Jump to content
buivhai

Truyện ngắn Bùi Văn Hải

Recommended Posts

1. Chuyện hai cậu học trò, nhà buôn và nhà sư

Trên con đường nhỏ, có bốn người đang rảo bước, hai cậu học trò, một nhà buôn và một nhà sư khất thực.

Hai cậu học trò bảo nhau:

 

- Hôm nay trên báo Học trò cười có 1 câu đối rất hay.

 

- Cậu đọc cho mình nghe thử ?

 

Cậu kia đọc:

 

- “Da trắng vỗ bì bạch – rừng sâu mưa lâm thâm”

 

Cậu này nghe thấy câu đối hay liền giở sổ ra chép lại, nhà buôn thấy vậy, cười khảy nói:

 

- Có mỗi hai câu ngắn tủn vậy mà cũng không nhớ, ta chỉ nghe một lần là nhớ được ngay, đâu cần phải ghi sổ với sách.

Rồi ông ta đọc:

 

- “Da trắng vỗ bì bạch – rừng sâu mưa lâm thâm”.

 

Một cậu học trò nói:

 

- Bác thông minh vậy cho cháu hỏi một câu được không ạ ?

 

Mặt nhà buôn vênh lên, ông ta hiu, hiu tự đắc:

 

- Được, cháu muốn hỏi gì cứ hỏi.

 

- Nhà cháu có hai cái giá sách, một cái đã chất đầy sách ở những ngăn dưới, chỉ còn chổ trống ở những ngăn rất cao bên trên, một cái chỉ chứa ít sách thôi, các ngăn đều có rất nhiều chỗ trống, hôm nay cháu mua thêm một quyển sách mới, vậy bác bảo cháu bỏ sách vào giá nào thì dễ.

 

Nhà buôn nói:

 

- Tất nhiên là cháu cho sách vào giá đang chứa ít sách sẽ dễ hơn rồi.

 

Hai cậu học trò cười khúc khích, nhà buôn lấy làm lạ lắm, một lúc sau, hiểu ra, ông ta nổi cáu:

 

- Tao từng nay tuổi rồi mà chúng mày dám bảo tao ít kiến thức hơn chúng mày à?

 

- Cháu không dám, chắc chắn là bác nhiều kiến thức hơn chúng cháu chứ ạ, chúng cháu làm sao so sánh với bác được - cậu học trò lễ phép.

 

- Hừm …hừm, trẻ ranh chúng mày bạ đâu nói đấy, nói bậy bạ không suy nghĩ trước sau gì cả..

 

Nhà buôn nói vậy nhưng cũng thấy nguôi giận dần.

 

Cậu học trò lại nói:

 

- Bác cho cháu hỏi thêm một câu ạ:

 

- Hừ ! Không sách vở gì nữa nghe không !

 

- Dạ, một công ty có hai cái nhà kho, nhà kho 1 chỉ dành để chất loại hàng tốt nhất, còn nhà kho 2 thì có thể cho bất cứ loại hàng nào vào cũng được, cả hàng tốt nhất, hàng thải, loại, cong vênh. Bây giờ có thêm hai lô hàng loại tốt nhất, hai công nhân cùng lúc khuân hàng xếp vào hai nhà kho, vậy công nhân ở nhà kho nào sẽ xong việc trước, và vì sao ạ?

 

- Hừ…hừm…à…à..người công nhân ở nhà kho thứ nhất sẽ xong trước, vì ở nhà kho 1 toàn hàng tốt, sẽ cùng kích cỡ, chỉ việc đặt vào là xong, còn ở nhà kho số 2 thì có cả hàng tốt lẫn hàng loại, cong, vênh, nên phải sắp xếp cẩn thận, nếu không sẽ đổ.

 

- Vậy sớm hôm sau có người đến mua hai lô hàng tốt, hai người công nhân lấy hàng ra khỏi hai nhà kho, người công nhân nào sẽ lấy hàng ra trước ạ?

 

- Ờ … cũng là người công nhân ở nhà kho số 1, vì kho 1 chứa cùng 1 loại hàng nên không mất thời gian lựa chọn, còn công nhân ở nhà kho số 2 phải tìm đúng loại hàng nên mất nhiều thời gian hơn.

 

- Vậy nếu kho chỉ chứa toàn hàng tốt thì lấy ra sẽ nhanh hơn mà không phải “suy nghĩ trước sau gì” hả bác ?

- Ờ ờ … hả !

 

Ông nhà buôn bỗng dưng tái mặt đi, hai cậu học trò cười phá lên, còn nhà sư từ đầu đến cuối không nói một lời, vẻ mặt thanh thản vô cùng.

 

* Lưu ý: Truyện này các bạn không nên tập trung nhiều vào nội dung hỏi đáp giữa hai cậu học trò và nhà buôn, sự hỏi đáp đó là để vui, không có ý nghĩa nhiều, điều tôi muốn nói khi viết truyện này được gửi vào hình ảnh nhà sư. Nhà buôn vì muốn khoe tài nên bị nhục, phải chuốc lấy sự giận dữ, bực tức vào mình. Hai cậu học sinh tuy có đủ thông minh để khiến cho nhà buôn bẽ mặt mà cười vui một chút, nhưng cái vui ấy cũng chỉ là nhất thời. Chỉ có nhà sư là có hành vi đúng đắn nhất. Tất nhiên câu truyện của ba người kia nhà sư nghe thấy hết, nhưng ông không xen vào. Nếu là người bình thường, khi chứng kiến câu truyện, dù không nói vài câu cũng sẽ phải cười cùng hai cậu bé. Còn là người chậm hiểu thì lại không thể có được nét mặt thanh thản. Nhà sư không để ngoại cảnh tác động đến mình, tức là đã tu tập đến độ “Nhất trần bất nhiễm” rồi, đã có được sự thanh thản an lạc trong tâm hồn, và cái này mới là cái trường tồn.

 

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

2. Chuyện người thợ làm bánh

Một người thợ làm bánh có bốn người giúp việc, một người chuyên múc nước, một người chuyên nhào bột, một người chuyên nặn bánh và một người chuyên rán bánh.

 

Người rán bánh thường bảo với người thợ:

 

- Anh nặn bánh làm việc rất ẩu, anh ta để vỏ bánh quá mỏng nên khi rán tôi phải hết sức khéo léo bánh mới không bị vỡ.

Người nặn bánh lại nói:

 

- Anh nhào bột hay để bột nhão nên rất khó nặn bánh, mà thưa ông chủ, anh rán bánh rất hay ăn vụng ở mẻ bánh đầu tiên.

Người nhào bột mách:

 

- Thưa ông, anh nặn bánh thường để tay bẩn khi làm việc, anh rán bánh rất hay nói xấu ông bà chủ, còn thằng múc nước, nó đang tòm tem con gái ông bà đấy ạ ...

 

Anh múc nước thì chẳng nói gì, mỗi khi xong việc anh ta mắc võng nằm đọc sách.

 

Người thợ mỗi lần nghe mách như vậy đều bực lắm. Nhìn vẻ mặt của ba người giúp việc khi đến tố cáo anh thấy hình như họ đều rất trung thực, đáng tin, đáng quý, anh hứa sẽ chấn chỉnh ngay mọi việc.

 

Từ đó anh ta bắt đầu để ý, săm soi mọi việc. Tuy nhiên do khối lượng công việc quá nhiều, nên anh ta không thể theo sát tất cả các công đoạn được, vì vậy anh ta nghi ngờ tất cả.

