Jump to content

Thợ Làm Vườn

Ban Quản Trị
  • Số bài viết

    1.365
  • Gia nhập

  • Đăng nhập

  • Nổi bật trong ngày

    10

Bài viết được đăng bởi Thợ Làm Vườn


  1. Bạn có biết rằng, sau những dòng tin nhắn vừa qua tôi đã quyết định sẽ xóa đi tất cả những kỷ niệm cũ, xóa đi những gì thuộc về bạn và để tên bạn sẽ không bao giờ còn xuất hiện trong cuộc sống "ảo" này nữa...

     

    Đau lắm, buồn lắm và có nhiều điều day dứt trong tôi mà bạn sẽ không bao giờ hiểu được về những thứ được gọi là "tình cảm" mà bấy lâu nay tôi đã dành cho bạn... Chỉ tiếc rằng, giờ đây tất cả đã dường như thành hư không.

     

    "Bạn" , tuy nó chỉ có một từ thôi nhưng tôi luôn quý trọng ý nghĩa từ đó. Có lẽ, bởi tôi là một người khá đặc biệt khi coi tình bạn trên mạng ảo này giống như tình bạn bình thường mà tôi hay tiếp xúc ngoài cuộc sống đời thường.

     

    Tôi không giống như những người luôn quá tự tin khi nói rằng "Tôi hiểu hết về bạn" hay đại loại " Tôi biết tình bạn là cái gì "... Thật ra đối với tôi thì tình bạn đó là một cái gì đó thật là khó nói... Dường như tình bạn phải là một cái gì đó thật là thiêng liêng, cao cả nhưng không quá xa rời với cuộc sống của mỗi chúng ta.

     

    Tôi biết, bạn không phải là một người quá sôi động, quá mạnh bạo như tôi. Nên mỗi khi tôi thấy bạn bối rối, e dè hoặc quá nhút nhát ở những nơi đông người hay trong khi tiếp cận những vấn đề mới mẻ thì tôi phải luôn là người chủ động, người phải "tự nổ phát súng đầu tiên" để xóa tan bầu không khi ảm đạm đó. Và tôi cũng sẽ là người dẫn dắt câu chuyện, gợi mở những điều thuộc sở trường của bạn để nhằm lôi kéo, mở đường cho bạn có thể có một "chỗ đứng", một "sân chơi" trước mặt mọi người.

     

    Lúc đó, bạn đâu có biết rằng tôi đã dần tự rút lui một cách êm đẹp để bạn được thể hiện “cái tôi" trước mắt bao nhiêu người xung quanh... Cũng ngay tại thời điểm đó, bạn có rằng tôi đã vui biết dường nào khi thấy "bạn là chính bạn" – một người đã tự lột bỏ cái xác ve không hồn như mọi hôm để trở thành một người "nhạc trưởng".

     

    Nhưng hôm nay thì khác – tôi đã mất bạn thật sự rồi. Tôi biết rằng, bạn không cố tình quên đi tất cả nhưng chính sự vô tình của bạn đã khiến tôi phải suy nghĩ thật nhiều... Hình như bạn đã dần "cứng cáp" hơn trên đôi chân của chính mình rồi nên đã không cần có tôi ở đứng ở bên cạnh bạn? Phải chăng bạn đã không cần đến sự có mặt của tôi nữa? Và phải chăng tôi đang làm vật cản để làm chậm đi bước tiến của bạn?

     

    Có lẽ tôi sẽ quay về với cuộc sống thường nhật để thử tiếp tục hóa thân mình vào vai trò của một người viết kịch, một người đạo diễn, một người làm công tác đề dẫn để lần lượt xây dựng cho mình những nhân vật mới, những con người có tính cách mới, những vai diễn mang phong cách mới để cho những người bạn khác có "đất" để thể hiện "cái tôi" của chính mình. Tôi chỉ hy vọng họ sẽ có cái gì đó khác bạn...

     

    Bạn ơi, thôi nhé. Bạn hãy cứ vui, cứ thỏa sức tung tăng bay nhảy như mọi khi và ở nơi nào bạn thích. Bạn và tôi hãy tự bảo trọng cho chính mình trên mỗi bước đường đầy chông gai ở phía trước…Và chúng ta hãy xem như chưa bao giờ gặp nhau trong dòng người tấp nập, chưa từng nói những gì với nhau giữa chốn đông người để trong lòng mình không còn nặng trĩu mà càng thêm thanh thản.

