Jump to content

admin

Thành viên
  • Content Count

    31
  • Joined

  • Last visited

Community Reputation

1 Neutral

About admin

  • Rank
    Administrator
  • Birthday 12/25/1983
  1. Chuyện gì khiến cho bạn tái tê cả trong mùa xuân thế?
  2. Diễn đàn Văn học Trẻ đã tích hợp sẵn bộ gõ tiếng Việt theo 3 kiểu gõ phổ biến hiện nay là: VNI, TELEX và VIQR. Tuy nhiên, BQT khuyến khích các bạn thành viên không gõ theo kiểu VIQR vì kiểu gõ này kém thẩm mỹ, chỉ nên sử dụng trong trường hợp bất khả kháng. Cách thức sử dung bộ gõ trên Diễn đàn: Khi post bài, các bạn để thanh Status Bar có hiển thị thông tin như sau: Đó chính là bộ gõ của diễn đàn. Mặc định, bộ gõ được đặt ở kiểu VNI, bạn có thể ấn phím F9 để thay đổi kiểu gõ phù hợp. Nếu bạn chưa biết cách gõ Tiếng Việt, hãy tham khảo 2 kiểu gõ phổ biến hiện nay: 1. Kiểu gõ VNI Kiểu gõ VNI sử dụng các phím số để gõ chữ tiếng Việt. Ví dụ: Tho7 Tre3 = Thơ Trẻ 2. Kiểu gõ TELEX Ví dụ: Thow Trer = Thơ Trẻ Nội dung cũng như tiêu đề của các bài viết không được dùng toàn chữ IN HOA hay chữ viết không có dấu tiếng Việt. Những bài viết vi phạm có thể bị nhắc nhở bởi BQT và nếu thành viên cố tình viết sai chuẩn nhiều lần thì mod của diễn đàn có thể sửa hoặc xoá bài viết của thành viên tuỳ theo mức độ. Để rõ hơn về vấn đề này, xin vui lòng tham khảo Quy định chung của Diễn đàn. Bài viết của bạn cần được trình bày sáng sủa, rõ ràng, mạch lạc. Bạn có thể dùng các thẻ BBCode để định dạng nội dung bài viết. Nếu chưa rõ cách sử dụng, bạn có thể tham khảo tại đây. Nếu có điều gì chưa rõ, bạn có thể gửi những thắc mắc của mình phía dưới bài viết này. Chúng tôi sẽ trả lời trong thời gian sớm nhất. Xin cám ơn tất cả các bạn, Ban Quản Trị
  3. Diễn đàn Văn học Trẻ là một bộ phận của website Thơ Trẻ - Không gian thơ trên NET. Diễn đàn là nơi giao lưu, gặp gỡ và trao đổi các vấn đề về văn học. Diễn đàn hoạt động theo luật pháp của nước CHXHCN Việt Nam và tuân thủ mọi quy định của pháp luật VN. A. Những quy định chung: Tất cả người sử dụng internet trên toàn thế giới đều có thể tham gia Diễn đàn này tuy nhiên để DĐ tồn tại một cách hữu ích và lành mạnh, BQT đưa ra một số quy định như sau: 1/ Quy định về thành viên: Tất cả mọi người đều có thể vào xem các bài viết trên Diễn đàn nhưng chỉ có thành viên của Diễn đàn Văn học Trẻ mới có quyền tham gia viết bài trên diễn đàn. Điều này có nghĩa là chỉ sau khi Đăng ký làm thành viên của Diễn đàn Văn học Trẻ bạn mới có quyền gởi bài viết mới cũng như tham gia trao đổi ý kiến trên diễn đàn. Ngoài ra, thành viên của diễn đàn còn được cung cấp các dịch vụ tiện ích khác của diễn đàn như: Tạo blog, album ảnh cá nhân, gửi thiệp, tham gia các buổi offline, gửi/nhận email, tin nhắn cá nhân,… 2/ Quy định về Nội dung và hình ảnh gửi lên diễn đàn: - Tất cả các thành viên của Diễn đàn Văn học Trẻ đều được tự do gửi bài lên diễn đàn. Nội dung và hình ảnh trong bài viết do các thành viên gửi lên và thành viên đó sẽ chịu trách nhiệm về nội dung bài viết của mình. Tuy nhiên, BQT Diễn đàn vẫn sẽ có quyền can thiệp (sửa, xoá, di chuyển…) cũng như xử lý các bài viết không phù hợp với tiêu chí hoạt động và quy định của mình. - Diễn đàn Văn học Trẻ là một Diễn đàn PHI CHÍNH TRỊ, PHI TÔN GIÁO, bất cứ bài viết nào bàn đến nội dung CHÍNH TRỊ, TÔN GIÁO và những bài viết KHÔNG PHÙ HỢP VỚI THUẦN PHONG MỸ TỤC VIỆT NAM sẽ bị xóa mà không cần thông báo. Nếu thành viên viên phạm nhiều lần có thể bị treo tài khoản hoặc xóa tài khoản vĩnh viễn. - Khi đưa thông tin, bài viết từ sách báo, website, diễn đàn khác, cần phải nêu rõ tên tác giả và nguồn gốc của bài viết, hình ảnh đó. Ngược lại, bất kỳ khách truy cập nào có nhu cầu trích dẫn bài viết, hình ảnh trên Diễn đàn Văn học Trẻ cũng phải ghi rõ “Nguồn: Thơ Trẻ”. Trong trường hợp không xác định tên tác giả thì ghi nguồn gốc hoặc sưu tầm. Một số thông tin được gửi lên có thể được thành viên lấy từ nhiều nguồn khác nhau. Nếu bạn phát hiện một thông tin nào được gửi trên diễn đàn là có bản quyền của bạn và bạn không muốn được đăng tải trên Thơ Trẻ, xin hãy thông báo cho BQT Diễn đàn để có cách giải quyết thích hợp. Đối với những thông tin, đời sống cá nhân thì phải liên hệ trực tiếp với thành viên đó trước khi lấy thông tin. Riêng các tác phẩm văn học trên Diễn đàn, nếu có cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân nào muốn sử dụng lại đều phải liên hệ xin phép tác giả trước. Chúng tôi hoàn toàn không chịu trách nhiệm trong trường hợp xảy ra khiếu kiện về tác quyền. - Thành viên không được phép gửi 1 bài viết với cùng một nội dung, lên 2 chủ đề hoặc 2 box khác nhau, nhằm tránh làm loãng diễn đàn. Bài viết trùng lắp sẽ bị xóa và thành viên sẽ được nhắc nhở, nếu tiếp tục vi phạm sẽ xử lý theo quy định. - Nội dung cũng như tiêu đề của các bài viết không được dùng toàn chữ IN HOA hay chữ viết không có dấu tiếng Việt. Những bài viết vi phạm có thể bị nhắc