 

Anh nghĩ: “Thằng rán bánh cái mặt tham thế kia thì chắc chắn là hay ăn vụng rồi, mắt gian mà mỏ nhọn thì việc nó nói xấu vợ chồng mình là có chứ không sai. Còn thằng nặn bánh, thằng này luộm thuộm, việc để tay bẩn là đúng đây. Thằng nhào bột … hừ .. thằng này làm việc bê bết thật, nhưng nó biết gét thằng nói xấu mình, cũng được. Còn thằng múc nước… giúp việc mà suốt ngày giả vờ sách với vở, không phải để lừa con gái mình thì là làm gì…hừm…lũ chúng mày…hỏng…hỏng ! phải quản lý thật chặt bọn này !!!”

 

Anh ta bắt đầu đặt ra những yêu cầu khắt khe hơn với cả 3 người, duy có người nhào bột là được thả lỏng.

 

Một thời gian sau anh thợ làm bánh thấy những lời tố cáo ngày càng nhiều thêm từ ba người giúp việc, anh đi kiểm tra mặt này thì họ lại tố cáo nhau về mặt khác. Mỗi khi thấy họ nói chuyện với ai, anh đều có cảm giác họ đang làm gì gian dối hoặc có thể đang nói xấu anh. Chỉ có người múc nước thì vẫn vậy, xong việc lại bình thản mắc võng nằm đọc sách, mà anh lại thấy ngứa mắt nhất là người này.

 

Do suy nghĩ, nghi ngờ quá nhiều nên anh thợ làm bánh dần cảm thấy mệt mỏi, không buồn ăn, lúc nào cũng cảm giác mọi người đang chống lại mình, đang nói xấu mình, anh uất ức, thấy đau ngực, đau sườn. Cuộc sống của anh lúc này là những chuỗi ngày dài bực dọc.

 

Một hôm, đứng trước cửa nhà, anh thợ làm bánh thấy từ xa có một nhà sư khất thực đang tiến lại. Nhà sư dáng điệu trang nghiêm, bước đi rất thong thả nhưng vững vàng, vẻ mặt thanh thản với đôi mắt hiền hòa như một ông tiên thoát tục.

 

Sinh lòng kính ngưỡng, anh thợ làm bánh đi vào nhà cầm mấy chiếc bánh ra, cung kính đặt vào bình bát cúng dường.

Nhà sư không đi ngay mà chăm chú nhìn người thợ làm bánh rồi hỏi:

 

- Thí chủ có phải đang thấy trong người không được khỏe ?

 

- Vâng !

 

Anh thợ làm bánh ngạc nhiên nói ấp úng:

 

- Thời gian này quả thực con thấy trong người rất khó chịu, cứ đau ốm luôn… không biết… không biết … thầy…

 

- Bệnh này ta có thể chữa được, nếu thí chủ không ngại thì để ta bắt mạch xem sao.

 

- Vậy mời thầy vào nhà, xin thầy giúp con ạ.

 

Anh thợ làm bánh vui mừng rước nhà sư vào nhà.

 

Nhà sư để bình bát và tay nải xuống bàn, ngồi xuống, nhẹ nhàng đón lấy chén nước mà anh thợ làm bánh vừa rót vội, uống một hớp, xong ông từ từ đặt chén xuống và lấy trong tay nải ra một chiếc khăn mềm, gấp lại làm tư, đặt lên bàn. Ông cầm tay anh thợ, để ngửa cổ tay trên chiếc khăn, rồi đặt 3 ngón tay của mình vào các vị trí thốn, quan, xích, trầm ngâm nghe mạch. Chừng 3 phút sau nhà sư nhấc tay lên, nhìn anh thợ, nói:

 

- Thí chủ bị đau và tức ở hai vị trí ngực và sườn, bệnh này chữa ngọn không khó, nhưng gốc bệnh là do tâm nên chữa ngọn rồi lại phát. Nguyên nhân bệnh do uất ức lâu ngày mà gây ra, nếu không giải tỏa được thì bệnh không thể lành, lại có thể sinh thêm các bệnh khác.

 

Anh thợ hết sức ngạc nhiên trước tài năng của nhà sư. Anh kể hết mọi chuyện của gia đình, những phiền muộn mà 4 người giúp việc gây ra, sự nghi ngờ, mệt mỏi và uất ức của mình.

 

Nhà sư im lặng lắng nghe rồi nói:

 

- Như vậy nguyên nhân ban đầu là do sự nghi ngờ của thí chủ, nghi ngờ lâu ngày không được giải tỏa bị dồn nén lại nên sinh ra bực dọc, uất ức mà gây thành bệnh.

 

- Dạ, quả thật con rất nghi ngờ bọn chúng, thằng nào trước mặt con cũng khép nép, vâng lời, nhưng không biết sau lưng con bọn chúng làm bậy bạ những gì, mà chúng nó tố cáo nhau ngày càng nhiều thầy ạ.

 

Nhà sư lặng lẽ suy nghĩ, rồi ông chợt chỉ tay vào lọ đường mà anh làm bánh để ở góc nhà:

 

- Thí chủ hãy mang lọ đường kia lại đây.

 

Anh làm bánh hơi ngạc nhiên nhưng cũng đứng dậy, cầm lọ đường mang đặt lên bàn.

 

Do nhà làm bánh, lúc nào cũng cần đường nên lọ đường chỉ được đậy nắp sơ sài, có đàn kiến bâu quanh miệng lọ, vài con còn chui hẳn vào bên trong, quanh lọ có vài chú ruồi, đậu rồi lại bay.

 

Nhà sư nói:

 

- Thí chủ hãy quan sát lọ đường này, thí chủ có biết vì sao đàn kiến và lũ ruồi bâu quanh lọ không ?

 

- Dạ, vì chúng ngửi thấy mùi đường, thích ăn đường nên chúng bâu quanh ạ.

 

- Vậy bây giờ thí chủ làm cách nào để đuổi ruồi và kiến đi ?

 

Người thợ làm bánh liền lấy khăn lau thật sạch lọ đường và vặn chặt nắp lại, nhưng chỉ một lát sau lũ ruồi lại bay quanh còn đàn kiến thì tiếp tục leo lên.

 

- Bây giờ thí chủ làm thế nào ? – nhà sư hỏi

 

- Dạ, con không biết ạ.

 

Nhà sư đứng dậy, lặng lẽ cầm lọ đường bước ra sân, đổ hết đường đi , lấy nước rửa và lau sạch lọ đường. Quả nhiên, kiến và ruồi không còn bâu vào lọ nữa. Nhà sư bảo anh thợ làm bánh:

 

- Sự tức giận và nghi ngờ của thí chủ cũng giống như đường ở trong lọ, thí chủ đã biết do ruồi và kiến thích mùi đường nên bâu quanh, vậy những người kia chính vì thích nhìn thấy thí chủ tức giận và nghi ngờ người khác nên mới đến tố cáo. Nếu trong thí chủ không còn tồn tại dạ nghi ngờ và lòng tức giận thì sự tố cáo kia cũng như lũ ruồi nhặng, dần bay đi hết thôi.

Khi xung quanh không còn đàn kiến nhộn nhạo, lũ ruồi ồn ào, thí chủ sẽ được tĩnh tâm, và trong 4 người làm, ai hơn ai kém, sai, đúng thế nào thí chủ sẽ thấy dễ dàng như soi gương vậy.

