Jump to content
DOAN VAN NGHIEU

ĐÔI ĐIỀU VỀ THƠ THT

Recommended Posts

Các bạn mến !

Theo thiển cận của NG-YEU thì thơ THT rất khó định hình, bước đầu theo mình có thể xem thơ thể hình của anh NGÔ HỮU ĐOÀN là thể loại THT được không. Nhưng cho dù ở thể loại nào thì xin hãy trả đúng nghĩa thơ về với thơ. Xin các bạn tham khảo.

Trân trọng cảm ơn.

NG - YEU.

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

Có lẽ thơ Tân hình thức (THT) cũng đã có phôi thai từ thời Bích Khê, Nguyễn Vỹ... đó là lối thơ mà có cách xuống dòng "ngang xương" tựa như các cách xuống dòng của một số bài thơ lục bát của trường phái Bút Tre.

 

Ví dụ cách xuống dòng "đặc biệt" của 2 câu lục bát sau:

 

"Bắc Ninh có bác Nguyễn Trùng

Dương vật khỏe quá cả vùng thất kinh"

(Bút tre)

 

Chú thích: Nguyễn Trùng Dương là tên một vận động viên đấu vật nổi tiếng"

 

Thơ THT cũng có những dấu chấm (.) ở giữa câu thơ, thấy rất lạ nhưng bây giờ thì không còn lạ nữa. Đọc các tác phẩm của Phan Huyền Thư các bạn sẽ thấy.

 

Thơ THT cũng sử dụng nhiều kỹ thuật khác như: ngắt từ, ngắt chữ, "đỗ bóng" ... theo tui, dường như các kỹ thuật này diễn tả cảm xúc của người viết hiệu quả hơn nhiều so với thơ truyền thống.

 

Nói chung thơ THT là cách trình bày khác thường, lạ mắt so với thơ truyền thống cũng như thơ mới và thơ tự do. Tuy nhiên gần đây THT bị giáng những đòn mà tôi cho là oan ức, đó là người ta gán các tội lỗi của các bài thơ THT có nội dung thô thiển, tục tằng lên thể thơ THT. Đây là một cách "quơ đũa cả nắm" không nên có. Bài thơ THT nào có tội thì tội đó của tác giả chứ không phải tội của thơ THT.

 

"Thơ hình" là theo cách gọi đơn giản mà tôi nghĩ rất dễ nhận dạng, tui nghĩ nó cũng là một góc độ của THT nhưng cần tách riêng ra. Cần tách riêng ra vì theo tui đặc tính của nó chỉ có một phần nhỏ giống THT là ở chỗ xuống hàng (nếu có), còn mọi đặc tính khác thì theo thơ mới và thơ tự do.

 

Với kiến thức thi ca hạn chế của tui thì tui có ý kiến vậy. Các bạn có ý kiến gì khác xin cứ thỏa mái ý kiến để cùng nhau tìm hiểu thể loại THT ! !

 

26.06.2006

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

Nguồn: Bài viết này là lời Tựa cho cuốn sách song ngữ Việt-Anh sắp xuất bản: Thơ không vần - Tuyển tập Tân Hình Thức (An Anthology of Vietnamese New Formalism Poetry), Tan Hinh Thuc Publishing Club, 2006

 

---------------------------------------------------------------------------------------------------

Đặng Tiến

Tân Hình Thức, nhịp đập của thời đại

 

Tân Hình Thức là một trường phái thi ca hiện đại được phổ biến từ năm bảy năm nay, phát khởi do Tạp Chí Thơ, ấn hành tại Mỹ, chủ yếu từ số 18, xuân 2000 «chuyển đổi thế kỷ», và được nhiều nhà văn, nhà thơ trong và ngoài nước hưởng ứng. Tên Tân Hình Thức dịch từ tiếng Anh New Formalism, một trường phái thơ Mỹ, thịnh hành những năm 1980 - 1990.

