đến Tàu đều muốn được tận mắt chiêm ngưỡng và được thưởng thức thứ hương thơm thần thánh của Khứu Thần Cư.

Bạn bè trong giới doanh nhân đến chúc mừng ông cũng một phần vì hiếu kỳ.

Giới quan lại đương thời thì đến vì sơn hào hải vị, vì phong bao dày dặn mang về, vì mối giao hảo với một doanh nhân thế lực như ông.

Đàn cao bảy thước hai tấc, được những nghệ nhân cung đình dựng bằng gỗ Đinh Hương mang về từ vùng Thượng Lào. Lưng quay về hướng Tây, mặt quay về Đông, để Khứu Thần có thể đón những tia nắng đầu tiên ngoi lên từ biển cả.

Đôi Khứu Thần Cư được đặt trang trọng trên một bệ thờ thiếp vàng nơi đài cao chót vót chỉ có một lối lên với hai cánh cửa đồ sộ. Chắc ông tính ngừa phường trộm cắp. Một tấm vải đỏ thêu thùa long phượng buộc một sợi dây kim tuyến cũng màu đỏ, phủ hờ lên trên. Chỉ hé ra một góc nhỏ xíu có màu xanh biêng biếc của chiếc lộc bình phía bên tay trái, như gây thêm sự tò mò cho quan khách.

Khách đến rất đông, chỉ có vợ chồng ông Tổng không thấy. Người to nhất, quan trọng nhất Hà Thành không thấy.

Tới giờ lành, ông chào hỏi quan khách, giới thiệu về đôi Khứu Thần Cư rồi đăng đàn cắt băng khánh thành. Ông ra hiệu cho đám người làm tắt hết trầm, nhang. Trả lại sự tinh khiết vốn có cho không gian. Mùi nhang, trầm loãng dần rồi tan hẳn. Cả khán trường im phăng phắc. Mọi người căng mình vì chờ đợi. Ông trầm mình, kính cẩn với tay cầm vào sợi dây kim tuyến, từ từ kéo nhẹ. Tấm vải đỏ thêu long phượng trườn dần, khoảng hở màu xanh biêng biếc cũng lớn dần. Hai chiếc lộc bình cao chừng sáu tấc, bụng ước chừng non hai tấc được chạm trổ cầu kỳ dần hiện ra… Góc miệng lộc bình hé mở. Một mùi hương nhẹ nhàng, ngây ngất, hư vô, tan chảy… Chủ, khách không ai bảo ai, nhắm nghiền mắt, hướng vòm mũi lên cao. Ngất ngây trong hương thơm linh thiêng diệu kỳ…

Ngoài cổng có tiếng động, tiếng mở rồi đóng cửa xe hơi. Nặng trịch. Loại xe đắt tiền…

Không ai mở mắt…

Hương thơm thay đổi dần…

…Từ mùi trẻ trung hiện đại của Paris Hilton, đến mùi gợi cảm quyến rũ của Tendre Poison, chuyển qua mùi thảnh thơi của Romance, mùi phiêu lưu của Cool Water, mùi quí phái của Chanel N5, rồi mùi binh đao của vàng bạc châu báu… Rồi tất cả cùng hòa quyện vào nhau, thầm thì với nhau, đả kích lẫn nhau, đấm đá lẫn nhau, chém giết lẫn nhau…, mùi khó tả. Chủ và khách rướn người lên như cố với thêm một nhón mùi diệu kỳ linh thiêng… Nhưng dường như không còn chịu đựng được nữa. Họ đồng loạt mở mắt.

Ở cửa khán trường là ông Tổng. Vợ chồng ông Tổng. Họ vừa đến.

Tối hôm đó, trời mưa tầm tã, sấm chớp đì đoành. Nghe nói rằng Thiên Đình tổ chức một đám tang rất long trọng. Cả Thượng giới vô cùng thương tiếc tiễn đưa một vị thần tài năng vừa qua đời vì bệnh nhồi máu cơ tim.