 

Nói rồi nhà sư viết một đơn thuốc đưa cho người thợ làm bánh:

 

- Ta viết cho thí chủ thang thuốc này để trị ngọn của bệnh, còn gốc bệnh thì thí chủ phải tự chữa từ tâm mình thôi.

 

Nhà sư từ biệt ra đi, miệng ngâm mấy câu thơ:

 

“Khí trệ do ức mà nên

Can khí uất kết, tức đau ngực sườn

Hương phụ, thần khúc, xuyên khung

Thương truật, chi tử, lượng dùng đều nhau”.

 

Người thợ làm bánh từ đó nghe theo lời khuyên của nhà sư khất thực, uống thuốc và bỏ ngoài tai những lời dèm pha, tố cáo lẫn nhau của người làm, bản thân chăm chỉ đi xem xét công việc. Quả nhiên sau một thời gian, thấy ông chủ dửng dưng, thản nhiên khi nghe mình nói tố người khác, ba anh giúp việc có tật xấu bỗng giật mình, có cảm giác hình như ông chủ biết tất cả những việc xấu của mình, nên không dám dèm pha nhau nữa mà bắt đầu chú tâm vào công việc. Bệnh của anh thợ làm bánh cũng do đó mà khỏi hẳn.


 

* Lưu ý: Trên thực tế những bậc y sư giỏi khi vọng chẩn (nhìn mà đoán bệnh) không có vị nào lại nhìn chăm chú vào bệnh nhân cả, vì như thế làm cho người bệnh mất tự nhiên, triệu trứng bệnh hiện lên sẽ không chính xác. Điều này là nguyên tắc mà các lương y đều biết và tuân thủ. Mặt khác thầy thuốc nhìn thấy người bị bệnh là chuyện thường, ai cũng có bệnh này bệnh kia, chỉ khi nào thấy có người hoàn toàn khỏe mạnh thì người thầy thuốc mới ngạc nhiên mà chăm chú thôi. Trong truyện tôi viết vậy là để tạo cớ cho nhà sư ở lại mà chữa căn bệnh về tâm cho anh thợ làm bánh. Hình ảnh anh thợ làm bánh là hình ảnh của những người làm công tác lãnh đạo, mà năng lực lãnh đạo còn yếu, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp ở bất cứ nơi đâu. Tuy nhiên truyện này còn có nhiều ngụ ý, nếu tôi viết ra hết có lẽ dài hơn cả nội dung của truyện. Đành tùy duyên của các bạn mà hiểu truyện thôi.

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

3. Chuyện người đàn bà nói nhiều,

 

người đàn ông nghiện thuốc và nhà sư

 

 

Có một người đàn bà mắc phải tật nói nhiều, mỗi khi có cơ hội để nói là bà ta nói luôn hồi không thôi. Tuy không có tâm địa gì xấu xa, nhưng do nói dài, nói dai mà những lời nói của bà ta thường trở thành nói dại, dù không cố ý. Những người không hiểu đều cho bà ta là người độc địa.

 

Chồng bà ta thì lại nghiện thuốc nặng, lúc vui, hay buồn ông đều hút thuốc, không vui không buồn, ông cũng hút thuốc. Vừa hút ông ta vừa nhả khói tùm lum, mặc kệ sự khó chịu của mọi người.

 

Bà vợ thường xuyên than thở về ông chồng chuyên nhả khói thuốc. Còn ông chồng cũng rất bực mình vì bà vợ hay nói nhiều của mình. Mỗi khi vợ bắt đầu nói nhiều về bất cứ truyện gì, ông ta lại lấy điếu ra ngồi ở giữa nhà, châm lửa hút thuốc, nhả khói tùm lum.

 

Hai vợ chồng vì vậy mà cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt.

 

Một hôm hai vợ chồng lại cãi nhau, ông chồng đang ở tâm trạng không vui liền cầm ống điếu rượt đánh vợ. Bà vợ hoảng hốt chạy thẳng ra ngoài ngõ, đâm sầm vào một nhà sư khất thực vừa đi tới, bà níu ngay lấy nhà sư:

 

- Thầy ơi, cứu con !

 

Ông chồng đuổi tới nơi, đang định phang bà vợ thì bị nhà sư giơ tay cản lại:

 

- Thí chủ, có gì hãy bình tĩnh nói chuyện !

 

Tuy đang cơn nóng giận, nhưng ông chồng cũng nghĩ bụng: “Chuyện của hai vợ chồng vốn đã chẳng tốt đẹp gì, bây giờ lại làm ầm nên cho người ta biết thì giấu mặt vào đâu ? Nhất là lại ở trước một nhà sư tu đạo”. Ông bèn quẳng cái ống điếu đi, hậm hực nói:

 

- Thưa thầy, vợ con nó quá thể lắm !

 

- Chuyện thế nào, các vị hãy kể cho bần tăng được rõ.

 

Bà vợ vội tranh nói trước:

 

- Thưa thầy, chồng con suốt ngày hút thuốc, nhả khói ngập phòng, thật không sao chịu nổi, con mới nói có mấy câu, ông ấy đã đánh con rồi …

 

Vừa nói vừa xấu hổ và tủi thân, bà ta sụt sịt khóc.

 

Ông chồng lên tiếng:

 

- Vợ con nó nói suốt ngày, chuyện gì cũng nói đi nói lại. Con đi làm về đã mệt nhọc, lại còn nghe nó lải nhải bên tai, thầy bảo con còn nhịn làm sao được!

 

Nhà sư ôn tồn bảo:

 

- Hóa ra chuyện vốn chẳng có gì, các vị hãy bình tĩnh lại, nghe bần tăng khuyên giải đôi lời.

 

Việc cãi nhau thì xảy ra như cơm bữa, lại đã nguôi cơn nóng giận nên hai vợ chồng chẳng để trong lòng, cùng im lặng lắng nghe nhà sư nói.

 

Nhà sư mở đầu bằng một câu hỏi:

 

- Xin cho bần tăng được biết, ông đây đã bắt đầu hút thuốc từ thời gian nào ?

 

Tuy chẳng hiểu điều này có liên quan gì đến chuyện cãi vã của hai vợ chồng, nhưng ông chồng cũng đáp:

 

- Dạ, từ khi thanh niên, con đã hút thuốc.

 

Nhà sư nhẹ nhàng nói:

 

- Tuổi thanh niên là lứa tuổi sắp trưởng thành, là lúc con trai thường tập làm người lớn. Khi ấy ông hút thuốc, chắc chỉ muốn mình có được dáng vẻ chững chạc của người đàn ông, đây vốn là ý tốt.

 

Còn bà đây hẳn chẳng nói nhiều từ lúc mới sinh ra. Thói quen đó có lẽ vì muốn thể hiện giá trị bản thân, muốn mọi người hiểu mình mà ra vậy. Mà chứng tỏ giá trị của mình thì cũng không có gì sai.

 

Hai vợ chồng cùng nhìn nhau suy nghĩ. Nhà sư nói tiếp:

 

- Bắt đầu thì đều là ý tốt, nhưng hai ông bà đều không biết tự kìm chế mình. Ông trở thành nghiện thuốc, có lẽ từ lúc nào cũng không biết. Ông để cho điếu thuốc hại mình, lại để nó hại cả người thân mình nữa.

 

Rồi nhà sư nhìn bà vợ:

 

- Còn bà đây thì chưa hiều đươc cái đạo lý có ít thì quý, có nhiều thì phung phí. Lời nói dù phải, nhưng nói quá nhiều thì người nghe cũng không để vào tai nữa. Mặt khác, nói nhiều thì dễ nói sai, phải lựa lời mà nói.

