Jump to content

Thợ Làm Vườn

Ban Quản Trị
  • Số bài viết

    1.365
  • Gia nhập

  • Đăng nhập

  • Nổi bật trong ngày

    10

Bài viết được đăng bởi Thợ Làm Vườn


  1. Nắng ấm sân trường

     

    Cây điệp già xòe rộng tán yêu thương

    Lá lấp lánh cười duyên cùng bóng nắng

    Giờ đang học, mảng sân vuông lặng vắng

    Chim chuyền cành buông tiếng lạnh bâng qươ

     

    Chúng em ngồi nghe thầy giảng bình thơ

    Nắng ghé theo chồm lên ngồi bệ cửa

    Và cả gió cũng biết mê thơ nữa

    Thổi thoảng vào mát ngọt giọng thầy ngâm.

     

    Cả lớp say theo từng nhịp bổng trầm

    Điệp từng bông vàng ngây rơi xoay tít

    Ngày vẫn xuân, chim từng đôi ríu rít

    Sà xuống sân tắm nắng ấm màu xanh

     

    Em ngồi yên uống suối mật trong lành

    Thời gian như dừng trôi không bước nữa

    Không gian cũng nằm yên không dám cựa

    Ngại ngoài kia nắng ấm sẽ thôi vàng

     

    Sân trường căng rộng ngực đến thênh thang

    Kiêu hãng khoe trên mình màu nắng ấm

    Lời thơ thầy vẫn nhịp nhàng sâu lắng

    Nắng ấm hơn nhờ giọng ấm của người...

     

    Nguyễn Liên Châu


  2. Nghe thầy đọc thơ

    Em nghe thầy đọc bao ngày

    Tiếng thơ đỏ nắng xanh cây quê nhà

    Mái chèo nghe vọng sông xa

    Êm êm như tiếng của bà năm xưa

    Nghe trăng thuở động tàu dừa

    Rào rào nghe chuyển cơn mưa giữa trời

    Thêm yêu tiếng hát mẹ cười

    Yêu thơ em thấy đất trời đẹp ra…

     

    Trần Đăng Khoa


  3. Hoa và ngày 20-11

    Nụ hoa hồng ngày xưa ấy

    Còn rung rinh sắc thắm tươi

    20-11 ngày năm ấy

    Thầy tôi tuổi vừa đôi mươi

     

    Cô tôi mặc áo dài trắng

    Tóc xanh cài một nụ hồng

    Ngỡ mùa xuân sang quá

    Học trò ngơ ngẩn chờ trông...

     

    Nụ hoa hồng ngày xưa ấy...

    Xuân sang, thầy đã bốn mươi

    Mái tóc chuyển màu bụi phấn

    Nhành hoa cô có còn cài?

     

    Nụ hoa hồng ngày xưa ấy...

    Tà áo dài trắng nơi nao,

    Thầy cô - những mùa quả ngọt

    Em bỗng thành hoa lúc nào.

     

    Phạm Thị Thanh Nhàn


  4. Nhớ cô giáo trường làng cũ

     

    Bao năm lên phố, xa làng

    Nhớ con bướm trắng hoa vàng lối quê

    Nhớ bài tập đọc a ê

    Thương cô giáo cũ mơ về tuổi thơ

     

    Xiêu nghiêng nét chữ dại khờ

    Tay cô cầm ấm đến giờ lòng em.

    Vở ngày thơ ấu lần xem

    Tình cô như mẹ biết đem sánh gì.

     

    Tờ i nguệch ngoạc bút chì

    Thấm màu mực đỏ điểm ghi bên lề

    Thương trường cũ, nhớ làng quê

    Mơ sao được một ngày về thăm Cô !

     

    Nguyễn Văn Thiên


  5. Bụi phấn xa rồi

     

    Ngẩn ngơ chiều khi nắng vàng phai

    Thương nhớ ngày xưa chất ngất hồn

    Một mình thơ thẩn đi tìm lại

    Một thoáng hương xưa dưới mái trường

     

    Cho dẫu xa rồi vẫn nhớ thương,

    Nầy bàn ghế cũ, nầy hàng me

    Bảng đen nằm nhớ người bạn trẻ

    Bụi phấn xa rồi... gửi chút hương!

     

    Bạn cũ bây giờ xa tôi lắm

    Mỗi đứa một nơi cách biệt rồi!

    Cuộc đời cũng tựa như trang sách

    Thư viện mênh mông, nhớ mặt trời!!!