Hà nội, ngày 12 tháng 08 năm 2012

Phạm Phú Quảng

http://phamphuquang.wordpress.com/2013/05/20/mui-quan/

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

CON SÂU RƯỢU

Hắn ngồi trên chiếc ghế mây, không tựa lưng vào thành ghế mà đặt một cánh tay lên bàn rồi gác cái cằm lởm chởm những râu vừa mọc sau một đêm đánh vật với tửu thần. Như thường lệ, quán cà phê Climax nằm trong khuôn viên Cung Văn Hóa Hữu Nghị Việt Xô không vắng nhưng cũng chẳng quá đông người. Thứ duy nhất hắn cảm nhận được là những nhát búa đang giáng vào đỉnh đầu, vào trán, vào hai thái dương. Có một gã tù nào đó đang miệt mài quai búa. Rất nặng. Có lẽ loại hai chục ký chứ không chừng. Nhắm mắt, hắn thấy gã tù bắp tay cuồn cuộn, đen và bóng nhẫy mồ hôi đang đều đặn vòng quai của cây búa tạ. Đầu hắn nhói lên theo mỗi nhịp búa quai. Cục óc như cái bướu cây xà cừ cứ lắc qua lắc lại, ọc ạch trong vỏ sọ. Lớp màng mỏng bọc dúm óc nhão đang căng như một chiếc bóng bay thổi quá đà. Khẽ rùng mình với cái ý nghĩ chỉ cần sự hỗ trợ của một chiếc gai nhỏ xíu cũng đủ để óc hắn văng tung tóe khắp cả cái nơi hắn đang ngồi. Hắn nghe thấy tiếng tĩnh mạch nằm hai bên thái dương, chỗ gần lỗ tai đang thều thào “Bỏ rượu đi thôi! Bỏ rượu đi th..ô..i..! Ngu lắm Quảng ơi! Ngu lắm Quảng ơ..i…!”. Hắn toan cãi lại thì giọng cô phục vụ có bím tóc đuôi gà chen ngang vào:

- Xin lỗi anh dùng gì ạ?

