Jump to content

Recommended Posts

 

 

 

 

     

Sinh thời, có lần thi sĩ Phạm Tiến Duật nói: Trong làng thơ Việt Nam có khá nhiều người có những câu thơ hạng nhất. Rồi ông đọc: “Anh nhớ em như đông về nhớ rét”; “Cây cứ biếc như vặn mình mà biếc/ Trời cứ xanh như rút ruột mà xanh”. Câu đầu của Chế Lan Viên. Hai câu sau của Thi Hoàng. Với bản thân mình, tôi ví những câu thơ như thế như là những cái đinh đóng vào trí nhớ người đọc. Và cứ đọc lên, dù chỉ một lần, là nhớ mãi, nhớ dai dẳng.

 

 

Thỉnh thoảng, tôi vẫn đọc cho bạn bè nghe những câu thơ của nhiều tác giả mà tôi đã lưu lại qua nhiều năm tháng trong bộ nhớ của mình. Chúng sống dai dẳng trong tôi, ám ảnh tôi, khơi gợi cho tôi những khoảng trống về mặt ý tưởng, về sự trải nghiệm, về triết lý sống, về khoảnh khắc bừng rộ của tâm trạng và về nhiều cái khác mà chỉ trong thơ mới có. Chúng vừa giản dị (không phải đơn giản) vừa  sâu sắc.

 

Có thể làm liệt kê: “Cùng một lứa bên giời lận đận” (Bạch Cư Dị); “Anh là hạt bụi mà mỗi buổi sớm mai/ Mẹ em quét anh ra khỏi sân/ Nhưng anh lại kiên nhẫn bay vòng trở lại” (Aragông); “Làm kẻ ác khó nhọc vô cùng” (Bertolt Brecht); “Bất toàn là đỉnh cao” (Yves Bonnefoy); “Biển trăm ngả có ngả nào trùng lặp/ Anh có thể về, anh cũng có thể không” (Evtushenko); “Đưa người ta không đưa sang sông/ Mà sao thấy sóng ở trong lòng” (Thâm Tâm); “Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận/ Chẳng biết xa lòng có những ai” (Phạm Hầu); “Những người yêu nhau không có kinh nghiệm gì” (Hữu Thỉnh); “Cứ ước thành đom đóm/ Vừa bay vừa giật mình” (Trần Ninh Hồ); “Chợt ngẫm thấy trẻ con là giỏi nhất/ Làm được buổi chiều rất giống ban mai” (Thi Hoàng); “Giọt sương chỉ thấm trên môi má hồng” (Hữu Ước); “Tháng hai thả một cánh bướm thăm dò” (Nguyễn Quang Thiều); “Cháu đi rồi, ông thấy nghèo biết mấy” (Nguyễn Khắc Vinh); “Người lớn nghèo lắm chẳng có gì” (Trần Tiến); “Cả rừng lau trắng/ trôi/ không luân hồi” (Mai Quỳnh Nam); “Chết - một cách gọi khác của sự sống” (Từ Quốc Hoài)…

 

Có khi, trong trí nhớ của mình, tôi còn có trọn vẹn cả một bài thơ của Apollinaire:

Cầu cho có được trong nhà

Một người đàn bà biết lẽ phải

Giữa đống sách một chú mèo đi qua

Bạn bè thì bốn mùa

Nếu không thế làm sao ta sống nổi.

Hoặc trọn vẹn cả một bài thơ của Bertolt Brecht:

Nếu hòn sỏi biết nói, hòn sỏi sẽ nói:

Nếu ném tôi lên trời, tôi sẽ rơi về đất

Nếu chiếc lá biết nói, chiếc lá sẽ nói:

Nếu tôi rụng, tôi sẽ rơi về đất

Nhưng nếu một cô gái hẹn anh tối nay đi chơi thì anh đừng vội tin

Vì đấy không phải là quy luật của tự nhiên.