     

    Đừng buồn bạn nhé! Hãy xem như ... Ta chưa hề quen nhau!

     

    Nguồn: Blog Quang Vũ


  2. cvn-tiengiang-vinhtrang.jpg

     

    Chùa tọa ở xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Chùa do ông bà Bùi Công Đạt xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XIX. Đến năm 1849, Hòa thượng Huệ Đăng ở chùa Giác Lâm (Gia Định) về trụ trì đã tổ chức xây dựng thành ngôi đại tự và đặt tên là chùa Vĩnh Tràng. Đến năm 1907, Hòa thượng Chánh Hậu đã cho trùng kiến ngôi chùa, pha hòa cả nét kiến trúc Aá-Âu. Chánh điện được bài trí trang nghiêm, chùa còn bảõo tồn nhiều tượng cổ, bao lam chạm trổ công phu. Bộ Thập bát La hán thượng kỳ thú là những tác phẩm tượng tròn độc đáo được các nghệ nhân Nam Bộ tạc vào những năm đầu thế kỷ XX. Chùa hiện đặt văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Tiền Giang. Vĩnh Tràng là ngôi chùa danh tiếng bậc nhất ở miền Nam. Chùa đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử - văn hoá quốc gia.

     

    Sau năm 1849 Hòa thượng Huệ Đăng, người trụ trì ngôi chùa đầu tiên đã đặt hiệu chùa là Vĩnh Trường, với ngụ ý ước cho chùa được "Vĩnh cửu đối sơn hà, trường tồn tề thiên địa". Người dân vùng lân cận đến nay vẫn quen gọi là chùa Vĩnh Tràng.

    Chùa Vĩnh Trường nằm về hướng đông bắc thành phố Mỹ Tho, ven tỉnh lộ 22, tọa lạc trên địa phận ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong - một xã ven thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

     

    Chùa được xây cất do công trình kiến trúc của nhiều người, trong nhiều năm, là một chùa lớn, được kiến trúc khá tinh vi, đa dạng theo lối kiến trúc tổng hợp Á - Âu (Pháp, La Mã, Thái, Miên, Chàm). Tuy nhiên, chùa vẫn mang đậm nét lối kiến trúc điêu khắc dân tộc.

     

    Chùa Vĩnh Trường được xây cất năm 1849, trước đó, chùa mới chỉ là một cái am nhỏ, mái lá vách đất, quang cảnh hoang vu, do ông Bùi Công Đạt kiến tạo. Năm 1849, hòa thượng Huệ Đăng khởi tạo xây chùa, ngoài việc lo kinh kệ, Huệ Đăng còn gánh đất đắp nền cùng với nhiều đạo hữu đến giúp. Năm 1864 Huệ Đăng mất trong lúc công việc chưa hoàn tất, ông Huệ Đăng không có đệ tử kế truyền nên bổn đạo thỉnh ông Minh Đề làm trụ trì. Năm 1878,

     

    hòa thượng Minh Đề tịch hòa thượng Quản Ân thay thế được một thời gian rồi đi du học ở Thái Lan. Bổn đạo thỉnh sư Minh Truyện về chủ trì được một thời gian rồi cũng chuyển đi nơi khác.

     

    Vì chùa không có người chủ trì nên phật tử trong bổn đạo họp nhau lại bàn bạc và nhất trí đến hội ý hòa thượng Tổ Từ Trung, hoà thượng Trung (chùa Bửu Lâm, Mỹ Tho) đến thỉnh hòa thượng Trà Chánh Hậu (hiệu là Quảng Ân) về trụ trì, tiếp tục công việc của hòa thượng Huệ Đăng.

     

    Năm 1907, hòa thượng Trà Chánh Hậu bắt đầu trùng tu lại ngôi chùa, tầng 1 của gian chánh điện được xây cất. Hòa thượng Lê Ngọc Xuyên, pháp danh Tục Thông, tự Tâm Liễu, pháp hiệu An Lạc là đệ tử kế thế của hòa thượng Quảng Ân lên thay. Đến năm 1930, ông lo chỉnh trang nóc chùa và mặt dựng bốn phía chùa. Cuối 1930, chùa được hoàn tất thêm 3 gian và tầng 2 của gian chánh điện. Năm 1933, ông cho xây 2 cổng Tam quan và xây rào xung quanh.

