Jump to content
Nguyễn Bảo Sinh

THIỀN NHÂN DƯỜNG NHƯ DƯỜNG NHƯ THIỀN NHÂN

Recommended Posts

THIỀN NHÂN DƯỜNG NHƯ DƯỜNG NHƯ THIỀN NHÂN

Phật Tổ Như Lai khi đánh giá một vấn đề chỉ dậy là “dường như đúng”. Ngay như kinh, Phật cũng chỉ cho là dường như đúng. Phật dậy: “49 năm giảng đạo, ta không nói một lời nào”. Sao vậy? Vì theo Phật: lý của vũ trụ không lời, ai nói đúng cái lý của vũ trụ là vô ngôn:

“Lý của vũ trụ không lời

Sách là sai đúng của người viết ra

Không sách ta chẳng thành ta

Không xé sách cũng không ra con người”

Sách cũng như vỏ trứng, không có vỏ trứng không có gà con, không phá vỡ vỏ trứng cũng không có gà con, nên: “Y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan”, nhưng nếu: “ly kinh nhất tự tất đồng ma thuyết”.

Gớt – nhà thơ, nhà triết học Đức – viết: “Mọi lý thuyết đều xám nghoét, chỉ có cây đời là mãi mãi xanh tươi”.

Tất cả mọi lời nói không thể diễn tả hết được hiện thực, lời như ngón tay chỉ cho ta thấy mặt trăng, nhưng lời không phải là mặt trăng. Phật dậy: “Lời dẫn ta tới chân lý, nhưng lời không phải là chân lý, nhiều khi lời lại che cả ánh sáng của tâm”.

Khi sơ tổ Bồ Đề Đạt Ma nhận Huệ Khả làm nhị tổ thiền, vì Hụê Khả đã thể hiện nhất tâm bất loạn theo thiền, bằng cách tự chặt một cánh tay của mình để mong được Đạt Ma an tâm cho mình. Đạt Ma bảo Huệ Khả đưa tâm ra để Đạt Ma an định. Huệ Khả thưa:

- Con không biết tâm ở đâu cả.

Đạt Ma dậy:

- Ta đã an tâm cho con rồi!

Sau đó, Đạt Ma hỏi vì sao mà Huệ Khả lại chặt một cánh tay tỏ tâm thiền và để được Đạt Ma sư tổ nhận làm đệ tử? Hụê Khả không trả lời. Đạt Ma gặng hỏi, Hụê Khả im lặng. Đạt Ma gặng hỏi tiếp, Hụê Khả gượng trả lời:

- Con không dám nói, vì không lời nào có thể diễn tả hết tâm thiền của con. Tất cả mọi lời nói chỉ dường như đúng mà thôi!

Hiện hữu là chân lý toàn thể, lời chỉ diễn tả được chân lý bộ phận. Cho nên, thiền nhân hiểu được mọi lời nói chỉ là dường như đúng. Do đó, thiền nhân chỉ dám nói về vạn pháp là dường như, dường như thế này, dường như thế kia…

Từ chỗ cho rằng lời nói của mình là chắc chắn đúng, đến khi nhận được lời nói chỉ dường như đúng có khi phải mất vài chục năm may ra mới ngộ được chân lý: dường như. Các cụ già, những người ngộ đạo thường mũ ni che tai, càng ngày càng ít nói. Thậm chí, họ vào nơi rừng hoang núi vắng làm ẩn sỹ, vì họ hiểu được mọi lời nói của họ cũng chỉ dường như đúng. Lão Tử viết: “Người biết thì không nói, người nói thì không biết”. Mọi sự, mọi việc đều duyên ai phận nấy, hoạ phúc liền kề, nên thiền nhân không thể khẳng định là việc này là hoàn toàn phúc hay hoàn toàn hoạ, mà là phúc hoạ khôn lường.

Lý trí y học phương Tây cho rằng: người sống là tim còn đập, chết thì ngược lại. Còn thiền nhân thì cho rằng: tất cả mọi người chỉ dường như sống. Vì rằng, trong một ngày cơ thể ta có hàng tỷ tế bào sinh ra và hàng tỷ tế bào chết đi. Vậy, ta đang vừa sống, vừa chết…

Napoléon cao 1,58m, sỹ quan cận vệ cao 1,7m. Sỹ quan cận vệ nói cao hơn hoàng đế 12cm. Napoléon tuyên bố cao hơn sỹ quan cận vệ 12cm nếu tính từ đầu lên trời.

