Jump to content
hongcong

TÔI ĐỌC BÁO.

Recommended Posts

NHẬT CHIÊU: THỂ NGHIỆM VĂN CHƯƠNG KHỞI ĐẦU TỪ NGÔN TỪ

Thứ bảy, 06/09/2008, 23:03 (GMT+7)

images261130_cn4b.jpg

Ảnh: LƯU PHƯƠNG

Nhà văn, nhà nghiên cứu, giảng viên đại học Nhật Chiêu (ảnh) là một cái tên quen thuộc đối với những người mê văn học, nhất là văn học và văn hóa Nhật Bản. Gần đây, Nhật Chiêu đã gặt hái nhiều thành công trong lĩnh vực sáng tác với các tác phẩm như Mưa mặt nạ, Người ăn gió và quả chuông bay đi… Ông đưa ra nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu và sáng tác.

 

* PV: Sau một loạt truyện ngắn, gần đây nhà văn bắt đầu sáng tác tiểu thuyết, ông có thể cho biết đề tài nào sẽ đưa vào tiểu thuyết mới nhất của mình.

* NHẬT CHIÊU: Cuốn tiểu thuyết mới nhất của tôi có đề tài xoay quanh hình ảnh hoa sen. Tuy nhiên, hoa sen đây không phải là hình ảnh của Phật giáo mà chủ ý của tôi sẽ giải bày tính đa nghĩa của hoa sen.

 

Hoa sen vừa có ý nghĩa linh thiêng lại vừa có ý nghĩa thế tục, gần gũi. Ngoài ra, nhiều người hay quen với ý nghĩa hoa sen đối lập với bùn hôi tanh mà quên mất rằng thực chất hoa sen sinh ra và sống được là nhờ bùn. Như vậy, bùn hôi tanh không phải là mặt xấu mà là một mặt tất yếu của cuộc sống, gồm cả sự cao đẹp lẫn sự xấu xa. Chính vì cả hai điều này đã tạo nên cái gọi là cuộc sống thực tế, có cái này thì đồng thời phải có cái kia.

 

Rất nhiều lần trong cuộc sống tôi chứng kiến sự phủ nhận những giá trị tạo nên một cá nhân như kiểu phủ nhận một vùng quê nghèo khó đã sinh ra mình.

 

Mượn hình ảnh hoa sen để nói về cuộc sống thể nghiệm cái bóng tối luôn luôn có phía sau ánh sáng. Hy vọng thể nghiệm này sẽ nói về cuộc sống như một nhất thể đầy ý nghĩa.

 

* Ông có ý kiến gì về thực trạng văn học trẻ hiện nay vốn được xem là có nhiều thể nghiệm mới.

 

* Theo tôi, hiện nay cái gọi là thể nghiệm, hướng ngòi bút vào những vấn đề táo bạo, ít ai viết vẫn còn hiếm hoi. Không nên lầm viết những vấn đề nhạy cảm là thể nghiệm. Viết những đề tài như tình dục, đồng tính… không phải là thể nghiệm, là mới, mà thực chất nó còn là cũ nhất trong các nội dung được nhắc đến trong văn học. Chẳng qua là trước đây, do một số nguyên nhân các nhà văn trong nước ít đụng đến đề tài này, nay lĩnh vực xuất bản thoáng hơn nên loại sách này có điều kiện xuất hiện.

 

Nhiều bạn trẻ cho rằng viết những vấn đề như vậy sẽ là mới mẻ, mang chất thể nghiệm và phá cách. Họ còn được khích lệ thêm bởi một số loại sách nổi tiếng thế giới cũng có liên quan đến vấn đề này được dịch và thành công trong nước tiêu biểu như tác phẩm của Murakami Haruki chẳng hạn. Tuy nhiên, như vậy là một sự hiểu lầm nghiêm trọng. Murakami thành công không phải vì ông ta viết về tình dục hay sự nổi loạn của giới trẻ hoặc đồng tính, mà ông thành công vì có một cách thể hiện, biểu đạt đầy mới mẻ thông qua ngôn từ, các thủ pháp hành văn như tự sự - song hành như đa thanh…

 

Bắt chước Murakami mà chỉ học viết thuần về tình dục thì sẽ chỉ dẫn đến què cụt và đương nhiên không thể có được một tác phẩm hay. Theo tôi, đó cũng là những gì mà nhiều nhà văn hiện nay, không chỉ là giới trẻ đang bị sa vào.