     

    Ngày 22-6-1939 hòa thượng qua đời, thọ 67 tuổi.

     

    Thượng tọa Thích Trí Long là đệ tử được hòa thượng Lê Ngọc Xuyên di chúc làm Trụ trì nhưng vì Thích Trí Long mới 19 tuổi nên thầy yết ma Tục Chơn tự Tâm Giác, là anh ruột của hòa thượng Tục Thông thay quyền trụ trì và làm vị sư bảo hộ. Ngày 25-3-1954 thầy Yết ma Tục Chơn mất (thọ 94 tuổi), thượng tọa Thích Trí Long chính thức trụ trì cho đến ngày nay.

     

    Chùa Vĩnh Trường được kiến trúc theo dạng chữ Quốc, gồm 4 gian nối tiếp nhau (tiền đường, chánh điện, nhà tổ và nhà hậu) rộng 14.000 m2, dài 70m, rộng 20m, xây bằng xi măng và gỗ quý, nền đúc cao 1m, xung quanh xây tường vững chắc.

     

    Phía trong gian chánh điện và nhà tổ làm theo kiểu Trung Quốc nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc Việt Nam, nối hai gian này là một khoảng nhỏ có hòn non bộ ở giữa, hòn non bộ này phác họa lại cảnh thiên nhiên sinh động mang bản sắc Việt Nam, điều đó chứng tỏ rằng tổ tiên ta nhễ muốn đưa thiên nhiên vào tận nhà. Đúng trên hòn non bộ nhìn về mặt sau gian chánh điện, hai bên nhà cầu, mặt trước nhà tổ, ta sẽ thấy lối kiến trúc Rôma với những hàng đá hoa màu sắc sặc sỡ của Pháp được trang trí trên thành nóc, trên những cột xây bằng xi măng kiểu cách.

     

    Đi vào từng gian ta sẽ thấy một màu vàng óng ánh được thếp rên các hình chạm, trên các tượng phật. Đáng chú ý hơn cả là những đôi long trụ trong gian chánh điện, đó là những cây cột tròn to, bằng gỗ quý kiến trúc theo kiểu "thượng thu hạ cách".

     

    Trước chùa có 2 cổng Tam quan kiểu võ rất tinh xảo, xây theo kiểu cổ lầu để hình hòa thượng Lê Ngọc Xuyên đúng trên bậc đúc bằng xi măng, cửa ngõ này cẩn toàn bằng đồ sứ có giá trị (sứ Trung Hoa, Việt Nam) in hình long, lân, quy, phượng. Canh, mục, ngư tiều, mấy câu đối cũng cẩn bằng miếng chai nổi mầu sắc óng ánh trông rất đẹp.

     

    Tóm lại, bằng những vất liệu gỗ, những nhà kiến trúc, nhà điêu khắc cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã chạm khắc những hình tượng mang mầu sắc tôn giáo huyền ảo, thoáng đượm vẻ vương quyền, qua đó ta thấy được những công trình điêu khắc của người xưa - qua những hình tượng sống động ấy ta thấy rõ cuộc sống vui tươi và ý chí vươn lên của dân tộc Việt Nam - một dân tộc tự nhận mình là dòng dõi con rồng cháu tiên thể hiện qua chạm khắc hình tượng tứ linh.

     

    Chùa Vĩnh Trường được trang bị trên 60 tượng phật đúc bằng gỗ, đồng, đất nung, xi măng, đa số tượng bằng gỗ, tất cả được thếp vàng óng ánh và được tạo vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Riêng 3 tượng đồng (Di đà, cao 98 cm, Quan Âm và Thế Chí cao 93 cm) được tạo tác giữa thế kỷ XIX.

     

    Bên cạnh những pho tượng, hiện vật còn lại trong chùa này phải kể dến là Đại Hồng Chung mang tên Pháp Bảo Chuông cao 12 cm, nặng khoảng 150 kg được đúc giữa tháng 5 năm 1854 trên đó khắc chữ "Vĩnh Trường Tự". Hiện nay Pháp Bảo Chuông không sử dụng được, bị hỏng do nằm lâu dưới nước sau thời gian thất lạc.

