Jump to content

Kieu Anh Huong

Thành viên
  • Số bài viết

    691
  • Gia nhập

  • Đăng nhập

  • Nổi bật trong ngày

    1

Blog Entries được đăng bởi Kieu Anh Huong

  1. Kieu Anh Huong
    1. XUÂN
     
     
    Xuân,
    Thế mới thật là xuân !
    Tết đến, có thơ đăng báo,
    Tết đến, có bạn xông nhà,
    Thưởng rượu !
     
    Rượu cay, thơ say
    Mưa phùn, gió bấc
    Lửa xuân,
    Tình thắm đầu môi !
     
    Em ơi,
    Đã hai mươi năm trôi
    Lỡ dại, làm dâu xứ Nghệ
    Có khi nào lòng em tự hỏi
    Vì sao ta lại có nhau ?
     
    Có phải,
    Vì thương anh,
    Dân “ba đời chằm lá..”
    Có phải,
    Vì thương anh,
    Đất “ba đời hiếu học…”
    Chắt từ củ khoai, củ sắn,
    Để thành người !?
     
    Thì ra,
    Trai Xứ Nghệ cũng rất hiền
    Biết kiếm cơm và vâng lời vợ !
    Biết chăm con và rèn trí, đức…
    Chỉ mỗi tội, tính hơi “càu cạu”
    Quen nói to như gã vạn chài…
     
    Chỉ mỗi tội,
    Biết rượu đắng mà say
    Biết trầu cay mà không bỏ
    Biết nhiều thói hư, tật xấu
    Mà vẫn ham…
     
    Thương nhau, cho thắm đầu môi
    Dẫu đời vẫn “bạc như vôi”, mặc đời !
     
    Xuân,
    Thế mới thật là xuân !
    Tết đến, có Quê, có Tổ
    Tết đến, có Bạn, có Bè…
     
    Nhưng em ơi,
    Nếu tết, không Em
    Thì Anh sẽ chẳng còn gì
    Bởi vì anh chỉ là Chú Tễu
    Của riêng mình Em mà thôi !
     
    Hà Nội 19.1.2006
     
     
    2. ĐI TÌM SAPA
     
     
    Ơi Sapa mù sương !
    Con đường nào dẫn ta về lại
    Đâu rồi phiên chợ đêm huyền thoại
    Tiếng khèn lá gọi bạn tình...
    Thấp thoáng sau bóng rừng
    Là sắc đỏ áo em, lửa cháy
    Thắp lên thành những bình minh...
     
    Ơi Sapa mù sương !
    Lối mòn vẽ tranh vào mây
    Bóng núi mờ hoen biên ải
    Con đường nào dẫn ta về lại
    Phố xưa, thơm lừng thắng cố...
    Ngựa hý ngoài sân,
    Khèn vang, thác đổ
    Xoay tròn, xoay tròn,
    Mấy vòng, lượn quay
    Gọi nhau, quên cả trời chiều...
    Say ơi là say!
     
    Men theo bóng núi
    Nghiêng theo điệu khèn
    Người về tìm nhau...
    Tiếng khèn khao khát
    Đốt cháy bờ môi
    Những hoàng hôn trước mặt
    Sa pa, em và tôi !...
     
    Hà Nội 7/9/2004
     
    3. TẾT DẬU 2005
     
     
    Tết Dậu năm nay, nói chuyện gà
    Gà thời lắm loại, tây lẫn ta...
    Nuôi được vài con, chưa kịp gáy
    Dịch cúm tràn về, lăn quay ra...
     
    Nhiễu nhương thế sự, âu cũng vậy
    Tiêu cực trong ngoài, ai không hay
    Người tốt, người tài, chưa miễn dịch
    H5... “tái xuất” lại cuốn bay !
     
    Muốn nghe gà gáy, gọi bình minh
    Người ơi, chớ vội “đại sát sinh” !
    Muốn diệt giặc tham, không thể khác
    Khoanh vùng, phân loại, phải tường minh...
     
    Gà chết rũ rồi, còn dựng lên *
    Làm sao, ngăn được đại dịch điên...
    (Tham nhũng, ắt hẳn còn đất sống !)
    Năm gà, gà chết, lẽ tất nhiên !
     
    Hà Nội- 02/02/05
     
     
     
    4. BỐN MÙA
     
     
    Thu sang đã được mấy ngày
    Lòng còn vương vấn ngất ngây, nắng hè
    Thiên thanh, bỗng nhớ tiếng ve
    Nấu sôi trời đất, chiều quê, chạnh lòng…
     
    Rượu khan, giã bạn mấy tuần
    Ngẩn ngơ, lòng những bần thần, quên say…
    Hè ơi, tạm nhé, chia tay
    Phượng hồng cháy đỏ, bao ngày vấn vương !
     
    Hết thu rồi sẽ sang đông
    Người ơi còn chút lửa lòng, khơi lên
    Giá băng chi, giọt mưa đêm
    Để câu hát cũ, môi mềm trong ai…
     
    Khổ đau… đợi một ngày mai
    Nhành xuân, sẽ trổ một đài thiên nhiên…
    Kìa em, chồi biếc nhú nghiêng
    Chạm vào tận đấy con tim… thẫn thờ !
     
    Hà Nội, 8.2005
     
     
     
     
    5. GỬI MỘT NGƯỜI
     
     
    Chiều một mình qua phố
    Chợt, mênh mang nỗi buồn…
    Phố đông người qua lại
    Nỗi buồn càng nhiều hơn
     
    Cô đơn càng nhân thêm !
    Trong dòng đời vội vã
    Ánh mắt nào lướt vội
    Nhìn ta, chút hững hờ ?
     
    Ước chi trong nắng xế
    Ta gặp lại dáng xưa
    Ước chi trên phố cũ
    Bóng người thương hiện về…
     
    Bây giờ em ở đâu
    Tình xưa còn, quên - nhớ
    Tóc nhuốm màu sương gió
    Mà tình có phôi pha ?
     
    Chiều một mình qua phố
    Chợt, mênh mang nỗi buồn…
    Người xưa đi, đi mãi
    Để riêng ta, một mình !
     
    Hà Nội 12.05
     
     
    CẢM XÚC THÁNG MƯỜI !
     
    Những ngày này ở Hà Nội, dòng người đang đổ về 30 Hoàng Diệu - ngôi nhà của vị đại tướng huyền thoại của Việt Nam và thế giới - đại tướng Võ Nguyên Giáp.
    Mỗi lần đi qua nơi đây, tôi như thấy lại bóng dáng của những người Mẹ, người Em, bóng dáng của những người lính "Anh Văn" năm nào đang bồi hồi tiến về Thủ Đô... Và cảm xúc Hà Nội giữa tháng mười lại trào dâng trong tôi !
     

    Là một nhà thơ - và trước hết là một cựu chiến binh - người lính của "Anh Văn" năm nào, tôi không thể không viết...
     
    Xin được gửi đến mọi người bài thơ kính viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp !
     
    CẢM XÚC THÁNG MƯỜI !
    Kính viếng hương hồn Đại tướng Võ Nguyên Giáp !
    “Không thể nói trời không trong hơn
    Và mắt em xanh khác ngày thường…”*
    Trong dòng người lặng im xếp hàng về kính viếng
    Có bóng hình bao người lính năm xưa !…
     
    “Cảm xúc tháng mười !” – hình như vẫn vẹn nguyên
    Chợt âm vang trong trái tim mỗi người con Đất Việt
    Đại tướng Võ Nguyên Giáp kính yêu ơi !
    Người không thể nào chết được !
    Chúng con vẫn theo chân Người đi gìn giữ non sông !
     
    Tháng mười năm nay, thu se lạnh con tim
    Cả nước lại hướng về Hà Nội
    Trong dòng người rất dài xếp hàng về 30 Hoàng Diệu
    Ta như thấy rất rõ bao bóng hình người lính “Anh Văn” !…
     
    Ta như thấy rất rõ bao bóng hình những người Mẹ, người Em
    Năm mươi chín năm xưa đang tiến về Hà Nội
    Để ca khúc tháng mười chợt vút cao chói lọi
    Tiễn đưa Người về với Quê Hương !
     
    “Cảm xúc tháng mười !” – hình như vẫn vẹn nguyên
    Cùng giọt lệ buồn vui nhân thế
    Đại tướng Võ Nguyên Giáp kính yêu ơi !
    Người không thể nào chết được !
    Trong trái tim Việt Nam, Người đã hóa niềm tin !
    Hà Nội, ngày 9.10.2013
    Kiều Anh Hương
     
    *Lời ca khúc : “Cảm xúc tháng mười” - Nhạc Nguyễn Thành, lời thơ Tạ Hữu Yên
  2. Kieu Anh Huong
    21. PHẢN BỘI
     
     
    Không sợ đói
    Không sợ chết
    Trên chiến hào, sợ nhất
    Lưỡi lê kẻ phản bội
    Phía sau !
     
    Không sợ giàu
    Không sợ nghèo
    Trên thương trường, sợ nhất
    Mánh mung kẻ phản nghịch
    Chơi nhau !
     
    Không sợ tốt
    Không sợ xấu
    Trên đời này, sợ nhất
    Đầu lưỡi kẻ hai mặt
    Uốn cong !
     
    Không sợ ngu
    Không sợ dốt
    Riêng mình tôi, sợ nhất
    Gặp hạng người xu nịnh
    Tà tâm !
     
    23/11/2006
     

     
     
    22. NHỮNG VIÊN ĐẠN MANG NẶNG TỨ THƠ ĐAU
    Kính tặng nhà thơ Nguyễn Vĩnh
     
     
    Ba mươi năm sau
    Tôi mới gặp anh
    Người lính trẻ
    Từng bị mâm pháo lật úp lên đầu
    Sau loạt bom B52 dội vào lòng Hà Nội
    Băng đạn 37 ly chưa kịp bắn
    Đồng đội vẫn ghì chặt trong tay
    Tim ngừng đập, mà mắt không kịp khép
    Bởi đang lo “nhắm thẳng đầu thù…”
     
    Lật pháo lên
    Đạn lại lên nòng
    Đồng chí...
    Vẫn nguyên đội hình trên mâm pháo…
    Trút hận thù lên bầu trời tang tóc
    Máu nhòe nước mắt
    Hòa ơi, Được ơi…
    B52 đang cháy
    Mà sao, các bạn vẫn ngồi
    Lặng im !
     
    Vuốt mắt bạn lần cuối cùng
    Ta nạp đạn vào thơ
    Những viên đạn lửa
    Viết lên trời đêm Hà Nội
    Những câu thơ bất tử
    Tặng riêng đồng đội tôi !
     
    HN 1972-2005
  3. Kieu Anh Huong
    7. CHỒNG TÔI
     
     
    Cuộc đời kỳ lạ thay !
    Người tặng hoa hồng cho tôi
    Không phải là “ông xã”
    Người viết thư tình cho tôi
    Không phải là “ba nó”
    Và người say rượu vì tôi
    Cũng chẳng phải “ông chồng” !
     
    Nhưng chắc chắn có một điều
    Người cả đời vì tôi,
    Sẽ không là ai khác
    Chồng tôi !
     
    Hà nội, 20/12/05
     
     
    8. VẪN YÊU EM NGHÌN LẦN
     
     
    Hai mươi năm… gặp lại
    Anh vẫn yêu em đến vô ngần
    Nhưng cuộc đời, nếu cho anh nghĩ lại
    Anh vẫn sẽ là anh bây giờ !
     
    Bởi em ơi, tình duyên là định mệnh
    Dẫu đã yêu em có lúc đến ngẩn ngơ…
    Em xinh đẹp như thiên thần trong mơ
    Nên khi đứng trước em,
    Anh bỗng trở thành kẻ nhà quê khờ khạo
    Nếu có em rồi,
    Liệu anh có còn là chính mình không nữa
    Mâm son, đũa mốc… chòi sao ?
     
    Chỉ xin em,
    Cho anh nắm chặt tay em, dẫu chỉ một lần
    Để bớt đi, chút xót xa, thương nhớ
    Vẫn biết Em như thiên thần bé nhỏ
    Chẳng muốn làm đau trái tim anh !
     
    HN 3/5/2006
     
    Kiều Anh Hương
  4. Kieu Anh Huong
    HỒI ÂM TỪ PHÍA BÈ BẠN:
     
     
     
    ĐÔI ĐIỀU CẢM NHẬN KHI ĐỌC ”NHỮNG DÒNG CHẢY VÔ THƯỜNG”
    Kỹ sư.Nguyễn Huy Hoàng
    Phó GĐ Tổng kho xăng dầu Đức Giang Hà Nội
     
     
     
    Tôi rất vui khi được anh tặng thơ, dù chỉ là bản thảo với mươi bài trong số hơn 50 bài trong tập thơ ”Những dòng chảy vô thường” mà anh định cho ra mắt vào năm 2004...
    Thơ anh chân tình, giản dị - nó cũng như chính con người anh trong phần tự bạch. Với một chủ đề viết về những người lao động đang làm việc tại Tổng công ty xăng dầu Việt Nam. Bằng niềm đam mê với thi ca, bằng tình yêu đích thực với bạn bè, anh em, đồng chí, đồng đội – anh vừa lao động sáng tạo hoàn thành nhiệm vụ được giao, lại vừa cống hiến bằng trí tuệ, bằng tâm hồn và bằng cả trái tim cho những người lao động của Petrolimex - một món ăn tinh thần quý báu.
    Với những nỗ lực của mình, anh trở thành một con người lăn lộn và từng trải, đặt mình trong mọi hoàn cảnh : dù là lúc trực đêm trên đất Sài Gòn vừa giải phóng, đón những chuyến hàng từ nước Nga Xô Viết, hay những lúc ngồi nhâm nhi tách cà phê đặc sánh Ban Mê, thưởng thức cái đẹp nguyên sơ của vùng đất Tây Nguyên chòng chành trong mắt người thiếu nữ. Đó là những lúc nảy ra những ý thơ mới và đó cũng chính là lúc anh thấy mình là một giọt xăng, giọt dầu thực thụ.
    Những ngày nơi chiến trường, với 5 năm 6 tháng cùng Trường Sơn, anh đã có tập thơ ”Gặp lại tuổi hai mươi”. Những gì viết trong tập thơ này, anh vẫn chỉ cho là “tiếng tơ lòng của riêng mình thôi”. Anh nói vậy làm tôi chợt nghĩ về những năm tháng ở chiến trường. Với tôi, cũng chỉ vừa tròn 5 năm :
     
    Đã cũng 5 năm tuổi lính tròn.
    Đã từng leo dốc vượt Trường sơn.
    Đã xông khói lửa ngày chinh chiến.
    Đã cũng hiên ngang giữa Sài Gòn!
    (Nguyễn Huy Hoàng)
     
    Sau những hồi ức về “Tuổi 20”, anh tiếp tục quân hành 25 năm trên đường lớn, để được làm một giọt xăng, một giọt dầu lấm lem năm tháng và xưa như trời đất :
     
    “Tôi là giọt xăng
    Tôi là giọt dầu
    Lấm lem năm tháng
    Xưa như đất trời...
     
    Người thương, kẻ nhớ,
    Người cần, kẻ chê
    Bao năm vẫn thế
    Cũ như ngày xưa...”
    (Tự khúc-Kièu Anh Hương)
     
    Như vậy, với 25 năm rong ruổi, anh đã có đủ được các mùi vị cuộc đời, vững vàng trước thử thánh, vẫn giữ được bản chất của mình; Từng bước, từng bước đi, anh đang tự hoàn thiện mình!
    Lần thứ hai, trở lại giảng đường đại học, được trở lại thời sinh viên, anh cũng vẫn không khỏi lặp lại cái tâm trạng của những người lần đầu tiên bước vào cổng trường đại học :
     
    “ Ta trở về một thời sinh viên
    Đếm lá rụng đầu nhà cê một (C1).
    Đếm bước chân thầy, mỗi lần lên lớp
    Đếm từng ngày thi... đang xích lại gần!..”
    (Trở lại giảng đường-KAH)
     
    Có thể việc đếm lá rụng, đếm bước thầy đi, đếm từng khoảng thời gian đến ngày thi là dấu hiệu của một sự mong mỏi, của sự cố gắng vươn lên tới đích - để làm một giọt xăng, giọt dầu “biếc xanh như thể sắc trời giữa thu”. Đó cũng là một sự khẳng định mới. Có lẽ trong sự khẳng định ấy anh còn có một sự khẳng định khác, đó là sự “tôn sư trọng đạo”, một truyền thống tố đẹp “uống nước nhớ nguồn” của người Việt Nam: “những bụi phấn li ti” được chắt lọc ra từ lồng ngực thầy cô, tiếp sức cho anh nhận tấm bằng Thạc Sĩ hoá dầu, đứng vào đội ngũ những người có trình độ, học vị cao của Tổng công ty!
    Thơ anh đã đề cập đến nhiều địa danh, có khoảng không gian và thời gian vừa đủ – có hiện tại, có quá khứ và có cả tương lai; Có những suy luận logic và có cả một chút tâm linh; Có những vật thể, từ cái bé nhất là bụi phấn li ti đến cái lớn nhất là lâu đài trắng – biểu tượng bền vững của Petrolimex – nơi “đất linh kiệt sẽ nảy chồi nhân kiệt”.
    25 năm qua, cuộc đời anh, thơ anh đã gắn liền với sự tồn tại và phát triển của Petrolimex. Với tình yêu đích thực, anh đã reo lên ngợi ca những người lao động trong ngành, tôn vinh những giá trị to lớn của dòng chảy xăng dầu mà anh chỉ là một giọt trong số đó. 25 năm xông pha, lăn lộn nhưng vẫn giản dị, yêu đời và cởi mở, hoà đồng với mọi người cùng những dòng đời thơm thảo :
     
    “ Tôi – bạn, bạn – tôi
    Không gì ngăn cách
    Hãy chảy vào nhau
    Lòng đời thơm thảo...”
    (Tình bạn-KAH)
     
    Với cái nhìn biện chứng ”Có ai tắm được hai lần khi dòng sông đang chảy”. Biện chứng trong sự phát triển, anh đã tiên đoán toà lâu đài trắng rồi có lúc sẽ “Nhỏ nhoi ẩn giữa đời thường”. Nhưng từ cái nhỏ nhoi ẩn giữa đời thường ấy, với một chút tâm linh và khả năng phán đoán nên từ hơn 10 năm trước anh đã thấy “Những chồi nhân kiệt” để chứng kiến hôm nay Tổng công ty hùng mạnh thêm xiết bao! Hôm xưa hồi hộp thức đêm trên bến Nhà Bè chờ tầu Nga thì hôm nay ta đã có những hải đoàn mang tên Petrolimex đủ sức vượt đại dương mang những giọt xăng, giọt dầu “xưa như trái đất” về “thắp sáng những niềm tin ... thành nỗi khát khao hơn người”!
    Lịch sử là sự nối tiếp những chuyển động, những cuộc đổi mới. Mỗi khi thấy đơn vị mình có một sự đổi thay, đặc biệt là những bước ngoặt đánh dấu sự trưởng thành, lớn mạnh, anh như thấy mình được lớn lên theo (mà không lớn lên theo sao được khi cuộc đời mình đã gắn liền với ngành như một định mệnh – cái nghiệp “trời cho”) và không thể không vui sướng, không thể không tự hào:
     
