Jump to content
nguyetthao

Về 100 bài thơ hay nhất . . .

Recommended Posts

* Bài của nhà phe bình Phạm Xuân Nguyên

 

 

 

 

Phạm Xuân Nguyên

Danh xưng một tuyển thơ

 

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 5 (2007), báo chí đưa tin: Cuộc thi tuyển chọn 100 bài thơ Việt Nam hay nhất thế kỷ XX do Trung tâm Văn hóa Doanh nhân và Nhà xuất bản Giáo dục phối hợp tổ chức trong hai năm đã kết thúc. Buổi lễ tổng kết cuộc thi này đã diễn ra vào đêm Nguyên tiêu tại Văn Miếu (Hà Nội) và được truyền hình trực tiếp trên VTV1. Danh sách 100 bài thơ được tuyển chọn đã được công bố và in thành sách. Tôi có đôi điều bàn về danh xưng của sự tuyển chọn này.

 

 

1.

 

Trước hết là danh xưng “Việt Nam” trong tên gọi cuộc thi tuyển chọn. Chúng ta hiểu thơ Việt Nam thế kỷ XX là của người Việt làm ra dù ở bất cứ đâu, trong bất cứ thời điểm nào của trăm năm vừa qua. Ban tổ chức cuộc thi không hạn định không gian địa lý vùng miền của hai tiếng “Việt Nam” này, cho nên thơ chọn ở đây phải được hiểu là tất cả thơ của người Việt làm ra trong thế kỷ XX ở trên lãnh thổ Việt Nam và ngoài lãnh thổ Việt Nam, làm ra trong thời kỳ đất nước thuộc địa và đất nước độc lập, đất nước phân chia và đất nước thống nhất. Nhìn vào danh sách 100 bài thơ được tuyển chọn ta không thấy điều này. Danh xưng “Việt Nam” ở đây đã bị thu hẹp rất nhiều. Như vậy là danh không chính.

 

 

2.

 

Trong 100 bài thơ được chọn thì 99 bài là thơ tiếng Việt, 1 bài là thơ tiếng Hán. Không biết khi tiến hành cuộc thi, ban tổ chức có định nghĩa thơ Việt Nam thế kỷ XX là thơ do người Việt viết bằng tiếng Việt và bằng tiếng nước ngoài hay không. Tôi tin là không có quy định đó vì nếu đề ra như vậy thì bất khả thi. Mà đã không có quy định đó thì sự tuyển chọn một bài này đã là phạm quy, phạm luật thơ. Và là sự bất nhất. Bất nhất giữa tiếng Việt và tiếng ngoại quốc. Bất nhất giữa lãnh tụ và thi nhân. Bất nhất giữa chính trị và thơ ca. Sự bất nhất này còn bị đẩy lên khi bài đó phá trật tự bảng chữ cái tên tác giả để đứng đầu danh sách. Thơ ca đòi hỏi được đối xử với tư cách thơ ca. Nhà thơ Hồ Chí Minh có thể có bài được chọn, nhưng không phải là bài chữ Hán, và đứng tên trong danh sách theo đúng thứ tự tên mình. Danh như vậy cũng là không chính.

 

 

3.

 

Giả sử hai điều danh trên đây là chính, tức là tiêu chí tuyển chọn 100 bài thơ Việt Nam hay nhất thế kỷ XX là: 1) thơ của người Việt làm ra dù ở bất cứ đâu, trong bất cứ thời điểm nào của trăm năm vừa qua; và 2) thơ do người Việt viết bằng tiếng Việt và bằng tiếng nước ngoài, thì những người tham gia cuộc thi, và cả ban tổ chức, sẽ không thể có đầy đủ dữ liệu cho sự tuyển chọn của mình. Hoàn cảnh lịch sử của Việt Nam một trăm năm qua cho đến bây giờ chưa có điều kiện cho người đọc thơ được tiếp cận nhiều nguồn thơ của người Việt đến từ nhiều phía khác nhau. Cho nên dễ hiểu là trong 100 bài thơ được chọn thì chủ yếu là của các tác giả trước 1945 và sau 1975, và số lượng chính là các tác giả ở miền Bắc. Nhìn vào kết quả tuyển chọn thì có thể đoán biết thành phần người dự thi và phạm vi đọc của họ. Nhưng đó không phải lỗi của họ.

 

 

4.