nhở bởi BQT và nếu thành viên cố tình viết sai chuẩn nhiều lần thì mod của diễn đàn có thể sửa hoặc xoá bài viết của thành viên tuỳ theo mức độ. Diễn đàn Văn học Trẻ đã tích hợp sẵn bộ gõ tiếng Việt theo 3 kiểu gõ phổ biến hiện nay là: VNI, TELEX và VIQR. Nếu chưa rõ về cách gõ tiếng Việt, bạn có thể tham khảo tại đây. Bài viết của bạn cần được trình bày sáng sủa, rõ ràng, mạch lạc. Bạn có thể dùng các thẻ BBCode để định dạng nội dung bài viết. Nếu chưa rõ cách sử dụng, bạn có thể tham khảo tại đây. - Bài viết của thành viên cần hạn chế đến mức thấp nhất việc sai lỗi chính tả, lỗi đánh máy. Bài viết có quá nhiều lỗi nêu trên sẽ được sửa bởi BQT, nếu do cố tình, bài viết sẽ bị xóa và tác giả bài viết sẽ bị cảnh cáo công khai trên diễn đàn. Việc sử dụng các từ nói lái, nói chệch, tiếng lóng, tiếng địa phương trong bài viết có thể tạo sự hài hước nhẹ nhàng, tuy nhiên cần tránh lạm dụng cách dùng từ nói trên trong suốt toàn bộ bài viết làm ảnh hưởng đến sự trong sáng của Tiếng Việt. Diễn đàn của chúng ta là một diễn đàn văn học, nơi gặp gỡ của những người viết và độc giả, vì vậy rất mong các bạn chú ý đến vấn đề này. Thành viên cũng không nên dùng cách xưng hô, lời lẽ xuồng sã thái quá trong bài viết. - Trong khi thảo luận mỗi người có thể có ý kiến, quan điểm riêng. Thành viên tham gia thảo luận cần tôn trọng những người cùng tham gia và tôn trọng người quản trị, tránh sa vào đả kích cá nhân, lăng mạ xúc phạm người khác, nỏng nẩy, quá khích trên diễn đàn. Với những trường hợp quá khích, người quản trị có thể khoá tài khoản hoặc bài viết từ 1 ngày đến 1 tuần, như là một biện pháp để giúp thành viên bình tĩnh lại. Người quản trị có thể xem xét các bài viết có thái độ không tốt, dùng những biến thể của các từ tục tĩu, xúc phạm thành viên khác để có biện pháp xử lý. - Bài viết khi đã được gửi lên Diễn đàn Văn học Trẻ sẽ trở thành tài sản chung của diễn đàn, các thành viên có quyền trích dẫn bất cứ bài nào. BQT có toàn quyền trong việc sử dụng bài viết của thành viên cho những mục đích chung, trừ những trường hợp đặc biệt sẽ có sự trao đổi riêng với tác giả. - Khi gặp các bài có nội dung xấu vi phạm quy định của diễn đàn, thành viên hãy tích cực gửi tin nhắn đến BQT nhằm thông báo cho người quản trị biết để giải quyết kịp thời. - Chủ đề được tạo phải có nội dung phù hợp một cách tương đối với diễn đàn mà thành viên gửi vào. Quyền chuyển bài từ diễn đàn này sang diễn đàn khác thuộc về nhận định của người quản trị. Người quản trị có quyền chuyển bài của thành viên nếu thấy nó không phù hợp với diễn đàn mình đang quản lý. - Không nên tạo các chủ đề có nội dung trùng với những chủ đề đã có sẵn (vì điều này sẽ làm loãng diễn đàn), chỉ nên tạo thêm chủ đề mới khi các chủ đề có cùng nội dung đã trở nên quá cũ, hoặc việc thảo luận trong đó đã lệch xa khỏi nội dung ban đầu. - Chủ đề được gửi lên, mọi thành viên đều có quyền gửi bài vào đó. Nếu một chủ đề được tác giả tạo ra và là người gửi bài chủ yếu vào đó, và nó vẫn còn tiếp tục được duy trì, thì tác giả có quyền yêu cầu xoá những bài gây loãng hoặc có ý định phá hoại. - Các thành viên không được phép gửi lên DĐ các bài viết hoặc hình ảnh có nội dung: • Vi phạm thuần phong mỹ tục, gây phản cảm (đả kích, bêu xấu, chửi rủa, đồi trụỵ, từ ngữ - hình ảnh thô tục, tuyên truyền mê tín dị đoan…) • Thông tin ảnh hưởng xấu đối với văn hoá xã hội: xuyên tạc lịch sử, xúc phạm uy tín các tổ chức đoàn thể, tung tin đồn nhảm, lừa đảo… • Thông tin ảnh hưởng đến đời tư của công dân, ảnh hưởng đến an ninh, danh dự của cá nhân như vu khống, xúc phạm nhân phẩm… • Các thông tin ảnh hưởng đến tự do tín ngưỡng, tôn giáo… • Các thông tin mang tính quảng cáo cho 1 đối tượng kinh doanh cụ thể, ngoại trừ những thông tin mang tính từ thiện, giúp đỡ khó khăn,… Cấm quảng cáo trong hồ sơ cá nhân lẫn chữ ký dưới mọi hình thức. • Các bài viết không có giá trị về mặt thông tin, mang tính cá nhân, lạc chủ đề đang thảo luận… Các bài viết vi phạm điều này sẽ bị xoá mà không thông báo trước. Tuỳ theo mức độ vi phạm tác giả bài viết sẽ bị cảnh cáo, khóa hoặc xóa tài khoản vĩnh viễn. 3/ Những hành vi phá hoại, gây tổn hại đến hệ thống trang Web, làm ảnh hưởng đến bộ mặt, uy tín của Diễn đàn, gây gián đoạn hoặc quá tải hệ thống (gửi thư, gửi dữ liệu… ), làm ảnh hưởng đến đến người sử dụng khác, sử dụng trái phép hệ thống mạng Thơ Trẻ vào các mục đích phá hoại, quấy rối… vi phạm pháp luật của nước CHXHCN Việt Nam khi bị phát hiện sẽ lập tức bị xử lý, truất quyền thành viên, bị truy tố ra toà theo đúng pháp luật. 4/ Quy định về chữ ký và avatar: - Không được đưa nội dung quảng cáo. - Không được sử dụng hình ảnh không phù hợp với thuần phong mỹ tục để làm avatar. 5/ Quy định về bảo mật thông tin cá nhân: Mọi thông tin cá nhân của thành viên đều được Thơ Trẻ tuyệt đối bảo mật trong điều kiện cho phép. Các thành viên cũng không được lộ thông tin cá nhân của thành viên khác trong các bài viết của mình, nếu có cần phải hỏi ý kiến của thành viên đó trước. 