 

Càng nghe nhà sư nói, hai vợ chồng càng cảm thấy đúng, thái độ tiếp thu của họ thể hiện rõ ràng trên nét mặt. Thỉnh thoảng bà vợ lại dạ dạ một câu. Thấy vậy, nhà sư tiếp tục:

 

- Có khi chúng ta nhìn vào một người, thấy hành vi của họ thật xấu, mà không ngờ trong mắt họ, hành vi của chúng ta cũng xấu.

 

Đôi khi chúng ta không trằn trọc vì những lỗi lầm của mình, nhưng lại hằn học với lỗi lầm của người khác.

 

Ta chỉ muốn nói với ông bà rằng:

 

“Những hành vi xấu đôi khi bắt nguồn từ động cơ không xấu”. Khi nhìn vào điều xấu, chúng ta hãy thử nghĩ vậy, sẽ có cách giải quyết tốt đẹp hơn.

 

Khi định làm điều gì đó tốt đẹp, chúng ta cũng phải cẩn thận, đừng để kết quả của nó thành ra xấu.

 

Biết tha thứ cho người khác cũng tức là biết bỏ đi cái sân hận trong lòng mình, chính là đúng với câu: “giúp người là giúp mình” vậy.

 

Nói rồi nhà sư mỉm cười quay đi.

 

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

4. Câu chuyện về tình bạn

 

 

 

Ở làng kia có hai người bạn chơi rất thân với nhau, một anh thì thông minh lanh lợi, anh kía lại khỏe mạnh dẻo dai. Anh thông minh vốn được mọi người nể phục, còn anh khỏe mạnh thì rất trung thực, nên không ai nghi ngờ anh bao giờ. Hai anh đi đâu cũng có nhau, lại do mỗi người có một thế mạnh nên họ làm gì cũng thành công.

 

Thông Minh vốn khéo léo trong xử thế nên sớm lấy được người vợ rất đảm đang, thương chồng hết mực. Còn Khỏe Mạnh vì không biết ăn nói nên tuy tìm hiểu nhiều mà mãi chẳng có cô gái nào đồng ý lấy anh.

 

Anh khỏe mạnh buồn lắm. Về phía anh thông minh, tuy rất muốn giúp bạn, nhưng chuyện tình cảm nếu không để tự nguyện đến với nhau thì không mong có hạnh phúc. Nên dẫu có lòng vì bạn mà Thông Minh cũng đành bó tay.

 

Lần này Khỏe Mạnh đang rất thích một cô gái xinh đẹp ở làng bên. Cô này vốn có nhiều đám ngó nên mỗi lần Khỏe Mạnh đến chơi đều thấy bọn thanh niên tấp nập ra vào, anh thấy bực mình lắm, nghĩ: - “Mình đã để lỡ bao nhiêu mối rồi, mối này mà còn để lỡ thì suốt đời chắc ở không. Phải quyết tâm, mạnh tay nên mới được!”.

 

Anh khỏe mạnh dự định sẽ chặn đường đánh dằn mặt bọn thanh niên, để cho chúng không dám bén mảng đến nhà người anh yêu nữa. Nhưng đám thanh niên rất đông nên tuy tự tin vào sức mạnh của mình, Khỏe Mạnh cũng phải thận trọng. Nếu đánh mà thua bọn chúng thì chính anh sẽ không dám đến nhà cô gái. Anh quyết định rủ Thông Minh cùng hành động.

 

Sáng sớm hôm ấy, Khỏe Mạnh đến nhà Thông Minh để bàn bạc. Vốn là người rất sáng suốt, Thông Minh nhìn ra ngay tính toán của bạn mình là sai lầm. Làm như vậy không khéo cô gái kia sẽ sợ hãi mà không dám nhìn mặt anh khỏe mạnh nữa. Nếu Khỏe Mạnh hành động như vậy mà cô gái kia đồng ý đến với anh thì e rằng cô cũng khó trở thành người vợ tốt của anh.

 

Thông Minh phân tích sự việc cho Khỏe Mạnh. Theo anh, chỉ có dùng tình cảm chân thật đi tìm hiểu thì Khỏe Mạnh mới tìm được người vợ hợp với mình. Vốn đã chịu quá nhiều thất bại trong tình trường, Khỏe Mạnh không còn đủ kiên nhẫn nghe lời Thông Minh nữa. Anh khăng khăng giữ ý kiến của mình và kết luận:

 

- Cậu phải giúp mình, vì tình bạn của hai ta !

 

Dù không đồng ý với cách giải quyết của bạn, nhưng thấy bạn đã nổi nóng, lại một phần thương bạn, một phần sợ hỏng đi tình cảm sâu nặng giữa hai người, Thông Minh đành gật đầu đồng ý. Tuy vậy, anh vẫn thấy trong lòng không được thoải mái lắm, hành động này vì lý do gì cũng có điều không thỏa đáng.

 

Anh thông minh suy nghĩ suốt cả buổi sáng hôm ấy, đến bữa cơm, vợ dọn cơm ra anh cũng không buồn ăn.

 

Thấy chồng mình hình như có tâm sự, chị vợ gặng hỏi, nhưng anh chẳng nói gì. Anh vốn luôn tự tin với quyết định của mình, hơn nữa anh có quan niệm: “đàn bà xen vào chuyện gì cũng chỉ gây thêm rắc rối”. Mỗi khi có chuyện anh đều lẳng lặng suy nghĩ rồi một mình giải quyết. Những lúc ấy chỉ có rượu may ra mới làm anh mở lời.

 

Biết tính chồng, chị vợ lặng lẽ vào nhà bê bình rượu ra, đổ vào cái bát rồi để xuống trước mặt anh. Anh thông minh cầm bát rượu lên uống một ngụm lớn rồi khà một tiếng, đặt bát xuống tiếp tục suy nghĩ.

 

Đang lúc băn khoăn, bất chợt anh nhìn thấy từ đằng xa có một nhà sư tiến lại. Đó chính là nhà sư thông thái thường hay đi khất thực qua làng.

 

Vốn tôn sùng đạo phật và kính trọng những người tu đạo nên Thông Minh rất chăm chỉ cúng dường tam bảo. Anh đã có duyên gặp gỡ và quen biết nhà sư này. Anh hiểu ông chính là một vị cao tăng đã đắc đạo. Nay đang gặp phải vấn đề khó giải quyết lại nhìn thấy ông, anh mừng lắm, chạy vội ra.

 

- Bạch thầy, xin mời thầy vào nhà con nghỉ chân, cho con được cúng dường thầy bữa cơm trưa nay ạ.

 

Vốn quen với sự cung dưỡng nhiệt thành của anh, nhà sư vui vẻ nói:

 

- Đa tạ thí chủ !

 

Rồi theo chân anh vào nhà.

 

Anh thông minh tự tay xới cơm vào bình bát cho nhà sư, mặt nở nụ cười rạng rỡ. Chị vợ thấy chồng từ sáng sớm đã có vẻ lo âu, buồn bực, nay lại rạng rỡ cười thì cũng vui lây. Chị nói với nhà sư:

 

- Thưa thầy, chồng con không biết có chuyện gì khó nghĩ mà suốt cả sáng nay anh ấy cứ đứng ngồi không yên, cơm chẳng buồn ăn. Đến bây giờ gặp thầy mới thấy cười đấy ạ.