 

Trong văn học nghệ thuật, ý kiến của công chúng là quan trọng nhưng không phải quyết định. Tại các liên hoan nghệ thuật, giải của khán thính giả bầu chọn không thể thay thế giải của ban giám khảo. Ban giám khảo là giới chuyên môn, là những người có thẩm quyền và trình độ để bình chọn và bảo đảm cho chất lượng sự bình chọn đó bằng thẩm quyền và trình độ của mình. Như gần đây báo chí vừa đưa tin 20 tiểu thuyết hay nhất mọi thời đại của thế giới là được bình chọn bởi một hội đồng thẩm định gồm 125 trí thức của nhiều nước do Italia đứng ra tổ chức. Cố nhiên, mọi sự bình chọn đều không tránh khỏi phiến diện, chủ quan, nhưng sai số của giới chuyên môn có thể ở mức tương đối thấp. Ở Mỹ, có đại tuyển tập Những bài thơ cho thiên niên kỷ (Poems for the Millennium) tập hợp 350 nhà thơ thế kỷ XX do Jerome Rothenberg và Pierre Joris tuyển chọn. Cũng ở Mỹ, từ 1988 hàng năm có tuyển thơ Mỹ hay nhất trong năm (Best American Poetry), mỗi năm do một nhà thơ đứng ra tuyển chọn, và mỗi tập nhất thiết phải có bài giới thiệu của người tuyển chọn nói rõ quan điểm và nhận định của mình về thơ trong năm.

 

Cuộc tuyển chọn 100 bài thơ Việt hay nhất thế kỷ XX, như kết quả cho thấy, là cuộc tuyển chọn của một bộ phận công chúng. Và như vậy, cùng với những điều trên, thơ được gọi là “hay nhất” trong tập này chỉ là tương đối ở cuộc này mà thôi, theo cách làm này mà thôi. Nhưng để gọi là “thơ Việt hay nhất thế kỷ XX” thì là thậm xưng, là vội vã và tùy tiện.

 

 

5.

 

Các nhà thơ có tác phẩm được chọn ở đây có niềm vui của họ. Họ không dự phần trách nhiệm vào một cuộc tuyển chọn mà danh xưng chưa chính như cuộc này, dù có thể có người lương tâm áy náy và băn khoăn khi đặt mình trong tương quan thơ Việt nói chung thế kỷ XX. Tôi tôn trọng các nhà thơ. Tôi tôn trọng những bình chọn của công chúng trong phạm vi khả năng đọc của họ. Họ không có nhiều lựa chọn. Cả nền thơ Việt miền Nam thời kỳ 1954-1975 họ chưa biết. Cả nền thơ Việt hải ngoại từ 1975 họ chưa biết. Cả một bộ phận thơ chìm bóng lâu nay họ chưa biết. Ai cũng rõ là càng nhiều khả năng lựa chọn thì càng khó lựa chọn. Điều chưa thỏa đáng ở đây là ở ban tổ chức. Họ có ý tốt đối với thơ Việt, nhưng kết quả chưa được như điều họ muốn. Thay vì có thể gây ngộ nhận và hiểu nhầm bằng tên gọi to tát mà danh chưa xứng với thực, họ hãy gọi đúng tên nó là một cuộc thi và danh sách đưa ra là kết quả của cuộc thi đó. Tập thơ chọn in ra cũng nên đề rõ như vậy. Điều đáng buồn là ngay từ đêm Nguyên tiêu ấn tượng để lại cho người yêu thơ về cuộc này là... phản thơ.

 

Hà Nội 8/3/2007

 

(trich từ Talawas )

 

 

Bài của nhà thơ Thanh Thảo

 

 

Thanh Thảo

Về “100 bài thơ hay nhất thế kỷ 20 của Việt Nam”: Nhập nhằng giữa danh và thực

 

Không thể phủ nhận, trong 100 “bài thơ hay nhất thế kỷ 20” được “độc giả của Trung tâm Văn hoá Doanh nhân (TTVHDN)” bầu chọn, có rất nhiều bài thơ hay, nhiều tác gia thơ lớn, nhiều nhà thơ Việt Nam nổi tiếng.

