Nguyễn Bảo Sinh
Thành viên-
Số bài viết
53 -
Gia nhập
-
Đăng nhập
-
Nổi bật trong ngày
4
Content Type
Trang cá nhân
Diễn đàn
Lịch
Blogs
Downloads
Ảnh
Videos
Articles
Mọi thứ được đăng bởi Nguyễn Bảo Sinh
-
Bát Phố Tập 1-Bát Phố đờ mi thiền (p1)
một chủ đề đăng Nguyễn Bảo Sinh trong Truyện ngắn của thành viên
LỜI TỰA Nếu gương lưu bóng hình qua Thì đâu còn chỗ để mà soi gương Năm cửa ô Hà Nội xòe ra như năm cánh hoa “tự nhiên chờ cái đến, thanh thản tiễn cái đi”. Mặt nước Hồ Gươm như tấm gương kim cổ soi bóng vạn cảnh giai không: “Đến không đón Đi không tiễn Soi đủ điều Không bình luận” Đời là vô thường, gương không lưu bóng hình qua, nhưng tâm người lại “dẫu lìa ngó ý, còn vương tơ lòng”. Như người con gái xưa không quên được tình cũ: Đức Khổng Tử ra chơi ngoài đồng, thấy người đàn bà đứng khóc nỉ non ở chỗ bờ đầm. Đức Khổng Tử lấy làm lạ, bảo học trò hỏi vì cớ gì mà khóc. Người đàn bà nói: “Độ trước tôi cắt cỏ thi, đánh mất chiếc trâm cài đầu bằng cỏ thi, cho nên tôi khóc”. Đức Khổng Tử hỏi: “Đi cắt cỏ thi, mất cái trâm bằng cỏ thi, thì việc gì phải khóc?” Người đàn bà nói: “Không phải vì tôi đánh mất cái trâm cỏ thi mà tôi khóc. Tôi sở dĩ khóc, là tôi thương tiếc một vật cũ, dùng đã lâu, mà ngày nay không sao thấy được nữa”. Người đời dù ngộ thế sự là tấm gương không lưu hình bóng cũ nhưng vẫn ngậm ngùi nuối tiếc cảnh xưa, bâng khuâng chuyện cũ khi ngắm di tích rêu phong, cổ mộ. Chúng ta đào bới hoàng thành, tìm cổ vật để hoài niệm dĩ vãng như người con gái khóc chiếc trâm bằng cỏ thi đã mất: Sóng lớp phế hưng coi vẫn rộn Chuông hồi kim cổ lắng càng mau BÁT PHỐ “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo Nền cũ lâu đài bóng tịch dương” Bát phố là một thú chơi mà chỉ người Hà Nội mới thưởng thức được hương vị kiêu sa này. Xưa kia bát phố là phần hồn của người Hà Nội, về sau chữ “bát phố” phai mờ, rồi mất hút vào xa thẳm rồi lại tái sinh và hòa nhập với cuộc sống hiện đại. Nhiều người Hà Nội ngày nay không hiểu từ “bát phố” là gì? Từ điển cũng không ghi. Vậy bát phố là gì? Chiết tự kiểu Tây có lẽ “bát” là pásser – qua. Còn phố là phố. Hoặc hiểu theo tiếng Hán là ta ra phố bát ngát cho lòng thảnh thơi. Nôm na ta hiểu khi đi chơi phố mà vô sở cầu thì gọi là bát phố. Vậy những người đi làm, đi chơi với người yêu, đi chữa bệnh, thường không được gọi là bát phố. Định nghĩa cho vui thôi chứ thật ra bát phố là bát phố, thế thôi! Hơn nữa “bát phố” ở đây lại vừa là danh từ, vừa là tính từ, vừa là động từ. BÁT PHỐ ĐỜ MI – MỘT NỬA – THIỀN Thiền nhân là người tỉnh thức sống trong vô thức nhưng được ý thức kiểm soát. Thiền nhân đi trong mộng mà biết mình là mộng. Bát Phố không hoàn toàn sống trong mơ mà là nửa thực nửa mơ, nhập nhòa giữa ý thức và vô thức cho nên gọi là đờ mi thiền. Mọi người vào chùa cầu tài, cầu lộc. “Vào chùa lễ Phật thấy sư Người người cúi lạy chiếc lư hương đồng Miệng cầu sắc sắc không không Đầy trời sắc, thế còn không đâu rồi?” Sư, ni mong tu hành đắc đạo. Bát Phố chỉ chiêm ngưỡng, vái vọng chùa chiền từ xa một cách vô sở cầu. Bát Phố cảm nhận hương vị thiền. Ta như mây trắng giữa trời Ngắm nhìn thiên hạ đang ngồi máy bay Gió thổi mây bay sang hướng nào thì hướng ấy là đích. Hợp thành mây, tan thành mưa, đóng thành băng đều từ cái một. Khi đi bát phố là vô sở cầu, thoát khỏi thị phi nhập vào cuộc chơi của tạo hóa. Tạo hóa tạo ta chơi Ta chơi trò tạo hóa Hợp tan mây thành đá Nhật nguyệt hóa như như Cuộc phiêu lưu tùy duyên vô nguyện của Bát Phố luôn an trú trong hiện tại: Không mong đến, chẳng cầu đi Không phân khôn dại còn chi để buồn Tâm như nước chảy trên nguồn Soi hình tạo hóa mà không lưu hình Kẻ bát phố thường ở Hà Nội từ 5 đời trở lên. Hà Nội kiểu Pháp tính theo đường tàu điện: nơi nào đường tàu điện chìm là Hà Nội, nơi nào đường tàu điện nổi như đường tàu hỏa là nhà quê. Hà Nội kiểu Pháp lấy bến tầu điện bờ Hồ, nay là bến gửi ô tô trước nhà hàng Hàm Cá Mập, cạnh bến xe bus, làm trung tâm thì đường tàu điện chìm chạy đến hết phố Huế, Hàng Than, bến xe Kim Mã, trường Chu Văn An, Công viên Thống Nhất... Còn sau đó là nhà quê. Tính theo cách này thì người Hà Nội ít lắm, thủ đô bé lắm chứ không vào loại to nhất thế giới như bây giờ. Hiện nay người Hà Nội trên 70 lại càng hiếm, có lẽ phải ghi vào sách đỏ để bảo vệ kẻo nay mai không biết còn hay mất. SỰ KHÁC BIỆT GIỮA BÁT PHỐ, LÃNG TỬ, BẠT TỬ VÀ VAGABOND Tiểu giang hồ, đại giang hồ Chung chăn mà chẳng ai ngờ chiếu riêng Lãng tử thường mặt mũi phờ phạc không lơ ngơ như Bát Phố. Tóc tai lãng tử bù xù, mặt mũi bơ phờ, người gầy gò hơn bát phố. Tóm lại trông lãng tử phong trần hơn, bệ rạc hơn và trải đời hơn Bát Phố. Lãng tử có thể bỏ nhà đi vài ngày còn Bát Phố chỉ đi chơi loanh quanh phố xá, tối nào cũng vẫn về nhà ăn cơm 2 bữa với vợ. Lãng tử thường có nhiều vợ. Bát Phố chỉ có một vợ, nhưng rất nhiều mối tình vặt để mơ màng. Khi va chạm, lãng tử có thể ẩu đả còn Bát Phố thì dĩ hòa vi quý. Một lần anh bạn Bát Phố gây gổ đánh nhau ngoài đường. Bát Phố bảo bạn cứ ra quán ngồi chơi xơi nước. Bát Phố ghé vào tai đối thủ của bạn nói khẽ vài câu, tên này bỏ đi liền. Bạn hỏi Bát Phố có tài gì mà tên kia bỏ chạy nhanh thế. Bát Phố bảo tôi chỉ nói: - Đánh nó làm đéo gì, nó bị siđa giai đoạn cuối đấy. Khi tranh luận gay gắt, Bát Phố chuyển ngay sang bàn về thời tiết. Hãy cãi nhau như bàn về thời tiết Tình cảm ngược chiều mà vẫn thấy như không Cao cấp hơn lãng tử là bạt tử. Loại này có thể bỏ nhà đi giang hồ một vài tháng. Vagabond là loại vô gia cư, lấy đầu đường xó chợ làm nhà, thường sinh sống bằng