     

    Nước mắt bây giờ để nhớ ai???

    Buồn cho năm tháng hững hờ xa

    Tìm đâu hình bóng còn vương lại?

    Tôi nhớ thầy tôi, nhớ... xót xa!

     

    Như còn đâu đây tiếng giảng bài

    Từng trang giáo án vẫn còn nguyên

    Cuộc đời cho dẫu về muôn nẻo

    Vẫn nhớ thầy ơi! Chẳng thể quên!!!

     

    Thái Mộng Trinh


  6. Xin lỗi các em

     

    Tôi đâu phải người làm nông

    Cày xong đánh giấc say nồng một hơi

    Chuông reo tan buổi dạy rồi

    Còn nghe ray rứt nỗi đời chưa yên.

     

    Trách mình đứng trước các em

    Dửng dưng cả tiếng hồn nhiên gọi: Thầy!

    Rụng dần theo bụi phấn bay

    Ước mơ một thuở căng đầy tuổi xanh

     

    Dẫu là lời giảng của mình

    Cơn ho chợt đến vô tình cắt ngang

    Dẫu là tiết học vừa tan

    Bước qua cửa lớp đôi lần hụt hơi!

     

    Hiểu dùm tôi các em ơi

    Giấu bao ám ảnh khôn nguôi từng giờ

    Cảnh đời chộn rộn bán mua

    Áo cơm nào dễ chi đùa với ai.

     

    Vờ quên cuộc sống bên ngoài

    Nhiều điều xa lạ nói hoài riết quen

    Dở hay, yêu ghét, trắng đen

    Còn bao sự thật đã nhìn thẳng đâu

     

    Ai còn dằn vặt đêm sâu

    Trong từng sợi tóc bạc màu truân chuyên

    Thật lòng tạ lỗi các em

    Hiểu ra khi đã lớn lên mai này!

     

    Trần Ngọc Hưởng


  7. Lời ru của thầy

     

    Mỗi nghề có một lời ru

    Dở hay thầy cũng chọn ru khúc này

    Lời ru của gió màu mây

    Con sông của mẹ đường cày của cha

     

    Bắt đầu cái tuổi lên ba

    Thầy ru điệp khúc quê nhà cho em

    Yêu rồi cũng nhớ yêu thêm

    Tình yêu chẳng có bậc thềm cuối đâu!

     

    Thầy không ru đủ nghìn câu

    Biết con chữ cũng đứng sau cuộc đời

    Tuổi thơ em có một thời

    Ước mơ thì rộng như trời, ngàn năm

     

    Như ru ánh lửa trong hồn

    Cái hoa trong lá, cái mầm trong cây

    Thầy ru hết cả mê say

    Mong cho trọn ước mơ đầy của em.

     

    Mẹ ru em ngủ tròn đêm

    Thầy ru khi mặt trời lên mỗi ngày

    Trong em hạt chữ xếp dày

    Đừng quên mẹ vẫn lo gầy hạt cơm

     

    Từ trong vòm mát ngôi trường

    Xin lời ru được dẫn đường em đi

    (Con đường thầy ngỡ đôi khi

    Tuổi thơ lăn một vòng bi tới rồi!)

     

    Hẳn là thầy cũng già thôi

    Hóa thân vào mỗi cuộc đời các em

    Thì dù phấn trắng bảng đen

    Hành trang ấy đủ thầy đem theo mình

     

    Đoàn Vị Thượng


  8. Con với thầy

    Con với thầy

    Người dưng nước lã

    Con với thầy

    Khác nhau thế hệ

     

    Đã nhiều lần tôi tự hỏi mình

    Mười mấy ngàn ngày không gặp lại

    Những thầy giáo dạy tôi ngày thơ dại

    Vẫn bên tôi dằng dặc hành trình

     

    Vẫn theo tôi những lời động viên

    Mỗi khi tôi lầm lỡ

    Vẫn theo tôi những lời nhắc nhở

    Mỗi khi tôi tìm được vinh quang...

     

    Qua buồn vui, qua những thăng trầm

    Câu trả lời sáng lên lấp lánh

    Với tôi thầy ký thác

    Thầy gửi tôi khát vọng người cha

     

    Đường vẫn dài và xa

    Thầy giáo cũ đón tôi từng bước!

    Từng bước một tôi bước

    Với kỷ niệm thầy tôi...