6/ Quy định về sử dụng Cookies: Để sử dụng đầy đủ chức năng Diễn đàn cần sử dụng Cookies để lưu trữ các thông tin như: lần cuối cùng bạn truy cập diễn đàn, tên bạn, mã nhận dạng khi login, những việc bạn đã làm trong phiên truy cập.... Cookies này được lưu trữ trong trình duyệt web của bạn do đó bạn cần cho hiệu lực cookies để các thông tin trên không bị sai lạc, giúp bạn làm việc thuận lợi và nhanh chóng hơn. B. Hình thức xử lý: Tài khoản của mỗi thành viên là uy tín và danh dự của thành viên đó trên diễn đàn; vì vậy, các thành viên đều phải có trách nhiệm tôn trọng và bảo vệ uy tín của mình bằng cách tham gia diễn đàn với thái độ đúng mực, không vi phạm các quy định về việc gởi bài lên diễn đàn. Tùy theo mức độ vi phạm mà thành viên sẽ được nhắc nhở, cảnh cáo, khoá tài khoản tạm thời hoặc vĩnh viễn, thậm chí bị truy tố trước pháp luật. - Tất cả các các bài viết vi phạm quy định trên của Thơ Trẻ sẽ bị xoá mà không cần thông báo (có thể là xoá một phần hay xoá toàn bộ bài viết, tuỳ theo mức độ vi phạm). - Những chủ đề không đúng với chuyên mục sẽ được chuyển sang chuyên mục phù hợp. Trong trường hợp một chủ đề đưa ra có thể phù hợp với nhiều chuyên mục, việc giữ nguyên chủ đề, chuyển hoặc xoá bớt là tuỳ thuộc vào Mod của chuyên mục đó. - Những chủ đề gửi lên bị lỗi, chủ đề trùng lặp, bài viết trùng lặp do ấn nút gửi đi nhiều lần, bài viết mang tính spam… sẽ bị khóa hoặc xoá. - Thành viên có những hành vi cố tình phá hoại (cố tình vi phạm lỗi sau khi đã được nhắc nhở, đưa thông tin độc hại, gây chia rẽ hoặc hận thù…) sẽ bị khoá tài khoản một thời gian tuỳ theo mức độ vi phạm. Nếu sau đó thành viên tiếp tục vi phạm lỗi tương tự, sẽ bị khoá tài khoản vĩnh viễn. - Với các lỗi thông thường: Mod sẽ gửi tin nhắn/email nhắc nhở và thực hiện các bước sửa/xoá bài cần thiết nếu là lần vi phạm đầu tiên. - Việc xác định bài post vi phạm nội quy… để xử lý vi phạm là do Ban Quản Trị DD chịu trách nhiệm. Thành viên có quyền thắc mắc và khiếu nại bằng cách gởi bài vào mục Góp ý - Thắc mắc - Hỗ trợ (nếu chưa bị khoá tài khoản), hoặc gửi email trực tiếp đến admin@thotre.com. Nếu khiếu nại hợp lý, ban quản lý Diễn đàn sẽ có biện pháp xử lý người quản trị vi phạm tuỳ theo mức độ nặng nhẹ, từ cảnh cáo, treo quyền quản trị hoặc truất quyền quản trị. Mọi xử lý sẽ được thông báo công khai. Trên đây là những Quy định chung của Diễn đàn Văn học Trẻ có hiệu lực từ 15/06/2006 và áp dụng cho mọi thành viên của diễn đàn. Chúng tôi đã tham khảo quy định của các diễn đàn TTVNOL và WTT trước khi xây dựng quy định này. Quy định này có thể được thay đổi bởi BQT mà không có sự thông báo trước. Đề nghị các thành viên thường xuyên theo dõi và nắm rõ những quy định của Diễn đàn nhằm tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.
  4. Vấn đề mà anh Đoàn vừa đề cập cũng là vấn đề BQT rất băn khoăn. Việc lập box như thế này đến một lúc nào đó nó sẽ trở nên quá nhiều mà lại không có chất lượng. Không khéo khi vào mục Sáng tác của thành viên chỉ thấy toàn Box cá nhân. Có lẽ diễn đàn sẽ phát triển dạng Blog cá nhân thay vì Box. Việc tạo blog vẫn trong thời gian thử nghiệm. BQT đang rất băn khoăn trong việc có nên tạo blog và cho thành viên đăng ký tự do không??? Ngay cả việc "quy họach" các box hiện nay cũng còn nhiều bất cập, chưa hợp lý. Rất mong anh Đoàn cũng như các bạn góp ý cho chúng tôi nên thêm bớt những mục nào??? Những chức năng nào diễn đàn nên phát triển và hạn chế? Thành viên chưa đăng ký có quyền đọc và trả lời bài viết trên diễn đàn không? v.v... Rất mong ý kiến từ những cái đầu... "bùm bùm" ý tưởng của các bạn! Bạn nào quan tâm đến blog có thể tham khảo blog của tớ đang thử nghiệm tại đây
  5. Doris Kearns Goodwin - tác giả từng đoạt giải Pulitzer vào năm 1965 với "No Ordinary Time" - cuốn tiểu sử về Franklin và Eleanor Roosevelt trong thế chiến thứ hai - vừa đoạt thêm một giải thưởng văn học ở tuổi 63 với tác phẩm "Team of Rivals: The Political Genius of Abraham Lincoln". Goodwin, đã trở thành người chiến thắng đầu tiên của giải thưởng dành cho sách về lịch sử Hoa Kỳ, với trị giá giải thưởng là 50.000 USD. Những nghiên cứu của Goodwin về cựu tổng thống Lincoln và những cựu thù chính trị mà về sau trở thành những thành viên sát cánh cùng ông trong nội các cũng từng đoạt giải Lincoln - giải thưởng dành cho một tác phẩm xuất sắc viết về tổng thống và (hoặc) về cuộc nội chiến ở Mỹ. Tác phẩm này cũng đã được hãng DreamWorks mua bản quyền và cuộc đời thật của cựu tổng thống huyền thoại Abraham Lincoln sẽ được mang lên màn bạc qua bản dựng của đạo diễn kì cựu Steven Spielberg. Theo Tuổi Trẻ
  6. Thế bạn domdom cần giúp đỡ gì nào!?!
  7. Hic, rongtrunghoa tưởng đâu mọi người trong này toàn là thầy tướng số hay sao á? Xem thơ, đoán người coi bộ hơi bị khó à nghen!