     

    Ngoài ra trong chùa hiện nay còn hơn 20 bức tranh sơn thủy rất giá trị. Tuy ảnh hưởng tranh vẽ Trung Quốc nhưng những bức vẽ này mang đậm nét dân gian Việt Nam, in hình "Mai, lan, cúc, trúc" in hình phong cảnh Việt Nam rất nên thơ. Đó là công trình của Long Giang cư sĩ phác họa năm 1904.

     

    Điều đáng chú ý là những bức hoành, câu đối trong chùa được điêu khắc chữ nổi thếp vàng như những chữ "Hoàng kim bửu điện" được khắc từ 1851 đến nay vẫn còn khá đẹp...

     

    Từ trước tới nay, ngôi chùa vẫn được bảo quản tốt, bổn đạo khắp nơi vẫn thường đến viếng, góp tiền của cho việc tu sửa chùa, các tu sĩ trong chùa vẫn chú trọng công tác bảo vệ chùa.

     

    Nguồn: Thư viện Hoa Sen


  3. Xin thông báo đến các bạn thành viên một số thay đổi trên diễn đàn trên diễn đàn như sau:

     

    1. Đổi tên diễn đàn:

    Diễn đàn của chúng ta sẽ có tên gọi mới “Diễn đàn Thơ Trẻ 365” thay vì “Diễn đàn Văn học trẻ” như trước đây. Việc thay đổi này nhằm mở rộng quy mô của diễn đàn trong thời gian sắp tới. Theo đó, một số box mới về nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội mà các bạn quan tâm cũng sẽ được mở trên diễn đàn. Con số 365 được lấy làm tên diễn đàn với mong muốn nơi đây sẽ là nơi giao lưu, gặp gỡ cho tất cả thành viên với 365 ngày trong năm.

     

    2. Mở lại các mục: Quick comment và Nhật ký cá nhân (Blog)

    - Quick comment: Dành cho thành viên đã đăng ký. Bạn phải đăng nhập mới có thể sử dụng.

    - Nhật ký cá nhân: Nâng cấp nhiều tính năng mới, sửa lỗi giao diện. Tuy nhiên một số thành viên sử dụng URL tắt (dạng …/blog/tên bạn chọn) có thể gặp trục trặc với URL tắt. Xin vui lòng truy cập bằng URL mặc định của diễn đàn trogn khi chờ đợi chúng tôi sửa lỗi.

     

    3. Quy hoạch lại một số box:

    Từ góp ý của các bạn thành viên chúng tôi đã quy hoạch lại một số box cho hợp lý hơn. Một số box bị đã xóa (do hoạt động không hiệu quả hoặc bao gồm trong các box khác) tuy nhiên tất cả bài viết của các bạn được giữ lại và chuyển đến các box thích hợp trong diễn đàn. Bạn có thể sử dụng chức năng tìm kiếm bài viết để tìm lại một cách nhanh chóng.

     

    Hy vọng các bạn tiếp tục ủng hộ diễn đàn và góp ý cho chúng tôi để diễn đàn “Thơ Trẻ 365” ngày càng đông vui và bổ ích hơn.


  4. Gửi quê

     

    Phố mấy hôm rồi mưa mãi không thôi

    Chiều nay trên đài báo tin quê mình có lũ

    Lại những đêm cả nhà mình không ngủ

    Bơi xuồng gặt lúa chạy lũ ngoài đồng

     

    Con không về nước lại lên nhanh

    Ba có kịp kê đồ đạc trong nhà lên gác?

    Mưa suốt đêm càng lúc càng nặng hạt

    Se thắt lòng con…

     

    Quê mình nghèo gặp năm lũ khổ hơn

    Những giấc mơ đã chìm vào trong nước

    Lặng lẽ trôi giữa dòng đời xuôi ngược

    Dáng mẹ gầy gò lam lũ về đâu?

     

    Thương cây lúa quê mình lận đận, lao đao

    Như những mảnh đời lênh đênh giữa dòng nước lũ

    Trắng đêm...

    Những ngọn đèn cao áp trên cao không ngủ

    Thao thức cùng nỗi nhớ quê.