 

Thơ Tân Hình Thức có những đặc tính sau đây:

 

 

Thơ không vần, nhịp điệu hoàn toàn khác với thơ cổ điển, nhưng được trình bày trên trang giấy như một bài thơ truyền thống: nhìn vào thì nhận ra ngay là thơ;

 

Mỗi dòng như thơ cổ điển, gồm 5, 6, thường là 7, 8 chữ (âm), có khi là lục bát, có thể xếp thành khổ 4 (hay nhiều) dòng. Cứ đến số chữ quy định là xuống dòng, không cần tôn trọng cú pháp, ý nghĩa của câu nói. Từ khổ trên xuống khổ dưới cũng vậy, và cứ vậy tiếp tục. Khi có, khi không chấm câu;

 

Để xâu kết câu nói, các tác giả thường kể chuyện, chuyện nọ xọ chuyện kia, khi có khi không mạch lạc;

 

Từ vựng đời thường, thông tục, có khi tục, của người bình thường sử dụng hằng ngày, trong sinh hoạt cụ thể. Không có mỹ từ pháp cổ điển như ẩn dụ, hoán dụ, biền ngẫu, nhưng có luyến láy để tạo nhịp cho câu nói.

 

Các tác giả tỏ ra hãnh diện về điều này, là đưa cuộc sống vào thơ, làm sống chất thơ trong cuộc sống, như vậy là cách tân, thậm chí là cách mạng. Nếu không mang được những câu nói thông thường vào thơ thì làm sao mang được đời sống vào thơ? Và nếu không thì làm sao chia sẻ được nỗi vui buồn của mọi tầng lớp xã hội, để thơ trở thành tiếng nói của thời đại? [1] .

 

Trong chừng mực nào đó, họ có lý. Thơ Tân Hình Thức là một loại ca dao tân thời, không phải thứ ca dao đã trở thành văn học được chọn lọc và giảng dạy ở nhà trường qua lăng kính thẩm mỹ trí thức, mà câu ca dao do người dân quê phát biểu trong đời sống, để sống đời sống hằng ngày. Ví dụ câu ru em này có hai thoại:

 

Thoại A, gần với thơ Tân Hình Thức:

 

Hai tay cầm bốn tao nôi

Tao mô thẳng thì thôi

Tao mô dùi thì sửa lại cho cân

 

 

Thoại B, gần với thơ truyền thống:

 

Hai tay cầm bốn tao nôi

Tao thẳng, tao dùi, tao nhớ, tao thương

 

 

Thơ Nôm Nguyễn Khuyến:

 

Năm nay cày cấy vẫn chân thua

Chiêm mất đằng chiêm, mùa mất mùa

Phần thuế quan thu, phần trả nợ

Nửa công đứa ở, nửa thuê bò

Sớm trưa dưa muối cho qua bữa

Chợ búa trầu chè chẳng dám mua.

 

Đây là một bài thơ Đường luật chỉnh chu, thậm chí là sắc sảo trong lề lối của nó. Nhưng đặt ra ngoài niêm luật, thì nó rất «Tân Hình Thức», trong lý tưởng thâm trầm nhất: đưa lời thường và đời thường vào thơ. Cụ Tam Nguyên mà sống vào thời này tí toáy nghịch thơ Tân Hình Thức, e các cụ Đỗ Kh., Nguyễn Đăng Thường phải sĩ khí rụt rè, và cụ Khế Iêm khỏi bỏ công viết cả mấy trăm trang dài thoòng biện hộ cho «hiệu ứng cánh bướm» [2] .

 

Ngoài ra, theo tôi, người làm thơ Tân Hình Thức đầu tiên là Nguyễn Văn Vĩnh, khi năm 1914 ông hạ bút viết câu «Ve sầu kêu ve ve», là Tân Hình Thức hết nấc.

 

Ngược lại, câu vè dân gian: Nghe vẻ nghe ve /Nghe vè đánh bạc /Đầu hôm xao xác… lại là một câu vần vè cổ điển, gần với thi ca truyền thống.

 

Nguyễn Văn Vĩnh tiết lộ: trước khi dịch bài ngụ ngôn của La Fontaine, «Con Ve và con Kiến», ông chưa hề làm thơ, nghĩa là chưa tập tành. Câu ve sầu kêu ve ve có lẽ đến tự nhiên, theo ý câu tiếng Pháp, ông Vĩnh không có ý đồ cách tân, tham vọng văn học gì. Nhưng vô hình trung, ông đã thay đổi tương quan giữa thơ và cuộc sống, và bẻ một bước ngoặt trong tâm thức văn học Việt Nam, dù rằng, trong thực tế câu thơ ấy không mấy ảnh hưởng vào văn học. Các nhà thơ sau này mới có ý thức và dụng công cách tân rõ rệt hơn.

