Jump to content

hiepkhach

Thành viên
  • Số bài viết

    767
  • Gia nhập

  • Đăng nhập

Bài viết được đăng bởi hiepkhach


  1. Với quan điểm rõ ràng cùng thái độ đúng đắn ngay từ khi quyết định làm việc cùng nhau, dưới đây là một số bí quyết giúp hai bạn có thể kiểm soát mối quan hệ “kép” vợ chồng - đồng nghiệp.



    Làm việc cùng vợ/chồng có thể là “con dao hai lưỡi”: một mặt, bạn nhận được sự hỗ trợ, đồng cảm tối đa từ nửa kia, mặt khác mối quan hệ đồng nghiệp - vợ/chồng đan xen cũng mang lại những rắc rối tác động tiêu cực tới cuộc hôn nhân của bạn.

    Tuy nhiên, với quan điểm rõ ràng cùng thái độ đúng đắn ngay từ khi quyết định làm việc cùng nhau, bạn có thể kiểm soát mối quan hệ “kép” này. Dưới đây là một số bí quyết dành cho bạn:

    Phân rõ việc công việc tư

    Trước tiên, hai vợ chồng bạn nên xác định rõ với nhau, gia đình là gia đình và công việc là công việc. Từ đó, hành động thích hợp khi ở nhà và khi ở cơ quan. Đừng mang việc nhà tới cơ quan và ngược lại. Dù bạn đang giận dữ vì vợ quên dọn dẹp nhà cửa, đừng mang vẻ mặt bí xị tới nơi làm việc. Ngược lại, đừng vì chồng mắc sai lầm trong công việc mà bạn thể hiện sự thất vọng ra mặt với anh ấy ở nhà.

    Bạn không được lẫn lộn giữa 2 mối quan hệ này. Tất nhiên, nói dễ hơn làm nhưng chỉ với một chút luyện tập, bạn sẽ học được cách phân rõ việc công việc tư.

    Luôn luôn tôn trọng “nửa kia”


    vochong.jpg

    Bí quyết đầu tiên sẽ dễ thực hiện hơn nếu bạn luôn tôn trọng bạn đời của mình, cả trong công việc lẫn cuộc sống riêng. Nhiều cặp vợ chồng đã không thể thực hiện điều đơn giản này. Bạn nên chấp nhận sự thật rằng ai cũng có thói quen xấu trong cuộc sống như chàng “nghiện” chơi game còn nàng thích “ngủ nướng” nhưng hãy tôn trọng nửa kia thay vì đi bêu rếu thói xấu của anh/ cô ấy khắp công ty.

    Trong công việc, thậm chí nếu bạn là cấp trên của vợ/ chồng mình, hãy duy trì sự tôn trọng và đối xử với anh/ cô ấy lịch sự, trân trọng và tử tế. Giữ vững chuẩn mực này cả ở công ty lẫn ở nhà sẽ giúp bạn dễ hòa hợp với nhau hơn.

    Duy trì không gian riêng

    Đôi khi các cặp đôi làm việc quá chặt chẽ với nhau, họ sẽ khó duy trì “bản sắc”, cá tính riêng của mình. Điều này dễ gây ra bất đồng, tranh cãi giữa các cặp vợ cồng. Hơn nữa, “dính” lấy nhau 24/24 còn gây ra sự nhàm chán. Để tránh tình trạng này, các bạn nên tìm cách giữ không gian riêng cho nhau, chẳng hạn như thỉnh thoảng không cùng nhau đi làm buổi sáng.

    Có góc làm việc riêng tại nhà

    Đây là một trong những cách để thực hiện bí quyết ở trên. Mỗi người nên có không gian riêng để theo đuổi công việc, suy nghĩ, dự án riêng của mình. Thậm chí, cả khi ở nhà, 2 người có thể trao đổi với nhau qua email như một cách làm chuyên nghiệp của đồng nghiệp thông thường thay vì nói chuyện trực tiếp về một dự án chung để hạn chế tranh cãi.

    Làm việc khác phòng ban/ bộ phận

    Như đã đề cập ở trên, làm việc quá gần với nhau có thể gây ra tranh cãi không đáng có. Ngoài ra, đồng nghiệp có thể nghi ngờ về sự minh bạch giữa 2 bạn khi làm việc trong cùng một dự án. Vì vậy, tốt nhất 2 người nên làm ở 2 phòng ban/ bộ phận khác nhau với những trách nhiệm khác nhau.

    Đặt gia đình lên ưu tiên hàng đầu

    Điều quan trọng nhất bạn nên nhớ là dù công việc có ra sao thì gia đình vẫn là ưu tiên hàng đầu. Kể cả công ty có biến động lớn như thay đổi lãnh đạo hay phá sản nhưng không vì thế mà cuộc hôn nhân của bạn cũng thay đổi. Dù gì gia đình vẫn là nơi duy nhất bạn có thể nương tựa và quay trở về sau mỗi thành công và thất bại. Do đó, hãy bảo vệ tốt cuộc hôn nhân và gia đình của mình.

    Nguồn: TTOL
    ThoTre.Com

  2. Những chuyên gia của tạp chí FHM (Philippines) chia sẻ một số bí quyết có thể giúp cánh mày râu vượt qua “bẫy” tâm lý của các nàng.


    tam-ly.jpg;pv5bb0e66d76412f5d
    Khi giận dỗi, nàng sẽ nói ngược lại những gì nàng muốn - Ảnh: Shutterstock

    Đôi khi chị em có thể khiến các đấng nam nhi lúng túng vì không rõ nàng muốn mình phải làm gì. Thậm chí, các nàng sẽ "lên cơn" giận dỗi về việc chàng không hiểu ý mình.

    Các chuyên gia trên tạp chí FHM - tạp chí dành cho giới mày râu tại Philippines “mách nước” một số bí quyết để cánh mày râu tránh được cơn “tam bành” của các nàng như sau:

    Hãy lắng nghe thật kỹ!

    Nhiều khi những gì phụ nữ nói không hẳn là điều họ muốn. Họ có thể nói những điều “kinh khủng”, nhưng bạn phải quen với chuyện đó.

    Khi cãi nhau, các nàng thường nói nhiều điều trái ngược với những gì họ nghĩ. Nàng có thể nói: “Anh đi đi!”, “Hãy mặc tôi!”, “Chia tay đi!” hay “Tôi ghét anh!”...

    Đừng vội bị lừa nhé các chàng trai. Nếu làm theo lời nàng, chắc chắn chàng sẽ mắc kẹt trong đống rắc rối. Thay vào đó, hãy làm ngược lại những gì nàng đã nói. Nếu nàng nói “Hãy đi đi!” thì bạn nên... ở lại.

    Nếu có kế hoạch khác thay vì gặp gỡ nhau như đã hẹn và hỏi nàng "Có ổn không", nàng sẽ nói: “Được mà!”, “Anh đi chơi với bạn vui vẻ nhé!” hoặc “Hôm khác mình gặp nhau cũng được” thì bạn hãy sẵn sàng tâm lý cho những điều tệ hại sắp xảy ra sau đó.

    Nếu muốn tránh “cơn bão”, tốt nhất bạn nên làm đúng theo lịch hẹn với nàng.

    Các đấng mày râu có thể thắc mắc, tại sao các nàng không thẳng thắn nói điều họ muốn, như vậy sẽ dễ dàng cho cả hai bên.

    Nhưng sự thật là phụ nữ luôn muốn các chàng phải đấu tranh để được ở bên mình. Các nàng chỉ muốn thử thách lòng dũng cảm của chàng mà thôi. Và một khi vượt qua được thử thách, nàng sẽ là của chàng. Đó là phần thưởng cho người thắng cuộc.

    Vậy các chàng hãy tự suy nghĩ xem có nên “vất vả” một chút để giành được phần thưởng hay không?

    Nguồn: thanhnien.com.vn
    ThoTre.Com

  3. Bạn tự hỏi mình và hỏi anh ta : “Nếu mai tôi chết anh có buồn không?”. Vậy để tôi kể cho bạn nghe câu chuyện cuộc đời mình, bạn sẽ biết người ấy có buồn không?

    Mối tình đầu của tôi cũng ra đi theo cái cách mà tất cả những cuộc tình tàn khác đều phải diễn ra. Anh ta cũng ruồng rẫy tôi. Nhưng tôi vẫn cố gắng tin vào sự tử tế và tình cảm cuối cùng mà anh ta dành cho tôi sau bao năm gắn bó. Tôi níu kéo anh bằng mọi cách nhưng vô hiệu. Và điều cuối cùng tôi nghĩ tới là cái chết. Và trong cơn đau khổ tột cùng, tôi bỏ ngoài tai mọi lời động viên, khuyên can, an ủi, tôi chỉ muốn tìm đến cái chết. Và tôi chết thật!

    1345086234-daukho2.jpg
    Tôi cũng đã từng tìm đến cái chết với hi vọng mong người ấy quay về (Ảnh minh họa)

    Sau khi lịm đi vì số thuốc ngủ, tôi không còn biết điều gì xảy ra quanh mình. Tôi chỉ nhớ khi tình dậy, quanh tôi là tiếng khóc ngặt của mẹ, ánh mắt trầm ngâm vừa oán giận vừa xót thương của bố. Mọi người không trách cứ, không mắng mỏ nhưng trong thâm tâm hẳn nỗi đau đớn vì tôi là lớn lao lắm.

    Tôi rảo đôi mắt nhìn khắp căn phòng để tìm một hình bóng thân thuộc nhưng anh ta không hề ở đó. Anh ta biết tôi tự tử nhưng điều ấy chẳng đủ để làm anh ta ghé qua thăm một người vừa đi qua cõi chết như tôi. Nỗi đau đớn lúc đó tưởng chừng như trực nhấn chìm tôi thêm một lần nữa. Bên tôi, ba mẹ tôi vẫn cứ cần mẫn, lau cho tôi từ đôi bàn tay, chút mồ hôi thấm trên má. Còn tôi vẫn như một kẻ vô hồn.

    Ngày hôm sau tôi nhận được từ anh ta hai thứ. Một lá thư và một tấm thiệp cưới. Đọc xong lá thư với vài dòng ngắn ngủi, tôi đã nhận ra mình thật ngu ngốc: “Nếu em chết, có lẽ anh sẽ trách mình nhiều lắm. Bởi anh biết tại anh mà em lựa chọn kết cục đó. Nhưng anh sẽ chẳng bị ám ảnh cả đời đâu, có thể sẽ dằn vặt mình một năm, hai năm hoặc lâu hơn thế. Nhưng rồi anh sẽ lấy vợ, sẽ sinh con và vui với tổ ấm của riêng anh. Nếu với một người còn sống mà không đủ sức gợi nhớ, thì liệu một người đã chết có thể làm người ta nhớ mãi không thôi hay không? Vì vậy, em đừng dại dột chết thêm một lần nào nữa. Em đã được sinh ra lần thứ hai rồi đấy. Anh sẽ không bao giờ lấy một người mà mạng sống của mình còn không trân trọng thì làm sao trân trọng những điều khác?”

    1345086234-daukho4.jpg
    Tôi tìm thấy được niềm tin trong cuộc sống sau khi từ cõi chết trở về (Ảnh minh họa)

    Tôi đã mỉm cười được dù là một sự mỉm cười giả tạo. Nhưng nước mắt của mẹ, sự đau đớn của cha là thật. Tôi cố gắng sống, dù từng ngày chỉ như một cái bóng không hồn. Hành động dại dột của tôi chẳng mang anh ta quay lại mà còn đẩy tôi vào bao sự khó khăn. Cơ thể tôi suy nhược, người mệt mỏi, tinh thần chán nản. Hơn thế nữa, bao lời đàm tiếu xung quanh vì một kẻ chết vì tình càng khiến tôi và gia đình thêm khốn đốn. Đó thực sự là quãng thời gian địa ngục, địa ngục hơn cả lúc chia tay.

    Nhờ sự trợ giúp của gia đình và những người bạn bè, giờ tôi bắt đầu vui trở lại và tôi nhận ra rằng vẫn có quá nhiều điều hạnh phúc chờ tôi. Chỉ có bản thân mình tự đóng sầm cánh cửa cuộc đời chứ không phải ai khác có thể làm được điều đó.

    Tôi dám trả lời cho bạn rằng nếu bạn chết, anh ta sẽ buồn. Nhưng buồn để làm gì? Dùng tính mạng của mình chỉ đổi lấy một cái điều gọi là “nỗi buồn” của anh ta có phải là hành động ngu ngốc quá không? Thế còn nỗi buồn của bố mẹ bạn lẽ nào là sự vô nghĩa lí? Với tư cách của một người đã đi từng nông nổi và bồng bột, tôi khuyên bạn nên sống. Chỉ có sống mới là cách ám ảnh anh ta lớn nhất chứ không phải cái chết.

    Cứ đau buồn, cứ khóc thậm chí là gục xuống bên người thân của bạn nhưng rồi đứng lên từ chính chỗ ấy để kiêu hãnh với đời và kiêu hãnh với anh ta bạn ạ. Đừng tự tạo thêm cho cuộc đời mình và những người thân của mình bi kịch bằng cái chết vô nghĩa như vậy. Tôi không phải là người đặc biệt, càng không phải là thánh thần. Bởi thế, tôi làm được thì bạn và tất cả những người từng đau khổ như chúng ta sẽ đều làm được. Điều quan trọng bạn cần phải nhận ra là mình phải sống!

    Chúc bạn sớm bình tâm và tìm thấy tình yêu đích thực của cuộc đời mình!

    (Eva.vn)

    ThoTre.Com

  4. Tôi và bạn ở cách xa bao lâu nhỉ? Tôi cũng không rõ, chỉ có điều tôi và bạn giống nhau vì chúng ta cùng là con gái và cùng mang một nỗi đau của mối tình tan vỡ. Nhưng tôi khác bạn, tôi đang chiến đấu với tử thần, để giành giật sự sống, để yêu thêm lần nữa dù có thể lại đau.

    Không hiểu nỗi đau của bạn nhiều tới đâu, sâu tới mức nào nhưng dám chắc nỗi đau của tôi không hề nhỏ hơn của bạn. Tôi đã từng có một tình yêu mà bao người ngưỡng mộ. Từng có một thời ai nấy đều xuýt xoa khen tôi tốt số khi yêu được anh. Và cũng từng có thời, anh ấy nói: “Cuộc đời có xoay vần biến chuyển, anh cũng chỉ yêu và lấy em”.