Có một anh chàng đẹp trai chê ông già xấu xí. Ông bảo:

- Anh chỉ dường như đẹp thôi, vì nếu như đi ăn xin thì ông già lại được coi là đẹp, được nhiều người bố thí.

Thiền nhân ngộ được lời nói “dường như” là đã ngộ được tánh không của đạo Phật, thuyết tương đối luận của Anhstanh:

“Mình ngu nhiều kẻ ngu hơn

Cho nên được gọi là khôn hơn người

Em xinh đâu bởi nụ cười

Em xinh là bởi nhiều người xấu hơn”

Nếu thế giới chỉ có một người thì người đó không nam, không nữ, không xấu, không đẹp…Xấu, tốt có là do so sánh, nên chỉ là tương đối, còn tự tánh là không.

Trong phim “Người thứ 41”, diễn tả một cô gái Hồng quân Liên Xô và tên Bạch vệ lạc vào đảo hoang vắng. Lúc đó, họ chỉ có cách là yêu nhau. Chỉ khi chiếc thuyền Bạch vệ đến cứu, thì người Bạch vệ vội chạy lên thuyền. Lúc đó, cô gái mới chợt nhận ra mình là Hồng quân, cô gái đã giương súng bắn chết người Bạch vệ mà trước đó vừa là chồng mình.

Vạn pháp là dường như. Thiền nhân dường như đã quán chiếu được kinh dịch, thái cực chứa sự biến hoá của âm, dương. Thái cực là vạn pháp, trong đó chỉ dường như âm hoặc dường như dương. Lẽ huyền vi của Tạo hoá là “dường như”.

Một người mẹ có một đứa con nghiện kêu cực khổ. Khi một người mẹ có bốn đứa con nghiện mà cai nghiện được một người thì người mẹ đó lại cho là sung sướng, là nhà có phúc. Nên thiền nhân coi sướng, khổ chỉ là dường như.

Có người suốt ngày kêu khổ. Khi bạn đèo xe máy bị ô tô đâm, anh bạn chết ngay, còn anh ta bị cưa một chân, cắt một thận, gẫy một tay. Anh ta lại cười và cho rằng mình có phúc, chắc mình đã tu từ mười kiếp trước, nên chui vào gầm ô tô mà không chết.

Vua ngủ với cung tần mỹ nữ không sướng gì hơn kẻ ăn mày giao hoan với nhau nơi màn trời chiếu đất:

“Rồi sẽ hiểu ít nhiều đều là đủ

Trẻ hay già vô nghĩa trước mai sau

Vua ôm ấp bao cung tần mỹ nữ

Sướng hơn gì người cùng khổ ôm nhau”

Ngũ Tổ Huệ Năng hỏi các đệ tử:

- Gió thổi làm cờ bay, hay cờ bay làm gió thổi?

Các đệ tử, người thì bảo gió thổi làm cờ bay, người thì cho rằng cờ bay thành gió thổi.

Ngũ Tổ Hụê Năng khai ngộ:

- Gió chẳng thổi, cờ chẳng bay, chỉ có tâm các đệ tử động mà thôi.

Vạn pháp do tâm sinh. Nên mọi sự, mọi vật chỉ dường như. Thiền nhân thấy đủ trong cái đủ, và cả đủ trong cái thiếu.

“Ai cũng học đạo ngộ đầy

Mấy ai ngộ thiếu học thầy ngộ vơi”

Thấy được đủ trong cái thiếu, nên thiền nhân là dường như.

Người dường như thấy được “một vừa hai phải”, nghĩa là thiền nhân bao dung được chân lý thiếu là đủ. Thiền nhân như thái cực, chứa cả âm lẫn dương và thấy vạn pháp do tâm sinh, nên mọi sự chỉ dường như đúng. Chân lý dường như đúng khác với kẻ ba phải. Kẻ ba phải nhìn thấy âm tách khỏi dương và nằm ngoài thái cực. Còn thiền nhân dường như thấy được thái cực biến hoá theo âm dương (lưỡng nghi), lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái… Đó là càn khôn biến hoá thành dường như.