 

Kỹ thuật vắt dòng, hay bắc cầu (enjambement) thường gặp trong Thơ Mới, là một kinh nghiệm tiếp thu từ thơ Pháp, làm nổi bật một từ ngữ, hình ảnh nào đó. Đến Bích Khê (1915-1946) thì lối vắt dòng trở thành một thi pháp toàn diện, có giá trị thẩm mỹ riêng (dùng chữ ngắt dòng có lẽ đúng hơn là vắt dòng) như bài «Duy Tân» (1941):

 

Người họa điệu với thiên nhiên, ân ái

Buồn, và xanh trời. (Tôi trôi với bờ

Êm biếc – khóc với thu – lời úa ngô

Vàng… Khi cách biệt – giữa hồn xây mộ –

Tình hôm qua – dài hôm nay thương nhớ…)

 

Trong bài tựa Thơ Bích Khê (1988), Chế Lan Viên thừa nhận là do ảnh hưởng thơ Bích Khê, ông đã làm bài «Tập qua hàng»:

 

Chỉ một ngày nữa thôi. Em sẽ

Trở về. Nắng sáng cũng mong. Cây

Cũng nhớ. Ngõ cũng chờ. Và bướm

Cũng thêm màu trên cánh đang bay [3]

 

 

Bài này chưa «Tân Hình Thức» vì còn vần cây - bay, nhưng vần ở đây, không có tác dụng gì. Bỏ vần đi, thay chữ cây bằng vườn, và xếp đặt lại, ta sẽ có:

 

Chỉ một ngày nữa thôi em sẽ

trở về nắng sáng cũng mong vườn

cũng nhớ ngõ cũng chờ và bướm

cũng thêm màu trên cánh đang bay

 

 

Bài thơ dưới dạng này, mà gửi đăng Tạp Chí Thơ thì… tuyệt!

 

Nói vậy để thấy trong thơ, ranh giới giữa trường phái này trường phái khác, cựu nọ tân kia, không phải lúc nào cũng rạch ròi. Trong tinh thần đó Tân Hình Thức là một biến thái của trường thơ dân tộc; và chúng tôi tâm đắc với Khế Iêm khi anh viết «Nhìn lại mọi thời kỳ, từ truyện thống đến tự do và Tân Hình Thức, Thơ như sợi chỉ xuyên suốt, luôn luôn đổi thay, phù hợp với nhịp đập của thời đại» [4] . Là một trong những người chủ xướng, có lẽ là người tận tụy nhất với Tân Hình Thức, anh tâm sự: «Mỗi thời kỳ văn học đều có quan điểm thẩm mỹ và giá trị lịch sử của nó, vì không ai có thể phủ nhận. Nhưng có điều nghich lý là tiến trình sáng tạo cũng là tiến trình phủ nhận. Những điều chúng tôi nêu ra trong thơ tiền chiến hay tự do cũng chỉ là thể hiện tiến trình phủ nhận chính mình vì chúng tôi đã từng sáng tác thơ vần điệu và tự do trước khi chuyển qua Tân Hình Thức [5] » (Khế Iêm đã xuất bản hai tập thơ là Thanh xuân, 1992 và Dấu quê 1996, làm theo thể tự do).