  8. Cảm ơn anh Ngô Hữu Đoàn đã tham gia và có những góp ý đối với BQT diễn đàn. Rất đồng ý với anh vấn đề đặt giới thiệu đề mục là cực kỳ cần thiết nhưng do diễn đàn mới được thành lập nên chúng tôi chưa có thời gian soạn ra phần giới thiệu chung. Chắn chắn diễn đàn sẽ sớm có những phần mà anh đề nghị trong thời gian sắp tới. Còn “Mở miệng” và “Ngựa trời” là hai nhóm thơ trẻ đang gây nhiều tranh cải thời gian gần đây. Tiêu chí của Thơ Trẻ là: giới thiệu các cây bút mới, các sáng tác mới, các trào lưu văn học mới. Quan điểm của chúng tôi là sẽ giới thiệu tất cả những sáng tác đó để mọi người cùng tranh luận chứ không ủng hộ hay bài xích bất kỳ một quan điểm hay một trào lưu nào. Vì thế việc xuất hiện của Box về 2 nhóm này trên Thơ Trẻ là điều dễ hiễu. Anh có thể tìm thông tin về 2 nhóm này trên mạng và nếu có hứng thú mời anh cùng góp ý kiến về quan điểm sáng tác của những nhóm thơ này. Cảm ơn anh và chúc anh vui khỏe,
  9. Bạn muốn được gặp gỡ, giao lưu với những bạn trẻ yêu Văn học trong một không gian thơ ca trên Net? Bạn muốn chia sẻ với mọi người sáng tác của mình và cùng đọc, cùng chia sẻ sáng tác của những thành viên khác? Bạn có nhiều thông tin hay, nhiều tư liệu quý muốn chi sẻ với mọi người? Hay đơn giản bạn muốn tìm một nơi để thư giãn, giải trí sau những giờ học tập căng thẳng. Tại sao bạn không ghé Diễn đàn Văn học Trẻ của chúng tôi nhỉ? Sau thời gian thử nghiệm, hôm nay, 19/03/2006, Diễn đàn Văn học Trẻ được khai sinh tại địa chỉ http://diendan.thotre.com. Đây là diễn đàn chính thức của website Thơ Trẻ :: Www.ThoTre.Com :: Không gian Thơ trên NET Song song với với Diễn đàn Văn học Trẻ, Thơ Trẻ Phố Rùm tại đỉa chỉ [/u] - tiền thân của Thơ Trẻ hiện nay vẫn song song hoạt động như diễn đàn thứ 2, ngôi nhà chung thứ 2 của chúng tôi. Lưu ý: Tài khoản bạn đã đăng ký tại Thơ Trẻ Phố Rùm trước đây không thể truy cập vào Diễn đàn Văn học Trẻ mới. Điều đó nghĩa là bạn phải đăng ký lại tại diễn đàn để là thành viên chính thức của chúng tôi. Hãy yên tâm, chỉ mất khoảng 2 phút để đăng ký hoàn toàn miễn phí bạn đã có một tài khoản tại Diễn đàn Văn học Trẻ để nối kết với những bạn trẻ yêu văn học trong nước và tại hải ngoại. Nếu bạn không muốn đăng ký, bạn vẫn có thể đọc được các bài viết tại diễn đàn nhưng không thể gửi bài tham gia và bị hạn chế một số chức năng dành cho thành viên. Mọi ý kiến đóng góp cũng như những ý tưởng phát triển diễn đàn bạn có thể post trực tiếp tại diễn đàn của chúng tôi hoặc gửi email về địa chỉ: admin@thotre.com, YIM: tronghia02. Nào, hãy click http://diendan.thotre.com để kết nối vào Không gian THƠ trên Net ngay hôm nay bạn nhé! BQT Thơ Trẻ
  10. Thơ của rongtrunghoa bài nào cũng thật đầy tâm trạng và được buồn. À, mà sao không bài nào có tựa đề hết vậy? Mong sẽ tiếp tục được đọc các bài thơ khác của bạn nhé!
  11. Tại Louisiane, một nữ công dân Mỹ đã tình cờ phát hiện một bộ 17 quyển “Nhũng người khốn khổ” bên trong có một bức thư tình và những ghi chép cá nhân do chính tay Victor Hugo viết. Theo lời ông Jerry Laiche, chủ hiệu sách Philosopher’s Stone ở Covington (Louisiane), cô Margaret Cranwell đã tìm thấy 17 quyển sách trong một đống rác trên đường phố Thibodaux, một thành phố nằm ở tây nam Nouvelle Orléans. Margaret Cranwell giải thích rằng cô tìm thấy những quyển sách này vào mùa hè vừa qua khi đang đi xe đạp và để ý đến một chồng sách cũ mốc meo nằm chễm chệ giữa đống rác. Sau khi lấy đi một quyển sách nhạc mà cô cho là bạn trai mình sẽ thích nó, cô quay về nhà để ăn điểm tâm và làm lễ cầu nguyện buổi sáng. “Rồi tôi có cảm giác rất rõ rằng chúa Jésus yêu cầu tôi đi tìm những quyển sách còn lại”. Ông Jerry Laiche đã cất công điều tra tính xác thực của những quyển sách và cả chữ ký của Victor Hugo bên trong. Ông cũng gửi nhiều tấm ảnh kỹ thuật số đến các nhà đấu giá Swann và Christie’s cũng như cho dịch bức thư tình và những ghi chép cá nhân trong bộ sách. Hiện tại, ông vẫn giữ bí mật về tên người được Victor Hugo gửi thư cũng như nội dung những ghi chép cá nhân của tác giả “Nhũng người khốn khổ”. Bà Christie Von der Linn, làm việc cho nhà Swann, cho biết bà đang chờ nhận những quyển sách trước khi bật đèn xanh cho một cuộc đấu giá sẽ mở vào tháng 5 năm nay. Được biết, với tư cách là thành viên của tổ chức Filles de Saint-Joseph, cô Margaret Cranwell đã quyết định xây dựng một tu viện tại thành phố Thibodaux nhờ tiền thu được từ cuộc bán đấu giá sắp tới. Theo AP và Tuổi Trẻ