nghề trộm cắp, cướp giật, du côn và là mục tiêu của cảnh sát. Vagabond ma cà cúi lúi húi bụi tre Ông đội xếp bắt được hỏi nhà mày đâu? Nhà tôi ở phố đầu cầu Số nhà 37 đứng đầu du côn CHÂN DUNG BÁT PHỐ Tuổi Bát Phố khoảng từ 15 tới 70. Dưới 15 tuổi chưa ý thức được ý nghĩa bát phố. Trên 70 không đủ sức và tâm trí để đi bát phố mà chỉ ngồi một chỗ để hướng về bát phố. Thời xưa 50 lên bô, 70 thượng thọ là người xưa nay hiếm. 70 là lụ khụ lắm rồi, chứ không sung mãn đi hát Karaoke ầm ĩ như các cụ ngày nay đi hát karaoke được tiếp viên khen: “Anh hơn ông nội em 10 tuổi, song anh khỏe hơn cụ nhiều”. Đôi mắt Bát Phố khi mơ màng như thi sỹ, lúc lại vụt sáng như trẻ thơ, khi trầm tĩnh như hiền triết, lúc ngơ ngác như con nai vàng... Tóm lại không tả nổi thần của đôi mắt Bát Phố. Tự nhiên chờ cái đến Thanh thản tiễn cái đi Yêu những điều không muốn Tâm nhàn hơn mây trôi Bát Phố nổi tiếng đi thong thả, dép lê lệt bệt như con ngan. Người Việt Nam nổi tiếng đi chậm nhất thế giới. Hà Nội đi chậm nhất Việt Nam, Bát Phố lại là kẻ đi chậm của Hà Nội. Khi ra phố có việc, thường mọi người đi cắm cúi, mắt nhìn thẳng. Sư sãi đi phố theo kiểu hành thiền. Các cô người mẫu đi kiểu khiêu dâm. Cảnh sát đi nghiêm chỉnh, mắt nhìn đầy uy lực. Nhà giáo đi phố trông nho nhã. Đối với Bát Phố, ra đường tức là về nhà, về nhà tức là ra đường. Dáng đi của Bát Phố: “Ung dung khắc đến khắc đi Còi to cho vượt, tranh gì trước sau Bước chân dù chậm hay mau Đường ta đi giữa hai đầu tử sinh” Dáng người Bát Phố thanh tao, da hơi xanh, hai bàn tay khi đi hơi ngửa lên trời, dép lê sát đất nên Bát Phố dùng rất tốn dép. Đi bát phố thường đi dép, không mấy ai đi giày. Đi tốn dép nhưng Bát Phố ưa hoạt động chứ không phải loại dài lưng, tốn vải ăn no lại nằm. Bát Phố ăn no là đi: Mình không chỗ đứng trên đời Lại không cả biết nằm ngồi ở đâu Thì đi về chỗ bắt đầu Cứ đi không đến về đâu thì về LÝ LỊCH TRÍCH NGANG CỦA BÁT PHỐ Bát Phố thường sống trong gia đình trung lưu, gần gần như tiểu tư sản. Thời bao cấp, thành phần này đi thi thường chỉ được nhận vào trường Đại học Sư phạm hoặc Đại học Nông lâm... Nhưng sinh viên Đại học Sư phạm xinh lắm. Còn sinh viên các trường đại học khác thì lại xấu như câu nói vui “Quỷ Bách Khoa, ma Tổng hợp”. Giai cấp tiểu tư sản là giai cấp mà cách mạng không tin dùng, cũng không khắc chế. Sinh viên có lý lịch tốt được tuyển vào “Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách Khoa”. yếu tố xét vào các trường đại học đầu tiên là lý lịch và có là đoàn viên hay không, tất nhiên ai là đảng viên thì ưu tiên số một. Gia đình trung lưu mới có đủ sự thanh thản để đi bát phố. Còn gia đình giàu có thì bận rộn về phấn đấu, gia đình nghèo suốt ngày chỉ nghĩ về miếng cơm, manh áo, ra đường lúc nào cũng tất bật lấy đâu ra tâm thế mà đi bát phố. NHÀ Ở CỦA BÁT PHỐ Bát Phố thường sống trong phố cổ, nhà cửa chật chội, nên mới thích đi chơi phố. Với Bát Phố thì về nhà tức là ra đường. Còn những người nhà cao cửa rộng ít thích ra phố, và hay sợ đủ thứ. Phần chính của nhà Bát Phố thường giành cho gia đình, kể cả Bát Phố là chủ nhà. Chỗ ở của Bát Phố thường là tầng tum hoặc gác xép nơi lắm gián, nhiều muỗi. Nơi này là không gian yên tĩnh nhất để Bát Phố đỡ bị mọi người quấy rầy. Ngày xưa muốn ở ẩn thì vào rừng hoang núi vắng, còn ngày nay thì tốt nhất là ẩn vào tầng tum gác xép. Thường thì gác xép của Bát Phố chiều cao độ 1m, chỉ có thể ngồi hoặc nằm, còn tầng tum có thể đứng được nhưng khi nằm duỗi chân phải thò cẳng ra cửa sổ. Những ngày giỗ tết, sinh hoạt đông như sinh nhật con cái, Bát Phố thường giữ chân trông xe. Trong nhà con cái hát hò, phởn phơ, còn Bát Phố thì ngồi co ro nơi vỉa hè: “Con sang thì bố lại hèn Con sinh nhật, bố cầm đèn trông xe Quần áo con vứt ra hè Bố tiếc rẻ lại mang về mặc luôn” Nếu gia đình cố mời Bát Phố vào dự cuộc vui náo nhiệt, Bát Phố lại thấy mệt vì xã giao vì ồn ĩ. Ở vỉa hè yên tĩnh hơn. Mọi người tranh chữ danh, Bát Phố giữ chữ nhàn. Đánh giết bất cứ loài gì, Bát Phố cũng ngại, nhưng đi chơi để giết thì giờ, để tu đạo nhàn thì Bát Phố ôkê. “Giết người thì sợ bị tù Giết thì giờ gọi là tu đạo nhàn” Ngày tết mọi người rất bận rộn, riêng Bát Phố lại được ung dung tự tại: Mình không quỵ lụy người ta Mà mình cũng chẳng có ma nào cần Cho nên Tết được yên thân Không ai biếu xén, chẳng cần biếu ai Nhưng nhiều khi ngồi nhàn quá Bát Phố nghĩ quẩn, lo vớ vẩn; lo quạt trần tuột ốc rơi vào đầu thì nguy. “Lã Bất Vi buôn cả vua Hồ Xuân Hương chửi cả chùa lẫn sư Bọn họ gan lớn mật to Còn ta gan bé nằm lo sập trời” Sống nhường nhịn, chịu khổ hơn người nên ẩn sỹ Bát Phố rất thảnh thơi. “Ta là hòa thượng tại gia Vợ con ăn thịt, dưa cà ta ăn Gác xép là chỗ ẩn thân Tọa thiền đếm muỗi ngoài sân bay vào” THIỀN QUÁN CỦA BÁT PHỐ Chỗ ngồi của Bát Phố thường là quán nước vỉa hè có mái hiên hơi thấp. Kẻ đi người lại vừa phải. Có tiếng người qua lại, xe cộ ầm ĩ, tất cả hình ảnh và âm thanh vừa độ. Quán nước ven hồ, phía xa là ngôi chùa đôi lúc lại ngân nga hồi chuông một cách lạc lõng giữa phố xá. Nếu chỗ ngồi ấy lại dưới hàng cây tán thấp như bằng lăng chẳng hạn thì thật tuyệt. Tóm lại thiền quán Bát Phố vừa phải quê, phải tỉnh, vừa náo nhiệt vừa yên tĩnh. Nhất là cô bán nước hay chuyện, đĩ người không đĩ tính thì thật tuyệt vời. Trong quán thường có vài ông cao bồi già bàn chuyện trên trời dưới biển, gi gỉ gì gi cái gì cũng biết nhưng vô tích sự, rất thích phét lác với bạn hữu, nhưng nếu ai nhờ vả cái gì phiền lụy là lỉnh ngay. Bàn thì đủ mọi chuyện, song đề tài chính cũng chẳng khác gì