 

Theo tôi, cái “phần cứng” ấy chọn không khó, dù có thể với những thành phần độc giả này thì bài thơ này là hay, còn với thành phần độc giả khác thì lại là bài thơ khác, của ngay cùng một tác giả. Vì thế mới có chuyện, nhà thơ Hữu Loan được bầu chọn bài thơ “Đèo Cả” chứ không phải bài thơ “Màu tím hoa sim” đã đi vào bất tử. Có thể, tôi thấy bài “Đèo Cả” có kỹ thuật thơ cao hơn, nhưng bài “Màu tím hoa sim” ngoài khả năng “phủ sóng” cực rộng của nó, còn mang một nỗi ám ảnh khôn nguôi của cả dân tộc Việt về chiến tranh, về những bi kịch trong chiến tranh. Điều đó lý giải vì sao bài “Màu tím hoa sim” ngay từ khi đất nước còn bị chia cắt, đã được độc giả cả hai miền Bắc-Nam cùng yêu thích. Thậm chí, độc giả miền Nam còn thuộc bài thơ này nhiều hơn cả độc giả miền Bắc. Vậy thì vì cớ gì nó lại không được “độc giả của TTVHDN” bầu chọn? Hay những thành phần độc giả này thuộc về một “kênh” khác với những độc giả thơ Việt bình thường khác?

 

Chỉ qua một trường hợp như thế, người ta đã thấy có gì chưa ổn ở cuộc bầu chọn này. Vì thế, có lẽ, khiêm tốn và hợp lý hơn là không nên quá tự tin khi tung ra cái tít “100 bài thơ hay nhất thế kỷ 20 của Việt Nam”. Chính cái tiêu đề này dễ làm độc giả đọc thơ bình thường, khi đọc tuyển thơ này do NXB Giáo Dục xuất bản, cứ ngỡ mình đang đọc đúng 100 bài thơ “hay nhất thế kỷ”. Những bài thơ khác, những tác giả khác không có trong tuyển thơ này dễ bị hiểu nhầm là nằm ngoài “top 100”, nghĩa là không đọc cũng chẳng sao, không biết tới cũng chẳng hề gì, vì đều thuộc “top 200” hay “top 300” gì đó. Chính cái tiêu đề đậm chất “quảng cáo” này đã tạo nên sự nhập nhằng không đáng có. Phiền hơn, nó có thể khiến những nhà thơ đáng kính được tuyển vào đây, nếu còn sống, sẽ rất băn khoăn: không biết bài thơ được “bầu chọn” của mình có thật là 1 trong 100 bài thơ hay nhất của thơ Việt thế kỷ 20 không? Đột nhiên được nhận một vinh hạnh lớn quá cũng thấy “lạnh lưng” chứ. Nhất là cách bầu chọn chưa thật rõ ràng: liệu bài thơ của mình được bao nhiêu người bầu chọn đây? Nếu đây chỉ là cuộc “bầu cho vui” thì chẳng sao. Còn khi nó được vinh danh ngay trong “Ngày Thơ Việt Nam”, rồi lại được in thành sách bởi NXB “số 1 Việt Nam” về số lượng bản in (tirage), lại được đưa thẳng về các nhà trường trong cả nước để học sinh dùng làm sách “gối đầu giường tham khảo”, thì chuyện có thể chuyển sang một hướng khác mất rồi.

 

Bây giờ, không như thời bao cấp, việc tuyển thơ tuyển văn không còn là việc độc quyền của nhà xuất bản hay của Hội Nhà văn. Cá nhân hay nhóm bây giờ đều có thể đứng ra làm tuyển tập, đều có thể tuyển thơ văn theo quan điểm và tiêu chí riêng của mình. Tôi có đọc một số tuyển thơ của Mỹ, quan điểm tuyển chọn của họ khác nhau, những nhà thơ được chọn cũng khác nhau, có người được chọn trong tuyển này nhưng vắng mặt trong tuyển kia. Có những nhà thơ rất nổi tiếng cũng không có mặt trong một số tuyển thơ. Nhưng nhất thiết, tên người hoặc nhóm người đứng ra tuyển chọn thì không được phép “ẩn danh”. Tên họ phải xuất hiện ngay trang bìa. Và họ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về sự chọn lựa của mình. Còn ở tuyển thơ “100 bài thơ hay nhất thế kỷ…” này, chắc chắn tên người chọn sẽ không được đưa ra, dù một số người bình chọn đã được “chọn” để trao tặng thưởng hay giải thưởng gì đó. Lấy danh nghĩa “độc giả bầu chọn”, một danh nghĩa khá mù mờ để in ra một tuyển thơ với tiêu đề “nhớn” đến như thế, tôi cho là hơi bị… liều. Chọn thơ hay khác với chọn hoa hậu hay ca sĩ triển vọng. Đừng thấy người ta ăn khoai mình cũng vác mai đi đào như thế, coi không tiện.