 

Nhà sư nhìn anh chồng nói:

 

- Thí chủ vốn nổi tiếng thông minh, có chuyện gì có thể khiến thí chủ phải khó nghĩ chứ ?

 

Anh thông minh ngập ngừng:

 

- Thưa thầy, con quả đang gặp phải vấn đề rất khó xử, muốn được xin ý kiến của thầy.

 

- Có chuyện gì thí chủ cứ nói, xem bần tăng có thể giúp được gì không ?

 

Anh thông minh liền kể lại hết mọi việc xảy ra với anh khỏe mạnh, và sự khó xử của mình. Nghe xong nhà sư nói:

 

- Thí chủ chờ một chút, bần tăng dùng xong bữa rồi chúng ta sẽ nói chuyện.

 

Nói rồi nhà sư cầm đũa, bưng bát lên ăn cơm.

 

Anh thông minh ngạc nhiên lắm. Nhà sư vừa nói muốn được nghe chuyện, hình như có ý muốn giúp anh ngay. Bây giờ nghe xong ông lại bảo ăn cơm trước. Anh chỉ biết nói mỗi câu: “dạ”.

 

Và được mấy miếng cơm, nhà sư bỗng chép miệng than:

 

- Chà cơm khô thật khó nuốt.

 

Rồi nhà sư cầm bát rượu mà anh thông minh vừa uống chưa hết, đổ luôn vào bát cơm của mình, chắc ông tưởng bát nước.

 

Giật mình, anh thông mình vội nói:

 

Ấy chết ! thưa thầy, bát đấy là rượu ạ, không phải bát nước.

 

Nhà sư làm như không nghe thấy gì, ông tiếp tục đưa bát cơm lên miệng. Anh thông minh vội ngăn lại, nói:

 

- Thưa thầy, bát cơm này hỏng rồi, để con xin dâng thầy bát khác.

 

Chỉ chờ có vậy, nhà sư đặt bát xuống hỏi:

 

- Vì sao thí chủ ngăn không để bần tăng ăn bát cơm này ?

 

- Bạch thầy, bát cơm này đã chan rượu. thầy không thể ăn được !

 

- Vậy bây giờ ta vẫn ăn, mà ta còn mời thí chủ ăn chung bát cơm này với ta, thí chủ có ăn không ?

 

- Bạch thầy, cơm đã hỏng, con không ăn được ạ !

 

- Bạn của thí chủ từ trước vốn đang ăn một bát cơm trắng ngon, nay lại đổ rượu vào cho hỏng cơm mà ăn. Sao thí chủ không ngăn anh ta lại, mà còn có ý định ngồi ăn chung vậy ?

 

Anh thông minh bây giờ mới hiểu ra nhà sư đang giáo huấn mình, anh vội đáp:

 

- Thưa thầy, con vốn biết việc này là không phải, nên mới băn khoăn. Nhưng từ trước Khỏe Mạnh vốn giúp con nhiệt thành chẳng nề hà. Con chưa từng giúp lại anh ấy được việc gì. Bây giờ anh ấy có việc nhờ, dẫu biết là việc không đúng, mà con không giúp thì áy náy thầy ạ.

 

- Thí chủ quả là có nghĩa khí với bạn. Tuy nhiên, giúp bạn có nhiều cách, mỗi cách đều đem lại kết quả khác nhau. Có cách có lợi cho bạn. Có cách không mang lại lợi ích gì, cũng không gây hại. Còn có cách tuy gọi là giúp bạn nhưng lại có hại cho bạn. Thí chủ muốn chọn cách nào ?

 

- Dạ, con hiểu ý thầy. Tuy nhiên nếu cứ kiên quyết ngăn cản Khỏe Mạnh, con sợ anh ấy hiểu nhầm là con chỉ biết lợi dụng bạn, mà không chịu đồng cam cộng khổ với bạn.

 

Nhà Sư nói:

 

- Đồng cam cộng khổ là gì? Khi bạn ăn bát cơm đã hỏng, mình không cản còn ngồi vào ăn cùng bạn, đó gọi là đồng cam cộng khổ sao ?

 

Anh Thông Minh im lặng không biết đáp thế nào. Nhà sư nói tiếp:

 

Thực ra giúp bạn vốn không cần để ý đến cách hành động, cũng không cần quan tâm bạn có hiểu ta hay không, mà chỉ nên chú ý đến kết quả của hành động. Người bạn tốt thật sự luôn mong muốn làm được điều tốt đẹp cho bạn mình, còn thân mình thì không hề để ý. Nếu thí chủ có thể làm được điều có ích cho bạn, nhưng vì sợ bạn hiểu sai mình mà không làm nữa. Đi làm cái việc mà bản thân biết sẽ gây hại cho bạn, mong bạn thấy cái nhiệt tình của mình. Tức là thí chủ đã đặt bản thân mình cao hơn tình cảm bạn bè rồi. Thí chủ vốn nổi tiếng là người thông minh, vậy sao lại để cho tình cảm làm mình trở thành hồ đồ vậy?

 

Anh thông minh ngẩn người ra suy nghĩ, rồi cất tiếng, giọng quả quyết:

 

- Thưa thầy, con đã hiểu !

 

Rồi anh xin phép nhà sư, ngẩng cao đầu đi thẳng về phía nhà người bạn.

 

 

 

 

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

He he.. chào mọi người, dạo này chưa viết truyện mới nào, rảnh thì chạy lên gửi truyện cũ thôi, có lẽ đến hè mới viết tiếp :D

5. Mục đích của cuộc đời

 

 

Có một chàng thanh niên mang trong lòng rất nhiều dự định, đặt cho mình rất nhiều mục tiêu mà theo anh là cần phải thực hiện. Anh lập quyết tâm thật cao để thực hiện những mục tiêu đó. Tuy nhiên, dù cố gắng rất nhiều nhưng anh chẳng hoàn thành được mấy việc . Dần dần, anh cảm thấy mệt mỏi và uể oải.

Hôm nọ, do yêu cầu của công việc, anh thanh niên lên đường giữa buổi trưa trời nắng chang chang. Chỉ đi một lúc anh đã mệt nhoài, chân chẳng muốn bước. Thấy từ xa có một cây cổ thụ tán rộng, cành lá sum suê anh mừng lắm, cố lê chân tới gốc cây rồi ngồi nghỉ.

Đang nhăn nhó quẹt những giọt mồ hôi chảy đầy trên mặt, anh thấy một nhà sư khất thực tiến tới. Nhà sư cũng dừng lại bên gốc cây, ngồi xuống nghỉ ngơi. Trên mặt nhà sư mồ hôi cũng chảy dòng dòng, nhưng không hề thấy ông nhăn nhó, cũng chẳng thấy ông ta đưa tay lên quẹt.

Quan sát nhà sư, người thanh niên chỉ thấy sắc mặt ông yên bình, thanh thản đến lạ, hình như những nóng bức ghê người kia không hề làm ông khó chịu chút nào.

Thấy nhà sư có vẻ thoát tục lạ thường, anh thanh niên kính trọng lắm, mở lời:

- Thưa thầy, con trông thầy thật lạ, dường như thầy đã đắc đạo, giải thoát được khỏi những đau khổ bình thường của thế gian vậy.

Nhà sư nhìn chàng trai nói:

- Không phải bần tăng đã đắc đạo, mà bần tăng đã bỏ được đạo.

- Bỏ đạo ?

Người thanh niên sửng sốt.