Hắn vội nín thinh, ngậm ngay cái miệng đang định cãi lại và gọi một cốc nước chanh đá chua. Là cốc thứ năm trong buổi sáng này. Hắn nghe người ta nói thứ nước buốt lạnh này sẽ làm đầu óc tỉnh táo, vị chua của nó sẽ làm giã nhạt men rượu trong người say. Nhưng sao hắn càng uống càng thấy khát, càng thấy buồn nôn. Cô phục vụ vừa đi khỏi, hắn vểnh tai lắng nghe cái thanh âm thều thào lúc nãy nhưng tuyệt nhiên không thấy. Hắn cố tập trung cũng không thấy. Rồi hắn nghe tiếng “Một, hai, ba, zô”, “Hai, ba, bốn, zô”… Quái lạ, giữa trưa nắng thế này lũ điên nào lại uống rượu trong quán cà phê. Hắn đưa mắt một vòng tìm kiếm. Bàn bên tay phải là mấy cô dân văn phòng đang chí chóe tám chuyện. Bàn bên tay trái là mấy anh râu tóc rũ rượi, áo quần rách rưới, chẳng ai nói với ai câu gì, mắt lờ đờ ngắm nhìn mặt trời chói chang mà cứ như đang thưởng nguyệt giữa đêm Thu canh tàn. Chắc là dân bôi vẽ, không họa sĩ thì cũng kiến trúc sư. Đằng xa hơn nữa là một anh đầu trọc gầy giơ xương, hoa văn vẽ kín khắp cả ngực, cả gáy, cả tay, cả chân. Cổ đeo một sợi dây thừng tết bằng vàng tây to như ngón chân cái. Cỡ này lỡ có chán ghét cõi đời mà đi trầm mình tự vẫn cũng không cần phải buộc thêm đá. Ngồi trong nhà, nhưng anh vẫn đeo kính đen và đang cãi nhau kịch liệt với cái điện thoại cũng màu vàng chóe. Không ai uống bia, chẳng ai uống rượu! Vậy thì cái thanh âm kia từ đâu mà có? Còn cái tiếng thều thào kia trốn đi đâu mất rồi? Hắn nhíu mày suy nghĩ. Thì ra tiếng “zô”, tiếng “hò”, là của ngày hôm qua. Hôm qua hắn đã nhét đầy hai tai, đầy óc hắn. Chắc chúng nó không tìm được đường ra, chúng nó phải ở lại vì một lẽ đầu óc hắn ngóc ngách lắm, tăm tối lắm. Cố gắng xua đi tiếng xe cộ, tiếng nhạc, tiếng người…, hắn lắng nghe thêm lần nữa. Tiếng thều thào lúc nãy quả thật đã trốn đâu mất tiêu. Như vậy có khi lại hay. Lúc nãy nóng máu thì vậy, bây giờ nghĩ lại hắn thấy cũng chẳng biết cãi như thế nào. Chẳng lẽ lại hét váng lên là “Không, tao không ngu, thằng Quảng không ngu. Không bao giờ ngu! Ngu làm sao mà tốt nghiệp được một trường khó nhằn như trường Đại Học Xây Dựng Hà Nội đúng thời hạn? Ngu làm sao có thể chia năm đồng cho ba người mà ai cũng thấy cầm một đồng là quá nhiều? Và chí ít hắn cũng đã nhét vào trong đầu hàng trăm cuốn sách từ thụ thai cho châu chấu, đến Bill Clinton thích hút xì gà có mùi âm hộ Monica Lewinsky, cho đến việc chúng ta không thể đứng trên mặt trăng mà đái xuống mũi giày được… Không, thằng Quảng không thể nào là ngu được!”.

Nhưng mà vậy thì ai ngu? Ừ nhỉ, ai mới là ngu nhỉ? Rõ ràng phải có kẻ ngu. Không ngu sao lại cứ nốc cái thứ nước cay xè, bỏng rát cả cuống họng ấy vào làm gì? Đã bao giờ uống đến ly thứ ba mà vẫn còn thấy ngon chưa? Không ngu sao biết mệt, biết độc hại, biết bệnh tật mà vẫn uống? Không ngu sao biết đến 90% là rượu giả mà vẫn uống? Nhất định là con ma men, là con sâu rượu. Nhất định là nó rồi. Hắn mừng quá, hệt như Quýt tìm thấy Cam vậy. Bất giác hắn mỉm cười. Mặt hắn giãn ra. Mà phải thế chứ, phải có kẻ ngu chứ hắn không thể nào ngu được. Hắn nhìn vào cánh cửa kính. Hắn thấy nhờ nhờ một khuôn mặt bủng beo, xanh rớt, cặp mắt híp tịt, mí mắt dày như miếng bì lợn, tròng mắt lừ đừ hệt mắt cá chết. Giật mình, hắn quay đầu lại phía sau. Không thấy ai. Hắn đưa tay dụi mắt rồi ghé sát hơn. Đích thị là hắn, cái mũi to thế kia lẫn vào đâu được. Trời ơi, hắn không nhận ra hắn nữa!