 

Ngay ở Hoa Kỳ, Tân Hình Thức cũng là một thuật ngữ mới xuất hiện trong thập niên 1980 dưới dạng Neo Formalism. Đến 1996 mới có 25 nhà thơ ra mắt dưới danh xưng New Formalism như hiện nay, với tập thi tuyển Những thiên thần nổi loạn [6] . Nhưng dường như thơ Tân Hình Thức lại bắt nguồn từ Pháp, từ thi phẩm Jean Ristat, Từ khúc giục mùa xuân rảo bước, đăng nhiều kỳ trên báo La Nouvelle Critique giữa 1977-1978. Thể thơ thông dụng ở Pháp là Alexandrin, 12 chân (âm) và tiếng Pháp đa âm. Tác giả cứ mỗi dòng 12 chân thì xuống hàng, bất chấp cú pháp và từ vựng. Đỗ Kh. đã dịch bài thơ dài này, cũng bằng cách xuống dòng, dưới dạng lục bát, có lẽ vì nó «dân tộc»: đến chữ thứ sáu thì xuống dòng tám chữ, cứ như thế… như thế suốt non một ngàn câu [7] . Bản dịch có trích đoạn đăng rải rác trên các báo như Hợp Lưu, Tạp chí Thơ, số 2 (1994), số 18 (2000). Nhà thơ Nguyễn Đăng Thường, ở Luân Đôn, hợp tác vào bản dịch, tâm đắc và cao hứng làm một bài thơ dài, 31 khổ 5 câu, cũng theo lối xuống dòng Tân Hình Thức, nhưng chọn thể thất ngôn, là bài «Những nụ hồng của máu», được đánh giá là tân kỳ và đặc sắc. Bài thơ đăng trên báo Thế Kỷ 21 số 27, tháng 7 năm 1991, California, có lẽ là tác phẩm thơ Tân Hình Thức đầu tiên cùng với bản dịch của Đỗ Kh. mà gần đây Nguyễn Đăng Thường đã in lại, theo dạng thủ công nghệ, dưới tên nhà xuất bản Giọt Sương Hoa.

 

Cuối dịch phẩm Đỗ Kh. đã cẩn thận ghi chú bối cảnh chính trị của bài thơ, Jean Ristat làm để góp phần vào tham vọng «đổi mới» của Đảng Cộng sản Pháp trước thềm Đại hội thứ 22 đầu năm 1977, do đó mà có hình ảnh giục giã mùa xuân. Anh còn nói thêm Ode, dĩ nhiên, còn là một bài thơ tình. Jean Ristat là bạn trai của Aragon, là bí thư và là người thừa kế di sản văn chương của Aragon, và bài thơ có âm hưởng đồng tính luyến ái. Nói rộng ra, phong trào Tân Hình Thức tại Âu Mỹ nằm trong một khí quyển văn hóa đặc biệt, bên cạnh các phong trào nữ quyền, quyền đồng tính luyến ái, phản chiến, thậm chí có cả cao trào Hội chứng (Chiến tranh) Việt Nam.

 

Cho nên khi Tạp Chí Thơ công bố: «Tân Hình Thức là một cuộc hòa điệu giữa quá khứ và hiện tại, giữa truyền thống và tự do, giữa nhiều nền văn hóa khác biệt, và ở phần sâu xa hơn, hóa giải những mầm mối phân tranh đã ăn sâu vào ký ức, chẳng phải của một dân tộc mà của cả nhân loại từ hàng trăm năm trước. Chúng ta với thời gian hơn một phần tư thế kỷ, có may mắn cận kề và học hỏi những cái hay của nền văn hóa bao quanh, áp dụng những yếu tố thích hợp vào ngôn ngữ, để làm giàu cho nền thơ Việt» [8] , lời văn có vẻ đại ngôn, nhưng là tâm nguyện chân thành. Các tác giả là những người có ý thức sâu sắc về văn học, và trách nhiệm của họ, họ xả thân (và tài chánh) cho thơ mà không có một tham vọng chính trị hay văn học nào. Thậm chí, sau cả thập niên cố gắng, họ vẫn âm thầm làm việc trong đơn độc, có khi là đố kị, không được như những người chủ xướng nhóm Đa Đa tại Âu Châu hồi đầu thế kỷ trước, hay nhóm Xuân Thu Nhã Tập, tại Việt Nam về sau.

 

Nghiệm cho cùng, thơ và người đều có tử vi. Phan Khôi đã nổi danh với bài «Tình già» đăng năm 1932 trên Phụ Nữ Tân Văn. Ngày nay, e không báo nào đăng một bài gọi là thơ như «Tình già»; mà có đăng thì sẽ không có tiếng vang. Lỡ có tiếng vang e chỉ gây phiền hà cho tác giả. Cụ Phan dù tái sinh, e cũng đành dứt hương thề.