  12. Điều dễ thấy khi đọc Thơ trẻ là sự quyết liệt cách tân về cả hình thức lẫn nội dung. Có bạn Thơ trẻ còn quả quyết: “Thà làm thơ mới mà dở còn hơn làm thơ theo lối cũ” - một cách bày tỏ táo tợn! Thơ trẻ chịu cơn khủng hoảng tâm thức như là khởi điểm mới để lên đường. Những khuôn mẫu quen thuộc trở nên sáo mòn, không thể chịu đựng nổi, không tải được tâm thế của lớp trẻ năng động ở thành phố công nghiệp. Thôi thúc muốn làm cái gì mới, cái gì khác cho dòng Thơ trẻ, họ không tránh khỏi dấu hiệu lúng túng, vướng víu khi tìm lối đi “độc sáng” trong sáng tạo thi ca. Từ chối thể thể Đường luật, lục bát, thơ 4 - 5 - 6 - 7 - 8 chữ, họ vặn vẹo thơ tự do, thơ văn xuôi, pha trộn dòng và câu, làm nẩy sinh loại thơ bắc cầu, mà tiêu biểu nhất là bài thơ “Tập qua hàng” của nhà thơ Chế Lan Viên: Chỉ một ngày nữa thôi, em sẽ trở về. Nắng sáng cũng mong. Cây cũng nhớ. Ngõ cũng chờ. Và bướm cũng thêm màu trên cánh đang bay Hiện nay họ dùng thủ pháp phân lập câu, lạ hóa một số từ, ngắt nhịp, khai thác yếu tố tạo hình trên trang giấy. Nhạc điệu chỏi của ngôn ngữ đời thường, âm hưởng khúc khuỷu, chông chênh được khai thác triệt để. Khác hẳn lối ví von thông thường họ thích dùng ẩn dụ dầy đặc khiến câu thơ vốn hàm súc bị rối rắm hẳn lên. Thêm vào cấu trúc tuyến tính thông thường (linearity) là cấu trúc đồng hiện (simultaneity), cấu trúc phân mảnh (fragmentation), cấu trúc lắp ghép (collage) nhờ liên từ dẫn dắt khiến câu thơ ngỗn ngang mà người đọc phải huy động trí tưởng tượng mới liên kết mạch thơ lại. Cũng từ những xuất phát này bạn đọc phải có dịp làm quen khá lâu với các loại cấu trúc, thông hiểu “cách chơi” này thì mới hi vọng xâm nhập và đồng cảm với các tác giả Thơ trẻ. Một dấu ấn khác không thể chối từ là những ảnh hưởng của xã hội điện toán hóa cuốn theo lối sống, cách đọc và sáng tác họ mạnh mẽ. Từ khi kinh tế thị trường mở cửa, những trào lưu được thử nghiệm hàng chục năm trước ở phương Tây có dịp tràn vào làm họ chói mắt, phân vân khi lựa chọn hướng đi cho mình. Cái nào hợp “tạng”, có thể du nhập để làm mới dòng chảy Thơ trẻ, nào là thơ cụ thể (concrete poetry), thơ tạo hình (visual poetry), thơ trên internet (cyber poetry), thơ trình diễn (performance poetry)… là họ “ứng dụng”, “chế biến” một cách quyết liệt. Chúng ta thử điểm qua những dòng chảy chính của Thơ trẻ thành phố với những thể nghiệm và bất cập trong toan tính làm mới thi ca. Các cây bút thơ nữ phơi mở, phô trương cái tôi mạnh mẽ, không còn phân vân khi xé toang những bức màn cấm kỵ truyền thống, định kiến xã hội. Bắt đầu thử nghe một giọng thơ trong sáng, hiền hòa của Trần Lê Sơn Ý: Thức dậy đi hỡi chú ngựa non của cánh đồng ngực trẻ Thức dậy và tung bờm cất vó Phóng như điên Chỉ cơn điên mới cứu khỏi nỗi sợ hãi … Thức dậy để uống sương mai Đón mặt trời mỗi sớm Thức dậy đi ơi chú ngựa Đã ngủ sâu trong đáy tim nhiều năm tháng (Bài ca ngựa non) Và người phụ nữ của Ly Hoàng Ly không cam chịu, đầy trăn trở: Người phụ nữ tự trói mình Người phụ nữ bảo mọi người này anh này chi ơi hãy trói tôi lại (Performance II) Cùng thế hệ Tú Trinh, Ngô Thị Hạnh, Ngọc Anh, Nhật Quỳnh… còn ít nhiều nét trữ tình, lãng mạn thời hậu đổi mới thì đến Nguyệt Phạm, Lynh Bacardi, Liêu Quốc Minh, Thanh Xuân, Nguyễn Thúy Hằng… táo bạo hơn, “đập phá” khuôn khổ nếp sống gò bó khuôn phép, để bay vào khung trời tự do thênh thang. Cũng tán tỉnh, yêu đương nhưng tỉnh táo, bình đẳng giữa anh và em, trong thời đại mất đi sự ngây thơ hương đồng gió nội, Nguyễn Thúy Hằng sòng phẳng nói: gặp nhau (và rồi chúng ta mồi chài nhau bằng im lặng) cứ cái đà liên tưởng, hình ảnh, tôi đã ăn bạn và nhấm nháp từng mẩu nhỏ trong buổi sáng lượn lờ sài gòn, và quả thật cái đầu bạn cứng lắm, toàn những ký tự sắt trong đó, xin lỗi vì ăn mà không báo trước, và sau đó cũng không thèm cám ơn, tục tĩu quá đi mất) thôi nhé, chấm dứt buổi tối nhỏ tôi sẽ ra đi với nỗi bất an mới (Beckett’s, tôi và Khuyên) Liêu Phúc Minh thì “điều ước mơ của tôi thật đơn giản: có được chiếc áo của riêng mình ?!”, muốn khiêu vũ trên tấm thảm đời: Mùa thu vội vã giẫm đạp lên mùa hè mùa xuân bước qua mùa đông bằng những chuyến tàu siêu tốc tôi vẫn nhảy phăng te qua những định kiến những buồn vui trôi nổi cuộc đời Không bắt đầu Không kết thúc (Vũ điệu riêng tôi) Hãy nghe Thanh Xuân trả lời về thơ tình trên mạng tienve.org: “Tôi đang độ tuổi thanh niên mà tôi chẳng thích đọc thơ tình nữa. Nhìn lại những người đi trước tôi thấy ai cũng hay, nhưng lại không có người hay nhất… Chất liệu gì bây giờ? Có mâu thuẫn quá không, khi một mặt muốn thơ thuần khiết, một mặt lại muốn thay đổi nó? Nếu đưa một chất liệu nào khác thơ tình sẽ trở thành thơ khác”. Không thích đọc thơ tình, thế mà vẫn làm thơ tình, ở đây nói lên sự nhàm chán, giằng co của người làm thơ muốn vượt khỏi chính mình hay sự bất lực của sự tự đổi mới? Chúng ta thấy trong dòng thơ nữ trẻ gần như thiếu vắng những chuyện đại tự sự, các vấn nạn cuộc sống như sóng thần, thảm kịch chiến tranh, cháy rừng, nạn nhân chất độc màu da cam…Họ mạnh dạn phát ngôn về giới tính, cái tôi đầy tự do, bứt phá khỏi những lề thói lạc hậu như lột bỏ cái áo quá chật, lỗi thời thế nhưng chọn cho mình sắc diện mới thì còn mờ nhạt, thời thượng. Thơ trẻ nữ thành phố như làn hương mới thổi vào làng văn nghệ thành phố, làm nên một tín hiệu sự chuyển động ngầm: táo bạo, mạnh, bề bộn, rát và gắt. Còn gì nữa? Có lẽ không nên nôn nóng, phải chờ đợi thôi. Vì tách riêng từng gương mặt ra thì chưa đủ nét, chưa đậm đà phong cách riêng, vả lại những thử nghiệm thì chịu rất nhiều rủi ro, dễ chìm vào quên lãng. Vẫn còn khoảng trắng chờ đợi đón họ phía trước… Theo Người Viễn Xứ
