Jump to content

Kieu Anh Huong

Thành viên
  • Số bài viết

    691
  • Gia nhập

  • Đăng nhập

  • Nổi bật trong ngày

    1

Mọi thứ được đăng bởi Kieu Anh Huong

  1. TIẾNG KHÓC ĐÊM Tặng Dạ Hương và cô giáo Vân... Đêm, như bao đêm Xe tôi từ Tây bắc về, Vượt dốc Cun đến Ba La Bông Đỏ Liêu xiêu mấy quán nhỏ Có một người đàn bà vẫn thường đợi tôi... Đêm ấy mưa rơi Quán cóc không mở cửa Ngọn đèn dầu khêu nhỏ, rất buồn Tôi chợt nghe tiếng khóc thầm Tiếng khóc rất rõ... Tiếng khóc thầm của người mẹ Tiếng khóc gắt gao của con trẻ Hình như tôi nghe cả tiếng ầu ơ... Tôi lặng nhìn qua khe liếp mỏng Trang giáo án đang khép hờ Gió lật... Đêm ấy tôi đành ngủ ngoài đường Trong cabin oi nồng mùi xăng dầu hầm hập Đợi sáng mai lên… Vì sao em khóc ?! Đêm ấy tôi không ngủ được Hoang vắng thêm sâu, tiếng khóc Tôi đành đường đột tìm vào Giờ thì em đã thôi khóc Đứa trẻ cũng thôi khóc Ngọn đèn dầu vặn sáng lên... Không hiểu nữa vì sao đêm Dễ khiến người ta gần lại Tôi cũng quên hết những điều cần hỏi Chỉ ngồi ngắm nhìn em trắng đêm ! *** Kỷ niệm ấy đã trôi qua những ba chục năm Bây giờ em làm tôi nhớ lại Tiếng khóc đêm ở Ba La Bông Đỏ Vẫn mãi neo trong lòng tôi ! Hà Nội, ngày 20.5.2010
  2. Bài thứ mười : Tặng Nguyễn Đăng Thuyết CHỢ NGƯỜI… Cách đây chừng hai chục năm hơn.., chợ người đã xuất hiện ở Hà Nội. Ngày ấy cơ chế thị trường mới mon men “thời mở cửa” nên đã có không ít những điều thị phi. Dễ hiểu thôi, bởi người ta đã quen sống trong bao cấp quá lâu rồi; Đạo đức một thời của chủ nghĩa xã hội không thể phủ nhận đã ăn sâu vào trong tim, vào óc mỗi người dân miền Bắc Việt Nam. Ngày ấy, đến bác xích lô cũng thật khó khăn lắm mới tìm được khách đi, bởi người ta đều nghĩ rằng ngồi trên xe để một bác xích lô (đa phần đã có tuổi) chở là mình đã “bóc lột”, thậm chí là không có “nhân tính”… Nhưng cuộc sống như dòng sông mùa lũ vẫn cứ tuôn chảy; những khái niệm về đạo đức xã hội cũng dần được rộng mở và được hiểu một cách “thoáng” hơn khi mà qui luật “cung – cầu” đã bắt đầu được xã hội chấp nhận và buộc phải chấp nhận, nhất là trong cơ chế thị trường ! Nhìn lại một chặng đường , tuy chưa dài của quá trình đổi mới, phải nói rằng tất cả chúng ta thật sự vui mừng trước những chuyển động tích cực của đất nước… Nhưng đó là cuộc sống, là đời… Còn bây giờ tôi đang nói, đang viết về thơ cơ mà; Cớ sao lại sa đà đến vây ? Nhưng không, tôi đang nói về thơ đấy. Bài thơ tôi đang nói có liên quan đến chợ người thật. Tôi bất ngờ gặp được tác giả Nguyễn Đăng Thuyết trong một kỳ “ọp-ẹp” mùa ngâu 2010 và thật sự có cảm tình với anh, đặc biệt khi lục tung ngôi nhà thơ của anh trong Thi viện. Quả là “hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”, tôi đã không phải thất vọng khi dễ dàng tìm thấy rất nhiều bài thơ hay của anh trên diễn đàn này. Tôi cũng rất thích bài thơ “Phố làng” của anh nhưng chợt nghĩ; thôi hãy để dành; bây giờ phải đi chợ đã. Chợ người cơ mà, may ra mình có thể kiếm được người giúp việc “sửa bông” và “chuyện bếp núc” cho văn chương sắp được xuất bản. He, kể cũng khoái… Trở lại với bài thơ “chợ người” tôi lại thoáng buồn, dẫu vẫn biết cơ chế thị trường là vậy, nhưng sao mà không xót xa cho những phận người khi mà: “Chợ gì ? Chẳng thịt chẳng rau Đầu đường góc phố Một mầu áo quê Tám phương lũ lượt kéo về Bán thân gán sức nặng nề tới khuya…” Không cần “vòng vo tam quốc”, chợ quê như một bức tranh “tả thực” đến nỗi đọc lên là nó đã dội thẳng ngay vào tim. Đau ! Ở Hà Nội, bây giờ người ta hay dùng chữ “nhà quê” lắm. Chắc chắn không phải là tất cả, nhưng nhiều. Tỷ như: bọn nhà quê, thằng nhà quê, mấy chị nhà quê… Tôi biết những từ đó dẫu chỉ là những khẩu ngữ “bình dân” thôi, chứ người ta cũng chẳng có ý “miệt thị” gì to tát lắm đâu. Nhưng nhiều khi nghĩ mà buồn, bởi chính những người hay dùng từ “nhà quê” đó có khi cũng vừa chân ướt chân ráo ở nhà quê ra tỉnh thôi ! Thật là kệch cỡm ! Có một lần tôi lái xe ôtô vào một phố nhỏ ở Hà Nội; đường tắc, tôi tính mở cửa xe ra để ngó xem có cách nào quay đầu xe và “chuột rút” được không ? Nhưng vừa mới hé cửa đã nghe một tiếng quát: “Thằng nhà quê kia ! Coi chừng !”. Tôi chưa kịp định thần thì thấy một xe máy “ba bét nhè” không phanh cứ lùi lũi vút qua, sát sạt; Người lái là một cậu bé “mũi vắt chưa hết sửa” nhem nhuốc dầu mỡ. Thì ra cậu ta thấy biển số xe của tôi là biển ngoại tỉnh (16 LD….) nên cậu ấy nghĩ tôi là người Hải Phòng, là “thằng nhà quê ra tỉnh” nên to tiếng để “át vía”… Nhưng không, tôi biết, cậu ta cũng chẳng có ý gì đâu, chỉ tại xe máy cà khổ của cậu ta “không chuông, không phanh, không gác bà ga..” nên phải thét lên thật to kẻo lại… Cũng may tôi kịp đóng cửa xe lại. Nghĩ vừa tức, vừa buồn cười… Tôi cũng vốn là “dân nhà quê” ra tỉnh ! Những ngày đầu mới ra nghe hai từ đó cũng “tức ngực” lắm, nhưng nghe mãi rỗi cũng thành quen và nhiều khi chính mình cũng bị “lây” dùng như họ. Còn nhớ, ngày ông cụ nhà tôi còn sống, trong một lần nói chuyện, tôi trót dùng chữ “nhà quê” đã bị cụ cho một “chưởng” tơi bời về đạo đức văn hóa này nọ… Cụ còn nói: “nhà quê” là từ dùng để miệt thị những người nghèo hèn ở chốn quê; Con phải dùng chữ “nông dân” hoặc “nông thôn”, “người nông dân” hay “người nông thôn” thế mới đúng, thế mới là có văn hóa… Nhờ vậy, tôi đã bỏ được cụm từ không đẹp này. Thì ra văn hóa cũng phải học, cũng phải tu rèn, chỉnh chu lắm mới có được ! Vì vậy, khi đọc bài thơ “Chợ làng” của tác giả Nguyễn Đăng Thuyết tôi thực sự xúc động và sẻ chia với bao cảnh đời đang khốn khó ở chợ người. “Tha hương vật vã khắp nơi Cổ cầy vai cuốc nổi trôi phố phường Vỉa hè ! Vất vưởng đêm trường Bóng loà lay lắt lề đường sớm hôm...” Đã đành, “nghèo thì hèn”, nhưng tôi tin những người dám mang sức vóc của mình ra chợ để bán vì mưu sinh thì chắc chắn là không hèn bởi vì tôi biết trong số đó có rất nhiều những “sức người” còn rất trẻ và không ít người trong số họ đã bán sức để kiếm tiền ăn, học và đã thành tài, thành danh đấy thôi. Ngày xưa khi ra Hà Nội đi học, tôi cũng đã từng “đi kéo xe bò, cuốc đất làm thuê/Đêm vất vưởng ngủ vỉa hè…mơ mộng !…” (KAH), chỉ khác là ngày ấy chưa có chợ người; Nếu có chắc tôi cũng sẽ đem cái sức hèn của mình đi bán; Có cách nào tốt hơn đâu khi mà “túi lủng quanh năm một kiếp đời” (KAH). Vậy thì: “Mồ hôi ! Từng vốc đầm đìa Đắng cay nhỏ giọt Nghiêng thìa cháo cơm…” Âu cũng là không còn con đường nào khác. Nhưng nói gì thì nói, chợ người ở ngoài đời có thể là bình thường rồi, nhưng chợ người vào trong thơ thì không còn bình thường nữa; Đọc vẫn thấy cay cay đầu mũi vậy ! Đau lắm ! Cảm ơn Nguyễn Đăng Thuyết, anh đã dâng tặng cho thi đàn những vần thơ thật xúc động. Mà nói cho cùng, thơ là gạch nối giữa những tấm lòng. Nói vậy thì bài thơ “chợ người” của Nguyễn Đăng Thuyết có thể coi là một thành công ! Mà thành công thì cũng có nghĩa là hay! Nguyễn đăng Thuyết có rất nhiều những bài thơ hay và rất bình dị như vậy. Chẳng phải tìm kiếm đâu xa, các bạn hãy vào trang thơ trên “Thivien.net” là có thể tìm thấy. Còn bây giờ, mời các bạn đọc lại bài thơ “Chợ người” của anh và cùng suy ngẫm ! Xin cảm ơn tác giả và cảm ơn các bạn đọc đã quan tâm đến bài viết này của tôi. Hãy chia sẻ với bao cảnh đời khốn khó và chia sẻ với tác giả ! Hải Phòng, ngày 31.8.2010 Kiều Anh Hương CHỢ NGƯỜI Tác giả; Nguyễn Đăng Thuyết Chợ gì ? Chẳng thịt chẳng rau Đầu đường góc phố Một mầu áo quê Tám phương lũ lượt kéo về Bán thân gán sức nặng nề tới khuya Mồ hôi ! Từng vốc đầm đìa Đắng cay nhỏ giọt Nghiêng thìa cháo cơm Lũ lam khó nhọc từng cơn Thấm người bé họng tủi hờn trong tim Mưa giông bão giật trời tìm Sóng yên biển lặng ăn xin kiếp đời Tha hương vật vã khắp nơi Cổ cầy vai cuốc nổi trôi phố phường Vỉa hè ! Vất vưởng đêm trường Bóng loà lay lắt lề đường sớm hôm...