    • Like 2

  5. Làng

     

    Tôi đi tìm những khúc đồng dao

    “Rồng rắn lên mây …”

    Cái thời “năm… mười… mười lăm…” xa lắc

    Cánh diều vô tư thả nỗi nhớ lên trời…

     

    Bên cánh võng ngày xưa tiếng mẹ ru hời

    Tuổi thơ tôi gửi hồn làng giữ hộ

    Vòng quay cuộc đời nghiệt ngã

    Cuốn những mảnh đời lam lũ xa quê

     

    Đàn cò về trong tiếng mẹ à ơi

    Cổ tích của bà, ca dao của chị

    Những mùa trăng dịu dàng xa lắm

    Trong lời ru sau lũy tre làng…

     

    Con trở về tay chạm mảnh hồn làng

    Đau đáu giấc mơ trong nỗi nhớ

    Đêm nghe tiếng thằn lằn tắc lưỡi

    Nuối tiếc cho một thời ấu thơ…

    • Like 2

  6. Thơ viết cho chị

     

    Anh mất rồi chị tần tảo nuôi con

    Đứa con trai với chị là tất cả

    Trong nỗi đau tận cùng đời chị

    Giờ còn nó là niềm vui

     

    Rồi một ngày trời đất khiến xui

    Người năm ấy bỗng trở về tìm chị

    Quá khứ - mối tình đầu thời con gái

    Giày vò tim chị từng đêm…

     

    Mười sáu năm lòng người ấy vẫn vẹn nguyên

    Nỗi nhớ vẫn trọn dành cho chị

    Đứa con vô tình là bức tường ngăn cách

    Chị đâu còn gì mà mơ ước riêng tư

    Sợ bão giông con thuyền nhỏ lắc lư

    Sóng gió thét gào đời chị…

     

    Anh ấy là người cao thượng

    Vẫn thường ghé đến thăm

    Đứa con trai vô tâm

    Đâu hay trái tim chị lại một lần dậy sóng.

    • Like 2

  7. Sức người

     

    Những chàng trai mình trần trùng trục

    Lấm lem bùn đen

    Đôi bàn tay gân guốc

    Hì hục

    Nhịp nhàng

    Cố ngăn dòng nước điên cuồng

    Đục ngầu, hung tợn…

     

    Sau lưng là làng mạc

    Là những cánh đồng đang trĩu hạt

    Là dáng mẹ dãi dầu

    Cả cuộc đời là một chuỗi lo âu

    Đời cơ cực vẫn hoàn cơ cực

     

    Bao năm trời bám đất

    Bưng bát cơm nghe nặng nghĩa tình

    Mồ hôi nhọc nhằn

    hòa vào dòng nước mênh mông

    Nghe vị đất thấm mặn nơi đầu lưỡi

     

    Những chàng trai thay Sơn Tinh dời núi

    Mơ về những mùa vàng

    Mơ một ngày

    Đất oặn mình hồi sinh...

    • Like 2

  8. Bạn có thể gửi thơ cho một số báo và tạp chí có đăng thơ như: Văn nghệ, Văn nghệ trẻ, Văn nghệ quân đội, Văn nghệ công an, Tạp chí văn nghệ của các địa phương, Tạp chí Thơ,...

    Địa chỉ và email bạn tìm dưới các báo trên nhé! Bạn có thể gửi email lẫn thư, nhưng mình nghĩ nên gửi email sẽ tiện hơn.


  9. Bên kia chân trời

     

    Bên kia chân trời

    Những vì sao đã bay vụt mất

    Tôi trở về nhặt tuổi thơ rơi vãi

    Trong chuyện cổ tích của bà…

     

    Lá trạng nguyên đỏ trời tháng ba

    Chú chuồn chuồn kim chòng chành say nắng

    Tôi ngọng nghịu hát bằng lời dế lửa

    Ru những ngày ấu thơ ngủ yên

     

    Có những điều nhỏ nhặt tưởng dễ quên

    Đôi khi kí ức rêu xanh cũng là nỗi nhớ

    Em quay lưng phía chân trời đổ lửa

    Có một người lặng lẽ mà đau…

     

    Em không về nhặt hoa tím nữa sao

    Để lại bên kia nhánh bằng lăng nổi gió

    Trời tháng ba lá trạng nguyên cứ đỏ

    Và trong tôi nắng có tắt bao giờ?

