Jump to content

nguyenngocminh47

Thành viên
  • Số bài viết

    3
  • Gia nhập

  • Đăng nhập

Điểm

1 Neutral

Về nguyenngocminh47

  • Xếp hạng
    Cấp bậc:

Profile Information

  • Giới tính
    Nam
  1. nguyenngocminh47

    Hoa Xoan

    Nông thôn là nơi tôi sinh ra, lớn lên. Tâm hồn tôi được nuôi dưỡng tự nơi yêu dấu ấy. Khi xa, quê hương là nỗi nhớ mong da diết, chính nỗi nhớ mong ấy đã giữ cho tôi không quên gốc gác của mình. Nhiều người muốn ly hương vì những bất công bằng thành thị nông thôn mà thôi. tôi tin như vậy. Cảm ơn bạn.Tôi yêu nhưng vần thơ của bạn...
  2. Con Mực Chạng vạng chiều. Gió mùa đông bắc thổi ràn rạt. Anh Ngàn gập người ngược chiều gió dẫn vợ và bốn đứa con ra bến tàu hỏa. Thằng Cả cầm dây thừng dắt theo con chó Mực. Nơi anh tới là vùng than Đông Bắc. Đã trót đông con nơi ruộng ít người đông, anh quyết đi làm cuộc đổi đời! Năm trước, anh đã ra thị xã vùng than mua cái xích lô làm cử vạn nhưng việc nhà việc quê nhiều quá, anh phải về. Về làng anh xoay đủ nghề, cấy lúa, trồng rau, bắt lươn bắt ếch... mà nheo nhóc vẫn hoàn nheo nhóc. Ra khỏi cổng làng, anh ngẩn ngơ trông về lũy tre. Nhìn cây cành khô khẳng vẫn quấn riết lấy nhau, anh lẩm bẩm: chỉ khi nào hết nghèo, Ngàn này mới trở về! Hành trình của anh phải qua Hà Nội, thêm một chặng tàu hỏa đến Hải Phòng< Anh xuống tàu biển và bây giờ bầu đoàn thê tử đang ngược con đường từ bến tàu Vũng Đục vào thị xã Cẩm Phả. Gió mùa đông bắc xô sóng bủa tơi bời vào đá núi. Những ngọn sóng ầm ầm quật vào vách đá rồi lại lừ lừ dâng đợt sóng tiếp theo. Những hòn đá đầm đìa trơ màu xám lạnh. Con Mực sợ hãi cứ nép vào chân thằng Cả. Trên triền núi, những bông lau rạp theo chiều gió như đoàn người leo dốc. Anh sải chân cho chóng đến đầu phố có hiệu bán bánh bao. Cơm nắm muối vừng mang từ nhà đi đã hết. Vợ anh đang phải hạ gánh xuống để dỗ dành đứa con gái đang ngồi thụp xuống vệ cỏ. Rồi đến lượt vợ anh cũng không còn muốn nhấc chân, anh phải trải cái chiếu cho mấy mẹ con ngồi. Mặt trời sắp lặn. Điện thành phố đã bật lên soi rõ lớp bụi đen bầm chao quanh những bóng đèn đu đưa trong gió. Anh tạt vào rừng chặt mấy cành cây dựng tạm mái lều. Hai anh em thằng Cả cũng bươn vào hẻm núi, một loáng sau đã vác về mấy vác cây lau lợp mái. Chỉ một lúc ba bố con đã dựng xong mái lều lợp cây lau ngay trên nơi vừa trải tạm cái chiếu. Hai anh em thằng Cả lại bươn vào hẻm núi vác về can nước, lúc nãy chúng đã phát hiện được một khe nước ngọt tóc tách giọt từ vách đá. Cái nết chịu thương chịu khó của những đứa trẻ nhà quê lúc này thật là được việc. Đêm nay đã có mái lều che sương, vợ anh và hai đứa con gái nhỏ sẽ tránh được trận ốm. Hai thằng con trai- thằng Cả và thằng Hai- lại lúi húi nấu cơm. Chúng xếp ba hòn đá làm kiềng rồi bắc cái xoong nhôm mang đi từ quê, mấy ống gạo và bò lạc nhân cũng là những thứ mang đi từ quê đi. Bữa ăn đầu tiên nơi miền “đất hứa” của gia đình anh