  3. Chào Ái Ly ! Cảm ơn bạn đã sẻ chia Muốn sang sông phải "lụy đò" mà sang Đã yêu nên phải đa đoan Thơ không phân biệt "sang hèn" chi đâu Biết đâu KAH sẽ tìm được một bài thơ yêu thích của AL để bình ! Chúc sức khỏe nhé !
  4. BÁC LÀ ĐẠI TƯỚNG – BÁC LÀ ÔNG TIÊN ! Đi qua hai thế kỷ Sống trọn một kiếp người Bác là vị Đại Tướng ? Là Ông Tiên giữa đời ! Hà Nội nghìn năm rồi Nghìn năm trong binh lửa Bao máu xương đã đổ Cho một ngày bình yên ? Đại Tướng của lòng dân Ông Tiên của trăm họ Giữa đời thường có thật Việt Nam bỗng rạng ngời ! Nhẫn vì dân, vì đời Nhẫn vì non, vì nước Ông Tiên – Võ Nguyên Giáp Chữ Nhẫn hóa chữ Tâm ! * Ôi mong sao nước Nam Ông Tiên sẽ mãi mãi Sáng soi tình nhân ái Giữ bền cùng nước non ! Hà Nội, ngày 27.8.2010 Kiều Anh Hương * Ý thơ của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp :"Chữ Tâm, chữ Nhân xem ra cũng gần" (trong bài thơ NHẪN !)
  5. 30. EM VỀ MÙA THU CŨNG THEO VỀ... Hình như em về, mùa thu cũng theo về Mùi cốm lá và mùi thơm con gái Cứ quanh quất đâu đây, trong giai điệu nhạc Nhẹ ngân rung từ phía Xóm Hạ Hồi ! Em còn nhớ không quán nhỏ ấy ta ngồi Mùa thu đến, ngày khai trường đại học Anh năm thứ ba, em năm thứ nhất Hai đứa mình bất ngờ quen nhau... Rồi anh ra trường, rồi mấy thu sau… Lâu, lâu lắm… mới có ngày gặp lại ! Quán cóc nhỏ, ta lại ngồi và đọc Cho nhau nghe những câu thơ mùa thu... Thế rồi quán nhỏ, thành thân quen Mỗi lần gặp nhau, thành điểm hẹn Dẫu mùa hạ, mùa đông… đều thế ! Gặp nhau rồi, quán nhỏ hóa mùa thu ! Ngày 13.8.2009 Kiều Anh Hương
  6. YÊU... Trời đâu bắt tội "yêu thầm" "Để muôn đợt sóng cuộn ngầm trong tim..."* Có yêu xin chớ lặng im Nhìn nhau, mắt nói... tay tìm gặp tay... Lời yêu đâu dễ nói ngay Thôi thì chín tháng, mười ngày... đợi nhau Một đời sống được bao lâu Để mà lần lỡ... khổ đau làm gì ? Tình yêu nào có tội gì Phụ tình, người nỡ bỏ đi... Xin chào ! Ngày 19.5.2010 Kiều Anh Hương * Thơ Liên Hương 726
  7. BIỂN KHÓC Anh chưa nghe biển khóc bao giờ Biển lực sĩ, người đâu tầm thường thế Nhưng dẫu là thần tiên em nhé Trước mọi nỗi đau đều biết cảm thông ! Biển chẳng khóc đâu, nhưng biển hoá cuồng phong Gào thét gọi tên em, đêm biển động Anh lặng lẽ ra ngồi bên mép sóng Để hiểu thêm lòng biển lúc buồn... Hoá ra, biển man dại cũng âm ỉ khóc thầm Thành con sóng xé bờ trần trụi Em ở nơi nao, để biển tôi buồn tủi Khóc thầm khi thấy biển xót xa... Hải Phòng, ngày 18.5.2010 Kiều Anh Hương
  8. HẢI PHÒNG VÀ TÔI ? Khi ta chạm vào Hải Phòng Là ta đã chạm vào nhau Mỗi góc phố, mỗi địa danh thân thiết Tôi, lữ khách, Bỗng càng yêu hơn thành phố thân thương... Bạn có nhận tôi không, hỡi những cánh phượng hồng !? Vẫn biết thời gian hữu hạn và khôn lường Bao người đến, rồi đi... Nhưng cũng còn bao người ở lại Điều lớn lao hơn, đâu chỉ là như thế Hải Phòng, có đáng gì còn lại Trong tim mình hay không ? Hải Phòng 19.5.2010 Kiều Anh Hương
  9. EM CÓ VỀ ĐỒ SƠN ? Em có về Đồ Sơn không ? Mùa này có con sóng đỏ Chuyện của ngày xưa, đừng quên thôi là đủ Để biển xanh, còn sóng cũng mãi xanh ! Em có về Đồ Sơn không ? Mùa này có nhiều hoa phượng nở Hải Phòng đó, luôn ngập tràn sắc đỏ Như máu đào nhuộm thắm đất quê hương ! Ôi, Hải Phòng, đất lạ bỗng thân quen Bởi từ nơi đây, tôi có bao điều để nhớ Không giản đơn là những con tàu không số Không giản đơn chỉ là con sóng đỏ... Mà bởi vì nơi đó... Có một người tôi đã rất yêu thương ! Hải Phòng, ngày 19.5.2010 Kiều Anh Hương
  10. 29. PHƯỢNG HOÀNG Anh về thành phố hoa phượng đỏ Bất ngờ gặp em cánh phượng hồng Cứ ngỡ phượng hồng luôn rực lửa Như nỗi khát khao đang cháy lòng… Đâu ngờ một ngày anh bắt gặp Cánh phượng vàng mơ mộng ven sông Màu hoàng lan mềm như cổ tích Bay bay trong chiều hoàng hôn… Anh như lạc vào địa đàng tình ái Như lạc vào sắc vàng của mê cung Cây phượng vĩ màu phật thánh thiện Ru đắm hồn anh một cõi trần ! Hóa ra, không chỉ có phượng hồng Trong em còn có sắc phượng hoàng mê đằm Câu hát xưa, của người thành phố… Bây giờ sẽ ngân thêm một loài hoa Hoa Phượng Hoàng rực rỡ trong lòng ta ! Hải Phòng, ngày 29.09.2009 Kiều Anh Hương
  11. Bình thơ Bài thứ chín, tặng Dạ Hương: VONG HỒN… Tôi gia nhập “Thi viện” chưa lâu và cũng phải nói thật, chưa thể đọc hết, điểm hết từng khuôn mặt, từng tác giả trong ngôi nhà Thi viên vô cùng thân yêu, nhưng, như một sự hữu tình, Dạ Hương là tác giả mà tôi đã đọc nhiều nhất và cũng phải nói thật, thơ dạ Hương viết khá hay và có hồn; Chẳng cần lục lọi bản “trích ngang” của tác giả, chỉ cần đọc qua mươi bài thôi là ta có thể nhận diện: đây là một nữ y tá nhưng lại có tâm hồn cao thượng của một thi sĩ… Vì cuộc sống mưu sinh hay vì bất kỳ điều gì đi nữa thì trong thơ của chị luôn hiện hữu một trái tim nhân ái, đang nguyện dâng hiến tất cả tuổi xuân của mình cho bao người bệnh, bao cảnh đời khốn khó mà chị đã gặp và phục vụ… Thơ Dạ Hương khiến người ta dễ cảm mến có lẽ cũng bởi vậy ! Không phải nhọc nhằn lắm tôi cũng có thể tìm và nhặt ra chi ít cả chục bài thơ hay của chị để mà bình, mà khen. Ví như các bài mà Dạ Hương mới gửi lên Thi viện gần đây: “Một người chết”, “Ngẫm nghĩ”, “Đồng chiều” hay những bài chị đã gửi lên từ lâu như: “Tấm ảnh”, “Mái nhà và cơn bão”, “Gửi người quan họ”… Nét nổi bật nhất trong thơ của Dạ Hương là luôn thấm đẫm tình người… Bài thơ tôi chọn ra để bình – bài thơ “Nhớ em Đỏ” có lẽ là một bài thơ tiêu biểu nhất về tình người trong hồn thơ của chị. “Hơn chục năm rồi, em Đỏ Không về gặp chị trong mơ Mỗi người trong nhà duy nhất Một lần thấy em, bất ngờ…” Đọc bài thơ này, ta không dễ hiểu ngay, nếu ta không phải đôi ba lần đăm chiêu, suy nghĩ; Vâng, vì tôi