 

* Theo nhà văn, làm thế nào để có những tác phẩm hay, mang tính đột phá?

 

* Có nhiều yếu tố để tạo nên một tác phẩm hay. Chẳng hạn như cách nhìn. Không phải cứ thấy sao viết vậy là hay, là hiện thực mà còn cần cả con mắt nhìn nghệ sĩ để biến cái hiện thực thành đặc trưng nghệ thuật.

 

Hiện nay, tôi thấy có nhiều nhà văn cứ lấy nguyên mẫu ngoài đời để biến thành tác phẩm, chỉ sửa chút cái tên, địa danh. Đây là một sự xúc phạm đối với văn học bởi như thế thì đâu còn là tác phẩm văn chương, nó sẽ trở thành một dạng khác. Thậm chí, có lúc còn là đánh lừa bạn đọc. Nhưng có cái nhìn nghệ sĩ không thôi chưa đủ, còn cần cả khả năng thể hiện, biểu đạt nội dung nhà văn muốn chuyển tải. Đây là một yếu tố vô cùng quan trọng hiện nay vì có rất nhiều nhà văn trẻ có đề tài hay, nội dung đặc sắc nhưng lại không thể biểu đạt hấp dẫn, thu hút bạn đọc qua cách viết, cách thể hiện bằng ngôn từ, dẫn đến tác phẩm nhanh chóng bị quên lãng bất chấp tác phẩm có cả tính thể nghiệm nào đó. Đây quả là một điều đáng tiếc. Ngược lại, có trường hợp đề tài cũ, nội dung không có gì đặc sắc nhưng nhờ khả năng ngôn từ mạnh mà vẫn thu hút bạn đọc.

 

Theo tôi, muốn thể nghiệm trong văn học đòi hỏi sự cao tay về ngôn từ. Và để có thể cao tay trong ngôn từ, trong “cái biểu đạt” không chỉ một hai ngày mà cần cả một thời gian dài rèn luyện. Đó cũng là cái thiếu nhất và đáng tiếc nhất của nhiều người cầm bút hiện nay.

 

TƯỜNG VY

 

(theo SÀI GÒN GIẢI PHÓNG).

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

Công bố hai tác phẩm chưa in của Bùi Giáng

12914c91199874.jpg

Bùi Giáng - Ảnh: Đào Trung Phụng

Kỷ niệm 10 năm ngày thi sĩ Bùi Giáng đi vào cõi "ngàn thu rớt hột" (17.8 Mậu Dần - 17.8 Mậu Tý), gia đình thi sĩ đã cho xuất bản tập di cảo thứ 6 của ông. Đó là tập thơ Rớt hột phiêu bồng được in lần đầu bởi NXB Văn Nghệ, phát hành chính thức vào hôm nay (thứ sáu 12.9).

 

Tập thơ gồm 100 bài Bùi Giáng viết vào những năm cuối đời, báo trước ngày đi khỏi "mộng trường" dằng dặc, đúng kiểu của ông: "Anh sẽ chết như chưa bao giờ chết/Anh sẽ về thăm viếng các em ôi/Em khốn khổ như ngàn thu mỏi mệt/Anh chào em, anh chết suốt thiên thâu/Là chết giỡn cho vui chơi tuế nguyệt...". Quả thật, thi sĩ coi chuyện chết là "chết giỡn" chứ không phải "chết thật". Nên trong các bài thơ cuối cùng, viết về tuổi đời chồng chất như "non cao" và suối vàng thì đang trút nước, ông vẫn thản nhiên "mừng rỡ với lá cây" mà bước tới bên rừng. Rồi ông lại ngó qua phần số của người khác, lại thấy những người "em gái nhỏ" mai kia cũng sẽ phai tàn như hoa, nên ông viết bài Các em ôi, nói rằng các em "sẽ chết như anh" nhưng đừng lo, khi chết các em nằm cũng đẹp: "Một mai em sẽ lìa đời... Em đi em đứng em nằm/Toàn nhiên em đẹp nguyệt rằm thiên thu...".