    Ấy vậy mà anh ấy cưới. Một người con gái khác không phải là tôi. Anh ấy rời xa tôi khi mà dự tính về đám cưới của hai đứa đã được lên chi tiết. Sự ruồng rẫy tàn nhẫn ấy là bởi tôi mang trọng bệnh. Ngày tôi biết mình mắc bệnh ung thư máu, tôi chẳng còn đứng nổi trên đôi chân mình. Tôi không tin đó là sự thật. Tôi không thể hình dung nổi những cuộc tình giống hệt trong phim có ngày lại xảy đến với tôi. Và ngày hôm ấy anh cũng rời xa tôi.

    1345099643-uocmo1.jpg
    Nếu có thể xin hãy cho tôi sự sống để yêu (Ảnh minh họa)

    Lúc nói chia tay, những câu thề thốt về việc trọn đời bên nhau, hoạn nạn cùng chia dường như bay biến mất mà thay vào đó là sự ngập ngừng: “Anh còn có gia đình, có bố mẹ, anh xin lỗi vì không thể bên em”. Tôi không khóc chỉ khẽ mỉm cười. Tất nhiên, tim tôi đau và lòng tôi tan nát. Nhưng nước mắt để làm gì khi người ta không can đảm bước tiếp?

    Tôi chia tay cuộc tình trong sự đớn đau để bắt đầu nhập viện. Những ngày dài sau chia tay tôi sống trong thuốc và hóa chất. Tôi đã từng nghĩ tới mức này, tôi sống có ý nghĩa gì nữa khi mà tình yêu không còn, niềm tin cuộc sống đã mất? Nhưng bản năng không cho phép tôi làm thế. Tôi thèm được sống, vì chỉ có sống tôi mới chứng kiến được anh ta sướng vui hay đau khổ. Và quan trọng nhất là chỉ có sống tôi mới được yêu.

    Tôi đã từng đau vì yêu nhưng càng đau tôi càng muốn được yêu thêm lần nữa dù biết đâu đấy có thể tôi sẽ lại đau. Nhưng không ai đi mãi trên con đường đau khổ. Tôi xứng đáng được hưởng hạnh phúc của tình yêu vì thế tôi khao khát được sống và được yêu.

    Mỗi sáng mai tỉnh giấc bên giường bệnh tôi lại muốn reo lên sung sướng vì vẫn còn được nhìn thấy ánh mặt trời, thấy những người thân yêu đang quanh mình. Điều đó có ý nghĩa như thế nào bạn biết không? Nó có nghĩa là tôi lại "có thêm một ngày nữa để yêu thương". Tôi tin, ở một nơi nào đó, người đàn ông tôi yêu và yêu tôi thực sự vẫn đang chờ đợi tôi.

    Chẳng biết rằng ngày mai tôi có còn được nhìn thấy cuộc đời, được lên mạng để đọc những lời tâm sự hay không nhưng ngày hôm nay tôi muốn viết cho bạn những dòng này để bạn hiểu rằng có nhiều người đang khao khát có được thứ quý báu mà bạn có đó là sự sống. Nếu nỗi đau chia tay quá lớn khiến bạn muốn tìm tới cái chết, hãy dành chút ít thời gian để ghé vào bệnh viện nơi có tôi và những người như tôi đang từng ngày từng giờ chiến đấu với tử thần để mong được sống. Khi ấy hãy quyết định xem mình có nên chết hay không?

    Tôi viết cho bạn những dòng này ghi đang ngồi trên giường bệnh. Tôi không quen biết bạn nhưng tôi nghĩ chúng ta đang sống chung trên cuộc đời và nếu có thể dành tặng cho nhau mọi thứ, tôi thực sự muốn xin bạn sự sống mà bạn đang có nếu bạn muốn vứt nó đi vô nghĩa như vậy.

    Chiều buồn trong viện…

    (Eva.vn)

    ThoTre.Com

  5. Tham khảo :"What is the worst emotion you can imagine feeling? "
    http://drjimtaylor.com/2.0/personal-grow...a-shoulda/

    Đối với bạn, đâu là cảm xúc tồi tệ nhất ? Theo kinh nghiệm của tôi, tôi đã nhìn thấy nhiều người bộc lộ rất nhiều cảm xúc khác nhau. Vâng, một số cảm xúc là tuyệt vời như vui vẻ, tự hào, cảm hứng. Một số cảm xúc khác ít tích cực hơn, bao gồm sợ hãi, thất vọng, tức giận và buồn bã. Tuy nhiên, tôi nhận thấy có lẽ cảm xúc tồi tệ nhất trong tất cả các cảm xúc là hối tiếc ( regret ).

    Hối tiếc là gì ? Đó là bạn mong ước đã làm một điều gì đó khác đi. Đây là thực tế đáng buồn, không có máy " quay ngược thời gian " để cho bạn cơ hội làm lại. 

    Vấn đề của sự hối tiếc đặc biệt có liên quan đến tôi về mặt cá nhân , bởi vì một trong những giá trị và mục tiêu mạnh nhất trong cuộc sống của tôi là trải nghiệm càng ít sự hối tiếc càng tốt.

    Sự hối tiếc liên quan đến việc hành động hoặc không hành động. Cuộc sống đưa ra tất cả các kiểu cơ hội cho chúng ta. Chúng ta sau đó sẽ có một lựa chọn, cho dù là nắm bắt hoặc từ chối cơ hội.

    Tôi đã xem qua một blog gần đây được biết bởi 1 y tá, người chăm sóc cho những bệnh nhân sắp chết. Blog mô tả về 5 kiếu hối tiếc mà cô ấy đã nghe thường xuyên nhất từ những bệnh nhân của cô :

    1. Tôi ước gì trước đây mình có can đảm để sống một cuộc sống thực với bản thân, không phải là cuộc sống mà người khác mong đợi ở tôi.
    ( “I wish I’d had the courage to live a life true to myself, not the life others expected of me.”)
    Kiểu hối tiếc này có lẽ là cơ bản nhất , bởi vì nó nằm ở trung tâm , dẫn đến một cuộc sống phong phú. Khi con người trải nghiệm sự thiếu vắng quá nhiều ý nghĩa sống, sự thỏa mãn và hạnh phúc, điều này có thể là do trên thực tế họ đã không sống một cuộc đời nhất quán với cái tôi đích thực, những giá trị và những mục tiêu của họ. Sự không nhất quán này tạo nên một sự căng thẳng mà chỉ có thể dẫn đến một cuộc sống không toại nguyện. Bằng cách tránh sự hối tiếc, chúng ta vứt bỏ những mong đợi, kỳ vọng của người khác và tạo ra một cuộc sống xác thực và đáng sống.

    2.  Tôi ước mình không phải làm việc quá vất vả .
    ("I wish I didn’t work so hard.”)

    Tôi thực sự có những phức cảm về nỗi hối tiếc này. Tôi nghĩ rằng nếu bạn trải nghiệm về nỗi hối tiếc # 1 và bạn đang làm một công việc không nhất quán với con người bạn thì sau đó, vâng, bạn sẽ cảm thấy rất hối tiếc vì đang dành thời gian để làm việc trong khi bạn có thể cống hiến thời gian của mình cho những hoạt động và con người mà bạn đánh giá cao.

    Đồng thời, nếu công việc của bạn là loại công việc làm bạn đam mê thì đó là một nguồn tự hào và thỏa mãn, và bạn cảm thấy mình được đánh giá cao, được kết nối ,có hiệu quả, thì nỗi hối tiếc này có thể không liên quan đến bạn. 

    3. Tôi ước rằng mình đã có can đảm để bộc lộ những cảm xúc của tôi.
    ( ”I wish I’d had the courage to express my feelings.”)

    Sống một cuộc đời đầy ắp sự hối tiếc được thể hiện trong đời sống cảm xúc của chúng ta bị thống trị bởi những cảm xúc không lành mạnh như sợ hãi, thất vọng và tức giận. Điều không may là, nền văn hoá của chúng ta và nhiều gia đình không khuyến khích một đời sống cảm xúc lành mạnh để chúng ta có cơ hội để hiểu đúng về những cảm xúc của mình và những nguyên nhân của chúng ( tham khảo bài " trị liệu cảm xúc " ) , được cho phép bản thân có những cảm xúc và có thể tự do truyền đạt những gì chúng ta cảm nhận , cho dù nó là cảm xúc tích cực hay tiêu cực. Chỉ bằng cách trải nghiệm đầy đủ những cảm xúc thì chúng ta mới có thể trải nghiệm được chiều sâu và bề rộng của cuộc sống. Một cuộc sống hướng đến mục tiêu không phải trải nghiệm sự hối tiếc đã truyền cảm hứng cho chúng ta chạm vào tất cả những cảm xúc của chúng ta, cho dù đó là cảm xúc tổn thương và cô đơn hoặc tình yêu và phấn khích, cho ta tự do , sự can đảm để bộc lộ những cảm xúc theo những cách chân thật và làm phong phú cuộc sống của chúng ta.

    4.  Tôi ước mình đã giữ được liên lạc với những người bạn của tôi.
    (”I wish I had stayed in touch with my friends.”)

    Liệu còn có điều gì quan trọng hơn đối với một cuộc sống hạnh phúc và lành mạnh hơn là những mối quan hệ đầy ý nghĩa ? Theo nghiên cứu, câu trả lời là không ; những mối quan hệ là yếu tố dự báo tốt nhất của hạnh phúc. Tuy nhiên, một cuộc sống hoàn toàn không có rủi ro sẽ làm cho những mối quan hệ mãn nguyện gần như là không khả thi, bởi vì những mối quan hệ, về bản chất tự nhiên của chúng, là rủi ro và đầy hối tiếc. Nền văn hoá chuyển động, nhịp độ nhanh và kết nối công nghệ thường không để thời gian cho những mối quan hệ phát triển và được nuôi dưỡng. Từ chối sự hối tiếc giải thoát chúng ta khỏi những hạn chế đó và cho phép chúng ta theo đuổi và tiếp tục những mối quan hệ với sự thưởng thức.

    5.  Tôi ước mình để cho bản thân được hạnh phúc hơn.
    (”I wish that I had let myself be happier.”)

    Khi chúng ta sống một cuộc đời an toàn, nó sẽ đảm bảo rằng chúng ta sẽ không tìm thấy hạnh phúc, bởi vì mọi thứ liên quan đến cuộc sống an toàn thì ít gắn liền với hạnh phúc. Khi chúng ta chấp nhận những rủi ro cần thiết để tránh hối tiếc, chúng ta đã tạo ra con đường đi đến hạnh phúc.

    Tôi nghĩ rằng chúng ta nên nắm bắt mọi cơ hội. Tất nhiên, nhiều cơ hội trong số đó sẽ dẫn đến ngõ cụt và trong một số trường hợp khiến ta đau khổ. Chúng ta sẽ cảm thấy thất vọng khi chúng không theo cách mình muốn. Nhưng cảm giác thất vọng đó sẽ dịu đi và chỉ tồn tại trong thời gian ngắn , so với cảm giác hối tiếc mà chúng ta sẽ cảm nhận nếu không nắm lấy cơ hội. Đồng thời, cùng với sự buồn bã vì thất bại với cơ hội, cũng có mặt tích cực . Chúng ta sẽ cảm thấy một niềm tự hào khi biết rằng ít nhất chúng ta đã thực hiện và cống hiến hết mình vì nó.

    Cùng với sự hối tiếc là 1 câu hỏi sẽ giày vò chúng ta mỗi lần bỏ qua cơ hội :" tôi tự hỏi điều gì có thể xảy ra ?" Chúng ta không có quả cầu pha Lê để nhìn vào quá khứ và biết điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta bỏ lại nỗi sợ hãi và thực hiện nhiệm vụ. Tất nhiên, những điều tốt đẹp không phải luôn luôn xuất hiện khi chúng ta hành động, nhưng tôi sẽ lập luận rằng : nhiều điều tốt đẹp sẽ xuất hiện khi chúng ta hành động hơn là chạy trốn khỏi nó. Ngay cả nếu mọi việc không xảy ra như kế hoạch, ít nhất thì chúng ta cũng biết được , và với sự biết đó, chúng ta sẽ không phải dành thời gian sống ( và đang sắp chết ) của mình để tự hỏi điều gì sẽ xảy ra.

    Chúng ta chỉ có thể làm điều đó khi không sợ cuộc sống. Và chỉ có một cách để không sợ cuộc sống , đó là tin rằng sự hối tiếc là cảm xúc tồi tệ nhất mà bạn có thể cảm nhận.

  6. Anh và em đã từng là một cặp. Chúng ta cũng gặp gỡ, cũng cảm mến và rồi yêu nhau một cách tự nhiên giống như bao đôi tình nhân khác. Mối tình ấy kéo dài gần hai năm với đủ mọi cung bậc thăng trầm của cảm xúc yêu thương, lúc hờn giận vu vơ khi ngọt ngào mê đắm. Hai năm trôi qua là khoảng thời gian mà đối với em đầy ắp những kỷ niệm đẹp. Và theo đúng quy luật bình thường của những người sinh ra không phải là để dành cho nhau: Hai đứa mình chia tay.

    Cuộc tình ấy đến nhẹ nhàng nhưng lại ra đi theo cái cách không hề thanh thản. Sau quá nhiều những tổn thương khi không thể hiểu được nhau, em lấy hết quyết tâm đề nghị kết thúc. Ngày ấy em đã khóc thật nhiều, cũng đau khổ, cũng dằn vặt lắm mới đủ can đảm đưa ra quyết định mà theo anh gọi là "Nhẫn tâm". Em làm thế vì hiểu một điều, để đến được với nhau chỉ có tình yêu thôi chưa đủ. Khi mà cả hai đứa đã không thể hiểu và thông cảm cho nhau thì tốt nhất là nên buông tay.