 

Gần đây, nhà thơ Chân Phương, trước kia cùng lò Tạp Chí Thơ có bài phê bình gắt gao trường phái Tân Hình Thức Việt Nam, cho rằng bắt chước không phải phép, biến trò vắt dòng thành một tiểu xảo máy móc thiếu suy nghĩ [9] . Theo tôi thì các nhà thơ Tân Hình Thức Việt Nam cũng “tôn trọng ước lệ và cách luật” ít nhất là trong tiềm thức. Chỉ lấy ví dụ trên Tạp Chí Thơ số 20 đã dẫn, thì bài «Giữa những dòng thơ» của Phan Tấn Hải cấu trúc chìm là thơ 5 chữ, «Con mèo đen» của Khế Iêm là thơ 6 chữ, «Mưa muộn» của Nguyễn Thị Thanh Bình là thơ 7 chữ. Có người sẽ hỏi: như vậy vắt dòng làm gì. Trả lời: vắt dòng là thành phần hữu cơ trong toàn bộ kỹ thuật Tân Hình Thức. Có khi gây hứng thú, như bài «Nụ hồng của máu» của Nguyễn Đăng Thường đã nói ở đoạn trên; mở đầu như sau:

 

Mười ngàn lẻ một đêm mưa trước

Ngày chúa bị đóng đinh trên cây

Vĩ cầm buổi trưa hôm đó có

một tia nắng khẳng khiu chiếu rọi

qua khung cửa tò vò rơi trúng...

 

 

Hứng thú vì đọc kiểu gì, vắt hay không vắt dòng, thơ vẫn hay. Như vậy, khen tác giả tài tình cũng được, chê tác giả ăn gian, bắt cá hai tay cũng xong. Anh tự sự:

 

“Bài thơ dài (dòng) vì tôi rất mong muốn với vài ba người nó sẽ là một thứ Chanson du Mal Aimé, hoặc Giây phút chạnh lòng hay Le condamné à mort của một thời kỳ, thời đại nhiễu nhương. ‘Những nụ hồng’ là một ca khúc đầy ‘âm thanh và cuồng nộ’, là thơ tình, thơ lãng mạn, thơ hài, thơ châm, thơ hiện thực, siêu thực, thơ hạng nhất, thơ hạng bét hay không thơ (tùy người đọc), là tiểu thuyết ba xu, là soap opera, là film noir, cải lương, hát bộ, TV, phim thời sự, là một tranh cắt dán hằm bà lằng, hay đầy nghệ thuật (tùy vào người xem) với những cóp nhặt từ đông tây kim cổ “ [10] (những bài thơ Nguyễn Đăng Thường nhắc đến là của Apollinaire, Thế Lữ và Genet).

 

Và hứng thú ở chỗ này nữa: Nguyễn Đăng Thường vô hình trung đã đưa ra một định nghĩa linh động và cụ thể về thơ Tân Hình Thức, mà anh không ngờ tới. Ngoài ra Tân Hình Thức không cắt đứt với truyền thống, ngược lại còn đa mang, hỗn mang hằm bà lằng quá khứ.

 

 

 

*

 

 

Cao đẹp thay dụng tâm đưa lời thường, và đời thường, vào thơ. Khốn nỗi, đời thường, ai biết là đời nào đây?

 

Cùng một chuyến Tân Hình Thức, cô Mai Ninh làm thơ trên du thuyền trên sông Nil, cô Trọng Tuyến làm thơ giữa một hội nghị khoa học tại Nhật, cô Thanh Bình ngược con đường gió trên cánh đồng xuân đến nhà ông Đinh Cường, khi ông này làm thơ trong lúc vẽ tranh tại Vỉginia; cô Ngọc Nhung làm thơ khi đi chợ đêm mua băng vệ sinh tại Quận Cam, ông Đỗ Minh Tuấn làm thơ lúc chữa ống nước tại Hà Nội, ông Đỗ Kh. vừa làm thơ, vừa làm tình rải rác đó đây trên thế giới rồi chép miệng sướng cũng chẳng có nhiều... Vậy đời nào là đời thường? Lời nào là lời thường?