    “ Ngập ngừng đếm bước chân dưới phố
    Ngỡ ngàng nheo mắt nhìn lên...
    Có thể nhà ta còn dột nát
    Nhưng lẽ nào không vui, khi phố mình đẹp hơn! ..”
    (Hạnh phúc hôm nay-KAH)
     
    Ừ phố mình đẹp hơn khi nhà ta còn dột nát đã là một niềm vui thì khi Tổng công ty có nhà mới, con trai mẹ cũng mặc áo mới, làm sao sáng nay mẹ không ngắm, không cười “rung gác xép”! Còn gì hạnh phúc hơn khi mỗi niềm vui, ngoài phần bè bạn anh còn được sẻ chia từ tình mẫu tử!
    Đổi mới cũng đồng nghĩa với sự tiến lên không ngừng, mỗi khi có dịp là anh tự ngắm mình, tự đo lại chính mình để vượt lên thôi vì mùa xuân là ở trong tim! Với tư tưởng đổi mới và luôn đổi mới, khi cái “áo cũ sờn rồi, quyết giũ bỏ đi” để “muôn dặm giang sơn, ngựa ô tung bước”.
    Điều anh muốn tâm sự nhiều hơn, muốn nói nhiều hơn đó chính là thông qua những vần điệu ”Sắc sắc, không không” để có thể nhìn nhận một cách đầy đủ nhất dòng chảy của đời thường mà lại là vô thường! Anh đắm mình vào dĩ vãng để tìm lại khởi nguồn xa xưa của những giọt xăng dầu:
     
    “Tìm lại khởi nguồn xa xưa,
    Đâu những giọt xăng,
    Đâu những giọt dầu,
    Tháng năm đang lặng thầm tuôn chảy...”
    (Những dòng chảy vô thường –KAH)
     
    Thấy cội nguồn của dòng sông La quê anh bắt đầu từ Ngàn Sâu, Ngàn Phố về tắm mát đời anh tuổi ấu thơ để rồi anh có những dòng thơ lai láng suốt trên 30 năm nay. Anh cũng thích khảo sát dòng sông Hồng - cái dòng sông đỏ, có những lúc gầm réo như tiếng thét của Thuỷ tinh, nhưng lại cũng đã lặng thầm bồi đắp những hạt phù sa nên những bãi đất trù phú ven sông, trong đó có làng quê - nơi sinh ra người vợ yêu dấu của anh. Và từ nơi rất xa, tận gần đầu nguồn ấy có Sơn La, Tạ Bú những cái tên sẽ làm rực sáng bao con tim, soi sáng cả một vùng rộng lớn Tây Bắc đang tiếp theo ngọn lửa từ giọt xăng giọt dầu hôm nay...
    Đọc thơ anh tôi thấy mình như vui hơn, phấn chấn hơn và tự hào hơn bởi mình cũng là một trong những giọt xăng, giọt dầu trong dòng chảy Petrolimex. Tôi cũng yêu từng giọt xăng, giọt dầu, tôi yêu tất cả những thứ đã làm nên giọt xăng, giọt dầu đó và trở thành một dòng chảy không ngừng nghỉ. Tôi yêu những con tầu, những bến cảng, những kho tàng, những chiếc xe và những cửa hàng v.v....yêu những người lao động Petrolimex. Tất cả họ và những thứ tôi yêu khi kết hợp lại đã trở thành một hãng xăng dầu Petrolimex Việt Nam. Chỉ tiếc rằng những điều đó đang thôi thúc trong lòng, đang giục giã con tim tôi mà chửa cất được thành lời, ví như sự vụng về đứng trước những người con gái đẹp:
     
    Anh không biết viết dòng thơ tình.
    Chỉ ước được nhìn nụ cười xinh.
    Cô gái Đức Giang xăng dầu ấy.
    Thu hình em vô trái tim anh.
    (Thơ Nguyễn Huy Hoàng)
     
    Có lẽ vì chưa được đọc hết 50 bài của tập thơ và quan trọng hơn là chưa từng làm cái công việc nhận xét, phê bình một tập thơ nào nên tôi cũng chưa thể cảm nhận một cách đầy đủ và toàn diện bức tranh mà tác giả đã khắc hoạ, cũng chưa đọc hết được ý định của tác giả, đồng thời cũng chưa thấy hết được cái cái đẹp, cái hay - những âm thanh, những vần điệu có nhạc trong thơ anh. Văn học là nhân học và thơ cũng là nhân học! Những câu thơ, bài thơ anh viết về con người đang hàng ngày sát cánh với anh để dần dần hình thành nên những lớp người mới Petrolimex “Trách nhiệm, Tri thức, Văn minh”. Đọc thơ anh, tôi ngỡ anh không chỉ là một người có trọng trách làm công tác quản lý trực tiếp về kỹ thuật xăng dầu mà còn có một con người nữa trong anh, đó là một người chính trị viên của một một đơn vị trong một đoàn quân.
     
    Giá như có thêm những vần thơ về những người đang trực tiếp vận hành hệ thống quản lý, hệ thống thông tin, công nghệ.... trên tất cả các lĩnh vực để hàng ngày tiếp tục đưa những dòng xăng dầu đang “âm thầm tuôn chảy vào từng huyết quản của nền kinh tế nước nhà”, góp phần làm nên thắng lợi ngày càng to lớn trong cuộc đổi mới, làm nên “lẻ nghìn cổ tích” về ngành xăng dầu Việt Nam, về Petrolimex. Giá như có thêm những vần thơ về truyền thống của Petrolimex Việt Nam, đặc biệt là sự đóng góp xứng đáng của những đơn vị anh hùng trong thời kỳ kháng chiến cũng như trong thời kì đổi mới, tô điểm thêm vẻ đẹp, sự hào hùng của đại gia dình Petrolimex chúng ta...
    Hôm nay trên đường tiến lên công nghiệp hoá, hiện đại hoá (mà xuất phát điểm từ những chiếc áo nay đã “sờn cũ”) mỗi ngày mỗi đổi mới. Trong mỗi chiếc áo “sờn cũ” ấy có thể vẫn còn những giá trị tốt đẹp mà chúng ta đang kế thừa. Nếu nó cũng rung lên thành vần, thành điệu thì hẳn sẽ nâng giá trị của tập thơ đúng như sự trông đợi của những người đang chờ quà tặng “ Những dòng chảy vô thường” – Thơ anh: Kiều Anh Hương - Kiều Đình Kiểm!.
     
    Đêm Sài đồng ngày 15-19 tháng 10 năm 2003.
    N.H.H
  5. Kieu Anh Huong
    36. NĂM 2003, NGÓ LẠI...
     
     
    Cái rét đi qua ngày cuối năm
    Se sắt, níu lòng người ngó lại
    Có những nỗi buồn không lý giải
    Có những niềm vui không bến bờ...
    Được – Mất
    Ăn – Thua
    Nhiều khi chỉ trong gang tấc...
     
    Trái bóng xoay tròn cùng Sigêm (Seagame)
    Vẽ nên muôn mặt con người
    Khi tột cùng khổ đau
    Khi rạng ngời hạnh phúc
    Có hề chi, “cuộc chơi” nào đã hết
    Được – Mất
    Ăn – Thua !
    Tất cả vẫn còn trước mặt !
     
    Ta không đánh đáo cuộc đời ta
    bằng cái lỗ “càn khôn”
    Nhưng may rủi vẫn là điều rất thật
    Xin hãy nâng niu những gì ta có được
    bằng chính bàn tay và khối óc mẹ cho !
     
    Hà nội ngày 20/01/2004 (29 tết Giáp Thân)
     
     
     
    37. MÙA KHÔ 2003 Ở BAN MÊ THUỘT
     
     
    Giữa bạt ngàn cao su
    Giữa bạt ngàn cà phê
    Giữa bạt ngàn Ban-Mê...
    Giọt dầu xăng bé nhỏ
    Đang thắp lên khát vọng
    Cho Tây Nguyên ngát xanh !
     
    Nắng vàng hoe mắt em
    Nắng chẻ khô tóc anh
    Nắng đỏ bầm vai mẹ
    Nhuộm màu chiều mong manh...
     
    Ông trời không làm mưa
    Thì chúng mình chung sức
    Em hoá thành giọt nước
    Thẳm sâu nơi giếng khoan...
     
    Anh hoá thành giọt xăng
    Khởi nguồn cho sức sống
    Nổ máy lên người ơi
    Chúng ta hoà làm một
     
    Chúng ta hoà làm một
    Cho cà phê ngát xanh
    Chúng ta hoà làm một
    Cho tình yêu cao nguyên !
     
    Buôn Ma Thuật tháng 03/2003
     
     
     
    38. BÊN DÒNG SÔNG SÊRÊPỐC
     
     
     
    Sê-rê- pốc, Sê-rê- pốc !
    Cho ta đeo lên ngón tay em
    Chiếc nhẫn bạc của đời ta
    Kết duyên từ ngọn nguồn Luông phra băng –
    Nơi có những đền thiêng nghìn tuổi
    Cho ta đặt lên môi em
    Một nụ hôn nồng ấm
    Lấy từ lửa thần mặt trời
    Trên đỉnh Chư Prông huyền thoại !
     
    Chỉ khi nanh con lợn lòi rớt lại
    Chỉ khi con voi độc bỏ ăn
    Chỉ khi mặt trời không mọc nữa...
    Em mới thôi nói lời yêu Anh !
     
    Hỡi núi rừng linh thiêng
    Hỡi vực cao, suối sâu
    Sê-rê- pốc, Sê-rê- pốc !
    Nổi cồng chiêng lên cho ta hú gọi
    Muôn loài về chứng giám
    Lát giây này ta dâng hiến
     
    Tình yêu giữa Đất - Trời !
     
    Bản Đôn mùa lễ hội 26/03/2003
     
     
     
     
     
    39. UỐNG CÀ PHÊ Ở BAN MÊ
     
     
     
    Đến Ban Mê
    Uống cà phê Ban Mê
    Sắc hương sông núi
    Tụ về bên môi...
     
    Hoa cà phê thì trắng
    Hạt cà phê thì đen
    Giọt cà phê sóng sánh
    Chòng chành trong mắt Em !
     
    Buôn Mê Thuật 26/03/2003
     
     
     
    40. Ở QUÁN BỐN TRIỆU
     
     
    Quán Bốn Triệu ở Ban Mê
    Bạn đã đến chưa và có biết ?
     
    Không phải bốn triệu đô,
    Không phải bốn triệu đê
    Hay triệu triệu bông hồng em vẫn hát...
    Chỉ giản đơn, sinh thứ tư và Triệu chủ,
    Gộp làm tên Bốn Triệu, thế thôi !
     
    Nhưng hãy nghe tôi, nếu bạn đến Tây nguyên
    Buổi tối hãy thả mình vào lữ quán
    Bạn sẽ hiểu thế nào là Đắc lắc
    Thế nào là Ban Mê đi dễ khó về ...
     
    Đắm mình trong hoang dã cận kề
    Ngỡ như ta đang ngụ trên ốc đảo
    Đắm mình trong sắc màu huyền ảo
    Ngỡ mình đang giữa lòng Thành Đô
     
    Bên cái cối gạo nương quay tròn, đung đưa
    Bạn lại ngỡ mình đang cùng Việt Bắc
    Hành quân về Điện Biên năm xưa...
    Hát mãi những bài ca đi cùng năm tháng !
     
    Đêm gió ngàn luồn sâu vào lữ quán
    Các Em ở Cao Nguyên xinh đẹp đến không ngờ
    Rượu gạo quê, ngâm cái, con gì chẳng biết
    Uống vào rồi mới rõ, bạn mình ơi !...
     
    Tôi đã đến và tôi làm thơ
    Quán Bốn Triệu ở Ban Mê - thế đó !
     
    Ban mê thuột 26/03/2003
  6. Kieu Anh Huong
    46. TẤM ÁO MÙA ĐÔNG
     
     
     
     
    Khi ngọn gió bắc xoáy về
    Luỹ tre làng xào xạc
    Con chim nhỏ nào
    Bay đi tìm tổ mới nơi phương trời xa lắc..
    Để lại những nhành khô
    Mù đông !
    Mùa đông !
    Bao người khoe sắc ấm
    Tím đỏ trăm màu vời vợi
    Hoa vương đầy trên áo những lứa đôi
     
    Cứ mỗi lần,
    mỗi lần cánh chim bay xa
    Cây xoan dâu ngõ nhà tôi
    trơ những nhành khô bé bỏng
    Là mỗi lần tôi mặc tấm áo
    Nhớ mãi một bàn tay...
     
    Hà Nội 1979
     
     
    47. NHỠ HẸN
     
     
     
    Anh đến
    Bất ngờ
    Không gặp !
     
    Cái buồn
    Dọc theo
    Đường về.
     
    Bấm ngón tay,
    Tính ngày tháng
    Chợt hiểu rằng :
    - Mười ngón còn...
    So le !
     
     
    Hà nội 10-1979
     
     
     
    48. TẢN MẠN HUẾ, NGÀY GẶP LẠI
    Thân tặng nữ ytá Bích, Lương
    Bệnh viên 217-Trường Sơn-Anh hùng
     
     
     
    Có một khoảng trời
    trong mắt Huế tôi thương
    Mười bốn năm rồi,
    Bây giờ gặp lại
    Ơi cô gái của miền Kinh Bắc
    Ngọn gió nào đưa em về đây.
     
    Nơi Cố Đô yêu, ta lại cầm tay
    Nhưng không phải để âu lo, thao thức
    Chiến thắng rồi, thôi em đừng khóc
    Nhắc chi hoài chuyện cũ, năm xưa..
     
    Gió A-Sầu và nắng sông Hương,
    Làm nước da em bây giờ xạm lại
    Nhưng ánh mắt biếc xanh thì mãi mãi
    Không bao giờ phai nhạt trong anh !
     
    Tuổi hai mươi cho ta gặp nhau
    Giữa chiến trường một thời tàn khốc
    Anh đã vượt qua tử thần,
    Khi sự sống chỉ như còn
    " Ngàn cân treo sợi tóc.."
    Cũng bởi vì máu thắm tình Em !
     
    Thương Huế rồi, nay anh càng yêu hơn !
     
    Đèo 40 Trường Sơn 1974
    Huế - 1988
     
     
    49. Kỷ niệm 10 năm về trước
    Kính tặng Trường ĐHBK Hà Nội 25 tuổi
     
     
     
    Mười năm trước , anh đã đến với trường
    Ươm một chồi non dọc con đường đôi ấy
    Bom giặc Mỹ rơi vào lòng Hà Nội
    Những mầm non nương nhau vươn lên
     
    Không còn ai có thể ngồi yên
    Cả nước dồn ra tuyến lửa
    Trời Lạng Sơn, những ngày sơ tán
    Đốt cháy lòng bao cuộc tiến đưa..
     
    Mười năm anh đi, cây đã lên xanh
    Dưới bóng mát hàng cây, bao lớp người tuổi trẻ
    Qua con đường đôi - bước lên bục giảng
    Say sưa nói về tương lại ...
     
    Bây giờ anh trở về đây,
    Bên những giảng đường cao lộng gió
    Có những phòng học đơn sơ vừa dựng vội
    Vữa vôi thô, bàn ghế mới thơm nồng
     
    Chiếc bàn xinh màu gỗ xà cừ
    Tuổi cũng vừa tròn 10 năm thương nhớ
    Cuốn sách đẹp lật từng trang mở
    Hai mươi lăm năm - mái trường Bách Khoa !
     
    Hà Nội 24/10/1979
     
     
     
    50. MẮT BIẾC NGÀY XƯA
     
     
    Lại những đêm nồng nàn hoa sữa
    Gió vô tình vương qua hồn tôi
    Để chợt nhớ một khoảng trời xa ngái
    Dáng em như ngôi sao ban mai !
     
    Có thể rồi nắng sẽ tràn vai
    áo bạc, tóc phai,
    Tất cả chỉ còn là ký ức
    Có thể rồi mưa ướt mắt
    Không bến không bờ,
    Mãi mãi Anh không Em !
     
    Có thể rồi tất cả sẽ lãng quên
    Nhưng mắt biếc thì mãi xanh muôn thuở
    Ước gì cái ngày xưa ấy
    Lại quay về ngập tràn hồn tôi !
     
    Một chút hương hoa thôi
    Cũng ấm nồng thương nhớ !
     
    Hà nội 10/2000
     
     
    -----------------------------------
     
    THƠ - KIỀU ANH HƯƠNG : GẶP LẠI TUỔI HAI MƯƠI
     
     
    Nhà xuất bản Hội nhà văn- 65 Nguyễn Du – Hà Nội
    Tel & Fax : 04.8222135.Email : nxbhoinhavan@hn.vnn.vn.
     
    Chịu trách nhiệm xuất bản : Nguyễn Phan Hách
    Biên tập : Phòng văn học trong nước
    Vẽ bìa : Lan Hương/Sửa bản in : Bích Ngọc.
     
     
     
    In 1.000 cuốn, khổ 13 x 19, tại xưởng in GTVT.
    Giấy đăng ký KHXB số : 1/1386/XB-QLXB cấp ngày 12/10/2001.
    In xong và nộp lưu chiểu tháng 11/2001.
  7. Kieu Anh Huong
    CÕI LÒNG NGƯỜI LÍNH
    Bài viết của nhà văn. Nguyễn Quang Hà (nguyên TBT Tạp chí Sông Hương)
    nhân đọc tập thơ “Gặp lại tuổi hai mươi“ của Kiều Anh Hương.
     
     
     
     
    Ngay bài thơ in đầu tập “Vùng trời thánh thiện“ có hai câu đã làm tôi giật mình, làm tôi choáng ngợp:
    “Những lo toan năm tháng đời thường
    Như tấm áo chật choàng lên khát vọng ..”
     
    Những người sống được chăng hay chớ, sống “nước chảy bèo trôi..” không thể có được tâm trạng dằn vặt cho “khát vọng” của mình đến vậy. Tôi gấp sách lại, đoán xem đường đi của tác giả trong tập thơ này..?
    Anh vốn là một người đã có ít thơ đăng trên tạp chí Sông Hương của Huế chúng tôi, nhưng chưa có một câu tâm trạng nào viết thành thơ hay thế.
    Mở sách đọc tiếp, bài “Cao thấp”, vẫn tâm trạng thăm thẳm ấy:
     
    “... Bây giờ
    Chúng mình lớn lên
    Những trang đời
    úp mở...
    Những đồng tiền
    sấp ngửa
    Đỏ den...”
     
    Tôi có cảm giác bão tố đang cuộn cuộn dâng trong Kiều Anh Hương.
    Đến bài thứ ba “Tặng em gái Ngọc Hà“ :
     
    “Bài thơ nào viết cho Mẹ và Em
    Lời chân thật, bỗng trở thành xa lạ
    Cuộc sống mới cứ ù à, ù ập...”
     