    Ngày đó chính anh cũng đã dằn vặt rất nhiều. Anh thề thốt, hứa hẹn rồi tìm mọi cách để xin lỗi, tìm mọi cơ hội để mong hàn gắn lại tình yêu đã có quá nhiều vết rạn của hai đứa mình. Nhưng những nỗ lực ấy đã không hề đạt đượt kết quả theo ý muốn của anh. Thế là mình chia tay. Chia tay thật.

    Có lẽ không phải thời điểm thích hợp để nhắc đến ngày xưa, nhưng cuộc gặp gỡ buổi chiều nay đã khiến em không ngừng hoài niệm. Dĩ vãng trôi đi một cách rất êm đềm, để bây giờ cả em, cả anh cùng phải tự hào khi ngoảnh đầu nhìn lại.

    1344859439-hanhphuc1.jpg
    Em mừng khi anh tìm thấy bến đỗ đích thực của cuộc đời mình (Ảnh minh họa)

    Phần lớn các cặp tình nhân sau khi chia tay đều khó có thể quay về làm bạn. Họ không dám nhìn mặt nhau hoặc thậm chí trở thành kẻ thù. Thật tốt biết bao khi em, anh và cả hai người “đặc biệt” của chúng ta đều đủ bao dung để điều ấy không thể xảy ra. Thỉnh thoảng, vẫn có những cuộc gặp gỡ với sự hiện diện của cả bốn người, lúc thì xem phim, đi ăn, khi lại cà phê "cà pháo". Em cảm thấy rất vui.

    Hôm nay, anh đến gửi em tấm thiệp mời đám cưới, tuần sau anh lập gia đình. Quả thực lúc đó em cũng khá bất ngờ, bởi em cứ luôn nghĩ rằng trong hai đứa mình thì người tổ chức hôn lễ trước phải là em. Cầm tấm thiệp trên tay, em cười thật tươi, thấy lòng mình dâng lên một niềm vui khó tả. Mừng cho anh, vì cuối cùng cũng tìm được bến đỗ cho cuộc đời mình.

    Sau mối tình với anh, em đã nhận được một bài học vô cùng giá trị, ở trong cuộc đời này không có điều gì là không thể xảy ra. Cả những người đối với ta đã từng là tất cả, đã khiến ta tin rằng sẽ không thể sống nổi nếu thiếu nhau cũng đều có thể trở thành dĩ vãng một khi không biết sống vì người kia.

    Em tin hơn vào cái điều mơ hồ mà người ta vẫn gọi tên là “duyên phận”. Sinh ra đã không phải để dành cho mình thì dù có cố gắng níu kéo đến mấy cũng không bao giờ có thể trọn vẹn thuộc về nhau. Cách tốt nhất là nên từ bỏ, kết thúc đúng lúc để cả hai lại có thể bắt đầu kiếm tìm một bến bờ hạnh phúc mới cho riêng mình.

    langtham...@...
    (Eva.vn)


    ThoTre.Com

  7. Hạnh phúc trong hôn nhân bao giờ cũng cần được quan tâm. Dưới đây là 4 gợi ý giúp hai bạn xây dựng tổ ấm của mình mãi bền chặt...

    1. Lập kế hoạch

    Đừng coi nhẹ giá trị của việc lên kế hoạch cùng nhau. Ngày càng nhiều các cặp vợ chồng quá bận rộn với công việc, tới mức không đủ thời gian để dành cho gia đình. Bởi thế hàng tuần, nên có thời gian để thảo luận với người bạn đời về một số vấn đề, cũng như lên kế hoạch cho những dự định sắp tới.

    2. Làm việc theo nhóm

    Đây là một trong những cách hữu hiệu nhất để xây dựng hôn nhân bền chặt. Cho dù đó chỉ là việc cả hai vợ chồng cùng nấu một bữa tối, cùng chăm sóc cây cảnh hay dọn dẹp nhà cửa... miễn là cả hai cùng làm việc. Từ đây, tình yêu và sự tin tưởng giữa vợ chồng sẽ phát triển mạnh mẽ.

    4chia.jpg

    3. Khuyến khích

    Luôn nhớ nói lời “cảm ơn” tới nửa bên kia hoặc nắm tay anh ấy thật chặt, trao một ánh mắt tình tứ và nói những lời “mật ngọt”. Những điều này giúp xây dựng sự tôn trọng, yêu thương và kéo dài thời gian hạnh phúc cho hai vợ chồng. Nếu người đàn ông của bạn luôn cảm thấy được tôn trọng và động viên thì đảm bảo, anh ấy sẽ càng muốn hy sinh nhiều hơn vì gia đình.

    4. Biết lắng nghe

    Biết lắng nghe là điều quan trọng. Những tranh cãi trong cuộc sống chung là không thể tránh khỏi. Bới thế, biết lắng nghe tức là giúp bạn hiểu hơn về nửa còn lại. Từ đó, hai bạn mới thực sự thông cảm, thấu hiểu và biết yêu thương nhau.

    Ngọc Diệp (mevabe.net)


    ThoTre.Com

  8. Thỉnh thoảng nhớ lại ngày hôm ấy, em vẫn không khỏi rùng mình. Anh ngồi đó, mặt đối mặt và đưa cho em tờ đơn ly dị. Tất cả mọi vật trong căn phòng khi ấy dường như sụp đổ. Có cái gì đó trong em vỡ vụn, tan nát. Em không gặng hỏi bất cứ điều gì, cũng không khóc, không khụy ngã trước mặt anh. Em không phải là một người đàn bà cứng rắn nhưng em cứng đầu và có phần kiêu ngạo. Em im lặng, không chửi bới, không hề nhiếc móc. Em muốn chỉ cho anh thấy rằng đó chính là sai lầm lớn nhất trong cuộc đời anh.

    Em đã từng tự dằn vặt mình, để cố tìm xem lý do nào đã khiến anh chán ghét em như thế. Sau đám cưới - kết thúc của mối tình sinh viên 4 năm tràn đầy mơ mộng, em cũng đi làm như bao người phụ nữ hiện đại khác. Tất nhiên, em vẫn dành thời gian chăm sóc cho chồng cực kỳ chu đáo. Em không phải mẫu phụ nữ thích đàn đúm bạn bè, càng không phải người không biết lo toan, thu vén. Mọi chuyện đối nội, đối ngoại em đều khiến bố mẹ chồng rất hài lòng. Có chăng, lý do chỉ là vì trong suốt ba năm trời lấy nhau em vẫn chưa cho anh cái quyền được làm bố?

    Rất nhiều đêm ròng em đã cố vắt óc ra suy nghĩ, tự tìm cho mình một lý do thật chính đáng. Nhưng để làm gì nữa khi anh đã mãi mãi rời bỏ em rồi. Anh phải lòng một cô gái làm cùng cơ quan kém anh hai tuổi. Anh ruồng rẫy người phụ nữ đã từng yêu thương suốt chừng ấy năm để chạy theo một thứ mà người ta cũng lại gọi là tình yêu. Chỉ một tờ đơn ly hôn với chưa đầy một trang giấy, anh đã nhẫn tâm rũ sạch hết tất cả, cả việc chúng ta đã yêu nhau như thế nào và em đã sống vì anh ra sao.

    1344681413-quen2.jpg
    Anh rời bỏ vòng tay em để tới với một điều mà anh cũng gọi là tình yêu (Ảnh minh họa)

    Cuộc đời nhiều khi thật nghiệt ngã. Sau cái ngày đó, em đã tưởng chừng như chết đi, thế giới quanh em đặc quánh, đen ngòm. Nhưng rồi lòng kiêu hãnh lại không cho phép em gục ngã. Em trỗi dậy với một sức sống mãnh liệt hơn, chỉ để cho người chồng bội bạc biết rằng không có anh em vẫn sống tốt, thậm chí là rất tốt. Em muốn anh phải hối hận, phải tiếc nuối thật nhiều.

    Người ta bảo rằng kể từ sau ngày chia tay anh, bỗng nhiên em đẹp lên đến lạ. Đẹp một cách sâu sắc, mặn mà. Phải rồi, sau cái ngày đen tối ấy, em đã quyết tâm phải thay đổi diện mạo cho bản thân mình. Em dành thời gian chăm chút cho nó nhiều hơn, thường xuyên đi mua sắm, đi tu sửa cho nhan sắc của mình.

    Nhưng sự thay đổi của em không chỉ có thế. Từ một người phụ nữ hòa đồng, vui vẻ thì giờ đây người ta lại thấy em sống khép mình hơn. Lạnh lùng và vô cảm đến mức có đôi lần em cũng chẳng nhận ra em. Nhưng biết làm sao đây khi trái tim quá nhỏ bé của em giờ đây đã không còn cảm giác.

    1344681413-quen.jpg
    Rồi em sẽ quên anh, nhanh thôi...bằng niềm kiêu hãnh của chính em (Ảnh minh họa)

    Ai từng một lần trải qua nỗi đau bị chồng phản bội và ruồng rẫy thì mới hiểu được em đã phải khổ sở chịu đựng thế nào. Em đau đớn, vật vã, chuỗi ngày ấy với em coi như sống mà không bằng chết. Em đã khóc thật nhiều, đã gào xé trong cảm giác uất nghẹn. Nhưng nước mắt cũng không thể rửa trôi được mọi ký ức, càng không thể chữa lành những vết thương anh đã gây ra.

    Người ta vẫn khuyên em nên bắt đầu một cuộc sống mới, vì em còn trẻ đẹp nhiều lắm. Cũng có nhiều người đàn ông ngỏ ý muốn nắm tay em đi nốt đoạn đường phía trước, nhưng tất cả đều bị chối từ. Làm sao có thể hạnh phúc được nữa hả anh, khi lòng tin vào tình yêu, vào cuộc sống gia đình của em đã anh đang tâm đánh vỡ. Em cũng đã cố gắng, nhưng vẫn không sao có thể mở cửa trái tim mình.

    Giờ đây em nhận ra rằng cả lòng hận thù và tình yêu đối với anh đã dần biến mất trong em. Rất nhanh thôi, em sẽ xua hết chúng đi bằng chính niềm kiêu hãnh của bản thân mình.

    muangau...@...
    (Eva.vn)


    ThoTre.Com

  9. Tuy không xinh nhưng Hường rất hiếm khi rơi vào tình trạng “ế ẩm”. Ngay cả lúc cô đơn nhất, chị vẫn có vài đối tượng nhòm ngó.

    "Ế chắc" nếu đã xấu mà tự ti

    Dù được mẹ sắm sửa váy áo đẹp như chúng bạn, nhưng mỗi lần soi gương, Hường đều cảm thấy buồn vì đôi mắt vốn đã chẳng to lại phải vác thêm cặp kính cận 5 điốp.

    Cái miệng dù cố chúm chím nhưng cũng không nhỏ hơn là bao, nhiều người cứ trêu “mồm rộng tới tận mang tai” rồi cái nốt ruồi vô lý nằm chềnh ềnh ngay giữa mặt…

    Ý thức được mình là cô gái thuộc nhóm “cá sấu chúa”, vì thế suốt những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường, chị rất mặc cảm và ít khi giao tiếp với bạn khác giới.

    Chị kể, đến khi ra trường đám bạn ai cũng có đôi có cặp trong khi mỗi mình mình là lẻ bóng, nhiều khi chị tủi thân đến phát khóc. Lúc nào chị cũng tự nhủ: "Xấu như mình thì ma yêu!”

    Rồi như cái vòng luẩn quẩn: xấu xí, tròn tròn, kính cận, đầu tóc úi xùi, ăn mặc quê mùa, tự ti, nhút nhát, chị lại càng trở nên “lập dị” trong mắt bạn bè, đặc biệt là các chàng trai. Bọn trong lớp đại học có đứa gọi chị là Totti – tên một chàng cầu thủ Ý.

    120811afamilyhnanh2anhtrongbai-9ee45.jpg
    Tuy không xinh nhưng Hường rất hiếm khi rơi vào tình trạng “ế ẩm”.
    Ngay cả lúc cô đơn nhất, chị vẫn có vài đối tượng nhòm ngó (Ảnh minh họa)

    Mãi sau này, khi đi thực tập ở công ty nước ngoài, được tiếp xúc với nhiều bạn bè hơn, chị mới dần thoát khỏi “vỏ ốc” của mình. Được mọi người tư vấn, khích lệ, chị đã quyết định thay đổi suy nghĩ, cách ăn mặc.

    Chị bắt đầu để ý đến trang phục, đầu tóc, học cách trang điểm, đăng kí tham gia lớp học kĩ năng giao tiếp để tự tin hơn.

    Chị dần lột xác, vui vẻ, hoạt bát hơn. Lại sẵn thông minh, hài hước nên chị bắt đầu có “sức hút” với cánh mày râu.

    Chị khẳng định: “Nếu cứ suốt ngày ngồi nhà ủ rũ, buồn chán vì mình không xinh bằng người ta thì cũng chả có tác dụng gì, chỉ biến mình thành kẻ kém cỏi. Đã vậy lại còn nghe người ta thương hại… đểu: 'Khổ thế, xấu cũng là cái tội'. Vậy thì tại sao không vui vẻ… chấp nhận cái xấu đó đi và tìm cách khắc phục nó? Chẳng có phụ nữ xấu chỉ có phụ nữ không biết làm đẹp".

    Chị vẫn nhớ mối tình đầu của mình là vào 2 năm trước, anh chàng thực tập cùng đợt với chị. Anh giỏi giang, đẹp trai hẳn hoi chứ chả phải hạng xoàng.

    Không chỉ một anh mà rất nhiều anh xin chết dưới chân nàng. Chị ngày càng tự tin, chị tham gia các khóa học như làm bánh, piano, võ….

    Và sau vài lần "quyến rũ" nam giới thành công, chị khẳng định: "Cái đẹp có thể đến từ rất nhiều thứ chứ không chỉ riêng ở gương mặt, cặp chân thon dài hay vòng 1 nảy nở".

    Nguyệt cũng là trường hợp tương tự. Ngoài việc sở hữu cái tên đẹp với giọng nói ngọt ngào thì chị chẳng được ai khen xinh bởi chị thực sự không xinh.

    Nhưng Nguyệt rất tự tin với bản thân mình. Chị nói: “Nếu mình còn thấy xấu hổ về bản thân, thì người con trai nào dám đứng cạnh mình! Nếu nói mình xinh thì không phải, mình thực sự xấu, thấp. Nhưng thiết nghĩ, mình nên tự tạo cho mình một điểm nổi bật hơn người. Tự tin rằng mình cứ sống tốt hơn, đẹp hơn mỗi ngày thì ắt có được người con trai thật lòng tin yêu”.