Gã tù vẫn quai búa, đều đặn và dai dẳng. Vỗ mạnh tay vào đầu, hắn vươn vai hít một hơi thật sâu, hy vọng sẽ thấy khá hơn. Hắn thở ra bằng miệng, cũng thật dài, thật sâu, như muốn đuổi hết hơi rượu còn trong bụng, trong cuống họng. Hơi thở vừa dứt, hắn bỗng thấy choáng váng, mắt tối xầm, khắp người hắn như có hàng vạn cái kim đang ngọ ngoạy. Chỗ nào cũng đau. Hắn thấy cồn cào trong bụng, hắn thấy buồn nôn. Từ sáng tới giờ hắn đã nôn không biết bao nhiêu là lần rồi. Người ta say rượu có thể nôn ngay. Nôn rồi lại uống được ngay. Còn hắn, hắn chẳng cần nôn cũng uống được và uống được rất nhiều. Càng uống càng hăng, rồi thì tận ngày hôm sau hắn mới nôn. Hắn say nguội. Hôm nay cũng vậy, buổi sáng sau khi nhắm mắt nuốt bát phở gà Mai Anh ở Lê Văn Hưu xong, hắn làm luôn ba cốc trà đá rồi vào vệ sinh nôn thốc nôn tháo. Nào phở, nào gà của buổi sáng, nào cơm, nào rau, nào thịt của ngày hôm qua trộn lẫn với trà, với rượu, ào ào tuôn ra từ cái nơi mà người ta vẫn bảo cần phải giữ vệ sinh nhất. Một mùi hôi tanh nồng nặc, rất đặc trưng của nhà vệ sinh nam trong các quán nhậu Hà Thành. Rồi từ lúc đó đến giờ, hắn nôn không biết bao nhiêu lần mà kể. Càng về sau thì trong cái hỗn hợp độc đáo đó, phần cái càng ít đi, nhường cho phần nước. Đủ các màu, xanh rồi vàng đậm, rồi nhạt dần, rồi trong như nước lèo. Hắn phải uống thêm nước để có cái mà nôn. Hắn ọe đến buốt cả họng. Hắn cảm giác từng miếng da trong cuống họng như bong ra, bị cào ra, ruột quặn như đứt thành từng khúc. Tưởng như không còn gì để mà chui ra nữa thì hắn lại buồn nôn. Cốc nước chanh đã nằm trên bàn từ bao giờ, hắn với cốc nước và tu một hơi hết nhẵn rồi tìm đường vào nhà vệ sinh. Hắn thấy nhà cửa, bàn ghế chạy vòng tròn như đèn kéo quân xung quanh hắn. Mặt đất nghiêng ngả, chao đảo. Hắn cứ nhìn hàng gạch dưới chân mà bước. Nhà quay thì hắn quay theo nhà, đất nghiêng thì hắn nghiêng theo đất. Khoảng cách từ bàn hắn ngồi tới nhà vệ sinh chỉ chừng ba chục bước chân mà hắn thấy như cả cây số. Bụng hắn thì đau lắm rồi, cần giải quyết lắm rồi. Ngồi trong nhà vệ sinh, hắn chợt nhớ tới những người bị bệnh hiểm nghèo. Hắn nghe nói nếu “Miệng nôn, trôn tháo, tay bắt chuồn chuồn” là sắp đi. Hắn giơ hai bàn tay, duỗi các ngón tay ra rồi nắm lại. Vẫn bình thường, vẫn chưa bắt chuồn chuồn. Thế nghĩa là chưa chết được. Mà biết đâu chết có khi lại hơn thế này. Tự nhiên hắn thoáng nghĩ đến cái chết. Hắn nghĩ nếu chết hắn sẽ chọn cách chết nào?

Hắn sẽ mua một nghìn bông hồng để quanh giường rồi đóng kín cửa, tắt quạt thông gió rồi ngủ một giấc sang tận thế giới bên kia. Không được, thế mùi mẫn quá, ướt quá, giống sách quá.

Hắn sẽ trèo lên một tòa nhà thật cao rồi gieo mình xuống. Không được, thế người hắn sẽ méo mó lắm, sẽ gãy nát một vài thứ, sẽ vỡ toang hoác một vài thứ, sẽ văng tung tóe một vài thứ. Như vậy xấu lắm.