đã đọc nó nhiều lần và tìm hiểu khá kỹ nên tôi có thể nói ngay, đây là bài thơ tưởng nhớ về một vong hồn em bé đã mất khi còn rất nhỏ, đó là vong hồn em Đỏ, người em ruột xấu số của tác giả. Dĩ nhiên, đã là thành viên trong nhà, một khi ai đó đã đi xa đều để lại nhớ thương vô hạn cho người đang sống; Ông bà già thì đã đánh, nó là qui luật, nhưng với những người chết trẻ thì thật là buồn và thương xót. Vì vậy sự ra đi của em Đỏ đã để lại muôn vàn tình thương cảm của mọi thành viên trong gia đình, âu cũng là việc không có gì phải lạ ! Nhưng ở đây ta đang nói về thơ; Xúc động thì có thể thốt nên lời, nên thơ, nhưng chỉ là những giấc mơ xa ngái, lâu lắm rồi về vong hồn em Đỏ mà Dạ Hương cũng thốt lên được thành thơ thì phải nói, trong con người đó, trái tim nhạy cảm biết bao nhiêu… Không biết Dạ Hương nói có đúng không, hay là điều tâm linh có thật ? Em Đỏ đã ra đi mãi mãi và bằng lòng với số phận của mình, trở thành thiên thần nhỏ hộ mệnh cho cả gia đình chị nên chẳng bao giờ em lại về “quấy nhiễu” mọi người. Từ ngày em ra đi, rất thanh thản, em chỉ quay về gặp mỗi người trong gia đình chị có… một lần (trong giấc mơ) và như là một sự chào hỏi, thông báo về sự hiện diện có thật trong chốn hư vô của em: “Mỗi người trong nhà duy nhất/Một lần thấy em,bất ngờ..” và chị kể lại thật rành rọt: “Cha kể em nằm quấn tã Vừa lăn vừa khóc, bám chân Mẹ kể em ngồi im lặng Mắt buồn nhìn mẹ chăm chăm Chị Quỳnh,Cù Giang loáng thoáng Gặp em chưa rõ sự tình Kể lại cùng nhau thổn thức Thương em lắm, chị đinh ninh Em khóc, bò, với tay chị Chị gắng mãi chẳng tới em Gác xép, Quỳnh bên đọc báo Cù Giang học thi tận đêm Năm ngoái anh rể về ngủ Em núp góc nhà cười trêu Lục sục cả đêm, hỏi chị Chị cười:"em Đỏ, ai đâu !" Rõ, cứ như là em Đỏ vẫn còn hiện hữu trên đời. Thương quá đi thôi ! “Sinh ra em chưa kịp khóc/Mẹ mình khuyết một lời ru…” Thực tình, đọc những dòng thơ này, tim tôi như se lại… Cảm ơn thi sĩ, bài thơ thật chan chứa tình người ! Và chính thi sĩ chứ không ai khác đã thay mặt cuộc đời để nói với hương hồn của thế giới bên kia rằng: Người mất, nhưng vong hồn không bao giờ mất. Em Đỏ vẫn ngày ngày hiện diện trong tình cảm của ông bà, cha mẹ, các chị, các anh: “Chị biết hàng ngày em vẫn Nhà mình quét dọn, trông nom Trên phản em ngồi chải tóc”… Còn em Đỏ thì vẫn thế, quyết như thiên thần vậy, rất gần mà rất xa, rất thương mà rất cẩn trọng, không bao giờ làm khổ hoặc tự khơi gợi lại nỗi nhớ bi thương ngày nào… Vậy nên đã “Không gặp chị thêm một lần...???” Tuy nhiên, nỗi nhớ vẫn là nỗi nhớ, mỗi năm có một cái giỗ cho một người đã khuất; Em Đỏ cũng vậy. Còn chị Dạ Hương của em thì không bao giờ quên được, dẫu thời gian cứ lặng lẽ trôi và chị nhẩm tính: “Em giờ thêm hai tên nữa Hai cháu gọi em là "dì" Một cháu chào em bằng "bác" Em đã hăm tám còn chi..” Chao ôi, hãy thử nghĩ mà xem, nếu không có “sự cố”, không có sự mất mát lớn lao này thì năm nay em Đỏ của chị đã là 28 tuổi rồi và dĩ nhiên, đã có biết bao nhiêu hạnh phúc sẽ đến với em, một tình yêu đôi lứa, một nụ hôn đầu, một chàng “hoàng tử” nào nhỉ sẽ là em rể của chị… Chao ôi, nước mắt chị, không cả nước mắt của tôi nữa cứ nghĩ đến là chảy dài ra, không cầm được ! Như thế đấy các bạn, hạnh phúc không có nghĩa là trên đời này bạn cần phải có tất cả. Hạnh phúc đôi khi cũng cần được đối trọng bằng những mất mát đau thương… Có như vậy thì mình mới thấy cuộc đời này đáng yêu, đáng sống biết bao nhiêu ! Đến như một linh hồn còn biết giành cho nhau điều tốt đẹp nhất thì cắc cớ gì mà chúng ta không trải hết lòng, không chia sẻ và vị tha cho nhau… Tất cả những điều tôi nói trên, tất cả những gì mà bài thơ Dạ Hương đã viết chỉ có thể biểu đạt được bằng thơ và duy nhất bằng thơ mà thôi ! Sức lay động của thơ quả là không thể coi thường ! Hỡi các nhà thơ, chúng ta kính trọng họ, nếu họ thay mặt ta nói lên được những điều hết sức bình dị và lớn lao đó… Cảm ơn Dạ Hương… Hải Phòng, ngày 12.8.2010 Kiều Anh Hương NHỚ EM ĐỎ Tác giả: Dạ Hương Hơn chục năm rồi,em Đỏ Không về gặp chị trong mơ Mỗi người trong nhà duy nhất Một lần thấy em,bất ngờ Cha kể em nằm quấn tã Vừa lăn vừa khóc,bám chân Mẹ kể em ngồi im lặng Mắt buồn nhìn mẹ chăm chăm Chị Quỳnh,Cù Giang loáng thoáng Gặp em chưa rõ sự tình Kể lại cùng nhau thổn thức Thương em lắm,chị đinh ninh Em khóc,bò,với tay chị Chị gắng mãi chẳng tới em Gác xép,Quỳnh bên đọc báo Cù Giang học thi tận đêm Năm ngoái anh rể về ngủ Em núp góc nhà cười trêu Lục sục cả đêm, hỏi chị Chị cười:"em Đỏ, ai đâu!" Sinh ra em chưa kịp khóc Mẹ mình khuyết một lời ru Ước nguyện mẹ cha sinh bốn Nỗi em khắc khoải đến giờ Hai tuổi thôi,chị vẫn nhớ Ngày đưa em lặng lẽ buồn Hồng Nhi tên em, ông đặt Chị gọi "em Đỏ" thương hơn Em giờ thêm hai tên nữa Hai cháu gọi em là "dì" Một cháu chào em bằng "bác" Em đã hăm tám còn chi Thằng cu Vinh "còi" nhà chị Ẩn tuổi dì đấy, em ơi "Con Heo Tai Xanh của mẹ!" Gọi con, nhớ em nhất đời Chị biết hàng ngày em vẫn Nhà mình quét dọn, trông nom Trên phản em ngồi chải tóc Không gặp chị thêm một lần...??? Thái bằng-Đồng Tân-Ứng hoà Đêm.3/8/2010
  12. "Khi mô xuân nhuận môi hường Mần răng cho vợi nhớ thương bây chừ ?" Lại "tâm trạng" nữa rồi; Mần răng rứa NgocDinh ơi ! Lâu có khỏe không ? Khi nào lại a lô để ngồi với nhau cái nhỉ ? Chúc NgocDinh luôn thành công trong sự nghiệp và viết được nhiều thơ hay ! T/B: Mình vừa có một loạt bài "tản văn" ngắn bình thơ các cây bút không chuyên để bên mục phê bình văn học; Khi nào rỗi NgocDinhr vào xem và góp ý cho mình nhé. Xem đường link sau : http://diendan.thotre.com/index.php?showto...amp;#entry38448 Thân !