 

Đọc mấy bài trong di cảo Rớt hột phiêu bồng, có thể thấy Bùi Giáng đã "chết giỡn", rất hợp với tinh thần "thị chư pháp không tướng, bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm" của Bát Nhã Ba-la-mật-đa tâm kinh.

 

Theo tinh thần đó, các chư pháp ở quanh ta như gió thổi, mây bay, núi cao, sông rộng đều là "không tướng" và con người thật ra cũng "không sanh không chết" như Bùi Giáng viết về sinh mệnh, về phong thái lộng lẫy của một "giọt sương đời": "Ông chúc phúc ngàn thu con rất đẹp/Rất vui buồn với tình mộng chia xa .../Con sẽ đứng sẽ đi sẽ vùng vẫy/Sẽ huy hoàng như một giọt sương sa...".

 

Một giọt sương cũng huy hoàng nếu hiểu lẽ vô sanh. Nhưng một bầu trời xuân cũng sẽ âm u nếu con người cứ "trụ" vào cái ngã của mình mà đòi bất tử! Theo Bùi Giáng, con người như vậy thật đáng tiếc: "Anh tiếc lắm, tiếc cho em, em hỡi/Tiếc tận cùng từ sa mạc thiên thu/Anh gục đầu nhắm mắt khóc hu hu/Rồi can lệ ngẩng đầu mắt ráo hoảnh...".

12914d.jpg

Rớt hột phiêu bồng và Trường học đờn bà

Vì sao vừa khóc "hu hu" xong, Bùi Giáng lại ngẩng lên "mắt ráo hoảnh"? Có lẽ với ông, khóc là khóc theo phàm tình, thương cảm, còn "ráo hoảnh" vì thấy sanh tử, mất còn, được thua, vinh nhục... chẳng có gì đáng cười đáng khóc. Phải chăng vì thế, Bùi Giáng đã im lặng, một mình sống trong đất địa của chơn tâm vào một ngày xuân của tỉnh giác: "Mùa xuân tao ngộ bất ngờ/Ngồi im lặng viết bài thơ một mình". Cái tứ "vô sanh" ấy bàng bạc suốt trong Rớt hột phiêu bồng.

 

Cũng trong dịp này, lần đầu tiên tác phẩm nổi tiếng L'école des femmes của André Gide do Bùi Giáng dịch dưới nhan đề Trường học đờn bà sẽ ra mắt độc giả cả nước. Dịch phẩm gần 350 trang này nằm trong di cảo Bùi Giáng, do NXB Văn hóa Sài Gòn ấn hành lần thứ nhất, với phong cách dịch "ngẫu nhĩ trùng lai" tuyệt chiêu của Bùi Giáng.

 

Giao Hưởng

 

(theo báo THANH NIÊN)

 

 

Cứ đọc ông là thấy hay, cái hiện đại nằm ở đó chứ đâu xa.

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

Join the conversation

You can post now and register later. If you have an account, sign in now to post with your account.

Khách
Trả lời chủ đề này...

×   Bạn vừa dán nội dung có định dạng.   Paste as plain text instead

  Only 75 emoji are allowed.

×   Your link has been automatically embedded.   Display as a link instead

×   Your previous content has been restored.   Clear editor

×   You cannot paste images directly. Upload or insert images from URL.

Đang xử lí...

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This is an example of a list.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

×
×
  • Create New...