mấy bà nạ dòng: “Ba bà đi buôn dưa lê Chuyện ba ông lão dắt dê về nhà Ba bà đi bán mề gà Gặp ba ông lão dở cà ra xem” Cứ bàn đến chuyện gái là các loại Bát Phố đều tỉnh ngủ, mặt rạng rỡ, mắt hấp háy... Đoạn buôn dưa lê này thì đến mấy ông xích lô, xe ôm bên kia đường cũng ngoảnh đầu sang hóng chuyện, thỉnh thoảng lại văng tục một cách khoái trá, rồi cầm điếu thuốc lào hút sòng sọc mà đôi mắt vẫn như hấp háy cười. Còn cô hàng nước mặt đỏ bừng cúi xuống giả vờ rót nước tràn ra khỏi chén. ẨM THỰC CỦA BÁT PHỐ Bát Phố không cầu kỳ lắm về các món ăn nhưng thường rất quan tâm đến người cùng ăn, và chỗ ăn đủ tĩnh lặng để Bát Phố thưởng thức tâm hồn mình khi ẩm thực. Quán ăn uống của Bát Phố thường đồ nhắm không ngon lắm mà là nơi Bát Phố cho là ngon, Bát Phố ăn để thưởng thức không khí xung quanh như nụ cười của cô bán hàng, tà áo lụa của cô nữ sinh đi qua ... cho nên đừng ai hỏi Bát Phố về quán ăn ngon của Hà Nội mà lầm đấy. Những kẻ say ẩm thực có thể ngồi bất cứ đâu, chen lấn, xô đẩy không cần biết, miễn là chỗ ấy có món ăn ngon và rẻ. Cách ẩm thực kiểu Trư Bát Giới giờ khá phổ biến ở Hà Nội, kiểu ẩm thực này được coi là sành điệu. Đối với Bát Phố, món ăn ngon không quan trọng bằng cách ăn ngon, cũng như cụ Nguyễn Tuân không phải là người sành điệu về phở ngon mà sành điệu về cách ăn. Sở dĩ cụ ca tụng món ăn phở chín Hà Nội, vì cụ yếu dạ không ăn được phở tái. Bát Phố, ăn uống là để ngẫm nghĩ về cảm xúc của ăn uống. Cũng như Tô Đông Pha khi ngồi ăn ông ta ăn một cách say mê bất cứ món ăn gì để gần ông. Nhiều khi vì tập trung vào tâm hồn mình khi ăn uống nên Bát Phố hay gắp nhầm, hoặc uống nhầm vào cốc nước của người bên cạnh. Khi trả tiền, Bát Phố thường trả thừa hoặc thiếu, có khi đi thẳng quên không trả tiền, nhưng chủ hàng thấy khuôn mặt thật thà của Bát Phố họ không bao giờ cho Bát Phố là đồ ăn quỵt. Ăn xong, nhiều lần Bát Phố dắt nhầm xe của khách nhưng chưa lần nào bị khách nện cho một trận vì họ nhìn mặt Bát Phố là hiểu ngay. ĐẶC TÍNH CỦA BÁT PHỐ Mặc dù 5 đời sống ở Hà Nội, nhưng Bát Phố không hề nhớ tên phố. Đến đúng phố mình tìm Bát Phố vẫn phải hỏi tên phố là gì?. Nhưng nếu bịt mắt lại, chỉ nghe âm thanh, hơi thở của phố, Bát Phố cũng có thể tìm về đúng nhà mình. Kẻ Bát Phố đi mà không định về đâu. Nhiều khi đạp xe, bỗng tránh đường ông xích lô, thế là anh ta cứ theo đường tránh mà đi. Bát Phố như mây trắng lơ lửng phiêu bồng trên đường phố: Ta đến trong từng mỗi bước đi Chẳng mơ chỗ đến để làm chi Dòng thời gian chảy đâu đâu bến Vũ trụ này chỗ đến là đi Bát Phố có thể đến chơi nhà ông bạn nhiều lần, song cũng không biết và không nhớ mặt vợ bạn. Nhiều khi, hai ông Bát Phố chơi với nhau vài năm mà vẫn không nhớ rõ tên tuổi bạn, nhưng về mặt tâm linh thì họ hiểu nhau như một. Còn người Sài Gòn không có thú chơi Bát Phố. Gặp nhau là phải có việc, thấp nhất cũng là việc ẩm thực, kéo nhau vào quán xá lu bù. Đến chơi nhà người Sài Gòn mà ta đến 3 buổi, nói không có mục đích gì là người ta cho mình hâm. Ngay đến anh xe ôm người Hà Nội khác hẳn cánh xe ôm Sài Gòn. Sau cuốc xe, anh xe ôm Sài Gòn lau chùi lại đồ nghề, lấy bạt phủ lên xe máy, rồi vào quán nhậu lu bù. Còn xe ôm Hà Nội, sau chuyến hàng là túm nhau lại bàn chuyện chính trị, toàn chuyện đầu Ngô mình Sở. Là xe ôm nhưng lại bàn toàn chuyện triều đình nên rất dễ gây gổ với nhau: “Rượu chè cờ bạc gái trai Là thuốc trường thọ ông trời cho ta Chính trị là thứ tránh xa Bàn nhiều đoản thọ hoặc là đánh nhau” BÁT PHỐ CÕI ÂM Ngày xưa chỉ đi bằng xe đạp nên đến nghĩa trang Văn Điển hoặc lăng Hoàng Cao Khải cũng coi như một cuộc picnic xa vời vợi. Lăng Hoàng Cao Khải khác hẳn các lăng tẩm trầm mặc uy nghiêm của Huế làm người ta cảm thấy đời như hạt cát trong hư vô. Còn các nghĩa trang liệt sỹ, mộ liền mộ, hàng thẳng tắp, rồi đài tưởng niệm vút lên trời làm người ta thấy sợ. Đặc biệt nghĩa trang Trường Sơn hàng nghìn ngôi mộ nơi thâm sơn cùng cốc, âm khí mịt mù, mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm: Ma không đầu cõng ma chân cụt Đường Trường Sơn mờ mịt khí âm Ngày xưa hò hét ầm ầm Nay sao im lặng như mầm cây khô Một tướng công thành vạn cốt khô Những đoàn quân đội mồ đứng dậy Hô xung phong chẳng thấy đường đi Mồ tứ sỹ vùi nghiêng, chôn sấp May ra thì vải nát bọc thây Hành nhân ai có qua đây Phải chăng chỉ thấy rừng cây mịt mù Ma chiến thắng và ma chiến bại Cả hai cùng giết hại như nhau Đều cùng chung một nỗi đau A Di Đà Phật chung câu nguyện cầu Người dân thấy nghĩa trang Mai Dịch xa vời vợi như lăng của các vị thần tiên trên trời. Lăng Hoàng Cao Khải vừa gần gũi vừa thâm nghiêm vừa ấm cúng. Mặt tiền lăng tẩm kéo dài khoảng hơn 1km từ gò Đống Đa tới ngã Tư Sở. Lăng cách đường tàu điện Hà Đông 2m có dẫy tường bao, chân tường cỏ mọc xanh mướt đường hào có hoa trang, hoa súng, nước trong veo. Cá rô ron rỉa chân bèo, cá cờ nhảy khỏi mặt nước để bắt châu chấu. Nước hào trong veo nhìn thấy đáy. Trên cọng cỏ đôi chuồn chuồn làm tình, đuôi con đực cong vút lên, đàn bướm mầu xập xòe đôi cánh trên bông hoa súng tím sẫm. Bên trong lăng tẩm có hàng cây cổ thụ uy nghiêm cao vút, chim kêu ríu rít. Đặc biệt ở đây cũng như ở các lăng tẩm Huế, có loài chim tiếng kêu lảnh lót: “Bắt cô trói cột”. Con chim này kể sự tích về anh nông dân chăn trâu cho địa chủ trong rừng, anh ta làm sáu cái cột để buộc trâu nhưng chỉ có năm con, anh làm thừa một cái đề phòng trâu đẻ. Khi ông địa chủ chết, cô con gái quản lý đàn trâu thấy có năm trâu mà sáu cột nên nghi anh chăn trâu ăn trộm một con. Anh chăn trâu uất quá tự tử chết, biến