  13. Bài thứ tám, tặng Hương Nhu: YÊU LÀ PHẢI “DÒ XÉT” Lần theo bước chân của tác giả huongnhu trên “Thi viện” - một trang web đúng như tên gọi của nó, chỉ toàn thơ với thơ… và ở đây tôi đã bắt gặp một bài thơ khá hay của tác giả huongnhu có tựa đề “Dò xét”. Thoạt đầu cũng chỉ là sự tò mò bởi một cái tên nick (huongnhu) nghe “vừa lạ vừa quen”… Vì cái tên không bỏ dấu nên chẳng biết đọc thế nào cho chính xác; Vì vậy tôi luận: chắc chắn chỉ có thể là Hương Nhu (chứ không phải Hương Như…) vì hương nhu là tên một loại cây thuốc quí của Việt Nam (có tên khoa học: Ocimum gratissmum Linn). Các cụ nhà ta xưa nay vẫn thế, hay lấy lên các loài hoa đẹp, các loài cây cỏ quí hiếm để đặt tên cho con cái mình…. Âu cũng là sự thường tình bởi ai mà chả mong cho con cháu mình mai sau lớn lên, khỏe đẹp, thành đạt… xứng danh với cái tên gọi ấy… Nhưng mà cũng khổ thế đấy, khi ngôn ngữ Việt không bỏ dấu thì khác nào đánh đố con người ta; Chả trách ngày xưa Cụ Hồ gọi “Nhà máy cơ khí Gia Lâm” thành “Nhà mày có khỉ già lắm” ? Câu chuyện này là có thật và đã một phen làm cho các vị lãnh đạo của nhà máy lúng túng, không hiểu “mô tê răng rứa” gì cả; Hóa ra chỉ là sự nhắc khéo của Cụ Hồ về việc “cần phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” thôi ! Tôi nhắc lại chuyện vui này không nhằm “học đòi” theo Cụ… mà đơn giản muốn xướng tên tác giả cho nó chính xác. “Kích” tiếp vào bản đăng ký để tìm hiểu thêm, tôi biết được tên đầy đủ của tác giả là lehuongnhu. Chắc chắn rồi, chị tên là Lê Hương Nhu, một loài thuốc quí, có vị cay, vị đắng và cũng có cả vị ngọt… Thế thì quí hóa quá còn gì, nhất là trong thơ mà hội đủ tất cả các vị như thế thì đọc thơ của chị chắc cũng bổ ích lắm lắm ! Tạm yên tâm với tên gọi, tôi bắt đầu lục tung cái “lều thơ” của chị để xem thơ phú ra sao ? Ôi, thì ra nó cũng đã đầy ắp… với rất “nhiều ngăn”… mà nếu chỉ đọc lướt thôi chắc cũng phải mất cả vài ngày… thán phục, thán phục quá ! Nhưng không sao, với tiêu chí “đãi cát tìm vàng”, tôi quyết không bỏ sót bài nào và bất ngờ, tôi đã gặp được bài thơ nói trên – bài thơ “dò xét”. Lạ thật, lại nữa, một cái tên, cái tên thoạt nghe thật buồn cười, cứ như nhà thơ cũng hành nghề thám tử vậy ! Tôi thích thú đọc: “Ngắm nhìn bầu trời lồng lộng. Thênh thang biết mấy cho vừa. Dường như sắp đổ cơn mưa. Nên nắng vàng đi đâu vắng. Dòng sông sao dài hun hút. Lẻ loi bóng dáng con đò. Cụm lục bình trôi lạc lõng. Bơ vơ sắc trắng cánh cò...” Mới đọc qua, thoạt nghĩ – đây là một bài thơ tả cảnh. Hai khổ thơ cũng khá nhuyễn. Chắc tác giả đang đi tìm cây thuốc và đang ngóng trời, ngóng đất xem sao nên mới biết “Dường như sắp đổ cơn mưa” ? Hay chị đang đứng ở lưng chừng non (đi hái thuốc mà) nên mới nhìn tỏ: “Dòng sông sao dài hun hút” và cũng thật tĩnh lặng khiến lòng người cũng đơn côi theo “Lẻ loi bóng dáng con đò” rồi tự nhận thấy “Bơ vơ sắc trắng cánh cò...”?... Nhưng không ! Khi đọc đến khổ thơ cuối, người yêu thơ mới chợt vỡ lẽ: “Em như con chim sẻ nhỏ Nhìn đâu cũng thấy mịt mờ Ngỡ ngàng vỗ đôi cánh mỏng Biết tìm đâu một chốn chờ... “ Hóa ra bài thơ không hề đơn giản chút nào và cũng không đơn thuần chỉ là tả cảnh; Bài thơ như muốn chuyển tải nỗi lòng của tác giả (hay ai đó?) đang ngập tràn bao điều tâm sự muốn giãi bày… ? Thật tiếc là tôi không hề biết tí gì về tác giả. Nếu biết thì chắc chắn tôi đã có thể cắt nghĩa ngay tại sao ? Một bài thơ hay, nhưng nếu biết được cội nguồn xuất sứ của nó thì nhiều khi “mức độ hay” có thể nhân lên nhiều lần. Thôi đành võ đoán vậy và nói như ai đó, thử khả năng “thẩm định thơ” của mình ra sao ? Tôi đọc tiếp: “Tình anh có như trời rộng. Có nhiều như nước trên sông. Có như trùng khơi bí hiểm Có là vàng nắng mênh mông”. Đến đây thì đã hé lộ, chắc chắn rồi, cô gái đang yêu, chính xác hơn, đang trong thời kỳ tìm hiểu; Chàng trai đã ngỏ lời, đã tỏ tình, nhưng nàng thì vẫn còn băn khoăn lắm… Nàng đang “dò xét” xem có phải chàng trai này thuộc diện “đa tình, đa đoan” không ? Chẳng biết có đáng tin cậy để trao tình cho chàng không ? Hay chàng chỉ ngỏ lời rồi để đó, còn nhiều phương trời khác, nhiều mối tình khác cũng đang đợi chàng: “Tình anh như trời rộng/Có nhiều như nước mênh mông…”. Nhưng điều quan trọng hơn là “Có như trùng khơi bí hiểm” không ? Bởi nếu là vậy thì thôi rồi, sẽ công cốc như : “…vàng nắng mênh mông” rồi cũng bỏ đi thôi, bởi vì em chỉ là cô thôn nữ, chỉ là “con chim sẻ nhỏ” nên “Nhìn đâu cũng thấy mịt mờ” nên tội lắm anh ơi, nếu không “dò xét”, tìm hiểu thật kỹ thì hạnh phúc khó toàn vẹn lắm. Khi ấy lại phải chia tay, thật đau lòng; Với chàng thì không sao nhưng với nàng thì: “Ngỡ ngàng vỗ đôi cánh mỏng/Biết tìm đâu một chốn chờ…” Lẽ đời vốn vậy, xưa nay con gái vẫn chịu nhiều phần thiệt hơn ! Và tôi hoàn toàn chia sẻ với Hương Nhu, dù gì thì cùng phải “dò xét” thật kỹ, tìm hiểu thật kỹ trước khi chấp nhận một tình yêu ! Như vậy đã rõ, bài thơ không hề đơn giản và cũng không đơn thuần chỉ là tả cảnh; Bài thơ muốn chuyển tải nỗi lòng của tác giả về điều day dứt còn nghi ngại trước sự ngỏ lời của người yêu… Đúng là một bài thơ hay nhưng không dễ nhận ra ngay ! Cảm ơn tác giả bài thơ ! Sau đây mời các bạn đọc lại đầy đủ bài thơ này để chia sẻ với tác giả bài thơ và tác giả bài bình. Chơi thơ sẽ thú vị hơn nhiều khi cùng nhau “mổ xẻ” thành công một tác phẩm mà mình yêu thích ! Hải Phòng, ngày 11.8.2010 Kiều Anh Hương Bài thơ: DÒ XÉT ! Tác giả:Huongnhu Ngắm nhìn bầu trời lồng lộng. Thênh thang biết mấy cho vừa. Dường như sắp đổ cơn mưa. Nên nắng vàng đi đâu vắng. Dòng sông sao dài hun hút. Lẻ loi bóng dáng con đò. Cụm lục bình trôi lạc lõng. Bơ vơ sắc trắng cánh cò. Tình anh có như trời rộng. Có nhiều như nước trên sông. Có như trùng khơi bí hiểm Có là vàng nắng mênh mông. Em như con chim sẻ nhỏ. Nhìn đâu cũng thấy mịt mờ. Ngỡ ngàng vỗ đôi cánh mỏng. Biết tìm đâu một chốn chờ... Ngày 2.8.2010 Tái bút: Cạnh nhà tôi cũng có một chị tên là Hương Nhu… Chị là dược sĩ hay cười, ít nói… Tôi chợt giật mình, hay cái nick này đích thị là của chị ấy; Nhưng xem kỹ, hóa ra không phải, cái cô Hương Nhu này ở tận trong thành phố Hồ Chí Minh cơ… Vả lại còn hành nghề “buôn bom!” nữa, sợ quá !