Ngàn là cơm với muối lạc. Anh nhìn vợ nhìn con mà lòng thấy mừng: ngày mai anh có thể đi tìm việc làm được rồi. Ít vốn dắt lưng, vợ chồng anh Ngàn chỉ đủ dựng mái lều và thuê cái xích lô cũ kỹ. Con đường ra bến tàu thủy bươn qua một quãng sình, phía sau mái lều anh mới dựng là một bãi tràm u u muỗi mắt. Khi thủy triều lên, bãi tràm ngập nước chỉ còn những chiếc lá loi ngoi nhưng lúc thủy triều xuống, một màu bùn xỉn phơi ra giữa những gốc cây loằng ngoằng. Mùi tanh nồng lẫn trong bụi than đè xuống mái lều. Hai đứa con gái lại thúng thắng ho, chúng quen không khí nhà quê trong lành. Anh gò lưng đạp xích lô chở hàng khắp các ngõ phố, khách vẫn còn nhớ anh nên chỉ độ một tháng sau công việc của anh đã đều. Vậy nhưng mình anh loay hoay chạy bữa cho sáu miệng ăn không xuể, anh mua hai đôi quang gánh gửi thằng Cả thằng Hai theo người đi nhặt than rơi. Bãi thải Đèo Nai vẫn là nơi cưu mang những người cơ nhỡ. Vợ anh cũng muốn đi nhưng hai đứa con gái nhỏ phải có người trông. Rồi vợ anh khỏe lại. Bây giờ chị đi bán dạo chè đỗ đen. Tiếng rao còn nặng giọng quê đã giúp chị đông khách. Giờ giải lao trước cửa trung tâm dạy nghề, học viên túm lại đãi nhau cốc chè của “cô miền trung có cái giọng đơn đớt, lạ lắm”. Sáng và chiều, hai nồi chè cũng giúp anh chị được tiền rau mắm. Con Mực theo thằng Cả vào đến bãi thải là vội quay về ngay. Những tảng đá như con voi lăn sầm sập từ trên núi cao trong tiếng xe Ben la gầm rú làm nó sợ. Ngày ngày, nó nằm úp bụng trước căn lều, mõm kê lên hai chân trước. Mắt nó lim dim, tai nó luôn hướng về các phía. Bản năng săn bắt và giữ nhà của nó ẩn trong dáng nằm của này. Có lẽ nó thấy ngôi nhà của chủ chống chếnh lắm nên để tai để mắt đến tận bãi cào con mỏ quạ mãi tít ngoài xa. Rồi một đêm nước triều dâng, con Mực ngoạm một con cá chạy về đứng trước mặt anh Ngàn. Nó rít ư ư, cái đuôi vẫn không thôi ngoe nguẩy, nó muốn nói cho ông chủ của nó biết rằng sở trường săn bắt chuột ở đồng quê đã được vận dụng thành công nơi biển khơi mênh mông sóng nước. Và từ hôm ấy, con Mực luôn góp món cá vào bữa ăn của gia đình. * * * Thành phố nâng cấp đường Mười Tám ra miền Đông. Túp lều anh Ngàn nằm sát mặt đường chỗ ngã ba rẽ xuống bến tàu, vợ chồng bàn nhau mở quán nước. Suốt ngày người xe qua lại, khách dừng chân nhâm nhi chén rượu với nhúm sá sùng, quán anh chong đèn rất khuya mà sáng tinh mơ đã có người gọi cửa. Người ta trách sao không làm món gì có tí nước cho dễ nuốt, mấy xâu bánh chưng bánh dày không hợp với khẩu vị của lái xe quần quật cả ngày trên mỏ. Anh chị nâng cấp quán nước lên thành hàng phở. Rồi cơm bình dân đón khách buôn đi tàu, đón công nhân đi ca, buổi trưa buổi chiều không lúc nào vãn khách. Vợ anh và mấy đứa con khuyên anh thôi đạp xích lô sắm bộ đồ nghề sửa chữa xe đạp. Công việc làm ăn mỗi ngày một khá, anh xây được ngôi nhà có mái hiên tây. Con Mực đã bỏ thói quen chạy về đầu phố đón anh Ngàn gò lưng