Jump to content
vietsnets2

Văn Học Cung đình Và Văn Học Thành Thị ở Thăng Long

Recommended Posts

Văn học cung đình.

 

Chúng ta biết đến một nền kiến trúc cung đình và kiến trúc dân gian Thăng Long, một nền âm nhạc cung đình và âm nhạc dân gian Thăng Long. Vậy có thể nói đến một thứ văn học cung đình và văn học thành thị Thăng Long không? Và nếu có thể thì ta sẽ phải mô tả như thế nào hai dòng, hai kiểu văn học đó? Từ điểm nhìn về hai dòng văn học như thế liệu ta có được nhận thức mới nào về bức tranh văn học dân tộc? Với bài viết này, chúng tôi cố gắng phác họa một số ý tưởng bước đầu.

 

Nếu xét không gian sinh tồn và phát triển của văn học Thăng Long, một đô thị kiểu phương Đông thời trung đại, nơi có thành và có thị, hiển nhiên ta có quyền nói đến hai loại văn học, hai dòng văn học là văn học cung đình và văn học thành thị. Trong những thế kỷ đầu tiên từ khi nhà Lý dời đô về Thăng Long, khi mà phần “thị” - chợ hãy còn rất nhỏ bé, chắc chắn phần Hoàng thành bao bọc trong nó triều đình của các triều đại Lý, Trần là không gian chủ yếu của Thăng Long. Những nhân vật văn hóa chủ yếu ở Thăng Long trong quãng thời gian ấy là các ông vua, là hoàng tộc, là quan lại, quý tộc và những lớp người có liên hệ mật thiết với các vương triều như thiền sư, nho sĩ. Tạm thời, còn rất ít hoặc chưa có những kiểu nhân vật khác của giai đoạn sau như thương nhân, thợ thủ công, sĩ tử từ các miền quê lai kinh ứng thí, các trí thức nho sĩ, những ca nhi, ả đào, v.v… những kiểu nhân vật chủ yếu sinh tồn và có một đời sống văn hóa riêng trong khu vực bên ngoài Hoàng thành, trong phần thị - chợ (Kẻ Chợ). Ra đời tại Thăng Long trong bối cảnh như thế, các tác phẩm văn học dễ dàng và trên thực tế mang tính chất cung đình.

 

