Jump to content
admin

Đông Hồ - thi sĩ yêu tiếng Việt

Recommended Posts

1142216278~DongHo.jpg

 

Sau khi Đông Hồ mất, có người viết về ông đã chê Đông Hồ viết toàn chuyện trời, mây, trăng, nước mà không bao giờ đả động tới cảnh điêu linh tang tóc của dân tộc. Lâu nay, tôi - và có lẽ nhiều người nữa - cũng nghĩ như thế.

 

Mãi đến khi đọc bài ký sự Đốt sách của Mộng Tuyết, mới hay chàng trai trẻ Trác Chi những năm 30 cũng đã say mê đọc nhiều sách báo tiến bộ, yêu nước và đã có lần khăn gói đi tuyên truyền “quốc sự”. Ông cũng tham gia kháng chiến chống Pháp một thời gian, nhưng vì lý do sức khỏe nên phải về sống ở Sài Gòn. Báo Nhân loại do ông phụ trách những năm 50 cũng là một tờ báo tiến bộ lúc bấy giờ .

 

Có thế chứ! Lẽ nào một người yêu đến tha thiết tiếng mẹ đẻ; một người luôn tìm tòi, gìn giữ một cách trân trọng từng di sản của cha ông lại thờ ơ với sự tồn vong của dân tộc cho được. Nhưng có lẽ nên nói như Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam: “Đông Hồ “ vốn tính hiền lành, không đủ táo bạo”, nên ông đã đi theo một con đường khác, đã yêu đất nước bằng một cách khác và đã đeo đuổi chí hướng đó từ thưở đôi mươi cho đến lúc nhắm mắt.

 

Đó là việc vun đắp, xây dựng tương lai cho tiếng Việt. Hoài Thanh đã ghi nhận: “Hoàn cầu dễ ít có thứ tiếng được âu yếm, nâng niu như tiếng Nam... Nhưng yêu quốc văn mà đến như Đông Hồ kể cũng ít”.

 

Từ lúc làm giáo viên lớp sơ đẳng ở Hà Tiên, Đông Hồ đã bất mãn với việc học sinh không được học tiếng Việt mà phải học tiếng Pháp, phải tụng câu “Tổ tiên chúng ta là người Gaulois”. Cho nên tuy phải dạy theo chương trình, ông vẫn chú trọng đến tiếng Việt và khuyến khích học sinh trau dồi quốc văn.

 

Tình yêu tiếng mẹ còn được ông thể hiện qua nghệ thuật thư pháp tiếng Việt. Có người cho Đông Hồ chính là người đã khai sinh ra nghệ thuật này. Mỗi lần Tết đến, ông đều tự tay làm những chiếc thiệp xinh xắn với những bài thơ xuân do chính tay ông viết. Những bức trướng tiếng Việt, những tấm thiệp Tết với một nét chữ hoặc rất chân phương, hoặc rất bay bướm để viếng người mất, để tặng bạn bè bây giờ đã trở thành những kỷ niệm vô giá của người thân, của học trò ông.

 

Chưa bằng lòng với mình, nên vào năm 1926, lúc mới tròn hai mươi tuổi, ông đã mở Trí Đức học xá bên bờ Đông Hồ dạy toàn quốc ngữ, qua đó muốn học tập Tagore khi mở nhà Santiniketan để dạy cho thanh niên Ấn Độ cái đạo giải phóng tinh thần, sống gần thiên nhiên và học tiếng mẹ đẻ để vỡ trí khôn ra. Trường còn mở cả hệ hàm thụ để học sinh ở xa có thể luyện tập được tiếng Việt.

 

Giữa lúc tiếng Việt đang bị rẻ rúng, hành động của nhà giáo trẻ Lâm Tấn Phác quả là rất dũng cảm. Nhiều bài làm văn của học trò Trí Đức học xá đã được Đông Hồ biên tập và gửi đăng trên báo Nam Phong, trong đó có bài của người học trò xuất sắc nhất là nữ sĩ Mộng Tuyết, sau này trở thành người bạn đời của ông.

 

Bên cạnh việc dạy tại chỗ, Trí Đức học xá còn mở cả hệ hàm thụ để học sinh ở xa có thể luyện tập được tiếng Việt. Với sự nỗ lực của thầy trò, Trí Đức học xá đã gây được một tiếng vang đáng kể. Nhưng do bị thực dân Pháp dòm ngó, nghi kỵ nên năm 1934 trường phải đóng cửa sau sáu năm tồn tại.