thành con chim kêu não nùng, oán thán: Bắt cô trói cột – cho đủ sáu cột. Bên cạnh hàng cây là cánh đồng lúa xanh rờn, cò bay rợp cánh khiến ta có cảm giác như về quê chứ không âm u như lăng tẩm triều đình Huế. Lăng làm bằng đá mầu thẫm, bên trong là quan tài cũng bằng đá, nhưng kích cỡ khiêm tốn. Bên cạnh đó là hồ bán nguyệt thơ mộng nên ta không cảm thấy sợ, cái sợ mơ hồ như các lăng tẩm bên tầu. Đường nét lăng đơn giản khiêm tốn giữa một không gian thiên nhiên như thoang thoảng bên tai câu thơ trữ tình của làng quê thanh bình: “Xây dọc rồi lại xây ngang Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân” Sau giải phóng thủ đô 1954, lăng Hoàng Cao Khải bị bỏ hoang phế. Khác hẳn Trung Quốc, Khơ me, ý ... Ở Việt Nam, thường các triều đại sau san bằng mọi kiến trúc của triều trước, nên những công trình kiến trúc cổ của Việt Nam hầu như không còn gì, may lắm chỉ có một số chùa chiền đứng ngoài thế sự nên còn tồn tại. Ngày xưa, mỗi chiều hoàng hôn, Bát Phố lại nằm dài trên thảm cỏ trong lăng, nghe thông reo vi vu, ngắm trời xanh ngẫm sự thế, cảm khái ngâm bài thơ: “Đừmg mong ôm trọn chữ tình Lặng im mình ngắm bóng mình đáy sông Đừng bàn chữ nghiệp chưa xong Lặng im nghe tiếng hàng thông bên mồ” Rồi bỗng sực tỉnh khi nghe tiếng tàu điện leng keng, tiếng rập rình của bánh xe trên đường ray. “Sóng lớp phế hưng” trên lăng thật phũ phàng. Các hộ dân xô vào chiếm đất chiếm lăng. Ngay cả nhà quàn cũng biến thành nhà ở. Quan tài đá của Hoàng Cao Khải biến thành ghế kiêm giường ngủ của vợ chồng đêm tân hôn... Đêm về, khi Hà Nội chìm vào giấc ngủ, Bát Phố thấy chập chờn bóng giai nhân trong Liêu Trai Chí Dị. Bát Phố nhìn qua cửa sổ, ngắm cảnh trăng mờ ảo ngàn sao lung linh, mưa rơi lất phất, mơ màng như khói phủ, Bát Phố khao khát mong chờ một mỹ nhân hồ ly nằm bên mát lạnh khiến Bát Phố vừa say đắm, vừa sợ hãi giật mình khỏi cơn ma mị, thân thể bịn rịn mồ hôi. “Tắm trăng cây sậy khẽ đong đưa Đom đóm lập lòe trước dậu thưa Đời nay thiên hạ cười nhân thế Mình lau giọt lệ bóng ma xưa” “Một làn hơi trắng tỏa trong sương Hài xanh lướt cỏ cánh hoa vương Bồng lên thiếp nhẹ hơn làn khói Tình nồng quên cả cõi âm dương” BÁT PHỐ VÙNG RAU CANH MA Khi màn đêm buông xuống, chập chờn đom đóm ma trơi, những người đi qua nơi nghĩa địa, nhất là nghĩa địa có nhiều cây cỏ mọc hoang dại sẽ ngửi thấy mùi canh thoang thoảng mằn mặn, người ta bảo đó là mùi canh ma trong bữa cơm hoàng hôn của các cô hồn chưa đầu thai kiếp khác. Gần nghĩa trang thường có loại cây rau ngót dại cành dài lướt thướt như cành liễu. Hoàng hôn dần buông xuống, khí âm nghĩa trang bốc lên ngùn ngụt quện với mùi canh rau ngót dại nghĩa trang thành mùi canh ma. Mọi người bảo rằng đó là bữa cơm chiều của các hồn ma nơi nghĩa địa. Ai thấy mùi canh ma mà chẳng rợn lòng như cảnh trong Liêu Trai Chí Dị: Bãi tha ma mưa phùn lất phất Những cô hồn húp bát canh ma Một làn gió nhẹ lướt qua Hồn siêu phách tán biết là về đâu Sương mờ mịt trên mồ kỹ nữ Dế nỉ non nức nở canh thâu Khách phong tình ở nơi đâu Ai thương kỹ nữ nằm sâu dưới mồ Lửa ma trơi không làm ấm mộ Ma lìa cành hú gió đêm thâu Cô hồn lạnh lẽo đất sâu Chỉ mong ấm xuống một câu nhân tình Tình kỹ nữ dạt dào như biển Tỳ bà hành ca bến Tầm Dương Chờ tri âm đến yêu đương Là hồn tan hận lên đường siêu sinh Tình yêu cũng là kinh là pháp Cũng độ hồn siêu thoát kiếp ma Nam mô đức Phật Di Đà Nam mô muôn loại cùng là yêu thương Sau thời mở cửa, thành phố mở rộng ra ngoại thành, Bát Phố lại được thưởng thức mùi canh ma ngay trong lòng phố. Đó là khi Bát Phố đi chơi khu đô thị Bắc Linh Đàm. Khu Bắc Linh Đàm xưa là đồng ruộng, sau ta san lấp rồi xây dựng thành khu đô thị mới. Vì là khu đô thị mới đầu tiên nên quỹ đất lớn, khoảng trống còn rộng nên khu này rất đẹp, nhất là với chàng Bát Phố. Đường sá rộng, người đi lại còn vắng vẻ, tệ nạn xã hội chưa lan tràn tới. Chủ nhân của bao ngôi biệt thự đẹp đẽ, sang trọng ở Linh Đàm, họ “đào” ở đâu ra lắm tiền thế mà xây, mà mua. Chỉ những quan chức tham nhũng mới có tiền để xây, chứ người dân lương thiện thì chịu. Đặc biệt, khu này rất đẹp, phố xá rộng rãi, vườn hoa rực rỡ, vắng vẻ khiến Bát Phố tưởng mình được đi dạo những năm 1970 chứ không bụi mù mịt, xe cộ nhốn nháo, vòng quay chóng mặt như những phố khác: “Vòng đời quay nhanh chóng mặt Đâu còn giây phút tĩnh tâm Người người tầu xe tấp nập Đâu còn giây phút bâng khuâng” Nhà đẹp, phố đẹp, giá rẻ vẫn ít người mua vì mọi người cho rằng mạch nước ngầm ở đây thông với nghĩa trang Văn Điển nên khí âm vùng này nặng lắm. Đặc biệt khu Linh Đàm có con đường chạy thẳng ra cầu Bươu, con đường dài khoảng hơn 1km. Đầu đường có một số quán nhậu đèn sáng trưng, còn suốt con đường hoang vu cỏ rậm rạp, giữa chừng đường có một ngôi miếu vắng là miếu Gàn, Miếu Gàn ở giữa nơi đồng không mông quạnh, cây cối âm u, có những cây muỗm rỗng ruột, có thể chui từ gốc lên ngọn, khiến ta có cảm giác như hang động của Hồ Ly Tinh. Cạnh miếu Gàn là nghĩa trang vẻ hoang sơ, tự nhiên với những lùm cây bịt bùng khiến khách qua đường đêm tối có cảm giác chập chờn quanh mình là những bóng ma ẩn hiện, rờn rợn, mặc dầu trên đường vẫn có ánh đèn và động cơ xe máy, ô tô lướt qua sau đó lại là đêm tối mịt mùng, im lặng, thoảng một cơn gió lướt rì rào qua vùng cỏ dại. Mùi rau canh ma bỗng sực vào mũi khách qua đường. Cả tuổi thơ tôi đã được ngửi mùi canh ma vừa mằn mặn vừa thơm thơm như rau ngót ở nghĩa trang làng. Nhưng cái mùi canh ma ở khu đô thị Linh Đàm thì đậm đà hơn nhiều. Có lẽ mạch nước ngầm nghĩa trang Văn Điển thấm đẫm nơi