Khái niệm “văn học cung đình” được dùng để chỉ các sáng tác văn học của vua chúa, quan lại quý tộc và các trí thức Nho sĩ, thiền sư xuất hiện trong không gian cung đình hay có mối liên hệ mật thiết với mọi hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa… của triều đình, mang đậm điểm nhìn của một triều đình về con người và thế giới. Với một giới thuyết đơn giản như vậy ta đã thấy văn học Thăng Long ở hình thái ban đầu của nó chính là văn học cung đình. Không gian vật lý cho sự ra đời của không ít bài thơ là không gian cung đình. Lý Nhân Tông với bài thơ khen tặng thiền sư Giác Hải và đạo sĩ Thông Huyền - hai người đã trổ tài thần thông biến hóa trong sân điện trước sự chứng kiến của nhà vua - là một sáng tác cung đình chính thống xét từ không gian ra đời và điểm nhìn tác giả, một ông vua có quyền tối thượng yêu cầu và khen ngợi ngay cả thiền sư và đạo sĩ, đồng thời sự khẳng định địa vị xã hội của Phật giáo, Đạo giáo cũng gắn liền với sự thừa nhận của triều đình(1). Những gì vua tôi Lê Thánh Tông xướng họa để lại Quỳnh uyển cửu ca đích thị là văn học cung đình. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm 1495, tháng 11, vua Lê Thánh Tông thấy hai năm được mùa liên tiếp, đặt các bài ca vịnh để ghi điềm lành. Nội dung gồm những bài về đạo làm vua, khí tiết bề tôi, vua giỏi tôi hiền, nhớ bậc anh tài kỳ tuấn và đùa viết vội thành văn, nhân gọi là Quỳnh uyển cửu ca thi tập. Bình Ngô đại cáo soạn bởi Nguyễn Trãi và Chiếu cầu hiền soạn bởi Ngô Thì Nhậm, đều ra đời ở Thăng Long, cũng là văn học cung đình. Chúng đáp ứng những yêu cầu của một triều đình vào những thời điểm lịch sử quan trọng, thực hiện chức năng quan phương chính thống. Bình Ngô đại cáo thực ra có chức năng thuyết phục/ khẳng định quyền tức vị hợp hiến hợp pháp của một người tài đức như Lê Lợi song vốn không xuất thân từ dòng dõi quý tộc nhà Trần, vào một thời điểm lịch sử hết sức khẩn trương, khoảng trống quyền lực cần được lấp đầy để ổn định tình hình đất nước. Chiếu cầu hiền mà Ngô Thì Nhậm viết nhân danh Quang Trung lại thể hiện nhu cầu bức thiết về sự cộng tác/ hợp tác của đội ngũ nho sĩ Bắc hà với triều Tây Sơn. Các bài thơ, phú, văn sách, bất kể bằng chữ Hán hay chữ Nôm… làm trong các kỳ thi tại kinh đô Thăng Long - nếu ta có thể xem đó là một loại sáng tác văn học - là văn học cung đình. Đề thi cho các thể văn đều liên quan đến đường lối trị quốc (ví dụ chế trị bảo bang - về chính trị và giữ nước), giáo dục đạo đức (ví dụ Giới sắc bách tư - Răn dạy trăm quan), những vấn đề lấy từ trong kinh điển nho gia… rèn tập cho sĩ tử năng lực giải quyết những vấn đề quốc kế dân sinh của quốc gia. Hiện mảng văn học này đã được nghiên cứu từ góc độ văn bản học Hán Nôm nhiều hơn là về phương diện văn học sử(2). Nhưng một sáng tác gọi là văn học cung đình có thể ra đời ở một không gian ngoài kinh đô, ở một địa điểm xa Thăng Long chứ không nhất thiết phải ra đời trong chốn cung đình. Dù là ra đời ở đâu, các sáng tác văn học cung đình thường mang những diễn ngôn của các triều đại; hiện thực và cảm xúc phải được trình bày từ góc nhìn của người đến từ cung đình. Đó là trường hợp bài thơ Thượng hoàng Trần Nhân Tông viết tại hành cung Thiên Trường vào năm 1289, sau cuộc chiến tranh cuối cùng chống Nguyên - Mông, bộc lộ cảm xúc của người đứng đầu một triều đại đã trải qua những trận chiến khốc liệt chống ngoại xâm, nay bốn biển đã quang, bụi đã lắng/ Chuyến đi này hơn hẳn chuyến đi năm xưa. Bài Nghệ An hành điện (Hành cung ở Nghệ An) của Trần Minh Tông làm tại Nghệ An, có câu Sinh dân nhất thị ngã bào đồng (Nhân dân hết thảy đều là ruột thịt của ta) cũng thể hiện cái nhìn, cách nghĩ của người cung đình.

 

Đánh giá mảng văn học cung đình cũng cần chú ý đến sự đa dạng. Có những tác phẩm văn học cung đình có giá trị tư tưởng cao khi một triều đại phong kiến đang lên, vua tôi, quan lại quý tộc thực hành đường lối thân dân. Những vấn đề của cung đình khi đó, trên những nét cơ bản thống nhất với vấn đề của nhân dân, của dân tộc. Song khi vua tôi ca tụng lẫn nhau, ca tụng triều đại vua thánh tôi hiền thì sáng tác của họ khó tránh khỏi công thức, nhàm chán, thậm chí có sắc thái xu nịnh. Hoàng Sĩ Khải (thế kỷ XVI) tung hô “vạn tuế” cảnh tượng thái bình thời vua Lê chúa Trịnh: Đời sinh chúa thánh tôi hiền/ Giúp tay tạo hóa sửa quyền âm dương…Bốn mùa ước những mùa xuân/ Trị dài Trịnh chúa Lê quân muôn đời,... nhưng rồi cả vua Lê và chúa Trịnh cũng không thể “muôn năm” được. Hay Phụng thành xuân sắc phú của Nguyễn Giản Thanh ca tụng Thăng Long dưới triều đại Lê Uy Mục cũng mang chất tụng ca tương tự - điều này lại càng đáng suy nghĩ nếu ta liên hệ đến sự suy thoái của nhà Lê ở đầu thế kỷ XVI. Cuộc “bút chiến” giữa Nguyễn Huy Lượng theo Tây Sơn (Tụng Tây Hồ phú ) và Phạm Thái chống Tây Sơn (Chiến tụng Tây Hồ phú) về thực chất có thể xếp vào văn học cung đình. Hồ Tây trong mắt hai người là một ẩn dụ riêng về chế độ Tây Sơn, cả kẻ ca ngợi và người lên án đều thể hiện thái độ chính trị qua việc tả cảnh Hồ Tây.