     

    Phạm Minh Dũng


  9. Thầy và chuyến đò xưa

     

    Lặng xuôi năm tháng êm trôi

    Con đò kể chuyện một thời rất xưa

    Rằng người chèo chống đón đưa

    Mặc cho bụi phấn giữa trưa rơi nhiều

     

    Bay lên tựa những cánh diều

    Khách ngày xưa đó ít nhiều lãng quên

    Rời xa bến nước quên tên

    Giờ sông vắng lặng buồn tênh tiếng cười

     

    Giọt sương rơi mặn bên đời

    Tóc thầy bạc trắng giữa trời chiều đông

    Mắt thầy mòn mỏi xa trông

    Cây bơ vơ đứng giữa dòng thời gian...

     

    Nguyễn Quốc Đạt


  10. Cách đây trên 1/3 thế kỷ, tháng 8/1957, Hội nghị quốc tế các nhà giáo họp họp tại Vácsava (Ba Lan) đã thông qua bản Hiến chương các nhà giáo và quyết định lấy ngày 20/11 hàng năm là Ngày quốc tế Hiến chương các nhà giáo.

     

    Nghị quyết của hội nghị đã được nhanh chóng phổ biến đến tất cả các trường học, các cơ quan quản lý giáo dục miền Bắc và đồng bào, giáo giới, học sinh miền Nam. Ngày 20/11/1958, Ngày quốc tế Hiến chương các nhà giáo được tổ chức lần đầu tiên trên miền Bắc nước ta.

     

    Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng và chính quyền, được sự cổ vũ của các tầng lớp nhân dân, các bậc cha mẹ học sinh, ngày 20/11 hàng năm đã được tiến hành trong cả nước. Ngày 20/11 dần dần khắc sâu vào trí nhớ, tình cảm của mọi người, trở thành hành động tự giác của mọi tầng lớp nhân dân, được tổ chức đều đặn hàng năm, mặc dù từ lâu trên thế giới không tổ chức Ngày quốc tế Hiến chương các nhà giáo nữa.

     

    Ngày 20/11 ở nước ta trước tiên là ngày giáo viên, cán bộ ngành giáo dục biểu thị sự nhất trí hoàn toàn với đường lối cách mạng của Đảng, với các chủ trương lớn của Nhà nước. Đó cũng là ngày động viên cổ vũ các thầy cô giáo thực hiện tốt đường lối và chủ trương giáo dục của Đảng và Nhà nước, là ngày biểu dương khen thưởng thành tích của các thầy giáo, cô giáo. Các em học sinh đã hưởng ứng ngày 20/11 hàng năm bằng những hoạt động tỏ lòng quý mến, biết ơn thầy giáo, cô giáo, cố gắng học tập, rèn luyện đạo đức. Các bậc cha mẹ học sinh, các cấp chính quyền đoàn thể ở địa phương cũng nhân ngày này tổ chức thăm hỏi các giáo viên hoặc tổ chức trao đổi với các giáo viên về sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ.

     

    Ngày 20/11 xuất phát từ một nhiệm vụ quốc tế đã dần dần chuyển thành ngày hội truyền thống Nhà giáo Việt Nam.

     

    Quyết định số 167-HĐBT ngày 28/9/1982 của Hội đồng Bộ trưởng lấy ngày 20/11 từ nay làm Ngày Nhà giáo Việt Nam dựa trên cơ sở thực tế của những ngày 20/11 đã qua, hoàn toàn phù hợp với nguyện vọng của các nhà giáo. Quyết định đó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện quan điểm của Đảng, của Nhà nước về vị trí, vai trò của nhà giáo trong sự nghiệp đào tạo lớp người mới xây dựng chủ nghĩa xã hội bảo vệ Tổ quốc. Để ghi nhận công lao, đề cao vị trí xã hội và động viên khuyến khích các nhà giáo, ngày 30/5/1985 Chủ tịch Hội đồng Nhà nước đã ký lệnh công bố pháp lệnh quy định giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước cho các công trình thuộc lĩnh vực khoa học kỹ thuật, văn hóa nghệ thuật… (trong đó có các sách giáo khoa cho các trường học) và Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước "Nhà giáo nhân dân", "Nhà giáo ưu tú" để tặng các cô nuôi dạy trẻ, giáo viên mẫu giáo, giáo viên phổ thông, giáo viên bổ túc văn hóa, giáo viên dạy nghề, cán bộ giảng dạy đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp… có thành tích xuất sắc.