    Lắng lại phút chốc, tôi bỗng nhận ra đây là con người cần thiết của cuộc đời này, của hôm nay, của cuộc sống đầy biến động vây quanh chúng ta từng ngày. Người không có trách nhiệm với cuộc sống có kẻ thì than thở, có kẻ thì quay mặt, có kẻ phát khùng chửi bới, cũng có kẻ dám đối mặt bằng chính thơ mình.
    Khi biết Kiều Anh Hương vốn là người lính trận mạc đã đánh Mỹ ở A-Lưới, Tà-Cơn, Động-Tranh và ngay cả ở Huế nữa thì tôi yên lòng. Chỉ có người lính thực thụ, đã dám sống xả thân, sống cho một khát vọng, bây giờ đứng trước những thời vận “đỏ-đen“ mới vật vã mình đến vậy.
    Tôi gỡ rối bằng cách lần tìm đầu mối của Kiều Anh Hương, rất may tôi đã gặp. Anh đã giải thích cái lẽ cầm súng của mình :
     
    ”Tháng giêng, tháng hai
    Cái mủng rách, mẹ mòn tay
    Qua nhà người mượn vay, cầm cố
    Em đói ăn khóc lả trên nôi
    Cha thì lo ngược rừng
    Kiếm củi kịp về chợ chiều đổi sắn..”
    (Đất Làng)
     
    Sự cơ cực là điểm xuất phát vùng lên của dân tộc này. Phải thấm nỗi đau, nỗi nhục hai triệu rưỡi người chết đói năm 1945 mới hiểu nỗi khát khao “độc lập”. Thế hệ đàn anh của chúng tôi cũng lên đường cùng một cảnh ngộ : “Quê hương anh nước mặn đồng chua. Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá“ chỉ có cách giải thích ấy mới hiểu được cội nguồn cái lẽ : “Kẻ thù buộc ta ôm cây súng“, vì “ta yêu sao làng quê non nước này“.. Cái quê hương của những người cầm súng chúng tôi có một tên gọi đầy hãnh diện : “Việt Nam“. Điều đó cũng lý giải được vì sao khi chúng tôi đi trong hàng ngũ cách mạng thì coi cái chết nhẹ như lông hồng.
    Những người không cùng thời khó hiểu được “Ngày hội của cách mạng“ là như thế nào và Kiều Anh Hương đã nói rất đúng tâm trạng của chúng tôi, thế hệ chúng tôi thời ấy, thời khát vọng tự do đã gặp được chân lý :
     
    “Họ đã sống một thời sáng choang quả cảm
    Không sợ đói nghèo
    Chỉ sợ không được đi đánh giặc“..
    (Nhớ một thời)
     
    Đội ngũ những người lính đúng là “người ngươi, lớp lớp“, dù hoàn cảnh nào, dáng đi của họ vẫn hiên ngang.
     
    “Quãng đời vai quàng súng
    Chân dép lốp lội rừng
    Lưng cõng đầy gió núi..”
    (Thấy lại tuổi hai mươi)
     
    Đó là một dòng thác hăm hở, dòng thác xuyên rừng, băng qua mọi gian lao :
     
    “Mồ hôi đẫm ướt ba lô
    Súng quàng vai, lá nhấp nhô điệp trùng..”
    (Ở rừng)
     
    Song nói tới người lính là phải nói tới súng đạn. Chính ở chỗ đó mới là nơi đích thực thử thách khát vọng của mình, mới là nơi đủ chứng cứ để nói rằng đâu là “dạ sắt, gan vàng”. Kiều Anh Hương tả “Cái hầm trên đèo“ của mình trong tư thế của người lính ấy:
     
    “Sáng sáng, mưa bom
    Chiều chiều, bão đạn
    Đêm đêm, pháo sáng
    Hầm vẫn bám đường..”
     
    Và rồi ở chốt “Tà Lương” chỉ cách Huế chừng ba chục cây số... thao thức chờ từng đợt bom thù dội trên đầu, không biết liệu mình có sống qua được sau trận bom tiếp theo.
     
    “ Tà Lương, một ngày không tính bằng một ngày
    Chỉ được tính bằng những lần đang thức
    Bom B.52 không chia thành khoảng cách “...
     
    Có chờ bom B.52 trong đêm mới hiểu mỗi giây trôi qua nặng nề đến thế nào! Nhân cách người lính là ở chỗ đó, dám đối mặt với bom đạn, nói cách khác là không sợ chết - Tức là dũng cảm! Người Quảng Trị đã tổng kết : Mỗi người dân Vĩnh Linh chịu bình quân 7 tấn bom trên đầu. Chiến trường Huế cũng không thua gì chiến trường Quảng Trị đâu. Nghiệt ngã vô cùng. Không chỉ bom đạn nghiệt ngã, mà cả miếng ăn cũng nghiệt ngã. Có lá thư của anh em viết ra, suốt bảy ngày không có cơm để dán phong bì. Có người chết vì đói quá, ăn phải quả độc. Phải ở chiến trường miền Nam những năm đánh Mỹ mới hiểu thế nào là bom đạn, đói khát. Có lúc trong mặt trận Thừa Thiên, nơi mà Kiều Anh Hương đã sống, chúng tôi đã tâm sự thật với nhau rằng : nếu ai sống ba năm, kiểu sống của người lính chúng tôi ở đất Thừa Thiên đói cơm, đói đạn nhường ấy đã xứng đáng là anh hùng rồi. Sống kề bên cái chết như thế, súng đạn dạy con người ta lòng nhân ái. Những kỷ niệm năm tháng nặng lòng đã cho Kiều Anh Hương những tứ thơ thật hay :
     
    “Chỉ có trái tim bè bạn
    Mới nhận ra nhau
    Giữa cuộc đời thường..”
    (Cao thấp)
     
    Tôi tin rằng người lính, vâng người lính, đã trả giá cuộc đời bằng máu xương mình nên họ bao giờ cũng nhân ái. Tôi rất đồng ý với Kiều Anh Hương khi anh nói :
     
    “Tấm màn lính quây tròn kỷ niệm
    Vẫn phồng căng hơi thở bốn phương trời “
    (Đêm ký túc xá)
     
    Tôi dám nói vậy, vì tôi đã đọc ở đâu câu thơ này : “Từ khi gắn ngôi sao vàng trên mũ, ta đã là con của vạn nhà“. Chính người chiến sĩ Việt Nam là người có hạnh phúc nhất, vì đi đến đâu họ cũng có “Người Mẹ”. Bất cứ người mẹ Việt Nam nào cũng gọi các anh bộ đội là “Con”. Có chuyện thật này : anh bộ đội trong hầm bí mật. Mỹ – Ngụy tới, bắt mẹ tra khảo. Chúng lấy tôn quấn quanh Mẹ, dùng rơm đốt nóng dần, nóng dần. Mẹ vẫn không khai. Cuối cùng Mẹ chết. Người lính lên hầm, mở tôn ra, da thịt Mẹ dính vào tôn. Anh bất giác oà khóc và gọi : “Mẹ ơi !”.
    Không có tình cảm ấy, Kiều Anh Hương không thể có được những câu nghĩ về bạn bè mình sâu nặng đến thế, dù lúc đó anh đã ngồi trên ghế trường Đại học :
     
    “Biết giờ này bạn ở nơi nào
    Rừng biên giới hay sóng xô hải đảo
    Mảnh trăng cuối tuần còn bên sườn núi
    Cánh võng phập phồng... giấc ngủ có tròn không ?”
    (Đêm ký túc xá)
     
    Kiều Anh Hương gắn bó lòng mình với đồng đội như thế đấy. Và phải thật là người lính anh mới nhìn Tổ Quốc mình một cách hết sức rạch ròi. Đau đấy, có lúc thật đau, nhưng bình tĩnh. Chả thế mà chỉ trong một bài thơ, hai khổ thơ để cạnh nhau, anh đã thấy Tổ Quốc mình dáng vươn vai đứng dậy hào hùng, dẫu mới 25 năm.
     
    “ Tấm huân chương
    năm một chín bảy lăm
    Không đổi được áo cơm cho con thời hậu chiến...
    .....
    Năm 2000 đến thật rồi kia
    Con chợt thấy trên ngực cha lấp lánh
    Tấm huân chương cuộc đời
    Được tô lại bằng mồ hôi, nước mắt
    Bằng trái tim kiêu hãnh làm người ..”
     
    (Tấm huân chương cuộc đời )
     
    Tôi hiểu hình tượng “Cha“ trong thơ Kiều Anh Hương là Tổ Quốc. Vậy Tổ Quốc chúng ta kiêu hãnh làm sao. Đọc ba câu đầu, tôi giật mình. Đọc tiếp năm câu sau, tôi trút một hơi thở dài khoan khoái, như trút được một gánh nặng.
    Kiều Anh Hương rất giản dị giải thích những trạng thái tâm hồn mình, có lý, có tình:
    “Một chút hương hoa thôi
    Cũng thoảng thầm bao thương nhớ“.
     
    Đọc thơ Hương, quả thật tôi như được sống lại tuổi hai mươi của đời mình. Chúng tôi được sống đến hôm nay đã là may lắm. Đại đội tôi 155 đứa, bây giờ chỉ còn 39 đứa đây. Càng thương nhớ bạn càng hiểu cuộc đời. Sự cảm thông ấy giúp tôi gặp Hương ở cái mối hàn nối hiện tại bây giờ với quá khứ ngày xưa :
    “Tôi thắp lên thơ tôi một nén trầm
    Để nhớ về bao đồng đội “
     
    Thơ Kiều Anh Hương là một tấm lòng người lính Trị Thiên.
     
    Huế, ngày 22/12/2001
    N.Q.H
  8. Kieu Anh Huong
    Bài 19: KHI ĐOÀN NGƯỜI QUA PHỐ
     
     
     
    Cả đoàn người,
    Duy nhất chỉ còn một đôi mắt sáng
    Hoa tiêu, nạng chống dẫn đường
    Theo sau, vai bá vai, nhịp bước
    Màu đen, kính dọi phố, đường !..
     
    Bản nhạc gậy
    Lao xao, khô khốc...
    Lạnh tanh, những khuôn mặt cuộc đời
    Lạnh tanh, cắt ngang dòng người và phố
    Lạnh tanh, cắt ngang tim tôi !
     
    Có thể trong đoàn người ấy
    Aó xanh phai bạc lâu rồi...
    Có thể trong đoàn người ấy
    Đã từng là bạn của tôi !?
     
    Hà Nội chiều thu nắng rộm
    Vàng hoe lấp lánh tuổi hồng
    Riêng tôi, nỗi buồn mặn chát
    Mải mê hút theo đoàn người !
     
    Hà Nội 11/2006
     
     

     
    20. ÔI, CON TÔI !
     
     
    Cũng mừng, con sớm bằng chị, bằng anh
    Thi đỗ để vào Trường “Am danh tiếng” !
    Nhưng thực lòng, cha lại ước ao
    Giá như con được quay về trường “Làng” đi học
    Không chừng, mọi nhẽ sẽ tốt hơn…
     
    Con sẽ không phải gồng mình lo toan hằng đêm
    Chất ngất với cơ man bài vở
    Giấc ngủ đến cũng nhiều đêm, thảng thốt
    Mà trong mơ không có nổi một cánh diều…
     
    Con sẽ không phải ngày 3 buổi nhọc nhằn
    Sớm đến trường…
    Chiều học thêm,
    Tối luyện thi, phụ đạo…
     
    Con sẽ không phải mất đi
    Những ngày chủ nhật quí báu
    Để ra sân vui cùng trái bóng tròn…
    Như tuổi thơ của cha ngày ấy
    Luyện đôi chân bền bỉ đến tận bây giờ !
     
    Con sẽ không phải mất đi cả những mùa hè
    Để được chơi ve, để được ra biển xa hay về quê, nội ngọai
    Bởi “quê hương, nếu ai không có
    Sẽ không lớn nổi thành người…” !
     
    Ôi con tôi,
    Nước da luôn mái xanh, kính cận, mắt lồi
    Dẫu mẹ, cha từng lo toan để con không hề thiếu
    Nào rau sạch, tôm hùm, cá thịt
    Nào sữa tươi, can xi, pho mát…
    Nhưng có lẽ điều con cần, giản dị hơn nhiều
    Là được học và chơi, được chơi và học
    Lại là điều người ta đang đang đánh mất !
    Tôi biết tìm và bắt đầu từ đâu ?
     
    Ôi, con tôi !
     
    Hà Nội, 25/07/2006
    KAH
  9. Kieu Anh Huong
    17. TỈNH GIẤC
     
     
    5 giờ chuông réo gọi
    Tỉnh giấc,
    Ngẩn ngơ...
    Nhớ một người
    Trong mơ!
     
    Đành thôi, vùng dậy
    Lại khăn gói…
    16 giờ lặn lội
    Việc đời, cơm áo
    Chửa ngoai nguôi một ngày
    Đã mệt nhoài…
     
    Lại tối thui bầu trời
    Hai khuôn mặt già nua
    Cũ rích,
    Nhìn nhau qua quýt
    bữa ăn cuối ngày…
    Gà lên chuồng
    Chó lim dim ngủ
    Lên giường
    Đợi tiếp
    Trong mơ em lại đến…
     
    Năm giờ chuông réo gọi
    Ngọt ngào
    Tỉnh giấc
    Tôi say!
     
    16/11/2006
     
     
     
    18. YÊU
     
    Thân tặng LVK
     
     
    Muốn Yêu là phải biết đau
    Đong chi vài giọt lệ sầu bạn ơi!
    Khi Yêu, ngỡ chỉ một người
    Yêu rồi mới biết cuộc đời đắng cay...
     
    Ta Yêu, dẫu thật đắm say
    Người ta, đâu tỏ lòng này mà than
    Đốt thơ ném hận nhân gian
    Tình thơ như thứ rượu tràn môi thôi
     
    Nhâm nhi chén đắng cùng tôi
    Nỗi buồn ắt hẳn sẽ vơi đi nhiều
     
    22/11/2006
  10. Kieu Anh Huong
    15. SINH NHẬT LẦN THỨ 55
     
     
    Bất chợt bạn tặng hoa
    Mừmg ta, ngày sinh nhật
    Giật mình, bỗng nhận ra
    Nắng xế vàng trước mặt
    Năm nhăm thu đã qua…
     
    Được – Mất, bạn mình ơi !
    Như sự “không” và “có”
    Rủi – May, đời vẫn thế
    Hãy tin, lời trái tim
     
    7/2006
     
     
    16. TÔI ĐI TÌM TÔI.... !
     
     
    Tôi đi tìm tôi, ngày mai…
    Ngày mai,
    Khi cầm quyết định nghỉ hưu,
    Mãn hạn một đời công chức !
    Cái ví mòn, bạc phếch mồ hôi tay
    Không hiểu sẽ còn bao nhiêu đồng bạc lẻ ?
    Để lo cho mình những ngày “nhàn hạ”
    Về vườn ?!
     
    Nhưng vườn ơi, ta đâu có mà về !
    (Thời nay, nếu có đất có vườn,
    Ta đã hóa giàu sang, phú quí,
    Khỏi phải lo đi tìm bóng hình, hư ảo…)
    Khỏi phải lo đắn đo, nhọc nhằn suy nghĩ
    Đi tìm lại chính mình giữa Trời -Đất bao la…
     
    Ngày mai, tôi sẽ là ai ?
    Là ai nhỉ
    Liệu có cam tâm với “vườn đời tao nhã“
    Vét chút lương còm, vài ba đồng bạc lẻ
    Chi trả cho tuổi già, vinh hoa...
     
    Thật khó tin,
    Nhưng không phải hoang đường
    Ngày mai,
    Tôi đã nhận ra tôi
    Kẻ buôn thơ trên xa lộ cuộc đời
    Lãi gộp cũng đủ mua vài tô hủ tiếu…
    Tôi sẽ góp vào nhà dưỡng lão
    Mời bạn bè đến chơi
    Cùng nhi nhấm thi ca !
    Kể bao chuyện đời…
    Ngày xửa, ngày xưa… ấy
    Ô, thế là quá đủ,
    Ha ha…!
     
    5/2006
     
  11. Kieu Anh Huong
    13. NGÀY ẤY... SÔNG HỒNG
     
     
    Ngày ấy,
    Hình như sông Hồng rộng hơn bây giờ
    Chiếc xe đạp “cà tàng”
    Vẫn miệt mài theo anh
    Leo vẹt dốc hai đầu cầu Long Biên cũ kỹ
    Gió bấc rát mặt,
    Nắng hạ cháy lưng
    Sớm tối vẫn không ngăn được
    Trái tim anh hướng về bên ấy
    Nơi có em và Kho dầu Đức Giang
    Mến yêu !
     
    Nhà em ở tận bên kia Sông Đuống
    Câu thơ xưa đốt lửa một thời
    Anh ở bên này, phố đông Hà Nội
    Cách sông chỉ một dòng thơ trôi...
     
    Mà sao bỗng vấn vương lòng
    Bối rối nhìn nhau mỗi lần gặp mặt
     
    HN 6/2006
     
     
    14. QUI NHƠN
     
     
    Bất chợt nhớ tới em
    Như nhớ về Qui Nhơn
    Mỗi lần đi qua "eo nín thở"
    Miền Trung dài như nỗi nhớ
    Trong thơ
    và cả trong tôi !
     
    Ước gì em trở lại
    Hà Nội những ngày này
    Đêm thu như mộng mị
    Cầm tay, ta yêu nhau...
     
    Thời gian trôi quá mau
    Tóc yêu đà điểm tuyết
    Câu thơ Hàn giã biệt
    Cứa mãi trái tim đau !
     
    10/2006
  12. Kieu Anh Huong
    11. BÀI THƠ NGHĨA TRANG
     
    1.
    Cuộc chiến đã qua lâu rồi
    Nỗi đau, khép vào dĩ vãng
    Người người, ki cóp làm giàu
    Nhà nhà... lo dựng xây
    đủ thứ…
     
    Lại đây
    Thêm cái nghĩa trang quê tôi
    Đá ốp, men màu
    Hoa hoè hoa sói..
    Đâu đó khói hương
    Khấn cầu trời, phật
    Mau cho giàu,
    Mau cho phất ..
    Một vốn - bốn lời...
     
    Nhưng than ôi !
    Phía sau một mái tranh nghèo
    Tôi chợt nghe tiếng khóc thầm
    Của một người mẹ già
    đơn côi ? !
     
    2.
    Cuộc chiến đã qua lâu rồi
    Nỗi đau
    Đã liền da thắm thịt
    Xã xã, nhà nhà...
    Bộn bề công việc
    Trong ngổn ngang tái thiết
    Tôi chợt thấy mọc lên
    Giữa một làng quê bé nhỏ
    Lăng tẩm
    Toà sen
    Hay bút tháp ?
     
    Những ông chủ
    Và lớp con cháu
    Sẽ viết tiếp vào trời xanh
    Chữ gì đây
    Tâm - Đức ?
     
    Trời phật,
    Thánh đường đúc từ herôin
    (Là cái chắc!)
    Bởi năm mươi năm dân chủ cộng hòa
    Ta mới thoát nghèo,
    Đào đâu ra tiền, hỡi những ông trọc phú?
     
    3.
    Tôi, Lữ khách
    Một chiều ghé qua nghĩa trang quê
    Bỗng đọc được
    "Bài thơ đẹp nhất " về con người
    Mà sao lõng trĩu nặng
    Thế thời !
     