đạp xích lô mỗi khi anh về. Bây giờ thì nó thoải mái gặm xương nên ức nó nở, lườn nó dày, bộ lông cứ mượt một màu đen nhưng nhức. Nó vẫn nằm gác mõm lên hai chân trước trên nền gạch men dưới mái hiên tây. Chắc nó hiểu cuộc đời đã đổi nên thỉnh thoảng lại cọ cái mõm ươn ướt vào đôi bàn chân anh Ngàn. Còn anh Ngàn. Đời anh đã qua những ngày rau cháo, anh đã nghĩ đến một chuyến về thăm quê nhưng đột nhiên tai họa ập đến. Tất cả là tại anh. Đất nhà anh rộng lại nằm ở góc của hai con đường đông người qua lại nên khi có hai cậu sửa chữa xe máy đến thuê, anh cho thuê liền. Hiệu sửa xe máy chỉ kéo thêm khách cho cửa hàng ăn, tội gì không cho thuê. Đã nửa năm nay, lúc rảnh rỗi anh vẫn pha ấm trà ba chú cháu ngồi với nhau rất thân thiết. Anh không biết đấy là hai thằng nghiện. Người ta vẫn nói buôn nuôi nghiện mà anh nào có để ý! Hôm ấy, khi chúng đã bị bắt, công an dẫn chúng về đến khám nhà anh thì một thằng mới xin lỗi đã làm liên lụy và khai ra cái gói hôm trước nó nhờ anh cất giữ. Anh Ngàn vẫn chẳng hiểu gì nên cứ thản nhiên mở ngăn kéo. Sau khi thử chất bột màu trắng trong cái gói anh vừa đưa ra đúng là hê rô in thì anh bị bắt. Anh thành thật khai báo nhưng rõ ràng anh đã can tội tàng trữ. Khi đã yên vị trong tù, anh Ngàn mới có dịp điểm lại đời mình. Thế là đã qua tuổi năm mươi. Người ta bảo ngũ thập tri thiên mệnh, anh chua chát nhận ra khi năm mươi tuổi mình chỉ biết thêm vị cơm tù. Tóc anh dạo này bạc rất nhanh, khắp mình mẩy lúc nào cũng thấy mỏi mỏi, tê tê. Hơn nửa đời lặn ngụp với manh áo bát cơm, làm sao tránh được cái sự bã bời của cơ thể. Anh nghĩ vậy nhưng nỗi buồn thân tù vẫn ngày đêm hành hạ anh. Ngày còn đói rách, nhường vợ nhường con chẳng nói làm gì nhưng khi nhà mở hàng ăn, vợ giục con giục mà không lần nào anh dám ăn trọn một bát phở. Bao sẻn so, tằn tiện chỉ mong con được no vợ được lành rồi dành được khoản tiền kéo nhau về thăm quê hương trong lũy tre làng cây cành khô khẳng vẫn quấn riết lấy nhau. Ôi cái lũy tre từ chạng vạng chiều đông giá buốt ấy, gần chục năm nay vẫn không thôi ám ảnh anh. Càng nghĩ ngợi anh càng chán. Bao giờ mới được cởi bỏ bộ quần áo tù này mà về với vợ với con… Anh Ngàn cứ thở dài thườn thượt. Lắm lúc anh cứ nghĩ vu vơ về tay Giám đốc ở phố anh. Ngày mới về nhận chức, vợ chồng con cái chui rúc trong gian nhà tập thể phải cơi thêm phía sau mới có chỗ đun nấu. Nay trên nền đất ấy đã mọc lên ngôi biệt thự năm tầng. Kính màu hắt nắng chiều xuống mặt đường nhựa, hai cánh cửa ra vào là hai tấm kính trông thật thanh nhã. Nghe đâu chỉ riêng hai cái nắm để kéo ra kéo vào đã đáng tiền hơn mấy cái xích lô của anh. Con cái hắn thì cứ thoải mái ăn chơi, thi trượt đại học trong nước thì bay ra nước ngoài, bây giờ chúng là sinh viên Đại học Hoàng gia ở nước gì mà tấm bằng của trường ấy có thể cầm đi xin việc khắp thế giới. Lướt hết chuyện này qua chuyện khác nhưng cuối cùng bao giờ đầu óc anh cũng