- Đúng vậy ! Một con thuyền chở thí chủ qua dòng sông lớn, qua sông rồi, thí chủ nên bỏ con thuyền mà đi tiếp hay nên vác con thuyền theo mình để tỏ lòng biết ơn ?

- Dạ, tất nhiên con phải bỏ thuyền.

- Đạo cũng giống như con thuyền kia vậy. Là công cụ đưa ta đi tìm chân lý. Thấy dược chân lý rồi thì phải bỏ hết công cụ đi.

Người thanh niên thấy lời nhà sư có vẻ như không đúng, tuy nhiên anh chưa biết phản bác thế nào.

Nhìn vẻ mặt của người thanh niên, nhà sư hiểu ý, ông nói:

- Phật tổ Thích ca Mâu Ni đã nói: “Ta không cần mọi người tán dương ta, mà chỉ muốn mọi người thực hành giáo pháp của ta”. Lòng từ bi của Phật tổ bao la, ngài đâu cần chúng sinh ghi nhớ công ơn của ngài, mà chỉ mong chúng sinh thực hành giáo pháp tự vượt qua cái khổ của đời người. Giáo pháp của nhà phật vốn đều quy về một chữ không. Không ác, không thiện, không ma, không phật.

Anh thanh niên giật bắn người:

- Thầy bảo sao !

Rồi anh lẩm bẩm từng lời mà nhà sư vừa nói:

- Không ác ! .. Không thiện ! … Không ma .. Không phật !

Thấy thái độ của chàng thanh niên như vậy, nhà sư hỏi:

- Theo thí chủ, ác là gì ?

Bị hỏi bất ngờ, anh thanh niên hơi lúng túng, ấp úng nói:

- Theo con .. theo con .. ác là làm những việc trái với đạo lý như đánh, giết người … ừm .. ừm .. nói chung theo con ác là làm hại người khác để lợi mình, hoặc để cho mình được vui thích.

- Ác không chỉ có vậy, nhưng thí chủ hiểu như vậy cũng không sai, vậy theo thí chủ, nguyên nhân tội ác từ đâu ra ?

- Dạ con không biết ạ !

- Ác do tham, sân, si mà ra. Tất cả vốn tự tâm mình cả, nếu tâm không thì không có ác ! Bây giờ thí chủ có thể cho bần tăng biết, thiện là gì không ?

- Theo con, thiện là lòng tốt của con người, làm thiện là làm việc tốt cho người khác, đôi khi có thể vì người khác mà quên đi bản thân mình.

- Thiện cũng không chỉ là vậy, tuy nhiên nghĩ như vậy cũng đúng. Theo thí chủ thiện từ đâu sinh ra ?

- Như giải thích của thầy khi nãy, thì thiện cũng do tâm sinh chăng ?

- Đúng vậy, thiện cũng từ tâm ra. Chúng ta nhìn vào ác để thấy thiện, nhìn vào thiện để thấy ác. Tự nhiên vốn không có ác, không có thiện. Ma và phật cũng vậy. Tất cả đều do tâm động mà sinh. Để dễ hiểu hơn, ta hỏi thí chủ một câu: “khi cầm một vật lên, dù vật đó to hay nhỏ, thí chủ sẽ nặng người thêm hay nhẹ đi ?”

- Dù vật đó như thế nào thì người con cũng sẽ nặng thêm.

- Tâm con người cũng vậy, càng động thêm càng tăng phiền não. Vì vậy con người không nên mang gánh nặng quàng vào mình, mà nên học cách bỏ đi mới là sáng suốt.

Nói xong nhà sư kết luận:

- Chúng sinh thường mong muốn cao xa, tự gây khổ cho mình. Đâu biết “tánh tự nhiên vốn tự thanh tịnh, tánh tự nhiên vốn chẳng sinh diệt, tánh tự nhiên vốn nó đầy đủ, tánh tự nhiên vốn không lay động, tánh tự nhiên thường sinh muôn pháp”. Giáo lý của nhà phật phải từ tử mới hiểu, lại từng bước mà lên, không thể một sớm một chiều là thông. Bần tăng và thí chủ đã có duyên mà cùng luận bàn câu chuyện, bây giờ cũng là lúc bần tăng phải đi. Mong thí chủ suy ngẫm đôi điều, biết đâu sẽ được lợi ích gì chăng ?

Nói rồi nhà sư từ biệt ra đi, bỏ lại sau lưng người thanh niên vẫn còn đang thẫn thờ với câu hỏi lớn trong đầu: “Mục đích chân thực của đời người, rốt cuộc là tìm kiếm hay bỏ đi đây?”.

 

Hết

 

Lưu ý: Chỗ tôi mở ngoặc kép, viết nghiêng là lời của lục tổ Huệ Năng. Tôi viết là nên bỏ đi mới sáng suốt, nhưng khi đã hiểu ra thì bỏ đi có nghĩa là nhận lại bao la vô cùng. Các bạn thử tưởng tượng một căn phòng chứa rất nhiều đồ đạc to và vướng, ánh sáng của đèn điện không chiếu được khắp mọi nơi, khi chúng ta bỏ hết đồ đi thì khắp phòng chỉ toàn là ánh sáng. Bỏ ở đây là bỏ gánh nặng, u mê và phiền muộn, để trí tuệ tỏa sáng. Chúng ta cần có cái thang để leo lên mắc bóng điện, nhưng mắc xong rồi mà ta không bỏ thang đi thì cái thang sẽ là vật cản trở, gây vướng víu. Truyện này người hiểu được thì cực dễ, còn đã không hiểu thì cực khó. Có lẽ truyện chỉ dành cho người có duyên !

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác
Trích:

Ốí giời giời hỡi giời ơi!

Có người đem Tú giỡn chơi coi nè!

Vào đây Tú nói người nghe

Máy bay tàu lặn nhà xe có rồi

Ăn no hết đứng lại ngồi

Nàng hầu mấy ả, đây thôi chẳng màng

Chỉ còn mong được làm quan

Thầy coi giúp QUẺ đàng hoàng xem sao!

 

Từ Cát Tú

 

Cốc Tử lên non

Chừ còn thầy Lý

Chủm chọe miệng mồm

Y chang lão Qủy

 

Quan quáng quàng…quan!

Xin thầy xem bói

Chớ có nói dối

Bao giờ lộng vàng?

 

Quẻ rằng: Thân phận rỡ ràng

Đến chín mươi tuổi xênh xang…quan ngài!

(LT)

 

Tự nhiên nhớ anh ghê Bùi Văn Hải ạ!

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

Quà tặng từ trái tim

 

Trời về khuya, gió thổi mỗi lúc một mạnh, ù ù từng cơn, từng cơn, mang theo cái lạnh buốt đến ghê người. Con phố nhỏ vắng tanh. Dọc hai bên hè phố là hai hàng cây bây giờ đã trơ trụi lá. Những thân cây gầy guộc khô khốc đang cố gắng oằn mình, run rẩy chống cự lại cơn giận dữ điên cuồng của gió đông. Nhà nhà đã khép cửa chắn gió. Chẳng có ai muốn bước ra đường giữa một đêm mùa đông lạnh giá như thế này . Vài tia sáng nhỏ len qua những khe cửa ra ngoài, hòa vào với ánh sáng của đèn đường đang leo lắt trong cái lạnh. Cả không gian như một sân khấu lớn mà những diễn viên phụ đều nép mình, mặc cho một diễn viên chính ngông cuồng biểu diễn.

 

Giữa khung cảnh đó, một thân hình nhỏ nhắn xuất hiện ở cuối phố. Một thằng bé ! Một thằng bé lang thang với cái bọc nhỏ khoác trên vai.