 

Tin giờ chót: Theo tin chúng tôi mới nhận được từ các nhà thơ ở Hà Nội thì tuyển tập thơ này đã được NXB Giáo Dục in và phát hành với rất nhiều lỗi morasse và tệ hơn, là đã vi phạm luật bản quyền vì không hề xin phép các tác giả có thơ được tuyển chọn.

 

(Ghi chú của talawas: Bài thơ “Dấu chân qua trảng cỏ” của nhà thơ Thanh Thảo, tác giả bài viết này, cũng có mặt trong tuyển tập Một trăm bài thơ hay nhất thế kỷ 20.)

 

(trich từ Talawas )

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

Cái dzụ "100 bài..." này tui thấy mấy ổng hơi bị cẩu thả ! Một kết quả thử nghiệm có chính xác và tin cậy hay không phụ thuộc rất nhiều vào thiết bị thử nghiệm phương pháp thử! Thế nhưng mấy ổng lại đưa ra kết quả mà mơ hồ về 2 yếu tố quan trọng nhất này. Tui thường đọc các kết quả thử nghiệm, nhưng nếu gặp một kết quả mà không thể hiện cụ thể thiết bị thử nghiệm phương pháp thử là tui cho là không có cơ sở xem xét, và kết quả đó không có ý nghĩa gì cả! Nói Như vậy không phải tui phủ nhận 100% kết quả "100 bài ..." này, nhưng tui nói rằng kết quả này phải thể hiện được những ai đã tham gia bình chọncách thức bình chọn như thế nào thì giá trị của kết quả được đánh giá qua 2 thông tin đó, tui nói mấy ổng công bố hơi bị cẩu thả, đó là chưa nói đến việc có phải là bình chọn trong những bài đã lựa ra từ trườc hay không, hơi nghi ngờ về cách thức bình chọn ! Một kết quả rất quan trọng cần phải làm bài bản và công bố đầy đủ về người bình chọn, cách thức bình chọn thì mới tin được giá trị!

 

Note: Post rồi, nhưng sửa lại chút cho dễ coi hơn!

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

Đây là bài viết của tác giả Lê Xuân đã giới thiệu trên Thơ Trẻ

 

Đã chọn đúng 100 bài thơ VN hay nhất thế kỷ XX?

 

Sau khi Thơ Trẻ đăng tin "100 bài thơ hay nhất VN thế kỷ 20", chúng tôi đã nhận được ý kiến của tác giả Lê Xuân xung quanh cuộc bình chọn này...

 

Cuộc thi bình chọn 100 bài thơ hay nhất ở thế kỷ XX được phát động từ đầu năm 2005 do Trung tâm Văn hóa doanh nhân và Nhà xuất bản Giáo dục phối hợp tổ chức, đã được công bố kết quả vào đêm Thơ Nguyên tiêu 2007 tại Hà Nội.

 

Là một người yêu thơ, và giảng dạy thơ hơn 40 năm, tôi rất hoan nghênh cuộc bình chọn này và xin có thêm vài thiển ý.

 

Một là: Việc chỉ chọn 100 bài thơ của cả một thế kỷ là quá ít. Tôi thấy thật tiếc khi nhiều bài thơ hay của các tác giả khác đã được công chúng bấy lâu yêu thích lại vắng mặt.

 

Ví như Từ ấy của Tố Hữu, Tre Việt Nam của Nguyễn Duy, Quê hương của Đỗ Trung Quân, Hương thầm của Phan Thị Thanh Nhàn, Màu tím hoa sim của Hữu Loan, Thời hoa đỏ của Thanh Tùng, Viếng Lăng Bác của Viễn Phương, Dáng đứng Việt Nam của Lê Anh Xuân, Ngày và đêm của Bùi Công Minh, Sợi tóc của Phạm Đình Ân…

 

Tôi có cảm giác có sự bình quân cho một số nhà thơ được chọn, mỗi người một bài, như kiểu chia phần. Bài thơ chắc gì đã tiêu biểu cho phong cách, thi pháp của nhà thơ đó.

 

Tiêu chí của cuộc thi là lấy số đông yêu thích những bài thơ nhưng số đông ở đây là ai? Không ai phủ nhận số đông, nhưng liệu số đông ấy đã thật tiêu biểu cho những người biết thẩm định thơ hay chưa?