nhớ về con Mực. Anh nhớ vì trước khi xảy ra tai họa, anh đã không nhận ra sự mách bảo của nó. Lúc thằng nghiện đưa cái gói cho anh, con Mực đã nhảy lên cắn giữ tay áo anh. Rồi nó cứ cào vào cái núm khóa ngăn kéo, bây giờ anh mới hiểu con vật đã đánh hơi thấy mùi lạ. Thế mà lúc ấy anh lại vuốt lưng bắt nó nằm yên. Không hiểu được nó nên anh mới phải mang thân tù tội. Bây giờ chỉ còn biết tự trách mình sao mà lú thế không biết! Ở tù được sáu tháng thì thằng Cả chở mẹ lên thăm. Nó dận đôi giày ống có hai hàng khuy móc sáng chóe bó chẽn lấy ống quần sát vào đùi. Anh định ôm nó nhưng nó đã lảng ra làm hai tay anh rơi thõng. Vợ anh thì thào: - Đất chỗ mình bây giờ nhiều người hỏi mua lắm. Giấy tờ chẳng phải lo, cứ giảm đi vài giá là họ tự lo được hết. Tôi bán một mảnh rồi, hơn trăm cây họ đã chồng đủ. Tôi sẽ tìm thợ xây năm tầng như bên bác giám đốc. Anh Ngàn đã hơi ngờ ngợ. Không biết anh ngợ về ngôi nhà năm tầng vợ anh vừa nói hay ngợ về cái sự lạnh nhạt trong cách xưng hô. Mới có mấy câu mà vợ anh xưng tôi đến mấy lần? Nhưng rồi anh lại nghĩ, tại mình gây nên tội cho cả nhà phải mang tiếng, mình có quyền trách ai! - Số vàng còn lại tôi sẽ thuê san lấp mấy chỗ sình rồi mới bán cho được giá. Tới đây phải thuê người chứ anh em thẳng Cả chẳng chịu làm gì… Anh Ngàn như mất thăng bằng. Đời mình lại có nhà năm tầng như ông giám đốc ư? Ngày ấy, vợ chồng con cái lê đến đó thì mệt không nhấc chân nổi nữa. Định chỉ trải cái chiếu cho lũ trẻ ngồi tạm nhưng hết mệt thì cơn đói lại tới. May mà có mấy bà khệ nệ bê vác những bì những bao ra bến tàu thủy, anh xin vác hộ và được trả công mấy cái bánh mì. Rồi mảnh đất ấy đã có túp lều che nắng che mưa cho hai vợ chồng và bốn đứa con cho đến khi xây được ngôi nhà có mái hiên tây. Hôm xong nhà anh đã ngồi tựa lưng vào tường nghe hơi đất râm ran thấm từng thớ thịt. Anh khó ngủ quá. Bao năm hì hục như trâu cày mà điều mong ước đổi đời lại đến vào cái lúc anh mất hết tự do. Nhà cửa xây xướng thế nào, anh chỉ nghe chứ nào có thấy. Anh lại thở dài. Thôi, cũng bõ những năm vợ chồng con cái vét từng xẻng đất nhặt từng gánh sít bồi lấp vũng sình. Con Mực cũng theo vợ anh lên nhưng thấy đông người, nó sợ. Nó chỉ dám lẻn vào liếm chân anh rồi lỉnh ra đồi chè. Hàng ngày nó đón đường anh đi làm, quẩn chân anh rít lên với anh. Nhìn nó gầy trơ xương, anh thương quá nhưng đuổi nó cũng chẳng chịu về. Từ hôm bị mấy người tù đuổi bắt, nó vẫn chạy xồ ra đón anh rồi phóng vào đồi chè, mất dạng. Bẵng đi nửa năm không ai đến thăm, anh nhớ vợ nhớ con và nhớ con Mực vô cùng. Hôm đi làm cỏ chè, anh tình cờ gặp một người quen. Cán bộ đã cho phép anh được nghe anh ta kể về tình hình ở nhà. Nhà anh đã xây xong, đẹp nhất phố. Vợ anh bây giờ đi đâu cũng ta xi, tai lủng lẳng toong teng, cổ đeo dây vàng chóe… Anh không tin. Cái cô Út bao năm trước khi đi ngủ cũng sờ thạp xem ngày mai có còn gạo không lại biến đổi nhiều đến thế