 

Mệt nhọc lê từng bước, từng bước, người nó co dúm vì giá lạnh. Lẫn trong tiếng thét gào của gió, giờ đây có cả tiếng hàm răng của nó va lập cập vào nhau, tiếng rên hừ hừ đứt quãng. Lê đến cạnh cây đèn đường sáng nhất, nó dừng lại, lẩy bẩy gỡ cái bọc trên vai xuống, thả bịch vào chân cột đèn, rồi soay mình dựa lưng vào thân cột từ từ ngồi xuống.

 

Mệt !

Đói !

 

Nó đã bỏ nhà đi hơn hai năm ròng. Ở nhà nó khổ quá !

 

Bố mất năm nó 6 tuổi, bốn năm sau mẹ nó đi bước nữa với một người đàn ông đứng tuổi ở trong làng. Ông ta yêu mẹ nó nhưng không thương nó. Mẹ nó thì thương nó vô cùng, nó biết vậy. Nó cũng thương mẹ nó lắm nên không thể chịu được khi nhìn mẹ và người đàn ông kia cãi nhau vì mình. Nó bỏ nhà ra đi.

 

Hai năm. Nó đã quen với cuộc sống ăn xin ngủ bờ ngủ bụi. Đã tự đúc kết được cho mình những kinh nhiệm cần có của một thằng bé lang thang. Nó trở nên vô cảm trước mọi ánh mắt khinh thường nhìn vào, và cũng chẳng cảm động gì trước sự thương hại nếu có của mọi người dành cho mình. Nó căm ghét sự thương hại. Nhưng nó còn nhớ, còn thương lắm ánh mắt hiền từ ấm áp của người mẹ thân yêu mỗi khi mẹ nhìn nó. Ánh mắt ấy là sức mạnh giúp nó vượt qua tất cả.

 

Ngồi nghỉ một lúc, nó mở bọc ra. Đó là cái bọc lớn bằng ny lông, bên trong để tất cả “bảo bối “ của nó. Trong đó quý nhất là tấm ảnh của mẹ mà nó cầm theo khi bỏ nhà ra đi. Lúc này nó lấy ra một cái áo mặc vào người. Nó vốn chỉ có hai cái áo mà thôi. Bình thường chẳng bao giờ nó mặc cả hai cái cùng một lúc, vì phải giữ để mà thay. Nhưng hôm nay lạnh quá, nó đã muốn lấy ra mặc thêm từ sớm rồi nhưng không dám. Nó nghĩ: "nếu một thằng bé ăn xin mà có đến hai cái áo mặc trên người thì chẳng ai thèm bỏ tiền ra cho. Nó đã nhịn mãi, bây giờ là lúc nó hưởng thôi".

 

Ấm áp hơn rồi nó mới bỏ ảnh của mẹ ra, nhìn vào ảnh thầm gọi: “con đói quá, mẹ ơi !”. Nó thường làm vậy những lúc ở một mình, bất kể vui hay buồn, nó đều nói chuyện với bức ảnh. Cả tối nay chẳng có ai cho nó cái gì, hầu hết mọi người đều ở trong nhà, ai phải đi công việc cũng vội vội vàng vàng, đâu có thời gian nhìn đến nó, rét quá mà! Hôm trước nó xin được nhiều nhiều thì đã bị mấy thằng du côn trấn sạch. Lần nào cũng vậy cả, không có bè đảng khổ thế. Nhưng nó biết mấy thằng theo bè đảng thằng nào cũng nghiện, nó chẳng dại. Hồi còn ở nhà nó đã nhìn thấy anh thanh niên cạnh nhà chết vì dùng quá liều ma túy. Người anh giật đùng đùng, co quắp, miệng sùi ra đầy bọt, nó sợ mãi.

 

Nhìn tấm ảnh một lúc nó cất ảnh đi và bắt đầu ngắm con phố. Con phố dưới ánh đèn mờ đục ở trong mắt nó thật đẹp. Nó luôn chọn những con phố sáng đèn như thế này để ngủ vì vừa ít muỗi, lại vừa không bị thằng nào dụ dỗ, bắt nạt, hay dành chỗ như trong công viên. Nhưng có cái lợi thì cũng có mặt thiệt thòi, nó luôn phải đợi người ta đi ngủ rồi mới dám đến trước nhà họ ngủ, hôm sau lại phải dậy sớm để chuồn.

 

Hai cái áo rồi, người nó vẫn run bần bật, lạnh quá, hôm nay lạnh quá. Đói thì nó chịu cũng quen rồi, nhưng lạnh như thế này thì .. lạnh quá ! Vừa co rúm lại vì lạnh nó vừa nhìn bầu trời. Bầu trời là người thân thứ hai ngoài bức ảnh của mẹ. Bất kể đi tới đâu, bầu trời vẫn theo nó. Trên bầu trời có bao nhiêu là sao đẹp, những vì sao này cũng theo nó. Nó biết vậy vì đã để ý các ngôi sao rồi, lúc nào chúng cũng giữ nguyên vị trí ở trên đầu nó.

 

Đang mải ngắm sao bỗng nó giật thót mình, trước mặt nó là một dáng người cao lớn. Theo phản xạ đã hình thành từ trước, nó vùng bỏ chạy. Sau lưng nó vang lên một giọng nói hiền hòa, chậm, nhẹ:

 

- Đừng sợ, cháu bé!

 

Nó vẫn guồng chân phóng một mạch rõ xa, rồi núp vào sau một gốc cây bên hè nhìn lại. Bình thường thì nó chẳng dám, nhưng vì không nghe thấy tiếng chân đuổi theo, cái bọc lại chưa kịp cầm nên nó mới bạo thế.

 

Nhìn rõ người vừa đến nó thở nhẹ ra. Một nhà sư khất thực tay cầm bình bát đang đứng bên cột đèn, ngay cạnh cái bọc của nó. Đồng nghiệp đây mà, nó biết thừa. Nó vẫn thường có ý “cạnh tranh” với mấy nhà sư này, nhưng cũng biết họ chẳng làm hại ai. Nó bước ra khỏi gốc cây, quay lại cột đèn.

 

- Ông ạ !

 

Nó chào nhà sư. Nó vẫn thường thấy người ta gọi các nhà sư này là thầy, nhưng vì chẳng có nhà sư nào dạy nó nên nó vẫn chỉ gọi là ông sư thôi. Đôi khi nó nghĩ: “Mấy ông này dạy lắm, đi đâu cũng có học trò, mà nhiều học trò vậy sao cũng phải đi xin ăn ?”. Nhưng nó cũng chưa bao giờ nghĩ lâu về chuyện này cả, với nó thì no bụng quan trọng hơn hết thảy.

 

Nhà sư mỉm cười với nó, không nói gì. Nó cũng không nói gì nữa, ngồi lại xuống chân cột đèn. Trong không gian bây giờ chỉ còn có tiếng gió thổi ào ào và tiếng bụng nó sôi ục ục vang lên. Nhà sư ngồi xuống cạnh nó, ông hỏi:

 

- Cháu ăn gì chưa ?

 

Nó không còn sức để đáp. Vừa rồi chẳng biết sức lực ở đâu ra, chứ bây giờ thấy nhũn cả người. Nó lắc đầu một cách khó khăn.