  13. Với tập thơ thứ tư, "Thức đến sáng và mơ", nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên đã nhận tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2004. Trong cuộc trò chuyện dưới đây, chị bộc lộ những quan niệm về thơ của mình, như một tác giả và như một người phụ nữ... * Chị đã được biết tới như một nhà thơ chuyên làm thơ tình, vậy chị đã viết bài thơ đầu tiên như thế nào? - Tôi "bị" gọi là nhà thơ tình vì những bài thơ trình làng đầu tiên là thơ tình. Thật ra, tôi làm thơ từ lúc còn rất nhỏ. Bố mẹ choán hết tâm trí tôi lúc đó. Bài thơ đầu tiên của tôi là bài Đi chợ Tết với mẹ. * Trong suy nghĩ của mình, chị thấy thơ tình có dễ làm? - Tôi không nghĩ thơ tình là loại dễ làm. Tình yêu là một thứ chung nhất và lớn lao đối với cả đời người. Vì thế, viết về nó không dễ dàng. Bạn phải ngụp lặn trong cảm xúc, nhiều khi tưởng chết mới lột tả được cảm xúc đó. * Những bài thơ tình hay nhất có được lúc người ta hạnh phúc nhất hay đau khổ nhất? - Với tôi, những bài thơ tình hay nhất được viết ra khi tôi đã "đi qua" hạnh phúc lẫn khổ đau, chìm lỉm trong cảm xúc yêu. Dù hạnh phúc hay đau khổ, chỉ sau phút giây chìm lỉm đó, tôi mới "hét" lên được. Tiếng hét đó là thơ tôi. * Theo chị, phẩm chất giúp có được thơ tình hay là gì? Say đắm, si tình, ghen tuông, bạo liệt...? Kiến thức hay kinh nghiệm sống có vai trò nào không? - Cả bốn thứ say đắm, si tình, ghen tuông, bạo liệt..., theo tôi chỉ là những gương mặt của tình yêu. Tôi nghĩ, để có một bài thơ tình hay, mang lại sự đồng cảm cho nhiều người thì người làm thơ phải "hiểu rõ" tình yêu là gì. Tình yêu có thể đến với nhà thơ dưới muôn ngàn góc cạnh, nhưng nhà thơ phải luôn thấy tình yêu như hơi thở, máu thịt mình. Tôi không hiểu kiến thức và kinh nghiệm sống ở đây có ý nghĩa gì? Yêu nhiều chăng? Theo tôi, một người dù có kinh nghiệm yêu đương đến đâu, hoặc nghiên cứu về tình yêu nhiều cỡ nào, cũng chưa chắc "hiểu rõ" tình yêu. Để viết nên một bài thơ tình thật truyền cảm, đôi khi chỉ cần "một tích tắc yêu" cũng đủ, miễn là tích tắc đó đào được cảm xúc yêu của bạn sâu đến tận chân tơ, kẽ tóc. * Đối với chị, thơ là cứu cánh hay phương tiện? - Vừa là cứu cánh, vừa là phương tiện. Trước kia, tôi co cụm trong cảm xúc của mình, thơ là cứu cánh để giải thoát. Sau đó, nhiều lúc tôi mượn thơ làm phương tiện chuyển tải những bức bối của bản thân. Nhưng hiện nay, thơ không còn là cứu cánh hay phương tiện mà là bạn đồng hành của tôi. * Sau 15 năm đến với nghiệp viết, chị có thay đổi nào trong cách nhìn nhận văn chương và người cầm bút? - Đối với tôi, dù 20 năm hay 50 năm trong nghiệp viết, tôi vẫn không thay đổi cách nhìn về văn chương. Tôi không quá hoang tưởng để bảo rằng mình cầm bút với nhiệm vụ dùng câu chữ để thay đổi thế giới, thay đổi xã hội như ai đó. Tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng mình cầm bút là một định mệnh, là một cái "nghiệp". * Tại sao chị lại viết truyện? Có phải vì thấy rằng chỉ thơ là không đủ? - Theo tôi, thơ là để dành cho những cảm xúc thăng hoa, bay bổng. Dù nỗi buồn có lớn đến cỡ nào thì những câu thơ viết ra cũng phải đẹp. Dùng thơ để chuyển tải bức xúc xã hội thì khó lòng đầy đủ, khó lòng lột tả. Văn xuôi có thể làm điều đó dễ dàng hơn. Khi viết truyện, tôi tỉnh táo và khá khắc nghiệt khi nhìn nhận sự việc. Nếu thơ tôi tràn ngập cảm xúc thì truyện của tôi cũng tràn ngập cảm xúc như thế. Có điều câu chữ rạch ròi hơn. Khuynh hướng viết của tôi, cho đến nay nặng tính phân tích tâm lý. Đã phân tích thì không bay bổng được và tôi cũng không có ý định bay bổng trong lúc viết truyện. * Điều gì khiến thơ chị thời gian sau này mở rộng hơn so với ban đầu? - Tôi được "phát hiện" và "chấp nhận" sau một loạt thơ tình. Mấy tập thơ của tôi cũng là thơ tình. Thật ra tôi làm thơ về nhiều điều, về con người, về cuộc sống, cả thiền nữa. Thời điểm của một Ngọc Liên "giang tay giữa trời mà hét" đã qua rồi. Nói như thế không phải tình yêu trong tôi đã ít đi. Ngược lại, nó lớn hơn, rộng hơn và làm tôi "dịu dàng" hơn. Tôi thấy mình nên bộc lộ những góc cạnh từ trước đến giờ ít hoặc chưa bộc lộ. * Cái nhìn của chị về người đàn ông trong đời thực có khác so với những nhân vật trong tác phẩm của chị? - Những nhân vật nam trong tác phẩm của tôi đều ít nhiều mang dáng dấp của những người đàn ông ngoài xã hội. Có lần tôi được phỏng vấn rằng trong đời thực, tôi