    Thương quá thằng Em tôi
    Người lính trẻ còn nằm đâu đó nơi chiến trường xưa...
    Ôi, giá như nó cũng hiển linh
    Giúp cho làng quê ta thêm sầm uất
    Giúp cho ba mẹ ta
    không phải sống những ngày nghèo khó
    Giúp cho các anh, các chị em ta…
    Không phải lầm lũi cuốc cày mưu sinh
    Không phải lo ăn đong từng bữa…
     
    “Trăm năm bia đá cũng mòn
    Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ…!”
     
    Hà nội 1991- 2006
     
     
    12. CƠN GIÓ MÙA HẠ
     
     
    Thu đã sang đuọc mấy ngày
    Chợt nhớ, chợt thương -
    Cơn gió chiều mùa hạ
    Đêm qua trời oi bức quá
    Mà sáng nay đã lay lắt mưa rơi ...
     
    Thì ra gió mưa cũng biết "đỏng đảnh" trêu ngươi
    Ta không ngủ được
    Cũng chỉ vì "cơn gió mùa hạ"
    Nhưng đêm nay, nếu không ngủ được
    Thì tại làm sao, người ơi ?!
     
    KAH, 13/8/04
  13. Kieu Anh Huong
    9. ĐỐI THOẠI VỚI KẺ ĂN MÀY THỜI ĐẠI !
     
    1.
    Khi nó khoác lên thân mình
    Những bộ quần áo đắt tiền
    Đi xe hơi đời mới…
    Nhưng nếu soi vào dĩ vãng,
    Nó bỗng nhận rõ, chính mình
    Kẻ ăn mày thờ đại !
     
    2.
    Đừng tin,
    Toàn những điều đố kỵ !
    Kẻ yếu luôn tìm lời biện minh
    Nhà lầu và xe hơi !
    Vợ đẹp và gái bao…
    Không tự nhiên mà có ?
    Nếu nhà ngươi thiếu tiền !
     
    3.
    Xin hãy kiểm đếm lại cuộc đời
    Tất cả chỉ là phù du… cướp, nhặt !
    Một đứa học hành, ngu nhất lớp
    Ba mươi năm gặp lại
    Bỗng oai phong, nhả ngọc, phun châu… !
     
    4.
    Cả giang sơn, ngả mũ chào !
    Dĩ nhiên,
    Chỉ riêng lũ bây, cứ vịn vào quá khứ
    Chê người…
    Lớp 10 chuyên huyền thoại một thời
    Dĩ nhiên, chỉ là số ít !
    Làm sao thay nổi cán cân
    Phiếu đã kiểm,
    Đúng luật !
     
    5.
    Vâng,
    Chỉ có số ít mới nhìn thấy
    Kẻ ăn mày thời đại !
    Luôn biết che giấu tri thức bằng mũ mão
    Luôn biết che giấu khối u bằng nhung lụa…
    Đúng luật !
     
    6.
    Bưng bát cơm ăn,
    Càng thương mẹ, thương cha
    Tấm áo tơi không che hết nắng hè
    “Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời !”
    Mồ hôi, chan mặn quả trường cà
    Mo cơm, chưa kịp thay,
    Cau mấy mùa không bói quả…
    Không thể đăng đàn bằng mọi giá !
     
    HN 15/10/2006
     
     
    10. TÓC THƠM TRÊN PHỐ
    “ Tóc em gội nước bưởi thơm
    Đen dài óng mượt sớm hôm tỏa dài
    Tóc ai vương vấn tình ai
    Yêu em, yêu mái tóc dài càng yêu“
     
    (Không rõ TG)
     
    Chiều nay kẹt xe trên phố
    Tóc ai bồng bềnh hoàng hôn
    Hương bưởi cũ xưa chợt oà trước gió
    Khiến lòng ta nhung nhớ một người…
     
    Sóng từ tóc thơm vỗ vào ngực tôi
    Chao đảo như mạn tàu trước biển
    Hoàng hôn đổ dập dồn phía trước
    Sóng tóc ai rối bời mắt ai…
     
    Chẳng còn nhìn thấy sóng tóc nữa đâu
    Phố đông lắm, người xe vun vút
    Chỉ còn thoảng thơm, mùi hương xưa cũ
    Như muốn xua tan khói khét cuộc đời…
     
    Chỉ còn mình tôi nhung nhớ một người
    Câu thơ cũ chép nhòe trang vở
    Hoa bưởi trắng, ép thành nỗi nhớ
    Chợt nóng ran kỷ niệm ngày xưa !
     
    21/06/2006
  14. Kieu Anh Huong
    MIỀN TRUNG CỦA TÔI
     
     
    Miền Trung của tôi ơi,
    Mùa này đã hết gió Lào chưa ?
    Em còn nhớ,
    Đường về “khu eo” không đó ?
     
    Quê anh ở Đèo Ngang
    Nơi Bà Huyện Thanh Quan
    Đề thơ vào Dốc Nhớ
    Nên càng quặn lòng
    Thương ba tấc đá vô tri…
    Nhưng bây giờ,
    Hình như con người càng vô tri hơn !
    Khi bỏ quên cả một đèo thương nhớ !
     
    Đèo Ngang, tháng 12/2005
     
     
     
    XUÂN 2007
     
     
    Tĩnh lặng, sắc hoa, thảo mộc...
    Suy tư... bão tố, sập sùi…
    Hết lạnh, phong trần thôi gió bụi
    Từng giọt dầu, nồng ấm nụ cười vui !
     
    Tĩnh lặng, sắc hoa, thảo mộc
    Suy tư... thời thế, trong ngoài…
    Trời se, sắc xuân, mưa bụi
    Giá dầu, sôi sục, toàn cầu !
     
    Vững tay chèo lái, con tàu
    Đất nước mở cửa họi nhập
    Thị trường sẻ chia gian khó
    Nụ cười lấp ló buồn - vui !
     
    Tĩnh lặng, sắc hoa, thảo mộc
    Bình yên, bến mới chào xuân !
     
    Hà nội tháng 12/2006
     
     
     
     
    VỢ
     
     
    Vợ là gì nhỉ, người ơi ?
    Mà sao thiên hạ, bao lời đại ngôn…
    Vợ là duyên nợ càn khôn*
    Vợ là báu vật, suối nguồn…thi ca
    Vợ là “vương quốc” riêng ta !
    Tay ôm má ấp, dĩ hoà, sớm khuya…
     
    Vậy mà, lắm kẻ tình si
    Vợ người lại thích, vợ mình lại chê !
    Vợ người như nửa trăng quê
    Tỏ mờ, hư ảo, bùa mê… lú hồn
     
    Vợ mình như “cái chổi cùn”
    Bỏ đi thì tiếc, để dùng thì không ?
    Vậy nên, bao chuyện buồn thương
    Vợ mình, mình vợ, đoạn trường, riêng ai…
     
    Sông kia, dẫu đến là dài
    Mà sao, đoản mệnh, bi hài… khúc quanh ?
    Núi kia, cao những… mấy phân
    Mà đời mòn mỏi gót trần bao phen
     
    Rạng đèn, nào tỏ chân đèn…
    Vợ mình, mình vợ… nỗi niềm nhân đôi !
    Hoa hồng, ai tặng vợ tôi ?
    Thư tình, mấy tập, vợ tôi giấu mèm
    Rượu say ai uống vì em…
    Thơ tình ai viết, nửa đêm, ướt nhoè..?
     
    “Tình xưa…không rủ cũng về” **
    Càn Khôn - duyên nợ, tang bồng mà chi !
    Kẻ cười, người khóc, chia li
    Thì ra, Trời Đất nhiều khi cũng lầm !
     
    Còn duyên, gánh nợ cho chồng
    Hết tình, vỏ ốc, một công tặng người
    Thế gian, nhiễu sự lắm thôi
    Thà về lên núi mồ côi mà thiền …!
     
    Hà Nội, 20/12/2005

  15. Kieu Anh Huong
    1. KHOẢNG TRỐNG
     
     
    Thành phố Newyooc – một sáng tháng 5
    Nơi tôi đứng chỉ còn là một khoảng trống
    Khoảng trống của niềm tin,
    Khoảng trống không thể lấp đầy…
    Dẫu đôla, Phố Uôn chưa bao giờ thiếu !
     
    Chúng tôi, những cựu binh Việt Nam,
    Đến từ bên kia, bán cầu –
    Lặng lẽ đặt vào khoảng trống này
    Một nén trầm của Trường Sơn
    (từng quặn đau trong lửa napan huỷ diệt !)
    Xin được sẻ chia cùng nhân dân Mỹ
    Nỗi đau thương này.
    Lời con tim muốn nói
    Trái chín của hoà bình
    Không thể gieo từ “cường bạo”…!
     
    Giữa bạt ngàn những “binhđinh” chọc trời
    Tôi chợt nhớ về phố nhỏ Khâm Thiên, Hà Nội
    Nơi đó, vẫn còn một khoảng trống
    Khoảng trống không bao giờ liền vết..
    Và trong sương khói, hư vô, thành kính !
    Tam mươi triệu người Việt Nam
    Vẫn luôn nhớ về những ngày tháng chạp,
    Năm một chín bảy-hai !
     
    Thành phố Newyooc – một sáng tháng 5
    Nơi tôi đang đứng sẽ mãi vẫn là một khoảng trống…
     
    Newyooc 5/2004-Hà Nội, 11/09/2004
     
     
    2. GƯƠNG MẶT THÀNH PHỐ ĐÊM 30/4
     
     
    Ba mươi năm trước, tôi là lính
    Trẻ trung như các em bây giờ
    Chân đạp đất, tiến vào Thành Phố
    Đỏ cờ bay, như đi trong mơ
     
    Mũ tai bèo sạm khói chiến tranh
    Áo binh nhì, màu xanh hy vọng
    Trải nhiều thương đau
    Nhưng chưa bao giờ tin vào định mệnh
    Định mệnh, ta thắp trong tim !

    Rạo rực, thành phố đêm nay !
    Bông hoa in trên áo em
    bỗng đẹp hơn bao loài hoa khác
    Dẫu khuôn mặt cũ mèm sau năm tháng
    Nhưng trong mắt anh
    vẫn lấp lánh tựa thần tiên !
     
    Ơi thành phố, một thời ta mộng mơ !
    Ôm ấp sau chiến hào lửa, khói
    Sẽ không còn là anh,
    Sẽ không còn là em…
    Nếu bao gương mặt xưa, đồng đội
    Không hoá thân
    Để làm nên chiến thắng diệu kỳ !
    Gương mặt em cùng Thành phố sáng bừng
    Như giữa ngày 30 tháng tư năm ấy !
     
    Đêm Th.phố HCM 30/4/2005
     
     
    3. HÀ NỘI LÚC 5 GIỜ
     
     
    Hà Nội lúc 5 giờ
    Nõn nà như cô gái
    Không gian thật huyền ảo
    Phố phường như rộng hơn
    Làn gió mới tinh khôi
    Mơn man đầu ô nhỏ...
     
    Hà Nội lúc 5 giờ
    Chị lao công lặng lẽ
    Trút bỏ nốt khẩu trang...
    Suy tư, chào buổi sáng !
    Phố phường như nhẹ dâng
    Gánh hoa hồng ngát hương
    Trên vai em gái nhỏ
    Thanh tân chào bình minh !
     
    Hà Nội lúc 5 giờ !
    Thong dong, người sải bộ
    Các cụ
    Luyện Thái cực quyền,
    Múa kiếm…
    Trẻ con, í ới gọi nhau
    Quả bóng lăn tròn góc phố
    Tuổi thơ tôi năm tháng không quên...
     
    Hà Nội lúc 5 giờ
    Chợt đánh thức trong ta một ước mơ cỏn con
    Bao giờ nhỉ,
    Hà Nội mình 24 giờ luôn đẹp thế ?!
     
    Hà Nội, 2005-12-13
     
    KIỀU ANH HƯƠNG
  16. Kieu Anh Huong
    Phía sau một mối tình- thơ Kiều Anh Hương
    Posted by ngohuudoan on April 17th, 2007
     
    PHÍA SAU MỘT MỐI TÌNH
    Yêu tặng H
     
     
    Anh từ đại ngàn bước ra…
    Sau lưng là những cánh rừng đã chết
    Tuổi 25, bất ngờ gặp em
    Nụ hôn đầu, đắm say da diết…
     
    Nhưng định mệnh, nào đâu có biết…
    Anh phải rời xa, không một lời giải thích
    Em ngóng hoài, tăm cá bóng chim!
    Để rồi tan vỡ một trái tim !
     
    Để rồi tan nát… một niềm tin
    Với em, vạn nghìn lần, anh đã chết
    Người lính ấy đã dã tâm cướp mất
    Tâm hồn em… trinh trắng tuổi đôi mươi !
     
    Em khắc sâu… oán hận mối tình đầu.
    Hồ nghi cả thánh thần, trời phật…
    Nào đâu biết, trái tim anh cũng nghìn lần tan nát
    Bởi sự thật này, không thể nói cùng em !…
     
    Anh từ đại ngàn bước ra…
    Chất độc màu da cam, thấm sâu vào máu thịt
    Nhưng anh nào hay, nếu không có một ngày
    Chứng kiến nỗi đau từ người bạn lính
    Khóc chia tay đứa con đầu lòng, mới sinh
    Không tay, không mắt…
    Ngỡ hiển linh… quái vật đầu thai ?!
     
    Ôi, nụ hôn đầu đời đắm say…
    Đêm diệu huyền bỗng thành đêm hoang tưởng
    Vị ngọt đầu môi, bỗng thành chát đắng
    Những ngôi sao xanh, bỗng lịm tắt rồi…
     
    Không trốn chạy, nhưng anh đành phải quay lưng…?
    Đâu dám nói, bởi anh biết, trái tim em quá nhân từ, độ lượng
    Sẽ không thể bỏ mặc anh, khi từng tế bào đang dần lặng chết…
    Em có tội tình chi để phải chịu nỗi đau này ?
     
    ***
    Từ đại ngàn bước ra…
    Nơi tội ác đã bị phơi trần
    Nhưng không thể minh chứng cho tình yêu em nghìn lần sâu thẳm…
    Dẫu vẫn biết sự thật luôn nghiệt ngã !
    Mà sao tim vẫn nhói đau !
     
    Lửa đã cháy ngút ngàn Trường Sơn..
    Lửa vẫn cháy ngút ngàn Trường Sơn…
    Dẫu màu xanh nhỏ nhoi, đang hồi sinh… loang lổ !
    Dẫu vết thương đời, đang dần khoe sắc mới
    Nhưng với anh,
    Tình yêu em sẽ mãi mãi sẽ không còn
    Dẫu nụ hôn đầu đời em dành cho người lính
    Vẫn còn đây
    Những phút giây đắm say, run rẩy…
    Thiên thần !
     
    ***
    …”Ôi , Chiến tranh! Chiến tranh!
    Bạn bè ta, ngày nào…
    Ai còn, ai mất ?
    Bữa cơm quê một chiều Hội Lim
    Thằng Hùng ngồi khóc
    Thương ba đứa con
    Nuôi mãi không thành người
    Bởi chất độc màu da cam,
    Bởi di chứng của một thời sốt rét
    Bởi vết thương xưa dù nhiều năm liền vết
    Vẫn nhói đau giữa lòng đời…” (*)
    Kiều Anh Hương
     
    (*) Trích trong “Vầng trăng Trường Sơn”, 2000
     
    Kiều Anh Hương
     
     
    Tình cờ đọc được bài thơ “Phía sau một mối tình” của tác giả Kiều Anh Hương
    Mấy dòng tản mạn
     
    Hơn 30 năm, chiến tranh đã đi qua, cũng không rõ nổi 30 năm là dài hay ngắn? Những hố bom mỗi ngày được lấp đầy rơm rác, đất cát rồi cũng mọc lên cây cỏ xanh tươi. Những thân dừa đau đớn với hang hố thù hằn cũng ngã xuống sau một lần gió lớn hoặc hết tuổi cũng phải qua đời để thay cho một thế hệ mới mượt mà trơn tru. Những thân cây mận, cây xoài góc sân, mang trong người những vết lê vết mác, suốt đời tươm máu hoặc què quặt hình hài rồi cũng sẽ khuất mặt.
     
    Thời gian cứ dần trôi qua, chúng ta sẽ không còn thấy rõ ràng nữa những tàn dư của chiến tranh với một đời cây đời cỏ, đời hầm đời hố, nhưng cái vết thương của đời người thì hãy còn hiển hiện ra đây! Đời trước thọ thương rồi đến đời sau, đời sau nữa, sau nữa … tiếp nối đau thương. Chất độc màu da cam (dioxin) đã đổ vào một dòng sông vô tội, dòng sông màu đỏ. Dòng sông đỏ này đã phân chia thành kênh thành rạch rồi thành rãnh thành mương, len lỏi vào nương dâu ruộng đồng, đi tới đâu thì đời sống trở thành tật nguyền quái dạng đau thương tới đó. Tôi chẳng biết làm gì hơn, chỉ cầu mong cho sự trung hòa chậm chạp của những cơn mưa nhân từ rơi mỗi mùa trên quê hương đất Việt.
    Mỗi ngày trên đường đi, chúng ta còn chứng kiến đâu đó ở ngã tư đường, trạm xăng dầu, trước rạp chiếu bóng … những “con người” nhưng không còn nhận ra được bằng định nghĩa của tự nhiên hay sinh học. Nỗi đau xác, đau hồn, đau mưa, đau nắng vẫn âm ỉ chảy trong dòng đời, chốc chốc lại gào lên nghiệt ngã. Không đi ngoài đường, không tới Trại mù, không tới Trung tâm người tàn tật, buổi chiều ngồi im trong nhà, lang thang trên internet lại bất chợt gặp những bức hình, hình bài thơ cũng đau nhói tim người.
    “Bữa cơm quê một chiều Hội Lim
    Thằng Hùng ngồi khóc
    Thương ba đứa con
    Nuôi mãi không thành người”
    Tôi đang nói với bạn về một buổi chiều lang thang trên mạng, tôi đã chạm phải vết thương của một người lính. Có lẽ là vậy, có lẽ anh là người chiến binh dặm ngàn Trường Sơn ký ức. Bài thơ của anh viết cho một cuộc tình thật đẹp, có lẽ là rất đẹp, anh không nói nhiều về cái đẹp đó khi mà sự chua chát đắng cay đã tràn lên lấn át tâm tư. Cuộc tình đẹp nhưng đã âm thầm dang dở khi anh chợt nhận ra những giọt nước của dòng sông đỏ kia đã thấm vào chân lông thớ thịt, khi anh chợt nhận ra rằng giọt nước của dòng sông đỏ kia đã len lỏi vào cánh đồng yêu thương của mùa lúa đang thời con gái, đòng đòng… Mọi thứ đã dừng lại trong tiếc nuối tột cùng để ngăn chặn một đời cây đời cỏ đang chắc chắn bị thọ thương tiếp tục ở phía trước. Tôi bỗng thấy xót xa cho anh, xót xa nhiều cho một cuộc tình đã âm thầm, nghẹn ngào dang dở!
    Ngô Hữu Đoàn
    SG, 17.04.2007
     
    Nguồn: thơ/thotre.com; ảnh/vietnam.vnagency.com.vn
     
     
     
    VẦNG TRĂNG TRƯỜNG SƠN NĂM 2000
    Kính tặng anh Phạm Tiến Duật
     
     
    Trở lại Trường Sơn năm hai ngàn ...
    Bất ngờ em gặp lại :
    “Vầng trăng và Quầng lửa * (*)
    Cháy rực giữa rừng khuya
    ánh điện hàn chớp loè mặt đất ...
    Tiếng xe xích ầm ì ...
    Cứ ngỡ tăng ta đang vào chiến dịch
    Mùa khô năm một chín bảy hai ( 1972 ) !
     