Tình ái cũng chỉ nằm trong dường như:

“Yêu sao giây phút dường như

Cho nhau những cái còn chưa của mình

Buồn sao hình chạm vào hình

Đôi bong bóng đụng hồn mình chợt tan”

Ngộ được pháp dường như ta nắm được chữ thời, con người cần theo chữ thời. Kinh dịch là thời. Cao thủ thua tranh thủ, vì tranh thủ thuận theo thời:

“Nhân gian trong một chữ thời

Kẻ nào đi trước thành người đến sau

Sao cho vẫn cứ cùng nhau

Vừa đi được trước, vừa sau mọi người”

“Cái đang là mốt nhất đời

Tốt hơn sẽ bị mọi người xét oan”

Cuộc đời là: “thế chiến quốc, thế xuân thu, gặp thời thế, thế thời phải thế”. Vậy nên, ta cần sống một cách quân bình, thắng bại cuộc đời bởi duyên, nên “ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai, ai dễ kém ai”.

Đúng, sai bản tánh vốn không. Lời ta nói hôm nay đúng, thì trước và sau đó có thể sai. Đúng với dân tộc này không có nghĩa là đúng với dân tộc khác. Nhân sinh bách thái. Vì thiền nhân hiểu được lẽ chân như, cho nên thiền nhân chỉ dường như.

Đạo đức, pháp luật của đạo Gia Tô một vợ, một chồng. Pháp luật của đạo Hồi đa thê. Cho nên, cái cân công lý của pháp luật mọi nước chỉ dường như đúng.

Khi ta quán chiếu được dường như, ta nhập vào đạo trời đất, là sắc sắc không không. Lúc này, tâm hồn thiền nhân sẽ phiêu diêu thoát tục, hồn thiền nhân như ra khỏi thân thể để hoà tan vào vũ trụ. Nhưng, nếu trong giây phút đó mà thiền nhân không đủ chân khí để thu tàng A Lại Da Thức, thì ma – hay gọi là vô minh – sẽ nhập vào thể xác họ, họ sẽ bị tẩu hoả nhập ma. Từ chỗ ngộ được đạo trời dường như – sắc sắc không không – thiền nhân dễ biến thành ba phải, đâm rụt rè, không dám hành động. Thiền nhân dường như tức là biết khi cứng, khi mềm, khi tiến, khi thoái, lấy bất biến để ứng vạn biến. Hiểu tận cùng đạo dường như trở thành tự do tuyệt đối:

“Không gì cứng được bằng thiền

Không gì mềm được như thiền để so

Cứng mềm để được tự do

Không vì ngoại lực làm cho cứng mềm”

Dường như ngộ được vạn biến, như người chơi xổ số không biết là số độc đắc về đâu. Nhưng cái vạn biến này thì ông giám đốc công ty xổ số lại nắm chắc được cái bất biến: Ông ta lấy 40% số tiền vé để bỏ túi, hoặc để kiến thiết đất nước. Ông giám đốc công ty xổ số nắm được cả hai mặt của đạo dường như, hiểu cái bất biến trong cái vạn biến, nên tâm ông giám đốc thiền.

“Mua vé xổ số quay rồi

Là ta đã trở thành người vô vi”

Còn người mua vé xổ số chỉ nắm được một mặt của dường như nên tâm hồn thường bất an.

Thiền nhân dường như ở chỗ chấp nhận cả đúng lẫn sai đều dường như đúng, sai. Và thường cái xấu dễ thắng cái tốt. Nhưng tất cả tốt, xấu đều nằm trong luật nhân quả. Kẻ xấu chắc chắn có báo ứng, ở hiền gặp lành, gieo gió sẽ gặp bão. Đấy là luật bất biến của vũ trụ:

“Đạo cao một thước

Ma cao một trượng

Cửa Phật bao dung

Đừng quên báo ứng”

Theo thiền học, ta ngộ thiền theo ba bước:

* Bước thứ nhất: khẳng định, thấy núi là núi, sông là sông.

* Bước thứ hai: phủ định, thấy núi không phải núi, sông không phải sông.

* Bước thứ ba: phủ định của phủ định, lại thấy núi là núi, sông là sông.