Hắn sẽ kiếm một đoạn dây thừng. Nhưng sẽ treo vào đâu nhỉ? Ở quê còn sân vườn, còn cây mà treo. Hay chí ít cũng còn xà nhà mà treo. Ở Hà Nội, nơi mà tấc đất còn hơn cả tấc vàng và nhà toàn bằng bê tông thì chẳng biết phải treo vào đâu? Chẳng lẽ lại treo vào móc mắc màn? Nhỡ nó tụt ra, chẳng chết mà lại gãy cái tay, cái chân thì khổ, thì nhục. Vả lại nghe ông Mario Puzo nói mấy người bị thắt cổ chết đều vãi hết cả ra. Tiểu, trung, đại tiện đều có cả. Thế thối lắm, bẩn lắm.

Hắn sẽ buông mình xuống biển, phía sau đuôi con tàu nào đó ở thật xa đất liền. Giống như Jack London sắp đặt cho Martin Eden vậy. Chết như vậy vừa sạch sẽ mà cũng chẳng ai biết. Nhưng cũng không được, hôm qua hắn vừa hứa với con gái hắn chủ nhật này sẽ cùng đi xem “Kỷ băng hà”. Hắn vẫn phải sống!

Hắn chợt nhớ đến mấy câu thơ của Bùi Giáng:

…Nếu có thể chết thử chơi một chút

Rồi trùng sinh ăn phở khắp phố phường

Đừng vĩnh viễn chết chán chường lắm ạ.

Chết thì chán lắm!

Quay trở lại bàn, gọi thêm cốc nước chanh đá chua. Hắn quyết tâm phải bỏ rượu!

Hắn phải tìm cho ra con ma men, phải tìm cho ra con sâu rượu. Phải cho nó một trận, phải ném nó ra ngoài đường, phải nhận chìm nó xuống dưới nước, phải giết nó đi. Vì mày mà ông mệt mỏi, vì mày mà ông bủng beo, vì mày mà ông nên nông nỗi này.

Hắn nhắm mắt lại, hắn đi tìm. Hắn thấy trước một cái miệng hang đen ngòm, có một con vật giống con sâu róm khổng lồ, nhưng gầy gò hơn với những sợi lông dài màu xanh. Nó có một đôi mắt đờ đẫn nhưng lập lòe như ma trơi. Nó không có miệng mà có cái vòi như con đỉa thở ra toàn mùi men rượu. Nó không bò mà nó đi, đi bằng hai chân khẳng khiu, nghiêng ngả. Hai sợi râu ôm lấy một vật giống như cái hồ lô. Thì ra con ma men là như vậy, con sâu rượu là như vậy. Hắn lờ đờ nhìn con ma men. Con ma men dốc cạn cái hồ lô vào cái vòi rồi lờ đờ nhìn lại hắn. Hắn hét lên:

- Mày tránh xa tao ra, mày cút khỏi tao ngay. Sao mày hư hỏng, mày say sưa nhiều thế? Sao mày bệ rạc thế? Mày là đồ bỏ đi. Mày ngu lắm. Rượu có gì ngon, có gì hay đâu mà uống? Toàn cồn và nước lã thôi, toàn chất độc hại thôi, nốc vào làm gì? Đấy, nhà hàng “Sơn Thủy” đấy, gương tày đình ra đấy. Đến các cụ chúng nó còn cho bú rượu giả chứ nói gì đến cái loại tép riu như mày. Khôn hồn biến đi cho khuất mắt tao, đừng để tao nhìn thấy nữa. Còn để tao thấy mày một lần nữa, còn làm khổ tao nữa thì tao sẽ bẻ cổ mày, tao cắt vòi mày…

Con ma men thoáng giật mình, nó giỏng tai lên nghe. Lông nó chuyển dần từ màu xanh sang màu đỏ. Nó khua cái vòi lên hít một hơi rất sâu rồi phì hơi ra cũng rất dài. Toàn mùi rượu. Nó hét lên:

- Mày tưởng tao thích uống lắm à? Mày tưởng tao không biết tao bệ rạc à? Mày tưởng tao thích cái hình dáng tao thế này lắm à? Mày tưởng tao không biết rượu là độc, là hại à? Tất cả là do mày, mày ban cho tao cả đấy. Mày tạo ra tao, mày nuôi dưỡng tao. Mày không muốn nhìn thấy tao thì dễ tao muốn nhìn thấy mày à? Tao xấu thì mày đẹp lắm à? Mày về soi lại gương đi. Tao sẽ về nhà tao, mày không muốn gặp tao thì đừng gọi tao ra nữa. Chào mày!