kia ư? - Đất bây giờ có giá lắm, ông ạ. Sát quốc lộ mà vị trí ngã ba như chỗ nhà ông thì mỗi mét mặt đường phải bán một cây. Mụ vợ ông bán gần hết rồi! Anh về trại mà đầu óc cứ để nơi bãi sình bên con đường ra bến tàu thủy. Không thể hình dung ra cô Út ngày nào mẹ anh đón về từ lúc tóc vàng hoe như cái đuôi gà, làm vợ anh mà cứ nhún nhín như đứa em ngoan… bây giờ giống ai? Nhờ chăm chỉ cải tạo nên anh Ngàn được giảm án. Anh ra tù trước hạn với nỗi háo hức đoàn tụ và nỗi lo không biết con Mực có biết mà về. * * * Đúng như anh Ngàn đã nghe, cô Út thuê san lấp và bán hết vũng sình. Có tiền, cô Út lo trang điểm từ cái móng tay đến mái tóc. Thợ làm đầu cứ nịnh mà lấy tiền, mới hôm trước yêu cầu cuốn vào che bớt hai gò má hôm sau lại bắt duỗi ra buông lửng xuống ngực. Được cái Út không tiếc tiền. Y sỹ Thanh hay lui tới nhà Út, buổi chiều nấn ná đến đêm. Tối nào bọn trẻ cũng mỗi đứa một xe, tụ tập lêu lổng gần sáng mới về. Khi người làm còn chưa về, Thanh đã chộp cổ tay Út, lả lơi: - Cửa hàng em gì cũng có mà vẫn thiếu một thứ… Vắng chồng đã lâu lại đang tuổi hồi xuân, tay y sỹ Thanh chạm vào đâu Út cũng thấy như điện giật. Má đỏ ửng, mắt lóng lánh, cô đẩy ra mà lại như kéo vào: - Đừng… người ta trông thấy kìa… thiếu gì nào… - Thiếu món gân bò… em thiếu cái ấy… Rồi chúng vồ vào nhau, quấn vào nhau. Lúc đầu cũng có lời dị nghị nhưng về sau chẳng còn ai để ý. Người ta lo làm giàu, giàu rồi còn phải giàu thêm. Người nghèo còn lo kiếm bát cơm lặc lè cả thân, hơi sức đâu để ý chuyện thiên hạ. Ra giêng ngày rộng tháng dài, Út đóng cửa hàng để lại xấp tiền cho mấy đứa con rồi cùng y sỹ Thanh đi du lịch. Trong trí nhớ của Út không mảy may còn hình bóng anh Ngàn. Còn lũ con. Mấy anh em thằng Cả bây giờ hư hỗn quá. Trước đây chúng chăm chỉ là vậy mà bây giờ chỉ ham đàn đúm. Chúng luôn khảo tiền để đi chơi, những cuộc chơi bời ngày càng bạt mạng. Động nói là tục tĩu, với ai chúng cũng phán như ranh mà có đứa nào xong được cái phổ thông cơ sở… Chiều cuối năm, anh Ngàn thất thểu tìm ngôi nhà cũ. Bây giờ ngôi nhà có mái hiên tây ấy mốc meo, lùn tịt bên ngôi nhà năm tầng cô Út mới xây. Con Mực thính hơi chạy ra liếm vào bàn chân anh. Nó ngước đôi mắt ươn ướt nhìn anh và chậm chạp vẩy cái đuôi rụng lông nham nhở. Anh ngồi thụp xuống, con chó cũng nằm bẹp xuống, một bên mắt nó nhỉ ra giọt nước. Rồi nó đứng dậy, anh theo con chó vào nhà trên. Con béc giê to như con bê gâu một tiếng làm anh Ngàn choáng cả người. Điện sáng trưng. Mấy người đang lau bàn ghế trố mắt nhìn anh. Ai mà lòng khòng trong bộ quần áo thùng thình, tay xách cái túi cước lòi ra mấy khúc mía mà con Mực quấn quýt thế này. Mãi lúc sau vợ anh mới trên gác chạy xuống. Cái mồm há hốc không hợp với môi son má phấn và bộ váy cũn cỡn nhưng đôi mắt tròn xoe vẫn gợi anh Ngàn nhớ tới cô Út của mình. Rồi cô cũng đỡ cái túi, dắt anh lại ngồi vào ghế, sai người làm dọn mấy món ăn. Thanh với Út