đây cho nên mùi canh ma ấy thật đậm đà, thấm thía tới hư không. Những đêm thanh vắng, người dân quanh vùng vẫn nghe văng vẳng từ trong đáy mồ những tiếng tụng kinh, tiếng mõ hòa cùng tiếng dế nỉ non: Đêm thanh vắng mơ hồ tiếng mõ Từ đáy mồ nghe gió thoảng qua Lặng nghe lòng thấy thiết tha Ma đang tụng niệm kinh A Di Đà Mình phải tự cứu mình trước đã Ma và người nhân quả như nhau Đều cùng chung một nỗi đau A Di Đà Phật chung câu nguyện cầu Những tay Bát Phố có hạng ở Hà Nội xin đừng quên, khi hoàng hôn buông xuống hãy mau mau đi xuống khu đô thị Bắc Linh Đàm với con đường rộng, vắng, còn nhiều vẻ hoang vu đâm thẳng ra phía Cầu Bươu, để thưởng thức vị canh ma cực kỳ huyền bí, để ngẫm về cõi huyền vi của con người. Chắc chắn không lâu nữa hai bên con đường này sẽ mọc lên những ngôi nhà cao tầng, nghĩa trang Văn Điển gần đó sẽ bị di chuyển, mùi thơm huyền bí của canh ma sẽ không bao giờ còn nữa, thế là ta không được thưởng thức hương vị bữa cơm tâm linh của cô hồn nơi tha ma hoang vắng để nghe bên tai văng vẳng bài văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du hòa cùng tiếng giun dế di dỉ vẳng lên từ gốc cỏ bên mộ: “Kìa những kẻ tiểu nhi tấm bé Lỗi giờ sinh lìa mẹ lìa cha Lấy ai bồng bế xót xa? U ơ tiếng khóc thiết tha trong lòng Nghe gà gáy tìm đường tránh ẩn Tắt mặt trời lẩn thẩn bò ra Lôi thôi bồng trẻ dắt già Có khôn thiêng hỡi lại mà nghe kinh” BÁT PHỐ THỜI BAO CẤP Giai đoạn duy ý chí: giải phóng miền Nam và xây dựng CNXH. Mọi người sống căng thẳng trong sợ hãi và hy vọng. Tư tưởng bát phố hầu như bị xóa sổ. Từ “bát phố” bị xóa bỏ trong mọi phương tiện thông tin. Cho đến ngày nay, lớp trẻ không còn biết đến từ “bát phố”, may ra chỉ những người già còn hoài niệm về bát phố. Mọi người ra phố rầm rập như bước quân hành, quần áo ăn mặc một màu như lính. Nhà tám mái cạnh đền Bà Kiệu nhìn sang đền Ngọc Sơn bị phá bỏ, thay vào đó là tượng cô gái cầm gươm, anh bộ đội cầm bom ba càng chĩa sang đền Ngọc Sơn. Còn hình tượng được khắc sâu vào tâm trí người Hà Nội là Paven-cooc-sa-ghin gầy nhom, mắt sáng quắc đang xông lên diệt Bạch Vệ và lao động hơn khổ sai trên công trường đường sắt phủ đầy băng giá. Tiểu lãng tử mình đầy son phấn Đại sát nhân không máu trên người Tâm hồn Bát Phố bất định. Bát Phố thường đến những ngôi chùa gần như hoang phế với những tháp cổ mộ rêu phong. Những ngôi chùa dột nát, chính điện căng ni lông để Phật khỏi bị dột. Sân chùa biến thành bãi trồng rau cải, khoai lang. Những sư ni hốt hoảng ra vào thờ thẫn, sợ hãi. Nhiều ngôi chùa bị phá bỏ thành lớp học. Phá chùa mạnh nhất là bọn học trò – nhất quỷ nhì ma – phá chùa một cách vô tư coi như không biết, không có tội. Thời đó phố xá chăng đầy biểu ngữ. Từng đoàn dân đi biểu tình rầm rộ hô khẩu hiệu “Xây dựng CNXH và giải phóng miền Nam” vang trời đất. Bát Phố thường đi chơi trên những bờ đê, nằm dài trên đám cỏ xanh mát rượi, thả hồn theo những cánh cò trắng bay từ nương dâu lên bầu trời xanh thẳm. Những cô gái hái dâu đẹp như bức tranh thủy mạc. Bỗng tiếng hô ầm ầm như trời rung đất lở của nhân dân tuần hành trên bờ đê: - Đế quốc Mỹ cút khỏi Việt Nam! - Nguyễn Văn Trỗi sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta. Bát Phố choáng váng, vội vàng nhảy xe đạp trốn khỏi đám biểu tình. BÁT PHỐ TEM PHIẾU Cái gì cũng phân Phân lại phân như cứt Khi đi trên đường, mặc dù vừa ăn cơm no xong, nếu thấy cửa hàng mậu dịch mở là Bát Phố xông ngay đến tìm cách ăn bằng được bát phở. Thời bao cấp được ăn bát phở như uống linh đan của Thái thượng lão quân, bách bệnh đều tiêu tan. Nhiều người ốm khặc khừ ăn bát phở là hồi sức rồi khỏi hẳn. Được ăn quả táo ngoại như đào trường thọ của Tây vương mẫu. Anh Bát Phố hối hả bảo chị mậu dịch: - Bán cho bát phở không người lái (phở không có thịt). Phở không người lái chỉ được nói đùa, nay Bát Phố lại công khai phát ngôn bừa bãi giữa thanh thiên bạch nhật, có lần bị công an giải lên đồn vì cho lời nói đó là luận điệu tuyên truyền của địch. Bát Phố phải kiểm điểm viết một nghìn lần hàng chữ: Đây là phở không có thịt, chứ không phải là phở không người lái. Thời đó nếu được hút điếu thuốc lá Thăng Long, uống chè Thái, ăn kẹo lạc là một trò đại xa sỉ. Có thời cho rằng quán trà là nơi công nhân viên chức hay la cà trong giờ làm việc nên ảnh hưởng đến sản xuất, công việc của cơ quan xí nghiệp nên cửa hàng nước chỉ được bán chè xanh. Cửa hàng phở chỉ có nhà nước được độc quyền bán. Từ chợ Mơ tới gần Thường Tín chỉ có độc một hàng phở mậu dịch ở chợ Mơ. Đặc biệt có một ông P ở Trương Định là người từng dám mở cửa hàng phở tư mặc dù bị tịch thu hàng nhiều lần, và cảnh cáo đủ cách, vì cho phở là gạo, thứ nhà nước độc quyền, cấm tư nhân kinh doanh. Cửa hàng phở phải đề là bán miến dong. Ai thân quen mới dám mời lên gác để ăn phở chui, hoặc uống chén trà Thái, nhâm nhi cùng kẹo lạc và phì phèo điếu thuốc lá Thăng Long, một cách ẩm thực lén lút như buôn hêrôin. Vì là hàng phở duy nhất từ chợ Mơ đến Thường Tín nên người xếp hàng mua phở dài hàng mấy chục mét. Người ăn phở tranh nhau, cãi nhau như mổ bò. Tên tuổi hàng phở P lừng lẫy khu Hai Bà Trưng. Bát Phố đi đường, túi đầy đủ các loại sổ sách mua hàng, tem phiếu. Cứ thấy thoáng có chỗ nào xếp hàng là Bát Phố ba chân, bốn cẳng nhập đoàn ngay mà chưa cần biết là mậu dịch bán gì, mà bán gì cứ mua được là thắng lớn. Có lần Bát Phố xếp hàng cả ngày đến lượt mới vỡ mộng là cửa hàng chỉ bán nửa đùi gà cho gia đình bị bom đạn Mỹ và phải có giấy giới thiệu của chính quyền địa phương. Nhiều lần xếp hàng dài quá, Bát Phố phải giả