Nói xong con ma men xiêu vẹo bước đi về phía cửa hang, ném chiếc hồ lô vào trong hang. Vẫn với ánh mắt lờ đờ nhưng có phần đắc ý, nó quay đầu lại nhìn hắn thêm một lần rồi khuất hẳn trong hang.

Hắn cũng thoáng giật mình. Hắn nhìn con ma men khuất bóng sau cửa hang đen ngòm mà ngờ ngợ có chút gì quen thuộc.

Đúng rồi, cái mũi của nó! Cái mũi to thế kia lẫn vào đâu được!

Choàng mở mắt, hắn vén áo lên xoa bụng, một cái bụng to quá cỡ so với tạng người như hắn. Chính giữa cái bụng là một cái lỗ rốn hun hút, đen ngòm. Tận sâu trong bụng hắn nhói đau, đau như những chiếc lông sâu róm vừa mới cọ vào trong đó.

(Bài đã đăng trên báo Văn Nghệ Quân Đội)

Hà nội, ngày 22 tháng 09 năm 2012

Phạm Phú Quảng

http://phamphuquang.wordpress.com/2013/05/19/con-sau-ruou/

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

NHỮNG CÁI CỌC

Thời gian gần đây, đọc đâu cũng thấy lùm xùm mấy vụ mua mua, bán bán, chân dài, chân ngắn, hoa hậu, hoa khôi … nọ kia. Quả thật tốn nhiều giấy bút cái chuyện hiển nhiên như ông trên bà dưới.

Tôi chợt nhớ lại một câu chuyện. Cũng khá lâu rồi, cỡ năm sáu năm về trước. Hồi đó tôi mê món bi da lỗ(ngoài Bắc gọi là bi-a) và hay la cà các câu lạc bộ từ chuyên nghiệp đến không chuyên.

Một hôm tôi đang chơi ở một câu lạc bộ khá nổi tiếng trên đường Trần Hưng Đạo, Q5 thì thấy anh chủ CLB, cũng là bạn tôi, chuẩn bị tuyển nhân viên xếp bóng. Hôm đó có khá đông ứng viên đến dự tuyển. Nghề này lương thấp(chỉ khoảng 1 triệu đồng), nhưng nếu cô nào có thêm vốn tự có là hai trái bóng lớn lại dễ thương, vui vẻ thì thu nhập cũng khá. Tính tôi hay đùa nên nói với anh chủ CLB:

- Để tôi sơ tuyển cho.

Bạn tôi đồng ý. Tôi bèn chọn ra một cây cơ, loại 3 khúc dành để đề pa(đánh quả đầu tiên để phá bóng), tháo bớt khúc đuôi. Phần còn lại còn khoảng 90cm gì đó. Rồi dựng đứng cây cơ xuống sàn.

- Ai bước qua cây cơ mà không phải nhón chân, không làm đổ cây cơ thì được tuyển thẳng. Những người còn lại sẽ thi tiếp các vòng sau.

Mấy cô chân ngắn ướm chừng không qua được nên chấp nhận thi tuyển, không thử. Các cô còn lại thử, nhưng không cô nào qua. Duy nhất một cô bé, rất cao ráo, xinh xắn, dễ thương bước gần qua. Nhưng vướng xiêm y nên vẫn làm cây cơ đổ. Cô này cuối cùng cũng được tuyển. Làm một thời gian thì bỏ. Nghe nói cô đi làm người mẫu.