    Thì ra, vầng trăng cháy trong chiêm bao ...
    Ôi vầng trăng đỏ ối ngày nào
    Đau đáu dõi theo từng quầng lửa
    Đang trùm lên đoàn pháo, đoàn xe
    Ngút trời những đêm A-so, A-sao ....
     
    Ngày ấy,
    Em chưa hề biết thế nào là cái đèn kéo quân -
    (Trò chơi của con người !)
    Chỉ có “Lửa Đèn” (**) trong thơ anh
    Đã thắp lên trong tim em ngàn đốm lửa
    Cháy bập bùng suốt cả tuổi thanh xuân !
     
    Và chúng Em đã lớn lên,
    Cùng với “Vầng trăng.. “ Trường sơn
    Cùng với đại ngàn trơ trụi
    Đỏ mắt dõi chờ từng chuyến xe
    Xuyên qua bom rền, đạn xối
    Chợt hiểu cái đèn kéo quân
    Trong thơ anh huyền thoại
    Lớn lao biết nhường nào !...
     
    Vậy nên, đến tận bây giờ,
    Trong những đêm không ngủ
    Em thường nhớ về mặt trận
    Nhớ về những ngọn đèn dầu thắp trong ống nứa
    Nhọc nhằn dẫn lối xe đi...
    Nhớ về Trường Sơn,
    Nơi đã khắc dấu một thời trận mạc
    Nơi đã khắc dấu chân Anh và Em
    Trong trùng điệp đoàn quân đi diệt Mỹ...
    Làm nên cái đèn lồng kéo quân
    vĩ đại nhất hành tinh
    giữa thế kỷ hai mươi !
     
    Và chính nó, lũ "ma trơi" ngày ấy
    Đã phải căng mắt dõi theo
    Những ngọn đèn dầu bé xíu
    Như triệu triệu ánh sao đêm
    Hối hả hướng về đồng bằng,
    Hối hả hướng về thành phố...
    Cháy rực lên thành ánh lửa bình minh
    Của ngày Ba-Mươi-Tháng-Tư lịch sử !
    ***
    Ôi, Chiến tranh ! Chiến tranh !
    Đâu bạn bè tôi ngày nào ?
    Ai còn, ai mất ?
    Bữa cơm quê một chiều Hội Lim
    Thằng Hùng ngồi khóc
    Thương 3 đứa con
    nuôi mãi không thành người
    Bởi chất độc “màu da cam” ! ...
    Bởi di chứng của một thời sốt rét
    Bởi vết thương xưa dù đã nhiều năm liền vết
    Vẫn nhói đau giữa lòng đời ...
    ***
    “Vầng trăng và những quầng lửa “
    dấu trong ba lô ngày nào
    Em lại lục tìm và chong đèn ngồi đọc
    Hình như sắp có chiến tranh
    Hình như lũ “ma trơi” đang dồn về I-Rắc...
     
    Ơi Lửa Đèn ! Lửa Đèn !
    Bao lần rồi, ta đã nhoè mí mắt ...?
    Chẳng có nỗi đau nào giống nhau
    Trang thơ mệt nhoài khao khát !
    Chiến tranh hiện hữu những năm 2000...
    Sẽ nghìn lần hơn - tàn khốc
    Tất cả những gì trong thơ Anh đã viết...
    Con người lại bắt gặp
    Trên những trang tin về Bát Đát ( Baghdad )
    Nơi máu sẽ rơi vì hoả tiễn và bom khoan
    Chúng nó lại đến “ ... từ bên kia biển
    Rủ nhau bay như một lũ ma trơi ...” (**)
     
    Xin hãy thắp
    Lửa Đèn lên Anh ơi!
    Để nhận rõ mặt người
    Để đẩy lùi chiến tranh !
    Cho những cuộc hành quân nào còn trong bóng tối
    Sẽ hiện muôn đời trên mặt ngọn đèn xoay.(**) A
     
    Lưới 3-2002-Hà Nội 3-2003
    Kiều Anh Hương
     
    (*): Tập thơ của Phạm Tiến Duật –NXB Văn học1970(?) ;
    (**)Bài thơ Lửa đèn, in trong tập thơ nói trên và những câu thơ trích..
  17. Kieu Anh Huong
    51. MẸ
     
     
    Một đời nghèo đói, tha hương
    Mồ hôi chan bát cơm thường, nhạt tênh...
    Gánh rau lửng sáng, từ đêm
    Gầy hao, dáng Mẹ tảo tần bán mua
     
    Oằn cong, gánh nợ bốn mùa
    Một đời Mẹ trả hết chưa. Cơ hàn ?
    Chợ đêm, nơi đó vẫn còn
    Khoảng không tĩnh lặng, xoáy tròn dấu xưa…
     
    Bây giờ, hơn cả ước mơ
    Nhà lầu, cơm áo... đủ vừa, mười mươi
    Bây giờ, con cháu nên người
    Mong sao chín suối, ngậm cười, Mẹ vui !
     
    Hà Nội tháng 7.2004
     
     
    52. ĐẤT NƯỚC...
     
    1.
    Đã đành,
    Mẹ phải dứt áo ra đi
    Khi Đất Nước chìm trong nô lệ
    Tất cả bỗng trở thành hành khất
    Sau một đêm thức giấc
    Xác người chết đói, tấp đầy hiên...
     
    Đã đành,
    Mẹ phải dứt bỏ ruộng vườn, tổ tiên ?
    (Cha vẫn biệt tin kháng chiến..)
    Tay xách, nách mang... đứa ba, đứa bảy
    Chị tôi ngơ ngác biết gì ...
     
    2.
    Nào có sướng chi nơi đất khách quê người
    Lần hồi cháo rau, nuôi nhau khôn lớn
    Đến ngày sinh của con
    Mẹ cũng không còn nhớ được
    Huống chi là Đất Nước
    Đất Nước- nào con có để chôn rau ?
     
    Con bỗng thành kẻ hành khất bơ vơ
    Một doi đất nhỏ thôi
    Cũng không có để tháng ngày cày xới
    Miếng cơm ăn, cũng lắm khi lầm lũi
    Nhưng,
    Mẹ vẫn là Mẹ kính yêu ơi !
    ....
     
    3.
    Máu đã đổ và xương đã rơi
    Dẫu không có mặt trong trận cuối cùng -
    Trận Điện Biên lừng lẫy
    Nhưng cha tôi không hổ thẹn, một đời trai phiêu bạt;
    Chỉ tiếc cho tấm huân chương sau ngày độc lập
    Cha không kịp đeo dẫu chỉ một ngày...
    Con lặng lẽ ấp lên trước ngực
    Nơi chiếc ảnh thờ nghi ngút khói hương
    Thành kính !..
     
    4.
    Đất nước bây giờ
    Ta đã có để chôn rau
    Cho các con tôi lớn lên, bền gốc
    Dù ở bất cứ nơi nào trên khắp năm châu...
    Thì Đất Nước luôn vẫn ở trong tim, bền chặt !
    Con ơi !
    Đất nước không sợ đói nghèo
    Chỉ sợ vàng son không thật...
    Vậy nên các con phải gắng sức,
    Bền tâm học hành...
    Để xứng danh con Hồng cháu Lạc
    Dựng xây đất nước- quê hương !
     
    5.
    Đất nước !
    Xin đừng thêm một lần xẻ chia,
    Xin đừng thêm một lần cúi đầu nô lệ
    Xin đừng thêm một lần xương rơi và máu đổ
    Xin đừng thêm một lần...
    Để các con tôi phải dứt áo ra đi
    Lầm lũi tìm từng doi đất,
    Chôn rau !
     
    Hà Nội, 1990-2004
     
     
    53. THĂM CHÙA ...
     
     
    Ngôi chùa nhỏ, cạnh nhà em
    Tuổi thơ, gánh cả ao sen lên chùa...
    Chòng chành, sớm nắng, chiều mưa
    Khói hương ai thắp, hư vô cõi trần ?
     
    Chùa chiều, héo hắt ngoài sân
    Có người lãng đãng, tần ngần, muốn thăm...
    Nén hương dâng chút thành tâm
    Buồn thương nhớ bạn tri ân một thời...
     
    Sư thầy nhặt cánh hoa rơi
    Nam mô... kính khách thăm nơi cửa thiền
    Bỗng giật mình, bạn “thuyền quyên..”
    “Lá diêu bông...” đã rơi nghiêng, mất rồi !
     
    Cánh sen, chờ tím một một đời
    Thôi đành dâng trọn, người ơi, cõi chùa...
    Biết đâu, còn kẻ mong chờ
    Nhân duyên không định, cõi bờ cách ngăn...
     
    Nam mô di đà phật... chào anh
    Chùa chiều sao bỗng chạnh lòng quá thôi !
    Người về, lay lắt mưa rơi
    Giọt thương, giọt nhớ kiếp đời chúng sinh !
     
    Chùa quê, Hà Tây, 2004
     
     
     
    54. KHÔNG GIAN ẢO
     
     
    Ta bỗng dại khờ như thuở đôi mươi
    Say đắm đi tìm người yêu trên mạng
    Một không gian vừa thật vừa ảo
    Vừng ơi ! sao em không hiện ra ?
     
    Mỗi chiều về hay mỗi sớm mai lên
    Trong dòng người ngược xuôi trên phố
    Anh thầm gọi, có phải em không đó
    Mà sao như lạ, như quen ?
     
    Thì ra, cuộc đời vẫn cứ đẹp xinh
    Khi tâm hồn ta cất cánh...
    Hãy để anh đón em trong một chiều đầy nắng
    Em ơi, mùa thu Hà Nội đang về !
     
    Hà nội, tháng 8.2004
     
     
    55. TRỐN TÌM
    Thân tằng HT
     
    Thuở còn thơ, ta từng đuổi bắt nhau
    Trong những trò chơi trốn tìm, con trẻ
    Bắt được rồi, nhưng em lại khóc
    Bởi cho rằng, vì anh “ăn gian” !
     
    Thôi thì, tại vì anh ăn gian ?
    Ta lại bắt đầu trốn tìm lần nữa
    Anh giả bộ lơ ngơ để em “chộp” được
    Sướng quá đi thôi, khi thấy mắt em cười...
     
    “Năm tháng rồi, năm tháng cứ dần trôi...” *
    Anh phải xa em, vào tận trời Nam đánh giặc
    Những đêm luồn rừng,
    Những ngày dầm mình trong nước lạnh...
    Phút chờ lệnh công đồn,
    Càng thương nhớ em hơn !
     
    Còn bây giờ em đang ở đâu ?
    Hết nửa đời rồi, anh lại đi tìm một nửa
    Rất muốn lơ ngơ như thuở nào, để em “chộp” được
    Mà sao, khó lắm người ơi !
     
    Chẳng biết Em có dám cùng tôi
    Chơi tiếp cái trò chơi **, con trẻ !
     
    Hà Nội, ngày12/08/2004
     
    *. Trích trong bài thơ : Tặng em gái Ngọc Hà, KAH
    ** Trò chơi :”Tìm bạn trăm năm” trên mạng
     
     
    56. KHẮC HỌA QUẢNG BÌNH
     
     
    Quảng Bình ơi, Đồng Hới của ta ơi !
    Ta lại về đây, sau bao tháng ngày thương nhớ
    Đâu rồi Quán Hàu xác xơ đạn lửa,
    Đâu rồi đôi bờ Sông Gianh, nham nhở
    Bóng em tôi chìm trong khói bom thù...
     
    Chẳng hy vọng gì sau ba chục năm ròng
    Ta sẽ tìm lại được, bóng hình em xưa, cũ
    (O dân quân và Anh pháo thủ...)
    Nhưng chúng ta sẽ mãi bên nhau như lịch sử lâu bền...
     
    Kho xăng dầu Petrolimex Quảng Bình
    Sau ba mươi năm, anh lại về đây góp mặt
    Bên dòng Sông Gianh tím biếc
    Chợt nhớ quá chừng bóng dáng em tôi.
     
    Ta khắc dấu Quảng Bình vào trong trái tim
    Bởi bóng hình Em những tháng năm bất tử !
     
    Đồng Hới 26/7/2004
     
     
     
    57. CHÂN DUNG
    Kính tặng anh T.
     
     
    Bởi yêu người, nên Anh vẽ chân dung
    Hồn thi sĩ ẩn trong từng phác thảo
    Khuôn mặt nào khiến lòng Anh thao thức
    Phối sắc màu, tạo dáng mai sau...
     
    Bắt chước Anh,
    Tôi họa bức chân dung này
    Chợt nhận ra một điều vô cùng xưa cũ
    Khuôn mặt thật của con người
    Luôn nằm sâu trong đáy mắt
    Không lời đường mật nào
    có thể làm mờ hoen
    Không thứ bạc vàng nào
    có thể khiến ta chói loà khuất, lấp ...
    Hãy nhìn sâu vào trong từng đôi mắt
    Bằng chính trái tim con người
    Lời mách bảo nhiệm màu sẽ hiển hiện
    Chẳng cần tô điểm nhiều đâu !
     
    Bởi thế, trong bức chân dung này đây,
    Tôi vẽ,
    Chỉ có đôi mắt Anh thôi
    Thẳm sâu – Trí tuệ !
     
    Hà Nội 04/04/2004
     
     
    58. CÂY ĐẠI THỤ VÀ LÂU ĐÀI TRẮNG
     
     
     
    Cây đại thụ đã bao nhiêu tuổi ?
    Chỉ riêng mình cây biết rõ mà thôi
    Thân cứng cáp, tay xòe tán rộng
    Như muốn chở che, ban phát lộc cho đời
     
    Vẫn biết “cây cao, bóng cả” một thời
    Sừng sững trước cửa tiền : Khâm Thiên, số Một
    Như thể là một phần của cuộc sống
    Tất yếu, không thể đổi thay !
     
    Nào ngờ, lá rụng – một ngày
    Cây đại thụ kính yêu không còn nữa !
    Hỏi vì sao, không ai nói được
    Chỉ riêng mình cây biết rõ mà thôi !
     
    Lâu đài trắng, bỗng dưng cao hơn
    Lặng lẽ đặt dưới chân mình
    Một đài bia tưởng niệm(*)
    Để ghi nhớ chiến công bao người đã ngã xuống
    Từ nơi đây !
     
    Thì ra, cây cũng như người,
    Biết rõ lẽ đời, sống chết !
    Biết đâu là điểm dừng,
    Bởi mọi ánh hào quang đều có ngày lịm tắt
    Đến như Thần Gióng chân quê
    Cũng biết lúc phải bay về Trời
    Để lại nỗi nhớ muôn đời
    Một dáng hình Thánh Nhân nơi trần thế...
    Không có gì là bất biến
    Thế gian này, vốn đã quá mênh mông !
     
    Tôi rất buồn và lặng ngước nhìn lên
    Trước một lâu đài sừng sững !
    Lâu đài Trắng ở Số Một – Khâm Thiên !
    Và suy tưởng :
    Về một đài bia...
    Về một đời cây...
    Về một đời người... !
     
    Hà Nội 24/08/2004
     
    (*) Có một sự trùng hợp đến kỳ lạ : trước ngày lễ gắn biển (ngày 15/07/2004) "Di tích lịch sử cách mạng kháng chiến Nhà Dầu Shell - Số 1 Khâm Thiên" ngay dưới gốc cây đại thụ nói trên thì cây đại thụ bỗng dưng bị chết.
     
     
     
    59. HÃY ĐỂ NƯỚC MẮT ĐƯỢC TUÔN RƠI
     
    Lạ kỳ thay những khi nước mắt rơi
    Ta bỗng thấy lòng mình thanh thản quá
    Ký ức chiến tranh luôn hiện về mọi lúc
    Trong những giấc mơ...
    Trong mỗi trang đời...
     
    Sáng nay, bỗng nhận được một “tin vui” (*)
    300.000 chiến sĩ vô danh, sẽ nhận lại tên mình
    Như ngày đầu tiên xếp hàng, điểm danh trong quân ngũ
    Càng thương hơn bao anh hùng liệt sĩ
    Đã vĩnh viễn ra đi không để lại chút di hài... ?!
     
    Cảm ơn các nhà khoa học, nghìn lần...
    Đã âm thầm gọi tên, đánh thức bao cuộc đời trai trẻ
    Từ cõi tâm linh, âm dương cách biệt
    Tôi biết các anh cũng đang vui cười !
     
    Riêng tôi, vẫn mơ ước sẽ có một ngày
    Nước mắt bao người thân lại đầm rơi sau vai áo
    Khi nhận hết tên những ANH Hùng đang ẩn tích
    Lang thang sau cuộc chiến, một thời...
     
    Hãy để cho nước mắt được tuôn rơi
    Xối xả trôi về một thời bão táp !
    Hà Nội, ngày 27/07/2005
    (*) : Nhân đọc bài :”ứng dụng công nghệ gen để trả lại tên cho liệt sĩ” trên trang web VietNamNet, ngày 27/07/2005
  18. Kieu Anh Huong
    46. VẦNG TRĂNG TRƯỜNG SƠN NĂM 2000
    Kính tặng anh Phạm Tiến Duật
     
     
    Trở lại Trường Sơn năm hai ngàn ...
    Bất ngờ em gặp lại :
    “Vầng trăng và Quầng lửa * (*)
    Cháy rực giữa rừng khuya
    ánh điện hàn chớp loè mặt đất ...
    Tiếng xe xích ầm ì ...
    Cứ ngỡ tăng ta đang vào chiến dịch
    Mùa khô năm một chín bảy hai (1972) !
     
    Thì ra, vầng trăng cháy trong chiêm bao ...
    Ôi vầng trăng đỏ ối ngày nào
    Đau đáu dõi theo từng quầng lửa
    Đang trùm lên đoàn pháo, đoàn xe
    Ngút trời những đêm A-so, A-sao ....
     
    Ngày ấy,
    Em chưa hề biết thế nào là cái đèn kéo quân -
    (Trò chơi của con người !)
    Chỉ có “Lửa Đèn” (**) trong thơ anh
    Đã thắp lên trong tim em ngàn đốm lửa
    Cháy bập bùng suốt cả tuổi thanh xuân !
     
    Và chúng Em đã lớn lên,
    Cùng với “Vầng trăng.. “ Trường sơn
    Cùng với đại ngàn trơ trụi
    Đỏ mắt dõi chờ từng chuyến xe
    Xuyên qua bom rền, đạn xối
    Chợt hiểu cái đèn kéo quân
    Trong thơ anh huyền thoại
    Lớn lao biết nhường nào !...
     