    Đàn ông nói gì?

    Thanh Long (26 tuổi, Tân Ấp, Hà Nội) chia sẻ về lần đầu gặp người mình yêu: “Lần đầu tiên nhìn thấy Tâm, tim tôi âm thầm toát mồ hôi hột. Người đâu mà xấu tệ. Mặt đầy tàn nhang, mắt lại bé, người thì béo lùn, trông xa chẳng khác nào cây nấm. Tâm mới đến làm ở chỗ tôi, nhưng hình như cô không lấy làm ngại ngần gì. Ai cũng quý mến. Rồi cả phòng chúng tôi cùng đi liên hoan, hát karaoke. Tâm lập tức làm tâm điểm của sự chú ý, khi cô cất giọng hát. Thật không chê vào đâu được. Dần dà, tôi phát hiện cô ấy mặc dù bề ngoài thô ráp, nhưng suy nghĩ tình cảm rất tinh tế. Tôi chỉ vô ý nói mình thích ăn sầu riêng, thế là cô gửi cho tôi 2 quả to đùng. Tôi không uống được rượu, thế nên cứ hội họp ăn uống là cô lại uống giúp tôi"...

    Hồng Đăng (Tân Mai, Hà Nội) nói: “Tôi cũng không tin rằng mình thật sự thích người con gái dung mạo không có gì nổi bật, nếu không muốn nói là hơi xấu đó. Không da trắng cao ráo mắt bồ câu, nhưng tôi luôn cảm thấy cô ấy mang khí chất thật đặc biệt. Chính vì không xinh đẹp, nên cô ấy không chạy theo mốt, ngày nào cũng mặc một bộ đồ giản dị phù hợp, giữa một đám các nàng ríu ra ríu rít, cô ấy vùi đầu vào máy tính cần mẫn làm việc. Càng ngày, tôi càng phát hiện ra cô ấy rất tinh tế”.

    Hương Nguyễn - TTVN
    afamily.vn


    ThoTre.Com

  10. Tài liệu tham khảo : sách “The Normal Personality- A NEW WAY OF THINKING ABOUT PEOPLE” của Steven Reiss.

    Theo phân tâm học cổ điển của Freud, con người có bản tính tự nhiên là thích sự bẩn thỉu (enjoys defecation ); nhưng người ngăn nắp (organized people ) không thể thừa nhận điều đó. Người ngăn nắp có cơ chế phòng vệ phản ứng ngược (“reaction formation”), có nghĩa là họ sống sạch sẽ, ngăn nắp nhằm chối bỏ bản tính tự nhiên của họ là thích cái bẩn (to disguise their true fondness for feces).Ngay cả khi họ không nhận thức được sự bị lôi cuốn ( về vô thức ) đối với phân, với cái bẩn thỉu. Họ có nỗi sợ trong vô thức rằng bố mẹ họ sẽ chối bỏ, hoặc trừng phạt họ nếu họ bộc lộ bản tính tự nhiên yêu thích cái bẩn của mình. Ngược lại, những người sống không ngăn nắp là những người sống gần với bản năng tự nhiên yêu cái bẩn ( thích đại tiện ).

    Hơn nữa, phân tâm học cho rằng việc trải nghiệm của đứa trẻ về vấn đề tập đi vệ sinh có thể ảnh hưởng đến sự ngăn nắp của trẻ khi nó lớn lên. Những nhà phân tâm học phân biệt 2 kiểu phản ứng kém thích nghi đối với việc tập đi vệ sinh của trẻ em, gọi là anal retentive và anal expulsive.Như Millon & Davis (2000) mô tả : anal retentive là khi trẻ phản ứng lại với bố mẹ bằng cách “ nín đại tiện “ và từ chối đi vệ sinh, sẽ dẫn đến những nét tính cách khi trưởng thành là bướng bỉnh, chua ngoa, và che dấu sự tức giận. Kiểu anal retentive sau này khi trưởng thành sẽ được dự đoán là những người luôn đúng giờ, ngăn nắp, có ý thức, kỷ luật, và bị ám ảnh với sự sạch sẽ...trong mọi việc và không chịu được sự bẩn thỉu, lộn xộn.
    Ngược lại là kiểu anal expulsive, hồi bé họ thường hay ỉa đùn như là 1 cách để chống đối lại bố mẹ và sau này khi trưởng thành họ có thể là những người không ngăn nắp, hung dữ và phá hoại.

    Erikson (1963/1950) và White & Watt (1973) cho rằng việc tập đi vệ sinh cho trẻ là một trong những tình huống quan trọng mà trong đó sự xung động của trẻ mâu thuẫn , xung đột với bố mẹ ( quyền lực ).Những đứa trẻ học cách làm đúng theo ý bố mẹ khi lớn lên chúng có thể trở thành những người ngăn nắp, có trật tự; trong khi đó những đứa trẻ chống đối lại bố mẹ có thể khi lớn lên sẽ trở thành người không ngăn nắp.

    Những nhà phân tâm học khác cho rằng sự không ngắn nắp là sự ngụy trang che đậy động cơ giận dữ, chống đối, nổi loạn. Bạn có thể tức giận đối với bố mẹ nhưng bạn lại thể hiện cơn giận ra ngoài đối với vợ, con, đồng nghiệp. Và bạn làm những người xung quanh nổi giận khi bạn làm bừa bộn trong phòng làm việc.

    Những người không ngắn nắp thường có xu hướng bỏ qua chi tiết vụn vặt và tập trung vào bức tranh lớn, vào cái tổng thể. Bằng việc bỏ qua những chi tiết trong tâm thức của mình, bạn có thể trải nghiệm thế giới 1 cách ít trật tự và ngăn nắp hơn là thực tế của nó.
    Những người không ngắn nắp muốn trải nghiệm cuộc sống theo cách ngẫu hững ; còn người ngăn nắp thì muốn trải nghiệm cuộc sống theo trật tự và họ muốn giảm đi những trải nghiệm có tính tùy hứng.Ví dụ, bằng việc sắp xếp vật dụng trong ngôi nhà của họ ở 1 vị trí cố định, người ngăn nắp có thể tạo ra tính trật tự, ổn định không thay đổi trong nhà. Những người ngắn nắp đánh giá cao những nghi thức, lề thói không thay đổi hằng ngày. Họ trở nên căng thẳng khi họ không thể làm những công việc mà họ vẫn thường làm mỗi ngày. Về mặt tâm lý, những lề thói hằng ngày đó tạo ra cảm giác ổn định, có trật tự và dễ đoán.

    Những người ngăn nắp có xu hướng không thích làm những việc mang tính ngẫu hứng bởi vì sự ngẫu hứng theo tâm lý học là đối lập với tính trật tự. Họ thích được biết trước và chuẩn bị trước cho những gì học sẽ được yêu cầu làm. Họ đánh giá cao sự chuẩn bị và việc lập kế hoạch. Họ không thích sự thay đổi và gặp khó khăn trong việc thích nghi với sự thay đổi. Họ đánh giá cao sự thường xuyên ( permanence), họ có xu hướng nghĩ rằng mọi việc nên luôn luôn được làm theo 1 cách nhất định; 1 số người ngăn nắp thậm chí có thể nghĩ rằng chỉ có 1 con đường duy nhất để làm 1 việc gì đó. Khi gặp rắc rối, họ thích giữ nguyên hiện trạng, không phải vì việc giữ nguyên hiện trạng luôn luôn là 1 lựa chọn khôn ngoan, mà bởi vì họ đánh giá cao sự ổn định và thường xuyên.

    Nhiều người sống ngăn nắp gặp khó khăn trong việc phân biệt giữa những chi tiết quan trọng và những chi tiết không quan trọng. Người ngắn nắp thỉnh thoảng khiến cho người khác phát điên vì họ thường chú ý đến những tiểu tiết vụn vặt.

    Không chỉ có thói quen của người không ngăn nắp khiến người ngăn nắp bực mình, mà ngược lại; nó là 1 quá trình 2 chiều. Sự thật là người ngăn nắ và người không ngăn nắ có những giá trị sống đối nghịch nhau. Người không ngăn nắp làm người ngăn nắp bực bội khi họ sống lộn xộn; và người ngăn nắp người không ngăn nắp bực mình khi họ cứ chú ý đến những thứ lặt vặt.

    Những nhà nghiên cứu về động cơ cho rằng chính nhu cầu muốn ngăn nắp, ổn định, trật tự, chứ không phải nỗi sợ bị người khác phê bình, đã thúc đẩy những hành vi ngăn nắp (Motivation analysis implies that a need for order/stability/structure, not fear of criticism, motivates orderly behavior).

    Nếu bạn muốn hiểu và dự đoán những nét tính cách như tính ngăn nắp, tổ chức hoặc tính không ngăn nắp, hãy hỏi người đó 1 câu ; Bạn thích sự ngẫu hứng nhiều như thế nào ; chứ không phải hỏi rằng chuyện gì đã xảy ra khi bạn được bố mẹ tập cách đi vệ sinh (If you want to understand and predict traits such as organized versus disorganized and could ask only one question, ask how much the person enjoys spontaneity, not what happened when the individual was toilet trained).

    Nếu bạn hiểu điều gì thúc đẩy hành vi của con người, bạn có thể dự đoán người đó sẽ hành xử như thế nào. Nếu 1 người phụ nữ nói với bạn là cô ấy yêu thích sự ngẫu hứng ( spontaneity ) , thì bạn có thể dự đoán rằng cô ấy không thích lập kế hoạch , có xu hướng bỏ qua chi tiết , và có thể luộm thuộm. Phương pháp dự đoán hành vi này có thể không hiệu quả mọi lúc mọi nơi, nhưng nó vẫn hiệu quả hơn nhiều so với những gì mà các chuyên gia về hành vi đang làm hiện nay.

  11. Tham khảo :” The Harry Potter Effect: The Science Behind Why We Like Magical Things”-
    What Harry Potter tells us about our brains
    by Melissa Burkley, Ph.D. in The Social Thinker

    Có 1 điều mà các nhà tâm lý học có thể học hỏi từ hiện tượng Harry Potter, đó là : con người yêu thích sự mầu nhiệm ( magic). Nhưng tất cả chúng ta đều hiểu rằng những điều mầu nhiệm đó chỉ có trong những trang sách truyện. Liệu con người có thực sự tin rằng sự mầu nhiệm tồn tại trong thế giới thực hay không ? Nghiên cứu gần đây cho biết : con người tin vào điều mầu nhiệm .

    Đầu óc con người được thiết kế để tìm kiếm những kiểu mẫu, những mối liên kết giữa các kinh nghiệm trong cuộc sống.
    Hãy tưởng tượng là bạn ăn một món ăn được bán ngoài đường. 2h sau bạn thấy mình buồn nôn. Bộ não của bạn được thiết kế để tìm kiếm nguyên nhân cho việc bạn buồn nôn, và trong trường hợp này có vẻ như là món ăn là nguyên nhân. Bằng cách xác định nguyên nhân cho việc bạn buồn nôn hoặc bị bệnh, bạn sẽ biết để tránh những loại thức ăn như vậy trong tương lai. Do đó, khả năng liên kết mọi chuyện theo quan hệ nhân quả có lợi cho sự sinh tồn của con người. Nhưng nó cũng có nghĩa là chúng ta có thể nhầm lần khi nghĩ rằng mọi chuyện có sự liên kết với nhau trong khi thực tế không phải vậy. Để kiểm tra điều này, Pronin và cộng sự (2006) thiết kế 1 loạt các thực nghiệm thông minh để xem liệu sinh viên đại học có bị đánh lừa bởi niềm tin rằng họ có quyền lực kiểm soát của tâm trí.

    Những người tham gia được đưa cho 1 con búp bê đạo Vô – đu ( búp bê ma giáo ở Phi châu ) và yêu cầu đóng vai thầy phù thủy bằng cách châm kim vào đầu búp bê. Những sinh viên đó được cho biết rằng búp bê đại diện cho những sinh viên đồng trang lứa khác mà họ đã gặp cách đây vài phút. Một nửa số người tham gia nghiên cứu , tiếp xúc với “nạn nhân(búp bê)” là thân thiện. Nhưng một nửa còn lại thì “nạn nhân” là người ngu ngốc /thô lỗ. Sau khi tiếp xúc với các “nạn nhân”, những người tham gia được hướng dẫn đâm kim vào búp bê. Vài phút sau đó, những “nạn nhân” nói rằng họ bị đau đầu và những người tham gia được hỏi họ cảm thấy thế nào khi họ gây nguy hiểm cho nạn nhân. Như kỳ vọng, những người tham gia đã từng tiếp xúc với những “nạn nhân” thô lỗ và có ý nghĩ tiêu cực về họ, có vẻ cho rằng mình là người “gây ra” cơn đau đầu cho các nạn nhân.
    Như chúng ta đã biết khi đọc Harry Potter, có những điều mầu nhiệm là tốt và cũng có điều mầu nhiệm là xấu. Pronin và cộng sự muốn biết liệu những suy nghĩ mầu nhiệm này hiệu nghiệm với những mong ước cũng như với lời nguyền rủa hay không. Để kiểm tra, họ yêu cầu những người tham gia xem những người khác ném bóng rổ. Thỉnh thoảng những người tham gia được chỉ dẫn cách cổ vũ người ném bóng và những lần khác được chỉ dẫn cách tưởng tượng người ném bóng gặp thất bại. Khi người tham gia cổ vũ và sau đó người ném bóng thành công, người tham gia nói rằng có có “cảm giác chịu trách nhiệm” cho sự thành công của người chơi. Trong trường hợp này, người tham gia tin rằng cô ấy thực sự đã giúp đỡ cho người ném bóng, trong khi thực tế những suy nghĩ của cô ấy không liên quan gì đến sự thành công của người ném bóng. Đối với những fan thể thao khi đọc bài này, cảnh tượng này nghe cố vẻ thực sự quen thuộc với họ !