  14. Bài thứ bảy, tặng Hạnh Ly: Tôi chợt nhớ đến một câu nói của ai đó – “Thơ hay không cứ viết dài…”. Cảm nhận đó thật đúng khi tôi đọc được bài thơ lục bát “Lắt lẻo” của Hạnh Ly, một cây bút không chuyên đang sống ở Thái Bình. Bài thơ chỉ có 9 câu và tưởng chừng như chỉ nói bâng quơ về gió, về lá, về giọt sương…mà tác giả cảm nhận được bằng trực giác trên đời: “Lắt lẻo, lắt lẻo lá ơi Còn dư chút gió để tôi cất giùm Kẻo rơi chiếc lá cuối cùng Mùa đi, bỏ lại nhớ nhung bên đường Lắt lẻo, lắt lẻo giọt sương Chênh vênh giăng sợi nắng vương lững lờ Tôi như con nhện dại khờ Muốn rung tơ, sợ hững hờ sương rơi…” Hãy khoan nói về mục tiêu chính mà tác giả bài thơ muốn hướng tới, hãy thư thả đọc và ngẫm mà xem, mỗi khổ thơ lục bát nói trên nghe thật gợi mở, thật sống động; Tả cảnh mà cảnh lại thật chông chênh… Lá thì “lắt lẻo” giống như cái sự già nua của đời người đang chực chờ để bay nốt “về trời”, nhưng cũng lại nhẹ như không ấy: “Kẻo rơi chiếc lá cuối cùng Mùa đi, bỏ lại nhớ nhung bên đường” Nói về sự rơi của chiếc lá thì nhiều thi sĩ đã từng lưu luyến và thả bút, thả hồn…nhưng với sự rơi “lắt lẻo” của chiếc lá mà Hạnh Ly đã gợi mở được đến như thế thì quả là ấn tượng ! Lại nối tiếp về sự “lắt lẻo”, ở khổ thơ tiếp theo, thoạt nghe, những tưởng tác giả cũng chỉ là tả cảnh, tả về một giọt sương mai sắp tan, sắp rơi…trong một ban mai thật tĩnh lặng; Tuy nhiên, sự “lắt lẻo”, sự chông chênh… này lại khiến ta có một liên tưởng hoàn toàn khác; Trong đời người ai chẳng một lần không nhìn thấy giọt sương chông chênh trên cành lá vào một buổi ban mai đẹp trời; Nhưng cái bất ngờ ở đây là tác giả đã cho ta thấy rõ hơn sự “chông chênh” của giọt sương khi giăng trên những sợi tơ vốn đã rất “mỏng manh” của loài nhện và chính hình ảnh này đã đẩy cảm giác chông chênh của người đọc vượt lên một mức cao hơn và cho ta thấy rõ hơn cái “lắt lẻo” của giọt sương mai mong manh dễ vỡ biết nhường nào ! Tất nhiên, không có sự mô tả, gợi mở nào của tác giả lại chỉ là để “chơi”; Mọi cái “lắt lẻo”, “chông chênh” nói trên đều gắn liền với tâm trạng của một người con gái đang yêu nhưng cũng đang cảm nhận thấy rất rõ một cái gì đó đang rất mong manh, đang rất “lắt lẻo” của tình yêu và hình như nó cũng đang chực “tan vỡ” mà nàng thì lại đang cố sức níu giữ, để cho tình yêu mãi mãi đẹp long lanh như giọt sương pha lê vậy !… Hóa ra nhà thơ và bài thơ đang muốn nói về những trắc ẩn, những chông chênh trong tình yêu… Và ta chợt nhận ra cái hay của bài thơ là tác giả đã biết bất ngờ kết bằng một câu thơ bỏ lửng -“Lắt lẻo, lắt lẻo tình ơi…” khiến cho người đọc có chút cảm giác hẫng hụt, bùi ngùi… nhưng khi ngẫm lại thì lại thấy thật có lý. Tình yêu là vậy, luôn không thể đo lường trước được những kết cục của nó và cũng chính vì vậy, từ ngàn đời nay tình yêu luôn như một “ma lực” cuốn hút những người con gái, con trai tìm đến với nhau, khám phá nhau ? Thơ tiếp lời và chỉ nói hộ cho họ mà thôi ! Mượn thơ để nói về tâm trạng là một cách viết không lạ, nhưng chỉ một câu kết lửng lơ và có phần “lắt lẻo” ấy hóa ra lại nói được thật đầy đủ điều cần nói của bài thơ và của tác giả; Rõ ràng đây không chỉ là bài thơ tả cảnh, mặc dù bút pháp tả cảnh như nói ở trên là không hề “thấp tay” ! Chính câu kết của bài thơ đã để lại ấn tượng cho người đọc nói chung và cá nhân tôi nói riêng ! Xin cảm ơn tác giả ! Mời các bạn đọc lại dầy đủ bài thơ “lắt lẻo” dưới đây của cây bút không chuyên Hạn Ly để thấy trong những tâm hồn không chuyên nhưng lại có những các xử lý thật sâu sắc và rất “chuyên”, không thể không ngưỡng mộ ! Hà Nôi, ngày 8.8.2010 Kiều Anhh Hương LẮT LẺO Hạnh Ly Lắt lẻo, lắt lẻo lá ơi Còn dư chút gió để tôi cất giùm Kẻo rơi chiếc lá cuối cùng Mùa đi, bỏ lại nhớ nhung bên đường Lắt lẻo, lắt lẻo giọt sương Chênh vênh giăng sợi nắng vương lững lờ Tôi như con nhện dại khờ Muốn rung tơ, sợ hững hờ sương rơi Lắt lẻo, lắt lẻo tình ơi…
  15. 28. ĐỢI TRĂNG Lâu lắm rồi chúng mình không gặp nhau Trăng cuối tuần, buồn không muốn ngủ Vòm cây sẫm màu chờ đợi Thêm một lần... Được tái sinh trong nhau ...! Vầng trăng nõn nà, ngai ngái giấc mơ xưa Ta ngai ngái mùi cỏ non ngoài bãi Trăng thành phố không thể nào sánh được Mảnh trăng quê, ngày ấy phải không nào ? Lâu lắm rồi không nghe được câu chào Nên ta nhớ Trăng và thức đợi... Ta đợi Trăng như từng đợi Nguyệt ! Xốn xang, tim muốn vỡ làm đôi ! Hãy nói gì đi, Trăng mến yêu ơi ! Đừng vô tình.. Ta biết nõn nà trăng phía ấy Nõn nà em... Nõn nà ký ức Và ta luôn như chú Cuội ngu ngơ ! Ngày 4.7.2009 Kiều Anh Hương
  16. SÓNG ĐỎ Những con sóng bạc đầu Bất ngờ ập vào Đồ Sơn mùa lũ Gió ầm ào, xua từng con sóng đỏ Ném lên bờ nỗi nhớ xa xăm… Em nhuộm hồn tôi, màu biển phù du Con nước lập lờ ngầu đục Sóng vẫn đỏ nơi bến tàu không số Giờ này, còn riêng mình em ! Ở ngoài kia, biển vẫn mãi ngát xanh Mang dáng hình người thủy thủ Ở trong này, những con sóng đỏ Neo dưới mi cong, vẫn ướt mắt đợi chờ ! Ước gì ta có được phép màu ? Để đại dương xanh bỗng ngời lên sắc đỏ ! Hải Phòng, ngày 18.5.2010 Kiều Anh Hương NHỚ HẠ Em mang hết cả ba mùa nhốt vào cặp sách Chỉ riêng mùa hạ thôi, mau cởi hết… chào mời Thế là em được ra với biển Thế là em được lên với rừng Thế là em được xuống với đồng bằng Thảnh thơi bay trong nắng hạ... Thế kỷ dài hơn, thời gian ắt phải ngắn hơn Con người càng nhỏ nhoi hơn trong vũ trụ... Nên mỗi khi hạ đến Ta phải hong khô cả lòng mình Để được cháy hết và còn hơn thế Hóa tàn tro… giữa một cõi tâm linh ! Rồi em thả nụ cười… tan vào nước mắt Đại dương ! Ngày 18.5.2010 Kiều Anh Hương