Khi ta phủ định cái phủ định, ta thành đạo dường như. Dường như thiền nhân hiểu được cả hai mặt của dường như, nên thành người rất quyết đoán và kiên định. Kiên định của dường như thấy sự biến đổi của vạn pháp trong luật nhân quả.

Có một ông trưởng giả đến năm sáu mươi tuổi mới sinh được đứa con trai. Khi đứa trẻ được đầy năm, ông ta mừng cảnh lão bạng sinh châu, đã bỏ ra 200 lạng vàng để tổ chức lễ đầy năm của quý tử. Hôm sau, con ông ta chết liền, ông khóc lóc thê thảm. Một thiền sư nói với ông:

- Kiếp trước, ông nợ đứa con ông 200 lạng vàng. Kiếp này, ông đã chi 200 lạng để làm lễ đầy năm, coi như hết nợ. Ông khóc lóc làm gì. Nếu ông không làm lễ đầu năm hết 200 lạng, thì con ông sẽ sống đủ đến khi ông phải trả 200 lạng.

Còn nhà thơ Tô Đông Pha tự cho mình đắc đạo thiền, đã làm bài thơ: “Dù cho bão thổi chín phương, tám hướng tâm vẫn kiên định”. Sau khi làm xong, cho người bơi thuyền sang sông gửi cho thiền sư Phật Ấn và chờ được Phật Ấn điểm đạo khen ngợi. Thiền sư Phật Ấn đề vào bài thơ hai chữ: “Đánh rắm!”.

Tô Đông Pha tức giận bơi thuyền qua sông mắng mỏ thiền sư Phật Ấn  một thôi, một hồi. Thiền sư Phật Ấn mỉm cười bảo:

- Ông bảo, dù bão nổi tám hướng, tâm ông không lay động. Mà ta chỉ đánh cái rắm thì lòng tham, sân, si của ông đã thổi bạt ông qua sông rồi.

Lại có lần, Tô Đông Pha tổ chức tiệc mừng có nàng hầu thứ bẩy tài sắc song toàn và sang sông báo hỷ cho thiền sư Phật Ấn. Thiền sư đặt bẩy cái hoả lò, rồi bầy cho Tô Đông Pha nhẩy qua, nhẩy lại. Tô Đông Pha hỏi để làm gì? Phật Ấn nói:

- Bẩy cái lò lửa là bẩy lò ái dục được nung bằng lửa tam muội.

Tô Đông Pha hoát nhiên đại ngộ, bỏ không cưới cô hầu nữa.

Dường như thiền sư đã thấy được trong cái phúc được hưởng cô hầu xinh đẹp, thì cái hoạ lớn cũng đang đến, nên thiền sư Phật Ấn coi lễ song hỷ chỉ dường như hỷ, vì thiền sư thấu hiểu sâu xa luật nhân quả.

Cũng như truyện “Tái ông thất mã tam tri phi phúc” kể: có một ông lão bị mất con ngựa cái, ai đến cũng tìm cách chia buồn. Ông lão bảo chỉ có dường như buồn thôi. Mấy hôm sau, con ngựa cái lại dắt thêm con ngựa đực về. Mọi người đến chia vui, ông lão bảo chỉ dường như vui thôi. Sau đó, đứa con trai của ông cưỡi thử con ngựa đực, bị ngựa đá què chân. Mọi người chia buồn, ông lão lại bảo chỉ dường như buồn thôi. Sau đó, có chiến tranh, tất cả mọi trai trong làng đi lính đều chết trận. Cậu con trai què của ông lão là của quý hiếm, thả sức được chọn gái đẹp trong làng làm vợ. Ông lão dường như đã hiểu được sự biến hoá huyền vi của hoạ, phúc.

Thiền nhân như mây trắng bay giữa trời, sống hoà nhập vào tự nhiên một cách tuỳ duyên.