  11. LỜI CỦA THẦY

     

    Rồi các em một ngày sẽ lớn

    Sẽ bay xa đến tận cùng trời

    Có bao giờ nhớ lại các em ơi

    Mái trường xưa một thời em đã sống

    Nơi đã đưa em lên tầm cao ước vọng

    Vị ngọt đầu đời bóng mát ca dao

    Thủa học về cái nắng xôn xao

    Lòng thơm nguyên như mùi mực mới

     

    Dẫu biết rằng những tháng ngày sắp tới

    Thầy trò mình cũng có lúc chia xa

    Sao lòng thầy canh cánh nỗi thiết tha

    Muốn gởi các em thêm đôi điều nhắn nhủ

     

    Một lời khuyên biết thế nào cho đủ

    Các em mang theo mỗi bước hành trình

    Các em lúc nào cũng nhớ đừng quên:

    Sống cho xứng với lương tâm phẩm giá...

     

    Rồi các em mỗi người đi mỗi ngã

    Chim tung trời bay bỗng cánh thanh niên

    Ở nơi đâu: rừng sâu, biên giới khắp ba miền

    Ở nơi đâu có thầy luôn thương nhớ

     

    Tạ Nghi Lễ


  12. THẦY

     

    Cơn gió vô tình thổi mạnh sáng nay

    Con bỗng thấy tóc thầy bạc trắng

    Cứ tự nhủ rằng đó là bụi phấn

    Mà sao lòng xao xuyến mãi không nguôi

    Bao năm rồi ? Đã bao năm rồi hở ? Thầy ơi ...

    Lớp học trò ra đi, còn thầy ở lại

    Mái chèo đó là những viên phấn trắng

    Và thầy là người đưa đò cần mẫn

    Cho chúng con định hướng tương lai

     

    Thời gian ơi xin dừng lại đừng trôi

    Cho chúng con khoanh tay cúi đầu lần nữa

    Gọi tiếng thầy với tất cả tin yêu ...

     

    Ngân Hoàng


  13. GỬI VỀ CÔ GIÁO DẠY VĂN

     

    Có thể bây giờ cô đã quên em

    Học trò quá nhiều, làm sao cô nhớ hết

    Xa trường rồi, em cũng đi biền biệt

    Vẫn nhớ lời tự nhủ: sẽ về thăm.

     

    Có thể bây giờ chiếc lá bàng non

    Của ngày em đi đã úa màu nâu thẫm

    Ai sẽ nhặt dùm em xác lá

    Như em thuở nào ép lá giữa trang thơ ?

     

    Ước gì... Hiện tại chỉ là mơ

    Cho em được trở về chốn ấy

    Giữa bạn bè nối vòng tay thân ái

    Được vui-buồn-cười-khóc hồn nhiên

     

    Em nhớ hoài tiết học đầu tiên

    Lời cô dạy: "Văn học là nhân học"

    Và chẳng ai học xong bài học làm người!

    Chúng em nhìn nhau khúc khích tiếng cười

    Len lén chuyền tay gói me dầm cuối lớp

     

    Rồi giờ đây theo dòng đời xuôi ngược

    Vị chua cay thuở nào cứ thấm đẫm bờ môi

    Những lúc buồn em nhớ quá - Cô ơi!

    Bài học cũ chẳng bao giờ xưa cũ...

     

    Nguyễn Thụy Diễm Chi


  14. KHÔNG ĐỀ

     

    Cầm bút lên định viết một bài thơ

    Chợt nhớ ra nay là ngày nhà giáo

    Chợt xấu hổ cho những lần cao ngạo

    Thì ra con cũng giống bấy nhiêu người.

     

    Cầm bút lên điều đầu tiên con nghĩ

    Đâu là cha, là mẹ, là thầy…

    Chỉ là những cảm xúc vu vơ, tầm thường, nhỏ nhặt…

    Biết bao giờ con lớn được,

    Thầy ơi !

     

    Con viết về thầy, lại “phấn trắng”,”bảng đen”

    Lại “kính mến”, lại “hy sinh thầm lặng”…

    Những con chữ đều đều xếp thẳng

    Sao lại quặn lên những giả dối đến gai người .

     

    Đã rất chiều bến xe vắng quạnh hiu

    Chuyến xe cuối cùng bắt đầu lăn bánh

    Cửa sổ xe ù ù gió mạnh

    Con đường trôi về phía chẳng là nhà…

     

    Mơ màng nghe tiếng cũ ê a

    Thầy gần lại thành bóng hình rất thực

    Có những điều vô cùng giản dị

    Sao mãi giờ con mới nhận ra.