vờ đánh rơi tờ báo, Bát Phố cúi xuống nhặt rồi luồn qua háng người xếp hàng để độn thổ xông lên hàng đầu. Mặc cho mọi người xỉ vả, vẫn hớn hở vì mua được dăm bìa đậu, mớ rau muống. Rồi đem về khoe vợ như lập được chiến công hiển hách. Sau này biết vở của anh, có người chê trách, anh chữa thẹn bảo: “Hàn Tín chui qua háng thịt lợn mà thành vương, quân tử không chấp việc vặt”. Hà Nội có rất nhiều nơi buôn bán tem phiếu, buôn bán tem phiếu gọi là con phe, cứ thấy bóng công an là chạy như vịt. Chợ Giời cuối phố Huế, cuối ngõ Gia Ngư là nơi buôn bán tem phiếu đông nhất. Các con phe đứng đầy đường, kẻ mua người bán lấm lét như kẻ gian, hễ thấy bóng công an là chạy thục mạng. Nhiều người mua chưa kịp lấy tem phiếu, kẻ bán chưa kịp cầm tiền đã chạy biến mất, sau đó không biết tìm nhau ở đâu mà thanh toán, coi như tai nạn nghề nghiệp. Đầu ngõ Gia Ngư, đầu chợ Giời đều có bảng bêu ảnh các con phe. Phía dưới bảng mọi người tập trung xô đẩy xem ảnh. Các con phe đứng ngay đấy, cười khẩy bảo: - Mấy con phe đấy mà, xem làm đéo gì. Muốn xem tối đến chị bật đèn cho xem cả chân tơ kẽ tóc. Thôi hãy biến đi để chị mày làm ăn. Gặp ai đi qua phố bọn phe cũng giữ lại hỏi: - Có gì bán, có gì mua không? Cả người mua lẫn người bán đều có thái độ bẽn lẽn pha chút lấm lét kiểu như các lễ tân nhà nghỉ hỏi xem khách có nhu cầu gì về mát xa riêng tại phòng không? Nhà Bát Phố ở Hàng Bè, ngày nào cũng qua Gia Ngư lên Hàng Đào nên nhẵn mặt các loại con phe, nhưng ngày nào Bát Phố cũng phải nghe điệp khúc: - Có gì mua, gì bán không? Và Bát Phố đôi lúc xúc động khi thấy các ả phe vạch áo ra nhét tiền vào sutien. Thuở ấy xã hội nghiêm lắm, chỉ thấy con phe thò tay vào nịt vú rút tem phiếu ra Bát Phố đã cảm xúc ngất đi, có khi đâm đầu vào cột điện, biêu đầu sứt trán là thường. Nhiều lần Bát Phố tức vì bị phe quấy rầy cứ hỏi mãi nên cáu: Có mua thẻ đàn ông không? Ả phe bỗng thèn thẹn như cô gái chân quê nhìn Bát Phố, thoáng nét tri âm làm rạng rỡ khuôn mặt đanh đá, trơ trẽn. BÁT PHỐ NGÀY ĐỔI TIỀN Bát phố trước đêm đổi tiền thập niên 80 quả là khoảnh khắc kì ảo của Hà Nội. Thời đó đồng tiền mất giá kinh khủng. Chuyện kể có người kiện kẻ lừa đảo mình khoản tiền lớn đến hàng trăm cây vàng. Vụ kiện kéo dài hàng chục năm, đến khi người đó thắng kiện, kẻ thua cuộc phải trả lại toàn bộ số tiền vay kể cả lãi. Song vì đồng tiền mất giá nên số tiền kẻ thắng thu về chỉ đủ để ăn một bát phở. Trước ngày đổi tiền có tin đồn gần như chính thức, mỗi người chỉ được đổi một khoản tiền tương đương một chỉ vàng. Vì vậy tất cả những người nào có quá khoảng tiền cho phép thì mang tiền đi mua bất cứ một thứ gì dù là cần hay không cần cho hết số tiền thừa. Thế là trước hôm đổi tiền, cả Hà Nội náo loạn. Những nhà nghèo mang tất cả loại chổi cùn, rế rách bày trước cửa để bán. Người có tiền thì mua bất cứ thứ gì cho hết tiền. Hà Nội thành một cái chợ vĩ đại nhất thế giới. Đêm hôm đó Hà Nội nhốn nháo, mọi người đổ ra phố đông hơn đêm Noel, đêm Giao thừa. Nhiều nhà bày cả chó, mèo, gà, vịt, lợn… bán ở vỉa hè. Tất cả các loại hàng đều bán chạy. Hôm đó Hà Nội thức trắng đêm. Bát phố cũng hòa nhập vào cái lãng mạn, cái hoang mang, cái ngỡ ngàng, niềm hy vọng vu vơ, nỗi hoảng loạn choáng mặt. Bát phố cùng dòng người Hà Nội đi suốt đêm đến đầu quáng mắt hoa, mà chẳng biết để làm gì. Trong tâm Bát Phố hoang mang trống trải chỉ còn cách nhập vào cái hoảng loạn của đường phố, tâm mới có thể bình tĩnh lại được. Tâm Bát Phố động loạn, đường phố cũng động loạn, hình như cách lấy độc trị độc này cũng làm cho tâm ta tĩnh lại. Có lúc bát phố mỏi mệt rã rời về nhà định đi ngủ, nhưng thấy vợ con đều bỏ nhà đi bát phố, nên Bát Phố lại thấy bồn chồn, phải chồm dậy dắt xe đạp ra đi. Nằm trong nhà mà phố xá người đi lại rậm rịch thì có trời cũng không yên được. Đi mãi, đi mãi rồi cũng đến lúc phải kết thúc, khoảng 5 giờ sáng Hà Nội chìm vào giấc ngủ chập chờn, để rồi sáng hôm sau mang tiền đi đổi. Có người mang cả đống tiền đi đổi, có kẻ vận may bắt được bọc tiền thừa của ai đó vứt ra đường, vì hôm trước tất cả các cửa hàng mậu dịch cũng như tư nhân đều đóng cửa không bán hàng. Các quầy đổi tiền đông nghịt, người nào vét nhẵn túi của gia đình đổi được tờ 50.000đ coi như là tỷ phú, mang tờ 50.000đ đi mua hàng khắp Hà Nội cũng không ai có đủ tiền trả lại, những người vì không có tiền đã nhận đổi tiền cho một số gia đình giàu có, đến chục năm sau vẫn nhắc lại đầy vẻ hàm ơn. BÁT PHỐ BỊ LỠM Thời bao cấp, kinh tế quá khó khăn, một mẩu giấy, vỏ bao thuốc lá, viên gạch, chiếc ốc vít... đều được mọi người nhặt về cất đi, rồi sẽ có lúc dùng đến. Thời ấy Bát Phố có cả một kho những đồ nhặt được trên đường. Bát Phố thích làm thơ, nhưng thường không có giấy. Bát Phố phải nhặt vỏ bao thuốc lá, lột mặt trong ra chép thơ vào, thế mà tập thơ cũng dầy đến mấy trăm trang. Có lẽ chuyện nhớ đời của Bát Phố là khi đi đường đã nhặt nhầm một mẩu giấy trắng gập tư, về nhà dở ra mới biết là giấy chùi phân. Nếu Bát Phố đi đường thấy vật phế thải hơi to thì đá vào một góc vỉa hè rồi về nhà sai con ra lấy cho đỡ ngượng. Có lần nhặt được vỏ bao thuốc, người quen trông thấy, Bát Phố phải vờ lấy vỏ bao thuốc lau dép, rồi vừa đi vừa hát bài hát ngô nghê của nhạc sỹ Hoàng Giác: “Từ ngày tôi lên cai, cuộc đời tôi sáng ngời ...”