Tất nhiên, Bertolt Brecht không chỉ có vậy. Có một bài thơ viết về tình yêu của ông kiệm lời không thể kiệm lời hơn được nữa và sâu sắc cũng không thể sâu sắc hơn được nữa:

Em không có điểm yếu

Tôi có điểm yếu:

Yêu em

 

Đó là những câu thơ, tôi nhớ chính xác. Bên cạnh đó, vẫn có những câu thơ tôi vẫn nhớ, nhưng không hiểu tại sao lại tự mình “biên tập” lại từ trong cõi vô thức của mình. Rất nhiều lần, tôi muốn sửa cái cố tật này của mình mà vẫn không tài nào sửa nổi.

 

21_nhung-xuan2013-400.jpg Minh họa: Hữu Khoa.

 

Thi sĩ Nguyễn Bính có câu: “Một mình làm cả cuộc phân ly”, tự  nhiên, tôi lại nhớ thành: “Một mình làm cả cuộc chia ly” (chữ “phân” bị “sửa” thành chữ “chia”). Thi sĩ Hồng Thanh Quang có  câu: “Một mình ta đã quá chật ta rồi”, tự  nhiên, tôi lại nhớ thành: “Một mình ta đã đủ chật ta rồi” (chữ “quá” bị “sửa” thành chữ “đủ”)…

 

Không biết nguyên bản thế nào, cho dù đã đọc cách nay trên 40 năm, nhưng cho đến giờ tôi vẫn (bằng trí nhớ) không quên những câu thơ đáng yêu trong Cửa mở của Việt Phương:

Ta đi yêu người ta yêu nhau

Người ta cũng là ta khác đâu

Gió ơi gió hãy vừa đủ lạnh

Cho những lứa đôi chụm mái đầu.    

Nhà thơ Pablo Neruda (Giải thưởng Lênin 1953, Giải thưởng Nobel 1971) có bài thơ Bài ca vềSantiago cực hay, hai câu mở đã ấn tượng:

Đừng dứt tôi ra khỏi thành phố đã nuôi tôi 

Chiếc nôi ru tôi từ thời thơ ấu…

Nhưng hai câu kết còn ấn tượng hơn:

Có thể nhớ về Santiago không có tôi trong đó

Nhưng không thể nhớ về mình mà không có Santiago. 

Trong bài thơ này có một đoạn: 

Mùa hương của Santiago không thể mất

Mùi thơm hắc của dây leo

Bị xéo chết trên những ngã tư

Nhưng chết đến tận cùng vẫn không chết được

Chúng bám sâu trong đất

Cho đến những ngọn khô gầy, vươn tới nơi héo hắt

Cũng nở lên thành chồi biếc những ngôi nhà…

Tự nhiên, tôi lại nhớ thành:

Chết đến tận cùng cũng không chết được

Và trên tảng đá kia lại nảy một bông hồng.

Nhà thơ Wislawa Szymborska (Giải thưởng Nobel năm 1996), có bài thơ đặc sắc Dưới một vì sao. Trong bài thơ có đoạn:

 

Tôi xin lỗi thân cây bị đốn bởi bốn chiếc chân giường

Tôi xin lỗi những câu hỏi lớn lao vì những câu trả lời vụ vặt…

Tôi xin lỗi tất cả vì tôi không có mặt ở muôn nơi

Tôi xin lỗi mọi người và tôi không biết trở thành từng người…

Tự  nhiên, tôi lại nhớ thành:

Tôi xin lỗi cái cây vì người ta chặt mày đi chỉ vì bốn cái chân giường

Tôi xin lỗi một người ở châu Phi thiếu nước mà tôi lại sử dụng nước quá ư thoải mái

Tôi xin lỗi một người không quen biết vừa mất mà tôi lại mua hoa mang về nhà

Nhà thơ Chế Lan Viên (Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt đầu tiên) có bài thơ Đề tài(trong Chế Lan Viên toàn tập). Nguyên văn:

Những nhà thơ bỏ các đề tài khoáng đạt

Về trong phòng còn ngột ngạt

Như con hổ đại ngàn

Hoá chú mèo con

Xưa đến thác rừng uống những vầng trăng

Nay liếm miếng thịt con trong bát

Và thiên hạ thấy chú lấy tiếng meo meo làm tiếng hát

Thay cho những tiếng gầm náo động không gian.