 

Nhưng thực tế sáng tác của nhiều tác giả lại không dễ gì đưa vào cái khuôn chật hẹp của khái niệm “văn học cung đình”. Thơ ca của nhiều nhà nho cho thấy tâm sự của người có khi thân ở cửa khuyết nhưng tâm lại để ở nơi thôn dã, núi non. Ngay trong một thi tập, có bài mang chất cung đình song có bài lại có chất thôn dã. Giới nghiên cứu văn học Trung Quốc xem những sáng tác của ẩn sĩ được coi là văn học điền viên hay văn học nông thôn (hương thổ văn học) chứ không phải văn học cung đình hay văn học thành thị. Những trường hợp như sáng tác của Chu An hay Nguyễn Bỉnh Khiêm sau khi dâng sớ xin chém bọn nịnh thần không được đã lui về ẩn dật, hoặc thơ Nôm của Nguyễn Trãi khó gọi là văn học cung đình. Về lý thuyết, đây là sáng tác của những người tuy có quan hệ mật thiết với triều chính rồi bất như ý mà lui bước, trở về điền viên vui thú và giữ gìn nhân cách đạo đức thì tâm tư suy nghĩ của họ trực tiếp hay gián tiếp vẫn hướng về nơi cửa khuyết. Song thực tế, cái nhìn hiện thực và tâm tư tình cảm của họ đã thuộc về dòng văn học ẩn dật, văn học nông thôn. Nhưng bàn về văn học nông thôn hay văn học điền viên, văn học hương thổ không thuộc phạm vi quan tâm của bài viết này

 

Văn học thành thị.

 