  17. Bài thứ sáu, tặng Tiểu Thanh Đình: CÓ MỘT TIẾNG "KHÓC" RẤT CAO THƯỢNG... Lâu nay, tôi cứ nghĩ khóc chỉ có ở hai trạng thái: Trạng thái chủ đạo là khóc do con người gặp phải nỗi buồn (bởi nhiều lý do...); Còn một trạng thái nữa, đó là trạng thái khóc, nhưng khóc ở đỉnh cao của cuộc sống: Khóc trong niềm vui, khóc khi ngày gặp mặt... Và dù ở trạng thái nào thì khóc cũng là sự biểu lộ tình cảm rõ nhất ở một con người mà thôi... Nhưng hôm nay, tôi bỗng ngộ ra, còn có một tiếng khóc rất khác - Tiếng khóc của một tâm hồn cao thượng, rất cao thượng. Đó là tiếng khóc trong bài thơ của Tiểu Thanh Đình: "Em không dám khóc ở nhà Em chỉ dám khóc khi ra đến đường Mặc cho mắt kính mờ sương Nhoè đi cả một làn đường đang đi.." Vì sao vậy ? Để hiểu rõ tâm trạng một con người, một bài thơ..., bạn cần đọc thật kỹ (nếu không có điều kiện để hiểu hết về thân nhân người đó!). Và đây, có phải người đàn bà đã khóc vì đã giành quá nhiều tình cảm cho người thân, nhưng đổi lại thì chỉ có một sự cô đơn trống trải, không người sẻ chia ? "Lúc nào em cũng nghĩ suy Vẫn dành tất cả những gì cho ai?" Cho dù: "Đã qua một quãng đời dài Sắp "tri thiên mệnh" vẫn hoài vẫn trông..." Có lẽ sự chịu đựng là đức tính cao thượng nhất của người phụ nữ Việt Nam và người ta thường lạm dụng để ca tụng nó, coi họ như là những thiên thần... Còn tôi thì ngược lại, tôi phản đối ! Sống là phải biết đấu tranh ? Tại sao không, nên dù là rất cao thượng, nhưng khi đã khóc, hãy khóc lên thật to, thậm chí hãy gào lên... có như vậy mới có thể vợi nguôi mọi sự buồn tủi ! Nhất là khi biết mình vẫn còn rất đẹp, vẫn còn xuân sắc: "Dẫu chưa phai một đoá hồng... Dẫu bao cực nhọc vẫn không xoá nhoà" Thế thì tại sao không vượt lên số phận để tìm kiếm hạnh phúc cho riêng mình; hạnh phúc luôn ở rất gần ta; chỉ tiếc rằng nhiều khi ta quá cầu toàn, quá cố chấp nên đã để nó vuột trôi rồi lại cho rằng số phận không chiều ta: "Thời gian vẫn cứ trôi qua Trớ trêu số phận vẫn đà trêu ngươi..." Nhưng đó chỉ là lý thuyết, là ý nghĩ mà nhiều khi thương quá một người nên ta muốn nói lên thật to như vậy chứ suy cho cùng cuộc đời luôn được định đoạt bằng số phận và tình yêu cũng vậy luôn được định đoạt bằng "số má", bằng duyên phận và vì vậy tôi mới chợt nhận ra có một trạng thái khóc rất khác lạ- trạng thái khóc cao thượng, rất cao thượng, bởi một lý do cũng rất đơnn giản: "Ở nhà em phải vui tươi Ở nhà em phải nụ cười trên môi"... Hy sinh vì mọi người là một hành động cao thượng và khóc để không làm buồn mọi người thì đã vượt trên cả sự cao thượng. Chắc bạn cũng đồng ý với tôi ? Chúng ta chia sẻ cùng tác giả và mong sao điều cầu xin duy nhất của chị sẽ thấu tận trời xanh: "Em xin chỉ một lần thôi Cho em được khóc bên người em yêu..." Bất chợt tôi cũng chạnh buồn ! Số kiếp ơi là số kiếp ! Bạn hãy đọc lại bài thơ Khóc của tác giả Tiểu Thanh Đình và tự chiêm nghiệm xem có đúng như tôi đã cảm nhận không nhé : KHÓC Em không dám khóc ở nhà Em chỉ dám khóc khi ra đến đường Mặc cho mắt kính mờ sương Nhoè đi cả một làn đường đang đi Lúc nào em cũng nghĩ suy Vẫn dành tất cả những gì cho ai? Đã qua một quãng đời dài Sắp "tri thiên mệnh" vẫn hoài vẫn trông. Dẫu chưa phai một đoá hồng... Dẫu bao cực nhọc vẫn không xoá nhoà Thời gian vẫn cứ trôi qua Trớ trêu số phận vẫn đà trêu ngươi. Ở nhà em phải vui tươi Ở nhà em phải nụ cười trên môi Em xin chỉ một lần thôi Cho em được khóc bên người em yêu.../. Hải Phòng, ngày 14.7.2010 Kiều Anh Hương
  18. Bài thứ năm, tặng Hà Mi: HAI ĐƯỜNG THẲNG.. Cũng như bao bài thơ trong thế giới blog hay chính xác hơn là trong dòng chảy thi ca không chuyên mà tôi đã tìm, đã chọn và đã bình… Lần này, sau một quãng đường rất dài từ nam ra bắc, từ đông sang tây, tôi dừng lại ở thành phố Dortmund, một thành phố nằm về phía đông của vùng Ruhr của nước Đức để nhặt ra một bài thơ (trong nhiều bài thơ) mà tôi ưa thích của tác giả Đặng Hà My – một nữ sĩ sinh ra trên đất Yên Phụ – Hà Nội vẫn còn gìn giữ được gần như nguyên vẹn dáng hình của một người con gái Tràng An… nhưng vì cuộc sống mưu sinh và cũng vì nhiều lý do khác nữa đã trôi dạt sang phía trời tây để định cư và sinh sống. Hẳn rồi, cũng giống như bao đứa con đất Việt xa quê khác, nỗi nhớ luôn là sự khắc khoải khôn nguôi, hằng ngày, hằng đêm… huống chi, chị lại là người của đất Hà Thành – Thăng Long nghìn năm văn hiến… Tôi cũng xin lấy tựa đề của bài thơ này để làm đề tựa cho bài viết của tôi : Hai đường thẳng… Chị viết: Trên hai đường thẳng song song Anh là tên trộm luôn đi phía bên tay phải Hai con đường của ngày và đêm Đo chiều dài sáng tối Xoay theo vòng quay trái đất … Anh đào chín đỏ, khế ngọt đầu môi Tuyết và nắng , Nhạc Beethoven…chen điệu ca trù … Cuộc tình cũ, mới Trên hai đường thẳng song song Anh là tên trộm luôn đi phía bên tay phải . Đọc hết bài thơ và bất giác tôi dừng lại nghĩ suy. Tại sao chỉ là hai đường thẳng mà chị lại viết thành thơ được ? Đơn giản quá, quen thuộc quá, từ những ngày còn đi học cấp 2, khi làm quen với môn hình học, tôi và bạn, tất cả chúng ta, ai mà chả biết. Hai đường thẳng song song thì không bao giờ gặp nhau. Đúng quá rồi, tiên đề Ơclit (Euclid) đó mà : “Qua một điểm nằm ngoài một đường thẳng ta vẽ được một và chỉ một đường thẳng song song với đường thẳng đã cho”… Khô khan quá… Nhưng bất chợt, cái tiên đề này lại khiến tôi nhớ về một kỷ niệm đã xa, rất xa… Thuở ấy, trong lớp học của tôi cũng có một cô bạn gái tên là Hà My vô cùng kiêu kỳ và dĩ nhiên rồi, tôi là thằng con trai học giỏi nhất lớp, đặc biệt là môn toán nên cũng khá kiêu; Vì vậy nhiều bạn trong lớp không ưa gì và tìm cách ghép đôi, trêu chọc tôi với Hà My… nhưng bọn họ đâu ngờ, đó lại là điều làm tôi thích thú, Hà My xinh đẹp thế kia cơ mà. Thật không may cho tôi, Hà My vẫn thế, kiêu kỳ với cả tôi. Nhưng đúng hôm kiểm tra bài về tiên đề Euclid, thầy giáo gọi Hà My đứng lên, cô lúng búng… Nhanh trí và ngồi gần, tôi khẽ nhắc bài cho Hà My. (Thường tôi cực ghét việc nhắc bài trong lớp, vì tôi là lớp trưởng mà ! Ma xui quỉ hơn ơi !) Trả lời được câu hỏi, thầy khen và cho điểm tốt. Thế rồi, ngày ấy bỗng trở thành bước ngoặt, từ đó Hà My khá thân thiện với tôi. Ngẫu hứng, trong một lần đi bên nàng tôi chợt nói, may mà có Euclid, có hai đường thẳng song song mà chúng ta được gần nhau hơn… Nhưng vẫn tính cách kiêu kỳ như thế Hà My cười tủm và nói, nhưng hai đường thẳng song song thì chẳng bao giờ gặp nhau đâu… Tôi tưng hửng ! Trở lại bài thơ với tác giả có cùng tên với bạn tôi xưa, có lẽ thế mà bài thơ “Hai đường thẳng” của chị khiến tôi dừng lại và suy nghĩ nhiều hơn; Nhưng vượt qua những ký ức vui buồn đó, tôi đã tìm thấy thực sự những ý thơ đẹp lộng lẫy và ngang tàng trong đó: “Trên hai đường thẳng song song Anh