 

Nhà sư lấy từ trong tay nải ra hai cái bánh mỳ, chẳng nói gì ông đưa cho nó một cái, còn một cái thì đưa lên miệng ăn. Đón lấy cái bánh, nó gặm ngay, đói quá rồi ! Chẳng mấy chốc cái bánh đã hết veo. Nó quẹt miệng rồi xoa xoa tay vào nhau, từng đám gét bẩn theo tay nó rơi xuống.

 

Thấy nó đã ăn xong, nhà sư lấy ra một bình nước đưa cho nó, đang khát, nó cầm ngay lấy cái bình, nhưng nó bỗng ngẩn ra, không dám uống. Bây giờ nó mới chợt nghĩ: “người mình vừa bẩn vừa hôi, sao ông này dám ngồi gần mình thế nhỉ. Lâu lắm có ai ngồi gần mình thế này đâu !”. Nó biết nhiều người cho nó tiền chỉ vì muốn nó mau biến xa khỏi họ cho đỡ kinh.

 

Nó lặng lẽ quan sát nhà sư, còn nhà sư thì không để ý, tiếp tục ăn bánh mỳ. “Ông ta sạch lắm mà” - nó nghĩ. Nó nghĩ vậy vì vốn đã tự nhủ trong lòng là chắc nhà sư này cũng quen ở bẩn rồi nên không sợ nó. “Nhìn ông ta sạch sẽ như vậy, mà không sợ mình hôi ! Bây giờ mình mà chạm môi vào cái bình này thì ông ta có dám uống không nhỉ ?” - Vừa nghĩ nó vừa đưa bình kên miệng tu. Uống đã rồi nó đưa cái bình lại cho nhà sư. Mắt nó không nhìn vào ông nhưng hồi hộp lắm, lặng lẽ chờ đợi. Một giây với nó lúc này cũng thật dài.

 

Nó băn khoăn và hồi hộp vậy cũng phải. Đã từ lâu rồi, cái tốt đẹp nhất mà nó nhận được là lòng thương hại của người đời. Nó biết rằng nó thảm hại lắm trong con mắt mọi người. Có lẽ với họ nó giống như một con thú đáng thương hơn là con người. Vì vậy nó căm thù lòng thương hại. Nhưng giây phút này, với nhà sư nó cảm thấy một điều gì thật là lạ. Hình như ông coi nó cũng cẳng khác gì ông, hình như ông coi nó … là người!

 

Nhà sư chẳng hề hay biết những suy nghĩ đang quay cuồng trong đầu thằng bé, ông bình thản ăn nốt chiếc bánh và … uống nước.

 

Thằng bé sững cả người !

 

Lúc này nhà sư cũng quay sang thằng bé, thấy bộ dạng nó ông ngạc nhiên lắm, hỏi:

 

- Cháu sao thế ?

 

Thấy nó vẫn cứ ngẩn người ra, nhà sư lại hỏi, giọng lo lắng:

 

- Cháu làm sao vậy ?

 

Lúc này nó mới như bừng tỉnh, mắt nhìn sang nhà sư. Từ cổ họng nó những tiếng hức..hức vang lên, ngực nó phập phồng, phập phồng, rồi lệ chào ra trên khóe mắt. Nhà sư vội ôm nó vào lòng, vỗ vỗ lên đầu hỏi:

 

- Cháu ngoan nào ! Sao cháu lại khóc?

 

Nó không nói được lời nào, chỉ có tiếng khóc nghẹn ngào càng lúc càng to lên. Lâu lắm rồi nó mới khóc. Nó tưởng rằng nó không còn biết khóc nữa, vậy mà bây giờ nó khóc dễ dàng, ngon ơ ! Cứ vậy mãi rồi nó cũng nín. Lúc ấy nhà sư mới hỏi tiếp:

 

- Mấy hôm nay cháu xin được ít lắm phải không ?

 

Vừa đưa tay gạt nước mắt thằng bé vừa gật đầu. Nhà sư đắn đo một chút rồi nói:

 

- Chùa của ta là chùa Linh Tự, cách đây không xa. Ta muốn đưa cháu lên chùa cho đỡ khổ, nhưng bây giờ ta còn có việc phải đi. Vậy ta viết cho cháu một bức thư, sáng mai cháu cứ hỏi đường rồi lên chùa, đưa thư cho các thầy trong chùa và ở đấy đợi ta, được không ?

 

Thằng bé lặng lẽ cúi đầu, nó chẳng biết nói gì, nhưng bây giờ nhà sư bảo gì nó cũng muốn nghe. Nó không biết nhà sư bận gì mà phải đi ngay giữa đêm khuya thế này, nhưng lời của ông là đúng rồi, nó chẳng thắc mắc.

 

Nhà sư lấy trong bọc ra cây bút và tập giấy, lặng lẽ viết một lá thư rồi gấp lại, đưa cho thằng bé. Ông gỡ chiếc khắn len trên cổ mình quàng vào cho nó, xoa xoa cái đầu rối bù, nói:

 

- Cháu cầm lấy, sáng mai nhớ lên chùa, ta đi đây.

 

Bóng nhà sư xa dần rồi khuất hẳn mà thằng bé vẫn thẫn thờ, chợt nó hít một hơi thật đầy vào lồng ngực, ngẩng đầu nhìn bầu trời đêm. Gió lạnh thổi thật mạnh, nhưng ánh sao đằng kia sáng quá. Thằng bé chăm chú nhìn vào ánh sáng trắng của ngôi sao ở phía xa tít tắp mà quên hẳn đi cái ánh sáng mờ đục phát ra từ ngọn đèn đường bên cạnh.

 

Ngày mai nó sẽ hỏi đường lên chùa !

 

Hết.

 

7 giờ 44 phút, ngày 24 tháng 6 năm 2010

 

Vài lời tâm sự:

Thức khuya xem bóng, tình cờ tôi đọc “Tương tư” của Phạm Tú Uyên. Đọc xong, có lẽ trận bóng không còn quan trọng với tôi nữa. Trên ti vi các cầu thủ vẫn đang chạy đua cùng trái bóng, tai tôi vẫn nghe tiếng bình luận mà tôi không để ý họ nói gì.

Tôi hạnh phúc !

Chắc hẳn các bạn chẳng hiểu được vì sao đọc truyện buồn mà tôi hạnh phúc.

Cái hạnh phúc hôm nay nảy mầm trong tôi từ khi được biết trong kế hoạch đi chơi của các bạn miền nam có cả dự kiến thăm cô nhi viện.

Truyện của Tú Uyên buồn với các bạn, nhưng tôi lại thấy nó thật đẹp, thật vui. Niềm vui lớn lao mà tôi có được khi nghĩ về con thạch thùng nhỏ bé.

Suy nghĩ của mỗi người có lẽ đều khác nhau, mà người này có giải thích rõ ràng thì người khác cũng không dễ chấp nhận.

Tính tôi là vậy, đôi khi cái làm người khác buồn có thể lại làm tôi vui. Tôi muốn viết về một điều gì thật là đơn giản.

Muốn viết ngay !

Cảm ơn các bạn !

Cuộc sống thật đẹp !

 

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

Join the conversation

You can post now and register later. If you have an account, sign in now to post with your account.

Khách
Trả lời chủ đề này...

×   Bạn vừa dán nội dung có định dạng.   Paste as plain text instead

  Only 75 emoji are allowed.

×   Your link has been automatically embedded.   Display as a link instead

×   Your previous content has been restored.   Clear editor

×   You cannot paste images directly. Upload or insert images from URL.

Đang xử lí...

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This is an example of a list.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

×
×
  • Create New...