đã trải qua kinh nghiệm bản thân thế nào mà ghét đàn ông đến thế, chỉ toàn viết về đàn ông xấu xa. Tôi đã trả lời rằng, đàn ông tốt thì có gì để viết? Những bi kịch trong cuộc sống, hầu hết đều bắt nguồn từ những người đàn ông xấu xa. Khi tôi "kể tội" đàn ông xấu, cũng chính là muốn gửi gắm sự khao khát "được tốt đẹp hơn" của nhiều phụ nữ đối với người đàn ông của mình. Tuy nhiên, các nhân vật nam của tôi không hoàn toàn xấu mà chỉ bị tác động bởi hoàn cảnh gia đình, xã hội. Họ cũng có những mặt tốt, cũng có sự giằng xé, dày vò, nhưng chưa đến nơi đến chốn, hoặc buông xuôi vì hèn nhát, vì tham vọng. Chính vì thế mà bi kịch xảy ra. * Chị có tin vào tình yêu? - Tôi luôn tâm niệm câu nói của Tagore: "Hãy tin vào tình yêu, dù tình yêu có đem lại khổ đau". Sự yêu thương giúp người ta hoàn thiện phần "người" trong con người, tôi nghĩ vậy. Nếu không có tình yêu, thế gian này sẽ lạnh lẽo và nghiệt ngã biết bao. * Chị có tin vào con người? - Đương nhiên là tôi tin vào con người. Tôi nghĩ, thám hiểm mặt trăng hay lên sao Hỏa chỉ để khẳng định rằng con người hết sức thông minh. Những sáng tạo về khoa học kỹ thuật giúp cuộc sống con người tiện nghi hơn, nhưng không đủ để biến con người trở thành máy móc như nhiều người lo nghĩ. Tính nhân bản trong con người giúp chúng ta nhìn nhận sự việc và biết cách thay đổi nếu gặp sự cố. Song song với việc nghiên cứu, chế tạo bom hạt nhân, người ta vẫn kêu gọi cứu lấy môi trường sinh thái đó thôi. * Chị có tin vào những giá trị tâm linh, tôn giáo? - Tôi theo đạo Phật và tin vào thuyết nhân quả của nhà Phật. Tôi cũng thích đọc các sách về thiền. Theo tôi, tín ngưỡng nào cũng nói lên lòng tin của con người về điều Thiện, tôn giáo nào cũng dạy con người làm lành, lánh dữ. Dù xã hội có tân tiến thế nào, khoa học kỹ thuật hiện đại đến đâu thì giá trị tâm linh vẫn được con người tôn trọng và gìn giữ. * Chị đang sống như thế nào và đang mong ước điều gì? - Tôi không bạn bè kiểu "gặp đâu, xâu đó". Tôi chỉ có ít bạn, nhưng đó là những người "bạn thật sự", ý hợp tâm đầu để có thể khuyên lơn, chê trách hoặc ủng hộ, khuyến khích tôi nhiều điều. Tôi vui vì con cái học hành tử tế, có công việc ổn định, có những mối quan hệ đàng hoàng. Chuyện tình cảm của tôi cũng thế. Êm đềm và hạnh phúc. Tôi không ao ước gì quá tầm tay và tin vào số mệnh. Tôi chỉ mong rằng trong cuộc sống có thêm nhiều tấm lòng rộng mở để giúp đỡ người cùng khổ. * Chị có tin rằng một ngày nào đó văn học VN cũng sẽ có được những tác phẩm lớn ngang tầm với thế giới? - Tôi nghĩ, nhà văn Việt Nam mình thật "tội nghiệp". Chúng ta thiếu rất nhiều thứ, từ vốn sống, kiến thức đến kinh tế. Thiếu vốn sống thì chỉ viết quanh quẩn những gì mình biết. Thiếu kiến thức thì không dám phóng bút để viết những câu chuyện mang tính khoa học. Thiếu kinh tế thì không thể thoải mái ngồi sáng tác trong khi cơm ăn, áo mặc kêu gào. Thiếu nhiều như thế mà đòi viết những tác phẩm lớn ngang tầm thế giới ư? Theo tôi là hoang tưởng. Để có những tác phẩm văn học giá trị, các nhà văn, nhà thơ cần được tôn trọng, tác phẩm cần được đánh giá cao hơn. Khi giá trị một cuộc thi văn học còn kém hẳn cuộc thi về sắc đẹp hay trò chơi truyền hình, tôi nghĩ những người cầm bút lo "chạy chợ" bằng những tác phẩm nhỏ hoặc vừa vừa cũng là khá lắm rồi. Bao giờ một cuốn sách in ra, đem lại cho nhà văn cuộc sống thoải mái trong nhiều năm liền, nhà văn thảnh thơi đi đây đó học hỏi, nghiên cứu mà không lo chuyện cơm áo gạo tiền, lúc ấy may ra mới có được tác phẩm lớn đúng nghĩa! NGÔ THỊ KIM CÚC thực hiện (Báo Thanh niên)
  14. Sau khi Đông Hồ mất, có người viết về ông đã chê Đông Hồ viết toàn chuyện trời, mây, trăng, nước mà không bao giờ đả động tới cảnh điêu linh tang tóc của dân tộc. Lâu nay, tôi - và có lẽ nhiều người nữa - cũng nghĩ như thế. Mãi đến khi đọc bài ký sự Đốt sách của Mộng Tuyết, mới hay chàng trai trẻ Trác Chi những năm 30 cũng đã say mê đọc nhiều sách báo tiến bộ, yêu nước và đã có lần khăn gói đi tuyên truyền “quốc sự”. Ông cũng tham gia kháng chiến chống Pháp một thời gian, nhưng vì lý do sức khỏe nên phải về sống ở Sài Gòn. Báo Nhân loại do ông phụ trách những năm 50 cũng là một tờ báo tiến bộ lúc bấy giờ . Có thế chứ! Lẽ nào một người yêu đến tha thiết tiếng mẹ đẻ; một người luôn tìm tòi, gìn giữ một cách trân trọng từng di sản của cha ông lại thờ ơ với sự tồn vong của dân tộc cho được. Nhưng có lẽ nên nói như Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam: “Đông Hồ “ vốn tính hiền lành, không đủ táo bạo”, nên ông đã đi theo một con đường khác, đã yêu đất nước bằng một cách khác và đã đeo đuổi chí hướng đó từ thưở đôi mươi cho đến lúc nhắm mắt. Đó là việc vun đắp, xây dựng tương lai cho tiếng Việt. Hoài Thanh đã ghi nhận: “Hoàn cầu dễ ít có thứ tiếng được âu yếm, nâng niu như tiếng Nam... Nhưng yêu quốc văn