    Điều quan trọng là, những kết quả của nghiên cứu này cung cấp 1 manh mối lý giải tại sao người bình thường tin vào điều mầu nhiệm. Khi chúng ta có những suy nghĩ đáng chú ý có vẻ như nhất quán với 1 sự kiện nào đó ( ví dụ, tôi nghĩ rằng đèn giao thông sẽ chuyển sang màu xanh và sau đó nó xảy ra thật ), thì trí óc của chúng ta tự động tạo nên 1 mối liên hệ nhân quả ( Tôi chắc chắn là nguyên nhân làm cho đèn chuyển thành màu xanh ). Do đó, chúng ta đánh giá quá mức về sự kiểm soát của mình đối với những sự kiện bên ngoài.
    Ngoài ra cũng có những lý giải khác tại sao chúng ta tin vào điều mầu nhiệm. Sự thật là những điều mầu nhiệm khiến chúng ta cảm thấy mình có nhiều sự kiểm soát trong cuộc sống của mình hơn là thực tế. Không ai lại thích cái cảm giác mất khả năng kiểm soát, đặc biệt là trong những quyết định quan trọng của cuộc sống. Do đó để đương đầu với nỗi đau không thể chịu đựng này, chúng ta thường phát triển kiểu suy nghĩ mê tín như là 1 cách thức nhằm đánh lừa bản thân vào lối suy nghĩ rằng tôi có nhiều khả năng kiểm soát hơn thực tế. Một kiểu niềm tin mê tín , đó là sự lưỡng lự trước “ số phận cám dỗ “.

    Số phận cám dỗ thường là kiểu suy nghĩ xuất hiện khi con người trở nên tự tin quá mức về 1 sự kiện nào đó và do đó gây ra cho họ những điều rủi ro. Đây là lý do tại sao con người thường sợ phải bình luận về thành công vì sợ rằng họ sẽ là người đem lại xui xẻo cho chính mình. Hoặc tại sao con người nghĩ rằng trời có lẽ sẽ mưa nếu họ mang theo dù.

    Như vậy, cho dù bạn là 1 phù thủy hoặc 1 Muggle, thì bạn tin vào ma thuật, điều mầu nhiệm và niềm tin này đóng 1 vai trò to lớn trong cuộc sống của bạn hơn bạn nghĩ. Bạn chỉ là không sẵn sàng thừa nhận điều này thôi.

  12. Tham khảo : How to Fight Excessive Doubt
    Spring.org.uk

    Liệu bạn có nên đặt câu hỏi về mọi điều ? Sau đây là 1 mẹo đơn giản dành cho những ai có thiên hướng suy nghĩ quá nhiều.

    Một chút tư duy phê phán, phân tích là điều tốt. Nếu không có sự hoài nghi bản thân, đôi khi chúng ta sẽ thấy khó đưa ra những quyết định đúng đắn. Nhưng có quá nhiều nghi ngờ có thể ngăn cản chúng ta sống cuộc đời trọn vẹn.

    Điều không may là cảm giác không chắc chắn có thể khiến bạn luôn sống trong tình trạng lấp lửng, không bao giờ đi đến quyết định cuối cùng. Một số người có thể không bao giờ quyết định được về nghề nghiệp, chuyện tình cảm của họ.

    Vấn đề là chúng ta có thể không bao giờ thực sự biết về kết quả từ những quyết định của mình, đó là bản chất tự nhiên của cuộc sống. Nhưng nếu một người không bao giờ gặp 1 rủi ro, dù là rất nhỏ, thì anh ta sẽ không bao giờ đi đến đâu cả.

    Các nhà tâm lý phát hiện thấy những ai nghi ngờ bản thân quá nhiều thì cuối cùng sẽ mắc vào quá trình xử lý thông tin quá mức, dẫn đến sự trì hoãn và tự gây bất lợi cho mình. Những người hoài nghi bản thân cũng có khả năng gánh chịu sự trầm cảm và lo lắng xã hội ( social anxiety ) . Sự tự vấn lương tâm và tự lý giải bản thân có thể là hữu ích, nhưng sự quá mức sẽ gây ra sự đình trệ.

    Một nghiên cứu gần đây chỉ ra 1 con đường khả thi để giải thoát bạn khỏi thói quen hoài nghi.

    Nghiên cứu của Whichman (2010) tuyển những người mắc chứng lưỡng lự / hoài nghi kinh niên ( chronically uncertain ). Họ được đưa cho 1 bài test khuyến khích họ ( về mặt vô thức ) trở nên hoài nghi về sự hoài nghi của họ ( hoặc trở nên không chắc chắn về sự không chắc chắn của họ ) ( They were then given a test which unconsciously encouraged them to be uncertain about their uncertainty ).

    Trớ trêu thay, nó không làm tăng sự hoài nghi / sự không chắc chắn của họ mà ngược lại làm giảm xuống. Nghiên cứu này cho thấy : hoài nghi về sự hoài nghi của bạn có thể là hữu ích. Tất nhiên đây không phải là 1 giải pháp lâu dài, nhưng nó có thể tạm thời làm giảm mức độ hoài nghi / không chắc chắn của bạn.

    Khi sự thiếu tin tưởng vào những suy nghĩ của chính mình là có lợi. Đối với một số người tin vào sự hoài nghi của mình, điều này chỉ dẫn đến sự trì hoãn nhiều hơn, tự cản trở bản thân và tồi tệ hơn.

    Có lẽ việc học cách hoài nghi về sự hoài nghi sẽ mang đến cho bạn 1 cách thức giải thoát bản thân khỏi một số ảnh hưởng của sự hoài nghi bản thân quá độ.

  13. Bùng nổ cơ hội:" Kết bạn - Kết đôi" nhân dịp 2-9

    Bạn sẽ thoả sức với một mùa hè ý nghĩa?
    Kết nối với hoạt động xã hội…
    Giao lưu với nhiều người bạn…
    Phát triển kỹ năng sống, làm việc nhóm…
    Hoặc sẽ trở thành cặp đôi BC thứ 15…


    Cung%20nhau%20huong%20ve%20truoc.jpg

    Một mùa hè ý nghĩa đánh dấu một điều mới mẻ trong cuộc sống của bạn.
    Giữa bộn bề công việc, học tập nhưng đã có rất nhiều trái tim ấm nóng chia sẻ, hướng tới những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
    Hàng nghìn người thông qua các dự án ý nghĩa đã kết nối thành công với nhau. Để kỉ niệm 2 năm chương trình Cô Tô - nơi cặp đôi tình nguyện đầu tiên đã tìm thấy nhau và đã có một đám cưới trong mơ cùng một em bé thiên thần chuẩn bị chào đời. Đây cũng là cơ hội đặc biệt để “ những trái tim ấm nóng” gặp nhau chia sẻ.

    Bạn hãy “Bùng nổ: KẾT BẠN - KẾT ĐÔI” thông qua chương trình của dự án “Du lịch tình nguyện”. Tham gia chương trình này bạn không những tìm được 1 nửa trái tim của mình, được chiêm ngưỡng cảnh đẹp tại các vùng miền và hơn thế nữa – chính bạn góp phần chia sẻ, và mang lại hạnh phúc cho những mảnh đời khó khăn và nhận được nhiều phần quà hấp dẫn khi tham gia chương trình.

    Thông tin chi tiết chương trình, vui lòng truy cập: BC Group | Bùng nổ cơ hội:" Kết bạn - Kết đôi" nhân dịp 2-9

    Dự án được tổ chức bởi BC Group - tổ chức văn hoá & xã hội phi lợi nhuận thành lập năm 2006.
    Website: BC Group | BC - Bạn bè & Chân thành

  14. Em trẻ và cá tính, giọng nói dễ thương, trời lại ưu ái cho chút nhan sắc. Không đến độ nghiêng nước nghiêng thành, nhưng cũng đủ để em tự hào mình dễ dàng chiếm được ưu thế giữa đám bạn gái.

    Thêm vào sự nhạy cảm, tự tin là chút bản năng phụ nữ được em không ít lần tận dụng, với sự khoe khoang không giấu giếm rằng, có như vậy mới đúng là một cô gái khôn ngoan, bản lĩnh.

    Gặp một chàng trai mới quen, khi thì em vui vẻ, xởi lởi, khi thì e lệ dịu dàng. “Tùy đối tượng mà xử lý”, em vô tư khoe với mọi người. Phải công nhận là sự nắm bắt và thích nghi đó giúp em được khá nhiều chàng trai ái mộ. Em quan tâm và chu đáo, có anh chàng nào không cảm động khi biết được em nhớ vanh vách ngày sinh, quê quán, sở thích, dù chỉ một lần tình cờ tiết lộ? Em chịu khó săn lùng quán lạ, quà tặng độc, những câu nói hay ho để khi có dịp là mang ra sử dụng, làm đối tác chẳng thể nào quên được. Thế nhưng, em lại vô tâm với tất thảy mọi người còn lại, nếu họ không ở trong tầm ngắm của em.

    550236628a0e84.img.jpg

    Gặp gỡ bạn trai, người yêu của người khác, em dường như vô tư thể hiện cho họ thấy, em mới đích thực là cô gái hấp dẫn, hơn hẳn người phụ nữ đang bên họ. Đàn ông nào mà chẳng ham của lạ. Em cố tình lả lơi, bất chấp ánh mắt khó chịu của người khác.

    Hỡi ơi, ngay cả những người đàn ông đã yên bề gia thất cũng không thoát khỏi cái sự chứng tỏ bản lĩnh của em. Dường như em cố tình để cho họ phải nhìn thấy, phải so sánh, phải ao ước cái vẻ xinh tươi, mơn mởn, nhẹ nhõm của em. Em cố tình ăn mặc trống trên hở dưới, trễ nải sô hàng trước mặt chồng của đồng nghiệp hoặc chồng của ai khác bất kỳ, nếu có dịp. Em sẵn sàng ngọt ngào nũng nịu trước mặt những người đàn ông ấy. Cái gì của mình là của mình, không phải thì có giữ cũng chẳng được. Không say nắng với cô này thì cũng xiêu lòng với cô khác, vậy thôi. Em thẳng thừng bảo thế.
    Có bao giờ em nhận ra, những cuộc “vờn chơi cho vui” mà em là người khởi xướng đã làm hình ảnh em trở nên méo mó, tệ hại trong mắt bao người? Khi nào thì em chịu dừng lại một chút để nhận ra, mình sao thật ít bạn bè thân thiết, ai nấy đều dè chừng em? Tất cả cũng bởi do cách em thích chứng minh "bản lĩnh" của mình…

    xaluan.com

    ThoTre.Com

  15. Mẹ thường không tỏ ra hơn tuổi bố, thay bố quyết định bất cứ điều gì. Thậm chí, nhờ có bố mà tính tình mẹ trẻ trung, càng già càng dễ tính.

    Mẹ hơn bố đúng 4 tuổi. Ngày trẻ, bố và mẹ tình cờ gặp nhau, quen nhau, chơi với nhau… bình thường như hai chị em… bình thường.

    Mãi cứ thế cho đến khi mẹ thấy bố đẹp trai mà sao chẳng có ai cho riêng mình, nên quyết dẫn “cậu em” đi giới thiệu. Bố ậm ừ, chẳng đồng ý mà cũng không phản đối.

    Đúng đến hôm mẹ hẹn được “người ta” cho bố, bố quần là áo lượt đi ra khỏi nhà, nhưng là để gặp… mẹ. Bố bảo: “Thôi không cần đi nữa, người tôi cần ở đây rồi”. Thế là bố và mẹ yêu nhau.

    Ngày xưa, bố thường chở mẹ đi xem xi-nê trên con xe ngựa chiến của mình. Ngày ấy xe đạp sang lắm, cỡ phải như PS bây giờ. Mỗi lần chở đi, bố đều bắt mẹ phải ngồi sau ôm eo cho bố lượn 1 vòng quanh phố nhà mẹ. Không phải để khoe xe, bố bảo làm thế là để thông báo cho bàn dân thiên hạ, các anh hàng xóm đang ngấp nghé mẹ biết bông hoa này đã là của mình rồi, đừng ai nào đụng vào nữa.

    750245975b77d5.img.jpg

    Bố vẫn thường “tỏ ra lãng mạn”. Ngày đó, bố đã rất hiểu triết lý “tình yêu tới trái tim phải đi qua cái dạ dày”, cộng với khéo tay, bố làm mẹ thích mê những món mình nấu. Mẹ cũng thức đêm nắn nót từng mũi kim, khâu cho bố cái cổ áo đã sờn rách mà bố vờ vịt... nhờ vả.

    Nói chung, ngay cả khi đã yêu rồi, hai người vẫn không ngừng “cưa cẩm” lẫn nhau nên bây giờ, mỗi khi bố và mẹ, người nọ đổ lỗi cho người kia tán tình khiến bản thân… ra nông nỗi này, thì mình cũng chẳng bao giờ tin.

    Mẹ kể, ngày mới lấy nhau, bố thì trẻ đẹp, còn mẹ hơn bố những 4 tuổi nên gia đình bố cũng nói ra nói vào nhiều lắm. Vào thời điểm đó, quan niệm vợ già chồng trẻ thực sự rất nặng nề.

    Mẹ phải chịu nhiều tủi hờn với những lời ong tiếng ve của nhà nội. Được cái, bố rất yêu thương mẹ. Hơn nữa quê bố ở Bắc Ninh, bố và mẹ lại sống ở Hà Nội, là quê của mẹ. Khi họ hàng anh em bố lên thăm, mẹ phải nghe những lời móc máy. Mẹ bảo: “Lấy chồng trẻ hơn chắc chắn vất vả nhiều hơn”…

    Suốt gần 30 năm bên nhau, những khi giận, mẹ thường không ăn cơm hoặc không ăn cùng cả nhà, được khoảng vài hôm thì hai người lại nói chuyện. Đấy là mẹ giận, còn bố, khi thực sự giận thì lầm lì, mẹ biết ý nhịn, không làm gì quá đáng nữa, chỉ im im thôi.

    Thấy nhiều người nói, vợ lấy chồng kém tuổi thường phải làm trụ cột, lại phải chiều chồng, nhường chồng khiến nhiều ông từ đó cũng sinh ra lười biếng, chẳng quyết đoán được cái gì.