Tự  nhiên, tôi lại nhớ thành:

Những nhà thơ tuổi hổ

Lại nghĩ mình phận mèo

Đã liếm cá trong đĩa

Lại còn kêu meo meo.

 

Chả hiểu tại sao, bài thơ viết ở thể tự do của Chế Lan Viên có tới 8 câu với 60 từ mà qua tôi, chỉ còn là một bài thơ tứ tuyệt với 4 câu và 20 từ không hơn không kém. Và bài thơ “tự nhiên tôi nhớ thành” này, đã đăng trên Báo Văn nghệ cách nay dăm năm trong một bài viết có liên quan đến thơ của tôi hẳn hoi.

Cũng có những câu thơ, tôi không nhớ của tác giả nào, vậy mà có một lần, một người bạn của tôi thời sinh viên đọc lên là tôi nhớ như “khắc cốt ghi tâm”:

 

Lá đa lác đác trước lều

Và ba vệt máu loang chiều mùa đông.

Đọc xong hai câu lục bát này, anh bạn tôi bình phẩm: Chỉ có 14 chữ mà mô tả được đến mấy cái chết một lúc thì tài thật!

Hay như thời đi học phổ thông, có một thầy giáo đọc hai câu ca dao, mà tôi nhớ ngay. Về mặt ý tưởng, hai câu này còn hiện đại và có giá trị hơn nhiều bài thơ của một số nhà thơ sau này:

Cuộc đời là cuộc đời đi

Nếu mà dừng lại là đi cuộc đời    

Chữ “đi” đầu, nói về sự vận động. Chữ “đi sau, nói về cái chết. Cuộc đời mà không vận động, chắc chắn là cuộc đời chết hoặc sống cũng như chết. Ngẫm thấy thật chí lý.

Thuở thiếu thời và ngay cả khi đã trưởng thành, tôi đặc biệt thích những trang sách viết về chiến tranh của Rơmác. Một số tác giả nước ngoài viết về chiến tranh, cũng từng mê hoặc tôi. Rồi không biết tự bao giờ, tự nhiên  trong đầu tôi bật lên một bài thơ viết về một người mẹ khóc con chết trận có tên Lời một người mẹ có con chết trận. Và đối với người mẹ này, dù có thế nào thì cũng vẫn là may.

 

Bài thơ có mấy câu rất văn xuôi như thế này:

May quá!

Sau trận đánh này

Con tôi không bị thương.

May quá! 

Sau trận đánh này

Con tôi không chết.

May quá!

Sau trận đánh này

Con tôi chết nhưng mang được xác về…

Năm ngoái, trong dịp tiếp xúc với một số nhà văn cựu chiến binh Mỹ ở Hà Nội, tôi đã đọc bài thơ này và không chưa bao giờ tôi nghĩ mình là tác giả. Rất có thể những trang viết về chiến tranh của một số nhà văn nước ngoài, đặc biệt là Rơmác đã ngấm vào tôi một cách vô thức và trở thành thơ tự bao giờ...reddot.gif

 

  Đặng Huy Giang

 

 

Nguồn: CAND

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

Join the conversation

You can post now and register later. If you have an account, sign in now to post with your account.

Khách
Trả lời chủ đề này...

×   Bạn vừa dán nội dung có định dạng.   Paste as plain text instead

  Only 75 emoji are allowed.

×   Your link has been automatically embedded.   Display as a link instead

×   Your previous content has been restored.   Clear editor

×   You cannot paste images directly. Upload or insert images from URL.

Đang xử lí...

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This is an example of a list.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

×
×
  • Create New...