. Dù đã lõi đời trên đường phố, nhưng không khỏi có lần bị lừa nhục nhã vì tụi chíp hôi đùa ác một cách vô tư. Chả là tụi nhóc buộc tiền vào một sợi cước nhỏ trong suốt vứt ra đường, thỉnh thoảng lại giật tung lên như ta nhử hoa mướp để câu ếch. Bát Phố thấy tiền rơi cúi xuống nhặt. Tụi trẻ giật giây, Bát Phố vồ hụt mấy lần, Bát Phố ngã lăn quay, tụi trẻ thấy cười phá lên, Bát Phố nổi giận xông tới đánh tụi trẻ chạy toán loạn. Tối đó về nhà nhìn mọi người Bát Phố thấy thẹn và phải khai là ngã xe đạp, nên trán sưng như quả ổi. Đêm nằm người đau ê ẩm. BÁT PHỐ DIỆN KIẾN ĐẠI TÁ HÀ VĂN LÂU Đại tá Hà Văn Lâu – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Pháp – Vị đại tá lâu đời nhất mà không lên được cấp tướng. Thấy Bát Phố yêu văn chương, đại tá Hà tâm sự, thuở thanh niên mình rất mê và mơ ước trở thành nhà thơ. Một lần được các thần tượng: Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Vũ Hoàng Chương cho mời đến. Sau khi qua căn nhà dưới ẩm thấp ở phố Hàng Mắm, trèo lên chiếc thang gỗ ọp ẹp, không tay vịn thì thấy các thần tượng hiện ra làm Hà Văn Lâu vỡ mộng. Các thần tượng đang say, nằm ngả ngốn, líu lưỡi đọc thơ. Mùi rượu, mùi cá mè, mùi nôn mửa sặc sụa. Một chú mèo đen tha được chiếc đầu cá nhẩy vọt qua Nguyễn Bính đang nằm ngủ, đầu gối lên tay. Người mê tín coi mèo đen nhảy qua người ngủ mê, người đó có thể biến thành ma cà rồng. Thế là giấc mơ thành thi sỹ của chàng thanh niên Hà Văn Lâu tan thành mây khói, và chuyển hướng sang binh nghiệp. BÁT PHỐ TRONG BỘ ĐỘI Bát Phố vào bộ đội thường bị coi, là lính cậu, cần phải theo dõi giáo dục. Bộ đội rất mặc cảm với lính cậu. Song nếu lính cậu sống 5 năm tại ngũ thì lại rất được đồng ngũ quý mến. Những chức vụ quan trọng thì lính cậu ít được giữ, song về mặt văn hóa văn nghệ thì lính cậu là chủ chốt. Giai đoạn lính cậu đóng quân ở Phùng thì Bát Phố lại lên cơn nghiện. Đêm nào lính cậu cũng tìm cách trốn đi bát phố Hà Nội. Thường cứ 9 giờ tối là giờ ngủ, lính cậu buông màn đầy đủ, rồi trả vờ chui vào màn ngủ. Trước lúc ngủ, bao giờ cũng có 15 phút văn nghệ quần chúng nghĩa là lính tráng kể đủ mọi chuyện tiếu lâm về gái. Sau đó mọi người bắt đầu ngủ. Lúc đó Bát Phố bò ra khỏi màn, rón rén dắt xe đạp rồi phóng về Hà Nội. Đường từ Phùng về Hà Nội dài hơn 20km, đêm tối không có đèn, dọc đường xe kéo tên lửa nấp dưới những bóng cây tối thẫm, nên Bát Phố thường rất căng thẳng dò đường, cũng không tránh khỏi có lần đâm vào đuôi xe mang thương tích rồi thành lộ bem vừa phải nằm quân y vừa phải làm bản kiểm điểm vì tội đào ngũ. Nhưng cũng có lần Bát Phố được hưởng những giây phút mê ly. Đó là khi có còi báo động máy bay. Đài luôn báo “Đề nghị mọi người xuống hầm trú ẩn”. Bát Phố dựa xe vào gốc cây, nhảy xuống hầm cá nhân. Hầm cá nhân thời đó làm bằng xi măng đường kính 80cm, cao độ 1m5. Bát Phố đang ngồi dưới hầm nghe pháo nổ ầm ầm trên trời, bom uỳnh uỳnh dưới đất, bỗng có một cô gái hốt hoảng tụt xuống hầm và ngồi vào lòng Bát Phố. Cứ mỗi loạt bom cô gái lại ôm chặt lấy Bát Phố. Bát Phố sướng đến tận củ tỷ. Sau những loạt bom và pháo, Đài tiếng nói Việt Nam thông báo: “máy bay địch đã đi xa, mọi sinh hoạt trở lại bình thường”. Cô gái leo lên hầm không một lời từ biệt rồi mất hút vào đêm tối. Yêu như ngọn gió thổi chơi Bỗng dưng thổi dạt hai người vào nhau Thời đó, con trai và con gái rất hiếm được gần nhau. Ta chỉ cần chạm tay một cô gái là đã sướng gấp vạn lần ngày nay ta sờ mỏi tay, hôn nhợt môi cô gái trong quán Karaoke. Việc cô gái ngồi vào lòng Bát Phố là một sự kiện lịch sử mà Bát Phố cứ nghĩ đến là mê ly đến mấy năm. 10 giờ tối Bát Phố trốn khỏi doanh trại, đạp xe cật lực cũng phải 12 rưỡi đêm mới về đến Hà Nội. Về Hà Nội thì đầu tiên là đạp xe quanh Hồ Gươm, sau đó thăm gia đình, ăn qua quýt bát cơm, quả cà rồi lại hộc tốc trở về đơn vị cũng đã 4 giờ sáng, ngủ được 1 giờ lại phải dậy thể dục và sẵn sàng chiến đấu. Sau một thời gian Bát Phố gầy giộc đi. Cái kim trong bọc mãi cũng thòi ra. Bát Phố phải làm kiểm điểm, bị kỷ luật nhiều lần, mà chỉ giảm chứ không chừa hẳn được. BÁT PHỐ DU LỊCH THƠ: Thăm đất nước Trung Hoa Đi thăm đất nước Trung Hoa So ra gái đẹp thua xa quê mình Còn như miếu mạo cung đình Không xem cũng biết rằng mình kém xa Cung đình xưa xưa có nguy nga So cái toilet thua xa bây giờ Thăm Indonesia và Malaysia Chỗ thờ lợn, chỗ thờ bò Chỗ thì thờ cái lin ga của người Đao phật, thiên chúa, đạo Hồi Đều là đạo cả chỉ lời khác thôi Ước gì mình theo đạo Hồi Được lấy 4 vợ để ngồi ngắm chơi Hà Đông sư tử hết thời Có giỏi kiện thánh đạo Hồi: Ala Thăm Thái Lan Thái Lan lắm thuẫn nhiều mâu Chùa chiến càng lắm thanh lâu càng nhiều Đạo Phật huyền bí bao nhiêu Sexy lộ liễu cũng nhiều như nhau * Mâu để đâm, thuẫn để đỡ. Mâu và thuẫn Là hai mặt đối lập của cùng một bản thể. Đâu có nhiều gái điếm tất có nhiều chùa. Diệt dục có hai cách 1. Cấm triệt để 2. Triệt để giải phóng Bên Thái sexy được coi là quốc sách về du lịch. Cứ cho mọi người thấy tận cùng của dục tất sẽ sinh ra cách chống dục. Bát Phố sang Thái xem những sô sexy từng chân tơ kẽ tóc lập tức sẽ sinh phản cảm, và dục trong người tắt ngấm. Chỉ khi về Việt Nam thấy các cửa hàng gội đầu thư giãn, massager khiêu dâm nửa vời là tự nhiêu lửa dục phừng phừng. Ở đâu diệt dục tràn lan Ở đấy phát dục lại càng tăng nhanh Hôm xưa lên tỉnh về làng Áo cái khuy bấm em làm khổ tôi Bây giờ quần trễ rốn lồi Khổ tôi khổ cả bố tôi đang thiền CẢM XÚC CỦA BÁT PHỐ Sờ đuôi, sờ đít, sờ đầu Xem voi thầy bói cãi nhau suốt đời Vì cho chân lý là lời Cho nên thế giới loài người đánh nhau Vì cho chân lý bộ phận là chân lý toàn thể nên loài người sinh cực đoan, cực đoan sinh khủng bố. “Diệt mãi không hết trùm khủng bố Vì loài người đều có chỗ cực đoan” BÁT PHỐ RÚT RA KẾT LUẬN Phải đi đến tận biển xa Mới thấy cái đẹp ao nhà của ta Phải