     

    Nguyễn Thị Chí Mỹ


  15. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Thợ Làm Vườn sưu tầm một số bài thơ hay viết về thầy cô như là một cách tri ơn gửi đến những người đưa đò thầm lặng. Các bạn góp thêm nhé!

     

    20-11-full.jpg

     

    KHI THẦY VỀ NGHỈ HƯU

     

    Cây phượng già treo mùa hạ trên cao

    Nơi bục giảng giọng thầy sao chợt thấp:

    "Các con ráng… năm nay hè cuối cấp…"

    Chút nghẹn ngào… bụi phấn vỡ lao xao.

     

    Ngày hôm qua hay tự tháng năm nào

    Con nao nức bước vào trường trung học

    Thương cây lúa hóa thân từ hạt thóc

    Thầy ươm mùa vàng, đất vọng đồng dao.

     

    Mai thầy về, sân trường cũ nằm đau?

    Hay nỗi nhớ lấp vùi theo cát bụi?

    Dẫu cay đắng, dẫu trăm nghìn đau tủi

    Nhọc nhằn nào thầy gửi lại ngày sau?

     

    Mai thầy về, mùa gọi nắng lên cao

    Vai áo bạc như màu trang vở cũ

    Con muốn gọi sao lòng đau nghẹn ứ

    Đã bao lần con ngỗ nghịch thầy ơi!

     

    Lá Me


  16. I. MỤC ĐÍCH

    Cuộc thi VĂN – THƠ “Nối Kết Những Vòng Tay” trên site Link Blog của Nối Kết nhằm tạo nên một sân chơi lành mạnh cho tất cả thành viên của website Nối Kết cũng như người truy cập vào hệ thống website của www.noiket.com.vn. Qua cuộc thi này, Ban tổ chức hy vọng sẽ nhận được nhiều tác phẩm hay, có giá trị và là cầu nối để những người yêu thích văn học – người sáng tác được dịp gặp nhau.

     

    Các tác phẩm xuất sắc (trong đó có những tác phẩm đoạt giải) sẽ được in trong Tuyển tập Văn – Thơ “Nối Kết Những Vòng Tay” (dự kiến sẽ liên kết xuất bản và phát hành trên toàn quốc vào tháng 1.2009).

     

    II. THỂ LOẠI - CHỦ ĐỀ - ĐỐI TƯỢNG THAM GIA

    VĂN: Gồm các thể loại: truyện ngắn, ký, tạp bút.

    THƠ: Bao gồm mọi thể thơ (trừ trường ca).

    Chủ đề: tự do (tình yêu quê hương, đất nước, con người – tình yêu đôi lứa…).

    Tất cả thành viên của Link Blog, của hệ thống website www.noiket.com.vn cũng như khách truy cập đều có thể tham gia vào cuộc thi này.

    Tác phẩm dự thi gửi theo hệ thống quy định của Link Blog (tại trang này)

     

    V. THỜI GIAN – GIẢI THƯỞNG

    - Hạn cuối gửi bài: đến hết ngày 31.10.2008.

    - Tổng kết trao giải và ra mắt tuyển tập “Nối Kết Những Vòng Tay”: 01.01.2009 (dự kiến)

    - Cơ cấu giải thưởng:

     

    - VĂN: 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 2 giải 3 và 5 giải Khuyến khích (chung cho các thể loại).

    - THƠ: 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 2 giải 3 và 5 giải Khuyến khích.

    (Giá trị giải thưởng sẽ công bố sau)

     

    VI. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

    Tất cả tác phẩm dự thi đều phải do chính tác giả sáng tác. Tác phẩm chưa từng đăng tải trên bất cứ một phương tiện truyền thông nào trước đây.

    Mỗi tác giả được quyền dự thi tối đa:

     

    - Truyện ngắn: 2 tác phẩm.

    - Ký: 2 tác phẩm.

    - Tạp bút: 2 tác phẩm.

    - Thơ: 5 tác phẩm.

     

    Để Ban tổ chức tiện liên lạc khi cần thiết, dưới mỗi tác phẩm, ngoài bút danh (nếu có) cần ghi rõ:

    - Họ tên thật.

    - Địa chỉ nơi cư trú.