 

Do đó mà thơ Tân Hình Thức ỳ à ỳ ạch. Trong thơ truyền thống, từ Nguyễn Trãi đến Xuân Diệu cách nhau năm trăm năm, câu thơ không khác nhau bao nhiêu. Giữa hai ông Lưu Hy Lạc và Phan Nhiên Hạo, cách nhau vài buổi chiều, vài con đường, sao mà Tân Hình Thức khác biệt nhau quá [11] !

 

Đó là chưa kể đến chuyện ngăn sông cách núi, rào dậu ngăn sân, tường lửa màn tre. Thơ, đầu tiên là câu hát vui chơi; về sau trở thành khẩu khí, ngôn chí của xã hội, phương tiện của quyền bính và đối tượng của quyền lực chuyên chính. Các bạn Tạp Chí Thơ, chủ yếu là Khế Iêm, trong tay chỉ có một ngọn nến. Mười mấy năm, ngày ngày thắp nến đi tìm hiệu ứng cánh bướm; Khế Iêm ý thức rõ khó khăn của thơ Tân Hình Thức, lớn nhất là không có độc giả trẻ. Lớp trẻ ở hải ngoại không đọc tiếng Việt. Còn người trong nước, ít ai biết đến thơ Tân Hình Thức, không phải vì kém giá trị nghệ thuật, nhưng vì ít được phổ biển trong một xã hội mà văn học không độc lập với quyền lực chuyên chính.

 

Trong văn chương, nghệ thuật, một xã hội tiến bộ khi chính trị là sản phẩm của văn hóa. Xã hội ngưng đọng, thậm chí tụt hậu khi văn hóa là phương tiện của chính trị. Tương lai của Thơ, trong đó có Thơ Tân Hình Thức nằm ở biên độ giữa hai tình thế này.

 

Từ Kinh Thi của Khổng Tử, từ Thi pháp của Aristote đến nay, hơn hai ngàn năm qua, chuyện Thơ nói đi nói lại đã nhàm tai. Nhưng có câu này, nghe còn sướng:

 

«Đụ mẹ, tao với mày cưa đôi trái lựu đạn. Hổng phải ngon lành gì, nhưng mà chuyện Thơ cần có một chút tâm.»

 

Câu này chỉ có thể là của Đỗ Kh., mà không nhớ chàng viết ở đâu. Tìm chàng mãi không ra để mà hỏi. Vậy Khiêm ơi, câu này cậu (mày) viết ở đâu?

 

Tết Bính Tuất, 02/02/2006

 

 

--------------------------------------------------------------------------------

[1]Tạp Chí Thơ, số 20, tr. 73, 2001, California

[2]Khế Iêm, Tân Hình Thức, tr. 35-74, nxb Văn Mới, 2003, California. Sách lý thuyết về thơ Tân Hình Thức, 180 trang.

[3]Chế Lan Viên, Tuyển tập, tr.282, nxb Văn Học, 1983, bài này trích từ tập Hái theo mùa, 1973-1977

[4]Khế Iêm, Tân Hình Thức, sđd, tr. 19

[5]Khế Iêm, Tạp Chí Thơ, tr.114, số 21, 2001, California.

[6]Mark Jarman và David Mason ấn hành, Rebel Angels, nxb Story Line Press, 1996, Oregon, tái bản 1998.

[7]Jean Ristat, Ode pour hâter la venue du Printemps, nxb Gallimard, 1978, Bản dịch Đỗ Kh. Đoản khúc để mùa Xuân đến vội, nxb Giọt Sương Hoa, 2001, London. E-mail: ndtdel@indirect.co.uk, giá 5 Euro

[8]Tạp chí Thơ, số 20, sđd, tr.75

[9]Chân Phương, Tạp Chí Văn Học, tr. 74, số 226, tháng 7- 8, 2005, California.

[10]Nguyễn đăng Thường, Tạp Chí Thơ, tr. 124, số 18 năm 2000.