“Ta như mây trắng giữa trời

Ngắm nhìn thiên hạ đang ngồi máy bay”

Thiền nhân hiểu luật của Tạo hoá là sắc sắc không không. Thiền nhân cho đúng hay sai chỉ dường như, nên tâm an, phúc lạc. Sống trong thị phi, coi thị phi chỉ dường như, thiền sư đã hoát ngộ khỏi thị phi:

“Người ghi bia đá để đời

Còn ta bia trắng để người tự ghi”

Phật thuyết pháp theo nhiều cách khác nhau. Đạo khả đạo phi thường đạo, danh khả danh phi thường danh. Phật tuỳ duyên mà dậy. Với kẻ kiến giả nông cạn, Phật thuyết về tục đế. Với những kẻ uyên bác, Phật thuyết về đệ nhất nghĩa đế. Tục đế nhìn chân ở dưới, đầu ở trên. Đệ nhất nghĩa đế nếu xét về vũ trụ không có trên có dưới, trên dưới chỉ dường như có:

 

“Người ghi bia đá để đời

Còn tôi tìm chỗ tôi ngồi để quên

Nhìn trời nước dưới mây trên

Cúi xem lại thấy nước trên mây trời

Ngồi quên, quên hết sự đời

Hỏi thăm chẳng biết tên tôi là gì”

Cho nên, thiền nhân dường như cũng chỉ thấy mình dường như là thiền nhân,

“Họ tên, ngày, tháng, năm sinh

Địa chỉ cũng đúng, còn mình ở đâu?”

Dường như thiền nhân hiểu đến tận cùng tánh không của con người, Phật tính của mọi người đều giống nhau. Nên khi ngộ đạo dường như, thiền nhân sẽ nhập vào nhân loại:

“Người ta mê mải tìm tên

Tôi đi tìm chỗ lặng yên vô hình

Người ta say rượu say tình

Tôi say một cõi không mình không ta”

Sống trong cảnh giới dường như, thiền nhân đã nhập vào cảnh giới thiền phi tưởng, phi phi tưởng. Thiền nhân vô ngã hoà nhập vào vũ trụ thành bất sinh, bất diệt. Còn kẻ vô minh say đắm trong rượu, thuốc phiện, tham, sân, si thì sự “dường như” của họ làm hỗn loạn tâm linh. Họ sẽ sống trái với quy luật của Tạo hoá, họ là kẻ vô đạo, kẻ tu sai lầm, bị tẩu hoả nhập ma.

“Lạc trong đời đạo dắt ra

Lạc trong đạo sẽ bị ma dắt vào”

Còn sự ngộ đạo dường như của thiền nhân, nhiều khi tưởng là ngược, tưởng vô minh mà đắc đạo, vì họ hiểu rất rõ luật nhân quả. Như có một người đâm chết một kẻ qua đường. Ai cũng cho kẻ đó là ác. Song, biết đâu kẻ bị giết lại là tên ác tặc sẽ giết hàng nghìn người. Vậy, hại một người, cứu nghìn người thì gọi là nhân. Cho nên, thiền nhân thấy việc mọi người cho là ác thì họ chỉ thấy dường như ác mà thôi.

Ngộ đạo dường như, thiền sư đã nhìn được cái ngoài nhìn, nghe được cái ngoài nghe, nghĩ cái ngoài nghĩ. Mắt họ thấy được thiên lý nhãn, tai họ nghe được thuận nhĩ phong, họ sống tự nhiên nên ung dung tự tại.

“Tự nhiên chờ cái đến

Thanh thản tiễn cái đi

Yêu những điều không muốn

Tâm nhàn hơn mây trôi”

Thiền cho rằng, sự sống đầu tiên ngưng tụ ở phần rốn. Phần rốn là phần đứa trẻ sơ sinh nối sự sống với người mẹ. Sau đó, đứa trẻ ra đời, lìa rốn khỏi mẹ. Sự sống bắt đầu từ rốn, vùng đó theo nho, y, lý, số gọi là đan điền. Sự sống sẽ tiến từ đan điền lên đỉnh đầu, ngưng tụ lại ở huyệt bách hội. Khi chết là lúc  linh hồn từ huyệt bách hội bay vào vũ trụ.

Những nhà sư, khi thiền tới cảnh giới cao có thể chủ động được sự sống chết. Họ có thể vận khí đẩy linh hồn ra khỏi huyệt bách hội theo tâm ý.