Chúng tôi dùng khái niệm “văn học thành thị” để chỉ mảng sáng tác ra đời trong không gian “Kẻ Chợ”, phản ánh những vấn đề của đời sống thị dân, văn hóa thị dân, nhìn cuộc sống và con người theo quan điểm thị dân. Tác giả của văn học thành thị có thể là nhà nho, là thương gia, là phụ nữ chứ không nhất thiết đây phải là sáng tác của những thương nhân hay thợ thủ công, hay là ả đào. Cho đến nay, chưa rõ có thợ thủ công nào làm văn thơ hay không. Và ta chỉ thấy khá ít ỏi trường hợp xuất xứ từ gia đình thương nhân như Nguyễn Hữu Chỉnh, từ ả đào như Hồ Xuân Hương(7) làm thơ. Phần lớn tác giả của mảng văn học thành thị vẫn là nhà nho, và cũng không thiếu người trong số họ có quan hệ mật thiết với triều đình. Nguyễn Gia Thiều là cháu gọi chúa Trịnh Cương bằng cậu ruột; Nguyễn Du có cha làm Tể tướng, anh trai làm Tham tụng của triều Lê Trịnh. Nhưng sáng tác của họ đã rất khác văn học cung đình của khoảng 5 thế kỷ đầu tiên. Điều căn bản là văn học thành thị phải có điểm khác văn học cung đình. Về sự kiện ta có thể đọc được trong Lịch triều tạp kỷ ghi chép năm 1718: “Phủ liêu vâng mệnh truyền cho quan dân cả nước: “Phàm các sách vở gì có quan hệ đến việc giáo hóa ở đời thì mới nên khắc in và lưu hành. Gần đây, những kẻ hiếu sự lặt lượm càn bậy những truyện tạp nhạp và lời quê kệch bằng quốc âm, không biết phân biệt nên hay chăng, cứ khắc vào ván gỗ, in ra để buôn bán. Việc đó đáng nên cấm chấp. Từ nay về sau, hễ nhà nào có chứa chấp các ván in sách và các sách in nói trên thì cho phép viên quan đi ốp làm việc ấy được lục soát, tịch thu, rồi tiêu hủy hết cả”(8). Có mấy thông tin đáng chú ý từ tư liệu lịch sử ngắn ngủi này: 1) Ở Thăng Long khi đó đã xuất hiện những truyện hay thơ quốc âm không có quan hệ với giáo hóa; 2) Chúng được khắc in để buôn bán kiếm lời (một kiểu thị trường sách với qui mô nào đó); 3) Phủ chúa (phủ liêu) cơ quan quyền lực cao nhất thời Lê - Trịnh lên án tình trạng trên và có biện pháp cụ thể nhằm chấn chỉnh như khám xét, tịch thu, tiêu hủy. Những thông tin này gợi cho chúng ta nghĩ đến một nền văn học thành thị Thăng Long đã tồn tại khá rõ nét cho đến năm 1719. Đến năm 1760, Nhữ Đình Toản khi diễn ra Nôm 47 điều giáo hóa năm 1633 đã diễn âm thêm nội dung của lệnh cấm năm 1719 nói trên. Điều đó chứng tỏ dòng văn học thành thị vẫn tiếp tục phát triển mà nhà Chúa không thể ngăn chặn được.

 

Văn học thời này có đặc điểm gì khiến cho giới chính trị cung đình quan tâm đến vậy? Nếu giải thích là các sáng tác này được viết bằng chữ Nôm, mà nôm na là cha mách qué thì chỉ là suy diễn, hoàn toàn không chính xác. Nhiều chúa Trịnh làm thơ nôm, có khi trong cùng một ngữ cảnh, viết đồng thời hai bài một chữ Nôm, một chữ Hán tức coi giá trị hai thứ chữ như nhau. Chẳng hạn năm 1718, chúa Trịnh đã làm một bài thơ Đường luật chữ Hán và một bài thơ Nôm ban cho Nguyễn Công Hãng và Nguyễn Bá Tông đi sứ sang nhà Thanh, năm 1719, khi Đặng Đình Tướng dâng sớ xin về trí sĩ, Trịnh Cương cũng ban cho hai bài thơ khen, một bài chữ Hán, một bài chữ Nôm(9). Có cách giải thích khá phổ biến một thời cho rằng các tác phẩm bị cấm này có tính chất chống phong kiến mạnh mẽ. Nhưng lối giải thích xã hội học như vậy cũng không ổn, vì không có nhà Nho nào chống lại Nho giáo cả.

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

Hay thật đấy, cảm ơn bài viết của bạn!

 

----------------------------------------

 

Khanh Ly .Ms

 

CHECKIN VIETNAM INTERNATIONAL TRAVEL CORPORATION

Add: A2302 M3-M4 Building, 91A Nguyen Chi Thanh Street, Hanoi, Vietnam

Phone: (084) 46269 7777 - Fax: (084) 46288 3456

Website: Checkinvietnam.com - Booking Online: Hotels in Hanoi

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

Join the conversation

You can post now and register later. If you have an account, sign in now to post with your account.

Khách
Trả lời chủ đề này...

×   Bạn vừa dán nội dung có định dạng.   Paste as plain text instead

  Only 75 emoji are allowed.

×   Your link has been automatically embedded.   Display as a link instead

×   Your previous content has been restored.   Clear editor

×   You cannot paste images directly. Upload or insert images from URL.

Đang xử lí...

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This is an example of a list.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

×
×
  • Create New...