    • Like 5

  10. ky-uc-nguoi-dan-ba.jpg

     

    Ký ức người đàn bà

     

    Người đàn bà điên

    Cúi nhặt bóng thời gian

    Trên đường ray dài hun hút

    Rồi bất chợt cười vang

     

    Ngày hôm qua trong đổ nát hoang tàn

    Chiến tranh và chết chóc

    Kí ức của bà là một quầng lửa đỏ

    Chập chờn lúc chợt tỉnh, chợt mê.

     

    Chiến tranh đã đi qua trong kí ức nhạt nhòa

    Mà nỗi đau vẫn âm thầm ở lại

    Trong kí ức người đàn bà điên dại

    Cháy bùng ngọn lửa hờn căm

     

    Chuyến tàu chiều đi về phía xa xăm

    Không chở hết nỗi đau

    Trên đường ray

    Xẹt lửa…

    • Like 2

  11. mua-khat.jpg

     

    Mùa khát

     

    Cày đồng đang buổi ban trưa (*)

    Mồ hôi ba rơi thánh thót

    Mùa khát...

    Những trưa đổ lửa

    Hạt gieo vào đất chẳng nảy mầm xanh.

     

    Con trở về

    Tháng tư...

    Hoa vông cháy một góc trời thơ ấu

    Đêm đêm

    Bên hiên nhà đàn cóc nghiến răng trệu trạo

    Bà lại kể chuyện ngày xưa:

    “Cóc là cậu ông trời...”

     

    Dòng sông mùa cạn nước ngừng trôi

    Chiếc thuyền nhỏ phơi mình trên bãi vắng

    Những buổi trưa tĩnh lặng

    Văng vẳng xa eo óc một tiếng gà...

     

    Ba lặng lẽ nâng bát chè xanh

    Rồi trầm ngâm: “Đất chẳng phụ mình con ạ!”

    Hạt lại gieo hối hả

    Giọt mồ hôi ba lấp lánh những mùa vàng...

     

    * Ca dao: “Cày đồng đang buổi ban trưa / Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày...”

    • Like 2

  12. nghe-vong-co-tren-song.gif

     

    Nghe vọng cổ trên sông

     

    Nửa đêm trên sông

    Ai ngâm nga mấy câu vọng cổ

    Giật mình

    Con cá thòi lòi quẫy đuôi vào nỗi nhớ

    Đám dừa nước lao xao

    Nghẹn ngào…

    Thuyền chòng chành trên sông trăng

     

    Không có tiếng đàn

    Mái chèo khuya hòa nhịp

    Văng vẳng xa

    Mấy điệu xàng xê nghe mênh mông…

     

    Thuyền bồng bềnh như chiếc lá

    Rặng bần đom đóm lập lòe

    Đám lục bình trôi…

    Khe khẽ

    Tựa hồ như cùng lắng nghe.

    • Like 2

  13. dieu-khong-the-noi.jpg

     

    Điều không thể nói cùng em

     

    Rồi em cũng có chồng có con

    Ngày gặp lại, anh thành người cũ

    Thương em suốt một đời lam lũ

    Lặn lội thân cò mặn giọt mồ hôi...

     

    Đành im lặng thế thôi

    Trước cuộc sống vốn nhiều giới hạn

    Anh như là kẻ trộm

    Sợ cả con chó đá trước đình làng.

     

    Tháng giêng xanh biếc nụ tầm xuân

    Vườn nhà em rụng đầy hoa bưởi

    Anh về đứng giữa trời gió nổi

    Bước phía nào cũng thấy chông chênh.

    • Like 3

  14. Ky-Uc-Song.jpg

     

    Ký ức sông

     

    Hoa mướp vẫn vàng bến sông ngày tôi trở lại

    Hàng dừa nước lao xao những bàn tay vẫy

    Con cá thòi lòi ngơ ngác - tuổi thơ tôi…

     

    Nơi dòng sông đi qua

    Tình yêu tôi còn cồn cào đôi bờ bãi

    Tuổi thơ trôi qua biết bao mùa lũ

    Hạt phù sa in dấu hình hài.