là tên trộm luôn đi phía bên tay phải Hai con đường của ngày và đêm Đo chiều dài sáng tối Xoay theo vòng quay trái đất …” Trời ơi, định mệnh chăng, thể như tôi là “tên ăn trộm” thực thụ và luôn “đi về phía bên tay phải’ của Hà My xưa để rình xem nàng sẽ kiêu kỳ đến đâu và kiêu kỳ đến bao giờ…? Để rồi chỉ cần nàng “sẩy chân” thôi là tôi sẽ nhào vô, trộm lấy… Thế nhưng quả là Euclid đã có lý, sau đó, tôi chưa bao giờ gặp lại Hà My; Chiến tranh đã vô tình đẩy xa chúng tôi ra đến khoảng cách của vô cùng, vô cực… Đúng như: “Hai con đường của ngày và đêm Đo chiều dài sáng tối Xoay theo vòng quay trái đất …” Dĩ nhiên rồi, Hà My xưa, nếu bây giờ tôi có gặp lại chắc cũng đã già lắm; Cỡ tuổi như tôi thì bạn biết rồi đây, tóc đã muối tiêu nhiều quá rồi ! Nhưng may thay ông trời đã cho tôi gặp lại một Hà My còn rất trẻ trung và cũng không kém phần kiêu sa, nhưng lại thật nồng thắm và đôn hậu… Và cũng hình như… Những người con gái đẹp và đôn hậu lại thường gặp trắc trở trong tình yêu; Hà My của tôi bây giờ cũng vậy. Chị cũng đang đau đáu sống với những kỷ niệm xa vời mà như chị viết thì “Cuộc tình cũ, mới” cũng không dễ gì phai nhạt được; Vậy nên, bóng dáng của cuộc tình cũ vẫn luôn song hành (như hai đường thẳng song song vậy) trong đời chị. Cái thú vị, như đã nói, tôi cũng lại như thấy bóng hình của chính mình, “tên kẻ trộm” đang song hành cùng chị, dẫu thật zdớ zdẩn, nhận vơ…! Hì, chắc chị không thầm chửi tôi phải không ?! Vâng, hẳn rồi, tôi xin nhắc lại - cũng giống như bao đứa con đất Việt xa quê khác, nỗi nhớ luôn là sự khắc khoải khôn nguôi, hằng ngày, hằng đêm… Trong bài thơ này của Hà My cũng vậy, ta lại bắt gặp nỗi nhớ: “Tuyết và nắng , Nhạc Beethoven…chen điệu ca trù…” Quả là “dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội…” Khi tôi đang viết những dòng tạp văn này thì chắc chắn rằng chị cũng đang nhớ về Yên Phụ cái làng nhỏ xưa kia của chị nay đã hóa thành phố thị ven đô, mà không, đúng hơn, nó là cái làng giữa phố, giữa thủ đô văn hiến ngàn đời cơ. Người dân Yên Phụ không muốn mất làng nên đã xây lại cổng làng, đã xây lại Đình Yên Phụ để chiều chiều tiếng chuông lại vạng vọng xa vời xuống mặt nước Hồ Tây; Những khi như vậy tôi lại cồn cào và chợt nhớ về Hà My xưa và thầm đọc bài thơ “Hai đường thẳng” của Hà My bây giờ. “Trên hai đường thẳng song song Anh là tên trộm luôn đi phía bên tay phải..”! Bên tay phải, nghĩa là xa tim hơn, nhưng không vì thế mà không nghe được trái tim của nàng đang thổn thức... Rõ khỉ, tôi đã yêu nàng từ bao giờ mà không biết ! Hải Phòng, ngày 21.7.2010 Kiều Anh Hương
  19. Bài thứ tư, tặng Hoa cỏ: MẸ VÀ CON Dạo này, bỗng dưng tôi lại cảm thấy thích thú tìm đọc và khám phá những bài thơ hay trong dòng chảy của những cây bút không chuyên. Tuy nhiên, như tôi đã nói, trong dòng chảy đó thật khó tìm ra những bài thơ hay, chí ít theo cảm nhận của riêng tôi. Nhưng như một người thợ câu, nếu trong một ngày may mắn không chừng anh ta lại câu được một con cá to... Với suy nghĩ như vậy tôi lại nhẫn nại đọc, nhẫn nại đi tìm và hôm nay tôi đã bắt gặp bài thơ này - bài thơ "Tháng Năm": Tháng Năm (Cho Thạch Thảo) Nắng tươi vàng óng ả Mưa bất chợt giận hờn Gió qua hồ thong thả Vầng trăng tròn tung tăng. Con biết yêu tháng Năm Từ tiếng ve dóng dả Trang vở dần mỏng hơn Háo hức ngày lập hạ. Thời gian trôi nhanh quá Vừa mới ngày khai trường Bây giờ hoa phượng nở Con đợi ngày, lớn khôn... Hạ này, lên lớp sáu Con nhớ càng chăm ngoan Đừng làm buồn cha mẹ Suốt một đời bên con... 5/2010 Hoa Cỏ Thoạt tiên tôi tưởng đây chỉ là một bài thơ tả cảnh. Nhưng hoá ra không phải; Một bài thơ nhân ái ! Tuy nhiên, trước hết cho tôi được xin lỗi tác giả, sau khi đọc xong, tôi nghĩ tiêu đề của bài thơ phải viết là "Tháng 5" (thay vì "Tháng Năm") - để phân biệt thứ tự của một tháng trong năm với "Tháng năm" một danh từ chung chỉ thời gian. Cũng có thể tác giả đã chủ định viết hoa chữ NĂM với dụng ý đó, nhưng quả thật vẫn rất dễ gây ra sự hiểu nhầm cho người đọc! Còn chữ NĂM để trong bài thì hoàn toàn hợp lý như tác giả đã viết "Con biết yêu tháng Năm". Nhưng ơ kìa ! Bình thơ gì mà chỉ mới mào đầu đã "phê" người ta như vậy thì còn ra làm sao ? Kể cũng phản cảm và không giống như những gì sách phê bình văn học đã dạy. Nhưng thôi, tôi xin phá lệ một lần vậy. Trở lại với bài thơ - một bài thơ hết sức chân thành và sâu nặng miêu tả về tình của một người mẹ đối với con mà tôi, sau khi thoát ra khỏi cái tiêu đề ban đầu làm tôi xuýt lạc hướng ấy, tôi lại vô cùng thích thú. Có thể vì những điều tác giả nói đã quá đúng và nó cũng là cảm nhận của tôi cách đây chừng 15 - 20 năm, khi đó con gái tôi cũng gần bằng tuổi của Thạch Thảo - con gái của tác giả. "Thời gian trôi nhanh quá Vừa mới ngày khai trường Bây giờ hoa phượng nở Con đợi ngày, lớn khôn... " Quả vậy, chỉ trong tâm trạng đó ta mới hiểu vì sao nữ thi sĩ mang đầy sắc cỏ hoa kia mới thốt lên được: "Nắng tươi vàng óng ả Mưa bất chợt giận hờn Gió qua hồ thong thả Vầng trăng tròn tung tăng.." Nuôi con, đúng như các cụ đã dạy, công lao còn hơn cả "Núi Thái Sơn"; Nhưng cái chính để cho con cái lớn khôn và thành người, không có người mẹ, người cha nào mà không phải khổ công "rèn giũa", chỉ bảo và với những đứa trẻ mới lớn không dễ gì mà lúc nào chúng cũng răm rắp nghe theo lời cha mẹ; Bởi vậy ta hiểu vì sao "Mưa bất chợt giận hờn...". Thành quả sẽ đạt được sau năm tháng là chắc rồi, vì vậy không lạ gì trong cái vui của người mẹ vẫn xen lẫn sự lo toan: "Hạ này, lên lớp sáu Con nhớ càng chăm ngoan Đừng làm buồn cha mẹ Suốt một đời bên con... " Bất chợt bên tai tôi như vẳng lại câu hát ru ngày nào của mẹ tôi: "Con ơi đừng khóc mẹ buồn Nín đi để mẹ ra vườn hái rau..." Buồn ! Tấm lòng người mẹ nào cũng vậy, thương lắm, yêu lắm và cũng xót xa lắm mỗi khi lực bất tòng tâm trước đứa con chưa ngoan... Nhưng rồi vượt qua tất cả, như một qui luật tự nhiên, tấm lòng người Mẹ chính là nguyên nhân sâu xa nhất khiến con cái sẽ ngộ ra tất cả, có thể trước hay sau, sớm hay muộn... Phải nói bài thơ không có gì quá đặc sắc, nhưng nó đã chạm được vào lòng của những người làm cha, làm mẹ... Một bài thơ như vậy cũng có thể nói là thành công. Xin chúc mừng nữ sĩ Hoa Cỏ ! Hải Phòng, ngày 20.7.2010 Kiều Anh Hương