    Vậy nên, đến tận bây giờ,
    Trong những đêm không ngủ
    Em thường nhớ về mặt trận
    Nhớ về những ngọn đèn dầu thắp trong ống nứa
    Nhọc nhằn dẫn lối xe đi...
    Nhớ về Trường Sơn,
    Nơi đã khắc dấu một thời trận mạc
    Nơi đã khắc dấu chân Anh và Em
    Trong trùng điệp đoàn quân đi diệt Mỹ...
    Làm nên cái đèn lồng kéo quân
    vĩ đại nhất hành tinh
    giữa thế kỷ hai mươi !
     
    Và chính nó, lũ "ma trơi" ngày ấy
    Đã phải căng mắt dõi theo
    Những ngọn đèn dầu bé xíu
    Như triệu triệu ánh sao đêm
    Hối hả hướng về đồng bằng,
    Hối hả hướng về thành phố...
    Cháy rực lên thành ánh lửa bình minh
    Của ngày Ba-Mươi-Tháng-Tư lịch sử !
    ***
    Ôi, Chiến tranh ! Chiến tranh !
    Đâu bạn bè tôi ngày nào ?
    Ai còn, ai mất ?
    Bữa cơm quê một chiều Hội Lim
    Thằng Hùng ngồi khóc
    Thương 3 đứa con
    nuôi mãi không thành người
    Bởi chất độc “màu da cam” ! ...
    Bởi di chứng của một thời sốt rét
    Bởi vết thương xưa dù đã nhiều năm liền vết
    Vẫn nhói đau giữa lòng đời ...
    ***
    “Vầng trăng và những quầng lửa “
    dấu trong ba lô ngày nào
    Em lại lục tìm và chong đèn ngồi đọc
    Hình như sắp có chiến tranh
    Hình như lũ “ma trơi” đang dồn về I-Rắc...
     
    Ơi Lửa Đèn ! Lửa Đèn !
    Bao lần rồi, ta đã nhoè mí mắt ...?
    Chẳng có nỗi đau nào giống nhau
    Trang thơ mệt nhoài khao khát !
    Chiến tranh hiện hữu những năm 2000...
    Sẽ nghìn lần hơn - tàn khốc
    Tất cả những gì trong thơ Anh đã viết...
    Con người lại bắt gặp
    Trên những trang tin về Bát Đát (Baghdad)
    Nơi máu sẽ rơi vì hoả tiễn và bom khoan
    Chúng nó lại đến “ ... từ bên kia biển
    Rủ nhau bay như một lũ ma trơi ...” (**)
     
    Xin hãy thắp
    Lửa Đèn lên Anh ơi!
    Để nhận rõ mặt người
    Để đẩy lùi chiến tranh !
    Cho những cuộc hành quân nào còn trong bóng tối
    Sẽ hiện muôn đời trên mặt ngọn đèn xoay.(**)
     
    A Lưới 3-2002-Hà Nội 3-2003
    (*): Tập thơ của Phạm Tiến Duật –NXB Văn học1970(?) ;
    (**)Bài thơ Lửa đèn, in trong tập thơ nói trên và những câu thơ trích..
     
     
     
    47. GẶP MẸ TRONG MƠ
     
     
    Dẫu vẫn biết, chỉ là giấc mơ thôi
    Mà sao con vẫn thầm khao khát,
    Mong hằng đêm, luôn được gặp lại Mẹ...
    Phút khắc khoải đợi chờ, như chưa từng lâu hơn thế
    Con ùa về phía Mẹ hư vô !
     
    Con ngắm nhìn bóng Mẹ mờ xa...
    Muốn được xà vào vòng tay khô, gầy yếu
    Mà sao, bàn chân không thể tới
    ở phía kia, sương giá giăng đầy !
     
    Mẹ ơi, có thật Mẹ vẫn còn ?
    Mẹ chỉ hoá thiên thần trong giây lát
    Nên hằng đêm Mẹ vẫn về nâng giấc ngủ
    Cho chúng con bớt lạnh giá, cô đơn ?
     
    Để hằng đêm, căn nhà ta được ấm hơn
    Có bóng Mẹ bồng bềnh trong mộng...
    Có tiếng trở mình, mỗi khi mất điện
    Tiếng phe phẩy, quạt nan, gió lùa...
     
    Có tiếng khóc hờn, cháu thức gọi bà
    Tiếng tích tắc đồng hồ, đo màu đêm sâu thẳm...
    Tiếng cối trầu, miết vào cay đắng
    Cháy lên thắm đỏ, môi cờ ...
     
    Con bỗng giật mình, chợt hiểu một điều
    Bấy lâu rồi, Mẹ luôn cô quạnh
    Ngôi nhà rộng, càng thêm hụt hẫng
    Khi hằng đêm, Mẹ ngóng đợi con về…
     
    Nhưng chúng con cứ lo chuyện mưu sinh,
    Mải miết tối ngày
    Đâu biết được, Mẹ chờ cơm từng bữa
    Đâu biết được, đất trời đang trở gió
    “Mẹ già như trái chín trên cây...” !
     
    Hoá ra, tất cả vẫn như ngày xưa,
    Chỉ có khác - Bây giờ
    Chính chúng con, lại hằng đêm khắc khoải
    Mong ngóng từng phút, từng giây,
    Để được gặp lại Mẹ
    Dẫu chỉ là trong giấc mơ thôi !..
     
    Hà Nội, ngày giỗ Mẹ 13/10 Quí Mùi 2003
     
     
    48. NỬA ĐỜI, NHÌN LẠI !
     
     
    1.
    Nửa thế kỷ đầu thai, nhìn lại
    Hình như, không hổ một đời trai
    Dọc ngang, xuôi ngược đâu chưa tới,
    Sướng vui, đói khổ nào chưa hay ?
     
    Dẫu thây chưa phải bọc da ngựa
    Vết xước đôi lần, bé cỏn con
    Chiến trường, giặc dã... đà nếm trải
    B.52, đạn thẳng, pháo bầy...
     
    Giữ vững niềm tin, vượt chính mình
    Bạn bè, bao đứa đã hy sinh
    Sốt rừng, đói lả... bên suối cạn
    Hẫng người, miệng đắng, mắt lân tinh...
     
    Níu từng ngọn cỏ, từng nhành cây
    Dốc cao, núi dựng tận trời mây...
    Trường Sơn, ngày ấy như huyền thoại
    Nâng bước tuổi xuân, lạ kỳ thay !
     
    2.
    Từng chặng, đường xa, cứ vượt dần
    Tâm bền, chí dũng, vững đôi chân
    Tình yêu, sự nghiệp.. như định mệnh
    Khúc quanh... đôi lúc có phân vân !
     
    Chòng chành sóng nước, con thuyền cũ
    Sông mãi trôi, hai nửa đục trong
    Không buồm, không gió, không chèo chống
    Hỏi sông sâu, thuyền có đổi dòng ?
     
    “Đừng đứng núi này, trông núi nọ..!”
    Lời cha dạy dỗ, lòng khắc ghi
    Lấy “nghiệp xăng dầu” làm duyên nợ
    Chẳng so đo, toan tính mà chi...
     
    Dẫu cho thế sự, bao thay đổi
    Lòng người không dễ cùng sẻ chia
    Nhìn trước, nhìn sau, ta nhìn lại
    Thấy rõ ta hơn, giữa cuộc đời...
     
    3.
    Bạn cũ, người xưa ... đứa mất, còn
    Thằng không nhà cửa, kẻ đế vương
    Hèn – sang, thế sự, âu số phận ?
    Nhưng chớ vội quên, tình cố nhân !
     
    “Cơm áo, không đùa với khách thơ…”
    Dẫu còn đâu đó, chuyện bán, mua…
    Ghế quan, mũ, mão… phường giá túi
    Chẳng mới gì hơn, cổ tích xưa !
     
    Sống đời tầm gửi, để mà chi
    Đôi chân đất sét, có ích gì;
    Thà về tát cạn dòng sông cũ
    Bắt cá, mò cua… cùng bạn quê...
     
    Để được đắm say, khúc dân ca,
    Để được cầm tay, bạn lính già
    Thuốc rê, rượu hũ… cùng thi, tứ
    Cao hứng cho nhau, phút thăng hoa
     
    4.
    Người cũ, tình xưa, thật khó quên
    Ước mơ thuở ấy, mãi bền nguyên …
    Hơn nửa đời người, nay ngó lại
    Tri ân, hai chữ khắc vào tim !
     
    Tóc thơm, ai hoạ đường thiên lý
    Hội cả về đây – Điệu đò đưa…
    Hà Nội, trong tôi, như dạ khúc
    Hát tặng riêng Em- Bông hường xinh

    Thì ra, Ta vẫn mãi là Ta !
    Vẫn một trái tim, một bài ca
    Đường dài vạn dặm không lùi bước
    Niềm vui, hạnh phúc chẳng bao xa ?!
     
    Hà nội năm 2003
     
    49. DÁNG XƯA
     
     
    Vẫn còn đây hình dáng em xưa
    Dẫu thời gian, bóng núi phai mờ
    Cánh rừng già đã thêm bao tuổi
    Mà hình như .... vẫn thế, em tôi !
     
    Chỉ mái tóc xanh, đã trắng mây trôi
    Sợi thương, sợi nhớ...
    Sợi nào trút lại bìa rừng
    Sợi nào ngược về mặt trận !..
     
    Ngày ấy,
    Trường Sơn ngút ngàn bom dội
    Ta chẳng dám tin đâu, sẽ có một ngày về
    Nhưng trái tim yêu vẫn thầm mách bảo
    Người ơi, xin hãy vững lời thề
    Dù hoa tím bao mùa thay lá
    Dù giữa ngày vui vẫn bặt tin đời...
    ....
     
    Ôi, Cho tôi ôm em trong vòng tay
    Ôi, Cho tôi hôn em trong từng giây
    Cho tôi lặng thầm trong thương nhớ
    Nhớ về cái ngày xửa, ngày xưa ấy...
    Nhớ về một cô Tấm trong mơ...
     
    Hà Nội 4/2003
     
     
    50. ĐỒNG HỚI
     
     
    Chỉ vài năm, không về lại
    Mà sao, nhiều thay đổi quá chừ...
    Đồng Hới phổng phao, như cô gái trẻ
    Khiến ai say, lạc lối đường về...
     
    Cửa hàng xăng dầu nơi em bây giờ,
    Cũng thật khang trang xinh xắn
    Người xe, đêm ngày vào ra tấp nập
    Nụ cười trên môi, luôn thắm tươi !
     
    Thị xã êm đềm bên dòng sông xưa
    Như chợt tỉnh, vươn mình ra biển rộng
    Có thể lần sau thôi, về lại
    Sẽ ngỡ ngàng : Thành phố mới bâng khuâng...
     
    Nhật Lệ ơi, dòng sông nhớ thương
    Bóng Mẹ Suốt, sẽ mãi còn soi sáng
    Sừng sững một đất trời tự do, độc lập
    Hắt lên, từ bên này, bờ Thái Bình Dương...
     
    Có đi qua những năm tháng chiến tranh,
    Gian lao, khổ đau !
    Có vượt qua những ngày bom rơi, đạn xối
    Thì chẳng có miền cực lạc nào hướng tới
    Sẽ làm ta nguôi quên Đồng Hới
    của ngày xưa !
     
    Thị xã Đồng Hới 26/07/2003
  19. Kieu Anh Huong
    41. NHỚ H’LÊ - NHỚ PLEIKU !
     
     
    Pleiku ! Pleiku !
    Đường cong như võng
    Đường xe êm ru
    Xanh xanh phố núi
    Bạt ngàn cao su !
     
    Ngỡ ngàng thác cũ
    Tụ về biển khơi
    Điện chui vào núi
    Điện toả muôn nơi...
     
    Mờ xa buôn xưa
    H’Lê bé nhỏ
    Giờ em ở đâu ?
    Thác cao, suối sâu
    Lối nào tìm gặp ?
     
    Tết ở Hà Nội
    Nhớ Em vô cùng
    Bóng rừng, phố Núi
    Duyên dáng em cười...
     
    Đừng quên anh nhé
    Em gái Pleiku
    Mai vô tìm lại
    Bên Em Hồ đầy
    Cầm tay anh gọi :
    H’Lê, H’Lê !
     
    Hà Nội 3/2003
     
     
    42. BUỔI SÁNG Ở PLEIKU
     
     
     
    Quán phở khô ở Pleiku.
    Buổi sáng, rất đông người
    Gặp nhau hàn huyên đủ thứ
    Nào chuyện về xăng, về dầu
    Nào chuyện về cao su, cà phê, bóng đá...
     
    Chàng trai kia, nói cười hỉ hả...
    Khuôn mặt rất quen, tôi đã gặp đâu rồi
    Thì ra, đội Hoàng Anh chiều nay xung trận
    Nên dân nghiền, cá độ chút cho vui...
     
    Cô gái ngồi kề tôi, màu da nâu tươi
    Quê ở Miền Trung lên đây làm kinh tế
    Điện thoại cầm tay cứ liên hồi réo gọi
    Chuyện tưới bơm...chốc chốc lại ngừng.
     
    Tôi hỏi người bạn viết cuối bàn
    Ai khéo khai sinh, phở khô, tuyệt thế ?
    Bạn chỉ cười, nhưng lòng muốn nói
    Có gì đâu, đó cũng là Pleiku !
     
    Pleiku tháng 3/2003
     
     
     
     
    43. MỘT ĐÊM Ở TUY HOÀ
     
     
     
    Lá cải cay, mù tạt cay
    Cá ngừ tươi sống, rượu say, hết mình...
    Cuốn vào nhau, chút thâm tình
    Chuối xanh, mướp đắng, tỏi, hành... thảo thơm.
    Xuýt xoa ... nước mắt... vòng quanh
    Mũi cay thấu tận trời xanh, vẫn cười !
     
    Tuy Hoà đêm ấy người ơi !
    Máu hoà trong gió biển khơi thắm nồng
    Cánh buồm no bão tuổi hồng
    Vít cong lời biển, níu lòng tơ vương
    Rót thơ vào túi càn khôn
    Vẽ lên vai cát, trăng non, tỏ mờ...
    ....
    Chuối xanh, mướp đắng, thôi mà...
    Xuyết xoa, nước mắt người ta... lại cười
    Đâu đây, dạ khúc vang trời
    Một đêm Tôi – Bạn, Bạn - Tôi, hết mình !
     
    Thị xã Tuy Hoà tháng 6/2003
     
     
     
    44. HỌC
     
     
    Lại cặm cụi cắp sách đến trường
    Tuổi năm mươi đồng hành cùng con trẻ
    Lũ chúng nó bây giờ thông minh quá
    Phúc nước rồi, con khôn hơn cha !
     
    Mắt đã mờ, kính lão... độ ba...
    Lòng chợt hỏi, đời người sao ngắn vậy ?
    Máu chảy về tim, phần đời còn mấy
    Học mà chi, ta có điên không ?
     
    Bỗng giật mình, nhớ lời Người răn :
    “Học, học nữa...”* cớ sao mình lùi bước;
    Tận xứ Phù Tang,
    Có cụ già, tuổi 70 mới thi vào trường luật...*
    Hẳn không là chuyện phù phiếm thôi đâu !
     
    Học mà chi, đừng hỏi nữa bạn ơi !
    Xin đừng “biện minh”, xin đừng “lý giải”
    Cái dốt, cái lười dễ bề đố kỵ
    Thế gian này, lắm sự nhiễu nhương...
     
    Chỉ thương người “quân tử”
    Hai vai gồng gánh “giang san”
    Thuyền không đạo, bến bờ nào sẽ tới ?
    Sóng triều dâng, ắt có ngày bão tố
    Cuốn đi mọi tham vọng trên đời...
     
    Học mà chi, đừng hỏi nữa bạn ơi !
    Lời ngay thẳng dễ gì khuất phục
    Học cả đời cũng không biết hết
    Chỉ mong sao một chữ “Nhẫn”
    đừng quên !
    Mấy ai, không chữ mà nên...
     
    Hà Nội, 2003
     
     
    45. CHA TÔI
     
     
    Cha tôi,
    Mưa nắng nhuộm màu da đồng hun
    Khi trái gió, trở trời,
    Thường lặng im, không nói
    Vết tra tấn đòn thù Pháp - Nhật
    Thấm vào cốt, vào tim...
     
    Cha tôi,
    Bom Mỹ dội ngập đầu, những năm chiến tranh
    Máu bao người thợ cầu, đẫm trên ngực áo
    Bước chân trần, miết dọc miền Trung lửa, đạn...
    Lặng thầm chiến công, người chiến sĩ giao thông !
     
    Cha tôi,
    Một đời thanh tao, như tấm gương soi
    Mẹ vẫn kể, trong thẳm sâu kính trọng:
    “Tay bách nghệ mà thân chẳng vinh
    “Tâm luôn sáng, mà đời giông gió
    “Không chịu cúi mình trước bạo hành
    “Chẳng ưa gì, những điều xu nịnh...
    “Nhưng dễ mềm lòng, trước đàn con thơ !
     
    Tôi yêu cha tôi
    Từ nụ cười, ánh mắt thẳm sâu !
    Chuyện cổ tích một thời có thật
    Đã bao lần tôi muốn viết thành thơ
    Cho các con tôi nhẩm đọc
    Mà sao không viết được
    Bởi cuộc đời Cha còn đẹp hơn thơ !
     
    Trước bàn thờ, đôi mắt mờ cay…
    Trong hương khói hư vô
    Tôi như thấy cha hiện về và đến bên âu yếm
    Ngắm nhìn đàn con cháu thân thương !
     
    Cha ơi,
    Hãy luôn về đây, bên chúng con
    Chở che và chỉ lối
    Bởi cuộc đời này vẫn còn lắm lắm
    Những đố kỵ và nhiễu nhương !
     
    Hà nội, 2003
  20. Kieu Anh Huong
    31. NHẬN DIỆN
     
     
    Ta là gì giữa dòng chảy cuộc đời ?
    Một giọt dầu thôi ư ?
    Chẳng lớn lao đến thế !
    Năm mươi năm một phần đời đã cháy
    Một phần tôi, hoá dĩ vãng lâu rồi !
     
    Ta là gì giữa dòng chảy ngút trời ?
    Một chút phù du phiêu lãng ?
    Dẫu đã cố còng lưng níu lại
    Nhưng dòng đời vẫn cứ vút trôi !
     
    Ta là gì giữa dòng chảy sục sôi ?
    Là sắt thép thôi ư? Sẽ mềm trong lửa đỏ
    Là kim cương, xin đừng mong thế
    Chúng chỉ là lũ đá cứng đầu thôi !
     
    Ta là gì, có cần gọi tên ?
    Có cần định danh, có cần định chỗ ?
    Xin hãy là mình, dẫu chỉ là hạt bụi
    Hạt bụi hoang sơ, lầm lũi..
    Thế thôi !
     
    Hỡi em, đừng mơ ước nhiều hơn
    Đến trái đất cũng chỉ là bụi cát
    Chỉ có tình yêu muôn đời là vĩnh cửu
    Ta nguyện làm bụi cát cho nhau !
     