Trên đời này, người triết lý thì nhiều, người ngộ đạo thì ít. Triết lý nhiều thành duy ý chí, duy ý chí suy nghĩ quá nhiều sinh ra vọng tưởng. Vọng tưởng làm cho suy nghĩ chỉ ở phía ngoài vỏ não, không đi vào phần sâu bên trong của vỏ não. Đức Phật là người vượt ngoài vọng tưởng, tâm tưởng đi vào lõi của trí tuệ, lõi của não là vô ngã, nên Phật là người đạt được Chánh đẳng, chánh giác, đại hùng, đại lực, đại bi.

Còn những kẻ vọng tưởng chỉ đạt đến tư duy ngoài vỏ não, nên họ bị rối trí. Họ đã đẩy sự sống quá mạnh lên bách hội, nên họ thường bị đoản thọ. Họ đã sống cưỡng duyên. Còn thiền nhân là giữ cuộc sống quân bình một cách tự nhiên, nên sự sống của người có tâm thiền sẽ an lạc và được hưởng phúc, lộc, thọ. Khi đã ngộ đạo dường như, thiền phó mặc cuộc đời theo chữ duyên, duyên không có tốt, xấu, thị phi, nên họ cũng không quan tâm đến tử vi, tướng số, kiêng kị. Họ làm gì, nghĩ gì không xem giờ, tính hướng. Họ không cưỡng duyên, nên họ không phiền não.

“Qua cửa rồi không quay lại gõ

Duyên hết rồi chớ có cầu mong”

Cảnh giới sắc sắc không không là cảnh giới niết bàn. Đôi lúc, nhà nghệ thuật, nhà thơ cũng đã lướt qua cảnh giới đó. Cánh bướm của Trang Tử, cánh bướm tuổi thơ của Nguyễn Bính cũng đã có lúc chập chờn trong cõi sắc, không:

“Những buổi học về không có nón

Hai người chung một lá sen tơ

Lũ bướm tưởng hoa cài mái tóc

Bay về đến cửa mới tan mơ”

Tình yêu thơ ngây, vô ngã đầy tính thi sỹ chỉ thoáng qua chứ không thể như thiền nhân trong cõi dường như:

“Cho đến bây giờ anh mới hiểu

Tình ta như cánh bướm xưa thôi”

Sống hoàn toàn trong cảnh giới không, cảnh giới mộng, thi sỹ sẽ yêu là đến với đớn đau. Còn thiền nhân dường như thì quân bình giữa thực và ảo, giữa sắc và không.

“Sống toàn thực sẽ phát điên

Thực hoà với mộng thành tiên cõi trần”

Thực hoà với mộng thấy vạn pháp đều dường như. Vì vậy, Phật Tổ Như Lai chỉ đánh giá mọi vật, mọi sự là dường như: dường như tốt, dường như xấu.

Dường như là cảnh giới sắc sắc không không, cảnh giới niết bàn. Dường như của thiền nhân là dường như thấy được cái vạn biến trong bất biến, sự mơ màng trên nền tảng vững chắc của luật nhân quả và lẽ vô thường. Dường như của thiền nhân là dường như làm mờ cái lô gích rõ, làm rõ cái lô gích mờ, dường như của bát chánh đạo, chuyển pháp luân.

Thiền nhân dường như đang ngồi toạ thiền, có cô gái chửa hoang đến bắt ông phải nhận đúng là con ông. Ông chỉ nói: “Dường như thế”. Khi cô gái chửa hoang lại được người chồng nhận là con mình, cô ta đến xin lại đứa con và thanh minh cho thiền sư không phải bố đứa trẻ. Thiền sư vẫn nói: “Dường như thế”.

Chúng sinh trong mê thấy bùn là tanh tưởi, thiền nhân lại thấy dường như tanh tưởi, vì trong bùn tanh có hương sen thơm ngát:

“Khi mê bùn chỉ là bùn

Ngộ rồi mới biết trong bùn có sen”

Khi mê, chúng sinh cho đồng tiền là bẩn thỉu: “Máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê”. Thiền nhân lại thấy tiền chỉ dường như tanh tưởi:

“Khi mê tiền chỉ là tiền

Ngộ rồi mới biết trong tiền có tâm”

Kẻ tục nhân thấy dâm cho là dâm, thấy tiền cho là tanh tưởi. Còn thiền nhân dường như thì: “thấy tình trong dâm, thấy tâm trong tiền”.

Vậy, thiền nhân dường như ngộ được dường như mình là thiền nhân.