  20. NỢ... Gánh tình, ta trót nợ nhau Hóa ra, tóc đã trắng đầu... mới hay ! Người ơi, duyên phận nào đây ? Ta như chim lửa, cuối ngày cất lên... Mong sao thắp chút niềm tin Để tim lại đập, ân tình... cho nhau ! Ngày 12.5.2010 MÙA XUÂN NHỎ Mùa xuân về, em vui Mùa xuân về, hoa nở Trên tay anh, chim nhỏ Líu lo hát điều chi ? Chỉ có em biết thôi Trong tay em nắm chặt Mùa xuân in trong mắt "Kệ sông suối, thác ghềnh..." 12.5.2010 Kiều Anh Hương
  21. 27. TÓC THỀ “Tóc ngắn ngang tàng vẫn yêu những vần thơ Vẫn khắc khoải trước những điều ngang trái Không đánh mất mình trước bao nhiêu thay đổi…” (Vân Hồng) Em tóc tém, môi trầm Dáng tân thời, áo da, híp-hóp… Có lẽ nào quê mùa, thơ tôi Cũ kỹ ngàn xưa câu lục bát Lại làm xốn xang, trái tim một thuở Để chiều nay, ta bỗng lạc vào nhau… Hóa ra tóc tém, cũng chẳng ngắn thế đâu ! Tháng năm với chiều dài thương nhớ Em dấu đi cùng đời con gái Để mãi mãi vẹn nguyên Tóc thề ! Và thế là, ta chợt hiểu một điều Dẫu như thế ! Nhưng không là như thế ! Vẻ ngang tàng nhưng tâm hồn không thể Dấu nổi đâu những búp cỏ non tơ ! Và thế là… ta hóa thành nhà thơ Của riêng em, chỉ riêng em mãi mãi ! Chẳng cần đâu những hư danh, huyễn hoặc Hãy ném cả đi, sọt rác cũ, thiu ôi ! Ta chỉ cần đời thuộc một câu thôi Tóc tém, môi trầm… Dẫu như thế ! Nhưng không là như thế ! Để nhận ra dáng hình con gái Mãi mãi còn Trong em ! Hải Phòng, ngày 18.03.2009 Kiều Anh Hương
  22. Bài thứ ba, tặng Hà Vân: THÊM MỘT BÀI LỤC BÁT TÔI YÊU THÍCH... Trước đây tôi rất ít khi vào đọc các bài viết trên mạng, cho dù bản thân mình lại viết rất nhiều trên mạng; Có 2 lý do: 1. Thơ văn đăng tải trên mạng quá nhiều, nhưng không dễ tìm được những bài thật hay để đọc. 2. Tôi có quá ít thời gian, chỉ tranh thủ viết và gửi lên Blog, coi đó như là một tập nháp, một nhật ký thơ... Nhưng hôm nay tôi rất vui vì đã tìm thấy một bài thơ lục bát rất hay của Hà Vân: Thả câu lục bát lưng trời, Gửi người dưng, một đôi lời - bâng quơ Gửi chùm nắng ấm vàng tơ, Bạc đầu sóng biển, lơ ngơ - dập dồn. Bóng núi, sương tím chiều hôm, Đỉnh cao tuyết trắng - đọng buồn tháng năm. Biển sâu, nỗi nhớ lặng thầm, Mây xanh thẳm, gió rì rầm, gió ru... Tháng mười, hương cốm, muà thu Vầng trăng thủa ấy, bây giờ vẫn trong .. Xa xôi lắm, ai đợi trông ? Tháng giêng đến hẹn - có mong người về ? Thật ra thì bài thơ cũng rất dung dị, không có gì nhiều để nói; Câu chữ thì hình như ta cũng đã gặp đâu đó... Nhưng cái chính là hồn của bài thơ; Hình như nó đã chạm được đến một chiều sâu nhất định về sự nhớ nhung khắc khoải của một người con đang sống xa quê, đến nỗi một người dưng thôi (máu đỏ da vàng...) cũng đã là cả một sự hoài nhớ bâng quơ muốn xích lại gần và bắt chuyện: Thả câu lục bát lưng trời, Gửi người dưng, một đôi lời - bâng quơ... Thú thực, tình cảm này chỉ xuất hiện ở những người xa quê lâu ngày. Tôi cũng đã từng rơi vào tâm trạng như vậy. Và dĩ nhiên khi đã gặp, đã "bắt được chuyện" thì trên trời, dưới bể... có gì mà người ta không muốn nói cho nhau nghe, kể cho nhau nghe... Bởi họ rất muốn trút hết nỗi niềm đã dồn nén cùng với thời gian xa cách ấy...Nào thi "Nắng ấm vàng tơ..., nào thì "sóng biển bạc đầu, sương tím chiều hôm", gió mưa, tuyết trắng v.v.. và v.v... Nhưng trên tất cả, nỗi nhớ vẫn cứ khắc khoải, quá khắc khoải răng người thân yêu có còn đợi chờ ta ? Ta đã đi quá lâu rồi chăng ? Liệu ai còn nhớ đến mình nữa không ? Tâm trạng đó tôi cũng đã từng trải qua, giản đơn như lâu lâu về quê trong Hà Tĩnh một lần và mỗi lần về như vậy, đi giẵ quê hương mà như người lạ vậy; Bạn bè cũ nay đã già và cũng như tôi đều li tán về trăm phương vì cuộc sống và mưu sinh... Vì vậy thật sự tôi muốn chia sẻ với tác giả ở cái ý nghĩ rất thực và nhân văn này... Hà Vân ơi ! Em hãy về đi, quê hương luôn mong chờ và đón em ngày về lại, trong đó có anh và hơn thế, chính anh cũng đang dõi theo từng bước chân em ở một nơi xa, rất xa... Dĩ nhiên rồi, ít nhất là có một người đang mong ngóng em về, chứ đâu phải lo lắng quá thế: " Xa xôi lắm, ai đợi trông ? Tháng giêng đến hẹn - có mong người về ?"... Hải Phòng, ngày 14.7.2010 Kiều Anh Hương
  23. 26. HÃY TRỞ VỀ... Hãy trở về mái nhà xưa đi em Hà Nội bây giờ… gió đang đổi chiều, đông lạnh Phố chật chội trong xốn xang mùa cưới Bỗng thênh thang trải rộng lòng người... Như vậy là Noel lại sắp đến nữa rồi Tháng chạp hanh hao những mắt cười vồi vội Dẫu chẳng phải lo toan như thời bao cấp Nhưng nào đã vơi chuyện cơm áo, gạo tiền… Chỉ có điều, hương sắc đã lên màu Không gian mở, Hà Thành thêm dài rộng Chung cư mới sáng bừng bao ô cửa Thánh thót trong đêm những giai điệu dương cầm… Hãy trở về đi em, mái nhà xưa vẫn còn Ba mươi sáu phố phường… vẫn một màu nâu tím Bàng lá đỏ vẫn đêm ngày neo níu Chút hoài niệm cuối cùng Quán Cóc với thời gian… Noel qua rồi là tết nữa lại sang Quần áo mới khỏi lo, nồi bánh chưng cũng vậy Chỉ thiếu mỗi em thôi, đêm lạnh Cời than, hong nỗi nhớ mùa đông ! Dẫu không còn làng hoa Nhật Tân Nhưng Hà Nội không thiếu đào, thiếu quất Hãy về đi, tết này lên Tứ Hiệp Làng hoa mới đang đơm bông ! … Hà Nội, ngày 03.12.2008 Kiều Anh Hương
  24. QUẢ BÓNG TRÒN ! Trái bóng lăn qua cuộc đời Quả tròn, quả méo... đất trời cùng lăn Quả nào em phải bỏ ăn Cùng anh thức với năm canh... hét hò ? Để rồi nó cứ tròn vo... Kẻ đắng cay, kẻ hết lo, lại mừng ! Riêng tôi nhìn bóng ngậm ngùi ! 10.5.2010 Kiều Anh Hương
  25. Vân Hồng ơi, lâu rồi không gặp em và cũng không đọc những bài thơ mới của em; Hôm nay anh vào đây, trước là để thăm hỏi em, sau là mời em qua mục phê bình văn học của diễn đàn nay để đọc một topic mới anh vừa mở ở bên đó, có tựa đề "ĐÃI CÁT TÌM VÀNG" với chủ đích tìm kiếm những bài thơ hay của các cây bút không chuyên, viêt sbaif bình và giới thiệu về họ; Bài đầu tiên và người đầu tiên anh bình là bài TÓC NGẮN của em đấy; Qua đọc coi, nếu chưa ổn thì phản hồi lại giùm anh nhé ! Cảm ơn !

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This is an example of a list.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

×
×
  • Create New...