    Hà Nội - Tháng 5/2002
     
     
     
    32. LỜI HÁT RU VỀ NHỮNG DÒNG XĂNG DẦU
     
     
    Nếu hát được thành lời,
    Thì lời ca cho em từ thuở ấy,
    Sẽ hoá ngàn lời hát ru bỏng cháy...
    Nhắc ta nhớ về
    Bao chiến công của cha, ông xưa
    Một thời lừng lẫy !
     
    Nếu viết được thành lời,
    Thì lời thơ tôi viết cho em hôm nay
    Sẽ hoá ngàn điệp khúc –
    Về tình yêu, đắm say ...
    Về những tháng năm thanh bình
    Trong khát khao dựng xây ...
     
    Ôi, những lời thơ, ta hát ngợi ca,
    Hát về chính chúng ta
    Với bao niềm kiêu hãnh
    Đây, những giọt xăng, giọt dầu
    Thật đơn sơ giản dị
    Là Mẹ, là Cha
    Là Anh, là Chị...
    Những người đã từng hiến dâng
    Cả tuổi thanh xuân đẹp nhất
    Để làm nên ngàn chiến công
    Thầm lặng...
    Góp vào bản hoà ca ba mươi tháng tư (30/4)
     
    Tuổi xuân ấy sẽ mãi xanh tươi,
    Sẽ mãi mãi dài theo năm tháng,
    Dài theo những ống dầu, xuyên qua lòng đất
    Dài theo những đoàn xe
    Vượt bao đèo cao, suối sâu
    Lên Sơn La, Điện Biên..
    Qua trăm miền Tây Bắc…
    Dài theo đại dương, những con tàu
    Dài theo trời mây, những cánh bay
    Vượt qua bão tố...
    Đưa Việt Nam hướng tới tương lai !
     
    Chảy đi ! Hãy chảy đi,
    Ơi những dòng dầu, dòng xăng
    Chảy đi ! Hãy chảy đi,
    Ơi những binh đoàn quyết thắng
    Vượt qua không gian
    Vượt qua thời gian
    Không bao giờ ngơi nghỉ…
     
    Nắng xám làn da Em
    Mưa nhòa bạc áo Anh…
    Đạn bom phơi xương trắng
    Cha không về,
    Sau chuyến xe vượt Đèo Ngang vào tuyến lửa
    Mẹ khóc thầm, năm mươi năm
    Nước mắt nuốt vào trong tâm khảm !
     
    Có phút giây nào đời không cần ta
    Có năm tháng nào ta không vì bạn ?...
    Lửa napan cháy thành thù hận
    Lửa Trường Sơn cháy thành bão giông
    Chỉ có ngọn lửa trong tim những động cơ
    Cháy bằng xăng, bằng dầu
    Thắp lên ngàn hy vọng
    Ươm lên sự sống mỗi ngày ...
     
    Nếu hát được thành lời,
    Thì lời ca cho em từ thuở ấy,
    Sẽ hoá ngàn lời hát ru bỏng cháy...
    Nếu viết được thành lời,
    Thì lời thơ tôi viết cho em hôm nay
    Sẽ hoá ngàn điệp khúc –
    Về tình yêu, đắm say ...
     
    Dòng sông nào đã chảy cùng đời tôi,
    Dòng sông nào đã hát cùng chúng tôi,
    Năm mươi năm chưa hề ngơi nghỉ
    Năm mươi năm như thể mới bắt đầu
     
    Một ngày mới lại trào dâng !
     
    Hà nội tháng 03/2002
     
     
     
     
    33. VIỆT NAM, BẠN VÀ TÔI !
     
     
    Bất chợt nhìn lên tấm lịch cuối năm.
    Lửa đỏ,
    Nồi bánh chưng đang ngấu
    Duyên dáng tấm áo dài, người mẫu
    Tĩnh lặng,
    Sục sôi ...
     
    Ba trăm sáu mươi lăm ngày đã trôi
    Chỉ còn lại vài phút giây cũ kỹ
    Ta sẽ bước vào một mùa xuân kỳ vĩ
    Với bao đổi thay, cách mạng
    Với bao mơ ước, xoá nghèo
    Với bao khát khao, vươn tới
    Việt Nam, Bạn và Tôi !
     
    Đâu đó, trên mặt đất này
    Đêm nay vẫn còn nước mắt
    Đêm nay vẫn còn chia ly
    Bạn tôi đang ở ngoài biên cương
    Em tôi đang thức canh hải đảo...
    Nhưng tôi biết
    Khi phút giao thừa tới
    Tất cả đều lắng nghe, mùa xuân
    Tất cả đều lặng thầm, mong ước
    Một hạnh phúc nhỏ nhoi sẽ đến bên mình...
     
    Tôi lại nhìn lên tấm lịch đầu năm.
    Khiêm nhường
    Những bức tranh tĩnh vật
    Như đang muốn bứt ra
    Một đoá hoa Hướng Dương
    Một khóm bông Đồng Tiền
    Cành Lan tím nhớ Trường Sơn thuở ấy
    Hoa Cỏ Lau như tâm hồn người người lính
    Thanh tao nằm lại giữa đại ngàn...
     
    Việt Nam, Bạn và Tôi !
    Đất nước này ông bà ta gọi là Vạn Xuân
    Nhưng mùa xuân không cho một riêng ai
    Phải đánh thức vạn chồi non đang nhú
    “Một cây làm chẳng nên non..”
    Hãy biến mùa xuân thành sông núi
    Sông núi hùng thiêng Đất Việt. Chúng mình !
     
    Hà nội, 24/12/2003
     
     
    34. BÀI THƠ ĐỀ TẶNG MẶT TRỜI
     
     
     
    Bất ngờ,
    Tiếng gà râm ran gọi sáng
    Vây quanh ta, giữa lòng Thủ đô ...
    Giấc ngủ đêm qua
    mệt nhoài... đến muộn
    Ngác ngơ...
    thức hỏi bác đồng hồ ... ?
     
    Thì ra, đã là 28 tết.
    Xuân chỉ còn một đôi ngày nữa thôi
    Chú gà trống choai kia, thật đáng gét !
    Gáy toáng lên, cao giọng sĩ với đời ...
    Đâu hay điện cao áp rực trời !
     
    Mà thôi, gét bỏ chi,
    Chú gà ri,
    Thân phận ấy...
    Chúng còn chưa hay biết
    Ngoài kia, bình minh thật đến rồi
    Không ngủ được,
    Mài bút nghiên viết tiếp
    Bài thơ đề tặng : Mặt trời !
     
    Hà Nội, 30/01/2003 (28 tết Quí Mùi)
     
     
     
     
    35. TẢN MẢN ĐÀO NHẬT TÂN
     
     
     
    Nắng gắt, rộ ngày cuối đông
    Ngỡ sẽ làm tàn phai em, hương sắc
    ơi cánh đào Nhật Tân mảnh mai e ấp ...
    Anh đi dọc triền đê, rộp vàng
    Hanh hao gió cát ...
     
    Thương quá đi thôi,
    Bóng mẹ già còng lưng, tóc bạc
    Bên gốc đào trầm tư ...
    Khao khát đợi từng nụ lộc,
    Khao khát đợi từng ngày xuân,
    Tiễn em lên xe hoa,
    về phố xa, trời xa ... đón tết
    Làm nàng dâu yêu của muôn nhà ...
     
    Nhưng người ơi, mưa nắng có thì
    Hương sắc – hương xuân, muôn đời vẫn thế
    Chúm chím môi hồng đào khoe nụ cởi
    Quân tử ... dùng dằng
    Có có, không không ...
     
    Xin hãy cho tôi
    được cầm nắm tay em –Mùa xuân
    Mùa xuân và dâng hiến !
     
    Hà Nội, 28/01/2003 tức 26 tháng chạp Nhâm Ngọ
    Đón tết Quí Mùi 2003
  21. Kieu Anh Huong
    21. TÌNH NGƯỜI BẢN MẢY
     
     
    Tình cờ tôi gặp lại
    Bản Mảy trong câu thơ
    Khi vượt qua dốc đá
    Đi tìm mộ bạn xưa
     
    Sáng nay bên A lưới
    Nắng rang đỏ nương ngô
    Mà chiều về Bản Mảy
    Sương núi vẫn chưa khô
     
    Cách nhau một vách đá ...
    Xa nhau một cánh rừng
    Mà sao Anh không tới
    Mà sao Em chẳng sang ?
     
    Có phải tình đã phai
    Có phải sông đã cạn
    Mà đèo xưa vắng xa
    Không bóng người quay lại ?
     
    Ngược thời gian, tìm vết
    Lần theo dấu thú hoang
    Lại cắt rừng vượt dốc
    Đoàn người âm thầm đi ...
     
    Đây rồi mộ bạn xưa
    Hương trầm ai vừa thắp
    Khói trầm chưa kịp tắt
    Típ xôi còn tươi nguyên
    Như tình ai son sắt ? !
    ***
    Rước bạn qua biên giới
    Cờ đỏ ôm hồn thơ
    Đợi mai về cố quốc
    Cho thoả nỗi mong chờ !
     
    Trong khói hương ngát dâng
    Có tình người Bản Mảy
    Em gái Lào nhỏ xinh
    Tay chắp thầm trước ngực ...
     
    Như dáng núi, dáng sông
    Như dáng Thần, dáng Phật
    Trường Sơn không ngăn cách
    Ta mãi mãi bên nhau ...
     
    Đông Trường Sơn 4-2001.
     
     
    22. CỔ TÍCH TÌNH YÊU
     
     
     
    Tuổi năm mươi ...
    Em vẫn là con gái
    Đã biết yêu,
    Nên biết đợi, biết chờ !
    Bông trinh nữ ép vào năm tháng
    Dẫu vườn xưa, lối cũ...
    hoang mờ !
     
    Bỗng một ngày gió tạnh, mưa ngừng
    Người ấy năm xưa trở lại
    Nước mắt đẫm bờ vai .. .
    Rát bỏng !
    Những lời yêu
    Nghẹn nấc
    Cháy lòng !
     
    Em lại trở về với tất cả đời thường
    Và chợt nhận ra
    một sắc màu trinh nữ ...
    Trong ráng đỏ đến nao người...
    muôn thuở
    Một hoàng hôn rực cháy cuối trời ...
     
    Tuổi năm mươi
    Ta mới bắt đầu ...
    Với Tình yêu
    Thời gian là vĩnh cửu !
    Hà nội - tháng 12/2001
     
     
     
    23. TRỚ TRÊU
     
     
     
    Tàn đông, nắng đã len vào
    Má em - hồng thắm thuở nào hở em ?
    Pháo dồn, đất chuyển, trời nghiêng...
    Hoá ra, anh đã vô tình trước xuân !
     
    Hoá ra em đã lấy chồng
    Trầu cau cùng với thiệp hồng báo tin
    Hoá ra anh đã mất em !
    Còn đâu "chim chích " bên thềm líu lo !
    ***
    Trớ trêu thay, chuyện cũ xưa
    Bao năm xa nhớ vẫn chưa cạn lòng
    Tết quê, này vợ, này chồng
    Này thằng Cu Tí, bế bồng sang chơi
    Cớ là thăm hỏi mẹ tôi
    Nhưng trong ánh mắt, nụ cười... lạ chưa ?
    Thôi em, nắng đã xế trưa...
    Em về kẻo lại người ta thêm buồn
    ***
     
    Mùa xuân, lộc biếc dâng hương
    Chuyện ngày xưa lại vấn vương, thôi mà
    Sang năm, tôi sẽ qua nhà
    Thiệp hồng cùng với mứt trà, nhờ Em !
    Nhờ em cau bổ, trầu têm
    Nhờ em rải chiếu, căng đèn, kết hoa...
     
    Chẳng hay em có vui không
    Chẳng hay em có sẵn lòng vì tôi ?!
     
    Hà Tĩnh 1985
     
     
    24. NẮNG XUÂN
     
     
    Mùa đông này hình như lạnh hơn
    Anh không tới, chẳng phải vì đông lạnh...
    Đào Nhật Tân nép mình trong gió rét
    Đợi xuân về khoe sắc, vươn bông ...
     
    Những tia nắng đầu tiên sẽ thật ấm nồng
    Em háo hức hong tay đón nhận
    Má ửng, môi hồng, mắt biếc ..
    Trong em hơn cả một trời xuân !
     
    Trong em hơn cả một niềm yêu
    Khi tự biết phải âm thầm vượt lên số phận
    Xuyên qua mưa phùn, gió bấc
    Để giao hoà cùng trời đất, nước non...
     
    Nắng xuân !
    Ôi, nắng xuân !
    Kìa em !
    Hạnh phúc đang xích lại rất gần
    Hãy mở hết lòng mình đón nhận !
     
    Hà Nội 26 tháng chạp Quí Tỵ (06/02/2002 )
    Đón tết Nhâm Ngọ 2002
     
     
     
    25. NHỮNG DÒNG CHẢY VÔ THƯỜNG !
     
     
     
    Sắc sắc, không không !
    Hư hư, thực thực ..
     
    Tôi đắm mình vào dĩ vãng
    Tìm lại khởi nguồn xa xưa
    Đâu những giọt xăng
    Đâu những giọt dầu
    Tháng năm đang lặng thầm tuôn chảy...
     
    Dòng sông La quê tôi
    Bắt đầu từ ngàn Sâu, ngàn Phố
    Bắt đầu từ rất xa...
    Qua bạt ngàn, nương dâu, bãi mía...
    Dòng sông Hồng quê em
    Bắt đầu từ Sơn La, Tạ Bú
    Cũng bắt đầu từ rất xa ...
    Đỏ ngầu hạt phù sa thương nhớ
    Lặng thầm bồi đắp nên quê ...
     
    Sắc sắc, không không
    Hư hư, thực thực ...
     
    Có ai tắm được hai lần ...
    Khi dòng sông đang chảy
    Có ai đốt được hai lần ..?
    Khi giọt cay, giọt đắng..
    Đang cháy lên
    Trong những động cơ cao tốc
    Đẩy hôm nay vào mai sau ...
     
    Sắc sắc, không không !
    Hư hư, thực thực ..
     
    Mẹ tôi cầu kinh, niệm phật.
    Tôi đắm mình vào dòng chảy cuộc đời
    Thấy rất rõ ông bà, tiên tổ
    Thấy rất rõ những ngày xa, xưa ...
     
    Thấy rõ cả ngày mai, ngày kia
    Những giọt phù sa ngầu đỏ
    Những giọt xăng, giọt dầu
    đã hoá sương sa
    Luân hồi, hoàn vũ
    Có hữu danh, vô thực
    Có hữu lợi, vô luân
    Có đỏ đen, may rủi
    Có đố kỵ, tầm thường...
     
    Và có cả những điều rất thật
    Những khát khao vô thường
    Cháy lên thành tâm thức
    Hãy cho nhau nhiều hơn !
     
    Sắc sắc và không không ?
     
    Hà Nội 20/02/2002
  22. Kieu Anh Huong
    26. TỰ KHÚC
     
     
    Tôi là giọt xăng
    Tôi là giọt dầu
    Lấm lem năm tháng
    Xưa như đất trời...
     
    Người thương, kẻ nhớ,
    Người cần, kẻ chê
    Bao năm vẫn thế
    Cũ như ngày xưa...
     
    Thương người quân tử
    Dùng dằng, không thôi
    Quên tình, bỏ ngãi
    Đốt cả đời tôi !..
     
    Đốt từng giọt xăng
    Đốt từng giọt dầu
    Hoá vào trời đất
    Cho Người bay cao
     
    Cho ai bay cao
    Cho ai bay xa
    Chín tầng vũ trụ...
    Nhưng xin đừng quên
    Đường về chín khúc
    Người ơi, người ơi !...
     
    Hà Nội 20/02/2002
     
     
     
    27. TÌNH BẠN
     
     
    Tôi–Bạn, Bạn– Tôi,
    Không gì ngăn cách
    Hãy chảy vào nhau
    Lòng đời thơm thảo
     
    Có trong tim mình
    Giọt xăng ngời đỏ
    Có trong máu mình
    Giọt dầu biếc xanh ! ..
     
    Giọt dầu, giọt xăng
    Đồng tiền, bát gạo
    Có thể vơi đầy
    Nhưng không cạn nghĩa
     
    Cho nhau : chín, mười
    Bán mua : hai, một
    Lẽ thường ông cha
    Đói no, vẫn thế !
     
    Hãy chảy vào nhau
    Lòng đời thơm thảo
    Giọt xăng, giọt dầu
    Bạn – Tôi, Tôi – Bạn !
     
    Hà nội 20/02/2002
     
     
     
     
    28. MẮT DỐC LẾT
    Kỷ niệm những ngày đi chuyển tải xăng dầu
    ở Dốc Lết - Vịnh Văn Phong – Nha Trang
     
     
     
    Ngoài kia
    Đại dương cứ ầm ào
    Mà sao trong này ...
    Sóng Dốc Lết
    vẫn nhẹ tênh
    Biển Dốc Lết
    vẫn lặng thinh !
     
    Mắt Em như biển ấy
    dịu êm !
    Nhìn sâu vào Anh thấy
    Một Hải Đảo thần tiên
    Giữa Nha Trang
    bình yên !
     
    Ngày mai tàu nhổ neo
    Biển cồn lên thương nhớ
    Hẹn một ngày trở lại
    Dốc Lết - Ôi mắt Em !
     
    Nha Trang 13/07/2002
     
     
     
     
    29. TRỞ LẠI GIẢNG ĐƯỜNG
     
     
    Ta lại trở về một thời sinh viên
    Đếm lá rụng đầu nhà xê một (C1)
    Đếm bước chân thầy, mỗi lần lên lớp
    Đếm từng ngày thi ... đang xích lại gần !
     
    Những mái đầu xanh bên mái tóc hoa râm
    Lớp trước, lớp sau, họ thành bè bạn...
    Bởi mơ ước luôn hướng cùng một đích
    Phải tới thôi – lẽ sống cuộc đời ...!
     
    Trở lại giảng đường xưa, ta trở lại với chính mình
    Gạt hết mọi bon chen ngày thường, cơm áo..
    Một thoáng xuân bỗng ùa về bên cửa
    Nồng nàn biết bao những nụ mầm ngát xanh ...
     
    Mái tóc thầy cô ngày càng bạc thêm
    Nhưng với lớp lớp... đàn em
    Mái tóc ấy vẫn không hề phai bạc ...
    “ Chúng em lớn cao hơn..
    Cũng bởi vì chỗ đứng..”
    Được bồi đắp lên ...
    Từ những bụi phấn này !
     
    Ôi, những bụi phấn li ti..
    Được chắt ra từ lồng ngực Cô, Thầy !
     
    Giảng đường Bách Khoa 2002
     
     
     
    30. TỔ QUỐC ĐÓ LÀ CHA CON
    Tặng con gái mẹ H.
    (ở một cửa hàng xăng dầu trên Cao nguyên Châu Mộc)
     
     
     
    Mẹ nghèo lắm, một mình nuôi con
    Chiếc xe đạp cà tàng duy nhất.
    Chỉ để giành cho con ngày ngày đi học
    Bởi trường xa, qua mấy núi đồi...
     