Ngắm các hoa hậu, thiền nhân cũng cảm thấy dường như đẹp, vì đẹp xấu là hai mặt của cùng một bản thể.

“Vô tư như nắng giữa trời

Cũng làm cho đổ mồ hôi bao người

Hữu thân, hữu tội trên đời

Đẹp xinh làm tủi nhiều người xấu hơn”

Thiền nhân luôn thấy mình dường như có phúc lại dường như có tội, vì “cái tóc cái tội”, nên thiền nhân dường như ung dung tự tại như thái cực, chứa cả âm lẫn dương, đón nhận cả công lẫn tội:

“Nếu ta bị bắt trên đời

Thì cũng đúng tội, đúng người, đúng tên

May ra đắc đạo thành tiên

Trời Phật cũng gọi đúng tên, đúng người”

Thiền nhân dường như sẽ không như kẻ nằm trong tự ngã, như ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung.

Những dòng suối nhỏ hợp tan thành sông lớn, Hà Bá vỗ ngực tự cho là mình vĩ đại. Long Vương cười bảo hãy ra biển xem sao. Ra tới biển, Hà Bá mới chợt hiểu sự bé nhỏ li ti của mình. Long Vương ngạo nghễ tự cho là mình vĩ đại. Đức Phật khai ngộ cho Long Vương: nếu so với vũ trụ thì đại dương không bằng một hạt cát trên biển. Cho nên, chỉ có kẻ ngu xuẩn mới vỗ ngực cho mình là khôn:

“Kẻ ngu vỗ ngực rằng khôn

Người khôn lại biết mình còn quá ngu”

Kẻ biết nhiều là người biết nhiều điều mình không biết. Trí tuệ của con người cũng như cú cân đẩu vân của Tề Thiên Đại Thánh đến mười vạn dặm vẫn nằm trong lòng bàn tay của Phật Tổ Như Lai – của Tạo hoá:

“Nhân loại muốn vượt con người

Khác gì nắm tóc tự lôi lên trời”

Tuyệt đối trí tuệ con người không có tuyệt đối là tuyệt đối.

Có một người tử tù thổi sáo rất hay, nhưng lính canh chỉ gọi đó là tên tử tù. Trang Tử bảo: “Đó là người thổi sáo hay”. Khi người tù thổi sáo hay, lính canh khen là người thổi sáo hay, Trang Tử lại bảo: “Đó là tên tử tù”. Vậy tất cả chỉ là dường như:

“Người nào cũng tốt nhất đời

Khi ta tìm được đúng nơi để ngồi

Ai ai cũng đẹp tuyệt vời

Khi tìm được đúng chỗ ngồi ngắm nhau”

Thiền nhân dường như khai thị cũng chỉ dường như là thiền nhân. Họ quên cả cái tôi của mình. Quên cái tôi của kẻ tự ngã là điên, còn quên cái tôi của thiền nhân dường như là quên cái tôi trong đạo quán, thiền ngộ được tánh không của đạo pháp.

Một lần, nhà thơ nổi tiếng Tô Đông Pha đời Đường hỏi bạn:

- Khi tôi ngồi thiền thì giống cái gì?

Bạn bảo:

- Trông giống Phật.

Sau đó, ông bạn hỏi đùa:

- Thế tôi đang ngồi đun cám giống cái gì?

Tô Đông Pha bảo:

- Giống đống phân lợn.

Sau đó, Tô Đông Pha khoe chuyện này với thiền sư Phật Ấn. Phật Ấn khai thị:

- Vì tâm Tô Đông Pha ô chượp, nên nhìn người thành đống phân lợn. Còn tâm bạn ông là tâm Phật, nên nhìn ai cũng giống Phật.

Khi TrangTử chết, có di ngôn cho đệ tử mang xác mình đặt trên đỉnh núi. Học trò khóc lóc thảm thiết vì thương thầy, thương thân xác thầy bị quạ tha, diều mổ. Học trò muốn chôn thầy dưới đất để được ấm cúng, mồ yên mả đẹp.

Trang Tử bảo: “Đó chỉ dường như đúng thôi. Vì thân trên núi bị quạ tha, diều mổ, còn chôn dưới đất bị mối đục, giun đùn thì cái gì hơn cái gì?”.