 

Bẵng đi một một quãng dài, chừng một năm hơn. Tôi vô tình gặp lại cô bé trong một quán nhậu buổi chiều. Vẫn rất xinh tươi và có vẻ từng trải hơn. Cô qua bàn tôi, mời một ly bia, trò chuyện xã giao vài câu. Bây giờ cô vừa đi học đại học, vừa làm người mẫu và diễn viên nghiệp dư. Cuộc sống cũng tạm ổn. Cô nói:

- Cũng tại anh làm em không nhiều tiền được!

Tôi tá hỏa:

- Giỡn hoài, liên quan gì đến anh!

Cô cười, mời tôi thêm một ly rồi nói:

- Này nhé, mấy đứa cùng nghề với em, không đẹp bằng em, diễn không bằng em. Chúng nó cũng chẳng cần bước qua cái cọc nào hết. Thậm chí cái cọc bé xíu, dài chưa đầy gang tay chúng nó cũng ngồi lên, cái cọc mỏng ơi là mỏng, chừng 1-2 cm in toàn hình ông Tây chúng nó cũng đè lên luôn. Ấy thế mà chúng nó lại rất nhiều tiền…

Nâng lên uống thêm với cô bé một ly mà tôi chỉ thốt được đúng một chữ:

“HẾT!”

Hà nội, 12 tháng 06 năm 2012

Phạm Phú Quảng

http://phamphuquang.wordpress.com/2013/05/19/nhung-cai-coc/

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

CON NUÔI

(Thư gửi ông ngoại)

Ông ngoại vô cùng kính yêu!

Mấy hôm nay cháu rất buồn. Chị Hoa đã về ông bà nội, mẹ cháu bận lo cho em 98. Không có ai chơi với cháu cả. Chắc ông ngoại chưa biết em 98 đâu nhỉ? Ông ngoại ở xa quá mà cháu lại không biết đường. Cháu đành viết thư cho ông vậy.

Ông ngoại ơi, từ ngày mẹ cháu nhận nuôi em 98 thì không còn thời gian để chăm lo cho cháu nữa. Cháu cũng chưa được gặp em í, chỉ thấy mẹ lúc nào cũng bần thần suy nghĩ rồi lẩm nhẩm, ghi chép gì đó vào trong cuốn sổ luôn mang theo mình. Cháu hỏi gì mẹ cũng mắng, mẹ nói:

- Để yên tao còn tính toán nuôi em nó.

Có hôm đến bữa cơm mẹ cũng không nấu, nhiều hôm cháu phải ăn cơm nguội. Cháu muốn xin mua gì mẹ cũng nói để tiền nuôi em. Thứ bảy tuần trước mẹ còn bán nốt cả chiếc xe đạp của chị Hoa. Cháu thương mẹ lắm. Hôm chị Hoa được học sinh giỏi mẹ dẫn chị đi mua cái xe đạp đó. Mới chưa được một tháng mẹ lại phải bán đi. Chắc mẹ buồn nhiều!

Ông ngoại kính yêu, cháu không biết em 98 làm gì? Đang ở đâu? Sao em 98 lại cần nhiều tiền như vậy? Cháu hỏi thì mẹ mắng:

- Mày biết cái gì! Tao nuôi nó vài hôm nữa nó về thì tha hồ tiền.

Lạ quá ông nhỉ, em cháu là còn bé hơn cháu mà sao lại có nhiều tiền vậy? Nhưng mẹ nói vậy mà mấy tuần liền cháu hỏi mẹ vẫn nói:

- Nó chưa về.

Tiền thì ngày nào mẹ cũng gửi cho em í. Có gì bán được mẹ bán cả rồi! Nhiều lúc cháu lo không biết mẹ có bán cháu không?