    Nhưng mình thấy, từ chính bố mẹ mà ra, đàn ông, ở thời nào, dù ít hay nhiều cũng mang trong mình tính gia trưởng, kiểu gì cũng muốn là người được quyết. Cái chính là vợ mặc dù hơn tuổi nhưng không nên tỏ ra khôn hơn chồng, lựa trường hợp mà nói thôi.

    Bố trẻ hơn, tính tình cởi mở, thế là mẹ bị ảnh hưởng, cũng trẻ trung hơn, thỉnh thoảng còn hơi tưng tửng ấy. Giờ nghỉ hưu rồi, chỉ có hai cụ sống với nhau, mẹ càng già càng dễ tính. Ngẫm, có khi chính vì bố kém tuổi mẹ, mà gia đình mới hạnh phúc và ấm êm như thế này.

    Bây giờ, “hai cụ” nằm nhà xem phim chung, rồi bình luận với nhau. Hàng ngày Bố vẫn sắc thuốc cho mẹ, “cai” hẳn rau muống vì bệnh mẹ không ăn được rau này. Thỉnh thoảng, bố vẫn nấu những món ăn ngon cho mẹ, bố nhuộm tóc cho mẹ trẻ trung hơn, tối tối hai người dắt nhau đi bộ, ban ngày thì trông cháu…

    Thời gian làm thay đổi nhiều thói quen của bố và mẹ, điểm duy nhất của hai người mà không bao giờ phai mờ đó là chưa bao giờ thôi yêu thương nhau…

    xaluan.com

    ThoTre.Com

  16. Tham khảo : "No Pain, No Gain: Why We Punish Ourselves"
    (short-term) psychological benefits of self-punishment.
    Published on April 23, 2012 by Juliana Breines in In Love and War
     
    Những lợi ích tâm lý ( ngắn hạn ) của sự tự trừng phạt bản thân.

    Việc tự trừng phạt bản thân chúng ta học được khi còn là đứa trẻ có thể tiếp tục đến tuổi trưởng thành, khi chúng ta trở thành " bố mẹ " của chính mình. Mặc dù một số người trưởng thành dễ tự đánh mình ( bằng roi ) hơn những người khác, thì xu hướng này xuất hiện khá phổ biến, thậm chí ở những cá nhân lành mạnh về tâm lý. Nghiên cứu được thực hiện trong lĩnh vực tâm lý học xã hội cho thấy có ít nhất 3 nguyên nhân chính giải thích tại sao con người có thể, đôi khi, chọn cách tự trừng phạt mình.

    1. " Tôi xứng đáng chịu đau khổ ". Một giả định cơ bản trong tâm lý học, đó là con người được thúc đẩy bởi động cơ duy trì những cảm xúc tốt đẹp và giảm bớt những cảm xúc tệ hại, nhưng đôi khi con người lại làm những việc nhằm duy trì hoặc thậm chí làm gia tăng những cảm xúc tiêu cực, giống như việc nghe đi nghe lại một bài hát buồn. Nghiên cứu được thực hiện bởi Joanne Wood và cộng sự cho thấy những cá nhân có lòng tự trọng ( self-esteem ) thấp thì ít có động lực để cải thiện những tâm trạng tiêu cực. Tại sao lại như vậy ? Phù hợp với dự đoán của lý thuyết tự xác nhận ( self-verification theory ) khẳng định : con người nhìn chung cảm thấy thoải mái hơn với cách đối xử quen thuộc và nhất quán với những quan điểm về bản thân của họ, các nhà nghiên cứu phát hiện thấy : những người tham gia nghiên cứu có lòng tự trọng thấp thì ít có động cơ để " cảm thấy tốt " vì cảm thấy tốt ( feeling good ) không nhất quán với quan niệm tiêu cực về bản thân của họ , và bởi vì họ không cảm thấy họ xứng đáng được cảm thấy tốt.

    2. " Sự đau khổ sẽ làm tôi trở thành một con người tốt hơn." Đau đớn không chỉ là một cảm giác thể chất khó chịu , báo hiệu tổn thương hoặc bệnh tật mà nó còn giữ tầm quan trọng sâu sắc trong nhiều nền văn hoá và tôn giáo như là một phương tiện để làm sạch , tẩy uế những khía cạnh khó ưa của con người. Trong nghiên cứu được thực hiện bởi Brock Bastian và cộng sự, những người tham gia được giao ngẫu nhiên cho một điều kiện thí nghiệm ( họ được hướng dẫn nhớ lại về một sự vi phạm đạo đức so với những người nhớ lại một sự kiện trung bình ) , kết quả là, họ nắm chặt tay trong nước đá trong một khoảng thời gian lâu hơn. 

    Điều quan trọng là , trong số các nhóm của những người tham gia nhớ lại việc làm sai trái , những người được phân ngẫu nhiên để hoàn thành nhiệm vụ nắm tay trong nước đá đau đớn , so với một nhóm  không đau , sau đó báo cáo sự suy giảm trong cảm giác tội lỗi . Các nhà nghiên cứu kết luận rằng cơn đau vật lý có thể khôi phục lại cảm giác của sự công bình đạo đức theo sau việc làm sai trái . Nó cũng có thể truyền đạt cảm giác hối hận với những người khác và làm giảm mối đe dọa trừng phạt từ bên ngoài . Mặc dù việc làm giảm cảm giác tội lỗi theo cách này có thể mang lại sự giải tỏa, nhưng tự trừng phạt bản thân không phải là cách duy nhất để sửa sai. Những hành vi như xin lỗi và sửa đổi có thể là lành mạnh hơn và là những phương án mang tính xây dựng.

    3. "Tôi có nhiệm vụ phải đau khổ." Điều thú vị là, con người đôi lúc lựa chọn sự đau khổ khi họ mong đợi sự đau khổ, ngay cả nếu họ chưa làm điều gì sai trái. Trong một nghiên cứu cổ điển được thực hiện bởi Ronald Comer và James Laird, đa số những người tham gia dự kiến ​​sẽ phải ăn một con sâu như là một phần của thí nghiệm , kết quả đã chọn để ăn sâu , khi họ sau đó đã được nói rằng họ thực sự có thể chọn một công việc trung lập thay thế. Điều này đặc biệt đúng với những người tham gia cho rằng số phận ăn sâu của họ là không thể tránh khỏi bằng cách thay đổi những quan điểm về bản thân, quyết định rằng họ xứng đáng với sự trừng phạt ăn sâu hoặc họ dũng cảm và có thể xử lý nó.

    Những kết quả trên đã làm sáng tỏ câu hỏi tại sao con người đôi khi lại chịu đựng sự đối xử tồi tệ. Nhiều người tin rằng thế giới là một nơi công bằng, do đó nếu họ đau khổ thì họ giả định là họ phải xứng đáng bị khổ , hoặc ít nhất họ phải cam chịu nó. Niềm tin rằng mọi chuyện xảy đến đều có 1 nguyên nhân , có thể mang lại sự thoải mái, nhưng đôi lúc niềm tin này cản trở những nỗ lực làm giảm những hình thức đau khổ có thể kiểm soát được, như trong trường hợp cuộc thí nghiệm này.

    Ngoài việc nhấn chìm tay trong nước đá và ăn sâu, sự tự trừng phạt bản thân có thể có nhiều hình thức, từ việc tự nói xấu, tiêu cực về bản thân đến tự gây thương tích. Dường như những hành vi tích cực như tập thể dục và ăn uống lành mạnh cũng có thể được sử dụng như sự tự trừng phạt khi được dùng 1 cách cực đoan. Mặc dù tự trừng phạt mình có thể mang đến sự giải tỏa trong ngắn hạn, khôi phục cảm giác công bằng, quen thuộc, nó cũng có thể gây thiệt hại nghiêm trọng về sức khỏe tinh thần. Sự tự trừng phạt mãn tính là đặc trưng của một số bệnh tâm thần như rối loạn ranh giới nhân cách ( borderline personality disorder ) , rối loạn ăn uống. Vì vậy, lần tới nếu bạn cảm thấy thôi thúc gây đau khổ cho mình vì những lỗi lầm của bạn, hãy xem xét những cách khác để đương đầu , có thể đem lại cho bạn những lợi ích tương tự mà không gây đau đớn. Một số ý tưởng như : thực hành lòng từ bi, tự tha thứ, cố gắng sửa chữa những mối quan hệ trục trặc và học hỏi từ những lỗi lầm của bạn.

     


     

  17. Tham khảo : "The Availability Bias: Why People Buy Lottery Tickets"
    Spring.org.uk

    Cá mập tấn công, những tên giết người và những người trúng số : những sự kiện sinh động có nhiều khả năng ảnh hưởng đến phán quyết của con người.

    Nếu mọi người thực sự hiểu rõ về cơ hội trúng số của họ, họ sẽ không bao giờ mua 1 tờ vé số.

    Tất cả những người bán xổ số đều sử dụng một định kiến đơn giản trong cách thức hoạt động của tâm lý con người, được gọi là định kiến về sự có sẵn ( the availability bias ). Đây là xu hướng đánh giá xác suất dựa trên sự xuất hiện dễ dàng của những ví dụ. 

    Khi các tổ chức xổ số đẩy mạnh quảng cáo về những người thắng giải xổ số , mọi người liên tục nghe tin về những người trúng độc đắc. Mặt khác, họ hầu như không nghe được gì về đại đa số những người không trúng giải. Do đó, mọi người giả định là họ có nhiều khả năng trúng số hơn thực tế. Trong xổ số của Anh được quảng cáo là "Người đó có thể là bạn" , tất nhiên câu này là đúng một cách nghiêm túc. Để nói toàn bộ sự thật thì bạn nên đọc là :" Người đó có thể là bạn, nhưng gần như chắc chắn sẽ không phải là bạn."

    Cá mập tấn công thì sao ?
    Định kiến này ảnh hưởng đến tất cả các phán quyết của chúng ta , dựa trên trí nhớ. Sau đây là một vài ví dụ.

    Mọi người đánh giá họ có nhiều khả năng bị sát hại hơn là bị ung thư dạ dày, bởi vì những vụ sát hại được thông báo rất thường xuyên trên tin tức (Brinol et al., 2006). Thực tế thì bạn có khả năng chết vì ung thư dạ dày cao gấp 5 lần so với nguy cơ bị sát hại , dù nguy cơ bị ung thư dạ dày là khá hiếm.

    Điều này cũng đúng với những cuộc tấn công của cá mập, mọi người nghĩ là nó xảy ra thường xuyên vì truyền thông đưa tin. Thực tế thì bạn có nhiều khả năng bị chết bởi một phần nào đó rơi khỏi máy bay (Read, 1995).

    Khi 2 người bạn của bạn bị tai nạn xe cộ, bạn sẽ đánh giá con đường đó trở nên ít an toàn hơn và bạn cũng cảm thấy mình có nhiều khả năng bị 1 tai nạn.

    Khi thông tin trở nên rõ ràng hơn, sinh động hơn hoặc dễ dàng hơn khi nhớ lại , thì nó sẽ ảnh hưởng đến cách thức chúng ta đánh giá về xác suất của sự kiện đó.

    Lý do chúng ta có định kiến này là thỉnh thoảng nó là một cách hiệu quả để đưa ra những quyết định nhanh chóng. Ví dụ, những sự kiện đáng ghi nhớ - như ngộ độc thực phẩm - dạy cho ta những bài học quan trọng ( về những quán ăn rẻ tiền ).
     
    Vượt qua định kiến này như thế nào ?
    Thường thì định kiến về sự có sẵn làm chúng ta lo sợ nhiều hơn cần thiết. Có một cách để vượt qua nó , ví dụ: Có bao nhiêu người bạn biết mà :
    Không bị sát hại ?
    Không trúng số ?
    Không bị giết bởi cá mập ?

  18. Các trận tứ kết của môn bóng rổ nam tại Olympic đều kết thúc mà không có bất ngờ nào xảy ra. Cả ba đội bóng đoạt thứ hạng cao nhất tại Olympic Bắc Kinh 2008 là Mỹ, Tây Ban Nha và Argentina đều đã giành quyền vào bán kết. Đội bóng còn lại là tuyển Nga, những người đã đánh bại Lithuania với tỉ số 83-74.
    Nga 83 - 74 Lithuania: Chiến thắng của bản lĩnh

    Ở trận tứ kết đầu tiên, Nga gặp Lithuania. Tuyển Nga bước vào trận đấu này với tư cách là đội đứng đầu bảng B, trong khi Lithuania xếp cuối bảng A. Vì thế không có gì bất ngờ khi tuyển Nga chơi áp đảo trong hiệp 1 và giành thắng lợi 17-10.

    Lithuania chơi rất nỗ lực sau đó và họ giành thắng lợi 17-15 và 23-22 ở 2 hiệp tiếp theo để thu ngắn khoảng cách sau 3 hiệp: 54-50. Tuy vậy, bất chấp những cố gắng của Lithuania, tuyển Nga vẫn thành công trong việc duy trì khoảng cách dù không quá lớn, nhưng vẫn đủ để họ chiến thắng. Hiệp 4, Nga vượt qua Lithuania 29-24 và giành thắng lợi chung cuộc 83-74 để đi tiếp vào vòng bán kết.

    Trong trận đấu này người chơi xuất sắc nhất bên phía tuyển Nga chính là Andrei Kirilenko. Tân binh của Minnesota Timberwolves đã ghi 19 điểm và có 13 lần bắt bóng bật bảng thành công cho đội tuyển xứ Bạch dương. Timofey Mozgov cũng chơi khá hay và ghi được 17 điểm. Trong khi đó cầu thủ được đánh giá cao nhất bên phía Lithuania là Linas Kleiza gây thất vọng khi chỉ ghi được vỏn vẹn 4 điểm.

    Pháp 59 - 66 Tây Ban Nha: Căng thẳng

    Trong cuộc đối đầu tái hiện lại trận chung kết EuroBasket năm ngoái, tuyển Tây Ban Nha đã một lần nữa cho người Pháp nếm trái đắng trong một trận cầu quyết liệt và đầy căng thẳng. Đã có những pha ẩu đả trên sân khiến cho hình ảnh của hai đội xấu đi trong lòng người hâm mộ.