    Mẹ một mình... nên nhà có hai người
    Khuôn mặt cha, con chưa hề biết
    Trên bàn thờ,
    Chỉ có một tấm Huân chương Tổ Quốc ..
    Mẹ bảo, đó là cha con !
     
    Nhưng năm tháng dần trôi và con lớn lên ...
    Rồi một ngày chợt nhận ra,
    những lời người cay độc
    Trang lý lịch : không cha.
    Con khóc !
    Bỏ ăn đến tận mấy ngày !
    ...
    Con không ăn, khiến lòng mẹ héo gầy
    Mẹ một mình sinh con cơ cực,
    Cũng đành !
    Nhưng con ơi, xin đừng gặng hỏi
    Cha của con ở đâu ?
     
    Cha của con là non nước mênh mang
    Là Tổ quốc hùng thiêng
    Là những người thân yêu nhất
    Bởi tuổi xuân mẹ đã từng dâng hiến !
    Bởi tuổi xuân mẹ đã từng trao tặng
    Tất cả cho nước non này ...
     
    Trang lý lịch ... bỏ lặng một hàng
    Nhưng không thể là “dấu vôi” oan nghiệt
    Con hãy ngẩng cao đầu mà bước,
    Bởi dưới chân con là Tổ Quốc muôn đời !
     
    Sơn La 4-1983, Hà nội 02-2002
  23. Kieu Anh Huong
    16. NGƯỜI THỨC CANH CHẤT LƯỢNG
    Tặng chị em hoá nghiệm viên xăng dầu
     
     
     
    Không phải chỉ có hạt lúa, củ khoai
    Thơm thảo nuôi ta ngày đánh giặc ...
    Những giọt xăng, giọt dầu
    Trên tay em buốt lạnh
    Từng đêm, từng đêm...
    Âm thầm – thức canh chất lượng
    Âm thầm – cất chưng, gạn lọc
    Tí tách, từng giọt, từng giọt
    Rơi ! Rơi ! Rơi !...
     
    Ôi,
    Những giọt xăng, giọt dầu
    Trinh trắng, tinh khôi
    Nhưng, không dễ gì ai cũng biết
    Nó đã được chắt ra
    Từ những giọt mồ hôi mặn chát
    Từ những đôi mắt thâm quầng, trũng sâu
    Từ những bàn tay con gái hanh hao...
     
    Cứ thế, từng đêm, từng đêm
    Các em thức canh cho cuộc đời bình yên
    Nên nước da có phần xạm lại
    Riêng nụ cười vẫn luôn trẻ mãi
    Nụ cười Mẹ cho !
     
    Hà Nội 18/01/2001
     
     

     
     
    17. NHỚ KHO DẦU NHA TRANG
     
     
    Một chiều ở Nha Trang
    Khi con tàu cập bến
    Bất ngờ tôi gặp em
    Nụ cười tươi mắt nắng ..
     
    Dáng mảnh mai con gái
    Nước da nâu thân quen
    Giọt mồ hôi lấp lánh
    Như chuỗi cườm ánh lên...
     
    Ơi Nha trang thần tiên
    Cơn gió nào ập đến
    Mạn thuyền chòng chành quá
    Biển say hay tôi say ?
     
    Biển say hay tôi say...
    Vu vơ lời thuỷ thủ
    Sóng bạc đầu muôn thuở
    Gặp bờ lại tan mau...
     
    Phải chi lời gió bay...
    Phải chi tay cầm tay...
    Phải chi Kho dầu ấy...
    Sáng đêm vẫn chưa đầy !
     
    Để tàu anh không vội
    Nhổ neo hướng biển khơi
    Để thêm ngày áp mạn
    Bên em giữa đất trời...
     
    Ước chi biển và sóng
    Đồng tâm trong lát giây
    Ước chi em và gió
    Nghe tôi hát chiều nay...
     
    Để biển đêm dát lụa
    Để sóng đêm, dịu êm
    Để cho lời cầu nguyện..
    Thẳng đến trái tim Em !
     
    Nha trang 1984-Hà nội 2001
     
     
    18. EM GÁI LUÔNG PHRABĂNG
     
    Em gái Luông Phrabăng
    Đẹp mê hồn
    Từ đền thiêng bước xuống
    Với dải khăn hồng vắt chéo vai
    Với bình nước thơm : thần, phật
    Nhẹ nhàng cầu phước cho tôi
    Cầu phước cho “xiều”, cho bạn ...
     
    Ngoài kia rộn trống Bun
    Trong này vang khèn Hội
    áo tôi ướt ba lần
    Ba lần tôi ngập gội
    Trong thánh thiện,
    yêu thương ...
     
    Em gái Luông Phrabăng
    Đẹp mê hồn,
    Nhưng hôm nay,
    Không phải trong đền thiêng, cổ tích…
    Em dịu dàng,
    Từ lưng voi bước xuống
    Lộng lẫy như một nàng tiên
    độ thế
    Ban nước thơm, trái ngọt cho đời !
    ***
    Em tên gì , em ơi ?
    Ngẩn ngơ, tôi quên hỏi
    Nhưng may sao - hình chụp còn đây
    Mắt cười như muốn nói :
    Tên Em : Luông Phrabăng !
     
    Luông Phrabăng 1999-Hà nội 2000
     
     
    19. QUÊ
     
     
     
    Cha tôi theo Việt Minh
    Đánh Nhật - Pháp bên Lào
    Năm bốn lăm giặc đói
    Dồn Mẹ tôi sang theo ...
     
    Đất Lào tôi lớn lên
    Xôi Lào tôi chấm mớm
    Điệu Lăm đêm Bun - Hội
    Thấm vào máu, vào tim
     
    Rồi năm tháng chiến tranh
    Xuyên Trường Sơn đánh giặc
    Bản Lào nào tôi gặp
    Cũng thân tình quá thôi
     
    Nhớ cu Noọi Bản Đôn
    Nhanh như con sóc núi
    Dẫn đường cho bộ đội
    Bị thương vẫn không lùi !
     
    Nhớ em gái Bản Mảy
    Tiễn đoàn qua biên giới
    Cầm tay tôi, chỉ buộc
    Nhất quyết không chịu về !
     
    Nhớ Bản Na, Bản Me
    Nhớ hội Bun hót nảm*
    Nhớ dáng người, giọng nói ...
    Nhớ quá thôi, xiều ơi !
     
    Ôi Đất Lào thân thương
    Đất Lào tôi mắc nợ
    Nợ : nước non, đồng chí
    Nợ : mẹ cha, ngày xưa ...
     
    Bao giờ tôi trở lại
    Người có nhận tôi về ?
    Đất chôn rau tôi đó
    Sao không gọi là Quê !
     
    Ôi nước Lào tôi yêu !
     
    Hà Nội, 05/07/2002
     
    * Bun hót nảm : Hội té nước.
     
     
    20. VỚI BẠN LÀO
     
     
    Khọi 1 đã dù 2 bên ấy
    Nắng mưa với rừng Lào
    Kết xiều3, tay chỉ thắm
    Bao năm rồi không phai !
     
    Vòng chỉ thắm còn đây
    Nắng mưa không phai sắc
    Như tình nghĩa dài lâu
    Noọng4 cùng ta buộc chặt...
     
    Nhớ làm sao xiều ơi
    Những đêm Bun 5 hát hội
    Rượu say hay mình say
    Mà lăm 6 hoài không mỏi
     
    Ôi, đôi tay cong cong
    Hiền thương như dáng Phật
    Ôi, nụ cười, khuôn mặt
    Tươi như “đuông Chămpa ...7
     
    Dù đã xa, rất xa
    Nhớ thương càng sâu nặng
    Tận bên này lưng núi
    Ký ức vẫn nghiêng về
     
    Tiếng khèn nhớ rừng khộp
    Tiếng sáo nhớ rừng le
    Bồi hồi nghe trống ngực
    Thẳm sâu Sêbănghiêng..
     
    Mai mốt rồi bình yên
    Khọi sẽ qua bên ấy
    Sợi chỉ thắm - niềm tin
    Sợ gì không tìm được
     
    Ta lại về bên nhau
    Thêm một lần chỉ buộc
    Khúc Lăm-thôn8 dài lâu
    Rộn ràng hai mái núi
     
    Việt Lào - Em và Tôi !
    Trường Sơn - Em và Tôi !
     
    Đông Trường Sơn 1974
    Chú thích :
    1. Khoọi : đại tư nhân xưng, dùng thân mật : tôi, mình;
    2. Dù : ở ; 3. Xiều : bạn kết nghĩa; 4. Noọng : em ;
    5. Bun : Hội, lễ hội; 6. Lăm : Một điệu múa hát dân ca;
    7. Đuông Chămpa : Bông hoa Chăm pa;
    8. Lăm thôn : Tên một điệu múa dân ca.
  24. Kieu Anh Huong
    11. MỪNG GIÁNG SINH
     
     
     
    Đêm qua đi dạo phố
    Hà Nội thiệt là vui
    Má hồng se gió lạnh
    Nồng nàn mắt ai cười ?
     
    Bỗng nhớ Em - Gài Gòn
    Biết giờ này còn thức ?
    Hay lại ngủ quên rồi
    Giáng sinh thứ ba mươi ?
     
    Ước gì sang năm mới
    Anh nhận được thiệp mời
    Mừng giáng sinh thành phố
    Đón Cu Tí chào đời !!
     
    Hà nội, tháng chạp Mậu Dần (26/12/1998)
    Đón tết Kỷ Mão 1999
     
     
     
    12. KHÁT VỌNG 2000
     
     
     
    Thấp thoáng năm 2000 !
    Tôi thấy...
    Khi cuộc đời đã vượt qua
    Một phần ba
    Rồi một phần hai .... thế kỷ !
     
    Hãy nói cùng anh điều gì hỡi em ?
    Năm 2000 trước mặt
    Một lời ước nhỏ nhoi thôi
    Từng khát khao trước ngực !
     
    Năm 2000 ..
    Đất nước mình sẽ ngập đầy sao
    Con cái chúng ta,
    Sẽ không thiếu, những mê ly hoài bão
    Dẫu điện trắng nhà
    Vầng trăng xưa vẫn không hổ thẹn
    Khi cởi lòng mình gửi đến mai sau ...
     
    Năm 2000 ..
    Hạnh phúc và ước mơ, đẹp sao...
    Nhưng đừng quên,
    Đất quê nghèo còn đó
    Giao thừa đến, ngõ nhà rộng mở
    Hương xuân, gió lạnh sẽ ùa về !
     
    Thắp hương lên, giữ ấm lửa ông bà !
    Lửa hùng thiêng – hồn núi sông Đất Việt
    Không khác được,
    Đường dài ta bước tiếp !
    Năm 2000
    Luôn có Anh và Em ...
     
    Hà Nội, tháng chạp Kỷ Mão (15/12/1999)
    Đón tết Canh Thìn 2000
     
     
     
     
    13. LỜI THÌ THẦM CỎ LAU
    Kính tặng đồng đội tôi ở tiểu đoàn 101-F367 đã chiến đấu
    và hy sinh anh dũng ở Tà Lương – Tây nam.Huế năm 1972
     
     
    Tôi về tìm lại Tà Lương
    Núi rừng xưa – bãi chiến trường là đây
    Phất phơ, lau cỏ ken dày
    Mồ xưa bạn cũ, còn hay mất rồi ?
     
    Cắt ngang qua mấy lưng đồi
    Lần theo bờ suối bồi hồi tìm lên
    Tìm trong nắng xế, chiều nghiêng
    Tìm trong đuốc đỏ hắt xiên bóng rừng ...
     
    Tìm trước mặt, tìm sau lưng...
    Mà sao chẳng thấy bóng hình bạn tôi ?
    Thắp nhang lên, khấn lạy trời
    Hồn thiêng bạn hỡi, đôi lời mách cho !
     
    Từ trong hương khói hư vô
    Hai nhăm năm cũ sóng xô cuộn về...
    Bóng mờ xa, dáng hao gầy
    Khẳng khiu ... vẫy vẫy... bàn tay học trò !
     
    Thì thầm lau cỏ... hát đưa
    Lời tâm, lời cốt... nắng mưa nhạt nhoà
    Dấu xưa, mộ cũ hiện ra
    Hương cay, lửa bén bỗng oà khóc thương...
     
    Bao năm xa cách, đoạn trường
    Gặp nhau thì... một nắm xương, chẳng còn
    Vốc lên một chút đất mòn
    Vải cờ đỏ thắm, gói ôm, nặng lòng...
     
    Rước bạn về, giữa thinh không
    Cờ lau im phắc một vùng, mưa sa ...
     
    Tà lương tháng 6/2000
     
     
    14. CHÀO THẾ KỶ 21
     
     
     
     
    Hạnh phúc xiết bao
    Khi Trái đất đã đi qua
    tuổi "bách niên" lần thứ 20 của nhân loại
    Và kiêu hãnh bước lên, trước thềm thời đại
    Tự tin đón nhận
    Những vinh quang và cay đắng trên đời ..!
     
    Chào thế kỷ 21 !
    Chào trái đất tuyệt vời
    Xin hãy ngẩng cao đầu
    Đón nhận 21 loạt đại bác vang trời
    Dội vào thiên niên kỷ mới ...
     
    Chào Em,
    Chào mùa xuân đang tới
    Ngát hương lộc biếc tinh khôi ..
    Chào Anh,
    Chào những ước mơ xanh
    Cháy bỏng suốt một thời giông bão !
     
    Chào Em,
    Chào những giọt dầu, giọt xăng
    Âm thầm nối dòng máu thắm
    Tiếp sức cho Tổ Quốc – Mẹ hiền
    Vững vàng đi tới !
     
    Chào Anh,
    Chào những chuyến tàu, chuyến xe đang lao nhanh
    Vượt qua nghìn trùng thử thách
    Nối Việt Nam và Thế giới
    Nối Petrolimex với mọi nhà
    Góp phần sáng tạo nên
    Một thời Đổi Mới !...
     
    Như định mệnh đã trao,
    Không thể khác !...
    Hãy dấn thân, vì một niềm tin
    Vì một hãng xăng dầu : Petrolimex
    Vững vàng, hướng tới tương lai !
     
    Hà nội 24 tháng chạp Canh Thìn (18/01/2001)
    Đón tết Quí Tỵ 2001
     
     
    15. TỰ CƯỜI !
     
     
     
    Chỉ tại khách thơ quá đa tình
    Đắm say lạc lối chốn đào tiên
    Giật mình chợt thấy chàng Lưu - Nguyễn
    Ngẩn ngơ gạn hỏi ”cụ” thiếu niên !
     
    Đâu góc vườn xưa - chốn nhân duyên
    Bến nước, sông quê với con thuyền
    Cọc đóng, trăng treo nghiêng chờ gió
    La đà sóng sánh... ý thơ khuya.
     
    Hãy để khách thơ quay về thôi
    Dùng dằng chi nữa - hỡi người ơi !
    Thuyền trăng không thể soi bóng nhật
    Thiên thai - mộng cũ vỡ lâu rồi.
     
    Chào nhé, ta về tiên nữ ơi
    Túi thơ-Rượu cạn, chẳng sóng đôi
    Gom tiền mua lấy dăm thước đất
    Dựng lều, đề chữ " Đây lều tiên " !
     
    Hà Nội 16/01/2001
  25. Kieu Anh Huong
    6. LỜI THÌ THẦM CỎ LAU
     
    Kính tặng đồng đội tôi đã chiến đấu & anh dũng
    hy sinh ở mặt trận tây nam Huế năm 1972
     
     
    Tôi về tìm lại Tà Lương
    Núi rừng xưa – bãi chiến trường là đây
    Phất phơ, lau cỏ ken dày
    Mồ xưa bạn cũ, còn hay mất rồi ?
     
    Cắt ngang qua mấy lưng đồi
    Lần theo bờ suối bồi hồi tìm lên
    Tìm trong nắng xế, chiều nghiêng
    Tìm trong đuốc đỏ hắt xiên bóng rừng...
     
    Tìm trước mặt, tìm sau lưng...
    Mà sao chẳng thấy bóng hình bạn tôi ?
    Thắp nhang lên, khấn lạy trời
    Hồn thiêng bạn hỡi, đôi lời mách cho !
     
    Từ trong hương khói hư vô
    Hai nhăm năm cũ sóng xô cuộn về...
    Bóng mờ xa, dáng hao gầy
    Khẳng khiu, vẫy vẫy… bàn tay học trò !
     
    Thì thầm lau cỏ... hát đưa
    Lời tâm, lời cốt... nắng mưa nhạt nhoà
    Dấu xưa, mộ cũ hiện ra
    Hương cay, lửa bén bỗng oà khóc thương...
     
    Bao năm xa cách, đoạn trường
    Gặp nhau thì... một nắm xương, chẳng còn
    Vốc lên một chút đất mòn
    Vải cờ đỏ thắm, gói ôm, nặng lòng...
     
    Rước bạn về, giữa thinh không
    Cờ lau im phắc một vùng, mưa sa...
     
    Tà lương tháng 6/2000
     
     
    7. GIỌT XĂNG MÀU XANH
     
     
     
    1.
    Giọt xăng em rót cho tôi
    Biếc xanh như thể sắc trời giữa thu
    Xe đi, mưa nắng, bốn mùa
    Êm êm như khúc hát ru quê nhà...
    Dù ở gần, dù đi xa
    Màu xăng biếc ấy vẫn là niềm tin...
     
    2.
    Bồn chồn bỗng nhớ người thương ?
    Dáng kiều thơm, giữa phố phường đông vui,
    Cây xăng reo, ánh mắt cười
    Khoả xanh một sắc giữa trời, nên thơ...!
     
    3.
    Thiên thanh, màu áo người ơi,
    Nhuộm thành nỗi nhớ trong tôi một chiều
    Xe qua mấy dốc, mấy đèo
    Đường về, phố núi mờ theo suối ngàn...
     
    4.
    Lung linh điện toả ven đường
    Bóng cây xăng, bóng người thương, đây rồi !
    Tiếng còi reo, vọng nhắn lời
    Em ơi, còn nhớ tới tôi không nào ?
     
    Giọt xăng xanh, nỗi ước ao
    Cháy lên thành những khát khao...không lời !
     
    Hà nội tháng 7/1997
     
    8. CỔ TÍCH TÌNH YÊU
     
     
    Tuổi năm mươi...
    Em vẫn là con gái
    Đã biết yêu,
    Nên biết đợi, biết chờ !
    Bông trinh nữ ép vào năm tháng
    Dẫu vườn xưa, lối cũ...
    hoang mờ !
     
    Bỗng một ngày gió tạnh, mưa ngừng
    Người ấy năm xưa trở lại
    Nước mắt đẫm bờ vai...
    Rát bỏng !
    Những lời yêu
    Nghẹn nấc
    Cháy lòng !
     
    Em lại trở về với tất cả đời thường
    Và chợt nhận ra
    một sắc màu trinh nữ...
    Trong ráng đỏ đến nao người...
    muôn thuở
    Một hoàng hôn rực cháy cuối trời...
     
    Tuổi năm mươi
    Ta mới bắt đầu...
    Với Tình yêu
    Thời gian là vĩnh cửu !
     
    Hà nội - tháng 12/1999
    Kiều Anh Hương

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This is an example of a list.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

×
×
  • Create New...