Ông ngoại này, cháu kể cho ông nghe chuyện này nhưng ông không được kể với ai đâu đấy. Ở gần nhà cháu có chị Ngọc người mẫu chân rất dài. Chú Ngựa Hoang nói chị í chạy xô nhanh lắm, chú là Ngựa Hoang mà cũng không theo kịp. Ông ạ, chị í cũng nuôi em nuôi đấy. Mấy em luôn! Nhiều người cứ hay nói chị ấy không tốt. Không phải đâu ông ạ, nuôi em nuôi khổ và tốn tiền như vậy mà chị nuôi cả mấy đứa. Chị í tốt ông nhỉ. Cháu cũng thương chị í nữa. Có hôm cháu nghe nói chị í còn phải cởi hết quần áo cho thiên nhiên, cho môi trường gì đó, rồi còn cởi cho cả đại gia nữa ông ạ. Thậm chí quần áo, túi xách cũng chỉ dám mua đồ nhái còn để dành tiền nuôi các em. Kinh quá ông nhỉ!

Nhưng ông ạ, cháu cũng không biết thiên nhiên là ai? Môi trường là ai mà chị Ngọc lại cởi quần áo cho họ xem. Chẳng lẽ họ không thấy xấu hổ ông nhỉ?

Chú Người Rừng nói "Thiên nhiên là cây, cỏ, hoa, lá, chim muông, sông, suối, núi đồi... Môi trường là như nước, không khí để thở...". Chú í còn nói "Chim muông bị bắt ăn thịt hết rồi, cây, cỏ, sông, suối thì không có mắt. Chẳng thấy gì đâu mà xấu hổ". Mà ông ơi, sao chị í cởi quần áo mà nước lại sạch hơn, không khí trong lành hơn hả ông? Chú Hùng kiến trúc sư lại nói không làm sạch mà còn làm bẩn cả thiên nhiên. Ôi người lớn thật mệt! Cháu chẳng hiểu ra thế nào nữa! Chú Hùng còn nói "Đại gia là người có nhiều tiền mà đa dại". Cháu lại không hiểu đa dại là gì nhưng chắc mấy đại gia mắt cũng kém ông nhỉ?

Cháu cứ kể chuyện chị Ngọc mà quên không nói với ông. Hôm trước mẹ cháu quên không mang cuốn sổ theo, cháu mới mở ra xem thử. Trời ơi, ông không thể tưởng tượng được đâu. Em 98 học giỏi lắm í. Ngày nào cũng được 80 điểm, 100 điểm, có hôm còn được tận 200 điểm. Khiếp luôn! Cháu phục em í quá! Cháu và các bạn hôm nào cố gắng lắm cũng chỉ được 9 hay 10 điểm thôi. Thảo nào mẹ lo cho em í thế! Cháu mong được gặp em í lắm ông ạ.

Ông muôn vàn kính yêu. Hôm qua em í về một tí vào buổi tối rồi đi ngay. Đưa cho mẹ rất nhiều tiền. Mẹ vui lắm, mẹ còn cho cháu đi ăn kem nữa. Nhưng cháu lại chẳng được gặp em í! Mẹ nói:

- Có gì mà buồn. Chịu khó ngoan đi, mai tao sẽ nuôi đứa khác!

Thế đó ông ngoại, kể được cho ông nghe cháu cũng thấy đỡ buồn nhiều rồi. Chúc ông luôn luôn khỏe mạnh và đừng nuôi cháu nuôi nhé ông.

Cháu yêu ông nhiều lắm!

Hà nội, 23-06-2012

PHẠM PHÚ QUẢNG

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

Join the conversation

You can post now and register later. If you have an account, sign in now to post with your account.

Khách
Trả lời chủ đề này...

×   Bạn vừa dán nội dung có định dạng.   Paste as plain text instead

  Only 75 emoji are allowed.

×   Your link has been automatically embedded.   Display as a link instead

×   Your previous content has been restored.   Clear editor

×   You cannot paste images directly. Upload or insert images from URL.

Đang xử lí...

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This is an example of a list.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

×
×
  • Create New...