    9502479d58fe65.JPG
    Tây Ban Nha thắng Pháp trong một trận đấu cực kỳ căng thẳng. Ảnh: Internet.
    Tuyển Tây Ban Nha đã bị Pháp dẫn 53-51 vào cuối hiệp 3 tuy nhiên họ đã kịp thời lội ngược dòng trong hiệp đấu cuối cùng để giành tấm vé thứ hai vào vòng bán kết. Pau Gasol cản phá một pha lên rổ của Nando De Colo trước khi biến nó thành cơ hội để Sergio Llull ghi điểm và đưa tuyển Tây Ban Nha vượt lên dẫn trước 58-57 khi trận đấu chỉ còn 5 phút 35 giây nữa.

    Trong khoảng 4 phút tiếp theo, cả hai đội đều không ghi được điểm nào cho đến khi Rudy Fernandez thực hiện thành công 2 quả ném phạt để giúp Tây Ban Nha gia tăng khoảng cách thành 60-57. Anh em nhà Gasol tiếp tục phối hợp với nhau để Marc ghi điểm giúp cách biệt giữa hai đội được nới rộng thành 62-57.

    Lúc này, rắc rối đã xảy ra khi Ronny Turiaf và Nicolas Batum có những hành vi phi thể thao với Fernandez và Juan Carlos Navarro dẫn tới chấn thương của hai cầu thủ Tây Ban Nha nói trên. Tuy nhiên kết quả thì vẫn không thay đổi, Tây Ban Nha tiếp tục ghi điểm và kết thúc trận đấu với chiến thắng 66-59.

    Với kết quả này, Tây Ban Nha sẽ tái ngộ tuyển Nga ở bán kết. Ở vòng bảng họ đã thất bại trước Nga với tỉ số 74-77.

    Brazil 77 - 82 Argentina: Argentina lần thứ ba liên tiếp lọt vào bán kết

    Trong trận tứ kết nội bộ của Nam Mỹ, Argentina đã thi đấu xuất sắc để vượt qua người láng giềng Brazil và có lần thứ ba lọt vào bán kết môn bóng rổ nam của Olympic. Brazil mặc dù có bộ đôi Marcelinho Huertas và Leandrinho Barbosa thi đấu rất xông xáo (mỗi người ghi 22 điểm), nhưng vẫn không thể đánh bại một Argentina có lối chơi đồng đều hơn.

    Ba ngôi sao NBA: Luis Scola, Manu Ginobili và Carlos Delfino kết hợp với nhau để đóng góp 49 điểm cho Argentina. Đội bóng giành huy chương đồng tại Olympic Bắc Kinh 2008 đã khởi đầu không như ý, khi để thua 23-26 trong hiệp 1, tuy nhiên họ đã trở lại mạnh mẽ trong hiệp 2 và giành thắng lợi 23-14. Sự cải thiện trong hệ thống phòng ngự đã giúp Argentina tiếp tục chiếm ưu thế trong hiệp 3 với chiến thắng 18-14. Brazil không thể đảo ngược được thế trận và đành chấp nhận thất bại chung cuộc 77-82.

    Mỹ 119 - 86 Australia: Ai cản nổi Mỹ?

    Với một dàn cầu thủ rất đồng đều và toàn những ngôi sao đẳng cấp, tuyển Mỹ tiếp tục làm mưa làm gió tại vòng tứ kết. Đối thủ của họ là Australia, đội đứng cuối bảng A.

    9502479d8215ad.JPG
    Mỹ tiếp tục thể hiện sức mạnh của mình với Australia. Ảnh: Internet.
    Ở cả hai hiệp đấu đầu tiên, tuyển Mỹ giành chiến thắng nhẹ nhàng cùng với tỉ số 28-21. Tuy nhiên Australia với sự dẫn dắt của ngôi sao đang chơi tại NBA là Patty Mills (ghi 26 điểm) đã vớt vát chút hy vọng khi cầm chân tuyển Mỹ trong hiệp 3 với tỉ số 28-28. Nhưng đó cũng là tất cả những gì tốt nhất mà Mills cùng các đồng đội làm được. Mỹ thể hiện sự vượt trội trong hiệp 4 và thắng cách biệt 35-16. Với tỉ số chung cuộc 119-86, Mỹ thẳng tiến vào bán kết để gặp lại Argentina.

    Ngôi sao của Lakers Kobe Bryant dẫn đầu tuyển Mỹ với 20 điểm, theo sau là Deron Williams với 18 điểm.

    Vòng bán kết sẽ là cuộc tái hiện hấp dẫn của những trận đấu ở vòng bảng, Nga gặp Tây Ban Nha và Mỹ gặp Argentina. Chúng ta hãy cùng chờ xem liệu kết quả của những cuộc đối đầu này có thay đổi hay không?

  19. Tham khảo

    “Is More Always Better?”

    A new research study on free time
    Published on October 31, 2011 by Robert Puff, Ph.D. in Meditation for Modern Life

    Liệu con người có cảm thấy hạnh phúc hơn khi họ có nhiều thời gian rảnh rỗi , hoặc sở hữu nhiều của cải không ? Thoạt đầu, dường như mọi người nghĩ rằng việc có ít thời gian rỗi hoặc có ít của cải vật chất sẽ khiến con người ít hạnh phúc hơn và ngược lại, có nhiều thời gian rỗi và nhiều của cải sẽ làm người ta hạnh phúc hơn. Tuy nhiên, theo 1 nghiên cứu bởi Chris Manolis của trường Xavier University và James Roberts của trường Baylor University, điều này không phải luôn luôn đúng. Thực ra, việc có quá nhiều thời gian rỗi hoặc quá nhiều của cải vật chất có thể cũng tồi tệ ngang với việc có quá ít thời gian rỗi và của cải.
    Theo nghiên cứu, số liệu thu được từ việc đo đạc về thời gian rảnh rỗi của 1.329 thanh niên ở miền trung-tây nước Mỹ và việc họ đánh giá tầm quan trọng về giá trị vật chất. Những thanh niên này được yêu cầu đánh giá về việc nhìn nhận mức độ hạnh phúc, thỏa mãn của họ. Kết quả cho thấy những người có những hành vi mua sắm bốc đồng và xem trọng của cải vật chất thì có mức độ hạnh phúc thấp. Việc sở hữu nhiều của cải không làm bạn hạnh phúc hơn !

    Còn sự sung túc về thời gian cũng ảnh hưởng đến mức độ hạnh phúc. Nghiên cứu chỉ ra : những người có hành vi mua sắm bốc đồng nhưng họ không có quá ít hoặc quá nhiều thời gian nhàn rỗi thì sẽ hạnh phúc hơn những người có quá nhiều hoặc quá ít thời gian rỗi.

    Trong xã hội của chúng ta, sự dư thừa về thời gian nhàn rỗi được xem là rất quan trọng và rất tốt, trong khi đó việc thiếu thời gian rảnh rỗi luôn luôn được xem là tiêu cực. Tuy nhiên, số liệu nghiên cứu có thể chỉ ra điều này không nhất thiết đúng. Khi liên kết với những giá trị vật chất, thời gian đóng 1 vai trò quan trọng liên quan đến việc chúng ta có cảm thấy thỏa mãn hay không. Thời gian và mức độ hoạt động có thể có những tác động khác nhau lên mỗi người, ít nhất là với lứa tuổi teen. Nếu con người bận rộn với những hoạt động phù hợp thì họ có thể ít nghĩ đến những món đồ công nghệ mới nhất hoặc những đồ vật khác so với việc khi họ có dư thừa thời gian rỗi, họ sẽ chìm đắm vào những món đồ đó; do đó sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn.

    Nhìn chung, có vẻ như 1 cuộc sống có sự cân bằng về thời gian nhàn rỗi sẽ nâng cao hạnh phúc, sự toàn mãn của con người và ảnh hưởng đến quan điểm và giá trị về của cải vật chất của chúng ta. Khi bạn có đủ thời gian rảnh rỗi, không quá nhiều và không quá ít thì bạn sẽ không có hành vi mua sắm bốc đồng và cảm giác không thỏa mãn. Theo nghiên cứu, hạnh phúc của thanh niên có mối liên kết trực tiếp với những yếu tố trên, và mức độ hạnh phúc có thể bị ảnh hưởng bởi việc đơn giản là cân bằng lượng thời gian nhàn rỗi mà chúng ta có.

  20. 555854-yow1337671357.gif
    Viu... vèo.. bụp
    555854-mdc1337671357.gif
    Chim cánh cụt bé xinh bị say... sữa.
    555854-htf1337671357.gif
    Đừng có luẩn quẩn quanh chân mẹ, mẹ đá cho.
    555854-yxf1337671357.gif
    Ối! Ngã ngựa rồi!
    555854-fxb1337671357.gif
    Gấu cũng thích nằm võng
    555854-xhv1337671357.gif
    Ai bảo "nghịch" dại?
    555854-ays1337671357.gif
    Chán chẳng muốn nhấc người lên
    555854-arm1337671357.gif
    Đừng chen lấn, phải xếp hàng chứ?
    555854-aua1337671357.gif
    Đừng có mà khinh chân mình ngắn nhé!
    555854-kgv1337671357.gif
    Kiểu xuống cầu thang mới toe của mèo béo
    555854-ffj1337671357.gif
    Đang "làm việc" sao lại ngủ gật thế kia?
    555854-crm1337671357.gif
    Lăn nhanh hơn chạy
    555854-fzf1337671357.gif
    Yên tâm, cứ leo đim có tớ đỡ rồi!
    555854-kxc1337671357.gif
    Giời ơi, hết cả hồn!
    555854-qda1337671357.gif
    Ngã ngả ngã nghiêng
    Theo Đất Việt

  21. 555830-23763ec4-0e46-4beb-a100-abf5928d0
    "Cậu dám hôn trộm tớ à?"
    555830-260884e0-2ac2-4c66-972f-01d3cc11d
    Bông hồng tặng nàng
    555830-f9512398-e435-4372-9474-888057d22
    555830-cdc2109b-0cef-4fec-9151-a6c0f055a
    Phút giây suy tư, ngẫm nghĩ sự đời
    555830-f0b7a427-7b5e-4d90-bb64-b22f12677
    "Hừ, thế mà hứa cho mình đi Disneyland!"
    555830-49518570-2b1e-4d7a-94cf-e093ebdc4
    "Paparazzi à? Lêu lêu"
    555830-a5caea93-997d-424a-b857-d517d4ddc
    Nhầm mẹ
    555830-03a3a570-23dd-4432-881c-01d81cd73
    Lớn rồi còn nũng nịu
    555830-8a149f31-d263-48dd-883a-98c0dc7d3
    "Lại tắc đường!"
    555830-4a515ea9-569c-4a6b-a620-a255b23e9
    555830-efad67af-c2c1-490c-ae18-6c96e6241
    Biệt đội mèo găng-tơ.
    555830-3e753899-66f6-4daf-9ea2-ef1ede78b
    Bố nào con nấy
    555830-f1bbee4b-67f4-40e5-83dd-a833b3646
    Dù bạn không cao, nhưng người khác vẫn phải ngước nhìn
    555830-9694f1be-01f0-4c9e-8037-25d825ed1
    Phút e thẹn của thiếu nữ
    555830-ed45d6bb-10f3-4dd1-b41d-684680c4b
    "Ú òa!"
    555830-40854bfc-01c5-4861-8cfd-30ca48273
    "Hôm nay đẹp trời, sửa soạn sang nhà nàng chơi."
    555830-d16c8ac2-3192-44d1-bb0f-99181da43
    Nóng quá, tắm xô cho mát
    555830-25a35280-1408-48be-9385-b4115300c
    Đôn Ki-hô-tê cưỡi ngựa đi chơi
    555830-006d64cb-ebe4-44fe-a099-037fdb687
    "I believe I can fly!"
    555830-470bb256-c9de-4c06-8fd8-38362f6c9
    "Có gì trên đấy mà hot thế?"
    555830-ccd04db8-2d25-41b6-a5c6-e5eee69ed
    Tình yêu không phân biệt chủng tộc
    555830-7debad0a-1d15-48aa-8084-7044bd095
    "Cậu vừa nói cái gì thế?"
    555830-19a09b6c-d6ec-46e8-88c8-fb840cbb6
    Cụ rùa đạp xe đi chơi
    555830-3068b58d-8b98-449b-ac5f-8254be603
    "Các chú nhào zô, anh chấp tất!"
    555830-22c22dac-8d5f-42db-b39c-11809d081
    Đôi bạn từ thuở thiếu thời.



    Nhún nhảy cùng các bé động vật đáng yêu



    555830-df6746ba-8ec9-44af-aa65-c53b295ed
    Nào mình cùng xoay.
    555830-ee62e6b8-b42b-4bd8-aac9-1b2281fc2
    Xoạc cũng không vấn đề.
    555830-d2ebbe0e-80dc-4c8a-8623-fe02e6647
    555830-663a2d8a-6202-4f7c-9438-9cfc62db4
    Happy feet
    555830-d2f60bc9-e888-434e-9fed-9d53b14ea
    Nhảy đôi nè!
    555830-68db67c5-c8cf-4e6a-866d-6c86ac6a1
    Phút giây thăng hoa cùng cảm xúc
    555830-ea9e2213-ab44-4350-9d70-b5ab7f9ce
    "Tui đang nhảy ballet đó!"
    555830-b19f0763-76c4-4ae9-821e-e60eed218
    Hip hop chưa nè?
    555830-01728411-e3cf-4f72-a596-a740659c9
    Em cún múa cột cực yêu luôn.
    555830-38b48e72-b88e-4e37-8c95-5c3a1a0d1
    Không ai nhảy cùng, đành nhảy một mình vậy!
    555830-a76b7bd1-1bbf-431f-b680-90bca1401
    Điệu valse mùa xuân.
    555830-18a9d72a-fc02-4c09-a87f-d6414a92b
    Tay trong tay ngập tràn hạnh phúc
    555830-ba906f19-8598-41c8-a589-66fdd41de
    "High five! Ủa, hông ai high five với mình hả?"
    555830-2d5c2c73-782f-42ea-8e8d-c8b6ae673
    Uốn éo vầy được chưa?
    555830-1b248256-7dad-4548-b141-707a24a94
    Phảy nhảy như này này!