đang ngồi ăn trên gác nghe ồn ào nhìn xuống đã thấy anh Ngàn. Út chần chừ rồi mới chạy xuống. Thanh sởn gai ốc, thằng tù gớm giếc kia mà lao vào mình thì sẽ lây bệnh như chơi! HIV, ghẻ lở hay vi trùng Cốc… chẳng biết Thanh sợ loại gì mà men mén ra ngoài rồi nổ máy phóng xe đi. Người làm bê ra mấy món nhưng anh Ngàn không nuốt được miếng nào. Khuya, con anh đi chơi về, ba đứa lớn nhăn mũi đi qua, chỉ có con bé út lý nhí một tiếng bố rồi tọt lên gác. Anh ngồi ngây đơ, mắt anh nhìn về đâu xa lắm. Ngôi nhà năm tầng như bãi tha ma. Con Mực vẫn nằm phủ phục dưới chân anh. Mõm nó đặt lên bàn chân bụi bặm của anh, hơi thở nó âm ấm phả vào cổ chân anh. Thỉnh thoảng nó lại ngước lên nhìn, cái mũi ươn ướt và đôi mắt mở tròn không chớp. Anh cúi xuống vuốt nó rồi rồi vào dọn cái giường trong ngôi nhà cũ. Lại một cái tết nữa qua đi. Ngoài đường ầm ĩ. Chỉ có mình anh Ngàn và con Mực như bóng với hình trong ngôi nhà có mái hiên tây. Bây giờ anh đã khỏi phù nề và mụn lở, lôi ngăn kéo đồ nghề sửa chữa ra nhưng lại thở dài, ập vào. Tâm trạng anh rệu rã vô cùng. Anh muốn về quê nhưng không lẽ lại cất lời xin tiền cái lũ đang coi anh như rác. Từ thằng Cả đến đứa con gái út, chẳng đứa nào them hỏi anh. Chúng đi đâu, làm gì đến mẹ chúng cũng không hề biết. Thằng Cả thằng Hai đều đã nghiện. Đứa con gái thứ ba đã lấy chồng nhưng thằng chồng nó chẳng làm gì cứ bám nhẵng vào nhà vợ mà đu với thằng Cả thằng Hai. Chỉ còn con bé út. Hôm anh mới về nó lí nhí chào bố nhưng đến nay cũng quên. Đã có lúc anh lựa lời khuyên bảo nhưng chẳng đứa nào thèm nghe. Nỗi tủi hờn cứ lớn dần. Người vợ tảo tần ngày nào và lũ con dứt ruột của anh còn bạc hơn cả người xa lạ. Đau đớn cho anh, suốt ngày chúng như những cái gai chọc vào mắt anh. Hôm qua, thằng cả dắt một con bé về nhà. Con cái nhà ai mà mồm cứ bô bô đèo xíu, anh bảo con gái sao lại nói năng như thế cháu ơi. Nó quay mặt đi hứ một tiếng rồi làm ra vẻ không nghe thấy. Khi tiễn con bé về rồi, thằng Cả hầm hầm xấn đến trước mặt anh: - Từ nay ông đừng mò mặt lên đây nữa. Người ngợm như thằng điên mà cứ lù lù… xấu hổ với khách. Anh uất lên: - Ai sinh ra mày, ai nuôi mày khôn lớn… đồ phản phúc! Thằng Cả câng mặt: - Hãy quên cái đận nhà quê ấy đi nhé. Hãy mở to mắt ra mà nhìn, vidio này, tủ lạnh xe máy này, cả cái vi la năm tầng này nữa, dễ ông đi soi lươn soi ếch đi đạp xích lô mà có đấy hả. Cút đi cho khuất mắt!? Mặt anh tái dợt, cơn giận bốc lên ngùn ngụt. Anh dang tay tát thằng con đốn mạt nhưng nó né người, tiện tay nó hẩy anh ngả sấp. Mụ Út lao xuống cầu thang: - Sao ông không chết quách trong tù đi còn vác xác về đây cho xấu mặt mẹ con tôi? - Không biết thân biết phận thằng tù còn rao giảng đạo đức cho ai! -Thằng Cả nối theo. Tiếng sét giữa trời quang ấy đã quật anh gục hẳn. Anh thất thều bước vào làn mưa bụi. Tôi gặp anh ở chân dốc Năm Hai: - Bác đi đâu thế này? - Tôi đi nhặt than, cậu… Hình như anh có điều