 

Sự nghiệp dạy học dang dở, năm 1935 Đông Hồ bỏ lên Sài Gòn làm báo Sống, một tờ báo đầu tiên ở Nam Bộ in đúng chính tả, nhất là dấu hỏi ngã, một tiến bộ trong nghề làm báo ở Nam Bộ lúc đó như nhận định của Nguyễn Hiến Lê. Trong báo có mục Trong vườn Trí Đức làm công việc bình văn và giới thiệu các bài văn hay. Nhà văn Bùi Hiển quê tận Nghệ Tĩnh cũng đã có lần gửi bài đến nhờ thầy Đông Hồ “coi giúp”. Cộng tác có các nhà văn yêu nước, tiến bộ như Tản Đà, Thiếu Sơn, Huỳnh Văn Nghệ …

 

Báo Sống được chăm sóc công phu như thế nhưng cũng chỉ ra được 30 số. Ông về Hà Tiên ẩn cư gần 10 năm, đến năm 1945 lại lên Sài Gòn. Năm 1950, ông sáng lập nhà xuất bản Bốn Phương và nhà sách Yiễm Yiễm thư trang, năm 1953 làm giám đốc tập san Nhân loại.

 

Dù làm báo hay xuất bản sách, ông đều hết lòng với tiếng mẹ, với văn học Việt Nam. Với bút hiệu Đồ Mọt Sách, ông đã đưa ra nhiều nhận xét lý thú về tiếng Việt trên mục Chữ và Nghĩa của Nhân loại. Không chỉ bỏ công giới thiệu nhóm Chiêu Anh Các của Hà Tiên quê cũ hay lần tìm dấu vết Bạch Mai thi xã của Sài Gòn - Gia Định xưa, ông còn nhẫn nại, mày mò thử viết lại từng câu thơ đã bị rơi rụng bởi thời gian của Đặng Đức Siêu, của Ông Ích Khiêm..., cái công việc mà ông tự nhận là “vá chiếc áo nàng thơ”.

 

Cũng vì lòng yêu tiếng mẹ, nên ba mươi năm sau ngày Trí Đức học xá đóng cửa, Đông Hồ đã nhận lời giảng dạy phần Văn học miền Nam cho Đại học Văn Khoa, mặc dù tuổi đã gần sáu mươi và sức khỏe cũng đã kém. Việc trở lại dạy học chính là để nối lại “tình duyên lỡ làng” với Trí Đức học xá ngày nào, để đề cao “giọng Hàn Thuyên” và kêu gọi “hồn Đại Việt”.

 

Những năm ở Văn Khoa là những năm ông hạnh phúc hơn cả vì đã tìm thấy trong việc dạy học niềm vui mà Mạnh Tử bảo là còn quí hơn cái vui làm vua trong thiên hạ. Trong hồi ức của các sinh viên Văn Khoa thời đó, giờ học của ông có không khí đặc biệt bởi phong thái nghiêm cẩn của một nhà Nho bên cạnh phong độ của một thi sĩ tài hoa và sự đồng điệu sâu sắc giữa thầy trò.

 

Vào ngày 25-3-1969 (tức ngày mồng 8 tháng 2 năm Kỷ Dậu), trên một giảng đường ở lầu hai lộng gió của Đại học Văn Khoa (bây giờ là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh), Đông Hồ đã bất ngờ ngã xuống lúc đang bình bài thơ Trưng nữ vương của Ngân Giang. Bài thơ nói về nỗi cô đơn, lạnh lẽo của người nữ anh hùng chạnh nhớ tới chồng sau chiến thắng, một tứ thơ rất độc đáo, rất nữ tính mà Đông Hồ đã tinh tế chỉ ra. Được các học trò đưa vào bệnh viện, ông mất ngay ngày hôm đó.

 

Ngày nay, mỗi lần đi ngang qua chỗ Đông Hồ đã ngã xuống, tôi lại hay nghĩ lẩn thẩn: sao chúng ta không đặt nơi đây một tấm biển nhỏ ghi mấy dòng này chẳng hạn: “Nơi đây, thầy Đông Hồ, một người yêu tiếng Việt, đã ngã xuống”. Điều đó chắc sẽ góp phần làm cho sinh viên yêu thêm ngôi trường của mình và yêu thêm tiếng mẹ thân thương của chúng ta hơn.

 

Theo Tuổi Trẻ

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

Join the conversation

You can post now and register later. If you have an account, sign in now to post with your account.

Khách
Trả lời chủ đề này...

×   Bạn vừa dán nội dung có định dạng.   Paste as plain text instead

  Only 75 emoji are allowed.

×   Your link has been automatically embedded.   Display as a link instead

×   Your previous content has been restored.   Clear editor

×   You cannot paste images directly. Upload or insert images from URL.

Đang xử lí...

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This is an example of a list.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

×
×
  • Create New...