 

Thơ “hay” khác với thơ “yêu thích”. Có thể một số bài thơ của Bút Tre có nhiều người yêu thích nhưng chưa chắc đã hay? Có những bài thơ Đường hay nhưng chắc gì có nhiều người yêu thích?

 

Đó là chưa kể một câu hỏi phụ của Ban giám khảo để định giải là “Có bao nhiêu người đồng ý với cách chọn của bạn?”. Giống cuộc đố vui.

 

Vấn đề là tiêu chí về nội dung, nghệ thuật bình chọn ở đây là gì? Lại cần có một đội ngũ có trình độ phân tích, đánh giá. Còn số đông yêu thích chỉ là một yếu tố để xem xét.

 

Không phải lúc nào chân lý cũng thuộc về số đông. Tôi thấy trong số 100 bài mà Ban tổ chức cuộc bình chọn cho là hay nhất ấy, có những bài chỉ ở mức trung bình, và biết đâu nhiều bạn đọc đồng tình với tôi.

 

Hai là: Tuy việc đã rồi, sách đã in nhưng theo tôi vẫn còn cách bổ sung. Đó là tiếp tục chọn 100 bài thơ hay nữa của tác giả khác, hoặc thay bài thơ hay hơn của tác giả đã được bình chọn… qua sự thẩm định một Hội đồng thơ, mà theo tôi nên giao cho Tiểu ban Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam hoặc một nhà xuất bản.

 

Cũng có thể chọn tên khoảng vài trăm bài thơ tạm gọi là hay, đăng lên báo để lấy ý kiến bạn đọc, rồi Ban tổ chức sẽ chọn lại. 100 bài thơ chọn lần hai này sẽ in thành tập II (100 bài đã công bố là tập I).

 

Làm được như vậy sẽ thoả mãn phần nào sự ngưỡng mộ thơ của số đông công chúng yêu thích thơ và sự đánh giá thơ đúng với tiêu chí của nó đối với những người hiểu sâu sắc về thế nào là thơ hay?

 

Bởi vì như đã trình bày ở trên có thể bài thơ hay được nhiều người yêu thích, song cũng có bài thơ người ta yêu thích nhưng chưa hẳn đã hay.

 

Qua công bố của nhà thơ Bằng Việt về việc xét trao thưởng cho những bạn có bài dự thi, dự đoán đúng những bài thơ hay, thì không có giải Nhất, Nhì, mà chỉ có duy nhất một giải Ba, một số giải Khuyến khích và Tặng thưởng.

 

Qua đó cũng thấy rằng thơ là món ăn tinh thần, không phải lúc nào cũng hợp khẩu vị của số đông. Việc làm trên của Ban tổ chức cuộc thi là nhằm tôn vinh thơ Việt Nam, khẳng định truyền thống yêu thơ của dân tộc ta, cần ủng hộ.

 

Tiếc là các yếu tố thẩm định thơ hay chưa hội đủ, nên chưa đạt được mục đích như mong muốn mà có thể còn phản tác dụng.

 

Lê Xuân

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

Việc lựa chon thơ hay hay không hay phải do các nhà thơ và quảng đại quần chúng, nhưng họ không làm vậy nghe đâu do mấy ông doanh nghiệp thừa tiền bỏ ra rồi họ bình chọn. Giống như đêm nguyên tiêu ấy tưởng họ đọc 100 bài thơ hay nhất và do các nhà thơ chọn. song lại ko phải mà việc chọn lại do mấy ông bà doanh nhân, lấy tiền để ngửi thơ thì sao thơ ko bốc mùi được

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

Tiêu chí nào để công nhận đó là một bài thơ hay nhỉ? Vì sao thơ của người bình thường dẫu có hay cũng không được dánh giá và công nhận như thơ của các nhà thơ?

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

Có ai post 100 bài thơ nói trên lên mạng, nhờ chỉ giùm link. Cám ơn nhiều.

 

GC: Nếu thotr.com có đăng được càng tốt.

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

Join the conversation

You can post now and register later. If you have an account, sign in now to post with your account.

Khách
Trả lời chủ đề này...

×   Bạn vừa dán nội dung có định dạng.   Paste as plain text instead

  Only 75 emoji are allowed.

×   Your link has been automatically embedded.   Display as a link instead

×   Your previous content has been restored.   Clear editor

×   You cannot paste images directly. Upload or insert images from URL.

Đang xử lí...

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This is an example of a list.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

×
×
  • Create New...