mà đến như Đông Hồ kể cũng ít”. Từ lúc làm giáo viên lớp sơ đẳng ở Hà Tiên, Đông Hồ đã bất mãn với việc học sinh không được học tiếng Việt mà phải học tiếng Pháp, phải tụng câu “Tổ tiên chúng ta là người Gaulois”. Cho nên tuy phải dạy theo chương trình, ông vẫn chú trọng đến tiếng Việt và khuyến khích học sinh trau dồi quốc văn. Tình yêu tiếng mẹ còn được ông thể hiện qua nghệ thuật thư pháp tiếng Việt. Có người cho Đông Hồ chính là người đã khai sinh ra nghệ thuật này. Mỗi lần Tết đến, ông đều tự tay làm những chiếc thiệp xinh xắn với những bài thơ xuân do chính tay ông viết. Những bức trướng tiếng Việt, những tấm thiệp Tết với một nét chữ hoặc rất chân phương, hoặc rất bay bướm để viếng người mất, để tặng bạn bè bây giờ đã trở thành những kỷ niệm vô giá của người thân, của học trò ông. Chưa bằng lòng với mình, nên vào năm 1926, lúc mới tròn hai mươi tuổi, ông đã mở Trí Đức học xá bên bờ Đông Hồ dạy toàn quốc ngữ, qua đó muốn học tập Tagore khi mở nhà Santiniketan để dạy cho thanh niên Ấn Độ cái đạo giải phóng tinh thần, sống gần thiên nhiên và học tiếng mẹ đẻ để vỡ trí khôn ra. Trường còn mở cả hệ hàm thụ để học sinh ở xa có thể luyện tập được tiếng Việt. Giữa lúc tiếng Việt đang bị rẻ rúng, hành động của nhà giáo trẻ Lâm Tấn Phác quả là rất dũng cảm. Nhiều bài làm văn của học trò Trí Đức học xá đã được Đông Hồ biên tập và gửi đăng trên báo Nam Phong, trong đó có bài của người học trò xuất sắc nhất là nữ sĩ Mộng Tuyết, sau này trở thành người bạn đời của ông. Bên cạnh việc dạy tại chỗ, Trí Đức học xá còn mở cả hệ hàm thụ để học sinh ở xa có thể luyện tập được tiếng Việt. Với sự nỗ lực của thầy trò, Trí Đức học xá đã gây được một tiếng vang đáng kể. Nhưng do bị thực dân Pháp dòm ngó, nghi kỵ nên năm 1934 trường phải đóng cửa sau sáu năm tồn tại. Sự nghiệp dạy học dang dở, năm 1935 Đông Hồ bỏ lên Sài Gòn làm báo Sống, một tờ báo đầu tiên ở Nam Bộ in đúng chính tả, nhất là dấu hỏi ngã, một tiến bộ trong nghề làm báo ở Nam Bộ lúc đó như nhận định của Nguyễn Hiến Lê. Trong báo có mục Trong vườn Trí Đức làm công việc bình văn và giới thiệu các bài văn hay. Nhà văn Bùi Hiển quê tận Nghệ Tĩnh cũng đã có lần gửi bài đến nhờ thầy Đông Hồ “coi giúp”. Cộng tác có các nhà văn yêu nước, tiến bộ như Tản Đà, Thiếu Sơn, Huỳnh Văn Nghệ … Báo Sống được chăm sóc công phu như thế nhưng cũng chỉ ra được 30 số. Ông về Hà Tiên ẩn cư gần 10 năm, đến năm 1945 lại lên Sài Gòn. Năm 1950, ông sáng lập nhà xuất bản Bốn Phương và nhà sách Yiễm Yiễm thư trang, năm 1953 làm giám đốc tập san Nhân loại. Dù làm báo hay xuất bản sách, ông đều hết lòng với tiếng mẹ, với văn học Việt Nam. Với bút hiệu Đồ Mọt Sách, ông đã đưa ra nhiều nhận xét lý thú về tiếng Việt trên mục Chữ và Nghĩa của Nhân loại. Không chỉ bỏ công giới thiệu nhóm Chiêu Anh Các của Hà Tiên quê cũ hay lần tìm dấu vết Bạch Mai thi xã của Sài Gòn - Gia Định xưa, ông còn nhẫn nại, mày mò thử viết lại từng câu thơ đã bị rơi rụng bởi thời gian của Đặng Đức Siêu, của Ông Ích Khiêm..., cái công việc mà ông tự nhận là “vá chiếc áo nàng thơ”. Cũng vì lòng yêu tiếng mẹ, nên ba mươi năm sau ngày Trí Đức học xá đóng cửa, Đông Hồ đã nhận lời giảng dạy phần Văn học miền Nam cho Đại học Văn Khoa, mặc dù tuổi đã gần sáu mươi và sức khỏe cũng đã kém. Việc trở lại dạy học chính là để nối lại “tình duyên lỡ làng” với Trí Đức học xá ngày nào, để đề cao “giọng Hàn Thuyên” và kêu gọi “hồn Đại Việt”. Những năm ở Văn Khoa là những năm ông hạnh phúc hơn cả vì đã tìm thấy trong việc dạy học niềm vui mà Mạnh Tử bảo là còn quí hơn cái vui làm vua trong thiên hạ. Trong hồi ức của các sinh viên Văn Khoa thời đó, giờ học của ông có không khí đặc biệt bởi phong thái nghiêm cẩn của một nhà Nho bên cạnh phong độ của một thi sĩ tài hoa và sự đồng điệu sâu sắc giữa thầy trò. Vào ngày 25-3-1969 (tức ngày mồng 8 tháng 2 năm Kỷ Dậu), trên một giảng đường ở lầu hai lộng gió của Đại học Văn Khoa (bây giờ là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh), Đông Hồ đã bất ngờ ngã xuống lúc đang bình bài thơ Trưng nữ vương của Ngân Giang. Bài thơ nói về nỗi cô đơn, lạnh lẽo của người nữ anh hùng chạnh nhớ tới chồng sau chiến thắng, một tứ thơ rất độc đáo, rất nữ tính mà Đông Hồ đã tinh tế chỉ ra. Được các học trò đưa vào bệnh viện, ông mất ngay ngày hôm đó. Ngày nay, mỗi lần đi ngang qua chỗ Đông Hồ đã ngã xuống, tôi lại hay nghĩ lẩn thẩn: sao chúng ta không đặt nơi đây một tấm biển nhỏ ghi mấy dòng này chẳng hạn: “Nơi đây, thầy Đông Hồ, một người yêu tiếng Việt, đã ngã xuống”. Điều đó chắc sẽ góp phần làm cho sinh viên yêu thêm ngôi trường của mình và yêu thêm tiếng mẹ thân thương của chúng ta hơn. Theo Tuổi Trẻ

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This is an example of a list.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

×
×
  • Create New...