tâm sự. Tôi đang trên đường về Công ty nên cùng đi một với anh đoạn. - Bây giờ chúng nó coi tôi không bằng con chó, cậu ạ! Chó Tây chó Nhật, chúng nhắc người làm không được bỏ sót bữa nào. Còn tôi, nuốt tủi nuốt nhục thế nào chúng không cần biết. Tôi nhìn anh. Dạo này anh gầy và già đi nhiều. Chắc cái vóc vạc nông dân vùng chiêm trũng đã đỡ anh leo qua mấy con dốc. - Hôm nay bác không đi nhặt than à? - Tôi vấp hòn đá bị trẹo chân, thôi nghỉ một bữa! Hèn nào tôi thấy chân anh khập khiễng. Tôi với anh là người cùng quê, ra đây mới biết nhau nhưng bận việc trên mỏ ít khi tôi gặp anh. Hôm nay anh lại hỏi tôi cái câu rất khó trả lời: ông trời có mắt không? Anh không nói về sự khốc liệt của kinh tế thị trường, sự phân cực giàu nghèo, sự tha hóa đạo đức mà chỉ nói cái hận đồng tiền! - Cả đời lăn lưng kiếm tiền sao anh còn hận? - Đồng tiền đánh cắp phẩm giá của vợ con tôi! Người ta nhờ đồng tiền mà nên kỹ sư bác sỹ. Còn tôi, ông trời không cho bốn đứa con tôi một chữ hiếu, cho vợ tôi một chữ nghĩa? Anh hỏi tôi nhưng anh lý giải theo cách của anh. Tôi không nỡ cắt lời con người mới được sống hơn nửa cuộc đời mà đã trải quá nhiều cơ cực. Chúng tôi đi với nhau tới ngã tư Tổng Hợp. Đang nói chuyện bỗng anh lầm bầm “cái đồ khốn nạn”. Hóa ra anh vừa nhìn thấy mụ Út om eo y sỹ Thanh phóng xe máy lướt qua. Về đến ngôi nhà có mái hiên tây, anh Ngàn lại gặp một chuyện đau lòng. Đứa con gái út của anh áo quần tơi tả đang phủ phục trên một chiếc xích lô. Anh xích lô là người quen giúp anh đưa con bé vào nhà: - Nó bị đánh ghen đấy! Ông chuẩn bị đi, hội chúng nó sẽ kéo đến bây giờ… Anh xích lô vội đi vì một đoàn xe máy đã xấn tới. Một mụ trạc truổi vợ anh the thé: - Cái thằng tù kia! Đẻ con mà không biết dạy con thì đâm đầu vào háng nó mà chết nhé. Con gái mày theo gương con vợ mày đánh đĩ, hôm nay bà bắt được nó đang ôm chồng bà. Đây, có các chú đây chứng kiến, bà còn cho mặc quần áo là bà đã nhân đạo lắm rồi… Mụ ta nhảy cồ cồ, mồm đai tay xỉa làm anh Ngàn tối cả mặt mũi. Rồi bọn đầu trọc xông vào nhà bê ra ti vi, tủ lạnh, chỉ đến khi nghe ai nói bọn thằng Cả thằng Hai đang lao xe về, chúng mới bỏ đi. Anh Ngàn đau quá. Nỗi đau cuộn xoáy trong ruột gan. Con mụ kia nó nói có sai đâu, anh đẻ con mà không dạy được con, mẹ nó theo giai nó cũng theo giai, còn nỗi đau nào đau hơn thế nữa. Anh cứ lẩm bầm mấy cái từ vừa bị xỉa vào mặt mà thập thững bước trên con đường ngược ra bến tàu. Anh lại vấp và lần này chả còn muốn đứng lên. Con Mực đã quẩn vào chân anh, nó run rẩy khi con sóng bung lên bổ vào bờ đá. Biển cứ vô tình, hình như nó đang lùi lại để bổ đợt sóng tiếp theo. Hà Nội - 10/2012 ------------------------------ Nguyễn Ngọc Minh P.616/CT.16 ĐTM Định Công- Hoàng Mai- Hà Nội ĐT: 01253175274

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This is an example of a list.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

×
×
  • Create New...