    - Địa chỉ email

    - Số điện thoại…

     

     

    Các tác phẩm được chọn đăng trên Link Blog đều được thành viên của hệ thống www.noiket.com.vn chấm điểm bình chọn - giúp cho Ban giám khảo và Ban Tổ chức trong việc chọn ra những tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải. Mọi thành viên đều được tham gia vào việc bình chọn tác phẩm hay. Khách viếng có quyền tham gia cuộc thi, nhưng không có quyền bình chọn tác phẩm hay.


  17. Chậc, con số gần 1000 bài thơ của bạn thật ấn tượng đấy!

    Hiện nay hầu hết các NXB chỉ in thơ theo kế hoạch B, có nghĩa là họ cấp phép, thu quản lý phí, tác giả tự bỏ tiền in và phát hành. Gần đây có một số công ty truyền thông in thơ để phát hành nhưng để lọt vào "mắt xanh" của họ coi bộ cũng phải trầy vi tróc vảy.

     

    Cách in thơ phổ biến hiện nay là:

    - Đem bản thảo tới NXB xin giấy phép

    - Thiết kế, dàn trang, in nhủ.

    - Mang in ấn tại nhà in

    - Nộp lưu chiểu cho NXB và phát hành.

     

    Các khâu này tác giả có thể tự làm hoặc nhờ ai đó thực hiện giúp. Một số NXB có dịch vụ in ấn trọn gói cho tác giả luôn.

     

    1) Đăng ký bản quyền: Mình không rõ lắm! Có lẽ bạn phải liên hệ với Cục tác quyền

     

    2) Thủ tục xuất bản: Mang bản thảo đến NXB. Nếu bản thảo của bạn phù hợp họ sẽ cấp phép xuất bản. Bạn phải đóng một mức phí quản lý nhất định.

     

    3) Giá còn tùy vào loại giấy mà bạn dùng để in bìa và ruột. Nếu in với giấy loại thông thường ở Tiền Giang hiện nay khoảng 6-7 triệu đồng.

     

    4) Thường giá rẻ thì không đi đôi với chất lượng in ấn. Mình không rõ giá cả in ấn ngoài Hà Nội lắm. Bạn thử hỏi thăm những người hoạt động trong ngành xuất bản hoặc từng in ấn xem sao.

     

    5) Nói chung việc in ấn cũng có nhiều cách, nhiều đường: tự thân vận động, nhờ dịch vụ, được hỗ trợ in ấn từ các tổ chức hoặc công ty truyền thông nào đó, NXB in theo kế hoạch A, v.v... Tùy tình hình mà "liệu cơm gắp mắm" vậy!

     

    Cách xuất bản rẻ nhất và có sức lan tỏa rộng hiện nay có lẽ là xuất bản trên web: post lên các diễn đàn, blog hoặc lập website cá nhân.


  18. Bài thơ tưởng nhớ Nguyệt Thảo tôi dự định sẽ in trong tập thơ Giọt Lệ Trăng.

    Nhưng do thấy thời gian chuẩn bị in tập thơ này còn khá lâu nên tôi đã gởi in báo.

    Nay bài thơ đã được in trên báo Văn Nghệ Trẻ, tôi xin được post lại bài thơ này ở đây cũng là một nén nhang thắp để tưởng niệm một người bạn thơ tài hoa nhưng mệnh bạc ...

     

    07.jpg

     

    Biệt khúc

    khóc bạn thơ Nguyệt Thảo

    Tạm biệt nhé

    Vành trăng ngoan của cỏ

    Áo mỏng em bay tha thướt về trời

    Ta ở lại với nỗi buồn của gió

    Mãi lang thang tìm từng mảnh sao rơi .

     

    Mong manh thế ?

    Những vần thơ nạm ngọc

    Bỗng vỡ tan trong bão táp vô thường

    Thiên thần hát

    Hay thiên thần bật khóc ?

    Cung đàn trầm lấp lánh những hạt sương .

     

    Em đi mãi

    Với nụ cười trong mắt

    Dẫu nhánh cỏ thơm sớm gãy vụn xa lìa

    Bóng nguyệt ấy sáng nay vừa lặn tắt

    Sẽ lại sáng bừng

    Nửa quả đất

    Phía bên kia …

     

    (Báo Văn Nghệ Trẻ ngày 3-8-2008)

     

    Thanh Trắc Nguyễn Văn

     

    (Báo Văn Nghệ Trẻ có biên tập sửa chữ "khóc Nguyệt Thảo" thành chữ "Nhớ Nguyệt Thảo" khi đăng bài thơ này)

     

    Hôm bữa Thợ có đọc bài này trên VNT.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This is an example of a list.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

×
×
  • Create New...