Dường như của thiền nhân hoà tan vào Tạo hoá nên bất sinh, bất diệt. Thiền nhân dường như tâm an, thân lạc vì ngộ được luật nhân quả của sự sống liên lỉ, liên hồi. Thiền nhân thấy sống chỉ là dường như sống, chết chỉ dường như chết. Thiền nhân thành bất tử, vì thấy được quả của kiếp này là nhân của kiếp trước.

“Vô hình hoá cái hữu hình

Kiếp này là mộng khi mình chưa sinh

Hữu hình hoá cái vô hình

Kiếp này là mộng của mình kiếp sau”

     Thiền nhân dường như hiểu mình đang biến hoá trong luật nhân quả, nên là người tin ở sự công bằng của luật nhân quả, bao trùm lên cả luật pháp, luật giang hồ. Tin vào luật nhân quả là người đạo cao, tâm hướng tới tự do, bình đẳng, bác ái: ở hiền gặp lành, ác giả ác báo. Những kẻ không tin vào luật nhân quả mê đắm trong bất công, tàn ác.

     Thiền nhân dường như là dường như thiền nhân. Nhiều khi họ quên cả họ là ai. Sự quên đầy trí huệ bát nhã của đạo quán thiền tông. Họ sống trong trực ngộ như câu kinh viết trong Đại Hùng Bửu Điện của thiền viện  trên Tây Thiên ở Tam Đảo: “Thiền tông không lối trực ngộ đến chân như”.

     Ngộ được vạn pháp dường như, ta phá chấp bảo thủ để hoà nhập vào toàn cầu hoá, vào APEC, vào WTO. Từ tư duy lô gích cứng ta có hụê bát nhã tư duy lô gích mờ, từ thuyết cơ học Niutơn chuyển sang thuyết cơ học lượng tử, ta hiểu được chữ thời của kinh dịch, vô ngã, vô thường của đạo Phật. Ta sẽ không bị chấp trước như câu chuyện viết về một ngôi chùa tam giáo đồng nguyên thờ ba bức tượng: Khổng Tử, Lão Tử và Đức Phật. Đệ tử của đạo Khổng bê pho tượng Khổng Tử đặt lên trên. Đệ tử của đạo Lão bê pho tượng Lão Tử đặt lên trên. Đệ tử đạo Phật cũng vậy. Bê đi, bê lại cả ba bức tượng đều vỡ nát. Ba bức tượng nói với nhau, đạo nào cũng đều là đạo  cả, đều là cánh cửa mở để đi vào Tạo hoá. Ngôi nhà Tạo hoá có muôn vạn cửa, chỉ cần đi vào một cửa là đủ. Cũng như tận cùng của các đám mây đều là trời xanh, là đạo cả. Ba pho tượng bê đi, bê lại thành vỡ nát cả.

     Mọi con đường đều dẫn tới Rôm, tới Tây Trúc. Chúng ta không nên bàn về đường đi mà chỉ bàn về cách đi. Thiền nhân dường như gia nhập WTO chỉ chứng kiến chứ không có ý kiến. Thiền nhân dường như hoà nhập và chấp nhận mọi chiều của chân lý.

“Chối bỏ cách sống một người

Là mình chối bỏ cái trời sinh ra

Chối bỏ cách nghĩ người ta

Là mình tự cắt thịt da của mình”

    Chứng kiến mọi người và chứng kiến chính mình, “dường như” chỉ hoà nhập chứ không hoà tan và bao giờ cũng toàn cầu hoá nhưng đậm đà bản sắc dân tộc, vì mê theo cách mê của mình là ngộ, ngộ theo cách ngộ của người là mê

Chia sẻ bài viết này


Liên kết
Chia sẻ trên các trang khác

Join the conversation

You can post now and register later. If you have an account, sign in now to post with your account.

Khách
Trả lời chủ đề này...

×   Bạn vừa dán nội dung có định dạng.   Paste as plain text instead

  Only 75 emoji are allowed.

×   Your link has been automatically embedded.   Display as a link instead

×   Your previous content has been restored.   Clear editor

×   You cannot paste images directly. Upload or insert images from URL.

Đang xử lí...

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This is an example of a list.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

×
×
  • Create New...