  22. Tham khảo : The Power Of Delaying Gratification
    How to develop impulse control
    Published on July 29, 2012 by Alex Lickerman, M.D. in Happiness in this World
     
      Năm 1970, nhà tâm lý học nổi tiếng Walter Mischel đã đặt một cái bánh trước một nhóm trẻ em và cho chúng một sự lựa chọn : chúng có thể ăn cái bánh ngay lập tức hoặc chúng có thể đợi cho đến khi ông đi công chuyện về và được thưởng thêm một cái bánh thứ hai. Tuy nhiên, nếu chúng không thể đợi thì chúng chỉ được phép ăn một cái bánh. Không ngạc nhiên,khi ông rời khỏi phòng, nhiều đứa trẻ ăn cái bánh ngay lập tức. Một số trẻ khác đã kháng cự được việc ăn cái bánh đầu tiên đủ lâu để nhận được thêm cái bánh thứ hai. Mischel gọi những đứa trẻ đó là trẻ có sự trì hoãn ( sự hài lòng ) cao ( high-delay children ).

      Điều thú vị là những trẻ có khả năng trì hoãn sự hài lòng tốt thì học tập tốt hơn ở trường và ít có những vấn đề về hành vi hơn những trẻ chỉ có thể kháng cự ham muốn ăn bánh trong một vài phút - và có điểm trung bình SAT cao hơn 210 điểm. Khi trưởng thành, những trẻ có sự trì hoãn cao hoàn thành bậc đại học với tỷ lệ cao hơn những trẻ khác và có thu nhập cao hơn. Ngược lại, những trẻ khó khăn trong sự trì hoãn hài lòng nhất thì có tỷ lệ ở tù cao hơn khi trưởng thành và có nhiều khả năng gặp vấn đề nghiện rượu,ma tuý.

      Khả năng trì hoãn sự hài lòng - đó là kiểm soát cơn bốc đồng - có thể là một trong những kỹ năng quan trọng nhất Cần học để có một cuộc sống thành công và thỏa mãn. Câu hỏi là, làm thế nào chúng ta học được nó ?

      Câu trả lời có thể nằm ở những chiến lược mà những đứa trẻ trì hoãn cao của Mischel sử dụng. Thay vì kháng cự lại sự thôi thúc ăn bánh, những đứa trẻ đó làm xao nhãng bản thân khỏi thôi thúc. Chúng chơi với đồ chơi trong phòng, tự hát cho mình nghe, và nhìn đi đâu đó ngoại trừ cái bánh. Tóm lại, chúng làm mọi thứ có thể để loại bỏ cái bánh ra khỏi tâm trí chúng.

      Trong một nghiên cứu thứ hai, Mischel đặt hai thanh kẹo dẻo trước một nhóm trẻ khác nhau , như trong nghiên cứu trước, ông giải thích là nếu ăn cái đầu tiên trước khi ông quay lại phòng thì chúng sẽ không được ăn cái thứ hai. Sau đó, ông hướng dẫn một nhóm tưởng tượng khi ông bước ra khỏi phòng, những thanh kẹo dẻo giống những đám mây nhiều như thế nào : tròn, trắng, phồng ra. Ngược lại, ông hướng dẫn một nhóm kiểm soát , tưởng tượng về sự ngọt ngào, phải nhai nhiều của thanh kẹo. Nhóm thứ ba, ông hướng dẫn tưởng tượng về những cái bánh quy cứng và mặn. 

      Ta không ngạc nhiên khi những trẻ tưởng tượng về đặc điểm của thanh kẹo giống như những đám mây thì đợi lâu hơn gấp 3 lần như trẻ được chỉ dẫn tưởng tượng về mùi vị thơm ngon của kẹo. Tuy nhiên, hấp dẫn nhất là việc hình dung về niềm vui của việc ăn những cái bánh quy tạo ra sự trì hoãn hài lòng lâu nhất trong tất cả. Rõ ràng, việc tưởng tượng về sự thỏa mãn khi theo đuổi một sự cám dỗ không có sẵn làm những đứa trẻ xao nhãng hơn về thanh kẹo dẻo hơn là việc tái cơ cấu nhận thức chúng nghĩ về thanh kẹo.

      Nói cách khác, một trong những cách hiệu quả nhất để làm xao nhãng bản thân khỏi một cám dỗ mà ta không muốn chiều theo , đó là tập trung vào một thú vui khác. Vì vậy, lần tới nếu bạn thấy mình phải đương đầu với một sự cám dỗ - dù đó là một miếng bánh, một ly rượu - đừng dùng đến sức mạnh ý chí để kháng cự lại nó. Hãy chuyển sự chú ý của bạn đến nơi nào đó bằng cách tưởng tượng về một thú vui khác không có sẵn ngay lập tức cho bạn. Nếu bạn có thể dịch chuyển thành công sự chú ý sang một nơi khác cho đến khi sự cám dỗ bị chuyển khỏi môi trường của bạn hoặc bạn chuyển bản thân ra khỏi môi trường của nó, bạn sẽ làm giảm sự bốc đồng của mình nhiều hơn so với hầu hết những cách thức can thiệp khác mà bạn có thể thử.

  23. Tham khảo : "The Art of Complimenting and Criticizing"
    Compliment—and Critique—Your Way to Better Relationships
    Published on July 11, 2012 by Raj Raghunathan, Ph.D. in Sapient Nature

    Các phát hiện cho thấy, những người biết cách khen người khác nhận được nhiều lợi ích. Rõ ràng nhất, khi bạn biết cách khen người khác, bạn sẽ có nhiều cơ hội nhận được sự yêu thích từ họ, và đó là phương tiện để có được những lợi thế từ sự được yêu thích. Ví dụ, nếu bạn được yêu thích, khi mắc sai lầm thì bạn sẽ được họ tha thứ dễ dàng và nhanh chóng hơn.

    Quan trọng hơn, khi trở nên giỏi giang trong việc khen ngợi người khác, bạn cũng làm tăng niềm hạnh phúc (wellbeing ) của bạn và người khác. Một số người trung thực phải thừa nhận rằng họ thích nhận được những lời khen nhiều hơn những lời phê bình . Điều này là do 2 nhu cầu quan trọng nhất của chúng ta - nhu cầu cảm thấy mình là quan trọng và nhu cầu cảm thấy được yêu thương ( the need to feel important and the need to feel loved ) được đáp ứng khi chúng ta nhận được những lời khen và thất vọng khi nhận được những lời phê bình.

     Điều được mọi người ít biết đến là những người khen người khác thì cũng làm tăng hạnh phúc của chính họ. Có nhiều nguyên nhân tại sao việc khen người khác làm tăng hạnh phúc của chính bạn. Có lẽ nguyên nhân quan trọng nhất là, khi bạn khen người khác thì bạn cũng xem mình như một người rộng lượng . Vì vậy, bạn nâng cao lòng tự trọng của mình vì bạn xem mình là một người rộng lượng. Ngược lại, khi bạn phê bình người khác, bạn nhìn nhận mình là một người ích kỷ và bất an, do đó hạ thấp lòng tự trọng của bạn.


    Mối quan hệ nhân quả giữa phê Bình người khác và Hạ thấp lòng tự trọng - có thể không rõ ràng. Điều này bởi vì, những phát hiện về so sánh đi xuống ( downward comparison ) cho thấy , việc phê bình người khác có thể tạm thời nâng cao lòng tự trọng của bạn và làm bạn cảm thấy tốt. Nhưng theo thời gian, nếu bạn bắt đầu phụ thuộc vào chiến lược này nhằm nâng cao lòng tự trọng của mình, nó sẽ phản tác dụng bởi 2 lý do. Thứ nhất, bạn quen chỉ trích người khác, bạn sẽ làm họ cảm thấy tồi tệ và sẽ làm họ muốn phê bình lại bạn. Tất nhiên bạn có thể tránh việc nhận lại sự phê bình tiêu cực bằng cách nói xấu/ phê bình sau lưng người khác. Khi bạn trở thành tuýp người quen phê bình người khác, bạn đã thu hút về mình những người giống bạn - phê bìnhvà không vị tha - và xua đuổi những người rộng lượng và tích cực.

    Tóm lại, bạn sẽ nhận được nhiều lợi ích và tránh được nhiều bất lợi bằng cách trở nên giỏi giang hơn trong nghệ thuật khen ngợi người khác. Tất nhiên, tất cả những lợi ích càng có khả năng tăng thêm nếu những lời khen của bạn là xác thực và không giả dối. Nhưng không chắc rằng bạn sẽ xem mình là người rộng lượng nếu bạn khen người khác chỉ vì muốn nhận được những lợi lạc từ họ; bạn thậm chí có thể xem mình là xấu xa hơn khi nhận ra ở mức độ nào đó những ý định của mình là không cao quý.

    2 câu hỏi quan trọng : 

    1) Làm thế nào người ta trở nên giỏi hơn trong nghệ thuật khen ? 

    2) Khi nào và như thế nào bạn đưa ra phản hồi tiêu cực hoặc lời phê bình cho người khác ?

    Trở nên giỏi hơn trong nghệ thuật khen phụ thuộc vào 2 yếu tố : động cơ muốn học hỏi kỹ năng này và khả năng tập trung vào người khác và những nhu cầu của họ hơn là vào bản thân mình. Khi bạn nhận ra được những lợi ích từ việc khen người khác, bạn sẽ có động cơ học hỏi nghệ thuật này. Còn việc nâng cao khả năng tập trung vào người khác thay vì bản thân đòi hỏi sự tập luyện. 

    Rất ít người có năng khiếu tập trung vào người khác; phần lớn chúng ta nhìn chung thích quan tâm đến bản thân. 
    Có lẽ cách tốt nhất để trở thành người biết quan tâm đến người khác đó là buộc bản thân mình có thói quen tìm thấy điều gì đó để khen ở bất kỳ ai xung quanh bạn. Ví dụ, dù bạn có thể không thích nội dung và phong cách của một người thuyết trình,bạn vẫn có thể phát hiện một vài điều ở người thuyết trình mà bạn thực sự thích. Có thể bạn thích cái cách người thuyết trình trả lời câu hỏi. Hoặc có lẽ người thuyết trình ăn mặc đẹp. Điều quan trọng không phải liệu những khía cạnh đó ở người thuyết trình là " quan trọng" hoặc " Trung tâm" của bài thuyết trình; điều quan trọng là bạn thành thực trong lời khen của bạn.

    Tạo thói quen tìm thấy một số điều đáng để khen ở người khác sẽ làm bạn giỏi hơn trong nghệ thuật khen. Ban đầu, bạn có thể không xác định được nhanh chóng một số điểm đáng khen ở người khác; quả thực nếu bạn đã quen với việc chỉ trích người khác thì điều đầu tiên xuất hiện trong đầu bạn về người khác có thể là những điểm tiêu cực.


    Có 2 chướng ngại vật quan trọng ngăn cản bạn tìm thấy điểm đáng khen ở người khác. Thứ nhất, con người có xu hướng mặc định rằng, nếu ai đó kích hoạt lên trong họ 1 cảm xúc tiêu cực - và phần lớn chúng ta quyết định thích hoặc ghét 1 người nào đó chỉ trong vài giây gặp họ - thì người này Không thể có những điểm tốt bù lại. Đây là hiệu ứng hào quang ( halo effect ) : Chúng ta có xu hướng lưu giữ những cách nhìn nhận đơn giản và nhất quán về người khác và điều này làm cho chúng ta không có sự khác nhau khi đánh giá về người khác. Sự thật thì tất cả chúng ta là 1 sự kết hợp của nhiều yếu tố tích cực và tiêu cực. Thứ hai, nhiều người có giả định sai lầm là chỉ có duy nhất một cách truyền đạt cho người khác thấy sự trung thực của chúng ta bằng cách phê bình thẳng thừng.

    Một mốc quan trọng để trở nên giỏi hơn trong việc khen ngợi không chỉ là nhận ra những chướng ngại vật mà còn là thôi thúc vượt qua chúng. Những người vượt qua được sẽ khám phá ra việc khen người khác trở nên tự nhiên và tự phát giống như việc phê Bình. Họ đi đến một giai đoạn khi mà sự khen ngợi người khác trở thành " vô điều kiện " - nghĩa là , bạn khen người khác không vì mong muốn nhận được lợi ích nào đó từ họ.

    Có 3 đặc điểm quan trọng ở người biết cách đưa ra phản hồi tiêu cực. Thứ nhất, họ không vị kỷ. Người nhận được phản hồi tiêu cực tin là lời phản hồi được đưa ra nhằm mục đích cải thiện cuộc sống của họ , không phải là sự trả thù. Người phản hồi không giận dữ hoặc lo sợ khi đưa ra phản hồi. Nếu bạn để ý thấy mình đang căng thẳng khi đưa ra phản hồi tiêu cực thì đó là 1 dấu hiệu cho thấy có thể bạn đang vị kỷ.

    Người biết cách đưa ra phản hồi tiêu cực thì họ cũng là người có lòng tự trọng cao. Điều này là quan trọng vì khi người nhận lời phê Bình có tính xây dựng có thể đả kích lại người phê bình và người đưa ra lời phê ình tiêu cực cần có sự mạnh mẽ về mặt tinh thần, cảm xúc để không trả đũa lại.

    Cuối cùng, người giỏi đưa ra lời phê bình tiêu cực là người thông minh về mặt xã hội ( socially intelligent ) . Họ chọn đúng thời điểm để đưa ra lời phê bình. Vì con người hiếm khi có tâm trạng phù hợp để tiếp thu lời phê bình tiêu cực mà không phòng vệ. Khuynh hướng tự nhiên của chúng ta là trở nên phòng vệ; nghĩa là tìm các lý lẽ giải thích vì sao lời phê bình không có giá trị.Người biết cách đưa ra phản hồi tiêu cực chỉ làm điều này khi họ biết người nhận đủ khả năng tinh thần để xử lý nó. Như một số nhát hiện của tôi ( tác ỉa ) cho thấy , con người tiếp thu phản hồi tiêu cực tốt hơn khi họ đang có tâm trạng tốt. Người giỏi về nghệ thuật phê bình hiểu điều này và đợi đến thời điểm người nhận có tâm trạng tốt trước khi đưa ra phê bình. 

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This is an example of a list.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

×
×
  • Create New...