đi lễ đủ chùa xa Mới thấy được bụt chùa nhà rất thiêng MÙI HOA SỮA Khi đi qua con đường Nguyễn Du, Bà Triệu... vào buổi hoàng hôn, Bát Phố ngây ngất bởi mùi hương thơm hắc khó chịu đó là mùi hoa sữa. Một số nhạc sỹ, nhà thơ, nhà văn coi đây là mùi đặc trưng của Hà Nội. Chỉ có Bát Phố mới hiểu rõ nguồn gốc của mùi thơm này. Ngày đầu hình thành Hà Nội vấn đề nan giải là phân người thải đi đâu? Ông Nam Diệm sáng lập hãng đổ thùng đầu tiên ở Việt Nam. Cứ chiều tối đường phố Hà Nội xuất hiện hàng đoàn xe đẩy mầu đen, mỗi xe chứa được đúng 5 thùng phân tươi lấy ở hố xí gia đình chuyển lên ô tô chở đi phơi khô ở Đê La Thành, sau đó đóng bánh đem bán cho các chủ đồn điền cao su Nam bộ. Với sáng kiến vĩ đại này, ông Nam Diệm trở thành đại phú và được toàn quyền Pháp thưởng huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh. Nhưng chuyện những chiếc xe chở phân nghênh ngang đi trên đường phố, ruồi nhặng bay theo từng đoàn, mùi sú uế bốc lên nồng nặc làm ô nhiễm môi trường thành phố, gây phản cảm cho khách qua lại, vì vậy chính phủ Bảo Đại cho trồng cây hoa sữa ở những phố Tây để át đi mùi sú uế. Đơn giản thế thôi! Chắc biết điều này các nhà thơ, nhạc sỹ cũng giảm đi một phần hứng thú khi qua đường thơm hoa sữa. Còn thành phố Đà Nẵng cùng bắt chước Hà Nội trồng rất nhiều cây hoa sữa, sau thấy quá rức mũi đã phải chặt bớt đi. Hoa sữa trồng ít, ở một vài phố mùi hương đậm đặc pha loãng đi cũng tạo cảm giác ngây ngất, day dứt về một điều gì đó cho người khách vãng lai trong ánh hoàng hôn nơi phố thị láo nháo, lấp loáng ánh đèn dưới những lùm cây sẫm dần. Đặc biệt là nhà Hà Nội xây hố xí trong cùng chứ không bầy ra trước cửa như nhà ở nông thôn. Nhà nông thôn làm chuồng trâu, hố xí ở trước cửa có thuận tiện là khi chở phân ra đồng không phải đi qua nhà. Vì nhà Hà Nội hố xí làm ở trong cùng nên khi lấy phân phải đi qua nhà gây rất bức xúc. Có khi cả nhà đang ăn cơm thì công nhân vệ sinh khênh thùng phân ra, làm mọi người đang ăn thấy lợm. Chính vì vậy mà những nhà thông qua hai phố thì mặt trước là cửa hàng, còn mặt sau thường là trong ngõ, nơi phu vệ sinh lấy phân khỏi phải đi qua nhà. Cụ thể như nhà mặt tiền là phố Hàng Trống thì mặt hậu là ngõ Bảo Khánh, ngõ Hàng Hành, hai ngõ này xưa là nơi tập kết thùng phân nên bẩn lắm, ai qua phố này đều bịt mũi, nhịn thở đi thật nhanh. Bây giờ ngõ Hàng Hành, Bảo Khánh là nơi khách thủ đô ngồi nhâm nhi tách cà phê trông đẹp như phố cà phê Pari. Người qua đây rất ít ai bồi hồi như Bát Phố tưởng niệm lại cảnh Hà Nội xưa mà lòng bâng khuâng tiếc nhớ ... Chuyện đổ thùng ở Hà Nội xẩy ra nhiều chuyện bi hài. Một lần phu đổ thùng đập cửa nhà ở phố Hàng Giấy. Đập mãi không thấy ai ra mở cửa, phu đổ thùng đập quá tay, cánh cửa đổ đánh ầm. Trong nhà chứa bạc ở trên gác, con bạc tưởng công an phá cửa vào để bắt, vội nhẩy qua cửa sổ chạy trốn. Có con bạc nhẩy từ gác xuống gẫy chân, có con bạc nhảy sang nhà hàng xóm làm chủ nhà tưởng kẻ cướp kêu cứu ầm ỹ, cả phố nhốn nháo không biết việc gì. Ngay cả tốp phu đổ thùng cũng hốt hoảng tháo chạy ra đường kêu cứu Khoảng năm 1970, Hà Nội có cuộc thay đổi vĩ đại về đổ thùng là xây hố xí hai ngăn. Trước kia ngày nào cũng phải đổ thùng,, thì nhờ có hố xí hai ngăn vài tháng mới phải đổ một lần. Lúc đó sáng kiến xây hố xí hai ngăn đã làm người dân Hà Nội được sống như thần tiên. Vì vậy, đã có câu ca dao “Chẳng tham nhà ngói 5 gian Chỉ tham nhà chàng: hố xí hai ngăn” Sau thời kỳ đổi mới, Hà Nội mới có WC như ngày nay. thuở ấy nhà nào có WC hiện đại coi như một sự tích thần kỳ, cả phố và bạn bè thân thiết nườm nượp đến chiêm ngưỡng toilet. Mọi người sờ mó vào toilet một cách thành kính và cũng không biết cách sử dụng ra sao. Có người dùng nước trong hố xí bệt để rửa mặt… Văn minh toilet làm đổi thay hẳn cuộc sống Hà thành. Nếu ta sang Trung Quốc thăm Tử cấm thành nguy nga đồ sộ sẽ thấy nhà vệ sinh của Từ hy thái hậu thua xa cái toilet ngày nay. “Đi thăm đất nước Trung Hoa So ra gái đẹp thua xa quê mình Còn như miếu mạo cung đình Không xem cũng biết rằng mình kém xa Cung đình xưa xưa có nguy nga So cái toilet thua xa bây giờ” BÁT PHỐ TAO NGỘ CAVE Bát Phố không có dáng điệu của người đi làm, mà thơ thẩn như đi tìm một cái gì ở nơi xa vời. Chính dáng điệu này làm các ả cave tưởng lầm là đi tìm gái. Các ả lướt qua mặt Bát Phố lấm lét buông lời mời chào, Bát Phố nghiêm mặt đi thẳng, ả ta thấy khó xơi nên cũng sầm mặt rồi thôi. Nhưng cũng có ả cave đánh đúng yếu điểm của Bát Phố là thương người, cả nể nên nhiều lần làm Bát Phố khốn khổ. Ả cave đi theo Bát Phố kể lể hoàn cảnh đầy đau khổ và éo le. Bát Phố thấy thương. Ả ta muốn mời Bát Phố tách cà phê để tâm sự, thế thôi. Bát Phố cả nể theo ả lên tầng 3 của quán cà phê vắng như chùa Bà Đanh. Ả ta ngồi xích lại Bát Phố, kéo tay Bát Phố đặt vào đùi, ả và nũng nịu đòi làm tình. Bát Phố đứng phắt dậy đi về. Ả ta níu chặt lại và thay đổi thái đội đòi tiền “bo”. Ả dằn giọng: - Mày sờ bà chán rồi định ăn quỵt à ? May lần ấy Bát Phố giằng tay ả chạy thoát ra khỏi quán cà phê và bị đứt mấy khuy áo. Bát Phố về đến nhà vẫn còn run. Đúng là “Đừng nghe cave kể truyện – Đừng nghe thằng nghiện trình bày” Hôm sau khi qua đường cũ ả cave gặp Bát Phố, bài cũ diễn lại. Bát Phố bảo: - Thế cô quên tôi ở quán cà phê hồ Hale rồi à? Ả chợt nhận ra quay đầu, ngoáy đít đi thẳng.
Footer title
This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.
Footer title
This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.
Footer title
This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.