[11]Cho đến hôm nay, tôi biết có ba tập Thơ Hình Thức đã xuất bản: Trong nước: Đoàn Minh Hải, Đại nguyện của đá, 2002. Tại Hoa Kỳ : Lưu Hy Lạc, 26 bài thơ Tân Hình Thức (?); Hà Nguyên Du, Gene đại dương, nxb Tạp Chí Thơ, 2003.

 

Nguồn: Bài viết này là lời Tựa cho cuốn sách song ngữ Việt-Anh sắp xuất bản: Thơ không vần - Tuyển tập Tân Hình Thức (An Anthology of Vietnamese New Formalism Poetry), Tan Hinh Thuc Publishing Club, 2006

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

Các bạn thân,

 

Ðọc những thắc mắc của các bạn, tôi thấy bạn vẫn chưa phân biết được thế nào là thơ tự do (câu dài, câu ngắn) và thơ Tân hình thức. Tôi xin ghi lại đây bài viết trên website www.thotanhinhthuc.org để các bạn tham khảo thêm nếu muốn sáng tác theo thể thơ này.

 

Khế iêm

 

CÁCH LÀM MỘT BÀI THƠ TÂN HÌNH THỨC

 

1/ New Formalism Poetry” khi dịch ra tiếng Việt bằng nghĩa đen là “Thơ Tân hình thức” đã không đúng nghĩa của thuật ngữ này. Chữ “Form” ở đây là thể thơ. “New Form” có nghĩa là dùng những thể cũ, thêm hay bớt một vài yếu tố để làm thành thể thơ Không Vần Việt Nam. (Xin đọc thêm bài “Giải hình thức” trong mục “Hỏi đáp ABC”)

 

2/ Thể thơ Không Vần (Blank Verse) nguyên là của Ý, được thơ Anh, sau đó thơ Ðức, Thơ Nga và một số ngôn ngữ trọng âm ở Âu châu tiếp nhận. Ðối với thơ Việt, chúng ta dùng kỹ thuật lập lại và vắt dòng chuyển tất cả những thể thơ có vần như lục bát, 5, 7, 8 chữ thành những thể thơ không vần (Xin đọc những bài thơ mẫu và bài “Thơ tân hình thức đọc” trong mục “Âm thanh đọc”).

 

3/ Ðưa ngôn ngữ thường ngày vào các thể thơ lục bát không vần, năm chữ không vần, bảy chữ không vần và tám chữ không vần để làm thành thi pháp đời thường. Mục đích là đưa đời sống vào trong thơ, khác với những dòng thơ cũ như vần điệu và tự do, có khuynh hướng xa lìa đời sống thực tại.

 

4/ Áp dụng tính truyện, để tạo nên ý tưởng liền lạc trong thơ.

 

5/ Cái hay của thơ không nằm nơi những con chữ khó hiểu hay bóng bảy như trong thơ vần điệu và tự do cũ mà nằm nơi ý tưởng, nghệ thuật diễn đạt và tiết tấu bài thơ.

 

6/ Một vài nhà thơ đã dùng dòng 10 chữ (10 âm tiết, theo thơ tiếng Anh), điều này cũng không đúng với hơi thở của người Việt vì dòng thơ 10 âm tiết chỉ phù hợp với người phương Tây, có hơi dài hơn. Cách tốt hơn hết, chúng ta cứ dùng lại các thể thơ Việt, tự nhiên và đã chuẩn với hơi nói của người Việt.

 

Ðể tìm hiểu rõ hơn, xin quí thân hữu và bạn đọc tham khảo thêm hai tác phẩm “Tân Hình Thức, Tứ Khúc và Những Tiểu Luận Khác” và “Tiểu Luận Dịch Tân Hình Thức” trong mục “Tiểu luận” trên Website: www.thotanhinhthuc.org.

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

Join the conversation

You can post now and register later. If you have an account, sign in now to post with your account.

Khách
Trả lời chủ đề này...

×   Bạn vừa dán nội dung có định dạng.   Paste as plain text instead

  Only 75 emoji are allowed.

×   Your link has been automatically embedded.   Display as a link instead

×   Your previous content has been restored.   Clear editor

×   You cannot paste images directly. Upload or insert images from URL.

Đang xử lí...

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This is an example of a list.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

×
×
  • Create New...