     

    Trong giấc mơ hằng đêm

    Ký ức tuổi thơ lại trở về nguyên vẹn

    Khúc sông hiền hòa những buổi trưa hè ngụp lặn

    Bắt con chuồn chuồn cắn rún tập bơi.

     

    Hoa bần xưa giờ vẫn còn trôi

    Cần vó treo tuổi thơ tôi mắc cạn

    Khúc sông nhỏ mà tình yêu thì vô hạn

    Nên miên man ở phía bãi bồi.

     

    Tôi - chú cá lìm kìm mãi đùa bóng nước

    Biết ai giữ giùm con sóng nhỏ ngày xa?

    • Like 2

  15. Nghe-Thuat.jpg

     

    Nghệ thuật

     

    Như một nghệ sĩ tài ba

    Người lái máy cày vẽ lên mặt ruộng

    Những bức tranh trừu tượng

    Những đường loằng ngoằng…

    Những nét lổm chổm…

    Những gam màu nâu đen…

     

    Tôi mường tượng trên bức tranh kia

    Những vụ mùa tươi tốt,

    Những mầm xanh từ mặt đất nâu đen

    Vươn lên

    Và tôi ước mình hóa thân hạt giống

    Gieo mùa vàng.

     

    Những đường loằng ngoằng vô tận

    Những đường cong

    Đất lấp lánh ánh bạc

    Giọt mồ hôi cũng lấp lánh ánh bạc

    Những luống cày hình xoắn ốc

    Nở hoa…

    • Like 2

  16. viet-o-mot-lang-nghe.jpg

     

    Viết ở một làng nghề

     

    Ông nói vui mà tôi nghe thật buồn

    “Bây giờ cha truyền nhưng con cái chắc gì chịu nối...”

    Sông càng chảy càng xa nguồn cội

    Con sãi ở chùa chẳng còn quét lá đa

     

    Những chàng trai bỏ làng lên phố

    Khát cháy giấc mơ đổi đời

    Nửa đêm giật mình

    Câu “Nhất nghệ tinh...” vẫn còn đau.

     

    Bàn tay người thợ tài hoa

    Năm tháng lấm lem bùn đất

    Không thể nặn nên những giấc mơ có thực

    Mồ hôi rơi...

    Mặn chát môi người

    Vá víu một đời

    Nguyên vẹn đam mê.

     

    Những cụ già sống bằng kí ức

    Nửa đêm trở dậy nhóm lửa lò

    Ngày mai đất sẽ nở hoa

    Hết đêm nắng lại chan hòa đấy thôi...

    • Like 3

  17. phia-sau-lang.jpg

     

    Phía sau làng

     

    Tôi trở về bắt những con cà cuống ngoài đồng

    Ngày xưa bữa cơm chiều

    Mẹ nướng dầm nước mắm

    Mùi rơm rạ len vào miền sâu thẳm

    Kí ức tuổi thơ…

     

    Ruộng rẫy bây giờ

    Không còn những chú cua đồng

    Ngày xưa nhiều như rơm rạ

    Đêm đồng bằng nghe lời ru buồn bã

    "À ơi!…

    Về rẫy ăn còng…

    Về sông ăn cá về đồng ăn cua…"

     

    Những chú ếch đồng ngày xưa

    Bây giờ mùa mưa không còn kêu nữa

    Trẻ em lớn lên nghe kể về loài cà cuống

    Bắt đầu bằng: “Ngày xửa ngày xưa…”

     

    Tôi đi về phía tuổi thơ

    Giẫm lên dấu chân

    Những đứa bạn đã rời làng kiếm sống

    Đất không đủ cho sức trai cày ruộng

    Mồ hôi chẳng hóa thành bát cơm no…

    Thiếu nữ bây giờ không còn hát dân ca

    Cũng thôi để tóc dài ngang lưng nữa…

    Cánh đồng làng giờ nhà cửa chen chúc mọc

    Đâu còn những lũy tre ngày xưa…

     

    Tôi đi về phía làng

    Mang lên phố những nỗi buồn ruộng rẫy…

    • Like 3

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This is an example of a list.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

Footer title

This content can be configured within your theme settings in your ACP. You can add any HTML including images, paragraphs and lists.

×
×
  • Create New...